LUẬT DI SA TẮC BỘ HÒA HÊ NGŨ PHẦN

Hán dịch: Đời Lưu Tống, Tam tạng Phật Đà Thập người nước Kế Tân, cùng Trúc Đạo Sinh
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 29

Phần 5: NÓI VỀ CÁC PHÁP: PHÁ TĂNG, NGỌA CỤ, TẠP PHÁP, OAI NGHI, NGĂN BỐ TÁT, BIỆT TRÚ V.V…

Đoạn 8: NÓI VỀ PHÁP TỲ KHEO NI

Bấy giờ, Đức Thế Tôn trở về Xá-di, chưa đến thành Ca-duy-lavệ, dừng chân bên gốc cây Ni-câu-loại. Vua Tịnh Phạn ra nghinh đón, từ xa thấy dung mạo Đức Thế Tôn đặc thù, giống như núi vàng, đến trước Đức Phật kính lễ sát chân, nói kệ:

Khi sinh thầy tướng đoán
Tôi nghe kính lễ đầu
Lần hai cúi lễ cây
Lần Ba-lại thành đạo.

Nhà Vua nói kệ rồi liền ngồi qua một bên, Đức Phật vì Vua giảng nói các pháp diệu… cho đến câu: Thấy pháp đắc quả, từ chỗ ngồi đứng dậy để trống vai bên phải, quỳ gối chấp tay, bạch Phật:

Bạch Đức Thế Tôn! Cho tôi được xuất gia thọ giới Cụ túc.

Đức Phật liền quan sát vấn đề, thấy nhà Vua xuất gia không thuận tiện, liền tâu:

-Đừng phóng dật, tuần tự sẽ được pháp diệu này.

Khi ấy, nhà Vua cầu thọ Tam quy, Ngũ giới. Thọ năm giới rồi, Đức Phật lại nói các pháp diệu, chỉ vẽ sự lợi ích khiến Vua vui mừng rồi trở về chỗ cũ. Nhà Vua về đến trước sân hoàng cung, Ba lần thứ ban lệnh: Ai muốn xuất gia trong chánh pháp luật của Như Lai thì tùy nguyện. Khi ấy, Cù-đàm-di Ma-ha-ba-xà-ba-đề nghe nhà Vua ra lệnh như vậy, liền cùng năm trăm Thích nữ kẻ trước, người sau vây quanh, mang hai chiếc y mới để chỗ Đức Phật, đầu mặt đảnh lễ sát chân, rồi bạch Phật:

-Bạch Đức Thế Tôn! Tự tay con dệt hai chiếc y này, nay xin dâng cúng, mong Thế Tôn rủ lòng thương thọ nhận.

Đức Phật dạy:

-Nên cúng cho Tăng để được quả báo lớn.

Bà lại bạch như trên.

Đức Phật dạy:

-Nên cúng cho Tăng, trong Tăng có Như Lai.

Bà lại bạch như trên.

Đức Phật dạy:

-Như Lai nhận một, còn lại một cúng cho Tăng.

Khi ấy, bà mới vâng theo lời dạy, dâng cúng cho Phật và Tăng. Cù-đàm-di lại bạch Phật:

Xin cho phép nữ giới xuất gia thọ giới Cụ túc trong chánh pháp của Như Lai.

Đức Phật dạy:

-Thôi, thôi đừng nói điều đó. Tại sao? Xưa kia các Đức Phật đều không có người nữ xuất gia. Các người nữ, tự mình nương nơi Phật, ở tại gia, cạo đầu, mặc áo cà sa, siêng năng tinh tấn tu hành, được đắc đạo quả. Các Đức Phật vị lai, cũng như vậy. Nay Ta cho phép người nữ dùng điều này làm phương pháp.

Cù-đàm-di thưa xin như trên đến lần thứ ba, Đức Phật cũng Ba lần không chấp thuận. Khi ấy, bà Cù-đàm-di lớn tiếng than khóc, đảnh lễ sát chân và lui ra.

Đức Phật từ Ca-duy-la-vệ cùng chúng Đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi đầy đủ, du hành nơi nhân gian. Bà Cù-đàm-di cùng năm trăm Thích nữ tự động cùng nhau cạo đầu, mặc y cà sa, khóc kể, đi theo sau, luôn luôn tá túc những nơi Đức Thế Tôn tá túc. Đức Phật tuần tự du hành đến thành Xá-vệ trụ nơi Kỳ-hoàn. Bà Cù-đàm-di cùng năm trăm Thích nữ đứng khóc bên ngoài cửa ngõ.

Sáng sớm, Tôn giả A-nan thấy vậy liền hỏi:

-Tại sao quý vị khóc?

Bà Cù-đàm-di thưa:

-Bạch Đại đức! Đức Thế Tôn không cho người nữ xuất gia thọ giới Cụ túc, nên chúng tôi buồn tủi mà khóc, xin Tôn giả vì chúng tôi bạch Đức Thế Tôn cho chúng tôi được toại nguyện.

Tôn giả A-nan liền trở vào, đầu mặt kính lễ sát chân, bạch Phật đầy đủ. Đức Phật ngăn Tôn giả A-nan như đã ngăn bà Cù-đàm-di trước kia.

Tôn giả A-nan lại bạch Phật:

-Đức Thế Tôn sinh mới mấy ngày, mẹ Ngài mạng chung, Cùđàm-di nuôi nấng Thế Tôn cho đến khôn lớn, có cái ân như thế tại sao không báo đền?

Đức Phật nói:

-Ta đối với Cù-đàm-di cũng có cái ân lớn, bà nhờ Ta mà biết được Phật, Pháp, Tăng để sinh chánh tín. Người nào nhờ thiện tri thức biết được Phật, Pháp, Tăng sinh lòng tín kính, dù cho người ấy dùng y thực, thuốc thang cúng dường trọn đời thiện tri thức, cũng không thể báo được ân ấy.

Tôn giả A-nan lại bạch Phật:

-Người nữ xuất gia thọ giới Cụ túc có thể đắc bốn quả Sa-môn hay không?

Đức Phật dạy:

-Có thể đắc.

Tôn giả A-nan thưa:

-Nếu đắc bốn đạo quả, vì lý do gì Thế Tôn không cho họ xuất gia thọ giới Cụ túc?

Đức Phật dạy:

-Nay Ta cho phép Cù-đàm-di thọ tám pháp không được vượt qua, được vậy thì xuất gia được thọ giới Cụ túc. Những gì là tám? Tỳ-kheoni nửa tháng phải đến chúng Tỳ-kheo cầu người giáo thọ. Tỳ-kheo-ni không nên an cư nơi vùng không có Tỳ-kheo. Tỳ-kheo-ni khi Tự tứ phải đến chúng Tỳ-kheo thỉnh ba việc tội kiến, văn, nghi. Thức-xoa-ma-na học giới hai năm rồi, phải ở trước hai bộ Tăng thọ giới cụ túc. Tỳkheo-ni không được mắng Tỳ-kheo, không được đối với nhà bạch y nói Tỳ-kheo phá giới, phá oai nghi, phá kiến. Tỳ-kheo-ni không được cử tội Tỳ-kheo, mà Tỳ-kheo được chê trách Tỳ-kheo-ni. Tỳ-kheo-ni phạm tội thô ác phải đến trước hai bộ Tăng hành Ma-na-đỏa nửa tháng, hành Ma-na-đỏa nửa tháng rồi nên đối trước mỗi bộ Tăng gồm hai mươi vị để cầu xuất tội. Tỳ-kheo-ni tuy thọ giới một trăm năm, vẫn phải lễ bái, đứng dậy nghinh đón Tỳ-kheo mới thọ giới.

