LUẬT DI SA TẮC BỘ HÒA HÊ NGŨ PHẦN

Hán dịch: Đời Lưu Tống, Tam tạng Phật Đà Thập người nước Kế Tân, cùng Trúc Đạo Sinh
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 27

Phần 5: NÓI VỀ CÁC PHÁP: PHÁ TĂNG, NGỌA CỤ, TẠP PHÁP, OAI NGHI, NGĂN BỐ TÁT, BIỆT TRÚ v.v…

Đoạn 4: NÓI VỀ PHÁP OAI NGHI

Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Bấy giờ có một Bà-la-môn xuất gia, sạch sẽ quá mức thường lệ, từ nhờm gớm đại tiểu tiện của mình, làm sạch bằng cỏ lợi xí, cắt đứt da thịt làm thương tổn, chảy máu dính nhớp y và ngọa cụ của Tăng, các Tỳ-kheo bằng mọi cách quở trách, nói: Thầy tự gớm nhờn phần đại, tiểu tiện của thầy, làm sao thầy có thể săn sóc bệnh của các Tỳ-kheo, bạch Phật. Phật dạy: Không nên dùng cỏ xí. Khi ấy, Tỳ-kheo lõa hình lên nhà xí, các bạch y chê trách, nói: Tỳ-kheo này chính là Ni-kiền-tử. Các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Không nên lõa hình lên nhà xí. Lõa hình lên nhà xí phạm Đột-kiết-la. Có Tỳ-kheo ở chỗ A-lan-nhã cách xa nhà xí, bị đại tiện cấp bách không thể đến nơi nhà xí, bạch Phật. Phật dạy: Trường hợp không thể đi kịp, cho phép ngó bốn hướng không có người thì có thể giải quyết. Có Tỳ-kheo trước đã vào nhà xí, sau đó có Tỳ-kheo không hệ niệm lên nhà xí, không khảy móng tay cũng không tằng hắng, mở cửa đột nhập, Tỳ-kheo ở trong xấu hổ, giận trách, Tỳ-kheo đến sau phải xin lỗi.

Lại có Tỳ-kheo lên nhà xí tuy có khảy móng tay, mà Tỳ-kheo ở trong không trả lời, cũng vào, đưa đến tình trạng giận trách, bạch Phật. Phật dạy: Không nên để rối loạn tâm khi lên nhà xí. Rối loạn tâm lên nhà xí phạm Đột-kiết-la. Nay Ta vì các Tỳ-kheo quy định pháp tắc lên nhà xí đầu tiên cần phải học. Đây là vấn đề Tỳ-kheo trọn đời phải học, nếu không học phạm Đột-kiết-la.

Khi Tỳ-kheo lên nhà xí cần xem trước sau và hai bên, đến trước nhà xí thì phải tằng hắng, khảy móng tay khiến người bên trong và phi nhân biết. Người trong nhà xí cũng phải khảy móng tay, tằng hắng.

Vào trong nhà xí rồi cần phải xem trước sau và hai bên, ngó khắp trong nhà xí, xem có rắn, bò cạp, trùng độc hay không. Không nên máng y hai bên cánh cửa, phải thu vén y sao cho gọn, định tâm an ổn rồi ngồi. Không được làm vấy nhớp trên nhà xí. Hoặc người đi trước hay tự mình làm nhớp đều phải lau chùi sạch sẽ, cần rửa thì rửa, cần lau thì lau, cần dọn cỏ nhớp thì phải dọn sau đó mới ra đi. Cẩn thận khéo vén y đừng để nhớp. Đến chỗ tiểu tiện và chỗ rửa đại tiểu tiện cũng nên như vậy. Nếu khi dùng nước, trước hết nên xem có trùng hay không. Không được dùng nhiều nước, cốt yếu là dùng vừa đủ. Súc đồ đựng nước phải cẩn thận nhẹ tay, đừng cho nó va chạm, đưa đến sự hư bể. Dùng nước, nếu hết, phải lấy cho đầy, nếu có việc gấp cần phải đi, cũng phải lấy lại cho đủ một người dùng rồi đậy lại mới đi.

Có các Tỳ-kheo ngồi thiền bên nhà xí, nằm ngủ, nhuộm vá y phục, thọ kinh, kinh hành, trở ngại các Tỳ-kheo lên nhà xí, các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Không nên làm như vậy.

Có các Tỳ-kheo, trú xứ quá hẹp, không thể làm nhà xí cách ra xa, bạch Phật. Phật dạy: Nếu trú xứ quá hẹp cho phép dùng vải che, cho khỏi trở ngại nhau. Có các Tỳ-kheo lên nhà xí xỉa răng, các Tỳ-kheo nhờm gớm lại trở ngại các Tỳ-kheo lên nhà xí, bạch Phật. Phật dạy: Không nên làm như vậy.

Có Tỳ-kheo xỉa răng bên nhà xí. Phật dạy: Cũng không nên làm như vậy. Có các Tỳ-kheo xỉa răng rồi cắm cây tăm nơi móc của vách nhà xí làm cho y của các Tỳ-kheo bị hư, hoặc bị tổn thương nơi da thịt. Phật dạy: Không nên làm như vậy. Các Tỳ-kheo xỉa răng rồi bỏ tăm nơi cành cây hay bên gốc cây, thọ thần sân hận. Phật dạy: Không nên như vậy.

