LUẬN THẬP TRỤ TỲ BÀ SA
Tác giả: Bồ-tát Long Thọ
Hán dịch: Đời Hậu Tần, Tam Tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 1

Phẩm 1: PHẦN TỰA

Kính lạy chư Phật mười phương,

Cùng với Đại đạo Vô thượng,

Cho đến các chúng Bồ tát,

Tâm kiên cố trú mười Địa.

Thanh văn và Bích-chi-Phật,

Bậc vô ngã và ngã sở,

Nay giải thích nghĩa mười Địa,

Tùy thuận pháp Phật đã thuyết.

Hỏi: Vì lý do nào khiến ông nói là muốn giải thích về nghĩa của Thập địa Bồ tát?

Đáp: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, thiên, nhân, A-tu-la, đó là sáu nẻo hiểm nạn, gây sợ hãi lớn nhất. Hết thảy chúng sinh trong các nẻo ấy cứ trôi qua giạt lại trong biển cả sinh tử, tùy theo nghiệp mình gây tạo mà mãi lặn hụp trong vô số lớp sóng nhấp nhô đó.

Biết bao nước mắt tuôn, bao giọt sữa tràn, bao mồ hôi, máu mủ tanh nồng là những khối nước uế tạp đáng chán. Những chứng bệnh hủi, hói, gầy còm, thổ huyết, lở loét đầy chân tay, ung thư, do khí nóng xông lên làm ói mửa, sình trướng. Các thứ bệnh tật, bệnh xấu ác như vậy chính là đám quỷ La-sát quái ác. Buồn lo sầu khổ là những thứ nước luôn khuấy động. Khóc lóc than thở kêu gào là âm thanh của muôn ngàn đợt sóng dữ dội. Mọi thứ khổ não thọ nhận chính là tảng đá ốc tiêu nơi đáy biển cả. Cái chết là một bờ dốc cao, không ai có thể vượt qua được. Kiết sử, phiền não, nghiệp hữu lậu là những cơn gió xoáy bất định. Bốn loại điên đảo là những sự dối trá gạt lừa. Ngu si, vô minh là vùng tối tăm lớn nhất. Theo nghiệp ái mà hàng phàm phu luôn bước đi trong ấy, từ vô thỉ đến nay cứ như vậy mà qua lại nơi biển cả sống chết, chưa từng đến được bờ giác ngộ. Ai đạt tới bờ kia thì phải vận dụng mọi khả năng để cứu vớt vô lượng chúng sinh. Do nhân duyên ấy cho nên nói về nghĩa của Thập địa Bồ-tát.

Hỏi: Nếu người không có khả năng tu hành mười địa của Bồ-tát, thì không thể vượt khỏi biển cả sinh tử chăng?

Đáp: Nếu ai tu theo thừa Thanh văn và Bích-chi-Phật, thì cũng vượt qua được biển sinh tử. Nếu người muốn dùng Đại thừa vô thượng để vượt qua biển lớn sinh tử, thì phải tu hành đầy đủ mười địa.

Hỏi: Tu theo thừa Thanh văn và Bích-chi-Phật, thì đến khi nào có thể vượt qua biển cả sinh tử?

Đáp: Ai tu theo thừa Thanh văn, thì một đời là thoát khỏi, hoặc hai đời, hoặc là hơn số đó, tùy căn trí lanh khôn hay chậm lụt, lại còn do nhân duyên tu hành từ đời trước nữa. Ai tu theo thừa Bích-chi-Phật thì bảy đời là vượt khỏi, hoặc tám đời mới vượt khỏi. Nếu ai tu theo Đại thừa thì phải trải qua một Hằng hà sa đại kiếp, hoặc hai-ba, cho đến mười trăm ngàn vạn đời, hoặc hơn số này, sau đó mới có thể tu tập đầy đủ mười địa của Bồ-tát mà thành Phật, cũng tùy trình độ lanh khôn hay chậm lụt và nhân duyên tu hành từ đời trước nữa.

Hỏi: Phật, Thanh văn và Bích-chi-Phật cùng đến bờ bên kia, thì đối với sự giải thoát có gì khác nhau?

Đáp: Sự việc này cần phải phân biệt. Giải thoát khỏi phiền não thì không có gì khác nhau, nhờ vào sự giải thoát này mà nhập Niết-bàn vô dư, trong đó cũng không khác nhau, vì không có tướng. Chỉ vì chư Phật với thiền định thâm diệu, giải thoát khỏi chướng ngại, hết thảy mọi thứ chướng ngại đều được giải thoát, là khác biệt đối với Thanh văn và Bích-chi-Phật. Sự khác biệt ấy không thể giải thích hết được, cũng không thể lấy ví dụ để so sánh.

Hỏi: Cái học của ba Thừa là Niết-bàn vô dư, nếu trong Niết-bàn vô dư không có sai khác, thì chúng ta đâu cần phải qua lại trong hằng hà sa đại kiếp trong sinh tử để thực hành đầy đủ hạnh tu của mười địa? Chi bằng theo thừa của Thanh văn và Bích-chi-Phật để mau chóng diệt trừ mọi khổ não?

Đáp: Lời ấy mang tính chất yếu kém, không phải là lời nói của tâm Đại Bi làm lợi ích. Nếu các Bồ-tát hành theo tâm nhỏ hẹp của ông không có tâm Từ Bi, thì không thể siêng năng tinh tiến tu tập mười địa. Như vậy, hàng Thanh văn và Bích-chi-Phật cũng không do đâu mà được độ thoát, cũng không có ba Thừa khác nhau. Vì sao? Vì tất cả hàng Thanh văn và Bích-chi-Phật đều phát sinh từ Phật, nếu không có chư Phật thì do đâu mà có Thừa kia? Nếu không tu mười địa thì làm sao có chư Phật? Nếu không có chư Phật thì cũng không có Pháp-Tăng. Cho nên những gì ông đã nói là làm đoạn mất hạt giống Tam bảo, không phải là lời nói của bậc Đại nhân có trí tuệ, vì vậy không chấp nhận được. Vì sao? Vì thế gian có bốn hạng người:

  1. Tự lợi.
  2. Lợi tha.
  3. Gồm cả tự lợi và lợi tha.
  4. Không tự lợi và lợi tha.

Trong ấy, hạng thứ ba là có khả năng thực hành Từ Bi làm ích lợi cho kẻ khác, gọi là bậc Thượng nhân. Như thường nói:

Thế gian thật là đáng xót thương,

Thường làm trái chỉ vì lợi mình,

Dốc lòng theo đuổi sự vui sướng,

Rơi vào màng lưới của tà kiến.

Thường ôm ấp lo sợ cái chết,

Trôi giạt qua lại trong sáu đường,

Các Bồ tát dùng tâm Đại Bi,

Luôn luôn thực hành hạnh hiếm có.

Lúc chúng sinh đối diện cái chết,

Không có ai có thể cứu giúp,

Chìm vào trong đen tối mịt mù,

Do màng lưới phiền não hệ thuộc.

Nếu người có năng lực phát nguyện,

Thực hành tâm Đại Bi cao cả,

Gánh vác tất cả mọi gánh nặng,

Làm nơi nương tựa của chúng sinh.

Nếu như người có tâm quyết định,

Một mình nhận chịu mọi gian lao,

Mà đạt được quả báo an ổn,

Mang lại cho tất cả cùng vui.

Được chư Phật luôn luôn khen ngợi,

Là người cao cả vào bậc nhất,

Cũng là người hiếm có trên đời,

Kho tàng vĩ đại của công đức

Thế gian có người vẫn thường nói:

Nhà không sinh con cái xấu xa,

Chỉ có thể thành tựu lợi mình,

Không thể nào lợi cho người khác.

Nếu sinh ra làm người tốt lành,

Luôn luôn làm lợi ích cho người,

Vậy thì như vầng trăng tròn đầy,

Vằng vặc chiếu sáng trong nhà ấy.

Người có những công đức phước thiện,

Bởi vì đủ các loại nhân duyên,

Lợi ích thêm nhiều như biển rộng,

Lại cũng như mặt đất bao la.

Không mong cầu gì với thế gian,

Vì lòng yêu thương mà dừng lại,

Người này sinh ra được tôn quý,

Thọ mạng lâu dài vào bậc nhất.