Tôn giả A-nan vâng lời Phật dạy liền ra nói với bà Cù-đàm-di:

-Bà nên lắng nghe, tôi nói lại lời Đức Phật dạy. Bà Cù-đàm-di sửa lại y phục, từ xa kính lễ Phật túc, quỳ gối chấp tay một lòng lắng nghe.

Tôn giả A-nan nói đầy đủ như trên, bà Cù-đàm-di nói:

Cũng như thiếu niên nam nữ trong trắng, tự mình vui thích với sự tắm rửa thân thể, mặc áo mới, có người ân huệ đem tràng hoa Chiêm-bà, tràng hoa Bà-sư, tràng hoa Ưu-bát-la, tràng hoa A-đề-mục-đa-già, người kia vui mừng hai tay đón nhận rồi đội lên trên đầu, nay tôi đảnh lễ thọ giáo pháp của Đức Thế Tôn, cũng như vậy.

Cù-đàm-di lại bạch với Tôn giả A-nan:

-Xin Tôn giả vì tôi bạch với Đức Thế Tôn: Tôi đã đảnh thọ tám pháp, trong tám pháp muốn xin một điều, cho phép Tỳ-kheo-ni tùy theo lớn nhỏ mà kính lễ Tỳ-kheo, chứ tại sao Tỳ-kheo-ni một trăm tuổi lại kính lễ Tỳ-kheo mới thọ giới?

Tôn giả A-nan lại vì bà Cù-đàm-di vào bạch Phật. Đức Phật bảo A-nan:

-Nếu Ta cho phép Tỳ-kheo-ni tùy theo lớn nhỏ mà kính lễ Tỳkheo là điều không thể có. Người nữ có năm điều trở ngại: Không được làm Thiên Đế Thích, Ma Thiên Vương, Phạm Thiên Vương, Chuyển luân Thánh vương, Pháp Vương Tam Giới. Nếu không cho người nữ xuất gia thọ giới Cụ túc thì chánh pháp của Phật trụ thế một ngàn năm, nay cho họ xuất gia thì giảm năm trăm năm, cũng như nhà người nào đó, con gái nhiều, con trai ít, nên biết nhà đó sẽ không lâu bị suy tàn.

Đức Phật lại bảo A-nan:

-Nếu người nữ không xuất gia thọ giới Cụ túc trong giáo pháp của Ta, thì sau khi Ta Nê hoàn, các Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di sẽ đem bốn thứ cúng dường đi theo sau Tỳ-kheo và thưa: Đại đức thương xót xin nhận sự cúng dường của con. Nếu họ ra ngoài cửa ngõ thấy thì kéo tay vào nói: Đại đức đối với con có ân, mời Đại đức vào nhà con ngồi tạm để con được an lành. Nếu họ gặp trên lộ trình, họ đều xổ đầu tóc lau chân Tỳ-kheo, trải tóc ra mời Tỳ-kheo giậm lên trên mà đi, nay cho người nữ xuất gia, điều đó hầu như bị mất hết.

Tôn giả nghe qua rồi, buồn hận rơi nước mắt, bạch Phật:

-Bạch Đức Thế Tôn! Trước đây con không nghe, không biết điều đó nên mới dốc cầu cho người nữ xuất gia thọ giới Cụ túc, nếu trước đây con biết thì đâu có ba phen cầu xin.

Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

-Chớ nên khóc kể. Ma che đậy lòng ông nên mới như thế. Nay Ta đã cho người nữ xuất gia thọ giới Cụ túc rồi, cần phải tùy thuận theo sự chế cấm của Ta, không nên trái nghịch, những gì Ta không chế cấm thì không được tùy tiện chế.

Tôn giả A-nan liền trở ra, nói lại những gì đầy đủ Đức Phật đã dạy cho bà Cù-đàm-di nghe. Bà Cù-đàm-di nghe rồi hoan hỷ phụng hành, ngay khi ấy, bà trở thành người xuất gia thọ giới Cụ túc.

Cù-đàm-di lại thưa với Tôn giả A-nan:

-Năm trăm Thích nữ này nay phải như thế nào để thọ giới Cụ túc?

Nhờ Tôn giả thưa với Đức Phật giùm.

A-nan lại bạch Phật. Phật dạy:

-Cho phép Tỳ-kheo-ni Ba-xà-ba-đề làm Hòa thượng, đối trước chúng Tỳ-kheo làm mười vị, Bạch-tứ-yết-ma cho họ thọ giới cụ túc. Cho phép mỗi lần Yết-ma chỉ ba người, không được quá. Thọ rồi, Tỳkheo-ni Ma-ha-ba-xà-ba-đề cùng năm trăm Tỳ-kheo-ni đến chỗ Đức Phật, đầu mặt lễ sát chân, bạch Phật:

-Bạch Đức Thế Tôn! Chúng con mặc y thế nào?

Phật dạy:

-Như pháp của Tỳ-kheo.

Lại hỏi:

-Ăn như thế nào?

Phật dạy:

-Cho phép khất thực…Lại hỏi:

-Bố-tát thế nào?

Phật dạy:

-Cho phép Bố-tát riêng. Nửa tháng đến Tỳ-kheo Tăng cầu giáo thọ.

Lại hỏi:

-Kiết hạ an cư như thế nào?

Phật dạy:

-Cho phép kiết hạ ba tháng an cư trong nhà (chùa).

Lại hỏi:

-Tự tứ thế nào?

Phật dạy:

-Cho phép Tự tứ riêng, đến Tỳ-kheo Tăng thỉnh tội về kiến, văn, nghi.

Lại hỏi:

-Thọ y Ca-hi-na như thế nào?

Phật dạy:

-Cho phép bạch nhị Yết-ma, thọ trong bốn tháng.

Lại hỏi:

-Chứa dép da thế nào?

Phật dạy:

-Cho phép làm guốc dép để đi lại.

Lại hỏi:

-Diệt tránh bằng cách nào?

