LUẬT DI SA TẮC BỘ HÒA HÊ NGŨ PHẦN

Hán dịch: Đời Lưu Tống, Tam tạng Phật Đà Thập người nước Kế Tân, cùng Trúc Đạo Sinh
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 15

 

Phần 3: NÓI VỀ CÁC PHÁP: THỌ GIỚI, BỐ TÁT, AN CƯ, TỰ TỨ, Y, GIÀY DÉP DA, THỨC UỐNG V.V…

Đoạn 1: NÓI VỀ PHÁP THỌ GIỚI

Đức Phật ở tại thành Vương-xá, bảo các Tỳ-kheo: Thuở đời quá khứ, có nhà Vua tên là Uất Ma. Vợ lẻ có bốn người con, người thứ nhất tên Chiếu Mục, người thứ hai tên là Thông Mục, người thứ ba tên Điều Phục Tượng, người thứ tên Ni Lâu đều thông minh hiểu rộng, có oai đức. Đệ nhất phu nhân có một người con tên là Trường-sinh, ngu đần xấu xí, mọi người đều khinh miệt. Phu nhân nghĩ: Con ta tuy là lớn nhưng tài đức không bằng ai, còn bốn đứa kia lại có oai đức, ngôi vị của nước chắc về tay chúng. Ta nên lập mưu kế thế nào để củng cố cơ nghiệp cho con ta. Bà ta lại nghĩ: Hiện nay nhà Vua coi trọng và tin yêu mình hơn các phu nhân khác. Trước hết ta nên dùng tình cảm, sau sẽ dùng lý để giải quyết. Như mưu kế đã nghĩ, bà ta bèn trang điểm hết sức đẹp đẽ để khi Vua đến là chiếm được sự yêu thương và Vua muốn gần gũi với bà ta ngay. Khi ấy, bà ta khóc sướt mướt, nhà Vua hỏi lý do, bà ta trả lời: Em có lời nguyện nhỏ, e không toại, đành phải chết cho xong đời. Nhà Vua nói: Em có lời nguyện thế nào, nếu hợp lý thì anh đâu trái được. Bà ta bèn tâu với nhà Vua: Bốn đứa con của Vua đều có oai đức, còn đứa con của em tuy lớn, nhưng tài đức không bằng ai, vấn đề kế thừa đại nghiệp e chúng nó sẽ đoạt đi thôi. Nếu nhà Vua tẫn xuất bốn đứa kia thì em mới yên tâm. Nhà Vua nói: Bốn đứa đó đều có hiếu để, đối với nước không có lỗi gì, nay ta làm thế nào tẫn xuất được. Bà ta lại nói: Thật ra việc nhà cả việc nước lòng em quá đỗi lo toan đền đáp, vì bốn đứa con của Vua đều có oai đức, dân chúng đều quý mến, một ngày nào đó chúng nó tranh giành nhau ngôi vị ắt hẳn sẽ sát hại nhau và lộc nước lớn lao kia sẽ bị tiêu diệt, mai sau làm gì có Vua?! Nhà Vua nói:

Thôi! Thôi đừng nói thêm nữa. Nhà Vua liền kêu bốn người con, ra lệnh phải đi khỏi nước. Bốn người con vâng lệnh, liền chuẩn bị hành trang. Khi ấy, bà mẹ của bốn người con và các chị em ruột đều xin được cùng đi. Không những thế, các lực sĩ, bách quan, Bà-la-môn, Trưởng giả, Cư sĩ, tất cả dân chúng hầu hết đều vui lòng xin được đi theo. Nhà Vua chấp thuận cho theo tất cả. Là thế đấy, bốn người con bái từ ra đi. Qua được bên kia sông Kỳ-la, họ đến phía bắc Tuyết sơn, nơi đó đất bằng phẳng rộng rãi, bốn bề ngút ngàn sự trong lành, tĩnh mịch, lại nhiều trái ngọt, cây lành, kỳ hoa dị thảo, và muông thú đủ loại. Nhận ra đất lành, bốn người con cho dừng lại rồi gọi Bà-la-môn, Trưởng giả, Cư sĩ đến để cùng nhau bàn bạc: “Các nơi đã đi qua, không nơi nào hơn chỗ này, có thể định cư được rồi”. Tất cả đều đồng ý, nơi đây là quê hương mới. Họ xây dựng thành ấp và chỉ trong thời gian vài năm số người quy tụ đông đúc, dần dần phồn thịnh trở thành đại quốc. Cách sau vài năm, Vua cha nhớ đến con, hỏi quần thần: Bốn đứa con của ta nay ở đâu? Quần thần tâu: Ở tại phía bắc Tuyết sơn, gần rừng Xá-di, xây dựng thành quách doanh ấp, muôn dân phát đạt, đất đai màu mỡ, áo cơm sung túc không hề thiếu thốn. Nhà Vua nghe rồi Ba lần khen ngợi con ta có đủ khả năng! Nhà Vua Ba lần lập lại lời khen như thế. Từ đó, mang danh hiệu là chủng tộc Thích Ca.

Ni-lâu có con tên là Tượng-đầu-la. Tượng-đầu-la có con tên là Cù-đầu-la. Cù-đầu-la có con tên là Ni-hưu-la. Ni-hưu-la có bốn người con: Một tên là Tịnh Phạn, hai tên là Bạch Phạn, ba tên là Hộc Phạn, bốn tên là Cam Lồ Phạn. Vua Tịnh Phạn có hai người con: Một tên là Bồ-tát, hai tên là Nan-đà. Bạch Phạn có hai người con: Một tên là Anan, hai tên là Điều-đạt. Hộc Phạn có hai người con: Một tên là Ma-hanam, hai tên là A-na-luật. Cam Lồ Phạn có hai người con: Một tên là Bà-bà, hai tên là Bạt-đề. Bồ-tát có con tên là La-hầu-la. Khi còn nhỏ Bồ-tát đã có chí xuất gia. Vua cha sợ con học đạo, thường dùng năm dục để cho con vui chơi. Đến mười bốn tuổi, Bồ-tát oai nghiêm lên xa giá du ngoạn cửa thành phía Đông, thấy một người già đầu bạc lưng khòm, chống gậy, bước đi yết ớt, Bồ-tát hỏi người đánh xe: Đó là người gì? Tên đánh xe thưa: Đó là người già. Bồ-tát lại hỏi: Già là thế nào? Thưa Bồ-tát, già là tuổi đã lớn, căn cốt chín muồi, hình dạng biến đổi, sắc tướng suy tàn, đứng ngồi khổ sở, mạng sống không còn bao lâu, cho nên gọi là già. Bồ-tát hỏi: Ta có tránh khỏi tình trạng đó không? Thưa Ngài làm sao tránh khỏi. Bồ-tát bảo quay xe về lại cung, tự nghĩ: Chưa lìa khỏi sự già nên sầu ưu không vui. Vua cha hỏi tên hầu đánh xe: Thái tử đi chơi có vui hay không? Tên đánh xe tâu: Không vui. Tại sao vậy? Vì gặp một người già nên Thái tử không vui. Nhà Vua sợ, theo lời ông thầy tướng, e Thái tử không lâu nữa sẽ xuất gia, lại tăng thêm năm dục để mua vui cho Thái tử. Sau thời gian lâu, Thái tử lại ra lệnh người đánh xe nghiêm xa giá du quán cửa thành phía Nam. Gặp một người bệnh hình thể yếu ốm, dựa cửa thở hỗn hễn. Thái tử hỏi người đánh xe: Đó là người gì? Thưa Bồ-tát: Đó là người bệnh. Bồ-tát lại hỏi: Thế nào là người bệnh? Thưa Ngài bốn đại tăng thêm sự tổn giảm, ăn uống không được, sức lực yếu dần, mạng sống ở trong khoảnh khắc, nên gọi là bệnh. Bồ-tát hỏi: Ta có tránh khỏi tình trạng đó không? Thưa Ngài, làm sao tránh khỏi. Thái tử bảo quay xe về cung, tự nghĩ: Chưa lìa khỏi sự già bệnh, lại tăng thêm sầu ưu. Nhà Vua hỏi tên đánh xe: Thái tử đi chơi có vui không? Tên đánh xe tâu: Lại càng không vui! Vua lại hỏi: Vì sao? Bẩm Đại vương vì gặp một người bệnh cho nên không vui. Nhà Vua sợ Thái tử xuất gia, nên tăng thêm năm dục ngày đêm để cho Thái tử vui. Sau thời gian lâu, Bồ-tát lại bảo người đánh xe nghiêm xa giá, du quán cửa thành phía Tây. Gặp một người chết, tử thi khiêng đi trước, gia đình cả nam lẫn nữ đi sau khóc kể. Thái tử hỏi người hầu xe: Đó là người gì? Thưa Thái tử, đó là người chết. Lại hỏi: Thế nào gọi là người chết? Thưa Ngài, hơi thở chấm dứt, tinh thần không biết gì nữa, vất bỏ nơi đồng trống, vĩnh viễn xa lìa bà con, nên gọi là chết. Bồ-tát hỏi: Ta có tránh khỏi trạng huống đó không? Người hầu xe thưa: Làm sao tránh khỏi. Bồ-tát tự nghĩ: Chưa tránh khỏi già bệnh chết, nên càng tăng thêm sầu ưu, liền quay xe trở về. Trên đường thấy người cạo bỏ râu tóc, mặc pháp phục, bưng bát, nhìn đất mà đi, Thái tử hỏi người đánh xe: Đó là người gì mà y phục khác với người đời? Thưa Thái tử, đó là người xuất gia. Lại hỏi: Thế nào gọi là người xuất gia? Thưa Ngài, người khéo tự điều phục, đủ các oai nghi, thường hành nhẫn nhục, thương xót chúng sinh, nên gọi là xuất gia. Bồ-tát nghe rồi, ba lần thốt lên: Lành thay! Đây là sự sống an lạc duy nhất! Thái tử liền xuống xe đến gần cung kính hỏi: Tại sao hình thức y phục của Ngài không giống người đời? (Cách trả lời cũng giống như trên). Bồ-tát lại ba lần khen: Lành thay! Nếp sống này là an vui nhất. Bồ-tát lên xe về cung. Từ xa có một người nữ trông thấy Bồ-tát, trái tim cô ta bị rung động vì ái dục, liền nói kệ:

