LUẬN XÁ LỢI PHẤT A TỲ ĐÀM
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Đại sư Đàm Ma Da Xá, Đàm Ma Quật Đa
Việt dịch: Phật tử Nguyên Huệ

 

QUYỂN 14

Phẩm thứ 9: PHẦN KHÔNG HỎI VỀ THIỀN ĐỊNH

Nhân duyên đầy đủ, tức có thể được định. Nhân duyên không đầy đủ thì không thể đạt được định. Tu định có nhân duyên như thế. Nghĩa là Tỳ-kheo ái hộ giới giải thoát, thành tựu hạnh oai nghi, xứ nên hành, ái hộ giới vi tế lo sợ như đối với kim cương, thọ trì giới, đoạn trừ tà mạng, hành chánh mạng. Thiện tri thức, thiện thân hậu, thiện chúng gồm thâu các căn môn, biết đủ về ăn uống, siêng năng tinh tấn không ham ngủ nghỉ, lìa pháp chướng ngại. Tỳ-kheo như thế nhận biết việc đoạn trừ năm cái, là những thứ cấu uế nơi tâm, làm tổn hại pháp trí tuệ, lìa dục pháp ác bất thiện, có giác có quán, ly sinh hỷ lạc, thành tựu hành của thiền thứ nhất, cho đến đoạn trừ khổ lạc, trước diệt ưu, hỷ, xả bất khổ bất lạc, thành tựu hành của thiền thứ tư.

Hỏi: Thế nào là ái hộ giới giải thoát?

Đáp: Nếu tùy thuận giới, không hành phóng dật, dùng giới làm cửa, làm chân, làm nhân, có thể sinh khởi pháp thiện, thành tựu đầy đủ. Do giới này nên gọi là trì giới. Do giới ấy thuận với không phóng dật, gọi là giữ giới, tức giữ gìn hạnh oai nghi. Đó gọi là ái hộ giới giải thoát.

Hỏi: Thế nào là thành tựu hạnh oai nghi?

Đáp: Tất cả hành bất thiện của thân, tất cả hành bất thiện của miệng, tất cả hành bất thiện của ý, đó gọi là hành không phải oai nghi. Tất cả hành thiện của thân, tất cả hành thiện của miệng, tất cả hành thiện của ý, đó gọi là thành tựu hạnh oai nghi.

Lại nữa, cung kính vị Hòa thượng, cùng các đồng học của Hòa thượng, cung kính vị A-xà-lê, cùng các đồng học của A-xà-lê, cung kính các vị thượng tọa, hạ tọa, đó gọi là hạnh oai nghi.

Hỏi: Thế nào là xứ nên hành?

Đáp: Có sáu xứ không phải là nên hành, như xứ của dâm nữ, xứ của quả phụ, xứ của đồng nữ lớn tuổi, xứ không thể là người nam, xứ của Tỳ-kheo ni, xứ là quán bán rượu, đó gọi là sáu xứ không phải là nên hành.

Lại, như Đức Phật nói: Tỳ-kheo đừng đến nước khác, không phải là xứ nên hành. Nếu đến nước khác là xứ không phải nên hành, thì ma sẽ được dịp lợi dụng phá hoại.

Hỏi: Thế nào là nước khác, xứ không phải nên hành?

Đáp: Nghĩa là năm dục. Đó gọi là đi đến năm dục, là xứ không phải nên hành.

Hỏi: Thế nào là xứ nên hành?

Đáp: Nếu xứ ấy không phải là hạnh oai nghi, thì đấy không phải là xứ nên hành. Lìa bỏ, đang lìa bỏ, duyên nơi sự lìa bỏ, không gần gũi, đang không gần gũi, duyên nơi không gần gũi, đó gọi là xứ nên hành.

Lại như Đức Phật nói: Hành nơi xứ nên hành ở nước mình. Nếu Tỳ-kheo ở nơi xứ nên hành của nước mình, thì ma sẽ không thể lợi dụng phá hoại. Tỳ-kheo, thế nào là xứ nên hành của nước mình? Nghĩa là bốn niệm xứ, là xứ nên hành của nước mình. Nếu dùng hạnh oai nghi này phát khởi, đang phát khởi, thọ nhận, đang thọ nhận, thì đó gọi là thành tựu hạnh oai nghi nơi xứ nên hành.

Hỏi: Thế nào là ái hộ giới vi tế lo sợ như đối với kim cương?

Đáp: Như giới vi tế, nếu suy nghĩ, khởi ý muốn hòa hợp tạo tác. Nếu đối với giới ấy, luôn khởi hành tướng lo sợ, chớ khiến ta vi phạm. Đó gọi là ái hộ giới vi tế lo sợ như đối với kim cương.

Hỏi: Thế nào là thọ trì giới?

Đáp: Nếu Tỳ-kheo không lìa tất cả giới, thường giữ gìn tất cả giới, thường trụ nơi tất cả giới, thân cận với giới, giữ giới không tì vết, không uế, không cấu, không biếng trễ, không thiếu sót, thọ trì tất cả giới, đó gọi là thọ trì giới.

Hỏi: Thế nào là đoạn trừ tà mạng, hành chánh mạng?

Đáp: Thế nào là tà mạng? Nếu Sa-môn, Bà-la-môn, tự nuôi sống, theo tà mạng, nghĩa là dua nịnh, dối gạt, hành bói toán việc lành dữ, bị người khác sai khiến, biểu hiện cùng kích động, dùng lợi để mưu cầu lợi, dùng phi pháp này để được y bát, thuốc men, giường nằm, mọi thứ thọ dụng như thức ăn uống v.v… Do đấy nên buộc chặt nơi cấu nhiễm, tham chấp, miệt thị người khác, có thể nhận lấy phi pháp, không nhận thấy lỗi lầm tai hại, không biết xuất ly.

Nếu Tỳ-kheo lìa bỏ tà mạng như thế v.v…, hành như pháp để có được y bát, thuốc thang, giường nằm, các thứ thọ dụng như thức ăn uống v.v…, không do đấy khiến trói buộc nơi cấu nhiễm, tham chấp, không lấn hiếp, miệt thị người khác, không nhận lấy phi pháp, nhận thấy sâu xa về lỗi lầm tai hại, biết rõ nẻo xuất ly, đó gọi là đoạn trừ tà mạng, hành chánh mạng.

Hỏi: Thế nào là thiện tri thức?

Đáp: Nghĩa là hàng Sa-môn, Bà-la-môn hiền thiện, hành trì giới, đoạn trừ kiêu ngạo, phóng dật, thành tựu nhẫn nhục, tự điều phục, tự diệt phiền não, tự nhập Niết-bàn, muốn lìa dục, dục hết, cho đến muốn lìa si, si hết, ứng hợp nơi xứ nhiễm, không nhiễm, cho đến ứng hợp nơi xứ si, không si, ứng hợp nơi xứ dừng, không dừng, ứng hợp nơi xứ thọ nhận, không thọ nhận. Nghiệp thân khẩu ý thanh tịnh, chánh mạng thanh tịnh, hành tín, biết hổ thẹn, học rộng, niệm, tuệ tinh tấn, tu tập tám Thánh đạo, đầy đủ giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, biết đủ về vật dụng trong đời sống, đó gọi là thiện tri thức.

Hỏi: Thế nào là thức?

Đáp: Nếu nhận thức, khéo nhận thức, biết cùng hành từ, chú trọng hành từ, cứu cánh hành từ, thường cung kính không lìa, đó gọi là thiện tri thức.

