LUẬT THIỆN KIẾN TỲ BÀ SA
Hán dịch: Tam tạng Tăng già Bạt đà la – đời Tiêu tề
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu- năm 2006 –
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2010; dịch năm 1993

 

QUYỂN 15

Phật tại tinh xá trong vườn Cấp cô độc…, lúc đó các thí chủ nghe các Tỳ kheo bị đoạt y nên mang nhiều y đến cúng, Phật nhân việc này chế giới nếu Tỳ kheo bị cướp y, mất y… được xin y từ cư sĩ không phải bà con, được cúng nhiều y thì chỉ được thọ hai y thượng hạ, không được quá; nói thỉnh tùy ý là thí chủ nói với Tỳ kheo nếu cần thì tùy ý lấy dùng; nói chỉ lấy hai y thượng hạ là nếu mất ba y thì được thọ hai y thượng hạ, nếu mất hai y thì được thọ một y. Tỳ kheo ni nếu mất năm y thì được thọ hai y, mất bốn y được thọ một y; nếu là thân hữu hay được thí chủ thỉnh tùy ý thì được tùy ý thọ không phạm. Hết Ni tát kỳ ba dật đề thứ bảy.

Phật tại tinh xá trong vườn Cấp cô độc…, lúc đó có cư sĩ và vợ cư sĩ đem tài vật muốn mua y cúng dường cho Tỳ kheo, Tỳ kheo nghe biết tin này liền đến nhà họ khuyên họ nên mua y quý giá như thế, như thế… Phật nhân việc này chế giới không được xin y từ cư sĩ và vợ cư sĩ không phải bà con, nếu xin được vào tay thì phạm; nếu là bà con hay thí chủ thỉnh tùy ý thì Tỳ kheo không phạm. Nói giá tiền y là vàng bạc hay tiền. Hết Ni tát kỳ ba dật đề thứ tám.

Duyên khởi của giới này cũng là xin y từ cư sĩ không phải bà con, chỉ khác ở chỗ là từ nhiều cư sĩ và khuyên họ hùn tiền y lại để mua một y quý giá cúng cho Tỳ kheo; nói giá tiền y là vàng bạc hay tiền. Hết Ni tát kỳ ba dật đề thứ chín.

Phật tại tinh xá trong vườn Cấp cô độc…, lúc đó có vị đại thần sai sứ đem giá tiền y đưa cho Tỳ kheo _…như trong luật đã nói. Nói bị phạt năm mươi Ca lợi sa bàn là Tỳ kheo gởi giá tiền y này ở nhà một thương buôn, khi đến lấy thương buôn này nói: “hôm nay có có việc gấp phải đi, xin đại đứchãy chờ qua ngày mai đến lấy”, Tỳ kheo nhất định đòi lấy ngay, thương buôn vì nhân duyên này nên đến trễ và bị phạt năm mươi tiền. Phật nhân việc này nên chế giới không được đến đòi tiền y quá sáu lần, nói lấy tịnh vật là được tịnh vật mới thọ, tịnh vật là y phục, thuốc thang… các vật cần dùng; nói đã đưa giá tiền y cho người chấp sự là người làm việc cho Tăng là lời sứ giả đến nói lại cho Tỳ kheo biết để khi nào cần Tỳ kheo đến đó lấy y. Nói tôi cần y là lời của Tỳ kheo nói với người chấp sự, tùy hiểu mà mua y đưa cho Tỳ kheo, nếu không hiểu thì được đến đòi ba lần, được y thì tốt, nếu không được y thì lần thứ tư, thứ năm, thứ sáu, đến đứng trước họ im lặng nhắc, họ có mời ăn uống cũng không được thọ, thỉnh thuyết pháp chú nguyện cũng không thọ thỉnh. Nếu cũng không được y thì Tỳ kheo nên đến chỗ sứ giả đưa giá tiền y nói rằng: “tài vật mà ông đã đưa rốt cuộc tôi không thọ được, ông nên tự biết, chớ để cho mất” hoặc nói với chủ y. Có hai hạng người chấp sự: một là chỉ thị, hai là không chỉ thị; trong chỉ thị lại có hai:

1. Do sứ giả chỉ thị: như sứ giả hỏi Tỳ kheo có người chấp sự không, Tỳ kheo đáp là không có, sứ giả tự tìm người chấp sự, được rồi liền dẫn đến chỗ Tỳ kheo nói: “người này có thể làm người chấp sự cho đại đức”, nói rồi ở trước Tỳ kheo đưa giá tiền y cho người chấp sự này nói: “khi nào Tỳ kheo cần thì ông hãy lấy tiền này mua y cho Tỳ kheo”.

