LUẬN THÀNH THẬT
Trước tác: Ha Lê Bạt Ma
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Tam Tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 13

Phẩm 166: NHỊ THIỀN

Diệt trừ các giác quán, nội tịnh nhất tâm, không giác không quán, định sinh hỷ lạc tức thể nhập vào Thiền thứ hai.

Hỏi: Nếu cho rằng Thiền thứ hai diệt trừ giác quán, thì thiền thứ nhất chắc chắn có giác quán. Cũng tức như trong thiền thứ hai có hỷ, nên thiền thứ ba nói diệt hỷ?

Đáp: Như trong Thiền thứ nhất không căn khổ mà cũng cho rằng có căn khổ. Phương pháp diệt Thiền thứ hai cũng lại như vậy.

Hỏi: Trong thiền thứ nhất tuy không có căn khổ nhưng có các thức, các thức là nơi nương tựa của các gốc khổ. Cho nên nói thiền thứ nhất không diệt?

Đáp: Trong thiền thứ nhất tuy có các thức nhưng chẳng phải là chỗ nương tựa của căn khổ.

Hỏi: Tánh của năm thức là nơi nương tựa của căn khổ. Vì tánh giống nhau nên nói thiền thứ nhất có khổ?

Đáp: Nếu như vậy, thì căn ưu do từ tánh ý thức sinh nên tất cả nơi đều có.

Hỏi: Nay vì sao thuyết giảng diệt trừ căn khổ trong thiền thứ hai?

Đáp: Thiền thứ nhất gần với tâm bất định, thường sinh các thức trói buộc ở cõi Dục; ở trong ấy sinh căn khổ, cho nên không nói thiền thứ nhất diệt trừ khổ.

Hỏi: Như thế thiền thứ nhất cũng gần căn ưu. Căn ưu ấy cũng nên cho rằng như phương pháp diệt trừ của thiền thứ hai, thiền thứ ba?

Đáp: Căn ưu dựa vào dục, từ dựa vào dục nên sinh hỷ, được hỷ thanh tịnh thì diệt hỷ bất tịnh. Vì thế trong thiền thứ nhất không có căn ưu; dựa vào bất định sinh ra căn khổ. Thiền thứ nhất gần với tâm tán

loạn nên không gọi là diệt. Lại như thiền thứ ba không có khổ cũng nói là đoạn trừ khổ lạc, để nhập vào thiền thứ tư, việc này cũng vậy. Hành giả ở trong thiền thứ nhất định chưa đầy đủ, thường bị giác quán làm tán loạn, nên nói Thiền thứ hai diệt trừ các giác quán.

Nội tịnh là thiền thứ hai, giữ gìn tâm thâm sâu nên tâm tán loạn chẳng xen lẫn vào được, vì trong tâm không tán loạn nên gọi là nội tịnh. Thể của thiền thứ hai là nhất tâm. Không giác không quán gọi là nhất tâm, tâm thực hành một đạo cũng gọi là thiền tức là nội tịnh. Chứng được định sâu xa này nên giác quán không sinh, chẳng phải như ở thiền thứ nhất, tâm thường có giác quán. Vì thế nên gọi đây là không giác không quán.

Định sinh hỷ lạc là thiền thứ nhất vì xa lìa nên đắc được hỷ. Ở trong đó vì thành tựu được định, nên được hỷ, gọi là định sinh.

Hỏi: Hỷ trong thiền thứ nhất và hỷ trong thiền thứ hai có gì sai khác.

Đáp: Thiền thứ nhất vì diệt ưu nên được hỷ, thiền thứ hai vì diệt khổ nên được hỷ. Lại nữa, hỷ trong thiền thứ nhất trái với hỷ bất tịnh mà được, hỷ trong thiền thứ hai trái với hỷ tịnh mà được, tuy đều do nhân duyên ái nên được hỷ mà hỷ trong thiền thứ nhất rất yếu.

Hỏi: Nghĩa như thế là hữu lậu hay vô lậu?

Đáp: Đều là hữu lậu, có tâm ngã là có hỷ. Nếu tâm vô lậu thì không có ngã, không có ngã nên không có hỷ.

Hỏi: Vô lậu không có hỷ là điều không đúng. Trong bảy giác chi Đức Phật dạy là hỷ giác phần. Giác phần chỉ là vô lậu, cho nên biết có hỷ vô lậu. Lại nữa, trong kinh dạy: “Người có tâm hỷ thì thân được khinh an, thân được khinh an thì thọ nhận lạc. Nếu không có tâm hỷ vô lậu thì cũng nên không có lạc khinh an vô lậu. Đức Phật thấy Tăng chúng tu hành sâu xa pháp thiện thì sinh hoan hỷ, nên biết có hỷ vô lậu”.

Đáp: Ông lấy bảy giác chi chứng minh có hỷ vô lậu, điều này chẳng đúng. Giác phần có hai thứ: Hữu lậu và vô lậu. Như trong kinh dạy: “Khi hành giả nghe pháp thường diệt trừ năm thứ ngăn che, thực hành bảy giác chi thì giác gọi là trí vô lậu. Nếu vì giác ngộ mà tu tập tất cả pháp quán bất thiện, thì đều gọi là giác phần. Ông nói cũng không nên có hỷ vô lậu ấy. Trước sinh hỷ sau mới được vô lậu, đó là như thật tri kiến. Lại chẳng phải tất cả sự khinh an đều là nhân nơi hỷ mà sinh ra. Như thiền thứ ba trở lên không có hỷ, cũng có khinh an. Lại chúng tôi không nói lìa trí mà riêng có pháp thọ. Trí vô lậu này lúc mới đến nơi tâm, gọi là lạc, vì thế có lạc vô lậu, nhưng chẳng phải do hỷ sinh. Trong kinh dạy: “Diệt trừ các phần thô nặng của thân và tâm gọi là khinh an”. Khi được vô lậu thì thân tâm điều hòa cho nên có vô lậu. Đức Phật do thường thực hành tâm xả nên nói Đức Phật có hỷ. Việc này cần phải rõ. Nếu người không có ngã và ngã sở thì không có hỷ. Nếu A-la-hán có hỷ cũng phải có ưu, nhưng thực ra không có ưu nên biết không có hỷ.

Hỏi: Như thiền thứ nhất, thứ hai có hỷ không ưu, A-la-hán cũng như vậy, có hỷ không có ưu là có lỗi gì?

Đáp: Trong các thiền định có ưu như trong nghĩa căn đã nói: “Ưu, hỷ cho đến Hữu đảnh, khổ vui tùy thân, cho đến thiền thứ tư. Lại hướng đến trong thiền thứ ba nói: “Lìa hỷ thực thực hành xả cho nên biết không có hỷ vô lậu. Nếu có tại sao nói xa lìa? Vả lại, tâm vô lậu không nên có hỷ. Vì hỷ nương vào giả danh, tưởng phân biệt mà có.

Hỏi: Nếu như thế, thiền thứ nhất và thứ hai không có thọ vô lậu? Trong kinh dạy: “Thiền thứ nhất và thứ hai chỉ có hỷ chưa có tâm”. Hỷ này do đâu mà có?

Đáp: Hỷ này lìa tất cả hỷ mà không nói đến thiền vô lậu. Lại có kinh nói về thiền vô lậu. Đó là hành giả, do tướng gì, duyên gì mà vào thiền thứ nhất rồi chẳng nghĩ đến tướng ấy, duyên ấy, chỉ quán sắc, thọ, tưởng, hành, thức có trong thiền thứ nhất, như bệnh như ung nhọt cho đến vô ngã.

Hỏi: Như bệnh, như ung nhọt, như mũi tên đau nhức. Bốn điều này là thế gian thực hành, chẳng phải là vô lậu. Vì thế ông lấy kinh ấy làm chứng minh không thể thành lập được vô lậu.

Đáp: Bốn hành này đều là tên khác của khổ, nên gọi là vô lậu.

Hỏi: Bậc Học cũng không có hỷ vô lậu sao?

Đáp: Nếu tâm an trú ở đạo, khi ấy không có hỷ, ở tục thì có, bậc vô học thường không có.

Hỏi: Trong kinh dạy: “Nhờ tâm hỷ lạc có thể đắc bốn đế”. Vì sao nói không có hỷ vô lậu?

Đáp: Tâm vô ngã gọi là lạc. Hành giả được tâm vô ngã, vì phá trừ điên đảo, biết chân thật nên tâm được an vui, không chỉ có hỷ. Kinh này giảng thuyết rõ không dùng hỷ mà có thể đắc thật trí, nên mới cho như thế.

 

Phẩm 167: TAM THIỀN

Xa lìa hỷ, thực hành xả, nhớ nghĩ trí tuệ an ổn, thân được lạc. Lạc này là lạc mà Thánh nhân cũng nói, cũng xả, nhớ nghĩ tu tập nhập được thiền thứ ba.

Hỏi: Tại sao xa lìa hỷ?

