LUẬN XÁ LỢI PHẤT A TỲ ĐÀM
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Đại sư Đàm Ma Da Xá, Đàm Ma Quật Đa
Việt dịch: Phật tử Nguyên Huệ

 

QUYỂN 13

Phẩm thứ 6: PHẦN KHÔNG HỎI VỀ NIỆM XỨ

Hành một đạo. Chúng sinh thanh tịnh. Xa lìa ưu bi. Diệt hết khổ não. Chứng đắc Niết-bàn. Đoạn trừ năm cái. Tu bốn niệm xứ.

Hỏi: Thế nào là một đạo?

Đáp: Một mình ở chốn vắng vẻ, tĩnh lặng, vui thích siêng năng tinh tấn. Không ưa các nghiệp, không ưa phi nghiệp. Không hành lời nói vô nghĩa, không ưa lời nói vô nghĩa. Không hành ngủ nghỉ, không ưa ngủ nghỉ. Không hành tập ngữ, không ưa tập ngữ. Không hành nương dựa, không ưa nương dựa. Không hành phóng dật, không ưa phóng dật. Không hành thân cận, không ưa thân cận. Như thế là đạo sinh, chánh sinh khởi, chánh khởi xúc chứng. Đó gọi là một đạo.

Lại nữa, một mình xa lìa, bỏ ác, xa lìa, không xen tạp cấu uế, lìa các dục ác. Như thế là đạo sinh, chánh sinh khởi, chánh khởi xúc chứng. Đó gọi là một đạo.

Lại nữa, không cùng với các phiền não tham dục, giận dữ, ngu si. Không cùng với các hành ác tạo chướng ngại, che lấp, trói buộc. Như thế là đạo sinh, chánh sinh khởi, chánh khởi xúc chứng. Đó gọi là một đạo.

Lại nữa, một mình không phóng dật, tinh tấn niệm biết, tu hạnh xa lìa. Như thế là đạo sinh, chánh sinh khởi, chánh khởi xúc chứng. Đó gọi là một đạo.

Lại nữa, một mình ở chốn vắng vẻ, tĩnh lặng, gần gũi tùy thuận an tọa. Hoặc nơi đồng rộng vắng, trong hang sâu nơi núi cao, giữa cụm rừng, tại vùng gò mả, ngồi trên cỏ nơi khoảng đất trống, hay bên dòng nước, xa lìa xóm làng. Như thế là đạo sinh, chánh sinh khởi, chánh khởi xúc chứng. Đó gọi là một đạo.

Lại nữa, tâm riêng trụ, chánh trụ, chánh chỉ, nhất tâm nhập định. Đó gọi là một đạo.

Lại nữa, hoàn toàn nhu hòa, điều phục thanh tịnh. Đó gọi là một đạo.

Lại nữa, các phiền não tham dục, giận dữ, ngu si, các hành ác tạo chướng ngại, che lấp, trói buộc đều dứt hết. Đó gọi là một đạo.

Lại nữa, lìa dục, đạt tịch tĩnh, tu chánh giác, diệt ác, đắc Niếtbàn. Đó gọi là một đạo.

Hỏi: Thế nào gọi là đạo?

Đáp: Một chi đạo, cho đến mười một chi đạo, đó gọi là đạo. Đạo là cầu nối, là nhân, là cửa, là căn, là hướng đến, là đầu mối, là biện biệt, sinh, chánh sinh khởi, chánh khởi xuất, chánh xuất, pháp thiện hòa hợp, thành tựu. Đó gọi là đạo.

Hỏi: Thế nào là chúng sinh thanh tịnh?

Đáp: Chúng sinh nghĩa là năm đạo sinh. Là chúng sinh của nẻo người, trời, nên nói gần gũi bốn niệm xứ, tu hành nhiều học, được giới thanh tịnh, tâm thanh tịnh, kiến thanh tịnh, thọ ký vượt qua nghi thanh tịnh, tri kiến đạo phi đạo thanh tịnh, tri kiến hướng đến đạo thanh tịnh, được tri kiến thanh tịnh. Như thế là khiến chúng sinh không thanh tịnh thành thanh tịnh, khiến chúng sinh cấu uế thành không cấu uế. Đó gọi là chúng sinh thanh tịnh.

Hỏi: Thế nào là xa lìa ưu bi?

Đáp: Thế nào là ưu? Chúng sinh tiếp xúc với từng ấy pháp khổ. Nếu lo, lại lo nữa, bên trong nóng bức, tâm như bị thiêu đốt. Đó gọi là ưu.

Thế nào là bi? Nghĩa là chúng sinh bị lo lắng trói buộc, bức bách, như bị trúng tên gồm đủ các ưu não, tâm rối loạn, than thở khóc lóc tột cùng, vừa nhớ nghĩ, vừa kể lể, hoặc tự giày vò, miệng nói năng tạp loạn. Đó gọi là bi.

Nếu gần gũi bốn niệm xứ, tu học hành xa lìa ưu bi. Đó gọi là xa lìa ưu bi.

Hỏi: Thế nào là diệt hết khổ não?

Đáp: Thế nào là khổ? Nếu thân nhận biết khổ, từ nhãn xúc là khổ thọ, cho đến thân xúc là khổ thọ, đó gọi là khổ.

Thế nào là não? Nếu tâm nhận biết khổ, ý xúc là khổ thọ, đó gọi là não.

Nếu gần gũi bốn niệm xứ, tu học diệt khổ não, đó gọi là diệt hết khổ não.

Hỏi: Thế nào là đắc Niết-bàn?

Đáp: Niết-bàn nghĩa là bốn quả Sa-môn. Nếu gần gũi bốn niệm xứ, tu học đắc bốn quả Sa-môn, đó gọi là đắc Niết-bàn.

Hỏi: Thế nào là đoạn trừ năm cái?

Đáp: Nếu diệt hết năm cái, đó gọi là đoạn trừ năm cái.

Hỏi: Thế nào là tu bốn niệm xứ?

Đáp: Nghĩa là thân trong quán thân hành, siêng năng, tinh tấn, ứng hợp với chánh trí, chánh niệm, đoạn trừ tham ưu của thế gian.

Thân ngoài quán thân hành, siêng năng, tinh tấn, ứng hợp với chánh trí, chánh niệm, đoạn trừ tham ưu của thế gian. Thân trong ngoài quán thân hành, siêng năng, tinh tấn, ứng hợp với chánh trí, chánh niệm, đoạn trừ tham ưu của thế gian.

Thọ, tâm, pháp cũng như thế.

Hỏi: Thế nào là thân quán thân hành?

Đáp: Thân, nghĩa là sắc thân của bốn đại, do nhân duyên của cha mẹ cùng ăn uống nuôi lớn, y phục thuận hợp, trang sức làm tươi nhuận thân, là pháp vô thường tan hoại, đổi khác. Đó gọi là thân.

Lại nữa, gọi là thân tức sắc thân, đó gọi là thân.

Lại nữa, thân của địa, thân của thủy, hỏa, phong, đó gọi là thân.

Lại nữa, chúng voi, chúng ngựa, chúng xe, chúng bộ, đó gọi là thân.

Lại nữa, sáu thức thân, sáu xúc thân, sáu thọ thân, sáu tưởng thân, sáu tư thân, sáu ái thân, sáu giác thân, sáu quán thân, đó gọi là thân.

Hỏi: Thế nào là thân trong quán thân hành?

Đáp: Như Tỳ-kheo đối với tất cả pháp thuộc về sắc thân của bốn đại bên trong, hoặc pháp thuộc về sắc thân của bốn đại nơi một xứ bên trong, đều tư duy về vô thường, nhận biết vô thường, hiểu rõ vô thường, thọ nhận vô thường. Như thế là quán không phóng dật, tức đạt được tâm định trụ, chánh trụ. Đó gọi là thân trong quán thân hành.

Lại nữa, như Tỳ-kheo đối với tất cả pháp thuộc về sắc thân của bốn đại bên trong, hoặc pháp thuộc về sắc thân của bốn đại nơi một xứ bên trong, quán về khổ thọ như ung nhọt, như mũi tên độc, như vị bệnh, là duyên dựa, là pháp tan hoại, không định, không đầy đủ, có thể mất hết, là khổ, không, vô ngã. Tư duy về duyên, nhận biết duyên, hiểu rõ duyên, thọ nhận duyên. Tức vô minh duyên hành, cho đến danh sắc duyên sáu nhập. Đó gọi là thân trong quán thân hành.

Lại nữa, Tỳ-kheo đối với tất cả pháp thuộc về sắc thân của bốn đại bên trong, hoặc pháp thuộc về sắc thân của bốn đại nơi một xứ bên trong, đều tư duy về diệt, nhận biết diệt, hiểu rõ diệt, thọ nhận diệt. Tức vô minh diệt thì hành diệt, cho đến danh sắc diệt thì sáu nhập diệt. Đó gọi là thân trong quán thân hành.

Lại nữa, Tỳ-kheo đi an vui nhận biết là đi an vui, cho đến nằm an vui nhận biết là nằm an vui, thân trụ nơi an vui nhận biết như thật. Đó gọi là thân trong quán thân hành.

Lại nữa, Tỳ-kheo đi đến, co duỗi, xoay chuyển, nhận biết đúng về hành, cho đến ngủ thức, nói năng, im lặng, nhận biết đúng về hành. Đó gọi là thân trong quán thân hành.

Lại nữa, Tỳ-kheo đối với hơi thở ra dài nhận biết là dài, hơi thở vào dài nhận biết là dài, hơi thở ra ngắn nhận biết là ngắn, hơi thở vào ngắn nhận biết là ngắn. Như thợ kéo quấn dây, dây dài nhận biết là dài, dây ngắn nhận biết là ngắn. Đó gọi là thân trong quán thân hành.

Lại nữa, Tỳ-kheo đối với từ đỉnh đầu đến chân, từ chân đến đỉnh đầu, thấy rõ các thứ bất tịnh. Quán trong thân có lông, tóc, móng, răng, da mỏng, dạ dày, máu thịt, gân mạch, lá lách, thận, tim, phổi, , đại tiểu tiện, nước mắt, mũi dãi, mủ, máu, mỡ lá, não, mô, mồ hôi, tủy xương. Như người mắt tịnh, ở nơi hai cửa của kho lẫm quán thấy các thứ lúa thóc, mè, đậu lớn, đậu nhỏ, đậu áp, đại mạch, tiểu mạch. Như thế, Tỳ-kheo quán trong thân, từ đỉnh đầu đến chân, từ chân đến đỉnh đầu, đủ các thứ bất tịnh. Đó gọi là thân trong quán thân hành.