2. Do Tỳ kheo chỉ thị: như sứ giả hỏi Tỳ kheo có người chấp sự không, Tỳ kheo nói: “có, người ấy đang ở tại thôn ___ tên là _”, sứ giả đến gặp người đưa giá tiền y và nói: “ông hãy cất giữ tiền này, khi nào Tỳ kheo cần thì ông lấy mua y đưa cho Tỳ kheo tên _”, giao tiền rồi trở lại nói với Tỳ kheo: “tôi đã đưa tiền cho người chấp sự mà thầy đã chỉ, khi nào thầy cần y thì đến đó lấy”.

Trong không chỉ thị cũng có hai: một là mình không hiện tiền, hai là người kia không hiện tiền, tổng cộng là bốn hạng người chấp sự. Nếu sứ giả giao tiền y cho người chấp sự rồi mà không trở lại báo cho Tỳ kheo biết thì Tỳ kheo không được đến đó đòi y, nếu đòi được y thì phạm Đột kiết la.

Nếu cư sĩ đem vàng bạc vật báu đến đưa cho Tỳ kheo để làm Tăng già lam hay nhà ăn… cho đến làm thức ăn uống… cho Tăng thì Tỳ kheo không được thọ, nếu thọ thì phạm Đột kiết la. Tỳ kheo biết luật nên bảo cư sĩ đưa cho tịnh nhân cất giữ rồi sau đó tùy ý liệu lý. Nếu cư sĩ đem tài vật cúng để dùng vào việc gì thì Tỳ kheo không được hồi chuyển đem dùng vào việc khác; nếu cúng để tu sửa phòng xá, do thức ăn thiếu thốn nên Tăng muốn bỏ đi thì được trích lấy một phần tài vật này dùng cho việc ăn uống để Tăng không bỏ đi thì không phạm, vì gìn trú xứ. Nếu cư sĩ cúng ruộng vườn, ao nước cho cá nhân Tỳ kheo thì Tỳ kheo không được thọ, cúng cho Tăng thì Tăng được thọ; nếu cư sĩ đem tịnh vật như y phục, thức ăn… thì Tỳ kheo được thọ, nhưng không được vì mình mà bảo cư sĩ nên làm món này món kia cho mình, nếu họ hiểu ý làm mang đến thì Tỳ kheo cũng không được ăn. Như có một Tỳ kheo tại núi Chất đa la muốn ăn bánh, thấy các cư sĩ ở trước hiên liền vẽ trên đất hình cái bánh, cư sĩ hiểu ý ngày mai làm bánh mang đến cúng Tăng, Thượng tòa sau khi hiểu được nguyên do không thọ bánh này nên Tỳ kheo cũng không dám thọ. Nếu cư sĩ bố thí nô tỳ cho Tăng thì Tăng không được thọ, nếu họ nói bố thí tịnh nhân hay người chấp sự thì được thọ. Nếu tịnh nhân buổi sáng làm việc cho Tăng, buổi chiều làm việc riêng của mình thì Tăng nên cho họ ăn bữa trưa, sau bữa trưa không được cho. Nếu cư sĩ cúng bò dê… Tỳ kheo không được thọ, nếu họ nói cúng sữa, lạc… thì được thọ. Hết Ni tát kỳ ba dật đề thứ mười.

Phật tại thành A la tỳ… do các Tỳ kheo làm phu cụ Kiều xa da, tức là bằng tơ tằm nên Phật chế giới này. (giới 11)

Phật tại giảng đường Cao các, thành Tỳ xá ly… do các Tỳ kheo dùng lông dê thuần đen làm phu cụ nên Phật chế giới này. (giới 12)

Phật tại tinh xá trong vườn Cấp cô độc… do Phật không cho các Tỳ kheo dùng thuần lông dê làm phu cụ nên chế muốn làm phu cụ mới nên dùng hai phần lông dê đen, một phần lông dê trắng và một phần lông dê tạp xấu. Nếu không dùng theo phần lượng như thế để làm phu cụ thì phạm Ni tát kỳ ba dật đề. (giới 13)

Phật tại tinh xá trong vườn Cấp cô độc…do các Tỳ kheo thích mới bỏ cũ nên Phật chế phu cụ chưa dùng đủ sáu năm thì không được làm phu cụ mới, trừ Tăng yết ma cho. Nói Tăng yết ma cho là nếu phu cụ dùng chưa đủ sáu năm mà quá hư rách, không thể khâu vá được nữa thì theo Tăng xin cho may phu cụ mới, Tăng xét thấy đúng như vậy thì tác yết ma cho làm cái mới. (giới 14)

