LUẬT DI SA TẮC BỘ HÒA HÊ NGŨ PHẦN

Hán dịch: Đời Lưu Tống, Tam tạng Phật Đà Thập người nước Kế Tân, cùng Trúc Đạo Sinh
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 28

Phần 5: NÓI VỀ CÁC PHÁP: PHÁ TĂNG, NGỌA CỤ, TẠP PHÁP, OAI NGHI, NGĂN BỐ TÁT, BIỆT TRÚ V.V…

Đoạn 5: NÓI VỀ PHÁP NGĂN BỐ TÁT

Đức Phật ở nước Chiêm-bà, bên sông Hằng. Hôm ấy nhằm ngày mười lăm Bố-tát, Đức Thế Tôn cùng chúng Tỳ-kheo kẻ trứơc người sau vây quanh ngồi nơi đất trống, Ngài nhìn khắp trong chúng Tăng rồi im lặng đình chỉ Bố-tát. Đầu đêm đã qua, Tôn giả A-nan từ chỗ ngồi đứng dậy, đến trước Phật kính lễ sát chân, quỳ gối, chấp tay bạch Phật:

Bạch Đức Thế Tôn! Đầu đêm đã qua, chúng Tăng ngồi đã lâu, cúi xin Ngài vì các Tỳ-kheo thuyết giới.

Đức Thế Tôn im lặng, A-nan trở về chỗ ngồi.

Giữa đêm lại qua, Tôn giả A-nan lại bạch như vậy, Phật cũng im lặng.

Cuối đêm, Tôn giả A-nan lại bạch:

-Tướng ánh sáng đã sắp xuất hiện, chúng Tăng ngồi đã lâu cúi xin Ngài vì các Tỳ-kheo thuyết giới.

Đức Phật nói với Tôn giả A-nan:

-Chúng không thanh tịnh, Như Lai không thể nói giới.

Khi ấy, Tôn giả Mục-liên khởi ý nghĩ: “Nay trong chúng này ai là người không thanh tịnh, nên Đức Thế Tôn mới nói lời như vậy”, bèn quan sát khắp chúng thấy một Tỳ-kheo ngồi gần bên Đức Phật là phi Tỳ-kheo mà tự nói là Tỳ-kheo, phi Sa-môn tự nói là Sa-môn, không tu phạm hạnh tự nói là tu phạm hạnh, thành tựu pháp ác, che giấu lỗi ấy, không bỏ tà kiến. Mục-liên từ chỗ ngồi đứng dậy đến trước Tỳ-kheo kia, nói: “Đức Như Lai đã thấy thầy, thầy phải đi ra khỏi chỗ này liền, đừng ngồi nơi đây nữa”, bèn nắm tay kéo bỏ ra ngoài cửa, rồi Mục-liên trở về ngồi lại chỗ cũ.

Đức Phật nói với Mục-liên:

-Này Mục-liên! Lạ thật! Quái thật! Chưa từng có người ngu si như thế, không tự biết tội lỗi của mình, để đến nỗi khiến người ta kéo tay mình bỏ ra ngoài.

Ngay khi ấy, Tôn giả A-nan lại từ chỗ ngồi đứng dậy bạch Phật:

-Bạch Đức Thế Tôn! Trong chúng đã thanh tịnh, xin Ngài vì các Tỳ-kheo nói giới.

Đức Phật bảo:

-Từ nay các ông tự cùng nhau thuyết giới. Ta không thể vì Tỳkheo mà giảng nói. Tại sao vậy? Nếu trong chúng không thanh tịnh mà Như Lai nói giới thì người phạm tội kia, đầu họ bị bể làm bảy phần.

Đức Phật lại bảo Tôn giả A-nan:

-Biển cả có tám thứ chưa từng có: A-tu-la thích ở trong đó. Tám thứ ấy là gì? Biển cả sâu từ từ, nước thủy triều không quá hạn, không dung nạp tử thi, trăm sông chảy về, không có tên riêng, vạn dòng nước chảy về mà không tăng giảm, xuất sinh các châu báu như chân châu, ma-ni, san hô, lưu ly, ngọc kha, vàng, bạc, pha lê, chúng sinh có thân hình lớn đều ở trong đó, đồng một vị mặn. Đó là tám thứ. Chánh pháp của Ta đây là như vậy, có tám thứ chưa tưng có, các Tỳ-kheo đều cùng vui sống trong ấy. Tám thứ đó là gì? Chế cấm từ từ, giáo giới từ từ, học hỏi từ từ, các đệ tử của Ta đối với những giới đã chế cấm trọn đời không dám vượt qua, có tội bị loại ra ngoài, tất cả chủng tộc xuất gia đều bỏ tộc tánh riêng mà xưng là Sa-môn Thích tử, các thiện nam, thiện nữ xuất gia nhiều vị đắc Niết-bàn Vô dư mà pháp không thêm bớt, có các pháp bảo như là bốn niệm xứ, cho đến tám Thánh đạo phần, các pháp trợ đạo, có các Đại nhân, A-la-hán hướng A-la-hán, cho đến Tu-đàhoàn hướng Tu-đà-hoàn, ở trong chánh pháp, người nào vào trong đó được hưởng vị giải thoát. Đó là tám thứ.

Bấy giờ, Lục quần Tỳ-kheo phạm tội không sám hối mà Bố-tát, có Tỳ-kheo cũng bắt chước như vậy, các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Không nên làm như thế, vi phạm, phạm Đột-kiết-la. Các Tỳ-kheo vẫn cố ý phạm tội không sám hối mà Bố-tát. Phật dạy: Nên ngăn việc Bốtát. Có các Tỳ-kheo hoặc chưa Bố-tát bèn ngăn, hoặc Bố-tát rồi mới ngăn… những cách ngăn Bố-tát như vậy đều như pháp ngăn trong vấn đề Tự tứ đã nói.

 

Đoạn 6: NÓI VỀ PHÁP BIỆT TRÚ

Bấy giờ, các Tỳ-kheo biệt trú độ Sa-di cho thọ giới Cụ túc, làm y chỉ sư, nuôi Sa-di, các Tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: Không nên làm như vậy.

Lại có Tỳ-kheo biệt trú nhận sự cung kính của Tỳ-kheo thiện khác, sai khiến xách y bát, giày dép. Phật dạy: Không nên làm như vậy. Lại có Tỳ-kheo biệt trú thấy Tỳ-kheo như pháp đến tránh đi chỗ khác sợ biết mình là biệt trú. Phật dạy: Không nên làm như vậy.

