LUẬT DI SA TẮC BỘ HÒA HÊ NGŨ PHẦN

Hán dịch: Đời Lưu Tống, Tam tạng Phật Đà Thập người nước Kế Tân, cùng Trúc Đạo Sinh
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 26

Phần 5: NÓI VỀ CÁC PHÁP: PHÁ TĂNG, NGỌA CỤ, TẠP  PHÁP, OAI NGHI, NGĂN BỐ TÁT, BIỆT TRÚ V.V…

Đoạn 3: NÓI VỀ TẠP PHÁP

Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Bấy giờ, các Tỳ-kheo cùng bạch y ăn thức ăn đặt chung trong cùng một đồ đựng, tay va chạm nhau, nên phải rửa mãi. Các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Không nên cùng bạch y ăn chung trong cùng một đồ đựng.

Có Tỳ-kheo đến nơi nhà bà con, bà con nói: Chúng ta chẳng phải ai xa lạ, cũng chẳng phải là bất tịnh, sao không cùng ăn chung với nhau? Các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Cho phép chánh niệm, để cùng ăn với nhau, chỉ đừng nên khiến cho tay va chạm nhau.

Có Tỳ-kheo cùng bạch y ăn chung thức ăn trong một đồ đựng nhỏ nên tay va chạm nhau, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép tay bên trái cầm đồ đựng mà ăn.

Các Tỳ-kheo khi ăn kính lễ nhau. Khi Tăng ăn, khi ăn cháo, khi ăn trái cây, khi đi kinh hành, khi không mặc ba y, khi trời tối, khi không cùng nói chuyện, kính lễ, giận nhau nơi chỗ vắng, kính lễ, các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Những lúc ấy đều không nên kính lễ, vị nào phạm, phạm Đột-kiết-la.

Có năm hạng người không nên kính lễ: Người bị Yết-ma quở trách, Yết-ma khu xuất, Yết-ma y chỉ, Yết-ma cử tội và Yết-ma hạ ý. Lại có năm hạng người không nên kính lễ: Người bị cử, bất cộng ngữ, dữ Bổn ngôn trị, Tỳ-kheo-ni, Sa-di. Lại có năm hạng người không nên kính lễ: Người tâm cuồng, tâm tán loạn, tâm bệnh hoại, bạch y và ngoại đạo. Lại có năm hạng người không nên kính lễ: Người Biệt trú, nên hành Ma-na-đỏa, hành Ma-na-đỏa, Bổn nhật, A-phù-ha-na. Có năm hạng người nên kính lễ: Phật, Phật-bích-chi, Thượng tọa như pháp, Hòa thượng, A-xà-lê.

Khi ấy, các Tỳ-kheo để tóc dài, tâm không vui sống với đạo, có người hoàn tục, hoặc làm ngoại đạo. Các bạch y chê trách nói: Chúng ta là kẻ bạch y để tóc dài, Sa-môn Thích tử cũng lại như vậy, có khác gì đâu? Chỉ mặc áo hoại sắc cắt rọc mà thôi sao? Các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Không nên để tóc dài, vi phạm, phạm Đột-kiết-la.

Các Tỳ-kheo cạo tóc nơi chỗ làm thức ăn, cho đến giảng đường, trong nhà sưởi ấm, bạch Phật. Phật dạy: Không nên làm như vậy. Nếu vị nào già bệnh không thể chịu lạnh thì cho phép cạo tóc trong nhà sưởi ấm.

Khi ấy, các Tỳ-kheo cạo tóc theo thứ tự, bạch Phật. Phật dạy: Khỏi phải theo thứ tự, nếu có vị gấp thì cho phép cạo trước, không việc gấp thì người nào gọi trước cạo trước.

Có các Tỳ-kheo cạo tóc khắp nơi trong sân rồi không quét dọn, bạch Phật. Phật dạy: Nên cạo một chỗ, cạo rồi phải quét dọn, bỏ trong nước, bỏ trong lửa hay là chôn. Nếu không có thợ cạo thì Tỳ-kheo có thể cạo, cũng cho phép sắm dao cạo. Có các Tỳ-kheo lông mũi dài, bạch Phật. Phật dạy: Sắm nhíp để nhổ. Các Tỳ-kheo dùng vàng bạc làm nhíp. Phật dạy: Không nên làm như vậy. Cho phép dùng đồng, thiếc, răng, sừng, trúc, cây, trừ cây Sơn để làm. Có các Tỳ-kheo trong lỗ tai có cứt ráy. Phật dạy: Cho phép sắm cái ngoáy tai, ngoài ra cũng như trên. Có các Tỳ-kheo ăn cơm dính vào kẽ răng làm miệng bị thối. Phật dạy: Cho phép dùng tăm xỉa răng, ngoài ra cũng như trên.

Bấy giờ, Vua Bình-sa suy nghĩ: Ta nên dùng vật gì để cúng cho Tăng, thấy thứ gì cũng đã có người cúng, chỉ có tăm xỉa răng là chưa có người cúng, bèn làm đầy một xe để cúng cho các Tỳ-kheo nhân một bữa cúng thức ăn, các Tỳ-kheo không dám nhận, bạch Phật, Phật cho phép nhận.

Đức Phật ở tại nước Tô-ma, tự làm bát để làm mẫu cho đời sau, khiến người thợ đồ gốm nung. Người thợ đồ gốm làm số nhiều họp lại nung một lần luôn, khi mở cửa lò thấy đều thành bát bằng vàng, hoảng sợ nói: Đây là thần lực của Đại Sa-môn, nếu nhà Vua nghe, chắc sẽ nói mình nhiều kim bảo, nên đem chôn hết. Đức Phật làm cái khác, khiến nung, đều thành bát bằng bạc, màu xanh đẹp như cây Diêm-phù, trao cho các Tỳ-kheo, các Tỳ-kheo không dám nhận. Phật dạy: Cho phép chứa dùng.

Có Tỳ-kheo bát bị vỡ, không có bát đi du hành. Phật dạy: Nên tìm xin cái bát khác, nếu có thể tự làm được thì cho phép làm. Các Tỳ-kheo nung bát thành màu đỏ, Đức Phật bảo nên xông khói. Có các Tỳ-kheo chứa bát bằng vàng, bạc, bảy báu, răng, đồng, đá, cây, các Cư sĩ chê trách nói: Các Tỳ-kheo này như Vua, như Đại thần, thường nói ít ham muốn, biết vừa đủ mà nay lại chứa các loại bát tốt. Các Tỳ-kheo đem vấn đề bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Từ nay không cho phép chứa các loại bát như trên. Nếu chứa bát bằng vàng, bạc… cho đến bát bằng đá đều phạm Đột-kiết-la, nếu chứa bát bằng gỗ phạm Thâu-lan-giá.

Khi ấy, có người Bà-la-môn tên là Ưu-kha-la, có một người con gái, thường dùng cái bát bằng đồng trắng để ăn. Người con gái ấy sau khi xuất gia cũng dùng cái bát trước kia để khất thực. Các Cư sĩ chê trách, nói: Sa-môn Thích tử cũng dùng cái bát bằng đồng, cùng với ngoại đạo đâu có khác gì? Các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Không cho phép dùng bát bằng đồng của ngoại đạo, vi phạm, phạm Đột-kiếtla. Phật cho phép dùng ba loại bát: bát thiếc, bát sành, bát tô ma.

Lúc này, nơi thành Tỳ-xá-ly các Ly-xa đặng bát bằng chiên-đàn, cùng nhau nghị bàn: Bát này nên cúng cho ai? Có người nói nên cúng cho Đức Thế Tôn, có người nói nên cúng cho Tát-giá Ni-kiền-tử. Số đông muốn cúng cho Thế Tôn, do ít phải theo nhiều, bèn đựng nhiều bát bằng đường phèn trắng viên thành hoàn rất xinh xắn dâng cúng lên Đức Thế Tôn, bạch: Chúng con cùng nhau nhận được chiếc bát này, xin được dâng cúng lên Đức Thế Tôn, cúi xin Ngài thương xót nạp thọ. Đức Phật nhận đường viên hoan hỷ, còn chiếc bát trả lại và nói: Bát này là của ngoại đạo, Phật không nên chứa dùng. Họ cùng nhau nghị bàn: Chúng ta dâng chiếc bát lên Đức Thế Tôn, Ngài không nhận, nay chúng ta có thể dùng để cúng cho Tăng. Bàn xong, họ liền đem chiếc bát đến Tăng phường cúng cho các Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo không dám nhận, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép nhận rồi chẻ làm hương để xông.

Sau đó, các Ly-xa lại nhận được chiếc bát bằng ngưu đầu chiênđàn, treo lên đầu cây nêu cao, xướng: Ai có thần lực lấy được thì cho. Khi ấy, Tân-đầu-lô nói với Mục-liên: Đức Thế Tôn nói thầy là bậc thần thông đệ nhất, sao không lấy chiếc bát này? Mục-liên nói: Thầy cũng có thần túc có thể đến lấy. Tân-đầu-lô liền lấy đem cúng cho Tăng. Các Tỳ-kheo không biết nên như thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép nhận rồi chẻ ra làm hương để xông.

