LUẬT DI SA TẮC BỘ HÒA HÊ NGŨ PHẦN

Hán dịch: Đời Lưu Tống, Tam tạng Phật Đà Thập người nước Kế Tân, cùng Trúc Đạo Sinh
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 18

 

Phần 3: NÓI VỀ CÁC PHÁP: THỌ GIỚI, BỐ TÁT, AN CƯ, TỰ TỨ, Y, GIÀY DÉP DA, THỨC UỐNG V.V…

Đoạn 2: NÓI VỀ PHÁP BỐ TÁT

Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Khi ấy, Sa-môn ngoại đạo, Bàla-môn, các ngày mồng tám, mười bốn, rằm trong tháng, cùng nhau tập hợp một chỗ hòa hợp Bố-tát thuyết pháp, nhiều người tới lui cúng dường. Vua Bình-sa thấy vậy khởi ý nghĩ: Đệ tử trong chánh pháp cũng làm như vậy, âu cũng là điều tốt đẹp? Ta sẽ hướng dẫn các quan, quyến thuộc đến đó nghe pháp, cung kính cúng dường, khiến cho mọi người được an ổn lâu dài.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn cũng khởi ý niệm như vầy: Ta vì các Tỳkheo kiết giới, mà các Tỳ-kheo có người không nghe, không thể tụng học, không thể nhớ thọ trì. Nay Ta nên cho phép các Tỳ-kheo Bố-tát, thuyết giới. Vua Bình-sa nghĩ rồi, đến chỗ Phật, đầu mặt lễ nơi chân rồi ngồi lui qua một bên, đem ý nghĩ đó bạch Phật. Đức Phật vì Vua nói các pháp diệu, chỉ vẽ sự lợi ích, khiến được hoan hỷ rồi, nhà Vua liền về lại cung. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng đem lời bạch của Vua Bình-sa và ý niệm của mình, nói với các Tỳ-kheo: Nay do mười điều lợi cho phép các Tỳ-kheo Bố-tát thuyết giới.

Đức Phật đã cho phép Bố-tát thuyết giới, các Tỳ-kheo lại Bố-tát hằng ngày. Quý vị bạch Phật. Đức Phật dạy: Không nên như vậy. Các Tỳ-kheo lại hai ngày, ba ngày đến năm ngày một lần Bố-tát. Quý vị bạch Phật. Đức Phật dạy: Cũng không nên như vậy, cho phép mồng tám, mười bốn nói pháp, ngày rằm Bố-tát. Các Tỳ-kheo không biết nói pháp gì, bạch Phật. Đức Phật dạy: Nên khen ngợi Tam bảo, nói niệm xứ, chánh cần, thần túc, căn, lực, giác đạo, vì các thí chủ khen ngợi chư Thiên. Các Tỳ-kheo bèn hợp thanh khen ngợi Tam bảo. Quý vị bạch Phật. Đức Phật dạy: Không nên như vậy, nên mời một vị. Các Tỳ-kheo thỉnh người phá giới, phá kiến, Tỳ-kheo nhân đây mà được thế lực. Quý vị bạch Phật. Đức Phật dạy: Không nên như vậy, nên thỉnh người học giới. Các Tỳ-kheo lại thỉnh Tỳ-kheo mù lòa có các bệnh, hủy nhục chúng Tăng. Quý vị bạch Phật. Đức Phật dạy: Không nên như vậy, nên thỉnh vị có các căn đầy đủ, thành tựu ký luận, thọ trì A-hàm. Khi ấy, trong chúng có nhiều hạng người này, các Tỳ-kheo không biết thỉnh ai, bạch Phật. Đức Phật dạy: Nên thỉnh theo thứ tự. Tỳ-kheo được thỉnh thuyết pháp mỏi mệt, bạch Phật. Đức Phật dạy: Nên thỉnh người thay phiên. Các Tỳ-kheo nói pháp bằng giọng ca vịnh, bạch Phật. Đức Phật dạy: Không nên như vậy. Khi nói pháp chúng hội đông, nghe không được hết, bạch Phật. Phật dạy: Nên trải nơi tòa cao, ngồi trên đó để nói, nhưng vẫn không nghe hết, bạch Phật. Phật dạy: Nên đứng để nghe. Đứng lâu chân bị thũng, bạch Phật. Phật dạy: Nên vừa đi vừa nghe.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo Bố-tát nơi đất trống, bị mòng muỗi, gió mưa, bụi đất làm khốn khổ, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép làm nhà Bố-tát. Nơi nhà Bố-tát kia không có thứ gì trải trên đất, nhớp chân các Tỳ-kheo, thường rửa nên sinh bệnh, bạch Phật. Phật dạy: Nên dùng bùn trét trên đất làm cho đất được sạch, cũng cho phép trải mười loại y, kể cả Bà bà… các loại cỏ mềm mại. Đức Phật cho phép dùng y để trải, lại đem trải nơi đất, các Cư sĩ thấy chê trách, nói: Các Sa-môn này như Đại thần của nhà Vua. Quý vị bạch Phật. Đức Phật dạy: Không nên đi kinh hành trên gấm. Lúc đó, các Tỳ-kheo dùng hoa rải trên tòa của Tỳkheo Thượng tọa, các Cư sĩ thấy, chê trách, nói: Như Đại thần của Vua. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Không nên vậy. Lại có các bạch y, vì cúng dường pháp nên muốn dùng hoa rải trên tòa của Tỳ-kheo Thượng tọa, các Tỳ-kheo không cho, họ nổi giận trách nói: Các Tỳ-kheo không thọ nhận sự cúng dường. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Bạch y muốn rải hoa thì tùy ý họ. Nếu hoa rớt trên đầu Tỳ-kheo và trên y thì nên phủi xuống, nếu rớt trên tòa thì không can gì. Khi ấy, các bạch y nghe pháp hoan hỷ muốn cúng dường, các Tỳ-kheo sợ rơi vào tình trạng xem như làm thuê, nên không dám nhận, bạch Phật. Phật dạy: Vì pháp cúng dường thì cho phép nhận.

Bấy giờ, Tỳ-kheo nói pháp một thời gian ngắn rồi nghỉ, chư Thiên, quỷ thần tưởng hết bèn đi. Trong chốc lát, Tỳ-kheo tiếp tục nói pháp, các vị kia quay trở lại nghe, chẳng phải một mà nhiều lần như vậy. Họ nổi giận nói: Các Tỳ-kheo này không quy định thời gian để nói pháp, giống như con nít giỡn chơi. Các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Nên quy định thời gian để thuyết pháp, nói pháp rồi nên chú nguyện.

Khi ấy, Tôn giả Kiếp-tân-na ở nơi núi Ất-sư-la, khởi ý nghĩ: Nay ta cần đến chỗ Tăng tập hợp để Bố-tát hay chăng? Rồi lại nghĩ: Ta thường thanh tịnh phiền gì phải đến. Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết ý nghĩ của Kiếp-tân-na, bỗng nhiên vắng mặt nơi thành Vương-xá, và hiện ra trước mắt Kiếp-tân-na, an tọa nơi tòa, nói: Thầy chớ nên nghĩ “Ta thường thanh tịnh phiền gì phải đến Bố-tát”. Nếu thầy không đến, không cung kính Bố-tát thì ai cung kính?! Đức Thế Tôn dạy như vậy rồi bèn cùng Kiếp-tân-na vắng mặt tại đó, rồi hiện về thành Vương-xá. Nhân việc này Phật tập hợp các Tỳ-kheo Tăng, nói lên điều Kiếp-tân-na nghĩ và lời dạy của mình, rồi bảo các Tỳ-kheo: Nay cho phép các Tỳ-kheo hòa hợp Bố-tát, nếu ai không đến, phạm Đột-kiết-la. Một Tỳ-kheo biết pháp hoặc Thượng tọa hoặc ngang bằng Thượng tọa nói:

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay là ngày thứ mười lăm Bố-tát thuyết giới, Tăng nhất tâm tác pháp Bố-tát thuyết giới. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Đây là lời tác bạch.

Các Đại đức! Nay Bố-tát nói về Ba-la-đề-mộc-xoa, tất cả cùng nghe khéo suy niệm. Nếu có tội nên phát lồ, không có tội thì im lặng. Do sự im lặng nên biết tôi và các Đại đức thanh tịnh. Như bậc Thánh im lặng, tôi và Đại đức cũng như vậy, Tỳ-kheo nào, trong chúng xướng lên như thế cho đến Ba lần, nhớ có tội mà không phát lồ, mắc tội cố ý vọng ngữ. Tội cố ý vọng ngữ, Đức Phật nói là pháp ngăn đạo. Người phát lồ được an lạc.

Trong đây, Ba-la-đề-mộc-xoa nghĩa là giới này phòng hộ các căn, tăng trưởng pháp thiện, đối với các pháp thiện nó là cửa ngõ ban đầu, nên gọi là Ba-la-đề-mộc-xoa. Lại nữa, thường phân biệt danh cú của giới pháp này, nên gọi chung là Ba-la-đề-mộc-xoa.

Các Tỳ-kheo không biết nên có mấy cách Bố-tát, bạch Phật. Phật dạy: Có năm cách Bố-tát:

-Một là tâm niệm miệng nói.

-Hai là hướng người khác nói tịnh.

-Ba là rộng hay lược thuyết giới.

-Bốn là Bố-tát Tự tứ.

-Năm là Bố-tát hòa hợp.

Các Tỳ-kheo không biết nên có mấy cách thuyết giới, bạch Phật. Phật dạy: Có năm cách thuyết giới:

-Một là nói bài tựa của giới rồi, nói các điều khác chư Tăng thường nghe.

-Hai là nói bài tựa của giới và bốn pháp đọa rồi, nói các điều khác chư Tăng thường nghe.

-Ba là nói bài tựa của giới… cho đến mười ba việc rồi, nói các điều khác chư Tăng thường nghe.

-Bốn là nói bài tựa của giới… cho đến hai pháp bất định, rồi nói các điều còn lại chư Tăng thường nghe.