Mẹ vui vì có con
Cha con vui cũng thế
Người nữ được chồng này
Vui hơn vào Nê hoàn.

Bồ-tát nghe nói tiếng Nê hoàn, hoan hỷ vô cùng, tự nghĩ: Ta làm thế nào để sẽ chứng được Nê hoàn vô thượng này? Trở về cung, Bồ-tát miên man suy nghĩ đến các pháp sinh, lão, bệnh, tử chưa được xa lìa này… Nhà Vua hỏi người đánh xe: Nay Thái tử đi chơi có vui hay không? Người hầu xe thưa: Khi đi thì không vui, nhưng lúc về thì rất vui. Vua lại hỏi: Tại sao vậy? Thưa Ngài khi đi gặp một người chết nên không vui, lúc về thấy một Tỳ-kheo cho nên rất vui. Nhà Vua lại nghĩ: Tướng sư nói Thái tử sẽ xuất gia chắc là đúng. Nhà Vua tăng thêm năm dục cả ngày lẫn đêm để Thái tử vui chơi. Bồ-tát thưởng thức trò vui của các kỹ nữ, tạm thời ngủ được. Sau đó, đám kỹ nữ đều vùi mình trong giấc ngủ. Bồ-tát tỉnh dậy thấy các kỹ nữ cùng gối nhau mà ngủ, hoặc lộ hình thể chẳng khác nào con người bằng cây gỗ, nước mũi, nước mắt, nước dãi từ trong miệng chảy ra, đàn cầm, đàn sắt, đàn tiêu… ngổn ngang dưới đất, lại thấy cung điện cũng như gò hoang. Chứng kiến cảnh tượng này, Bồtát phải Ba lần thốt lên lời than: Họa thay! Họa thay! Bồ-tát liền chạy đến cung điện của phụ vương ở, biến trạng của cung điện cũng lại như vậy. Bồ-tát lại cũng than: Họa thay! Họa thay! Chán ngán quá rồi! Phải xa lìa gấp! Lúc ấy, Bồ-tát ra lệnh cho tên hầu Xiển-đà: Ngươi hãy thắng con ngựa, đừng cho ai hay! Xiển-đà thưa: Ban đêm không phải là lúc đi, không nên du quán. Hơn nữa, đâu có oán địch bức bách nơi hoàng cung, không biết vì lý do gì mà ban đêm bảo thắng ngựa? Thái tử trả lời: Có đại oán địch, ngươi không biết đâu. Cái oán địch là già, bệnh, chết, oán địch đó mới là lớn. Ngươi phải thắng ngựa gấp, không nên trì hoãn. Con bạch mã được thắng xong, Xiển-đà đem ra trước sân rồi thưa: Ngựa đã thắng xong, đem đến đây rồi. Bồ-tát liền đến nơi con ngựa, muốn cỡi lên, con ngựa liền hý lên một tiếng với giọng buồn thảm. Thiên thần sợ có sự trở ngại, liền dùng cách làm loãng âm thanh của ngựa, khiến cho người không nghe. Bồ-tát cỡi ngựa hướng về phía Đông các, cửa Đông các liền mở, lại hướng về cửa thành, cửa thành cũng tự mở. Ra khỏi cửa thành rồi, Bồ-tát hướng về rừng A-nậu-da, cách thành không xa. Bồ-tát xuống ngựa, cởi áo quý báu, trao cho Xiển-đà và nói: Ngươi đem con ngựa và chiếc áo này về hoàng cung, tâu lên: Hôm nay ta bái tạ cha mẹ để đi học đạo, không lâu lắm đâu, ta sẽ trở về, xin song thân đừng quá buồn rầu. Xiển-đà khóc lóc, quỳ gối thưa: Tướng sư trước kia có nói, Thái tử sẽ làn Chuyển luân Thánh vương có bảy thứ báu, một ngàn người con, làm Vua bốn cõi thiên hạ, dùng chánh pháp trị đời, không dùng binh trượng, tự nhiên thái bình, tại sao nay lại từ bỏ ngôi Vua, cởi áo quý báu, nhận sự khổ nơi rừng núi hoang vu?! Bồ-tát hỏi lại: Tướng sư lúc bấy giờ còn nói gì nữa không? Xiển-đà thưa, tướng sư còn nói: Nếu không vui sống với thiên hạ, xuất gia học đạo sẽ thành Chánh đẳng giác vô thượng. Bồ-tát nói: Ngươi nghe rõ như vậy tại sao nay lại buồn? Ngươi phải mau trở về tâu với song thân ta: Dù cho xương cốt mục nát mà ta không chấm dứt được nguồn gốc của sinh, lão, bệnh, tử thì ta không trở về. Lúc ấy Xiển-đà buồn khóc, đến trước kính lễ, đi nhiễu ba vòng, rồi dắt ngựa, đem y báu về cung.

Bồ-tát tiến về phía trước, thấy một người thợ săn mặc chiếc áo cà sa, liền đến chỗ ông ta, dùng chiếc áo giá đáng trăm ngàn lần đổi lấy chiếc áo kia rồi mặc đi. Bồ-tát hướng đến cây Tu-ma-na, bên gốc cây có người thợ cạo tóc, nhờ cạo đầu. Họ liền cạo tóc cho Bồ-tát. Trời Thíchđề-hoàn-nhân, trong chớp nhoáng, như co duỗi cánh tay, đến trước Bồtát, lấy y, hứng tóc đem về Thiên cung. Cạo tóc rồi, Bồ-tát nghĩ: Nay ta đã làm người xuất gia tự nhiên đủ giới. Từ đó, Ngài tuần tự du hành đến thành Vương-xá. Vua Bình-sa lúc thiếu thời có năm lời nguyện:

  1. Phụ vương băng hà ta sẽ nối ngôi.
  2. Khi làm Vua gặp Phật ra đời.
  3. Chính mình được thấy Phật, gần gũi cúng dường.
  4. Phát tâm hoan hỷ đặng nghe chánh pháp.
  5. Nghe pháp rồi liền được tin hiểu.