Khi ấy, bốn vị đại Thanh văn: Ca-diếp, Mục-liên, A-na-luật, Tânđầu-lô cùng nghị bàn: Hiện nay nơi thành Vương-xá có một số người không tin ưa Phật, Pháp, Tăng, chúng ta nên cùng nhau khiến cho họ tin ưa. Nghị bàn xong quan sát khắp gần xa chỉ thấy có Trưởng giả Bạtđề và người chị của ông ta không tin ưa Phật, Pháp, Tăng. Ba vị Thanh văn nói: Không lẽ giáo hóa Bạt-đề thôi chăng? Tân-đầu-lô nói: Có thể giáo hóa người chị của Bạt-đề nữa. Nhà ông Trưởng giả ấy làm bảy lớp cửa, có ba bộ kỷ, khi muốn ăn bảy cửa đều đóng, một thức ăn đặt trên một bộ kỷ. Lúc ông Trưởng giả ăn, A-na-luật đứng ngay trước mặt xin. Ông Trưởng giả hỏi: Ông từ đâu vào? A-na-luật đáp: Tôi vào từ cửa. Ông Trưởng giả hỏi người giữ cửa: Tại sao ngươi cho người ăn xin vào? Người giữ cửa nói: Cửa đóng như thường lệ, không thấy người nào vào. Ông Trưởng giả bèn lấy một miếng bánh mè để vào trong bát và nói: Đi đi! Ông có vật này để làm thức ăn đấy. A-na-luật nhận được rồi liền đi. Vào lúc bữa ăn sau, Ca-diếp lại đứng trước xin. Cách hỏi và trả lời cũng như trước. Ông Trưởng giả lại nói người giữ cửa: Tại sao ngươi lại cố ý cho người ăn xin đột nhập vào cửa nhà ta? Người giữ cửa nói: Cửa đóng như thường lệ, không thấy ai vào. Ông Trưởng giả lại lấy một miếng cá bỏ vào trong bát và nói: Đi đi! Ông có vật này để làm thức ăn đấy. Sau khi Ca-diếp đi, vợ ông Trưởng giả hỏi: Ý ông thế nào? Cứ ngỡ Tỳ-kheo này không thể có thức ăn nên đến đây xin phải không? Ông Trưởng giả nói: Chính như vậy. Người vợ nói: Ông có biết vị Tỳ-kheo trước là ai không? Ông Trưởng giả nói: Không biết. Người vợ nói: Ông ấy tên là A-na-luật, con dòng Thích chủng, bỏ cung điện ba mùa, bỏ cái vui năm dục, xuất gia học đạo. Người vợ lại hỏi: Ông có biết Tỳ-kheo đến sau là ai không? Người chồng nói: Không biết. Bà vợ nói: Vị ấy là con của dòng họ lớn Ma-nộp-tất-ba-la-diên, bỏ chín trăm chín mươi ruộng, nhà, trâu, bò, xuất gia học đạo, rủ lòng thương đối với ông cho nên đến xin thức ăn đấy. Ông Trưởng giả nghe vợ nói rồi trong tâm khởi sự kính phục. Ngay khi ấy, Mục-liên bay lên hư không vì ông Trưởng giả nói pháp chỉ vẽ sự lợi ích, để vui mừng… cho đến câu: Liền từ nơi chỗ ngồi xa trần, lìa cấu, đặng mắt pháp trong sạch, thấy pháp đắc quả rồi, thọ Tam quy, Ngũ giới. Từ đó về sau, ông Trưởng giả thường cúng dường cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di và các ngoại đạo. Bấy giờ, ba vị Thanh văn nói với Tân-đầu-lô: Chúng tôi đã giáo hóa Bạt-đề tin ưa pháp Phật rồi, nay đến phiên thầy giáo hóa bà chị gái của ông ta. Thế là Tân-đầu-lô vào buổi sáng mặc y, bưng bát vào thành khất thực, theo thứ tự đến nhà bà ta. Lúc ấy, chị ông Trưởng giả tự tay đang làm bánh, bỗng nhiên thấy Tân-đầu-lô bèn cúi đầu nhắm mắt. Tân-đầu-lô cũng nhất tâm nhìn vào cái bình bát. Bà ta bèn nói: Quyết định không cho ông, nhất tâm nhìn vào bát làm gì cho uổng công? Tân-đầu-lô bèn trong thân tuôn ra khói. Bà ta nói: Cả thân có tuôn ra khói, quyết cũng không cho ông. Tân-đầu-lô cả thân tuôn ra lửa. Bà ta lại nói: Cả thân tuôn ra lửa, cũng quyết định không cho ông. Tân-đầu-lô liền bay lên hư không, cũng quyết định không cho ông. Tân-đầu-lô bèn lộn nhào lên không trung, cũng quyết định không cho ông. Tân-đầu-lô khởi ý niệm: Đức Thế Tôn không cho phép chúng ta cưỡng bức để xin cho được, bèn ra đi. Cách thành Vương-xá không xa có một tảng đá lớn, Tân-đầu-lô ngồi trên đó rồi kẹp tảng đá bay vào trong thành Vương-xá. Người trong thành thấy đều hết hồn hết vía, sợ tảng đá rớt xuống, mọi người vội vã chạy trốn. Bay đến nhà chị ông Trưởng giả, Tân-đầu-lô đến đó không đi. Bà ta thấy rồi liền hoảng vía kinh hồn, lông tóc dựng ngược, vòng tay thưa: Xin Tôn giả tha mạng cho con, đem tảng đá để lại chỗ cũ, con sẽ cúng cho Tôn giả. Tân-đầu-lô bèn đem tảng đá để lại chỗ cũ, rồi trở lại đứng trước nhà. Chị ông Trưởng giả khởi ý niệm: Ta không thể cho cái bánh lớn, nên làm cái bành nhỏ để cho. Bà ta viên tròn cái bánh còn chút xíu, bánh nhỏ liền biến thành cái bánh rất lớn. Ba lần như vậy, nó cũng biến thành cái bánh lớn, bà ta lúng túng nghĩ: Ta muốn làm cái bánh nhỏ, nó lại thành cái bánh lớn, nay ta cứ lấy đại một cái để cho quách. Bà ta liền lấy một cái để cho thì các bánh còn lại đều dính theo luôn, đến nỗi cái thẩu đựng bánh cũng liền dính vào bánh. Bà ta lấy tay cầm cái thẩu, tay của bà cũng bị dính vào thẩu, với vẻ khó chịu bà mới nói với Tân-đầu-lô: Ông cần bánh, tôi cho hết bánh kể cả cái thẩu đựng tôi cũng không tiếc, tại sao ông bắt tôi phải làm gì mà khiến tay tôi dính chặt vào cái thẩu? Tân-đầu-lô nói: Tôi không cần bánh và cái thẩu, cũng không cần bà. Chúng tôi bốn người đã cùng bàn định, giáo hóa bà và giáo hóa em của bà. Ba vị kia đã giáo hóa em của bà, nay tôi giáo hóa bà, nên tôi mới làm như vậy. Chị ông Trưởng giả hỏi: Vậy bây giờ ông muốn tôi làm việc gì? Tân-đầu-lô bảo: Tôi muốn chị em bà, có thể chở số bánh này đi theo tôi, đến cúng dường Phật và Tăng. Bà ta liền chở bánh đi theo Tân-đầu-lô. Tân-đầu-lô liền biến hóa con đường đi ngang qua cửa ngõ người khác, khiến cho mọi người đều thấy. Khi đến chỗ Đức Phật, tự tay bà cúng dường Đức Phật và một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo. Tất cả các vị thọ dùng đầy đủ song cũng không hết bánh. Bánh dôi ra mang đến bạch Phật: Con có một ít bánh cúng dường Phật và một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo đều no đủ mà cũng không hết, nay nên để nơi nào? Đức Phật bảo: Có thể để nơi chỗ đất không có cỏ sống, hay chỗ nước không có trùng. Người nữ kia bèn đem đổ vào chỗ nước không có trùng, nước sôi thành tiếng như sắt nóng bỏ vào chỗ ít nước. Bà hoảng sợ, lông trong người bà dựng ngược lên. Quay trở lại chỗ Phật, bà ta, đầu mặt kính lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên. Đức Phật vì bà ta nói các phép mầu… cho đến câu đặng mắt pháp trong sạch, thọ Tam quy, Ngũ giới, cúng dường cho bốn chúng, cầu đạo như người em không khác. Các Tỳ-kheo Trưởng lão đem vấn đề này bạch Phật, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Tân-đầu-lô: Thật sự ông có như vậy không? Tân-đầu-lô thưa: Bạch Thế tôn, sự thật con có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách, rồi bảo các Tỳ-kheo: Từ nay không cho phép hiện thần túc, nếu hiện thì phạm Đột-kiết-la.

Bấy giờ, Vua Bình-sa có khu vườn cây quả Am-la, ba mùa đều sum suê tươi tốt, thường lấy hoa quả cúng dường các Tỳ-kheo theo nhu cầu. Các Tỳ-kheo ăn trái đó vào bữa ăn trước và bữa ăn sau, không lúc nào không ăn, hoặc đựng đầy cả bát mang đi, hoặc ăn phân nửa rồi quăng xuống đất. Thời gian sau, lân quốc sai sứ đến tâu lên Vua Bìnhsa: Tôi nghe nhà Vua có cái vườn cây quả Am-la, ba mùa đều sum suê tươi tốt, mong sao được thấy trái Am-la này. Nhà Vua ra lệnh hái. Khi ấy quả đã hết sạch vì các Tỳ-kheo đã hái ăn. Việc này được tâu lên nhà Vua, các quan cận thần của Vua đều chê trách nói: Sa-môn Thích tử đủ rồi vẫn không biết nhàm chán, tuy nhà Vua không tiếc mà người thọ dụng cần phải tế nhị lượng tính, tại sao cả một vườn trái cây cùng nhau ăn hết. Các Tỳ-kheo Trưởng lão nghe, bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo: Sự thật các ông có như vậy không? Bạch Đức Thế Tôn! Thật sự có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo: Từ nay không cho phép ăn trái chưa tác tịnh, nếu ăn phạm Đột-kiết-la.

Có một cư sĩ mời Tăng ăn trái cây, Tỳ-kheo sai người tác tịnh từng trái một nên quá nửa ngày không ăn được. Cư sĩ dị nghị nói: Các Sa-môn này giống như trẻ nít, sai người tác tịnh từng trái một nên không kịp giờ ngọ, nay ta giải quyết thế nào số trái cây này đây! Sự việc được bạch Phật. Phật dạy: Có năm loại chủng tử: căn chủng tử, tiếp chủng tử, tiết chủng tử, quả chủng tử và tử chủng tử. Nếu ăn trái cây nên làm năm chủng tịnh, là pháp của Sa-môn: hỏa tịnh, đao tịnh, điểu tịnh, thương tịnh và chưa thành chủng tịnh. Nếu ăn cái gốc cũng nên làm năm chủng tịnh, là pháp của Sa-môn: tịnh bằng bóc vỏ, tịnh bằng cắt, tịnh bằng bóp cho bể, tịnh bằng rửa, tịnh bằng hơ lửa. Nếu ăn cành lá cũng làm ba chủng tịnh, là pháp của Sa-môn: tịnh bằng dao, tịnh bằng lửa, tịnh bằng rửa. Khi tác tịnh nên tác tịnh chung. Chung một đống, trong một đồ đựng, nếu tác tịnh một cái tức là tác tịnh hết.