Phật dạy:

-Cho phép bảy cách diệt tránh để chấm dứt bốn sự tranh chấp.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo-ni, trước không trao cho đệ tử hai năm học giới, bèn trao đại giới, ngu si không biết gì, không thể học giới, bạch Phật. Phật dạy: Không nên như vậy, vi phạm, phạm Đột-kiết-la. Trước nên trao cho hai năm: không được sát sinh, không được lấy của không cho, không được dâm dục, không được nói dối, không được uống rượu, không được ăn phi thời. Khi ấy có một Tỳ-kheo-ni làm mai mối, phạm Tăng-già-bà-thi-sa, không biết giải quyết thế nào, bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp hai bộ Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Cho phép hai bộ Tăng Bạch-tứ-yết-ma trao cho Tỳ-kheo-ni nửa tháng Ma-na-đỏa. Tỳ-kheo-ni kia nên đến trong Tăng, để trống vai bên phải, cởi bỏ giày dép, kính lễ sát chân hai bộ Tăng, bạch:

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Con Tỳ-kheo-ni tên là… làm mai mối, phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa, nay đến Tăng xin nửa tháng Ma-nađỏa, xin Tăng cho con nửa tháng Ma-na-đỏa. Xin như vậy Ba lần. Một Tỳ-kheo đọc rõ:

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Con Tỳ-kheo-ni tên là… làm mai mối, phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa, nay đến Tăng xin nửa tháng Ma-nađỏa, xin Tăng cho con nửa tháng Ma-na-đỏa. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Đây là lời tác bạch.

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Con Tỳ-kheo-ni tên là… làm mai mối, phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa, nay đến Tăng xin nửa tháng Ma-nađỏa, xin Tăng cho con nửa tháng Ma-na-đỏa, các Trưởng lão nào chấp thuận thì xin im lặng. Ai không đồng ý xin nói. Nói như vậy Ba lần.

Tăng đã trao cho Tỳ-kheo-ni tên là… nửa tháng Ma-na-đỏa rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc như vậy, thọ trì như vậy.

Tăng đã trao pháp Ma-na-đỏa rồi, đương sự lo thức dậy sớm lau quét trú xứ của Tỳ-kheo-ni, lấy bùn sửa chữa nền và tường nơi các phòng, chỗ cần có nước thì phải lấy cho đầy, các việc làm đều phải nên làm. Nếu có Tỳ-kheo-ni khách đến, hay Tỳ-kheo-ni đi cũng đều phải bạch. Lại nên cùng một Tỳ-kheo-ni làm bạn đến trú xứ của Tỳ-kheo, có việc gì nên làm phải cần làm như trên. Nếu có Tỳ-kheo khách đến, hay Tỳ-kheo đi cũng đều phải bạch. Ngày ngã về chiều, trở về trú xứ của Tỳ-kheo-ni. Nửa tháng phụng hành như vậy rồi, đối trước hai bộ Tăng, mỗi bên hai mươi vị, cầu xin Yết-ma xuất tội như pháp của Tỳ-kheo.

Khi ấy, các Tỳ-kheo-ni không kính lễ Tỳ-kheo, không người giáo giới, ngu si không biết gì, không thể học giới, bạch Phật, Phật quở trách: Trước đây Ta đã nói tám pháp không được vượt quá, Tỳ-kheo-ni một trăm tuổi kính lễ Tỳ-kheo mới thọ giới, tại sao không kính lễ? Quở trách rồi, Phật bảo các Tỳ-kheo: Từ nay cho phép các Tỳ-kheo tùy theo thứ tự kính lễ bậc Thượng tọa. Các Tỳ-kheo-ni kính lễ tất cả các Tỳ-kheo, cũng tùy theo thứ tự kính lễ lẫn nhau. Thức-xoa-ma-na kính lễ tất cả Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, cũng tuỳ theo thứ tự kính lễ lẫn nhau. Sa-di cũng như vậy. Sa-di-ni kính lễ tất cả các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa-mana và Sa-di, cũng tùy theo thứ tự kính lễ lẫn nhau.

Có Tỳ-kheo-ni ở chỗ cao kính lễ Tỳ-kheo ở chỗ thấp, hoặc ở phía sau Tỳ-kheo, hoặc ở bên Tỳ-kheo mà kính lễ, hoặc lấy tay cầm chân, hoặc đầu gối sát đất kính lễ, bạch Phật. Phật dạy: Không nên làm như vậy, cho phép Tỳ-kheo-ni cách Tỳ-kheo không gần không xa, chấp tay cúi đầu nói: Cung kính!

Bấy giờ, các Tỳ-kheo-ni tóc dài, Phật bảo: Nên cầu người nữ cạo cho, nếu không có người nữ, cho phép cầu người nam, nhưng không được xúc chạm, không được khiến họ cầm nắm, có Tỳ-kheo-ni bạn khác, nhờ họ cầm, vậy sau nhờ họ cạo.

Lúc này, các Tỳ-kheo-ni đến Tỳ-kheo-ni thọ kinh, tụng không thể được. Lại có một Tỳ-kheo-ni đến Tỳ-kheo-ni thọ một Ba-la-đề-mộcxoa, nhiều ngày không thể được, sau đó, đến Tỳ-kheo thọ, liền được, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép Tỳ-kheo-ni đến nơi Tỳ-kheo thọ kinh. Nếu trong kinh có nói lời thô ác, cho phép viết chữ trao, nếu không biết chữ, cho phép dùng sự ngăn cách để trao, nếu không có cái gì để ngăn cách, cho phép xoay lưng lại để trao. Có các Tỳ-kheo-ni cùng Tỳ-kheo đồng Bố-tát, thấy các Tỳ-kheo phạm tội bèn muốn cử tội, bạch Phật. Phật dạy: Tỳ-kheo-ni không được cùng Tỳ-kheo Bố-tát, nên nửa tháng mời một Tỳ-kheo, khiến đến một Tỳ-kheo Tăng xin một vị giáo giới. Các Tỳ-kheo không chịu cung ứng. Phật dạy: Cho phép Tỳ-kheo-ni làm các thứ cúng dường như đãy đựng bát, đãy lọc nước, dây lưng, hương dầu, bữa ăn trước, bữa ăn sau, hoặc chưa Bố-tát mà bạch, hoặc Bố-tát rồi mới bạch. Phật dạy: Không nên như vậy, nên trong khi xướng: Các Tỳ-kheo không đến, muốn thanh thịnh, từ chỗ ngồi đứng dậy đến trước Tăng bạch: Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tinh xá… Tỳ-kheo-ni Tăng hòa hợp, đảnh lễ Tăng túc Tỳ-kheo hòa hợp cầu xin vị giáo thọ. Nếu trước đó, Tăng đã sai vị giáo thọ, Thượng tọa nên trả lời: Đến Tỳ-kheo… để thọ. Nếu Tăng không có người để sai, không có khả năng thuyết pháp, nên trả lời: Trong đây không có người để sai giáo thọ, lại không có người có khả năng nói pháp, quý vị chớ buông lung. Các Tỳ-kheo-ni, sáng sớm đến thưa hỏi: Vấn đề xin Tỳ-kheo giáo thọ, đã bạch Tăng chưa? Tỳ-kheo này nên trao truyền lời như Thượng tọa đã dạy.

