LUẬT DI SA TẮC BỘ HÒA HÊ NGŨ PHẦN

Hán dịch: Đời Lưu Tống, Tam tạng Phật Đà Thập người nước Kế Tân, cùng Trúc Đạo Sinh
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 20

Phần 3: NÓI VỀ CÁC PHÁP: THỌ GIỚI, BỐ TÁT, AN CƯ, TỰ TỨ, Y, GIÀY DÉP DA, THỨC UỐNG V.V…

Đoạn 5: NÓI VỀ PHÁP Y

Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Bấy giờ, nhũ mẫu của Kỳ-vức tắm cho Kỳ-vức, xem kỹ thấy tướng của Kỳ-vức, nhũ mẫu lộ ngay sắc giận của mình. Kỳ-vức biết ngay vấn đề hỏi mẹ: Tại sao mẹ nhìn con với dáng vẻ giận như vậy? Nhũ mẫu nói: Mẹ giận vì thân con có tướng thù đặc mà tâm ý của con chưa gần được Phật, Pháp, Tăng. Kỳ-vức nghe rồi, khen: Lành thay! Lành thay! Mẹ đã dạy con điều đó. Kỳ-vức liền mặc áo mới, đi đến chỗ Đức Phật. Từ xa thấy Đức Thế Tôn dung mạo đĩnh đạc, có ba mươi hai tướng của bậc đại nhân, vầng ánh sáng tỏa ra một tầm giống như núi vàng, liền sinh lòng tín kính. Kỳ-vức đến trước Phật, kính lễ sát chân Ngài, rồi ngồi lui qua một bên. Đức Phật vì Kỳ-vức nói các phép nhiệm mầu, chỉ vẽ sự lợi ít để được hoan hỷ, như luận về việc bố thí, trì giới và sinh thiên, tại gia là nhiễm lụy, xuất gia không đắm vướng, những pháp trợ đạo như vậy làm sáng tỏ vấn đề. Đức Phật lại nói tiếp những pháp chư Phật thường nói là Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Kỳ-vức liền từ chỗ ngồi xa trần, lìa cấu, đặng mắt pháp trong sạch, thấy pháp đắc quả rồi quy y Phật, Pháp, Tăng và thọ năm giới. Kỳ-vức khéo phân biệt được ngọn, ngành, tướng của âm thanh, Đức Phật dẫn Kỳ-vức đến nơi gò xương cốt, Ngài chỉ đầu lâu của năm người. Kỳ-vức gõ từng cái, bạch Phật: Đầu lâu thứ nhất này, sinh vào địa ngục. Đầu lâu thứ hai sinh nơi súc sinh. Cái thứ ba sinh nơi ngạ quỷ. Cái thứ tư sinh vào cõi người. Cái thứ năm sinh vào cõi trời. Đức Phật dạy: Lành thay! Ông nói đúng cả! Đức Phật lại chỉ một cái đầu lâu, Kỳ-vức gõ Ba lần, không biết sinh ở đâu, bạch Phật: Con không biết người này sinh vào cõi nào. Đức Phật dạy: Ông không biết là phải. Tại sao vậy? Đây là đầu 0 lâu của vị A-la-hán, không còn có chỗ sinh.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn, thân bị bệnh nhẹ, bảo Tôn giả A-nan:

-Bệnh của Ta nên uống thuốc thổ hạ.

Tôn giả A-nan bạch Phật:

-Nên nói với Kỳ-vức.

-Được.

A-nan đến thông báo, Kỳ-vức nói:

-Tôi không thể dùng thuốc thường để chữa bệnh của Ngài. Tôi sẽ bào chế thứ thuốc của Chuyển luân Thánh vương dùng để dâng lên Đức Thế Tôn.

Kỳ-vức dùng dược huân, ba loại hoa Ưu-bát-la, đem đến chỗ Đức Phật bạch:

-Xin Ngài ngửi hoa này. Ngửi một hoa sẽ có mười lần hạ (phong), ba hoa sẽ có ba mươi lần, bệnh sẽ khỏi hoàn toàn.

Đức Thế Tôn liền ngửi hai hoa, được hạ (phong) hai mươi lần, một hoa còn lại được chín lần.

Không bao lâu sau, Kỳ-vức lại đến chỗ Phật, bạch:

-Ngửi hoa có hạ được không? Hạ nhiều hay ít?

Đức Phật dạy:

-Ngửi thuốc tuy hạ được, nhưng còn thiếu một cái.

Kỳ-vức bạch Phật:

-Nên uống nước nóng, bèn hạ thêm được một cái, bệnh được lành hẳn.

Kỳ-vức lại thưa:

-Cần phải bổ dưỡng, con sẽ tùy thời cúng dường những thứ cần dùng.

Đức Phật thọ nhận bằng cách im lặng.

Kỳ-vức nấu canh bằng gạo chiên-đà dâng cúng Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dùng rồi, Kỳ-vức lại bạch:

-Con trị bệnh cho quốc vương, quan, dân, nhận được hằng trăm ngàn lượng vàng, bảy thứ báu nhiều vô số, hoặc nhận được thôn xóm, hoặc nhận được một ấp, cúi xin Đức Thế Tôn nhận cho con một lời nguyện nhỏ.

Đức Phật dạy:

-Các Đức Phật Như Lai đã vượt qua các nguyện.

Kỳ-vức lại bạch Phật:

-Xin Phật cho con được nguyện một lời.

Đức Phật dạy:

-Nếu hợp lý thì không trái với ý của ngươi.

Khi ấy, Kỳ-vức liền dùng một chiếc y quý, trị giá bằng nửa nước, dâng lên Đức Phật, bạch:

-Đây là chiếc y, trong các chiếc y, nó là tối thắng, xin Ngài rủ lòng thương thọ nhận cho.

Kỳ-vức lại xin Phật cho phép các Tỳ-kheo được nhận y của gia chủ. Đức Phật thọ nhận và cho phép các Tỳ-kheo được nhận y của gia chủ. Đức Phật vì Kỳ-vức nói các pháp diệu rồi khiến về chỗ cũ.

Nhân việc này, Phật tập hợp các Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳkheo:

-Kỳ-vức trị bệnh của Ta lành, lại đem một thượng y dâng cho Ta, xin cho các Tỳ-kheo được phép thọ sự dâng cúng y của gia chủ. Ta thọ nhận và cũng cho phép các Tỳ-kheo thọ sự dâng cúng y của gia chủ. Từ nay các Tỳ-kheo muốn mặc y của gia chủ, cho phép thọ, song kẻ thiểu dục, tri túc mặc y phấn tảo là điều Ta khen ngợi.

Bấy giờ, nơi thành Vương-xá, các Cư sĩ nghe Phật cho phép các Tỳ-kheo thọ sự dâng cúng y của gia chủ, cùng nhau đem ba ngàn trương Kíp bối thuần màu xanh, vàng, đỏ, đến dâng cúng cho các Tỳ-kheo. Do có các màu sắc nên các Tỳ-kheo sinh nghi, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép thọ nhưng nên giặt cho phai màu sắc rồi nhuộm lại để mặc.

Có các Tỳ-kheo đến nơi gò mả quán tử thi, từ chân đến đầu, khởi quán bất tịnh, dựng tử thi dậy, quỷ nhập vào trong tử thi, trương mắt, le lưỡi, đạp các Tỳ-kheo, các Tỳ-kheo hoảng sợ, phi nhân được cơ hội, đoạt lấy tinh khí, có vị phải chết.

Lại có một Tỳ-kheo, đến nơi gò mả, quán từ chân đến đầu, thây của người nữ mới chết, sinh tâm dục, hành bất tịnh, do đó, bạch Phật. Phật dạy: Không quán từ chân trước.

Lại có Tỳ-kheo quán một bên người chết, dựng tử thi dậy, quỷ lại nhập vào trong tử thi, trương mắt, le lưỡi, lấy tay đánh, do vậy, bạch Phật. Phật dạy: Đừng nên quán một bên mà nên quán phía trước đầu.

Lại có Tỳ-kheo vì y nên đào thây người mới chết lên, các Cư sĩ thấy chê trách, nói: Sa-môn Thích tử này hôi thối, bất tịnh, tại sao hạng người này lại đến trong nhà ta? Các Tỳ-kheo Trưởng lão nghe, bạch Phật. Phật dạy: Không được đào thây người chết, vi phạm, phạm Độtkiết-la.

Lại có Tỳ-kheo đem xương người chết để trong Tăng phường, có người đem đầu lâu của người chết để chỗ kinh hành, hoặc dưới giường. Các Cư sĩ thấy chê trách, nói: Các Tỳ-kheo bất tịnh, khả ố, tại sao đem xương người chết để trong Tăng phường, giống như gò mả, chứa đầu lâu người chết như chứa bình bát?! Các Tỳ-kheo đem vấn đề này bạch Phật. Phật dạy: Không nên làm như vậy, cũng như không nên lấy tay cầm lấy xương người chết, vi phạm, phạm Đột-kiết-la.