Đáp: Hành giả thấy hỷ thường trôi nổi nên xa lìa. Lại hỷ do tưởng phân biệt sinh. Hỷ là tướng thay đổi, từ trước đến nay khổ thường đuổi theo. Vì điều này nên xa lìa. Hành giả được thiền thứ ba vắng lặng nên xả thiền thứ hai. Do hỷ sinh lạc cạn mỏng, lìa hỷ sinh lạc sâu đậm. Như người đối với vợ con chẳng thường mừng, vì mừng từ tưởng phân biệt sinh, vì vui không do tưởng phân biệt sinh nên thường có. Hành giả cũng vậy. Hỷ mới đến cho là lạc, sau đó nhàm chán nên xa lìa.

Hỏi: Nếu người bị nóng làm bực bội thì lấy lạnh làm vui? Hành giả bị khổ gì bức não mà lấy thiền thứ ba làm vui?

Đáp: Hỷ trong thiền thứ hai là tướng lay động, như chông gai. Hành giả bị hỷ này làm khó chịu nên ở trong định không có hỷ mà sinh tâm lạc.

Hỏi: Tùy có khổ nóng liền lấy lạnh làm an vui. Nếu xa lìa được lạnh nóng thì chẳng có lạc. Hành giả, nếu xa lìa hỷ rồi, thì tại sao trong tam thiền còn sinh tâm lạc.

Đáp: Sinh lạc có hai loại: hoặc do còn khổ, như có khổ nóng thì lấy lạnh làm an lạc; hoặc do lìa khổ, như lìa kẻ oán ghét, như Đức Phật lìa Tỳ-kheo Câu-xá-di nói là Ta an lạc. Việc này cũng vậy, xa lìa được tướng động nên ở trong thiền thứ hai sinh lạc. Như trừ bỏ năm dục nên lấy thiền thứ nhất làm lạc.

Hành xả là vì xa lìa hỷ nên tâm được vắng lặng. Hành giả trước kia chấp chặt vào tâm hỷ nhiều tán loạn, nay xa lìa nên tâm ấy vắng lặng, vì thế gọi là tu tập tâm xả. Nhớ nghĩ, an tuệ là đối với lỗi trong hỷ, hai pháp này thường hoàn bị chẳng cho hỷ đến xen vào phá hoại. Nhớ nghĩ là nhớ nghĩ hỷ, an tuệ là thấy lỗi trong hỷ. Thọ thân lạc là xa lìa hỷ, tu tập xả, xả tức là lạc. Vì không vọng động tìm cầu vì lạc này chẳng do tưởng phân biệt sinh nên gọi là thân thọ lạc. Thánh nhân cũng nói cũng xả là nói tùy theo người thế gian nên gọi là lạc. Như nói tâm phi tưởng phi phi tưởng xứ vì chẳng tham đắm nên xả. Nhớ nghĩ tu tập lạc là người này biết xả, nghĩa là thấy lỗi của hỷ mà sinh nhàm chán xa lìa, vì thế được xả vi diệu. Nhớ nghĩ cũng vi diệu nghĩa là thường nhớ nghĩ lỗi của hỷ. Trong đây cũng nên nói an tuệ với nhớ nghĩ đồng hành nên không nói ra. Lạc là vui đệ nhất. Cho nên Thánh nhân cũng nói cũng xả.

Hỏi: Trong thiền thứ ba có thọ lạc, tại sao nói xả lạc?

Đáp: Trong luận này không nói xa lìa thọ riêng biệt mà có xả lạc.

Thọ lạc tức là xả lạc.

Hỏi: Nếu như vậy trong thiền thứ tư nên nói thọ lạc vì có xả?

Đáp: Tôi nói thiền thứ tư cũng có thọ lạc chỉ vì diệt lạc ở thiền thứ ba nên cho như thế.

Hỏi: Nếu tất cả đều là thọ lạc, tại sao thiền thứ nhất, và thứ hai gọi là hỷ, mà thiền thứ ba gọi là lạc?

Đáp: Vì tưởng phân biệt nên gọi là hỷ, không có tưởng phân biệt nên gọi là lạc. Hành giả ở trong thiền thứ ba tâm càng chuyên nhất. Không có tưởng phân biệt nên gọi là lạc. Lại do chứng được thiền thứ ba vắng lặng càng sâu xa nên gọi là lạc. Như nói tâm loạn động tìm cầu, Thánh nhân gọi đó là khổ. Động là phân biệt nói ở đây là lạc.

 

Phẩm 168: TỨ THIỀN

Diệt trừ khổ, lạc, trước đoạn trừ ưu, hỷ, không khổ, không vui, xả niệm thanh tịnh vào được Thiền thứ tư.

Hỏi: Nếu trước đoạn trừ khổ thì tại sao ở trong đây nói? Nếu chắc chắn muốn nói thì nên nói trước đoạn trừ trước, như trước nói diệt trừ ưu, hỷ.

Đáp: Thiền thứ tư gọi là bất động. Vì muốn thành tựu tướng bất động này nên nói không có bốn loại thọ. Vì sao? Vì động gọi là phát động. Hành giả bị khổ vui xâm chiếm thì tâm loạn động. Tâm động phát sinh tham giận, nên diệt trừ khổ lạc khiến tâm không động.

Hỏi: Nếu thọ của thiền thứ tư lợi ích rất lớn tại sao không gọi là lạc?

Đáp: Thọ này vắng lặng nên nói không khổ không lạc. Tùy theo tâm nhớ nghĩ biết đây là lạc gọi là lạc. Chứng được thiền thứ tư xa lìa lạc của thiền thứ ba nên chẳng gọi là lạc. Xả niệm thanh tịnh là trong đây xả thanh tịnh vì không tìm cầu. Thiền thứ ba có tìm cầu cho đó là lạc. Ở trong đây niệm cũng thanh tịnh. Vì sao? Vì trong thiền thứ ba do ưa thích lạc nên nhớ nghĩ tán loạn. Đến thiền thứ tư này diệt trừ dục lạc nên nhớ nghĩ thanh tịnh.

Hỏi: Tại sao thiền thứ tư không gọi là an tuệ?

Đáp: Nếu nhớ nghĩ thanh tịnh thì nên biết là đã nói an tuệ rồi, vì hai pháp này không lìa nhau. Đạo thiền định này chẳng phải đạo trí tuệ. Vì an tuệ là tuệ nên không nói. Thiền thứ ba trong phần sau cũng không nói an tuệ, chỉ nói thực hành xả, nhớ nghĩ lạc, không nói thực hành xả nhớ nghĩ lạc tuệ. Lại nhớ nghĩ này thường thành tựu thiền định. Nếu người khi định chưa thành thì cần phải lấy tưởng nhớ nghĩ mới có khả năng thành. Cho nên được nói riêng. Lại được công đức trên hết, trừ bỏ công đức thấp hơn, không cần suy nghĩ nên chẳng trình bày tuệ.

Hỏi: Thọ không khổ không lạc là phần vô minh. Trong thiền thứ tư, phần nhiều trái nghịch với tuệ, nên không trình bày tuệ?

Đáp: Nếu như thế, thọ không khổ không lạc không phải là vô lậu. Thọ lạc là một phần của tham nên cũng không phải là vô lậu

Hỏi: Trong thiền thứ ba vì trái với lỗi quả vị địa mình nên nói an tuệ, vì trái lỗi quả vị địa khác nên gọi là nhớ nghĩ. Ở trong thiền thứ tư quả vị địa mình không có lỗi như vậy, cho nên không nói an tuệ?

Đáp: Thiền thứ tư cũng có các lỗi như tham v.v… nên phải nói là an tuệ. Lỗi tham trong ấy nhỏ nhiệm khó nhận biết, nên chắc chắn phải nói. Trong các quả vị địa khác cũng nên nói mà chẳng nói, nên phải biết như tôi trả lời.

Hỏi: Tại sao thiền thứ tư diệt trừ hơi thở ra vào?

Đáp: Hơi thở dựa vào thân tâm. Vì sao biết được? Vì tùy theo tâm yếu thì hơi thở cũng yếu. Thiền thứ tư tâm chẳng động nên diệt trừ hơi thở ra vào. Như người mệt mỏi, nếu gánh gánh nặng lên núi thì hơi thở ra mạnh, nếu khi nghĩ thì hơi thở yếu. Thiền thứ tư cũng lại như vậy. Vì tướng không động tâm dưng nghĩ, nên diệt trừ hơi thở ra vào. Có người cho rằng hành giả chứng được thiền thứ tư nên bít các lỗ chân lông nơi thân bốn đại, vì thế hết thở. Điều này không đúng. Vì sao? Vì ăn uống mồ hôi chảy ra khắp thân mình. Nếu bít các lỗ chân lông thì không chảy được. Mà thật chẳng phải. Nên biết năng lực ở tâm của thiền thứ tư khiến diệt trừ hơi thở.

Hỏi: Trong thiền thứ tư không có thọ lạc, trong đó làm sao có ái trói buộc. Trong kinh dạy: “Trong thọ lạc có ái trói buộc?”.

