LUẬN THÀNH THẬT
Trước tác: Ha Lê Bạt Ma
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Tam Tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 10

Phẩm 128: KIÊU MẠN

Hỏi: Đã thuyết minh về ba phiền não là nguồn gốc của sinh tử. Lại còn có nghĩa gì nữa không?

Đáp: Có. Đó là mạn.

Hỏi: Mạn là thế nào?

Đáp: Do tâm tà, tự cao gọi là mạn. Mạn có nhiều loại. Như mình còn thua kém mà tự cao gọi là mạn, đối với bực ngang mà chấp là ngang cũng gọi là mạn, vì trong đây có chấp tướng và tâm ta là hơn hết. Đối với người ngang hàng mà tự cao gọi là “đại mạn”. Ở bực cao hơn, tự cao gọi là “mạn mạn”. Đối với năm ấm chấp lấy tướng ngã, đó là ngã mạn.

Ngã mạn có hai loại: Thị hiện tướng và không thị hiện tướng.Thị hiện tướng là ngã mạn của hàng phàm phu. Đó là chấp sắc là ngã, hoặc chấp có sắc là ngã; chấp sắc trong ngã, chấp ngã trong sắc, cho đến thức cũng vậy. Vì thị hiện ra hai mươi phần này cho nên gọi là thị hiện tướng.

Không thị hiện tướng là bậc Học ngã mạn, như Trưởng lão Sai-magià nói: Không thuyết minh sắc là ngã, không thuyết minh thọ, tưởng, hành, thức là ngã, nhưng trong năm ấm có “ngã mạn, ngã dục, ngã sử”, chưa đoạn dứt hết gọi là ngã mạn, nếu chưa đạt được công đức của các quả Tu-đà-hoàn, cho mình đã đạt được gọi là “tăng thượng mạn”.

Hỏi: Nếu chưa đạt được vì sao sinh ra tâm này?

Đáp: Đối với lúc tập thiền định đạt được chút ít ý vị, mới có thể ngăn chận được kiết sử không hiện hành trong tâm, nên mới sinh ra mạn này. Lại nhờ tuệ lực của nghe và suy nghĩ, luôn gần gũi bên bậc thầy hiền, ưa thích hạnh xa lìa, biết rõ chút ít tướng ngũ ấm, nên sinh ra ý tưởng đạt quả Tu-đà-hoàn, gọi là tăng thượng mạn.

Hỏi: Tăng thượng mạn có những lỗi gì?

Đáp: Về sau sẽ lo buồn. Như trong kinh nói: “Nếu Tỳ-kheo Ta đã đoạn dứt nghi hoặc, đạt được đạo, tức hiện tại phải thuyết minh về nhân duyên sâu xa và pháp xuất thế gian. Nhưng, Tỳ-kheo này thật sự không đắc được đạo, nên khi nghe pháp ấy thì sinh ra phiền não. Do đó, phải siêng năng đoạn tuyệt tăng thượng mạn này”. Lại nữa, đối với người tăng thượng mạn, chư Phật, Thế Tôn có tâm từ bi lớn mà vẫn còn rời bỏ họ không nói pháp. Thế nên phải đoạn dứt. Lại nữa, người tăng thượng mạn vì trụ vào trong pháp tà kiến, nên không có công đức chơn thật. Ví như khách buôn đi sâu vào lòng biển cả, vì dục thứ ngọc hư giả. Người này cũng vậy, nhập vào trong biển lớn Phật Pháp, được chút ít vui của thiền định cho là đạt được chơn đạo, sinh ra tham đắm. Lại nữa, người tăng thượng mạn, đến khi già chết sau này không thể kham nhận được đạo, vì thế cho nên, phải siêng năng tìm cầu trí tuệ chơn thật. Lại nữa, người tăng thượng mạn, tự làm mất lợi ích của mình lại tăng thêm ngu si, vì thật sự chưa đạt được đạo mà tưởng là đạt được. Vì thế không được lừa dối chính thân mình, phải mau chóng rời xa. Nếu đối với người hơn mình nhiều mà cho là kém không bằng, gọi là bất như mạn. Người này tự đề cao mình cũng tự hạ mình xuống, nếu người không có đức tự đề cao mình gọi là tà mạn. Còn dùng pháp ác để đề cao mình cũng gọi là tà mạn, hoặc đối với người thiện và bậc đáng kính trọng chẳng chịu cung kính đảnh lễ, đó gọi là ngạo mạn. Những loại như vậy gọi là tướng kiêu mạn.

Hỏi: Mạn sinh khởi thế nào?

Đáp: Không biết rõ thật tướng của các ấm thì sinh ra kiêu mạn. Như trong kinh nói: Nếu người dùng sắc vô thường, tự suy nghĩ là thượng, là trung, là hạ, thì người này chứng tỏ không biết tướng như thật, cho đến thức cũng như vậy. Nếu nhận biết tường tận về tướng ấm thì không có ý nghĩ kiêu mạn nữa. Ví như con trâu cậy có sừng nên sinh ra hung dữ, nếu bỏ sừng kia thì không còn sự hung dữ. Thân này bất tịnh, chín lỗ luôn bài tiết ra những thứ ô uế, lẽ nào kẻ trí ỷ vào điều này mà đề cao mình! Nhờ suy nghĩ những nhân duyên nơi thân như vậy, nên không còn kiêu mạn. Lại nữa, người trí tuệ biết tất cả chúng sinh hoặc nghèo, hoặc giàu, hoặc sang, hoặc hèn, đều là do xương, thịt, gân, mạch, năm tạng, phẩn uế hòa hợp, thành thân; đều có sinh, già, bệnh, chết, sầu, thương, khổ, não, cũng có các nghiệp, các phiền não tham sân si … các tội phước bình đẳng, cho đến các phần ác đạo như địa ngục v.v… thì làm sao được khởi kiêu mạn? Lại nhận thấy ngoài tâm, trong tâm đều từ nhân duyên sinh khởi, biết chúng diệt mất trong mỗi niệm, thì có gì mà Kiêu mạn. Lại người thường gắng tu tâm “Không” thì không có Kiêu mạn. Vì sao thế? Vì còn chạy theo tướng nên sinh ra kiêu mạn, nếu không có tướng thì ở đâu sinh ra mạn? Lại nữa, người trí tuệ, nếu có giới và công đức thật sự thì không sinh kiêu mạn. Vì sao? Vì giới và công đức đều dứt hết các phiền não này, nếu không có công đức, lẽ nào bậc trí đối với việc không có mà khởi lên kiêu mạn! Lại quán sát các tướng vô thường thì diệt hết kiêu mạn, có đâu kẻ trí lại lấy vật vô thường không sạch làm kiêu mạn!