Có Tỳ-kheo đau mắt, thầy thuốc bảo: Lấy xương trán của người mài để nhỏ vào mắt. Các Tỳ-kheo nói: Đức Phật không cho phép chúng tôi cầm xương người chết, nên cho phương thuốc khác. Thầy thuốc nói: Không có phương thuốc nào khác có thể trị được. Các Tỳ-kheo khởi ý niệm: Nếu Đức Thế Tôn cho phép khi có bệnh được nắm xương người chết thì bệnh này có thể lành được, do đó, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép ở chỗ vắng lấy xương, lớn như hai ngón tay mài để nhỏ mắt.

Có các Tỳ-kheo ăn mè, mật, cá, thịt, đến nơi gò mả tìm y phấn tảo, quỷ thần không vui. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Không nên ăn các vật này mà đến nơi gò mả.

Có các Tỳ-kheo ở trong Tăng và nhà bạch y, ăn mè, mật, cá, thịt, trên lộ trình phải xuyên qua gò mả, sợ đi tránh đường khác, do đó, bị lạc đoàn, bạch Phật. Phật dạy: Nếu không sợ thì cho phép đi qua một bên.

Có các Tỳ-kheo thường đến nơi gò mả, khi xin được cá, thịt ăn, không dám trở lại nơi ấy, bạch Phật. Phật dạy: Nếu không sợ thì cho phép trở lại.

Có các Tỳ-kheo, ngày mồng tám, mười bốn, mười lăm trong tháng, tới lui nơi gò mả tìm y phấn tảo, các quỷ thần vào những ngày ấy cũng tập hợp, nói với các Tỳ-kheo: Nay là ngày chúng tôi tập hợp, lý do gì các thầy lại đến? Các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Những ngày ấy không nên đến nơi gò mả. Tỳ-kheo thường ở nơi gò mả và trên lộ trình, ngày ấy đều không dám tới nơi gò mả, bạch Phật. Phật dạy: Nếu không sợ thì được phép.

Có các Tỳ-kheo đại tiểu tiện nơi gò mả, các quỷ thần chê trách nói: Tại sao lại đại tiểu tiện nơi trú xứ của chúng tôi? Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Không nên làm như vậy. Có gò mả rộng xa, các Tỳ-kheo đi ngang qua không dám hành sự, do đó bị bệnh, bạch Phật. Phật dạy: Nên khẩy móng tay trước vậy sau mới đại tiểu tiện. Nếu quỷ thần muốn nghe kinh điển nên tụng kinh nói pháp, đó là điều nên làm.

Khi ấy, Vua Ca-di đem y báu Khâm-bà-la tặng cho Kỳ-vức. Kỳvức liền đem đến Tăng phường cúng cho Tăng, các Tỳ-kheo không biết nên thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Nên thọ dụng để trang nghiêm bảo tháp.

Có các Tỳ-kheo nhận được thảm, lụa tạp sắc lông dài hay ngắn và không có lông, không dám thọ, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép thọ, nếu tạp sắc thì cho phép giặt cho hoại sắc rồi mặc. Nếu không thể khiến cho sắc thuần kia hoại đi thì cho phép mặc trong Tăng phường.

Có các Tỳ-kheo nhận được dạ đã thành và chưa thành, không dám thọ để may, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép thọ nhận để may.

Có các Tỳ-kheo muốn lượm y phấn tảo nơi ngả tư đường hẻm, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép lượm.

Khi ấy, có bạch y nơi đường hẻm cởi y để đại tiểu tiện, các Tỳkheo tưởng là y phấn tảo, lấy. Người kia nói: Đại đức, đừng lấy y của tôi. Tỳ-kheo nói: Tôi tưởng là y phấn tảo cho nên lấy. Bạch y lại nói: Thầy không ngó kỹ để lấy, lấy như vậy thành lấy trộm. Các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Nên xem xét kỹ có bụi bặm, có nám nắng, có vẻ lâu cũ, nhận xét kỹ rồi hỏi người, vậy sau mới lấy. Các Tỳ-kheo lượm y phấn tảo, chưa giặt mà đem vào trong phòng, hôi thối, bất tịnh, bạch Phật. Phật dạy: Không nên chưa giặt mà đem vào trong phòng. Có các Tỳ-kheo lượm y phấn tảo không giặt liền, để sinh trùng, bạch Phật. Phật dạy: Nên giặt sạch liền.

Có các Tỳ-kheo nơi ao sạch và trong dòng nước sạch mà giặt y phấn tảo, bạch Phật. Phật dạy: Không nên làm như vậy. Có các Tỳkheo lấy chậu sạch giặt y phấn tảo, bạch Phật. Phật dạy: Không nên làm vậy.

Đức Phật từ thành Vương-xá, cùng với chúng Đại Tỳ-kheo Tăng một ngàn hai trăm năm mươi vị du hành trong nhân gian. Các Tỳ-kheo vác y phấn tảo, trông thấy việc này, Đức Phật khởi ý niệm: Ta nên vì các Tỳ-kheo quy định thời hạn y của gia chủ dâng cúng.

Bấy giờ, Vua Bình-sa nghe Đức Phật cùng một ngàn hai trăm năm mươi Tỳ-kheo du hành trong nhân gian khởi ý niệm: Nay ta có thể dùng bốn loại binh, nhằm thị vệ Đức Thế Tôn du hành trong lĩnh vực của nước ta. Nghĩ rồi liền ra lệnh trang nghiêm bốn loại binh theo hầu sau Đức Phật. Tuần tự qua các nơi, Đức Phật đi đến sông Hằng, muốn tới nước Bạt-kỳ phải lội qua sông. Tôn giả Mục-liên nghĩ: Nếu dùng thuyền để qua sợ nhà Vua chờ lâu, phế bỏ công việc, nay ta nên dùng thần lực khiến cho nước cạn. Nghĩ rồi liền khiến cho nước cạn, Đức Phật cùng các Tỳ-kheo đồng loạt lội qua. Đức Phật đến bờ bên kia, nói kệ:

Tinh tấn là thuyền bè
Vượt qua sông rộng sâu
Ai người thấy việc này
Không phát tâm tín kính?

Khi ấy, Vua Bình-sa khởi ý niệm: Đức Phật đã ra khỏi biên cương của nước ta, ta nên lui về. Vua liền chấp tay từ xa kính lễ rồi trở lui. Đến nơi thôn Quật Trà, Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Có bốn pháp, Ta và các ông, khi chưa đạt được thì ở trong sinh tử luân hồi không bờ bến. Bốn pháp đó là gì? Đó là: Thánh giới, Thánh định, Thánh huệ và Thánh giải thoát. Nay đã đạt rồi, sinh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong. Đức Phật vì các Tỳ-kheo nói kệ:

Giới định tuệ giải thoát
Nay Ta giác ngộ rồi
Đoạn hết các nguồn khổ
Nên vì các ông nói.

Lúc này, Đức Phật hướng dẫn năm trăm Tỳ-kheo du hành nơi nước Bạt-kỳ, muốn đến thành Tỳ-xá-ly. Nơi đó có dâm nữ tên là Aphạm-hòa-lợi, nghe Đức Phật Thế Tôn có đại danh đức, hiệu Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác, những lời Ngài dạy đầu, đuôi, chặng giữa đều thiện, đầy đủ tướng phạm hạnh thanh tịnh, đang du hành nơi các nước, sắp đến thành này, vui mừng nói: Lành thay, ta nguyện muốn yết kiến. Bà liền cho trang hoàn xe bốn ngựa, với năm trăm kỹ nữ tùy tùng, ra nghinh đón Đức Thế Tôn. Đức Phật từ xa trông thấy, bảo các Tỳkheo: Các thầy, mỗi người đều nên hệ niệm tại tiền, tự phòng hộ tâm mình, đó là lời dạy của chư Phật. Thế nào gọi là hệ niệm? Nghĩa là thực hành bốn niệm xứ, quán nội thân, tuần tự quán nơi thân để trừ vô minh, khổ của thế gian. Quán ngoại thân, nội, ngoại thân và thọ, tâm pháp cũng như vậy. Tại tiền là thế nào? Nghĩa là đi, đứng, ngồi, nằm, ngủ, thức, tới, lui, dòm ngó trước sau, co giãn, cúi ngửa, mặc y, bưng bát, ăn uống, đại tiểu tiện, nói, nín, thường trụ tâm nơi đó. Ấy là lời dạy của Ta. A-phạm-hòa-lợi từ xa trông thấy Đức Thế Tôn dung mạo thù thắng, các căn tịch định, có ba mươi hai tướng của bậc đại nhân, tỏa sáng quanh một tầm, giống như núi vàng, điều hoan hỷ, niềm tín kính càng tăng lên, bà đến trước Đức Phật, đầu mặt kính lễ sát chân, rồi đứng lui qua một bên. Đức Phật vì bà nói các pháp nhiệm mầu, chỉ vẽ sự lợi ích, bà vui mừng rồi bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nguyện xin Đức Phật và chư Tăng nghỉ đêm nơi vườn của con và ngày mai con xin mời thọ trai. Đức Phật nhận lời bằng sự im lặng. A-phạm-hòa-lợi biết Đức Phật nhận lời mời rồi bèn kính lễ, nhiễu quanh và cáo lui.