Lại nữa, Tỳ-kheo quán các đại của thân: Trong thân này chỉ có các đại đất, nước, lửa, gió. Như thợ chuyên về mổ xẻ trâu bò, cùng các học trò của ông ta đã mổ xẻ con bò làm bốn phần, hoặc ngồi, đứng, đi, dừng đều chỉ thấy bốn phần. Như thế, Tỳ-kheo quán các đại ấy, nơi thân này chỉ có địa đại, thủy, hỏa, phong đại, nhưng các đại này chỉ dựa vào tánh của nước, lửa sinh, đều cùng trái nhau. Cho đến thức ăn uống nuôi lớn thân, ốm yếu, không sức, không vững, không mạnh, niệm niệm không dừng. Đó gọi là thân trong quán thân hành.

Lại nữa, Tỳ-kheo quán nơi thân có thức ăn dừng lại, thức ăn tích tập, duyên nơi ăn uống được trụ, không ăn uống thì không trụ. Như lửa duyên nơi củi nên cháy, không có củi thì lửa tắt. Như thế, Tỳ-kheo quán thân có thức ăn trụ, có thức ăn tích tập, duyên nơi thức ăn nên trụ, không có thức ăn không trụ.

Như Đức Phật nói:

Quán thân chốn tập khổ

Tất cả đều duyên ăn

Nếu có trừ diệt ăn

Thì không các khổ ấy

Biết tai hại như thế

Ăn là tạo thành khổ

Tỳ-kheo diệt ăn xong

Tất định đắc Niết-bàn.

Như thế gọi là thân trong quán thân hành.

Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân đều là không, cùng là không, cho đến do niệm nhận biết khắp giải hành. Đó gọi là thân trong quán thân hành.

Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân là ung nhọt: Thân này có chín mụt nhọt, là cửa tiết ra chất nước dãi, nếu thấm ướt chảy ra đều là bất tịnh. Cho đến như Tôn giả Ma ha Ca-diếp nói: Sắc thân của bốn đại là sự suy yếu, hao tổn, trái nhau, có các thứ dịch vị tiết ra, cho đến thọ mạng ngắn ngủi. Đó gọi là thân trong quán thân hành.

Như thế đối với tất cả pháp thuộc về sắc thân của bốn đại bên trong, hoặc pháp thuộc về sắc thân của bốn đại nơi một xứ bên trong, đều tư duy, đạt được tâm định trụ, chánh trụ. Đó gọi là thân trong quán thân hành.

Hỏi: Thế nào gọi là thân trong?

Đáp: Thân nếu là thọ. Nghĩa là nếu tự tánh của duyên sinh bên trong, là phần mình, đó gọi là thân trong.

Hỏi: Thế nào là quán?

Đáp: Nghĩa là như người thật quán vi tế, hiểu biết đúng, duyên nơi quán giải, đó gọi là quán.

Hỏi: Thế nào là hành?

Đáp: Quán vi tế như thế thành tựu, không trái với pháp, gìn giữ hành, hành vi tế, đó gọi là hành.

Hỏi: Thế nào là siêng năng, tinh tấn?

Đáp: Nghĩa là như người thật, nếu thuận với pháp, hành tinh tấn nhiều, đó gọi là siêng năng, tinh tấn.

Lại nữa, nếu thân tâm phát khởi, hiển bày khắp vượt qua, không thoái chuyển, đó gọi là siêng năng, tinh tấn.

Hỏi: Thế nào là chánh trí?

Đáp: Nghĩa là như người thật, thấy biết về phương tiện giải thoát, đó gọi là chánh trí.

Hỏi: Thế nào là niệm?

Đáp: Tức như người thật có nhớ nghĩ, niệm vi tế duyên nơi niệm trụ không quên, niệm nối tiếp không mất, không bị chiếm đoạt, đó gọi là niệm.

Hỏi: Thế nào là thế gian?

Đáp: Có hai thứ thế gian: Thế gian của chúng sinh và thế gian của hành. Thọ sinh trong năm nẻo, đó gọi là thế gian của chúng sinh.

Năm thọ ấm đó gọi là thế gian của hành.

Hỏi: Thế nào là tham?

Đáp: Căn bất thiện tham, đó gọi là tham.

Hỏi: Thế nào là ưu?

Đáp: Ý xúc là khổ thọ, đó gọi là ưu.

Hỏi: Thế nào là đoạn trừ?

Đáp: Ngăn chận, trừ bỏ, đoạn dứt, loại bỏ hẳn, đó gọi là đoạn trừ.

Hỏi: Thế nào là thân ngoài quán thân hành?

Đáp: Như Tỳ-kheo đối với tất cả pháp thuộc về sắc thân của bốn đại bên ngoài, hoặc pháp thuộc về sắc thân của bốn đại nơi một xứ bên ngoài, đều tư duy về vô thường, nhận biết vô thường, hiểu rõ vô thường, thọ nhận vô thường. Như thế là quán không phóng dật, tức đạt được tâm định trụ, chánh trụ. Đó gọi là thân ngoài quán thân hành.

Lại nữa, như Tỳ-kheo đối với tất cả pháp thuộc về sắc thân của bốn đại bên ngoài, hoặc pháp thuộc về sắc thân của bốn đại nơi một xứ bên ngoài, quán về khổ thọ, như ung nhọt, như mũi tên độc, như vị bệnh, là duyên dựa, là pháp tan hoại, không định, không đầy đủ, có thể mất, là khổ, không, vô ngã. Tư duy về duyên, nhận biết duyên, hiểu rõ duyên, thọ nhận duyên. Tức vô minh duyên hành, cho đến danh sắc duyên sáu nhập. Đó gọi là thân ngoài quán thân hành.

Lại nữa, như Tỳ-kheo đối với tất cả pháp thuộc về sắc thân của bốn đại bên ngoài, hoặc pháp thuộc về sắc thân của bốn đại nơi một xứ bên ngoài, đều tư duy về diệt, nhận biết diệt, hiểu rõ diệt, thọ nhận diệt. Tức vô minh diệt thì hành diệt, cho đến danh sắc diệt thì sáu nhập diệt. Đó gọi là thân ngoài quán thân hành.

Lại nữa, Tỳ-kheo đối với các hành khác nơi tất cả pháp thuộc về sắc thân của bốn đại bên ngoài, hoặc pháp thuộc về sắc thân nơi một xứ bên ngoài, đều tư duy, được tâm định trụ, chánh trụ. Đó gọi là thân ngoài quán thân hành.

Hỏi: Thế nào gọi là thân ngoài?

Đáp: Tức thân không phải là thọ, không phải là nội, không phải là duyên sinh, không phải là tự tánh, không phải là phần mình. Đó gọi là ngoài.

Các nghĩa còn lại như trên đã nói.

Hỏi: Thế nào là thân trong ngoài quán thân hành?

Đáp: Như Tỳ-kheo đối với tất cả pháp thuộc về sắc thân của bốn đại trong ngoài, hoặc pháp thuộc về sắc thân của bốn đại trong ngoài nơi một xứ, đều tư duy về vô thường, nhận biết vô thường, hiểu rõ vô thường, thọ nhận vô thường. Như thế là quán không phóng dật, tức đạt được tâm định trụ, chánh trụ. Đó gọi là thân trong ngoài quán thân hành.

Lại nữa, như Tỳ-kheo đối với tất cả pháp thuộc về sắc thân của bốn đại trong ngoài, hoặc pháp thuộc về sắc thân của bốn đại trong ngoài nơi một xứ, quán về khổ thọ, như ung nhọt, như mũi tên độc, như vị bệnh, là duyên dựa, là pháp tan hoại, không định, không đầy đủ, có thể mất hết, là khổ, không, vô ngã. Tư duy về duyên, nhận biết duyên, hiểu rõ duyên, thọ nhận duyên. Tức vô minh duyên hành, cho đến xúc duyên thọ. Đó gọi là thân trong ngoài quán thân hành.

Lại nữa, như Tỳ-kheo đối với tất cả pháp thuộc về sắc thân của bốn đại trong ngoài, hoặc pháp thuộc về sắc thân của bốn đại trong ngoài nơi một xứ, đều tư duy về diệt, nhận biết diệt, hiểu rõ diệt, thọ nhận diệt. Tức vô minh diệt thì hành diệt, cho đến danh sắc diệt thì sáu nhập diệt. Đó gọi là thân trong ngoài quán thân hành.

Lại nữa, như Tỳ-kheo nếu thấy tử thi đem bỏ nơi vùng gò mả, hoặc một ngày đến ba ngày. Đó gọi là thân trong ngoài quán thân hành.

Lại nữa, như Tỳ-kheo nếu thấy tử thi đem bỏ nơi vùng gò mả, hoặc một ngày đến ba ngày, thân thể trương sình màu xanh bầm. Đó gọi là thân trong ngoài quán thân hành.

Lại nữa, như Tỳ-kheo nếu thấy tử thi đem bỏ nơi vùng gò mả, hoặc một ngày đến ba ngày, bị các loài chim quạ, các loài thú dữ như cọp, sói, dã can rúc rỉa, cắn xé thân xác để ăn thịt. Đó gọi là thân trong ngoài quán thân hành.

Lại nữa, như Tỳ-kheo nếu thấy các đốt xương của tử thi kia còn liền nhau, nhưng màu xanh đỏ đã tan rữa, máu mủ bất tịnh xú uế đáng gớm ghiếc. Đó gọi là thân trong ngoài quán thân hành.

Lại nữa, như Tỳ-kheo nếu thấy các đốt xương của tử thi kia còn liền nhau, phần da thịt máu me phủ lên các gân mạch còn lại chưa dứt hẳn. Đó gọi là thân trong ngoài quán thân hành.

Lại nữa, như Tỳ-kheo nếu thấy đốt xương của tử thi liền nhau, máu thịt đã lìa nhưng gân mạch chưa dứt. Đó gọi là thân trong ngoài quán thân hành.

Lại nữa, như Tỳ-kheo nếu thấy đốt xương của tử thi đã hư hoại, nhưng chưa lìa chỗ cũ. Đó gọi là thân trong ngoài quán thân hành.

Lại nữa, như Tỳ-kheo nếu thấy đốt xương của tử thi đã đoạn dứt tan hoại, lìa xa chỗ cũ, các xương ống chân, xương chân, xương đùi, xương sống, xương sườn, xương hông, xương tay, chân, vai, cánh tay, cổ, đầu lâu, đều tự di chuyển ở chốn khác. Đó gọi là thân trong ngoài quán thân hành.

Lại nữa, như Tỳ-kheo nếu thấy đốt xương của tử thi vì đã lâu, nên màu trắng như vỏ ốc, màu xanh như chim bồ câu, mục rã tan hoại. Đó gọi là thân trong ngoài quán thân hành.