Có các Tỳ-kheo đại tiểu tiện rồi không có vật gì rửa chùi, nhớp thân hình và y phục. Phật dạy: Nên dùng cỏ chùi, Tỳ-kheo lại dùng miếng tre, miếng lau để chùi bị thương tổn nơi đó. Phật dạy: Không nên dùng vật bén làm đồ chùi, nên róc bỏ các cạnh, trừ cây sơn, các cây khác đều được dùng. Các Tỳ-kheo làm đồ chùi quá dài hay quá ngắn, quá thô hay quá tế. Phật dạy: Nên làm cỡ vừa phải. Các Tỳ-kheo dùng cỏ chùi rồi, nhét vào trong lổ cầu tiêu. Phật dạy: Không nên như vậy. Các Tỳ-kheo quăng cỏ chùi lung tung nơi đất. Phật dạy: Nên làm cái đồ để đựng, nếu đầy, người nào đó thấy đầy nên đem đổ vào hầm, hoặc bảo người đốt.

Các Tỳ-kheo rửa đại tiểu tiện nhớp tay. Phật dạy: Nên dùng tro, đất, phân bò rửa cho sạch. Các Tỳ-kheo rửa đại tiểu tiện rồi, lấy tay chà nơi vách cho sạch, vách bị hư. Phật dạy: Không nên chà như vậy, nên dùng gạch, đá mà chùi rửa.

Các Tỳ-kheo dùng tro, đất, phân bò bỏ nơi đất nhơ nhớp. Phật dạy: Nên dùng đồ đựng.

Có các Tỳ-kheo dùng cây xỉa răng quá dài. Phật dạy: Không nên làm như vậy, cho phép, dài nhất là một gang tay. Có các Tỳ-kheo làm cây xỉa răng quá ngắn, thấy Phật, vì sự cung kính, bèn nuốt vào trong họng, nhờ oai thần của Phật khiến cho nó không bị nguy hiểm. Phật dạy: Không nên làm như vậy, ngắn nhất cho phép dài năm lóng tay, cũng không nên quá thô, hay quá nhỏ.

Các Tỳ-kheo không đứng một chỗ xỉa răng mà xỉa bỏ lung tung. Phật dạy: Không nên như vậy. Có các Tỳ-kheo nơi A-lan-nhã đứng một chỗ xỉa răng, đường xa, trở ngại việc khất thực, lại không nhận được phần cúng dường. Phật dạy: Tỳ-kheo nơi A-lan-nhã cho phép nhất tâm, vừa đi vừa xỉa răng. Có các Tỳ-kheo đến nơi giếng xỉa răng. Phật dạy: Không nên như vậy. Có các Tỳ-kheo dùng tăm xỉa răng rồi, không rửa, trùng ăn bị chết. Phật dạy: Không nên như vậy, dùng rồi nên rửa sạch mới bỏ. Có các Tỳ-kheo thiếu cây xỉa răng. Phật dạy: Cho phép cắt bỏ khúc xỉa rồi, khúc chưa dùng cất để dùng.

Có một Tỳ-kheo dùng cái đãy để đựng giày dép, đựng tăm xỉa răng, tăm xỉa răng bị nhớp. Phật dạy: Nên dùng vật khác để đựng. Có các Tỳ-kheo lại xỉa răng nơi nhà sưởi ấm, giảng đường, nhà ăn, chỗ làm thức ăn, trước Thượng tọa, Hòa thượng, A-xà-lê. Phật dạy: Không nên làm như vậy.

Có các Tỳ-kheo bệnh, Thượng tọa, Hòa thượng, A-xà-lê chăm sóc, không dám xỉa răng trước các vị ấy. Phật dạy: Khi bệnh thì cho phép. Các Tỳ-kheo xỉa răng trước bạch y, bạch y chê trách, nói: Sa-môn Thích tử chỉ siêng năng sửa sang hàm răng. Phật dạy: Không nên làm như vậy. Các Tỳ-kheo lại không dám đối trước tất cả các bạch y xỉa răng. Phật dạy: Không nên làm như vậy, nếu hạng bạch y hào quý thì không nên xỉa răng trước họ. Có các Tỳ-kheo xỉa răng trước ngoại đạo, cũng bị chê trách như trên. Phật dạy: Cũng không nên làm như vậy. Các Tỳ-kheo lại không dám xỉa răng trước tất cả ngoại đạo, họ lại nói: Sa-môn Thích tử cung kính chúng ta, không dám xỉa răng trước chúng ta. Đức Phật dạy: Không nên làm như vậy. Nếu hạng người gây tổn hại đối với Phật pháp thì không nên xỉa răng trước họ. Đức Phật dạy: Ta vì các Tỳ-kheo quy định pháp học sơ đẳng về việc lên nhà xí v.v… nên thọ trì suốt đời.