Hỏi: Kiêu mạn có những lỗi lầm gì?

Đáp: Từ mạn có thân, từ thân sinh ra tất cả khổ đau. Như trong kinh Đức Phật dạy: “Nếu đệ tử nào của ta không biết rõ thật tướng của kiêu mạn, thì ta thọ ký cho họ sinh về chỗ kia, vì chưa dứt hết kiêu mạn. Lại nữa, tất cả phiền não đều do tùy thuận theo sự chấp tướng, ngã là tướng lớn nhất trong các tướng, vì thế mới biết rõ là từ nơi mạn mà có thân. Lại kiêu mạn này, tức là phần si. Vì sao? Vì mắt thấy sắc cho là ta có thể nhìn thấy, vì sinh ra kiêu mạn này nên không cần đạo lý. Vì sao? Vì tất cả thế gian đều là vô thường, khổ, vô ngã, làm sao lấy đó sinh ra kiêu mạn. Vì vậy đối với tham lam, giận dữ, si mê hoàn toàn không có đạo lý. Lại nữa, từ mạn mà sinh ra nghiệp vừa sắc bén vừa nặng nề. Vì tham chấp sâu nặng, cho nên từ tham lam khởi lên nghiệp. Không thể như vậy. Lại do sức mạnh của kiêu mạn nên tham v.v… bừng khởi, tức là tham này mà kiêu mạn về chủng tánh v.v… tăng trưởng lớn mạnh. Lại do nhân duyên ngã mạn mới sinh vào nhà thấp hèn, hoặc sinh vào trong loài sư tử, cọp, sói, cũng do nhân duyên này mà đọa vào trong địa ngục.

Kiêu mạn có vô lượng tội lỗi như thế.

Hỏi: Tướng như thế nào nói là nhiều kiêu mạn?

Đáp: Người này chấp chặt khó có thể cùng nói chuyện, tâm không cung kính, ít biết sợ, ưa tung hoành, tự cao khó dạy, có được chút ít cho là nhiều, thường xem nhẹ người khác, những lỗi này khó có thể dứt trừ. Vì thế nên người có trí không nên hành kiêu mạn này, vì nó là mầm sinh ra sự hủy hoại tất cả công đức.

 

Phẩm 129: NGHI

Luận giả nói: Nghi là đối với pháp thật, tâm không quyết định, gọi là giải thoát ư? Không giải thoát ư? Có thiện và bất thiện ư? Hay không có? Có Tam bảo ư? Hay không có, đó gọi là nghi.

Hỏi: Như thấy cây trụi sinh ra nghi ngờ là cây hay là người? Thấy cục đất sinh ra nghi ngờ là đất hay là chim bồ câu? Thấy tổ ong sinh ra nghi ngờ là tổ ong hay là quả Diêm-phù? Thấy rắn sinh ra nghi ngờ là rắn hay là sợi dây? Thấy dợn nắng sinh ra nghi ngờ là ánh sáng hay là vũng nước? Những điều nghi ngờ này là do nhãn thức sinh ra. Nghe tiếng sinh ra nghi ngờ là tiếng của con công hay là tiếng người giả nhái? Ngửi mùi thơm sinh ra nghi ngờ là mùi thơm của hoa sen xanh hay là mùi thơm hòa hợp? Nếm mùi vị sinh ra nghi ngờ là mùi thịt hay giống như mùi thịt? Chạm xúc sinh ra nghi ngờ là lụa sợi hay là lụa đã thuộc rồi? Ý thức thì nhiều thứ sinh ra nghi, như nghi pháp này có Đà-la-phiêu (Chủ đế) hay chỉ là Cầu-na (Y đế của Thắng luận) có thần hay không thần? Những loại như vậy là nghĩ phải không?

Đáp: Nếu cây trụi mọi người đều sinh ra nghi ngờ thì không phải là phiền não, vì đây không thể làm nhân duyên cho thân sau, vì người đã dứt hết phiền não cũng khởi lên nghi này.

Hỏi: Nghi kia sinh ra như thế nào?

Đáp: Như thấy, nghe, biết hai thứ pháp, cho nên sinh ra nghi ngờ. Vì sao? Vì trước đây thấy hai vật đứng, một là cây, hai là người, sau đó từ xa mới nhìn thấy người và vật bằng nhau sinh ra nghi ngờ là cây hay là người? Đất cũng như vậy.

Hai cách nghe: Như nghe nói có tội, phước thế gian sau, cũng nghe nói không có, nên sinh ra nghi ngờ.

Hai cách biết: Như trời mưa lớn nên mương rãnh ngập nước, hoặc khi đắp đất ngăn nước lại thì mương vẫn đầy tràn, như trời sắp đổ mưa đàn kiến tha trứng dời đến chỗ khác, hoặc người đào đất chúng cũng mang trứng di chuyển đi nơi khác. Như chim công kêu, người cũng có thể giả nhái giống như thật, nhưng thật sự có thể nhìn thấy. Như cái bình, không có thật sự cũng có thể nhìn thấy, như vòng lửa quay tròn thật sự không thể nhìn thấy, như rễ cây nước dưới đất không có thật sự cũng không thể nhìn thấy, như cái đầu thứ hai và cái tay thứ ba. Như thấy, nghe, biết hai thứ pháp như vậy cho nên sinh ra nghi ngờ. Lại không xét kỹ khi nhìn thấy nên sinh nghi, như tám nhân duyên là xa v.v… Lại tin cả hai nên mới sinh nghi, như người nói có đời sau, người khác cho rằng không có, lại tin cả hai người cho nên sinh ra nghi ngờ. Lại đối với việc này có khả nghi, nhưng không thấy tướng khác thế nên sinh nghi, nếu thấy tướng khác thì không còn nghi.

Hỏi: Như thế nào gọi là thấy tướng khác?