Hỏi: Thế nào là thiện thân hậu?

Đáp: Người giữ giới phàm phu là người giữ giới phàm phu thiện thân hậu. Người kiên tín là người kiên tín thiện thân hậu. Người kiên pháp là người kiên pháp thiện thân hậu, cho đến A-lahán là A-la-hán thiện thân hậu. Những người như thế tự cùng thân hậu, đó gọi là thiện thân hậu. Nếu thiện tri thức, nếu thiện thân hậu tùy thuận, không lìa, cùng thân cận, thì đây là thiện tri thức, thiện thân hậu.

Hỏi: Thế nào là thiện chúng?

Đáp: Nếu dựa vào người giữ giới, học giữ giới, tâm hướng về giới, tôn trọng giới kia trên hết, dốc hướng tới giới kia, hiểu rõ về giới kia. Nếu dựa vào người định, học định, cho đến người giải thoát tri kiến kia, học giải thoát tri kiến, tâm hướng về giải thoát tri kiến, tôn trọng giải thoát tri kiến trên hết, dốc hướng nơi giải thoát tri kiến kia, hiểu rõ về giải thoát tri kiến kia, đó gọi là thiện chúng.

Hỏi: Thế nào là gồm thâu các căn môn?

Đáp: Nếu Tỳ-kheo mắt trông thấy sắc, không nhận lấy tướng sắc, có thể khởi nhãn căn, liền thâu giữ khiến không phóng dật, đoạn trừ pháp ác bất thiện và trông mong nơi đời, yêu kính thuận với trì giới, gìn giữ nhãn căn, được giới của nhãn căn, cho đến ý nhận thức pháp, không giữ lấy tướng pháp, có thể khởi ý căn, liền thâu giữ khiến không phóng dật, đoạn trừ pháp ác bất thiện và trông mong nơi đời, yêu kính thuận với trì giới, gìn giữ ý căn. Sáu xúc nhập như thủ hộ niệm vi tế hiểu rõ niệm đã khởi, khéo thành tựu hành, nhận thấy lỗi lầm tai hại của dục, thường xuyên tự thủ hộ ý, đó gọi là gồm thâu các căn môn.

Hỏi: Thế nào là biết đủ về ăn uống?

Đáp: Biết lượng mà ăn, không trạo cử, không sinh kiêu ngạo, không vì nuôi lớn thân, không vì nghiêm sức cho thân, chỉ muốn khiến thân trụ, không khởi giận dữ, muốn tu phạm hạnh, dứt bỏ thọ cũ, không sinh thọ mới, vì thọ mạng sống còn nên ăn uống, lìa bỏ sự yêu ghét cứng chắc, thường ở nơi hạnh trung đạo, không cầu lợi, tận lực siêng năng, ưa thích hành trì, như người bị ung nhọt, dùng thuốc thoa vào, muốn cho mau lành. Tỳ-kheo cũng thế, biết lượng mà ăn, không khởi trạo cử, không sinh kiêu ngạo, cho đến không cầu lợi, tận lực siêng năng, ưa thích hành trì.

Hỏi: Thế nào là ăn uống trạo cử?

Đáp: Nếu khởi suy nghĩ này: Ta ăn thức ăn ấy xong sẽ tạo ra những trạo cử cho thân miệng ý, đó gọi là ăn uống trạo cử.

Hỏi: Thế nào là ăn uống kiêu ngạo?

Đáp: Nếu khởi suy nghĩ này: Ta ăn thức ăn ấy xong sẽ tăng trưởng phóng dật, đó gọi là ăn uống kiêu ngạo.

Hỏi: Thế nào là ăn uống nuôi lớn thân?

Đáp: Nếu khởi suy nghĩ này: Ta ăn thức ăn ấy xong sẽ tăng ích cho thân, đó gọi là ăn uống nuôi lớn thân.

Hỏi: Thế nào là ăn uống để nghiêm sức cho thân?

Đáp: Nếu khởi suy nghĩ này: Ta ăn thức ăn này sẽ thành tựu được tướng mạo đoan nghiêm, đẹp đẽ hơn hết, đó gọi là ăn uống để nghiêm sức cho thân.

Nếu Tỳ-kheo không khởi những suy nghĩ này: Ta ăn thức ăn ấy sẽ làm cho thân miệng ý trạo cử, sẽ tạo ra kiêu ngạo, sẽ nuôi lớn thân, sẽ để nghiêm sức cho thân, đó gọi là ăn uống không trạo cử, ăn uống không kiêu ngạo, ăn uống không vì nuôi lớn thân, ăn uống không vì để nghiêm sức cho thân.

Hỏi: Thế nào là chỉ muốn khiến thân trụ?

Đáp: Nên khởi suy nghĩ thế này: Ta ăn thức ăn ấy chỉ muốn khiến thân trụ, không trọn một mất, đó gọi là chỉ muốn khiến thân trụ.

Hỏi: Thế nào là không khởi giận dữ?

Đáp: Nếu đói, vì duyên nơi đói, nên thân tâm sinh khổ thọ. Hoặc ăn uống quá mức, vì duyên nơi quá mức, nên thân tâm sinh khổ thọ. Nếu Tỳ-kheo biết đủ về ăn uống, khéo lường xét khi ăn uống, thì sự giận dữ sẽ dứt, không sinh không khởi, đó gọi là không khởi giận dữ.

Hỏi: Thế nào là muốn tu phạm hạnh?

Đáp: Phạm hạnh nghĩa là tám Thánh đạo. Nên khởi suy nghĩ thế này: Ta ăn thức ăn ấy xong có thể tu phạm hạnh, khiến cho phạm hạnh trụ lâu, vì dứt hết biên vực khổ, đó gọi là muốn tu phạm hạnh.

Hỏi: Thế nào là dứt bỏ thọ cũ, không sinh thọ mới?

Đáp: Nếu đói, vì duyên nơi đói, nên thân tâm sinh khổ thọ, đó gọi là thọ cũ.

Thế nào là thọ mới? Đáp: Nếu ăn uống quá mức, vì duyên nơi quá mức, nên thân tâm sinh khổ thọ, đó gọi là thọ mới.

Nếu Tỳ-kheo biết đủ về ăn uống, khéo lường xét khi ăn uống, đó gọi là dứt bỏ thọ cũ, không sinh thọ mới.

Hỏi: Thế nào là vì thọ mạng sống còn nên ăn uống?

Đáp: Nên khởi suy nghĩ thế này: Ta ăn thức ăn ấy là vì khiến mạng căn trụ, vì gìn giữ giới hạnh, đó gọi là vì thọ mạng sống còn nên ăn uống.

Hỏi: Thế nào là lìa bỏ sự yêu ghét cứng chắc?

Đáp: Nếu khi đói, vì duyên nơi đói, nên sinh phiền não ưa thích cứng chắc: Ta nhớ nghĩ ghét bỏ sự ăn uống như thế. Nếu ăn uống quá lượng, vì duyên nơi quá lượng, nên sinh phiền não ghét bỏ cứng chắc: Ta không nhớ nghĩ đến sự ăn uống quá lượng như thế. Nếu Tỳ-kheo biết đủ, khéo lường xét khi ăn uống, lìa bỏ phiền não yêu ghét cứng chắc, đó gọi là lìa bỏ sự yêu ghét cứng chắc.

Hỏi: Thế nào là không cầu lợi?