Có một Tỳ-kheo nấu nước trong nhà tắm, củi cháy, rắn từ trong bộng cây chạy ra, cắn nơi chân, chết liền. Các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Tỳ-kheo kia không biết tám loại rắn, không hướng lòng từ đến gọi rắn, lại không đọc chú, nên bị rắn làm hại. Tám loại rắn ấy là: rắn Đề-lâu-lại-trá, rắn Đát-xa, rắn Y-la-man, rắn Xá-bà-tử, rắn Cam-mala-a-thấp-ba-la-ha, rắn Tỳ-lâu-la-a-xoa, rắn Cù-đàm, rắn Nan-đà Bạtnan-đà. Chú rắn:

Ta thương các Long vương
Trên trời và thế gian
Do tâm từ ta đây
Diệt được các sân độc.
Ta dùng sức trí tuệ
Dùng để giết độc này
Vị độc không vị độc
Bị diệt vào lòng đất.

Đức Phật dạy: Nếu Tỳ-kheo kia dùng chú này để tự vệ, không bị rắn độc giết chết. Lại có Tỳ-kheo bị nọc rắn cắn, các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Thầy dùng chú này, chú nguyện, khiến vị kia được an ổn. Tỳ-kheo này vâng lời dạy đến chú nguyện, vị kia được lành bệnh. Lại có các Tỳ-kheo ở chỗ nào cũng bị rắn cắn, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép làm chú thuật, tùy nghi trị liệu.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo ăn nhiều thức ăn mỹ vị, do đó tăng thêm các bệnh. Sáng sớm, Kỳ-vức đến chỗ Đức Thế Tôn, đầu mặt đảnh lễ sát chân, bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Nay các Tỳ-kheo ăn nhiều thức ăn mỹ vị, do đó tăng thêm các bệnh, xin Ngài cho phép vào trong nhà tắm tẩy trừ các bệnh ấy. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, đem lời của Kỳ-vức bảo các Tỳ-kheo: Từ nay cho phép các Tỳkheo làm nhà tắm để trị bệnh, nên tắm trong đó.

Lại có các Tỳ-kheo lõa hình tắm, xoa chà cho nhau, lại lõa hình đi ra ngoài nhà tắm, các bạch y chê trách nói: Các Sa-môn này đều như Ni-kiền không có đạo phong. Các Tỳ-kheo bạch Phật, Phật tập hợp các Tỳ-kheo Tăng, quở trách, rồi bảo các Tỳ-kheo: Từ nay cho phép mặc y tắm, không cho phép lõa hình tắm, lõa hình xoa chà cho nhau, vi phạm, đều phạm Đột-kiết-la.

Có các Tỳ-kheo khi tắm đi ra ngoài cọ lưng nơi vách hay nơi gốc cây, rồi trở vô dội nước, thân hình bị xây xát, thương tích, Đức Phật dạy: Không nên làm như vậy, cho phép làm da Bồ đào, da Ma lâu, Tháo đậu v.v… làm vật tẩy bẩn. Các Tỳ-kheo tùy theo sự quen biết mà cho Tháo đậu, Đức Phật dạy: Nên cho bình đẳng.

Đức Phật ở thành Xá-vệ. Bấy giờ Bạt-nan-đà mặc cái Câu nhiếp lật ngược nơi chỗ tối, làm thành bốn chân để đi, khủng bố các Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Không nên làm như vậy. Nếu mặc lật ngược cái Câu nhiếp làm bốn chân để đi, đều phạm Đột-kiết-la.

Các Tỳ-kheo ở trong phòng bị nóng muốn mặc lật ngược cái Câu nhiếp. Phật dạy: Trong phòng thì cho phép.

Có các Tỳ-kheo khi ngủ không có gối, Đức Phật cho phép làm gối. Có các Tỳ-kheo sợ rận, Đức Phật cho phép bắt nó bỏ đi. Các Tỳ-kheo bắt bỏ nó trong phòng, nó bò trở lại vào trong y. Phật dạy: Cho phép bắt bỏ nó ngoài phòng. Khi mưa, các Tỳ-kheo bắt bỏ nó trong nước, Đức Phật dạy: Nên bắt bỏ nó trong cái vật xấu, khởi lòng từ. Có các Tỳ-kheo bị nạn bò chét, Đức Phật dạy: Trải vật xuống đất rồi quét đi, nếu nó ở trong chiếu lát thì phơi cho nó đi. Có các Tỳ-kheo bị cái nạn mọt, Đức Phật dạy: Cho phép trừ nó bằng cách bỏ nó chỗ bùn kín đáo. Có các Tỳkheo già bệnh bị lạnh, muốn nhóm lửa trong phòng. Phật dạy: Khi lạnh cho phép nhóm. Các Tỳ-kheo nhóm lửa làm cháy hư đồ trải dưới đất và xông khói lên nhà. Phật dạy: Cho phép làm cái lò ở bên ngoài nhà để nhóm lửa, khói bay vào, các Tỳ-kheo không biết lấy vật gì để làm. Phật dạy: Cho phép dùng đồng, thiếc, bùn, đá để làm, cho phép Tăng, Tăng bốn phương dùng riêng, lại cho phép làm lò nơi mặt đất. Các Tỳ-kheo dùng bình bát để uống nước sau giờ ngọ. Phật dạy: Sau giờ ngọ không nên dùng bình bát để uống, cho phép dùng đồng, thiếc, sành làm vật dụng riêng để uống nước.

Có một Tỳ-kheo ở nước Đức-xoa-thi-la, an cư mùa hạ xong đến Xá-vệ – Kỳ-hoàn, chỗ Đức Phật ở, đầu mặt kính lễ sát chân, bạch Phật: Quốc độ này ăn cháo lỏng, quốc độ kia uống nước lương khô, xin cho phép các Tỳ-kheo buổi sáng được uống nước bột lương khô, Đức Phật dạy: Cho phép uống. Các Tỳ-kheo khi uống cần muối, bạch Phật cho phép dùng muối, cho phép Tăng, Tăng bốn phương chứa dùng riêng, cho phép làm đồ rang muối. Các Tỳ-kheo liền làm hình chúng sinh hoặc làm cái bàn tay người cầm đồ rang muối. Phật dạy: Không cho phép làm các hình đó.

Bấy giờ, các bạch y dùng cái mâm đựng thức ăn cúng cho các Tỳkheo, các Tỳ-kheo không dám nhận, bèn chê trách nói: Sa-môn Thích tử không nhận vật cúng dường, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép nhận. Có các Tỳ-kheo đựng cháo trong bát, nóng bưng không được. Phật dạy: Cho phép làm đồ đựng cháo riêng. Các Tỳ-kheo bưng thức ăn đưa lên nặng, Đức Phật dạy: Cho phép để trong cái ghế nhỏ. Các Tỳ-kheo bèn làm ghế hình cái chân, Phật không cho phép làm. Các Tỳ-kheo đến nhà bạch y, họ làm ghế hình cái chân để thức ăn, các Tỳ-kheo không dám ăn. Phật dạy: Nơi nhà bạch y cho phép thọ, chỉ không cho phép mình tự chứa mà thôi. Các Tỳ-kheo cần cái Kiền tứ, Phật cho phép chứa dùng, dùng đồng, thiếc, sành, đá để làm.

Có các bạch y đem cháo cúng cho các Tỳ-kheo, các Tỳ-kheo không biết để chỗ nào chia, Đức Phật cho phép làm cái bồn có quai để đựng. Khi chia cháo nên hỏi: Có cháo riêng cho người bệnh hay không? Nếu không thì nên cho người bệnh trước.

Lúc ấy, Tỳ-xá-khư-mẫu muốn chúng Tăng nấu cháo tại trong trú xứ, Đức Phật cho phép. Các Tỳ-kheo không biết để gạo ở chỗ nào. Phật dạy: Nên để ở trên chiếc chiếu tre dày. Trong gạo có thóc, không biết làm thế nào, Đức Phật dạy: Cho phép sắm cái nồi, cái chày, khiến tịnh nhân giã. Không biết làm bằng cách nào để bỏ thóc. Phật dạy: Cho phép sắm cái nia, cái sàng để sàng. Các Tỳ-kheo cần cái chõ, Phật cho phép chứa dùng, dùng đồng, thiếc, sành, đá để làm. Các Tỳ-kheo cần cái thìa, Phật cũng cho phép dùng, trừ loại cây sơn, các loại cây khác đều cho phép dùng. Có các Tỳ-kheo bệnh cần cháo ngon. Phật dạy: Cho phép tịnh nhân nấu, nếu không có tịnh nhân, cho phép Tỳ-kheo rửa sạch, đổ nước vào dụng cụ nấu, nhờ tịnh nhân vo đậu, gạo bỏ vào trong, sau đó Tỳ-kheo nhen lửa nấu. Cháo chín lại nhờ tịnh nhân nhận đem cho người bệnh. Các Tỳ-kheo nhận được nhiều gạo, không có chỗ để, Đức Phật cho phép dùng bùn nhuyễn trét một cái phòng cho sạch đất để chứa gạo. Gạo hết, các Tỳ-kheo đến phòng chứa nghe mùi gạo. Phật dạy: Cho phép dùng loại bùn có chất thơm trét trên đất.

Đức Phật ở tại nước Câu-tát-la, du hành trong nhân gian, cùng đầy đủ chúng Đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị, đến xóm làng Đô-di của Bà-la-môn, trải tòa ngồi nghỉ dưới tàng cây Ta-la bên lề đường. Đức Phật mỉm cười. Tôn giả A-nan khởi ý nghĩ: Chư Phật không bỗng dưng không vì nhân duyên nào đó mà cười, nay Phật mỉm cười chắc có nhân duyên. Tôn giả liền để trống vai bên phải, quỳ gối, thưa hỏi Phật.

Đức Phật dạy:

Này A-nan! Thuở đời quá khứ, có Vua tên là Cấm-mị, có một người con gái khi sinh tự nhiên mang một tràng hoa bằng vàng, liền tâp hợp các quan nghị bàn việc đặt tên, tất cả đều nói: Nên hỏi thầy tướng Bà-la-môn. Vua liền ra lệnh tập hợp thầy tướng, bảo họ đặt tên. Thầy tướng nói: Người nữ này khi sinh đeo cái tràng hoa tự nhiên màu vàng, nên đặt tên là Ma-lê-ni. Tên ấy được chọn, nhà Vua rất yêu mến, tìm hỏi trong nước, người nữ nào cùng sinh trong một ngày với con mình để dùng làm hầu hạ. Khi ấy, trong nước có năm trăm người nữ cùng sinh ngày đó, được đưa vào danh bộ của nhà Vua, sung vào làm người sai khiến. Khi Ma-lê-ni tuổi đã khôn lớn, nhà Vua ra lệnh bảo con cúng dường năm trăm Bà-la-môn mà nhà Vua thường cúng dường. Nhà Vua nói: Con nên như cha hằng ngày nấu năm trăm nồi canh, theo sở thích của quý vị ấy mà cúng dường. Người con gái liền như lời dạy, cúng dường các Bà-la-môn. Quý vị dùng xong, Ma-lê-ni liền cùng năm trăm người nữ dùng xe bốn ngựa dạo chơi các khu vườn, từ vườn này sang vườn kia, từ cảnh quan này đến cảnh quan kia, ngày nào cũng như vậy.