Như vậy, Thanh văn, Bích-chi-Phật đối với Phật, thì việc giải thoát khỏi phiền não dù không sai khác, nhưng có khác biệt lớn, đó là phải sống lâu trong sinh tử để độ vô lượng chúng sinh, tạo nhiều ích lợi để tu tập đầy đủ mười địa của Bồ-tát.

Hỏi: Phật có tâm Đại Bi, ông là đệ tử luôn luôn ca ngợi Phật có lòng thương xót chúng sinh đích thực như đã nói, ông dùng các loại nhân duyên phân biệt rõ ràng để dẫn dắt làm cho hiểu biết. Người thực hành tâm Từ Bi nghe được thì tâm thanh tịnh tôi rất vui thích. Kệ trước đây ông nói về nghĩa của mười địa mong ông giải thích cho nghe!

Đáp: Kính là lòng cung kính. Lạy là cúi mình tiếp xúc với chân. Hết thảy chư Phật là chư Phật khắp mười phương trong ba đời. Đại đạo Vô thượng là tất cả các pháp đều như thật thấy biết, thông suốt, không còn sót. Lại không có gì hơn cho nên nói là Vô thượng. Đạo của bậc Đại nhân tu hành cho nên gọi là Đại đạo. Chúng Bồ-tát vì đạo Vô thượng mà phát tâm hành trì cho nên gọi là Bồ-tát.

Hỏi: Chỉ có phát tâm thì đều là Bồ-tát chăng?

Đáp: Đâu có chuyện chỉ phát tâm mà trở thành Bồ-tát. Nếu người phát tâm chắc chắn có khả năng thành tựu đạo vô thượng mới gọi là Bồtát. Hoặc có người chỉ phát tâm cũng gọi là Bồ-tát. Tại sao vậy? Vì nếu tách rời khỏi phát tâm ban đầu thì không thể thành tựu đạo Vô thượng. Như kinh Đại thừa nói: “Ai mới phát tâm cũng gọi là Bồ-tát, giống như Tỳ-kheo tuy chưa đắc đạo nhưng cũng gọi là đạo nhân”. Đó là Bồ-tát danh tự dần dần tu tập chuyển thành pháp chân thật. Trong phần giải thích về địa Hoan hỷ sẽ nói rộng về tướng như thật của Bồ-tát.

– Chúng, là từ lúc mới phát tâm cho đến phần vị Kim cang vô ngại giải thoát đạo, trong đó bao gồm tất cả các Bồ-tát quá khứ-hiện tại-vị lai, cho nên gọi là chúng.

– Tâm vững chắc, là tâm như núi chúa Tu-di, không thể hủy hoại, cũng như mặt đất bao la không thể bị nghiêng ngã lay động.

– Trụ trong mười địa, là từ địa Hoan hỷ cho đến địa Pháp vân. Sau này sẽ nói rộng.

Hỏi: Nếu Bồ tát lại có công đức thù thắng, tại sao chỉ khen ngợi tâm vững chắc?

Đáp: Bồ-tát có công đức của tâm vững chắc mới có, năng lực thành tựu sự nghiệp lớn (Đại thừa), không bị rơi xuống Nhị thừa. Tâm mềm yếu là tâm sợ hãi sinh tử tự nghĩ rằng vì sao ở lâu trong sinh tử nhận chịu những điều khổ não, không bằng nhanh chóng theo hàng Thanh văn và Bích-chi-Phật để lập tức diệt mọi khổ đau. Hơn nữa, tâm mềm yếu là dành cho những kẻ sống trong địa ngục, như địa ngục Đẳng hoạt, địa ngục Hắc thằng, địa ngục Chúng hợp, địa ngục Hào khiếu, địa ngục Đại hào khiếu, địa ngục Viêm nhiệt, địa ngục Đại nhiệt, địa ngục Vô gián; và những địa ngục quyến thuộc khác như, địa ngục lửa đốt thành tro bụi, địa ngục phân sôi, địa ngục rừng cháy, địa ngục máng gươm trên cây, địa ngục đường đi toàn dao, địa ngục cột đồng cháy, địa ngục bị mũi nhọn đâm, địa ngục sông muối. Hết thảy các địa ngục ấy đều sắp đầy những dụng cụ như búa sắt, dao nhọn, kích nhọn, cung tên bằng sắt, chày vồ, gậy sắt, chuông bằng sắt, lưỡi cày trâu bằng sắt, khiên giáo sắt, cối sắt, chày sắt, bánh xe sắt. Tất cả dụng cụ ấy dùng để tra tấn tội nhân như chém, chặt, cắt, đâm, đánh đập, lột da, lóc thịt, xiềng xích, gông cùm, đốt cháy, luộc nấu, tra khảo bằng roi sắt, máy nghiền nát, đánh đâm thân thể tội nhân cho nhừ ra. Những ác thú như chồn, chó, cọp, sói và sư tử tranh nhau đến ăn thân thể ấy. Ở trên thì cú, quạ, kênh kênh sắt bay đến mổ ăn thân thể ác quỷ dồn đuổi tội nhân, họ phải chạy qua rừng cây dắt kiếm, trên dưới đều là núi lửa bốc cháy.

Cho bánh xe lửa cán ngang cổ, rồi cầm gậy sắt nóng đỏ để quất ngã, hoặc lấy cả ngàn cây đinh đóng vào tội nhân, hoặc dùng dao cắt gọt, nạo lưỡi, cắt lưỡi, rồi lùa tội nhân vào hỏa ngục tăm tối, khi thân thể tội nhân nát như bột rồi đem giam vào chỗ hôi thối. Ở đây, thân thể tội nhân bị đặt lên những vỉ sắt nóng bao quanh, còn bị lột da lóc thịt, tay chân bị trói chặt, quăng vào vạc nước sôi, nấu thân ấy. Những quả tạ sắt liên tục ném vào đầu tội nhân khiến não vỡ tung, mắt lồi ra. Thân tội nhân phải đeo những vòng sắt nóng, với sức nóng kinh hoàng đó, máu tuôn ra lai láng. Hoặc có tội nhân phải lặn xuống sông đầy phân thối, hoặc phải đi trên đường ác tua tủa dao kiếm, những dao kiếm bên trên tự nhiên rớt xuống như mưa, như ngựa phóng nhanh, lao vào chém đứt thân thể. Có con sông gồm đủ nước chua, cay, mặn, hôi thối, những kẻ bị quăng xuống đó, thân thể nứt ra rời rã chỉ còn bộ xương. Bọn ngục tốt vớt những bộ xương ấy ra rồi kéo lê, dậm đạp lên…

Những nỗi thống khổ ấy không cùng tận, mà tội nhân thì cứ phải sống ở đó để hứng chịu, muốn chết lại không được.

Nếu nghe thấy những việc hãi hùng ấy, ai mà không sợ hãi, cầu mong tu tập theo Thừa của Thanh văn và Bích-chi-Phật?

Lại nữa, còn có địa ngục băng giá, địa ngục Át-phù-đà, địa ngục Ni-la-phù-đà, địa ngục A-ba-ba, địa ngục A-la-la, địa ngục A-hầu-hầu, địa ngục bông sen trắng, địa ngục bông sen xanh, địa ngục bông sen nhiều màu, địa ngục bông sen hồng, địa ngục bông sen đỏ, thường ở trong chỗ u tối thăm thẳm đầy hãi hùng. Những ai hủy báng Hiền Thánh đều đọa vào những ngục ấy, ở đó còn những hình thể như nhà cửa, phòng xá, núi non, gò đống, núi cao chót vót xấu xí, gió rú lạnh khiếp, làm kích động nỗi đau thương, thân như nắm cỏ khô, da thịt rơi rụng như lá mùa đông. Rét buốt da thịt nứt nẻ, máu mủ hôi tanh nồng nặc tuôn ra. Thân thể phải giam mình trong hôi thối vô cùng khó chịu. Gió lạnh quất vào gây muôn ngàn cay đắng khổ sở, chỉ biết buồn rầu khóc than, tâm không còn nghĩ gì khác. Cứ gào khóc mà không có chỗ nào nương tựa. Những tội ấy là do chê bai Hiền Thánh mà ra. Những ai có tâm hồn nhút nhát nghe thấy những việc kia thì sao không run sợ mà mong cầu tu theo thừa của Thanh văn và Bích-chi-Phật?