Lại nữa, như Tỳ-kheo nếu thấy tử thi ở trên đống lửa, đốt cháy tóc, lông, da, máu, thịt, gân, mạch, xương, tủy. Tất cả tóc, lông, cho đến xương tủy dần dần tiêu rụi hết. Quán pháp này, không đến các chốn nơi phương Đông, Nam, Tây, Bắc, bốn hướng trên dưới để dừng lại. Pháp này vốn không có mà sinh, đã sinh rồi trở lại diệt. Đó gọi là thân trong ngoài quán thân hành.

Cùng tất cả pháp thuộc về sắc thân của bốn đại nơi các hành khác, hoặc pháp thuộc về sắc thân của bốn đại trong ngoài nơi một xứ, đều tư duy về chúng được tâm định trụ, chánh trụ. Đó gọi là thân trong ngoài quán thân hành.

Hỏi: Thế nào gọi là thân trong ngoài?

Đáp: Nếu thân là thọ, hoặc không phải là thọ, đó gọi là thân trong ngoài.

Các nghĩa còn lại như trên đã nói.

Tỳ-kheo quán thân pháp là hành duyên khởi, quán thân pháp là hành duyên diệt. Tỳ-kheo như thế là quán thân pháp theo hành duyên khởi duyên diệt, có thân khởi niệm bên trong, do trí, do minh, do thức không dựa nơi thân, là hành không có chốn nương dựa, không thọ nhận nơi thế gian. Như vậy Tỳ-kheo, thân trong quán thân hành, siêng năng, tinh tấn, chánh trí, chánh niệm, trừ tham ưu của thế gian. Thân ngoài, thân trong ngoài cũng như vậy.

Hỏi: Thế nào là thọ quán thọ hành?

Đáp: Thọ, nghĩa là sáu thọ: Thọ của nhãn xúc, cho đến thọ của ý xúc. Đó gọi là thọ.

Hỏi: Thế nào là thọ trong quán thọ hành?

Đáp: Như Tỳ-kheo đối với tất cả thọ trong, hoặc thọ trong của một xứ, tư duy về vô thường, nhận biết vô thường, hiểu rõ vô thường, thọ nhận vô thường. Như thế là quán không phóng dật, đạt được tâm định trụ, chánh trụ. Đó gọi là thọ trong quán thọ hành.

Lại nữa, như Tỳ-kheo đối với tất cả thọ trong, hoặc thọ trong của một xứ, tư duy về khổ họa là ung nhọt, là mũi tên độc, là vị bệnh, là duyên dựa, là pháp tan hoại, bất định, không đầy đủ, có thể mất hết, là khổ, không, vô ngã. Tư duy về duyên, nhận biết duyên, hiểu rõ duyên, thọ nhận duyên. Tức vô minh duyên hành, cho đến xúc duyên thọ. Đó gọi là thọ trong quán thọ hành.

Lại nữa, như Tỳ-kheo đối với tất cả thọ trong, hoặc thọ trong của một xứ, tư duy về diệt, nhận biết diệt, hiểu rõ diệt, thọ nhận diệt. Tức vô minh diệt thì hành diệt, cho đến xúc diệt thì thọ diệt. Đó gọi là thọ trong quán thọ hành.

Cùng tất cả thọ trong nơi các hành khác, hoặc thọ trong của một xứ, tư duy về chúng được tâm định trụ, chánh trụ. Đó gọi là thọ trong quán thọ hành.

Hỏi: Thế nào gọi là thọ trong?

Đáp: Nghĩa là trong, là bên trong, là duyên, là tự tánh, là phần mình. Đó gọi là thọ trong.

Các nghĩa còn lại như trên đã nói.

Hỏi: Thế nào là thọ ngoài quán thọ hành?

Đáp: Như Tỳ-kheo đối với tất cả thọ ngoài, hoặc thọ ngoài của một xứ, tư duy về vô thường, nhận biết vô thường, hiểu rõ vô thường, thọ nhận vô thường. Như thế là quán không phóng dật, tức đạt được tâm định trụ, chánh trụ. Đó gọi là thọ ngoài quán thọ hành.

Lại nữa, như Tỳ-kheo đối với tất cả thọ ngoài, hoặc thọ ngoài của một xứ, tư duy về khổ họa là ung nhọt, là mũi tên độc, là vị bệnh, là duyên dựa, là pháp tan hoại, bất định, không đầy đủ, có thể mất hết, là khổ, không, vô ngã. Tư duy về duyên, nhận biết duyên, hiểu rõ duyên, thọ nhận duyên. Tức vô minh duyên hành, cho đến xúc duyên thọ. Đó gọi là thọ ngoài quán thọ hành.

Lại nữa, như Tỳ-kheo đối với tất cả thọ ngoài, hoặc thọ ngoài của một xứ, tư duy về diệt, nhận biết diệt, hiểu rõ diệt, thọ nhận diệt. Tức vô minh diệt thì hành diệt, cho đến xúc diệt thì thọ diệt. Đó gọi là thọ ngoài quán thọ hành.

Cùng tất cả thọ ngoài nơi các hành khác, hoặc thọ ngoài của một xứ, tư duy về chúng được tâm định trụ, chánh trụ. Đó gọi là thọ ngoài quán thọ hành.

Hỏi: Thế nào gọi là thọ ngoài?

Đáp: Hành thọ, không phải là thọ. Nghĩa là ngoài, không phải là trong, không phải là duyên, không phải là tự tánh, không phải là phần mình. Đó gọi là thọ ngoài.

Các nghĩa còn lại như trên đã nói.

Hỏi: Thế nào là thọ trong ngoài quán thọ hành?

Đáp: Như Tỳ-kheo đối với tất cả thọ trong ngoài, hoặc thọ trong ngoài của một xứ, tư duy về vô thường, nhận biết vô thường, hiểu rõ vô thường. Như thế quán không phóng dật đạt được tâm định trụ, chánh trụ. Đó gọi là thọ trong ngoái quán thọ hành.

Lại nữa, Tỳ-kheo, nếu đối với tất cả thọ trong ngoài, hoặc thọ trong ngoài của một xứ, tư duy về khổ họa là ung nhọt, là mũi tên, là bệnh tham vướng vị, là duyên dựa, là pháp tan hoại không định, không đầy đủ, có thể mất hết, là khổ, không, vô ngã. Tư duy về duyên, nhận biết duyên, hiểu rõ duyên, thọ nhận duyên. Tức vô minh duyên hành, cho đến xúc duyên thọ. Như thế gọi là thọ trong ngoài quán thọ hành.

Lại nữa, Tỳ-kheo đối với tất cả thọ trong ngoài, hoặc thọ trong ngoài của một xứ, tư duy về diệt, nhận biết diệt, hiểu rõ diệt, thọ nhận diệt. Tức vô minh diệt thì hành diệt, cho đến xúc diệt thì thọ diệt. Như thế gọi là thọ trong ngoài quán thọ hành.

Lại nữa, Tỳ-kheo nếu thọ nhận lạc thọ, nhận biết là ta có lạc thọ, thọ nhận khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ cũng như thế. Nếu thọ nhận lạc thọ có nhiễm, nhận biết là ta đã nhận lạc thọ có nhiễm. Nếu thọ nhận lạc thọ không có nhiễm, nhận biết là ta đã nhận lạc thọ không có nhiễm. Khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ cũng như thế. Đó gọi là thọ trong ngoài quán thọ hành. Cùng tất cả thọ trong ngoài của các hành khác, hoặc thọ trong ngoài của một xứ, tư duy về chúng đạt được tâm định trụ, chánh trụ. Đó gọi là thọ trong ngoài quán thọ hành.

Hỏi: Thế nào là thọ trong ngoài?

Đáp: Nếu thọ không phải là thọ, đó gọi là thọ trong ngoài. Các nghĩa còn lại như trên đã nói.

Như thế là Tỳ-kheo quán thọ pháp là hành duyên khởi, quán thọ pháp là hành duyên diệt. Như thế, Tỳ-kheo quán thọ pháp theo hành khởi diệt, có thọ niệm bên trong, do trí, do minh, do thức không dựa vào thọ, là hành không có chốn nương dựa, không thọ nhận tất cả thế gian. Như thế là Tỳ-kheo, thọ trong quán thọ hành, siêng năng, tinh tấn, chánh trí, chánh niệm, trừ tham ưu của thế gian. Thọ ngoài, thọ trong ngoài cũng như thế.

Hỏi: Thế nào là tâm quán tâm hành?

Đáp: Thế nào là tâm? Nếu tâm là ý, thức, là sáu thức thân, là bảy thức giới, đó gọi là tâm.

Hỏi: Thế nào là tâm trong quán tâm hành?

Đáp: Như Tỳ-kheo đối với tất cả tâm trong, hoặc tâm trong của một xứ, tư duy về vô thường, nhận biết vô thường, hiểu rõ vô thường, thọ nhận vô thường. Như thế quán không phóng dật, đạt được tâm định trụ, chánh trụ. Đó gọi là tâm trong quán tâm hành.

Lại nữa, tất cả tâm trong, hoặc tâm trong của một xứ, tư duy về khổ họa là ung nhọt, tên độc, như bệnh tham vị, là duyên dựa, là pháp tan hoại, không định, không đầy đủ, có thể mất hết, là khổ, không, vô ngã. Tư duy về duyên, nhận biết duyên, hiểu rõ duyên, thọ nhận duyên. Tức vô minh duyên hành, hành duy thức. Như thế gọi là tâm trong quán tâm hành.

Lại nữa, Tỳ-kheo đối với tất cả tâm trong, hoặc tâm trong của một xứ, tư duy về diệt, nhận biết diệt, hiểu rõ diệt, thọ nhận diệt. Tức vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt. Đó gọi là Tỳ-kheo đối với tâm trong quán tâm hành. Cùng tất cả tâm trong của pháp hành khác, hoặc tâm trong của một xứ, tư duy về chúng đạt được tâm định trụ, chánh trụ. Như thế là Tỳ-kheo đối với tâm trong quán tâm hành.

Hỏi: Thế nào là tâm trong?

Đáp: Nếu tâm là thọ gọi là trong, là bên trong, là duyên, là tự tánh, là phần mình. Đó gọi là tâm trong. Các nghĩa còn lại như trên đã nói.

Hỏi: Thế nào là tâm ngoài quán tâm hành?

Đáp: Như Tỳ-kheo đối với tất cả tâm ngoài, hoặc tâm ngoài của một xứ, tư duy về vô thường, nhận biết vô thường, hiểu rõ vô thường, thọ nhận vô thường. Như thế quán không phóng dật được tâm định trụ, chánh trụ. Đó gọi là tâm ngoài quán tâm hành.

Lại nữa, Tỳ-kheo đối với tất cả tâm ngoài, hoặc tâm ngoài của một xứ, tư duy về khổ họa, là ung nhọt, mũi tên, là bệnh tham vị, là duyên dựa, là pháp tan hoại, bất định, không đầy đủ, có thể mất hết, là khổ, không, vô ngã. Tư duy về duyên, nhận biết duyên, hiểu rõ duyên, thọ nhận duyên. Tức vô minh duyên hành, hành duyên thức. Như thế gọi là tâm ngoài quán tâm hành.