Đáp: Nếu không cho thức ăn thô là đủ, nên ăn nhiều, thèm vị, tham vị, dốc tìm cầu, trông mong sự ăn uống, đó gọi là cầu lợi. Nếu Tỳ-kheo dùng thức ăn thô sơ, đạm bạc là đủ, lường xét thức ăn, không thèm vị, không tham vị, không dốc tìm cầu, không trông mong về sự ăn uống, đó gọi là không cầu lợi.

Hỏi: Thế nào là tận lực siêng năng?

Đáp: Nếu khởi suy nghĩ này: Ta ăn thức ăn ấy, vì muốn cho thân siêng năng tinh tấn, tự cố gắng, đó gọi là tận lực siêng năng.

Hỏi: Thế nào là ưa thích hành trì ?

Đáp: Nếu khi đói, vì duyên nơi đói, nên thân tâm sinh khổ thọ. Hoặc ăn uống quá mức, vì duyên nơi quá mức, nên thân tâm sinh khổ thọ, đó gọi là không ưa thích hành trì . Nếu Tỳ-kheo biết đủ, khéo lường xét về ăn uống, không có gì là không ưa thích, đó gọi là ưa thích hành trì.

Hỏi: Thế nào là siêng năng tinh tấn không ham ngủ nghỉ?

Đáp: Nếu Tỳ-kheo, vào ban ngày, hoặc ngồi kiết già tư duy, hoặc đi kinh hành, tâm lìa pháp chướng ngại. Đầu đêm hoặc đi kinh hành, hoặc tư duy, tâm lìa pháp chướng ngại. Nửa đêm, nằm trên giường, nghiêng hông bên phải, xếp chân lại mà ngủ, tư duy nơi tưởng tỉnh giác. Cuối đêm, hoặc tư duy, đi kinh hành, tâm lìa pháp chướng ngại, đó gọi là siêng năng tinh tấn không ham ngủ nghỉ.

Hỏi: Thế nào là lìa pháp chướng ngại?

Đáp: Pháp chướng ngại nghĩa là năm cái. Như Đức Phật nói, năm cái là phiền não của tâm, làm tổn hại pháp trí tuệ. Lại như Đức Phật nói tiếp: Nếu người tại gia, xuất gia có năm cái che lấp tâm, nếu tự nhận biết nghĩa, hoặc nhận biết nghĩa nơi người khác. Nếu nhận biết nghĩa của mình, của người khác, nếu vượt quá người, pháp, nếu lìa dục, tri kiến tăng tiến, hoặc biết, hoặc thấy, thì không có điều ấy. Năm cái ngăn ngại pháp thiện, tạo trói buộc, nhiễm ô, sinh khởi kiết sử, nên gọi chướng ngại. Nếu tu hành thanh tịnh, trừ bỏ pháp chướng ngại, trắng trong, sáng rõ, đó gọi là lìa pháp chướng ngại.

Hỏi: Thế nào là đoạn trừ năm cái?

Đáp: Là lìa bỏ, diệt mất, trừ dứt, đó gọi là đoạn trừ năm cái.

Hỏi: Thế nào là cấu uế của tâm?

Đáp: Năm cái là phiền não cáu bẩn, không sáng suốt của tâm, đó gọi là cấu uế của tâm.

Hỏi: Thế nào là làm tổn hại pháp trí tuệ?

Đáp: Năm cái che lấp tâm, làm cho sức của tuệ yếu kém, đó gọi là làm tổn hại pháp trí tuệ.

Hỏi: Thế nào là lìa dục pháp ác bất thiện?

Đáp: Dục nghĩa là năm dục. Lại nữa, trần (cảnh) không phải là dục, trong pháp Thánh nói là Cầu na (công đức). Nếu tưởng nhớ, nhiễm vướng, thì đấy là dục. Như Đức Phật đã nói:

Đủ loại sắc, phi dục

Chúng sinh tưởng dục nhiễm

Sắc thế gian thường trụ

Phật đã lìa dục nhiễm.

Nếu trong năm dục này, tham chồng chất nơi tham, có thể nhận lấy trói buộc, tham vướng, đó gọi là dục.

Hỏi: Thế nào là pháp ác bất thiện?

Đáp: Hành ác của thân, miệng, ý, đó gọi là pháp ác bất thiện.

Lại nữa, mười đạo nghiệp bất thiện, đó gọi là pháp ác bất thiện.

Lại nữa, pháp tương ưng của căn bất thiện, căn bất thiện đã khởi, không duyên, không phải là pháp thọ, đó gọi là pháp ác bất thiện.

Lại nữa, tham dục, giận dữ, ngu si, phẫn nộ, oán hiềm, nói dối, ganh ghét, keo kiệt, dua nịnh, dối trá, che giấu sự xấu ác, không hổ, không thẹn, tự cao, tự đại, tranh tụng và ngã mạn v.v…, đó gọi là pháp ác bất thiện.

Lại nữa, tà kiến, tà giác, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tấn, tà niệm, tà định, tà giải thoát, tà trí, cùng tùy thuận nơi các tà pháp khác, đó gọi là pháp ác bất thiện.

Như thế, pháp dục ác bất thiện, nếu xa lìa, không gần gũi, không lẫn lộn, thuần tịnh ở xứ riêng, đó gọi là xa lìa dục pháp ác bất thiện.

Hỏi: Thế nào là có giác có quán?

Đáp: Nếu hành theo giác, quán thì đó gọi là có giác có quán.

Hỏi: Thế nào là ly sinh hỷ lạc?

Đáp: Nếu lìa dục pháp ác bất thiện, sinh mừng vui, đó gọi là ly sinh hỷ lạc.

Hỏi: Thế nào là thành tựu hành của thiền thứ nhất?

Đáp: Thiền thứ nhất có năm chi: giác, quán, hỷ, lạc, nhất tâm.

Thế nào là giác? Đáp: Giác thêm nữa, giác đạt đến cứu cánh, các pháp đã được nhớ nghĩ sáng rõ, dẫn đến tâm tư duy, đó gọi là giác.

Thế nào là quán? Đáp: Tâm hành thuận nơi hành, hành vi tế thấm nhuần, quán vi tế, tâm vi tế chuyển biến, đó gọi là quán.

Thế nào là hỷ? Đáp: Vui mừng hiện rõ nơi thân, đó gọi là hỷ.

Thế nào là lạc? Đáp: Tâm thọ nhận, nhận lấy vui thích, ý tiếp xúc với lạc thọ, đó gọi là lạc.

Thế nào là nhất tâm? Đáp: Tâm trụ, chánh trụ, đó gọi là nhất tâm.

Năm chi này, đó gọi là thiền thứ nhất.

Hỏi: Vì sao nói là thứ nhất?

Đáp: Nếu bốn thiền này do thứ lớp thuận, không nghịch, do thứ lớp nhập môn định nên đấy là bắt đầu, đấy là mới khởi, đấy là một, đó gọi là thứ nhất.

Hỏi: Vì sao nói là thiền?

Đáp: Nghĩa là xả bỏ tâm cấu uế, đang xả bỏ, duyên nơi xả bỏ, đó gọi là thiền.

Lại nữa, phiền não chưa đoạn, có thể đoạn trừ, đó gọi là thiền.

Lại nữa, phiền não đoạn trừ xong, đạt được hành vui nơi đời hiện tại, đó gọi là thiền.

Lại nữa, pháp thiện như thế được thành tựu, nhập thiền sáng rõ, thanh tịnh trọn đầy, đó gọi là thiền.

Lại nữa, định như thế, trụ nơi nghĩa vi diệu sâu xa, chuyên duyên nơi trí tuệ, đó gọi là thiền.