Bồ-tát vào thành khất thực, oai nghi rạng rỡ, nhìn đất mà đi. Khi ấy, chưa có bình bát, Ngài trì lá sen thay bát đi khắp mọi nẻo đường, bát lá sen còn cộng. Lúc đó, nhà Vua cùng quần thần ở trên vọng lầu, từ xa thấy Bồ-tát lấy làm kỳ lạ, quay lại nói với quần thần: Chưa từng nghe thấy ai như người này, chắc là thần thánh. Quần thần đều tâu: Trước đây có nghe, phía bắc Tuyết sơn, Vua thành Ca-duy-la-vệ tên là Tịnh Phạn, sinh người con tên là Bồ-tát. Thầy tướng xem tướng nói: Nếu ở nhà thì sẽ làm Chuyển luân Thánh vương, làm chủ bốn cõi thiên hạ, bảy thứ báu tự đến, tức là luân báu, tượng báu, mã báu, châu báu, nữ báu, thần báu và chủ binh báu. Vua có một ngàn người con dũng kiện, sức mạnh phi thường, dùng pháp chế ngự đời, binh trượng không dùng đến mà tự nhiên thái bình. Nếu không vui sống với thế gian, xuất gia học đạo, chứng thành Phật đạo, độ sinh tử cho người. Nghe Thái tử đã xuất gia chắc là người này. Vua nghe nói như thế, bèn rất vui mừng, nói: Năm lời nguyền của ta trước đây, một lời đã thực hiện, còn bốn lời nữa, chắc nay sẽ toại nguyện. Nhà Vua liền sắc hai người tới xem Bồ-tát trú nghỉ tại đâu để nhà Vua đến. Nhận lệnh, hai người theo sát đến tận nơi, thấy Bồ-tát khất thực xong trở về núi Ba-la-nại, ngồi kiết già hướng về nước Ba-tuần. Một người luôn theo để quan sát, một người về tâu với Vua. Nhà Vua liền trang nghiêm xa giá thẳng đến nơi. Bồ-tát hốt nhiên đình chỉ kiết già xuống núi, nhà Vua đang leo lên núi, đến chỗ Bồ-tát. Bồ-tát nói: Lại đây, lành thay Đại vương! Vua sẽ nhận được điều an lành. Nhà Vua liền cúi đầu kính lễ sát chân rồi ngồi lui qua một bên, bạch Bồ-tát: Ngài sinh từ nước nào, xuất gia từ họ nào? Bồ-tát trả lời: Sinh từ phía bắc Tuyết sơn, nước Xá-di, thành Ca-duy-la-vệ, cha tên là Tịnh Phạn, họ là Cù-đàm. Nhà Vua muốn thử Bồ-tát cho nên nói: Tộc tánh của Tỳ-kheo tôn quý, ngôi Vua lớn ở đời, Thánh đức tự nhiên, bao trùm bốn biển, bốn biển không một ai không trông chờ. Nếu Ngài nhiếp chánh thì tôi cũng hướng về phương Bắc mà phụng thờ. Bồ-tát trả lời: Địa vị nào bằng địa vị Chuyển luân Thánh vương mà tôi đã bỏ huống là bốn biển. Sở dĩ tôi xuất gia cầu đạo là muốn vượt khỏi tất cả cái khổ lớn của sinh tử. Sao không thỉnh tôi thành đạo rồi độ Đại vương trước mà lại bo bo cho việc đó là trọng yếu?! Nhà Vua nói: Hay thay! Lời nói đó rất là vừa ý! Xin Ngài thành đạo rồi độ tôi và người trong nước này trước. Bồ-tát chấp thuận. Nhà Vua rất hoan hỷ kính lễ sát chân rồi cáo lui. Sau khi nhà Vua đi, Bồ-tát bèn hướng về cây Bồ-đề. Cách cây Bồ-đề không xa có một người cắt cỏ, tên là Kiết-an, Ngài tới xin một ít cỏ, đem đến trải bên một gốc cây rồi ngồi kiết già, thẳng người, chánh ý, chánh niệm trước mắt, liền trừ được năm cái, lìa dục, lìa pháp ác bất thiện… Cuối cùng đắc đệ tứ thiền và an trú trong đó, thông hạnh ba mươi bảy đạo phẩm. Do tâm tịnh này mà ba minh rạng chiếu, tức là Túc mạng minh, Tha tâm minh và Lậu tận minh, như trong kinh Thụy Ứng Bổn Khởi đã nói. Khi ấy, Ngài đứng dậy đến nơi làng Uất-tỳ-la, ngồi dưới rừng cây, khởi đầu cho việc đắc thành Phật đạo. Đầu đêm, Ngài quán mười hai nhân duyên nghịch và thuận. Do duyên cái này nên cái này hiện hữu, duyên diệt thì cái này diệt theo. Nghĩa là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên lão tử, ưu bi, khổ não. Nếu vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục nhập diệt, lục nhập diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sinh diệt, sinh diệt thì lão tử, ưu bi, khổ não đều diệt. Thấy rõ nghĩa duyên khởi này rồi, Ngài bèn nói kệ:

Các pháp đều duyên sinh
Phạm chí bắt đầu thiền
Đã rõ pháp duyên sinh
Các nghi, có thể trừ.
Các pháp đều duyên sinh
Phạm chí bắt đầu thiền
Đã rõ pháp duyên sinh
Các khổ, có thể trừ.
Các pháp đều duyên sinh
Phạm chí bắt đầu thiền
Ma tối tăm phá được
Như mặt trời trên không.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn mắc bệnh cảm gió, thần núi Ma-tu-la liền lấy trái Ha-lê-lặc dâng Phật, thưa: Cúi xin Phật dùng trái cây này để trừ bệnh cảm gió. Đức Phật thọ nhận và dùng, bệnh cảm gió liền hết, ngồi kiết già bảy ngày thọ sự an vui giải thoát. Sau bảy ngày, từ Tam-muội đứng dậy du hành trong nhân gian. Khi ấy có năm trăm khách buôn chở hàng trên năm trăm cỗ xe, trong đó có hai đại nhân, một tên là Ly Vị, người thứ hai tên là Ba-lợi. Xưa kia hai người có một thiện trí thức qua đời, xin làm thiện thần, thường đi theo họ, nghĩ: Nay Đức Phật mới thành đạo cao cả, chưa có người dâng cúng thức ăn, ta nên khiến hai ông bạn cúng dường Đức Phật để được an lành nhiều kiếp. Vị thiện thần liền dùng thần lực làm cho đoàn xe đều bị trở ngại, mọi người sợ sệt, khấn vái bốn phương. Vị thiện thần từ không trung nói: Các người đừng sợ! Các người đừng sợ. Nay Đức Phật Thế Tôn vừa mới thành đạo cả, ngồi yên lặng bảy ngày, từ thiền định đứng dậy du hành và hiện ngồi nơi gốc cây kia, chưa có người dâng cúng, hai ông bạn nên đem lương khô, mật, dâng cúng để được an lạc nhiều đời. Mọi người đều hoan hỷ, trộn mật với lương khô đem đến để cúng. Từ xa, thấy Đức Thế Tôn ngồi dưới tàng cây, dung mãi đĩnh đạc, các căn tịch định, có ba mươi hai tướng của đại nhân, ánh sánh tỏa vòng quanh một tầm, giống như núi vàng. Họ đến trước mặt, kính lễ sát chân Phật rồi dâng cúng lương khô trộn với mật. Đức Thế Tôn khởi ý nghĩ: Các Đức Phật quá khứ đều dùng bình bát để thọ, các Đức Phật đương lai cũng lại như vậy. Nay Ta cũng nên dùng bát để thọ nhận thức ăn cúng dường. Tứ Thiên vương biết ý Phật, mỗi người tự lấy một cái bát bằng đá sạch có mùi thơm tự nhiên đem đến dâng Đức Thế Tôn, bạch: Cúi xin Ngài nhận lấy đồ đựng này của chúng con để thọ vật dâng cúng của người lái buôn. Đức Phật lại suy nghĩ: Nếu lấy một cái bát của một Thiên vương thì mấy vị kia không bằng lòng. Ngài bèn lấy cả bốn cái để vào trong bàn tay bên trái, dùng tay bên phải ép lại thành một cái, nhận lấy vật dâng cúng. Thọ rồi Ngài nói: Các người nên quy y Phật, quy y Pháp. Họ liền thọ hai tự quy. Trong loài người, hai nhà buôn là người thọ hai tự quy đầu tiên.

Ngài nói pháp tùy hỷ, chú nguyện bằng kệ:

Hai chân, ngươi an ổn
Bốn chân cũng an ổn
Đi cũng được an ổn
Về cũng được an ổn.
Như người cày cầu mong
Gieo giống với hy vọng
Ngươi đi biển hy vọng
Thu hoạch như người cày.