Phật tại tinh xá trong vườn Cấp cô độc…, lúc đó Phật muốn yên tĩnh trong ba tháng nên các Tỳ kheo lập chế không ai được đến gặp Thế tôn. Do trưởng lão Ưu ba tư na Bằng kiền đà tử không biết Tăng lập chế này nên dẫn các đệ tử đến chỗ Phật. Trưởng lão này thọ pháp đầu đà khéo dạy các đệ tử thọ pháp đầu đà nên được Phật khen ngợi lành thay. Sau đó Phật đi xem xét các phòng thấy nhiều phu cụ cũ bỏ bừa bãi nên bảo các Tỳ kheo: “thí chủ tín tâm bố thí là muốn được thọ dụng, vì vậy chớ làm cho tổn thất”, nói rồi liền chế Tỳ kheo muốn làm phu cụ mới thì phải lấy một miếng vải trên phu cụ cũ, dài rộng bằng một gang tay của Phật, may thiếp lên thành viền của phu cụ mới làm cho hoại sắc rồi mới thọ trì. Hết Ni tát kỳ ba dật đề thứ mười lăm.

Phật tại tinh xá trong vườn Cấp cô độc…, lúc đó các cư sĩ thấy Lục quần Tỳ kheo vác lông dê đi trên đường nên dùa cợt hỏi: “thầy vác lông dê này đi đâu, đến đâu bán và bán bao nhiêu?”, Tỳ kheo nghe rồi khi vác về đến trong chùa tức giận ném xuống đất, các Tỳ kheo hỏi nguyên do rồi bạch Phật nên Phật chế Tỳ kheo không được vác lông dê đi quá ba do tuần. Nói quá ba do tuần là nếu tự mình vác lông dê đi quá ba do tuần, không người vác thế thì phạm Ni tát kỳ ba dật đề; nếu đi được ba do tuần bỏ xuống đất dùng cây đẩy hay dùng chân đá để lăn chuyển đi, qua ba do tuần cũng phạm. Hết Ni tát kỳ ba dật đề thứ mười sáu.

Phật tại vườn Ni câu luật, nước Ca tỳ la vệ… do Lục quần Tỳ kheo nhờ các Tỳ kheo ni chải nhuộm lông dê, các Tỳ kheo ni vì việc này mà bỏ phế việc tọa thiền tụng kinh. Phật nhân việc này chế Tỳ kheo không được nhờ Tỳ kheo ni không phải bà con chải nhuộm lông dê. Hết Ni tát kỳ ba dật đề thứ mười bảy.

Phật tại núi Kỳ xà quật, thành Vương xá… do Lục quần Tỳ kheo cầm giữ vàng bạc, vật báu là tài vật bất tịnh nên Phật chế giới này. Nói vàng bạc vật báu là bao gồm vật đã thành và chưa thành, cho đến các loại tiền lưu hành trong nước thảy đều không được tự cầm giữ, cũng không được bảo người khác cầm giữ. Nếu có cư sĩ mang vàng bạc vật báu đến cúng, Tỳ kheo nên nói pháp của Tỳ kheo không thọ vật bất tịnh này, nếu cư sĩ hiểu biết pháp lấy tài vật này đổi thành tịnh vật như y phục thức ăn uống… mang đến cúng thì Tỳ kheo được thọ. Thọ dụng của tín thí có bốn loại:

1. Kẻ trộm thọ dụng là như Tỳ kheo phạm giới, phá giới mà ở trong Tăng theo thứ lớp thọ tín thí cúng dường.

2. Mắc nợ thọ dụng là Tỳ kheo khi thọ dụng y thực, ngọa cụ, trú xứ…của tín thí cúng dường trước nên chánh niệm quán tưởng rồi như pháp tu hành mới tiêu hóa được; nếu không quán tưởng và không như pháp tu hành thì khó tiêu được của tín thí và như vậy gọi là mắc nợ thọ dụng.

3. Thân hữu thọ dụng là chỉ cho bảy bậc Thánh hữu học thọ dụng của tín thí cúng dường cũng như của thân hữu, như con thọ của cha.

4. Chủ thọ dụng là chỉ cho bậc vô học A-la-hán.

Lại có bốn loại thọ dụng khác:

1. Biết hổ thẹn thọ dụng là như người không biết hổ thẹn thân cận và tùy thuận người biết hổ thẹn, sẽ bỏ ác theo thiện thì thọ dụng của tín thí không tội.

2. Không biết hổ thẹn thọ dụng là như người biết hổ thẹn thân cận và tùy thuận người không biết hổ thẹn, sẽ bỏ thiện theo ác thì thọ dụng của tín thí có tội.

3.Có pháp thọ dụng là người biết hổ thẹn như pháp được vật mà thọ dụng.

4. Không có pháp thọ dụng là ngươi không biết hổ thẹn phi pháp được vật, nếu thọ dụng sẽ như độc dược. Hết Ni tát kỳ ba dật đề thứ mười tám.