-Năm là nói đầy đủ.

Các Tỳ-kheo không biết có mấy hạng trì luật, bạch Phật. Phật dạy: Có năm hạng trì luật, như trước đã nói. Tỳ-kheo trì luật có năm thứ công đức, cũng như trước đã nói. Tỳ-kheo trì luật có được bảy khả năng:

  1. Đa văn các pháp.
  2. Có thể suy tính là pháp hay phi pháp.
  3. Khéo tính toán Tỳ-ni.
  4. Khéo tiếp thu lời dạy của thầy.
  5. Đến chỗ khác nói năng không sợ.
  6. Chính mình trụ nơi Tỳ-ni.
  7. Biết giới cộng bất cộng.

Lại có bảy nghị lực:

  1. Chính mình trụ nơi giới, thành tựu oai nghi, cẩn thận sợ tội nhỏ.
  2. Đa văn có khả năng thọ trì pháp Phật giảng nói.
  3. Tụng hai bộ giới.
  4. Biết phạm.
  5. Biết không phạm.
  6. Biết sám hối.
  7. Biết không sám hối.

Lại có bảy sự thích nghi:

  1. Như trên.
  2. Như trên.
  3. Như trên.
  4. Không tùy theo ái.
  5. Không tùy theo sân.
  6. Không tùy theo si.
  7. Không tùy theo sợ.

Khi ấy, các Tỳ-kheo ở trong cương giới, tác pháp Bố-tát biệt chúng không như pháp. Lại có Bố-tát hòa hợp mà không như pháp. Lại có Bố-tát như pháp mà biệt chúng. Lại có Bố-tát như pháp mà hòa hợp, bạch Phật. Phật dạy: Ba cách Bố-tát trước có lỗi, Yết-ma không thành, phạm Đột-kiết-la. Cách Bố-tát sau không có lỗi, Yết-ma thành tựu, không phạm.

Bấy giờ, Vua Bình-sa quy định năm năm có một tháng nhuần, Sa-môn ngoại đạo, Bà-la-môn đều y theo mà tính công việc, riêng các Tỳ-kheo không chịu áp dụng, các quan và dân đều dị nghị nói: Sa-môn Thích tử ở trong lãnh thổ của Vua mà không áp dụng tháng nhuần của Vua. Các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Nên tùy theo vương pháp. Các Tỳ-kheo không biết tùy theo vương pháp bằng cách nào, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép Bố-tát thiếu một đêm. Các Tỳ-kheo liền thường Bố-tát thiếu một đêm, bạch Phật. Phật dạy: Không nên thường Bố-tát thiếu một đêm, nên Ba lần đủ, một lần thiếu, như vậy năm năm tính dồn lại đủ một tháng, thuận theo tháng nhuần của Vua.

Lúc đó, các Tỳ-kheo vào ngày thuyết giới đến các chỗ Bố-tát, hoặc gặp lửa nơi đồng trống, hoặc gặp nước lớn, hoặc gặp giặc tháng tám, hoặc bị nạn về phạm hạnh, nạn về y bát, nạn về mạng sống, bạch Phật. Phật dạy: Không nên vào ngày thuyết giới vì thuyết giới mà đến chỗ khác, nếu đi thì phạm Đột-kiết-la, cho phép tại trú xứ, nơi chỗ đất bằng, hoặc chỗ có cỏ mềm mại, hoặc có cây lớn, hoặc có tảng đá lớn, nên bạch nhị Yết-ma kết làm chỗ Bố-tát. Một Tỳ-kheo bạch:

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay kiết nơi đây làm chỗ Bố-tát. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Đây là lời tác bạch.

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay kiết nơi đây làm chỗ Bố-tát. Các Trưởng lão nào chấp thuận thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.

Tăng đã kiết làm chỗ Bố-tát rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc như vậy thọ trì như vậy.

Các Tỳ-kheo Bố-tát nơi chỗ đất trống, bị gió mưa, mòng muỗi gây khốn khổ, bạch Phật, Đức Phật dạy: Cho phép lấy phòng chính giữa, nơi dễ lui tới, bạch nhị Yết-ma kiết làm nhà Bố-tát, như trên đã nói. Các Tỳ-kheo lại muốn Yết-ma nơi phòng có đông chúng làm chỗ Bố-tát, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép kiết. Các Tỳ-kheo lại tranh ngồi trước, bạch Phật. Phật dạy: Không cho phép Yết-ma phòng đông chúng làm chỗ Bố-tát. Có các Cư sĩ đến, vào Tăng phường, nói với các Tỳ-kheo: Nếu Bố-tát trong phòng do chúng tôi làm, chúng tôi sẽ cúng bữa ăn trước, bữa ăn sau, Đát-bát-na, dầu thoa chân, thoa thân, dầu thắp đèn. Các Tỳ-kheo nghĩ: Nếu Đức Thế Tôn lại cho phép Yết-ma làm chỗ

Bố-tát nơi phòng đông chúng, thì không làm cho chúng ta mất phẩm vật cúng dường này. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Cho phép trở lại Yết-ma nơi phòng đông chúng làm chỗ Bố-tát, theo thứ tự mà Bố-tát. Phòng nhỏ không dung hết, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép ngồi dưới mái tranh trước và sau, cũng như trong sân. Các Tỳ-kheo nghe tiếng không rõ, sợ không thành Bố-tát, bạch Phật. Phật dạy: Nếu vì Bố-tát mà ở nơi đó, được gọi là Bố-tát.

Các Tỳ-kheo khi Bố-tát không xác định thời gian nên phế bỏ việc tọa thiền hành đạo. Quý vị bạch Phật, Đức Phật dạy: Nên xướng: “Đến giờ…”, hoặc đánh kiền chùy, hoặc đánh trống, hoặc thổi ốc. Các Tỳ-kheo làm trống bằng vàng, bằng bạc. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Nên dùng đồng thiếc, sành hay cây, lấy da bịt nơi đầu. Không biết giao ai đánh, quý vị bạch Phật. Phật dạy: Nên sai Sa-di, hay người giữ vườn đánh. Họ đánh nhiều, quý vị bạch Phật. Phật dạy: Nên đánh ba hồi. Đánh rồi treo giữa sân, người ngoài đến đánh mãi, các Tỳ-kheo tưởng hành Tăng sự, đều tập hợp, phế bỏ việc hành đạo, hoặc trời mưa ướt, đánh không kêu, quý vị bạch Phật. Phật dạy: Nên treo trong nhà, chỗ vắng. Có Sa-di khách đến, phân công đánh, không biết rõ giờ giấc, đánh lung tung, quý vị bạch Phật. Phật dạy: Người cựu trú nên đánh. Cho phép sắm trống Tăng, trống riêng, trống Tăng bốn phương, một cái dự bị. Các Tỳ-kheo lại làm cái ốc bằng vàng, bằng bạc, quý vị bạch Phật. Phật dạy: Nên thổi bằng ốc biển, hoặc dùng sừng để làm. Sa-di hay người giữ vườn thổi… cho phép được có sẵn một cái ốc dự phòng, cũng như trên đã nói. Các Tỳ-kheo không biết dùng gỗ gì làm kiền chùy, bạch Phật. Phật dạy: Trừ cây sơn, cây độc, ngoài ra loại cây nào có tiếng kêu đều cho phép làm. Nếu không có Sa-di thì Tỳ-kheo cũng đánh được (ngoài ra như trên). Các Tỳ-kheo không biết nên giao ai xướng Ba lần: Đến giờ… bèn bạch Phật. Phật dạy: Cho phép Sa-di hay người giữ vườn xướng. Tăng trong trú xứ nhiều, nghe không khắp, bạch Phật. Phật dạy: Nên ở chỗ cao mà xướng. Các Tỳ-kheo không biết tập hợp hay chưa, bạch Phật. Phật dạy: Tỳ-kheo ngồi gần nên nói cho biết. Sau có Tỳ-kheo khách đến không biết, bạch Phật. Phật dạy: Nên đếm số. Các Tỳ-kheo đếm rồi lại quên, bạch Phật. Phật dạy: Nên hành trù để lấy số mục. Một người hành trù, rồi tự mình thu lấy, lộn xộn, bạch Phật. Phật dạy: Nên sai một người thu riêng. Các Tỳ-kheo làm thẻ bằng vàng, bằng bạc, bạch Phật. Phật dạy: Nên dùng đồng, thiếc, răng, sừng, xương, tre, cây, để làm, trừ cây sơn, cây độc. Các Tỳ-kheo làm có loại ngắn, loại dài, bạch Phật. Phật dạy: Ngắn không nên ngắn hơn năm ngón tay, dài không được dài quá một khuỷu tay. Các Tỳ-kheo làm hoặc lớn hoặc nhỏ, bạch Phật. Phật dạy: Lớn không nên lớn hơn ngón tay út, nhỏ không nên nhỏ hơn chiếc đũa, nên sơn rồi đựng trong ống, treo trên nhà Bố-tát. Các Tỳ-kheo không biết ai nên hành trù, bạch Phật. Phật dạy: Nên sai Tỳ-kheo hạ tọa hành trù. Tỳ-kheo hạ tọa không biết hành trù bạch Phật. Phật dạy: Nên chọn người biết. Có Tỳ-kheo ném thẻ trù cho Tăng, bạch Phật. Phật dạy: Nên trao tận tay. Thâu rồi không đếm, đếm rồi không xướng, bạch Phật.