Có các Tỳ-kheo-ni cùng Tỳ-kheo thứ tự, Tỳ-kheo-ni muốn đến tập hợp nơi Tỳ-kheo ở A-lan-nhã để Tự tứ, dọc đường gặp giặc, nước, lửa, nạn mạng, nạn phạm hạnh, nạn y bát, lại phải đợi chờ, lưu lại để Tự tứ, bạch Phật. Phật dạy:Tỳ-kheo-ni không được cùng Tỳ-kheo Tự tứ riêng, đến Tỳ-kheo Tăng thỉnh tội kiến, văn, nghi. Khi ấy, trong làng không có Tỳ-kheo, các Tỳ-kheo-ni đến nơi A-lan-nhã thỉnh tội kiến, văn, nghi, hoặc đường xa đi không đến, hoặc Tỳ-kheo kia không hòa hợp, không thỉnh được, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép các Tỳ-kheo ở A-lan-nhã vì Tỳ-kheo-ni đến xóm làng Tự tứ, vì họ hòa hợp. Các Tỳkheo-ni nên trước tập hợp chúng Tự tứ, vậy sau mới sai Tỳ-kheo-ni đến Tỳ-kheo Tăng thỉnh tội kiến, văn, nghi. Đến nơi để trống vai bên phải, cởi bỏ giày dép, từ xa kính lễ sát chân Tăng, sau đấy vào trong Tăng, chấp tay cúi đầu, bạch: Tinh xá… Tỳ-kheo-ni Tăng hòa hợp, đảnh lễ sát chân. Tỳ-kheo Tăng hòa hợp, bạch: Tỳ-kheo-ni Tăng chúng con hòa hợp thỉnh Đại đức Tăng Tự tứ, nói tội kiến, văn, nghi. Thỉnh như vậy Ba lần.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nói với Tỳ-kheo-ni Ba-xà-ba-đề: Cô không có Hòa thượng, không thành xuất gia thọ giới Cụ túc. Bà Tỳ-kheo-ni Ba-xà-ba-đề sinh nghi, bạch Phật. Phật dạy: Khi bà thọ tám pháp không được vượt qua, đã là xuất gia thọ giới Cụ túc rồi. Có Tỳ-kheo-ni khuyến dụ đùa bỡn Tỳ-kheo nói: Tôi là tộc tánh lễ nghi hoàn bị, một người nữ đầy đủ công hạnh, ý muốn giúp đỡ thầy. Tỳ-kheo kia bèn sinh tâm nhiễm đắm, không thích nếp sống đạo, đưa đến việc hoàn tục. Các Tỳkheo bạch Phật. Phật dạy: Tỳ-kheo-ni không nên khuyến dụ đùa bỡn với Tỳ-kheo, vi phạm, phạm Đột-kiết-la.

Có các Tỳ-kheo-ni đến trú xứ của Tỳ-kheo, hoặc để lộ nách ngực, hoặc để lộ bắp chân, ống chân, Tỳ-kheo thấy sinh tâm nhiễm đắm, không vui sống với đạo, hoàn tục, các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Không nên làm như vậy. Từ nay không cho phép Tỳ-kheo-ni vào trú xứ của Tỳ-kheo. Không được phép vào nên không có sự giáo giới, các Tỳkheo-ni bị ngu ám, không biết gì, không thể học giới, bạch Phật. Phật dạy: Nếu Tỳ-kheo-ni sống đúng pháp thì cho vào, Tăng cũng nên kêu đến, kêu mà không đến. Phật dạy: Kêu mà không đến phạm Đột-kiếtla. Lúc ấy, các Tỳ-kheo-ni không cùng Tỳ-kheo nói năng, không có sự giáo giới, ngu si không biết gì, không thể học giới, các Tỳ-kheo-ni bạch Phật. Phật dạy: Không nên như vậy, vi phạm, phạm Đột-kiết-la.

Khi Tỳ-kheo-ni Ưu-ta thường phạm giới, Tỳ-kheo-ni Tăng tác pháp trao cho Yết-ma không thấy tội, lại kêu khóc: Tôi ngu si, Tăng tác pháp trao cho tôi Yết-ma không thấy tội, trong lúc ấy, có thể tôi lại phạm tội thô, nguyện xin Tăng vì tôi giải Yết-ma này. Các Tỳ-kheo-ni bạch Phật. Phật dạy: Không nên vì thế mà giải Yết-ma, nên bạch nhị Yết-ma sai một Tỳ-kheo-ni bạn với cô ta cùng nói năng, cùng sống để ngăn chận. Một Tỳ-kheo-ni đọc rõ: A-di Tăng lắng nghe! Nay sai Tỳkheo-ni tên là… bạn của Tỳ-kheo-ni Ưu-ta, cùng nói năng, cùng sống để ngăn chận. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận.

Đây là lời tác bạch.

A-di Tăng lắng nghe! Nay sai Tỳ-kheo-ni tên là… bạn của Tỳkheo-ni Ưu-ta, cùng nói năng, cùng sống để ngăn chận. Các A-di nào chấp thuận thì xin im lặng. Ai không đồng ý xin nói.

Tăng đã sai Tỳ-kheo-ni tên là… bạn của Tỳ-kheo-ni Ưu-ta rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc như thế, thọ trì như thế.

Có Tỳ-kheo-ni nguyệt thủy ra nhớp chân và y, vào xóm làng khất thực, các bạch y thấy chê bai. Phật dạy: Nếu khi Tỳ-kheo-ni nguyệt thủy ra, không cho phép vào xóm làng khất thực, cho phép chuẩn bị lương khô, cũng cho phép đệ tử khất thực thế, nếu không có đệ tử, cho phép mặc y nguyệt thủy khất thực. Có các quý tộc nữ xuất gia không mặc y phú kiên, các bạch y thấy vai, cánh tay, cùng nhau trêu chọc, các vị ni này lấy làm xấu hổ. Các Tỳ-kheo-ni bạch Phật. Phật dạy: Cho phép mặc y phú kiên.

Khi ấy đệ tử Tỳ-kheo-ni, học giới hai năm, không thuận ý mà vẫn trao cho giới cụ túc. Phật dạy: Không nên như vậy, vi phạm, phạm Độtkiết-la. Từ nay khiến cho phép hợp ý Hòa thượng, A-xà-lê, mới triệu tập chúng mười vị đến chỗ thọ giới, dẫn người muốn thọ giới đến chỗ mắt thấy, tai không nghe. Hòa thượng nên họ vì cầu thầy Yết-ma và thầy giáo giới. Cầu được rồi, thầy Yết-ma nên Yết-ma, thầy giáo giới bảo họ ra ngoài để chỉ dạy. Vị ấy đọc rõ:

A-di Tăng lắng nghe! Người này tên là… cầu vị sư tên là… thọ giới Cụ túc, vị sư tên là… thầy giáo giới. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Đây là lời tác bạch. Thầy giáo giới kia nên hành sơ pháp, trước hỏi Hòa thượng: Người muốn thọ giới Cụ túc đã học giới đủ hai năm chưa? Y bát có đủ không? Nếu nói: Không đủ. Nên bảo: Phải đủ. Nếu nói: Đủ. Lại nên hỏi: Của mình hay là mượn? Nếu nói: Mượn.