Lại nữa, sinh làm súc sinh như heo, chó, cáo, mèo, chồn, chuột, khỉ, dã nhân, cọp, sói, sư tử, beo, gấu, voi, ngựa, trâu, dê, rít, bò cạp, sên, rắn độc, mọt, rùa, thuồng luồng, cá trạch, ốc, rồng có sừng, bồ câu, cú, kênh kênh. Những cầm thú ấy tàn hại lẫn nhau. Người ta bủa lưới bắt đem về mổ, giết, xẻo thịt ăn, không phải là ít. Lúc còn sống thì chúng bị roi, móc đánh đập, xỏ mũi, ghịt đầu, bắt kéo chở nặng, còn bị đánh đập lòi da, lòi thịt, đau đớn không chịu nổi, bị xông vào khói lửa đốt, khổ độc biết chừng nào. Khi chết chúng còn bị lột da, ăn thịt. Những nỗi thống khổ vô cùng như vậy, những kẻ tâm hồn yếu đuối, hèn nhát thấy nghe việc ấy sao không run sợ, không mong cầu theo Thừa Thanh văn và Bích-chi-Phật?

Lại ở trong loài quỷ đói, cổ như cây kim, miệng luôn bốc lửa, có quỷ đói chuyên ăn đồ ói mửa, có quỷ đói ăn đồ dơ trong thau giặt, có quỷ đói ăn máu mủ, có quỷ đói ăn cứt đái, có quỷ đói tên Phù-đà, có quỷ đói tên Cưu-bàn-trà, có quỷ Dạ-xoa, quỷ La-sát, quỷ Tỳ-xá-xà, quỷ Phú-đơn-na, quỷ Ca-la Phú-đơn-na và nhiều loại quỷ khác. Bọn quỷ này râu tóc rối nùi, móng tay dài, lỗ mũi to, trong mình nhiều dòi bọ, hôi thối đáng kinh tởm, bị đọa đày trong đói khát, ganh ghét, keo kiệt, chúng luôn khổ não bực bội. Chúng chưa từng được ăn, nếu ăn thì đồ ăn không qua khỏi yết hầu. Chúng thường chạy đi tìm máu mủ, cứt đái, đờm dãi, mũi dãi, nước dơ trong chậu. Những con mạnh lấn lấy được nhưng lại không ăn được. Chúng lõa lồ nên nóng lạnh càng giội vào cơ thể. Gió độc thổi khiến thân thể quằn quại đau nhức, ê ẩm. Ngoài ra còn bị muỗi mòng, trùng độc rút rỉa ăn thân của chúng, bụng cồn cào đói khổ như lửa đốt.

Những tâm hồn yếu đuối khi nghe những việc ấy làm sao không sợ hãi, không mong cầu Thừa Thanh văn và Bích-chi-Phật?

Trong thế giới con người bị khổ do ân ái lìa tan, khổ do oán ghét mà cứ phải gặp, khổ vì già, vì bệnh, vì chết, vì cơ cực nghèo hèn, mong hết cực khổ. Có biết bao cảnh khổ như vậy, ngay cả các cõi trời, A-tu-la cũng không tránh khỏi khổ, vì thời gian cứ lùi xa mất hút.

Những tâm hồn yếu đuối khi nghe những việc ấy làm sao không sợ hãi, không mong cầu ở hàng Thanh văn và Bích-chi-Phật?

Người có tâm vững chắc, khi nghe thấy tất cả khổ não mà chúng sinh phải chịu trong địa ngục ngạ quỷ, súc sinh, trời, người, A-tu-la, sinh tâm Đại Bi mà không lấy làm sợ hãi, còn lập nguyện như vậy: Những chúng sinh chìm sâu trong đau khổ, không ai cứu vớt, không nơi nương cậy, sau khi chứng Niết-bàn, mình sẽ cứu vớt họ. Vì lòng Đại Bi và siêng năng tinh tiến, cho nên không bao lâu được thành tựu tâm nguyện.

Vì vậy tôi nói: Trong các công đức của Bồ-tát thì tâm kiên cố là bậc nhất.

Lại nữa, Bồ-tát có tám pháp luôn luôn quy tập tất cả các công đức.

Đó là:

  1. Lòng Đại Bi.
  2. Tâm kiên cố.
  3. Trí tuệ.
  4. Phương tiện.
  5. Không phóng túng.
  6. Thường xuyên tinh tiến.
  7. Thường nhiếp niệm.
  8. Thiện tri thức.

Vì vậy, người mới phát tâm mau chóng thực hành tám việc này, như cứu lửa đang cháy trên đầu, sau đó mới tu các công đức khác.

Hơn nữa, nương vào tám pháp này mà có được bốn đôi-tám bậc của tất cả các chúng Thanh văn, đó là Tu-đà-hoàn hướng, Tu-đà-hoàn…

Bích-chi-Phật không có ngã-ngã sở, khi thế gian không còn Phật, không còn pháp của Phật, có những người tự đắc đạo gọi là Bích-chiPhật. Các Hiền Thánh đã lìa xa sự tham trước về ngã và ngã sở, cho nên gọi là bậc không có ngã và ngã sở.

Nay giải thích về nghĩa của mười địa thuận theo những điều Đức Phật đã nói, là trong kinh Thập Địa giải thích theo thứ tự, nay sẽ thuận theo thứ tự giải thích đầy đủ.

Hỏi: Những điều ông nói không khác với kinh. Nghĩa đã được lập trong kinh rồi, cần gì phải nói thêm nữa? Hay là ông muốn khoe tài để cầu danh, cầu lợi?

Đáp: Tôi không vì thể hiện tự mình,

Trau chuốc văn từ thật hoa mỹ,

Cũng không tham lam theo lợi dưỡng,

Mà tạo ra bộ luận như vậy.

Hỏi: Nếu không như vậy thì vì sao tạo ra bộ luận này?

Đáp:

Tôi vì muốn đem tâm Từ Bi,

Làm nhiều lợi ích cho chúng sinh,

Chứ không vì nhân duyên nào khác,

Mà tạo ra bộ luận như vậy.

Thấy chúng sinh cực khổ trong sáu đường không ai cứu giúp. Vì muốn cứu giúp họ cho nên tôi dùng sức trí tuệ làm bộ luận này, không phải khoe sức trí tuệ để cầu danh lợi, cũng không có tâm ganh tị, tự cao để cầu cúng dường.

Hỏi: Về lòng xót thương làm chuyện ích lợi cho chúng sinh thì

trong kinh đã nói rồi, cần gì phải giải thích cho khổ nhọc?

Đáp:

Có người chỉ gặp được kinh Phật,

Hiểu thông suốt về Đệ Nhất nghĩa,

Có người được giải thích rõ ràng,

Mà hiểu được nghĩa lý chân thật..

Có người lợi căn trí tuệ sâu sắc nghe những lời Phật nói sâu xa trong các kinh, thì có thể hiểu thông suốt về Đệ nhất nghĩa, đó gọi là người hiểu kinh sâu xa, tức là Bồ-tát mười địa. Đệ nhất nghĩa tức là nghĩa như thật của mười địa. Có những luận sư có lòng Từ Bi, thuận theo lời Phật nói, tạo sự luận bàn, tăng thêm lời lẽ làm cho sáng tỏ. Có người nhờ vậy mà thông suốt được nghĩa của mười địa. Như nói:

Có người ưa trau chuốt văn chương,

Lời lẽ câu văn đều tốt đẹp,

Có người khéo đối với kệ-tụng,

Có người thích câu từ xen lẫn,

Có người thích thể loại ví dụ,

Mới hiểu được rõ ràng nhân duyên,

Ý thích của mọi người khác nhau,

Tôi thuận theo mà không rời bỏ.

Danh từ-câu kéo-chương mục trau chuốt cho nghĩa trong câu không làm thành kệ tụng, kệ gọi là hướng về nghĩa lý, từ ngữ ở trong các câu hoặc là bốn chữ năm chữ, bảy chữ… kệ có hai loại:

  1. Kệ bốn câu gọi là Ba-giá.
  2. Kệ sáu câu gọi là Kỳ-dạ.

Kệ xen nhiều loại câu gọi là lời lẽ nói thẳng.