Bấy giờ, Đức Phật Ca-diếp ở trong một ngôi vườn, người đánh xe đến ngôi vườn, chỗ Phật ở, liền quay xe không vào. Ma-lê-ni hỏi: Trong quốc giới của ta, không vườn nào không vào, tại sao ngươi thường tránh vườn này? Người đánh xe trả lời: Trong vườn ấy có một Sa-môn cạo đầu, tên là Ca-diếp, không nên thấy ông ta cho nên không vào. Ma-lêni nói: Sa-môn Ca-diếp đâu có dính dự gì đến việc ngươi, ngươi có thể quay xe vào trong vườn này để xem. Người đánh xe liền quay lại, vào đến chỗ xe hết đi được, Ma-lê-ni bèn đi bộ vào trong vườn. Từ xa thấy Phật Ca-diếp dung mạo thù đặc, giống như núi vàng. Thấy rồi, Malê-ni phát tâm hoan hỷ, đến trước Đức Phật, đầu mặt đảnh lễ sát chân rồi đứng lùi qua một bên. Đức Phật vì Ma-lê-ni nói các pháp diệu, chỉ bày sự lợi ích, để được hoan hỷ… cho đến câu: Thấy pháp đắc quả rồi thọ Tam quy, Ngũ giới, từ chỗ ngồi đứng dậy, kính lễ sát chân Phật, đi vòng quanh bên phải rồi cáo lui. Đi không lâu, Ma-lê-ni khởi ý niệm: Ta thường dùng năm trăm nồi canh, hằng ngày cúng dường Bà-la-môn, đây không phải là phước điền, không nên nhận của thí, thà làm thức ăn rất mỹ vị để cúng dường Đức Thế Tôn Ca-diếp. Ma-lê-ni nghĩ rồi liền ra lệnh hằng ngày làm thức ăn đến cúng dường. Lúc này, các Bà-lamôn nghe Ma-lê-ni đã làm đệ tử Phật Ca-diếp, lại dùng thức ăn ngon bổ để cúng dường Phật, nên sinh tâm ganh ghét, cùng nhau nghị bàn: Chúng ta phải tạo phương tiện để cùng giết người nữ này. Thời điểm ấy, Vua Cấm-mị nằm thấy mười một điều mộng: Mộng thấy cây dài bốn ngón tay mà lại có hoa. Mộng thấy cái hoa liền thành trái. Mộng thấy con bò con thì cày, con bò lớn lại đứng xem. Mộng thấy ba cái chõ đều nấu cơm, hai cái hai bên cơm sôi nhảy vào nhau nhưng không rơi vào cái chính giữa. Mộng thấy con lạc đà có hai cái đầu ăn cỏ. Mộng thấy con ngựa mẹ lại bú con ngựa con. Mộng thấy cái bát vàng vận hành giữa hư không. Mộng thấy nước tiểu của con cáo hoang ở trong cái bát bằng vàng. Mộng thấy con khỉ đột ngồi trên cái giường bằng vàng. Mộng thấy con bò bị giết, cái đầu bằng chiên-đàn, giống như cỏ mục. Mộng thấy trong vũng nước, chính giữa thì đục, xung quanh lại trong. Sáng ngày nhà Vua tập hợp quần thần nói rõ các điềm chiêm bao, rồi hỏi ý kiến: Những điềm mộng ấy là thế nào? Quần thần đều nói: Nên hỏi thầy tướng Bà-la-môn. Nhà Vua liền triệu đến hỏi. Các Bà-la-môn khởi ý nghĩ: Chúng ta định giết người nữ này, đây là cơ hội tốt. Họ bèn tâu với nhà Vua những điều chiêm bao này không tốt, hoặc sẽ bị mất nước hay là mất mạng. Nhà Vua hỏi: Có phương tiện nào tránh khỏi tai ương hay không? Thầy tướng tâu: Có. Nhưng chỉ có điều là chỗ niệm tình thương mến của nhà Vua, chắc không thể thực hiện được. Nhà Vua bảo: Cứ nói. Thầy tướng tâu: Voi… của nhà Vua, ngựa… của nhà Vua, Đại thần… của nhà Vua, đại Bà-la-môn… của nhà Vua, dẫn năm trăm con bò đực, năm trăm con trâu, năm trăm con nghé cái, năm trăm con nghé đực, năm trăm con dê đen, năm trăm con dê khỏe mạnh, vương nữ Ma-lê-ni và năm trăm người phục vụ, sau bảy ngày, nơi giữa ngả tư đường, sẽ giết để tế thiên thần thì tai ương này có thể tiêu diệt, nếu không làm thì họa không cách nào tránh khỏi. Nhà Vua nghe rồi, cả tin, liền ra lệnh chuẩn bị. Nhà Vua cho kêu người con gái của mình nói rõ sự việc, và cho phép trong vòng sáu ngày tùy ý sở nguyện. Ma-lê-ni tâu với Vua cha: Con không sợ chết nhưng xin nguyện: Ngày thứ nhất cùng dân chúng nam nữ lớn nhỏ trong thành đến chỗ Phật Ca-diếp. Nhà Vua thuận cho, tức khắc triệu tập dân chúng trong thành kẻ trước người sau vây quanh đến chỗ Phật Ca-diếp. Đức Phật vì họ nói pháp nhiệm mầu, chỉ vẽ sự lợi ích để họ hoan hỷ… cho đến câu: Thấy pháp đắc quả, thọ Tam quy, Ngũ giới. Nguyện ngày thứ hai cùng các Đại thần của Vua, đến chỗ Phật Ca-diếp. Nguyện ngày thứ ba cùng các vương tử đến chỗ Phật Ca-diếp. Nguyện ngày thứ tư cùng các vương nữ đến chỗ Phật Ca-diếp. Nguyện ngày thứ năm cùng các phu nhân và thể nữ đến chỗ Phật Ca-diếp. Nguyện ngày thứ sáu cùng Vua cha đến chỗ Phật Ca-diếp. Nhà Vua đều thuận cho. Tất cả đều thấy pháp đắc quả, thọ Tam quy, Ngũ giới, như trước đã nói. Nhà Vua đắc quả rồi, đem mười một điềm mộng thưa hỏi Phật Ca-diếp: Những điềm mộng này có báo ứng thế nào? Đức Phật dạy: Mười một điềm chiêm bao này thuộc về đời sau chứ không phải đời này: Mộng thấy cái cây nhỏ mà sinh hoa là đời sau có Đức Phật ra đời trong loài người chỉ sống một trăm tuổi, gọi là Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác. Khi ấy, người ba mươi tuổi, đầu đã bạc. Mộng thấy cái hoa liền thành trái, là bấy giờ người mới hai mươi mà đã sinh con. Mộng thấy con bò con cày mà con bò lớn lại đứng xem, là lúc ấy người trẻ lại thống lãnh việc nhà, cha mẹ không được tự tại. Mộng thấy ba cái nồi đều nấu cơm, hai cái nồi hai bên sôi nhảy vào nhau, mà không rớt vào nồi chính giữa, là khi ấy người giàu cùng cho nhau mà người nghèo không nhận được. Mộng thấy con lạc đà hai cái đầu ăn cỏ, là khi ấy nhà Vua có quần thần đã hưởng bổng lộc của Vua lại lấy vật của dân. Mộng thấy con ngựa mẹ lại bú con ngựa con, là khi ấy bà mẹ, con gái đã lấy chồng rồi, lại đến nó cầu thực. Mộng thấy cái bát vàng vận hành giữa hư không, là khi ấy mưa không đúng thời tiết, cũng không mưa khắp. Mộng thấy nước tiểu con cáo hoang ở trong bát vàng, là khi ấy dân chúng chỉ chọn người giàu mà kết hôn chứ không lựa bổn tánh. Mộng thấy con khỉ đột ngồi trên cái giường bằng vàng, là lúc ấy quốc vương dùng phi pháp cai trị, bạo ngược vô đạo. Mộng thấy con bò cái đầu bằng chiên-đàn bị giết đồng giá trị với cỏ mục, là khi ấy Sa-môn dòng họ Thích tham lợi dưỡng nên cùng bạch y nói pháp. Mộng thấy trong vũng nước mà chính giữa đục, chung quanh lại trong, là khi ấy Phật pháp là trung tâm của nước diệt trước, nơi ven biên cương lại thạnh. Đức Phật dạy: Mười một điềm mộng nhà Vua nằm thấy là như vậy, đối với bản thân của Đại vương không có việc bất tường. Nhà Vua liền từ chỗ ngồi ra lệnh quần thần: Những phẩm vật định dùng để tế thần trời nay đều đem bố thí, không có việc gì phải lo sợ. Từ nay ta thà tự mất mạng chứ không cố ý sát sinh, huống là bảo giết người, không cố ý làm tổn thương đến loài trùng kiến, huống là con gái ta và mọi người.

Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

Đức Phật Ca-diếp sau khi Nê-hoàn, nhà Vua kia vì Ngài xây tháp bằng vàng, bạc, dọc ngang nửa do-tuần, cao một do-tuần, thêm vào những viên ngói bằng vàng, bằng bạc, xen vào nhau, hiện nay vẫn còn trong lòng đất. Đức Phật liền ra chỗ tháp chỉ rõ cho bốn chúng. Toàn thân xá lợi của Phật Ca-diếp, nghiễm nhiên như cũ. Nhân việc này, Đức Phật lấy một nắm bùn, nói kệ:

Tuy được vàng Diêm-phù
Lợi trăm ngàn kim bảo
Không bằng một nắm bùn
Vì Phật xây bảo tháp.

