LUẬN THẬP TRỤ TỲ BÀ SA
Tác giả: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Đời Hậu Tần, Tam Tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 3

Phẩm 5: THÍCH NGUYỆN, phần 2

* Lại nữa:

Nguyện làm tịnh cõi Phật

Diệt trừ các tạp ác.

Sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói hai lưỡi, nói lời ác, nói lời thêu dệt, tham lam, giận dữ, sống tà vạy, uống rượu v.v…, có những việc xấu ác như thế gọi là bất tịnh.

Lại nữa, trong cõi nước có các đường ác như địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh v.v…, gọi là bất tịnh.

Lại nữa, chúng sinh luôn bị che phủ, vây bọc do các thứ xấu ác không có lòng tin, biếng nhác, tâm loạn động, ngu si, dua nịnh, ganh ghét, bỏn sẻn, giận dữ, đi theo tà kiến, mạn, kiêu mạn, đại mạn, ngã mạn, tà mạn, tạo hình dạng khác lạ, tự làm quen, xúi giục, hạ thấp, đề cao, nhân lợi cầu lợi, chuộng vui thế tục, phóng dật, tự buông thả, nhiều dục ác, tham dâm tà vạy, không biết đến cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn, không nhẫn nhục, phá oai nghi, nêu vấn nạn sai lạc, giác quán lầm lẫn, tham dục, sân hận, ham ngủ nghỉ, đùa cợt, nghi ngờ, hối tiếc v.v…, gọi là bất tịnh.

Lại nữa, còn có nhiều thứ chim thú dữ, nhiều giặc cướp, thù oán, không có nước uống, đói khát, bệnh dịch, khiến người sợ, cả đến hàng phi nhân cũng sợ. Bên trong thì phản nghịch, bên ngoài thì giặc giã, hoặc mưa nhiều, hoặc hạn hán, những thứ khổ não ấy là những báo hiệu suy hoại về một tiểu kiếp tận diệt. Đó gọi là bất tịnh.

Lại nữa, chúng sinh thọ mạng ngắn ngủi, hình sắc xấu ác, thiếu sức mạnh, nhiều lo buồn, thiếu can đảm, tài năng, lắm bệnh tật, oai lực kém, quyến thuộc ít ỏi, quyến thuộc xấu xa, dễ đổ vỡ, nhà ở chật chội, cuộc sống khó khăn, xuất gia không đúng pháp, gọi là bất tịnh.

Lại nữa, là những Tăng-khư-du-già, Ưu-lâu-ca vương, Na-bala-tha, Tỳ-khư-na, Bình-sa vương, Tiên nhân Na-cát-lược, Tiên nhân voi, người đoạn dâm, đệ tử hành trên cao, kẻ chăn dê, người có tâm lớn, người nhẫn nhục, Kiều-đàm-ma, Cưu-lan-đà, người sinh sống, kẻ độ người, kẻ lội qua nước, Bà-la-sa-già-na, Phả-la-đọa-xà, người mặc y, người không có y, người mặc y rách nát, người mặc áo da, người mặc áo bằng cỏ, người mặc y dưới, người mặc áo kết bằng lông chim Giác điệc, người mặc áo bằng vỏ cây, người tắm giặt ngày ba lần, người tùy thuận, người thờ Phạm vương, người thờ Cứu-mala, người thờ Tỳ-xá-xà, người thờ Kim-sí-điểu, người thờ Càn-thátbà, người thờ Diêm-la vương, người thờ Tỳ-sa-môn vương, người thờ thần Mật Tích, người thờ thần Phù-đà, người thờ rồng, Sa-môn lõa hình, Sa-môn áo trắng, Sa-môn áo nhuộm, Sa-môn Mạt-ca-lê, người Tỳ-la-sí-tử, người Ca-chiên-diên Ni-kiền-tử, người Tát-kỳgià-tử, người giữ giới bò, người giữ giới nai, người giữ giới chó, người giữ giới ngựa, người giữ giới voi, người giữ giới ăn xin, người giữ giới Cứu-ma-la, người giữ giới chư Thiên, người giữ giới ở trên, người giữ giới dâm dục, người giữ giới tịnh khiết, người giữ giới lửa.

Có người nói sắc diệt là Niết-bàn, người nói thanh diệt là Niếtbàn, người nói hương diệt là Niết-bàn, người nói vị diệt là Niết-bàn, người nói xúc diệt là Niết-bàn, người nói giác quán diệt là Niết-bàn, người nói hỷ diệt là Niết-bàn, người nói khổ, vui diệt là Niết-bàn, người quấn áo ướt làm vòng hoa, người dùng nước sạch, người ăn sạch, người sống sạch, người cầm chày giã, người đập đá, người vui mừng khi tắm, người lặn hụp dưới sông, người ở nơi đất trống, người nằm trên gai nhọn, người có tánh thế gian, người to lớn, người chấp ngã, người ưa sắc, người ưa âm thanh, người ưa mùi thơm, người ưa đồ ngon, người ưa đụng chạm, người biết về đất, người biết về nước, người biết về lửa, người biết về gió, người biết về hư không, người biết về hòa hợp, người biết về biến đổi, người biết về mắt, người biết về tai, người biết về mũi, người biết về lưỡi, người biết về thân, người biết về ý, người biết về thần túc.

Vô số tà kiến, tà hành của hàng xuất gia, tại gia như thế gọi là bất tịnh.

Lại nữa, mặt đất chỗ cao, chỗ thấp, hầm hố, gò nổng, rừng rậm, lùm cây, gai gốc đủ loại, gây nhiều trở ngại. Bụi bặm, sỏi cát uế tạp, bùn lầy nhơ nhớp, nước lụt đọng từng vũng lớn nhỏ. Núi cao hiểm trở, đèo dốc quanh co, trở ngại, rừng rú trùng điệp, ngăn cách, sừng sững khó vượt. Các mỏ muối đều bị cháy khô chỉ còn lại sỏi đá. Trái cây kém màu sắc, hương, vị. Các loại cỏ thuốc không tốt. Uy lực suy yếu do thiếu ăn uống, không còn các vẻ đẹp của sắc, thanh, hương, vị, xúc, không còn cảnh đẹp của vườn hoa, lầu gác, suối chảy, ao tắm, núi nhỏ, mô đất cao v.v… Những nơi lên núi trông xa vui thú đều điêu tàn. Quận, huyện, xóm làng không còn kề nhau. Nhiều đất, gò bỏ hoang, dân cư thưa thớt, hầu hết đều nghèo khổ, bần cùng, thấp kém. Ở kinh thành thì tể tướng, đại quan, người cao sang, khách buôn, thợ lành nghề, người học hỏi, hết thảy đều giảm thiếu. Những vật cần dùng cho thân như y phục, tọa cụ, thuốc men đều khó kiếm, dù có được cũng không phải là thứ tốt, tất cả đó là bất tịnh.