Đức Thế Tôn nói kệ này rồi lại vì khách buôn nói các pháp diệu, chỉ vẽ lợi ích để họ vui mừng. Sau đó, Ngài đến ngồi dưới một tàng cây thọ thực thức ăn đã thọ nhận. Dùng lương khô trộn mật xong, Ngài lại ngồi kiết già nhập định bảy ngày thọ sự vui trong giải thoát. Sau bảy ngày, đến chỗ trú ngụ của rồng Văn Lân, ngồi dưới tàng cây. Con rồng ra khỏi nước dùng thức ăn không phải của loài người dâng lên Đức Thế Tôn. Đức Phật nhận và thọ thực rồi lại ngồi nhập định bảy ngày, thọ sự vui giải thoát. Khi ấy bầu trời dày đặc mây đen, mưa suốt bảy ngày, khiến người hoảng sợ. Con rồng khởi ý niệm: Nay, trời mưa đáng sợ, ta nên biến hóa làm thành thân lớn vây quanh Đức Phật bảy vòng, lấy đầu che trên Đức Phật để khỏi mưa gió mòng muỗi quấy rầy Ngài. Nghĩ xong, rồng liền thực hiện. Bảy ngày qua rồi, Đức Thế Tôn từ Tam-muội đứng dậy. Rồng thấy tạnh mưa, vòm trời trong sáng, xả bỏ thân hình lớn kia, biến làm thiếu niên, cúi đầu bạch Phật: Con hóa thân lớn, vây quanh bảy vòng, đầu che trên Đức Phật, muốn cho gió mưa mòng muỗi đừng xúc não đến Như Lai. Vì lý do đó Đức Phật nói kệ:

Xa lìa, vui chốn tĩnh
Nghe pháp, thấy pháp, vui
Không não hại đời, vui
Thương chúng sinh nên, vui.
Lìa dục thế gian, vui
Vượt hết ân ái, vui
Người dẹp được ngã mạn
Đó là vui tối thượng.

Đức Phật nói kệ rồi, đứng dậy đến Uất-tỳ-la, thôn Tư-na, vào thôn khất thực, sau đó đến nhà của Bà-la-môn Tư-na, đứng im lặng bên ngoài cửa, người nữ ấy tên là Tu-xà-đà, thấy oai tướng thần diệu của Đức Phật, liền đến trước mặt, lấy bình bát của Đức Phật đựng đầy thức ăn ngon bổ, dâng cúng Đức Thế Tôn. Đức Phật thọ thực rồi nói: Người có thể quy y Phật, quy y Pháp. Tu-xà-đà liền thọ hai quy y. Trong số người nữ, Tu-xà-đà là người đầu tiên thọ hai tự quy, làm người Ưu-bàdi. Đức Phật thọ thực rồi, trở lại dưới tàng cây Bồ-đề, ngồi kiết già, nhập định bảy ngày, thọ cái vui giải thoát. Sau bảy ngày, từ Tam-muội đứng dậy, mặc y bưng bát trở lại nhà ấy. Tư-na dâng thức ăn rồi thọ hai quy y (như trên đã nói). Sau đó, Đức Phật lại đến nhà ấy, người đàn bà thấy Đức Phật, dâng thức ăn, rồi thọ hai quy y như trước. Sau đó, Đức Phật đến lần nữa, bốn chị em của nhà kia thấy Phật, dâng thức ăn, thọ hai quy y (cũng như trước). Đức Phật thọ thực xong, lại trở về dưới tàng cây Bồ-đề, ngồi nhập định bảy ngày. Khi xuất định, Ngài hướng đến A-dự-ba-la, cây Ni-câu-loại, giữa đường thấy một người nữ đang khuấy lạc để làm tô, bèn đến khất thực, người nữ kia lấy bát đựng đầy lạc cúng Phật, rồi thọ hai quy y như trước. Đức Phật thọ thực rồi đến gốc cây phía trước ngồi nhập định Tam-muội bảy ngày. Qua bảy ngày rồi, xuất định, khởi ý niệm: Pháp Ta chứng được rất là vi diệu, khó rõ, khó thấy, tịch mịch vô vi, người trí mới biết chỗ vi diệu ấy, chẳng phải kẻ ngu hiểu được. Chúng sinh lại ưa ở trong nhà tối tăm ba cõi, kết dệt thành nghiệp chướng làm sao có thể ngộ đạo mười hai nhân duyên sâu xa vi diệu khó thấy này. Hơn nữa, phải dứt tất cả hành, cắt dứt ngay sự lưu chuyển của nó, tận diệt ân ái thì rõ cội nguồn Nê hoàn vô dư. Quả thật là điều rất khó. Nếu Ta đem nói ra thì tự chuốc lấy cái vất vả, cái nhọc nhằn, cuối cùng tự lấy cái khổ vô ích! Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn nói rõ lý do vì sao không thể giảng nói bằng kệ:

Đạo Ta thành rất khó
Nếu nói cho nhà tối
Nghịch dòng xoáy sinh tử
Pháp mầu rất khó hiểu.
Bị nhiễm dục phủ che
Ngu ám không thấy được
Người tham sân ngu si
Không thể hiểu pháp này.

Do vậy, Đức Thế Tôn im lặng không nói pháp. Lúc ấy, trời Phạm thiên ở trên cõi Phạm thiên, từ xa biết được ý của Đức Phật, khởi niệm: Nay Đức Phật chánh giác xuất hiện ở đời, mà không vì chúng sinh nói pháp tự thân đã chứng ngộ thì thế gian mãi ở trong tăm tối, sau khi chếtphải đọa vào ba đường dữ. Nghĩ như vậy rồi, như lực sĩ co duỗi cánh tay, trong chớp nhoáng biến dạng nơi cõi Phạm thiên, xuất hiện trước Đức Phật, đầu mặt kính lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật: Cúi xin Đức Thế Tôn thương xót chúng sinh, vì họ giảng nói pháp. Vẫn có chúng sinh đủ khả năng lãnh thọ lời Phật dạy. Nếu họ không được nghe pháp sẽ bị thối đọa. Ba lần thưa thỉnh như vậy, trời Phạm thiên lại dùng nghĩa này nói kệ thỉnh Phật:

Trước đây Ma-kiệt này
Thường nói pháp tạp uế
Nguyện mở cửa cam lồ
Diễn nói nghĩa thuần tịnh.
Chính tôi ở Phạm cung
Đều thấy Phật xưa nói
Cúi xin Đấng mắt Tuệ
Cũng mở Pháp đường dạy.
Cúng sinh đầy ưu não
Không lìa sinh lão tử
Vì nhiều người ưa thiện
Xin nói pháp chiến thắng.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn im lặng nhận lời, rồi dùng Phật nhãn xem khắp thế gian, thấy chúng sinh căn có lợi, độn, có người sợ đời sau đọa trong ba đường dữ, có người có khả năng thọ pháp như biển cả, có người như gốc hoa sen ở trong bùn, nhưng hoa ra khỏi nước hay chưa ra khỏi nước đều không bị nhiễm bùn. Đức Phật nói kệ: Trước ngại việc vô ích Không nói nghĩa thâm diệu. Lối cam lồ sẽ mở Tất cả đều nên nghe.

Bấy giờ, trời Phạm thiên nghe bài kệ rồi vui mừng vô hạn, đến trước Phật kính lễ sát chân, đi quanh bên phải ba vòng, bổng nhiên biến mất trở về Thiên cung. Đức Phật khởi ý niệm: Lối cam lồ sẽ mở, ai là người được nghe trước? Uất-đầu-lam-phất thông minh dễ lãnh hội. Người này nên được nghe trước. Đã xác định được đối tượng nên Đức Phật lên đường. Ngay lúc ấy, trên không trung chư Thiên thưa: Uấtđầu-lam-phất qua đời trước đây bảy ngày. Đức Phật nói: Khổ thay cho ông ta đã mất hẳn cơ hội. Tại sao không được nghe tiếng pháp cam lồ?! Đức Phật lại nghĩ: Lối cam lồ sẽ mở, tiếp theo ai là người được nghe? A-lan-ca-lan thông minh dễ lãnh hội, đây là người kế tiếp nên được nghe. Đức Phật vừa muốn đi, chư Thiên lại nói: A-lan-ca-lan vừa mới qua đời đêm rồi. Đức Phật nói: Khổ thật! Trong pháp cam lồ mà không được nghe, sinh tử luân hồi do đâu được chấm dứt?! Đức Phật lại suy nghĩ: Lối cam lồ sẽ mở, ai là người tiếp theo sẽ được nghe trước? Xưa kia phụ vương sai năm người theo hầu Ta khổ cực, công đức ấy Ta nên đền trả. Năm người đó hiện nay đang ở nước Ba-la-nại, trong vườn Lộc Uyển Tiên nhân. Đức Phật nghĩ như vậy rồi liền đi. Trên lộ trình, Ngài gặp Phạm chí tên là Ưu-bà-kỳ-bà. Từ xa trông thấy Đức Thế Tôn dung mạo đĩnh đạc, các căn tịch định, ánh sánh tỏa ra một tầm, giống như núi vàng, Phạm chí bèn hỏi: Ngài thờ thầy nào? Ngài hành theo pháp nào mà được tôn quý như thế? Khi ấy Đức Thế Tôn dùng kệ trả lời:

Nhất thiết trí là hơn hết
Không lụy, không bị nhiễm
Không thầy, Ta tự tu
Tự nhiên thông Thánh đạo.
Chỉ một và duy nhất
Khiến đời được an ổn
Sẽ ở Ba-la-nại
Đánh trống pháp cam lồ.