Lại nữa, người tu hành, hành theo giác quán, ý mừng, tâm định. Như người tu hành, nếu thọ, tưởng, tư duy, giác quán, kiến tuệ giải thoát, không si, thuận tín, tâm vui mừng, tâm tinh tấn, khinh an, tín, dục, không phóng dật, tâm niệm xả, ý giới, ý thức giới cùng những tùy sắc khác, đó gọi là thiền.

Lại nữa, tùy pháp không phải thiền, là tùy pháp thiền. Nếu tâm trụ, đang trụ, thì tâm này gọi là thiền.

Được định như thế xong, gìn giữ oai nghi, trụ nơi hạnh, hạnh vi tế, đó gọi là thành tựu hành của thiền thứ nhất.

Nếu Tỳ-kheo thân ly sinh hỷ lạc, sự thấm nhuần đầy khắp, thân này đều là ly sinh hỷ lạc, sự thấm nhuầm luôn đầy khắp, không có giảm thiểu, như thầy khéo tắm gội, đệ tử của thầy khéo tắm gội, dùng táo đậu mịn đựng trong bồn, dùng nước rưới xong, đập vỗ điều hòa, do đập vỗ này sự thấm nhuần đầy khắp, không khô, không ướt, trong ngoài đều hòa nhuận. Như thế, Tỳ-kheo thân này đạt ly sinh hỷ lạc, sự thấm nhuần đầy khắp, không có giảm thiểu.

Hỏi: Thế nào là nhuần? Thế nào là thấm? Thế nào là khắp? Thế nào là đầy?

Đáp: Như Tỳ-kheo lúc trụ nơi thiền, ly sinh hỷ lạc, mới sinh, đang sinh, khởi, đang khởi, xúc chứng, thân được ly sinh hỷ lạc, bấy giờ gọi là lúc thấm nhuần trụ nơi thiền đạt ly sinh hỷ lạc, dần mở ra hành vi tế, chưa có thể rộng thêm. Thân đạt ly sinh hỷ lạc, lúc ấy gọi là thấm nhuần trụ nơi thiền, ly sinh hỷ lạc có thể mở rộng thêm, nhưng chưa đến bờ bên kia. Thân đạt ly sinh hỷ lạc, bấy giờ gọi là lúc thiền trụ khắp, ly sinh hỷ lạc có thể đến bờ bên kia. Ngang bằng với đây gọi là thân đạt ly sinh hỷ lạc, lúc ấy gọi là viên mãn. Như người làm ruộng, đầu tiên đem nước tưới nơi đất ruộng, mới đầu thấm ướt gọi là nhuần, nhuần xong nước lan dần, chảy đi chậm, chưa có thể lan rộng thêm, gọi là thấm. Thấm xong, nước càng thấm rộng thêm dần, chưa đến bên kia bờ, gọi là khắp. Khắp rồi, khi nước tràn đến bờ bên kia, thì hầu hết chỗ cao thấp đều tràn đầy. Lúc tràn đầy, nước trở lại ứ đọng ở chỗ mở ra, gọi là đầy. Tỳ-kheo cũng như thế, lúc trụ nơi thiền, ly sinh hỷ lạc, mới sinh, đang sinh, khởi, đang khởi, xúc chứng, thân đạt ly sinh hỷ lạc, bấy giờ gọi là nhuần. Ly sinh hỷ lạc dần mở ra hành vi tế, chưa có thể lan rộng thêm, thân đạt ly sinh hỷ lạc, lúc ấy gọi là thấm. Ly sinh hỷ lạc có thể lan rộng thêm, chưa đến bờ bên kia. Thân đạt ly sinh hỷ lạc, khi ấy gọi là khắp. Ly sinh hỷ lạc, có thể đến bờ bên kia, đều gọi là ly sinh hỷ lạc, bấy giờ gọi là thân đầy đủ.

Lại nữa, sự thấm nhuần đầy khắp, các câu như thế, nghĩa là một nhưng tên gọi thì có khác. Như Đức Phật nói: Thế nào gọi là giác? Như giác, lại giác, cứu cánh giác. Các pháp đã nhớ nghĩ, sáng rõ dẫn đến tâm tư duy về ngữ, gọi là giác. Các Tỳ-kheo, nghĩa này không nên nói như thế, vì giác khác, lại giác khác, cứu cánh giác khác, các pháp đã nhớ nghĩ khác, sáng rõ dẫn đến khác, tâm tư duy về ngữ khác. Các câu như giác, nghĩa là một nhưng có tên gọi khác. Sự thấm nhuần đầy khắp cũng như thế, nghĩa là một nhưng có tên gọi khác. Như Tỳ-kheo tu tâm từ, giải khắp phương Đông, phương Nam, Tây, Bắc, bốn hướng trên dưới, tâm từ hiện rộng khắp, không khác, không lượng, không oán, không giận, giải khắp hành của tất cả thế gian, bấy giờ, dùng chúng sinh làm cảnh giới. Như thế, Tỳkheo thân đạt ly sinh hỷ lạc, sự thấm nhuần đầy khắp, lúc ấy dùng thân làm cảnh giới, không nên nói như thế. Như Tỳ-kheo, nên tư duy về hành vô thường, lìa dục, pháp bất thiện, có giác có quán, đạt ly sinh hỷ lạc, thành tựu hành của thiền thứ nhất, tức là đạt ly sinh hỷ lạc, thân đầy khắp. Được ly sinh hỷ lạc xong, trừ thân nung đốt, tâm nung đốt, thân ấm, tâm ấm, thân nóng, tâm nóng, thân đốt, tâm đốt, thân cháy, tâm cháy, thân ác, tâm ác, thân không vui, tâm không vui, thân không điều hòa, tâm không điều hòa, thân không nhẹ nhàng, tâm không nhẹ nhàng, thân không ấm, tâm không ấm, thân không khinh an, tâm không khinh an. Như Tỳ-kheo, trừ thân nung đốt, tâm nung đốt, cho đến thân không khinh an, tâm không khinh an xong, được thân không nung đốt, không ấm, không nóng, không đốt, không cháy, được an vui, thì không có phiền não cứng chắc, không cầu lợi, tận lực siêng năng, ưa thích hành trì, là ly sinh hỷ lạc đầy khắp thân.

Hỏi: Thế nào là diệt giác quán?

Đáp: Nếu giác quán vắng lặng, đang vắng lặng, diệt bỏ trừ mất, đó gọi là diệt giác quán.

Hỏi: Thế nào là nội tịnh tín?

Đáp: Bên trong có tín chánh, tín thù thắng sinh, thành tựu đầy đủ, đó gọi là nội tịnh tín.

Hỏi: Thế nào là nhất tâm?

Đáp: Tâm riêng trụ, đang trụ, đang ở xứ riêng nhập định, đó gọi là nhất tâm.

Hỏi: Thế nào là không giác không quán?

Đáp: Nếu loại trừ giác quán rồi, tâm định được hỷ lạc, thành tựu đầy đủ, đó gọi là không giác không quán.

Thế nào là định sinh hỷ lạc, thành tựu hành của thiền thứ hai?

Hỏi: Thế nào là thiền thứ hai?

Đáp: Thiền thứ hai có bốn chi: Nội tịnh tín, hỷ, lạc, nhất tâm.

Hỏi: Thế nào là nội tịnh tín?

