LUẬT THIỆN KIẾN TỲ BÀ SA
Hán dịch: Tam tạng Tăng già Bạt đà la – đời Tiêu tề
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu- năm 2006 –
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2010; dịch năm 1993

 

QUYỂN 16

Trong giới này nói về nhân duyên của Bàn đà, Bàn đà nghĩa là sanh bên vệ đường, do mẹ của Bàn đà vốn là con gái của đại trưởng giả, trưởng giả này xây lầu bảy tầng cho con gái ở và sai một nô bộc cung cấp vật cần dùng. Nô bộc này lớn lên cùng con gái của trưởng giả tư thông nên cô muốn cùng nô bộc này trốn sang nước khác, nô bộc nói không đi được, cô gái nói: “nếu không đi, cha mẹ biết được sẽ giết anh”, nô bộc nói: “tôi nghèo không có tiền của, đến nước khác làm sao sinh sống?”, cô gái nói: “nếu vậy em sẽ trộm lấy ít vật báu mang đi”, nô bộc bằng lòng cùng trốn đi. Cô gái sau khi trộm được ít vật báu liền cùng nô bộc này trốn sang nước khác, một năm sau cô có thai, lúc sắp sinh liền suy nghĩ: “nếu sanh ở đây thì không có ai giúp đỡ”, nghĩ rồi muốn trở về nhà mẹ đẻ nên nói với chồng, người chồng nói: “chúng ta đã bỏ trốn đi thì làm sao về được”, người vợ nói: “mẹ tuy giận dữ nhưng không thể giết con, em muốn về nhà mẹ để sanh”, người chồng nói: “cha mẹ không giết em nhưng sẽ giết anh”. Người vợ đợi lúc người chồng vào núi lượm củi liền bỏ đi, người chồng trở về không thấy vợ nên đi tìm, đi đến nửa đượng gặp vợ đã sanh được một trai, người chồng nói: “em định về nhà mẹ đẻ sanh nhưng nay đã sanh thì cần gì về nữa”, người vợ nghe rồi cùng chồng trở về, không về nhà mẹ nữa. Một năm sau, người vợ lại mang thai, khi sắp sanh lại muốn về nhà mẹ đẻ nhưng đến nửa đường thì sanh một trai nữa; cả hai anh em đều sanh bên vệ đường nên được gọi là Bàn đà anh, Bàn đà em. Lớn lên cùng chơi với các bạn thường bị chúng trêu chọc là không có bà con thân thích, chúng nghe rồi khóc chạy về hỏi mẹ, người mẹ im lặng không nói, chúng lại khóc và không chịu ăn cơm, người mẹ thấy vậy nên kể rõ mọi việc cho hai con nghe, chúng nghe rồi muốn trở về nhà ngoại, không muốn ở lại nơi đây nữa. Hai vợ chồng sau khi bàn bạc xong liền dẫn hai con trở về nhà cha mẹ, về đến trước cửa bảo gia nhân vào thông báo, cha mẹ nghe báo liền bảo gia nhân: “cho hai đứa trẻ vào, còn hai vợ chồng kia thì không cần gặp chúng ta nữa”. Trưởng giả cho hai cháu tắm rửa bằng nước thơm, cho mặc y phục đẹp và trang nghiêm bằng chuỗi anh lạc rồi bồng hai cháu lên hỏi: “mẹ cháu ở nơi ấy sống như thế nào, không có nghèo thiếu chứ?”, đáp là rất nghèo thiếu phải kiếm củi bán để sống. Trưởng giả nghe rồi sanh lòng thương liền mở kho lấy đầy túi vàng, sai người mang đến cho con gái và bảo rằng: “hãy để hai cháu ở lại, hai vợ chồng mang số vàng này trở về chỗ cũ tìm kế sanh nhai, không cần đến gặp lại cha mẹ nữa”, trưởng giả nuôi hai cháu cho đến trưởng thành, giao lại tài sản cho hai cháu rồi qua đời.

Lúc đó Phật đang thuyết pháp cho bốn chúng, Bàn đà anh đến nghe pháp, nghe xong liền xuốn xuất gia nên trở về nhà nói với em: “anh muốn xuất gia, gia nghiệp này giao hết lại cho em”, người em nghe rồi liền ba lần cầu xin anh ở lại, nhưng người anh đã quyết tâm nên giao hết gia nghiệp lại cho em rồi xuất gia, xuất gia không bao lâu sau liền chứng quả A-la-hán. Thời gian lâu sau, người em cũng nhàm lìa thế sự muốn xuất gia nên tìm gặp anh xin xuất gia, người anh độ cho xuất gia thọ giới cụ túc và dạy kinh pháp cho em, nhưng người em này học một bài kệ đến bốn tháng vẫn chưa thuộc được. Ma ha Bàn đà suy nghĩ: “Châu la Bàn đà không có duyên với Phật pháp, nên đuổi trở về nhà”, nghĩ rồi liền bảo Bàn đà nên hoàn tục và đuổi ra cửa, Bàn đà không muốn hoàn tục nên đứng trước cửa khóc. Lúc đó Thế tôn dùng thiên nhãn quán thấy Châu la Bàn đà có thể hóa độ được nên đi đến trước Bàn đà hỏi vì sao đứng khóc, Bàn đà kể rõ nguyên do, Phật nói: “có thể chỉ có ta mới hóa độ được con, con hãy theo ta”, sau đó Phật theo căn cơ, dạy Bàn đà học thuộc hai chữ lau bụi và dạy quán ý nghĩa của nó; thời gian sau, khi quán thấy Bàn đà sắp tỏ ngộ, Phật liền nói kệ:

Bậc tịch tịnh hoan hỉ,
Thấy pháp được an lạc,
Không sân, an lạc nhất.
Không làm hai chúng sanh,
Thế gian không dục lạc,
Ai thoát ly ái dục,
Điều phục được ngã mạn,
Là an lạc bậc nhất”

Châu la Bàn đà từ xa nghe được bài kệ này liền chứng quả A-lahán.