Bấy giờ, có một Tỳ-kheo khất thực không hệ niệm tại tiền (không để ý), vào trong nhà người, không nhớ lối ra, nên đi theo một chỗ khác để ra, thấy một người nữ ở trong nhà, nằm ngửa lộ hình. Tỳ-kheo hốt hoảng vội vã chạy nhanh ra khỏi nhà. Người chủ nhà đi về thấy Tỳkheo chạy ra một cách hốt hoảng, nên nghĩ: Tỳ-kheo này vào nhà ta, chắc có làm việc gì bất chính, liền vào trong nhà xem thấy người vợ nằm ngửa lộ hình, bèn nghĩ Tỳ-kheo đã tư thông với vợ mình, vội vàng chạy theo Tỳ-kheo kêu: Đứng lại! Ông làm việc như vậy, như vậy trong nhà tôi. Tỳ-kheo nói: Ông đừng nói câu đó, pháp của Tỳ-kheo chúng tôi không làm việc ác như vậy. Người kia không tin, đánh Tỳ-kheo gần chết, đoạt y bát rồi thả đi. Tỳ-kheo kia khi trở về trong Tăng phường kể lại sự việc với các Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo bằng mọi cách quở trách: Tại sao thầy không hệ niệm tại tiền, vào nhà người ta mà không nhớ đường đi ra. Vấn đề được bạch Phật. Phật dạy: Nay Ta vì các Tỳ-kheo khất thực, quy định pháp đầu tiên cần phải học, nên thọ trì trọn đời, nếu không học phạm Đột-kiết-la.

Tỳ-kheo khất thực phải nhất tâm dậy sớm, xuống giường mang dép, lấy nội y để mặc, đập giữ sạch bụi bặm, dây thắt lưng cũng vậy, mặc y hạ cho ngay ngắn, từ gót chân trở lên một cách gang tay, bên trái, phía trên ém hai bên, xếp hai bên, ngay phía sau xếp hai lần, rồi buộc dây, chậm rãi lấy dép mang đi đường, không nên mang nhầm lẫn, nhất tâm lấy Tăng-già-lê và bình bát. Khi rửa bát nên ngồi xổm không nên đứng, nếu rửa bát bằng thiếc thì cho phép cách đất một thước, bát tô ma thì cách đất bốn lóng tay, bát sành thì khoảng cách giữa bằng mức hai loại bát kia. Rửa rồi không nên để chỗ dễ lăn ngã, cũng không nên để chỗ bên trên có vật, có thể rớt xuống, không được lau và phơi lúc giữa ngày, có thể dùng để uống nước dưới bóng mát, nước rửa bát nên đổ giữa trưa. Khi ra ngoài nên nhất tâm, cần đóng cửa thì để bình bát đặt giữa hai chân, sau đó mới đóng cửa. Chìa khóa nên cất chỗ nào đừng cho ai thấy. Cách xóm làng không xa, chỗ đất nào bằng phẳng, có cỏ mềm mại, để bình bát xuống, đập giũ y Tăng-già-lê và y Trung hạ, mặc vào ngay thẳng, tay bên trái nắm y, tay bên phải bưng bát, cúi đầu nhìn trước chân mà đi, nên nhớ kỹ các ngõ hẻm, phân biệt cửa nhà người, tướng mạo của nó. Khi đến cửa nên khảy móng tay hay tằng hắng khiến cho có tiếng, để người hay phi nhân bên trong biết. Vào cửa rồi nên tính toán, nên đứng chỗ nào, nếu có người nói: Đại đức vào, thì thâu giữ tâm vào, nếu có người cho thức ăn, không nên đến nơi thức ăn mà thọ. Nếu người nữ trao thức ăn, không nên cùng nói chuyện, không nên ngó chăm chăm, không nên lưu ý tướng tốt, xấu của họ. Nếu một nhà đủ thì tốt, bằng không thì đến nhà khác. Đủ rồi thì thôi. Nhận đủ thức ăn, ra khỏi xóm làng, cách xa rồi, để bình bát xuống đất, cởi y Tăng-già-lê, đập giũ bụi, nếu có bùn nhớp nên lau cho sạch, xếp lại, vắt lên vai đi. Về đến trú xứ mở cửa ngõ vào, để y bát vào chỗ cũ, đập giũ giày dép lau cho sạch, sau đó thâu giữ tâm, rửa chân, lau cho khô, trở lại mang dép vào phòng, mở cửa vào phòng, máng y bát vào chỗ thường lệ. Nếu muốn dùng dầu thoa chân thì cho phép thoa bàn chân. Quét sạch chỗ ngồi ăn, trải tọa cụ, lấy nước sạch, chuẩn bị khăn lau tay lau chân. Nếu tại trú xứ có canh rau, dấm, tương muối nên dự tính để vào một chỗ, rửa đồ đựng thức ăn dư, nhắm thức ăn mình ăn không hết thì sớt trước để trong đó. Nếu thấy Thượng tọa mang thức ăn về sau, nên đứng dậy đón rước, cầm y bát để vào chỗ cũ của Thượng tọa và thưa: Y bát để chỗ này. Rồi vì người cởi giày dép, nếu có dính đất thì để ngoài cửa. Đến giờ đánh kiền chùy, hoặc xướng lệnh để tập hợp. Tập hợp rồi, trước hết đi xem đồ đựng thức ăn dư, có dư sớt bớt vào trong đó, nếu thiếu thì đến lấy thêm cho đủ, vậy sau mới sớt tương rau. Khi đang ăn, nếu Tỳ-kheo đến sau, nên đưa nước cho vị ấy. Vị ấy nhận nước thì trao thức ăn đựng trong đồ đó, nếu không nhận nước, tức là vị kia đã ăn rồi. Chúng ăn rồi, nên thu xếp tọa cụ, dọn những thứ nhớp rồi quét đất cho sạch, rửa đồ đựng thức ăn dư, úp lại để chỗ cũ, cất bình nước, đến trong phòng Hòa thượng, A-xà-lê, có việc gì nên thì làm, sau đó mới về lại phòng, hoặc đọc tụng, hoặc tọa thiền, hoặc kinh hành, để cho tâm thanh tịnh, trừ các triền cái. Hòa thượng, A-xà-lê cũng không nên vì việc nhỏ mà bảo đệ tử ở lại. Nếu Hòa thượng, A-xà-lê sẽ vì bốn chúng nói pháp, đệ tử nên quét dọn chỗ nói pháp, trải tọa cụ, lấy nước vào bình, lấy khăn lau tay, lau chân, nếu có nước uống phi thời nên lọc cho sạch, để một chỗ, nói pháp rồi nên thu dọn tọa cụ và các vật. Nếu Hòa thượng, A-xà-lê cần tắm rửa nên sửa soạn những thứ cần trong phòng tắm, cần nước lạnh thì lấy nước lạnh, cần nước nóng thì lấy nước nóng. Thầy vào nhà tắm rồi nên thưa: Con cần vào hay không? Nếu cần thì vào, vào rồi nên ở sau lưng. Thầy tắm xong, hầu thầy về lại phòng, thầy không thể đi thì nên dìu, hoặc đưa y cho thầy. Thầy cần nước phi thời nên dâng cho thầy. Thầy cần kêu Tỳ-kheo nào thì nên kêu, cần đèn thì đốt đèn. Nếu không có đèn khi trao nước nên thưa cho rõ: Nước con dâng đây đã lọc rồi, thầy dùng. Ban đêm nên thưa hỏi thầy: Con nên ngủ tại đây không? Thầy nói: Cần, thì nên ở lại, nếu thầy nói không, thì trở về lại phòng, hành đạo như trên. Sáng ngày nên đến thưa hỏi thầy: Ngủ ngon giấc không, nên tìm bữa ăn trước, bữa ăn sau, cháo, Đát-bát-na cho thầy, trong Tăng có, nên nhận phần cho thầy, có chỗ nào mời theo thứ tự, cũng nên nhận phần cho thầy. Nếu muốn vào xóm làng, nên thưa: Thầy cần mặc y dày hay y mỏng? Thầy cần thứ nào, dâng thứ ấy. Nếu thầy bảo: Ông cần đi với tôi, thì đi. Đến nhà người, nếu không đuợc vào thì không nên giận. Nếu vào cửa ngõ rồi mà không được mời ngồi cũng không nên giận, nên đứng sau lưng thầy. Nếu đàn-việt cho thức ăn, nên nhận, không cho cũng không nên giận. Nói pháp nơi nhà bạch y, không nên loạn ngữ. Nếu thầy nói lời vụng về, phải khéo biết kỉnh giác. Thầy về, theo về, hành đạo như trên. Đây là pháp học ban đầu của Tỳ-kheo khất thực nơi A-lan-nhã, nên thọ trì trọn đời.