Nói tóm lược thì bất tịnh có 2 thứ:

  1. Do nhân duyên của chúng sinh.
  2. Do nhân duyên của hành nghiệp.

Do nhân duyên của chúng sinh: Là chúng sinh có nhiều lỗi lầm xấu ác.

Do nhân duyên của hành nghiệp: Là các việc đã làm đều gây nhiều tội ác.

Hai sự việc này như đã nói ở trên. Nếu chuyển đổi hai sự việc này tức có công đức của chúng sinh và công đức của hành nghiệp. Hai thứ công đức ấy gọi là Tịnh độ (Cõi thanh tịnh).

Nên biết, cõi nước thanh tịnh này tùy theo nhân duyên nơi bản nguyện của các Bồ-tát, do các Bồ-tát có thể hành trì vô số tinh tấn lớn. Bồ-tát ước nguyện vô lượng thứ, không thể nói hết, thế nên nay chỉ nói tóm lược, nhằm mở bày chỉ rõ về những đầu mối của sự việc. Còn những việc khác, nên biết như thế.

Nói tóm lược về tướng của Tịnh độ: Đó là Bồ-tát khéo chứng đắc quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, oai lực công đức của Phật, pháp đầy đủ, Thanh văn đầy đủ, cây Bồ-đề đầy đủ, thế giới trang nghiêm, chúng sinh thiện lợi. Người có thể hóa độ là nhiều đại chúng được tập hợp đầy đủ, Phật lực đầy đủ.

Người khéo chứng quả Bồ-đề dùng 10 việc để trang nghiêm:

  1. Lìa các khổ hạnh.
  2. Không có tâm chán nản, thấp kém.
  3. Mau chóng chứng đắc.
  4. Không cầu học thầy ngoại đạo.
  5. Đầy đủ các Bồ-tát.
  6. Không có ma oán.
  7. Không còn những trở ngại.
  8. Chư Thiên tạo hội lớn.
  9. Đầy đủ sự việc hy hữu.
  10. Thời gian đầy đủ.

Lìa các khổ hạnh: Nếu vì đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng mà xuất gia, thì Bồ-tát không hành các thứ khổ hạnh, như bốn ngày, sáu ngày, tám ngày, hay nửa tháng, cho đến một tháng, chỉ ăn một hạt mè, hạt gạo, một trái cây, hoặc chỉ uống nước hay chỉ nuốt không khí. Không cầu đạo theo những thứ khổ hạnh đó, chỉ an tọa nơi đạo tràng thành tựu đạo quả.

Không có tâm chán nản, thấp kém: Nếu Bồ-tát chỉ có được chút ít tâm chán lìa, liền xuất gia.

Mau chóng chứng đắc: Là Bồ-tát đã xuất gia rồi, tức sẽ chứng đắc đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng.

Không cầu học thầy ngoại đạo: Là khi Bồ-tát xuất gia rồi, thì không tìm học với các thầy ngoại đạo, dù đó là các Đại sư có danh tiếng v.v… Cũng không tìm đến để thưa hỏi như: Các ông giảng nói pháp gì? Bàn luận việc gì? Dùng những gì để tạo lợi ích? Cũng không nên cầu tìm khắp bốn phương.

Đầy đủ các Bồ-tát: Là khi Bồ-tát sắp thành Phật đạo, thì các Bồ-tát trong Tam thiên đại thiên thế giới và chư vị Bồ-tát của những phương khác, đều mang các vật dụng cúng dường đến vây quanh, đợi khi thành Phật đạo, phóng ánh sáng lớn, tức đồng cúng dường. Lúc ấy, tất cả đều lắng nghe pháp Phật, đều chứng bất thoái chuyển, đều đạt quả Nhất sinh bổ xứ.

Không có ma oán: Là nếu Bồ-tát khi sắp thành Phật không có quân ma có thể đến quấy phá.

Không còn những trở ngại: Là Bồ-tát khi sắp thành Phật, cho đến không có mảy may phiền não nhập nơi tâm Ngài.

Chư Thiên tạo hội lớn: Là khi Bồ-tát sắp thành Phật, thì chư Thiên của các trời Tứ Thiên vương, trời Đao-lợi, trời Dạ-ma, trời Đâu-suất-đà, trời Hóa-lạc, trời Tha-hóa-tự-tại, Phạm thiên cho đến trời A-ca-nị-trá, cùng hết thảy chư thần như rồng, thần Dạ-xoa, Cànthát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già v.v… trong vô lượng thế giới nơi mười phương đều đem những vật cúng dường thượng diệu bậc nhất để cúng dường Bồ-tát, nên gọi là chư Thiên tạo hội lớn. Lại, người Thanh văn nói: Chư Thiên trong mười thế giới đều vân tập đông đủ, gọi là chư Thiên tạo hội lớn.

Đầy đủ sự việc hy hữu: Là khi Bồ-tát thành Phật thì có các sự việc hy hữu như: Đại địa chấn động đủ sáu cách. Vô lượng Tam thiên đại thiên thế giới trong mười phương, màu sắc, ánh sáng nơi các cung điện của Ma vương đều ẩn mất, không còn hiện bày. Vô lượng núi Tu-di thảy đều lay động, vô lượng biển lớn thảy đều trào dâng, cuộn sóng, tất cả thế giới các loài hoa đồng loạt nở trái mùa. Tuôn mưa bột hương Chiên-đàn cùng các thứ hoa nổi tiếng của chư Thiên.

Thời gian đầy đủ: Tức bấy giờ trong dân chúng không còn dịch bệnh, đói khát, đao binh, lưu lạc, trốn tránh, mưa gió đúng thời, không có các tai họa ách nạn. Các vua giáo hóa cai trị đúng pháp, muôn dân đều yên vui, thọ mạng lâu dài, không còn giặc thù, chim thú hung ác, trùng độc, quỷ dữ theo não hại chúng sinh đều dứt bặt.