Lại có Tỳ-kheo biệt trú mời Tăng thọ trai rồi trở về phòng riêng để ăn. Phật dạy: Không nên như vậy, nên ở dưới Đại Tỳ-kheo dọn thức ăn. Lại có Tỳ-kheo biệt trú đi trước Tỳ-kheo như pháp. Phật dạy: không nên đi như vậy.

Lại có Tỳ-kheo biệt trú muốn đến nhà bạch y, cùng Tỳ-kheo như pháp đi. Phật dạy: Không nên đi như vậy. Lại có Tỳ-kheo biệt trú hoặc phạm lại tội cũ, hoặc lại phạm tội ác khác. Phật dạy: Không nên làm như vậy.

Lại có Tỳ-kheo biệt trú ở trước Tỳ-kheo như pháp mà không mặc y. Phật dạy: Không nên làm như vậy. Lại có Tỳ-kheo biệt trú thường mặc ba y làm dính bùn nhơ nhớp. Phật dạy: Không nên làm như vậy.

Lại có Tỳ-kheo biệt trú cùng Tỳ-kheo như pháp ngồi một giường, hoặc tự mình ngồi cái giường tốt. Phật dạy: Không nên làm như vậy. Lại có Tỳ-kheo biệt trú cùng Tỳ-kheo như pháp kinh hành, hoặc chính mình đi kinh hành chỗ tốt hơn. Phật dạy: Không nên đi như vậy.

Lại có Tỳ-kheo biệt trú nhận Tăng sai thuyết giới kinh. Phật dạy: Không nên làm như vậy. Lại có Tỳ-kheo biệt trú làm các Yết-ma, như Yết-ma quở trách, Yết-ma khu xuất, Yết-ma y chỉ, Yết-ma cử tội, Yếtma hạ ý. Phật dạy: Không nên làm như vậy. Lại có Tỳ-kheo biệt trú cùng Tỳ-kheo như pháp nói chuyện. Phật dạy: Không nên làm như vậy. Lại có Tỳ-kheo biệt trú muốn vì bốn chúng nói pháp. Phật dạy: Không nên làm như vậy.

Lại có Tỳ-kheo biệt trú không nhớ số ngày trong tháng, nửa tháng, một năm. Phật dạy: Nên biết. Lại có Tỳ-kheo biệt trú ở trước Tỳ-kheo như pháp lật ngược y, chống nạnh, mang giày dép, trùm đầu thông cả hai vai, hoặc ngồi hoặc nằm. Phật dạy: Không nên làm như vậy. Lại có Tỳ-kheo biệt trú không thuận tùng theo pháp Tỳ-kheo biệt trú. Phật dạy: Không nên làm như vậy. Lại có Tỳ-kheo biệt trú, Tỳ-kheo khách đến không bạch, không bạch Tỳ-kheo đi. Phật dạy: Nên bạch. Lại có Tỳ-kheo biệt trú ngày nào cũng bạch Tăng. Phật dạy: Nên bạch khi Bốtát, nếu hành Ma-na-đỏa thì nên bạch hằng ngày. Lại có Tỳ-kheo biệt trú muốn đi xa, bạch Phật. Phật dạy: Nên xả rồi đi. Nên tác pháp như thế này rồi xả. Đến một Tỳ-kheo như pháp thưa:

Đại đức xin lắng nghe! Nay tôi xả pháp biệt trú, sau sẽ phụng hành lại. Thưa như vậy Ba lần. Nếu không xả mà đi, trên đường đi thấy Tỳ-kheo phải tự nói mình là biệt trú. Các Tỳ-kheo biệt trú trên đường đi nói rộng vấn đề biệt trú, các bạch y nghe nói: Tỳ-kheo này có tội gì mà sám hối? Các Tỳ-kheo đem vấn đề bạch Phật. Phật dạy: Trên đường đi không nên nói rộng như vậy, chỉ nên nói: Thưa Đại đức, tôi là Tỳ-kheo… phụng hành pháp biệt trú đã được (bao nhiêu) ngày, còn (bao nhiêu) xin Đại đức nhớ cho. Tỳ-kheo xả biệt trú kia đến chỗ khác, nên cầu Tăng nơi đó để hành biệt trú lại. Tăng nơi đó nên cho phép hành pháp biệt trú lại, nếu không cho thì phạm Đột-kiết-la. Lại có Tỳ-kheo biệt trú thọ pháp biệt trú rồi đến chỗ không có Tỳ-kheo ở, trong thời gian biệt trú lại phạm tội ác. Phật dạy: Tỳ-kheo biệt trú không được ở riêng một mình, không nên phạm lại tội ác, nếu phạm thì phạm Đột-kiết-la.

Lại có các Tỳ-kheo biệt trú, thọ biệt trú rồi đến chỗ Tỳ-kheo không như pháp ở. Phật dạy: Không nên làm như vậy, nếu nơi đó có một Tỳ-kheo như pháp thì cho phép ở, nếu vi phạm, phạm Đột-kiết-la. Lại có Tỳ-kheo biệt trú cùng Tỳ-kheo như pháp đồng ở một nhà. Phật dạy: Không nên làm như vậy. Lại có Tỳ-kheo biệt trú cùng Tỳ-kheo như pháp đồng tắm một nhà tắm. Phật dạy: Không nên làm như vậy. Cho phép ôm củi vào trong nhà tắm, dọn dẹp trong nhà tắm cho sạch sẽ, đem tro, đất, tháo đậu vào, sửa chỗ ngồi cho các Tỳ-kheo, cởi áo, giày dép rồi lấy dầu thoa chà nơi chân, các vị cần nhờ gì thì làm. Lại có Tỳ-kheo không đồng biệt trú cùng tắm một nhà tắm. Phật dạy: Cho phép, nhưng theo thứ tự cung cấp những thứ cần dùng. Tỳ-kheo biệt trú có ba việc: ở đâu, ở chỗ nào cũng thấp nhất, đi sau các Đại Tỳ-kheo, dùng ngọa cụ tối hạ, ở phòng xá tối hạ. Tỳ-kheo biệt trú có ba việc theo nếp sống cũ: khi Tăng nhận được cúng dường, khi Tăng Tự tứ, khi Tăng hành bát. Tỳ-kheo Biệt trú có tám trường hợp mất pháp biệt trú: Ở nơi địa xứ không bạch, Tỳ-kheo từ ngoài đến không bạch, tự mình đi ra không bạch, vị khách đi không bạch, một mình ở một chỗ, trong khi biệt trú lại phạm tội ác, cùng với Tỳ-kheo như pháp ở chung một nhà, đi xa mà không xả biệt trú, trên đường đi thấy Tỳ-kheo mà không bạch, (bạch đang biệt trú). Hành Ma-na-đỏa cũng do tám việc này bị mất. Trừ ở riêng một chỗ, nơi không đủ Tăng hai mươi vị mà phụng hành, còn bảy việc kia như trên.