Hỏi: có Tỳ kheo nào đến giáo giới Tỳ kheo ni, nói bát kỉnh pháp mà lại phạm Ba dật đề hay không?- có, nếu Tỳ kheo không được Tăng sai, tự đến chùa ni giáo giới và giáo giới đến mặt trời lặn thì phạm Ba dật đề.

Trong giới này, nói ăn biệt chúng có hai trường hợp là thỉnh và xin; nói thỉnh là như có Ưu bà tắc đến thỉnh bốn Tỳ kheo đến nhà thọ thực, nếu bốn Tỳ kheo này thọ thỉnh thì gọi là thỉnh biệt chúng, cùng đến thọ thỉnh thực thì gọi là ăn biệt chúng. Nói xin là như có bốn Tỳ kheo khất thực đến nhà một Ưu bà tắc khất thực được thức ăn rồi cùng đến một nơi thọ thực thì gọi là ăn biệt chúng. Nói trừ bịnh là cho đến chân bị trầy xướt đi không được; nói trừ khi may y là cắt rọc hoặc may, cho đến đang làm khuy nút; nói trừ đi đường, đi thuyền là ít nhất đi khoảng nửa do tuần; nói trừ khi thời buổi mất mùa đói kém là bốn người ăn không đủ no; nói trừ khi Sa mônthí thực là Sa mônđồng pháp hay Sa môn ngoại đạo thí thực thì được ăn biệt chúng không phạm.

Có năm trường hợp ăn biệt chúng không phạm:

1. Không thỉnh đủ bốn vị là nếu thí chủ thỉnh bốn vị, một người biết pháp sẽ không đến, chỉ có ba vị đến thọ thỉnh thực; khi dọn thức ăn lên, thí chủ thấy có Tỳ kheo khác đến liền thỉnh cùng thọ thực, tuy đủ bốn người ăn nhưng không phạm ăn biệt chúng.

2. Khất thực đủ bốn vị là ba vị thọ thỉnh thực cùng một Tỳ kheo khất thực tuy đủ bốn nhưng không phạm ăn biệt chúng.

3. Đủ bốn người chưa thọ giới cụ túc là ba đạo nhân cùng một Sa di thọ thỉnh thực thì không phạm.

4. Thêm một bát đủ bốn là ba đạo nhân thọ thỉnh thỉnh và thêm một bát cho Tỳ kheo khất thực thì không phạm.

5. Thêm người bịnh đủ bốn là ba đạo nhân thọ thỉnh thực và thêm một Tỳ kheo bịnh thành bốn thì không phạm.

Nếu thí chủ thỉnh bốn Tỳ kheo thọ thực, một Tỳ kheo biết luật nên phương tiện dùng tay ngăn không cho thí chủ sớt thức ăn vào trong bát mình và nói: “xin sớt cho ba vị kia ăn trước, tôi muốn chú nguyện”, đợi ba vị kia ăn xong, mình ăn sau thì không phạm ăn biệt chúng.

Nếu Tỳ kheo thọ thỉnh rồi, trước giờ thỉnh thực được cúng thức ăn, ăn rồi sau đó đến chỗ thọ thỉnh thực ăn nữa thì gọi là triển chuyển thực.

Trong giới thọ quá ba bát là do Tỳ kheo thọ thức ăn mang theo đi đường của thương nhân và của cô dâu sắp về nhà chồng quá ba bát nên Phật chế giới này. Nếu Tỳ kheo thọ lấy một bát thì được tùy ý ăn hoặc cho người; nếu thọ lấy hai bát thì một bát tự ăn, bát còn lại cúng cho Tỳ kheo tăng; nếu thọ lấy ba bát thì một bát tự ăn, hai bát còn lại cúng cho Tỳ kheo tăng, không được đem cho bạch y quen biết hoặc bà con. Nếu thí chủ thỉnh tùy ý thì cũng không được thọ quá ba bát.

Trong giới ăn no đủ, nói năm loại chánh thực là cơm gạo lúa canh hoặc gạo lúa tế, hoặc gạo lúa tẻ, hoặc gạo lúa canh đỏ hoặc gạo lúa mạch; nếu cháo nấu từ năm loại gạo này, vừa mới chín mà dùng ngón tay vẽ trên cháo thành chữ được thì phải thọ pháp dư thực; cháo nấu với rau củ cũng vậy; cháo thịt hay cháo cá nếu cá thịt lớn như hạt cải thì phải thọ pháp dư thực; nếu cháo loảng nhiều nước thì không cần làm pháp dư thực. Nói cơm khô là loại thực phẩm làm từ năm loại gạo trên được phơi khô như bún khô, miến khô, mì, phở, nui… nấu làm thức ăn thuộc loại chánh thực thì phải làm pháp dư thực; nếu làm từ ngũ cốc như đậu thì không cần làm pháp dư thực. Nói cớm là loại thực phẩm cũng được làm từ năm loại gạo trên có hai: một là cớm rời; hai là bánh cớm, tức là cớm rời được trộn với đường mật làm cho dính lại rồi vò thành bánh để mang theo ăn khi đi đường. Nếu Tỳ kheo đang thọ chánh thực, trong bát còn thức ăn, nếu có người mang thêm thức ăn đến, ở trong tầm tay mình thì ngăn thành ngăn; nếu ngoài tầm tay mình thì ngăn không thành ngăn. Nói trong tầm tay là cách thân khoảng hai khuỷu tay rưỡi, ngoài tầm tay là hơn hai khuỷu tay. Nói ngăn là hoặc dùng thân ngăn hoặc dùng miệng ngăn; dùng thân ngăn là đưa tay ngăn không cho sớt thêm thức ăn vào bát hoặc lắc đầu hoặc dùng tay đậy miệng bát; dùng miệng ngăn là nói thôi đủ rồi.