Đáp: Nếu Tỳ-kheo lìa dục pháp ác bất thiện, có giác có quán, đạt ly sinh hỷ lạc, thành tựu hành của thiền thứ nhất. Như Tỳ-kheo tư duy theo giác quán thô, giác quán của ta thô, nội tịnh tín vắng lặng vượt hơn. Tỳ-kheo tư duy theo giác quán thô xong, giác quán vắng lặng, đang vắng lặng, xả diệt, trừ hết, giác quán vắng lặng, đang vắng lặng, xả diệt trừ hết xong, nội tịnh tín thành tựu đầy đủ, đó gọi là nội tịnh tín.

Như Tỳ-kheo, nếu dùng hành, hoặc thọ giáo, hoặc pháp tướng, hoặc phương tiện, hoặc chuyên tâm, hoặc tư duy, hoặc tiếp xúc lìa dục pháp ác bất thiện, có giác có quán, đạt ly sinh hỷ lạc, thành tựu hành của thiền thứ nhất. Như Tỳ-kheo hành, hoặc thọ giáo, cho đến gần gũi, tu học nhiều xong, tâm hướng đến sự vắng lặng, tôn thượng vắng lặng, dốc hướng về vắng lặng, tâm hướng đến tịch tĩnh, tôn thượng tịch tĩnh, hướng đến tịch tĩnh xong, giác quán tịch tĩnh, đang tịch tĩnh, diệt mất trừ hết, giác quán vắng lặng, đang vắng lặng, diệt mất trừ hết xong, nội tịnh tín sinh, thành tựu đầy đủ, đó gọi là nội tịnh tín.

Lại nữa, Tỳ-kheo tư duy giác quán là pháp thô, diệt pháp thô, tâm thanh tịnh, tâm người thanh tịnh, đó gọi là nội tịnh tín.

Lại nữa, Tỳ-kheo tư duy giác quán là pháp thô, lìa pháp thô, tâm trắng trong, tâm được trắng trong, đó gọi là nội tịnh tín.

Lại nữa, Tỳ-kheo tư duy giác quán là pháp thô, trừ bỏ pháp thô, tâm sáng rõ, tâm được sáng rõ, đó gọi là nội tịnh tín.

Lại nữa, Tỳ-kheo tư duy giác quán là pháp thô, địa không giác không quán là vắng lặng, thắng diệu, đó gọi là nội tịnh tín.

Lại nữa, Tỳ-kheo tư duy có giác có quán, tâm không mềm dịu, không điều hòa, không thanh tịnh, không trắng trong, không sáng rõ. Tư duy không giác không quán thì tâm mềm dịu, điều hòa, thanh tịnh, trắng trong, sáng rõ. Tâm Tỳ-kheo mềm dịu, cho đến sáng rõ, đó gọi là nội tịnh tín.

Lại nữa, Tỳ-kheo tư duy không giác không quán, tâm hỷ, tâm định, như người hành trì, hoặc tín nhập, tín cứu cánh, nhập tín, thắng tín, thuần tín, tâm tín, đó gọi là nội tịnh tín.

Hỏi: Thế nào là hỷ?

Đáp: Như người tu hành hoan hỷ, phấn khích, đó gọi là hỷ.

Hỏi: Thế nào là lạc?

Đáp: Như người tu hành, tâm thọ nhận an lạc, ý tiếp xúc với lạc thọ, đó gọi là lạc.

Hỏi: Thế nào là nhất tâm?

Đáp: Như người tu hành, tâm tin đang tín, đó gọi là nhất tâm.

Bốn chi như thế gọi là thiền thứ hai.

Hỏi: Thế nào là hai?

Đáp: Như thứ lớp của bốn thiền thuận, không nghịch, do thứ lớp nhập định hành, hai cùng với ban đầu không có trung gian, đó gọi là hai.

Hỏi: Thế nào là thiền?

Đáp: Thiền nghĩa là xả bỏ tâm cấu uế, đang xả bỏ, duyên nơi xả, đó gọi là thiền. Cho đến lại nữa, ý hành không giác quán, tâm hỷ định, như người tu hành, hoặc thọ, tưởng, tư, xúc, tư duy, cho đến chỗ tùy theo sắc khác, đó gọi là thiền.

Lại nữa, tùy pháp không phải thiền là tùy pháp thiền. Nếu tâm trụ, đang trụ, đó gọi là thiền. Được định này rồi, gìn giữ oai nghi, trụ nơi hạnh, hạnh vi tế, đó gọi là thành tựu hành của thiền thứ hai.

Nếu Tỳ-kheo đạt định sinh hỷ lạc, sự thấm nhuần đầy khắp, thân này đều là định sinh hỷ lạc, sự thấm nhuần đầy khắp, không có giảm thiểu, như hồ nước lớn, do núi bao quanh, nước từ đáy hồ vọt ra, không từ phương Đông, phương Nam, Tây, Bắc đến. Tự từ đáy hồ vọt ra, sự thấm nhuần của hồ nước này đầy khắp, không có giảm thiểu.

Như thế, Tỳ-kheo thân đạt định sinh hỷ lạc, sự thấm nhuần đầy khắp, không có giảm thiểu.

Hỏi: Thế nào là nhuần? Thế nào là thấm? Thế nào là khắp? Thế nào là đầy?

Đáp: Như Tỳ-kheo lúc trụ nơi thiền, thân định sinh hỷ lạc, sinh, đang sinh, khởi, đang khởi, xúc chứng, thân đạt định sinh hỷ lạc, bấy giờ gọi là lúc trụ nơi thiền có nhuần. Định sinh hỷ lạc, dần mở ra hạnh vi tế, chưa có thể rộng thêm. Thân đạt định sinh hỷ lạc, khi ấy gọi là thấm, là lúc trụ nơi thiền. Thân định sinh hỷ lạc, có thể rộng thêm, nhưng chưa đến bờ kia, định sinh hỷ lạc, bấy giờ gọi là lúc trụ nơi thiền có khắp. Định sinh hỷ lạc, có thể đến bờ kia, đến mức này tức gọi là định sinh hỷ lạc, khi đó gọi là thân đầy đủ. Như nông phu, đầu tiên dùng nước tưới ruộng, bắt đầu là nhuần, bấy giờ gọi là nhuần. Nhuần xong, nước dần mở ra chuyển vận chậm, chưa có thể phát rộng thêm, lúc ấy gọi là thấm. Thấm xong, nước bèn lan rộng thêm, nhưng chưa đến bờ bên kia, khi đó gọi là khắp. Khắp xong, nước chảy đến đất của bờ kia, tất cả chỗ cao thấp đều tràn đầy. Lúc này, nước đọng lại ở chỗ mở ra, gọi là đầy đủ. Tỳ-kheo cũng như thế. Lúc trụ nơi thiền, thân định sinh hỷ lạc, sinh, đang sinh, khởi, đang khởi, xúc chứng, định sinh hỷ lạc, bấy giờ gọi là nhuần, cho đến lúc trụ nơi thiền, định sinh hỷ lạc, có thể đến bờ kia, bằng với đây gọi là định sinh hỷ lạc, khi ấy gọi là thân đầy đủ.