Khi ấy, năm trăm Ly xa nghe Đức Phật cùng Tỳ-kheo Tăng du hành trong nước hướng đến thành này, cùng nhau lập quy ước nghinh đón Đức Phật, nếu ai không đi đón sẽ vị phạt năm trăm kim tiền. Tuân hành quy ước mọi người đều đi, hoặc cỡi ngựa xanh, xe xanh thì y phục của tất cả quyến thuộc cũng đều xanh. Vàng, đen, đỏ, trắng đều cũng như vậy. A-phạm-hòa-lợi giữa đường gặp họ, không chịu tránh đường. Các Ly xa nói: Lý do gì không tránh đường khiến cho xe ngựa đụng nhau? A-phạm-hòa-lợi nói: Tôi thỉnh Phật và Tăng nghỉ lại nơi vườn của tôi và sáng mai cúng dường nên không có đủ thì giờ để tránh. Các Ly xa nói: Chúng tôi cũng muốn thỉnh Phật, bà để chúng tôi thỉnh trước. Bà ta đáp: Đức Phật đã nhận lời thỉnh của tôi rồi, tôi không thể nhường được. Các Ly xa nói: Tôi biếu bà năm trăm ngàn lượng vàng, bà để tôi thỉnh trước. Bà ta vẫn trả lời như trên. Các Ly xa lại nói: Biếu cho bà tài vật phân nửa nước có được không? Bà ta nói: Giá như cả nước cũng không thể được. Nếu các ông có thể bảo đảm ba việc này cho tôi khỏi mất thì tôi mới chấp thuận. Các Ly xa hỏi: Ba việc ấy là gì? Một là bảo đảm thân mạng tôi không bị chết yểu. Hai là bảo đảm của cải tôi không bị tổn thất. Ba-là bảo đảm Phật thường ở đây chứ không đi chỗ khác. Các Ly xa nói: Tài sản tổn thất chúng tôi có thể cho được, nếu Đức Phật đi chỗ khác chúng tôi có thể mời ở lại, nhưng sự nguy khốn của mạng sống nơi bà ai dám bảo đảm? Ly xa nói xong, nổi giận bỏ đi. Đức Phật từ xa thấy các Ly xa đến, bảo các Tỳ-kheo muốn biết chư Thiên ở cõi Đao-lợi xuất nhập như thế nào thì hình ảnh các Ly xa đây không khác. Các Ly xa thấy Phật dung mạo thù thắng… giống như núi vàng, liền xuống xe đi bộ, tiến đến trước Phật, đầu mặt kính lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên. Lúc đó trong chúng kia có một thanh niên tên Tân-kỳda, từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên phải, quỳ gối, chấp tay, bạch Phật: Con muốn dùng kệ khen ngợi Thế Tôn. Đức Phật dạy: Tùy ý ông.

Người thanh niên liền nói:

Bình-sa được thiện lợi
Ương già mang giáp báu
Phật xưa sinh nơi đây
Tiếng vang như sấm sét.
Cũng như hoa mới nở
Ngạt ngào, ngát mùi thơm
Xem Phật thân sáng tỏa
Như mặt trời rực rỡ.
Như trăng tròn vằng vặc
Trên vòm trời không mây
Thế Tôn thân sáng chói
Lồng lộng không gì hơn.
Phật huệ soi cùng khắp
Tiêu diệt lòng tối tăm
Cho thế gian con mắt
Quyết đoán các nghi hoặc.

Các Ly xa nghe kệ đều hoan hỷ, liền tặng cho năm trăm chiếc áo, người thanh niên nói: Tôi không cần áo, nguyện được thỉnh Phật trước. Đức Phật dạy Ly xa: Có thể cho phép thỉnh trước. Ma-nạp liền thỉnh

Phật và Tăng. Y vẫn được tặng. Ma-nạp nhận được y liền dâng cúng Phật. Đức Phật thọ nhận, bảo các Ly xa: Ở đời có năm điều quý báu rất khó được gặp.

  1. Chư Phật Thế Tôn.
  2. Những lời do Đức Phật dạy.
  3. Hiểu rõ lời Phật dạy.
  4. Làm theo điều đã nghe.
  5. Người không quên ân nhỏ.

Các Ly xa nghe pháp hoan hỷ, cùng nhau nghị bàn: Đức Phật không ở đây lâu, mỗi người cúng riêng rẻ không thể nào giáp khắp được. Nay ta nên tập trung tất cả phẩm vật rồi tùy theo đó mà cúng dường hằng ngày. Chẳng phải chủng tộc ta thì không cho phép dựa vào.

A-phạm-hòa-lợi suốt đêm làm các thức ăn ngon bổ rồi, sáng ngày đem đến nơi vườn, trải tọa cụ xong, thỉnh Phật và Tăng thọ trai. Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Các thầy hệ niệm, cùng thọ bữa trai này. Tất cả đều an tọa nơi tòa. Nại nữ tự tay pha chế thức ăn một cách hoan hỷ, không lẫn lộn. Thọ trai xong, dùng nước rồi, Nại nữ đứng lui qua một bên, bạch Phật: Các vườn nơi Tỳ-xá-ly, vườn này là đệ nhất, con sửa soạn nơi vườn này là muốn làm việc phước, nay xin dâng cúng Đức Thế Tôn, xin Ngài nhận lấy. Đức Phật dạy: Nên cúng cho Tăng để được quả báo lớn. Nại nữ lại một lần nữa xin cúng cho Phật. Đức Phật dạy: Nên cúng cho Tăng, trong Tăng có Ta. Nại nữ vâng lời Phật dạy, liền dâng cúng cho Tăng, rồi lấy cái ghế nhỏ, ngồi trước Đức Phật, Đức Phật vì Nại nữ nói kệ tùy hỷ, như kệ Đức Phật đã nói cho Tỳ-lan-nhã… Đức Phật lại nói các pháp vi diệu, chỉ bày sự lợi ích, bà hoan hỷ, liền từ nơi chỗ ngồi được mắt pháp trong sạch. Kế đó, thọ ba quy và năm giới, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy kính lễ Đức Phật và cáo lui. Sau đó, các Ly xa cúng dường theo kế hoạch đã nghĩ bàn.

Đức Phật từ Tỳ-xá-ly tuần tự du hành đến pháp Bát-già-la. Khi ấy vào mùa Đông, Phật mặc một chiếc áo, ngủ nơi đất trống. Phần đầu của đêm vừa qua, cảm thấy lạnh, lại mặc thêm một chiếc áo. Quá giữa đêm, cảm thấy lạnh, lại mặc thêm một chiếc áo nữa. Không thấy khốn khổ do lạnh, Phật khởi ý nghĩ: Vị lai các Tỳ-kheo nếu không phải hứng chịu sự lạnh lẽo thì nên chứa đủ ba y để chế ngự. Nay Ta có thể vì các Tỳ-kheo quy định chứa ba y. Do việc này, sáng ngày Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Trước đây, khi du hành nơi thành Vương-xá, thấy các Tỳ-kheo phải mang nặng vì y, bấy giờ muốn quy định mức lượng y của gia chủ cúng thí. Đêm vừa qua, thời tiết rất lạnh, trước hết Ta mặc một y, giữa đêm cảm thấy lạnh, lại mặc thêm một y, cuối đêm còn cảm thấy lạnh, lại mặc thêm một y nữa. Ta thấy an ổn vì có đủ sự ấm áp, liền khởi ý nghĩ: Vị lai các Tỳ-kheo, muốn khỏi chịu rét vì lạnh nên mặc ba y, để chế ngự nó. Ta nay có thể vì các Tỳ-kheo quy định cho chứa cất ba y. Nay do mười điều lợi nên vì các Tỳ-kheo quy định chứa ba y, không cho phép chứa dư. Nếu y bị hư hoại cho phép tu bổ, dùng kim chỉ vá lại, bị lủng lỗ cũng cho phép vá lại cho thẳng.

Khi ấy, các Tỳ-kheo chứa y Câu-tu-la, các Cư sĩ thấy, dị nghị nói: Tỳ-kheo mặc Câu-tu-la, đâu có khác gì chúng ta mặc y trùm đầu? Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Không cho phép mặc y Câu-tu-la, vi phạm, phạm Đột-kiết-la.

Có một Tỳ-kheo, y An-đà-hội bị hư hoại, quyền biến hiệp lại may thành Câu-tu-la để mặc, sau đó sinh nghi hối, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép tạm thời may để mặc.

Có các Tỳ-kheo cất chứa y trùm đầu và có tụ y Câu nhiếp mặc lên trên. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Không cho phép chứa y trùm đầu và y có tay, vi phạm, phạm Đột-kiết-la. Nếu nhận được cho phép thọ nhận rồi phá ra làm y khác.