Người chủ cho mượn phải xả cho. Xong như vậy rồi mới đến chỗ người muốn thọ giới nói: Cô chớ nên sợ sệt, trong giây lát nữa tôi sẽ đưa cô đến chỗ cao thắng. Nếu không biết rõ thì tối thiểu phải trương y ra xem xét, để không trở ngại pháp thọ giới, nên hỏi: y Tăng-già-lê, Ưu-đa-latăng, An-đà-hội, Phú kiên, y tắm rửa cho cô là như thế nào? Nếu đương sự không biết thì nên hỏi cho biết, tiếp theo trao cho pháp y bát, như trong pháp thọ Tỳ-kheo đã nói. Lại nên nói: Này cô lắng nghe! Bây giờ là lúc cần nói thật. Nay tôi hỏi cô, nếu có thì nên nói có, nếu không thì nên nói không. Người nữ có những bệnh hủi, bệnh hủi trắng, bệnh càn tiêu, bệnh lát, bệnh cuồng, bệnh ung thư, lậu, bệnh chảy mỡ, các trọng bệnh như vậy, cô có hay không? Cô có mắc nợ không? Chẳng phải vợ của người khác chứ? Phu chủ cho phép cô tu không? Cô không thuộc hạng quan chức chứ? Cô không phải là tớ gái chứ? Cô là người chứ? Cô là người nữ chứ? Nữ căn của cô đầy đủ chứ? Cô không phải là huỳnh môn chứ? Cô không phải là thạch nữ chứ? Cô không bị hai đường hiệp chứ? Nguyệt thủy cô có ra không? Nó không thường bị ra phải không? Hai năm học giới đã đầy đủ chưa? Đã cầu thỉnh Hòa thượng chưa? Cha mẹ cho phép cô tu không? Cô có muốn thọ giới cụ túc không? Như những gì tôi đã hỏi bây giờ thì sau đây Tăng cũng hỏi cô như vậy. Cô nên trả lời như đã trả lời với tôi. Thầy giáo giới nêu trở lại trong Tăng, đứng thẳng bạch: Tôi đã hỏi rồi. Thầy Yết-ma nên bạch Tăng.

A-di Tăng lắng nghe! Người nữ tên là… cầu ni sư tên là… thọ giới cụ túc, vị giáo giới tên là… đã hỏi rồi, nay cho phép dẫn đến. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Đây là lời tác bạch. Thầy giáo giới nên dẫn vào, dạy kính lễ sát chân Tăng. Kính lễ rồi, dẫn đến trước thầy Yết-ma, bảo quỳ gối, chấp tay hướng về thầy Yết-ma, tùng Tăng xin thọ giới cụ túc. Dạy thưa: Con tên là… cầu Hòa thượng tên là… thọ giới cụ túc. Nay đến Tăng xin thọ giới cụ túc, Hòa thượng hiệu… Tăng cứu giúp con, rủ lòng thương đối với con. Thưa xin như vậy Ba lần. Xong phần này, thầy giáo giới quay lại chỗ ngồi. Thầy Yết-ma nên bạch Tăng.

A-di Tăng xin lắng nghe! Người nữ này tên là… cầu ni sư hiệu… thọ giới cụ túc. Đương sự đến Tăng xin thọ giới cụ túc. Hòa thượng hiệu… nay tôi đối giữa Tăng hỏi các nạn sự. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Đây là lời tác bạch.

Nên nói: Này cô, nên lắng nghe: bây giờ là lúc cần nói sự thật, nay tôi hỏi cô, có thì nói có, không thì nói không…. Cho đến câu: Cô muốn thọ giới không? Điều như trên đã hỏi. Hỏi như trên rồi, thầy Yết- ma nên đọc:

A-di Tăng lắng nghe! Người nữ này tên là… cầu ni sư hiệu… thọ giới cụ túc. Đương sự đến Tăng xin thọ giới cụ túc, tự nói không có các chướng nạn, học giới hai năm, năm y, bình bát đầy đủ, đã cầu thỉnh Hòa thượng, cha mẹ cho phép, muốn thọ giới cụ túc. Nay Tăng trao người tên là… giới cụ túc, Hòa thượng hiệu… Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Đây là lời tác bạch.

A-di Tăng lắng nghe! Người nữ này tên là… cầu ni sư hiệu… thọ giới cụ túc… cho đến câu: Hòa thượng hiệu… các A-di nào đồng ý thì xin im lặng, vị nào không đồng ý xin nói. Lần thứ hai, lần thứ ba cũng như vậy.

Tăng đã đồng ý cho người nữ tên là… thọ giới cụ túc… Hòa thượng hiệu… rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc như vậy, thọ trì như vậy.

Hòa thượng, A-xà-lê kia lại nên triệu tập mười Tỳ-kheo-ni Tăng, dẫn người thọ giới đến trong Tỳ-kheo Tăng, tại nơi cách thầy Tỳ-kheo Yết-ma một chút, hai đầu gối sát đất, xin thọ giới cụ túc. Thầy Yết-ma nên dạy nói: Con tên là… cầu Hòa thượng hiệu… thọ giới cụ túc, đã ở trong một chúng thọ giới cụ túc rồi, thanh tịnh, không có nạn sự, đã học giới đủ hai năm, y bát đầy đủ, đã cầu thỉnh Hòa thượng, cha mẹ cho phép, không phạm tội thô ác, muốn thọ giới cụ túc. Nay theo Tăng thọ giới cụ túc, Hòa thượng hiệu… Tăng giúp đỡ cho con, rủ lòng thương cho con nhờ. Xin như vậy Ba lần. Xin Ba lần rồi thầy Yết-ma nên bạch:

Đại đức Tăng lắng nghe! Người nữ này tên là… cầu ni sư hiệu… thọ giới cụ túc, đã ở trong một chúng thọ giới cụ túc rồi, thanh tịnh, không có các nạn sự, đã học giới đủ hai năm, những việc cần làm đã làm, y bát đầy đủ, đã cầu thỉnh Hòa thượng, cha mẹ đã cho phép, không phạm các tội thô ác, muốn cầu thọ giới cụ túc. Nay đến Tăng xin thọ giới cụ túc, Hòa thượng hiệu… nay Tăng trao người nữ tên là… thọ giới cụ túc, Hòa thượng hiệu là… Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Đây là lời tác bạch.

Đại đức Tăng lắng nghe! Người nữ này tên là… cầu ni sư hiệu… thọ giới cụ túc, cho đến câu: Nay Tăng trao cho người nữ tên là… thọ giới cụ túc, Hòa thượng hiệu… các Trưởng lão nào chấp thuận thì im lặng, vị nào không đồng ý xin nói. Lần thứ hai, lần thứ ba cũng như vậy.

Tăng đã đồng ý trao cho người nữ tên là… thọ giới cụ túc, Hòa thượng hiệu… rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc như vậy, thọ trì như vậy.

Lại nên nói: Này người nữ… lắng nghe: Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác nói tám pháp Ba-la-di, nếu Tỳ-kheo-ni phạm mỗi một pháp nào, thì chẳng phải là Tỳ-kheo-ni, chẳng phải Thích chủng nữ: tất cả không được dâm… cho đến câu: Dùng tâm nhiễm vướng ngắm xem nam tử. Nếu Tỳ-kheo-ni hành pháp dâm dục, cho đến loài súc sinh, thì chẳng phải Tỳ-kheo-ni, chẳng phải Thích chủng nữ. Đây là điều trọn đời không được phạm, nếu có thể giữ được nên nói là có thể.