Lại nữa, Tỳ-kheo đối với tất cả tâm ngoài, hoặc tâm ngoài của một xứ, tư duy về diệt, nhận biết diệt, hiểu rõ diệt, thọ nhận diệt. Tức vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt. Như thế gọi là tâm ngoài quán tâm hành. Cùng tất cả tâm ngoài của tâm hành khác, tâm ngoài của một xứ, tư duy về chúng đạt được tâm định trụ, chánh trụ. Đó gọi là tâm ngoài quán tâm hành.

Hỏi: Thế nào là tâm ngoài?

Đáp: Nếu tâm không phải là thọ, gọi là ngoài. Tức không phải là bên trong, không phải là duyên, không phải là tự tánh, không phải là phần mình. Đó gọi là tâm ngoài. Các nghĩa còn lại như trên đã nói.

Hỏi: Thế nào là Tỳ-kheo đối với tâm trong ngoài quán tâm hành?

Đáp: Như Tỳ-kheo đối với tất cả tâm trong ngoài, hoặc tâm trong ngoài của một xứ, tư duy về vô thường, nhận biết vô thường, hiểu rõ vô thường, thọ nhận vô thường. Như thế là quán không phóng dật đạt được tâm định trụ, chánh trụ. Đó gọi là tâm trong ngoài quán tâm hành.

Lại nữa, Tỳ-kheo nếu đối với tất cả tâm trong ngoài, hoặc tâm trong ngoài của một xứ, quán về khổ họa, là ung nhọt, là mũi tên, là bệnh tham vị, là duyên dựa, là pháp tan hoại, bất định, không đầy đủ, có thể mất hết, là khổ, không, vô ngã. Tư duy về duyên, nhận biết duyên, hiểu rõ duyên, thọ nhận duyên. Tức vô minh duyên hành, hành duyên thức. Như thế gọi là tâm trong ngoài quán tâm hành.

Lại nữa, Tỳ-kheo đối với tất cả tâm trong ngoài, hoặc tâm trong ngoài của một xứ, tư duy về diệt, nhận biết diệt, hiểu rõ diệt, thọ nhận diệt. Tức vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt. Như thế gọi là tâm trong ngoài quán tâm hành.

Lại nữa, Tỳ-kheo có tâm dục nhận biết như thật là có tâm dục. Không có tâm dục nhận biết như thật là không có tâm dục. Cho đến có tâm vượt hơn nhận biết như thật là có tâm vượt hơn. Không có tâm vượt hơn nhận biết như thật là không có tâm trội hơn. Như thế là quán không phóng dật tức đạt được tâm định trụ, chánh trụ. Đó gọi là tâm trong ngoài quán tâm hành. Cùng tất cả tâm trong ngoài của các hành khác, hoặc tâm trong ngoài của một xứ, tư duy về chúng đạt được tâm định trụ, chánh trụ. Đó gọi là tâm trong ngoài quán tâm hành.

Hỏi: Thế nào là tâm trong ngoài?

Đáp: Nếu tâm là thọ, không phải là thọ, đó gọi là tâm trong ngoài. Các nghĩa còn lại như trên đã nói.

Như thế là Tỳ-kheo quán tâm pháp là hành duyên khởi, quán tâm pháp là hành duyên diệt. Như thế, Tỳ-kheo quán tâm pháp theo hành khởi diệt, có tâm khởi niệm bên trong, do trí, do minh, do thức, không dựa vào tâm, là hành không có chốn nương dựa, nên không thọ nhận nơi thế gian. Như thế Tỳ-kheo đối với tâm trong quán tâm hành, siêng năng, tinh tấn, chánh trí, chánh niệm, trừ tham ưu của thế gian. Tâm ngoài, tâm trong ngoài cũng như thế.

Hỏi: Thế nào là pháp quán pháp hành?

Đáp: Pháp nghĩa là trừ pháp thọ, tâm thuộc về sắc thân của bốn đại, còn lại hoặc là sắc, không phải sắc, có thể thấy, không thể thấy, có đối, không đối, là Thánh, không phải là Thánh, đó gọi là pháp.

Hỏi: Thế nào là Tỳ-kheo đối với pháp trong quán pháp hành?

Đáp: Nếu Tỳ-kheo trừ pháp thọ tâm thuộc về sắc thân của bốn đại, còn lại là tất cả pháp trong khác, hoặc pháp trong của một xứ, tư duy về vô thường, nhận biết vô thường, hiểu rõ vô thường, thọ nhận vô thường. Như thế là quán không phóng dật, đạt được tâm định trụ, chánh trụ. Đó gọi là pháp trong quán pháp hành.

Lại nữa, Tỳ-kheo trừ pháp thọ tâm thuộc về sắc thân của bốn đại, còn lại là tất cả pháp trong khác, hoặc pháp trong của một xứ, tư duy về khổ họa, là ung nhọt, mũi tên, là bệnh tham vị, là duyên dựa, là pháp tan hoại, bất định, không đầy đủ, có thể mất hết, là khổ, không, vô ngã. Tư duy về duyên, nhận biết duyên, hiểu rõ duyên, thọ nhận duyên. Tức vô minh duyên hành, cho đến sinh duyên lão tử, ưu bi, khổ não, các tụ khổ. Như thế gọi là pháp trong quán pháp hành.

Lại nữa, Tỳ-kheo trừ pháp thọ tâm thuộc về sắc thân của bốn đại, còn lại là tất cả pháp trong khác, hoặc pháp trong của một xứ, tư duy về diệt, nhận biết diệt, hiểu rõ diệt, thọ nhận diệt. Tức vô minh diệt thì hành diệt, cho đến sinh diệt thì lão tử, ưu bi, khổ não, các tụ khổ tức diệt. Như thế gọi là pháp thọ nhận quán pháp hành. Cùng trừ pháp thọ tâm thuộc về sắc thân của bốn đại, còn lại là tất cả pháp trong khác của các hành khác, hoặc pháp trong của một xứ, tư duy về chúng đạt được tâm định trụ, chánh trụ. Đó gọi là pháp trong quán pháp hành.

Hỏi: Thế nào là pháp trong?

Đáp: Pháp thọ gọi là trong, là bên trong, là duyên, là tự tánh, là phần mình. Đó gọi là pháp trong. Nghĩa còn lại như trên đã nói.

Hỏi: Thế nào là Tỳ-kheo đối với pháp ngoài quán pháp hành?

Đáp: Như Tỳ-kheo, trừ pháp thọ tâm thuộc về sắc thân của bốn đại, còn lại là tất cả pháp ngoài, hoặc pháp ngoài của một xứ, như sự tư duy về vô thường, nhận biết vô thường, hiểu rõ vô thường, thọ nhận vô thường. Như thế là quán không phóng dật đạt được tâm định trụ, chánh trụ. Đó gọi là pháp ngoài quán pháp hành.

Lại nữa, Tỳ-kheo trừ pháp thọ tâm thuộc về sắc thân của bốn đại, còn lại là tất cả pháp ngoài khác, hoặc pháp ngoài của một xứ, như sự tư duy về khổ não, là ung nhọt, là mũi tên, vị bệnh, là duyên dựa, là pháp tan hoại, không định, không đầy đủ, có thể mất hết, là khổ, không, vô ngã. Tư duy về duyên, nhận biết duyên, hiểu rõ duyên, thọ nhận duyên. Tức vô minh duyên hành, cho đến sinh duyên lão tử, ưu bi, khổ não, các tụ khổ. Như thế gọi là pháp ngoài quán pháp hành.

Lại nữa, Tỳ-kheo trừ pháp thọ tâm thuộc về sắc thân của bốn đại, còn lại là tất cả pháp ngoài khác, hoặc pháp ngoài của một xứ, như sự tư duy về diệt, nhận biết diệt, hiểu rõ diệt, thọ nhận diệt. Tức vô minh diệt thì hành diệt, cho đến sinh diệt thì lão tử, ưu bi, khổ não, các tụ khổ diệt. Như thế gọi là pháp ngoài quán pháp hành. Cùng trừ pháp thọ tâm thuộc về sắc thân của bốn đại, còn lại là tất cả pháp ngoài khác nơi các hành khác, hoặc pháp ngoài của một xứ, như sự tư duy đạt được tâm định trụ, chánh trụ. Đó gọi là pháp ngoài quán pháp hành.

Hỏi: Thế nào là pháp ngoài?

Đáp: Pháp không phải là thọ, gọi là ngoài. Tức không phải bên trong, không phải là duyên, không phải là tự tánh, không phải là phần mình. Đó gọi là pháp ngoài. Các nghĩa còn lại như trên đã nói.

Hỏi: Thế nào là Tỳ-kheo đối với pháp trong ngoài quán pháp hành?

Đáp: Như Tỳ-kheo, trừ pháp thọ tâm thuộc về sắc thân của bốn đại, còn lại là tất cả pháp trong ngoài khác, hoặc pháp trong ngoài của một xứ, như sự tư duy về vô thường, nhận biết vô thường, hiểu rõ vô thường, thọ nhận vô thường. Như thế là quán không phóng dật, đạt được tâm định trụ, chánh trụ. Đó gọi là pháp trong ngoài quán pháp hành.

Lại nữa, Tỳ-kheo trừ pháp thọ tâm thuộc về sắc thân của bốn đại, còn lại là tất cả pháp trong ngoài khác, hoặc pháp trong ngoài của một xứ, như sự tư duy về khổ não là ung nhọt, mũi tên, là vị bệnh, là duyên dựa, là pháp tan hoại, bất định, không đầy đủ, có thể mất hết, là khổ, không, vô ngã. Tư duy về duyên, nhận biết duyên, nêu rõ duyên, thọ nhận duyên. Tức vô minh duyên hành, cho đến sinh duyên lão tử, ưu bi, khổ não, các tụ khổ. Như thế gọi là pháp trong ngoại quán pháp hành.

Lại nữa, Tỳ-kheo trừ pháp thọ tâm thuộc về sắc thân của bốn đại, còn lại là tất cả pháp trong ngoài khác, hoặc pháp trong ngoài của một xứ, như sự tư duy về diệt, nhận biết diệt, hiểu rõ diệt, thọ nhận diệt. Tức vô minh diệt thì hành diệt, cho đến sinh diệt thì lão tử, ưu bi, khổ não, các tụ khổ tức diệt. Như thế gọi là pháp trong ngoài quán pháp hành.