Phật tại tinh xá trong vườn Cấp cô độc… do Lục quần Tỳ kheo xuất thu vàng bạc vật báu để cầu lợi nên Phật chế giới này. Nói đủ loại là không phải một, tức là lấy vật đã thành đổi lấy vật chưa thành, hoặc lấy vật chưa thành đổi lấy vật đã thành, hoặc lấy vật đã thành đổi lấy vật đã thành, hoặc lấy vật chưa thành đổi lấy vật chưa thành. Nói vật đã thành là như vòng vàng xoa xuyến… các vật trang sức, khi vật chưa vào tay thì phạm tội Ác tác, vật vào tay thì phạm Xả đọa.

Hỏi: như thế nào là đem tội Ác tácđổi lấy tội Xả đọa?- như đem tiền đồng đổi lấy tiền vàng; ngược lại nếu đem tiền vàng đổi lấy tiền đồng là đem tội Xả đọa đổi lấy tội Ác tác. Hết Ni tát kỳ ba dật đề thứ mười chín.

Phật tại tinh xá trong vườn Cấp cô độc… do Lục quần Tỳ kheo mua bán đủ loại để cầu lợi nên Phật chế giới này. Nói mua bán cầu lợi là mua vào rẻ bán ra mắc, đầu cơ tích trữ để cầu lợi…Hết Ni tát kỳ ba dật đề thứ hai mươi.

Phật tại tinh xá trong vườn Cấp cô độc… do Lục quần Tỳ kheo chứa nhiều bát dư nên Phật chế giới này, nếu chứa bát dư quá mười ngày mà không thuyết tịnh hay thọ trì thì phạm Ni tát kỳ ba dật đề.

Hỏi: bát mới phải nung mấy lần mới được thọ trì?- nếu là bát sắt thì nung năm lần, bát gốm thì nung hai lần. Nếu mua bát từ người khác mà chưa trả tiền thì không được thọ trì; nếu họ nói cứ lấy dùng, trả tiền sau cũng được thì Tỳ kheo được lấy nhưng chưa được thọ trì, đợi trả tiền xong mới thọ trì. Nếu đã trả tiền xong mà Tỳ kheo không đến lấy bát để thọ trì thì qua mười ngày phạm Xả đọa. Nói mất thọ trì là nếu Tỳ kheo hoàn tục, hoặc chết hoặc chuyển căn hoặc xả bát, bát bị lủng…; nếu bát bị lủng một lỗ bằng hạt lúa thì mất thọ trì, nhưng nếu dùng sắt vụn vá lại được thì không mất thọ trì. Hết Ni tát kỳ ba dật đề thứ hai mươi mốt.

Phật tại tinh xá trong vườn Cấp cô độc… do Tỳ kheo Ô bA-nan đà xin thêm bát tốt nên Phật chế bát chưa tới năm lằn nứt, còn dùng được mà xin bát mới thì phạm Ni tát kỳ ba dật đề. Bát này nên xả trong Tăng và ở trong Tăng hành bát, chuyển đổi bát từ vị Thượng tòa cho đến hạ tòa rồi lấy bát của vị cuối cùng trong Tăng đưa lại cho Tỳ kheo phạm cất giữ thọ trì cho đến khi bể, không được thuyết tịnh cũng không được cho người khác. (Hết giới 22)

Phật tại vườn Cấp cô độc… do Tỳ kheo Ô bA-nan đà tữ xin chỉ sợi rồi đưa đến chỗ người thợ dệt không phải bà con bảo dệt thành y… nên Phật chế giới này. Không phạm là xin chỉ sợi từ bà con và bảo thợ dệt là bà con dệt y. (giới 23)

Phật tại vườn Cấp cô độc…do cư sĩ và vợ cư sĩ bảo thợ dệt dệt y để cúng cho Tỳ kheo Ô bA-nan đà, Tỳ kheo này liền đến chỗ thợ dệt này bảo dệt cho dài rộng, bền chắc và thật đẹp theo ý của mình rồi sẽ trả thêm tiền công…nên Phật chế giới này. Nếu thí chủ bảo dệt y rộng lớn, Tỳ kheo bảo dệt nhỏ lại hoặc thí chủ bảo dệt y quý giá, Tỳ kheo bảo dệt y thường thì không phạm; nếu thí chủ thỉnh tùy ý và thợ dệt là bà con thì không phạm. (giới 24)

Phật tại vườn Cấp cô độc… do Tỳ kheo Nan đà sau khi cho đệ tử y rồi, vì tức giận nên đoạt lấy lại, Phật nhân việc này kết giới nếu đã cho Tỳ kheo khác y rồi, sau vì sân giận nên đoạt lấy lại hoặc bảo người khác đoạt lại, y rời khỏi thân người kia vào tay mình thì phạm Ni tát kỳ ba dật đề. (hết giới 25)