Thí dụ là bởi vì người ta không hiểu được nghĩa sâu xa cho nên mượn thí dụ khiến cho họ hiểu rõ. Thí dụ có lúc là sự thật, có lúc là giả tạm.

– Nhân duyên là suy tìm nguyên do của sự việc, thuận theo sở thích mà không được bỏ qua.

Hỏi: Ông sẽ làm gì với sở thích khác nhau của chúng sinh?

Đáp: Tôi phát tâm vì đạo vô thượng, không bỏ tất cả mà tùy sức làm ích lợi cho họ, hoặc bằng tiền của, hoặc bằng giáo pháp. Như nói:

Nếu như có người bậc Đại trí,

Được nghe nghĩa lý kinh như vậy,

Không cần phải giải thích gì thêm,

Bởi đã hiểu rõ nghĩa mười địa.

Nếu ai có phước đức thông minh, chỉ cần được nghe về kinh Thập Địa này, thì hiểu nghĩa lý không cần phải giải thích. Không phải vì người này mà tạo ra bộ luận này.

Hỏi: Người thiện là sao?

Đáp: Nếu nghe lời Phật dạy liền có thể tự mình hiểu được, như hàng trượng phu có thể uống thuốc đắng, trẻ thơ thì lấy mật ngọt hòa vào. Người thiện thì nói sơ lược có mười pháp. Những gì là mười pháp? Đó là:

  1. Tín.
  2. Tinh tiến.
  3. Nhớ nghĩ.
  4. Niệm.
  5. Thân nghiệp thiện.
  6. Khẩu nghiệp thiện.
  7. Ý nghiệp thiện.
  8. Không tham lam.
  9. Không giận dữ.
  10. Không ngu si.

Như nói:

Nếu như người nào vì kinh văn,

Khó có thể đọc tụng dễ dàng,

Nếu làm bộ luận Tỳ-bà-sa,

Thì lợi ích nhiều cho này.

Nếu người độn căn lười nhác chậm chạp, bởi vì kinh văn khó cho nên không có thể đọc tụng. Khó là bởi vì văn nhiều cho nên khó tụngkhó giải thích-khó nghe. Hoặc có người ưa thích lời lẽ hoa mỹ, thí dụ xen lẫn làm sinh động chương cú và các loại kệ tụng… Vì lợi ích cho những người ấy mà soạn ra bộ luận này. Vì vậy trước đây ông nói chỉ cần kinh Phật thì đủ lợi ích cho chúng sinh, đâu cần phải giải thích, điều này không phải như vậy:

Như nói:

Tư duy soạn ra bộ luận này,

Phát khởi do thiện tâm sâu xa,

Đem giáo pháp này soi tất cả,

Cúng dường Chư Phật không gì hơn.

Khi soạn luận này, tôi đã suy nghĩ phân biệt, phần nhiều nghĩ đến Tam bảo và chúng Bồ-tát, cũng nghĩ đến bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí tuệ. Phát tâm thiện sâu xa thì đó là tự lợi, còn diễn nói, trình bày rõ ràng Chánh pháp này gọi là cách cúng dường Chư Phật không có gì sánh bằng, đó chính là lợi tha. Như nói:

Thuyết pháp thắp ngọn đèn giáo pháp,

Xây dựng cột cao nêu Chánh pháp,

Cột cao này chính là ấn tướng,

Giáo pháp vi diệu của Thánh Hiền,

Nay tôi soạn ra bộ luận này,

Đế-xả cùng với diệt và tuệ,

Đây là bốn nơi của công đức,

Tự nhiên mà tu tập thành tựu.

Nay soạn ra luận này, là bốn loại công đức tự nhiên tu tập, vì vậy tâm không có gì mệt mỏi. Đế là tất cả đều chân thật, cho nên gọi là Đế. Lời Phật là chân thật trong tất cả mọi sự chân thật, bởi vì không thể biến hoại đổi thay. Tôi giải thích về Phật pháp này chính là thuộc về Tập đế. Xả gọi là bố thí. Thì có hai loại là pháp thí và tài thí. Trong hai loại thí thì pháp thí là hơn hẳn. Như Phật bảo với các Tỳ-kheo: “Một là pháp thí, hai là tài thí. Trong hai loại thí thì pháp thí là hơn hẳn”. Vì vậy lúc tôi bố thí pháp tức là thuộc về Xả của Tập. Nếu lúc tôi giải thích về nghĩa mười địa, thì không có ác nghiệp của thân-khẩu-ý, lại cũng không dấy lên ý niệm ham muốn-giận dữ-si mê và các kiết sử khác. Ngăn chặn lỗi lầm này thì gọi là thuộc về Diệt của Tập. Nói pháp cho người khác hiểu thì cảm được báo có trí tuệ rộng lớn, bởi vì sự thuyết pháp chính là thuộc về Tuệ của Tập. Như vậy soạn ra luận này, là nơi quy tập của công đức này. Lại nữa:

Tôi giải thích luận về mười địa,

Tâm tư mình đạt được thanh tịnh,

Hết sức tham lam với tâm này,

Tinh tiến thường xuyên không mệt mỏi.

Nếu như người nghe và thọ trì,

Tâm tư có được sự thanh tịnh,

Tôi cũng hết sức vui như vậy,

Dốc lòng soạn ra bộ luận này.

Nghĩa của hai bài kệ này đã rõ ràng không cần phải nói lại, chỉ vì tâm mình và tâm người thanh tịnh, cho nên soạn ra nghĩa mười địa này, tâm thanh tịnh đến được nơi phải đến, cảm được quả báo to lớn. Như Phật nói với Ca-lưu-đà-di: Đừng oán trách A-nan! Nếu Ta không thọ ký cho A-nan, vào sau khi hóa-tự-tại bảy lần trở lại làm vua. Như trong Kinh nói rộng.

 

Phẩm 2: BƯỚC VÀO ĐỊA THỨ NHẤT

Hỏi: Những lời ông vừa nói làm tâm tôi bừng sáng, tôi rất hân hoan. Nay ông giảng nói mười địa thì lợi ích chắc chắn nhiều nữa.

Những gì là mười địa?

Đáp:

Pháp của mười địa nói trong này,

Chư Phật ba đời quá-hiện-vị,

Vì các đệ tử của Chư Phật,

Đã thuyết giảng-nay đang thuyết giảng.

Địa thứ nhất gọi là Hoan hỷ,

Địa thứ ba gọi là Minh địa,

Địa thứ tư gọi là Diệm địa,

Địa thứ năm gọi là Nan Thắng,

Địa thứ sáu gọi là Hiện Tiền,

Địa thứ bảy gọi là Thâm Viễn,

Địa thứ tám gọi là Bất Động,

Địa thứ chín gọi là Thiện Tuệ,

Địa thứ mười gọi là Pháp vân,

Tướng mười địa phân biệt rõ ràng,

Tiếp sau đây sẽ nói rộng ra.

Trong này là trong nghĩa Đại thừa. Mười là số giáo pháp. Địa là trú xứ tầng bậc thiện căn của Bồ tát. Chư Phật là chư Như Lai trong ba đời mười phương. Thuyết là khai thị giải thích. Phật tử là con chân thật của Phật, chính là các Bồ-tát, cho nên Bồ-tát gọi là Phật tử. chư Phật quá khứ-vị lai-hiện tại đều nói mười địa này. Cho nên nói: “Đã nói, Đã thuyết giảng-nay đang thuyết giảng”.

– Bồ-tát ở địa thứ nhất, mới được vị pháp thiện cho nên tâm nhiều hoan hỷ, vì vậy gọi là địa Hoan Hỷ.

– Bồ-tát trong địa thứ hai, thực hành mười thiện đạo, xa lìa mọi cấu trược, cho nên gọi là địa Ly Cấu.

– Bồ-tát trong địa thứ ba, nghe nhiều học rộng, nói pháp cho mọi người nghe, tự làm sáng tâm mình, cho nên gọi là Minh địa.

– Bồ-tát trong địa thứ tư, làm tăng thêm việc bố thí, trì giới, lại học rộng, oai đức rực sáng, cho nên gọi là Diệm địa.

– Bồ-tát trong địa thứ năm, có sức mạnh của công đức, mọi thứ ma không đến quấy phá được, cho nên gọi là địa Nan thắng.