Lại nữa, Tỳ-kheo nếu trong thân ta có dục nhận biết như thật là trong thân ta có dục. Trong thân ta không có dục nhận biết như thật là trong thân ta không có dục. Như dục chưa sinh nhận biết như thật là dục chưa sinh. Như dục sẽ sinh nhận biết như thật là dục sẽ sinh. Như dục hiện sinh nhận biết như thật là dục sẽ đoạn. Như dục đã đoạn rồi nhận biết như thật là không sinh lại. Giận dữ, ngu si, thùy miên, trạo cử, hối, nghi cũng như thế. Đó gọi là pháp trong ngoài quán pháp hành.

Lại nữa, Tỳ-kheo nếu trong thân ta có nhãn thức về sắc dục, giận nhận biết như thật là trong thân ta có nhãn thức về sắc dục, giận. Trong thân ta không có nhãn thức về sắc dục, giận, nhận biết như thật là trong thân ta không có nhãn thức về sắc dục, giận. Như nhãn thức về sắc chưa sinh dục, giận, nhận biết như thật là chưa sinh. Như nhãn thức về sắc chưa sinh dục, giận, nhận biết như thật là sẽ sinh. Như nhãn thức về sắc hiện tại sinh dục, giận, nhận biết như thật là sẽ đoạn. Như nhãn thức về sắc đã đoạn dục, giận, nhận biết như thật là không sinh lại. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức cũng như thế. Đó gọi là pháp trong ngoài quán pháp hành.

Lại nữa, Tỳ-kheo nếu trong thân ta có niệm giác nhận biết như thật là trong thân ta có niệm giác. Trong thân ta không có niệm giác nhận biết như thật là trong thân ta không có niệm giác. Như niệm giác chưa sinh nhận biết như thật là chưa sinh. Như niệm giác chưa sinh nhận biết như thật là sẽ sinh. Như niệm giác sinh xong nhận biết như thật là có đầy đủ. Tu sáu giác (sáu giác chi) khác cũng như thế. Đó gọi là pháp trong ngoài quán pháp hành.

Lại nữa, Tỳ-kheo nhận biết như thật về khổ, khổ tập, khổ diệt, khổ diệt đạo. Nhận biết như thật về lậu, lậu tập, lậu diệt, lậu diệt đạo. Như thế gọi là pháp trong ngoài quán pháp hành.

Lại nữa, Tỳ-kheo chán lìa tất cả hành, nhập cảnh giới cam lộ, là tịch tĩnh, đây là thù thắng diệt tất cả hành, là Niết-bàn diệt hết ái. Như thế gọi là pháp trong ngoài quán pháp hành. Cùng trừ pháp thọ tâm thuộc về sắc thân của bốn đại, còn lại là tất cả pháp trong ngoài khác nơi các hành khác, hoặc pháp trong ngoài của một xứ, như sự tư duy về chúng đạt được tâm định trụ, chánh trụ. Đó gọi là pháp trong ngoài quán pháp hành.

Hỏi: Thế nào là pháp trong, ngoài?

Đáp: Nếu pháp là thọ, hoặc không phải là thọ, đó gọi là pháp trong ngoài. Các nghĩa còn lại như trên đã nói.

Như thế Tỳ-kheo quán pháp hành là pháp duyên khởi, quán pháp hành là pháp duyên diệt. Như thế là Tỳ-kheo quán hành của pháp khởi, diệt, có pháp khởi niệm trong, do trí, do minh, do thức không dựa vào pháp, là hành không chốn nương dựa, nên không thọ nhận ở thế gian. Như thế Tỳ-kheo đối với pháp trong quán pháp hành, siêng năng, tinh tấn, chánh trí, chánh niệm, trừ tham ưu của thế gian. Pháp ngoài, pháp trong ngoài cũng như thế.

Tu học như thật về bốn niệm xứ sẽ có sự lo sợ này: Đối với tất cả thế gian thường hành vô ngã, tâm không cao, không thấp, cũng không có trụ xứ. Nếu có tưởng ngã, tưởng chúng sinh, tưởng mạng, tưởng người, thì không có điều ấy. Thường ứng hợp với hành đệ nhất không. Nếu được điều ấy thì tâm sau không tạo tác vô ích. Không thọ nhận, không chấp trước nơi sắc, thanh, hương, vị, xúc. Nơi ba đời đều không trở ngại. Đối với cõi dục giải thoát. Đối với cõi sắc, cõi vô sắc giải thoát, dứt hẳn không còn sinh nữa. Đây là biên vực của khổ. Như thời tiết vào tháng cuối xuân là rất nóng bức, không có mây, sương mù, một ít nước đựng trong chậu sành đã bị khô cạn nhanh chóng. Như thế, Tỳ-kheo nếu được tâm sau thì không tạo tác vô ích. Không thọ nhận, không chấp trước nơi sắc, thanh, hương, vị, xúc, cho đến dứt hẳn không còn sinh nữa. Đây gọi là biên vực của khổ.

Như gió thổi lửa dữ

Lúc tắt không dời xứ

Do quạt giác danh sắc

Hết, cũng không chốn sinh.

Như thợ rèn sắt nóng

Sao chuyển tắt, không hình

Nặn, đúc dần quy không

Cầu, cùng tin khó được.

Như mưa tuôn xuống biển

Giọt gốc há lại còn

Giải thoát cũng đâu có

Không nên trong lặng vui.

Bỏ thân, lìa nơi tưởng

Các thọ không chốn biết

Nẻo hành đều tĩnh lặng

Thức cũng tự nhiên diệt.

 

Phẩm thứ 7: PHẦN KHÔNG HỎI VỀ CHÁNH CẦN

Hỏi: Có bao nhiêu chánh cần?

Đáp: Có bốn.

Hỏi: Những gì là bốn?

Đáp: Nếu Tỳ-kheo, pháp ác bất thiện chưa sinh, nhằm khiến chúng không sinh, khởi mong muốn, tự cố gắng thắng tấn, thâu giữ tâm, chánh đoạn.

Pháp ác bất thiện đã sinh tất sẽ đoạn, khởi mong muốn, tự cố gắng thắng tấn, thâu giữ tâm, chánh đoạn.

Pháp thiện chưa sinh, nhằm khiến chúng sinh, khởi mong muốn, tự cố gắng thắng tấn, thâu giữ tâm, chánh đoạn.

Pháp thiện đã sinh, nhằm khiến chúng trụ lại, tu đầy đủ, không quên, thêm rộng, khởi mong muốn, tự cố gắng thắng tấn, thâu giữ tâm, chánh đoạn.

Hỏi: Thế nào là pháp ác bất thiện chưa sinh, nhằm khiến chúng không sinh?

Đáp: Thân, miệng, ý hành ác, đó gọi là pháp ác bất thiện.

Lại nữa, mười nghiệp đạo bất thiện, đó gọi là pháp ác bất thiện.

Lại nữa, căn bất thiện tương ưng với căn bất thiện. Căn bất thiện đã khởi, không phải là duyên, không phải là thọ, đó gọi là pháp ác bất thiện.

Lại nữa, tham dục, giận dữ, ngu si, phẫn nộ, oán thù, ngờ vực, nói dối, ganh ghét, keo kiệt, dua nịnh, lừa dối, che giấu việc xấu ác, không hổ, không thẹn, tự cao, tranh tụng, thô ác, phóng dật, ngã mạn, tăng thượng mạn v.v…, đó gọi là pháp ác bất thiện.

Lại nữa, mười pháp tà, đó gọi là pháp ác bất thiện.

Như thế, pháp ác bất thiện chưa sinh, chưa khởi, chưa hòa hợp, ta khiến chúng không sinh, không khởi, không hòa hợp, đó gọi là pháp ác bất thiện chưa sinh, nhằm khiến chúng không sinh.

Hỏi: Thế nào là khởi mong muốn?

Đáp: Nếu mong muốn, mong muốn lần nữa, muốn làm, muốn khởi, muốn hiển bày khắp, muốn vượt qua, muốn đạt được, muốn xúc, muốn chứng, đó gọi là khởi mong muốn.

Hỏi: Thế nào là tự cố gắng?

Đáp: Sức có thể nhẫn chịu, cố gắng, chưa được muốn được, chưa hiểu muốn hiểu, chưa chứng muốn chứng, đó gọi là tự cố gắng.

Hỏi: Thế nào là thắng tấn?

Đáp: Thân tâm phát khởi, hiện bày khắp, vượt qua, có thể nhẫn chịu, không thoái chuyển, ra sức siêng năng, tu tấn, gọi là tấn. Tinh tấn này khởi, chánh khởi, chánh sinh, xúc chứng, đó gọi là thắng tấn.

Thế nào là thâu giữ tâm?

Tâm, ý, thức, sáu thức thân, bảy thức giới, gọi là tâm. Tâm này thâu giữ, chánh thâu giữ, duyên thâu giữ, khuyến khích cố gắng, chánh khuyến khích cố gắng, hết sức hoan hỷ. Đó gọi là thâu giữ tâm.

Hỏi: Thế nào là chánh?

Đáp: Chánh nhân, chánh tư duy, chánh phương tiện, đó gọi là chánh.

Hỏi: Thế nào là đoạn?

Đáp: Xả bỏ pháp ác sinh pháp thiện, pháp thanh bạch, hiện đời hành vui, tuệ tri kiến phân biệt, đoạn trừ các lậu, dứt hết tất cả biên vực của khổ, đó gọi là đoạn.

Pháp ác bất thiện đã sinh tất sẽ đoạn, khởi mong muốn, tự cố gắng thắng tấn, thâu giữ tâm, chánh đoạn, cũng nói như thế. Chỉ khác ở chỗ là đã sinh.

Hỏi: Thế nào là pháp thiện chưa sinh, nhằm khiến chúng sinh?

Đáp: thân, miệng, ý hành thiện, đó gọi là pháp thiện. Cho đến: Thế nào là đoạn? Xả bỏ pháp ác sinh pháp thiện, pháp thanh bạch, hiện đời hành vui, tuệ tri kiến phân biệt, đoạn trừ các lậu, dứt hết tất cả biên vực của khổ, đó gọi là đoạn.

Hỏi: Thế nào là pháp thiện đã sinh, nhằm khiến chúng trụ lại?

Đáp: Thân, miệng, ý hành thiện, đó gọi là pháp thiện. Cho đến: Lại nữa, mười chánh pháp, chánh kiến, cho đến chánh trí và các tùy chánh pháp khác, đó gọi là pháp thiện. Như pháp thiện này sinh, hòa hợp, khiến ta trụ không mất, không quên, khiến ta đạt được cứu cánh.

Đó gọi là pháp thiện đã sinh nhằm khiến chúng trụ lại.

Hỏi: Thế nào là đầy đủ?

Đáp: Giới chúng chưa đầy đủ muốn khiến đầy đủ. Cho đến giải thoát tri kiến chúng chưa đầy đủ muốn khiến đầy đủ. Đó gọi là đầy đủ.

Hỏi: Thế nào là tu?