Trong giới phi thời thực, đối với năm loại thức ăn từ củ (rễ), thân cành, lá, hoa và quả có thể dùng làm thời thực hoặc dùng làm phi thời thực, hoặc dùng làm Tận hình thọ dược.

Nếu Tỳ kheo không bịnh mà xin loại thức ăn ngon như sữa, lạc, cá, thịt thì phạm Ba dật đề, xin cho người bịnh thì không phạm.

Trong giới không thọ mà ăn, nếu chư thiên, quỷ thần cho đến súc sanh trao thức ăn cho Tỳ kheo đều thành thọ; nếu người đội thức ăn trên đầu hay vác trên vai mang đến cho Tỳ kheo bảo tự lấy ăn thì không thành thọ, nếu để thức ăn vào tay Tỳ kheo thì thành thọ. Nếu người gánh thức ăn mang đến cúng cho Tỳ kheo, Tỳ kheo thọ thức ăn ở một đầu gánh thì thức ăn ở đầu gánh kia cũng thành thọ. Nếu khất thực được thức ăn gặp mưa gió thổi bụi bay vào bát, Tỳ kheo đưa cho Sa di rồi thọ lại ăn không phạm. Nếu trên thuền hay xe có chở thức ăn, Tỳ kheo phụ kéo thuyền hay đẩy xe, tuy động thức ăn nhưng được ăn thức ăn này không phạm. Nếu nhiều Tỳ kheo tự mang lương thực đi đường, đến khi thọ thực đổi thức ăn cho nhau rồi ăn thì không phạm. Nếu các loại củ trái sau khi hỏa tịnh rồi lại nẩy mầm thì chỗ nẩy mầm nên tác tịnh lại; muối sau khi tác pháp thọ rồi chảy thành nước cũng không mất pháp thọ.

Trong giới ngồi cùng người nữ nơi chỗ khuất, nếu ngồi chung một ghế, cùng nói chuyện và hiểu nhau, ngồi gần nhau trong tầm tay thì phạm Ba dật đề, ngoài tầm tay thì phạm Đột kiết la.

Thích Ma ha nam là em con chú của Phật, sinh trước Phật một tháng và đã đắc quả Tu đà hoàn, vị này cúng dường cho Tăng bốn tháng thuốc, Tỳ kheo nào qua bốn tháng mà đến đòi hỏi nữa thì phạm Ba dật đề; nếu cho dầu mà đòi sữa lạc thì phạm Đột kiết la.

Nói binh voi là trên lưng voi có bốn người, dưới có tám người; binh ngựa là trên lưng ngựa có một người, dưới có hai người; binh xe là trên xe có bốn người; binh bộ là một đội bốn người đi cùng nhau.

Nếu dùng rượu nấu ăn hay làm thuốc mà còn mùi rượu, vị rượu, ăn thì phạm Đột kiết la; nếu không còn mùi rượu, vị rượu thì ăn không phạm.

Nếu nước sâu đến bắp chân mà đùa giỡn thì phạm Ba dật đề, lay thuyền đùa giỡn nước thì phạm Đột kiết la.

Nói ba màu hoại sắc là màu xanh lam, màu mộc lan (xanh đen), màu xám tro, nếu không dùng một trong ba màu này để làm cho hoại sắc thì phạm Ba dật đề.

Nếu biết nước có trùng mà uống dùng thì phạm Ba dật đề, nếu dùng nước có trùng nấu nước nóng cũng vậy,

Nếu biết Tỳ kheo khác phạm tội Thô mà che giấu, như thế cho đến nhiều Tỳ kheo che giấu cho nhau đều phạm Ba dật đề – thuộc tánh tội.

Nếu muốn cho người chưa đủ hai mươi tuổi thọ giới cụ túc thì nên tính luôn cả số tháng trong thai, hoặc tính cả tháng nhuần; đến ngày thứ mười bốn bố tát mà đủ hai mươi tuổi thì được cho thọ giới cụ túc.

Nếu hẹn với bọn người trốn thuế đi chung đường thì phạm Ba dật đề; hẹn với Tỳ kheo ni đi chung đường cũng phạm Ba dật đề.

Do Tỳ kheo A lật tra sanh ác tà kiến cho hành dâm không chướng ngăn đường sanh thiên, không chướng ngăn giải thoát nên Phật chế giới này.

Nói trì luậtcó năm đức, sáu đức… mười một đức. Năm đức là:

1. Tự thân giữ giới thanh tịnh, không thiếu sót, nếu đủ sáu pháp thì thanh tịnh không phạm:

2. Bất vô thú: nếu biết mà cố ý làm hoặc biết mà che giấu hoặc chỗ không nên đến mà đến thì gọi là vô thú.

3. Bất vô tri: vô tri là không biết giới tướng, muốn làm gì thì làm nên phạm tội.

4. Bất hồ nghi: tâm sanh nghi mà vẫn làm nên phạm tội.

5. Bất tịnh nói là tịnh: như thịt gấu là bất tịnh mà nói là thịt heo tịnh, hoặc thịt cọp mà nói là thịt nai, hoặc phi thời thực mà nói là thời thực nên phạm.

– Tịnh nói là bất tịnh: như thịt nai cho là thịt cọp hoặc thời thực mà cho là phi thời thực nên phạm.