Bấy giờ, số đông Tỳ-kheo ở một trú xứ, hạ an cư, đã kiết giới rồi, không có người lo liệu bữa ăn trước, bữa ăn sau và cháo Đát-bát-na, nên trong thời gian an cư các Tỳ-kheo rất bị thiếu thốn, Tự tứ xong bèn đi. Sau khi đi, Tỳ-kheo cựu trú đến các Cư sĩ, nói: Các người nên sinh tâm vui mừng, có Tỳ-kheo như vậy, như vậy tu hành tốt, an cư nơi đây. Các Cư sĩ nói: Như thế tại sao chúng con không hay biết chi cả? Các vị đó là tri thức của các thầy, tại sao có quý Tỳ-kheo tu hành tốt như vậy, như vậy đến đây mà các thầy không nói với chúng con! Chúng con thường tìm thỉnh mà không có được, nay các vị đến đây mà chúng con lại không được cúng dường!

Lúc này, Lục quần Tỳ-kheo đến trú xứ của người, nói với Tỳkheo cựu trú: Mở cửa phòng trải ngọa cụ cho tôi nghỉ. Một Tỳ-kheo trong số Lục quần Tỳ-kheo vào trước, không hệ niệm tại tiền, con rắn từ trên rớt xuống, cắn chết, các Tỳ-kheo kia khóc áo não. Các Tỳ-kheo Trưởng lão nghe, vội chạy đến hỏi, Lục quần trình bày sự việc, các Tỳkheo Trưởng lão quở trách: Tại sao không hệ niệm tại tiền trong khi vào phòng trống không! Các Tỳ-kheo đem vấn đề bạch Phật đầy đủ. Phật dạy: Nay Ta vì các Tỳ-kheo cựu và khách chế pháp học ban đầu, nên thọ trì trọn đời, nếu không học phạm Đột-kiết-la.

