LUẬN VÔ TƯỚNG TƯ TRẦN

SỐ 1619

Tác giả: Bồ-tát Trần-na
Hán dịch: Tam Tạng Pháp sư Chân Đế Đời Trần
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Nếu nói lân hư trần
Đó là nhân căn bản
Vì không tương tự khởi
Chẳng phải cảnh như căn.
Thức tự nhóm mà khởi
Không từ nhóm kia sinh
Vì nhóm không tự thể
Ví như hai mặt trăng.
Vì do hai nghĩa nầy
Ngoại vật chẳng phải trần
Có nói lân hư trần
Nhóm lại thành muôn vật.
Thức tựa trần kia khởi
Cho nên lập làm trần
Thể tướng của lân hư
Hoặc nó là thật có.
Vì thức không tương tự
Chẳng phải cảnh như trần
Lân hư nếu là trần
Thì thức không riêng khác.
Nếu nói tướng khác nhau
Thì thức cũng bất đồng
Tướng khác là do giả
Cho nên thể chẳng chân.
Thể lượng của lân hư
Nhiều xứ không sai khác
Nếu trừ lân hư ra
Thì muôn thức chẳng khởi.
Cho nên tất cả vật
Đều chỉ là giả danh
Đối với tướng nội trần
Như ngoại trần hiển hiện.
Thành lập làm thức trần
Vì thức tương tự hiện
Đó là thức duyên duyên
Tùy theo sinh quyết định.
Cùng lập chung công năng
Khiến cho khởi thứ lớp
Hai căn cùng sinh chung
Lấy thắng năng làm căn.
Đối với thức vô ngại
Mà làm nhân lẫn nhau
Thắng năng làm trần cảnh
Vô thỉ sinh lẫn nhau.

Nếu có người chấp sáu thức như nhãn thứ duyên theo cảnh bên ngoài mà khởi, thì người đó hoặc phân biệt lân hư làm cảnh, vì là nhân của thức; hoặc phân biệt lân nhóm hư làm cảnh, vì giống như nhóm thức khởi. Trần là tướng gì? Nếu thức có thể phân biệt rõ thể tướng của nó, như thể tướng của nó mà thức khởi, nên nói thức nầy gọi là trần, lân hư chẳng có việc ấy.

Nếu lân hư thật là nhân của thức, ví như năm căn, nên lân hư chẳng phải trần. Nếu như thế thì nhóm lân hư phải là cảnh, vì như nhóm hức khởi. Tuy là như vậy, như tướng của nó khởi, thì thức không từ đây sinh, do đó nhóm cũng chẳng phải trần. Vì sao? Nếu trần có thể sinh thức, thì tương tự thể tướng của nó có thể tin là trần. Vì sao? Vì có thể nói Trần-nầy là duyên sinh của thức. Nhóm thì không như vậy, vì chẳng thật có, ví như hai mặt trăng do loạn thức của nhãn căn tương tự nơi hai mặt trăng mà khởi, hai mặt trăng không phải cảnh giới của thức, thật ra không có. Nhóm cũng như vậy, vì lìa lân hư thì không có thật thể. Nhóm chẳng phải cảnh giới của thức, nên ngoại trần do hai nghĩa nầy mà không phải là cảnh giới của thức, vì mỗi mỗi phần không đủ. Có các sư nói: “Lân hư đó nhóm lại thành muôn vật, có đủ các thứ tướng, lập các tướng nầy làm cảnh giới. Vì sao? Có tướng riêng có thể sinh chứng trí, không chỉ có lân hư và nhóm lân hư làm sáu thức, làm cảnh. Tướng của lân hư, chẳng phải trần, ví như kiên (cứng)… trong lân hư có cứng, ướt, nóng, động, xúc, vật nầy thật có, chẳng phải cảnh giới của nhãn thức, nhãn thức không giống như chính nó khởi, trong lân hư, muôn vật cũng như thế. Vì sao? Lân hư, trong muôn vật nếu sinh thức, thì thức đó là không sai khác, vì trong muôn vật, lân hư chẳng khác nhau. Nếu ông nói do tướng sai khác mà sinh thức khác với các vật như bình chậu… tướng mạo không đồng, duyên theo tướng nầy nên khởi có khác, nghĩa đó không đúng. Vì sao? Như sự sai khác của tướng mạo ấy, trong vật giả danh như bình chậu… không có vật nào chẳng ở trong thật vật của lân hư, vì thể lượng chẳng khác nhau. Thể lượng của lân hư trong muôn vật, cái gọi là tròn nhỏ không có sai khác, do đó tướng mạo của muôn vật chẳng phải là thật có, là giả danh mà có. Tướng giả danh đó, là các vật như bình, chậu… nếu trừ lân hư ra, thì thức tương tự bình chậu không sinh.