Mách bảo rồi, trở về chỗ cũ, Đức Phật lấy bốn nắm bùn trát nơi chỗ ngôi tháp ngầm dưới mặt đất, một ngàn hai trăm năm mươi Tỳkheo mỗi vị cũng dùng bốn nắm bùn trét lên chỗ đó.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo muốn vì Phật Ca-diếp xây ngôi tháp nơi đất bùn ấy. Đức Phật cho phép xây. Chúng Tỳ-kheo cùng nhau xây. Đây là bảo tháp đầu tiên được xây trên cõi Diêm-phù-đề. Sau đó, các Tỳ-kheo muốn vì A-la-hán, các Thanh văn, Phật-bích-chi xây tháp, Đức Phật dạy: Có bốn hạng người nên xây tháp: Như Lai, Thánh đệ tử của Như Lai, Phật-bích-chi và Chuyển luân Thánh vương. Các Tỳ-kheo muốn làm tháp lộ thiên, tháp như cái nhà, tháp không có vách, muốn bên trong làm hình tượng khám, bên ngoài làm lan thuẫn: Muốn làm một tảng đá lớn đỡ cái tháp lộ thiên, muốn ở trước tháp làm cây trụ bằng đồng, bằng sắt, bằng đá, bằng cây, trên đầu cây trụ có hình đầu sư tử, các loại hình cầm thú, muốn trồng cây xung quanh tháp, Đức Phật đều cho phép. Khi ấy, các ngoại đạo cũng tự xây tháp, cúng dường mọi thứ, dân chúng thấy khởi lòng tin ưa. Các Tỳ-kheo khởi ý nghĩ: Nếu Đức Phật cho phép chúng ta cúng dường tháp bằng mọi thứ, dân chúng cũng sẽ khởi lòng tin vui theo, Đức Phật cho phép. Các Tỳ-kheo tự mình ca múa để cúng dường tháp, các bạch y chê trách, nói: Bạch y ca múa, Samôn Thích tử cũng như vậy, cùng chúng ta đâu khác gì?! Các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Tỳ-kheo không nên tự mình ca múa để cúng dường tháp, cho phép nhờ người làm việc đó, cho phép Tỳ-kheo tự mình khen ngợi Phật, dùng hương hoa, phướn lọng cúng dường tháp. Các Tỳ-kheo khi khất thực có người cúng hoa không dám nhận, các bạch y chê trách, nói: Sa-môn Thích tử không dám nhận sự cúng dường, lại không muốn cúng dường tháp. Các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Cho phép thọ. Các vị không biết để chỗ nào, Đức Phật dạy: Cho phép làm ba loại đãy: đãy đựng hoa, đãy đựng thức ăn, đãy lọc nước. Có các Tỳ-kheo tự mình đi hái hoa, từ xóm làng này đến xóm làng khác, ra ngoài xóm làng bị giặt cướp đoạt, các bạch y chê trách nói: Các Sa-môn này giống như thợ kết tràng hoa hay đệ tử của thợ kết vòng hoa, Đức Phật dạy: Không cho phép ra ngoài xóm làng để hái hoa. Các Tỳ-kheo dùng chỉ xâu hoa cúng dường, bạch y chê trách như trên. Đức Phật dạy: Không nên dùng chỉ xâu, chỉ nên rải ra để cúng dường. Nếu có hoa héo mà ngoại hình còn xanh tốt, cho phép nhặt ra, lấy tay nắn nhẹ cánh hoa Ba lần, hoa tự hé nở được.

Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Khi ấy, các Tỳ-kheo để móng tay dài, sinh tâm nhiễm đắm, không muốn tu phạm hạnh, có người hoàn tục, hoặc làm ngoại đạo, các bạch y chê trách: Các Sa-môn này như người thọ dục lạc, trang sức móng tay không có tâm từ bỏ. Có một Tỳkheo móng tay dài vào xóm làng khất thực, một người nữ thấy, bảo cùng nhau hành dục, Tỳ-kheo nói: Tôi là người xuất gia không làm việc ấy. Người nữ nói: Nếu không làm theo ý tôi, tôi sẽ làm cho ông bị tiếng xấu. Cô ta dùng móng tay tự xé áo và làm thương tích trong thân thể, rồi la lớn: Tỳ-kheo cưỡng bưc nắm kéo tôi, tôi không chịu, nên gây tổn thương nơi người tôi, xé áo rồi còn gây thương tích thân tôi. Mọi người đến xem, có người tin có người không tin. Người tin thì nói: Tỳ-kheo này có móng tay dài, chắc làm việc ấy. Người không tin thì nói người nữ này là hạng bất lương nên vu báng Tỳ-kheo. Cả hai hạng người đều chê trách: Tại sao Tỳ-kheo lại để móng tay dài?! Các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Không cho phép để móng tay dài, vi phạm, phạm Độtkiết-la. Phật cho phép dùng dao hớt móng tay, một đầu làm cái móc ráy lỗ tai. Có các Tỳ-kheo nhuộm móng tay đỏ, các bạch y chê trách, các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Không được làm như vậy, vi phạm, phạm Đột-kiết-la.

Lúc đó, các Tỳ-kheo vì làm đẹp cho nên may y. Phật dạy: Không nên làm như vậy, vi phạm, phạm Đột-kiết-la. Có một Tỳ-kheo giữ phòng của Tăng, người đưa thức ăn cho Tỳ-kheo đến trễ, Tỳ-kheo leo lên cây để trông bị rớt xuống gãy hông. Phật dạy: Không cho phép leo lên cây, vi phạm, phạm Đột-kiết-la. Có các Tỳ-kheo có chút duyên cớ cần leo lên cây, Đức Phật cho phép leo, nhưng không được leo cao quá đầu người. Có các Tỳ-kheo muốn trèo lên đầu cây cao lấy nhánh khô làm củi, Phật cho phép leo lên cái thang để lấy, chứ không được leo lên cây. Lại có các Tỳ-kheo gặp nước, lửa, thú dữ, giặc cướp muốn trèo lên cây mà không dám, nên bị nạn khốn đốn. Phật dạy: Gặp các tai nạn như vậy, cho phép tùy ý leo. Có hai Tỳ-kheo cùng đi, không có đãy lọc nước, khát nước uống, thấy trong nước có trùng, một Tỳ-kheo uống, một Tỳ-kheo không uống nên bị chết. Tỳ-kheo uống nước đến chỗ Phật, đem vấn đề ấy bạch Phật. Phật dạy: Tỳ-kheo kia có tâm hổ thẹn, mới có thể giữ giới mà chết, từ nay không cho phép không có đãy lọc nước mà đi, vi phạm, phạm Đột-kiết-la. Có các Tỳ-kheo đi đường gần, không có đãy lọc nước không dám đi, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép trong vòng nửa do-tuần không có đãy lọc nước được đi.

Lại có hai Tỳ-kheo cùng đi trên một lộ trình, một Tỳ-kheo có đãy lọc nước, một Tỳ-kheo không, không chịu mượn nhau, nên bị khát nước quá sức, bạch Phật. Phật dạy: Trước đây Ta há đã không chế, không có đãy lọc nước thì không được đi quá nửa do-tuần? Nếu không có đãy lọc nước, có thể dùng cái chéo y để lọc. Khi muốn đi phải nghĩ đến đãy lọc nước, cũng cho phép dùng cái ống tre để lọc nước. Các Tỳ-kheo lại dùng vàng, bạc, vật quý để làm. Phật dạy: Không nên làm như vậy, cho phép dùng đồng, thiếc, tre, cây, sành, đá để làm cái ống, rồi dùng một trong mười loại y mỏng, mịn do gia chủ cúng để bít cái miệng ống, không cho phép dùng y phấn tảo, vi phạm, phạm Đột-kiết-la.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất bị cảm gió, có một trái Ha-lê-lặc để bên chân giường, Cù-già-ly đến, là bậc Thượng tọa, nên bảo Xálợi-phất tránh chỗ, Xá-lợi-phất liền đi, quên trái Ha-lê-lặc. Cù-già-ly thấy nói với các Tỳ-kheo: Đức Thế Tôn khen ngợi Xá-lợi-phất là thiểu dục, tri túc, mà nay cất chứa, còn chúng ta lại không. Tôn giả Xá-lợiphất nghe, khởi ý nghĩ: Tại sao nay ta do cái việc nhỏ mà bị chê trách, bèn lấy trái Ha-lê-lặc quăng. Các Tỳ-kheo nói: Đại đức bị cảm gió cần dùng trái Ha-lê-lặc đó là vị thuốc, chớ nên bỏ đi, nên lượm lại để dùng. Xá-lợi-phất nói: Do một vật nhỏ mà khiến cho người đồng phạm hạnh dị nghị đến như thế, ta đã quăng rồi, dứt khoát không lượm lại. Các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Xá-lợi-phất không những đời này bỏ thứ thuốc đó không chịu lấy lại, mà thuở quá khứ cũng từng như vậy. Đời quá khứ có một con Hắc xà cắn một con bò nghé, rồi chạy vào trong hang. Có một Chú thuật sư dùng thần chú dê đen làm phép cho con rắn ra khỏi hang, mà nó không ra. Chú thuật sư bèn đốt lửa trước con bò nghé để làm phép, hóa thành ong lửa bay vào trong bộng cây, đốt chích con Hắc xà. Con Hắc xà chịu không nổi phải bò ra bộng cây. Con dê đen dùng cái sừng hất con rắn để trước Chú thuật sư. Chú thuật sư nói: Ngươi liếm lại nọc độc, bằng không ta quăng vào trong lửa. Hắc xà liền nói kệ:

Ta đã nhả độc này
Nhất định không thu lại
Nếu có phải bị chết
Thà chết không chịu lùi.

Thế là Hắc xà không chịu thu lại nọc độc, tự gieo mình vào lửa. Đức Phật dạy: Hắc xà khi đó chính là Xá-lợi-phất, xưa kia chấp nhận cái chết đau khổ, chứ không thu lại nọc độc, huống là nay lại lượm thứ thuốc đã bỏ. Từ nay cho phép các Tỳ-kheo chứa thuốc để dùng. Lục quần Tỳ-kheo lại tích tụ nhiều thuốc, các bạch y chê trách: Các Sa-môn này muốn làm thầy thuốc, muốn mua bán thuốc, tự nói thiểu dục, tri túc mà không nhàm chán biết đủ. Các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Không nên chứa nhiều thuốc, cho phép chứa các thứ tạp dược, mỗi loại một A-

đà-la, nếu bị bệnh lâu dài cho phép tùy nghi chứa trở lại.