Đáp: Trong ấy có thọ lạc rất nhỏ, chỉ đoạn trừ được lạc thô nên nói không khổ không lạc. Như gió làm xao đèn, nếu đèn để trong nhà kín thì chẳng gọi là xao động. Trong ấy chắc chắn có ít gió, nhưng không có gió mạnh nên chẳng gọi là xao động. Thiền thứ tư cũng vậy, chắc chắn có lạc vi tế nhưng vì diệt trừ khổ lạc thô nên gọi là không khổ không lạc

 

Phẩm 169: KHÔNG VÔ BIÊN XỨ

Vượt qua các tướng sắc, diệt trừ tướng có đối, chẳng nhớ nghĩ các tướng khác thì nhập vào không vô biên xứ. Tướng sắc là tướng sắc, hương, vị, xúc. Vì sao hành giả phải vượt qua? Vì trong sắc ấy có đối có ngại và các tướng khác, như các tiếng chuông, trống… Các tướng này là đủ các loại phiền não, đủ các loại nghiệp, đủ các nhân khổ, vì thế nên phải vượt qua. Nếu qua tất cả tướng sắc thì diệt trừ được tướng có đối. Tướng có đối đã diệt thì không có tướng khác. Trong này nói tóm lược nên không trình bày vượt qua đây nên đây diệt. Lại có người cho rằng: “Tất cả tướng sắc chính là tướng mà nhãn thức nương tựa. Tướng có đối là tướng mà các thức như nhĩ, tỷ, thiệt, thân nương tựa. Tướng khác là tướng mà ý thức nương tựa”. Việc này không đúng. Vì sao? Vì nếu nói diệt tướng có đối thì đã tóm thâu sắc rồi, can gì nói riêng? Lại lìa tướng sắc, tướng đối không có sắc riêng làm nơi nương tựa cho ý thức. Cho nên chẳng cần nói riêng tướng khác, phải nói như trên.

Thể nhập vào Không vô biên xứ là hành giả vì tướng sắc bức bách, ồn ào, mỏi mệt nên quán hư không rỗng lặng, không có giới hạn. Bên trong lấy tướng rỗng lặng của mắt, mũi, yết hầu; bên ngoài lấy tướng trống không của giếng, hang, cửa, bộng của cây… lại quán thân chết bỏ nơi mồ mả, lửa cháy tan hết, hoặc chim thú giành nhau ăn, dòi sâu từ trong ấy bò ra… Nên biết thân này trước đã trống không.

Hỏi: Định hư không này lấy gì làm duyên?

Đáp: Trước hết duyên với hư không, thành tựu rồi tự duyên các ấm, cũng duyên với các ấm khác. Vì sao? Vì lấy tâm Bi làm đầu, phát sinh ý nghĩ như vậy: Chúng sinh thật đáng thương vì bị sắc tướng làm khổ.

Hỏi: Định này duyên nơi chúng sinh nào?

Đáp: Duyên nơi tất cả chúng sinh

Hỏi: Hành giả đã lìa sắc tướng, làm sao có thể duyên chúng sinh ở cõi Dục, cõi Sắc được?

Đáp: Hành giả này thường duyên với sắc, nhưng đối với sắc, tâm chẳng thích thú, không ưa, không say đắm. Như trong kinh nói: “Nếu Thánh nhân biết rõ, nhớ nghĩ về năm dục thì đối với chúng chẳng ưa, chẳng đắm, vì sợ chìm đắm trở lại như thiêu cháy gân lông. Nếu nghĩ đến Niết-bàn thì tâm được thông suốt. Người này như vậy, có thể duyên sắc nhưng chẳng ưa thích. Lại như hành giả tuy lìa các tướng sắc như dùng giới hạn của hư không thường duyên nơi thiền thứ tư. Như định vô sắc thường duyên với sắc vô lậu. Trong đó không có lỗi vì chẳng phải là nơi phiền não, nên cũng lại như vậy.

Hỏi: Hư không là tánh của sắc nhập. Làm sao duyên đó có thể vượt qua sắc tướng?

Đáp: Định này duyên với vô vi hư không, nên có thể vượt qua sắc

Hỏi: Định này không duyên với hư không vô vi. Vì sao? Định này trong phương tiện trình bày duyên hư không trong mắt… nên biết duyên với hư không hữu vi. Trong kinh không nói tướng hư không vô vi chỉ nói tướng hư không hữu vi, nghĩa là vô sắc xứ là hư không. Vì thế không có hư không vô vi?

Đáp: Tánh của sắc chẳng gọi là hư không. Vì sao? Vì trong kinh dạy: “Hư không, không có sắc, không thể nhìn thấy, không thể đối”.

Hỏi: Lại có kinh dạy: “Nhờ ánh sáng biết hư không. Ngoài sắc ra không có pháp nào, dựa vào ánh sáng có thể biết”.

Đáp: Vô sắc gọi là hư không. Các sắc do ánh sáng có thể biết. Vì thế nhờ ánh sáng mà biết được không có sắc, chẳng phải có hư không. Lại ở trong bóng tối cũng biết hư không, người mù dùng tay cũng biết hư không, dùng gậy cũng biết hư không. Như thế nên biết hư không chẳng phải tánh của sắc. Sắc chẳng do những nhân duyên này có thể biết. Lại sắc là có đối còn hư không không có đối. Lại dùng lửa có thể diệt hết các các sắc nhưng không thể diệt được hư không. Nếu hư không diệt lại gọi là pháp gì?

Hỏi: Nếu có sắc sinh thì hư không diệt; như xây dưng thành vách thì trong ấy không có hư không.

Đáp: Sắc sinh trong ấy thì sắc này không bị diệt. Vì sao? Vì sắc không gọi là hư không. Không có pháp nào mà không thể không. Vì thế sắc chẳng diệt hư không. Ông cho hư không là sắc, trong đó không có nhân duyên nào có thể khiến thành sắc được.

Hỏi: Hiện thấy hư không trong cửa… trong việc hiện thấy đó không cần có nguyên nhân?

Đáp: Hư không chẳng hiện thấy được. Như trước đã phá rồi, nghĩa là ở trong tối cũng có thể biết được.

Hỏi: Nếu hư không chẳng phải sắc thì là pháp gì?

Đáp: Hư không gọi là vô pháp, những nơi không có sắc gọi là hư không.

Hỏi: Trong kinh dạy: “Nhân nơi sáu loại nên chúng sinh thọ thân”. Lại nói: “Hư không không thể thấy, không có sắc, không có đối”. Nếu vô pháp thì không thể phát ra lời nói như vậy. Không có ai nói sừng thỏ gọi không thể thấy, không có sắc, không có đối.

Đáp: Nếu thật có pháp thì đều có nơi nương tựa như danh nương sắc, sắc lại nương danh. Hư không không nương nên biết là vô pháp. Ông nói hư không thuộc sáu loại ấy thì không đúng. Vì sao? Vì sắc ngăn ngại sắc, sắc này được sắc khác mất, nên được tăng trưởng. Do nghĩa này nên Đức Phật dạy: “Nhân nơi sáu loại, chúng sinh thọ thân”. Ông nói hư không không có sắc, không có hình, không có đối cũng vì phá các vật, nên mới nói như vậy chứ không nói có tướng hư không. Ông nói không có ai nói sừng thỏ là không thể thấy, không sắc, không đối đều là không đúng. Vì sao? Vì đều do hư không có được những việc để làm, đến đi. Trong các sừng thỏ không có nghĩa như thế.

Hỏi: Tâm cũng vậy. không sắc, không hình, không đối có thể nói không có chăng?

Đáp: Tâm có tạo nghiệp, nghĩa là thường lấy cảnh duyên, hư không không có nghiệp. Do không có nên có chỗ tác dụng cho nên biết là vô pháp. Nên biết định này ban đầu duyên với hư không.

Hỏi: Định này thường duyên với địa nào?

Đáp: Định này duyên với tất cả địa và duyên đạo, diệt.

Hỏi: Có người cho: “Các định vô sắc tuy thường duyên Diệt, nhưng duyên với tỷ trí phần diệt, không duyên với hiện trí phần diệt. Việc này là thế nào?

Đáp: Duyên tất cả diệt. Dùng hiện pháp trí duyên với hiện tại tự địa diệt. Lấy Tỷ trí duyên với các diệt khác. Đạo cũng như vậy, thường duyên tất cả pháp.

Hỏi: Chúng sinh ở cõi Vô sắc có thể khởi tâm các địa không?

Đáp: Thường khởi tâm các địa khác và tâm vô lậu nữa.

Hỏi: Nếu vậy làm sao không bị chìm đắm?

Đáp: An trú trong nghiệp quả báo nên chẳng bị lùi lại. Như nhờ sức thần thông trong cõi Sắc và Dục, an trú sắc khác tâm khác mà thường chẳng bị thoái lui. Trong đây cũng vậy.

Hỏi: Định vô biên hư không và hư không xứ, nhất thiết xứ có gì sai khác?

Đáp: Muốn vào định hư không, phương tiện đạo gọi là nhất thiết, vào định được thành tựu rồi gọi là định hư không. Trong đây nhân quả của định là tất cả hữu lậu, vô lậu, hoặc định, hoặc chẳng phải định, hoặc cấu, hoặc tịnh đều gọi là vô biên hư không xứ.