Có một ngoại đạo dùng chỉ tạp sắc may vá trên y, làm điều bức, sau đó, xuất gia trong Phật pháp cũng mặc y ấy, các Cư sĩ thấy chê trách nói: Sa-môn Thích tử mặc y ngoại đạo, không thể phân biệt được, các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Không cho phép mặc y ngoại đạo, vi phạm, phạm Thâu-lan-giá. Nếu không biết đó là y ngoại đạo, nhưng chẳng phải được Phật cho phép, đều nên phá ra. Nếu biết là y của ngoại đạo thì nên quăng xuống lót đất, khiến cho người đạp lên trên cho mau hư hoại.

Có các Tỳ-kheo ngồi thiền bên gốc cây, bị chim làm ồn và làm nhớp thân thể, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép đuổi chim đi hay làm nhà ngồi thiền.

Có các Tỳ-kheo muốn đến nơi gò mả để lấy y của người chết, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép lấy. Quý vị bèn lấy, sau đó Tỳ-kheo khác cũng đến lấy y, thấy Tỳ-kheo đến lấy trước nói: chia cho tôi với. Tỳ-kheo kia không chia, bạch Phật. Phật dạy: Nên cùng chia. Có các Tỳ-kheo có mặt trước nơi gò mả, nhận được y, chia cho Tỳ-kheo đến sau, khi chia lại có Tỳ-kheo đến đòi chia cho mình, các Tỳ-kheo không chia, bạch Phật. Phật dạy: Nên cùng chia. Chia phần rồi, mỗi người đều muốn ra về, lại có Tỳ-kheo đến đòi chia, các Tỳ-kheo không chia, bạch Phật. Phật dạy: Cũng nên chia cho nhau. Chia rồi, mỗi người đều sắp ra khỏi gò mả, lại có Tỳ-kheo đến đòi chia phần, các Tỳ-kheo không chia, bạch Phật. Phật dạy: Nên chia cho nhau. Chia rồi mỗi vị đều ra khỏi gò mả, lại có Tỳ-kheo đến đòi chia phần, các Tỳ-kheo không chia, bạch Phật. Phật dạy: Không nên chia.

Có một Tỳ-kheo mặc y, bưng bát vào thôn khất thực, khởi ý niệm: Giờ này vào thôn khất thực, còn sớm, bèn vào gò mả, nhận được nhiều y, nhận được rồi lại khởi ý nghĩ: Nếu đem vào thôn thì nặng và xấu hổ, muốn đem về, nhưng khi ấy lại sợ quá giờ, bèn đem thu giấu, rồi đi khất thực. Lại có một Tỳ-kheo, sau khi ăn xong về trước, đến nơi gò mả để tìm y, thấy y của Tỳ-kheo trước thu giấu, bèn lấy đem đi. Tỳ-kheo trước, ăn xong đến lấy y, chỗ y không còn nữa. Quay về Tăng phường thấy một Tỳ-kheo đang giặt y đó, nói: Thầy đừng giặt y của tôi. Tỳkheo kia nói: Không phải của thầy. Tỳ-kheo trước trình bày đầy đủ sự việc. Tỳ-kheo kia nói: Vật nơi gò mả không có chủ lấy gì làm chứng? Bạch Phật. Phật dạy: Nên thuộc về Tỳ-kheo trước, từ nay nếu nhận được y nơi gò mả nên làm dấu.

Có Tỳ-kheo lấy xương của người chết làm dấu, các Tỳ-kheo đến sau tưởng là chim tha rơi lên trên y, nên lấy y đi. Bạch Phật. Phật dạy: Không nên lấy xương người chết làm dấu.

Lại có Tỳ-kheo dùng nước màu đỏ làm dấu, các Tỳ-kheo tưởng là máu nhớp, bèn lấy y đi, bạch Phật. Phật dạy: Không nên dùng nước màu đỏ làm dấu, nên dùng màu xanh, màu đen, màu lam, hoặc lấy miếng y cà sa dán lên trên.

Có các Tỳ-kheo cùng nhau phân công, phân nửa vào thôn khất thực, phân nửa đến gò mả tìm y, khi trở về cùng chia nhau. Giao ước như vậy rồi đi. Người đến bãi tha ma tìm được nhiều y, hối hận nghĩ: Ta được y thuộc về của ta, quý vị kia nhận được nhiều thức ăn thuộc về quý vị, không thể chia cho nhau. Tỳ-kheo khất thực, khi trở về, đem thức ăn chia, Tỳ-kheo tìm được y không nhận, nói như trên. Tỳ-kheo khất thực nói: Trước cùng nhau giao ước rõ ràng, tại sao lại thay đổi? Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Nên cùng chia cho nhau. Tỳ-kheo lấy y, khi được y rồi giao ước, nếu có thể mang y này về chỗ ở, sẽ chia ra hai phần. Khi mang về đến nơi, lại đổi ý kiến không cho, bạch Phật. Phật dạy: Nên chia cho nhau. Giặt y cũng vậy.

Có một Tỳ-kheo đến nơi gò mả, thấy một người mới chết, muốn lấy chiếc y của họ, dựng đứng xác chết lên, quỷ nhập vào người chết, nói thành tiếng: Đại đức đừng lấy y của tôi. Tỳ-kheo nói: Ngươi đã chết chẳng phải là y của ngươi. Nói xong, cưỡng đoạt y. Người chết kêu lớn, theo đến Tăng phường. Các quỷ thần thiện không cho vào, bèn đứng ngoài cửa. Thấy Tỳ-kheo ra vào, nói: Có một Tỳ-kheo đoạt y của tôi đi vào đây, nhờ nói vị ấy hoàn lại cho tôi. Các Tỳ-kheo vào hỏi: Có một người đứng ngoài cửa nói: Có Tỳ-kheo đoạt y của họ đi vào đây, ai là người đoạt y ấy? Tỳ-kheo lấy y nói: Y này là của người đã chết, chứ không phải của người sống. Các Tỳ-kheo đem vấn đề bạch Phật. Phật dạy: Nếu thân người mới chết chưa hư hoại, dựng đứng thây chết dậy, quỷ vẫn có thể nhập vào, không nên lấy y ấy, cần phải trả lại. Nếu lấy y của người mới chết, thân chưa hư hoại, phạm Đột-kiết-la. Tỳ-kheo kia liền đem y trả lại. Thây chết nhận được y liền ngã xuống đất. Tỳ-kheo kia bạch Phật. Phật dạy: Có thể mang đến nơi gò mả. Tỳ-kheo liền đem y đi, thây chết kia đứng dậy đi theo sau. Khi đến gò mả, đem y trải xuống đất thây chết lại ngã xuống.

Có một Tỳ-kheo đến nơi gò mả thấy một người mặc chiếc y Khâmbà-la mới, nằm trong bóng cây, tưởng là người chết, khởi ý niệm: Đức Phật không cho phép ta lấy y người chết, thân chưa hư hoại, bèn muốn đánh bể đầu người kia. Người kia hoảng hồn đứng dậy nói: Đại đức, nào có phạm điều gì mà đánh bể đầu tôi? Tỳ-kheo nói: Tôi tưởng ông là người chết. Người kia nói: Thầy há không thấy tôi còn thở sao? Tại sao vì chiếc y mà muốn đoạt mạng sống của tôi! Các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Không nên tự mình đánh hoặc sai người đánh xác người chết để khiến cho y hư hoại. Nếu vi phạm, phạm Đột-kiết-la.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nhận được y Kíp bối, không cắt phần tua vải ở đầu mà mặc, các Cư sĩ dị nghị, nói: Sa-môn Thích tử cũng mặc loại y này, cùng chúng ta đâu có khác gì? Các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Không nên mặc, vi phạm, phạm Đột-kiết-la.

Lúc này, Đức Thế Tôn cùng đầy đủ một ngàn hai trăm năm mươi Đại Tỳ-kheo du hành nhân gian về nơi phương Nam. Từ trên núi nhìn xuống thấy các thửa ruộng nước, xung quanh đắp bờ rất khéo, Đức Phật nghĩ: Các Tỳ-kheo của ta nên may y như vậy. Ngài liền hỏi Tôn giả

A-nan:

-Ông có thấy các thửa ruộng này không?

-Bạch Thế Tôn! Có thấy.

Phật bảo Tôn giả A-nan:

-Các Tỳ-kheo nên mặc y như vậy, ông có thể thực hiện được không?

Bạch Thế Tôn! Con có thể làm theo.

Vâng lời dạy, A-nan tự may, cũng dạy cho các Tỳ-kheo may, hoặc một đoạn dài, một đoạn ngắn, hoặc hai đoạn dài, một đoạn ngắn, hoặc ba đoạn dài một đoạn ngắn, lá điều bên trái thì gấp xếp về phía bên trái, lá điều bên phải thì gấp xếp về phía bên phải, lá điều chính giữa thì phủ đều qua hai bên. May xong, mặc thật thích nghi. Đức Phật thấy rồi bảo các Tỳ-kheo:

Tôn giả A-nan có đại trí tuệ, nghe Ta lược nói mà may đúng như pháp. Đây gọi là y cắt rọc, không giống bất cứ y nào, so cùng y các ngoại đạo thì khác hẳn. Oan gia, đạo tặc lại không lấy để làm gì. Từ nay cho phép các Tỳ-kheo cắt rọc may thành ba y, nếu bị rách nên vá lại.