Lại nữa, sự thấm nhuần đầy khắp, các câu như thế, nghĩa là một nhưng tên gọi có khác. Như Đức Phật đã nói: Thế nào là xúc? Duyên nơi mắt, duyên nơi sắc, sinh nhãn thức, ba pháp hòa hợp sinh xúc. Mắt không phải là xúc, sắc không phải là xúc. Nếu pháp này cùng hòa hợp, tụ tập, đó gọi là xúc. Các Tỳ-kheo, về nghĩa này không nên nói như thế, vì cùng khác, hòa hợp khác, tập khác, tụ khác. Các câu như đấy, nghĩa là một, nhưng tên gọi có khác. Sự thấm nhuần đầy khắp cũng lại như thế, nghĩa là một, nhưng tên gọi có khác. Như Tỳkheo tu tâm bi, mở bày khắp phương Đông, phương Nam, Tây, Bắc, bốn hướng trên dưới, tâm bi rộng khắp, không khác, không lượng, không oán, không giận, mở bày khắp hành của tất cả thế gian. Bấy giờ, lấy chúng sinh làm cảnh giới. Lúc Tỳ-kheo trụ nơi thiền, thân định sinh hỷ lạc, sự thấm nhuần đầy khắp, dùng thân làm cảnh giới. Không nên nói như thế. Như Tỳ-kheo, nên tư duy hành khổ, diệt giác quán, nội tịnh tín, tâm riêng không giác quán, định sinh hỷ lạc, thành tựu hành của thiền thứ hai, tức là định sinh hỷ lạc, thân đầy khắp. Được định sinh hỷ lạc xong, trừ thân nung đốt, tâm nung đốt, cho đến thân không trừ, tâm không trừ, được thân không nung đốt, không ấm, không nóng, không đốt, không cháy, được an vui, tức không có phiền não cứng chắc, không cầu lợi, tận lực siêng năng ưa thích hành trì. Đạt đến mức này đó gọi là định sinh hỷ lạc đầy khắp thân.

Hỏi: Thế nào là ly?

Đáp: Là hỷ được diệt mất trừ hết, đó gọi là ly.

Hỏi: Thế nào là hành xả?

Đáp: Nghĩa là cùng xả bỏ định được, đang được, gìn giữ oai nghi, trụ nơi hành, hành vi tế, đó gọi là hành xả.

Hỏi: Thế nào là niệm chánh trí?

Đáp: Niệm chánh trí thành tựu, đó gọi là niệm chánh trí.

Hỏi: Thế nào là thân thọ nhận lạc?

Đáp: Lạc nghĩa là nhận lấy an vui, ý tiếp xúc lạc thọ, đó gọi là lạc. Lạc này là thân thọ nhận, đang thọ nhận, thọ nhận vi tế, duyên nơi thọ nhận. Dùng thân nào để thọ nhận? Thân ý thọ nhận, đó gọi là thân thọ nhận lạc.

Hỏi: Thế nào là như sự mở bày của các Thánh nhân?

Đáp: Thánh nhân nghĩa là Đức Phật và chư Thanh văn, nhận biết pháp thiện của địa mình là hành vui của đời hiện tại. Nhập định xuất định xong, bảo cho biết rõ, giáo hóa, lưu hành khắp, mở bày, diễn nói, phân biệt, hiển hiện. Đó gọi là như hành giải, xả niệm lạc của các Thánh nhân.

Hỏi: Thế nào là thành tựu hành của thiền thứ ba?

Đáp: Thiền thứ ba có năm chi: cùng vị xả, niệm, chánh trí, không có hỷ lạc, nhất tâm.

Hỏi: Thế nào là cùng vị xả?

Đáp: Như Tỳ-kheo diệt giác quán, nội tịnh tín, tâm tiếp xúc không giác không quán, định sinh hỷ lạc, thành tựu hành của thiền thứ hai. Như Tỳ-kheo quán hỷ thô, tâm hỷ thô của ta phấn khích, cùng vị xả vắng lặng thù thắng. Như Tỳ-kheo quán hỷ thô, hỷ vắng lặng, đang vắng lặng, diệt mất trừ hết. Hỷ vắng lặng, đang vắng lặng, diệt mất trừ hết xong, cùng vị xả sinh đang sinh, khởi đang khởi, thành tựu đầy đủ, đó gọi là cùng vị xả.

Như Tỳ-kheo, nếu hành cho đến xúc diệt giác quán, nội tịnh tín, tâm tiếp xúc không giác quán, định sinh hỷ lạc, thành tựu hành của thiền thứ hai. Như Tỳ-kheo hành trì cho đến xúc thân cận, đang gần gũi, tu học nhiều. Như Tỳ-kheo hành trì cho đến xúc gần gũi đang tu học nhiều xong, tâm hướng đến vắng lặng, tâm hướng đến vắng lặng xong, vắng lặng đạt trên hết, vắng lặng đạt trên hết xong, dốc hướng về vắng lặng, dốc hướng về vắng lặng xong, hỷ vắng lặng, đang vắng lặng, diệt mất trừ hết. Hỷ vắng lặng, đang vắng lặng, diệt mất trừ hết xong, cùng vị xả, sinh đang sinh, khởi đang khởi, thành tựu đầy đủ, đó gọi là cùng vị xả.

Lại nữa, Tỳ-kheo lìa hỷ lạc, tu không hỷ, cùng vị định, như người hành xả, xả vượt hơn, tâm điều hòa chánh quán, điều phục tâm không tạo tác, không phải thọ, đó gọi là cùng vị xả.

Hỏi: Thế nào là niệm?

Đáp: Người hành trì suy niệm, nhớ nghĩ, đó gọi là niệm.

Hỏi: Thế nào là chánh trí?

Đáp: Như phương tiện nơi giải thoát trí kiến của người tu hành, đó gọi là chánh trí.

Hỏi: Thế nào là không hỷ lạc?

Đáp: Như người tu hành tâm không thọ nhận khổ lạc, ý tiếp xúc thọ bất khổ bất lạc, đó gọi là không hỷ lạc.

Hỏi: Thế nào là nhất tâm?

Đáp: Như tâm của người tu hành an trụ, đang trụ, đó gọi là nhất tâm.

Năm chi như thế gọi là thiền thứ ba.

Hỏi: Vì sao nói là ba?

Đáp: Như thứ lớp của bốn thiền thuận, không nghịch, do thứ lớp nhập định, hành ba cùng với hai, không có trung gian, nên gọi là ba.

Hỏi: Thế nào là thiền?

Đáp: Xả bỏ tâm cấu uế, đang xả bỏ, duyên nơi xả, đó gọi là thiền. Cho đến: Lại nữa, lìa hỷ lạc, tu không có hỷ, cùng vị định, như người hành trì có thọ, tưởng, tư, xúc, tư duy, cho đến cùng tùy theo nơi sắc khác, đó gọi là thiền.

Lại nữa, tùy thuận pháp không phải thiền là tùy thuận pháp thiền. Nếu tâm an trụ, đang trụ, đó gọi là thiền. Được định này, gìn giữ oai nghi, trụ nơi hạnh vi tế, đó gọi là thành tựu hành của thiền thứ ba.

Như Tỳ-kheo thân không có hỷ lạc, sự thấm nhuần đầy khắp, không có giảm thiểu, như nơi ao Ưu-bát-la, ao Bát-đầu-ma, ao Câuvật-đầu, ao Phân-đà-lợi, hoa từ bùn hiện ra, chưa thể ra khỏi nước. Hoa này, hoặc rễ, hoặc đầu, nước thấm nhuần đầy khắp, không có giảm thiểu. Như thế, Tỳ-kheo thân không có hỷ lạc, sự thấm nhuần đầy khắp, không có giảm thiểu.

Hỏi: Thế nào là nhuần? Thế nào là thấm? Thế nào là đầy? Thế nào là khắp?