– Bồ-tát trong địa thứ sáu, trừ hết ma chướng, các pháp của Bồ tát đạo hiện ra trước mặt, cho nên gọi là địa Hiện Tiền.

– Bồ-tát trong địa thứ bảy, xa gần trong ba cõi đều tôn làm Pháp vương, cho nên gọi là địa Thâm Viễn.

– Bồ-tát trong địa thứ tám, không gì làm lay chuyển được nguyện lực, cho dù đó là Thiên ma, là Phạm thiên, Sa-môn, Bà-la-môn, cho nên gọi là địa Bất Động.

– Bồ-tát trong địa thứ chín, với trí tuệ sáng ngời, điều phục nhu hòa tăng lên, cho nên gọi là địa Thiện Tuệ.

– Bồ-tát trong địa thứ mười, đối với vô lượng thế giới nơi mười phương, có thể rưới làn mưa pháp trong cùng một lúc như kiếp thiêu rụi tất cả sau đó rưới mưa lớn thầm nhuần khắp nơi, cho nên gọi là địa Pháp Vân.

Hỏi: Đã nghe tên mười địa, bây giờ làm sao bước vào địa thứ nhất, đạt được tướng mạo của địa này và tu tập theo địa ấy?

Đáp:

Nếu căn thiện gieo trồng sâu dày,

Cố gắng làm những hạnh tốt lành,

Khéo quy tụ các vật sử dụng,

Thiện tâm luôn cúng dường Chư Phật,

Được hàng thiện tri thức che chở,

Đầy đủ mọi tâm nguyện sâu xa,

Tâm Từ Bi nghĩ đến chúng sinh,

Tin và hiểu giáo pháp Vô thượng.

Có đủ tám pháp như vậy rồi,

Thích hợp tự mình phát nguyện rằng:

Con được tự mình độ thoát rồi,

Nên tiếp tục độ thoát chúng sinh.

Bởi vì đạt được mười lực rồi,

Chắc chắn tiến vào trong Định tụ,

Thì sinh trong nhà của Như Lai,

Không còn có tất cả lỗi lầm.

Lập tức chuyển hóa đạo thế gian,

Tiến vào đạo xuất thế cao thượng,

Đây là đạt được địa thứ nhất,

Địa này gọi là địa Hoan Hỷ.

Căn thiện gieo trồng sâu dày; là theo như pháp mà tu tập mọi công đức, gọi là căn thiện gieo trồng sâu dày.

– Căn thiện; là không tham, không giận dữ, không si mê. Mọi pháp thiện đều từ ba loại này mà có, cho nên gọi là căn thiện. Mọi pháp ác cũng phát sinh từ tham lam-giận dữ-si mê, cho nên ba loại xấu này gọi là căn bất thiện. Trong luận A-Tỳ-Đàm phân biệt nhiều loại tâm lý, như hệ thuộc vào cõi Dục, hệ thuộc vào cõi Sắc, hệ thuộc vào cõi Vô sắc và không bị hệ thuộc hợp lại thành mười hai loại, có tâm tương ưng, có tâm không tương ưng, tất cả có hai mươi bốn loại. Trong số đó, lúc tu tập thiện căn vô lậu thì chưng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, còn lại là sự tu tập trong chín địa Bồ tát. Nhưng lúc chưa phát tâm cũng tu tập, hoặc trong một tâm có ba, hoặc trong một tâm có sáu, hoặc trong một tâm có chín, hoặc trong một tâm có mười hai. Hoặc chỉ quy tập tâm tương ưng chứ không quy tập tâm không tương ưng. Hoặc quy tập tâm không tương ưng chứ không quy tập tâm tương ưng. Hoặc quy tập tâm tương ưng cũng là tâm không tương ưng. Hoặc không quy tập tương ưng và tâm không tương ưng. Đó là sự phân biệt các căn thiện, như đã nói rộng trong A-tỳ-đàm. Trong đó căn thiện là chúng sinh cầu đạo vô thượng, đã thực hành mọi pháp thiện, đều gọi là căn thiện. Có thể phát sinh Trí Tát-bà-nhã cho nên gọi là căn thiện.

Làm những hạnh tốt lành, hành thiện thì gọi là thanh tịnh, các hành gọi là trì giới, thanh tịnh trì giới theo thứ tự mà thực hành là trì giới cùng với bảy pháp hòa hợp cho nên gọi là thiện hạnh. Những gì là bảy? Đó là:

  1. Tàm.
  2. Quý.
  3. Đa văn.
  4. Tinh tiến.
  5. Niệm.
  6. Tuệ.
  7. Đời sống trong sạch, nghiệp thân-miệng trong sạch.

Thực hành bảy pháp này, tuân giữ đủ các giới, thì gọi là cố gắng làm những hạnh tốt lành. Lại nữa, kinh nói: “Các thiền là nơi thực hành, cho nên người đạt được thiền gọi là khéo thực hành các hạnh”. Trong luận này, không hẳn dùng thiền mới có thể phát tâm. Vì sao? Vì khi Phật còn tại thế, vô lượng chúng sinh cũng đều phát tâm mà không cần phải có thiền. Lại nữa, bạch y tại gia cũng gọi là hành thiện.

Khéo quy tụ các vật sử dụng, thì phần trên của bài kệ đã nói: “Nếu căn thiện gieo trồng sâu dày, cố gắng làm những hạnh tốt lành khéo quy tụ các vật sử dụng, thiện tâm luôn cúng dường Chư Phật, được hàng thiện tri thức che chở đầy đủ mọi tâm nguyện sâu xa, tâm Từ Bi nghĩ đến chúng sinh, tin và hiểu giáo pháp vô thượng”. Đó gọi là các vật sử dụng. Vả lại, pháp thiện thực hành căn bản nhất định phải tu hành, thì thiện căn cũng gọi là các vật sử dụng. Đó là bố thí-nhẫn nhục, tâm chất trực không dua nịnh, cùng sống nhu hòa, vui vẻ không có tánh giận hờn, tất cả mọi lỗi lầm không che giấu, không chấp trước sai lạc, không ngang ngược bướng bỉnh, không tranh cãi, không tự cao, không phóng túng, bỏ kiêu mạn, lìa xa cao ngạo kỳ dị, không khen mình có thể nhẫn nhịn mọi điều, tâm quyết định có thể can đảm nhận lấy kết quả, không bỏ công việc khuyên răn và dạy bảo, ít ham muốn-biết vừa đủ, vui với đời sống vắng lặng một mình. Các pháp như vậy thuận theo thực hành rồi, dần dần có thể đầy đủ những công đức thù thắng, thì pháp vị vững vàng chắc chắn, cho nên gọi là công hạnh căn bản. Nếu rời xa pháp này thì không có thể tiến lên đạt được những công đức thù thắng vi diệu. Vì vậy pháp thực hành căn bản này cùng với tám pháp hòa hợp, vốn là các vật sử dụng của địa thứ nhất.

Thiện tâm luôn cúng dường Chư Phật, là nêu như Bồ tát đời đời đúng như pháp, thường xuyên cúng dường Chư Phật. Cúng dường có hai loại:

1. Cố gắng lắng nghe chánh pháp Đại thừa, hoặc mở rộng hoặc tóm lược.

2. Cúng dường bốn loại cần thiết, cung kính lễ lạy hầu hạ… có đủ hai pháp cúng dường Chư Phật như vậy, đó gọi là thiện tâm luôn cúng dường Chư Phật.

Thiện tri thức, thì Bồ tát tuy có bốn hàng thiện tri thức, nhưng trong này vốn nói đến hàng có năng lực chỉ bày tiến vào Đại thừa, đầy đủ các Ba-la-mật, là bậc có năng lực làm cho an trú trong mười địa. Đó là Chư Phật, Bồ tát và các Thanh văn, có năng lực nêu rõ và dạy cho pháp Đại thừa làm lợi ích hoan hỷ khiến không còn thối chuyển.

Che chở, là thường xuyên tự mình thương yêu khuyên răn dạy bảo, khiến cho thiện căn được tăng trưởng, đó gọi là che chở.

Đầy đủ mọi tâm nguyện sâu xa, là niềm vui sâu sắc đối với Phật thừa-Đại thừa Vô thượng và Nhất thiết trí thừa, đó gọi là đầy đủ mọi tâm nguyện sâu xa.

