LUẬT THIỆN KIẾN TỲ BÀ SA
Hán dịch: Tam tạng Tăng già Bạt đà la – đời Tiêu tề
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu- năm 2006 –
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2010; dịch năm 1993

 

QUYỂN 8

Nói phân biệt câu trong văn giới là khi làm việc gì mà có ý thức thì sẽ phát khởi tội thế gian hay nghiệp công đức tóm hết tất cả giới bổn. Có giới nhân sáu loại khởi tội, có giới nhân bốn loại khởi tội, có giới nhân ba loại khởi tội, có giới nhân y Ca hi na khởi tội, có giới nhân lông dê khởi tội, có giới nhân tâm xả khởi tội. Trong đây hoặc nhân làm mà khởi tội, hoâc nhân không làm mà khởi tội, hoặc do làm và không làm mà khởi tội; lại có trường hợp do biết nên được thoát tội, hoặc biết mà không được thoát tội; lại có giới vô tâm, có giới hữu tâm; lại có tánh tội và chế tội.

Hỏi: Sao gọi là giới hữu tâm?- là có tâm làm nên kết tội – Nói chế tội có hai là tội thuộc thân nghiệp và tội thộc khẩu nghiệp, tội thuộc thân nghiệp là do thân làm mà kết phạm, tội thuộc khẩu nghiệp là do khẩu làm mà kết phạm. Lại có giới thiện và giới bất thiện, lại có ba mươi hai tâm bất thiện và không phải bất thiện khởi tội. Dục giới có tám tâm thiện, mười hai tâm bất thiện và mười tâm vô ký; từ tâm thiện và tâm vô ký có hai tâm tri. Lại có giới ba thọ, có giới hai thọ, có giới một thọ; nếu nhân ba thọ mà khởi tội thì gọi là giới ba thọ; nếu nhân nơi lạc thọ và xả thọ mà khởi tội thì gọi là giới hai thọ; nếu nhân nơi khổ thọ mà khởi tôi thì gọi là giới một thọ. Tôn giả Ưu ba ly muốn cho các luật sư đời sau dễ nhớ việc tùy chế nên nói kệ:

“Di hầu, Bạt xà tử,
Lão xuất gia và Nai”

Nói bạch y là mặc y phục bạch y hành dâm, áo cỏ là ngoại đạo kết cỏ làm y phục, áo vỏ cây là dùng vỏ cây làm y phục, phát Khâm bà la là dùng tóc dệt làm y phục, mao Khâm bà la là dùng lông đuôi con Mao ngưu dệt làm y phục, y da nai là dùng da nai làm y phục…

Nói Tỳ kheo ni Ưu bát la vốn là trưởng giả nữ ở thành Xá vệ, do trong quá khứ trăm ngàn kiếp làm các việc thiện nên nay được sắc đẹp như hoa Ưu bát la nên thành tên gọi. Tỳ kheo ni này đã ly dục, dứt hết phiền não; sau khi khất thực ăn xong trở về phòng nằm ngủ thì bị một Bà la môn lẻn vào trong phòng trước đó cưỡng bức. Do đã ly dục nên cô không có thọ lạc mà cảm thấy như sắt nóng chạm vào thân, Phật nói không thọ lạc thì không phạm và nói kệ:

“Như hoa sen trong nước,
Hạt cải đặt đầu kim,
Nơi dục không tâm nhiễm,
Ta gọi Bà la môn”.