1. Bất hôn mê: hôn mê là như cùng người chưa thọ giới cụ túc ngủ quá hai đêm mà không biết, hoặc không phân biệt được thời và phi thời hoặc lìa y ngủ đêm mà không biết nên phạm.

2. Dứt nghi cho người khác là nếu có Tỳ kheo khác phạm tội sanh nghi, không quyết đoán được nên đến hỏi, liền có thể như pháp như luật quyết nghi cho họ.

3. Vào trong chúng không sợ là do biết luật nên như pháp như luật mà làm việc nên khi vào trong chúng không sợ.

4. Điều phục được oan gia là như các Ly xa tử lập ra mười điều phi pháp, có thể như pháp như luật trừ diệt được phi pháp này thì gọi là điều phục được oan gia.

5. Làm cho chánh pháp được trụ lâu là tự thân tùy thuận pháp và có thể làm cho người khác đắc pháp. Nhờ đắc pháp nên chánh tâm trì luật, nhờ trì luật nên đắc định, nhờ đắc định nên chứng quả. Như trong luật Phật bảo A-nan: “sau khi ta diệt độ, giới luật là đại sư của các thầy, nếu ở đời còn có ít nhất năm Tỳ kheo hiểu luật thì chánh pháp trụ lâu. Nếu ở Trung Thiên trúc, Phạt pháp bị diệt mà ở biên địa còn năm Tỳ kheo hiểu luật truyền giới cụ túc cho năm người khác, đủ túc số mười người đến Trung Thiên trúc truyền giới cụ túc cho người khác, như thế cho đến đủ túc số hai mươi người để xuất tội Tăng tàn thì chánh pháp được trụ lâu”.

Nói trì luật có sáu đức: một là thông hiểu Ba la đề mộc xoa, hai là biết bố tát, ba là biết tự tứ, bốn là biết pháp truyền giới cụ túc cho người, năm là được thọ người khác y chỉ, sáu là được nuôi Sa di. Thông hiểu Ba la đề mộc xoa là:

1. Biết bố tát vào ngày thứ mươi bốn.

2. Biết bố tát vào ngày thứ mươi lăm.

3. Biết hòa hợp bố tát.

4. Biết pháp của Tăng bố tát

5. Biết pháp của chúng bố tát.

6. Biết pháp của một người bố tát.

7. Biết thuyết Ba la đề mộc xoa

8. Biết tịnh bố tát.

9. Biết sắc bố tát.

10. Nói biết tự tứ là:

1. Biết tự tứ vào ngày thứ mười bốn.

2. Biết tự tứ vào ngày thứ mười lăm.

3. Biết hòa hợp tự tứ.

4. Biết pháp của Tăng tự tứ.

5. Biết pháp của chúng tự tứ

6. Biết pháp của một người tự tứ.

7. Biết trường hợp tự tứ nói ba lần.

8. Biết trường hợp tự tứ nói một lần.

9. Biết pháp đồng tuổi tự tứ.

– Nói Tăng nên biết bốn pháp là:

1. Biết pháp bạch Tăng

2. Biết pháp đơn bạch yết ma

3. Biết pháp bạch nhị yết ma

4. Biết pháp bạch tứ yết ma.

Bốn pháp này chỉ có luật sư mới biết, không phải kinh sư hay luận sư có thể biết được. Tỳ kheo nếu không thông hiểu luật, chỉbiết kinh luận thì không được độ Sa di, không được thọ người khác y chỉ. Nếu hợp đủ năm đức và sáu đức trên thì thành mười một đức trì luật, nhờ có luật sư trì luật nên Phật pháp có thể trụ lâu ở đời năm ngàn năm.

Nếu đối trước Tỳ kheo nói lời khinh chê giới là vụn vặt thì phạm Ba dật đề, nếu đối trước người chưa thọ giới cụ túc mà nói thì phạm Đột kiết la.

Trong giới đánh và dọa đánh Tỳ kheo là do Lục quần Tỳ kheo sai bảo Thập thất quần Tỳ kheo mà không chịu nghe theo nên đánh, sau khi Phật chế không được đánh liền dọa đánh. Nếu giận đánh cho chết thì phạm Ba la di, giận đánh làm cho bị thương thì phạm Ba dật đề, giận đánh người chưa thọ giới cụ túc cho đến đánh súc sanh thì phạm Đột kiết la; nếu với tâm dâm dục mà đánh người nữ thì phạm Tăng tàn; nếu gặp các nạn cọp sói… và nạn phạm hạnh, dùng tay đánh hay chân đá để cầu thoát thì không phạm.

Nói rình nghe lén là rình ở chỗ khuất hay đứng sau vách hay núp trong tối để nghe lén, khi bước chân đi thì phạm Đột kiết la, đến đứng chỗ nghe được thì phạm Ba dật đề.

Trong giới vào cửa cung vua, Phật nói có mười lỗi:

1. Khi vua cùng phu nhân ngồi chung một nơi, phu nhân thấy Tỳ kheo mà cười hoặc Tỳ kheo thấy phu nhân mà cười thì vua sẽ sanh nghi cho là Tỳ kheo tư thông với phu nhân.

2. Nếu vua cùng thể nữ ở trong cung giao hội rồi mà quên, sau đó thể nữ này có thai sanh con, vua sẽ sanh nghi cho là do Tỳ kheo làm.

3.  Nếu trong cung mất vật báu mà tìm không được, vua sẽ sanh nghi cho là Tỳ kheo lấy.

4. Nếu những lời bí mật riêng tư trong cung truyền ra ngoài, vua sẽ sanh nghi cho là do Tỳ kheo nói.

5. Nếu vua có giáng chức ai hay thăng chức cho ai thì mọi người sẽ nghi là do Tỳ kheo tâu vua.

7. Nếu vua truất phế đại thần thì mọi người sẽ nghi là do Tỳ kheo tâu vua.

8. Nếu vua tước bỏ tước vị trưởng giả của người cha và cho con lên thay thì mọi người sẽ sanh nghi là do Tỳ kheo tâu vua.