Đáp: Nếu gần gũi với pháp thiện, gần gũi chân chánh, dựa nơi chánh, dựa nơi siêng năng hành trì, tu học, đó gọi là tu.

Hỏi: Thế nào là không quên?

Đáp: Là muốn khiến pháp thiện không mất, không bị chiếm đoạt, nối tiếp niệm không quên, đó gọi là không quên.

Hỏi: Thế nào là thêm rộng?

Đáp: Là muốn cho pháp thiện tăng trưởng, rộng tiến, đó gọi là thêm rộng.

Cho đến: Thế nào gọi là đoạn? Là xả bỏ pháp ác, sinh pháp thiện, pháp thanh bạch, hiện đời hành vui, tuệ tri kiến phân biệt, đoạn trừ các lậu, dứt hết tất cả biên vực của khổ, đó gọi là đoạn.

 

Phẩm thứ 8: PHẦN KHÔNG HỎI VỀ THẦN TÚC

Hỏi: Có bao nhiêu thần túc?

Đáp: Có bốn: (1) Dục định đoạn hành thành tựu tu thần túc. (2) Tinh tấn định đoạn hành thành tựu tu thần túc. (3) Tâm định đoạn hành thành tựu tu thần túc. (4) Tuệ định đoạn hành thành tựu tu thần túc.

Hỏi: Thế nào là dục?

Đáp: Nghĩa là dục (mong muốn) dục quý trọng, dục tạo tác, dục phát khởi, dục hiển bày, dục vượt qua, dục được, dục xúc, dục giải, dục chứng. Đó gọi là dục.

Thế nào là định?

Nếu tâm trụ, chánh trụ, đó gọi là định. Dục như thế, định

như thế, đó gọi là dục định.

Lại nữa, dục quý trọng, dục hướng tới, dục nương dựa, dục đạt đến, dục tăng thượng, lấy dục làm chủ được định, tâm trụ, chánh trụ, đó gọi là dục định.

Lại nữa, dục thiện phát khởi được định, tâm trụ, chánh trụ. Dục bất thiện phát khởi được định, tâm trụ, chánh trụ. Dục vô ký phát khởi được định, tâm trụ, chánh trụ. Đó gọi là dục định.

Lại nữa, không dục (mong muốn) hành pháp thiện, tức tự tư duy: Đây không phải là phần thiện của ta, không phải là điều tốt đẹp, không phải là sự việc thích ứng, không phải là chỗ cần hành, không phải là thời gian để ta hành trì. Vì sao ta không mong muốn hành thiện? Liền cho dục là tôn thượng để được định, tâm trụ, chánh trụ. Đó gọi là dục định.

Lại nữa, dục hành pháp thiện, tức tự tư duy: Đây là phần thiện của ta, là điều tốt đẹp, là sự việc thích ứng, là chỗ cần hành, là thời gian để ta hành trì. Ta mong muốn hành thiện, cho dục là tôn thượng để được định, tâm trụ, chánh trụ. Đó gọi là dục định.

Lại nữa, dục thiện không sinh, dục thiện không sinh rồi, dục bất thiện sinh, cùng hành với tham dục, giận dữ, ngu si, tức tự tư duy: Đây không phải là phần thiện của ta, không phải là điều tốt đẹp, không phải là sự việc thích ứng, không phải là chỗ cần hành, không phải là thời gian để ta hành trì. Vì sao ta không muốn hành thiện, lại cùng hành với tham dục, giận dữ, ngu si? Dục thiện là tôn thượng để được định, tâm trụ, chánh trụ. Đó gọi là dục định.

Lại nữa, dục bất thiện không sinh, dục bất thiện không sinh rồi, dục thiện sinh, không cùng hành với tham dục, giận dữ, ngu si, tức tự tư duy: Đây là phần thiện của ta, là điều tốt đẹp, là sự việc thích ứng, là chỗ cần hành, là thời gian để ta hành trì. Ta muốn hành thiện, không cùng hành với tham dục, giận dữ, ngu si. Nên cho dục thiện là tôn thượng để được định, tâm trụ, chánh trụ. Đó gọi là dục định.

Hỏi: Thế nào là đoạn?

Đáp: Dùng pháp thiện dẫn tâm, dẫn chánh, dẫn điều phục. Điều phục dừng dứt chính đáng. Chỉ chính đáng, không mất, không dời đổi. Đó gọi là đoạn.

Lại nữa, thân tâm phát khởi, hiện bày khắp, vượt qua, có thể nhẫn chịu, ra sức siêng năng tinh tấn không thoái chuyển. Đó gọi là đoạn.

Lại nữa, tu bốn chánh đoạn, đó gọi là đoạn.

Lại nữa, dứt bỏ pháp ác bất thiện, sinh pháp thiện, hiện đời hành vui, tuệ tri kiến phân biệt, đoạn trừ các lậu, dứt hết tất cả biên vực của khổ, đó gọi là đoạn.

Hỏi: Thế nào là đoạn hành?

Đáp: Vui mừng, tín xả niệm chánh tri, đó gọi là đoạn hành.

Lại nữa, dục định đoạn hành thành tựu tu thần túc, trừ dục, tinh tấn, tâm tuệ, còn lại là các pháp tùy thuận: Thọ, tưởng, tư, xúc, tư duy, giác quán, giải thoát, thuận tín, tâm vui mừng, tùy tín, tâm niệm không phóng dật, xả, trừ (khinh an), thân tấn và các sắc tùy thuận khác. Đó gọi là đoạn hành.

Hỏi: Thế nào là thành tựu?

Đáp: Dục định đoạn và đoạn hạnh cùng khởi chánh, cùng khởi thọ, chánh thọ, chánh sinh đầy đủ. Đó gọi là thành tựu.

Hỏi: Thế nào là tu?

Đáp: Dục định đoạn hành thành tựu thần túc này đã gần gũi, gần gũi chính đáng, dựa vào Chánh, dựa nơi Cần (siêng năng) hành trì tu học. Đó gọi là tu.

Thế nào là thần?

Như ý thông, như ý hóa, như ý tự tại, tạo ra vô số thứ biến

hóa, đó gọi là thần.

Lại nữa, như Tỳ-kheo có thần lực lớn, có thể tạo ra vô lượng biến hóa khiến đại địa chấn động. Dùng một làm nhiều, lấy nhiều làm một. Hoặc vật gần, vật xa, hoặc tường vách, núi cao, đều xuyên suốt, không hề trở ngại. Như đi trên hư không, ngồi kiết già, lao vào hư không như chim, vào ra trong đất, như nổi chìm trong nước, đi dưới nước như đi trên đất liền. Thân tuôn ra lửa khói, như đống lửa to. Hiện oai đức, dùng tay sờ chạm mặt trời, mặt trăng, cho đến cõi Phạm thiên thân đều được tự tại. Đó gọi là thần.

Hỏi: Thế nào là túc?

Đáp: Như dục định đoạn hành là túc, là mức độ, là nhân, là môn, là dụng, là đạo, là đến, là duyên, là đầu mối, là uy thế. Thần sinh, chánh sinh, khởi, chánh khởi, xuất, chánh xuất, như ý, chánh như ý. Đó gọi là túc.

Nếu Tỳ-kheo, dục định đoạn hành thành tựu tu thần túc, khiến sự mong muốn (dục) của ta không cao, không thấp, không chìm ẩn, không phân tán. Trước sau hành tướng thường. Trước như sau, sau như trước. Ngày như đêm, đêm như ngày. Tâm Tỳ-kheo kia đã khai ngộ, không bị che lấp. Tu tâm có ánh sáng, dùng thân định tâm, dùng tâm định thân. Tưởng vui thích, tưởng nhẹ nhàng khiến toàn thân hành.

Hỏi: Thế nào là dục thấp?

Đáp: Nếu dục cùng với lười biếng tương ưng, không siêng năng tinh tấn, không tự cố gắng, bỏ dở việc thiện, thoái chuyển nơi pháp. Đó gọi là dục thấp.

Hỏi: Thế nào là lười biếng?

Đáp: Là biếng trễ, lơ là đối với pháp thiện, bỏ dở, thoái chuyển.

Đó gọi là lười biếng.

Nếu dục cùng với lười biếng tương ưng, không siêng năng tinh tấn, không tự cố gắng, bỏ dở, thoái chuyển nơi pháp thiện. Đó gọi là dục thấp.

Hỏi: Thế nào là dục cao?

Đáp: Nếu dục cùng với trạo cử tương ưng, không cùng với tịch tĩnh tương ưng, tạo thành hành tạp loạn, đó gọi là dục cao.

Hỏi: Thế nào là trạo cử?

Đáp: Là tâm loạn, không tịch tĩnh, đó gọi là trạo cử.

Hỏi: Thế nào là dục chìm ẩn?

Đáp: Nếu dục cùng với thùy miên tương ưng, không cùng diệt niệm, tuệ không thành tựu, không phân biệt pháp thiện, đó gọi là dục chìm ẩn.

Hỏi: Thế nào là thùy?

Đáp: Phiền não chưa đoạn, thân không vui thích, không điều hòa, không nhẹ nhàng, không dịu dàng, không khinh an, đó gọi là thùy.

Hỏi: Thế nào là miên?

Đáp: Phiền não chưa đoạn, tâm mê muội bị che lấp, đó gọi là miên.

Nếu dục cùng với thùy miên tương ưng, không tương ưng với diệt niệm, tuệ không thành tựu, không phân biệt pháp thiện, đó gọi là dục chìm ẩn.

Hỏi: Thế nào là dục phân tán?

Đáp: Khởi dục nhiễm cùng tương ưng với dục nhiễm. Nhiều dục đều thấy tịnh, không quán lỗi lầm tai hại. Đối với năm dục ngoài tâm phân tán, chấp vướng nơi sắc, thanh, hương, vị, xúc. Đó gọi là dục phân tán.

Thế nào là dục nhiễm?

Nếu dục là dục bẩn nhớp, dục ái, dục hỷ, dục chi, dục lưới,

dục nhẫn, dục đắc, dục tập, dục trông mong, đó gọi là dục nhiễm.

Nếu dục hướng về dục nhiễm, cùng với dục nhiễm, tương ưng với dục nhiễm, nhiều dục đều thấy tịnh, không quán lỗi lầm tai hại, đối với năm dục ngoài, tâm phân tán, chấp trước nơi sắc, thanh, hương, vị, xúc, đó gọi là dục phân tán.

Hỏi: Thế nào là trước sau hành tưởng thường?