Oai lực công đức của Phật: Là oai lực của tất cả Phật trong quá khứ, hiện tại, vị lai, với công đức trí tuệ nơi vô lượng pháp thâm diệu đều như nhau không sai khác. Chỉ tùy theo nhân duyên nơi bản nguyện của chư Phật. Hoặc có thọ mạng vô lượng. Hoặc có người vừa trông thấy Phật tức được tất định. Có người nghe tên Phật cũng được tất định. Người nữ vừa trông thấy Phật liền trở thành thân nam. Hoặc có người nữ nghe tên Phật cũng chuyển đổi thân nữ. Hoặc có người nghe tên Phật tức được vãng sinh. Hoặc có vô lượng hào quang của Phật tỏa sáng, chúng sinh được gặp cũng dứt trừ hết những thứ ngăn che. Hoặc có người do nơi hào quang tức nhập tất định. Hoặc do nơi hào quang nên diệt trừ hết thảy khổ não.

Thọ mạng vô lượng: Là sống lâu đến vô lượng kiếp, không thể tính toán: một kiếp, trăm kiếp, ngàn kiếp, vạn kiếp, ức kiếp, trăm ngàn muôn ức na-do-tha A-tăng-kỳ kiếp. Phật sống lâu như vậy chỉ vì thương xót chúng sinh, tạo được nhiều lợi ích cho họ. Hết thảy chư Phật tuy diệu lực có thể thọ mạng vô lượng, nhưng vì bản nguyện nên có Phật trụ thế lâu, có Phật trụ thế không lâu.

Vừa trông thấy Phật tức được tất định: Là có chúng sinh vừa thấy Phật liền được trụ nơi địa bất thoái chuyển của quả vị Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng. Vì sao? Vì những người này khi được thấy thân Phật thì tâm hết sức hoan hỷ, thanh tịnh, an vui. Tâm họ tức thời tiếp nhận được Tam-muội của Bồ-tát như thế, từ diệu lực của Tam-muội này mà thông đạt tướng thật của các pháp, có thể đi thẳng vào địa tất định của đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng. Các chúng sinh này suốt trong đêm dài sinh tử, tâm sâu xa đã gieo trồng căn thiện, thấy Phật là được nhập nơi tất định, lấy tâm đại bi làm đầu, thanh tịnh, tốt đẹp, vì nhằm thông đạt hết thảy pháp Phật, vì nhằm hóa độ hết thảy chúng sinh, nên đến khi căn thiện ấy thành tựu, do đó được gặp Phật này. Lại nữa, do nhân duyên nơi bản nguyện của chư Phật hòa hợp, nên sự việc này mới được thành tựu.

Nghe tên Phật cũng được tất định: Là Phật có bản nguyện: “Nếu người nào nghe tên của Ta liền nhập tất định”. Như trường hợp thấy Phật, trường hợp nghe tên Phật cũng như thế.

Người nữ vừa trông thấy Phật liền trở thành thân nam: Là nếu có người nữ một lòng mong cầu chuyển đổi hình dạng nữ, thâm tâm chán ngán thân ấy, có sức mạnh của sự tin hiểu, thệ nguyện làm thân nam, người nữ như thế khi được trông thấy Phật, liền chuyển đổi thân nữ. Nếu người nữ không có nhân duyên của hành nghiệp như thế và nghiệp của thân nữ chưa hết, thì không gặp được Phật như vậy.

Người nữ nghe tên Phật cũng chuyển đổi thân nữ: Là nhân duyên của sự việc này, như trong phần thấy Phật đã nói.

Nghe tên Phật tức được vãng sinh: Là nếu người có nhiều sức tin hiểu, các căn thiện đã thành tựu, chướng ngại của nghiệp đã hết, người ấy được nghe tên Phật, và cũng phù hợp với nhân duyên nơi bản nguyện của Phật này, nên được vãng sinh.

Vô lượng hào quang tỏa sáng: Là ánh hào quang chiếu soi tùy theo ý muốn của chư Phật mà tỏa sáng xa hay gần. Ở đây nói vô lượng là ánh sáng thường hiện bày. Ánh sáng luôn tỏa chiếu này, không thể lấy số đo bằng do-tuần hay dặm để tính được. Ánh sáng ấy trải khắp phương Đông tới cả trăm ngàn vạn ức do-tuần, không thể lường nổi. Các phương Tây, Nam, Bắc, bốn hướng, trên dưới cũng như thế. Chỉ biết là vô lượng, chứ không biết biên vực tới đâu.

Chúng sinh được gặp cũng dứt trừ hết những thứ ngăn che: Là nhờ vào diệu lực nơi bản nguyện của chư Phật nên có kết quả như thế. Tham dục, sân hận, thùy miên, ăn năn, trạo cử, nghi ngờ các thứ chướng cái (ngăn che) ấy đều được trừ bỏ. Chúng sinh gặp ánh hào quang này tức có thể nhớ nghĩ đến Phật. Do nhớ nghĩ đến Phật nên nhớ nghĩ đến pháp. Nhớ nghĩ đến pháp nên những thứ ngăn che (cái) đều tiêu tan.

Ánh sáng của hào quang chạm vào thân thì bao nhiêu khổ não đều diệt hết: Nếu các chúng sinh bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, phi nhân, đang chịu nhiều khổ não, gặp được ánh sáng do diệu lực của thần thông nơi bản nguyện của chư Phật chạm vào thân thì các thứ khổ não kia được lìa.

Pháp đầy đủ: Là hết thảy pháp của chư Phật đều đầy đủ, không có vừa đầy đủ lại không đầy đủ. Pháp của chư Phật giảng nói đều giống nhau, nên pháp đều đầy đủ, song do nhân duyên của bản nguyện nơi chư Phật có sự sai biệt không đồng, nên có pháp Phật trụ lâu trong đời, hoặc có pháp Phật không trụ lâu trong đời.

Sao gọi là pháp đầy đủ? Có pháp giảng nói gọn, có pháp giảng nói rộng, có pháp giảng nói vừa gọn vừa rộng, có pháp đầy đủ cho thừa Thanh văn, có pháp đầy đủ cho thừa Phật-bích-chi, có pháp đầy đủ cho Đại thừa. Do diệu lực của các thần thông bảo vệ, khiến không bị ngoại đạo phá hoại, không bị quân ma quấy phá, được trụ lâu ở đời.

Giảng nói gọn: Là dùng ngôn từ ít mà bao gồm nhiều nghĩa. Đối với hạng người lợi căn thì nghe qua là tỏ ngộ.

Giảng nói rộng: Là đối với một việc, một nghĩa, phải dùng vô số nhân duyên, vì những người căn trí chậm lụt ưa thích phân biệt, nên phải phải giải, diễn bày.