9. Nếu vua phi thời xuất binh thì mọi người sẽ sanh nghi là do Tỳ kheo tâu vua.

10. Nếu vua đến giữa đường, phi thời lui quân trở về thì mọi người sẽ sanh nghi là do Tỳ kheo tâu vua.

11. Nếu vua phi thời xa giá xuất cung du hành thì mọi người sẽ sanh nghi là do Tỳ kheo tâu vua.

Trong giới cầm vật báu, nếu vì Tăng cầm lấy vật báu và cất giữ thì phạm Đột kiết la. Nếu trong phòng Tăng hay trú xứ Tăng thấy vật báu đánh rơi, lượm cất với ý nghĩ chủ vật đến hỏi thì sẽ đưa lại thì không phạm. Nếu muốn bỏ đi nơi khác nên giao vật báu này cho vị tri sự và dặn nếu chủ vật đến hỏi thì đưa lại cho họ. Nếu trải qua thời gian lâu, chủ vật không đến, Tăng được lấy dùng vào việc tu sửa phòng xá hay làm ao làm giếng nước cho Tăng dùng, không được lấy dùng riêng. Nếu lúc đó chủ đến đòi thì dẫn họ đến xem phòng xá đã tu sửa hoặc giếng hay ao đã làm để yêu cầu họ bố thí, nếu họ bố thí không đòi nữa thì tốt, nếu vẫn muốn đòi lại thì Tăng nên khuyến hóa các nơi để trả lại cho họ.

Những giới còn lại trong nguyên bổn không có giải thích. Trong giới Học gia của Ba la đề đề xá ni, nếu cả hai vợ chồng đều đắc quả Tu đà hoàn thì dù có trăm lượng vàng cũng đem cúng dường hết, vì đã đắc đạo nên không có tâm xẻn tiếc tài sản. Do bố thí cúng dường quá lượng nên trở nên nghèo nàn, Phật nhân việc này chế giới không cho Tăng đến nhà Học gia này thọ cúng dường nữa.

Trong thiên Chúng học pháp là nói những điều cần nên học, như việc đổ nước rửa bát trong nhà thế tục, nếu đã vớt hết cơm cặn để bố thí cho chúng sanh thì đổ nước rửa này không phạm. Những việc nói về tháp như không được ngủ đêm và giấu cất tạp vật trong tháp Phật, không được mang giày dép da và tay cầm giày dép vào tháp Phật, không được mang giày ủng vào tháp Phật, không được khiêng tử thi và giường tử thi ngang qua tháp Phật, không được tử thi ở dưới tháp Phật hoặc ở bốn phía tháp Phật; không được đại tiểu tiện ưới tháp Phật hoặc bốn phía tháp Phật, không được mang tượng Phật đến chỗ đại tiểu tiện; không được đứng xỉa răng dưới tháp Phật hoặc ở bốn phia tháp Phật; không được khạc nhổ dưới tháp Phật hoặc ở bốn phía tháp Phật; không được ngồi duỗi chân về tháp Phật; không được để tượng Phật ở phòng dưới, mình ở phòng trên. Những việc này trong nguyên bản Pali không có.

Lúc đó Phật quở trách Lục quần Tỳ kheo: “vì sao các thầy ngồi ở phía dưới thấp lại thuyết pháp cho người ngồi ở trên cao?”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo:

Thuở xưa tại nước Ba la nại, có một cư sĩ tên Xa ba gia, vợ có thai thèm muốn ăn xoài nên bảo chồng tìm xoài cho mình ăn, người chồng nói: ‘ lúc này không phải là mùa xoài, ở đâu tìm được xoài’, người vợ nói nếu không được ăn xoài sẽ chết. Người chồng suy nghĩ chỉ có trong vườn xoài của vua mới có xoài trái mùa, nên ban đêm lẻn vào vườn của vua để hái trộm, chưa tìm thấy trái để hái thì trời sáng, không thể ra khỏi vườn được nên anh leo lên cây ẩn nấp. Lúc đó vua cùng Bà la môn vào vườn, vua ngồi trên cao, Bà la môn ngồi ở dưới thấp thuyết pháp cho vua nghe. Người trộm xoài núp trên cây thấy việc này rồi suy nghĩ: ‘ ta ăn trộm xoài tội đáng chết, nhân việc này mà được thoát, vì sao, ta vì vợ ăn trộm xoài là không đúng pháp, vua ngồi ở trên cao nghe pháp là kiêu mạn không đúng pháp, Bà la môn ngồi ở dưới thấp thuyết pháp cho vua ngồi trên cao nghe, vì tham lợi dưỡng là không đúng pháp. Cả ba đều không đúng pháp nên ta được thoát tội”, nghĩ rồi liền leo xuống đến trước vua nói kệ:

“Ba người không đúng pháp,
Hai người không thấy pháp,
Người dạy không y pháp,
Người nghe không hiểu pháp,
Vì được ăn gạo ngon,
Và thức ăn thượng diệu,
Chỉ vì ăn và uống,
Nói pháp không đúng pháp,
Chỉ vì danh và lợi,
Hủy hoại pháp nhà ông”

Người trộm xoài thuở xưa chính là tiền thân của ta ngày nay, khi ta còn là phàm phu, thấy người ngồi ở dưới thấp nói pháp cho người ngồi ở trên cao còn nói là phi pháp, huống chi các đệ tử của ta ngày nay, ngồi ở dưới thấp mà lại thuyết pháp cho người ngồi ở trên cao nghe”.