Phật tại vườn Cấp cô độc…do còn mười ngày nữa mới tự tứ mà được y cấp thí nên Phật chế giới này. Nói cấp thí là vì mình bịnh nên thí, vì người khác bịnh nên thí, vì mình sắp chết nên thí, vì người khác chết nên thí, vì sắp đi xa nên thí. Nói nên thọ là nếu không thọ, qua nạn gấp này thì không được thí nữa. (giới 26)

Phật tại vườn Cấp cô độc… do các Tỳ kheo trụ nơi A lan nhã bị giặc cướp nên khai cho các Tỳ kheo này được gởi một trong ba y ở nơi tụ lạc và được lìa y trong sáu đêm. Tỳ kheo ở A lan nhã có hai loại: một là ở lâu dài, hai là ở trong ba tháng; nói giặc cướp là giặc nổi lên cướp phá vào mùa thu trong tháng Ca đề; nếu ở A lan nhã có chúng tăng đông và phòng nhà kiên cố thì không cần gởi y trong tụ lạc, nếu gởi thì đêm thứ sáu phải đến chỗ y, nếu không đến, qua đêm thứ bảy khi mặt trời mọc liền phạm Xả đọa. (giới 27)

Phật tại nước Xá vệ, lúc đó nhân Tỳ xá khư mẫu nên Phật khai cho các Tỳ kheo cất chứa y tắm mưa. Nói còn một tháng nữa mới đến mùa hạ nên làm y tắm mưa, tức là từ 1 tháng đến ngày 15 tháng 5, nhưng chưa được dùng. Nói nửa tháng sau được dùng là còn nửa tháng nữa mới vào hạ an cư, tức là từ ngày mồng 1 tháng 5 được dùng cho đến hết mùa hạ. Nếu trong một tháng cuối của mùa xuân mà chưa có đuợc y tắm mưa, đến đầu hạ mới có thì được thọ trì ngay; nếu đã có y tắm mưa mà không dùng, lỏa hình tắm mưa thì phạm Đột kiết la. (giới 28)

Phật tại nước Xá vệ… Phật khai cho các Tỳ kheo bịnh được cất chứa loại Thất nhật dược gồm có sanh tô, thục tô, dầu, mật và đường phèn, tác pháp thọ trì được dùng trong bảy ngày, qua ngày thứ tám thì phạm Xả đọa. Nếu có ruồi hay kiến rơi vào trong, nên lượt bỏ rồi dùng; nếu đến ngày thứ bảy mất pháp thọ đem cho Sa di hay tịnh nhân, nếu sau đó được họ cho trở lại thì được dùng không phạm; nếu chưa đủ bảy ngày mà đem cho Sa di, sau đó cần dùng, được đến Sa di xin lại dùng không phạm. (giới 29)

Phật tại vườn Cấp cô độc… do có thí chủ cúng y cho Tăng, Tỳ kheo Ô bA-nan đà hồi chuyển về cho mình nên Phật chế giới này, phương tiện khuyến hóa để hồi chuyển về cho mình thì phạm Đột kiết la, khi vật vào tay thì phạm Xả đọa; nếu biết cúng cho Tăng trú xứ này đem hồi chuyển cho Tăng trú xứ khác, hoặc biết cúng cho người này mà hồi chuyển cho người khác… đều phạm Đột kiết la. (giới 30)Hết 30 pháp Ni tát kỳ ba dật đề.

Trong 90 pháp Ba dật đề, trong giới vọng ngữ thứ nhất, do Tỳ kheo Ha đa thuộc dòng họ Thích xuất gia, tánh thích luận nghị, nhưng khi cùng ngoại đạo luận nghị biết mình đuối lý liền nói ngược lại lời đã nói; hoặc khi ngoại đạo nói hay liền nói ngược lại là lời của mình, nếu lý đó không đúng liền nói ngược lại là lời của ngoại đạo. Lúc đó Ha đa hẹn với ngoại đạo sau buổi trưa sẽ cùng luận nghị nhưng lại đến trước buổi trưa, lên tòa ngồi rồi nói với mọi người rằng: “ngoại đạo không đến ắt là sợ ta”, nói rồi xuống tòa bỏ đi; đến xế trưa ngoại đạo đến không thấy Tỳ kheo, sau khi biết rõ nguyên do liền chê trách: “Sa môn Thích tử nói biết chánh pháp mà lại cố ý vọng ngữ”. Phật nhân việc này chế Tỳ kheo cố ý vọng ngữ thì phạm Ba dật đề. Nói vọng ngữ là lời nói và ý nghĩ trái nhau, cũng gọi là lời nói suông, thuộc tánh tội.

Nói hủy tử ngữ là nói lời chê bai hủy nhục, muốn người kia nghe rồi sanh xấu hổ, thuộc tánh tội.