Phạm chí lại hỏi: Ngài tự nói là tối thắng, xin được nghe nghĩa ấy.

Đức Phật lại dùng kệ trả lời:

Đã trừ hết ràng buộc
Diệt lậu hoặc ba cõi
Phá tan các pháp ác
Thế nên Ta tối thắng.

Phạm chí không chấp nhận, giũ áo bỏ đi. Vị thiên thần bạn đời trước của Phạm chí từ trên không liền nói kệ:

Phật vừa mới ra đời
Bậc tôn kính thế gian
Tại sao bạn được gặp
Lại bỏ mà ra đi?!

Vị Phạm chí tuy nghe bài kệ vẫn bỏ đi không ngó lại. Lúc ấy, Đức Thế Tôn hướng đến Ba-la-nại, nơi chỗ ở của năm người. Năm người từ xa thấy Đức Phật đến, cùng dặn nhau: Sa-môn Cù-đàm trước kia ăn một ngày một hạt mè, một hạt thóc còn không đắc đạo, nên nhiều ham muốn cách đạo càng xa, chúng ta chỉ đặt một chiếc ghế nhỏ và đừng nên đứng dậy nghinh đón, lễ bái hỏi chào. Nhưng khi Đức Thế Tôn tới, năm người đã tự động đứng dậy kính lễ, rước y bát trải chỗ ngồi tốt, lấy nước rửa chân, song vẫn còn coi thường Như Lai nên chỉ gọi tánh danh… của Ngài để mời ngồi. Đức Phật bảo năm người: Các ngươi là kẻ ngu si, dặn nhau thế nào mà tự hủy bỏ. Các ngươi chớ nên đối với Phật mà khinh, gọi bằng tánh danh, để rồi phải thọ khổ báo nhiều kiếp. Ta nay đã thành Chánh giác vô thượng, nên phải cùng nhau nhất tâm lãnh thọ lời dạy. Nếu các ngươi tùy thuận không chống trái thì không bao lâu sẽ được xuất gia trong tộc tánh, tịnh tu phạm hạnh, hiện chứng đạo quả, sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, hiểu rõ năm ấm, an hưởng Nê hoàn. Năm người lại nói: Trước đây ông tu khổ hạnh, làm những việc làm khó như vậy mà còn không đắc pháp vượt hơn người, đầy đủ lợi ích của bậc Thánh, huống chi nay bỏ khổ hạnh sống phóng túng nhiều ham muốn, thì pháp vượt hơn người làm sao có được? Đức Phật lại bảo: Các ngươi đừng khinh Đức Như Lai bậc Chánh giác vô thượng. Phật không mất đạo cũng không đa dục. Năm người nghe rồi mới bỏ ý nghĩ cũ. Đức Phật lại bảo: Đời có hai cực đoan không nên thân cận, một là tham đắm ái dục, nói dục là không có tội lỗi, hai là tà kiến khổ hạnh, không hề có dấu vết của đạo. Xả bỏ hai cực đoan đó thì được Trung đạo, phát sinh mắt trí sáng suốt giác ngộ hướng đến Niết-bàn. Thế nào gọi là Trung đạo? Trung đạo là tám con đường chính: Chánh kiến, Chánh tư, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh phương tiện, Chánh niệm và Chánh định. Như vậy gọi là Trung đạo. Lại có bốn Thánh đế: Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế và Khổ diệt đạo Thánh đế. Khổ Thánh đế là thế nào? Nghĩa là sinh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ưu bi não khổ, oán ghét gặp nhau khổ, ái biệt ly khổ, mong cầu mà bị mất khổ. Nói một cách gọn: Năm ấm xí thạnh là khổ. Như vậy là khổ Thánh đế. Khổ tập Thánh đế là thế nào? Nghĩa là hữu ái và phiền não câu sinh, ưa thích đắm vướng khắp nơi. Như vậy gọi là Khổ tập Thánh đế. Khổ diệt Thánh đế là thế nào? Nghĩa là trạng thái vắng lặng sau khi đoạn hết ái. Như vậy gọi là Khổ diệt Thánh đế. Khổ diệt đạo Thánh đế là thế nào? Nghĩa là tám con đường chánh. Như vậy gọi là Khổ diệt đạo Thánh đế. Đó là pháp trước đây Ta chưa từng nghe. Nhãn sinh, trí sinh, minh sinh, giác sinh, thông sinh, tuệ sinh, pháp như vậy nên biết. Trước đây Ta chưa từng nghe nhãn sinh cho đến tuệ sinh, pháp như vậy Ta đã biết. Trước đây Ta chưa từng nghe nhãn sinh cho đến tuệ sinh là Khổ Thánh đế. Khổ Thánh đế như vậy nên biết, Khổ Thánh đế như vậy Ta đã biết. Trước đây Ta chưa từng nghe nhãn sinh cho đến tuệ sinh là Khổ tập Thánh đế. Khổ tập Thánh đế như vậy nên đoạn, Khổ tập Thánh đế như vậy

Ta đã đoạn. Trước đây Ta chưa từng nghe nhãn sinh cho đến tuệ sinh là Khổ diệt Thánh đế. Khổ diệt Thánh đế như vậy nên chứng, Khổ diệt Thánh đế như vậy ta đã chứng. Trước đây Ta chưa từng nghe nhãn sinh cho đến tuệ sinh là Khổ diệt đạo Thánh đế. Khổ diệt đạo Thánh đế như vậy nên tu, Khổ diệt đạo Thánh đế như vậy Ta đã tu. Trước đây Ta chưa từng nghe nhãn sinh cho đến tuệ sinh, Ta đã biết như thật, đó là Ba lần chuyển thành mười hai hành pháp luân đặng thành Chánh giác vô thượng. Khi Phật giảng nói pháp này, quả đất rung chuyển sáu cách. Kiều-trần-như xa trần lìa cấu, ở trong các pháp đạt được mắt pháp trong sạch. Đức Phật hỏi ông Kiều-trần-như: Ông hiểu chưa? Ông hiểu chưa? ÔngKiều-trần-như trả lời: Bạch Đức Thế Tôn! Tôi đã hiểu. Vị địa thần nghe rồi báo lên thần Hư không, thần Hư không báo lên Tứ Thiên vương, Tứ Thiên vương báo lên Đao-lợi thiên, như vậy lần lượt báo đến trời Phạm thiên: Nay Đức Phật ở nơi Ba-la-nại chuyển bánh xe pháp vô thượng, trước đây chưa từng được chuyển. Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Ma, Phạm, tất cả thế gian chưa hề ai chuyển. Chư Thiên hoan hỷ mưa xuống bằng các loại hoa, đều có ánh sáng như các ngôi sao rơi xuống đất. Trong hư không nhạc trời trổi lên.

Lúc ấy, Kiều-trần-như từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ sát chân Phật, bạch:

-Bạch Đức Thế Tôn! Xin cho con xuất gia thọ giới Cụ túc.

Đức Phật nói:

-Lành thay Tỳ-kheo, lại đây thọ giới Cụ túc, ở trong pháp luật khéo nói của Ta có thể dứt hết tất cả khổ, tịnh tu phạm hạnh.

Kiều-trần-như râu tóc tự rơi xuống, cà sa mặc vào thân, bình bát bưng nơi tay. Như vậy là Kiều-trần-như đã được xuất gia thọ giới Cụ túc. Từ đây về sau gọi là A-nhã-kiều-trần-như.

Đức Phật lại vì bốn người kia nói pháp giáo giới. Bạt-đề, Bà-phả hai người đạt được mắt pháp trong sạch, thấy pháp đắc quả. Thấy pháp đắc quả rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ sát chân Phật, bạch:

-Bạch Đức Thế Tôn! Nguyện cho con được xuất gia thọ giới Cụ túc.

Đức Phật nói:

-Lành thay Tỳ-kheo! Cho đến câu: Bình bát bưng nơi tay (như trên đã nói).