 

Đoạn 7: NÓI VỀ PHÁP ĐIỀU PHỤC

Bấy giờ, Trưởng lão Ưu-ba-ly thưa hỏi Đức Phật:

-Bạch Đức Thế Tôn! Tu-đề-na Ca-lan-đà-tử có phải phạm Ba-ladi hay không?

Đức Phật dạy:

-Lần đầu đều không phạm.

Lại hỏi:

-Tỳ-kheo ở A-lan-nhã ấy có phạm hay không?

Đức Phật dạy:

-Phạm.

Có một Tỳ-kheo bị bệnh cuồng loạn, hành dục lúc bệnh cuồng loạn, sinh nghi hỏi Phật: Phật dạy: Người cuồng loạn đều không phạm. Tâm tán loạn, tâm bệnh hoại cũng như vậy. Tôn-đà-la-nan-đà-bạt-kỳtử không xả giới, hành pháp dục, sau nghi hỏi Phật. Phật dạy: Phạm.

Có một Tỳ-kheo cùng người nữ hai căn hành dục, có một Tỳkheo cùng người nữ hai đường hiệp lại hành dục, có một Tỳ-kheo cùng huỳnh môn hành dục, có một Tỳ-kheo cùng nam tử hành dục, có một Tỳ-kheo cùng tiểu nhi hành dục, sau đều sinh nghi hỏi Phật. Phật dạy: Đều phạm.

Có một Tỳ-kheo cùng tiểu nữ hành dục, tiểu nữ chết, nghi phạm hai tội Ba-la-di, hỏi Phật. Phật dạy: Dâm phạm Ba-la-di, tiểu nữ chết, phạm Thâu-lan-giá. Có một Tỳ-kheo làm một tượng người nữ bằng cây, hành dục, sau nghi hỏi Phật. Phật dạy: Xuất bất tịnh phạm Tăng-giàbà-thi-sa, không xuất phạm Thâu-lan-giá, tượng người nữ bằng bùn hay vẽ cũng vậy. Có một Tỳ-kheo cùng với voi hành dục, sau khi nghi hỏi Phật. Phật dạy: Phạm. Tất cả súc sinh cũng như vậy.

Lúc này, tại thành Vương-xá có một Ưu-bà-di tin ngu khởi lên ý kiến: “Dùng dâm dục để bố thí là bậc nhất”, bèn mời Tỳ-kheo đến để bố thí. Các Tỳ-kheo nói: Chị em không nên làm như vậy, đó là điều Đức Phật cấm. Người nữ lại nói: Nằm mà làm thì phạm chứ đứng mà làm không gọi là phạm. Tỳ-kheo liền làm theo lời nói, sau đó nghi hỏi Phật. Phật dạy: Phạm. Ngồi làm, sau lưng dâm nữ, người nữ động, Tỳkheo không động cũng như vậy.

Lúc ấy, nơi thành Xá-vệ có Ưu-bà-di tin ngu, tên là Thiện Khinh, khởi lên ý kiến: “Dùng pháp dâm dục là cách bố thí bậc nhất”, bèn mời các Tỳ-kheo đến bố thí. Các Tỳ-kheo nói: Chị em không nên làm như vậy, đó là điều Phật cấm. Người nữ lại nói: Ba chỗ thì phạm chứ nơi bắp vế, nơi rún, tất cả các chỗ như thế không gọi là phạm. Tỳ-kheo liền làm theo lời nói, sau đó nghi hỏi Phật. Phật dạy: Xuất bất tịnh đều phạm Tăng-già-bà-thi-sa, không xuất đều phạm Thâu-lan-giá.

Khi đó, có Tỳ-kheo ở A-lan-nhã nằm ngủ mê nơi chỗ đất trống, có người nữ thấy, ở bên trên hành dâm. Tỳ-kheo thức dậy thấy đồ bất tịnh nhớp thân, lại thấy người nữ từ chỗ mình đi ra, sinh nghi, thưa hỏi Phật. Phật hỏi: Ông có thọ lạc hay không? Tỳ-kheo thưa: Không thọ lạc. Phật dạy: Không phạm, nhưng ngủ mê nơi đất trống, phạm Đột-kiết-la, mở cửa phòng ngủ cũng như vậy.

Lại có một Tỳ-kheo nằm ngủ mê nơi đất trống, có người nữ thấy, ở bên trên hành dâm, Tỳ-kheo khi thức dậy thọ lạc, sinh nghi hỏi Phật, Phật nói: Phạm.

Nơi Tỳ-xá-ly có một Tỳ-kheo chứng A-la-hán bị bệnh phong, cả cơ thể đều cứng thẳng, người nuôi bệnh để nằm nơi đất trống, vào xóm khất thực. Có người nữ đi đến, ở bên trên hành dâm. Hành dâm rồi nam căn của Tỳ-kheo vẫn cương thẳng như cũ, các người nữ nói: “Đây là hùng sĩ”, liền dùng hương thoa, tràng hoa đeo nơi “Đầu” đảnh lễ rồi đi. Người nuôi bệnh trở về thấy đồ bất tịnh nhớp cả thân thể vị ấy, khởi ý nghĩ: “Tỳ-kheo này không tu phạm hạnh, phá giới tịnh, ta sẽ trưởng tịnh cho Tỳ-kheo ấy”, nhưng lại nghĩ: “Đức Thế Tôn không cho phép trưởng tịnh cho Tỳ-kheo bệnh”, nên đợi vị kia lành đã. Vị Tỳ-kheo bệnh kia lành rồi bèn trưởng tịnh cho vị ấy, nói: Trước đây, khi thầy bệnh, thầy phá giới. Tỳ-kheo kia trả lời: Khi tôi bị bệnh như vậy, thân thể cường trực, không thể tự hoạt động, chẳng phải là phá giới. Các Tỳ-kheo đem vấn đề bạch Phật. Đức Phật dạy: Tỳ-kheo này đã chứng A-la-hán, bị bệnh phong nên cường trực, không thể tự hoạt động, không thọ lạc nên không phạm. Tỳ-kheo nuôi bệnh để bệnh nhân nằm nơi đất trống mà đi, phạm Đột-kiết-la.