Đáp: Nếu Tỳ-kheo lại hành như sự tư duy nhập pháp thiện, nhập Niết-bàn xuất thế gian, lìa tướng dục định, nên lại hành xong, hành giữa ngày, hành giữa ngày xong, hành quá trưa, hành quá trưa xong, kinh hành trên, kinh hành trên xong, kinh hành dưới, kinh hành dưới xong, nhập thất, nhập thất xong, hành vào đầu đêm, hành vào đầu đêm xong, hành vào cuối đêm, hành vào cuối đêm xong, như sự tư duy nhập pháp thiện, nhập Niết-bàn xuất thế gian, lìa dục định tương ưng. Đó gọi là trước sau hành tưởng thường.

Hỏi: Thế nào là trước như sau, sau như trước?

Đáp: Như Tỳ-kheo, như sự nơi căn, lực, giác thiền, giải thoát định, nhập định là hành trước. Như sự nơi căn, lực, giác thiền, giải thoát định, nhập định là hành sau. Như sự nơi căn, lực, giác thiền, giải thoát định, nhập định là hành trước sau. Đã như sự nơi căn, lực, giác thiền, giải thoát định, nhập định đều là hành trước sau. Đó gọi là trước như sau, sau như trước.

Hỏi: Thế nào là ngày như đêm, đêm như ngày?

Đáp: Như Tỳ-kheo, nếu nhận lấy tưởng ánh sáng, khéo thọ nhận tưởng ban ngày. Sau đó, như ban ngày, tư duy về tưởng ánh sáng, ban đêm cũng như thế. Như ban đêm, ban ngày cũng như vậy.

Đó gọi là ngày như đêm, đêm như ngày.

Hỏi: Thế nào là tâm Tỳ-kheo kia đã khai ngộ, không bị che lấp?

Đáp: Nếu cấu uế của tham dục, giận dữ, ngu si, cấu uế của phiền não, đã tạo chướng ngại che lấp, trói buộc, thì cấu uế của hành bất thiện, là tâm bị chướng ngại, tâm không mở bày, tâm bị che ngăn, là tâm bị phủ lấp, là tâm khởi hướng đến trói buộc, bất tịnh, là tâm không trắng, không sáng rõ, gọi là tâm bị che lấp. Nếu tâm không có cấu uế của tham dục, giận dữ, ngu si, cho đến tâm sáng rõ, đó gọi là tâm Tỳ-kheo kia đã khai ngộ, không bị che lấp.

Hỏi: Thế nào là tu tâm có ánh sáng?

Đáp: Nếu Tỳ-kheo tu tâm cùng với ánh sáng của tuệ, tu tâm có ánh sáng, tu tâm cùng với tưởng ánh sáng, đó gọi là tu tâm có ánh sáng.

Hỏi: Thế nào là tu tâm cùng với ánh sáng của tuệ?

Đáp: Nếu ba tuệ chiếu sáng, nghĩa là văn, tư, tu tuệ, đó gọi là tu tâm cùng với ánh sáng của tuệ. Nếu thân cận, chánh thân cận, siêng hành tu học, đó gọi là tu tâm cùng với ánh sáng của tuệ, là tu tâm có ánh sáng.

Hỏi: Thế nào là tu tâm cùng với tưởng ánh sáng?

Đáp: Nếu Tỳ-kheo nhận lấy tướng của các thứ ánh sáng như: Ánh sáng của lửa, ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, ánh sáng của viên ngọc, ánh sáng của các vì sao. Nhận lấy tướng của các thứ ánh sáng xong, hoặc ngồi ở chỗ trống vắng, bên cội cây, tư duy về ánh sáng, nhận biết ánh sáng, hiểu rõ ánh sáng, thọ nhận ánh sáng. Như người thật, hoặc là tưởng, như nhớ nghĩ về tưởng, nhận biết về tưởng, đó gọi là tâm của tưởng ánh sáng. Nếu cùng với tưởng sinh, cùng trụ, cùng diệt, đó gọi là tâm cùng với tưởng ánh sáng. Nếu thân cận, chánh thân cận, siêng năng tu học, đó gọi là tu tâm cùng với tưởng ánh sáng, tu tâm có ánh sáng.

Lại nữa, Tỳ-kheo hoặc ở bên cội cây, hoặc ở nơi chốn đất trống vắng, dùng tâm thanh tịnh lãnh hội khắp về hành nơi tâm có ánh sáng thù thắng. Như người thật, hoặc là tưởng, như nhớ nghĩ về tưởng, nhận biết về tưởng, đó gọi là tâm của tưởng ánh sáng. Nếu cùng với tưởng sinh, cùng trụ, cùng diệt, đó gọi là tâm cùng với tưởng ánh sáng. Nếu thân cận, chánh thân cận, siêng hành tu học, đó gọi là tu tâm cùng với tưởng ánh sáng, tu tâm có ánh sáng.

Lại nữa, Tỳ-kheo nếu ngồi bên một cội cây, hoặc hai, hoặc ba, hoặc cho đến mười cội cây, dùng tâm thanh tịnh lãnh hội khắp về hành nơi tâm có ánh sáng thù thắng. Như thế gọi là tu tâm cùng với tưởng ánh sáng, tu tâm có ánh sáng.

Lại nữa, Tỳ-kheo nếu ở nơi một khu vườn, dùng tâm thanh tịnh lãnh hội khắp về hành. Như thế gọi là tu tâm cùng với tưởng ánh sáng, tu tâm có ánh sáng.

Lại nữa, Tỳ-kheo ở nơi một khu vườn, hoặc hai, hoặc ba, cho đến mười khu vườn, dùng tâm thanh tịnh lãnh hội khắp về hành. Như thế gọi là tu tâm cùng với tưởng ánh sáng, tu tâm có ánh sáng.

Lại nữa, Tỳ-kheo phần nhiều một thôn xóm, hoặc hai, hoặc ba, cho đến mười thôn xóm, dùng tâm thanh tịnh lãnh hội khắp về hành. Như thế gọi là tu tâm cùng với tưởng ánh sáng, tu tâm có ánh sáng.

Lại nữa, Tỳ-kheo, cho đến ở nơi chốn nước, đất liền bao quanh, dùng tâm thanh tịnh lãnh hội khắp về hành. Như thế gọi là tu tâm cùng với tưởng ánh sáng, tu tâm có ánh sáng.

Hỏi: Thế nào là dùng thân định tâm, dùng tâm định thân?

Đáp: Nếu Tỳ-kheo dùng tâm khiến trên thân trở nên chính đáng, đều là ở trên, đều là chính đáng. Như người cầm bát khất thực, dùng giỏ lưới khiến bát đựng đầy, đựng đầy chính đáng, đều đầy, đều chính đáng. Như thế, Tỳ-kheo dùng tâm khiến trên thân trở nên chính đáng, đều là ở trên, đều là chính đáng, đưa lên trên, đưa lên thích đáng.

Hỏi: Thế nào là Tỳ-kheo dùng thân định tâm?

Đáp: Nếu Tỳ-kheo tư duy về thân vô thường, nhận biết vô thường, hiểu rõ vô thường, thọ nhận vô thường. Như thế là quán không phóng dật, tức đạt được tâm định trụ, chánh trụ, được thân vui, thân điều hòa, thân nhẹ nhàng, thân dịu dàng, thân khinh an. Đó gọi là dùng thân định tâm.

Lại nữa, Tỳ-kheo quán về thân khổ não, là ung nhọt, là mũi tên độc, là vị bệnh, là duyên dựa, là pháp tan hoại bất định, không đầy đủ, có thể mất hết, là khổ, không, vô ngã. Tư duy về duyên, nhận biết duyên, hiểu rõ duyên, thọ nhận duyên. Tức vô minh duyên hành, cho đến danh sắc duyên sáu nhập. Như thế là quán không phóng dật, tức đạt được tâm định trụ, chánh trụ, được thân vui, thân điều hòa, thân nhẹ nhàng, thân dịu dàng, thân khinh an. Đó gọi là dùng thân định tâm.

Lại nữa, Tỳ-kheo tư duy về thân diệt, nhận biết diệt, hiểu rõ diệt, thọ nhận diệt. Tức vô minh diệt thì hành diệt, cho đến danh sắc diệt thì sáu nhập diệt. Như thế là quán không phóng dật, tức đạt được tâm định trụ, chánh trụ, được thân vui, thân điều hòa, thân nhẹ nhàng, thân dịu dàng, thân khinh an. Đó gọi là dùng thân định tâm.

Lại nữa, Tỳ-kheo hành nhận biết là hành vui, trụ nhận biết là trụ vui, an tọa nhận biết là an tọa vui, nhận lấy nhận biết là nhận lấy vui. Như thế, thân trụ vui nhận biết như thật là thân trụ vui. Như thế là quán không phóng dật, tức đạt được tâm định trụ, chánh trụ, được thân vui, thân điều hòa, thân nhẹ nhàng, thân dịu dàng, thân khinh an. Đó gọi là dùng thân định tâm.

Lại nữa, Tỳ-kheo nếu thấy tử thi bị thiêu đốt ở trên đống lửa, tóc, lông, da, máu thịt v.v… đều dần dần tiêu tan. Quán pháp này không đến các chốn đông, tây, nam, bắc, bốn hướng trên dưới, không đến nơi xứ khác dừng trụ. Pháp này vốn không có mà sinh, đã có thì trở lại diệt. Quán thân, quán pháp không phóng dật như thế, tức được tâm định trụ, chánh trụ, được thân vui, thân điều hòa, thân nhẹ nhàng, thân dịu dàng, thân khinh an. Đó gọi là dùng thân định tâm.

Hỏi: Thế nào là Tỳ-kheo dùng tâm định thân?

Đáp: Như Tỳ-kheo tư duy về tâm vô thường, nhận biết tâm vô thường, hiểu rõ tâm vô thường, thọ nhận tâm vô thường. Như thế là quán không phóng dật thế, tức được tâm định trụ, chánh trụ, được tâm vui, tâm điều hòa, tâm nhẹ nhàng, tâm dịu dàng, tâm khinh an. Đó gọi là dùng tâm định thân.

Lại nữa, Tỳ-kheo quán tâm khổ não như ung nhọt, như mũi tên độc, là vị bệnh, là duyên dựa, là pháp tan hoại, không định, không đầy đủ, có thể mất hết, là khổ, không, vô ngã. Tư duy về duyên, nhận biết duyên, hiểu rõ duyên, thọ nhận duyên. Tức vô minh duyên hành, hành duyên thức. Như thế là quán không phóng dật, tức được tâm định trụ, chánh trụ, được tâm vui, tâm điều hòa, tâm nhẹ nhàng, tâm dịu dàng, tâm khinh an. Đó gọi là dùng tâm định thân.

Lại nữa, Tỳ-kheo tư duy về tâm diệt, nhận biết diệt, hiểu rõ diệt, thọ nhận diệt. Tức vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt. Như thế là quán không phóng dật, tức được tâm định trụ, chánh trụ, được tâm vui, tâm điều hòa, tâm nhẹ nhàng, tâm dịu dàng, tâm khinh an. Đó gọi là dùng tâm định thân.