Nếu Tỳ-kheo cựu trú nghe Thượng tọa Tỳ-kheo khách du hành trong nhân gian, sắp đến trú xứ, nên sửa soạn phòng xá, đập giũ giường chiếu, phơi ngọa cụ, quét dọn trong phòng, sửa sang phòng ốc, lấy nước sạch đậy lại để sẵn một nơi, chuẩn bị khăn lau tay, lau chân. Nghe tới nơi phải ra cửa đón, bảo Tỳ-kheo hạ tọa cầm y bát. Khi vào rồi, trải tòa ngồi, cung cấp nước rửa chân, rửa chân cho thầy, đưa khăn lau tay, lau chân và lau giày dép. Nếu vị Thượng tọa khách, đồ hành lý và quyến thuộc đông thì nên cung cấp hai phòng, nên thưa hỏi: Áo lót theo cỡ nào, tùy theo pháp y bậc thượng, trung, hạ, trao ngọa cụ thích nghi. Nếu Tỳ-kheo khách bệnh, nên giao phòng gần hố xí, nếu cần tắm thì sửa soạn đồ cần dùng trong nhà tắm, cần uống nước phi thời thì cung cấp, đêm đến nên tập hợp nói pháp, sáng ngày sửa soạn bữa ăn trước, bữa ăn sau và cháo Đát-bát-na, mời thầy ở lại an cư, khuyến hóa mọi người cúng dường. Tỳ-kheo khách kia muốn đến Tăng phường, nếu trước đó lật ngược y thì nên lật xuống, nếu trước đó chống nạnh thì không nên chống, nếu trước đội y thì nên lấy xuống máng trên vai, cởi giày dép đập giũ lau cho sạch, dùng cỏ hay lá gói đem vào để có chỗ, ngồi nghỉ một chút, nên hỏi Tỳ-kheo cựu trú: Thượng tọa ở phòng nào? Biết chỗ rồi, nên đến lễ bái thăm hỏi chuyện. Nếu còn sớm nên lễ tháp, lễ tháp rồi theo thứ tự lễ các Thượng tọa. Sau đó mới rửa tay, rửa chân rồi nên hỏi: Trú xứ này, ai là người phân phối ngọa cụ cho Tăng? Biết rồi nên hỏi: Tôi được… hạ, có chia phòng hay không? Nếu nói có, thì hỏi phòng nào? Nhận phòng rồi hỏi: Phòng này có người ở hay không? Nếu nói không, nên trước cửa phòng, trước hết lấy gạch đá quăng vào trong phòng lắng nghe có tiếng động hay không, nếu có, không nên vào, nếu không, mới mở cửa, rồi đứng tránh bên cửa, không có vật gì chạy ra, mới vào, đợi một chút để quen với ánh sáng trong phòng rồi quan sát kỹ khắp phòng, lấy cây gậy quơ trên giường, dưới giường, coi chừng có trùng độc hay không, rồi từ từ mới mở cửa sổ. Nếu còn sớm thì nên đem ngọa cụ dập giũ rồi phơi. Nếu phòng không có ngọa cụ thì nên đến Tỳ-kheo phân phối ngọa cụ hỏi. Nhận được ngọa cụ rồi hỏi: Phòng này đầu đêm nên đề phòng thứ gì? Nửa đêm và cuối đêm nên đề phòng thứ gì? Nếu nói: Đầu đêm nên đề phòng giặc A-lan-nhã. Nên hỏi: Tôi phải làm sao? Nếu được trả lời: Nên tự vệ như vậy, như vậy thì nên áp dụng. Nửa đêm và cuối đêm cũng như thế. Lại nên hỏi: Phòng này có thức ăn không? Xóm làng này nấu thức ăn sớm hay trễ? Nơi nào Tăng tác Yết-ma học gia? Nơi nào Tăng tác Yết-ma phú bát? Nơi nào có chó dữ? Nơi nào có dâm nữ, đồng nữ lớn tuổi và đàn bà góa chồng? Trong đây Bố-tát chỗ nào? Nơi đây nếu có Tăng sự đều nên có mặt sớm, không nên bê trễ. Đó là pháp học đầu tiên của Tỳ-kheo cựu trú và Tỳ-kheo khách, trọn đời nên thọ trì.

Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Khi ấy, có số đông Cư sĩ mời Tăng thọ trai, hoặc có các Tỳ-kheo mới mặc y, hoặc có người đã ăn, hoặc có người trở về giải y, hoặc có người mang bát đến, hoạc có người đã trở về rửa bát, hoặc có người ra khỏi Tăng phường, hoặc có người mới vừa về, hoặc có người mới ăn xong, hoặc có người mới bắt đầu ăn, các Cư sĩ chê trách, nói: Ngoại đạo khác còn biết cùng đến ăn đúng giờ, Sa-môn Thích tử không có phép tắc, chúng ta không biết vị nào đã ăn vị nào chưa ăn. Các Tỳ-kheo Trưởng lão nghe, bằng mọi cách quở trách rồi bạch Phật. Phật dạy: Nay Ta vì các Tỳ-kheo Thượng tọa quy định pháp học đầu tiên về vấn đề thọ trai, trọn đời phải nên thọ trì, nếu không học, phạm Đột-kiết-la.