Phẩm 170: BA ĐỊNH VÔ SẮC

Vượt qua tất cả vô biên hư không xứ vào định vô biên thức xứ, hành giả rất nhàm chán sắc, nên cũng bỏ luôn pháp đối trị sắc. Như người qua sông rồi cũng bỏ thuyền để đi; như thoát khỏi giặc muốn bỏ đi xa. Hành giả cũng vậy, tuy nhờ “không” mà phá được sắc cũng muốn bỏ đi. Vô biên thức là hành giả dùng thức thường duyên hư không vô biên nên thức vô biên. Vì vậy nên bỏ không duyên thức. Lại như vì sắc mệt mỏi nên duyên với hư không. Như vậy bị hư không làm mệt mõi, muốn ngăn dứt nên chỉ duyên với thức. Người này dùng thức thường duyên hư không, nên cho thức là hơn hết, nên chỉ duyên thức. Hành giả dùng thức tùy duyên tùy thời, nên sinh mệt mỏi, nhàm chán vô cùng, lại muốn phá thức, nên mới vào vô sở hữu xứ liền suy nghĩ như vậy: “Theo thức thì khổ, nếu ta có thức không có giới hạn thì chắc chắn sẽ có khổ không có giới hạn, vì thế phải giữ gìn các tâm thức duyên lại. Do tâm quá nhỏ nên gọi vô sở hữu. Lại suy nghĩ như vậy: Vô sở hữu tức là tưởng, mà tưởng là khổ đau, như bệnh tật, như ung nhọt. Nếu không có tưởng lại là ngu si. Nếu ta kiến chấp vô sở hữu thì tức là hữu, đối với các tưởng chưa được giải thoát. Hành giả thấy tưởng là bệnh hoạn, thấp kém mà không có tưởng là si mê. Niết-bàn là nhiệm mầu, nghĩa là phi tưởng phi phi tưởng xứ. Phàm phu thường lo sợ không tưởng, vì cho là ngu si, vì thế hoàn toàn không có người diệt tâm. Có người cho là chúng sinh không có tưởng cũng thường diệt tâm. Điều này không đúng. Vì sao? Nếu người ở trong cõi Sắc có thể diệt tâm thì ở trong cõi Vô sắc sao không thể diệt?

Hỏi: Cõi Sắc vì có sắc nên có thể diệt tâm. Trong cõi Vô sắc trước đã diệt sắc, nay lại diệt tâm. Nếu thấy cả sắc tâm đều diệt thì kinh sợ mê muội chăng?

Đáp: Nếu ở trong đó không thể diệt mà sinh thì về đây phải diệt, như định diệt tận.

Hỏi: Quả diệt tâm là vô tưởng. Cho nên nếu diệt sắc và tâm thì mất hoàn toàn.

Đáp: Định diệt tận cũng có quả hữu tâm, điều này cũng đúng. Nếu quả không mất cũng gọi an trú nơi quả, như ở sắc biến hóa. Trong tâm biến hóa lại sinh quả, nên không gọi diệt trừ vĩnh viễn. Do đó, trong cõi Sắc không cần nói diệt tâm. Nếu nói thì trong cõi Vô sắc cũng cần phải nói. Lại tâm trong định vô tưởng không cần phải diệt. Vì sao? Vì hành giả rất nhàm chán tâm nên cần phải diệt. Nếu người nhàm chán tâm thì không cần sinh trong cõi Vô sắc, huống gì sinh ở cõi Sắc. Phàm phu trong thân tâm sinh tưởng về ngã. Như trong kinh dạy: “Phàm phu lâu đời tham đắm tâm này cho đó là ngã”. Vì thế không có chút chán nản. Trong kinh lại dạy: “Ngoại đạo thường nói đoạn diệt ba loại thủ, mà không có khả năng nói đoạn trừ ngã ngữ thủ”. Cho nên không thể diệt tâm. Nếu thật sự biết pháp nhân duyên thì có thể được tâm “không”, như trong kinh Viên Hầu Dụ dạy: “Phàm phu hoặc có thể lìa thân mà không thể lìa tâm”. Thà quán thân thường, chớ quán tâm thường. Vì sao? Vì mắt thấy thân này, hoặc còn sống mười tuổi cho đến một trăm tuổi. Tâm được gọi hoặc tâm, hoặc ý, hoặc thức; tâm này từng niệm sinh diệt thay đổi, như con khỉ chuyền cây, bỏ cành này vin vào nhánh khác, chẳng bám vào một chỗ. Nếu đệ tử của bậc Thánh ở trong pháp quán nhân duyên chân chánh thì có thể biết vô thường. Biết pháp nhân duyên do lãnh thọ mà sai khác nên thức luôn phân biệt. Các phái ngoại đạo vì không có trí phân biệt về pháp nhân duyên nên không thường diệt tâm. Phàm phu lại xa lìa sắc không lìa tâm nên không được giải thoát. Nếu cả hai đều diệt tâm thì vì sao không được giải thoát. Người phàm phu lo sợ diệt, nên đối với Niết-bàn hoàn toàn không sinh tưởng vắng lặng an ổn. Như trong kinh dạy: “Không có ngã, không có sở hữu của ngã là điều phàm phu rất sợ”. Ở trong không tưởng sinh tâm si mê. Nếu người đối với Niết-bàn không sinh tưởng an lạc vắng lặng thì làm sao thường diệt tâm. Lại pháp phàm phu rất cần nhờ bậc trên quả vị, thường bỏ quả vị dưới, thế nên không thể có: nhân duyên diệt tâm, chỉ nhờ năng lực thiền định vi tế, tâm tưởng hiện ra, không nhận biết rõ nên cho là vô tưởng. Nếu khởi tưởng thô tức phải lùi lại, như người trí kém gọi là không có trí, như thức ăn ít mặn gọi là không mặn, như mê ngất, không nhớ, như loại sâu trùng nằm lâu năm dưới đất, như cá nằm trong băng. Như trong đây trình bày phi tưởng phi phi tưởng xứ cũng vậy. Tuy thật có tưởng, nhưng tùy theo thế tục nên cho là vô tưởng.

 

Phẩm 171: ĐỊNH DIỆT TẬN

Vượt qua tất cả phi tưởng phi phi tưởng xứ, thân chứng tưởng thọ diệt

Hỏi: Tại sao trong các thiền không nói vượt qua tất cả. Trong định vô sắc chẳng nói diệt?

Đáp: Tôi nói trong các thiền định đều có giác quán, các pháp hỷ lạc v.v… nên không nói vượt qua tất cả.

Hỏi: Vô biên hư không xứ (không vô biên xứ) có sắc tâm, việc này đã rõ, nên trong cõi Vô sắc cũng không nói vượt qua tất cả.

Đáp: Như vào trong định hư không vô biên thoát khỏi sắc tâm mà chẳng vượt khỏi các pháp giác quán v.v… Lại có người cho: “Nếu nói vượt qua, diệt đi, lùi lại đều là một nghĩa mà khác tên gọi, định trong vô sắc tâm rất vững chắc. Trong các địa dưới, tâm đều bị tán loạn, nên không nói vượt qua tất cả.

Hỏi: Nếu nói đều có chông gai, nghĩa là các tướng của sắc, thì tại sao lại nói tâm kiên cố?

Đáp: Tuy đều nói chông gai, nhưng cũng nói Thiền thứ tư là không động. Như thế trong định vô sắc, năng lực của định lớn nên được bền vững.

Hỏi: Bậc Học không có khả năng chứng đắc định diệt tận, vì chưa qua được tất cả phi tưởng phi phi tưởng xứ?

Đáp: Bậc Học thường thấy phi tưởng phi phi tưởng xứ, tất cả hành diệt nhưng chưa có khả năng khiến cho nó không phát sinh, nên cho vượt qua.

Hỏi: Nếu ý trong đây cho Niết-bàn là diệt, thì trước ông đã nói trong chín thứ lớp diệt là tâm và tâm số đều diệt, vậy thì trái lẫn nhau?

Đáp: Diệt định có hai loại: Một là diệt hết các phiền não, hai là chưa diệt hết phiền não. Phiền não hết thì ở trong giải thoát, phiền não chưa hết thì ở trong thứ lớp. Lại, một là diệt hết phiền não nên gọi là diệt định; hai là diệt tâm và tâm số pháp gọi là diệt định. Diệt phiền não là giải thoát thứ tám, cũng gọi là quả vị A-la-hán. Quả A-la-hán là diệt trừ tất cả tưởng khiến không còn sinh nữa.

Hỏi: Nếu hành giả dùng định chín thứ lớp có thể diệt tâm thì Tuđà-hoàn… làm sao có thể chứng được pháp tâm diệt?

Đáp: Diệt trong định chín thứ lớp gọi là đại diệt. Như người khéo tu tập các thiền định, thì vì năng lực đạo tâm kiên cố nên chứng đắc diệt này. Nếu không có năng lực ấy thì chỉ có diệt, không thể có năng lực lớn như vậy, nên mới gọi định thứ lớp. Còn các nơi khác cũng có tâm diệt, như trong thiền thứ tư có thể năng lực diệt tâm và tâm số pháp, nhập vào vô tưởng thì trong thiền thứ nhất vì sao không diệt, còn các chỗ khác cũng cần có nghĩa diệt tâm. Như trong kinh dạy: “Tu-đà-hoàn v.v… đều có khả năng chứng diệt”. Chỉ tâm diệt mới gọi là diệt, không có pháp khác nào diệt. Cho nên biết xa lìa chín bậc này cũng có tâm diệt.