Đáp: Như Tỳ-kheo khi trụ nơi thiền không có hỷ lạc, bắt đầu sinh, đang sinh, khởi, đang khởi, xúc chứng. Như Tỳ-kheo lúc trụ nơi thiền, thân không có hỷ lạc, bấy giờ gọi là nhuần. Cho đến khi trụ nơi thiền, không có hỷ lạc, có thể đến bờ kia. Ngang với mức ấy gọi là không có hỷ lạc, khi ấy gọi là thân đầy. Như nông phu, đầu tiên dùng nước tưới lên đất ruộng, bắt đầu nhuận, bấy giờ gọi là nhuần nhuyễn. Làm đất nhuần xong, nước dần mở ra, chuyển vận chậm, chưa có thể lan rộng thêm, lúc ấy gọi là thấm. Thấm thấu xong, nước bèn lan rộng thêm, chưa đến bờ kia, lúc này gọi là khắp. Khắp rồi, nước lan rộng, đến đất bên bờ kia, hết thảy chỗ cao thấp đều tràn đầy, lúc ấy nước đọng trở lại ở chỗ mở ra, như công việc xả nước của nhà nông, đến mức này gọi là đầy đủ. Tỳ-kheo cũng như thế, lúc trụ nơi thiền, thân không có hỷ lạc, sinh đang sinh, khởi đang khởi, xúc chứng, thân không có hỷ lạc, bấy giờ gọi là nhuần. Cho tới khi trụ nơi thiền không có hỷ lạc, có thể đến bờ kia. Ngang với mức này gọi là không có hỷ lạc, lúc đó gọi là thân đầy đủ.

Lại nữa, sự thấm nhuần đầy khắp, các câu như thế, nghĩa là một, nhưng tên gọi có khác. Như Đức Phật đã nói: Pháp khổ Thánh đế này chưa từng nghe, tự tư duy, sinh trí, sinh mắt, sinh giác, sinh minh, sinh thông, sinh tuệ, sinh giải. Các Tỳ-kheo ở đây không nên nói như thế, vì trí khác, mắt khác, giác khác, minh khác, thông khác, tuệ khác, giải khác. Như các câu này, về nghĩa là một, nhưng tên gọi có khác. Sự thấm nhuần đầy khắp cũng lại như thế, nghĩa là một, nhưng tên gọi có khác. Như Tỳ-kheo tu tâm hỷ, mở bày khắp phương Đông, phương Nam, Tây, Bắc, bốn hướng trên dưới, tâm hỷ rộng khắp, không có khác, không lượng, không oán, không giận, mở bày hạnh khắp nơi tất cả thế gian. Bấy giờ, dùng chúng sinh làm cảnh giới. Lúc Tỳ-kheo trụ nơi thiền, thân không có hỷ lạc, sự thấm nhuần đầy khắp, dùng thân làm cảnh giới. Không nên nói như vậy. Như Tỳkheo, nên tư duy pháp vô ngã, lìa hỷ, xả, hành niệm chánh trí, thân an lạc như hành mở bày xả niệm lạc của các Thánh nhân, thành tựu hành của thiền thứ ba, tức không có hỷ lạc đầy thân, được không có hỷ lạc rồi, trừ thân nung đốt, tâm nung đốt, cho đến thân không trừ, tâm không trừ. Như Tỳ-kheo, trừ thân nung đốt, tâm nung đốt, cho đến thân không trừ, tâm không trừ rồi, được thân không nung đốt, cho đến không cháy, được tâm không nung đốt, cho đến không cháy, được an lạc tức không có phiền não cứng chắc, không cầu lợi, tận lực năng thực ưa thích hành trì. Ngang với đây gọi là không có hỷ lạc đầy khắp thân.

Hỏi: Thế nào là đoạn trừ khổ, lạc?

Đáp: Như Tỳ-kheo đoạn trừ khổ lạc, đó gọi là đoạn trừ khổ vui.

Hỏi: Thế nào là trước diệt ưu, hỷ?

Đáp: Như Tỳ-kheo ưu hỷ đã diệt, đạt vắng lặng, đang vắng lặng, đó gọi là trước diệt ưu, hỷ.

Hỏi: Thế nào là xả bất khổ bất lạc?

Đáp: Như Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất: Như Thánh nhân lìa dục pháp ác bất thiện, thành tựu hành hỷ, bấy giờ không có năm pháp: Hỷ lạc nối tiếp cùng với dục nhiễm. Ưu khổ nối tiếp cùng với dục nhiễm. Hỷ lạc cùng với bất thiện. Ưu khổ cùng với bất thiện. Ưu khổ cùng với thiện. Này Xá-lợi-phất! Như Thánh nhân đã lìa dục pháp ác bất thiện, thành tựu hành hỷ.

Năm pháp như thế hết sạch, như Thánh nhân lìa dục pháp ác bất thiện, được thành tựu hành hỷ, hỷ lạc nối tiếp cùng với dục nhiễm, cho đến ưu khổ cùng với thiện, bấy giờ chúng đã diệt và ưu lạc cùng với thiện khác cũng diệt, đó gọi là nhập thiền thứ tư.

Hỏi: Thế nào là thiền thứ tư?

Đáp: Thiền thứ tư có bốn chi: xả bất khổ bất lạc, niệm, tịnh, nhất tâm.

Hỏi: Thế nào là xả bất khổ bất lạc?

Đáp: Như Tỳ-kheo lìa hỷ xả hành niệm chánh trí, thân thọ lạc, như hành giải xả niệm lạc của các Thánh nhân, thành tựu hành của thiền thứ ba. Như Tỳ-kheo quán tâm thô không hỷ lạc, cũng có tạo tác, hoặc xả bất khổ bất lạc, sự vắng lặng vượt hơn, quán không hỷ lạc thô, không hỷ lạc vắng lặng, đang vắng lặng, diệt mất trừ hết xong, xả bất khổ bất lạc sinh đang sinh, khởi đang khởi, thành tựu đầy đủ, đó gọi là xả bất khổ bất lạc.

Như Tỳ-kheo, nếu hành cho đến xúc lìa hỷ, xả, hành niệm chánh trí, thân thọ lạc, như hành giải xả niệm lạc của các Thánh nhân, thành tựu hành của thiền thứ ba. Như Tỳ-kheo hành trì cho đến xúc thân cận, tu học nhiều rồi, hướng đến sự vắng lặng rồi, dốc hướng đến sự vắng lặng tôn thượng, dốc hướng nơi vắng lặng, dốc hướng nơi vắng lặng xong, không có hỷ lạc vắng lặng, không có hỷ lạc vắng lặng đã diệt mất trừ hết xong, xả bất khổ bất lạc, sinh đang sinh, khởi đang khởi, thành tựu đầy đủ, đó gọi là xả bất khổ bất lạc.

Lại nữa, Tỳ-kheo tuy không có hỷ lạc, nhưng tu định xả bất khổ bất lạc, như người tu hành, thân tâm không thọ nhận khổ lạc, mắt tiếp xúc thọ bất khổ bất lạc, cho đến ý tiếp xúc thọ bất khổ bất lạc, đó gọi là xả bất khổ bất lạc.

Hỏi: Thế nào là niệm?

Đáp: Như người tu hành suy niệm, nhớ nghĩ, đó gọi là niệm.

Hỏi: Thế nào là tịnh?

Đáp: Như người tu hành suy niệm lìa dục nhiễm được thanh tịnh, lìa pháp ác bất thiện được thanh tịnh, lìa giác được thanh tịnh, lìa quán được thanh tịnh, lìa hỷ được thanh tịnh, lìa lạc được thanh tịnh, lìa khổ được thanh tịnh, lìa ưu được thanh tịnh cùng xa lìa pháp phiền não khác được thanh tịnh, đó gọi là tịnh.