Đức Phật ở thành Tỳ-xá-ly, có một trú xứ, đất thấp rất ẩm ướt, nhiều loại mòng muỗi, các Tỳ-kheo không thể ở được. Các vị về các thành: Xá-vệ, Chiêm-bà, Ca-duy-la-vệ, Vương-xá để An cư. Trú xứ ấy bị bỏ trống. Các Cư sĩ nói: Đại đức có thể ở đây An cư, chúng con sẽ cung cấp thức ăn uống. Các Tỳ-kheo nói: Nơi đây có nhiều mòng muỗi không thể ở được. Các Cư sĩ lại thưa: Miễn Đại đức ở lại chúng con sẽ đưa màn đến. Các Tỳ-kheo không biết có được phép nhận hay không, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép nhận. Các Tỳ-kheo không biết may lớn nhỏ thế nào. Bạch Phật. Phật dạy: Nên tùy theo giường lớn nhỏ mà may.

Các Tỳ-kheo thường mặc một y vào trong xóm làng rồi về lại Tăng phường, không thay đổi y, y bị mồ hôi làm nhớp nhúa bất tịnh. Các Cư sĩ thấy chê bai nói: Sa-môn Thích tử bất tịnh, gớm ghiếc, thường mặc một y ra vào trong xóm làng. Các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Ở nơi Tăng phường nên mặc y lót, không nên mặc y bẩn nhớp vào trong làng xóm. Các Tỳ-kheo không có phòng xá để ở, muốn làm phòng mới, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép ở trong Tăng phường, vì Tăng mà làm. Các Tỳ-kheo khác không yểm trợ, bạch Phật. Phật dạy: Nên yểm trợ. Các Tỳ-kheo bèn yểm trợ lâu dài, trở ngại việc tọa thiền hành đạo, bạch Phật. Phật dạy: Không nên yểm trợ lâu dài, nếu đương sự không đủ sức thì mới yểm trợ. Các Tỳ-kheo khi làm việc y bị nhơ nhớp hư hoại, thường phải giặt và vá nên trở ngại việc ngồi thiền, hành đạo, bạch Phật. Phật dạy: Tăng nên may loại y để mặc khi làm việc. Các Tỳ-kheo xấu hổ không dám mặc y lót mình, bạch Phật. Phật dạy: Vì Tăng, khi làm việc, cho phép tùy ý mặc. Các Tỳ-kheo mặc y của Tăng hơi nhớp một chút, bèn đem giặt, do đó mau rách, bạch Phật. Phật dạy: Không nên giặt thường xuyên, làm xong việc sau đó mới giặt.

Các Tỳ-kheo muốn làm chỗ kinh hành mới, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép làm. Các Tỳ-kheo lại làm không thẳng, bạch Phật. Phật dạy: Nên làm thẳng. Các Tỳ-kheo muốn làm đường kinh hành cao, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép làm cao. Hai bên đường đi kinh hành lại bị hư, các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Cho phép dùng đất thổ trắng, cũng cho phép dùng vải, hay cỏ Bà bà đắp lên trên.

Khi đại hội, người nhiều phòng ít, các Tỳ-kheo không có chỗ ở, bạch Phật. Phật dạy: Trong phòng có nhiều chỗ để ngồi, cho phép trải vải ngồi để trống chính giữa. Các Tỳ-kheo ở cùng một phòng lại cùng nhau làm ồn. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Nên dùng vải ngăn lại, cũng cho phép làm cái lỗ hổng. Các Tỳ-kheo ngồi dựa nơi vách, các Cư sĩ thấy chê trách nói: Sa-môn Thích tử này già rồi mới xuất gia nên không có oai nghi, tại sao lại dựa nơi vách mà ngồi? Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Không nên ngồi dựa nơi vách. Có các Tỳ-kheo già bệnh không thể tự mình nắm lấy cỏ kết chỗ ngồi để dựa, làm nhơ nhớp trong phòng, quý vị bạch Phật. Phật dạy: Không nên buộc cỏ để dựa, cho phép làm các dây ngồi thiền, kín đáo nơi ghế. Các Tỳ-kheo làm dây ngồi thiền rộng, bạch Phật. Phật dạy: Không nên làm quá tám ngón tay. Các Tỳ-kheo lại làm dây ngồi thiền hẹp, bạch Phật. Phật dạy: Không nên hẹp hơn năm ngón tay. Các Tỳ-kheo lại làm dây ngồi thiền bằng tạp sắc, bạch Phật. Phật dạy: Nên làm một màu, nếu các loại tạp sắc thì nên giặt nhuộm cho hoại sắc, vậy sau mới cho phép dùng.

Lúc ấy, Trưởng lão Kha-hưu nhận được một chiếc y, muốn làm An-đà-hội thì dài quá, muốn làm Tăng-già-lê, Ưu-đa-la-tăng thì lại thiếu, nên thường phải kéo cho nó rộng ra. Đức Phật đi đến các phòng, thấy hỏi: Thầy làm gì vậy? Đương sự trình bày đầy đủ sự việc. Phật dạy: Nếu không đủ thì nên làm ba dài, một ngắn, nếu lại không đủ thì nên làm hai dài, một ngắn, nếu cũng không đủ thì làm một dài, một ngắn. Nếu lại cũng không đủ nữa thì cho phép may ép làm thành lá. Trưởng lão Kha-hưu lại nhận được một tấm vải, thiếu không đủ cắt rọc may ba y, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép cắt rọc may Tăng-già-lê, Ưu-đa-latăng và Man-an-đà-hội.

Khi có đại chúng hội hợp, các bạch y đem y cúng dường, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép nhận. Các bạch y muốn chú nguyện, bạch Phật. Phật dạy: Nên vì họ chú nguyện. Các Tỳ-kheo không biết chú nguyện, bạch Phật. Phật dạy: Nên khiến vị Duy na chú nguyện. Quý vị không biết đem để chỗ nào, bạch Phật. Phật dạy: Nên như trước, bạch nhị Yết-ma, để ngay chính giữa phòng. Quý vị không biết giao ai giữ lấy, bạch Phật. Phật dạy: Nên như trước, bạch nhị Yết-ma, sai một Tỳkheo giữ lấy. Các Tỳ-kheo bèn Yết-ma, sai Tỳ-kheo vô trí, không phân biệt được y tốt xấu, bạch Phật. Phật dạy: Người có năm pháp sau đây không nên sai giữ lấy y: ái, sân, sợ, si, không biết y tốt xấu. Các Tỳkheo chia y nơi chỗ ồn ào, y bị mất, Tỳ-kheo giữ y bị mang tiếng xấu, bạch Phật. Phật dạy: Nên chia nơi chỗ vắng.

Lúc chia y có Tỳ-kheo khách đến, Tỳ-kheo cựu trú hỏi: Hôm đó, thầy ở đâu? Tôi ở chỗ ấy, các Tỳ-kheo nói: Chúng tôi nhận được y ngày ấy, Tỳ-kheo này ở trong giới, vấn đề chia y này không thành, bạch Phật. Phật dạy: Ngày nhận được y, có Tỳ-kheo, tưởng có Tỳ-kheo, chia y không thành, phạm Đột-kiết-la. Có Tỳ-kheo, nghi cũng như vậy. Không Tỳ-kheo, tưởng có Tỳ-kheo, thành chia y, mắc tội Đột-kiết-la. Không Tỳ-kheo, nghi cũng như vậy. Không Tỳ-kheo, tưởng không Tỳ-kheo, thành chia y, không phạm.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo không có đồ lót thân, nằm trên ngọa cụ của Tăng ô uế bất tịnh. Lại có một Tỳ-kheo không có đồ lót thân, nằm trên ngọa cụ của Tăng, chân đạp ngọa cụ bị hỏng, bạch Phật. Phật dạy: Vì hộ thân, hộ y, hộ ngọa cụ của Tăng cho phép sắm Đơn phu, trải trên ngọa cụ của Tăng.

Khi ấy, Lục quần Tỳ-kheo, do Phật không cho phép dùng đồ lót thân, nằm trên ngọa cụ của Tăng dùng vật rộng vài tấc làm phu cụ trải trên ngọa cụ của Tăng, bạch Phật. Phật dạy: Bề dài, bề rộng nên như ngọa cụ. Các Tỳ-kheo không hệ niệm, ngủ bị xuất bất tịnh, nhớp Đơn phu, bạch Phật. Phật dạy: Nên dùng tọa cụ trải trên Đơn phu. Có các Tỳ-kheo bị mọt cắn, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép làm riêng một cái rộng dài hơn cái Đơn phu, trải xuống dưới, thòng xuống xung quanh giường mỗi bên một thước.