Hỏi: Nếu định diệt tận có thể diệt tất cả tâm và tâm số pháp, thì tại sao chỉ nói diệt tưởng thọ?

Đáp: Tất cả tâm đều gọi là thọ. Thọ này có hai loại: Một là tưởng thọ, hai là tuệ thọ. Tưởng thọ là tâm duyên nơi pháp hữu vi, vì tưởng thường hiện hành trong pháp giả danh. Giả danh có hai thứ: Một do hòa hợp giả danh; hai là pháp giả danh. Thế nên tâm duyên với tất cả pháp hữu vi đều gọi là tưởng. Tuệ thọ là tâm duyên nơi pháp vô vi, vì thế nói tưởng thọ diệt là nói tất cả diệt.

Hỏi: Trong tất cả tâm, tâm số pháp, thọ tưởng hơn hết cho nên nói riêng. Vì sao? Vì phiền não có hai phần: một thọ phần; hai kiến phần. Thọ sinh ái phần, tưởng sinh kiến phần. Trong hai cõi Dục và Sắc thọ mạnh nhất; Trong cõi Vô sắc, tưởng là trên hết, vì thế chỉ nói hai loại. Trong các thức xứ khác chỉ nói thọ, tưởng. Thức xứ từ tâm sinh nên gọi là hành. Nếu cho thọ, tưởng diệt thì nói tất cả tâm và tâm số diệt, vì các tâm số chẳng lìa nhau?

Đáp: Không phải như thế. Ông nói vì hơn hết nên trình bày riêng, nhưng cần phải nói đến tâm. Vì sao? Vì trong tất cả kinh đều dạy: “Tâm là chủ cũng là chỗ nương tựa của hai phần phiền não; và cũng vì tâm sai khác nên gọi là thọ tưởng, do đó phải nói tâm. Nói đến tâm thì dễ. Vậy những gì ông nói đều không đúng.

Hỏi: Định này vì sao nói thân chứng?

Đáp: Tám giải thoát đều phải nói thân chứng. Diệt pháp này không thể dùng lời nói để hiểu rõ được, nên nói thân chứng. Như người tiếp xúc với nước mới biết tướng lạnh, chẳng phải nghe nói mà có thể biết. Việc này cũng vậy. Đây là pháp vô tâm nên phải dùng thân chứng.

Hỏi: Ôm nói định diệt là pháp vô tâm thì nghĩa này không đúng. Vì sao? Vì người vào định này là chúng sinh; Thế gian không có chúng sinh vô tâm, vì thế không đúng như vậy. Trong kinh dạy: “Mạng sống, hơi nóng, thức ba pháp này thường chẳng rời nhau”. Cho nên không có diệt tâm. Lại tất cả chúng sinh đều nhờ vào bốn loại ăn mới tồn tại. Người vào định diệt tận thì không còn ăn các thức ăn ấy. Vì sao? Vì người này không ăn thức ăn nghiền nát, những thức ăn xúc chạm cũng đều diệt mất, nên không có ăn. Tâm từ tâm sinh, nếu tâm này diệt tâm khác chẳng sinh, vì không có thứ lớp duyên, thì tâm sau làm sao sinh nữa? Tâm chỉ nhập vào vô dư Niết-bàn, diệt trừ liên tục mới diệt chẳng phải những nơi khác mà diệt được. Như trong kinh dạy: “Lấy sắc vượt qua các dục, lấy vô sắc vượt qua sắc. Lấy diệt vượt qua suy nghĩ, nhớ tưởng”. Tâm là khởi niệm suy nghĩ, cần lấy diệt mới có thể vượt qua. Chứng đắc hữu dư Niết-bàn thì tâm cấu uế diệt chứng đắc Vô dư Niếtbàn thì tâm không cấu uế diệt. Đây là nghĩa chân chánh của pháp Phật. Người nhập vào Diệt định thì chẳng gọi là chết. Tâm diệt gọi là chết. Nếu diệt tâm mà sống lại người chết cũng nên sống lại. Như thế hoàn toàn không có người chết. Người diệt tâm sinh lại, người vào Niết-bàn cũng sinh lại. Thế thì, tất cả không ai được giải thoát. Nhưng thật sự chẳng đúng như vậy. Cho nên, tâm chẳng diệt?

Đáp: Ông nói không có chúng sinh vô tâm, tuy đồng vô tâm nhưng khác với người chết. như trong kinh nói.

Hỏi: “Người nhập vào định diệt tận và người chết có gì khác nhau?”

Đáp: Người chết, mạng, hơi nóng, thức cả ba thứ này đều diệt. Người vào định diệt tận chỉ tâm diệt mà mạng, hơi nóng không lìa thân, nên biết có chúng sinh vô tâm. Người này tâm thường còn, vì được lực nên gọi có tâm không như gỗ đá. Ông nói ba việc này chẳng xa lìa nhau, vì chúng sinh ở hai cõi Dục và Sắc. Nói là trong cả vô sắc có mạng có thức mà không có hơi nóng; lại người vào định diệt tận có mạng, có hơi nóng mà không có thức. Tức trong kinh ấy, cũng nói thức lìa thân. Vì thế nếu nói ba việc không lìa nhau là tùy theo nơi để nói. Ông nói không ăn làm sao sống còn? Thân này trước dùng ý tư duy làm thức ăn nên tồn tại. Hiện tại vì các xứ như lạnh v.v… nên có thể duy trì thân. Ông nói: Tâm do tâm sinh tâm cùng tâm khác làm nhân. Làm nhân rồi diệt trừ, vì thế thường sinh tâm khác.

Hỏi: Tâm diệt làm sao có khả năng sinh tâm khác? Như mắt đã hỏng thì không có khả năng sinh thức?

Đáp: Như nghiệp diệt rồi quả báo mới sinh, việc này cũng vậy. Lại ý và ý thức hai thứ ngăn ngại nhau. Nhãn và nhãn thức không như thế. Cho nên chẳng phải nhân. Ông nói khi đoạn trừ tướng tương tục thì tâm diệt. Việc này không đúng. Diệt có hai loại: Sắc diệt và tâm diệt. hoặc sắc diệt chẳng phải tâm diệt, như trong vô sắc, hoặc tâm diệt chẳng phải sắc, như vào định diệt, hoặc cả sắc tâm đều diệt, như khi đoạn trừ liên tục. Ông nói nhập vào định diệt, thì chẳng gọi là chết. Người này mạng và hơi nóng không diệt, mà người chết ba việc này đều diệt hết, đây là sự sai khác. Người này nhờ mạng và hơi nóng nên tâm thường sinh trở lại, người chết thì không phải vậy. Ông nói nếu diệt trừ tâm rồi sinh trở lại thì không ai được giải thoát. Việc này chẳng đúng. Vì sao? Vì nhập vào Niết-bàn thì nghiệp đã thọ trước như mạng, hơi nóng, thức đã diệt, chẳng mong cầu sinh lại. Còn người này mạng, hơi nóng không diệt đi, trước mong tâm sinh như trong phẩm định diệt tận nói: Người vào định diệt tận là do sáu nhập và thân mạng mà có khả năng sinh lại, vì thế tâm sinh lại. Người vào Niết-bàn tâm chẳng sinh lại. Nên mới biết định này vô tâm

Hỏi: Tại sao người bố thí thường khởi định ấy, có thể được phước báo hiện tại?

Đáp: Người từ định này khởi, tâm thật vắng lặng. Như trong kinh dạy: Người vào định diệt tận là sinh tâm thuận với Niết-bàn, người ấy năng lực thiền định rất mạnh, nhờ vào định này mà trí tuệ rất lớn. Trí tuệ lớn nên có khả năng làm cho người bố thí được phước báo hơn hết, như người cúng dường trăm ngàn vị Thanh văn không bằng một Đức Phật. Trong đó đều lấy trí tuệ làm đầu, chẳng phải diệt trừ sự trói buộc. Việc ấy cũng vậy. Vị nào vào định này dùng nhiều pháp thiện tu tập tâm mình, nên phát sinh quả lớn, như giỏi chăm sóc ruộng thì thu hoạch được nhiều. Người bố thí nhiều, nhàm chán thế gian thì được phước báo lớn. Người từ định diệt tận xuất rất chán ghét thế gian, vì thế cúng dường là hơn hết. Người bố thí với tâm thanh tịnh thì được phước báo lớn, chẳng phải tâm cấu uế. Người này chẳng vì giả danh, tâm cấu uế, cho nên cúng dường được phước báo lớn. Lại vị này thường an trú vào đệ nhứt nghĩa đế, còn các người khác trụ vào thế đế. Vị này thường an trú vào trong pháp không tranh chấp. Vì sao? Vì tâm duyên với pháp hữu vi thì có sự tranh cãi. Như trong kinh dạy: “Cỏ dại làm hại lúa, tham dục làm hại tâm”. Vì thế người bố thí không còn dục được quả báo lớn. Nhân duyên tham dục là tướng giả danh. Người sinh khởi từ định này là duyên của Niết-bàn, nên lìa tướng giả danh. Trong kinh dạy: “Nếu người thọ nhận của đàn việt cúng rồi, nhập vào định vô lượng. Người cúng ấy nhờ nhân duyên này được phước vô lượng”. Người phát sinh định này tâm duyên với Niết-bàn cũng được vô lượng phước. Diệt định này cũng là vô lượng nên được vô lượng phước, thường được phước báo hiện tại. Nhờ tám công đức trang nghiêm phước điền này, tâm duyên Niết-bàn là nhận biết chơn chánh, các phước khác tùy theo, nên thường sinh phước báo hiện tại.