Phật dạy: Thâu rồi phải đếm, đếm rồi phải xướng. Xướng: Thành phần Tỳ-kheo xuất gia có bao nhiêu vị, Sa-di có bao nhiêu vị, tổng cộng là bao nhiêu vị. Khi ấy, có bạch y nghe Bố-tát, sau các Tỳ-kheo phạm tội, bạch y nêu tội lên, quý vị bạch Phật. Phật dạy: Không nên cho bạch y nghe, Sa-di cũng như vậy. Các Tỳ-kheo, tuy khiến Sa-di đến chỗ không thấy mà vẫn còn nghe được, quý vị bạch Phật. Phật dạy: Nên để ở chỗ không thấy, không nghe. Lại có các Sa-di biết sẽ Bố-tát, vào nằm dưới giường, vẫn nghe được giới, quý vị bạch Phật. Phật dạy: Nên coi dưới giường, lấy lửa soi cho khắp. Lửa soi khói đen cả nhà, hoặc bị cháy đồ chảy dưới đất, quý vị bạch Phật. Phật dạy: Nên làm cái lồng đèn, cái chân đèn, Tăng và cá nhân đều có thể cất để dùng. Các Tỳ-kheo dùng vàng, bạc để làm, bạch Phật. Phật dạy: Nên dùng đồng, thiếc, sành và gỗ để làm.

Có các bạch y cất nhà mới xong, thỉnh các Tỳ-kheo đến Bố-tát thuyết pháp trước để cúng dường khi về nhà mới, các Tỳ-kheo không biết thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép thọ. Lại có bạch y gia đình bị phi nhân gây não, thỉnh các Tỳ-kheo trong chúng đến Bố-tát thuyết pháp để được an lạc, cúng dường, các Tỳ-kheo không biết làm thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép thọ. Có Cư sĩ dâng nước mía, các Tỳkheo không dám thọ, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép thọ. Có các Cư sĩ hỏi các Tỳ-kheo: Hôm nay là ngày bao nhiêu? Các Tỳ-kheo nói không biết, họ bèn dị nghi nói: Sa-môn Thích tử ngày tháng còn không biết, huống hồ là thâm lý. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Nếu muốn đến nhà bạch y nên hỏi trước thầy: Nay là ngày bao nhiêu? Nếu thầy không biết thì nên hỏi người khác.

Bấy giờ, các Cư sĩ, ngày Bố-tát, đem thức ăn đúng thời, đồ uống đúng thời, thuốc bảy ngày, thuốc trọn đời đến Tăng phường cúng dường, muốn nghe pháp thọ tám phần giới, các Tỳ-kheo không để ý đến họ, họ nổi giận mang về. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Thượng tọa nên khiến hạ tọa quét đất, lấy nước, khiến tịnh nhân đem đồ để đựng các trai vật. Các Tỳ-kheo ăn hết không cho khách, khách dị nghị chê trách nói: Sa-môn Thích tử thường khen ngợi bố thí, chỉ có nhận sự bố thí của người mà không chịu bố thí cho ai. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Nên cho khách ăn. Khi cho ăn, các Tỳ-kheo lại để trong tay họ, chứ không có đồ đựng, họ chê trách nói: Các Tỳ-kheo coi họ như con nít. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Nên dùng đồ để đựng thức ăn, khi cho họ ăn xong, Thượng tọa hay vị ngang bằng với Thượng tọa vì họ nói pháp và chú nguyện. Sau người khách đi, có bốn vị hay trên bốn vị nên Bố-tát đầy đủ. Nếu hai vị hay ba vị thì nên hướng với nhau nói lên sự thanh tịnh, Trưởng lão ghi nhận cho… nói như vậy Ba lần. Nếu chỉ có một vị thì nên đợi, có vị nào đến thì cùng Bố-tát. Nếu không có ai đến thì để trống vai bên phải, quỳ gối chấp tay, tâm niệm miệng nói: Nay ngày mười bốn, mười lăm chúng Tăng Bố-tát, tôi tâm thọ Bố-tát. Nói như vậy Ba lần. Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Đây là pháp Bố-tát, từ nay nên trọn đời phụng hành như vậy, không làm, phạm Đột-kiết-la.

Khi ấy, các Cư sĩ vào trong Tăng phường hỏi các Tỳ-kheo: Tăng có bao nhiêu vị? Đáp: Tăng có… vị. Cư sĩ thưa: Chúng tôi mời Tăng ngày mai thọ trai. Các Tỳ-kheo ở trú xứ gần đó nghe, sáng ngày mai kéo hết đến, nên thức ăn không đủ. Các Tỳ-kheo nói: Các người thỉnh Tăng tại sao không cho tôi ăn? Đáp: Ngày hôm qua, tôi hỏi Tăng, tùy theo số đó mà sửa soạn, trước không mời mà đến đòi hỏi, không thỉnh mà ăn, quá hơn ngoại đạo, những vị này không có hạnh Sa-môn, phá pháp Sa-môn. Các Tỳ-kheo Trưởng lão nghe, bèn nghiêm khắc quở trách, rồi bạch Phật. Phật dạy: Không thỉnh không nên đến, nếu đến, phạm Đột-kiết-la.

Lại có các Tỳ-kheo, có duyên sự cần gặp, gặp ngày gia chủ mời ăn, xấu hổ không dám đến, bạch Phật. Phật dạy: Không vì ăn thì được phép đến.

Lúc này, có Cư sĩ mời Tăng thọ trai, có Tỳ-kheo khách đến, các Tỳ-kheo không biết giải quyết thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Nên nói với người chủ: Có Tỳ-kheo khách đến, được phép mời vào không? Nếu được phép mời vào càng hay, bằng không nên nói: Cho chúng tôi phần ăn, chúng tôi tự chia nhau bình đẳng để ăn. Nếu được thì hay, bằng không được mỗi người tự lấy bát nhận phần ăn của mình rồi ra ngoài chia nhau cùng ăn. Nếu được thì hay bằng không được thì trong Tăng phường có thức ăn gì nên đem ra cúng dường khách Tăng đó.

Năm đó mất mùa khất thực khó được, Tỳ-kheo khắp nơi đều tập trung về thành Vương-xá, Tăng phòng đều bỏ trống, không có người coi ngó, phòng xá, ngọa cụ hoặc bị lửa cháy, hoặc bị thấm nước, hoặc bị trùng cắn, bạch Phật. Phật dạy: Các trú xứ xung quanh gần thành Vương-xá, đều nên bạch nhị Yết-ma như trên để xả giới, sau đó, bạch nhị Yết-ma, như trên, thông kết làm thành một đại giới, khiến cho các Tỳ-kheo không bỏ chỗ ở cũ mà được nhận phần cúng dường… Thời gian sau, các nơi trở lại sung túc an lạc, tín đồ muốn gặp các Tỳ-kheo, sai người tin cậy bạch: Xin quý vị du hành nhân gian để chúng con cung cấp y thực. Khi ấy, Vua Bình-sa cũng muốn các Tỳ-kheo du hành giáo hóa nên nói: Xin quý vị du hành, nếu có thiếu thốn, tôi sẽ ra lệnh cho các sở tại cung cấp những gì quý vị cần dùng. Các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Trước hết, bạch nhị Yết-ma, như trên, để xả giới nơi thành Vương-xá, vậy sau mỗi nơi tùy ý kiết, xướng giới tướng, kiết tiểu giới.

Có các Tỳ-kheo A-lan-nhã không biết cương giới của mình ngang bằng bao nhiêu, bạch Phật. Phật dạy: Tự nhiên giới cách thân diện hai câu-lô-xá, kiết cương giới tùy xa gần. Khi ấy, các Tỳ-kheo kiết không có biên giới, bạch Phật. Phật dạy: Nếu kiết không biên giới, không thành kiết giới, người phạm mắc tội Đột-kiết-la. Các Tỳ-kheo lại kiết cương giới mười hai do-tuần, mười do-tuần, khi thuyết giới phải đi bốn, năm ngày mới đến, hoặc gặp phải lửa nơi đồng hoang, hoặc bị nước lớn, hoặc gặp giặc cướp đoạt, có nạn phạm hạnh, nạn y bát, cho đến nạn mạng, bạch Phật. Phật dạy: Nếu kiết cương giới mười hai do-tuần, mười do-tuần, không thành kiết giới, phạm Đột-kiết-la. Nay Ta cho phép, xa nhất là ba do-tuần. Lúc này, các Tỳ-kheo không xướng bốn phương của giới tướng mà kiết giới, bạch Phật. Phật dạy: Không xướng giới tướng không thành kiết giới, phạm Đột-kiết-la. Khi ấy, các Tỳ-kheo dùng chúng sinh và khói lửa làm giới tướng, hoặc luôn cả giới, hoặc hai giới nhập vào nhau, bạch Phật. Phật dạy: Đều không thành kiết giới, phạm Đột-kiết-la.

Có hai trú xứ, các Tỳ-kheo muốn kiết giới và Bố-tát cùng nhận của cúng, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép mỗi bên bạch nhị Yết-ma giải giới cũ, vậy sau tập hợp lại bạch nhị Yết-ma kết cùng một giới.

Lại có các Tỳ-kheo muốn kiết giới sống chung, chung Bố-tát, cùng nhận của cúng, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép giải giới cũ rồi sau tập hợp lại kiết giới.

Lại có các Tỳ-kheo muốn kiết giới sống chung, cùng nhận của cúng mà Bố-tát riêng, bạch Phật. Phật dạy: Không nên như vậy, phạm Thâu-lan-giá.

Lại có một trú xứ, các Tỳ-kheo muốn kiết giới sống riêng, Bố-tát riêng, nhận vật cúng riêng, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép giải giới cũ rồi mỗi bên kiết trở lại.

Lại có các Tỳ-kheo muốn kiết giới sống riêng, Bố-tát riêng, nhận vật cúng chung, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép kiết.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Tất cả sông, tất cả hồ ao, tất cả biển đều không được kiết làm giới. Nếu đi đường thủy, trong chúng người nào có sức khỏe nhất tạt nước ra đến đâu thì lấy đó làm giới tự nhiên.