Giảng nói vừa gọn vừa rộng: Là vẫn dùng một lời mà bao quát nêu dẫn rộng nghĩa, đồng thời cũng diễn giải rộng vô số nghĩa nơi một nghĩa.

Có pháp đầy đủ cho thừa Thanh văn, có pháp đầy đủ cho thừa Phật-bích-chi, có pháp đầy đủ cho Đại thừa: Phần sau sẽ nói rõ.

Thần lực bảo vệ chánh pháp: Là do thần lực của Phật để hộ niệm pháp này, vì là pháp được chư Phật ấn chứng. Chư Phật ấn chứng là dùng bốn nhân lớn lìa bỏ bốn nhân xấu.

Không bị ngoại đạo phá hoại: Là hết thảy Sa-môn, Bà-la-môn, Luận sư của ngoại đạo, với những tà kiến hiện có. Như nói: Mùi vị sinh diệt là hoạn nạn, nên ra khỏi. Lại, nhận biết về tất cả thiện, nói là nhân duyên phá hoại.

Không bị quân ma quấy phá: Là chư Phật có vô lượng vô biên công đức, trí tuệ, phương tiện và diệu lực thần thông, còn quân ma dù có sức mạnh nhưng không thể phá hoại. Lại nữa, dũng lực của các Bồ-tát, quân ma cũng không thể hủy hoại được.

Được trụ lâu ở đời: Là hoặc một kiếp, hoặc giảm một kiếp, hoặc vượt hơn trăm kiếp, ngàn kiếp, vạn kiếp, mười vạn kiếp, trăm vạn kiếp, ngàn vạn kiếp, vạn vạn kiếp, vô lượng ngàn vạn ức na-dotha A-tăng-kỳ kiếp, cho đến vô lượng vô biên kiếp.

Thanh văn đầy đủ: Là hết thảy chư Phật đều có đầy đủ Tăng Thanh văn. Do nhân duyên nơi bản nguyện của chư Phật, nên có nhiều ít sai khác.

Sao gọi là Thanh văn đầy đủ? Đó là chúng Thanh văn của Như Lai đều có đầy đủ trì giới, thiền định, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, đồng đẳng thanh tịnh, đều là hàng lợi căn, tạo lợi ích cho Bồtát, hình sắc đều nghiêm tịnh.

Trì giới đầy đủ: Là xa lìa các pháp ác như sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói hai lưỡi, nói lời ác, nói lời thêu dệt, uống rượu, sống theo lối tà. Lại nữa, những gì mà Tỳ-ni cấm chế đều phải xa lìa. Lại có khả năng thành tựu giới vô lậu.

Thiền định đầy đủ: Là gồm đủ bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn định vô sắc, tám giải thoát, tám bối xả, tám thắng xứ, mười nhất thiết nhập v.v… cùng được các thiền định vô lậu.

Trí tuệ đầy đủ: Là thành tựu bốn thứ trí tuệ, phát sinh từ sự học rộng, phát sinh từ sự tư duy, phát sinh từ sự tu tập, phát sinh từ nhân duyên của nghiệp đời trước và quả báo.

Giải thoát đầy đủ: Là giải thoát đối với hết thảy phiền não. Lại đối với các thứ chướng ngại đều được giải thoát.

Giải thoát tri kiến đầy đủ: Tri là nhận biết về sự việc, kiến là nhận biết rõ ràng về sự việc đó. Ở trong giải thoát, nhận biết hoàn toàn rõ ràng, không có nghi ngờ. Lại nữa, tri là tận trí, kiến là thấy bốn đế.

Đồng đẳng: Là những người đắc quả Tu-đà-hoàn thảy đều giống nhau, cho đến quả A-la-hán cũng vậy.

Thanh tịnh: Là thành tựu ba thứ thanh tịnh, đó là thân, miệng, ý thanh tịnh.

Đều là hàng lợi căn: Là nghe ít lời nhưng có thể hiểu rộng, thông tỏ nghĩa lý sâu xa. Pháp tóm lược có thể quảng diễn. Pháp rộng có thể tạo tóm lược. Nghĩa lý sâu ẩn có thể khiến dễ hiểu.

Tạo lợi ích cho Bồ-tát: Là luôn nhớ đến các Bồ-tát, cho đến Bồtát mới phát tâm cũng không khinh mạn. Phải kính mến với tâm sâu xa, chỉ dẫn họ những pháp thiện, ác, nói cho họ nhân duyên, phương tiện của Phật đạo.

Hình sắc đều nghiêm tịnh: Là thân thể cân đối, tươi đẹp, xinh đẹp, sắc diện đầy đủ cùng có tướng tốt, người thấy đều hoan hỷ. Như Phật-bích-chi, lúc tới, lui, dừng bước, ngồi, nằm, ngủ, khi ăn uống, tắm gội, đắp y, cầm bát, đều thứ lớp oai nghi, không hề sai sót. Do vậy, ai trông thấy, tâm họ liền thanh tịnh

Cây Bồ-đề đầy đủ: Là các đại thọ hiện có: cây Sa-la, cây Đala, cây Đề-la-ca, cây Đa-ma-la, cây Bà-cầu-la, cây Chiêm-bặc, cây A-thâu-ca, cây Bà-ha-ca-la, cây Phân-na-ma, cây Na-ca, cây Thi-lêsa, cây Niết-cù-đà, cây A-thâu-đà, cây Ba-lặc-xoa, cây Ưu-đàm-bátla v.v… Trong số các đại thọ này, tùy ý chọn lấy một cây.

Ở nơi đất bằng phẳng: Cây cao tàn rộng, đủ gốc cành, nhánh lá xanh sậm, sum suê tươi tốt. Màu hoa sáng rỡ, không bị xây xát, khuyết mòn. Cây cao đến năm mươi do-tuần, vươn thẳng, nhẵn bóng, không có lóng đốt, vỏ cây màu trắng nõn mềm mại, sạch đẹp, không gây trở ngại vì gai nhọn, không hư mục. Lại, bên trong thân cây không rỗng, không bị sâu mọt đục khoét gây thương tổn. Rễ bám sâu vào đất, kiên cố, lá từng xâu có thứ lớp, hoa nó dùng trang sức trông như vòng chuỗi ngọc đẹp. Cành, lá xoe tàn rậm tròn như mâm, sắp xếp theo từng lớp, công phu hơn hẳn nhân tạo. Lá cây xanh mượt như màu châu báu, nhánh cây không vắt vẻo, cong queo, lá không úa vàng, khô héo, không có ruồi muỗi, ve kiến v.v…