Bảy pháp diệt tránh sẽ nói rõ trong Kiền đà ca.

Trong giới của Tỳ kheo ni về giới xúc chạm Ba la di, nếu Tỳ kheo ni bị xúc chạm từ bờ vai trở xuống, từ bắp đùi trở lên thì phạm Ba la di; nếu Tỳ kheo ni sờ chạm Tỳ kheo, Tỳ kheo tuy thọ lạc mà thân không động thì không phạm; ngược lại nếu Tỳ kheo xúc chạm Tỳ kheo ni, Tỳ kheo ni tuy thân không động nhưng thọ lạc thì tuy chỗ bị xúc chạm mà kết phạm. Trong thiên Tăng già bà thi sa về giới kiện thưa cư sĩ, nếu Tỳ kheo ni kiện thưa người khác, cùng họ đến chỗ quan, Tỳ kheo ni bảo cư sĩ nói lý trước, khi cư sĩ nói lý của mình thì Tỳ kheo ni phạm Đột kiết la; đến lượt Tỳ kheo ni nói lý của mình thì phạm Thâu lan giá, sau đó quan xử Tỳ kheo ni được thắng kiện hay không, Tỳ kheo ni đều phạm Tăng tàn. Nếu cư sĩ kiện thưa Tỳ kheo ni cùng đến chỗ quan, quan nói: “Tỳ kheo ni hãy trở về, quan tự sẽ phán xét”, sau đó dù quan xử Tỳ kheo ni được thắng kiện hay không, Tỳ kheo ni đều không phạm. Nếu Tỳ kheo ni đến quan kiện thưa người khác, quan hỏi tên, Tỳ kheo ni không nói tên mình thì không phạm, nhưng nếu bảo quan phạt tiền người kia thì tùy quan phạt người kia bao nhiêu tiền, Tỳ kheo ni nên bồi thường lại. Nếu không bảo bảo phạt tiền, tự quan điều tra biết được rồi phạt tiền thì Tỳ kheo ni không phạm. Nếu có người trộm y của Tỳ kheo ni bị bắt, Tỳ kheo ni không nên nói đó là kẻ trộm, chỉ nên nói người này lấy y của tôi đi. Nếu có người xâm phạm Tỳ kheo ni, Tỳ kheo ni được đến chỗ vua yêu cầu bảo hộ nhưng không được nói tên mình ra, vua nghe rồi ra lịnh ai xâm phạm Tỳ kheo ni thì bị trị phạt theo pháp luật; sau đó nếu có người xâm phạm Tỳ kheo ni, bị vua trị phạt thì Tỳ kheo ni không phạm. Những giới còn lại khác không có giải thích. Ba mươi pháp Xả đọa cũng không có giải thích.

Trong thiên Ba dật đề về giới ăn tỏi, nếu Tỳ kheo ni ăn củ tỏi lớn thì phạm Ba dật đề, dùng tỏi nhỏ, hành nhỏ khử mùi trong thức ăn thì không phạm. Trong giới tẩy tịnh, chỉ nên dùng hai ngón tay, mỗi ngón một lóng đốt để tẩy tịnh thì không phạm, quá thì phạm Ba dật đề. Trong giới xin lúa bắp sống, nếu vì làm phòng xá mà xin thì không phạm, xin rau đậu cũng không phạm. Nếu Tỳ kheo ni đại tiểu tiện trên cây cỏ rau tươi và hạt giống mới nẩy mầm thì phạm Ba dật đề; đại tiểu tiện trên cây cỏ rau khô héo và hạt giống chưa nẩy mầm thì phạm Đột kiết la. Những giới còn lại khác không có giải thích. Tám pháp Ba la đề đề xá ni cũng không có giải thích. Dưới dây giải thích về Kiền đà ca Kiền đà ca, Hán dịch là tạp kiền độ, tạp sự.

Phật sau khi thành đạo được bảy ngày liền xuất định, vua trời Đế thích dâng cúng trái Ha lê lặc và tăm xỉa răng cho Phật. Lúc đó có hai anh em thương nhân chuyên chở hàng hóa từ thôn Ưu già la muốn đến Trung phương buôn bán, khi gần đến cây Bồ đề, xe hàng bỗng nhiên dừng lại không thể đi tiếp được nữa. Hai anh em cho là điềm xấu nên bày biện đồ cúng tế quỷ thần, thần cây hiện ra nói: “xe hàng của ngươi không đi được nữa là do ta giữ lại, các ngươi nên biết, con vua Tịnh phạn sau khi xuất gia tu đạo, đã thành đạo đang ngồi dưới cội Bồ đề, bảy ngày nay chưa ăn gì, các ngươi nên dâng bánh mật cúng Phật, sẽ được lợi ích an lạc lâu dài”, hai anh em nghe rồi liền đem bánh mật dâng cúng Phật và là người thọ pháp tam quy đầu tiên.

Hỏi: cái bát mà Phật đã thọ cháo sữa trước đây đâu rồi, vì sao Phật lại thọ bát của trời Tứ thiên vương cúng?- Bát mà Phật đã thọ cháo sữa trước đây bị rơi xuống sông Ni liên thiền, Long vương đã lấy cất để cúng dường, cho nên nay phải thọ bát của trời Tứ thiên vương cúng.