Có các Tỳ-kheo không có dao dùng miếng tre lau cắt y, y bị hư, Phật cho phép dùng dao để rọc vật dụng. Các Tỳ-kheo lại sắm cái dao lớn, đám cướp đến lấy được dùng hại Tỳ-kheo. Phật dạy: Không cho phép chứa dao lớn, vi phạm, phạm Đột-kiết-la. Cho phép chứa loại dao dài một ngón tay, một bên làm bén nhọn, dùng cây làm cái cán, trừ cây sơn. Các Tỳ-kheo nhận được kim, không dám thọ, bạch Phật, Phật cho phép thọ cất để dùng. Các Tỳ-kheo lại chứa nhiều. Phật dạy: Không nên chứa nhiều, cho phép chứa ba cây mà thôi, có dư nên tịnh thí.

Khi ấy, trú xứ A-nậu-da ở Tỳ-xá-ly bị thấp, ẩm ướt sinh mòng muỗi rồi hơi nóng xông lên, các Tỳ-kheo bị nóng bức, Phật cho phép dùng cây quạt để quạt. Các Tỳ-kheo dùng đuôi ngựa để phất, trùng bị chết. Phật dạy: Không nên dùng đuôi ngựa để làm cái phất, vi phạm, phạm Đột-kiết-la. Có các Tỳ-kheo dùng cái bát chứa thức ăn để trên đất bị lật đổ, Phật cho phép dùng cái đế, dùng đồng, thiếc, răng, sừng, gạch, đá, tre, cây (trừ cây sơn), để làm, cho đến bện cỏ để để, cũng cho phép. Có các Tỳ-kheo xông bát bị tróc. Phật dạy: Nên xông lại. Có các Tỳ-kheo cho thức ăn cho người làm, không lường nhiều ít, tuy nhiều họ cũng giận. Phật dạy: Cho phép chứa cái hộc, cái đấu, cái thăng để lường, Tăng hay Tăng bốn phương cho đến cá nhân cũng cho phép chứa, cũng nên có một cái để phòng ngừa. Các Tỳ-kheo thuê người làm tô, dầu, mật, thạch mật không cân lượng để cho, tuy cho nhiều họ vẫn nổi giận. Phật dạy: Nên chứa cái cân cũng như trên.

Lúc ấy, các Tỳ-kheo học chữ, các bạch y chê trách: Sa-môn Thích tử sao không siêng năng đọc tụng, lại học chữ làm gì! Các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Không nên học chữ. Sau đó các Tỳ-kheo sắp xếp công việc không ghi chép nên quên. Phật dạy: Cho phép học chữ, chỉ không cho phép vì ưa đẹp mà phế bỏ đạo nghiệp. Các Tỳ-kheo muốn học chú thuật để trừ các nọc độc của ong, rắn v.v… Phật dạy: Cho phép học. Các Tỳ-kheo sắm ruộng vườn, quán xá, các bạch y chê trách: Chúng ta có vợ con gia đình cho nên sắm ruộng vườn, quán xá, các Tỳ-kheo cũng lại như vậy, cùng chúng ta đâu khác gì?! Các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Không cho phép làm việc như vậy, vi phạm, phạm Đột-kiết-la. Có các bạch y đem ruộng, nhà, quán xá cúng cho Tăng, các Tỳ-kheo không dám nhận, cũng lại chê trách nói: Các Tỳ-kheo này không chấp nhận sự cúng dường, bạch Phật, Phật cho phép Tăng thọ nhận, rồi khiến tịnh nhân giữ theo luật. Có các Tỳ-kheo đến hỏi thăm Phú-lan-na Ca-diếp, Mạc-già-ly v.v… là các sư ngoại đạo. Phật dạy: Không nên thăm hỏi, vi phạm, phạm Đột-kiết-la. Các Tỳ-kheo học bói toán, các bạch y chê trách: Sa-môn Thích tử không thể tự tịnh tri kiến của mình, làm sao biết được việc chưa xảy đến. Các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Không cho phép học, vi phạm, phạm Đột-kiết-la. Các Tỳ-kheo học chú thuật mê hoặc người, bạch Phật, Phật không cho phép, vi phạm, phạm Thâu-langiá. Các Tỳ-kheo học chú thuật làm cho người chết đứng dậy. Phật dạy: Không cho phép, vi phạm, phạm Thâu-lan-giá. Các Tỳ-kheo hỏi các thầy bói toán muốn biết mình tốt hay xấu. Phật dạy: Không cho phép, vi phạm, phạm Đột-kiết-la. Các Tỳ-kheo đọc tụng sách bên ngoài, các bạch y thấy chê trách: Sa-môn Thích tử này không tin ưa phạm hạnh, bỏ giới kinh của Phật, đọc tụng sách ngoài. Các Tỳ-kheo bạch Phật, Phật không cho phép. Có các Tỳ-kheo cùng ngoại đạo luận đàm, không biết nên xấu hổ, nghĩ: Nếu Đức Phật cho phép chúng ta đọc sách ngoài thì không đến nỗi bị xấu hổ thế này. Phật dạy: Vì hàng phục ngoại đạo, cho phép đọc sách ngoài, nhưng không được theo sách đó mà sinh tri kiến. Có các Tỳ-kheo chứa nhiều loại âu bằng đồng nho nhỏ, các bạch y chê trách: Sa-môn Thích tử này chứa nhiều loại đồ dùng này, cùng với ta đâu có khác! Các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Không nên chứa nhiều loại âu bằng đồng nho nhỏ, vi phạm, phạm Đột-kiết-la.

Có hai anh em người Bà-la-môn tụng sách Xiển-đà – Phệ đà, sau xuất gia trong chánh pháp, nghe các Tỳ-kheo đọc kinh không nghiêm chỉnh, chê trách nói: Các Đại đức xuất gia đã lâu mà không biết lời nói nam nữ, một lời nói, nhiều lời nói, lời nói hiện tại, quá khứ và vị lai, âm dài ngắn, âm nặng nhẹ mới đọc tụng kinh Phật như vậy. Tỳ-kheo nghe xấu hổ. Hai Tỳ-kheo đến chỗ Đức Phật, trình bày rõ ràng. Phật dạy: Cho phép tùy theo âm ngữ của nước mà đọc tụng, nhưng không được sai lệch ý của Phật, không cho phép dùng lời nói của Phật làm lời nói của ngoại đạo, vi phạm, phạm Thâu-lan-giá. Có các Tỳ-kheo không buộc y hạ, vào xóm bị sút rơi xuống lộ hình, các người nữ cười, mắc cỡ. Phật dạy: Không cho phép không buộc y hạ mà vào xóm làng, vi phạm, phạm Đột-kiết-la, cho phép sắm dây lưng. Các Tỳ-kheo làm dây lưng quá dài, cột đến bốn, năm vòng. Phật dạy: Không cho phép làm dài, dài nhất cột hai, ba vòng, các Tỳ-kheo may dây lưng quá rộng. Phật dạy: Cho phép rộng nhất bằng bốn ngón tay, hẹp nhất không dưới một ngón tay. Các Tỳ-kheo dùng tạp sắc may dài, Đức Phật không cho phép, cho phép dùng một màu mà thôi. Có các Tỳ-kheo mặc y mỏng vào xóm làng, gió thổi, lộ hình, các người nữ cười, mắc cỡ. Phật dạy: Cho phép làm cái nút, cái vòng cột lại, dùng đồng, thiếc, răng, sừng, tre, cây để làm cái nút, trừ loại cây sơn, cho đến làm dây để buộc. Các Tỳ-kheo cứ mặc cái y theo một chiều, phần dưới y dễ bị hư. Phật dạy: Cho phép mặc lộn ngược y lại, bề trên, bề dưới đều tra cái nút, cái vòng và sợi dây cột. Có các Tỳ-kheo tụng chú thuật không ăn muối. không ngủ trên giường, xưng độc lời: “Nam mô Bà-già-bà”, nên sinh nghi hay là ta theo tà kiến của thầy khác? Các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Thần chú pháp ấy là như vậy, chỉ đừng nên theo tri kiến đó. Bấy giờ, Tỳ-kheo Từ-địa nói với Lô-di, con của Lực sĩ: Tỳ-kheo Đà-bà cùng vợ ông tư thông. Lô-di nghe rồi liền hỏi Đà-bà: Thật sự thầy có như vậy không? Đà-bà không trả lời. Lô-di bèn nói: Đà-bà phạm dâm xấu hổ nên không còn lời để đối đáp với ta. Các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Cho phép trao cho Lô-di, con của Lực sĩ pháp phú bát, bằng pháp bạch nhị Yết-ma, tất cả không được đến nhà Lô-di. Sai một Tỳ-kheo đọc lớn như sau:

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Lô-di, con của Lực sĩ hư dối, vu khống Đà-bà phạm dâm cùng vợ của mình. Nay Tăng trao cho pháp Yết-ma phú bát, tất cả không được đến nhà Lô-di. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp Ttuận. Đây là lời tác bạch.

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Lô-di, con của Lực sĩ hư dối, vu khống Đà-bà phạm dâm cùng vợ của mình. Nay Tăng trao cho pháp Yết-ma phú bát, tất cả không được đến nhà Lô-di. Các Trưởng lão nào đồng ý thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.

Tăng đã trao cho Lô-di, con của Lực sĩ pháp Yết-ma phú bát rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc như vậy, thọ trì như vậy.