Đức Phật lại vì hai người nữa nói pháp giáo hóa, Át-bệ, Ma-hanạp đạt được mắt pháp trong sạch, thấy pháp đắc quả. Thấy pháp đắc quả rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy kính lễ sát chân Phật, bạch:

-Bạch Đức Thế Tôn! Cho chúng con được xuất gia thọ giới Cụ túc.

Phật nói:

-Lành thay Tỳ-kheo! Cho đến câu: Bình bát bưng nơi tay (như trên đã nói).

Đức Phật bảo năm Tỳ-kheo:

-Các ông một lòng cầu chánh đoạn phiền não, trước đây Ta cũng một lòng cầu chánh đoạn phiền não nên được thành Chánh giác vô thượng. Các ông nghĩ thế nào? Sắc là thường hay là vô thường?

Thưa Ngài:

-Sắc là vô thường.

Lại hỏi:

-Nếu là vô thường thì khổ hay vui?

Thưa:

-Là khổ.

Lại hỏi:

-Nếu là khổ thì ngã hay phi ngã?

Thưa:

-Là phi ngã.

Thọ, tưởng, hành, thức cũng hỏi như vậy, đáp cũng như trên. Do đó, này các Tỳ-kheo! Sắc dù trong, dù ngoài, dù quá khứ, vị lai, hiện tại đều nên thấy đúng như thật là phi ngã. Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Là Thánh đệ tử nên quán như vậy, nhàm chán, xa lìakhông nhiễm đắm thì được giải thoát, được trí giải thoát, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm. Khi giảng nói pháp như vậy, năm Tỳ-kheo đều dứt hết lậu hoặc, đắc A-la-hán. Bấy giờ trong thế gian có sáu vị A-la-hán.

Lại có con ông Trưởng giả tên là Da-xá, bản tánh hiền thiện, nhàm chán muốn xa lìa thế gian, ưa thích nghe pháp. Đức Thế Tôn khởi ý niệm: Da-xá, con ông Trưởng giả kia sẽ dùng lòng tin xuất gia. Đức Thế Tôn bèn đến bên dòng sông Bà-la, trải cỏ nghỉ lại đêm. Khi ấy, con ông Trưởng giả thọ hưởng năm dục rồi, tạm thời ngủ, tất cả kỹ nữ cũng đều nằm ngủ. Trong giây lát con ông Trưởng giả thức dậy thấy quang cảnh nơi nhà mình như bãi tha ma, xem các kỹ nữ như người gỗ. Họ gối lên nhau mà ngủ, nước mũi, nước dãi từ trong miệng chảy ra. Đàn cầm, đàn sắt, ống tiếu, ống sáo, đồ đạc ngổn ngang, rất là đáng sợ, sinh lòng nhàm chán muốn xa lìa, bèn chạy đến chỗ cha ở, cũng thấy như vậy, càng sinh nhàm chán muốn xa lìa, liền hướng đến cửa hông, cửa tự nhiên mở, hướng đến cửa cái và cửa của đại thành cũng đều tự nhiên mở. Ông đi quanh đến bên dòng sông Bà La, cao giọng kêu lớn: Tôi đang sầu khổ, không có chỗ nương nhờ!

Bấy giờ, Đức Thế Tôn duỗi cánh tay sắc vàng vẫy gọi: Này đồng tử, đến đây! Đây là chỗ yên lặng không có sầu khổ! Da-xá nghe tiếng nói của Phật, tất cả sầu khổ bỗng nhiên tiêu mất, bèn cởi đôi giày lưu ly đang mang để nơi bờ sông, lội qua, đến chỗ Đức Phật. Từ xa, thấy Đức Thế Tôn sắc diện đặc biệt, như núi vàng ròng, Da-xá sinh tâm hoan hỷ, đến nơi, đầu mặt đảnh lễ sát chân Phật rồi ngồi lui qua một bên. Đức Phật vì Da-xá giảng nói các pháp vi diệu, chỉ vẽ sự lợi ích khiến cho vui mừng. Kế đó, Phật nói Tứ đế: khổ, tập, diệt, đạo. Da-xá liền từ chỗ ngồi xa trần lìa cấu, đạt mắt pháp trong sạch.

Sau đấy, đám kỹ nữ thức dậy, cùng nhau tìm kiếm Da-xá, không biết ở đâu, đến báo với cha mẹ của Da-xá. Cha mẹ ông bủa ra tìm kiếm khắp nơi, và rao truyền cho mọi người: Ai biết con tôi ở đâu, tôi sẽ dùng chiếc áo quý giá đang mặc trong mình biếu cho. Trong đêm, cha của Da xá đến nơi cửa thành đợi cửa thành mở mới ra được, thấy dấu giầy bèn truy tầm theo. Khi tới bên bờ sông thấy đôi giầy lưu ly để nơi bờ, vừa mừng, vừa lo, liền bỏ đôi giầy, lội qua sông. Đức Phật từ xa trông thấy, sợ trở ngại tâm thiện của người con, nên phương tiện hóa vật cách che khiến con thấy cha mà cha không thấy con. Người cha hỏi Đức Phật: Sa-môn có thấy con của tôi hay không? Đức Phật nói: Nên ngồi nghỉ đã, nếu có nơi đây thì lo gì không thấy. Nghe câu nói ấy, người cha nghĩ: Chắc Sa-môn không nói dối. Người cha liền đến kính lễ sát chân Phật rồi ngồi lui qua một bên. Đức Phật vì người cha giảng nói các phép mầu chỉ vẻ sự lợi ích, khiến vui mừng. Các pháp Đức Phật đã giảng nói đó là luận về bố thì, luận về trì giới, luận về sinh thiên, và nói năm dục là tội lỗi, xuất xinh các lậu hoặc, tại gia là nhiễm ô, xuất gia là không vướng mắc. Đức Phật nói các pháp trợ đạo Bồ-đề rồi, giảng nói các pháp mà chư Phật thường nói là khổ, tập, tận, đạo. Ông ta liền từ chỗ ngồi xa trần lìa cấu, đạt được mắt pháp trong sạch, thấy pháp đắc quả. Thấy pháp đắc quả rồi, thọ ba tự quy, kế tiếp thọ năm giới. Trong chúng Ưu-bà-tắc, cha con ông Da-xá là người đầu tiên thọ ba quy, năm giới.

Da-xá nghe Đức Phật vì cha mình giảng nói pháp bốn chân đế, lậu hoặc hết, tâm ý thông giải. Sau đó, Đức Phật khiến cho cha con hai bên thấy nhau. Người cha nói với con: Con nên về lại nhà, mẹ của con mất con, ưu sầu muốn chết!

Đức Phật nói với người cha:

Nếu người nào đã giải thoát khỏi lậu hoặc thì có thể trở về để thọ dục hay không?

Người cha trả lời:

-Không thể.

Đức Phật dạy:

Khi tôi vì ông giảng nói pháp, Da-xá quán các pháp lậu hoặc hết, tâm được giải thoát.

Người cha bạch Phật:

-Đức Phật vì tôi nói pháp, khiến cho Da-xá thu được thiện lợi.

Khi ấy, Da-xá từ chỗ ngồi đứng dậy, bạch Phật:

-Bạch Đức Thế Tôn! Cho con xuất gia thọ giới Cụ túc.

Đức Phật dạy:

-Lành thay, đến đây Tỳ-kheo! Cho đến câu: Bình bát bưng nơi tay (như trên).

Bấy giờ trong thế gian có bảy vị A-la-hán.

Khi ấy, cha ông Da-xá từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật, bạch Phật:

Cúi xin Đức Thế Tôn cùng Da-xá nhận bữa cúng dường vào ngày mai tại nhà con.

Đức Phật nhận lời bằng sự im lặng. Ông ta đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu ba vòng rồi cáo lui. Sau khi trở lại nhà, ông cho sửa soạn đầy đủ thức ăn thức uống mỹ vị. Đến giờ, Đức Phật cùng ông Da-xá đắp y bưng bát đến nhà, an tọa nơi tòa. Vợ chồng Trưởng giả tự tay sớt thức ăn, ăn rồi Phật dùng nước uống và nước rửa rất chu đáo. Bà lấy chiếc ghế nhỏ ngồi trước Phật.

Đức Phật nói:

– Này cô! Cô nên quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tỳ-kheo Tăng.