Bấy giờ, có Tỳ-kheo lấy nam căn châm vào miệng của Tỳ-kheo khác, sau đều sinh nghi thưa hỏi Phật. Đức Phật dạy: Nếu người châm mà vì vui chơi thì phạm Thâu-lan-giá, người thọ chẳng phải vì vui chơi thì phạm Ba-la-di, nếu người thọ mà vui chơi thì phạm Thâu-lan-giá, người châm chẳng phải vì vui chơi thì phạm Ba-la-di, nếu cả hai đều vì vui chơi thì phạm Thâu-lan-giá, nếu cả hai đều chẳng phải vì vui chơi thì đều phạm Ba-la-di.

Lúc ấy, các Tỳ-kheo cùng bạch y tắm chung trong một nhà tắm, bạch y lưu ý hình tướng của quý vị đem nói với các người nữ, hơn nửa thân va chạm nhau sinh tâm nhiễm đắm, đưa đến tình trạng hoàn tục, hoặc làm ngoại đạo. Các Tỳ-kheo đem vấn đề ấy bạch Phật. Phật dạy: Không nên tắm như vậy. Nếu cùng bạch y tắm trong một nhà tắm, phạm Thâu-lan-giá. Có một Tỳ-kheo Ma-ha-la trong mộng cùng với bổn nhị hành dâm, thức dậy chạy ra ngoài phòng cao giọng la lớn: Tôi chẳng phải Sa-môn, chẳng phải Thích chủng tử. Các Tỳ-kheo hỏi: Vì sao? Ma-ha-la trả lời: Tôi cùng với bổn nhị hành dâm. Các Tỳ-kheo hỏi: Bổn nhị của thầy nay ở đâu? Tỳ-kheo nói: Ở tại ấp…, sinh quán của tôi. Các Tỳ-kheo hỏi: Người ấy đến đây hay là thầy đến đó? Người ấy không đến đây mà tôi cũng không đến đó. Các Tỳ-kheo lại hỏi: Như vậy làm như thế nào cùng nhau hành dâm? Đáp: Hành dâm trong mộng. Các Tỳ-kheo đem vấn đề bạch Phật. Phật dạy: Không phạm, nhưng không hệ niệm tại tiền mà ngủ, phạm Đột-kiết-la.

Có một Tỳ-kheo đứng tiểu tiện, con chó đến ngậm nam căn, sinh nghi, thưa hỏi Phật. Phật dạy: Không phạm, nhưng đứng mà tiểu tiện, phạm Đột-kiết-la. Trú xứ của Tỳ-kheo không nên nuôi súc sinh như vậy, nếu nuôi, phạm Đột-kiết-la. Có các Tỳ-kheo nam căn dài, do tâm dục tự mình châm vào đường đại tiện, sinh nghi, thưa hỏi Phật. Phật dạy: Phạm. Có một Tỳ-kheo thân thể mềm, lấy nam căn tự để vào trong miệng cũng như vậy. Có một Tỳ-kheo tọa thiền, ma nữ đến đứng trước mặt, Tỳ-kheo thấy sinh tâm nhiễm đắm, bỗng đứng dậy nắm người nữ kia, người nữ bèn chạy, Tỳ-kheo cũng chạy theo. Người nữ đến nơi xác của một con ngựa chết, rồi biến mất, Tỳ-kheo bèn hành dâm nơi con ngựa, liền sinh tâm hối hận nói với các Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo đem vấn đề bạch Phật. Phật dạy: Cho phép Tăng trao cho Tỳ-kheo kia pháp Ba-la-di, bằng Bạch-tứ-yết-ma. Tỳ-kheo kia nên đến giữa Tăng, cởi bỏ giày dép, để trống vai bên phải, kính lễ sát chân Tăng, quỳ gối, chấp tay, bạch: Tôi Tỳ-kheo tên là… phạm dâm, liền sinh tâm ăn năn, không che giấu, nay đến trước Tăng xin pháp Yết-ma Ba-la-di, cúi xin Tăng cho tôi pháp Yết-ma Ba-la-di. Xin như vậy Ba lần. Tăng sai một Tỳkheo biết pháp đọc:

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là… phạm dâm, liền sinh tâm ăn năn, không che giấu, đến Tăng xin Yết-ma Ba-la-di. Nay Tăng trao cho pháp Yết-ma Ba-la-di. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Đây là lời tác bạch.

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là… phạm dâm… cho đến câu: Nay Tăng trao cho pháp Yết-ma Ba-la-di. Các Trưởng lão nào chấp thuận thì im lặng, vị nào không đồng ý xin nói. Lần thứ hai, lần thứ ba cũng như vậy.

Tăng đã trao cho Tỳ-kheo… pháp Yết-ma Ba-la-di rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc như vậy, thọ trì như vậy.

Tỳ-kheo kia trọn đời không được thọ thức ăn nơi Đại Tỳ-kheo mà tự mình thọ nơi tịnh nhân. Khi Bố-tát, Tự tứ, làm các pháp Yết-ma, vị ấy đến thì tốt, không đến hai bên (Tăng và đương sự) không phạm.

Có Tỳ-kheo cùng với Thiên nữ, Long nữ, A-tu-la nữ hành dâm, sinh nghi bạch Phật. Phật dạy: Đều phạm.

Có một Tỳ-kheo đến nhà người, nơi làm thức ăn, lấy một bát canh, sinh nghi, hỏi Phật, Phật nói: Thầy lấy với tâm gì? Tỳ-kheo thưa: Con lấy với tâm trộm cắp. Đức Phật dạy: Nếu trị giá năm tiền thì phạm Ba-la-di, nếu dưới năm tiền thì phạm Thâu-lan-giá, vào trong vườn của người hái cây, rau trái cũng tính như vậy. Có Tỳ-kheo bị cướp, cướp đoạt giành lại được y vật, sinh nghi, thưa hỏi Phật. Phật dạy: Không phạm.