Đức Phật ở tại vườn trúc, Tôn giả A-nhã-kiều-trần-như ở núi Lăng-cầu-la, ngày Bố-tát hóa làm cái cầu vồng màu xanh, ngồi kiết già trong đó, đến chỗ Đức Phật, có rất đông người đứng coi, nên từ đó về sau A-nhã-kiều-trần-như đi bộ đến, do y phấn tảo nặng, nên khá nhọc mệt trên đường đi. Các Tỳ-kheo khởi ý niệm: Nếu Đức Thế Tôn cho phép các Tỳ-kheo ở trong xóm làng hay biên giới của xóm làng kiết làm giới không mất y, khiến các vị Trưởng lão khỏi phải bị nhọc mệt như vậy. Quý vị bạch Phật, Đức Phật dạy: Bằng mọi cách khen ngợi giới, khen người trì giới rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nay cho phép các Tỳkheo trong xóm làng hay là biên giới của xóm làng bạch nhị Yết-ma kiết làm giới không mất y. Sai một Tỳ-kheo bạch:

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay kiết giới trong xóm làng hay biên giới của xóm làng này sống chung, chung Bố-tát, chung nhận phẩm vật cúng dường, nay kiết giới làm không mất y. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Đây là lời tác bạch.

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay kiết giới trong xóm làng hay biên giới của xóm làng này sống chung, chung Bố-tát, chung nhận phẩm vật cúng dường, nay kiết làm giới không mất y. Trưởng lão nào đồng ý thì im lặng, vị nào không đồng ý xin nói. Tăng đã kiết làm giới không mất y rồi, Tăng đồng ý nên im lặng. Việc như vậy, thọ trì như vậy.

Khi ấy, các Tỳ-kheo kiết giới không mất y trước, sau mới kiết đại giới, bạch Phật. Phật dạy: Nếu kiết đại giới trước, sau y nơi đó mới kiết giới không mất y. Các Tỳ-kheo lại dùng tất cả thời kiết giới không mất y, để y thô tệ rồi đi, bạch Phật. Phật dạy: Không nên như vậy, nên bạch nhị Yết-ma giải, một Tỳ-kheo bạch:

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Kiết giới trong xóm làng hay biên giới của xóm làng này, trước kiết làm giới không mất y, nay Tăng giải kiết việc này. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Đây là lời tác bạch.

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Kiết giới nơi chỗ này… cho đến câu: Nay Tăng giải kiết giới việc này, các Trưởng lão nào đồng ý thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.

Tăng đã giải giới không mất y trước đây rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc như vậy, thọ trì như vậy.

Lúc này, các Tỳ-kheo trước giải đại giới, sau giải y giới, bạch Phật. Phật dạy: Nên trước giải y giới, sau giải đại giới. Khi ấy, Tỳ-kheo vì phòng hộ thân nên mất y giới và vì bảo vệ y giới cho nên thân mất đi sự phòng hộ, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép kiết y giới trở lại.

Bấy giờ, có một trú xứ, ngày Bố-tát, đệ tử xin cáo từ Hòa thượng muốn đi đến chỗ khác, Hòa thượng không biết nên như thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Hòa thượng nên trù liệu, nếu trên đường đi có sự nghi ngờ, sợ sệt mà Hòa thượng cho phép đi, phạm Đột-kiết-la. Nếu không cho mà đệ tử cưỡng đi, mắc tội khinh thầy, phạm Ba-dật-đề. Nếu trên đường đi không có sự nghi ngờ sợ sệt, mà nơi đến, khất thực khó được, hoặc bạn đồng đi không hiểu biết, không tụng giới, không biết Bố-tát, không biết Yết-ma Bố-tát, hoặc nơi đó không có người trì pháp, trì luật, hiểu rõ luật nghi, hoặc nơi đó ưa thích tranh chấp, hoặc nơi đó có người phá Tăng, hoặc nơi đó mắc bệnh không có thức ăn tùy theo bệnh, thuốc thang, ngọa cụ, người nuôi bệnh, hoặc nơi đó y thực khó được, mà cho đi, đều phạm Đột-kiết-la. Nếu không có các việc như trên thì cho đi, không phạm.

Có một trú xứ, ngày thứ mười lăm các Tỳ-kheo tập hợp để Bố-tát thuyết Ba-la-đề-mộc-xoa, mời đệ nhất Thượng tọa thuyết giới, Thượng tọa nói: Quên không tụng được. Đệ nhị Thượng tọa cho đến hạ tọa đều nói không tụng, nên không Bố-tát được. Các Tỳ-kheo bạch Phật, Đức Phật dạy: Nên bạch nhị Yết-ma sai một Tỳ-kheo chúng khác tụng giới, hoặc tóm lược hoặc tụng đủ, trong ngày trở về, nếu không được thì không nên ở trú xứ như vậy. Nếu ở, phạm Đột-kiết-la.

Khi ấy, Lục quần Tỳ-kheo phạm tội không hối quá mà Bố-tát. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Không nên như vậy, nếu phạm, mắc Độtkiết-la.

Lại có các Tỳ-kheo hướng đến người phạm tội để hối quá. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Không nên như vậy.

Có một trú xứ, ngày Bố-tát, tất cả Tăng đều phạm tội, các Tỳkheo không biết giải quyết thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép bạch nhị Yết-ma, sai một Tỳ-kheo đến chúng khác hối quá thanh tịnh rồi trở về, các Tỳ-kheo khác đến bên Tỳ-kheo ấy hối quá, nếu được thì tốt, bằng không nên tập trung hết nơi nhà Bố-tát, một Tỳ-kheo bạch nhị Yết-ma:

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay Tăng đều phạm tội này không thể hối quá được, nay cùng nhau gác lại đó, sau sẽ hối quá. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Đây là lời tác bạch.

Đại đức Tăng xin lắng nghe, nay Tăng đều có tội này… cho đến câu: sau sẽ hối quá. Các Trưởng lão nào đồng ý thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói:

Tăng đã đồng ý gác tội này lại rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc như vậy, thọ trì như vậy.

Đã đúng pháp thì phải Bố-tát, không nên không Bố-tát. Có một Tỳ-kheo bệnh, phạm tội, nói với một Tỳ-kheo: Đại đức! Tôi phạm tội. Vị kia trả lời: Tôi cũng phạm tội. Không hối quá được mà mạng chung. Các Tỳ-kheo khởi ý niệm: Nếu Đức Thế Tôn cho phép hướng đến Tỳkheo có tội để hối quá thì Tỳ-kheo này khỏi phải gặp trường hợp không hối quá mà mạng chung. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Cho phép hướng đến Tỳ-kheo có tôi hối quá, chỉ không được hướng đến người đồng tội hối quá.

Có một trú xứ đều đồng phạm một tội, không biết giải quyết thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Cũng nên như trên gác tội lại.

Có một Tỳ-kheo bệnh phạm tội, nói với một Tỳ-kheo: Đại đức! Tôi phạm tội này. Vị kia nói: Tôi cũng phạm tội này. Do vậy không được hối quá mà qua đời. Các Tỳ-kheo khởi ý niệm: Nếu Đức Thế Tôn cho phép hướng đến Tỳ-kheo đồng phạm một tội mà hối quá thì Tỳ-kheo này khỏi gặp phải trường hợp không được hối quá mà mạng chung. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Nay cho phép hướng đến người đồng tội hay không đồng tội để hối quá.

Có một trú xứ, các Tỳ-kheo tập hợp Bố-tát nói giới, một Tỳ-kheo nói với Tỳ-kheo nói giới: Xin ngưng lại! Tôi nhớ có tội, tôi muốn hối quá. Các Tỳ-kheo chê trách nói: Tại sao khi nói giới lại làm trở ngại?! Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Khi nói giới, nếu nhớ có tội, cho phép hướng đến Tỳ-kheo ngồi gần nói, hoặc miệng nói tâm nghĩ: Tôi có tội như vậy, nói giới rồi sẽ hối quá, không nên gây trở ngại. nghi có tội cũng như vậy.

Có một trú xứ, các Tỳ-kheo không biết Bố-tát, không biết Yết-ma Bố-tát. Có Tỳ-kheo biết pháp trì luật hiểu rõ luật nghi đến, các Tỳ-kheo không để ý tiếp đón, không cung cấp ngọa cụ, Tỳ-kheo kia bèn đi. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Phải tiếp đón tốt, cung cấp ngọa cụ, nếu không vậy, phạm Đột-kiết-la.

Có một trú xứ, Tăng đều phạm tội, không biết tội phạm thuộc về thiên nào, có một Tỳ-kheo biết pháp trì luật hiểu rõ luật nghi đến, trong các Tỳ-kheo có một vị tới hỏi: Phạm như vậy, như vậy là thuộc về chương nào của tội? Tỳ-kheo kia nói: Là thuộc về thiên tội… ấy. Vị đó nói: Tất cả Tăng trong trú xứ này đều phạm tội như vậy. Tỳ-kheo đó liền đến bên Tỳ-kheo kia hối quá. Hối quá rồi trở về nói với các Tỳkheo: Chúng ta trước đây phạm tội như vậy, thuộc về thiên tội…, nên cùng sám hối, đừng để ô nhiễm việc tu phạm hạnh phải thọ khổ nhiều đời. Các Tỳ-kheo khác nổi giận nói: Tại sao thầy hướng đến tôi nói như vậy? Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Các Tỳ-kheo nên đến nơi vị Tỳ-kheo biết pháp kia để hối quá, chẳng phải không nên nói, chỉ không nên vội nói với người, nếu vội nói thì phạm Đột-kiết-la.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất đến trú xứ của Lục quần Tỳ-kheo, thấy họ phạm giới nói: Các thầy chớ nên làm điều ấy. Lục quần Tỳkheo bèn xúc não, hỏi: Những gì nên làm, những gì không nên làm? Họ gây xúc não suốt đêm. Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật, bằng mọi cách Đức Phật quở trách Lục quần Tỳ-kheo: Các ông là người ngu si, Tỳ-kheo Thượng tọa thương xót dạy các ông, tại sao lại gây xúc não suốt đêm. Quở trách rồi, Phật bảo các Tỳ-kheo: Chẳng phải không nên dạy, chỉ không nên vội dạy người, nếu phạm tội, tự biết có lỗi, sau đó mới dạy.