Nói hai lưỡi là đến bên này nói xấu bên kia, đến bên kia nói xấu bên này, khiến cho hai bên bất hòa tranh cãi nhau, đối tượng là Tỳ kheo hay Tỳ kheo ni thì phạm Ba dật đề; nếu là ba chúng dưới thì phạm Đột kiết la, đối tượng là bạch y cũng Đột kiết la. Giới này thuộc tánh tội.

Nói đồng tụng theo câu có bốn: một là câu, tức là mỗi câu trong bài kệ tụng; hai là tùy câu, tức là hai câu kế tiếp nhau; ba là tùy chữ, bốn là tùy nghĩa vị. Như dạy người chưa thọ giới cụ túc câu chớ làm điều ác, họ đồng thanh tụng theo thì Tỳ kheo phạm Ba dật đề; hoặc thầy nói chớ làm điều ác, những người chưa thọ giới cụ túc đọc nối theo nên làm việc lành thì Tỳ kheo cũng phạm Ba dật đề. Nói lời Phật dạy là cả ba tạng kinh luật luận đều là lời Phật dạy; nói lời Thanh văn là như kinh A năng già na chánh kiến, kinh A nậu ma na, kinh Châu la tỳ đà la… đều là lời của Thanh văn nói; nói lời Phạm chí là như một phẩm nói về ngoại đạo Phạm chí; nói lời của trời người, ma, Phạm… dù đồng tụng đều không phạm.

Như Phật đã dạy trước khi ngủ nên chánh niệm một trong sáu pháp: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thiện và niệm vô thường. Do có Tỳ kheo không chánh niệm trước khi ngủ nên tâm loạn nói mớ hoặc lộ thân hoặc ngáy to tiếng, khiến các cư sĩ chê trách nên Phật chế Tỳ kheo không được ngủ chung với người chưa thọ giới cụ túc Lúc đó La hầu la nghe Phật chế giới này rồi liền vào trong nhà xí của Phật ngủ, trời chưa sáng Phật lên nhà xí thấy La hầu la ngủ đêm trong đó, vì La hầu la và vì các Sa di khác nên Phật khai cho được ngủ chung phòng với Tỳ kheo hai đêm, quá hai đêm thì Tỳ kheo phạm Ba dật đề; nếu đến đêm thứ ba, tùy Tỳ kheo hay Sa di thức rồi ngủ trở lại cho đến sáng thì Tỳ kheo phạm Ba dật đề.

Giới cùng người nữ ngủ đêm chung một nhà là nếu nhà rộng lớn, nhiều phòng nối tiếp nhau mà đi chung một cửa thì Tỳ kheo phạm Ba dật đề; nếu mỗi phòng có cửa riêng mà không đóng cửa thì Tỳ kheo cũng phạm Ba dật đề; nếu đóng cửa thì không phạm.

Nói thuyết pháp cho người nữ chỉ được năm sáu lời (câu), quá năm sáu câu mà nối tiếp nhau không gián đoạn thì Tỳ kheo phạm một Ba dật đề; nếu có gián đoạn thì tùy gián đoạn bao nhiêu phạm Ba dật đề bấy nhiêu. Nếu giải thích một câu kinh văn và năm câu sớ giải thành sáu câu thì không phạm, quá thì phạm; nếu khi thuyết pháp, tùy người nữ hỏi, Tỳ kheo đáp, do tùy hỏi đáp nên không phạm. Nói trừ người nam có trí bên cạnh thì dù nói quá năm sáu câu đều không phạm.

Trong giới này, khác với giới vọng nói được pháp hơn người trong thiên Ba la di ở chỗ là Tỳ kheo thật được pháp hơn người, nhưng nếu đối trước người chưa thọ giới cụ túc mà nói thì phạm Ba dật đề.

Nói tội thô là tội thuộc trong Ba la di và Tăng già bà thi sa, nếu đối trước người chưa thọ giới cụ túc nói tội thô của Tỳ kheo, Tỳ kheo ni khác thì Tỳ kheo phạm Ba dật đề. Nói trừ Tăng yết ma là nếu Tăng yết ma cho đến trong thôn hay thành ấp nào đó nói tội thô của Tỳ kheo tên ________, Tỳ kheo không làm đúng như Tăng đã yết ma cho nói thì Tỳ kheo phạm Ba dật đề. Trừ hai thiên tội trên, nói tội trong ba thiên sau thì phạm Đột kiết la.