Lại nữa, Tỳ-kheo, tâm có dục nhận biết như thật là tâm có dục, tâm không có tâm nhận biết như thật là tâm không có dục. Cho đến tâm có vượt hơn, tâm không có vượt hơn đều nhận biết như thật. Như thế là quán không phóng dật, tức được tâm định trụ, chánh trụ, được tâm vui, tâm điều hòa, tâm nhẹ nhàng, tâm dịu dàng, tâm khinh an.

Đó gọi là dùng tâm định thân.

Hỏi: Thế nào là tưởng vui, tưởng nhớ nghĩ về hành của thân trên? Thế nào là tưởng vui?

Nếu Tỳ-kheo đã lìa pháp dục ác bất thiện, có giác có quán, được ly sinh hỷ lạc, thành tựu hành của thiền thứ nhất. Nếu thân đạt ly sinh hỷ lạc, thấm nhuần đầy khắp, thân này đều là ly sinh hỷ lạc, thấm nhuần đầy khắp, không có giảm thiểu. Như thầy khéo tắm gội, cùng đệ tử của thầy khéo tắm gội, dùng táo đậu mịn để tắm gội kỹ lưỡng, đựng trong chậu, dùng nước rưới xong, khuấy cho đều, khiến sự thấm nhuần này đầy khắp, không khô, không ướt, trong ngoài nhuận hòa. Như thế, Tỳ-kheo thân được ly sinh hỷ lạc, thấm nhuần đầy khắp. Thân đều là ly sinh hỷ lạc, thấm nhuần đầy khắp, không có giảm thiểu. Như nơi người thật, hoặc là tưởng, nhớ nghĩ tưởng, nhận biết tưởng, đó gọi là tưởng vui. Tưởng này thân thọ vi tế, thọ vi tế thích đáng, duyên nơi thọ vi tế, do thân gì để thọ? Là dùng ý thân để thọ. Đó gọi là tưởng vui nơi hành thân trên.

Lại nữa, Tỳ-kheo diệt giác quán, nội tịnh tín tâm, không giác không quán, được định sinh hỷ lạc, thành tựu hành của thiền thứ hai. Nếu thân này được định sinh hỷ lạc, thấm nhuần đầy khắp, thân đều là định sinh hỷ lạc, thấm nhuần đầy khắp, không có giảm thiểu. Như hồ chứa nước lớn do núi bao quanh, nước từ đáy hồ tuôn ra, nước không đến từ các hướng đông, tây, nam, bắc. Nước trong hồ tự động từ đáy tuôn ra, nước chứa trong hồ thấm nhuần đầy khắp, không có giảm thiểu. Như thế, Tỳ-kheo, thân này được định sinh hỷ lạc, thấm nhuần đầy khắp. Thân này đều là định sinh hỷ lạc, thấm nhuần đầy khắp, không có giảm thiểu. Như nơi người thật, hoặc là tưởng, nhớ nghĩ về tưởng, đó gọi là tưởng vui. Tưởng này thân thọ vi tế, thọ vi tế thích đáng, duyên nơi thọ vi tế, do thân gì để thọ? Là dùng ý thân để thọ. Đó gọi là tưởng vui nơi hành thân trên.

Lại nữa, Tỳ-kheo lìa hỷ lạc, xả, hành niệm chánh trí, thân thọ nhận vui, như các Thánh nhân đã hành giải xả niệm lạc, thành tựu hành của thiền thứ ba. Nếu thân này không có hỷ lạc thấm nhuần đầy khắp. Thân này không có hỷ lạc đều thấm nhuần đầy khắp, không có giảm thiểu. Như nơi ao hoa Ưu-bát-la, hoa Ba-đầu-ma, hoa Câumâu-đầu, hoa Phân-đà-lợi. Các thứ hoa ấy từ nơi đáy bùn của ao vươn lên chưa qua khỏi mặt nước. Các hoa này từ gốc đến ngọn đều ngập trong nước thấm nhuần đầy khắp. Từ gốc đến ngọn, từ ngọn đến gốc cũng thế, đều thấm nhuần đầy khắp, không có giảm thiểu. Như vậy, Tỳ-kheo hoặc thân này không có hỷ lạc, thấm nhuần đầy khắp. Thân này đều thấm nhuần đầy khắp, không có giảm thiểu. Như nơi người thật hoặc là tưởng, nhớ nghĩ về tưởng, nhận biết tưởng, đó gọi là tưởng vui. Tưởng này thân thọ vi tế, thọ vi tế thích đáng, duyên nơi thọ vi tế, do thân gì để thọ? Là dùng ý thân để thọ. Đó gọi là tưởng vui nơi hành thân trên.

Lại nữa, Tỳ-kheo đoạn khổ lạc, trước diệt ưu, hỷ, được xả niệm tịnh, bất khổ bất lạc, thành tựu hành của thiền thứ tư. Nếu thân này do tâm thanh tịnh lãnh hội khắp về hành. Thân này thanh tịnh không xứ nào là không hiện có khắp. Ví như người nam người nữ mặc y phục trắng sạch, trên dưới đầy đủ. Từ đầu đến chân, từ chân đến đầu, thảy đều phủ kín. Như thế Tỳ-kheo nếu thân này do tâm thanh tịnh lãnh hội khắp về hành. Thân này thanh tịnh không nơi nào là không hiện có khắp. Như nơi người thật, hoặc là tưởng, nhớ nghĩ về tưởng, nhận biết tưởng, đó gọi là tưởng vui. Tưởng này thân thọ vi tế, thọ vi tế thích đáng, duyên nơi thọ vi tế, do thân gì để thọ? Là dùng ý thân để thọ. Đó gọi là tưởng vui nơi hành thân trên.

Hỏi: Thế nào là tưởng nhẹ nhàng?

Đáp: Nếu Tỳ-kheo tư duy về thân nhẹ nhàng, nhận biết nhẹ, hiểu rõ nhẹ, thọ nhận nhẹ. Nhẹ như Đâu-la-miên, nhẹ như kiếp bát, rải khắp trên đất bằng, gió nhẹ thổi đến liền có thể rời khỏi mặt đất. Như thế Tỳ-kheo tư duy về thân nhẹ nhàng, nhận biết nhẹ, hiểu rõ nhẹ, thọ nhận nhẹ. Như vậy là quán không phóng dật, tức được tâm định trụ, chánh trụ. Được định xong, rời khỏi mặt đất bốn tấc, đi lên trên. Như nơi người thật, hoặc là tưởng, nhớ nghĩ về tưởng, nhận biết tưởng, đó gọi là tưởng nhẹ nhàng. Tưởng này thân thọ vi tế, thọ vi tế thích đáng, duyên nơi thọ vi tế, do thân gì để thọ? Là dùng ý thân để thọ. Đó gọi là tưởng nhẹ nhàng nơi hành thân trên.

Nếu Tỳ-kheo thân cận định này, tu học nhiều, thì hoặc lìa mặt đất một thước đi lên trên, hoặc hai thước đi lên. Như nơi người thật, hoặc là tưởng, nhớ nghĩ về tưởng, nhận biết tưởng, đó gọi là tưởng nhẹ nhàng. Tưởng này thân thọ vi tế, thọ vi tế thích đáng, duyên nơi thọ vi tế, do thân gì để thọ? Là dùng ý thân để thọ. Đó gọi là tưởng nhẹ nhàng nơi hành thân trên.

Nếu Tỳ-kheo thân cận định này, tu học nhiều, có thể lìa khỏi mặt đất nửa thân người để đi lên. Hoặc lìa mắt đất khoảng một, hai thân người, cho đến bảy thân người để đi lên. Như nơi người thật, hoặc là tưởng, nhớ nghĩ về tưởng, nhận biết tưởng, đó gọi là tưởng nhẹ nhàng. Tưởng này thân thọ vi tế, thọ vi tế thích đáng, duyên nơi thọ vi tế, do thân gì để thọ? Là dùng ý thân để thọ. Đó gọi là tưởng nhẹ nhàng nơi hành thân trên.

Nếu Tỳ-kheo thân cận định này, tu học nhiều, tức có thể rời khỏi mặt đất một nửa cây Đa la để đi lên. Hoặc lìa khỏi mặt đất khoảng một cây Đa la cho đến bảy cây Đa la để đi lên. Như nơi người thật, hoặc là tưởng, nhớ nghĩ về tưởng, nhận biết tưởng, đó gọi là tưởng nhẹ nhàng. Tưởng này thân thọ vi tế, thọ vi tế thích đáng, duyên nơi thọ vi tế, do thân gì để thọ? Là dùng ý thân để thọ. Đó gọi là tưởng nhẹ nhàng nơi hành thân trên.

Nếu Tỳ-kheo thân cận định này, tu học nhiều, như ý đã mong muốn, có thể rời khỏi mặt đất đi lên trên, không có hạn lượng, xa gần đều có thể đi đến. Như nơi người thật, hoặc là tưởng, nhớ nghĩ về tưởng, nhận biết tưởng, đó gọi là tưởng nhẹ nhàng. Tưởng này thân thọ vi tế, thọ vi tế thích đáng, duyên nơi thọ vi tế, do thân nào để thọ? Là dùng ý thân để thọ. Đó gọi là tưởng nhẹ nhàng nơi hành thân trên.

Nếu Tỳ-kheo đối với tưởng vui, tưởng nhẹ nhàng kia thân cận, chánh thân cận, tu học nhiều, muốn khiến tâm ta được điều phục, tĩnh lặng. Do lực tư tại, như ý mình đã mong muốn, tức có thể thành tựu vô số thứ thần túc. Nếu Tỳ-kheo kia đối với tưởng vui, tưởng nhẹ nhàng luôn thân cận, chánh thân cận, tu học nhiều xong, tâm được điều phục, tĩnh lặng, do lực tự tại, như ý mình đã mong muốn, có thể thành tựu vô số thứ thần túc. Thọ nhận vô số vô lượng thần túc kia, tức có thể khiến đại địa chấn động, dùng một làm nhiều, dùng nhiều làm một, hoặc gần, hoặc xa, tường vách cao dày đều xuyên qua không hề bị ngăn ngại. Như đi nơi hư không, ngồi kiết già, du hành trên không như chim bay, hiện ta ẩn mất ở đất cũng như ra vào trong nước, đi dưới nước như trên đất liền. Thân phát ra khói, lửa, như khối lửa lớn. Có đại oai đức, tay có thể sờ chạm mặt trời, mặt trăng, cho đến cõi Phạm thiên thân đều được tự tại, như phẩm Định đã nói rộng. Đó gọi là dục định đoạn hành thành tựu tu thần túc. Tinh tấn định, Tâm định, Tuệ định đoạn hành thành tựu tu thần túc cũng nói rộng như thế.

HẾT – QUYỂN 13