Nếu Tăng đã trao cho pháp Yết-ma phú bát, tất cả bốn chúng đều không được lai vãng nói chuyện. Có các Tỳ-kheo cùng các Ưu-bà-tắc tranh tụng việc vụn vặt, bèn trao cho pháp Yết-ma phú bát. Đức Phật dạy: Không nên vì những việc vụn vặt mà trao cho bạch y pháp Yết-ma phú bát. Phải tạo nên tám pháp mới nên trao cho: Ưu-bà-tắc đối trước các Tỳ-kheo hủy báng Tam bảo và giới, muốn cho các Tỳ-kheo bất lợi, gây cho các Tỳ-kheo bị tiếng xấu ác, muốn đoạt trú xứ của các Tỳkheo, phạm Tỳ-kheo-ni, đó là tám pháp. Tôn giả A-nan khi còn bạch y là bạn thân hậu với Lô-di, Đức Phật bảo Tôn giả A-nan: Thầy đến chỗ Lô-di nói: Tăng đã trao cho bạn pháp Yết-ma phú bát. A-nan vâng lời đến nhà Lô-di. Người giữ cửa vào báo: A-nan đứng ngoài cửa. Lô-di bảo: Mời vào. A-nan nói: Hiện nay, tôi không được phép vào cửa nhà bạn. Lô-di nghe, liền ra hỏi: Tại sao bỗng nhiên thầy lại không vào nhà tôi? A-nan đáp: Tăng đã trao cho bạn pháp Yết-ma phú bát, tất cả bốn chúng không được cùng bạn nói chuyện. Lô-di nói: Nếu như lời thầy nói tức là giết tôi rồi. Lô-di liền té xỉu xuống đất. A-nan nói: Ông bạn đứng dậy, đến tạ tội với Đà-bà, Tăng sẽ vì ông bạn giải pháp Yết-ma phú bát. Lô-di liền đứng dậy đến chỗ Đức Phật, đầu mặt đảnh lễ sát chân, bạch Phật: Con thật không thấy Đà-bà cùng vợ con tư thông, mà tin theo lời của Từ-địa. Đức Phật dạy: Ông có thể dùng lời tạ tội với Đà-bà, Tăng sẽ giải pháp Yết-ma phú bát cho ông. Lô-di vâng lời liền đến chỗ Đà-bà, đầu mặt đảnh lễ sát chân, tay ôm chân Đà-bà bạch: Con ngu si nên tin theo lời của người, phỉ báng Đại đức, xin Đại đức nhận sự sám hối của con.Tỳ-kheo Đà-bà nhận sự sám hối ấy. Lô-di tạ tội rồi đến chỗ Đức Phật, bạch: Con đã tạ tội với Tỳ-kheo Đà-bà rồi. Đức Phật bảo Tỳ-kheo: Cho phép Tăng bạch nhị Yết-ma để giải. Lô-di, con của Lực sĩ nên đến giữa Tăng, để trống vai bên phải, cởi bỏ giày dép, kính lễ sát chân tất cả Tăng, quỳ gối, chấp tay, bạch:

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Con tên là Lô-di, con của Lực sĩ, vu khống Đà-bà cùng vợ của con tư thông. Tăng đã trao cho con pháp Yếtma phú bát, không cho phép tất cả bốn chúng tới lui nhà con. Con đã có lời tạ tội với Đà-bà rồi, nay chính thức nhận theo Tăng, đến Tăng xin giải Yết-ma phú bát. Ngưỡng cầu Tăng rủ lòng thương xót con mà giải Yết-ma phú bát. Xin như vậy Ba lần. Tăng sai Tỳ-kheo đọc lớn:

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Con tên là Lô-di, con của Lực sĩ, vu khống Đà-bà thông dâm với vợ của mình. Tăng đã trao cho con pháp Yết-ma phú bát, không cho phép tất cả bốn chúng tới lui cùng nói chuyện. Lô-di có lời tạ tội với Đà-bà, nay đến Tăng xin giải pháp Yếtma phú bát. Nay Tăng giải: Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Đây là lời tác bạch.

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Lô-di, con của Lực sĩ vu khống Đàbà… cho đến câu: Nay Tăng giải. Các Trưởng lão nào đồng ý thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói: Tăng đã đồng ý giải Yết-ma phú bát cho Lô-di, con của Lực sĩ rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc như vậy, thọ trì như vậy.

Có các Ưu-bà-tắc vì việc nhỏ mà giận hờn Tỳ-kheo bèn không kính tín. Đức Phật dạy: Ưu-bà-tắc không nên vì việc nhỏ mà không kính tín Tỳ-kheo. Nếu Tỳ-kheo gây tạo tám pháp thì sau đó không nên kính tín: Hủy báng Tam bảo và giới, muốn các Ưu-bà-tắc bất lợi, gây tiếng xấu ác cho Ưu-bà-tắc. Muốn đoạt trú xứ của Ưu-bà-tắc dùng phi pháp cho là chân chánh, khi dối Ưu ba tắc. Đó là tám pháp. Nếu Ưu-bà-tắc giận Tỳ-kheo, Tỳ-kheo không nên đến nhà đó, nếu cả xóm làng đều giận Tỳ-kheo, Tỳ-kheo không nên đến xóm làng ấy.

Bấy giờ, Bạt-nan-đà cầm dù mang dép da, xỏ cái đãy đựng bình bát vào đầu cây gậy, vác trên vai đi. Có một Ưu-bà-tắc cùng một đệ tử của ngoại đạo đi sau, từ xa thấy tưởng là ngoại đạo, nói với người của đệ tử ngoại đạo: Xem thầy của ông đi đằng trước kia có oai nghi hay không? Đệ tử của ngoại đạo nói: Các ngươi có thấy ai không có oai nghi đều gọi đó là ngoại đạo, rõ thật kia mà, người này là Thích tử. Hai người cùng cãi nhau, rồi đánh cá, họ đuổi theo kịp, hỏi rõ thì ra quả thật là Thích tử. Người Ưu-bà-tắc đã bị mất tiền lại rất xấu hổ. Các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Không cho phép làm theo nghi pháp đó mà đi ngoài đường, vi phạm, phạm Đột-kiết-la. Có các Tỳ-kheo trên đường đi, vì bảo tháp, Tỳ-kheo được cúng vải làm dù, không dám thọ, các Cư sĩ chê trách nói: Sa-môn Thích tử này không muốn cúng dường tháp, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép thọ, chỉ không được làm oai nghi của ngoại đạo mà đi. Có các Tỳ-kheo già bệnh cần chống gậy, mang cái đãy đựng bình bát đi khất thực. Phật dạy: Cho phép đến Tăng xin. Tỳ-kheo kia phải đến giữa Tăng thưa:

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi Tỳ-kheo tên là… vì già bệnh, nay đến Tăng xin phép dùng cây gậy để chống, mang đãy bình bát đi khất thực, cúi xin Tăng cho phép. Thưa xin như vậy Ba lần. Tăng nên cân nhắc nên cho hay không nên cho. Nếu thật không già bệnh thì không nên cho. Nếu thật già bệnh thì nên bạch nhị Yết-ma cho. Một Tỳ-kheo đọc lớn:

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo già bệnh này tên là… nay đến Tăng xin phép dùng cây gậy để chống, mang đãy bình bát đi khất thực. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Đây là lời tác bạch.

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo già bệnh này tên là… cho đến câu… Nay Tăng cho phép. Các Trưởng lão nào đồng ý thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.

Tăng đã cho phép Tỳ-kheo già bệnh… này dùng gậy để chống, mang đãy đựng bình bát đi khất thực. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc như vậy, thọ trì như vậy.

Có các Tỳ-kheo muốn sắm cái đãy và cây gậy. Phật dạy: Nên làm. Người được Tăng Yết-ma mới được phép chứa cái đãy đựng và cây gậy. Nếu có Tỳ-kheo-ni thân quen cũng cho phép làm, để vị kia có dùng. Có các Tỳ-kheo đi khất thực gặp trời mưa, y bị phai màu. Phật dạy: Cho phép cầm dù, đến cửa bỏ dù xuống đất, khất thực được rồi trở lại cầm để đi. Có các Tỳ-kheo cầm dù đi khất thực, khi trở về để dù nơi nhà ôn đường, nhà giảng, chỗ ăn và các chỗ khác nên nước từ dù thấm ướt đất, nhão thành bùn. Phật dạy: Cho phép làm cái nhà để dù, đừng làm trở ngại cho nhau. Có các Tỳ-kheo muốn làm cái dù riêng, Phật cho phép làm, vuông tròn tùy ý, dùng cây làm cái đầu, trừ cây sơn, lấy lá hay cỏ che lên trên, cũng cho phép dùng trong mười loại y phủ lên trên. Tăng hay Tăng bốn phương, hoặc cá nhân đều cho phép cất giữ, cũng cho phép chứa thêm một cái để dự bị. Có một Tỳ-kheo bị bệnh con mắt, Đức Phật dạy: Cho phép dùng thuốc nhỏ mắt để nhỏ vào mũi, dùng dầu, tô, thoa trên đảnh, dùng tô mặn thoa dưới chân. Các Tỳ-kheo không biết dùng vật gì để làm cái ống nhỏ vào lỗ mũi, Đức Phật dạy: Trừ cây sơn, còn các loại ống của cây gỗ, tre khác, đồng, thiếc, răng, sừng đều làm được. Có Tỳ-kheo tên là Cù di sau bữa ăn liền nhai lại, các Tỳ-kheo thấy nghi là phạm thức ăn phi thời, bạch Phật. Phật dạy: Các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo này năm trăm kiếp về trước thường sinh trong loài bò, dư báo sinh vào loài người, phàm ăn thứ gì không nhai lại thì không tiêu, từ nay các Tỳ-kheo như vậy, nhai phi thời không phạm. Có các Tỳ-kheo, hoặc y chỉ Tăng để ở, hoặc y chỉ Tăng bốn phương để ở, hoặc y chỉ tháp để ở, không có người giáo giới, ngu si không biết, không thể học giới, bạch Phật. Phật dạy: Không cho phép y chỉ Tăng, Tăng bốn phương và tháp để ở, vi phạm, phạm Đột-kiết-la. Cho phép y chỉ nơi Thượng tọa và Tỳ-kheo như pháp có khả năng giáo giới. Khi ấy, các Tỳ-kheo cùng nhau trùm mền lại ngủ chung, thân xúc chạm nhau, sinh tâm nhiễm đắm, không muốn tu phạm hạnh, Đức Phật dạy: Không cho phép trùm mền cùng nhau ngủ, vi phạm, phạm Đột-kiết-la. Nếu vị nào không có y để trùm thì có cái áo lót khác, được quyền trùm. Nếu trú xứ vừa làm xong, chưa quen biết nhau, cho phép đồng ngồi một giường, nhưng không được ngủ, nếu ngủ cùng một giường phạm Đột-kiết-la. Có một chỗ trống vắng, lửa nơi đồng hoang muốn cháy đến, Tỳ-kheo không biết làm cách nào, bạch Phật. Phật dạy: Thầy đến đó dập tắt đi. Vâng lời dạy đến dập mà lửa không tắt, trở lại bạch Phật. Phật dạy: Có thể nhân danh Ta đến nói với thần lửa: Đức Thế Tôn muốn khiến người tắt, vâng lời dạy đến nói, thần lửa liền tắt, trở lại bạch Phật. Phật dạy: Thần lửa này không những đời này nghe tên Ta mà liền tắt, thuở đời quá khứ trong biển có một hòn đảo, bảy năm thường bị lửa đốt. Trên hòn đảo có một rừng cỏ, trong đó có một con trĩ sinh một con phượng, cha mẹ thấy lửa muốn cháy lan đến liền bỏ đi, con phượng kia trương cánh và đưa chân ra, dùng bài kệ nói với thần lửa:

Có chân chưa đi được
Có cánh chưa bay được
Cha mẹ thấy bỏ đi
Chỉ xin mạng được sống

Thần lửa dùng liền kệ trả lời:

Trứng sống ngoài ý muốn
Mà nay đến xin ta
Nay ta sẽ cho ngươi
Bốn mặt đều một tầm.