Lúc này, Tôn giả Xá-lợi-phất, Mục-liên du hành trong nhân gian là bậc thầy đáng kính của bốn chúng, quốc vương, Đại thần, Sa-môn, Bà-la-môn, đến trú xứ của một Tỳ-kheo nọ. Các đàn-việt vì hai vị cúng dường chúng Tăng, bố thí y vật giá trị. Kể cả người giữ vườn cũng được phần Khâm-bà-la trị giá mười hai ngàn kim tiền. Ba lần được xướng lên: Ai cần đến lấy. Cuối cùng không ai nhận, nên hoàn lại cho thí chủ. Khi ấy, số Tỳ-kheo tụ hội tuần tự du hành trở về chỗ Phật. Thường pháp của chư Phật là an ủi các Tỳ-kheo rồi hỏi: Hai Tôn giả Xá-lợi-phất, Mục-liên du hành có được thuận lợi không? Bạch Thế Tôn! Rất là thuận lợi. Đức Thế Tôn lại thấy một điều hy hữu là chúng Tăng đều được một Khâm-bà-la trị giá mười hai ngàn kim tiền, Ba lần xướng cho các Tỳ-kheo mà không vị nào lấy, nên hoàn lại cho thí chủ. Lúc đó, có hai Tỳ-kheo Ma-ha-lô ở cách Phật không xa nghe rồi, một người nói như vầy: Các Thượng tọa kia là người ngu si, chính mình mất lợi dưỡng mà khiến cho thí chủ không được đại phước, nếu tôi có mặt tại đó sẽ nhận. Một người lại nói: Tôi là Thượng tọa thì tôi sẽ nhận, đưa đến sự tranh cãi, Đức Phật thấy vậy liền nói kệ:

Hai ngươi, Ma-ha-lô
Không ở trong chúng kia
Do đó, không tranh tụng
Y quý trả lại chủ.

Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Khi ấy, Tôn giả Ưu-ba-ly cùng các vị trì luật du hành đến trú xứ của Tỳ-kheo, vì họ nên tác pháp Yết-ma quở trách, Yết-ma khu xuất, Yết-ma y chỉ, Yết-ma cử tội, Yết-ma hạ ý, thì đều tác pháp. Vì họ nên tác pháp biệt trú, Ma-na-đỏa, Bản nhật, A-phù-ha-na, thì đều tác pháp. Nếu cương giới cần giải thì giải, nên kiết thì kiết. Vì họ phải tác Yết-ma giáo giới Tỳ-kheo-ni thì tác Yết-ma giáo giới với người không gắng nhận giáo giới. Vì họ phải giải Yết-ma giáo giới thì vì họ giải Yết-ma giáo giới. Các Tỳ-kheo khác nghe, nghĩ: Các Tỳ-kheo trì luật này đến chắc chắn khiến chúng ta có nhiều nghi hối, nên bèn dọn ngọa cụ, đóng cửa bỏ trú xứ đi.

Lại có các Tỳ-kheo-ni thấy Tôn giả Ưu-ba-ly, nổi giận mắng nói: Tỳ-kheo này thường thưa hỏi Đức Thế Tôn: Giới này nên thọ trì cả hai bộ Tăng hay chỉ thọ trì một bộ Tăng? Đức Phật bèn khiến hai bộ Tăng thọ trì, do đó khiến ta có nhiều khốn khổ. Những Tỳ-kheo do Tôn giả Ưu-ba-ly hướng dẫn, về đến chỗ Phật. Thường pháp của chư Phật là thăm hỏi rồi, lại hỏi:

-Nơi Ưu-ba-ly du hành sự cúng dường có dồi dào hay không?

-Bạch Thế Tôn! Không đầy đủ.

Phật lại hỏi:

-Tại sao?

-Thưa Thế Tôn! Vì các Tỳ-kheo bỏ trú xứ đi và Tỳ-kheo-ni giận mắng.

Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo kia:

-Sự thật các ông có như vậy không?

-Bạch Thế Tôn! Thật sự có như vậy.

Đức Phật bằng mọi cách quở trách:

-Các ông ngu si, không cung kính Tỳ-kheo trì luật thì cung kính ai?

Quở trách rồi, Phật bảo các Tỳ-kheo:

-Nay ta vì các Tỳ-kheo kiết pháp nên học ban đầu: Tỳ-kheo nào nghe Tỳ-kheo trì luật đến, không nên đi tránh, nên lau quét rưới nước, sửa soạn phòng xá, ngọa cụ. Nghe vị ấy gần đến nên ra ngoài nửa dotuần nghinh đón, nếu nghi có nạn sự thì cũng phải ra khỏi cửa. Nếu Tỳkheo trì luật có y vật thì nên thay thế xách vào, sửa soạn nước rửa, khăn lau tay chân, chuẩn bị đồ để tắm, thức uống quá giữa ngày, thỉnh thuyết pháp. Nếu thật sự cần giải thích, thì Tỳ-kheo trì luật nên như pháp để trả lời, nếu hỏi với tâm xúc não thì không nên đáp. Sáng sớm làm bữa ăn trước, Đát bát ma, kế đó làm bữa ăn sau. Nên hướng dẫn thí chủ thỉnh ở lại an cư. Lại nên tìm đàn-việt dâng y. Nên làm các việc cúng dường như vậy, bằng không thì phạm Đột-kiết-la.

Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Lúc ấy, Đức Thế Tôn, ngày Bốtát cùng các Tỳ-kheo kẻ trước người sau vây quanh ngồi nơi đất trống. Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Các ông im lặng, nay sẽ Bố-tát, nói Bala-đề-mộc-xoa. Có một Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, bạch Phật: Tỳkheo Già già gần như mắc bệnh cuồng, có khi tới có khi không tới, cũng lại không nhớ tới cùng không tới, do vậy bê trễ việc hành Tăng sự, nay lại không tới. Đức Phật dạy: Sai một Tỳ-kheo kêu đến. Một vị vâng lời Phật dạy đến kêu, tìm khắp không thấy, trở về, bạch Phật. Phật dạy: Nay cho phép các Tỳ-kheo, từ xa cùng tác pháp bạch nhị Yết-ma cuồng si. Một Tỳ-kheo bạch:

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là… mắc bệnh cuồng si, hoặc tới hoặc không tới, cũng lại không nhớ tới hay không tới, do vậy bỏ phế hành Tăng sự. Nay Tăng từ xa, trao cho Tỳ-kheo… pháp Yết-ma cuồng si. Hoặc có mặt hoặc không có mặt khi hành Tăng sự. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Đây là lời tác bạch.

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo… này mắc bệnh cuồng si… cho đến câu: Hoặc không có mặt khi hành Tăng sự. Các Trưởng lão nào chấp thuận thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.

Tăng đã trao cho Tỳ-kheo… pháp Yết-ma cuồng si rồi, Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc như vậy, thọ trì như vậy.

Sau đó, vị kia được lành bệnh, cầu xin giải Yết-ma, quý vị bạch Phật. Phật dạy: Cho phép bạch nhị Yết-ma để giải. Tỳ-kheo bệnh lành nên đến giữa Tăng, để trống vai bên phải, cởi bỏ giày dép, quỳ gối chấp tay, bạch:

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Con là Tỳ-kheo… trước đây mắc bệnh cuồng si, hoặc đến hoặc không đến, cũng lại không nhớ đến cùng không đến. Tăng đã trao cho con pháp Yết-ma cuồng si. Nay con đã lành bệnh, đến Tăng xin giải Yết-ma cuồng si. Xin như vậy Ba lần. Tăng sai một Tỳ-kheo bạch:

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo… này trước đây cuồng si, hoặc đến hoặc không đến, cũng lại không nhớ đến hay không đến, Tăng trao cho pháp Yết-ma cuồng si. Nay bệnh đã lành, đến Tăng xin giải Yết-ma cuồng si. Nay Tăng cho giải Yết-ma cuồng si. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Đây là lời tác bạch.

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo… này trước đây mắc bệnh cuồng si… cho đến câu: Nay Tăng cho giải pháp Yết-ma cuồng si. Các Trưởng lão nào chấp thuận thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.

Tăng đã cho Tỳ-kheo… giải pháp Yết-ma cuồng si rồi, Tăng đồng ý nên im lặng. Việc như vậy, thọ trì như vậy.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn vào ngày Bố-tát, cùng các Tỳ-kheo, kẻ trước người sau vây quanh, ngồi nơi đất trống. Phật bảo các Tỳ-kheo: Các thầy im lặng, nay Bố-tát thuyết giới. Có một Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, bạch Phật: Tỳ-kheo… mắc bệnh, không đến được. Đức Phật dạy: Nên khiến một Tỳ-kheo dẫn tới. Các Tỳ-kheo không biết bằng cách nào dẫn tới. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Một người làm cây trụ cho họ vịn, một người đỡ họ, nếu không thể được thì lấy y khiêng họ đến. Vâng lời Phật dạy, quý thầy khiêng tới. Do khua động nên nhọc mệt, bệnh trạng thêm khốn khổ, có trường hợp tử vong. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Nên lấy dục thanh tịnh đem đến. Trong đó, có trường hợp được gọi là trao dục thanh tịnh, có trường hợp không được, có trường hợp được gọi là thọ dục thanh tịnh, có trường hợp không được, có trường hợp gọi là trì dục thanh tịnh đến, có trường hợp không được. Không được gọi là gởi dục thanh tịnh: Nếu gởi dục thanh tịnh cho Tỳ-kheoni, Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni, hoặc gởi dục thanh tịnh cho người tâm cuồng, tâm loạn, tâm bệnh hoại, người bị tẫn xuất, người bị cử tội, người tự nói tội, người ở khác cương giới. Nếu không như pháp nói ba lần: Nay tôi gởi dục thanh tịnh cho thầy, thầy nhận dục thanh tịnh của tôi… cho đến câu: Trong Tăng sự như pháp, vì tôi xưng danh nói và nắm giữ thẻ, đều không gọi là gởi dục thanh tịnh. Nếu ngược lại như trên, gọi là gởi dục thanh tịnh. Không gọi là thọ dục thanh tịnh: Tự mình không như pháp, không biết danh tánh người kia, ngoài ra như trên, đều không gọi là thọ dục thanh tịnh. Ngược lại, đây gọi là thọ dục thanh tịnh. Được gọi là trì dục thanh tịnh đến: Nếu Tỳ-kheo trì dục thanh tịnh đến trong chỗ Bố-tát rồi ngủ, hoặc tâm cuồng, tâm tán loạn, tâm bệnh hoại, hoặc người bị Tăng trao tác pháp Yết-ma không thấy tội, Yết-ma không bỏ ác kiến, Yết-ma không hối quá, hoặc biến thành hai căn, huỳnh môn, không căn, hoặc quên nói, như vậy cũng được gọi là trì dục thanh tịnh đến. Nếu ngủ hoặc quên không nói đều phạm Đột-kiết-la. Nếu giữa đường ngủ… cho đến quên nói đều không được gọi là trì dục thanh tịnh đến. Lại có các Tỳ-kheo bệnh không thể nói dục thanh tịnh, do đó bạch Phật. Phật dạy: Nên dùng thân gởi dục thanh tịnh. Các Tỳ-kheo không biết dùng thân để gởi dục thanh tịnh như thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Hoặc đưa tay lên, hoặc chỉ tay, hoặc lay động thân, lay động đầu, cho đến nháy mắt được gọi là dùng thân gởi dục thanh tịnh.