Đáp: Thấy, nghe, biết chắc chắn thì không còn nghi, đối với pháp Phật tùy thời dùng thân chứng đắc pháp thật tướng của pháp thì hoàn toàn không còn nghi. Như Bồ-tát lúc ngồi đạo tràng thuyết pháp tinh tấn, Bà-la-môn chứng được pháp sâu xa vi diệu biết rõ các duyên hiện tại đã dứt sạch, lưới nghi liền đoạn diệt. Nếu được trí tuệ có đạo lý thì nghi ấy cũng dứt hẳn, giống như người trí nghe nói hành làm nhân duyên cho thức, liền biết chắc sinh tử từ vô thỉ.

Hỏi: Nghi có lỗi lầm gì?

Đáp: Nếu nghi, đa nghi thì tất cả sự nghiệp ở thế gian và xuất thế gian đều không thể thành tựu được. Vì sao? Vì người nghi không thể nào phát khởi sự nghiệp được, nếu phát khởi thì cũng yếu kém, không thể thành tựu. Như trong kinh nói: Nghi là chặt đứt chồi cây nơi tâm, giống như ruộng hoang mọc nhiều thứ cây non, cây cỏ khác còn không thể mọc nổi, huống chi là các giống lúa nếp. Tâm cũng như vậy, vì rễ nghi phá hoại, nên đối với việc sai còn không quyết định được huống gì là việc đúng. Lại nữa, Đức Phật nói nghi là chỗ tối tăm, chỗ tối tăm có ba loại. Tối tăm ở quá khứ, tối tăm ở vị lai, tối tăm ở hiện tại. Chỗ tối tăm này sinh ra các ngã kiến, người này dù được định tâm cũng là tà định, nếu lìa pháp Phật thì không thể nói là chánh định được. Vì thế nên, nhiều chúng sinh ôm lòng nghi ngờ đến chết, như nói A-tra-gia-la và cả thảy tiên nhơn Ngũ thông cũng còn ôm lòng nghi cho đến chết. Lại nữa, người nghi này, nếu làm các phước đức bố thí thì hoặc không có quả báo, hoặc thiếu phước báo. Vì sao? Vì các phước nghiệp này đều do tâm khởi lên, tâm người này luôn bị nghi làm vẩn đục, nên không có phước thiện. Như trong kinh dạy: “Tâm nghi tu bố thí vẫn thọ nhận quả báo sinh ở chỗ biên địa?. Vì sao? Vì kẻ đa nghi kia không thể nhất tâm, tuy tay đem cho, nhưng sinh tâm không cung kính, nên có được ít quả báo sinh ở chốn biên địa, như tiểu quốc vương Ba-da-tuy.

Hỏi: Không có nghi này. Vì sao? Vì nghi là tâm số pháp mà các tâm số pháp là niệm niệm sinh diệt, hoặc là “thị” không phải nghi hoặc là “phi” thì cũng không phải “nghi”, vì nhất tâm thì không thể có được cả “thị” lẫn “phi”, vậy nên biết là không có?

Đáp: Tôi không nói trong niệm niệm có nghi mà là tâm không quyết định nối tiếp nhau gọi là nghi. Lúc ấy, tâm không quyết định rõ ràng là cây trụi hay là người, tâm này nối tiếp nhau vì không tin nên tâm vẩn đục, cũng do tà kiến nên mới không tin, khi nghi ngờ hoặc có, hoặc là không. Không tin có hai loại:

  1. Một từ nghi sinh ra.
  2. Hai từ tà kiến sinh ra.

Từ nghi sinh ra thì nhẹ, từ tà kiến sinh ra thì nặng. Tin cũng có hai loại: Một là từ chánh kiến sinh ra. Hai là từ nghe được sinh ra.

Từ nơi chánh kiến sinh ra thì tin bền chắc, từ nghe sinh ra thì không được như trên.

 

Phẩm 130: THÂN KIẾN

Trong năm ấm tâm chấp ngã gọi là thân kiến, nhưng thật sự nó không có ngã cho nên mới nói duyên vào năm ấm. Năm ấm gọi là thân, ở trong đó sinh kiến chấp năm ấm, gọi là thân kiến. Vì trong năm ấm không có ngã do chấp lấy cái tướng ngã nên gọi là kiến chấp.

Hỏi: Trong năm ấm đặt cái danh tự của ngã đâu có lỗi gì? Như chiếc bình và các vật đều có tự tướng, vì nó không có lỗi. Ngã cũng như vậy. Nếu nói lìa ấm riêng có ngã, thì đó mới là có lỗi?

Đáp: Tuy không lìa năm ấm mà nói có ngã thì cũng là lỗi. Vì sao? Vì các hàng ngoại đạo cho ngã là thường hằng, vì đời này tạo nghiệp cho nên đời sau nhận lấy quả báo. Nếu nói như vậy, năm ấm phải là thường hằng. Lại nói ngã và ta là một, vậy thì năm ấm cũng là một, đó là lỗi. Lại nữa, ngã tức là lỗi. Vì sao? Vì có tâm ngã nên mới có ngã sở. Do có ngã sở mới khởi lên tham lam, sân giận và tất cả phiền não, thế nên biết rằng tâm ngã là chỗ sinh ra phiền não. Lại người này dù không lìa năm ấm nói ngã nhưng vì chấp tướng ấm, không thực hành theo lý “không”. Vì không hành theo lý “không” nên mới khởi sinh phiền não, do phiền não sinh ra nghiệp, vì có nghiệp mới sinh ra khổ đau, do đó sinh tử nối nhau không dứt. Lại nữa, người này chấp có ngã, còn không thể phân biệt được tướng hiện ra bên ngoài như thân đầu, mắt, tay, chân, huống chi là có thể phân biệt được các ấm, vì cho thọ, ngã là một, ngã là thường còn. Nếu không phân biệt được làm sao có thể hội nhập vào lý không? Nếu kiến chấp nơi ngã thì sợ diệt, vì cho ngã sẽ không còn. Như trong kinh nói: “Phàm phu nghe nói đến lý ‘không, vô ngã”, thì sinh ra nỗi sợ hãi lớn, vì ngã sẽ không còn, hoàn toàn không còn sở đắc”. Hàng phàm phu như vậy thậm chí chỉ mong cầu thân con dã can ghẻ lác mà không cần Niết-bàn. Nếu đạt được trí tuệ “không” thì không còn sợ gì nữa. Như trong kinh Ưu Ba Tư Na nói: “Người thanh tịnh giữ giới, tu tập tám con đường chân chánh hoàn hảo, đến khi qua đời tâm, ý vui vẻ giống như phá vỡ cái bình đựng chất độc hại”.