Hỏi: Trong phẩm Hòa hợp, Bồ-tát Vô Tận Ý bảo Tôn giả Xá-lợiphất: “Các Bồ tát vốn có phát tâm đều gọi là tâm sâu xa chăng”.

Đáp: Từ một địa đến một địa, cho nên gọi là tâm hướng đến. Do công đức tăng thêm cho nên gọi là tâm vượt qua. Do đạt được sự nghiệp vô thượng cho nên gọi là tâm thượng đỉnh. Do nhiếp thủ pháp cao nhất cho nên gọi là tâm cao nhất. Hiện tiền đạt được pháp của chư Phật cho nên gọi là tâm hiện tiền. Do quy tập các pháp lợi ích cho nên gọi là tâm duyên. Do thông suốt mọi pháp cho nên gọi là tâm độ. Không mỏi mệt với bổn nguyện cho nên gọi là tâm quyết định. Nguyện được thỏa mãn cho nên gọi là tâm hỷ. Do chính mình làm xong mọi việc cho nên gọi là tâm không bè bạn. Do xa lìa tướng hư hỏng nên gọi là tâm điều hòa. Do không có những điều ác cho nên gọi là tâm thiện. Tránh xa kẻ ác cho nên gọi là tâm không hỗn tạp. Dùng đầu để bố thí cho nên gọi là tâm buông xả khó có. Cứu giúp người phá giới cho nên gọi là tâm trì giới khó có. Năng lực nhận chịu kém cỏi mà điều ác tăng thêm cho nên gọi là tâm khó nhẫn. Chứng Niết-bàn rồi, nhưng có thể buông bỏ, cho nên gọi là tâm khó tinh tiến. Không ham mê thiền cho nên gọi là tâm khó thiền định. Không thấy chán đủ với căn thiện trợ đạo cho nên gọi là tâm tuệ khó có. Có khả năng đạt được tất cả mọi điều cho nên gọi là tâm vượt qua các hành. Có trí tuệ khéo tư duy, cho nên gọi là tâm xa lìa kiêu mạn. Làm mọi chuyện không mong trả ơn, cho nên gọi là tâm phước điền của hết thảy chúng sinh. Quán xét pháp rất sâu xa của Chư Phật cho nên gọi là tâm không sợ hãi. Không bị cản trở cho nên gọi là tâm tăng trưởng công đức. Thường phát khởi tinh tiến cho nên gọi là tâm vô tận. Có thể đảm nhận mọi gánh nặng cho nên gọi là tâm không sầu muộn.

Như nói:

Vả lại, nghĩa của tâm sâu xa, là bình đẳng nghĩ đến chúng sinh, thương yêu tất cả mọi loài, cúng dường các bậc hiền thiện, nghĩ thương xót những người ác, tôn kính đối với thầy dạy; cứu giúp cho người không có ai cứu giúp, làm nơi nương tựa cho người không nơi nương tựa, làm nơi sinh sống cho người không nơi sinh sống. Người không có nơi cuối cùng thì làm nơi cuối cùng cho họ, người không có bạn bè thì tự mình làm bạn bè cho họ. Ở giữa những người quanh co trái đạo lý nhưng tâm mình thực hành chất trực. Ở giữa những người bại hoại nhưng tâm mình thực hành đứng đắn chân thật. Ở giữa những người dua nịnh giùm pha nhưng tâm mình thực hành không dua nịnh. Ở giữa những người không biết ân nghĩa nhưng mình thực hành đối với tâm biết ân nghĩa. Ở giữa những người không biết làm việc mà thực hành biết làm mọi việc. Ở trong những nơi không có lợi ích nhưng tự mình thực hành có lợi ích. Ở giữa những chúng sinh tà vạy nhưng mình thực hành công hạnh chính đáng. Ở giữa những người kiêu mạn mà mình thực hành công hạnh không kiêu mạn. Ở giữa những người không thuận theo giáo pháp nhưng mình không buồn giận. Ở giữa những chúng sinh tội lỗi nhưng luôn luôn làm người che chở, chúng sinh có những lỗi lầm nhưng mình không chấp vào lỗi lầm của họ. Cúng dường phước điền, tùy thuận khuyên bảo dạy dỗ, tiếp nhận giáo hóa không khó; ở nơi vắng lặng dốc lòng tinh tiến, không mong cầu lợi dưỡng, không tiếc gì thân mạng. Đồng thời trong tâm thanh tịnh cho nên không có gì lừa dối nghi hoặc, khẩu nghiệp tốt đẹp cho nên không tự khen ngợi mình, biết dừng lại vừa cho nên không có hành động uy hiếp bức bách, tâm không cấu nhiễm cho nên thực hành hết sức nhu hòa, quy tập thiện căn cho nên có năng lực tiến vào sinh tử, vì chúng sinh cho nên nhẫn nại đối với tất cả khổ đau.

Hỏi: Bồ tát có những tướng mạo của tâm sâu xa như vậy, vốn không thể nói tận cùng được, nay ông chỉ nói về tướng của tâm sâu xa thì làm sao có thể không thiếu được?

Đáp: Không thiếu gì cả. Bồ tát Vô tận Ý nói tổng quát về tất cả tướng mạo của tâm sâu xa thuộc về một chỗ, nhưng mà trong này phân bố ra các địa; kinh Thập Trú này nói tách biệt về tướng tâm sâu xa của từng địa, vì vậy Bồ tát thuận theo trong các địa đều có được tâm sâu xa, nghĩa của tâm sâu xa tức là thuộc về địa của mình. Nay nói về hai tâm sâu xa trong địa thứ nhất:

  1. Tâm phát Đại nguyện.
  2. Tâm ở phần vị nhất định thành tựu.

Vì vậy nên biết tùy theo mười địa mà khéo léo nói về tâm sâu xa, ông nói làm sao có thể không thiếu được, thì điều này không phải như vậy.

Tâm Từ Bi đối với chúng sinh, là thành tựu tâm Bi cho nên gọi là Bi. Sao nói là Bi? Nghĩa là thương xót chúng sinh cứu giúp khổ nạn cho họ.

Tin và hiểu giáo pháp Vô thượng, là đối với giáo pháp của Chư Phật có sức mạnh của niềm tin thông suốt tất cả.

Phát nguyện con được tự mình độ thoát rồi sẽ tiếp tục độ thoát cho chúng sinh, là đối với tất cả các pháp của Chư Phật lấy nguyện làm căn bản, xa rời nguyện thì không thể thành tựu, vì vậy cho nên phát nguyện.

Hỏi: Vì sao không nói con sẽ độ thoát cho chúng sinh, mà nói là tự mình độ thoát rồi sẽ tiếp tục độ thoát cho chúng sinh?

Đáp: Tự mình chưa có thể độ thoát thì không có năng lực độ thoát cho người khác. Như người tự mình chìm trong bùn lầy, sao có thể kéo người khác thoát ra được. Lại như người bị nước cuốn trôi không có thể giúp gì cho người chết chìm, vì vậy nói rằng con độ thoát rồi sẽ độ thoát cho người.

Nếu người tự vượt qua sợ hãi,

Có thể làm chỗ dựa cho người,

Tự mình chưa vượt khỏi nghi ngờ,

Sao có thể độ thoát cho người?

Nếu người tự mình không làm thiện,

Không có thể khiến người làm thiện,

Nếu như không tự mình vắng lặng,

Sao có thể khiến người vắng lặng?

Vì vậy trước hết, mình phải cố gắng vắng lặng rồi sau đó mới giáo hóa mọi người. Như bài kệ Pháp Cú nói:

Nếu có thể tự mình an ổn

Thân ở tại nơi chốn tốt lành,

Sau đó làm an lòng người khác,

Mình và người cùng chung lợi ích.

Tất cả mọi việc đều trước hết phải lợi ích cho mình rồi sau mới có thể làm ích lợi cho người. Tại sao vậy? Như nói:

Nếu tự mình thành tựu lợi mình,

Mới có thể lợi ích cho người,

Tự bỏ mong muốn lợi cho người,

Mất lợi rồi buồn lo hối hận.

Vì vậy nói tự độ thoát rồi, sẽ độ thoát cho chúng sinh.

Hỏi: Được lợi gì mà nói thể hoàn thành việc này để tiến vào địa Tất định? Lại dùng tâm vào mà có thể mà phát nguyện như vậy?