Lại có các Tỳ-kheo bệnh không thể dùng thân gởi dục thanh tịnh, bạch Phật. Phật dạy: Nên cả chúng đến chỗ người bệnh, rồi mời Tỳkheo nói giới ngồi chính giữa để nói, khiến các Tỳ-kheo bệnh hướng đến vị nói giới. Lại có các Tỳ-kheo bệnh không thể hướng đến vị nói giới, xoay lưng hay ngồi nằm, bạch Phật. Phật dạy: Nên ra ngoài giới Bố-tát, không nên ở trong giới mà biệt chúng tác pháp Bố-tát.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn vào ngày thuyết giới, cùng các Tỳ-kheo kẻ trước người sau vây quanh, ngồi nơi đất trống. Phật bảo các Tỳ-kheo: Các thầy im lặng, nay sẽ Bố-tát, thuyết giới. Có một Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, bạch Phật: Tỳ-kheo… bị nhà quan bắt, không đến được. Đức Phật dạy: Nên sai một Tỳ-kheo nói lý do để xin về Bố-tát, nếu được thì tốt, bằng không thì nói bạch y lui ra một chút để lấy dục thanh tịnh, nếu được thì tốt, bằng không thì nên nói: Tất cả Tăng nên đến nơi chỗ Tỳ-kheo đó Bố-tát, nếu được thì tốt, bằng không thì nên ra ngoài giới Bố-tát, chứ không nên ở trong giới mà Bố-tát biệt chúng.

Có một trú xứ ở A-lan-nhã, các Tỳ-kheo vào ngày mười lăm tập hợp Bố-tát thuyết giới, khi ấy có giặc đến, các Tỳ-kheo thấy bèn thôi không tụng giới, các tên giặc hỏi: Tại sao ngồi nín thinh? Các Tỳ-kheo nói: Điều chúng tôi nói không nên cho bạch y nghe. Đám giặc lại hỏi: Những điều nói đó không phải là Phật nói hay sao? Các Tỳ-kheo nói: Chính là điều Phật nói. Đám giặc hỏi: Là điều Phật nói thì ai lại không được nghe? Nay các ông tập hợp chắc muốn luận bàn những việc không lợi cho chúng tôi. Đám giặc nói xong liền đánh các Tỳ-kheo và cướp đoạt y bát. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Từ nay, các Tỳ-kheo, nếu thấy giặc đến nên tụng qua các kinh khác, đừng để đứt đoạn.

Lúc ấy, có một nhà Vua tên là Ưu-đà-diên rành về khoa tướng số. Một phu nhân tên là Nguyệt Quang, dung nhan xinh đẹp, âm thanh và điệu múa hơn người. Một hôm, phu nhân ở nơi lầu cao múa cho nhà Vua xem. Vua thấy tướng tử xuất hiện, không thể sống hơn một năm. Nhà Vua không vui khi thấy rõ tâm niệm và nhan sắc ấy. Phu nhân thấy vậy liền tâu: Em múa không được hay lắm phải không? Tại sao nhà Vua không vui? Nhà Vua nói: Không nên hỏi ta điều đó. Phu nhân khổ tâm hỏi đến Ba lần. Nhà Vua không từ chối được nên phải nói rõ sự việc. Phu nhân tâu với Vua: Nếu thật vậy thì xin cho em xuất gia. Nhà Vua nói: Ta và em thương yêu kính trọng nhau, dù chết cũng không lìa nhau, hãy trọn vui với cái ít ỏi còn lại, sao phải sống chia lìa? Phu nhân lại tâu với Vua: Chỉ nhiễm một chút vinh hoa của đời mà mê muội đạo nghiệp. Đây là việc bức xúc, trì hưỡn chỉ đem lại sự khổ cho nhau, xin Vua rủ lòng thương cho em xuất gia. Nhà Vua nói: Phu nhân còn nhỏ tu đạo với sự quyết tâm sáng suốt chắc được sinh thiên, nếu trở lại làm người chúng ta gặp lại, việc này tùy theo ý của em. Phu nhân thưa: Nguyện này được thành, thề không trái lời hứa. Nhà Vua bèn cho xuất gia. Thế là phu nhân tạ từ ra đi. Hành đạo không lâu chứng được quả A-na-hàm, mạng sống cũng liền chấm dứt, sinh lên cõi Phạm thiên, lại khởi lên ý niệm: Ta được xuất gia là ân của nhà Vua, trọng ân ấy nên trả, lời hứa mới không trái. Liền hiện xuống tại vương cung, đứng trong hư không, nói với nhà Vua: Phu nhân Nguyệt Quang tức là thân của tôi đây, trước kia có hứa với nhà Vua cho nên đến đây để tỏ lòng thành tín. Nhà Vua nói: Tôi không biết được loài trời, có thể hiện lại thân cũ. Phu nhân liền biến thành thân hình ngày xưa, đứng trước nhà Vua. Nhìn thấy thân hình ấy, lòng lại nặng tình, nhà Vua liền đến sát gần muốn ôm lấy. Phu nhân liền bay lên hư không nói với nhà Vua: Tại sao Vua còn quen theo nếp sống ái dục? Dục là vô thường, khổ, không, bất tịnh, suy tư được nghĩa này có thể giải thoát không vậy, chắc chắn đọa trong ba đường, tự mình cải thiện là điều khó. Nhà Vua nghe câu nói này, tâm liền được điều phục, bèn đem ngôi Vua giao cho thái tử, xuất gia học đạo. Nhà Vua ngồi tu trong một khu núi rừng không xa vương thành. Thái tử thấy cha xuất gia mà không rời ở xa hẳn, lòng nơn nớp sợ cha hối tiếc trở lại đoạt ngôi, nên thái tử nguyện xin phụ vương đi đến nước khác. Khi ấy, nhà Vua nay là Tỳ-kheo suy nghĩ: Ta phụng hành lời Phật dạy mà chưa thấy được Đức Phật, nay nên đến đó để kính lễ Đức Thế Tôn. Nghĩ rồi bèn đi. Khi ấy, thái tử cùng các Bà-la-môn ở trên lầu cao thấy Vua cha rời rừng ra đi, các Bà-la-môn nói với tân vương: Tỳ-kheo Vua nay đã đi rồi, Thái tử rất hài lòng. Nhưng chợt nhớ ra để quên cái tọa cụ, Tỳ-kheo Vua liền trở lại lấy. Các Bà-la-môn lại nói với tân vương: Tỳ-kheo Vua đã trở lại, phải chăng việc ấy làm cho thái tử hoảng sợ, nên thái tử ra lệnh cho các quan: Ngươi đến giết liền. Tất cả Sa-môn Thích tử cũng đều giết hết. Tân vương lại ra lệnh: Nếu người đó sợ chết, tạo nhiều phương tiện, xin muốn gặp ta, cũng đừng tha chết.

Kẻ thi hành lệnh vội vã đến nơi nói: Tân vương ra lệnh tôi giết Tỳ-kheo. Tỳ-kheo hỏi: Tại sao giết tôi? Phần hành đáp: Do Tỳ-kheo ra khỏi rừng rồi trở lại, tân vương hoảng sợ bị cướp ngôi Vua nên ra lệnh giết. Tỳ-kheo Vua nói: Tôi không tham vương vị, vừa rồi vì quên tọa cụ nên tạm trở lại lấy, như vậy chuyện gì phải giết tôi?! Sứ giả nói: Nhà Vua lại ra lệnh dứt khoát, nếu người đó sợ chết, bằng nhiều cách nài nỉ van xin thì cũng đừng vì thế mà không giết, để rồi trở lại gặp ta. Nay tôi làm sao mà dám làm ngược lại? Tỳ-kheo Vua lại nói: Tôi xuất gia, sở cầu chưa đạt được, ngươi hoãn lại cho tôi một chút, đợi bóng cây kia ngã đến đây. Sứ giả thuận cho. Tỳ-kheo Vua liền tinh tấn tư duy, liền đắc Tu-đà-hoàn. Bóng cây vừa ngã đến. Sứ giả nói: Bóng cây đã ngã đến đó rồi. Tỳ-kheo Vua lại nói: Sở cầu trong việc xuất gia của tôi chưa đạt hết, có thể hoãn cho tôi một con bóng. Sứ giả thuận cho. Hoãn bốn lần như vậy, Tỳ-kheo chứng được bốn quả Sa-môn, bèn nói với sứ giả: Ngươi có thể thi hành mạng lệnh, rồi trở về báo với Vua của ngươi: Ta không tham vương vị, đã ra đi nhưng vì quên tọa cụ nên tạm trở lại lấy mà thôi. Vua của ngươi vì việc này mà giết ta, tức giết cha, giết A-lahán. Ta nghĩ: Người ấy sẽ thọ đại khổ lâu dài. Nói rồi trút hơi thở cuối cùng! Sứ giả giết rồi, trở về chỗ Vua. Nhà Vua từ xa trông thấy vậy liền sinh tâm hối hận. Sứ giả đến trước Vua, Vua hỏi: Ngươi đã giết chưa? Tâu Vua giết rồi. Vua lại hỏi: Phụ vương khi lâm chung có nói lời gì không? Sứ giả thở ra nghẹn ngào tâu lại đầy đủ sự việc như trên. Nghe những lời nhắn gửi của cha, huyết từ trong miệng nhà Vua phụt ra, đang sống mà thân đọa vào địa ngục. Trong thời gian này, Vua Bình-sa cùng các lân quốc nhanh chóng được nghe báo lệnh giết hết Sa-môn Thích tử của Vua ấy vào trong biên giới của mình, nên hạ lệnh cho các trượng sĩ bảo vệ Tỳ-kheo. Thi hành sắc lệnh, trượng sĩ cẩn mật không rời Tỳkheo. Bấy giờ, một trú xứ nơi thành Vương-xá có năm trăm Tỳ-kheo, ngày thứ mười lăm tập hợp, bảo trượng sĩ lui ra một chút, chúng tôi sắp Bố-tát. Trượng sĩ trả lời: Chúng tôi vâng lệnh của Đại vương không được tạm rời quý vị, đâu dám trái lệnh của Đại vương! Các Tỳ-kheo không biết cách giải quyết thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Nếu họ không chịu đi thì chỉ nói tựa của giới, rồi nói tiếp các điều khác Tăng thường nghe, nên Bố-tát như vậy, chứ không nên không Bố-tát.