Trong giới đào đất, nên phân biệt đất sống và đất không sống. Nói đất sống là đất không có xen lẫn cát đá sạn…, ngược lại là đất không sống, đất bị cháy cũng gọi là đất không sống. Nếu đất không sống trải qua bốn tháng mùa mưa cũng gọi là đất sống, nếu Tỳ kheo đào đất sống thì phạm Ba dật đề. Nếu Tỳ kheo bảo tịnh nhân đào đất chặt cây giùm cho Tăng thì không phạm, nhưng nếu chỉ vẻ nên đào như thế nào, chặt cây như thế nào thì phạm Ba dật đề.

Trong giới hoại sanh chủng, do Tỳ kheo chặt cây đại thọ làm cho vị thọ thần mất chỗ ở, đến bạch Phật nên Phật chế Tỳ kheo chặt phá cây cỏ sống thì phạm Ba dật đề. Để an ủi thọ thần, Phật nói kệ:

“Người nào đang nổi giận,
Như xe đang chạy nhanh,
Mà ngừng xe lại được,
Việc này không khó lắm,
Dừng được cơn tức giận,
Việc này mới thật khó”

Thọ thần nghe kệ này xong liền chứng quả Tu đà hoàn, Phật dùng thiên nhãn quán để tìm cây không có chủ rồi bảo vị thọ thần này đến đó nương ở.

Nói cây cỏ sống có năm loại là củ, thân, cành lá, hoa và quả. Loại củ như củ gừng, củ nghệ (A lê đà); hương phu tử (Ưu thi la); tước đầu hương (Chất tha trí trá); củ hoàng liên (Lư kiền)…. Loại cây có cành lá to rộng như cây Bồ đề (Xá ma), cây bối đa (Bà hê la)…Loại cây hoa như hoa Tô ma na, hoa Mạt lợi… Những cây này đều mọc và sống trên đất, loại cây mọc và sống dưới nước như hoa sen, hoa súng, san hô, lục bình… nếu Tỳ kheo lấy ra khỏi nước thì phạm Ba dật đề. Loại cây ăn trái, nếu Tỳ kheo cần ăn trái, được kéo cánh cây xuống bảo tịnh nhân hái, nhưng không được làm gảy cành; nếu tịnh nhân hái không tới, Tỳ kheo có thể đở lên cho hái – không phạm.

Trong giới nói lời lạ xúc não, Tỳ kheo Xiển na đã làm hạnh xấu, điều không nên làm lại làm, từ thân khẩu khởi tội nên bị các Tỳ kheo cử tội, Xiển na hỏi: “ai phạm tội?”, các Tỳ kheo nói: “thầy phạm tội”, lại hỏi: “tôi phạm tội gì?”, có người đáp là tội Ba dật đề, có người đáp là tội Đột kiết la, Xiển na hỏi: “tôi phạm vào lúc nào?”, đáp là vào lúc ______, lại hỏi về việc gì, đáp là về việc ______, Xiên na hỏi trở lại: “các thầy nói gì vậy?”, hoặc im lặng không nói. Phật nhân việc này nên chế Tỳ kheo biết mình là phi pháp mà dùng lời lạ, trả lời quanh co để xúc não Tăng thì phạm Ba dật đề. Nếu nghi mà trả lời quanh co cũng phạm Ba dật đề, hoặc thật biết mà đáp là không biết cũng phạm Ba dật đề.

Trong giới chê trách người được Tăng sai, do hiềm khích hay tật đố mà chê trách đều phạm Ba dật đề, nếu chê trách Tỳ kheo khác thì phạm Đột kiết la.

Trong giới trải phu cụ của Tăng nơi đất trống, nếu vào tháng lạnh, trải phu cụ của Tăng nơi đất trống ngồi nằm để sưỡi nắng, khi đi không tự cất, không bảo người cất hì phạm Ba dật đề. Nếu Tỳ kheo thọ pháp đầu đà bậc thượng, chỉ ở dưới gốc cây hay nơi đất trống thì không được lấy ca sa giăng làm màn che, cũng không được lấy ngọa cụ của Tăng trải dùng; nếu thọ pháp đầu đà bậc trung thì lúc trời không mưa ở ngoài đất trống, khi trời mưa được ở dưới hiên chùa, nếu vào trong chùa thì được dùng ngọa cụ của Tăng. Nếu Tỳ kheo thọ dùng ngọa cụ của Tăng thì khi đi nên giao lại cho Tỳ kheo khác cất giữ, nếu không có ai để giao lại thì nên gợi cho trú xứ gần đó, nếu cũng không có trú xứ gần thì xếp để trong phòng khóa lại, hoặc cột treo dưới cây có tàng lá dầy kín. Nếu treo như vậy thì khi đi nên khởi nghĩ sẽ quay trở lại ngay, nếu trở lại ngay thì không phạm; nếu gặp nạn duyên không trở lại được thì nên nhắn gởi ai đó cất giùm thì không phạm. Nói giường có bốn loại:

1. Chân giường Ba ma gia la là lỗ bệ nhỏ tra vào chân giường – chân giường nhọn.

2. Chân giường văn đề là chân giường có hình như móng chân ngựa, chân dê…

3. Chân giường Câu lợi ca là loại chân giường không có tra lỗ bệ.

4. Chân giường A kiệt gia là chân giường tra vào lỗ bệ lớn.

Nói trải giường nơi đất trống là ở ngoài phạm vi mà người trung bình ném đá tới. Nếu Thượng tòa bảo hạ tòa trải ngọa cụ, Thượng tòa ngồi rồi, Hạ tòa bỏ đi không phạm; nếu Thượng tòa chưa ngồi có Tỳ kheo khác đến ngồi, Hạ tòa muốn bỏ đi nên dặn lại Tỳ kheo này thu cất. Như thế cho đến lấy dùng vật của Tăng như nồi nhuộm y…, dùng xong nên cất lại chỗ cũ, nếu không cất thì phạm Đột kiết la; mượn dùng vật của người khác cũng vậy.

Giới này khác với giới trên ở chỗ là trải ngọa cụ của tăng trong phòng, khi đi không thu xếp, không bảo người thu xếp, vừa bước chân ra ngoài giới liền phạm Ba dật đề.

Nếu Tỳ kheo biết Tỳ kheo khác đến trước đã trải ngọa cụ nằm nghỉ rồi, mình đến sau vì muốn xúc não nên giành chỗ thì phạm Ba dật đề.

Trong giới ở trên lầu gác nằm ngồi giường sút chân là nếu không phải lầu gác thì không phạm.

Trong giới lợp nhà quá lượng là nếu lợp một lớp thì không phạm, nếu lợp ngói quá ba lớp thì tùy ngói nhiều ít tùy kết phạm, lợp cỏ tranh cũng vậy.

Trong giới dùng nước có trùng, nếu tùy nhân duyên biết trong nước có trùng mà tự lấy dùng hay bảo người khác dùng đều phạm Ba dật đề- thuộc tánh tội.

Trong giới không được Tăng sai mà đến giáo giới Tỳ kheo ni, do Lục quần Tỳ kheo thấy các Tỳ kheo khác đến giáo giới Tỳ kheo ni được nhiều lợi dưỡng nên tự đến giáo giới Tỳ kheo ni, thuyết pháp được một lát liền nói việc thế gian như chính sự quốc gia, năm nay được mùa hay mất mùa… Phật nhân việc này chế Tỳ kheo phải đủ tám pháp mới được giáo giới Tỳ kheo ni:

1. Trì giới tức là thân có giới, trì giới không phạm.

2. Thủ hộ Ba la đề mộc xoa, tức là hộ thân khẩu ý, hành trì pháp vô thượng đầy đủ.

3. Đầy đủ oai nghi là không tà mạng để tự nuôi sống, không đến năm nhà: một là nhà dâm nữ, hai là nhà góa phụ, ba là chùa ni, bốn là nhà đồng nữ, năm là nhà huỳnh môn; cũng không đến nhà Ưu bà di tín tâm.

4. Thấy tội nhỏ sanh tâm sợ hãi, không dám phạm.

5. Kiên trì không phạm là không thối tâm trì giới.

6. Đa văn là thông hiểu một hoặc hai bộ A hàm.

7. Đa văn kiên cố là thông hiểu kinh luật luận không quên sót.

8. Phân biệt thuyết pháp đầu, giữa và sau đều thiện, thuần nhất không tạp, đầy đủ phạm hạnh, chánh kiến không tà kiến, tung thông suốt hai bộ giới bổn, văn nghĩa rõ ràng, âm thanh lưu loát, được Tỳ kheo ni cung kính tôn trọng, khéo tùy thuận thuyết pháp và đủ hai mươi tuổi hạ.

Nếu Tỳ kheo đến giáo giới Tỳ kheo ni, không được thuyết pháp trong phòng; nếu hạ an cư, trú xứ ni nên cách trú xứ Tăng trong khoảng nửa do tuần, để mỗi nửa tháng vào ngày thuyết giới bố tát đến trong Tăng cầu giáo giới. Lúc đó tất cả ni chúng đều đến trong Tăng cầu giáo giới bị thế gian chê trách nên Phật chế chỉ nên năm người đại diện đến, cũng lại bị thế gian chê trách nên Phật chế hai ba người dại diện đến. Tỳ kheo ni nên tác pháp yết ma sai hai ba Tỳ kheo ni đến trong Tăng cầu giáo giới, cho đến Tỳ kheo A lan nhã cũng được giáo giới Tỳ kheo ni. Khi đến giáo giới, nếu Tỳ kheo không nói pháp bát kỉnh trước thì phạm Đột kiết la, nói pháp bát kỉnh rồi nói pháp khác thì không phạm.