Lại có Tỳ-kheo bị giặc cướp đoạt, vật đã vào trong tay giặc, hoặc giặc đã mang đi, sau đó chạy theo lấy lại được, sinh nghi, hỏi Phật. Phật dạy: Tâm của thầy đã xả chưa? Tỳ-kheo thưa: Chưa xả. Đức Phật dạy: Chưa xả không phạm, đã xả thì phạm. Có Tỳ-kheo ở nơi A-lan-nhã thấy con heo rừng bị bắn chạy đến, cùng nhau bàn nói: Đừng chỉ cho thợ săn. Thợ săn tìm đến hỏi Tỳ-kheo: Thấy con heo rừng bị bắn chạy đến đây không? Tỳ-kheo nói: Chỗ nào có heo? Heo của ai? Không có heo. Sau đó, Tỳ-kheo lại nghĩ: Ta nói không có heo, đâu không mắc tội giấu heo, sinh nghi, hỏi Phật. Phật dạy: Không phạm. Nếu có nhân duyên như vậy, những cách nói để đánh lạc hướng của người kia đều không phạm tội. Có Tỳ-kheo ở A-lan-nhã thấy người thợ săn bắt được con nai sống cột lại, rồi bỏ đi, Tỳ-kheo do lòng từ bi nên mở thả, sinh nghi, hỏi Phật. Phật dạy: Không phạm, song không nên đối với vật của người mà tự tiện thả như vậy, vi phạm, phạm Đột-kiết-la. Vì lòng từ bi mà thả tất cả súc vật của người cũng đều như vậy. Có Tỳ-kheo thấy Câu-lâu-đồ ngậm miếng thịt dồi lên để chơi, bảo nó nhả ra, sinh nghi, thưa hỏi Phật. Phật dạy: Không phạm, song không nên đối với việc vô ích mà tìm cách làm mất phần của nó, vi phạm, phạm Đột-kiết-la. Có một Tỳ-kheo thấy con bò của người đi trên đường, với tâm trộm cắp rượt đuổi, liền sinh hối hận, xả bỏ, sinh nghi hỏi Phật. Phật dạy: Không phạm, nhưng mắc tội Thâu-lan-giá. Có Tỳ-kheo thấy vật trôi trên nước vớt được, sinh nghi hỏi Phật. Phật dạy: Nếu trị giá năm tiền thì phạm Ba-la-di. Có Tỳ-kheo đi cách Kỳ-hoàn không xa, thấy một người cày ruộng, nói: Đây là ruộng của Tăng, ông đừng cày. Người cày nghĩ: Các Tỳ-kheo có thế lực, nếu kiện tụng thì ta sẽ bị thua, bèn không cày. Tỳ-kheo liền trở về Kỳ-hoàn, hỏi các Tỳ-kheo: Ruộng ấy của ai? Các Tỳ-kheo nói: Ruộng ấy của Cư sĩ tên là…, bèn sinh nghi hỏi Phật. Phật dạy: Không phạm, nhưng trong trường hợp vô ích mà nói khiến cho họ mất, đều phạm Đột-kiết-la. Khi ấy đám mười bảy Đồng tử bị giặc bắt, cha mẹ chúng khóc kể áo não, Tất-lăng-già-bà-ta đi khất thực qua đó, thấy thế hỏi họ: Việc gì vậy? Họ trình bày đầy đủ sự việc. Tất-lăng-già-bà-ta liền nhập định để quan sát thì thấy đám giặc đem để nơi A-di-la-hà-châu, bèn dùng thần túc bắt trở lại, mỗi đứa được đưa về nhà chúng trên tầng lầu. Tất-lăng-già-bàta nói với cha mẹ chúng: Đừng nên khóc nữa, con của các người nay đã trở về giỡn chơi trên từng lầu. Sau đó nghi, hỏi Phật. Phật dạy: Không phạm, nhưng mắc tội Đột-kiết-la. Có Tỳ-kheo vì lợi dưỡng tự nói mình lớn tuổi đối với người khác, sau nghi hỏi Phật. Phật dạy: Không phạm, nhưng cố ý vọng ngữ mắc tội Ba-dật-đề.

Có một trú xứ, Tỳ-kheo cùng bạch y dùng chung một cái giếng, bạch y với tâm trộm cắp lấy nhiều nước hơn, Tỳ-kheo cũng với tâm trộm cắp, khởi ý niệm: Nay ta chuyện gì phải chỉ một mình không lấy nhiều, nhưng chưa lấy, sinh nghi, hỏi Phật. Phật dạy: Nếu lấy nước của người mà lấy dư, trị giá năm tiền thì phạm Ba-la-di.

Có Tỳ-kheo ở nơi chỗ kia, lấy trộm y của người, trị giá năm tiền, đến chỗ này bán không được năm tiền, nghĩ là không phạm Ba-la-di, sinh nghi hỏi Phật. Phật dạy: Nơi lấy cắp trị giá năm tiền phạm Ba-la-di. Nếu ở chỗ kia không trị giá năm tiền, đến đây bán trị giá năm tiền thì phạm Thâu-lan-giá. Có Tỳ-kheo trộm kinh Phật của người, cho là lời Phật dạy không phạm, sau nghi hỏi Phật. Phật dạy: Tính theo giấy bút và công phu của sách, trị giá năm tiền thì phạm.

Bấy giờ, tại Câu-xá-di có một ông Trưởng giả, thấy pháp đắc quả, thường cung cấp cho các Tỳ-kheo. Ông Trưởng giả và người chị mỗi người có một người con. Hai người thường cùng nhau cúng dường Tỳ-kheo Trưởng lão A-thù. Ông Trưởng giả khi gần lâm chung, chỉ chỗ chôn cất của báu cho Tỳ-kheo A-thù và nói: Sau khi con qua đời, trong hai đứa nhỏ này, đứa nào tin ưa Phật pháp, đối với các Tỳ-kheo thường không tiếc của thì thầy chỉ chỗ chôn cất của báu này cho nó. Nói rồi liền trút hơi thở cuối cùng. Sau đó, Tỳ-kheo A-thù xét thấy trong hai đứa nhỏ, thằng con của ông Trưởng giả lại quay lưng với chánh pháp, người con của bà chị lại tin ưa Phật pháp, bèn nói với đứa con của bà chị biết chỗ chôn của báu. Con của ông Trưởng giả nghe liền đến chỗ Tôn giả A-nan hỏi: Tài sản của cha để lại nên thuộc về của ai? Tôn giả A-nan