Nếu nói có ngã tức là đọa vào nẻo tà kiến, nếu ngã là thường thì khổ vui không thay đổi, nếu không thay đổi thì không có tội, phước, nếu ngã là vô thường thì không có đời sau, tự nhiên giải thoát, cũng chẳng có tội phước, nên biết rõ thân kiến là tội rất nặng. Thân kiến là kẻ rất ngu si, tất cả phàm phu đều bị thân kiến làm loạn tâm, chấp sâu nơi hữu, nên phải lưu chuyển qua lại nơi sinh tử. Nếu thấy rõ về vô ngã thì chấm dứt sự qua lại.

Hỏi: Nếu nói năm ấm là vô ngã, tại sao chúng sinh ở trong năm ấm sinh tâm chấp ngã?

Đáp: Nếu nghe danh tướng người, trời, trai, gái, lại suy nghĩ phân biệt thì sinh ra tâm ngã, cũng do chẳng phải nhân nhưng tương tợ nhân nên sinh ra tâm ngã. Nếu nói là không có ngã kia, thì ai nhận chịu khổ vui, oai nghi, ngôn ngữ, tạo nghiệp tội phước thọ chịu quả báo? Lại nữa, từ vô thỉ đến nay sinh tử lâu dài kết tập tướng ngã, trở thành thói quen bị nó sai khiến, như tướng của cái bình v.v… cho nên sinh ra tâm ngã. Lại do trong các thọ ấm sinh ra tâm ngã, chứ không phải trong không thọ. Cho nên, nói nguồn gốc sinh ra tâm ngã, là trong đó đã có ngã. Vì sao? Vì không phải tất cả mọi nơi đều sinh ra tâm ngã. Lại vì ngu si không hiểu biết mới sinh tâm ngã, giống như người mù nhặt được ngói đá liền sinh ý tưởng là vàng ngọc. Vì người này chưa đắc trí phân biệt “không”, ngu si nên thấy có ngã, như ở trong cảnh huyễn mộng, như thành Cànthát-bà, và vòng lửa quay tròn sinh ra ý tưởng là có thật.

Hỏi: Hiện tại nhìn thấy sắc, thân, tóc, lông, móng các phần đều khác nhau, vì sao người trí cho đó là ngã?

Đáp: Có người thấy thần giống như hạt lúa, hạt cải đều ở trong tâm, lại nghĩ: Thần Bà-la-môn màu trắng, thần Sát-lợi màu vàng, thần Tỳ-xá màu đỏ, thần Thủ-đà-la màu đen. Lại nữa, trong sách Vi-đà nói: “Khi trời nguyên sơ, là thần của đại trượng phu, sắc như ánh sáng mặt trời, nếu người nào biết thần này thì có thể vượt qua khỏi sinh tử, lại không còn đường nào khác. Kẻ tiểu nhân thì thần nhỏ, đại nhân thì thần lớn, nằm ẩn trong ngõ ngách của thân mình. Nếu người nào ngồi thiền thì có được cái tướng ánh sáng, thấy thần trong thân như sợi chỉ trong lòng hạt ngọc châu sáng sủa. Những người như vậy chấp sắc là ngã. Kẻ suy nghĩ nông cạn nói thọ là ngã, kẻ suy nghĩ vừa thì nói tưởng là ngã. Vì khổ vui tuy có hợp lý nhưng vẫn có tưởng ngã tâm. Người suy nghĩ vi tế nói hành là ngã, vì tưởng cái bình này tuy là lỗi nhưng vẫn có sự suy nghĩ của tâm ngã. Người suy nghĩ kỹ càng hơn nói thức là ngã, dù biết suy nghĩ còn thô cạn, suy nghĩ ấy dù sai lầm nhưng vẫn biết được tâm ngã. Lại ở trong năm ấm sinh ra tâm ngã, người không thể phân biệt hết các thọ ấm, đối với sắc, tâm hòa hợp sinh ra ngã tưởng, như đối với sắc thâu nhiếp trong bốn pháp phát sinh tưởng là cái bình, vì sắc có sai khác nên có hai mười phần, chấp sắc là ngã. Vì sao? Vì sắc là pháp rõ ràng, là chỗ nương dựa hết thảy của thọ, các thọ này đều ràng buộc ở nơi sắc, cho nên nói sắc là ngã. Có người chấp sắc trụ ở trong thọ, vì thọ là pháp không biết rõ, vậy chỗ nương dựa của sắc, giống như hư không là pháp chẳng rõ là chỗ nương dựa của đất v.v… Như vậy, hai mươi phần đều do si mê mà sinh ra.

Hỏi: Tại sao trong mắt không nói đến phần của ngã?

Đáp: Cũng có nói đến. Như trong kinh nói: “Nếu người nào nói mắt là ngã, thì không đúng. Vì sao? Vì mắt là sinh diệt. Nếu mắt là ngã, thì ngã cũng sinh diệt. Lại mắt v.v… có tướng riêng; nếu nói mắt là ngã, tai v.v… không phải ngã, thì không đúng, nếu tai là ngã thì một người có nhiều ngã, vì trong sắc có sai khác, cho nên nói sắc là ngã mà không phải thọ.

Hỏi: Nếu nói vô ngã thì cũng là tà kiến, việc này là thế nào?

Đáp: Có hai đế: Nếu nói đệ nhất nghĩa đế mà có ngã là bị thân kiến; nếu nói thế đế không có ngã là bị tà kiến. Nếu nói Thế đế có ngã, đệ nhất nghĩa đế vô ngã, thì đó là chánh kiến. Lại đệ nhất nghĩa đế nói là không; Thế đế nói là có, thì không rơi vào trong kiến chấp. Như thế, hai thứ có và không đều thông suốt, như cọp mẹ tha cọp con, nếu ngậm chặt thì làm bị thương, nếu thả lỏng thì sẽ rơi mất. Như vậy, nếu quyết định nói có ngã thì rơi vào thân kiến, nhất định nói không ngã thì rơi vào tà kiến. Lại thái quá và bất cập cả hai đều. Nếu nhất định nói không ngã thì thành thái quá, nếu chắc chắn nói có ngã thì thành ra bất cập. Cho nên trong kinh nói: “Phải bỏ cả hai bên. Nếu đệ nhất nghĩa đế nói là không, Thế đế thì gọi là có, gọi là bỏ hai bên đi theo trung đạo. Lại nữa, pháp Phật không ai có thể tranh hơn. Nếu nói đệ nhất nghĩa đế là không, thì người trí không vượt hơn. Nếu nói Thế đế là có, thì phàm phu không thể tranh luận. Lại, Phật pháp là thanh tịnh trung đạo không thường còn, không đoạn dứt. Vì đệ nhất nghĩa đế là không, cho nên không thường, Thế đế là có nên không đoạn.