Hỏi: Có người cho định diệt tận là tâm Bất tương ưng hành, cũng gọi là pháp thế gian. Việc này là thế nào?

Đáp: Như đã trình bày ở trên, pháp sinh định này có rất nhiều công đức vắng lặng, là những công đức thế gian chẳng bao giờ có. Định diệt tận gọi là pháp ngăn, nhờ pháp này khiến tâm không sinh, nên gọi là tâm Bất tương ưng hành, như sắt vào lửa thì không còn tướng đen, lìa khỏi lửa thì sinh trở lại. Việc này cũng vậy.

Đáp: Nếu vậy, thì Niết-bàn cũng là tâm bất tương ưng hành. Vì sao? Vì Niết-bàn nên các ấm khác chẳng sinh. Nếu Niết-bàn chẳng phải tâm bất tương ưng hành, thì định này cũng chẳng nên gọi là bất tương ưng hành, chỉ vì các hành là pháp phải như thế, vào trong định này tùy sự mong cầu nên tâm thường không sinh, vì thế không nên cho là bất tương ưng hành.

Hỏi: Định này theo thứ lớp như thế mà vào, cũng theo thứ lớp như thế mà xuất sao?

Đáp: Cũng tuần tự theo thứ lớp xuất, rồi lần lượt vào tâm thô.

Hỏi: Trong kinh dạy: “Người nào mới ở định diệt tận xuất, xúc chạm với ba loại xúc, đó là vô động, vô tướng, vô sở hữu (không động, không có tướng, không có sở hữu). Tại sao như thế?

Đáp: Tâm duyên với pháp vô vi, có xúc gọi là vô động, vô tướng, vô sở hữu. Vô động tức là trống không, tâm duyên với pháp hữu vi nhẹ nên có động, gọi là chấp thủ sắc thọ, trong “không” không có tướng, trong vô tướng không có các tham. Người vô tâm này, ban đầu duyên với Niết-bàn, sau đó duyên với pháp hữu vi, nên nói khi xuất định tiếp xúc với ba loại xúc.

Hỏi: Có người nói: “Nhập vào định diệt tận thì tâm là hữu lậu, xuất định thì tâm hoặc hữu lậu hoặc vô lậu. Việc này là thế nào?

Đáp: Chẳng phải là hữu lậu. Hành giả muốn nhập vào định này, trước phải phá hủy tất cả pháp hữu vi, phá rồi mới vào được. Khi xuất tâm duyên với Niết-bàn hiện tại, nên biết đều là vô lậu.

Hỏi: Trong kinh dạy: “Hành giả vào định diệt tận chẳng tự nhớ nghĩ là mình nhập, khi xuất cũng chẳng nhớ nghĩ? Nếu vậy làm sao có thể vào?

Đáp: Thường tu tập nên định lực mạnh mẽ, tuy không tự nhớ nghĩ nhưng có thể được vào. Hành giả này từ khi đoạn trừ pháp hữu vi đến nay đã thể nhập Diệt. Nếu không kiềm chế tâm để duyên với pháp hữu vi thì chẳng gọi là thể nhập. Vì thế kinh dạy: Người vào định này, trước phải tu tập điều hòa tâm, mới có thể vào được.

Hỏi: Nếu không có khác “Không” có thể tu tập tâm duyên với vô vi, lại có lợi ích gì?

Đáp: Vì tu tập đã lâu thì được định vững chắc, thấy biết rõ ràng như tâm duyên với pháp hữu vi thấy từng niệm, từng niệm diệt cũng không niệm niệm diệt khác, chỉ tu tập lâu ngày thì tâm vững chắc. Việc này cũng vậy.

 

Phẩm 172: MƯỜI NHẤT THIẾT XỨ

Chẳng hủy hoại duyên trước, tâm lực tự tại gọi là Nhất thiết xứ. Hành giả nhận lấy ít tướng rồi dùng năng lực tin hiểu khiến cho nó thêm rộng lớn. Vì sao? Vì đây là năng lực thâu giữ tâm. Nếu vào trong “Thật” thì đều có thể khiến cho trống không, mà vào trong sự tin hiểu đều có thể khiến thuận theo nắm lấy tướng ở trước.

Hỏi: Thế nào là tánh tin hiểu?

Đáp: Các màu sắc nhiều vô lượng như màu xanh v.v… Nói tóm lược, căn bản có bốn thứ, bốn đại như địa (đất) v.v… Bốn sắc căn bản có thể phá hủy tám thứ này, đây gọi là hư không. Vì thức có thể biết vô biên không, nên cũng gọi là vô biên. Vì sao? Vì chẳng phải pháp hữu biên có thể chấp giữ vô biên, đây gọi là mười.

Hỏi: Trong đất thật có nước v.v… Tại sao hành giả có thể quán chỉ là đất?

Đáp: Tu tập lâu quán tưởng này thường nắm lấy tướng đất. Về sau chỉ thấy đất chẳng thấy gì khác.

Hỏi: Hành giả đã thấy tướng đất, thật là đất không?

Đáp: Vì năng lực tin hiểu nên thấy là đất, kỳ thực chẳng phải là đất.

Hỏi: Nếu do năng lực biến hóa mà có, thì sự biến hóa chẳng phải thực sao?

Đáp: Biến hóa do năng lực của định mà thành nên các việc làm đều thực có, đó là quang minh và nước, lửa…

Hỏi: Có Luận sư nói: Nhập vào nhất thiết xứ, chỉ ở trong Thiền thứ tư. Việc này là thế nào?

Đáp: Nếu ở cõi Dục và trong Thiền thứ ba có lỗi gì? Hai nhất thiết xứ sau đều ở tự địa. Mười pháp này đều là hữu lậu, do chẳng hủy hoại được cảnh duyên.

Hỏi: Tướng hư không chẳng phá được sắc sao?

Đáp: Hành giả cũng dùng sự tin hiểu nắm lấy tướng không của mắt, mũi v.v… làm trống không, không thể trực tiếp phá được thật sắc, thế nên cũng gọi là tin hiểu.

Hỏi: Trong kinh dạy: “Người vào định nhất thiết địa, nghĩ địa tức là ngã, ngã tức là địa”. Vì sao sinh khởi suy nghĩ như thế?

Đáp: Hành giả thấy tâm đầy khắp nên phát sinh nghĩ ấy, tất cả là ngã.

Hỏi: Có người nói “định này chỉ duyên với địa thuộc cõi Dục.

Điều này là thế nào?

Đáp: Nếu duyên tất cả địa thuộc cõi Dục thì có lỗi gì? Giả sử làm cho định này duyên với các pháp khác lại có lỗi gì? Định này là tin hiểu quán xét duyên hư dối, không có địa nào mà không hư vọng.

Hỏi: Đệ tử của Đức Phật cũng quán địa v.v… Việc này là thế nào?

Đáp: Nếu các bậc Bậc Học quán thì đều vì để phá trừ.

Hỏi: Thật chẳng phải tất cả đều là địa thì làm sao định này chẳng phải điên đảo?

Đáp: Trong quán này có phần si. Vì trong quán này khởi lên ngã kiến. Quán bất tịnh tuy chẳng phải chân thật nhưng tùy thuận xa lìa dục.

Quán này không như vậy, nên có phần si.

Hỏi: Tại sao không quán thọ v.v… vô biên mà chỉ quán thức?

Đáp: Đối tượng có thể chấp giữ là địa v.v… chủ thể chấp giữ là thức, cho nên thấy thức mà không thấy thọ v.v… Như trước đã trình bày, thọ v.v… đều là sự sai khác của tâm. Hành giả không thấy thọ v.v… đầy khắp. Vì không phải tất cả nơi đều là thọ khổ, vui. Đệ tử của Phật tu định này là vì phá hủy duyên. Vì sao? Vì duyên này là chỗ tham đắm của hành giả. Nếu không phá trừ thì đồng với kẻ phàm phu.

 

Phẩm 173: TƯỞNG VỀ VÔ THƯỜNG

Tưởng vô thường, tưởng khổ, tưởng vô ngã, tưởng thực, chán, tưởng tất cả thế gian chẳng đáng vui tưởng bất tịnh, tưởng tử, tưởng đoạn, tưởng ly, tưởng diệt.

Tưởng về vô thường là trong pháp vô thường biết rõ chắc chắn vô thường.