Bấy giờ, Tôn giả Ưu-ba-ly hỏi Phật: Bạch Thế Tôn! Có bao nhiêu loại y nên thọ trì? Đức Phật dạy: Có ba loại y nên thọ trì: (y Phấn tảo, y Tăng-già-lê, y An-đà-hội). Ngoài ra y lót thân, y đắp, y tắm mưa, y che ghẻ, y ngăn mòng muỗi, y trải chỗ đi kinh hành, y ngăn mọt, y đơn phu, y tọa cụ, y bảo vệ đầu gối, y bảo vệ gót chân, y bảo vệ đầu, các loại khăn lau thân, lau tay, lau mặt, đãy đựng kim chỉ, đựng bát, đựng giày dép, lọc nước, nếu tương tự như y đều nên thọ trì.

Có một Tỳ-kheo bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Ngài thường khen ngợi kẻ thiểu dục, tri túc, con rất vui mừng, con nguyện xin được sống lõa hình. Đức Phật dạy: Ngươi là người ngu si, muốn làm theo nghi pháp của ngoại đạo, vi phạm, phạm Thâu-lan-giá.

Có các Tỳ-kheo bạch Phật: Hoặc có người muốn làm y bằng tóc, y bằng da nai, y bằng da dê, y bằng lông chim, y bằng lông ngựa, y bằng đuôi trâu, y bằng cỏ, bằng vỏ cây, bằng lá. Đức Phật dạy: Ngươi là kẻ ngu si, muốn làm các pháp nghi của ngoại đạo. Tất cả pháp nghi của ngoại đạo đều không làm, nếu làm thì phạm Thâu-lan-giá.

Có một Tỳ-kheo bạch Phật, chúng con xin được phép bên trong mặc y Quán đầu, phủ lên trên bằng y Bạt na. Đức Phật dạy: Ngươi là kẻ ngu si, muốn làm theo pháp nghi của bạch y, vi phạm, phạm Độtkiết-la.

Có các Tỳ-kheo muốn làm y Quán đầu bên trong, y Kíp bối bên ngoài, hoặc muốn may y Tô ma, y Ban kíp bối, hoặc muốn mang nhẫn nơi ngón tay, kẽ lông mày, mang giày dép tạp sắc, bạch Phật. Phật dạy: Ngươi là kẻ ngu si, đó là nghi pháp của bạch y, tất cả nghi pháp của bạch y đều không nên làm, vi phạm, phạm Đột-kiết-la.

Có một Tỳ-kheo bạch Phật, cho phép chúng con mặc y thuần màu xanh, vàng, đỏ, trắng, đen. Đức Phật dạy: Y màu thuần đen là y của đàn bà mặc khi sinh đẻ, vi phạm, phạm Ba-dật-đề, còn bốn sắc kia thì phạm Đột-kiết-la.

Khi ấy các Tỳ-kheo đầu bị lạnh, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép dùng y trùm lên, cũng cho phép làm cái mão đội cho ấm. Có các Tỳkheo không mặc Tăng-kỳ-chi, vào trong xóm làng, hông và ngực bị bày ra, các người thấy bỡn cợt, các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Không nên như vậy, vào xóm làng phải mặc Tăng-kỳ-chi, vi phạm, phạm Độtkiết-la.

Có các Tỳ-kheo mặc Tăng-kỳ-chi, bị gió thổi, bay xuống đất, bạch Phật. Phật dạy: Nên dùng dây cột lại.

Có các Tỳ-kheo đứng trên chỗ cao cột dây, các người nữ ở chỗ thấp thấy hình thể cười cợt, các Tỳ-kheo xấu hổ, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép khi làm việc, lấy y từ phía sau choàng đến cột về phía trước. Lúc đó, Bạt-nan-đà biết trú xứ chưa chia phẩm vật cúng An cư, liền đến nói: Tại sao không chia gấp đi, nếu không chia, hoặc bị trùng cắn, hoặc bị nạn nước lửa v.v… nếu chia có thể được tự dụng, hoặc cho đệ tử

hay làm các việc phước. Các Tỳ-kheo liền chia. Bạt-nan-đà nói: Các thầy không rành cái nào quý cái nào kém. Các Tỳ-kheo nói: Nếu thầy khá rành, hãy vì chúng tôi chia giùm và thầy tự lấy phần mình. Được cơ hội, Bạt-nan-đà liền chia, rồi lấy phần của mình mang đi ngay. Lại đến trú xứ khác cũng làm như vậy chứ không phải một chỗ: Được một gánh nặng, Bạt-nan-đà về lại trú xứ. Các Tỳ-kheo trông thấy khen: Thầy là người đại phước đức nên mới được số y như vậy. Bạt-nan-đà nói: Đâu phải do có phước mà được, do đến các trú xứ An cư dùng xảo ngôn mà được. Các Tỳ-kheo bằng mọi cách chê trách: Tại sao An cư một chỗ mà lại nhận phẩm vật nhiều chỗ? Quý vị bạch Phật, nhân việc này, Đức Phật tập hợp các Tỳ-kheo Tăng, hỏi Bạt-nan-đà: Thật sự ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn! Sự thật con có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách: Ta thường nói thiểu dục, tri túc, tại sao ông lại thọ nhận nhiều mà không nhàm chán? Quở trách rồi, Phật bảo các Tỳkheo: Không nên An cư một chỗ mà nhận phẩm vật An cư nhiều chỗ, nếu vi phạm, phạm Đột-kiết-la.

Khi ấy, các Tỳ-kheo chỉ mặc y thượng và hạ vào trong xóm làng, bạch Phật. Phật dạy: Không nên như vậy, vi phạm, phạm Đột-kiết-la.

Có các Tỳ-kheo mặc y lộn ngược vào xóm làng, các Tỳ-kheo thấy nói: Mặc y lộn ngược cùng với mặc y không cắt rọc có gì khác đâu, bạch Phật. Phật dạy: Không nên như vậy, vi phạm, phạm Đột-kiết-la.

Có các Tỳ-kheo khi chưa vào thôn và khi ra khỏi thôn, bị cỏ cây móc y rách, bụi đất vào trong các phần lá, muốn lộn ngược y lại mà không dám, bạch Phật. Phật dạy: Vì bảo vệ y, nên khi chưa vào thôn và lúc ra khỏi thôn, cho phép lộn y lại.

Có các Tỳ-kheo nhuộm, làm điều lên Man y, lại có may cái lá dính vào y, hoặc may áp lá y hoặc làm áp lá y phân nửa hướng lên trên, phân nửa hướng xuống dưới, bạch Phật. Phật dạy: Không nên như vậy, vi phạm, phạm Đột-kiết-la.

Có các Tỳ-kheo mặc y tạp sắc, bạch Phật. Phật dạy: Không nên như vậy, vi phạm, phạm Đột-kiết-la.

Có các Tỳ-kheo, khi mưa, mặc y lộn ngược, nước vào trong lá y, hư mục, bạch Phật. Phật dạy: Khi mưa không nên mặc y lộn ngược, nếu lúc không mưa thì tùy ý mặc.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo có y, bát các vật, muốn dùng để cúng cho Tăng, bạch Phật. Phật dạy: Có chín cách nhận được của thí đều cho phép cúng cho Tăng:

  1. Giới vức được thí.
  2. Cần thiết được thí.
  3. Hạn được thí.
  4. Tăng được thí.
  5. Tăng hiện tiền được thí.
  6. Tăng An cư được thí.
  7. Hai bộ Tăng được thí.
  8. Giáo được thí.
  9. Người được thí.

Giới vức được thí: Thí chủ nói: Cúng cho Tăng trong cương giới này. Như vậy gọi là giới vức được thí.

Cần thiết được thí: Khi Tăng An cư ở các cương giới cùng quy định, một trú xứ nhận được của thí đều chia cho nhau. Như vậy gọi là cần thiết được thí.

Hạn được thí: Thí chủ nói: Dâng cúng cho vị Tăng như vậy, như vậy. Như thế gọi là hạn được thí.

Tăng được thí: Thí chủ cúng cho Tăng, Tăng nên biết vật thí như thế tùy nghi phân chia. Như vậy gọi là Tăng được thí.

Tăng hiện tiền được thí: Thí chủ đối diện cúng cho Tăng. Như vậy gọi là Tăng hiện tiền được thí.

Tăng An cư được thí: Thí chủ nói: Cúng cho Tăng An cư nơi đây. Như vậy gọi là Tăng An cư được thí.

Hai bộ Tăng được thí: Thí chủ cúng cho hai bộ Tăng, nếu Tỳ-kheo nhiều, Tỳ-kheo-ni ít, hay Tỳ-kheo-ni nhiều, Tỳ-kheo ít đều nên chia đôi. Nếu có Tỳ-kheo mà không có Tỳ-kheo-ni thì Tỳ-kheo nên chia hết. Nếu có Tỳ-kheo-ni mà không có Tỳ-kheo thì Tỳ-kheo-ni nên chia hết. Như vậy gọi là hai bộ Tăng được thí.

Giáo được thí: Thí chủ yều cầu Tăng, sử dụng như vậy, như vậy, thì cũng chia. Như thế gọi là giáo được thí.