Nếu người muốn xuất gia thì phải được cha mẹ cho phép, không có các thứ bịnh cũng không có các chướng nạn, kế đến trong Tăng bạch, nếu Tăng không nhóm thì phải đi đến từng người bạch, sau khi bạch tăng xong, tắm rửa sạch sẽ rồi sau đó cho cạo tóc. Hòa thượng độ đệ tử nên tưởng như con, không nên xem thường, vì nếu đối xử với họ như con thì họ sẽ xem mình như cha không khác. Khi sắp cạo tóc, Thượng tòa nên dạy họ quán năm pháp bất tịnh là tóc, lông, móng, răng và da, vì sao, vì có người tiền thân đã từng quán pháp này, nay quán lại nên nghiệp lành đời trước phát khởi, tóc chưa rơi hết xuống đất liền chứng quả A-la-hán; như mụt ghẻ đã muồi phải chích mới vỡ ra, như hoa sen phải đợi mặt trời mọc mới nở tung ra. Khi cạo tóc nên chừa ba chỏm tóc trên đầu, gội sạch bằng nước thơm để tẩy mùi thế tục rồi dẫn đến chỗ Hòa thượng, Hòa thượng nên hỏi: “con có chịu cạo sạch hết tóc trên đầu không?”, đáp chịu thì Hòa thượng sẽ cạo hết tóc còn lại trên đầu. Cạo tóc xong, Hòa thượng trao cho ca sa, đệ tử nhận đội trên đầu rồi đợi Hòa thượng khoác ca sa lên người chứ không được tự lấy đắp. Sau đó Hòa thượng đưa đệ tử đến đảnh lễ A-xà-lê, vị này sẽ dạy pháp xin thọ tam quy và mười giới. Nói thọ Tam quy có hai trường hợp:

1. Thọ riêng là như nói quy y Phật, quy y Phật rồi; quy y Pháp, quy y Pháp rồi; quy y Tăng, quy y Tăng rồi.

2. Thọ chung là như nói quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng; quy y Phật rồi, quy y Pháp rồi, quy y Tăng rồi.

Thứ lớp của tam quy không được nói đảo ngược, nếu thầy dạy nói thọ tam quy mà không nói ra lời, hoặc nói không đầy đủ thì không thành thọ. Thọ mười giới cũng có hai trường hợp: một là thọ riêng từng giới; hai là thọ chung một lần cả mười giới, từ giới thứ nhất không sát sanh cho đến giới thứ mười là không cầm giữ sanh tượng; nói sanh tượng là vàng bạc và vật báu. Nếu ngôn ngữ không đồng, không hiểu nhau thì phải nói nghĩa cho họ hiểu như vậy gọi là không sát sanh…; nếu là người độn căn, không biết cách đắp y, không biết bưng bát… thì không được lìa thầy, mỗi mỗi phải theo thầy học tập, Hòa thượng nên xem đệ tử như con.

Đệ tử nên dậy sớm, sau khi đánh răng súc miệng rửa mặt xong nên đến chỗ Hòa thượng, đưa cho thầy ba loại cây đánh răng lớn vừa và nhỏ để thầy tùy ý lựa dùng, kế đem hai loại nước ấm và lạnh để thầy tùy ý dùng rửa mặt. Khi thầy vào nhà vệ sinh, đệ tử nên quét dọn phòng thầy cho sạch sẽ; nếu thấy muốn đia ra ngoài nên trao y Tăng già lê cho thầy và mang bát đi theo sau, không được đi quá gần thầy cũng không được đi quá xa. Thầy nên dạy đệ tử trì giới, nếu lở có phạm nên bảo sám hối; nếu đệ tử thiếu bát hay vật cần dùng, thầy có dư nên cho; đệ tử bịnh thầy nên chăm sóc. Nếu thầy có nhiều đệ tử thì một người phụng sự, những người khác tùy ý tu học.

Lúc đó có Bà la môn cầu xuất gia, các Tỳ kheo không cho nên buồn khóc, Phật hỏi rõ nguyên do rồi hỏi các Tỳ kheo: “vị nào có thọ ân Bà la môn này?”, tôn giả Xá lợi phất đáp: “tại thành Vương xá, con từng được Bà la môn này thí thực”, Phật nói: “vậy thầy nên độ Bà la môn này”, Xá lợi phất hỏi nên độ như thế nào, Phật bảo nên bạch tứ yết ma truyền trao giới cụ túc, nói rồi liền bảo các Tỳ kheo: “từ nay chấm dứt pháp nói ba lần thọ đắc giới, Tỳ kheo hiểu luật trong Tăng nên bạch tứ yết ma truyền trao giới”. Sau đó có Tỳ kheo sau khi thọ giới xong làm nhiều hạnh xấu, không giữ oai nghi bị các Tỳ kheo thiểu dục tri túc quở trách, liền nói: “ai thỉnh đại đức truyền giới, ai thỉnh đại đức làm Hòa thượng?”, các Tỳ kheo bạch Phật, Phật nhân việc này chế giới: “người nào không thỉnh Hòa thượng, không xin giới thì Tăng không được truyền trao giới cụ túc cho người đó; nếu truyền giới thì phạm Đột kiết la”. Sau đó, các Tỳ kheo hoặc hai hoặc ba người bạch tứ yết ma truyền trao giới cụ túc, các Tỳ kheo thiểu dục tri túc quở trách rồi bạch Phật, Phật nhân việc này nhóm Tỳ kheo tăng chế giới: “từ nay phải đủ túc số mười vị mới được bạch tứ yết ma truyền trao giới cụ túc cho người, nếu không đủ túc số mà truyền giới thì phạm Đột kiết la”. Sau đó có Tỳ kheo mới một hoặc hai tuổi hạ đã độ người cho xuất gia và thọ giới cụ túc, không biết dạy bảo nên đệ tử không biết giữ oai nghi. Khi dẫn đệ tử đến đảnh lễ Phật, Phật thăm hỏi qua loa rồi hỏi: “Tỳ kheo này là đệ tử của ai?”, đáp là đệ tử của con, Phật lại hỏi thầy mấy tuổi hạ, đáp là hai tuổi hạ, Phật lại hỏi đệ tử mấy tuổi hạ, đáp là một tuổi hạ, Phật liền quở trách: “thầy như người chưa dứt sữa mẹ, vì sao lại liền độ người?”, quở trách rồi nhóm Tỳ kheo tăng chế giới: “từ nay, Tỳ kheo nào chưa đủ mười tuổi hạ thì không được độ người xuất gia và cho thọ giới cụ túc; nếu đủ mười tuổi hạ mà ngu si không có trí huệ thì cũng không được độ người”.