Nói chuyển căn là như có Tỳ kheo vào nửa đêm ngủ say bỗng chuyển căn thành nữ, Phật bảo các Tỳ kheo đưa đếntrong Ni tăng và vẫn giữ tuổi hạ cũ, không phải thọ giới cụ túc lại. Khi đưa vị này đến trong chùa ni, các Tỳ kheo nên nói rõ nguyên do và nhờ Ni chúng giúp đỡ, vị chuyển căn này nên tùy thuận ni chúng đọc tụng kinh pháp và thuận hành theo giới pháp Tỳ kheo ni. Nếu vị này không có tâm hổ thẹn và không tùy thuận Ni chúng chùa này thì có thể đi đến chùa khác cầu thầy y chỉ khác, cũng được độ đệ tử và thọ người khác y chỉ; các Tỳ kheo ni không được cơ hiềm và sanh tâm kia đây. Nếu vị này trước đã có độ Sa di thì nên giao lại cho các Tỳ kheo khác; y bát trước kia đã mất pháp thọ, phải đối trước Tỳ kheo ni tác pháp thọ lại bát và năm y; y vật dư trước kia cũng được thuyết tịnh để dùng; đối với Thất nhật dược đã thọ trước kia cũng phải tác pháp thọ lại, dù trước kia đã thọ đủ bảy ngày cũng được thọ lại bảy ngày. Cho đến những vật dụng riêng của mình trước kia, sau khi chuyển căn vẫn được mang theo để dùng, trừ vật của Tăng thì giao trả lại cho Tăng. Nếu Tỳ kheo khi chưa chuyển căn phạm Tăng tàn, hành Ma na đỏachưa xong, sau khi chuyển căn nên hành lại nửa tháng Ma na đỏa rồi cho xuất tội; nếu đã hành Ma na đỏa xong thì sau khi chuyển căn nên cho xuất tội. Ngược lại nếu là Tỳ kheo ni khi chưa chuyển căn, hành Ma na đỏa chưa xong thì sau khi chuyển căn thành Tỳ kheo nên cho hành lại sáu đêm Ma na đỏa rồi cho xuất tội; nếu đã hành Ma na đỏa xong thì sau khi chuyển căn nên cho xuất tội.

Nói nhược yêu là Tỳ kheo này trước kia là vũ công nên sống lưng mềm dẽo, nói trường căn là Tỳ kheo này có nam căn dài. Nói vẽ hình khắc tượng là vẽ hình và khắc tượng người nữ hoặc bằng vàng, bạc, đồng… gỗ thì phạm Đột kiết la; vuốt ve tượng người nữ cũng Đột kiết la. Nói đoan chánh là Tỳ kheo này là người thành Vương xá, có tướng mạo đoan chánh, tín tâm xuất gia nên được gọi là đoan chánh; một người nữ thấy Tỳ kheo này đoan chánh nên sanh dục tâm ôm hôn, Tỳ kheo này là bậc A na hàm nên không có thọ lạc. Nếu hành dâm ở miệng vào qua răng thì phạm Ba la di, lưỡi chạm lưỡi thì Thâu lan giá. Nếu hành dâm với phi nhân như long nữ hoặc Khẩn na la nữ hóa hình người nữ đều phạm Ba la di, cho đến các loài quỷ thần khác nếu hiện thân sờ nắm được thì đều phạm Ba la di, không hiện thân sờ nắm được thì không phạm. Nếu Tỳ kheo muốn cùng người nữ hành dâm, khi nam căn sắp vào nữ căn liền sanh tâm hối thì phạm Đột kiết la, vào liền phạm trọng. Nói ngủ nên đóng cửa là như Phật bảo các Tỳ kheo: “nếu ban ngày muốn nhập định nên đóng cửa rồi mới nhập định, nếu không đóng cửa thì phạm Đột kiết la”. Nói đóng cửa là có loại cửa đóng được, có loại không đóng được; nếu khung cửa làm bằng cây hay tre, dưới cánh cửa có chốt, trên có then cài thì đóng được; nếu chỉ là tấm màn che thì không đóng được. Nếu Tỳ kheo nhập định ban ngày, đối với loại cửa đóng được mà không đóng thì phạm, loại không đóng được nên không đóng thì không phạm. Khi đóng nên cài then chốt, nếu không có then chốt thì khi khép lại nên dùng vật chắn ngang cửa, dù có khe hở mà đầu người không chui qua được thì cũng không phạm. Nếu bên ngoài có nhiều người hoặc Tỳ kheo hay Sa di đang kinh hành hay đang làm việc, Tỳ kheo bên trong nghĩ là họ sẽ coi ngó nên nhập định hay ngủ đều không phạm. Nếu Tỳ kheo ở trong phòng trên lầu gác, không đóng cửa ngủ thì nên cất thang, nếu không cất thang thì nên đóng cửa dưới rồi mới ngủ thì không phạm; nếu ở lầu ba tầng, Thượng tòa ở tầng dưới, Tỳ kheo ở tầng giữa và tầng trên, khi ngủ không đóng cửa nghĩ là đã có Thượng tòa ở tầng dưới thì không phạm. Nếu Tỳ kheo đi đường xa mệt ngủ quên không đóng cửa thì không phạm, nếu đã thức dậy rồi nằm xuống ngủ lại thì phạm.…, như kệ nói:

“Khéo thấy tất cả tướng,
Luật bản không che giấu,
Phật giáo hóa chúng sanh,
Đầu, giữa, sau đều thiện,
Nên nói tất cả thiện.
Phật thương xót chúng sanh,
Nên nói Tỳ ni tạng,
Tỳ ni là tối thượng,
Lời Phật nói không hai,
Đọa lạc, không như ý,
Gọi là Ba la di,
Rộng nói khiến cho biết,
Trừ người phạm đầu tiên,
Phật nói không có phạm”.

– (Hết phẩm Ba la di thứ 1)

Lúc đó Phật ở trên núi Kỳ xà quật, thành Vương xá…

Hỏi: vì sao gọi là thành Vương xá?- do vào thời kiếp sơ, có hai vị Thánh vương tên Mạn tha đa và Cù bần đà xây dựng nhà cửa tại đây; có thuyết cho là khi Phật ra đời, có Chuyển luân thánh vương ra đời lập quốc tại đây, nếu không có Thánh vương ra đời thì Dược xoa sẽ làm chủ nơi này.

Hỏi: sao gọi là núi Kỳ xà quật?- Kỳ xà là tên của loài chim Thứu, quật là đỉnh núi; loài chim này sau khi ăn xong thì bay trở về đậu trên đỉnh núi nên thành tên gọi; lại có thuyết nói trên đỉnh núi có hình tảng đá tợ như chim Thứu nên thành tên gọi.

Nói chúng là ba người, nói Tăng là ba người trở lên; nói thân hữu là quen biết nhưng không thân; nói kỳ cựu là bạn rất thân, đồng y thực; nói ở bên núi Y tư kỳ lê là do thuở xưa có năm trăm vị Phật Bích chi đi đến nước Ca tư câu sa la, sau khi khất thực xong đã lên núi này nhập định, mọi người thấy các vị này lên núi rồi mãi không thấy trở xuống nên cho là núi đã ăn mất người xuất gia, núi này được gọi là Y tư kỳ lê từ đó. Nói có năm trăm Tỳ kheo làm nhà cỏ tranh ở bên núi này để hạ an cư là như Phật bảo các Tỳ kheo: “Tỳ kheo muốn hạ an cư, trước nên tu sửa phòng xá, nếu không có phòng xá mà hạ an cư thì phạm Đột kiết la”, nếu có phòng xá sẵn thì tốt, nếu không có nên tự làm hoặc nhờ người khác làm, nếu không có phòng xá thì không được hạ an cư.

Nói Đàn ni ca là người đầu tiên phạm Ba la di thứ hai là vị này làm một nhà tranh ở A lan nhã để an cư, sau khi mãn hạ liền tháo dỡ nhà tránh này ra từng phần rồi bó lại cột treo trên cây, vì sao, vì sau đó nếu muốn ở nữa thì lấy xuống làm nhà lại, hoặc Tỳ kheo nào cần thì tùy ý lấy xuống làm nhà để ở. Sở dĩ phải tháo dỡ bó lại cột treo trên cây là vì hạ an cư xong, Tỳ kheo sẽ ra đi tùy ý du hóa, nhà không ai ở coi giữ sẽ hư mục. Lúc đó có người đi lượm củi nhìn thấy liền lấy mang đi, Đàn ni ca đến hạ an cư lần sau trở lại thì không có bó cây gỗ và cỏ tranh để làm nhà nữa. Đàn ni ca vốn là con của người thợ gốm nên trộn bùn làm nhà, làm xong dùng màu đỏ sơn phết rồi dùng cỏ và phân bò nung căn nhà như nung đồ gốm; sau khi nung chín, căn nhà bằng đất có màu đỏ sáng đẹp như lửa, khi gõ vào phát ra tiếng vang như tiếng chuông và gio thổi vào cửa sổ nghe như tiếng nhạc. Sau đó, Phật nhìn thấy căn nhà này, tuy biết nhưng vẫn hỏi các Tỳ kheo là nhà của ai để nhân việc này chế giới. Sau khi nghe biết căn nhà này là do con của người thợ gốm tên Đàn ni ca làm, Phật liền dùng đủ phương tiện quở trách rằng: “tại sao kẻ ngu si này lại không có tâm từ bi tàn hại chúng sanh như thế, chúng sanh đời vị lai sẽ nói hồi Phật còn tại thế, Tỳ kheo tàn hại chúng sanh mà vẫn không kết tội, vì thế chớ khiến chúng sanh khởi tâm như thế”, nói rồi liền bảo các Tỳ kheo dỡ phá căn nhà đó.