Tất cả không được trộm cắp, cho đến lá cây ngọn cỏ, nếu Tỳkheo-ni hoặc nơi xóm làng hoặc nơi đất trống, vật có người coi giữ, trộm cắp năm tiền trở lên, thì chẳng phải Tỳ-kheo-ni, chẳng phải Thích chủng nữ. Đây là điều trọn đời không được phạm, nếu có thể giữ được thì nên có thể.

Tất cả không được sát sinh, cho đến con kiến, nếu Tỳ-kheo- đối với người hay tương tợ người, tự tay mình đoạn mạng, cầm dao trao cho, dạy người giết, dạy cách giết, khen sự chết, thì chẳng phải Tỳ-kheo-ni, chẳng phải Thích chủng nữ. Đây là điều trọn đời không được phạm, nếu có thể giữ được, nên nói là có thể.

Tất cả không nói dối, cho đến nói đùa, nếu Tỳ-kheo-ni tự mình không được phép vượt hơn người, hoặc nói các thiền giải thoát, Tammuội, chánh thọ, hoặc đạo, hoặc quả thì chẳng phải Tỳ-kheo-ni, chẳng phải Thích chủng nữ. Đây là điều trọn đời không được phạm. Nếu có thể giữ được thì nói có thể.

Tất cả không được thân cận nam tử, nếu Tỳ-kheo-ni dục bùng cháy, tâm xao động, xúc chạm thân nam tử, từ mái tóc trở xuống, đầu gối trở lên, hoặc nam tử làm những hành động như vậy cũng không được chấp thuận, hoặc đè, hoặc bóp, hoặc bồng lên, hoặc để xuống, hoặc nắm, hoặc kéo thì chẳng phải Tỳ-kheo-ni, chẳng phải Thích chủng nữ. Đây là điều trọn đời không được phạm, nếu có thể giữ được thì nói có thể.

Tất cả không được cùng với nam tử đứng, cùng nói chuyện, nếu Tỳ-kheo-ni dục bùng cháy, tâm xao động chấp nhận nam tử hoặc nắm tay, nắm y, hẹn cùng đi, hoặc một mình cùng đi, một mình cùng đứng, một mình cùng nói, một mình cùng ngồi, dùng thân gần nhau, đủ tám việc này, thì chẳng phải Tỳ-kheo-ni, chẳng phải Thích chủng nữ. Đây là điều trọn đời không được phạm, nếu có thể giữ được thì nói có thể.

Tất cả không được tùy thuận nói chuyện với Tỳ-kheo phi pháp, nếu Tỳ-kheo-ni biết Tỳ-kheo Tăng hòa hợp như pháp cử tội Tỳ-kheo, mà tùy thuận Tỳ-kheo này. Các Tỳ-kheo-ni nói: Này cô, Tỳ-kheo này bị Tỳ-kheo Tăng hòa hợp như pháp cử tội cô chớ nên tùy thuận. Can gián như vậy mà Tỳ-kheo-ni kia không bỏ, nên can gián lần thứ hai, lần thứ ba. Lần thứ hai, lần thứ ba can gián bỏ thì tốt, không bỏ thì không phải Tỳ-kheo-ni, không phải Thích chủng nữ. Đây là điều trọn đời không được phạm, nếu có thể giữ được thì nói có thể.

Tất cả không được che giấu tội thô ác của người khác, nếu Tỳkheo-ni biết Tỳ-kheo-ni khác phạm tội Ba-la-di, sau khi cô kia thôi tu, hoặc chết, hoặc đi xa, hoặc bị cử, hoặc căn biến, bèn nói với các Tỳkheo-ni như vầy: Trước đây tôi biết Tỳ-kheo-ni kia phạm tội Ba-la-di. Biết mà không bạch với Tăng, không hướng đến người khác nói thì chẳng phải Tỳ-kheo-ni, chẳng phải Thích chủng nữ. Đây là điều trọn đời không được phạm, nếu có thể giữ được thì nói có thể.

Các Đức Phật Thế Tôn khéo hay nói ví dụ để chỉ rõ sự việc: ví như cây kim bị sứt phần có lỗ xâu chỉ không thể may vá được. Ví như người chết không thể sống lại. Ví như ruột cây Đa-la bị chặt không thể sinh trưởng nữa. Ví như hòn đá bị vỡ không thể hiệp lại được. Nếu Tỳkheo-ni đối với tám pháp này mà phạm bất cứ pháp nào, trở lại đặng tánh Tỳ-kheo-ni là điều không thể có.

Lại nên nói: Này cô… lắng nghe: Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác nói tám pháp không thể vượt qua, suốt đời, cô không nên vượt qua: Tỳ-kheo-ni mỗi nửa tháng nên đến chúng Tỳ-kheo cầu người giáo giới, Tỳ-kheo-ni không nên ở chỗ không có Tỳ-kheo mà hạ An cư, Tỳ-kheo-ni khi Tự tứ nên đến trong chúng Tỳ-kheo thỉnh ba việc tội kiến, văn, nghi, Thức-xoa-ma-na hai năm học giới rồi nên đến trước hai bộ Tăng cầu thọ giới cụ túc, Tỳ-kheo-ni không được mắng Tỳ-kheo, không được đối với bạch y nói Tỳ-kheo phá oai nghi, phá giới, phá kiến, Tỳ-kheo-ni không nên cử tội Tỳ-kheo, Tỳ-kheo được chê trách Tỳ-kheo-ni, Tỳ-kheo-ni phạm tội thô ác nên đối trước hai bộ Tăng hành Ma-na-đỏa nửa tháng, hành Ma-na-đỏa nửa tháng xong, đối trước hai bộ Tăng, mỗi bên hai mươi vị cầu xin xuất tội, Tỳ-kheo-ni tuy thọ giới trước một trăm năm vẫn nên lễ bái, đứng dậy đón tiếp Tỳ-kheo mới thọ giới.

Lại nên nói: Này cô… lắng nghe: Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác nói bốn pháp nương theo để sống (tứ y), trọn đời nương theo xuất gia thọ giới cụ túc: nương theo y phấn tảo xuất gia thọ giới cụ túc, nếu có thể giữ được nên nói: có thể. Nếu được y dư, y Kíp-bối, y Khâm-bà-la, y Câu-xá-da, y vải thô, y Sô-di, y Bà-xá-da, y A-ha-na, y Cù-trà-già, y bằng bố nên nhận. Nương theo pháp khất thực xuất gia thọ giới cụ túc, nếu có thể giữ được thì nói giữ được. Nếu được thức ăn dư, thức ăn của Tăng, bữa ăn trước, bữa ăn sau, người mời ăn thì nên thọ. Nương nơi ngọa cụ thô tệ xuất gia thọ giới cụ túc, nếu có thể giữ được thì nói có thể. Nếu nhận được am thất dư, nhà gác, phòng lớn nhỏ, nhà vuông tròn thì nên nhận. Nương nơi thuốc rẻ tiền xuất gia thọ giới cụ túc, nếu có thể giữ được, nên nói có thể. Nếu nhận được tô, dầu, mật, thạch mật dư thì nên thọ.