Mặt đất thật sạch sẽ, được trải toàn loại cát vàng, phát ra ánh sáng, chiếu tỏa giáp vòng. Nước hương chiên-đàn rưới thấm khắp nơi. Đất bằng phẳng mềm nhuyễn, mát mẻ, dễ chịu. Bột chiên-đàn ngưu đầu mịn được rải khắp. Chư Thiên thường tuôn mưa hoa Mạnđà-la, đốt loại trầm đen, mùi thơm lan tỏa khắp chốn. Trên không hiện ra những đám mây năm sắc rực rỡ như màn tơ lụa rủ xuống la liệt, gió mát nhẹ thổi làm lay động cành lá. Chim, thú đến chơi bên cạnh lặng yên không tiếng động. Hai bên cây Bồ-đề, chư Thiên thường mưa hoa với nhiều màu sắc lạ, đẹp, tự nhiên chen nhau, rủ xuống như chuỗi ngọc, giống như thân rồng và trên lưng thân ấy luôn treo nhiều xâu hoa quý sắc vàng óng. Bốn phía có nhiều cành cây to cao, giăng lưới trùm xuống đất và tô điểm bằng các thứ báu, giống như núi vàng ròng, nguy nga thù diệu như cờ của Đế thích. Đây là do Bồ-tát đã tu tập công đức hành thiện trong trăm ngàn vạn ức A-tăngkỳ kiếp mới được như vậy. Nhiều thứ báu đẹp hóa làm sư tử chúa. Trên đầu bốn con sư tử đều có giường báu rộng lớn, trải lụa rực rỡ của chư Thiên. Các trời Tứ Thiên vương, trời Đao-lợi, trời Dạ-ma, trời Đâu-suất-đà, trời Hóa-lạc, trời Tha-hóa-tự-tại, Phạm thiên, cho đến trời A-ca-nị-trá, đều nương theo các cung điện làm bằng những thứ châu báu như lưu ly, xà cừ, mã não, đại thanh, đế thanh, kim cương, pha lê, màu sắc của các thứ ngọc báu trên tỏa ra ánh sáng rực rỡ, lấp lánh, chiếu tới các cõi xa, không một thứ ngọc báu nào sánh kịp. Hết thảy đều tập trung chung quanh cây báu để cúng dường.

Lại nữa, vô lượng thế giới trong mười phương, các chúng Bồtát tùy theo bản nguyện của mình đều đã tạo đủ các vật dụng cúng dường để mưa xuống các vật báu, hương hoa, cờ phướn, lọng báu, cùng các loại âm nhạc v.v… Đó gọi là cây Bồ-đề đầy đủ.

Thế giới trang nghiêm: Là Bồ-tát quan sát cõi nước thanh tịnh trong mười phương là tốt đẹp hơn hết, phát nguyện lớn: Tôi sẽ tu tập công đức để có được cõi nước hơn hẳn cõi nước này, là cõi nước bậc nhất không đâu sánh bằng.

Chúng sinh thiện lợi: Là chúng sinh đoan nghiêm, không bệnh tật, không già bệnh, thọ mạng là vô lượng A-tăng-kỳ kiếp, thảy đều là hóa sinh, thân không cấu uế, đủ ba mươi hai tướng tốt, hào quang tỏa sáng vô lượng, phiền não rất ít, có thể dễ hóa độ.

Có thể hóa độ: Là một khi lên tòa thuyết pháp, chúng sinh nhiều như cát sông Hằng, cùng lúc đều được hóa độ. Từ khi có Phật khác giảng nói chánh pháp, hóa độ một, hai người, thì những chúng sinh ấy nhờ có căn thiện gieo trồng từ kiếp trước, kiết sử mỏng nhẹ, nên khi vừa nghe pháp liền chứng ngộ.

Đại chúng được tập hợp đầy đủ: Là có Đức Phật tạo hội lớn, đại chúng đông đầy khắp một do-tuần, hay mười do-tuần, có khi đến trăm ngàn vạn ức do-tuần. Có khi đại hội đầy khắp cả ba ngàn đại thiên thế giới. Ở đây đại chúng tập hợp, là cả Hằng sa thế giới nơi mười phương dùng làm hội lớn. Trong chúng hội này, toàn là những người có phước đức, cùng chư Thiên, tám bộ, các Bồ-tát từ Địa thứ nhất đến Địa thứ mười đều đến đông đủ, chỉ trừ chư Phật.

Phật lực đầy đủ: Là chư Phật hành hóa đủ bốn mươi pháp bất cộng. Nơi chốn hành trì mỗi mỗi pháp ấy, tất cả đều là vô lượng vô biên. Đó là nguyện thứ bảy.

– Lại nữa:

Cùng thực hành một việc

Nguyện không có oán tranh.

Như các thứ phước đức Bồ-tát đã tạo nên, như bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, như bốn xứ công đức: Đế, Xả, Diệt, Tuệ, hoặc nhân nơi đại nguyện cầu Phật đạo, thì lúc này nên phát nguyện như vầy: “Nếu có người khác cùng tôi thực hành sáu pháp Ba-la-mật, bốn xứ công đức để cầu Phật đạo, thì tôi nguyện do nhân duyên của phước đức này để không sinh tâm oán ghét, tranh đua với họ”. Vì sao? Vì đều cùng thực hành một việc. Những người có trí nói là có tướng oán ghét. Thế gian cũng hiện có sự việc ấy. Còn Bồ-tát thì muốn đoạn trừ lỗi lầm ấy, nên phát đại nguyện như vậy. Đó là nguyện thứ tám.

– Lại nữa:

Nguyện hành đạo Bồ-tát

Chuyển pháp luân bất thoái

Khiến trừ các phiền não

Được nhập tín thanh tịnh.

Luân là bánh xe pháp. Không thoái chuyển là không người nào có thể hủy hoại. Bồ-tát nên phát nguyện như vầy: “Ta phải hành đạo như lời Phật đã giảng dạy, tức là chuyển bánh xe pháp bất thoái. Nếu ta chuyển được bánh xe pháp này, thì ba độc và phiền não sẽ bị trừ diệt, khiến các chúng sinh lìa bỏ sinh tử, đi vào chúng pháp Phật, ở trong khổ, tập diệt đạo đạt được thanh tịnh”. Đó là nguyện thứ chín.

– Lại nữa:

Nguyện hết thảy thế giới

Đều hiện thành Bồ-đề.