Hỏi: Nếu pháp đệ nhất nghĩa đế là không, lẽ ra phải hoàn toàn không hẳn, tại sao nói Thế đế là có?

Đáp: Tất cả thế gian vốn có lời nói là nghiệp và nghiệp báo, hoặc trói buộc hoặc cởi mở v.v… thì đều do si mê phát sinh ra. Vì sao? Vì năm ấm rỗng không, như mộng huyễn, như ánh lửa nối nhau sinh ra. Vì muốn độ thoát kẻ phàm phu cho nên mới tùy thuận tạm nói là có, nếu không nói vậy thì phàm phu mê muội, sẽ rơi vào đoạn diệt. Nếu không nói các ấm thì không thể giáo hóa được; tội phước do nghiệp gây tạo, hoặc trói buộc, hoặc cởi mở đều không thể thành lập được. Nếu phá si mê này mà nói tức tự có thể hội nhập vào “không”, lúc đó không còn các tà kiến nữa, sau đó mới nói đệ nhất nghĩa đế. Như ban đầu dạy quán tướng của nam, nữ; tiếp theo lấy tóc, lông, móng phân chia thân tướng, chỉ vì có năm ấm, sau đó mới dùng tướng “không” để tiêu diệt tướng của năm ấm, gọi là đệ nhất nghĩa đế. Lại nữa, nếu nói Thế đế là có, thì không cần phải nói đệ nhất nghĩa đế là không. Như trong kinh nói: “Nếu biết các pháp không có tánh của tự thể thì có thể nhập vào “không”. Cho nên, biết năm ấm cũng không có. Lại nữa, đệ nhất nghĩa đế là không, như trong kinh nói: “Mắt theo đệ nhất nghĩa đế thì nói không có; ở Thế đế thì có”. Trong kinh Đại Không nói: “Hoặc nói là sự già chết, hoặc nói người ấy già chết. Như ngoại đạo nói thân tức là thần, hoặc nói thân khác, thần khác; sự ấy nghĩa là một, mà tên gọi khác nhau”. Hoặc nói thân tức là thần, thân khác thần khác, là không phải người phạm hạnh. Nếu ngăn chấp người này già chết, tức nói là vô ngã. Hoặc ngăn chấp sự già chết ấy, tức phá sự già chết, cho đến vô minh. Cho nên, biết trong đệ nhất nghĩa đế không có già chết v.v… nói sinh duyên lão tử, đều vì thế đế mà nói. Đó gọi là trung đạo. Trong kinh La Đà nói: “Đức Phật bảo La Đà: Sắc tan hoại phá hủy khiến tiêu diệt không hiện được, cho đến thức cũng vậy”. Như vách đá không thật, vì không thật nên có thể, khiến cho không hiển hiện. Các ấm vốn là hiện, cũng do đệ nhất nghĩa đế là không có nên thuận theo tướng của các ấm tồn tại thì tâm ngã không hoàn toàn đoạn diệt. Vì nhân duyên nên không diệt, như cây tuy bị chặt, đốt cháy, cho đến thành tro bụi, nhưng vẫn nghĩ đến cây, nếu tro bụi này bị gió thổi, nước trôi, nghĩ tưởng về cây mới diệt. Như vậy, nếu phá hủy tan hoại tiêu diệt tướng năm ấm, lúc đó mới gọi là đầy đủ tướng “Không”. Như trong kinh nói: “La Đà! Ngươi phá hủy phân chia chúng sinh, làm cho không hiện tại”. Trong kinh này nói: “Năm ấm vô thường chúng sinh đều không, không thật có”. Trong kinh trước có nói: “Năm ấm tan hoại chính là pháp không”.

 

Phẩm 131: BIÊN KIẾN

Nếu nói các pháp hoặc đoạn hoặc thường, đấy là biên kiến (chấp nhận thấy một bên). Có luận sư nói: “Nếu người nói ngã hoặc đoạn, hoặc thường thì gọi là biên kiến, nhưng không phải tất cả các pháp. Vì sao? Vì hiện tại nhìn thấy các vật bên ngoài có đoạn diệt. Cho nên trong kinh nói: Chấp về “có” gọi là thường, chấp về “không” gọi là đoạn. Lại thân tức thần gọi là chấp đoạn, thân khác, thần khác gọi là chấp thường. Vả lại sau khi chết rồi không còn tạo tác gọi là chấp đoạn, chết rồi trở lại tạo tác gọi là chấp thường, sau khi chết có tạo tác và không tạo tác, trong đó có người tạo tác gọi là thường, không có người tạo tác gọi là đoạn. Không tạo tác, không phải không tạo tác cũng như vậy.

Hỏi: Điều thứ tư không được gọi là kiến chấp?

Đáp: Người này đối với Thế đế cũng không có người và pháp cho nên gọi là kiến chấp, bốn câu thường, vô thường, biên vô biên cũng vậy. Vả lại trong kinh nói: “Sáu xúc nhập diệt hết, còn có cái khác thì tức là thường, không có cái khác tức gọi là đoạn. Nếu thấy ngã trước đây có tạo tác, sau này cũng tạo tác, gọi là chấp thường, trước đây ngã không tạo tác, sau cũng chẳng tạo tác, gọi là chấp đoạn”. Kinh Tà Kiến nói: “Thân người có bảy phần, gồm đất, nước, lửa, gió, khổ, vui, thọ mạng. Nếu đến khi chết, thì bốn đại trở về nơi nguồn gốc, trả lại cho hư không”. Lại nói: “Lấy dao bén giết hại chúng sinh chất thành đống thịt, thì không có tội sát sinh”, gọi là chấp đoạn. Kinh Phạm Võng nói: “Đó là tướng chấp đoạn. Nếu nói có người tạo tác đời sau kẻ ấy phải nhận chịu, gọi là chấp thường”.

Hỏi: Chấp thường, chấp đoạn làm sao sinh khởi?