Vợ chồng ông Trưởng giả liền thọ ba quy y và kế đó thọ năm giới. Như vậy, vợ ông Trưởng giả, mẹ của Da-xá là người đàn bà đầu tiên thọ ba quy y và năm giới.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì mẹ ông Da-xá và cả nhà lớn nhỏ, giảng nói các pháp diệu, chỉ vẽ sự lợi ích, khiến họ vui mừng. Tất cả đều xa trần lìa cấu, đạt được mắt pháp trong sạch, thấy pháp đắc quả. Thấy pháp đắc quả rồi, đều thọ ba quy y và năm giới.

Da-xá có bốn người bạn, một tên là Mãn-túc, hai tên là Thiện- bác, ba tên là Ly-cấu, bốn tên là Ngưu-chủ, nghe Da-xá xuất gia tu phạm hạnh chỗ của Sa-môn Cù-đàm, đều cùng bàn nói: Đạo này chắc là hơn hết nên khiến cho kẻ hào tộc không đoái hoài đến địa vị vinh hoa của đời. Chúng ta có thể cùng đến chỗ Đại Sa-môn để tu phạm hạnh. Bốn người bèn đến chỗ Da-xá, với tâm hồn mộ đạo, hỏi:

Nơi bạn tu phạm hạnh, có khả năng đầy đủ cho sự tối thắng hay không?

Da-xá đáp:

-Đạo này là vô lượng tối thắng.

Da-xá bèn dẫn bốn người đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ sát chân Phật rồi ngồi qua một bên. Đức Phật vì họ giảng nói các pháp nhiệm mầu, chỉ vẽ sự lợi ích, khiến được vui vẻ.

Cả bốn người từ nơi chỗ ngồi, đều xa trần lìa cấu, đạt được mắt pháp trong sạch, thấy pháp đắc quả rồi, đảnh lễ sát chân Phật, bạch:

-Cúi xin Đức Thế Tôn cho chúng con xuất gia thọ Giới Cụ túc.

Đức Phật nói:

-Lành thay, đến đây các Tỳ-kheo! Cho đến câu: Bình bát bưng nơi tay (như trên).

Thọ giới chưa bao lâu, siêng tu không biếng nhác, họ đắc quả Ala-hán. Lúc ấy trong thế gian có mười một vị A-la-hán.

Ông Da-xá trước kia giao du lại có năm mươi người quen, nghe ông ta xuất gia tu phạm hạnh với Sa-môn Cù-đàm, cùng nhau bàn tính rồi đi xuất gia… cho đến câu đắc quả A-la-hán (như trên). Bấy giờ trên thế gian có sáu mươi mốt vị A-la-hán.

Ông thầy tướng A-di biết Bồ-tát thành Phật, sẽ chuyển bánh xe pháp trong vườn Lộc Uyển nơi ở của Tiên nhân, nước Ba-la-nại. Ông ta lại nghĩ: Sau khi ta qua đời, trong các đệ tử của ta, Ma-nạp Na-la sẽ kế thừa ta, các vật phẩm cúng dường ta sẽ thuộc về hắn. Chắc hắn tham đắm không lưu ý mà nhớ đến việc Đức Phật ra đời. Nay ta nên đến bên vườn Lộc Uyển cất nhà ở, giáo dục hắn mỗi ngày Ba lần nhớ đến việc Đức Phật sẽ ra đời và dặn: Nếu khi Phật xuất thế con nên đến tu phạm hạnh nơi Ngài. Nghĩ xong liền thực hiện và giáo dục đệ tử như ý niệm. Không bao lâu A-di qua đời, quả thực Na-la nhận được vật cúng dường, tâm tham đắm sâu đậm, không hề nghĩ đến việc Đức Phật sẽ ra đời.

Khi ấy, Long vương Y-la-bát có những suy nghĩ: Xưa kia Đức Phật Ca-diếp có huyền ký với Ta: “Đời đương lai sau trăm ngàn vạn ức năm, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện ở đời, Ngài sẽ huyền ký cho ngươi về thời gian thoát khỏi thân rồng”. Nay chính là lúc ta nên đến để gặp Đức Phật. Rồng kia vì cần gặp Phật nên trong sáu ngày chay, thường ở trong sông Hằng dùng bát bằng vàng đựng đầy thóc bằng bạc, dùng bát bằng bạc đựng đầy thóc bằng vàng, lại trang sức lộng lẫy cho hai người con gái mà nói kệ:

Vua nào trên các Vua?
Bậc nào nhiễm cùng không?
Làm sao được vô cấu?
Người nào gọi là ngu?
Người nào bị dòng cuốn?
Được gì gọi là trí?
Làm sao dòng không cuốn?
Để gọi là giải thoát?

Long vương nói bài kệ này rồi nghĩ: Nếu ai có thể giải được bài kệ này thì tức là Phật, nếu ai nghe từ Đức Phật thì họ sẽ chỉ cho ta ở chỗ Phật ở. Nay ta không thấy có Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma, Phạm tất cả trong thế gian giải được bài kệ này. Nghĩ như vậy rồi liền rao truyền: Nếu ai có thể giải được bài kệ ấy tôi sẽ biếu cho bát bằng vàng, bạc đựng lúa bằng bạc, vàng và hai người con gái này. Lúc ấy, có quá nhiều Sa-môn, Bà-la-môn, Trưởng giả, Cư sĩ tranh nhau muốn vì Long vương giải bài kệ này. Long vương nói kệ không ai giải được. Bấy giờ Ma-nạp Na-la là người được nước Ma-kiệt tôn kính. Mọi người nói: Ma-nạp này có tri kiến lớn, chắc có thể giải được, bèn cùng đến yêu cầu. Ma-nạp suy nghĩ: Ta được cả nước tôn kính, nếu nói không giải được thì bị mọi người bỏ rơi. Tuy ta chưa giải được nhưng tạo phương tiện để bảo tồn danh dự, nên trả lời: Mọi người cùng tôi đến chỗ Long vương, tôi sẽ giải cho. Thế là mọi người cung kính vây quanh Ma-nạp cùng đến chỗ Long vương nói: Long vương nói kệ, tôi sẽ giải đáp cho. Long vương liền nói kệ. Ma-nạp nói: Bài kệ này rất dễ hiểu, sau bảy ngày tôi sẽ giải đáp. Ma-nạp bèn đọc thuộc bài kệ, rồi trước hết đem đến hỏi Sa-môn, Bà-la-môn, Lục sư Bất-la Ca-diếp v.v… Tất cả đều không ai giải được, họ đều cáu gắt mắng là dối trá, quỷ quyệt, hoặc nói là vô nghĩa, muốn dùng thủ đoạn dấu bớt chữ để không giải được. Manạp lại nghĩ: Xưa kia thầy ta bảo ta: Phật sẽ xuất thế nên đến đó để tu phạm hạnh. Nay Sa-môn Cù-đàm ở nơi vườn Nai chắc có thể giải được, ta nên đến hỏi. Nhưng, Ma-nạp lại nghĩ: Lục sư là hạng thâm niên, bác học còn chưa giải được huống là Sa-môn Cù-đàm tuổi nhỏ, mới xuất hiện làm sao giải được. Tuy vậy, Ma-nạp lại có suy luận: Thông minh hay ngu tối là điều tự nhiên, không thể dựa vào tuổi tác, Cù-đàm tuy nhỏ nhưng không thể khinh được. Nghĩ rồi, bèn đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân rồi đứng qua một bên, nói bài kệ của Long vương để hỏi Đức Phật. Đức Phật liền dùng kệ trả lời:

Vua thứ sáu trên hết
Người bị nhiễm cùng không
Không nhiễm là không cấu
Người nhiễm gọi là ngu.
Người ngu bị dòng cuốn
Người dứt được là trí
Bỏ dòng không trở lại
Như thế là giải thoát.