Tùy các thế giới nên có xứ Phật sự, tận cùng trong chốn ấy, Bồ-tát thị hiện sự việc chứng đắc đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, đem lại an lạc cho hết thảy chúng sinh, giải thoát cho hết thảy chúng sinh, vì đạo quả Bồ-đề vô thượng là rất lớn, nên nói riêng. Còn những việc khác như là vào thai, sinh ra, lớn lên, ở nhà, rồi xuất gia thọ giới khổ hạnh, hàng phục quân ma, Phạm vương thỉnh mời cùng chuyển pháp luân, đại chúng tập hợp đông đủ, độ khắp chúng sinh hiện đại thần lực, thị hiện bát Niết-bàn. Những sự việc như thế, thảy đều nên làm như thế. Ở đây biết có vô lượng oai lực như vậy, có thể tạo lợi ích cho vô lượng vô biên chúng sinh, không phải chỉ ở một nước thị hiện sự việc chứng đắc Phật đạo. Có người nói: Nơi một cõi Phật hiện có bốn châu thiên hạ, các châu như Diêm-phù-đề là một cõi Phật. Vượt quá cõi này, chỉ có Phật mới biết được, nhưng sự thực không phải vậy. Đó là nguyện thứ mười.

– Lại nữa:

Các Bồ-tát như thế

Mười đại nguyện làm đầu

Rộng lớn như hư không

Cùng tận đời vị lai

Cùng vô lượng nguyện khác

Cũng đều phân biệt nói.

Nguyện: Là đối tượng ham, ưa, cầu, muốn của tâm. Tất thành mười nguyện là có mười thứ môn.

Rộng lớn như hư không: Nơi chốn thuộc đối tượng duyên của nguyện như xứ hư không hiện có. Nguyện cũng thế.

Cùng tận đời vị lai: Là khi phát nguyện, chỗ trụ là tận cùng biên vực sinh tử vị lai của tất cả chúng sinh.

Có người nói: Quả vị Bồ-đề vô thượng là biên vực sinh tử của đời vị lai, nếu chư Phật nhập Niết-bàn vô dư đó là biên vực sau cùng của sinh tử. Chí nguyện của Bồ-tát là vô tận, nhưng đã thành Phật thì ngừng. Hết thảy Đại Bồ-tát trong mười phương thế giới đều có nguyện này.

Cùng vô lượng nguyện khác: Là do Bồ-tát đã thành tựu được vô lượng công đức hy hữu, nên những lời nguyện hiện có không nói hết.

* Lại nữa:

Bồ-tát phát như thế

Mười đại nguyện trọn vẹn.

Mười nguyện lớn này có 10 việc trọn vẹn. Những gì là mười?

Đáp:

Tánh chúng sinh, tánh đời

Tánh hư không, tánh pháp

Tánh Niết-bàn, Phật sinh

Tánh trí chư Phật trọn

Sở duyên hết thảy tâm

Trí hành xứ chư Phật

Trí pháp thế gian chuyển

Đó là mười trọn vẹn.

  1. Tánh chúng sinh trọn vẹn.
  2. Tánh thế gian trọn vẹn.
  3. Tánh hư không trọn vẹn.
  4. Tánh pháp trọn vẹn.
  5. Tánh Niết-bàn trọn vẹn.
  6. Tánh chư Phật sinh trọn vẹn.
  7. Tánh trí của chư Phật trọn vẹn.
  8. Hết thảy đối tượng duyên của tâm trọn vẹn.
  9. Trí hành xứ của chư Phật trọn vẹn.
  10. Trí pháp thế gian chuyển trọn vẹn.

Đó gọi là 10 sự việc trọn vẹn.

Hỏi: Ông nói về trọn vẹn. Thế nào là trọn vẹn? Nên phân giải rõ nghĩa này.

Đáp:

Tánh chúng sinh trọn vẹn

Nguyện ta cũng lại trọn

Như chúng sinh cùng trọn

Các nguyện trọn như vậy

Nghĩa trọn, danh không trọn

Căn thiện ta không trọn.

Tánh chúng sinh trọn vẹn là nếu chúng sinh diệt hết thì nguyện của Ta tức nên dứt.

Tùy tánh thế gian hết, tánh hư không hết, tánh các pháp hết, tánh Niết-bàn hết, tánh chư Phật sinh hết, tánh trí chư Phật hết, tánh đối tượng duyên nơi tâm của tất cả chúng sinh hết, tánh trí nhập nơi pháp Phật hết, trí chuyển pháp chuyển thế gian chuyển hết, thì mười nguyện của Ta khi ấy mới cùng tận.

Song vì mười sự như tánh của chúng sinh v.v…, thật sự là không cùng tận, nên căn thiện nơi phước đức của ta cũng không cùng tận, không dừng nghỉ. Nghĩa của không dừng nghỉ là vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn v.v… vượt qua những tính toán, gọi là không dừng nghỉ.

Vô lượng vô biên ba ngàn đại thiên thế giới trong mười phương vượt quá toán số như vậy, gọi là thế gian vô biên. Do vô biên chúng sinh nơi ba cõi, sáu đường trong khắp các thế giới như vậy, nên gọi là tánh của chúng sinh vô biên. Tánh của hai thứ hư không trong ngoài nơi tất cả thế giới ấy vô biên, nên gọi là tánh hư không vô biên.

Trong các thế giới này, tánh vô lậu của cõi Dục, Sắc, Vô sắc đã gồm thâu pháp hữu vi vô biên, nên gọi là tánh của pháp vô biên. Nếu tất cả chúng sinh đều diệt độ thì tánh Niết-bàn vẫn không tăng không giảm, thế nên tánh Niết-bàn vô biên. Nếu mười phương chư Phật trong quá khứ đã vô lượng vô biên thì mười phương chư Phật trong hiện tại cũng vô lượng vô biên, mười phương chư Phật trong vị lai cũng vô lượng vô biên, do đấy tánh của Phật sinh vô biên.

Trí của chư Phật vô lượng, không thể nêu xưng, không thể lường tính, không gì bằng, không gì có thể so sánh, không đối, cho nên tánh trí của chư Phật cũng vô lượng vô biên. Như Phật bảo Tôn giả A-nan: “Người Thanh văn này có vô lượng trí của chư Phật. Cho nên tánh trí của chư Phật là vô lượng vô biên”. Nơi đời quá khứ, mỗi mỗi chúng sinh có tâm vô lượng vô biên, nên các tâm ấy đều có duyên sinh. Trong đời vị lai cũng như vậy. Nơi đời hiện tại, tâm của hết thảy chúng sinh cũng vô lượng vô biên, đều có duyên sinh, cho nên đối tượng duyên của tâm cũng vô lượng vô biên. Lực của chư Phật nói gọn có bốn mươi pháp bất cộng. Bốn mươi pháp bất cộng ấy, hành xứ của mỗi mỗi pháp là vô lượng vô biên. Do hành xứ vô lượng vô biên nên trí cũng vô lượng vô biên, tức nói trí nơi hành xứ của Phật là vô lượng vô biên.