Đức Phật dạy: Con phượng trĩ khi ấy chính là thân Ta, thần lửa lúc đó nay vẫn là thần lửa, xưa đã vì Ta dập tắt lửa, nay lại vì Ta mà làm lửa tắt. Nếu khi nào lửa đồng hoang cháy đến, nên đánh kiền chùy, hoặc xướng lịnh, Tăng đồng tập hợp khiến tịnh nhân cắt cỏ xung quanh, để chận ngọn lửa lại, dùng hai thứ nước, đất cát dập tắt lửa, hoặc lấy vải, y tẩm nước tiêu diệt ngọn lửa. Có các trú xứ, cờ phướn lọng báu trong tháp thừa thải bỏ trong sân lung tung dập đạp trên đó, các bạch y chê trách nói: Các Sa-môn này không tiếc vật của người ta cúng dường để hư mục, chẳng phải pháp Sa-môn. Các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Trừ tháp Phật và Phật-bích-chi, ngoài ra, các tháp khác, vật dư, cho phép Tăng bốn phương sử dụng, nếu sau, tháp này cần thì lấy lại vật của Tăng bốn phương. Khi ấy các Tỳ-kheo ăn tỏi sống, bữa ăn trước, bữa ăn sau, không lúc nào không ăn, cũng có lúc ăn không, cho nên trong phòng xá bị hôi hám, các bạch y vào trong phòng nghe mùi hôi chê trách nói: Trú xứ các Sa-môn này hôi mùi tỏi giống như nơi nhà bếp. Các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Không cho phép, không có nhân duyên mà ăn tỏi. Nếu khi có nhân duyên ăn tỏi thì không được đi hay đứng trên đầu gió nơi có các Tỳ-kheo. Có một Tỳ-kheo vì cái nhân duyên nhỏ mà ăn tỏi, Đức Như Lai nói pháp không dám nghe. Đức Phật hỏi: Tại sao không đến nghe pháp? Bạch Đức Thế Tôn! Ngài không cho người được phép ăn tỏi mà đi hay đứng trên đầu gió nơi có Tỳ-kheo, cho nên con không dám đến. Đức Phật bằng mọi cách quở trách Tỳ-kheo kia: Thầy là người ngu si làm việc phi pháp, ham ăm đồ hôi hám mà mất cái lợi vô lượng của mùi vị pháp. Quở rồi, Phật bảo các Tỳ-kheo: Từ nay không cho phép vì nhân duyên nhỏ mà ăn tỏi, vi phạm, phạm Đột-kiết-la. Tỳ-kheo ăn tỏi nên chánh thuận các Tỳ-kheo. Chánh thuận là bảy ngày không được vào trong ôn đường, giảng đường, nhà ăn, nhà tắm, nhà xí, phòng người khác, đi ngang qua bên tháp hay xóm làng. Sau bảy ngày cần phải đập giũ ngọa cụ thì đập giũ, cần giặt thì giặt, nên hong phơi thì hong phơi, nên xông mùi thơm thì xông, xông phơi quét trong nhà, trét bùn khắp bên trong, tự giặt y phục, tắm gôi thân thể, vậy sau mới vào. Bấy giờ, các Tỳ-kheo có cái âu đồng cỡ lớn, các bạch y thấy hỏi: Cái này của ai? Có người nói: Của các Tỳ-kheo. Họ bèn chê trách nói: Sa-môn này như Đại thần của nhà Vua, chứa cất cái âu đồng lớn này để làm gì? Các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Từ nay không cho phép chứa cái âu lớn, nếu cất âu loại một thăng trở lên thì phạm Độtkiết-la. Lúc đó, các Tỳ-kheo tiểu tiện lung tung, hôi thối bất tịnh, các bạch y chê trách, nói: Sa-môn Thích tử này không có oai nghi, tiểu tiện lung tung, hôi thối bất tịnh. Có các Tỳ-kheo tiểu tiện chỗ không nên tiểu tiện, Quỷ thần nắm nam căn kéo đến chỗ vắng, nói: Đại đức nên tiểu tiện chỗ này. Các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Không được tiểu tiện lung tung, nên làm chỗ tiểu tiện nơi vắng vẻ, vi phạm, phạm Độtkiết-la. Có các Tỳ-kheo khách không biết chỗ tiểu tiện. Phật dạy: Cho phép hỏi Tỳ-kheo cựu trú. Có các Tỳ-kheo già bệnh không đến chỗ tiểu tiện được. Phật dạy: Cho phép sắm đồ để tiểu tiện. Các Tỳ-kheo để đồ tiểu tiện ở trong phòng, hôi hám. Phật dạy: Không nên để trong phòng. Các Tỳ-kheo để ngoài phòng, trùng ác vào trong đó. Phật dạy: Nếu cần để trong phòng thì nên đậy cái miệng đựng tiểu lại cho kín. Nếu để ngoài phòng cho đổ nước vào trong. Có các Tỳ-kheo đại tiện lung tung, các bạch y chê trách như trên. Phật dạy: Không nên làm như vậy, cho phép nơi chỗ vắng đào đất làm cái hố xí, trên có lợp, làm đường lên xuống và lan can, khi đầy phải đổ, nếu sinh trùng thì phải đào hầm đổ xuống, nếu chưa sinh trùng thì đem cặn men rượu đổ xuống hầm xí để khỏi sinh trùng. Có các Tỳ-kheo không xỉa răng, miệng hôi, ăn không tiêu. Có các Tỳ-kheo cùng Thượng tọa nói chuyện, ghê tởm mùi hôi nơi miệng. Các Tỳ-kheo đem vấn đề ấy bạch Phật. Phật dạy: Nên xỉa răng. Xỉa răng có năm công đức: ăn tiêu, trừ lạnh nóng, thèm ăn, khéo phân biệt mùi vị, miệng không hôi, mắt sáng. Có các Tỳ-kheo lấy cây xỉa răng. Phật dạy: Có năm loại cây không nên xỉa: cây Sơn, cây Độc, cây Xá-di, cây Ma đầu, cây Bồ-đề, ngoài ra các cây khác điều xỉa được.

Bấy giờ, Tỳ-kheo muốn trang nghiêm chỗ Tự tứ, Phật cho phép được trang nghiêm. Đến ngày Tự tứ xong, ban đêm nên thuyết pháp, không biết giao ai phụ trách. Phật dạy: Nên giao cho vị có khả năng. Các Tỳ-kheo viện lý do bệnh nên không chịu thuyết pháp. Phật dạy: Không nên vì lý do bệnh sơ sơ mà từ chối không thuyết pháp. Có trú xứ bị các thú dữ xâm nhập. Phật dạy: Cho phép đánh trống, đánh mõ, la lớn, kể cả đốt lửa. Có trú xứ bị trùng độc xâm nhập. Phật dạy: Nên bắt nó đem bỏ chỗ xa. Các Tỳ-kheo lấy tay bắt nên bị nó cắn. Phật dạy: Cho phép tìm cách cho nó vào trong cái bình rồi đem đi. Có trú xứ không đóng cửa, bị mất y. Phật dạy: Nên làm cái khóa cho kẻ gian không mở được.

Tôn giả Xá-lợi-phất bị cảm gió, Vua Ba-tư-nặc nói: Nên dùng con ểnh ương khôn xông mũi, không dám dùng, Phật cho phép dùng. Có các Tỳ-kheo muốn nhuộm y. Phật dạy: Cho phép dùng cây, nhánh, bông, lá, vỏ mà nhuộm. Có các Tỳ-kheo muốn nhuộm Khâm-bà-la, Đức Phật dạy: Cho phép dùng cây Thi thi bà, cây Khư tha, cây Bồ đào để nhuộm. Các Tỳ-kheo lại nhuộm màu thuần đen. Đức Phật dạy: Không nên tạo y thuần màu đen. Nan-đà có ba mươi hai tướng, tuy không bằng Phật, các Tỳ-kheo từ xa thấy, tưởng là Đức Thế Tôn, thường đứng dậy chào, Nan-đà hổ thẹn không biết làm thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép Nan-đà may y khác hình tướng đối với y của Phật. Có các Tỳ-kheo thọ mười hai pháp Đầu-đà nơi A-lan-nhã không xả, lại thọ thịnh trụ tại nhân gian, cho đến phòng xá v.v… bạch Phật. Phật dạy: Tất cả đều phạm Độtkiết-la, cho phép gần xóm làng cho đến một Câu-lô-xá, nếu không thể nên xả.

Có các Tỳ-kheo thờ cúng quỷ thần. Phật dạy: Không nên làm như vậy, vi phạm, phạm Đột-kiết-la. Không được vì quỷ thần, cho đến ngoại đạo sư, xây tháp, cũng như vậy. Có các Tỳ-kheo xây tháp cho quỷ thần, quỷ thần nương ở nơi đó, sau phá, quỷ thần giận. Phật dạy: Đã xây thì không nên phá, vi phạm, phạm Đột-kiết-la. Có các Tỳ-kheo đại tiểu tiện trong tháp quỷ thần hoặc đi quanh phía bên trái, quỷ thần giận. Phật dạy: Không nên như vậy, vi phạm, phạm Đột-kiết-la. Nếu trên lộ trình đi bên trái thì cho phép đi theo lộ trình. Có các Tỳ-kheo khắc cây làm hình nam nữ, cầm thú, lại làm các đồ chơi cho trẻ nhỏ của các bạch y. Phật dạy: Không nên cho như vậy, vi phạm, phạm Đột-kiết-la. Có các Tỳ-kheo tự mình ca múa, dạy người ca múa, tự mình đánh nhạc.

Phật dạy: Không nên làm như vậy, vi phạm, phạm Đột-kiết-la.