Nếu đệ tử cùng thầy y chỉ đi trên đường mà gặp lại Hòa thượng thì liền mất y chỉ; nếu gặp Hòa thượng mà tưởng là không phải Hòa thượng thì không mất y chỉ; nếu Hòa thượng vào trong giới mà đệ tử không biết thì không mất y chỉ, nếu biết thì mất y chỉ; nếu nghe tiếng nói mà không thấy hình dáng cũng mất y chỉ; nếu nghe tiếng mà tưởng không phải là tiếng của Hòa thượng thì không mất y chỉ.

Nếu ngoại đạo cầu xuất gia trong Phật pháp thì Tăng nên cho họ bốn tháng biệt trú để xem xét, trong bốn tháng này nếu họ thích đến những nơi không nên đến, hoặc lười biếng không chịu học Phật pháp, hoặc vui mừng khi nghe ai phỉ báng Phật pháp, hoặc tức giận khi nghe ai phỉ bàng ngoại đạo thì Tăng không được cho người này thọ giới cụ túc. Dù ngoại đạo này đã chứng được tứ thiền, có thể bay lên hư không cũng không được cho thọ giới cụ túc liền, phải cho họ bốn tháng biệt trú. Nếu ngoại đạo khi nghe pháp chứng được quả Tu đà hoàn, cầu xuất gia thì được cho họ thọ giới cụ túc liền, không cần phải trải qua bốn tháng. Đối với ngoại đạo búi tóc hay thờ lửa thì không cần cho họ bốn tháng biệt trú, vì hai hạng ngoại đạo này đều tin nhân quả, Phật khi còn là Bồ tát đã từng theo họ tu học.

Nói bịnh không được thọ giới cụ túc là như bịnh hủi, bạch lại, ung thư, bướu độc…; nếu những bịnh trên nổi lên ở những chỗ hiển lộ dù phát triển hay không phát triển đều không được cho thọ giới; nếu mọc ở chỗ kín mà có phát triển cũng không cho thọ giới, không phát triển thì được thọ giới.

Nói không độ người của vua cho xuất gia thọ giới là như Tỳ kheo độ chiến tướng của vua, khi trong nước có giặc nổi lên, vua cần chiến tướng không có, mới biết là Tỳ kheo đã độ cho xuất gia. Vua là người đã đắc quả Tu đà hoàn nên đến bạch Phật: “từ nay xin Phật chế Tỳ kheo không được độ người của vua cho xuất gia thọ giới, vì trong vị lai, nêu gặp vua không tin tam bảo thì Tỳ kheo độ người của vua sẽ bị xử theo pháp luật”. Nói người của vua là các quan cho đến người không còn làm quan nhưng đượchưởng bỗng lộc; nếu cha hưởng lộc vua, con không có thì không được độ người cha xuất gia, được độ người con xuất gia; người hưởng lộc vua chưa hết hạn cũng không được độ, ăn hết lộc vua mới được độ; nếu là người của vua quyết chí xuất gia, vua cho phép mới được độ. Nói không được độ giặc cho xuất gia thọ giới là nếu biết rõ kẻ giặc đó từng trộm cắp hay cướp đoạt của người thì không được độ; nếu kẻ giặc này đã bỏ ác tâm, cầu xuất gia thì được độ, vì có thể trừ họa cho nước cho dân; nếu giặc bỏ nghiệp ác đầu hàng vua, vua cho phép thì được độ. Nếu người phạm vương pháp bị xử in dấu trên trán thì không được độ; nếu người mắc nợ hoặc ông bà cha mẹ… mắc nợ mà mình gánh thì Tỳ kheo không được độ, nếu họ trả hết nợ rồi mới được độ. Nói nô tỳ có bốn loại: một là sanh trong nhà, hai là do chủ mua được, ba là do đánh phá mà được, bốn là tự nguyện làm nô tỳ. Nếu nô tỳ muốn xuất gia mà người chủ nói: “nếu nô tỳ có đạo tâm thì cho xuất gia, nếu không có đạo tâm thì trở lại làm nô tỳ”, thì Tỳ kheo không được độ.

Lúc đó tại nhà một cư sĩ phát sanh bịnh dịch, ban đầu làm chết côn trùng, kế làm chết các loài gia cầm, gia súc như gà vịt, heo bò…; sau cùng lây lan làm chết nhiều người. Khi bịnh dịch lây lan, mọi người không ai dám ra khỏi nhà bằng cửa trước, nếu đi thì lén đi cửa hông, khi ra khỏi nhà phải đi thẳng không được ngó ngoái lại, nếu ngoái lại sẽ bị chết, nếu không chết ngay, khi đến nơi khác cũng bị chết. Lúc đó ba cha con cư sĩ này đi ra khỏi nhà từ cửa hông và đi thẳng không ngó ngoái lại nên được sống; khi đến nước khác không thể tự kiếm sống nên đến chỗ các Tỳ kheo cầu xuất gia và được độ. Sau khi xuất gia không bao lâu, người cha cùng hai con đắp y mang bát vào thành khất thực.