Nếu có bạch y mời Tăng mà bạch y ấy thường tới lui với các Tỳ-kheo, nên bạch với Thượng tọa, Thượng tọa nên bảo đi mời các Tỳkheo: Hôm nay đàn-việt mời thọ trai, tất cả đều tập hợp chỉnh tề oai nghi và khiến chủ nhân thường tới lui với Tỳ-kheo, nói trước thời giờ biết để đến. Sáng sớm, khi chưa sửa soạn thức ăn, Thượng tọa cần thì đến nơi khác, cho phép dẫn Tỳ-kheo đi, chủ yếu là phải về liền không được lưu lại. Khi tập hợp tới nhà thí chủ, đều phải hệ niệm tại tiền, biết chỗ ngồi kế tiếp dành cho người chưa đến. Có cái giường dây chưa có dây, dùng vải trải lên giường, Tỳ-kheo không biết, ngồi lên, bị té, lộ hình xấu hổ. Phật dạy: Khi muốn ngồi, phải lấy tay kiểm soát trước, vậy sau mới ngồi. Có các Tỳ-kheo ngồi trên giường dây, ngồi mạnh nên giường hư. Phật dạy: Trước nên ngồi nhẹ nhẹ, sau mới ngồi. Khi đànviệt hành thủy nên hỏi: Có đồ hứng nước không? Nếu có không nên để nước rơi xuống đất, nếu không, không nên để nước tụ lại một chỗ thành bùn. Nếu nhận được cộng, nhánh, lá, trái không biết cách ăn, nên chờ người hai bên ăn, vậy sau mới ăn. Có các Tỳ-kheo sớt cơm chưa xong đã ăn, bạch y chê trách, nói: Các Tỳ-kheo này không đợi tất cả nhận được cơm rồi ăn một lượt, giống như trẻ nít. Phật dạy: Không nên ăn như vậy, cần phải đợi nhận đủ hết, vậy sau mới ăn. Có chỗ, Tăng nhiều Thượng tọa, không biết đã nhận đủ hết chưa. Phật dạy: Nên lớn tiếng xướng “Tăng bạt”. Các Tỳ-kheo ăn rồi nín thinh ra về, các bạch y chê trách, nói: Các ngoại đạo kia, ăn của người khác, ăn rồi chú nguyện rồi mới đi, Sa-môn Thích tử ăn rồi nín thinh không một lời cám ơn, thí chủ không biết có hài lòng không. Phật dạy: Thượng tọa nên chú nguyện rồi mới đi. Các Tỳ-kheo đi, không đợi Thượng tọa. Phật dạy: Cho phép tám vị Thượng tọa nên đợi nhau, các vị khác thì tùy ý. Có một trú xứ, Xá-lợi-phất là bậc tối thượng, La-hầu-la là bậc tối hạ, thọ trai nơi nhà thí chủ, người thí chủ dùng canh bằng tô dâng cho Thượng tọa, canh bằng dầu đưa cho thứ tọa, canh bằng vật thừa thãi đưa cho hạ tọa. Lahầu-la sau khi ăn, đến chỗ Đức Phật, đầu mặt kính lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên, Đức Phật hỏi La-hầu-la: Hôm nay ông ăn thức ăn thế nào? La-hầu-la liền nói kệ:

Người ăn dầu có sức
Người ăn tô có sắc
Ăn canh loãng héo khô
Không sức huống là sắc!

Nói kệ xong, bạch Phật: Hôm nay con ăn thứ canh loãng nấu với đồ thừa. Tôn giả Xá-lợi-phất sau khi ăn xong về đến chỗ Phật, đầu mặt đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên, Đức Phật hỏi Tôn giả Xá-lợiphất: Hôm nay thầy ăn thức ăn thế nào? Thưa: Thức ăn bằng tô nấu canh. Đức Phật quở: Hôm nay thầy ăn thức ăn bất thiện. Tại sao Tỳkheo Thượng tọa ăn thức ăn bằng tô, Trung tọa ăn thức ăn bằng dầu, hạ tọa ăn thức ăn bằng đồ thừa? Xá-lợi-phất nín thinh không trả lời, bèn vào trong chỗ vắng làm cho ói hết thức ăn ra. Đức Phật dạy: Từ nay, khi có người mời cơm, Thượng tọa nên nói với người chủ: Tất cả thức ăn đều bình đẳng. Khi đàn-việt đem thức ăn đến, Thượng tọa nên nói với Tỳ-kheo hạ tọa quét chỗ dọn ăn, trải tòa ngồi lấy nước, đem đồ đựng thức ăn dư ra, nói chung những gì cần dùng cho việc cúng dường đều phải sửa soạn. Đến giờ nên xướng hoặc đánh kiền chùy, khiến tề tựu để thọ trai. Nếu người chủ sửa soạn chậm nên nhắc họ cho mau, đừng để quá ngọ. Đó là một pháp ban đầu nói về vấn đề khi Thượng tọa thọ trai, phải thọ trì suốt đời.