Khi ấy, các Tỳ-kheo vào ngày Bố-tát, tập hợp muốn thuyết giới, Lục quần Tỳ-kheo tranh tụng không thôi, không Bố-tát được. Vua Bìnhsa đến, họ bèn tạm đình chỉ, sau đó tranh chấp trở lại, không thuyết giới được. Quý vị không biết giải quyết thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Nếu trường hợp như Vua Bình-sa, Tỳ-kheo có sự kiêng nể, khi tạm thời đình chỉ việc tranh chấp, bèn nói bài tựa của giới rồi nói các việc khác như Tăng thường nghe. Nên Bố-tát như vậy, chứ không nên không Bố-tát. lúc Tăng Bố-tát, muốn tác Yết-ma, Lục quần Tỳ-kheo thọ dục thanh tịnh của vị khác, rồi không đến trong Tăng, bèn ra ngoài giới khiến cho Tăng Yết-ma không thành. Các Tỳ-kheo đem vấn đề bạch Phật. Phật dạy: Tăng được thành Yết-ma, người thọ dục thanh tịnh ấy phạm Độtkiết-la.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo thường thuyết giới tóm lược, các Tỳ-kheo niên thiếu nói: Đại đức nên thuyết giới đầy đủ vì chúng con chưa từng nghe. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Không nên thường thuyết giới tóm lược. Có mười nhân duyên cho phép thuyết giới tóm lược:

  1. Có quý nhân.
  2. Có thú dữ.
  3. Có trùng độc.
  4. Đất có cỏ sống.
  5. Đất có gai gốc.
  6. Có hang của rắn độc.
  7. Bệnh.
  8. Tối tăm.
  9. Đất có bùn lầy.
  10. Ngồi quá chật.

Như vậy gọi là nhân duyên. Nếu còn thuyết giới được trong năm cách thì hay, bằng không thì nên nói: Nay là ngày thứ mười bốn, mười lăm Bố-tát, mỗi chúng ta đều cùng chánh thân, khẩu, ý, chớ phóng dật. Đây cũng được gọi là Bố-tát. Nên Bố-tát như vậy chứ không nên không Bố-tát.

Có một trú xứ, khi thuyết giới lại có Tỳ-kheo đến, hoặc nhiều, hoặc bằng, hoặc ít hơn. Lại có một trú xứ, thuyết giới rồi, tất cả chưa đứng dậy, lại có Tỳ-kheo đến hoặc nhiều, hoặc bằng, hoặc ít hơn. Lại có một trú xứ, thuyết giới rồi, các Tỳ-kheo, các vị đã đứng dậy đi, có vị chưa đứng dậy đi, lại có Tỳ-kheo đến hoặc nhiều, hoặc bằng, hoặc ít hơn. Lại có một trú xứ, thuyết giới rồi, các Tỳ-kheo, các vị đã đứng dậy đi, lại có Tỳ-kheo đến hoặc nhiều, hoặc bằng, hoặc ít hơn. Các Tỳkheo không biết cách giải quyết thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Nếu khi thuyết giới, lại có Tỳ-kheo đến hoặc nhiều, hay bằng nên vì họ Bố-tát thuyết giới lại, nếu ít hơn thì nên cho phép số giới còn lại. Nếu thuyết giới rồi, tất cả Tỳ-kheo chưa đứng dậy, lại có Tỳ-kheo đến, hoặc nhiều hoặc bằng nên vì họ Bố-tát thuyết giới lại, nếu ít hơn, họ nên đứng giữa Tăng, quỳ gối nói: Thanh tịnh. Nếu thuyết giới rồi, các Tỳ-kheo có vị đứng dậy đi, có vị chưa đứng dậy đi, lại có Tỳ-kheo đến, hoặc nhiều, hay bằng, nên vì họ Bố-tát thuyết giới lại. Nếu ít hơn thì nên dốc cầu Tỳ-kheo trước hòa hợp Bố-tát thuyết giới lại, nếu được thì hay bằng không nên ra ngoài giới Bố-tát, không nên trong giới Bố-tát riêng. Nếu thuyết giới rồi, tất cả Tỳ-kheo đã đứng dậy đi, lại có Tỳ-kheo đến cũng như vậy. Nếu Tỳ-kheo cựu trú tập hợp, nếu Tỳ-kheo cựu trú đến, nếu Tỳ-kheo khách đến, nếu Tỳ-kheo cựu và khách đến, nếu Tỳ-kheo khách tập hợp, nếu Tỳ-kheo khách đến, nếu Tỳ-kheo cựu trú đến, nếu Tỳ-kheo cựu và khách đến, nếu Tỳ-kheo cựu trú đến, nếu Tỳ-kheo khách đến, hoặc nhiều, hoặc bằng, hay ít hơn… cho đến tất cả Tỳ-kheo đã đứng dậy đi, đều như trên đã nói.

Có một trú xứ khi Bố-tát, các Tỳ-kheo tập hợp muốn thuyết giới, thấy có giường dây, y bát khác mà không thấy Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo không nghĩ trong trú xứ này có Tỳ-kheo hay không Tỳ-kheo, bèn cùng nhau thuyết giới. Có một trú xứ, khi Bố-tát các Tỳ-kheo tập hợp, muốn thuyết giới, thấy giường dây, y bát khác mà không thấy Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo khởi ý niệm: Trong đây không có Tỳ-kheo, bèn thuyết giới. Có một trú xứ, khi Bố-tát, các Tỳ-kheo tập hợp muốn thuyết giới, thấy giường dây, y bát khác mà không thấy có Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo khởi ý niệm: Trong đây có Tỳ-kheo hay không có Tỳ-kheo, cần thuyết giới bèn thuyết giới. Có một trú xứ, khi Bố-tát, các Tỳ-kheo tập hợp muốn thuyết giới, thấy giường dây, y bát khác mà không thấy Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo khởi ý niệm: Trong đây có Tỳ-kheo mà đi đâu mất rồi, thuyết giới với tâm phá hòa hợp Tăng. Có một trú xứ, khi Bố-tát, các Tỳ-kheo tập hợp muốn thuyết giới, thấy giường dây, y bát khác mà không thấy Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo khởi ý niệm: Trong đây có Tỳ-kheo, mà không tìm không kiếm, bèn thuyết giới. Có một trú xứ, khi Bố-tát, các Tỳkheo tập hợp muốn thuyết giới, thấy giường dây, y bát khác mà không thấy Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo khởi ý niệm: Trong đây có Tỳ-kheo, tìm kiếm mà không thấy, bèn thuyết giới. Có một trú xứ, khi Bố-tát, các Tỳ-kheo tập hợp muốn thuyết giới, thấy giường dây, y bát khác mà không thấy Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo khởi ý niệm: Trong đây có Tỳ-kheo, tìm kiếm thấy, cùng thuyết giới. Các Tỳ-kheo không biết nên thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Trường hợp một, hai, ba và năm thuyết giới đều có lỗi, Yết-ma không thành, phạm Đột-kiết-la. Trường hợp bốn cũng có lỗi, Yết-ma không thành, phạm Thâu-lan-giá. Trường hợp sáu không lỗi, Yết-ma không thành, không phạm. Trường hợp bảy không lỗi, Yếtma thành, không phạm.

Nếu Tỳ-kheo cựu trú tập hợp, không thấy Tỳ-kheo cựu trú, không thấy Tỳ-kheo khách, không thấy Tỳ-kheo cựu và khách. Nếu Tỳ-kheo khách tập hợp, không thấy Tỳ-kheo khách, không thấy Tỳ-kheo cựu trú, không thấy Tỳ-kheo khách và cựu. Nếu Tỳ-kheo cựu và khách tập hợp, không thấy Tỳ-kheo cựu và khách, không thấy Tỳ-kheo cựu trú, không thấy Tỳ-kheo khách, có lỗi, không lỗi đều như trên.