Hỏi: Thế nào là nhất tâm?

Đáp: Như người tu hành, nếu tâm an trụ, đang trụ, đó gọi là nhất tâm.

Bốn chi như thế đó gọi là thiền thứ tư.

Hỏi: Thế nào là thiền thứ tư?

Đáp: Thứ lớp là thuận không nghịch, theo thứ lớp nhập định, hành bốn cùng với ba, không có trung gian, đó gọi là thứ tư.

Hỏi: Thế nào là thiền?

Đáp: Xả bỏ tâm cấu uế, đang xả, duyên nơi xả, đó gọi là thiền. Cho đến: Lại nữa, lìa không có hỷ lạc, tu định xả bất khổ bất lạc. Như người tu hành có thọ, tưởng, tư, xúc, tư duy, cho đến cùng tùy thuận sắc khác, đó gọi là thiền.

Lại nữa, tùy thuận pháp không phải thiền, là tu pháp thiền, tâm trụ, đang trụ, đó gọi là thiền. Được định như thế, gìn giữ oai nghi, trụ nơi hạnh, hành vi tế, đó gọi là thành tựu hành của thiền thứ tư. Như Tỳ-kheo tu thanh tịnh với tâm sâu xa, thân hành giải khắp, không xứ nào là không khắp, như người nam, người nữ mặc áo trắng sạch, trên dưới đầy đủ, từ đầu đến chân, từ chân lên đến đầu, không xứ nào là không khắp. Tỳ-kheo cũng như thế, tu tâm thanh tịnh, thân hành giải khắp, không xứ nào là không khắp.

Tỳ-kheo nhập thiền thứ tư, tâm không cao, không thấp, không ghét, không yêu, định trụ không động. Cũng như nơi tĩnh thất, sửa sang vách đất, cửa cái, cửa sổ trong ngoài đều cùng đóng, không có gió bụi. Ở trong tĩnh thất ấy đốt đèn dầu, nếu nhân, phi nhân, hoặc gió, hoặc chim, không có thứ gì va chạm đến. Ngọn lửa của đèn cháy không cao, không thấp, không nghiêng, không cong, định trụ không động. Tỳ-kheo nhập nơi thiền thứ tư cũng lại như thế, tâm không cao, không thấp, cho đến định trụ không động.

Hỏi: Thế nào là tâm cao?

Đáp: Tâm cùng tương ưng với trạo cử, đó gọi là tâm cao.

Hỏi: Thế nào là tâm thấp?

Đáp: Tâm cùng tương ưng với biếng trễ, đó gọi là tâm thấp.

Lại nữa, tâm cùng tương ưng với bảy thứ mạn, đó gọi là tâm cao. Tâm cùng tương ưng với ngã, đó gọi là tâm thấp.

Hỏi: Thế nào là tâm yêu?

Đáp: Tâm tương ưng cùng với nhiễm, đó gọi là tâm yêu.

Hỏi: Thế nào là tâm ghét?

Đáp: Tâm tương ưng cùng với giận, đó gọi là tâm ghét.

Trong bốn thiền này, tâm không cùng với trạo cử, không tương ưng với trạo cử, cho đến không tương ưng cùng với giận dữ, đó gọi là không cao, không thấp, không ghét, không yêu.

Hỏi: Thế nào là trụ?

Đáp: Nếu tâm trụ, đang trụ nơi định ở xứ riêng, đó gọi là trụ.

Hỏi: Thế nào là xứ không động?

Đáp: Không động đó là thiền thứ tư. Như Đức Phật nói: Này Ưu-đà-di! Nếu Tỳ-kheo lìa dục pháp ác bất thiện, có giác có quán, đạt ly sinh hỷ lạc, thành tựu hành của thiền thứ nhất, ta nói là động. Ở đây có động gì? Nghĩa là giác quán không diệt.

Nếu Tỳ-kheo diệt giác quán, nội tịnh tín, nhất tâm, không giác không quán, định sinh hỷ lạc, thành tựu hành của thiền thứ hai, ta nói là động. Ở đây có động gì? Nghĩa là hỷ chưa diệt.

Nếu Tỳ-kheo lìa hỷ hành xả, niệm chánh trí, thân thọ lạc, như hành giải xả niệm lạc của các Thánh nhân, thành tựu hành của thiền thứ ba, ta nói là động. Ở đây có động gì? Nghĩa là xả lạc chưa diệt.

Nếu Tỳ-kheo đoạn khổ, lạc, trước diệt ưu, hỷ, xả bất khổ bất lạc, tâm tịnh, thành tựu hành của thiền thứ tư, ta nói là bất động.

Nếu Tỳ-kheo lìa dục pháp ác bất thiện, nhập thiền thứ nhất, từ thiền thứ nhất khởi nhập thiền thứ hai, từ thiền thứ hai khởi nhập thiền thứ ba, từ thiền thứ ba khởi nhập thiền thứ tư, đó gọi là đến xứ không động.

Tỳ-kheo tu học bốn thiền như thế, muốn chứng pháp thông, tùy tâm mong muốn tức có thể được chứng, tự tại vô ngại. Như ở chốn bằng phẳng giữa ngả tư đường, có người điều khiển xe tứ mã, có người khéo chế ngự, tùy ý tự tại. Như thế, Tỳ-kheo thân cận bốn thiền, tu học nhiều rồi, muốn chứng pháp thông, tùy tâm tức được, tự tại vô ngại. Như chiếc bình đựng đầy nước cứng chắc không rò rỉ, dùng đựng đầy nước sạch để uống, tùy người lấy dùng, tự tại như ý. Như thế, Tỳ-kheo thân cận bốn thiền, tu học nhiều rồi, muốn chứng pháp thông, tùy tâm mình muốn, tự tại vô ngại. Như hồ, suối, ngăn chận nước đầy tràn để uống, tùy người quyết định dùng, tự tại như ý. Như thế, Tỳ-kheo thân cận nơi bốn thiền, tu học nhiều rồi, muốn chứng pháp thông, tùy tâm mình muốn, liền có thể chứng được, tự tại vô ngại.

Nếu Tỳ-kheo muốn dùng thần túc để gây chấn động đại địa, có thể dùng một làm thành nhiều, lấy nhiều làm thành một, cho đến làm thân Phạm thiên được tự tại, tùy chỗ muốn nhập. Nếu muốn thọ nhận thiên nhĩ thanh tịnh vượt quá con người, tức có thể nghe được hai thứ tiếng: tiếng của nhân, phi nhân, tùy chỗ có thể nhập. Nếu muốn nhận biết chúng sinh khác, thì có thể nhận biết tâm có dục nhận biết như thật là tâm có dục, tâm không dục nhận biết như thật là tâm không dục, tùy chỗ có thể nhập. Nếu muốn nhớ nghĩ lại về vô lượng thọ mạng đời trước, liền có thể nhớ một đời, cho đến thành tựu hành này, tùy chỗ có thể nhập. Nếu muốn thọ nhận thiên nhãn thanh tịnh vượt quá con người, liền có thể trông thấy sự sinh tử của chúng sinh, cho đến như nghiệp của chúng đã gây tạo, tùy chỗ có thể nhập. Nếu muốn dứt hết hữu lậu, thành vô lậu, được tâm giải thoát, tuệ giải thoát, hiện đời tự biết chứng, thành tựu hành: Nẻo sinh tử của ta đã hết, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn nhận hữu sau, tùy chỗ có thể nhập. Như vậy, thân cận với bốn thiền, tu học nhiều, tức được quả báo như thế.

HẾT – QUYỂN 14