nói: Nên thuộc về người con. Con ông Trưởng giả liền nói với Tôn giả A-nan: Của báu của cha tôi cất giấu, Tỳ-kheo A-thù lại giao cho con của cô tôi. A-nan liền đến nói với A-thù: Thầy chẳng phải là Sa-môn, chẳng phải là Thích chủng tử. A-thù trả lời: Tôi là Sa-môn, là Thích chủng tử, chính tôi đủ tư cách y theo các kinh, luật để phán quyết việc này. A-nan nói: Việc này nó như vậy, cần gì đến Kinh, Luật. Khi ấy, các Tỳ-kheo Trưởng lão đều yểm trợ cho chủ trương của A-thù. Hai chúng của A-nan và A-thù chia rẽ nhau, trong thời gian sáu năm không hòa hợp, cùng an cư một trú xứ mà không Bố-tát, Tự tứ. Tiếng đồn khắp hết, đến tận trời Phạm thiên. Bấy giờ, La-hầu-la du hóa nơi thành Ca-duy-la-vệ, các Thích chủng nữ đều cùng nhau ra nghinh đón, trình bày đầy đủ việc trên và than phiền: Tại sao Đức Thế Tôn Nê hoàn chưa bao lâu, chúng Tăng lại kéo dài không hòa hợp sáu năm?! Chúng con muốn chúng Tăng hòa hợp mà không còn biết làm cách nào! La-hầu-la nói: Tôi sẽ chỉ cho các người khiến cho quý vị đó hòa hợp như sau: Thế nào Tôn giả A-nan cũng đến đây, các ngườ có con nhỏ đều nên bồng ra để đón tiếp Tôn giả. Khi ấy, các ngườ để các hài nhi xuống đất, thế nào các hài nhi cũng sẽ khóc, Tôn giả sẽ hỏi: Tại sao các bà không bồng nó lên? Các bà sẽ trả lời: Nếu Trưởng lão cùng A-thù hòa hợp, sau đó chúng con mới bồng các cháu lên. Các bà dùng phương tiện này có thể khiến cho các vị ấy hòa hợp. Thời gian không lâu sau, A-nan đến, năm trăm Thích nữ bồng các hài nhi ra đón, và để các cháu xuống dưới đất, trước mặt A-nan, các hài nhi liền khóc lớn, quả thật Tôn giả A-nan nói: Tại sao không bồng các cháu lên? Các bà đồng thanh trả lời: Nếu Trưởng lão cùng với Athù hòa hợp, khi ấy chúng con mới bồng các cháu lên. Tôn giả A-nan cảm thông được nỗi lòng của các bà, lại thương các hài nhi nên nói: Chị em bồng các cháu lên, tôi sẽ cùng với A-thù hòa hợp. Tôn giả A-nan liền trở về họp chúng Tăng. Ưu-ba-ly hỏi A-nan: Tỳ-kheo không cho mà lấy có mấy hạng phi Sa-môn, phi Thích chủng tử? A-nan trả lời: Có ba hạng: Tự mình lấy, dạy người lấy, khiến cho người lấy. Ưu-ba-ly hỏi A-thù: Thầy có tự lấy, có dạy người lấy, có khiến người lấy hay không? A-thù trả lời: Không. Ưu-ba-ly lại hỏi A-nan: Tỳ-kheo A-thù có lỗi gì? A-nan nói: A-thù không có lỗi, chính tôi là người có lỗi. Thế là A-nan giữa Tăng dõng dạc nói lớn: Chính tôi, A-nan có lỗi, A-thù không có lỗi. A-nan bèn hướng đến A-thù sám hối để hòa hợp.

Có một Tỳ-kheo vốn là một đứa trẻ ăn trộm, nói với các Tỳ-kheo: Có thể cùng tôi đến xóm làng kia lấy vật dụng. Các Tỳ-kheo bèn làm theo lời nói của vị ấy đến trước để lấy. Tỳ-kheo kia sau đó sinh nghi, hỏi Phật: Con dạy người lấy trộm vật như vậy, phạm Ba-la-di hay không? Phật dạy: Không phạm, nhưng mắc tội Thâu-lan-giá. Có Tỳ-kheo lấy y phủ trên gò mả của người ta, lấy cờ phướn trên gò mả, y trong gò mả, vật trong miễu thần có người giữ gìn, sinh tâm che giấu, hỏi Phật. Phật dạy: Tâm người khác chưa xả mà lấy, trị giá năm tiền đều phạm Bala-di, vật ở trong miếu tuy không có chủ, mà là nhà quan bảo hộ, cũng như vậy. Có Tỳ-kheo giận người khác, hoặc đốt nhà của họ, hoặc đốt ruộng lúa của họ, tài sản của họ, sinh nghi, hỏi Phật. Phật dạy: Không phạm, nhưng mắc tội Thâu-lan-giá, vì giận mà phá hoại vật của người khác cũng như vậy. Có Tỳ-kheo lượm cái đãy đựng một ngàn lượng vàng trong hang chuột, lấy với tâm tham, sinh nghi hỏi Phật. Phật dạy: Thuộc về vật của chuột, không phạm, nhưng mắc tội Thâu-lan-giá, nếu với tâm trộm cắp đoạt của cầm thú, cũng như vậy. Có các Tỳ-kheo nơi bữa ăn, vội ăn phần của người khác, người khác hỏi: Ai ăn phần của tôi? Tỳ-kheo kia nói: Tôi ăn. Người kia nổi sân, sinh nghi hỏi Phật. Phật dạy: Chẳng phải tâm trộm cắp thì không phạm, nhưng không nên vội nghĩ được sự đồng ý mà ăn phần của người, vi phạm, phạm Đột-kiết-la. Có Tỳ-kheo đánh bạc lấy tiền của người, sinh nghi hỏi Phật. Phật dạy: Không phạm, nhưng mắc tội Đột-kiết-la. Có hai Tỳ-kheo đồng ý mặc y của nhau, sau giận nhau hủy báng cho là ăn trộm, sinh nghi hỏi Phật. Phật dạy: Không phạm, nhưng không vội đồng ý mặc y của người khác, vi phạm, phạm Đột-kiết-la.

Bấy giờ, Bạt-nan-đà cùng với người khách buôn đồng đi trên một lộ trình, khi đến chỗ thuế quan, người khách buôn đến Bạt-nan-đà mượn cái đãy, âm thầm bỏ viên ngọc đại quý giá vào trong, rồi trả cái đãy lại, Bạt-nan-đà không biết qua khỏi chỗ quan thế rồi, người khách buôn đòi lại viên ngọc trong đãy, Bạt-nan-đà nói: Tôi không lấy ngọc của người. Người khách buôn nói: Thật sự thầy không lấy ngọc của tôi, nhưng vừa rồi tôi mượn cái đãy của thầy, tôi bỏ viên ngọc vào trong đãy, Bạt-nanđà liền trả lại viên ngọc, rồi sinh nghi hỏi Phật. Phật dạy: Không phạm, nhưng muốn qua khỏi chỗ quan thuế, có người mượn vật gì, khi trả lại cần đập giũ và xem kỹ, vi phạm, phạm Đột-kiết-la.