Vật thật, nếu phân biệt pháp tương ưng tương tự với vật thật thì thức không sinh, nếu khi chưa phân tích thì năm trần thức trong bình chậu… sinh khởi, vì phân tích rốt ráo năm trần thức cũng không diệt. Năm trần… là thật có, do lân hư và nhóm, muôn vật không thể sinh thức, cho nên ngoài trần ra thì không phải là cảnh giới của thức. Nếu như thế thì vì sao pháp gọi là trần? Đối với trần tướng bên trong cũng như hiển hiện bên ngoài, gọi là thức trần. Trần bên ngoài thật ra là vô sở hữu, vì trong nội thức, chúng sinh loạn tâm phân biệt, khởi sáu trần phân biệt. Phân biệt nầy như bên ngoài, như vậy mà hiển hiện, là danh thức duyên duyên trong bốn duyên, vì là thể tướng của thức cho nên do thức nầy sinh. Vì sao? Là thức làm nội tướng trần, từ nội trần mà sinh, vì đủ hai pháp, nên nội trần gọi là cảnh giới.

Hỏi: Như trần khởi thức thì có thể cũng vậy, nội trần là một phần của thức sanh khởi cùng lúc, vì sao lại làm duyên duyên?

Đáp: Lập duyên duyên, là thức duyên sinh nầy không có hai. Duyên, hoặc khởi cùng lúc có thể thành các pháp khác từ tha mà sinh, vì nhất định đuổi theo sinh và bất sinh.

Hỏi: Nếu tướng sở duyên và năng duyên của thứ lớp sinh thì thế nào?

Đáp: Nếu nhân trước quả sau, thì quả tùy nhân, nhân không tùy quả. Nếu nhân có, thì quả sẽ có. Nếu nhân không, thì quả sẽ không.

Quả tùy theo nhân mà có hoặc không, gọi là tướng nhân quả. Lại nữa, vì an trí công năng theo thứ lớp, nên lập sở duyên và năng duyên, là tự trần thức thứ tự khởi làm sinh. Tợ quả khởi công năng sinh thức nối tiếp.

Hỏi: Nếu nội trần là thức, thì duyên duyên là duyên sinh, kinh làm sao giải thích. Kinh chép: “Y theo căn duyên sắc mà nhãn thức được sinh”, nói rộng như trong kinh?

Đáp: Công năng của thể tướng có thể cùng chung tạo quả, gọi là căn.

Hỏi: Căn đó, thể dụng như thế nào?

Đáp: Công năng cao.

Hỏi: Thể nầy nhân theo pháp nào có thể so sánh mà biết?

Đáp: Là hữu do sinh tự quả, là công năng cao siêu của nó có thể được phân biệt rõ ràng, chẳng phải có bốn đại, công năng nầy trong thức không có chướng ngại, công năng ấy trong thức lìa thức, thể của nó không thể hiển bày. Như căn mà tôi lập cùng với căn mà ông lập, đồng công năng làm thể. Điều nầy đâu có khác gì! Như công năng nầy và tướng tự trần làm nhân lẫn nhau, như công năng nầy và tướng tự trần sinh từ vô thỉ đến nay đều như vậy. Y theo công năng mà nói thì gọi là căn duyên. Tướng nội trần gọi là cảnh, là loạn thức không thể nói là tướng của nó.

Được sinh pháp nầy thì lại làm nhân lẫn nhau cũng không có thỉ. Vì sao? Hoặc là công năng thành thục cho nên khởi thức tự trần, hoặc thức tự trần nên công năng được thành. Thức, hoặc khác với hai, hoặc không khác với hai, hoặc không thể nói. Nội trần như vậy có đủ hai pháp, nên có thể làm cảnh của thức.