Ma-nạp nghe nói bài kệ rồi khẳng định đây là trí thâm diệu của Phật, liền tụng tập thọ trì. Ngày thứ bảy đến chỗ Long vương, khi ấy tám mươi bốn ngàn người tụ tập hai bên bờ sông Hằng để nghe Ma-nạp giảng nói nghĩa bài kệ. Ma-nạp nói với Long vương: Ngươi nói bài kệ của ngươi trước. Long vương đọc bài kệ. Ma-nạp liền nói bài kệ đã được nghe nơi Đức Phật để giảng giải. Long vương nghe bài kệ hoan hỷ vô cùng, nghĩ: Phật đã ra đời, nay ta nhờ vấn đề này mà được thấy Phật. Vì sao? Ta không thấy có Sa-môn, Bà-la-môn, Ma, Phạm, tất cả trong thế gian ai có thể giải được nghĩa ấy. Nghĩ như vậy rồi, hỏi Manạp: Ông nên nói thật với tôi. Bài kệ ông vừa nói là ông nghe từ ai? Vì hiện nay tôi chưa thấy Sa-môn, Bà-la-môn, tất cả thế gian người nào có thể nói bài kệ này, chỉ trừ Đức Phật. Ông nghe từ Đức Phật phải không? Ma-nạp nói: Tôi xin nói thật với ông, Đức Phật đã xuất thế, tôi nghe từ Ngài. Long vương vui mừng hỏi: Nay Đức Phật ở đâu, tôi muốn yết kiến Ngài. Ma-nạp quỳ gối đưa tay mặt chỉ về hướng Đức Phật ở, nói: Hiện nay Đức Phật đang ở đó. Long vương càng thêm vui mừng, Ba lần xưng tán: Nam mô Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác. Long vương nói với Ma-nạp: Ông có thể đưa tôi đến chỗ Phật để thăm hỏi Đức Thế Tôn được không? Được, Ma-nạp trả lời. Long vương liền hiện lại thân hình, thân thể dài lớn, con mắt như cái bình bát to, hơi thở như sấm, miệng tuôn ra hỏa quang, ngược dòng nước mà đi. Tám mươi bốn ngàn người cùng đều tùy tùng. Khi đến nơi bãi nhỏ, Long vương lại hóa làm Chuyển luân Thánh vương, lên bờ đến chỗ Đức Phật. Từ xa thấy Đức Phật dung mạo đặc thù giống như núi vàng, Long vương hoan hỷ càng tăng thêm lòng kính trong vô lượng. Đức Phật thấy Long vương liền gọi tên:

Lành thay! Long vương Y-la-bát đến đây!

Long vương nghe rồi lại thêm vui mừng kính trọng, nghĩ: Đức Thế Tôn biết tên ta! Thiện Thệ biết tên ta! Long vương đảnh lễ sát chân

Phật rồi đứng lui qua một bên, nói bài kệ đó để thưa hỏi Đức Phật. Đức Phật nói lại bài kệ đã nói với Ma-nạp. Long vương nghe rồi, trước hết rất hoan hỷ, sau lại buồn khóc.

Đức Phật hỏi Long vương:

-Tại sao chỉ trong chốc lát vui đó rồi lại buồn đó?

Long vương thưa:

Bạch Đức Thế Tôn! Con nhớ đời quá khứ, con tịnh tu phạm hạnh chỗ Đức Phật Ca-diếp. Thời gian sau, con cầm một cành hoa màu tím đến chỗ Phật Ca-diếp, hỏi: Bạch Thế Tôn! Nếu Tỳ-kheo làm chết loại cây cỏ này thì mắc những tội gì? Phật Ca-diếp nói: Do nhân duyên ấy có thể bị đọa vào địa ngục rất khổ. Con nghe câu nói ấy không tin, không kính. Con lại đâm vào lá cây Y La với ý nghĩ: Thử xem có quả báo thế nào. Cuối cùng, con không bỏ ác kiến ấy, cũng không sám hối và sau khi chết sinh vào trong loài rồng sống lâu. Do nghiệp ấy, nên con mang tên là rồng Y-la-bát. Sau khi thọ thân rồng rồi, con trở lại hỏi Đức Phật Ca-diếp: Khi nào con sẽ thoát khỏi thân rồng này? Đức Phật Cadiếp nói: Đời đương lai, sau trăm ngàn vạn ức năm, có Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện ở đời, Ngài sẽ cho ngươi biết khi nào thoát khỏi thân rồng. Nay con đã thấy được Đức Thế Tôn sinh tâm hy hữu, mới biết lời nói của chư Phật không dư hối, nên con hân hoan. Con lại nghĩ xưa kia do trái lời Phật dạy nay lại không thể thọ minh giới của Phật, cho nên con buồn khóc.

Rồng lại bạch Phật:

-Nguyện xin Thế Tôn cho con biết khi nào tôi thoát khỏi thân rồng này?

Đức Phật dạy:

Đời vị lai sau trăm ngàn ức vạn năm có Đức Phật Di Lặc xuất hiện ở đời, khi ấy ngươi được thoát khỏi thân rồng, xuất gia thọ giới, rộng tu phạm hạnh, dứt hết khổ.

Đức Phật cho rồng thọ ba quy y, làm Ưu-bà-tắc. Phật lại vì tám mươi bốn ngàn người giảng nói các pháp vi diệu, chỉ vẽ sự lợi ích, khiến cho họ vui mừng, như nói về pháp bố thí… cho đến xuất ly là niềm vui. Họ hoan hỷ rồi, Phật lại vì họ giảng nói các pháp chư Phật thường nói là khổ, tập, tận, đạo. Tám vạn bốn mươi ngàn người đều từ chỗ ngồi xa trần lìa cấu, đạt mắt pháp trong sạch, thấy pháp đắc quả, thấy pháp đắc quả rồi thọ ba quy y, tiếp theo thọ năm giới.

Khi ấy, Long vương nói với Ma-nạp:

Nay ông đâu cần gì đến Long nữ nữa? Long nữ nhiều sân hận, hoặc dùng lửa độc, làm hại cho nhau, tuy ông cần vàng bạc vật báu, tôi 32 sẽ biếu hết cho ông.

Ma-nạp nói:

Thôi đi, Long vương! Tôi không cần Long nữ, cũng không cần vàng bạc. Tôi nghe Đức Phật nói bài kệ sau cùng nên lìa ham muốn của cõi dục rồi.

Đức Phật thuyết pháp rồi, nói với Long vương:

-Ông có thể trở về chỗ ở.

Long vương vâng lời đảnh lễ và cáo lui.

Sau khi Long vương đi, Ma-nạp đến trước Đức Phật, đảnh lễ sát chân, rồi bạch:

Bạch Đức Thế Tôn! Nguyện cho con xuất gia thọ giới Cụ túc.

Đức Phật dạy:

-Lành thay đến đây Tỳ-kheo! Cho tới câu: Bình bát bưng nơi tay (như trước).

Xuất gia chưa bao lâu, Ma-nạp siêng năng tu hành không biếng nhác, đạt quả A-la-hán. Bấy giờ trong thế gian có sáu mươi hai vị Ala-hán.

Khi ấy, Đức Thế Tôn từ vườn Nai tuần tự du hóa đến rừng Ta La, ngồi dưới tàng cây. Cách rừng không xa, có một khu vườn để dạo chơi. Lúc này, có ba mươi người đồng bạn đưa vợ đến nơi vườn để vui chơi, trong số đó có một người chưa vợ, thuê một dâm nữ, cho mượn y phục tốt mặc, cùng nhau dạo chơi nơi vườn này, cuộc tình vừa đến đỉnh cao, người dâm nữ được mặc đồ tốt đẹp kia thình lình chạy trốn thoát thân. Đám thanh niên cùng nhau truy tầm, đến rừng Ta La, từ xa trông thấy Đức Thế Tôn dung mạo đĩnh đạc giống như núi vàng, lòng họ bị chế ngự cho là hiếm thấy, họ cùng đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên và hỏi Phật:

-Đại Sa-môn có thấy một người nữ đến đây không?

Đức Phật hỏi lại:

-Tự tìm mình và tìm một người khác, điều nào nên làm?

Đám thanh niên thưa:

-Tự tìm lấy mình hơn là tìm người nữ.

Đức Phật dạy:

-Các người ngồi lại đây ta giảng nói pháp cho nghe.

Họ vâng lời kính lễ rồi ngồi. Đức Phật vì họ giảng nói các pháp vi diệu, chỉ vẽ sự lợi ích để họ vui mừng… cho đến câu: Khổ, tập, tận, đạo. Ba mươi người đều xa trần lìa cấu, đạt mắt pháp trong sạch, thấy pháp đắc quả. Thấy pháp đắc quả rồi, bạch Phật:

-Xin cho chúng con xuất gia thọ giới Cụ túc.

Đức Phật dạy:

-Lành thay, đến đây các Tỳ-kheo!… cho đến câu: Đắc quả A-lahán, cũng như trên.

Khi ấy, trong thế gian có chín mươi hai vị A-la-hán.

Bấy giờ, lại có sáu mươi người làm việc hôn nhân đi qua rừng Ta La, từ xa thấy Đức Thế Tôn dung mạo đĩnh đạc giống như núi vàng, bèn đến trước Đức Phật đảnh lễ sát chân. Đức Phật vì họ giảng nói pháp… cho đến câu: Đắc quả A-la-hán, đều như trước.

Lúc này, thế gian có một trăm năm mươi hai vị A-la-hán.