Khi ấy, có Tỳ-kheo ở chỗ A-lan-nhã vì lười biếng không lấy nước uống, không lấy nước rửa tay, chân, không lấy nước bên hố xí. Lúc này, có đám giặc A-lan-nhã đến tìm nước để uống, Tỳ-kheo nói: Không có. Họ tìm nước rửa tay, chân cũng nói: Không có. Họ nói với Tỳ-kheo: Samôn Thích tử các ông thường đầy đủ ba loại nước, tại sao nay không có? Tỳ-kheo trả lời: Tôi không lấy nên không có. Đám giặc nói: Chỉ cho tôi nước uống hôm nay, sau tôi không đến nữa. Tỳ-kheo cũng trả lời như ban đầu. Họ lại hỏi: Tại sao không có nước? Tỳ-kheo đáp: Tôi là người lười biếng nên không lấy nước để chứa sẵn. Đám giặc bèn cướp đoạt y bát và đánh Tỳ-kheo gần chết rồi bỏ đi. Lại có Tỳ-kheo ở nơi A-lannhã không phân biệt các vì sao về ban đêm. Có đám giặc ngủ nhờ, dặn Tỳ-kheo: Chúng tôi ngủ một chút, trời gần sáng nói cho chúng tôi biết. Đám giặc ngủ một chút rồi, hỏi Tỳ-kheo gần sáng chưa? Tỳ-kheo nói: Còn sớm. Ba lần như vậy, đêm đã về sáng, vẫn nói là còn sớm. Người lùng tìm đám giặc đến bắt chúng dẫn đi. Đám giặc nổi sân nói: Nếu Tỳkheo nói với ta là gần sáng thì chúng ta đã không ngủ thêm, nay ta đã bị bắt là do Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo đem vấn đề bạch đủ lên Đức Phật. Phật dạy: Nay Ta vì các Tỳ-kheo ở nơi A-lan-nhã quy định pháp học 02 ban đầu, nên thọ trì trọn đời, nếu không học, phạm Đột-kiết-la.

Tỳ-kheo ở A-lan-nhã nên khéo biết tướng bốn phương, khéo biết cơ nghi, khéo phân biệt tinh tú về ban đêm, biết thời tiết sớm muộn, biết nhớ ngày trong tháng, nửa tháng, cũng nên nhớ ngày tháng trong năm. Biết tướng bốn phương có những lợi ích gì? Nếu biết phương hướng, khi có giặc đến mới biết đường tránh. Khéo biết cơ nghi có những lợi ích gì? Khi giặc đến nơi, tư duy: Nên chạy trốn, nên ra rước, nên nói pháp, nên cung cấp, nên cơ nghi để tùy theo đó mà ứng dụng. Khéo phân biệt tinh tú về ban đêm có những lợi ích gì? Biết đầu đêm hình tướng tinh tú thế nào, giữa đêm và cuối đêm hình tướng tinh tú như thế nào, biết được mới biết giờ nào là giờ ngủ, giờ nào là giờ hành đạo, nếu có giặc đến hỏi mới biết sớm muộn để trả lời, nếu giặc bắt dẫn đi rồi thả, xem tinh tú biết đường về. Khéo biết số ngày trong tháng, nửa tháng có những lợi ích gì? Do đấy mới biết ngày Bố-tát, đến trong làng xóm cầu sám hối Bố-tát thanh tịnh. Khéo biết ngày tháng trong năm có những lợi ích gì? Nếu đến mùa Xuân, biết bao nhiêu ngày nữa đến thời gian an cư, trong khi an cư biết còn bao nhiêu ngày nữa đến ngày Tự tứ, nên đến trong xóm làng để cầu sám hối Tự tứ thanh tịnh. Tỳ-kheo ở A-lan-nhã nên ở chỗ đất bằng phẳng, nếu ở bên gốc cây, làm chỗ để rửa chân, để vật dụng rửa chân, để nước rửa chân, ngồi chỗ thường ngồi, nếu có người đến nên hoan hỷ chào hỏi, nếu có đám giặc đòi nước, nên cởi bỏ giày dép, rửa tay cho sạch, bưng nước cho họ, họ hỏi nước lạnh, nước nóng tùy theo đó mà trả lời. Nếu Ưu-bà-tắc hỏi nước, cũng nên như vậy. Nếu ngoại đạo đến hỏi nước, kẻ đó có khả năng làm tổn thương cho Phật pháp cũng áp dụng như trên, không phải hạng trên thì mang guốc dép, hai tay bưng nước đưa cho họ, đừng khiến cho họ nghĩ: Tỳ-kheo cung kính ta.

Bấy giờ, có một Tỳ-kheo khất thực nơi xóm làng về, không đậy nắp bát, bị nước tiểu con diều hâu rớt trong bát, Tỳ-kheo không biết, ăn, bị bệnh càn tiêu.

Lại có một Tỳ-kheo cũng từ trong xóm khất thực về, không đậy nắp bình bát, con chim Câu Lâu Đồ ngậm con rắn bay ngang qua, con rắn rớt vào trong bình bát, Tỳ-kheo tuy bỏ lớp cơm trên, ăn lớp cơm dưới vẫn bị chết, các Tỳ-kheo đem vấn đề bạch Phật. Phật dạy: Nếu muốn ăn tại trong xóm làng, thì cho phép đứng lại ăn. Nếu muốn mang về thì nên đậy nắp bình bát. Có các Tỳ-kheo già bệnh khất thực bưng bình bát trên tay trở về. Phật dạy: Cho phép làm cái đãy đựng bát rồi mang dưới nách. Có Tỳ-kheo mang bình bát dưới nách mồ hôi chảy ra nhớp. Phật dạy: Cho phép dùng khăn lau tay xách đem về.