Lúc đó, có đệ tử của Tỳ-kheo-ni Chiên-đồ-tu-ma-na, đến nơi nhà đàn-việt của thầy, nói dối: Thầy bệnh, cầu ba thứ cháo thuốc, nhận được rồi, ra ngoài ăn. Vợ người chủ nhà sau đó đến thăm, hỏi: Sư cô bệnh lành chưa? Tỳ-kheo-ni nói: Tôi đâu có bệnh, tại sao lại hỏi? Người đàn-việt trình bày sự việc đầy đủ. Sư cô nói với đệ tử: Cô ăn trộm cháo của tôi. Cô đệ tử nói: Thật sự con không ăn trộm, đối với Hòa thượng con có khởi ý nghĩ là đồng ý con mới lấy, rồi sinh nghi hỏi Phật. Phật dạy: Không khởi tâm ăn trộm thì không phạm, nhưng cố ý vọng ngữ nên mắc tội Ba-dật-đề.

Có Tỳ-kheo thấy ruộng của người chủ không có nước, tháo nước của người khác để tưới, sinh nghi hỏi Phật. Phật dạy: Nếu trị giá năm tiền thì phạm. Có Tỳ-kheo ở chỗ cao quăng y của người khác cho Tỳkheo ở dưới thấp, cả hai đều sinh nghi hỏi Phật. Phật dạy: Nếu với tâm ăn trộm mà quăng thì phạm Ba-la-di, không có tâm trộm mà lấy phạm Thâu-lan-giá, nếu không có tâm trộm mà quăng thì phạm Thâu-lan-giá, với tâm trộm mà lấy, phạm Ba-la-di, cả hai đều với tâm trộm thì đều phạm Ba-la-di, cả hai đều không có tâm trộm đều phạm Thâu-lan-giá.

Có Tỳ-kheo với tâm trộm đổi lấy vật tốt của Tăng, sinh nghi hỏi Phật. Phật dạy: Vật đổi trị giá năm tiền thì phạm. Khi ấy, có Tỳ-kheo lấy đá quăng con rắn lại nhắm trúng người chết, sinh nghi hỏi Phật. Phật dạy: Thầy quăng với tâm gì? Tỳ-kheo thưa: Muốn quăng cho con rắn chết. Đức Phật dạy: Người chết, không phạm, quăng con rắn, phạm Đột-kiết-la.

Có Tỳ-kheo giết con khỉ cái giống con người, sinh nghi hỏi Phật. Đức Phật dạy: Đoạt mạng sống của súc sinh, phạm Ba-dật-đề. Có một người đàn bà, chồng đi vắng không có ở nhà, tư thông với người hàng xóm, có thai, đến vị Tỳ-kheo thường cúng dường xin thuốc để phá thai, vị Tỳ-kheo cho thuốc, thai bị hư mà bà mẹ không chết, sinh nghi hỏi Phật. Phật dạy: Phạm. Nếu muốn phá thai mẹ chết mà thai không chết phạm Thâu-lan-giá, nếu đều chết phạm Ba-la-di, nếu đều không chết phạm Thâu-lan-giá. Đè bụng cho đọa thai cũng như vậy.

Có các Tỳ-kheo không ưa tu phạm hạnh, mà không bỏ đạo, trở thành người hạ tiện, tìm sự chết bằng cách từ trên cao lao mình xuống, trúng nhằm trên mình người dưới, người ở dưới chết mà mình không chết, sinh nghi hỏi Phật. Phật dạy: Thầy làm như vậy với tâm gì? Đương sự thưa: Muốn tự hủy mình. Phật dạy: Người kia chết không phạm, nhưng tạo phương tiện để tự hủy mình đều phạm Thâu-lan-giá. Có hai Tỳ-kheo trước giận nhau, cùng nhau đi trên một đường, trên đường đi đánh nhau, một người bị chết, sinh nghi hỏi Phật. Phật dạy: Thầy làm như vậy với tâm niệm gì? Đương sự thưa: Với tâm giận. Phật dạy: Không có tâm sát, không phạm, nhưng giận Tỳ-kheo khác, mắc tội Ba-dật-đề. Từ nay không cho phép người cùng giận nhau, chưa sám hối tạ tội mà cùng nhau đi một đường, vi phạm, phạm Đột-kiết-la. Có Tỳ-kheo đánh quỷ chết, sinh nghi hỏi Phật. Phật dạy: Phạm Thâu-lan-giá. Có Tỳ-kheo muốn giết người này mà nhầm người kia, sinh nghi hỏi Phật. Phật dạy: Không phạm, nhưng mắc tội Thâu-lan-giá.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo vì lợi dưỡng, bằng mọi cách khen ngợi người khác thành tựu giới, thành tựu định, tuệ giải thoát, giải thoát tri kiến, âm thầm tự cho mình là tốt, rồi sinh nghi hỏi Phật. Phật dạy: Nếu tất cả đều như vậy, không phân minh tự thuyết, thì đều phạm Thâu-lan-giá.

Tại Tỳ-xá-ly có một đại thọ, bóng mát che được năm trăm cỗ xe, Tỳ-kheo-ni Hoa-sắc thấy, nói với các Tỳ-kheo-ni: Khi tôi ở trên cõi trời, chiếc hoa “Chúy nhĩ biên” lớn… như cây này. Các Tỳ-kheo-ni gọi đó là điều vô lý, bằng mọi cách quở trách: Tại sao Tỳ-kheo-ni lại tự nói được pháp hơn người, bạch Phật. Phật dạy: Trên cõi trời thật có chiếc hoa như vậy, Tỳ-kheo-ni Hoa-sắc nói thật, không phạm.

Tỳ-kheo-tỳ-la-trà-tư-ha bị bệnh ghẻ gồm năm trăm mụt, lở lói hôi hám không thể nhìn được. Tỳ-kheo-ni Hoa-sắc cùng năm trăm Tỳ-kheoni đến thăm. Hoa-sắc thấy rồi bèn cười. Các Tỳ-kheo-ni quở trách: Tại sao không có tâm từ bi thấy Tỳ-kheo như vậy lại cười. Hoa-sắc trả lời: Tỳ-kheo này đời quá khứ là một vị quốc vương, tên là Tỳ Kiệt Bà, lúc ấy tôi là đệ nhất phu nhân. Nhà Vua đã cưỡng bức lấy năm trăm đồng nữ, phá hỏng cuộc đời của họ, do nhân duyên ấy, vô số trăm ngàn vạn năm bị đọa vào địa ngục, bị khổ độc thiêu đốt, và dư báo nhận lấy năm trăm mụt ghẻ ấy. Các Tỳ-kheo-ni nói: Không có lý này, bằng mọi cách quở trách: Tại sao Tỳ-kheo-ni lại xưng đắc pháp hơn người, bạch Phật. Phật dạy: Tỳ-kheo kia thật sự có như vậy, Hoa-sắc nói đúng sự thật, không phạm.