Đáp: Do theo nhân duyên nào đó mà nói, sau khi chết trở lại làm nhân duyên ấy, do đó sinh ra kiến chấp về bên thường. Do thuận theo nhân duyên nào đó mà nói, sau khi chết rồi không trở lại làm nhân duyên ấy, thế nên sinh ra kiến chấp về đoạn diệt.

Hỏi: Kiến chấp này làm sao đoạn trừ được?

Đáp: Nhờ tu tập quán “Không”, không còn chấp về ngã, vì không chấp ngã nên không có hai bên, như trong kinh Viêm Ma Già nói: “Nếu mỗi một ấm không phải là người, thì hòa hợp ấm lại cũng không phải người, mà lìa ấm cũng không phải người, như vậy hiện tại không thể được, vì sao nói A-la-hán sau khi chết rồi không có tạo tác?”. Vậy nên biết là người thì không thể chấp giữ được. Vì người không thể chấp giữ được nên chấp ngã và chấp đoạn, thường cũng đều không. Lại nữa, thấy các pháp do các duyên sinh ra, thì không chấp hai bên. Lại nói: Thấy thế gian tụ tập thì diệt mất chấp “không”, thấy thế gian diệt thì diệt mất chấp có, lại đi chính giữa thì diệt cả hai bên. Vì sao? Vì thấy các pháp nối nhau sinh ra, tức là dứt chấp đoạn, thấy niệm niệm diệt thì diệt mất chấp thường. Lại nói: Năm ấm không phải tức là người, mà cũng không lìa năm ấm có người. Cho nên, biết là không phải thường, không phải đoạn. vì có thể được thân khác nên không được cho là một. Đều là chúng sinh nên không thể khác nhau. Lại năm ấm nối nhau mới có chúng sinh luân hồi trong sinh tử, nên không được nói tức là nó, vì nối tiếp nhau khác; cũng không nói là khác nhau, vì trong nối nhau có thể nói là một. Vả lại, từ ấm này đến kia khác nhau, nên không được nói thường; do năng lực nhân duyên nối tiếp của tự nó sinh ra, vì thế không thể nói là đoạn.

 

Phẩm 132: TÀ KIẾN

Nếu thật sự có pháp mà sinh tâm cho là không, đó là tà kiến. Như nói không có bốn đế và Tam bảo… Trong kinh nói: “Tà kiến là chấp thấy không bố thí, không thờ cúng, không thiêu đốt, không thiện, không ác, không có nghiệp báo thiện ác, không có đời này, không có đời sau, không có cha mẹ, không có chúng sinh thọ sinh ở thế gian, không có bậc A-la-hán chánh hạnh chánh chí, tự mình thấu tỏ chứng đắc đời này và đời sau, biết sự sinh của ta đã chấm dứt, phạm hạnh đã thành, việc làm đã xong, thân này từ đây vĩnh viễn không còn thọ thân nào khác. Thí là vì lợi tha cho nên mới ban cho. Tự là những lời lẽ trong sách Vi-đà, do trời mà có nên phải thờ cúng. Đốt là trong miếu thờ trời đốt các vật hương tô. Thiện là có thể đạt được quả nơi ba nghiệp thiện. Ác là đạt được kết quả chẳng thích nơi ba nghiệp ác. Nghiệp báo thiện ác là danh tiếng thiện ác đời này và quả báo đời sau ở cõi Trời. Đời này gọi là hiện tại, đời sau gọi là vị lai. Cha mẹ có thể sinh ra. Chúng sinh thọ sinh là từ đời này đến đời sau. A-la-hán là đoạn trừ phiền não, nói không có những việc này, cho nên gọi là tà kiến. Vả lại chúng sinh cấu tịnh có thấy biết hoặc không thấy biết, đều không có nhân duyên, lại không có năng lực, không có dũng mạnh và quả báo này, gọi là tà kiến. Nói tóm lại: Hễ có tâm điên đảo đều gọi là tà kiến. Như vô thường tưởng là thường, khổ nghĩ là vui, bất tịnh tưởng là tịnh, vô ngã cho là ngã, không hơn tưởng là hơn, hơn nghĩ là không hơn, đạo tịnh tưởng là đạo chẳng tịnh, đạo chẳng tịnh tưởng là đạo tịnh, bên trong không nghĩ có, bên trong có nghĩ không, những tâm điên đảo như vậy, nơi luận A-tỳ-đàm gọi là năm kiến. Trong kinh Phạm Võng nói có sáu mươi hai kiến, đều gọi là tà kiến.

Hỏi: Tà kiến này phát sinh thế nào?