Người được thí: Thí chủ nói: Con cúng cho thầy… như vậy gọi là người được thí.

Lại có năm cách được thí: Cúng cho Phật và Tăng, cúng cho Phật và Tỳ-kheo-ni, cúng cho Phật và hai bộ Tăng, vì người cúng cho Tăng với thời gian dài.

Có một Sa-di qua đời, các Tỳ-kheo không biết xử sự thế nào các vật cúng của ông ta, bạch Phật. Phật dạy: Nếu khi còn sống đã cho ai thì nên cho họ, nếu khi còn sống không cho ai thì nên chia cho Tăng hiện tiền.

Có một Tỳ-kheo ít người quen qua đời, có y thượng, hạ và phi y,

các Tỳ-kheo không biết thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Nếu khi sinh tiền không hứa cho ai thì Tăng hiện tiền nên chia. Nếu lúc sinh tiền đã hứa cho vị nào mà chưa đưa, Tăng nên bạch nhị Yết-ma đưa cho họ. Một Tỳ-kheo xướng:

Đại đức Tăng xin lắng nghe, Tỳ-kheo tên… qua đời ở nơi đây, lúc sinh tiền có sở hữu hoặc y hoặc phi y, Tăng hiện tiền nên chia, trước đã cho Tỳ-kheo… nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Đây là lời tác bạch.

Đại đức Tăng xin lắng nghe, Tỳ-kheo tên… qua đời ở nơi đây, lúc sinh tiền có sở hữu hoặc y hoặc phi y, Tăng hiện tiền nên chia, nay cho Tỳ-kheo… các Trưởng lão nào đồng y thì im lặng, vị nào không đồng ý xin nói.

Tăng đã đồng ý cho Tỳ-kheo… y rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc như vậy, thọ trì như vậy.

Có một Tỳ-kheo có nhiều người quen, được quốc vương, Đại thần nhiều người cúng dường, qua đời, rất nhiều của cải, các Tỳ-kheo không biết thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Nếu lúc sinh tiền đã hứa cho ai thì nên bạch nhị Yết-ma để cho. Nếu lúc sinh tiền không hứa cho ai, thì có thứ nên chia, có thứ không nên chia. Như y Bà-na, y Tô-ma, y Kíp bối, lông câu nhiếp dài năm ngón tay, hoặc Tăng-già-lê, Ưu-đa-la-tăng, An-đà-hội, hoặc y hạ, hoặc Xá-lặc, hoặc Đơn-phu, hoặc y lót thân, hoặc mền, hoặc tọa cụ, hoặc đãy đựng kim chỉ, đãy lọc nước, đãy đựng bát, đãy đựng giày dép, hoặc bát lớn, bát nhỏ, móc cửa, những vật như vậy thì có thể chia, Tăng hiện tại đều nên chia. Nếu là gấm, lụa là, lông bàng dạ, lông câu nhiếp quá năm ngón tay, hoặc áo tắm mưa, áo che ghẻ, mùng màn, kinh hành phu, hoặc đơn phu ngăn mọt, tọa cụ, giường nằm, giường ngồi, trừ loại bát bằng sành lớn hay nhỏ, đồ tưới nước, ngoài ra tất cả các đồ bằng sinh, trừ bát bằng sắt lớn hay nhỏ, móc cửa, kim, vật cắt móng tay, ngoài ra tất cả đồ bằng sắt, trừ các loại làm bằng đồng, như Đa-la thạnh nhãn vật làm thuốc, ngoài ra tất cả loại làm bằng đồng như tán cái, tích trượng, tất cả những vật như vậy đều không nên chia, mà thuộc đồ dùng của Tăng.

Có các Tỳ-kheo nhận được phẩm vật cúng An cư mà chưa chia, hoặc có người qua đời, có người hoàn tục, có người làm ngoại đạo, có người đi xa, có người làm Sa-di, có người thọ đại giới lại, có người biến thành hai căn, có người căn bị tiêu diệt, các Tỳ-kheo không biết nên giải quyết như thế nào, bạch Phật. Phật dạy: An cư nhận được phẩm vật cúng mà chưa chia, nếu qua đời, lúc sinh tiền vị ấy đã hứa cho ai, thì nên bạch nhị Yết-ma để cho. Nếu sinh tiền vị ấy không hứa cho ai, Tăng hiện tiền nên chia. Người hoàn tục, hoặc làm ngoại đạo, đi xa, biến thành hai căn, căn tiêu diệt cũng như vậy. Làm Sa-di thì nên chia theo phần Sa-di, thọ đại giới lại thì nên chia theo phần của đại Tỳ-kheo.

Có các Tỳ-kheo khi An cư chưa nhận được phẩm vật cúng An cư, hoặc qua đời, cho đến căn biến, sau đó nhận được vật cúng, cũng như vậy. Tỳ-kheo-ni cũng như thế.

Bấy giờ, Điều-đạt nhận được phẩm vật cúng An cư chưa chia, Tăng bị phá, các Tỳ-kheo không biết giải quyết thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Nếu Tăng chưa phá mà nhận được vật phẩm thì nên chia đều, nếu Tăng phá rồi, sau đó mới nhận được vật thì nên tùy theo chỗ dâng cúng mà chia.

Có Tỳ-kheo không đồng cương giới Tăng bị phá, sau đó, muốn làm các Yết-ma, cho người thọ giới Cụ túc, không biết thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Nếu Tăng đã bị phá, tuy đồng cương giới, cho phép tác Yết-ma, hành Tăng sự, không phạm biệt chúng.

Có một trú xứ, chỉ một Tỳ-kheo ở, chẳng phải thời gian An cư nhận được y dâng cúng cho Tăng, vị ấy khởi ý niệm: Phật dạy: Bốn người trở lên gọi là Tăng, nay ta chỉ có một người không biết nên thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Nên thọ trì, hoặc tịnh thí, hay cho người, nếu không vậy, Tỳ-kheo khác đến nên cùng chia.

Nếu có trú xứ của Tỳ-kheo, chẳng phải thời gian An cư nhận được vật cúng cho Tăng, nếu không có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nên chia.

Nếu trú xứ của Tỳ-kheo-ni, chẳng phải thời gian An cư nhận được vật cúng cho Tỳ-kheo-ni Tăng, nếu không có Tỳ-kheo-ni, Tỳ-kheo nên chia.

Nếu có trú xứ của Tỳ-kheo, chẳng phải thời gian An cư, Tỳ-kheo qua đời, không có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nên chia. Nếu trú xứ của Tỳkheo-ni, chẳng phải thời gian An cư, Tỳ-kheo-ni qua đời, không có Tỳkheo-ni, Tỳ-kheo nên chia. Thời gian An cư nhận được vật cúng, đều cũng như vậy.

Có một đệ tử của ngoại đạo, xuất gia trong pháp luật của Phật, các thân tộc người ấy đều nói: Tại sao bỏ đạo A-la-hán của ta, lại xuất gia trong Sa-môn Thích tử, nên bắt trở lại. Họ lại nói: Nếu đương sự nghe, hoặc có thể trốn thoát, Sa-môn Thích tử không phá An cư. Khi ấy đến bắt, chắc được không có nghi ngờ gì. Tỳ-kheo kia nghe không biết thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép phá An cư đi. Tỳ-kheo kia bèn từ một trú xứ đến một trú xứ, không biết nên nhận phần phẩm vật An cư nơi trú xứ nào, bạch Phật. Phật dạy: Nếu ở trú xứ nào nhiều ngày hơn thì nhận phẩm vật An cư nơi trú xứ đó.

Có hai Tỳ-kheo cùng đi trên một lộ trình, một Tỳ-kheo bệnh, một Tỳ-kheo nuôi bệnh. Tỳ-kheo kia qua đời, Tỳ-kheo nuôi bệnh đem y bát đến chỗ Đức Thế Tôn, bạch Phật việc ấy. Nhân việc này Phật tập hợp các Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nuôi bệnh rất khó khổ nay cho phép đem ba y và bát bạch nhị Yết-ma cho người nuôi bệnh. Một Tỳkheo xướng:

Đại đức Tăng xin lắng nghe, Tỳ-kheo… qua đời, ba y và bát Tăng hiện tiền nên chia, nay đem cho người nuôi bệnh. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Đây là lời tác bạch.

Đại đức Tăng xin lắng nghe, Tỳ-kheo tên… qua đời, ba y và bát Tăng hiện tiền nên chia, nay đem cho người nuôi bệnh. Các Trưởng lão nào đồng ý thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.

Tăng đã cho Tỳ-kheo… y bát rồi, Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc như vậy, thọ trì như vậy.