Lại nên nói: Này cô… lắng nghe: Cô đã được Bạch-tứ-yết-ma thọ giới cụ túc rồi, Yết-ma như pháp, chư Thiên, long, quỷ thần, Càn-thátbà thường nguyện như vầy: Chúng tôi đến khi nào mới được thân người, được xuất gia thọ giới cụ túc, nay cô đã được, như người được thọ vương vị, cô thọ được pháp Tỳ-kheo cũng như vậy. Cô nên thọ nhận trao đổi, cùng nhau nói năng, giáo giới cho nhau, nên học ba giới, diệt ba độc, ra khỏi ba cõi, thành tựu quả A-la-hán. Ngoài ra những gì chưa biết, Hòa thượng, A-xà-lê sẽ vì cô nói.

Bấy giờ, có một dâm nữ tên là Bán-ca-thi, xuất gia trong chánh pháp luật, muốn đến trú xứ A-lan-nhã, thọ giới cụ túc. Đám giặc nghe, muốn đón đường rình bắt, người dâm nữ cũng nghe nên không dám đi. Các Tỳ-kheo-ni đem vấn đề ấy bạch Phật. Đức Phật dạy: Cho phép Bạch-tứ-yết-ma, từ xa hướng đến thọ giới cụ túc. Hòa thượng, A-xà-lê của vị kia, trước hết triệu tập mười vị Tỳ-kheo-ni Tăng trao cho giới cụ túc, đem người xin thọ giới để một chỗ, mời mười Tỳ-kheo-ni Tăng đến nơi A-lan-nhã. Tất cả kính lễ dưới chân Tỳ-kheo Tăng, thầy Yếtma vì họ xin tùng Tăng, xin giới: Đại đức Tăng xin lắng nghe! Người nữ tên… cầu ni sư… thọ giới Cụ túc, ở trong một chúng thọ giới cụ túc xong, thanh tịnh không có các nạn sự, đã học giới hai năm đầy đủ, trước hết những việc cần làm đã làm xong, y bát đầy đủ, đã cầu thỉnh Hòa thượng, cha mẹ đã cho phép, không phạm tội thô ác, muốn thọ giới cụ túc. Nay đến tùng Tăng xin thọ giới Cụ túc, Hòa thượng hiệu… xin Tăng rủ lòng thương tế độ cho đương sự! Xin như vậy Ba lần. Thầy Yết-ma Tỳ-kheo nên dựa theo lời cầu xin trên Bạch-tứ-yết-ma. Yết-ma rồi Hòa thượng, A-xà-lê đưa mười vị Tỳ-kheo-ni Tăng trở về chỗ thọ giới trước đó, kêu người thọ giới đến bảo kính lễ Tăng túc, quỳ gối chấp tay trước thầy Yết-ma. Thầy Yết-ma nên vì họ nói việc làm Bạch-tứ-yết-ma của Tăng, khiến cho họ nghe rồi, sau đó theo như trên nói tám pháp đọa, bốn thí dụ, tám pháp không thể vượt qua, bốn phương tiện nương để sống (tứ y)… cho đến câu: Ngoài ra những điều không biết, Hòa thượng, A-xà-lê sẽ vì ngươi nói.

Các Tỳ-kheo-ni mặc y sáng rực để làm đẹp, các bạch y chê trách nói: Tỳ-kheo-ni tợ như dâm nữ, muốn tìm nam tử. Các Tỳ-kheo-ni bạch Phật. Đức Phật dạy: Không nên làm như vậy, vi phạm, phạm Đột-kiết-la. Có các Tỳ-kheo-ni kẽ chân mày. Phật dạy: Không nên làm như vậy, vi phạm, phạm Đột-kiết-la. Có các Tỳ-kheo-ni bị bệnh đau mắt, cần vạch ra, Đức Phật dạy: Người bị đau mắt cho phép vạch. Có các Tỳ-kheo-ni đi trước Tỳ-kheo. Phật dạy: Không nên đi như vậy, vi phạm, phạm Đột-kiết-la. Có các Tỳ-kheo-ni, thấy Tỳ-kheo từ xa đến, bèn đứng lại không dám đi trước nên trở ngại việc khất thực, Đức Phật dạy: Nếu cách xa thì cho phép đi trước. Có các Tỳ-kheo-ni đi trước Tỳkheo nhổ nước miếng xuống đất nên hôi hám. Phật dạy: Không nên như vậy, vi phạm, phạm Đột-kiết-la. Có các Tỳ-kheo-ni ngồi chồng lên gót chân, nguyệt thủy chảy ra nhớp chân, người thấy chê bai. Lại có một Tỳ-kheo-ni ngồi chồng lên gót chân, con bọ hung bò vào trong nữ căn làm cho sinh bệnh, bạch Phật. Phật dạy: Tất cả Tỳ-kheo-ni nên ngồi xếp chân lại, nếu ngồi chồng lên gót chân thì thay đổi duỗi ra một chân, vi phạm, phạm Đột-kiết-la. Có Cư sĩ muốn cùng Tỳ-kheo-ni trao đổi chỗ ở, các Tỳ-kheo-ni không dám. Phật dạy: Cho phép trao đổi. Có các Tỳ-kheo-ni như pháp thêu hoa, trương y ra thêu. Phật dạy: Không nên làm như vậy, nếu y bị cuốn lại cho phép may y viền. Có các Tỳ-kheoni đại tiểu tiện lung tung nơi trú xứ nên bị hôi thối. Phật dạy: Không nên như vậy, vi phạm, phạm Đột-kiết-la, nên làm nhà vệ sinh. Các Tỳkheo-ni làm cái hố xí quá sâu, trong hố này có cái thai bị sảo. Người dọn hố xí thấy, chê trách: Đám người này thường khen ngợi lìa dục, tưởng lìa dục, nói dục là lửa đốt mà làm việc này, sợ người biết nên trục thai bỏ vào hố xí, sao không thôi tu để thọ hưởng năm dục lạc. Các Tỳkheo-ni bạch Phật. Phật dạy: Không nên làm hố xí quá sâu, sâu nhất là một khuỷu tay, làm cái miệng nhỏ. Có các Tỳ-kheo-ni làm cái bát, cho đến cái đãy đựng cái thai, sáng sớm đem bỏ. Khi ấy, Vua Ba-tư-nặc, nơi biên cương có việc, cần đem quân chinh phạt. Có người tin ưa Phật pháp khởi ý nghĩ: “Nay ta nên trước hết cúng dường trai phạn cho người xuất gia, vậy sau mới đi”. Liền sai người tín cẩn đi tìm, gặp Tỳ-kheo-ni kia mời về để cúng thức ăn. Tỳ-kheo-ni kia nói: Ngươi nên đi trước đi, tôi theo sau đến cũng được. Sứ giả tha thiết mời, dẫn cô ni cùng về. Để đặt thức ăn vào bát, ông ta giở bình bát ra, thấy bào thai bên trong bát. Bằng mọi cách chê trách, nói: Đám người này thường nói từ bi hộ niệm chúng sinh, mà nay chính mình giết thai nhi, không có hạnh Sa-môn, phá pháp Sa-môn. Các Tỳ-kheo-ni bạch với các Tỳ-kheo, các Tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: Khi Tỳ-kheo-ni đi khất thực, thấy Tỳ-kheo nên giở bát ra cho Tỳ-kheo xem. Các Tỳ-kheo-ni đều xuất trình bát, phải nghiêng nhìn. Việc này mất thời giờ làm trở ngại việc khất thực. Phật dạy: Chỉ nên giở để chứng tỏ bát không là được. Có một Tỳ-kheoni sinh một nam nhi, không biết giải quyết cách nào, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép bạch nhị Yết-ma sai một Tỳ-kheo-ni làm bạn. Một Tỳkheo-ni đọc rõ giữa Tăng:

A-di Tăng lắng nghe! Tỳ-kheo-ni này tên là… sinh nam nhi, nay sai Tỳ-kheo-ni tên… làm bạn. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Đây là lời tác bạch.

A-di Tăng lắng nghe! Tỳ-kheo-ni tên… sinh nam nhi, nay sai Tỳkheo-ni… làm bạn. Các A-di nào đồng ý thì im lặng, vị nào không đồng ý xin nói.

Tăng đã sai Tỳ-kheo-ni… làm bạn với Tỳ-kheo-ni… rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc như vậy phải thọ trì như vậy.

Hai Tỳ-kheo-ni dắt hài nhi, sinh nghi. Phật dạy: Không phạm. Hai Tỳ-kheo-ni cùng ngủ với hài nhi, sinh nghi. Phật dạy: Cũng không phạm. Sửa soạn cho hài nhi rồi hun nó. Phật dạy: Không nên làm như vậy, cho phép tắm rửa, cho bú. Nếu rời bỏ được sự chăm sóc ẵm bồng thì nên cho Tỳ-kheo, khiến nó xuất gia. Nếu không muốn cho xuất gia thì giao cho bà con nuôi dưỡng cho nó khôn lớn.

Có các Tỳ-kheo-ni, Tỳ-kheo Tăng gọi, không theo thứ tự đến. Phật dạy: Không nên làm như vậy, nên theo thứ tự sai đến. Có các Tỳkheo-ni vào trong xóm làng, không buộc y hạ, bị sút, lộ hình. Phật dạy: Nên dùng dây lưng buộc lại. Họ làm dây lưng dài quá. Phật dạy: Cho phép quấn một vòng. Làm dây lưng rộng quá. Phật dạy: Rộng lắm là bằng một ngón tay. Làm dây lưng bằng tạp sắc. Phật dạy: Không nên làm như vậy, cho phép làm một màu. Có các Tỳ-kheo-ni mặc y nhẹ vào xóm làng, gió thổi, lộ hình. Phật dạy: Cho phép trên và dưới dùng cái khâu hườn buộc dính lại.

Có các người nữ quý tộc xuất gia bưng bát đi khất thực. Phật dạy: Cho phép may cái đãy đựng bình bát đi khất thực. Mang bát dưới nách mồ hôi chảy ra nhớp. Phật dạy: Cho phép làm cái khăn tủ lên bát.

Có các Tỳ-kheo-ni lập kế độc hại muốn giết chúng sinh. Phật dạy: Nếu lập kế hoặc độc hại muốn giết chúng sinh, phạm Thâu-langiá. Làm chú thuật khiến cho người chết đứng dậy, muốn giết chúng sinh cũng như vậy. Có các Tỳ-kheo-ni chứa đủ các loại y tạp sắc, các bạch y dè bỉu, nói: Các Tỳ-kheo-ni này giống hệt dâm nữ. Phật dạy: Không nên làm như vậy, vi phạm, phạm Đột-kiết-la. Các Tỳ-kheo có thức ăn cách đêm, các Tỳ-kheo-ni không có thức ăn, không dám cho. Phật dạy: Cho phép cho không phạm. Tỳ-kheo-ni có thức ăn cách đêm, cho Tỳ-kheo cũng như vậy. Có các Tỳ-kheo đến trú xứ của Tỳ-kheoni, không có tịnh nhân trao thức ăn. Phật dạy: Khi không có tịnh nhân, cho phép Tỳ-kheo-ni trao thức ăn cho Tỳ-kheo, không phạm. Tỳ-kheo trao thức ăn cho Tỳ-kheo-ni cũng vậy. Có các Tỳ-kheo-ni nấu rượu, nhiều người chê trách. Phật dạy: Không nên làm như vậy, vi phạm, phạm Thâu-lan-giá. Có các Tỳ-kheo-ni nuôi bò cày ruộng, nuôi người ở, đích thân coi việc cày cấy, các bạch y dị nghị: Các Tỳ-kheo-ni cũng đích thân coi việc cày cấy, cùng ta đâu khác gì. Phật dạy: Không nên tự mình coi, nên sai tịnh nhân, vi phạm, phạm Đột-kiết-la. Có các Tỳkheo-ni có được tiền trong sản nghiệp hay lợi tức. Nhiều người chê trách. Phật dạy: Không nên như vậy, vi phạm, phạm Thâu-lan-giá. Có các Tỳ-kheo-ni nuôi dâm nữ rồi cho thuê mướn, nhiều người chê trách. Phật dạy: Không nên làm như vậy, vi phạm, phạm Thâu-lan-giá. Có các Tỳ-kheo-ni ép dầu bán, nhiều người chê trách. Phật dạy: Không nên làm như vậy, vi phạm, phạm Thâu-lan-giá. Có các Tỳ-kheo-ni đạp trên chân để chơi, nhiều người chê trách, Phật dạy, không nên làm như vậy, vi phạm, phạm Đột-kiết-la. Treo sợi dây, đeo chơi cũng như vậy. Có các Tỳ-kheo-ni trú xứ bị phát hỏa. Phật dạy: Nên đánh kiền chùy kêu la để tập trung chữa cháy, dùng đất phủ lên, dùng nước tưới vào, dùng quả nhúng nước để dập tắt.

Khi ấy, có số đông Cư sĩ mời Tỳ-kheo-ni Tăng thọ trai, các Tỳkheo-ni sáng sớm đắp y bưng bát đến nhà thí chủ, mới hỏi thăm nhau để biết lớn nhỏ, nên trễ giờ ăn, Cư sĩ chê trách: Các Tỳ-kheo-ni này giống như phái nữ của Bà-la-môn, hỏi nhau để biết lớn nhỏ một cách quá tỉ mỉ, nay ta mời ăn mà bị trễ giờ, biết làm sao đây, bạch Phật. Phật dạy: Nếu khi đại chúng nhóm họp, cho phép tám vị Thượng tọa hỏi nhau biết lớn nhỏ, theo thứ tự để ngồi, ngoài ra các vị khác thì tùy tiện cứ ngồi.