Đáp: Do ngu si sinh ra, vì đắm nhiễm chẳng phải nhân và tương tợ nhân, nên sinh ra tà kiến. Lại do đắm sâu nơi nhân vui nói là không có khổ đau, lại lầm lỗi ở nghĩa “không” nên nói là không khổ, vì không có người thọ khổ. Hoặc nói muôn vật trong thế gian không nhân, không duyên, hoặc nói nhân ở nơi trời Tự Tại, chứ không nhân ở nơi ái, gọi là không có tập tế. Dựa theo nhân duyên nào đó nói là không có Niếtbàn, hoặc nói một cách khác, Niết-bàn gọi là không diệt. Nếu không có con đường Niết-bàn thì đến chỗ nào? Hoặc nói có con đường giải thoát khác là chấm dứt ăn uống, gọi là vô đạo, vô Phật. Người này nói: Các pháp nhiều vô lượng làm sao một người có thể biết hết được? Hoặc nghĩ như vậy: Đức Phật là bậc tôn quý nhất trong loài người, vì không ai sánh bằng, nên biết không có Phật; không dứt hết phiền não, nên gọi là không có pháp; không có người tu hành chơn chánh được pháp này nên gọi là không biết Tăng. Bởi bố thí không thể được quả hiện tại, nên gọi là không có bố thí. Vả lại trong kinh sách nói không bố thí, so sánh mà biết cũng không chắc thật. Thế gian có người thích bố thí mà lại nghèo khó; có người tham lam keo kiệt mà được giàu có; do các nguyên nhân ấy nên nói không bố thí. Không thờ cúng, không thiêu đốt cũng như vậy. Nếu dùng lửa đốt vật thành tro, trong đó có những quả gì? Không có thiện, ác, không có quả báo thiện, ác là như nói thần là thường thì không có thiện, ác, nếu thần là vô thường thì không có đời sau, vì không có đời sau cho nên không có thiện, ác, không có quả báo thiện ác. Không có đời này là nếu phân tách các pháp thì chung quy đều không có gì cả. Không có đời sau là sau khi chết rồi không làm nhân duyên cho nhau, cho nên nói không có đời sau. Không có cha mẹ, tức cũng từng phần chia chẻ ra cho đến hết, là không có gì. Lại nói: Ví như nhờ đống phân sinh ra côn trùng, dĩ nhiên đống phân không phải là cha mẹ của côn trùng, nếu đem đầu thân ra phân chia tức không phải là phần thân của cha mẹ. Lại nữa, các pháp theo từng niệm diệt đi, lấy gì làm cha mẹ? Không có chúng sinh thọ sinh: Vì pháp của chúng sinh không có, nên đời này còn không, huống chi có thể thọ thân! Lại suy nghĩ: Chúng sinh làm thân này ư? Hay không phải thân này? Nếu là thân thì mắt thấy thân này, chôn làm đất, đốt đất thành tro, trùng ăn thành phân cho nên, không có thọ sinh. Nếu không phải thân này thì có hai loại, hoặc tâm hoặc lìa tâm. Nếu là tâm thì tâm pháp từng niệm từng niệm sinh diệt không dừng trụ huống chi đến thân đời sau. Hoặc lìa tâm thì không kể là ngã, vì đối với tâm của người khác còn không chấp ngã, huống gì là chỗ vô tâm, cho nên không có người thọ sinh. Không có A-la-hán là người này thấy tất cả mọi người, đói thì xin ăn, lạnh thì cầu ấm, nóng thì cầu mát, hủy hoại thì giận dữ, cúng dường thì vui mừng, cho nên không thể đoạn hết phiền não. Trong kinh có nói: Không có A-la-hán, do đó dựa theo Kinh này sinh ra tà kiến. Các thứ cấu, tịnh không có nhân duyên là người này thấy pháp cấu uế tự nhiên sinh ra, lại người có cấu uế tức thể là cấu uế, nên mới nói không có nhân. Chấp thấy biết, không thấy biết cũng thế. Không có năng lực, không có sức mạnh là thấy tất cả chúng sinh đều nhờ vào nhân duyên, hoặc nói: Nhờ trời Tự Tại mới có những sự tạo tác. Lại thấy chúng sinh lệ thuộc vào nghiệp, nhân duyên không phải trời Tự Tại, nên nói không có năng lực không có sức mạnh và quả báo này. Vô thường tưởng là thường, là do nhân duyên nào đó mà phá niệm niệm diệt, nhờ nhân duyên ấy phát sinh kiến chấp về thường. Lại nói: Các pháp khi diệt trở thành vi trần, hoặc nói: trở về bản tánh. Các pháp tuy diệt, nhưng do nghĩ nhớ, nên thường thọ chịu khổ vui, do đó sinh ra tưởng là thường. Lại nói thần là thường, âm thanh cũng thường, vì các duyên này nên sinh ra tưởng là thường. Khổ cho là vui, nghĩa là tùy nhân duyên nào đó mà cho là vui? Như phẩm Ba thọ đã nói ở trước. Do nhân duyên này nên phát sinh tưởng là vui. Bất tịnh cho là tịnh, là vì đắm nhiễm thân nên mắt thấy bất tịnh mà sinh ý tưởng là tịnh. Hoặc suy nghĩ: Ta được thân người, nhìn thấy thân người này bất tịnh, mà chúng sinh cho đó là tịnh. Do những duyên như vậy nên sinh ý tưởng là tịnh. Vô ngã tưởng là ngã tức thấy năm ấm nối nhau sinh ra nên chấp lấy một tướng, cho đấy là ngã. Lại nữa, như trước đã sinh nhân duyên thân kiến, do nhân duyên ấy sinh ra tưởng là ngã. Không phải hơn tưởng là hơn nghĩa là người này thuộc về các luận sư ngoại đạo Phú-lan-na … sinh ra ý tưởng là hơn. Lại Phạm vương tự nói: Ta là Đại Phạm vương tạo ra vạn vật là như thế v.v. .. Có người nói: Nếu người nào thọ đủ năm thứ dục lạc, thì đó gọi là pháp thù thắng. Lại nói, nếu người nào lìa năm dục thì nhập vào thiền thứ nhất cho đến thiền thứ tư, gọi là pháp tối thắng. Lại nói: Hiện thấy chúng sinh trong thế gian thuộc dòng Bà-la-môn là cao cả, chứ không phải hiện thấy trời trong chúng sinh là cao tột, đó là không phải hơn tưởng là hơn. Hơn tưởng là không hơn: Trong tất cả chúng sinh Phật là bậc tối thắng, có người đối với Phật không tưởng là hơn, lại nói thế này: Dòng Sát-đế-lợi mới học đạo mấy ngày nông cạn, còn cho pháp Phật nói là không khéo léo vi diệu, văn từ phiền phức trùng lặp không bằng sách Vi-đà, đây không gọi là hơn bốn hạng người, trong chúng Tăng, thế cho nên không hơn. Như vậy, đó gọi là trong hơn sinh tưởng không hơn. Ở trong đạo không tịnh cho là đạo tịnh là như có người nói dùng nước tro tắm rửa làm cho sạch người. Lại nói: Sinh tử dứt hết mới gọi là đạo thanh tịnh. Lại chỉ tham chấp giữ giới phạm hạnh cúng dường cho Trời. Cũng nói: Do nhờ trời Tự Tại mới được thanh tịnh. Hoặc nói: Dứt hết nghiệp khổ hành cũ nên gọi là đạo thanh tịnh. Lại đoạn trừ năm thứ vị tân và bơ v.v. thì được thanh tịnh, còn nói khi muốn tắm rửa cho sạch sẽ phải đọc chú ngữ trong sách Vi-đà, sau đó mới ăn uống gọi là đạo thanh tịnh. Dùng những thứ tà đạo như vậy mà được giải thoát, không dùng tám con đường chân chính cho là đạo thanh tịnh. Trong có sinh tưởng là không tức như trong pháp thế đế là có, mà cũng nói là không.

Trong không tưởng là có tức như nói có Đà-la-phiêu, có hữu phần giả, cũng nói, có số lượng Cầu-na, nói tổng tướng (tướng chung), biệt tướng (tướng riêng) và tích tập, nói chủng loại thế gian vô vật là có, do những nhân duyên như thế nên phát sinh tâm điên đảo, đều gọi là tà kiến. Đối với tà kiến này, riêng có bốn loại kiến, còn nhiều loại khác nếu nặng thì đều gọi là tà kiến.