Thế gian chuyển, pháp chuyển, trí chuyển: Chuyển gọi là do pháp này nên có đối tượng được chuyển. Thế gian có hai thứ: Thế gian quốc độ và thế gian chúng sinh. Ở đây là nói đến thế gian chúng sinh. Chư Phật và các Bồ-tát dùng vô lượng vô biên lực phương tiện để dẫn dắt chúng sinh. Pháp chuyển là dùng vô lượng vô biên phước đức của căn thiện để thâu nhận pháp của chư Phật. Trí chuyển là đem vô lượng các pháp thiện, sáu pháp Ba-la-mật, mười Địa v.v… để thâu nhận trí tuệ của Phật, cho nên trí chuyển là vô lượng vô biên. Do ba hành này đồng thời chuyển vận, nên hợp thành một nguyện. Vì mỗi mỗi nguyện của Bồ-tát này đều bền chắc, nên thành mười nguyện vô tận. Phương là như hư không, thời gian là tới biên vực đời vị lai.

Như thế là đã dùng cách nói rộng và gọn, giải thích trọn vẹn mười nguyện của Bồ-tát.

***

Phẩm 6: PHÁT TÂM BỒ ĐỀ

Hỏi: Mới phát tâm là căn bản của các nguyện. Thế nào là mới phát tâm?

Đáp:

Mới phát tâm Bồ-đề

Hoặc ba bốn nhân duyên.

Chúng sinh mới phát tâm Bồ-đề hoặc dùng ba nhân duyên, hoặc dùng bốn nhân duyên, hợp thành bảy nhân duyên để phát tâm Bồ-đề cầu đạt đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng.

Hỏi: Những gì là bảy nhân duyên?

Đáp:

Một là chư Như Lai

Khiến phát tâm Bồ-đề

Hai: Thấy pháp sắp hoại

Giữ gìn nên phát tâm.

Ba: Ở trong chúng sinh

Đại bi nên phát tâm Bốn:

Hoặc có Bồ-tát

Dạy phát tâm Bồ-đề.

Năm: Thấy hạnh Bồ-tát

Theo đó nên phát tâm

Hoặc do bố thí rồi

Mà phát tâm Bồ-đề.

Hoặc thấy thân tướng Phật

Vui mừng mà phát tâm

Do bảy nhân duyên này

Nên phát tâm Bồ-đề.

Phật khiến phát tâm là Ngài dùng mắt Phật quán xét các chúng sinh, nhận biết căn thiện của họ đã thuần thục, có thể kham nhận việc tu tập đạt được quả vị Bồ-đề vô thượng. Đối với người như thế, Phật dạy khiến họ phát tâm, nói lời như vầy: Này Thiện nam! Nay nên phát tâm Bồ-đề, sẽ độ chúng sinh khổ não!

Hoặc lại có người sống trong đời xấu ác này, thấy chánh pháp sắp bị hủy hoại, muốn ra sức giữ gìn, nên phát tâm, nghĩ như vầy: “Ôi! Từ vô lượng vô biên trăm ngàn vạn ức A-tăng-kỳ kiếp đến nay, chỉ có một người hành hai xứ, ra khỏi ba cõi, bốn Thánh đế làm Đại Đạo sư, nhận biết năm thứ Pháp tạng, giải thoát nơi sáu đường, có bảy thứ chánh pháp là báu lớn, thực hành sâu xa tám giải thoát, đem chín bộ kinh giáo hóa chúng sinh, có mười đại lực, nói mười một thứ công đức, khéo chuyển mười hai nhân duyên nối tiếp, giảng nói mười ba pháp trợ Thánh đạo, có mười bốn giác ý rất quý, trừ được mười lăm thứ tham dục, chứng được mười sáu tâm giải thoát vô ngại, vượt khỏi mười sáu địa ngục chúng sinh, thân được mười bảy thứ đầy đủ, mười tám pháp bất cộng, khéo phân biệt mười chín người trụ quả, khéo nhận biết và phân biệt hàng hữu học, A-la-hán, Phật-bíchchi và chư Phật, là hai mươi căn. Tâm đại bi ấy là chủ của đại tướng, chủ của đại chúng, là đại y vương, là Đại Đạo sư, đại thuyền sư, tu trì từ lâu lắm mới chứng được pháp này. Hành khổ hạnh, làm những việc khó làm mới được pháp này, nhưng nay Pháp bảo ấy sắp bị hoại. Tôi phát tâm Bồ-đề vô thượng, trồng căn thiện sâu dày để thành tựu được Phật đạo, khiến cho chánh pháp trụ lâu đến vô số A-tăng-kỳ kiếp”. Lại nữa, khi hành đạo Bồ-tát, tức là hộ trì vô lượng pháp chư Phật, nên phải siêng hành, tinh tấn.

Hoặc lại có người thấy chúng sinh khổ não, đáng thương, không ai cứu giúp, không biết quay về đâu, không nơi chốn nương dựa, phải trôi lăn trong sinh tử hiểm nạn nơi các đường dữ, có giặc oán dữ, sống chết với các thứ trùng ác, thú ác, luôn bị quỷ dữ khủng bố, luôn buồn sầu, thống khổ như gai đâm vào thân. Ân ái phải lìa, oán ghét lại gặp nhau, khó kiếm được giọt nước vui mừng, một mình đi trong cõi hoang vắng, giá rét, nóng bức, không hề có một bóng mát, khó có thể vượt qua. Chúng sinh sống trong đó mang nhiều lo sợ, không ai cứu độ che chở, dẫn dắt. Thấy chúng sinh như thế, thấy họ cứ mãi đi vào nẻo hiểm nạn sinh tử, chịu biết bao khổ não, do tâm đại bi nên phát tâm Bồ-đề vô thượng, thệ nguyện: “Tôi sẽ cứu vớt người không ai cứu vớt, làm chốn quay về cho người không chốn quay về, làm nơi nương dựa cho người không nơi nương dựa. Tôi được độ rồi sẽ độ cho chúng sinh. Tôi được giải thoát rồi sẽ giải thoát cho chúng sinh. Tôi được an ổn rồi sẽ đem lại an ổn cho chúng sinh”.