Luận về tâm từ là hộ trước, tâm bi do thấy chúng sanh khổ nên xúc động sau; nói tàn hại chúng sanh là đào đất trộn bùn kế dùng lửa nung căn nhà sẽ làm chết nhiều chúng sanh. Do việc này Phật chế Tỳ kheo nào trộn bùn làm hồ xây nhà thì phạm Đột kiết la, nếu trộn bùn với cỏ tranh thì không phạm. Lúc đó Đàn ni ca nhập định bên cạnh nhà, nghe tiếng đập phá liền xuất định hỏi vì sao, các Tỳ kheo đáp là Phật bảo đập, Đàn ni ca nghe rồi đáp: “nếu Phật bảo đập phá thì được”. Đàn ni ca tuy dùng vật liệu của chính mình để xây cất nhà này, sở dĩ Phật bảo đập phá vì cách làm nhà phi pháp bất tịnh, nói phi pháp là cách làm nhà theo ngoại đạo, nói bất tịnh là tàn hại chúng sanh, Tỳ kheo chủ nhà thấy nhà bị đập phá cũng không được đòi bồi thường. Như trong luật nói pháp làm dù lọng không được dùng ngũ sắc hoặc kết dây tua sặc sỡ, cán dù cũng không được chạm khắc hay vẽ hình cầm thú như người thế gian thường làm. Pháp may ca sa phải cắt rọc, nên may đường may lùi và không được thêu hoa văn, làm dây khuy và nút không được làm hình cái chùy hay hình voi…; khi nhuộm y không được dùng nước thơm, nhuộm xong không được dùng nước hồ để hồ ca sa cho láng bóng; khi nhuộm giặt đập không được dùng chân đạp, nên dùng tay vò nhẹ… Pháp làm bát cũng không được chạm khắc trong ngoài, nung bát không được có màu ma ni, nắp bát và bên hông bát cũng không được chạm khắc hình kỳ lạ. Pháp làm dây đai lưng cũng không được dệt có hình hoa văn và kết tua ngũ sắc…; pháp làm ống đựng thuốc cũng không được chạm khắc hình nam nữ hay chúng sanh, chày giã thuốc cũng vậy; đãy đựng cũng không được dùng nhiều màu; ống khóa cho đến dao cạo tóc, dao cắt móng tay, vật lấy lửa, dao chẻ cây xỉa răng… và đãy đựng cũng vậy, đều không được chạm khắc hình nam nử, cầm thú và hoa văn sặc sỡ.