Có một trú xứ, khi Bố-tát, các Tỳ-kheo tập hợp, nghe Tỳ-kheo tằng hắng ho, nhảy mũi hoặc tiếng giũ y, không khởi ý niệm: Trong đây có Tỳ-kheo, không có Tỳ-kheo, bèn thuyết giới… Cho đến có một trú xứ, khi Bố-tát, các Tỳ-kheo tập hợp, nghe Tỳ-kheo tằng hắng, ho, nhảy mũi hoặc tiếng giũ y, khởi ý niệm như vầy: Trong đây có Tỳ-kheo rồi tìm được cùng thuyết giới. Các Tỳ-kheo không biết làm thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Có lỗi không lỗi đều như trên. Có một Tỳ-kheo, thọ dục thanh tịnh của một Tỳ-kheo, một Tỳ-kheo Bố-tát. Có hai Tỳ-kheo thọ dục thanh tịnh của hai Tỳ-kheo, hai Tỳ-kheo Bố-tát. Có ba Tỳ-kheo thọ dục thanh tịnh của ba Tỳ-kheo, ba Tỳ-kheo Bố-tát. Có số đông Tỳ-kheo thọ dục thanh tịnh của số đông Tỳ-kheo, số đông Tỳ-kheo Bố-tát. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Đều không nên như vậy, nay cho phép nhiều Tỳ-kheo tập hợp, ít Tỳ-kheo trì dục thanh tịnh đến.

Có một trú xứ, các Tỳ-kheo tập hợp muốn Bố-tát thuyết giới, thấy Tỳ-kheo ở khác chỗ, khởi tưởng đồng trú, thấy rồi không nhớ, không hỏi, bèn thuyết giới. Có một trú xứ, các Tỳ-kheo tập hợp muốn Bố-tát thuyết giới, thấy Tỳ-kheo ở chỗ khác, khởi tưởng đồng trú, thấy rồi nhớ mà không hỏi bèn thuyết giới. Có một trú xứ, các Tỳ-kheo tập hợp muốn Bố-tát thuyết giới, thấy Tỳ-kheo ở chỗ khác, khởi tưởng đồng trú, thấy rồi nhớ hỏi cùng thuyết giới. Có một trú xứ, các Tỳ-kheo tập hợp muốn Bố-tát thuyết giới, thấy Tỳ-kheo ở chỗ khác, đối với giới nghi, đối với Tỳ-kheo không nghi, không nhớ không hỏi bèn thuyết giới. Có một trú xứ, các Tỳ-kheo tập hợp muốn Bố-tát thuyết giới, thấy Tỳkheo ở chỗ khác, đối với giới nghi, đối với Tỳ-kheo không nghi, nhớ hỏi cùng thuyết giới. Có một trú xứ, các Tỳ-kheo tập hợp muốn Bố-tát thuyết giới, thấy Tỳ-kheo ở chỗ khác, đối với Tỳ-kheo nghi, đối với giới không nghi, không nhớ, không hỏi bèn thuyết giới. Có một trú xứ, các Tỳ-kheo tập hợp muốn Bố-tát thuyết giới, thấy Tỳ-kheo ở chỗ khác, đối với Tỳ-kheo nghi, đối với giới không nghi, nhớ không hỏi bèn thuyết giới. Có một trú xứ, các Tỳ-kheo tập hợp muốn Bố-tát thuyết giới, thấy Tỳ-kheo ở chỗ khác, đối với Tỳ-kheo nghi, đối với giới không nghi, nhớ hỏi cùng thuyết giới. Các Tỳ-kheo không biết thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Sáu trường hợp trước có lỗi, Yết-ma không thành, phạm Đột-kiếtla. Ba trường hợp sau không lỗi, Yết-ma thành, không phạm. Đồng trú cũng như vậy.

Các Tỳ-kheo khách nói ngày mười bốn, Tỳ-kheo cựu trú nói ngày mười lăm, các Tỳ-kheo không biết thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Tỳkheo khách nên theo Tỳ-kheo cựu trú. Không có Tỳ-kheo cựu trú mà Tỳ-kheo khách tự cộng tác, khác với trên, không biết thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Kẻ đến sau nên theo người đến trước. Có Tỳ-kheo khách đến cùng lúc, bạch Phật. Phật dạy: Nên hỏi Tỳ-kheo ở trú xứ gần, nếu trú xứ gần không có Tỳ-kheo thì nên hỏi ngày mà quan quy định để áp dụng theo.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo, từ trú xứ có Tỳ-kheo đến trú xứ có Tỳ-kheo Bố-tát, đến trú xứ không có Tỳ-kheo Bố-tát, đến trú xứ có Tỳ-kheo mà hiện không có Tỳ-kheo Bố-tát, đến trú xứ của Tỳ-kheo tranh chấp Bốtát, đến trú xứ của Tỳ-kheo phá Tăng Bố-tát. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Ngày Bố-tát đến bốn chỗ trước, phạm Đột-kiết-la, đến một chỗ sau phạm Thâu-lan-giá.

Có một trú xứ, ngày Bố-tát, Bạt-nan-đà là Thượng tọa, chúng Tăng mời thuyết giới, Bạt-nan-đà trả lời: Tụng bị quên. Các Tỳ-kheo nói: Nếu quên, sao lại ngồi nơi chỗ Thượng tọa? Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Thượng tọa nên thuyết giới, nếu không thuyết, phạm Đột-kiết-la. Các Tỳ-kheo không biết ngang mức tuổi nào là Thượng tọa, bạch Phật. Phật dạy: Không có người nào trên nữa gọi là Thượng tọa.

Các Tỳ-kheo khi thuyết giới, nửa chừng bị quên, quý vị bạch Phật. Phật dạy: Người ngồi gần nên nhắc, nếu còn quên nhắc lần nữa, quên lần thứ ba, nên sai người khác tụng tiếp theo, chứ không nên tụng lại.

Bấy giờ, Lục quần Tỳ-kheo, đêm Bố-tát tranh chấp, trở ngại việc Tăng tụng giới, quý vị bạch Phật. Phật dạy: Nếu tổng số người được thuyết giới đứng dậy ít, thì nên trở lại tập hợp thuyết giới. Nếu người đứng dậy nhiều hơn hay phân nửa, nên để sáng ngày Bố-tát. Nếu nói luật, nói pháp, luận nghị, nhận được nhiều phẩm vật cúng dường, không đủ thì giờ thuyết giới, đều cho phép để sáng ngày thuyết giới. Các Tỳkheo trước không mời người tụng giới, do đó trở ngại việc thuyết giới, bạch Phật. Phật dạy: Nên mời vị thuyết giới trước. Khi ấy, các Tỳ-kheo thuyết giới trước, sau mới tác các pháp Yết-ma, Lục quần Tỳ-kheo thuyết giới rồi liền đi, không cùng Tăng hòa hợp làm các pháp Yết-ma, làm cho các pháp Yết-ma không như pháp. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Nên làm các Yết-ma trước, vậy sau mới thuyết giới, để giữ chân Tăng lại, khiến họ không đi được.

Khi ấy, các Tỳ-kheo cùng tụng giới, quý vị bạch Phật. Phật dạy:

Không nên cùng tụng giới, nên mời một vị tụng. Có Tỳ-kheo thuyết giới với giọng ngâm nga, bạch Phật. Phật dạy: Nên tụng ngay thẳng.

Lúc đó, một trú xứ Bố-tát, Bạt-nan-đà là Thượng tọa, xướng: Nay là ngày thứ mười lăm, Tăng Bố-tát thuyết giới, các Tỳ-kheo không đến có thuyết dục và thanh tịnh, nay Tăng làm gì? Vì hỏi các Tỳ-kheo làm việc gì? Nên các Tỳ-kheo trả lời: Tỳ-kheo… nên trao cho pháp Yết-ma quở trách, Yết-ma khu xuất, Yết-ma y chỉ, Yết-ma cử tội, Yết-ma hạ ý. Tỳ-kheo nên trao cho Biệt trú, Ma-na-đỏa, Bản nhật, A-phù-ha-na. Bạt-nan-đà nói: Tôi không biết Yết-ma. Các Tỳ-kheo hỏi: Nếu không biết tại sao hỏi Tăng và các Tỳ-kheo làm việc gì? Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Thượng tọa nên thuyết giới, vị trì luật nên Yết-ma.

Khi ấy, các Tỳ-kheo hoặc lật ngược y, hoặc chống nạnh, hoặc mang giày dép, hoặc trùm đầu, hoặc nằm hoặc dựa, làm các oai nghi không cung kính như vậy khi nghe thuyết giới. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Nên gia tâm cung kính, không nên lật ngược y… cho đến nằm, dựa mà nghe thuyết giới. Nếu vi phạm, phạm Đột-kiết-la. Ngày Bố-tát có một Tỳ-kheo ngủ, nên thuyết giới rồi thức dậy hớt hãi nói: Tăng tập cùng nhau thuyết giới. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Từ nay không được ngủ ngày.

Lại có các Tỳ-kheo chấp sự bị Yết-ma, không ngủ được nên mệt mỏi thân bất an, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép ngủ nơi kín vắng, nên nói với Tỳ-kheo quen biết: Tôi ngủ chỗ đó, nếu có Tăng sự kêu tôi.

Lại có một Tỳ-kheo khi thuyết giới ngủ, thức dậy, nói với các Tỳkheo: Sao không thuyết giới? Các Tỳ-kheo hỏi: Thầy nhớ chuyện gì? Tôi ngủ. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Không nên ngủ khi thuyết giới, vi phạm, phạm Đột-kiết-la.

Có một trú xứ Bố-tát, các Tỳ-kheo thuyết giới chỗ kín vắng, Tỳkheo khách đến không biết chỗ nào, bạch Phật. Phật dạy: Nếu không có nạn sự không nên thuyết giới chỗ kín vắng. Có Tỳ-kheo không biết ngày thuyết giới đến, bảo Tỳ-kheo hạ tọa dọn quét trải tòa, chuẩn bị thẻ hành trù, và đèn lửa. Các Tỳ-kheo nhân việc nhỏ bèn nhờ người khác. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Không cho phép nhân việc nhỏ mà nhờ các Tỳ-kheo khác. Muốn trang nghiêm nhà Bố-tát nên treo cờ phướn, lọng báu, rải hoa, cúng dường Tăng ngọ trai, cũng nhân việc này dâng y vật, lại muốn dùng kệ tán thán Phật, Pháp, Tăng. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Những việc ấy đều cho phép. Nếu có các việc phước cũng nên kịp thời thực hành.