Lại có người chỉ từ nơi người khác nghe pháp rồi sinh tâm tin, vui mà phát tâm Bồ-đề vô thượng, suy nghĩ như vầy: “Tôi sẽ tu pháp thiện, không để đứt mất. Hoặc có người thuộc loại tất định, chứng đắc pháp nhẫn vô sinh, tích tập căn thiện phước đức thuần thục”. Hoặc gặp được chư Phật, gặp được Đại Bồ-tát, chư vị có thể nhận biết các căn lợi độn của tất cả chúng sinh, ngọn nguồn nơi thâm tâm cũng như tính tình và ước muốn khác nhau, khéo dùng phương tiện là Bát-nhã Ba-la-mật để giúp đỡ khiến họ có thể làm Phật sự. Biết mình đã phát nguyện, căn thiện thành thục nên khiến trụ trong tất định, hoặc pháp nhẫn vô sinh. Đó là các Bồ-tát đang tu tập ở Địa thứ bảy, thứ tám, thứ chín, thứ mười. Do khéo nhận biết tâm lực của chúng sinh, nên Phật chỉ dạy khiến họ phát tâm. Không phải chỉ có phát tâm với sức mạnh của sự tin, vui, Phật còn dạy phát tâm do nhiều nguyên nhân khác.

Lại có người thấy các Bồ-tát khác hành đạo, tu tập các căn thiện, tâm đại bi hộ trì, đầy đủ phương tiện giáo hóa chúng sinh, không tiếc thân mạng, tạo nhiều lợi ích, dốc sức học rộng hiểu nhiều, trở thành người đặc biệt thù thắng trong thế gian, làm bóng mát che chở cho chúng sinh khổ nhọc, đưa họ an trụ trong các pháp bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, giúp họ biết hổ thẹn, ngay thẳng, dịu dàng, vui hòa. Tâm Bồ-tát ấy thanh tịnh, vui sâu trong pháp thiện. Thấy Bồ-tát hành như thế, người này nghĩ: “Vị ấy làm được như vậy, ta cũng làm như vậy, những hạnh nguyện nào vị ấy đã tu tập, ta cũng tu tập như thế. Vì nhằm đạt được pháp ấy nên phải phát nguyện”. Nghĩ như thế rồi, người ấy phát tâm Bồ-đề cầu đạo vô thượng.

Lại có người hành bố thí rộng khắp, bố thí cho Phật, Tăng. Hoặc chỉ bố thí cho Phật những thức ăn uống, y phục v.v… Nhân làm việc bố thí, người này nhớ nghĩ đến các Bồ-tát tu hạnh bố thí trong quá khứ, như Vĩ-lam-ma, Vĩ-thủ-đa-la, Tát-bà-đàn, Thi-tỳ-vương v.v…, do vậy nên người này phát tâm Bồ-đề, nguyện đem phước bố thí này hồi hướng cho quả vị Bồ-đề vô thượng.

Lại có người, trông thấy, hoặc nghe nói đến ba mươi hai tướng tốt của Phật, như: bàn chân bằng phẳng. Chỉ dưới bàn chân có xoáy tròn như hình bánh xe có ngàn nan hoa. Ngón tay thon dài. Chân tay đều mềm dịu. Trong kẽ tay kẽ chân có màng da mỏng như giăng lưới. Gót chân tròn đầy. Mu bàn chân nổi cao đầy đặn. Bắp chân như tướng Lộc vương. Cánh tay dài quá đầu gối. Nam căn ẩn kín. Thân hình cao lớn cân đối. Những lỗ chân lông toát ra màu xanh. Những lông trên mình uốn lên về bên phải. Thân thể sáng chói như vàng ròng. Quanh mình luôn có hào quang chiếu ra một trượng. Da mỏng và mịn. Lòng bàn chân bàn tay, hai vai và trên đỉnh đầu, bảy chỗ ấy đều đầy đặn. Hai nách đầy đặn. Thân như sư tử. Thân thể ngay ngắn vuông vức. Hai vai tròn trịa cân phân. Có bốn mươi cái răng. Răng trắng trong đều nhau và khít khao. Bốn răng cửa trắng trong và lớn. Hai bên má cao đầy đặn như sư tử. Nước bọt trong miệng thơm. Lưỡi rộng và dài. Giọng nói âm vang như Phạm vương. Mắt xanh biếc. Lông mi như Ngưu vương. Có chòm lông trắng thường chiếu sáng ở giữa hai lông mày. Trên đỉnh đầu có cục thịt nổi cao như hình búi tóc. Trông thấy hoặc nghe nói về ba mươi hai tướng như thế, tâm tức hoan hỷ, khởi niệm: Ta cũng sẽ có được các tướng như thế. Người có tướng như thế đạt được các pháp. Ta cũng sẽ đạt được. Liền phát tâm Bồ-đề cầu đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng.

Do bảy nhân duyên này nên phát tâm Bồ-đề.

Hỏi: Ông nói bảy nguyên nhân phát tâm của Bồ-tát, là đều thành tựu, hay có người thành tựu, có người không thành tựu?

Đáp: Không phải thành tựu hết. Hoặc có người thành tựu, hoặc có người không thành tựu.

Hỏi: Nếu như vậy xin giải thích thêm?

Đáp:

Trong bảy phát tâm trên:

Phật dạy khiến phát tâm

Phát tâm hộ chánh pháp

Thương xót nên phát tâm

Ba thứ phát tâm ấy

Tất định được thành tựu

Còn lại bốn tâm kia

Không phải thành tựu cả.

Đức Phật đã quán xét về căn bản trong bảy cách phát tâm đó, nên chỉ dạy khiến phát tâm thì chắc chắn được thành tựu, vì đó không phải là lời nói hư giả. Nếu vì tôn trọng Phật, muốn bảo vệ chánh pháp, có tâm đại bi đối với chúng sinh, nên phát tâm Bồ-đề, ba tâm như thế tất được thành tựu, vì đó là căn bản sâu xa. Các Bồ-tát khác chỉ dạy khiến phát tâm, thấy Bồ-tát hành đạo mà phát tâm, nhân nơi bố thí rộng khắp mà phát tâm, hoặc phát tâm do nghe hay thấy ba mươi hai tướng tốt của Phật, bốn thứ phát tâm này, phần nhiều không thành tựu, đôi khi cũng thành tựu, nhưng về căn bản thì chưa sâu dày.

HẾT – QUYỂN 3