Nói làm phòng chỗ có nạn là làm ở chỗ vua có thế lực hoặc trong giới tràng của người khác, các Tỳ kheo thấy làm nên ngăn lại nói rằng: “không nên làm phòng ở đây, sẽ trở ngại chúng tôi bố tát, tự tứ”, nếu ngăn ba lần mà vẫn cố làm thì các Tỳ kheo nên phá dỡ, phá dỡ rồi nên đưa lại vật liệu như cây gỗ và cỏ tranh cho người chủ phòng, chủ phòng không được đòi bồi thường. Sau khi căn nhà đất nung đỏ bị phá dỡ, Đàn ni ca muốn làm lại căn nhà khác nên tìm đến người giữ cây gỗ trong thành là Bà la môn Bà sa ca la, người giữ cây gỗ này nói: ‘ đây là vật của vua, cất dự phòng khi trong thành có nạn gấp như hỏa hoạn… làm hư hoại, không thể đưa cho được”, Đàn ni ca tuy nghe Bà la môn này nói như vậy, vẫn tự ý lấy cây gỗ cưa ra từng khúc mang đi. Lúc đó vị đại thần nước Ma kiệt đà là Bà na đi tuần tra trong thành nhìn thấy Đàn ni ca mang gỗ đã cưa ra từng khúc ra khỏi thành, liền cho người bắt trói người giữ cây gỗ rồi đến hỏi vua có hạ lịnh đưa gỗ cho Tỳ kheo Đàn ni ca không, vua đáp là không, vị đại thần này liền đưa người giữ cây gỗ đến chỗ vua xử tội. Người giữ cây gỗ này đưa tin đến Đàn ni ca: “khi tôi chưa bị xử tử, xin đại đức hãy đến cứu tôi, nếu đợi tôi bị giết rồi mới đến thì muốn cứu cũng vô ích”, Đàn ni ca đến chỗ vua tâu rằng: “khi vua mới lên ngôi có nói Sa môn, Bà la môn nào cần cỏ cây và nước thì cứ tùy ý lấy dùng, vì thế nên tôi mới đến lấy cây gỗ của vua”, vua nói: “trước đây ta có nói lời này là vì các Sa môn, Bà la môn có tàm quý mà nói, không phải vì người không có tàm quý như thầy. Vả lại ta nói được tùy ý lấy là lấy vật vô chủ nơi A lan nhã, không phải là vật có chủ và có người coi giữ”.

Nói nhờ ca sa nên thoát chết là người xuất gia mặc ca sa, như có người muốn ăn thịt cừu nhưng không muốn giết cừu nên chọn lấy nhưng con cừu có bộ lông đẹp rồi ghi dấu trên đầu chúng là sẽ đem giết. Mọi người thấy dấu ghi này, vì tham tiếc bộ lông cừu đẹp nên đem thịt đến đổi, nhờ vậy mà cừu được thoát chết, Tỳ kheo Đàn ni ca cũng vậy, nhờ ca sa nên thoát chết. Mọi người nghe biết việc này rồi liền chê trách Tỳ kheo Đàn ni ca: “thầy không phải là Sa môn, không phải là Thích tử”. Lúc đó Phật hỏi một Tỳ kheo vốn là cựu thần hiểu rành luật pháp của vua: “theo luật pháp của vua Bình sa, trộm cắp đến bao nhiêu mới bị bắt trói, đuổi ra khỏi nước hoặc giết chết?”

Hỏi: Phật là bậc Nhất thiết trí đã biết rõ tội tướng nặng nhẹ mà chư Phật quá khứ đã kết, vì sao còn phải hỏi cựu thần của vua?- sở dĩ Phật hỏi là vì nếu không hỏi mà liền kết tội Ba la di thì người đời sẽ chê trách là công đức trì giới của Tỳ kheo là vô lượng cũng như hư không, như mặt đất không thể tính lường, vì sao vừa phạm liền kết tội trọng. Phật dùng trí huệ quán muốn cho giới được trụ lâu và muốn mọi người đều công nhận nên hỏi cựu thần trước rồi mới dựa theo pháp thế gian mà kết giới.

Nói năm Ma bà ca là tại thành Vương xá, hai mươi Ma bà ca là một phần Ca lợi sa bàn, một phần tư Ca lợi sa bàn là năm Ma bà ca. Chư Phật quá khứ cũng lấy một phần này để kết tội Ba la di, chư Phật vị lai cũng vậy, tất cả chư Phật đều kết giới Ba la di có bốn pháp không khác nhau. Sau khi quở trách Đàn ni ca xong, Phật kết giới Ba la di thứ hai không cho mà lấy, sau đó do Lục quần Tỳ kheo kết thêm thì gọi là tùy kết. Lúc đó tại chỗ giặt y, những người thợ giặt giặt và phơi khô xong, thu gom lại rồi cột thành bó để trở về trong thành; khi vào thành do vội vàng và đông người nên bị Lục quần Tỳ kheo lấy trộm một bó vải.