Khi ấy, có Tỳ-kheo khất thực trở về nơi A-lan-nhã, giặc theo sau, chúng có ý nghĩ: Nếu Tỳ-kheo này không cho ta dù chỉ một vắt cơm để ăn, ta sẽ giết. Về đến nơi, thấy giặc từ xa đến, Tỳ-kheo liền mời ăn. Giặc ăn xong, nói: Thật hy hữu! Nay ông được công đức lớn tự bố thí mạng mình, để cho tôi mạng sống, rồi tự nói lên ý niệm trước. Tỳ-kheo đem vấn đề ấy bạch Phật. Phật dạy: Nếu Tỳ-kheo kia mang thức ăn đến A-lan-nhã, có người tới nên cho họ ăn, không có người tới nên đợi một chút, đợi lâu chưa có người đến, Tỳ-kheo đói, nên ăn trước một nửa, lại vẫn chưa có người đến nên ăn một nửa còn lại, nhưng để lại một vắt. Có các Tỳ-kheo ở A-lan-nhã ăn hết thức ăn, giặc đến xin thức ăn, Tỳ-kheo không có để cho, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép Tỳ-kheo A-lan-nhã được chứa thức ăn. Nếu thức ăn khó kiếm được, Tỳ-kheo ở xóm làng nên cho, nếu không có tịnh nhân, cho phép tự mang về, tùy ý để chỗ đất tịnh hay bất tịnh. Có Tỳ-kheo tự mang thức ăn về nơi A-lan-nhã để nơi đất bất tịnh, giặc không đến xin, không biết làm thế nào. Phật dạy: Nên cho người làm hoặc người giữ vườn hay Sa-di. Nếu có các Tỳ-kheo ở A-lan-nhã cần bình, chậu, đồ đựng, Tỳ-kheo ở xóm làng nên cho, cần ngọa cụ cũng nên cho. Trên đường hành đạo, có cây hay cỏ trở ngại lối đi của Tỳ-kheo hoặc bị cây gai móc hư y. Phật dạy: Vẹt cỏ qua hai bên lề đường, hoặc dùng vật gì ngăn cản nó, cho phép buộc nhánh cây vào thân cây. Khi vẹt cỏ hay buộc nhánh cây mà nhánh lá bị gãy. Phật dạy: Không cố ý thì không phạm. Có Tỳ-kheo ở A-lan-nhã sáng sớm ra vào bị sương, thấm ướt y, y bị hoại sắc. Phật dạy: Cho phép mặc cao lên trên, cũng cho phép dùng cây gậy đập cho sương rớt hết rồi đi. Gần đến xóm làng phải mặc y đúng pháp trở lại, cây gậy đập cho sương rớt để một chỗ nào đó, khi trở về lấy về. Có Tỳ-kheo ở A-lan-nhã cần đất để nhồi bùn. Phật dạy: Nếu không có tịnh nhân thì cho phép lấy đất nơi bờ bị lở, không có bờ bị lở cho phép lấy nước tưới lên đất, trải cỏ lên rồi giậm cho thành bùn để dùng. Có Tỳ-kheo ở A-lan-nhã khi đi không dọn dẹp giường dây, giường dây, ngọa cụ của Tăng, bị hư hại, bị lửa cháy. Phật dạy: Nên dọn dẹp để một chỗ khóa cửa, giấu chìa khóa, để chỗ không có mưa, ghi nhớ, rồi đi, nếu có Tỳ-kheo khác đến, nên nói chỗ để chìa khóa.

Khi ấy, các Tỳ-kheo may y, không đo cỡ mà cắt, hoặc dài hoặc ngắn hoặc bị lệch không thành y, ráp lại cũng không được. Lại có các Tỳ-kheo thường mặc một y, trong trú xứ hay vào xóm làng cũng chỉ có y ấy. Lại có các Tỳ-kheo dùng ba y gói trái cây hay rau cải, phân bò.

Có các Tỳ-kheo dùng bát đựng thức ăn chứa rác rưới, chứa thức ăn dư, chứa thức uống sau giữa ngày, chứa hương và thuốc, hoặc không rửa cất, hoặc để giữa trời, hoặc để dưới đất, hoặc để chỗ nguy hiểm, các Tỳ-kheo đem vấn đề ấy bạch Phật. Phật dạy: Nay Ta vì các Tỳ-kheo quy định pháp học ban đầu về y bát, nên thọ trì trọn đời, nếu không học, phạm Đột-kiết-la.

Tỳ-kheo nhận được y mới (vải mới), trước hết nên giặt, đo cỡ, vậy sau mới cắt, cắt rồi nên may, may rồi nên nhuộm, lật ngược để phơi, nhuộm rồi trải xuống đất, nếu muốn treo thì phía trên, phía dưới phải làm khuy, nếu là Tăng-già-lê thì nên như pháp Tăng-già-lê mà chứa cất, không được dùng gói các vật. Ưu-đa-la-tăng, An-đà-hội các y thọ trì cũng đều như vậy, nên bảo vệ cẩn thận như bảo vệ da bọc thân. Thọ trì bát đúng pháp của bát, không được dùng bừa bãi như trên, phải bảo vệ cẩn thận như bảo vệ con mắt của mình.