Hỏi: Tại sao tất cả đều vô thường?

Đáp: Tất cả pháp đều từ nhân duyên sinh, nhân duyên tan rã đều trở về vô thường.

Hỏi: Chẳng phải thế. Có pháp tuy từ nhân duyên sinh nhưng chẳng phải vô thường. Như kinh ngoại đạo nói: “Người nào xây dựng ba đền thờ thì được sinh vào chỗ thường”. Thân của Phạm thế là thường.

Đáp: Pháp của ông cũng nói: “Thích Đề hoàn nhân tạo lập trăm đền, cũng bị thoái lui”. Bài kệ dạy: Có nhiều Đế thích xây dựng hơn trăm ngàn đền, tất cả đều vô thường. Trăm ngàn đền thờ còn chẳng tồn tại, thì nên biết ba đền không phải thường. Thân của Thích Đề hoàn nhân và Thiên vương các phần đều tiêu hết. Vì thế từ pháp duyên sinh không có thường. Lại như trong pháp của ông lấy sách Vi-đà làm quý. Trong sách Vi-đà nói: “Nhờ trí tuệ mà được pháp bất tử”. Như nói: “Thấy sắc mặt trời bậc Đại nhơn thì vượt qua tánh thế gian. Trước tùy thuận ý người này nên thường được đạo bất tử, lại không có đạo khác. Tiểu nhơn thần nhỏ. Đại nhơn thần lớn, thường ở trong thân. Nếu ai không biết được tướng thần tuy có đọc tụng Kinh Vi Đà, đều cũng không có lợi ích gì!”. Thân Phạm thế đều là vô thường. Làm sao biết được? Vì trong pháp ông nói Phạm vương cũng thường cúng thờ, trì giới làm các công đức. Nếu biết thân thường còn, cần chi phải làm việc phước. Lại nghe trong kinh ông nói các vị Phạm vương cũng ghét dâm dục. Nếu có dâm dục chắc chắn có giận dữ cùng tất cả phiền não. Nếu có phiền não chắc chắn có tội nghiệp. Như thế người bị tội làm sao có thể giải thoát được. Chẳng phải tất cả thần tiên đều thờ trời cũng không tu tập tất cả đạo Phạm thiên. Nếu đấng ấy là thường thì đều phải nên thờ. Lại tất cả vạn vật đều vô thường. Vì sao? Vì khi đại kiếp diệt hết, đất, nước, lửa, gió cũng không còn. Lại thời gian xoay vần như bánh xe, nên biết vô thường. Thành tựu tất cả giới, định, tuệ và vô lượng công đức, các vị Đại Thánh Nhơn Định Quang, chư Phật và Bích-chi Phật, Ma-ha Tam-ma-già, các vua kiếp ban đầu, tất cả đều vô thường, thì có vật gì thường được! Đức Phật tự thuyết: “Tất cả pháp sinh đều là tướng vô thường quyết định”. Như trong kinh Ngưu Phẩn dạy: “Đức Phật lấy ít phân trâu đưa lên và dạy các Tỳ-kheo: Không phải từng ấy sắc là thường cố định không biến đổi”. Trong kinh này giảng thuyết rõ quả báo của các vua Đế Thích, Phạm Thiên, Chuyển Luân cũng tiêu hết, nên biết tất cả là vô thường. Tất cả sự sống lâu trong ba cõi đều có giới hạn. Thọ mạng dài nhất trong địa ngục A-tỳ là một kiếp. Thọ mạng trong địa ngục Tăng-già-đà là nửa kiếp, còn các địa ngục hoặc nhiều hoặc ít hơn. Loài rồng thọ mạng rất dài chỉ là một kiếp. Ngạ quỷ sống quá lâu đến bảy vạn năm. Phất-vu-đãi sống hai trăm năm mươi năm. Câu-da-ni sống năm trăm năm. Thọ mạng của Uất-đơn-việt một ngàn năm. Tuổi thọ của Diêm-phù-đề hoặc là vô lượng kiếp, hoặc sống mười năm. Tứ Thiên vương sống năm trăm năm, cho đến cõi Hữu đảnh sống tám vạn kiếp. Nên biết tất cả ba cõi đều vô thường. Lại lấy ba điều tín: tin, biết, vô thường. Trong hiện tại thấy không có pháp thường. Trong những lời Thánh nhân nói cũng không có pháp thường. Trong so sánh biết được cũng không có pháp thường. Vì trước cần thấy trước mắt sau đó mới so sánh để biết. Lại nếu có chỗ thường thì làm sao người trú diệt tất cả pháp để cầu giải thoát? Ai chẳng muốn thương yêu cùng nhau đoàn tụ, để hưởng thọ những thú vui. Thật ra những người trí đều mong cầu giải thoát. Nên biết pháp sinh là không thường còn. Còn phải nói tất cả pháp sinh đều mỗi niệm đều diệt, còn không tạm dừng huống gì là thường được.

Hỏi: Tu tập tưởng vô thường có thể làm được việc gì?

Đáp: Có khả năng diệt trừ phiền não. Như trong kinh dạy: Giỏi tu tưởng vô thường, phá trừ được tất cả cấu uế của dục, cấu uế của sắc và những uế tạp của vô sắc, trạo cử, mạn, vô minh.

Hỏi: Chẳng phải thế. Tưởng vô thường này cũng làm tăng trưởng tham dục. Như người tỉnh ngộ biết được thời thanh niên chẳng được bao lâu, nên rất tham đắm dâm dục, biết hoa đẹp tươi chẳng được bao lâu thì vội vã dùng để mua vui. Biết sắc đẹp của người kia chẳng phải mình thường có, càng tăng thêm dâm dục. Như thế từ sự biết vô thường sinh tham đắm. Cho nên tưởng vô thường chẳng diệt trừ được tham dục. Cũng có người vì biết vô thường mà làm việc giết hại, cho đến loài súc sinh đều biết vô thường mà không thể diệt trừ các phiền não. Như vậy tu tập tưởng vô thường không có lợi ích?

Đáp: Do vô thường nên sinh khổ xa lìa, mất đi sự vui vẻ tuổi thanh xuân, mạng sống, và sang giàu. Người trí vì thế chẳng sinh tâm vui mừng; tâm không mừng nên chẳng sinh lòng ham muốn. Do thọ nên ái, thọ diệt thì ái diệt. Cho nên biết tưởng vô thường, có thể đoạn trừ được ham muốn. Nếu pháp vô thường tức là vô ngã, thì chẳng sinh tâm ngã, tâm ngã sở. Ngã và ngã sở không có thì dục cái gì! Người tu tập tưởng vô thường đối với thân mình và người thấy mỗi niệm đều diệt, làm sao sinh dục. Hành giả tùy theo sự việc mình mong cầu đều là vô thường hủy hoại, tức đã bị lừa dối. Do hư dối nên không sinh tham đắm. Như trẻ con còn biết nắm tay không là lừa dối nên không sinh ưa thích. Chúng sinh không vui, những việc chẳng bền vững, như người không thích những vật dùng cũ kỹ. Cũng như người nữ nghe người nam nào sống chẳng quá bảy ngày nữa, dù có thanh niên tráng kiện, sang quý, uy quyền thế lực, chẳng ai ưa thích. Người ấy chính nhờ tưởng vô thường nên không sinh tham đắm. bậc trí thường tu tập tưởng biệt ly; chẳng thích hòa hợp. Vì sao? Vì bậc trí thường nhớ nghĩ khổ thoái lui. Cho đến dục lạc của cõi Trời chẳng sinh dục, chỉ mong cầu giải thoát. Ông cho rằng vô thường tăng thêm tham dục, điều này chẳng đúng. Nếu người chưa đoạn trừ được ngã mạn thì thấy mọi vật bên ngoài vô thường nên sinh lo buồn vì mất đi sự thương yêu nên sinh tham cầu.

Người phàm phu này trừ bỏ dục lạc lại không biết xa lìa khổ, giống như đứa trẻ bị mẹ đánh lại chạy đến bên mẹ. Bậc trí biết nhân khổ nhưng vẫn còn khổ, không thể diệt trừ, tức xả bỏ nhân khổ, đó là năm ấm. Hành giả này xé tan ấm bên trong được tâm vô ngã, dù mất đi vật bên ngoài cũng không sinh phiền não, đã được vô ngã lại còn tìm cầu cái gì nữa. Người tu tập tưởng vô thường chẳng tìm cầu gì. Lại tưởng vô thường này, nếu chưa sinh tưởng khổ, vô ngã thì không thể gọi là có khả năng phá hủy tất cả phiền não. Nên trong kinh dạy: “Cần nhất tâm quán chính xác về năm ấm là vô thường. Nếu không diệt trừ ấm bên trong, thấy vật bên ngoài vô thường, thì vì có tâm ngã nên sinh lo buồn. Đây chẳng gọi là quán chân chánh. Lại có người tuy thấy vô thường nhưng không sinh nhàm chán xa lìa, như đồ tể, thợ săn v.v… Người ấy tuy biết vô thường nhưng cũng không gọi là tu giỏi. Người tuy có thể chánh quán nhưng không thường siêng năng tu tập nên tâm tham xen lẫn vào. Vì thế nói “Nhất tâm”. Người ít tu tập vô thường mà nhiều phiền não thì không thể diệt trừ, như thuốc ít mà bệnh nhiều. “Việc này cũng vậy, nên nói nhất tâm quán chân chánh về vô thường có thể diệt hết phiền não. Lại biết pháp vô thường gọi là trí tuệ chân thực. Trong trí tuệ chân thực không có các phiền não tham, sân… Vì sao? Vì nhân duyên vô minh nên có các tham… Nên biết vô thường chẳng phải tăng thêm tham dục. Tưởng vô thường có thể diệt trừ tất cả phiền não. Hành giả nếu biết vật ấy là vô thường thì không có tham lam. Biết người ấy chắc chắn sẽ tự chết thì sinh giận dữ làm gì? Có đâu bậc trí lại giận hờn với kẻ sắp chết. Nếu pháp vô thường thì làm sao lấy đó mà sinh tâm cao ngạo. Lại, biết tánh các pháp vô thường thì không sinh mê mờ; do không mê mờ nên cũng không nghi ngờ. Nên biết vô thường trái nghịch với phiền não.