Nói tụ lạc là thành ấp hay thôn xóm có nhiều nhà hoặc nơi có một hay hai ba nhà, cho đến chỗ dừng ở tạm của các thương nhân cũng gọi là tụ lạc, đều có hai cửa cổng: cửa cổng trước nhà và cửa cổng của thôn, ấp hay thành; bên trong hai cổng này là giới của tụ lạc, bên ngoài cổng thứ haitrở đi là giới của A lan nhã. Nói giới nhà là từ hàng rào nhà, người bình thường không mạnh quá hay yếu quá cầm đá quăng đến được tới đâu thì trong phạm vi đó là giới của nhà; nếu không có hàng rào thì đứng ngay nơi chỗ nước từ trên mái nhà rơi xuống, cầm đá quăng được tới đâu thì trong phạm vi đó là giới nhà; hoặc đứng ngay nơi cửa nhà quăng rác hay cái chày giã đến được tới đâu thì đó là giới của nhà. Giới A lan nhã tính từ cổng làng trở ra, trong phạm vi năm trăm cung là giới nhỏ nhất. Trong phạm vi của các giới này, nếu là vật có chủ mà có tâm trộm cắp lấy năm Ma bà ca thì phạm Ba la di; nói không cho mà lấy là vật của người khác như y thực…, nếu họ không dùng thân hay ngữ để cho mà khởi tâm trộm cắp lấy; nói không xả là tâm của người chủ không xả vật. Nói trộm cắp bao gồm năm trường hợp: chiếm đoạt, mang đi, đem cất, bước chân đi, lấy rời khỏi chỗ cũ và cùng giao hẹn. Nói chiếm đoạt là như Tỳ kheo chiếm đoạt vườn rừng của người, khi đang tranh chấp thì Tỳ kheo phạm Đột kiết la, khi người chủ vườn kia hồ nghi thì Tỳ kheo phạm Thâu lan giá, khi người chủ vườn kia khởi tâm xả tức là quyết định mất vườn thì Tỳ kheo phạm Ba la di. Nói mang đi là như Tỳ kheo mang vật của người khác đi, khi khởi tâm trộm sờ chạm vật thì phạm Đột kiết la, khi dùng tay động chuyển vật thì phạm Thâu lan giá, khi mang vật đi thì phạm Ba la di. Nói đem cất là như Tỳ kheo nhận vật của người khác gởi rồi đem cất, sau đó khi người chủ đến lấy lại vật thì Tỳ kheo nói là không có nhận vật gởi; khi nói xong câu này liền phạm Đột kiết la, khi người chủ hồ nghi thì Tỳ kheo phạm Thâu lan giá, khi người chủ khởi tâm xả vật thì Tỳ kheo phạm Ba la di. Nói bước chân đi là nếu Tỳ kheo trộm vật tự mang đi, bước chân đi thứ nhất phạm Thâu lan giá, bước chân thứ hai liền phạm Ba la di. Nói lấy rời khỏi chỗ cũ là khi Tỳ kheo khởi tâm muốn trộm lấy vật thì phạm Đột kiết la, tay động chuyển vật thì phạm Thâu lan giá, lấy rời khỏi chỗ cũ liền phạm Ba la di. Nói cùng giao hẹn là như Tỳ kheo nói tôi sẽ đến chỗ ________ lấy vật ___________ mang về đây, khi Tỳ kheo đến đó lấy được vật mang đi, một chân bước ra ngoài giới, một chân còn ở trong giới thì phạm Thâu lan giá, cả hai chân đều bước ra ngoài giới liền phạm Ba la di. Nói qua chỗ thu thuế là nếu Tỳ kheo mang vật qua chỗ thu thuế mà không nộp thuế, một chân bước ra ngoài, một chân còn ở bên trong chỗ thu thuế thì phạm Thâu lan giá, hai chân đều bước ra khỏi chỗ thu thuế thì phạm Ba la di. Sáu trường hợp kể trên nếu phân biệt thì có đến hai mươi lăm câu như sau: như trường hợp một là lấy đủ loại vật có năm câu hoặc năm duyên như trong luật đã nói, trường hợp hai là lấy một loại vật cũng có năm, trường hợp ba là tự tay lấy cũng có năm, trường hợp bốn là phương tiện đầu tiên cũng có năm, trường hợp năm là trộm lấy cũng có năm. Hai trường hợp đầu có năm câu như đã nói ở trên, trong trường hợp ba là tự tay lấy cũng có năm câu: một là tự tay lấy, hai là bảo người khác lấy, ba là ném, bốn là lấy được, năm là chủ vật có tâm xả vật.