Đáp: Có được mười lực của Phật thì có thể thành tựu được sự nghiệp này, bước vào địa Tất định thì có năng lực để phát nguyện này.

Hỏi: Mười lực của Phật là gì?

Đáp: Phật thấu suốt hết thảy nhân quả của tất cả các pháp, đó gọi là lực thứ nhất. Biết đúng như thật về nơi đã dấy khởi nghiệp nhân-quả báo của ba đời quá khứ-vị lai và hiện tại, gọi là lực thứ hai. Biết đúng như thật về tướng của các thiền định-Tam muội, phân biệt rõ ràng cấu nhiễm-thanh tịnh và ra vào, gọi là lực thứ ba. Biết đúng như thật về các căn nhanh nhạy-chậm chạp của chúng sinh, gọi là lực thứ tư. Biết đúng như thật về niềm vui khác nhau của các chúng sinh, gọi là lực thứ năm. Biết đúng như thật về các loại tánh khác nhau của thế gian, gọi là lực thứ sáu. Biết đúng như thật về tất cả nơi đến của đạo, gọi là lực thứ bảy.

Biết đúng như thật về mọi việc của đời trước, gọi là lực thứ tám. Biết đúng như thật về sự việc sống chết, gọi là lực thứ chín. Biết đúng như thật về việc của lậu tận, gọi là lực thứ mười. Bởi vì có được mười lực của Phật như vậy, cho nên dùng tâm đại thừa phát nguyện thì ngay lúc ấy tiến vào Tất định tụ.

Hỏi: Có phải ai mới phát tâm đều có tướng tâm như vậy chăng?

Đáp: Hoặc có người nói: Mới phát tâm thì có tướng như vậy. Nhưng thật sự không phải. Tại sao vậy? Việc này cần phân biệt, không nên trả lời xác định. Vì sao? Vì hết thảy Bồ-tát khi mới phát tâm không phải tất cả đều tiến vào Tất định. Hoặc có người khi mới phát tâm thì may lúc ấy tiến vào Tất định. Hoặc có người dần dần tu đạo công đức, như Phật Thích-ca Mâu-ni, khi mới phát tâm không tiến vào Tất định, sau đó tu tập công đức gặp được Phật Nhiên Đăng thì có thể tiến vào Tất định.

Vì vậy ông nói hết thảy Bồ-tát mới phát tâm liền tiến vào địa Tất định, đó là tà luận.

Hỏi: Nếu là tà luận, thì tại sao ông nói dùng tâm này mà tiến vào Tất định?

Đáp: Vì có Bồ-tát mới phát tâm liền tiến vào Tất định, dùng tâm này có thể đạt được địa thứ nhất. Bởi vì người này cho nên nói là mới phát tâm liền tiến vào trong Tất định.

Hỏi: Đó là tâm ban đầu của Bồ-tát, Phật Thích-ca-Mâu-ni mới phát tâm thì tâm này như thế nào?

Đáp: Tâm này không lẫn tạp với tất cả phiền não. Tâm này liên tục với nhau không ham theo Thừa khác. Tâm này vững chắc mà tất cả ngoại đạo không có năng lực thắng được. Tâm này tất cả quân ma không thể nào phá hoại. Tâm này là luôn luôn có năng lực quy tập mọi thiện căn. Tâm này có năng lực biết rõ các pháp hữu vi và vô vi. Tâm này không lay động mà có năng lực thâu nhiếp Phật pháp. Tâm này không che phủ mà xa rời các tà hạnh. Tâm này an trú không thể lay động nổi. Tâm này không có gì sánh bằng, không có gì trái ngược nhau. Tâm này như kim cang thông suốt tất cả các pháp. Tâm này không tận cùng mà quy tập vô lượng công đức phước thiện. Tâm này bình đẳng giống như tất cả mọi chúng sinh. Tâm này không có cao thấp, không có gì sai biệt. Tâm này là tánh thanh tịnh không có gì cấu trược. Tâm này xa lìa cấu nhiễm mà ngọn lửa trí tuệ sáng ngời. Tâm này không lầm lỗi, không rời bỏ tâm sâu xa. Tâm này Từ Bi rộng lớn giống như hư không. Tâm này là bao la mà tiếp nhận tất cả chúng sinh. Tâm này không ngăn cản cho đến không chướng ngại đối với trí. Tâm này bao phủ khắp nơi mà không đoạn mất Đại Bi. Tâm này không gián đoạn mà có năng lực hồi hướng chính xác. Tâm này là nơi tất cả chúng sinh hướng về, người trí tuệ đều ca ngợi. Tâm này đáng nhìn ngắm, hàng tiểu thừa luôn luôn chiêm ngưỡng. Tâm này khó thấy được, tất cả các chúng sinh không thể nào nhìn thấy.

Tâm này khó phá hủy mà có năng lực dễ dàng tiến vào Phật pháp. Tâm này là an trú trong trú xứ của tất cả mọi niềm vui vốn có. Tâm này là của cải sử dụng làm phước đức trang nghiêm. Tâm này là của cải sử dụng để trí tuệ chọn lựa. Tâm này thuần hậu lấy bố thí làm của cải sử dụng. Tâm này là của cải sử dụng cho đại nguyện trì giới. Tâm này là của cải sử dụng nhẫn nhục khó cản trở. Tâm này là của cải sử dụng cho tinh tiến khó thắng được. Tâm này là của cải sử dụng cho thiền định vắng lặng. Tâm này là của cải sử dụng cho trí tuệ không có gì làm não hại. Tâm này là tâm Từ sâu xa không hề có sân hận ngăn cản. Tâm này là tâm Bi sâu dày với gốc rễ sâu thẳm. Tâm này là Tâm Hỷ sâu dày vô cùng vui vẻ. Tâm này là tâm Xả sâu dày, mọi khổ vui không lay chuyển được. Tâm này được thần lực của Chư Phật cùng hộ niệm. Tâm này nối tiếp nhau làm cho Tam bảo không gián đoạn. Vô lượng công đức trang nghiêm cho tâm tiên tiến vào tất định như vậy, như trong phẩm Vô Tận Ý giải thích rộng. Tâm này không lẫn tạp với tất cả mọi phiền não, là kiến Đế tư duy mà đoạn trừ hai trăm chín mươi bốn loại phiền não không cho hòa hợp với tâm, cho nên gọi là không lẫn tạp. Tâm này liên tục với nhau không ham theo Thừa khác, là từ lúc mới phát tâm liên tục theo nhau cho đến nay, không ham theo thanh văn và Bích-chi-Phật, chỉ vì quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cho nên gọi là liên tục với nhau không ham theo Thừa khác. Bốn mươi chín câu luận như vậy, nên biết về tâm ban đầu là như vậy.

Hỏi: Ông nói tâm này là thường, mọi pháp hữu vi đều là vô thường, như trong Kinh Pháp Ấn nói: “Người tu hành quán xét thế gian là Không, tất cả không có gì thường còn mà không biến đổi, tan hoại”. Điều này sao có thể không trái ngược nhau?

Đáp: Điều ông hỏi với nghĩa không được đúng lý cho nên làm thành vấn nạn này trong này không nói tâm là thường. Trong này tuy rằng miệng nói là thường, nhưng phải hiểu chữ Thường có nghĩa là Tất định, do tâm ban đầu sinh ra chắc chắn có năng lực thường xuyên quy tập các thiện căn không hề dừng nghỉ cho nên gọi là Thường.

Sinh trong nhà của Như Lai, nhà Như Lai chính là nhà Phật. Như Lai: Như gọi là thật, Lai gọi là đến. Đến trong chân thật cho nên gọi là Như Lai. Như thế nào là chân thật? Đó là Niết bàn. Không hư dối cho nên đó gọi là Như Thật. Như trong kinh nói: “Đức Phật bảo với các Tỳ kheo: Thánh đế thứ nhất không có gì hư dối, chính là Niết bàn”. Vả lại, Như gọi là tướng không hủy hoại, đó gọi là Thật tướng của các pháp; Lai gọi là trí tuệ, đến trong Thật tướng thông suốt nghĩa lý ấy, cho nên gọi là Như Lai. Lại nữa không-Vô tướng-Vô tác gọi là Như; Chư Phật đi đến ba công giải thoát, cũng khiến cho chúng sinh đến được cổng này, cho nên gọi là Như Lai.