 

Phẩm 174: TƯỞNG KHỔ

Nếu pháp xâm nhập bức não gọi là khổ. Khổ này do ba loại: Khổ khổ. Hoại khổ, Hành khổ. Hiện tại thật khổ đó là (bị) dao gậy (đánh, chém) gọi là Khổ khổ. Nếu khi thương yêu lại chia lìa thì có khổ phát sinh như xa lìa vợ con…, gọi là Hoại khổ. Nếu đắc tâm “không”, vô ngã, thì biết pháp hữu vi đều có thể làm bức não gọi là Hành khổ, tâm theo khổ này gọi là Tưởng khổ.

Hỏi: Nếu tu tưởng khổ có được những lợi gì?

Đáp: Tưởng khổ này được quả nhàm chán xa lìa. Vì sao? Vì người tu tưởng khổ không dựa vào sự tham vui, không có vui mừng này thì không có thương yêu. Hành giả nếu biết được pháp này là khổ tức không lãnh thọ các hành. Nếu pháp tuy vô thường, vô ngã, nhưng không thể sinh khổ thì hoàn toàn không trừ bỏ. Vì khổ nên bỏ, do bỏ khổ mới thoát được khổ. Điều mà tất cả chúng sinh đều sợ nhất là khổ. Hoặc nhỏ, thanh niên, già cả, hiền, ngu, sang hèn, biết tướng khổ này đều sinh chán nản. Tất cả người tu tập ở trong Niết-bàn thường sinh tâm yên ổn vắng lặng, ở trong sinh tử đều sinh tưởng khổ. Tại sao biết được? Như chúng sinh bị khổ trói buộc ở cõi Dục làm đau khổ, thì đối với Thiền thứ nhất sinh tưởng vắng lặng. Tuần tự như thế cho đến khổ ở cõi Hữu đảnh, thì đối với Niết-bàn sinh tưởng vắng lặng. Lại ở trong sinh tử có nhiều tội lỗi là khổ vậy. Như trong kinh dạy: “Lỗi ở trong sắc ấy là vì tướng sắc vô thường hủy hoại”. Do vô minh nên tham chấp khổ này. Vì sao biết được? Vì chúng sinh ở trong khổ thật mà sinh tưởng vui, nếu sinh nhiều tưởng khổ thì bị nhàm chán. Vì thế Đức Phật dạy: “Ta vì giác ngộ được khổ nên thuyết giảng Khổ đế”. Trong đây Đức Phật dựa vào thế đế mà chỉ dạy nghĩa này. Tùy theo tất cả trời, người, thế gian mà sinh khởi tưởng vui, đệ tử của Ta trong ấy sinh tưởng khổ, Đã sinh tưởng khổ thì thường nhàm chán. Ở nơi rất ngu si thì trong khổ lại sinh tưởng vui, do tưởng này nên tất cả chúng sinh qua lại trong sinh tử, tâm thức rối loạn. Nếu được tưởng khổ thì được giải thoát. Vì bốn loại ăn nên dẫn đến thọ thân sau. Dùng tưởng khổ này có thể diệt trừ các loại ăn, như ăn thịt con, như ăn thịt trâu không có da, như ăn đống lửa, như ăn trăm mũi mâu nhọn. Như vậy, nói bốn loại ăn này đều là nghĩa khổ. Do tưởng khổ này thường diệt trừ các món ăn. Người tu tập tưởng khổ ý không thích ở trong bốn thức xứ, vì đều thấy là khổ. Như con phù du lao mình vào lửa tưởng là vui. Người trí biết lửa có thể thiêu đốt thì thường tránh xa. Phàm phu cũng vậy, vô minh mê mờ nên gieo báo thân đời sau vào lửa. Bậc trí vì tưởng khổ nên thường được giải thoát. Tất cả ba cõi đều là khổ, là nhân duyên của khổ, thọ khổ trong ấy là khổ, thường sinh thọ khổ là nhân duyên của khổ. Tuy không khổ liền, mà ít lâu sau chắc chắn lại khổ. Vì thế phải quán xét tất cả pháp thế gian đều là khổ, mà sinh tâm nhàm chán, không thọ các pháp thì được giải thoát.

 

Phẩm 175: TƯỞNG VÔ NGÃ

Hành giả thấy tất cả pháp đều là tướng hủy hoại. Nếu chấp sắc là ngã, khi sắc ấy biến hoại thì biết tướng hủy hoại, liền xa lìa tâm ngã, các sắc cũng vậy. Như người bị nước trên núi tuôn xuống làm trôi, gặp có chỗ nắm lấy mà vật ấy bị đứt ra. Hành giả cũng vậy, chấp vật làm ngã thấy vật bị hủy hoại thì biết là vô ngã. Vì thế ở trong vô ngã tu tưởng vô ngã.

Hỏi: Tu tập tưởng vô ngã được lợi ích gì?

Đáp: Người tu tưởng vô ngã có thể đủ tưởng khổ. Phàm phu vì tưởng ngã nên ở trong khổ thật mà chẳng thấy là khổ. Do tưởng vô ngã nên ở trong chút ít khổ đã biết nó là não hại. Lại vì tưởng vô ngã nên thường thực hành tâm xả. Vì sao? Vì tưởng ngã nên sợ mất hết ngã. Nếu có khả năng biết đúng chỉ mất khổ, còn vô ngã có thể mất thì có thể thực hành xả bỏ. Nhờ tưởng vô ngã thường có được niềm vui. Vì sao? Vì tất cả đều vô thường. Trong ấy, nếu sinh tâm ngã và ngã sở cho rằng ngã không còn mà ngã sở cũng không có thì thường bị khổ. Nếu suy nghĩ như vậy: Không có ngã và ngã sở, thì khi các pháp hủy hoại không sinh khổ đau. Hành giả nhờ tưởng vô ngã mà tâm được thanh tịnh. Vì sao? Vì tất cả phiền não đều từ ngã kiến mà sinh. Nên việc nào có lợi ích cho ta nên sinh tham dục, trái lại việc này tổn hại cho ta thì sinh giận dữ. Cho đó là ta thì sinh khởi kiêu mạn. Sau khi mạng sống ta chấm dứt sẽ tạo nghiệp hay không, liền sinh nghi ngờ. Như thế đều do ngã nên sinh khởi các phiền não. Dùng tưởng vô ngã sẽ diệt trừ các phiền não, phiền não diệt rồi tâm sẽ thanh tịnh. Vì tâm thanh tịnh nên có thể sánh bằng vàng, đá, chiên-đàn. Mọi dao, búa, khen ngợi, la mắng, tâm xa lìa ghét thương, an lạc, vắng lặng. Cho nên biết người có tưởng vô ngã tâm đều thanh tịnh. Ngoại trừ tưởng vô ngã thì không còn phương cách nào khác, có thể được giải thoát. Vì sao? Vì người nói có ngã, nếu khi biết không có ngã và không có sở hữu của ngã, thì có thể sinh tâm quyết định như thế, liền được giải thoát.

Hỏi: Chẳng đúng. Hoặc do tưởng vô ngã lại sinh tâm tham lam; như tham nữ sắc, đều do chẳng phải bà con của ta, nên tùy thuận cho chẳng phải của ta mà tích chứa các tội phước. Vì sao? Vì tự làm tổn hại lợi ích bản thân, thì không có tội phước.

Đáp: Người có tâm ngã thường sinh tham dục, ở trong thân mình thường sinh tướng nam đối với thân người khác thường sinh tướng nữ nhân, sau đó tham đắm. Phát sinh tham đắm đều do giả danh; tướng của người ấy tức giả danh. Cho nên chẳng phải vô ngã mà sinh tâm tham. Người nào có tâm vô ngã thì không tích chứa các nghiệp. Như A-la-hán diệt trừ tưởng ngã nên các nghiệp không tụ tập. Tưởng vô ngã này có khả năng đoạn trừ tất cả các phiền não và nghiệp. Vì thế, cần phải tu tập.