Nói tự tay lấy là tự tay đoạt lấy vật từ người khác, sai bảo lấy là như bảo người khác rằng hãy đoạt lấy vật ấy cho ta; ném là như ở trong chỗ thu thuế lén ném vật trốn thuế ra ngoài, nếu vật này là vật quý trọng thì phạm Ba la di; nói lấy được là như bảo người rằng: đối với vật ấy nếu có thể lấy được thì cứ lấy, nếu không thể lấy được thì thôi, người được sai vâng lời đi lấy, nếu trộm lấy được vật ấy thì người sai phạm Ba la di, người được sai tùy lúc lấy được liền phạm; nói chủ có tâm xả vật là đối với vật bị mất khởi tâm xả.

Trong trường hợp bốn phương tiện ban đầu cũng có năm câu: một là phương tiện ban đầu, hai là tùy phương tiện, ba là kết phương tiện, bốn là hẹn làm, năm là ghi nhớ biết, như trong luật đã nói rõ.

Trong trường hợp năm trộm lấy cũng có năm câu: một là trộm lấy, hai là cướp lấy, ba là đòi lấy, bốn là giấu để lấy, năm là đổi thẻ lấy. Nói đổi thẻ lấy là như có một Tỳ kheo chi y cho Tăng, có tâm trộm nên đổi thẻ để lấy y tốt của người khác về cho mình. Như vậy năm trường hợp trên đều có năm câu, tộng cộng thành hai mươi lăm câu, luật sư có trí huệ khi xử đoán việc tranh cãi, phải quán xem năm trường hợp trước rồi mới xử đoán, như kệ nói:

“Nếu nói việc đã qua,
Đúng thời dùng năm pháp,
Quán xem năm chỗ rồi,
Bậc trí biết xử đoán”.

Nói dùng năm pháp quán: một là quán xứ như Tỳ kheo lấy trộm vật rồi phạm tội, luật sư nên xét xem vật này là có chủ hay không có chủ, nếu có chủ thì chủ vật có tâm xả hay không có tâm xả vật; nếu chủ vật chưa có tâm xả thì nên định tội người lấy trộm như trong luật đã nói; nếu chủ vật đã khởi tâm xả thì người lấy trộm đủ số như trong luật chế thì kết phạm Ba la divà trả vật lại cho chủ. Thuở xưa có vua Bà đế da cúng dường đại tháp, có một Tỳ kheo từ phương nam đến trong chùa làm lễ, trên vai có đặt chiếc y vàng bảy khuỷu tay. Lúc đó vua và đại chúng vào chùa nên xua mọi người ra ngoài, mọi người bị dồn qua một bên nên chen lấn nhau, trong lúc chen lấn, chiếc y trên vai của Tỳ kheo rơi mất. Khi ra bên ngoài, Tỳ kheo cho là không thể tìm lại được y nên khởi tâm xả rồi bỏ đi. Sau đó có một Tỳ kheo khác đến chùa thấy chiếc y này trên đất, khởi tâm trộm lấy, lấy rồi nghi hối nên tìm đến một luật sư tên Châu la Tu Ma Na là vị thông suốt luật tướng trong các luật sư để quyết nghi. Luật sư nghe biết sự việc rồi liền nói: “thầy có thể đưa chủ y đến đây không?”, đáp là không biết, luật sư bảo đi tìm; vị này đến trong năm chùa lớn hỏi thăm, vẫn không tìm ra được chủ chiếc y nên trở lại chỗ luật sư. Luật sư hỏi: “có nhiều Tỳ kheo từ phương nào đến đây?”, đáp là từ phương nam, luật sư nói: “thầy nên cầm y đã lấy mang đến từng chùa hỏi ai là chủ của y”, Tỳ kheo vâng lời cầm y đến trong từng chùa hỏi và tìm được chủ y đứa đến gặp luật sư, luật sư hỏi Tỳ kheo chủ y: “đây là y của thầy phải không?”, đáp là phải, lại hỏi mất tại đâu, liền kể lại việc trên, luật sư hỏi: “thầy đã khởi tâm xả y chưa?”, đáp là đã xả, luật sư lại hỏi Tỳ kheo lấy y đã lấy y ở đâu, liền kể lại việc trên, luật sư nói: “nếu khi thầy lượm lấy y này với tâm không trộm cắp thì không có tội, nếu lượm lấy với tâm trộm thì phạm Đột kiết la, nên đối sám mới trừ được tội”, lại bảo Tỳ kheo chủ y: “thầy với tâm đã xả y nên đem y này cho Tỳ kheo này”, Tỳ kheo lấy y sau khi được quyết nghi, thân tâm vui mừng như được vị cam lồ. Đây gọi là quán xứ.