Khi ấy, Trưởng lão Mục-liên nói với các Tỳ-kheo: Tôi thấy ao A-nâu-đạt có bông sen lớn như bánh xe, các Tỳ-kheo không tin, cho là hư dối nói để được pháp hơn người, bạch Phật. Phật dạy: Thật có bông sen này, Mục-liên nói đúng sự thật, không phạm. Có các Tỳ-kheo nói dối được pháp hơn người, nói như thế này: Tôi có nhân duyên nghiệp báo về Thiên nhãn, Thiên nhĩ, Tha tâm trí, sau nghi, hỏi Phật. Phật dạy: Không phạm, nhưng mắc tội Thâu-lan-giá. Có các Tỳ-kheo nói dối được pháp hơn người, nói như thế này: Tôi được Thiên nhãn, Thiên nhĩ, Tha tâm trí, đã hết các lậu, sau nghi, hỏi Phật. Phật dạy: Phạm. Có một Bà-la-môn mời Tăng thọ trai, thưa: Đại đức, chư La hán phó trai, thọ trai xong nói: Các La hán quy bản sở. Các Tỳ-kheo sinh nghi, hỏi Phật. Phật dạy: Người ta tự nói lời khen ngợi ấy nên không phạm. Có các Tỳ-kheo vì lợi dưỡng ngồi dậy, đi đứng, nói năng an tường, do đó hiện được tướng đạo, muốn cho người biết, sau nghi, hỏi Phật. Phật dạy:

Hiện những tướng khác lạ như vậy đều phạm Thâu-lan-giá. Có các Tỳkheo khi gần mạng chung theo nghiệp phải đọa địa ngục, đều thấy các tướng địa ngục A bàn tại tiền. Lại có Tỳ-kheo theo nghiệp được sinh thiên, đều thấy chư Thiên, cung điện, nghe thấy âm nhạc, thiên tử, thiên nữ tại tiền, nói năng đều dùng tiếng nói của loài người, sinh nghi, hỏi Phật. Phật dạy: Đó là đoan tướng sẽ được sinh, chẳng phải vọng ngữ, không phạm. Có các Tỳ-kheo vốn muốn nói việc khác, sau chẳng phải dụng ý nói pháp hơn người, sinh nghi, hỏi Phật. Phật dạy: Chẳng phải là bổn ý, không phạm, nhưng mắc tội Thâu-lan-giá.

Có các Tỳ-kheo nói với bạch y: Nếu có người ở trong phòng của người đều thành tựu đạo quả như vậy, như vậy, sau tự đến ở, sinh nghi, hỏi Phật. Phật dạy: Sử dụng những phương tiện như vậy đều phạm Thâulan-giá. Có các Tỳ-kheo tự nói được pháp hơn người, muốn khiến cho người nghe mà phi nhân nghe, lại muốn cho phi nhân nghe mà người nghe, lại muốn người cùng phi nhân nghe mà không ai nghe, đều sinh nghi, hỏi Phật. Phật dạy: Đều phạm Thâu-lan-giá.

Bấy giờ, Tôn giả Mục-liên nói với các Tỳ-kheo: Vợ Cư sĩ… sẽ sinh con trai, khi người vợ Cư sĩ đang sinh ra, thai chuyển thành nữ. Vua Batư-nặc cùng Vua A-xà-thế, hai bên chiến đấu, Mục-liên nói: Vua Batư-nặc sẽ thắng, nhưng ngược lại, không như vậy, sau lại tập hợp binh sĩ để chiến đấu, Mục-liên lại nói: Vua A-xà-thế sẽ thắng, cũng ngược lại, không như vậy, các Tỳ-kheo chê trách nói: Tại sao dối nói được pháp hơn người, bạch Phật. Phật dạy: Như lời Mục-liên nói, chỉ quan sát giai đoạn trước, không quan sát giai đoạn sau, nên như vậy. Có các Tỳ-kheo gãi chỗ kín, xuất bất tịnh, sinh nghi hỏi Phật, Phật nói: Ông làm với tâm niệm thế nào? Tỳ-kheo thưa: Trước sau đều không có ý cho xuất. Phật dạy: Không phạm, nếu có ý muốn cho nó xuất thì phạm Tăng-giàbà-thi-sa, muốn xuất mà không xuất, phạm Thâu-lan-giá. Dùng nước nóng tắm, hay là hơ lửa mà bất tịnh xuất đều như vậy. Có Tỳ-kheo nhớ việc hành dục mà xuất bất tịnh, sinh nghi, hỏi Phật. Phật nói: Ông nhớ với ý gì? Tỳ-kheo thưa: Con nhớ việc hành dục, bất tịnh tự xuất. Phật dạy: Không phạm, nhưng nhớ việc hành dục, phạm Đột-kiết-la. Có Tỳkheo cố dùng “Hình” chống đỡ cái y, xuất bất tịnh, nghĩ là không phạm Tăng-già-bà-thi-sa, hỏi Phật. Phật dạy: Tỳ-kheo như vậy mà xuất bất tịnh thì phạm Tăng-già-bà-thi-sa, không xuất thì phạm Thâu-lan-giá. Có Tỳ-kheo ở bên tượng người nữ, xuất bất tịnh, sinh nghi, hỏi Phật. Phật dạy: Nếu xuất bất tịnh thì phạm Tăng-già-bà-thi-sa, không xuất thì phạm Thâu-lan-giá.

Lúc này, có Tỳ-kheo dùng khuỷu tay nâng thân người nữ, lại có Tỳ-kheo dùng cái móc bình bát kéo người nữ, sinh nghi, hỏi Phật. Phật dạy: Đều phạm Thâu-lan-giá. Nếu nắm y của họ, kéo đẩy dây, gậy của họ cũng như vậy. Có Tỳ-kheo, người nữ ở trên giường, trên thuyền, trên xe, trên cây, với tâm dục làm lay động, sinh nghi, hỏi Phật. Phật dạy: Tỳ-kheo như vậy đều phạm Thâu-lan-giá.

Bấy giờ, có người nữ mặc thanh y, Tỳ-kheo thấy nói chị em hứa cho tuổi thanh xuân, sinh nghi, hỏi Phật. Phật dạy: Phạm Thâu-lan-giá, nếu nhân hình dáng như vậy mà nói ác ngữ đều như vậy. Bấy giờ có vợ chồng cãi nhau không hòa hợp, Tỳ-kheo đi đến muốn tạo hòa hợp, sinh nghi, hỏi Phật. Phật dạy: Nếu nghĩa vợ chồng đã xa lìa mà tạo hòa hợp thì phạm Tăng-già-bà-thi-sa, nếu chưa lìa thì không phạm.