Có một Tỳ-kheo nhác nhớm không tiếp tay công việc của chúng, cũng không hầu hạ Hòa thượng, A-xà-lê, khi mắc bệnh, không có ai chăm sóc, phân nước tiểu nhớp cả thân, bất tịnh hôi hám. Đức Phật đi xem xét các phòng thấy, tự tay Ngài tắm rửa, giặt giũ y của bệnh nhân, trừ khử bất tịnh, đỡ nằm trên giường và ngồi một bên an ủi: Thầy đừng lo sợ, thầy sẽ được lành, không sao đâu. Tỳ-kheo kia nghe rồi hoan hỷ. Đức Phật lại nói các pháp diệu, Tỳ-kheo bệnh xa trần lìa cấu, ở trong các pháp đặng mắt pháp trong sạch. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp các Tỳ-kheo Tăng, hỏi Tôn giả A-nan: Tỳ-kheo… bệnh, tại sao không có người chăm nom? A-nan trình bày đúng sự thật. Đức Phật bảo Anan: Các ông làm điều phi pháp, Tỳ-kheo không có cha mẹ, chính mình không tự chăm sóc thì ai chăm sóc. Này các ông! Nay cho phép các Tỳkheo phải cử người nuôi bệnh. Các Tỳ-kheo không biết cử ai nuôi bệnh, bạch Phật. Phật dạy: Đệ tử phải chăm sóc Hòa thượng, Hòa thượng phải chăm sóc đệ tử. A-xà-lê đồng Hòa thượng, A-xà-lê cũng như vậy. Có Tỳ-kheo khách đến bệnh, không có Hòa thượng, A-xà-lê, cũng không có đồng sư, không có ai chăm sóc, các Tỳ-kheo không biết thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Trước hết nên khuyên một người nuôi bệnh, nếu không có người này, nên mỗi ngày theo thứ tự sai một người, nếu người nào không nhận chịu thì như pháp trị. Khi ấy, các Tỳ-kheo tranh nhau chăm sóc, gây não loạn cho người bệnh, bạch Phật. Phật dạy: Không nên làm như vậy, nên hai, ba người đến lo liệu các việc mà người bệnh cần.

Khi ấy, người nuôi bệnh tìm xin thuốc khó khăn, mà người bệnh không chịu uống, trở ngại cho việc hành đạo, bạch Phật. Phật dạy: Người bệnh có năm việc khó nuôi: Không thể tự tiết lượng thức ăn. Không chịu uống thứ thuốc mà theo chứng bệnh cần. Không chịu nói bệnh tình cho người nuôi bệnh. Không theo lời khuyên của người nuôi bệnh. Không thể luôn quán vô thường. Có năm việc không thể làm người nuôi bệnh: Người không biết thứ thuốc nào người bệnh cần uống. Không thể cho ăn thức ăn theo chứng bệnh. Không thể vì người bệnh nói pháp, chỉ vẽ sự lợi ích để họ vui mừng. Gớm ghét những phân tiểu, đàm dãi của người bệnh. Vì lợi nên chăm sóc chứ không vì lòng từ.

Có các người nuôi bệnh, hoặc vì người bệnh, hoặc vì chuyện riêng tư, bỏ đi, sau đấy người bệnh qua đời, người khác nhận được y bát của người đó, bạch Phật. Phật dạy: Không nên cho người như vậy mà nên cho người nuôi bệnh có thủy chung.

Có một Tỳ-kheo bệnh, người nuôi bệnh nhiều, các Tỳ-kheo không biết bao nhiêu người nên được y, bạch Phật. Phật dạy: Nếu Tỳ-kheo qua đời, y nên cho hai người: Tỳ-kheo và Sa-di, tuy cha mẹ, anh em cũng không được cho. Nếu Tỳ-kheo-ni qua đời nên cho y ba người: Tỳ-kheoni, Thức-xoa-ma-na và Sa-di-ni.

Có các Tỳ-kheo chia phần nuôi bệnh cho Sa-di bằng một phần ba, bạch Phật. Phật dạy: Nên chia đồng nhau.

Có Tỳ-kheo qua đời, trước đem y tịnh thí cho các Tỳ-kheo, các Tỳ-kheo không chịu trả lại, bạch Phật. Phật dạy: Nếu vị kia vốn không phải là thân lý, không có thiện ý cho, đều nên trả lại.

Bấy giờ, các Tôn giả Xá-lợi-phất, Mục-liên Tự tứ xong, du hành các nơi. Đồng An cư và trú xứ gần, số đông có các Tỳ-kheo tùy tùng theo, các bạch y thấy, mọi người đều nghĩ: Nên vì Tôn giả Xá-lợi-phất, Mục-liên cúng y An cư cho Tăng. Nghĩ xong, họ liền dâng cúng. Nhận được một số lượng lớn, các Tỳ-kheo nơi chỗ nhận được vật cúng, nói với hai Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-liên: Cùng chia số y này. Chúng tôi không đồng An cư, chỉ có thể nhận thức ăn, chứ không chia phần y này, bạch Phật. Phật dạy: Nên cùng chia hết.

Lúc này, Ất-sư-đạt-đa, Bạt-đà-la Tự tứ xong, cũng cùng số đông Tỳ-kheo du hành các nơi. Các bạch y thấy nói: Nếu Tỳ-kheo An cư nơi trú xứ ta, ta dâng y này, cũng với số lượng nhiều. Các Tỳ-kheo khách kia đòi chia phần, được trả lời: Đây là của cúng cho Tỳ-kheo An cư trong cương giới của chúng tôi, không được phép chia cho các thầy. Quý

0 vị bạch Phật. Phật dạy: Không nên cùng chia.

Bấy giờ, có khách buôn mang Khâm-bà-la từ nước Ba-lợi đến Câu-xá-la, nghe Đức Phật ra đời, có đại oai thần, các đệ tử cũng như vậy, bèn dùng một số lớn y Khâm-bà-la cúng cho Tăng. Các Tỳ-kheo nói: Đức Phật chưa cho phép chúng tôi thọ y Khâm-bà-la, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép thọ. Khách buôn lại cúng riêng cho Thượng tọa, cũng không dám thọ, nói: Đức Phật chưa cho phép chúng tôi nhận riêng y Khâm-bà-la, bạch Phật. Phật dạy: Cũng cho phép nhận riêng.

Khi ấy, Tỳ-xá-khư-mẫu nói: Nếu ở nơi phòng do tôi làm, thì nên sử dụng ba y của tôi và y mặc lót, y đắp, y tắm mưa, y che ghẻ, y đơn phu, y ngăn mọt, mùng màn, không được sử dụng y của người khác. Các Tỳ-kheo tưởng đây là thuộc Tăng bốn phương không dám mặc y lót, bạch Phật. Phật dạy: Nếu thí chủ hiện tại cho phép thì mặc y lót thân.

Có các Tỳ-kheo-ni đem y bát và các vật khác cúng cho các Tỳkheo, các Tỳ-kheo không dám thọ. Các Tỳ-kheo-ni nói: Chúng con lại phải cầu phước điền nơi nào?! Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Cho phép tùy ý nhận. Lúc này, các Tỳ-kheo nhận được y Kíp bối kinh Khâm-bàla vĩ không dám nhận, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép nhận.

Bấy giờ, nơi thành Xá-vệ, người sữa chữa Khâm-bà-la thấy các Tỳ-kheo mặc y Khâm-bà-la, nói: Đại đức mặc loại y đó nên giặt đạp, khiến cho lông nó hiện ra mới thật là tốt đẹp, các Tỳ-kheo không dám, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép giặt đạp, nếu không biết thì cho phép nhờ người làm. Có các Tỳ-kheo giặt đạp Khâm-bà-la nơi chỗ đất trống, các bạch y thấy dè bỉu nói: Tỳ-kheo này giống như thợ đạp Khâm-bàla. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Nên đạp nơi chỗ vắng. Quý vị muốn cắt phần đầu Khâm-bà-la, không biết dùng cái gì để cắt, bạch Phật. Phật dạy: Nên sắm dao để xén.

Các Tỳ-kheo mặc y Ban sắc diên chức, các bạch y thấy, chê trách nói: Sa-môn Thích tử cùng với người đời đâu có khác. Các Tỳkheo bạch Phật. Phật dạy: Không nên mặc y Ban sắc diên chức, vi phạm, phạm Đột-kiết-la.

Có một người nữ sinh hài nhi, bị chết yểu, sau đó sinh một đứa trai, đem đến chỗ các Tỳ-kheo, xin y cà sa cho nó đeo, các Tỳ-kheo không dám cho, bạch Phật. Phật dạy: Nên cho.

Có một Tỳ-kheo ít người quen không có y, các người nữ xin y, không lấy gì cho. Họ nói: Tôi xuất của và cho tôi nhuộm y. Các Tỳ-kheo không dám cho nhuộm, bạch Phật. Phật dạy: Nên cho họ nhuộm. Khi ấy, Tất-lăng-già-bà-ta, cha mẹ nghèo khổ, muốn đem y cúng dường mà không dám, bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp các Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nếu có người trong một trăm năm, vai bên phải cõng cha, vai bên trái cõng mẹ, cha mẹ đại tiểu tiện luôn trên đó, và dùng y thực rất quý hiếm ở trên đời cúng dường, cũng chưa thể tạ ơn trong muôn một. Từ nay cho phép các Tỳ-kheo suốt đời hết lòng cúng dường cha mẹ, nếu không cúng dường, mắc tội rất nặng.