Nói quán thời là xét lúc lấy được y mà định tội theo thời giá là mắc hay rẽ. Như có một Tỳ kheo ở giữa biển vớt được một trái dừa liền gọt cắt thành cái gáo rất xinh khiến ai cũng thích và dùng gáo này để uống nước. Sau đó để cái gáo này lại trong chùa ở trên đảo rồi đi đến núi Chi đế da, có một Tỳ kheo khác đến trong chùa này thấy cái gáo xinh nên trộm lấy và mang theo đi đến núi Chi đế da. Tỳ kheo chủ cái gáo thấy Tỳ kheo này dùng cái gáo để ăn cháo liền nhận ra là cái gáo của mình nên đến hỏi: “thầy được cái gáo này từ đâu?”, đáp là ở trong chùa trên đảo, Tỳ kheo kia nói: “cái gáo này là của tôi, thầy đã lấy trộm nó”, nói rồi liền dẫn đến trong Tăng xin phân xử nhưng không ai giải quyết được, liền dẫn đến chỗ luật sư tên Cù đàn đa, luật sư hỏi Tỳ kheo lấy gáo: “thầy lấy cái gáo này ở đâu?”, đáp là ở trên đảo, lại hỏi: “vật này ở trên đảo trị giá bao nhiêu?”, đáp: “ở nơi ấy sau khi uống nước dừa và ăn dừa xong liền vất bỏ hoặc phơi khô làm củi đốt, không đáng giá gì”, luật sư lại hỏi Tỳ kheo chủ cái gáo: “thầy làm thành cái gáo trị giá bao nhiêu?”, đáp: “trị giá chừng một Ma sa ca”, luật sư nói: “chưa đủ năm Ma sa ca thì không phạm trọng”, đại chúng nghe luật sư xử đoán như vậy rồi đều khen lành thay. Lúc đó vua Bà đế da đến trong chùa lễ bái nghe biết việc này cũng khen lành thay và ra lịnh đánh trống thông báo khắp nơi: “từ nay về sau, tất cả những người xuất gia nếu có nghi việc gì hãy đến chỗ luật sư Cù đàn đa để quyết nghi, vì luật sư này xử đoán như luật pháp”. Đó gọi là xét theo thời giá mà định tội, cũng nên xét vật mới hay cũ để định giá, như cái bát mới nguyên không bị lủng thì giá cao, cũ và bị lủng thì không đáng giá. Nói mới cũ là như vật chưa dùng qua thì gọi là mới, đã dùng qua rồi thì gọi là cũ; như cái rìu đã dùng chẻ củi qua rồi liền thành vật cũ hoặc vải đã mặc qua một lần, giặt một lần liền gọi là cũ… Do đó khi xử đoán nên hỏi rõ để kết tội nặng hay nhẹ. Hết phẩm đoạt lấy.