Lại nữa, Không, Vô tướng, Vô tác thì gọi là Như. Chư Phật lại đến ba cửa giải thoát ấy, các Ngài cũng muốn cho chúng sinh đến được đó, cho nên gọi là Như Lai.

Lại nữa, Như gọi là bốn Đế, bởi vì hết thảy mọi thứ đều thấy được bốn Đế, cho nên gọi là Như Lai.

Lại nữa, Như gọi là sáu pháp Ba-la-mật, đó là bố thí-trì giới-nhẫn nhục-tinh tiến-thiền định-trí tuệ. Do sáu pháp này mà đến được Phật địa cho nên gọi là Như Lai.

Lại nữa, bốn lĩnh vực công đức của Đế-Xả-Diệt-Tuệ cũng gọi là Như, dùng bốn pháp này mà đến được Phật địa cho nên gọi là Như Lai.

Lại nữa, hết thảy pháp Phật gọi là Như, dùng pháp mà đến với chư Phật gọi là Như Lai.

Lại nữa, hết thảy địa của Bồ-tát là Hoan Hỷ-Minh-Tịnh-DiệmNan thắng-Hiện Tiền-Thâm Viễn-Bất Động-Thiện Tuệ-Pháp Vân gọi là Như, các Bồ-tát theo mười địa này mà đến với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cho nên gọi Như Lai.

Lại dùng tám phần Thánh đạo đúng như thật mà đến cho nên gọi là Như Lai. Lại dùng hai chân Quyền-Trí đi đến quả Phật cho nên gọi là Như Lai. Như ra đi mà không trở lại cho nên gọi là Như Lai.

Như Lai là ba đời mười phương chư Phật. Nhà của chư Phật gọi là nhà Như Lai. Bây giờ Bồ-tát thực hành đạo Như Lai, nối nhau không dứt cho nên gọi là sinh vào nhà Như Lai. Nhưng Bồ tát này chắc chắn thành Như Lai, cho nên gọi là sinh vào nhà Như Lai. Ví như sinh vào nhà của Chuyển luân Thánh vương thì có tướng của Chuyển luân Thánh vương, người này chắc chắn làm Chuyển luân Thánh vương. Bồ-tát này cũng như vậy, sinh vào nhà Như Lai, phát tâm như vậy cho nên chắc chắn thành bậc Như Lai, thì gọi là sinh vào nhà Như Lai. Có người nói: Nhà Như Lai là nơi chốn của bốn công đức Đế-Xả-Diệt-Tuệ. Các bậc Như Lai từ trong bốn công đức này mà sinh ra, cho nên gọi là nhà Như Lai. Có người nói: Bát nhã Ba-la-mật và phương tiện là nhà Như Lai, như trong kinh Trợ Đạo nói:

Trí độ vô cực là người mẹ,

Thiện quyền phương tiện là người cha,

Sinh ra cho nên gọi là cha,

Nuôi dạy cho nên gọi là mẹ.

Tất cả thế gian lấy cha mẹ làm nhà. Do hai công đức này giống như cha mẹ cho nên gọi là nhà.

Có người nói: Pháp thiện và trí tuệ gọi là nhà của chư Phật. Chư Phật sinh ra từ hai pháp này. Hai pháp này chính là cội rễ của mọi pháp thiện. Như trong kinh nói: “Thực hành đầy đủ hai pháp này thì thành tựu chánh pháp. Pháp thiện là cha, trí tuệ là mẹ. Hai pháp này cùng hòa hợp nhau thì gọi là nhà của chư Phật”. Như nói:

Bồ tát lấy pháp thiện làm cha,

Lấy trí tuệ làm mẹ của mình,

Tất cả các Như Lai ba đời,

Đều từ hai pháp này sinh ra.

Có người nói: Tam-muội Bát chu và Đại bi gọi là nhà của chư Phật. Từ hai pháp này sinh ra các Đức Như Lai.

Trong đó, Tam-muội Bát chu là cha, Đại Bi là mẹ.

Lại nữa, Tam-muội Bát chu là cha, pháp Nhẫn vô sinh là mẹ. Như trong Trợ Bồ-đề có nói:

Tam-muội Bát chu là người cha,

Đại Bi-Vô sinh là người mẹ,

Tất cả các Như Lai ba đời,

Từ hai pháp này mà sinh ra.

– Nhà Như Lai không hề có lỗi lầm, là nhà thanh tịnh. Thanh tịnh nghĩa là sáu pháp Ba-la-mật, bốn nơi quy tụ công đức, phương tiện Bát nhã Ba-la-mật, pháp thiện và trí tuệ, Tam-muội Bát chu, Đại Bi và các Nhẫn, đều là các pháp thanh tịnh, không hề có lỗi lầm cho nên gọi là nhà thanh tịnh. Bồ-tát lấy các pháp này làm nhà cho nên không có những lỗi lầm.

– Chuyển đổi lỗi lầm chuyển đổi từ đạo lý của thế gian mà tiến vào đạo xuất thế vô thượng, đạo lý thế gian gọi là đạo thực hành của hàng phàm phu, chuyển đổi gọi là dừng lại. Đạo lý của phàm phu thì không có năng lực cuối cùng đến được Niết bàn, mà thường qua lại trong sinh tử, đó gọi là đạo lý của phàm phu. Xuất thế gian là nhờ vào đạo lý này mà được thoát khỏi ba cõi, cho nên gọi là đạo lý xuất thế gian.

– Thượng nghĩa là tốt đẹp cho nên gọi là thượng. Nhập lại chính thức thực hành đạo pháp cho nên gọi là nhập. Dùng tâm này bước vào địa thứ nhất, gọi là địa Hoan hỷ.

Hỏi: Sao gọi địa thứ nhất là địa Hoan hỷ?

Đáp:

Như đạt được quả vị thứ nhất,

Cuối cùng đến được chốn Niết-bàn,

Bồ tát đạt được địa vị này,

Tâm luôn luôn có nhiều hoan hỷ

Tự nhiên được tăng thêm mạnh mẽ

Chủng tử của Chư Phật Như Lai,

Vì vậy cho nên như người này,

Được gọi là người bậc Hiền thiện.

Như đạt được quả vị thứ nhất, là như người đạt được đạo quả Tuđà-hoàn, khéo léo đóng chặt cửa vào ba ác đạo, nhận thấy pháp-tiến vào pháp và đạt được pháp, an trú kiên cố trong pháp không thể nào làm cho khuynh động. Cuối cùng đến được chốn Niết bàn, đoạn được pháp do kiến đế mà đoạn, cho nên tâm vô cùng hoan hỷ, giả sử có ngủ nghỉ-uể oải nhưng không đến nỗi rơi vào hai mươi chín cõi khác. Như dùng một mảy lông chia làm trăm phần, dùng phần trăm của một mảy lông ấy chấm lấy nước biển rộng, chỉ giống như vào ba giọt mà thôi. Khổ đã diệt thì như nước biển rộng, khổ còn lại chưa diệt thì như vài ba giọt đã chấm lấy. Tâm luôn luôn có nhiều hoan hỷ, Bồ tát đạt được địa thứ nhất như vậy rồi, gọi là sinh trong nhà Như Lai, được tất cả trời rồng, dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-lagià, Phạm vương, Thiên vương, Sa môn, Bà-la-môn và hết thảy Thanh văn, Bích-chi-Phật đều cùng nhau cúng dường cung kính. Tại vì sao? Bởi vì người sinh trong nhà này không còn có lỗi lầm, chuyển đổi đạo lý thế gian tiến vào đạo lý xuất thế gian, chỉ vui với lòng cung kính Đức Phật, đạt được xứ sở của bốn công đức, đạt được mùi vị quả báo của sáu pháp Ba-la-mật, không đoạn mất dòng dõi của Chư Phật cho nên tâm vô cùng hoan hỷ. Bồ tát này vốn có nỗi khổ còn lại chỉ bằng vài ba giọt nước, tuy trải qua trăm ngàn ức kiếp đạt được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nhưng đối với nỗi khổ sinh tử từ vô thỉ, chỉ giống như vài ba giọt nước, những nỗi khổ đã được diệt trừ thì giống như nước trong biển rộng. Vì vậy cho nên địa này gọi là địa Hoan Hỷ.