Hỏi: Tà kiến này đoạn diệt như thế nào?

Đáp: Trong kinh Phật dạy: Chánh kiến có thể tiêu diệt được tà kiến.

Hỏi: Làm thế nào phát sinh chánh kiến?

Đáp: Như thấy, nghe, so sánh biết, quyết định chính xác thì phát sinh ra chánh kiến. lại gắng thường tu chánh định, thì phát sinh chánh kiến. Như trong kinh nói: Nhiếp phục tâm mới có thể hiểu rõ như thật, chứ không phải tâm loạn.

Hỏi: Tà kiến này có lỗi lầm như thế nào?

Đáp: Tất cả tội lỗi và các thứ não hại đều do tà kiến, người này cho không có tội phước và nghiệp báo thiện ác, cho nên hiện tại không có việc tốt, huống chi là đời vị lai. Người như vậy hủy bỏ thiện ác gọi là đoạn dứt thiện căn, chắc chắn rơi vào địa ngục A-tỳ. Như A-tỳ-đàm Lục Túc nói: “Giết người ấy tội nhẹ hơn giết côn trùng”. Người tà kiến này làm ô nhiễm cả thế gian, vì làm nhiều điều tổn hại đến chúng sinh. Họ sống cũng như loại cây độc sống chỉ làm hại. Người này đã dấy khởi nghiệp nơi thân, khẩu, ý, đều là ác báo. Như trong kinh nói: người tà kiến khởi lên nghiệp nơi thân, khẩu, ý, mong cầu, nghĩ nhớ đều là quả báo ác, như gieo trồng giống bầu đắng, giống cây Câu-xa-độc-chi chắc chắn sẽ hại giống cây Chu-mạn-đà, trong đó có những thứ đất, nước, lửa, gió đều là vị đắng là do giống này. Như vậy người tà kiến thì, các tâm, tâm số pháp (tâm vương và tâm số) do tà kiến cho nên đều chịu quả báo ác. Do vậy, dù có bố thí rốt cuộc người này cũng không được quả tốt đẹp. Vì trước đây bị tâm tà kiến làm hư hoại nên người này mọi việc làm bất thiện đều được tăng trưởng, do tâm ác huân tập lâu ngày. Lại, nhờ giới pháp mới có thể ngăn chận được phi pháp, vì người này chấp không có thiện ác nên không hề ngăn cản, kiêng dè, lún sâu vào buông lung làm điều bất thiện, chắc chắn phá bỏ hai pháp hổ và thẹn, chẳng thua gì loài súc sinh. Vả lại, người nào nói không có thiện ác, thì trong tâm người ấy luôn ôm chặt việc bất thiện, vì người này không có thể thọ nhận được nhân duyên nơi pháp thiện. Vì sao? Vì người này không có gần gũi bên người thiện, không nghe được pháp thiện, tâm ác dễ khởi tâm thiện khó sinh. Vì dễ khởi ác, nên không có nhân duyên thiện. như thế, dần dần tích chứa thì đoạn mất thiện căn. Lại nữa, người tà kiến này gọi là ở chỗ tai nạn, giống như chúng sinh trong địa ngục không thể đạt đạo, hoặc như sinh ở nơi phố thị đầy đủ sáu căn có thể phân biệt được tốt xấu, cũng không thể đạt được, vì người tà kiến này không có ác nào mà không gây tạo, không kiêng nể nặng nhẹ, tạo ác chút ít cũng rơi vào địa ngục, vì tội nặng tâm mới khởi lên nghiệp này như trong phẩm Nghiệp có giải thích về nghiệp ở địa ngục. Người này không thể nào dứt hết nghiệp tội ác, do pháp bất thiện luôn bám lấy tâm, người này luân hồi mãi nơi địa ngục khó có thể giải thoát được. Vì sao? Vì người này đoạn mất thiện căn, trong khi thiện căn chưa nối tiếp nhau quyết chắc không thể thoát khỏi địa ngục, người này bị tà kiến ẩn núp trong tâm thiện căn làm sao nối tiếp nhau được! Người tà kiến ấy không thể nào sửa đổi, giống như người bệnh khi tướng chết đã hiện ra, dù bậc lương y cũng không thể cứu chữa được. Người kia cũng như thế, vì không có một chút thiện nào, thậm chí chư Phật cũng không thể nào cứu giúp. Vì thế, cho nên chắc chắn sẽ rơi vào địa ngục A-tỳ.

 

Phẩm 133: HAI THỦ

Đối với việc không thật có, sinh tâm quyết định chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là nói đối, đấy gọi là Kiến thủ, trước đây có nói ở trong pháp không hơn mà sinh ra ý tưởng cho là hơn, cũng gọi là Kiến thủ.

Hỏi: Kiến thủ có những lỗi lầm như thế nào?

Đáp: Người này có được chút ít công đức thì tự cho là đủ, vả lại người này đã uổng nhọc công phu. Vì sao? Vì người này đối với việc bất thiện mà sinh ra tưởng là việc thiện vi diệu, rồi siêng năng tinh tấn hơn. Do nhân duyên ấy về sau sinh tâm hối hận. Người này bị kẻ trí chê cười, vì thua sinh ra ý tưởng cho là hơn. Nếu người nào thua cho là hơn đấy là tướng ngu si, giống như người mù đối với gạch ngói tưởng là vàng bạc, bị người mắt sáng cười chê xem thường. Kiến thủ có những lỗi lầm như thế.

Như người bỏ trí dùng các giới như tắm rửa v.v… hy vọng được thanh tịnh, gọi là Giới thủ.

Hỏi: Vậy không dùng giới mà được thanh tịnh sao?

Đáp: Dùng trí tuệ mới đạt được giới thanh tịnh, vì trí tuệ là căn bản.

Hỏi: Giới thủ có lỗi lầm gì?

Đáp: Đã thuyết minh lỗi của Kiến thủ là dùng những việc thấp kém nhất cho là đủ, Giới thủ đều có lỗi này. Lại nữa, nhân duyên của giới thủ là uổng công thọ nhận các khổ đau, nghĩa là chịu sự lạnh nóng, nằm trên tro đất cây cỏ chông gai v.v. gieo mình xuống vực thẳm, tự nhảy vào lửa bỏng, nhào xuống hố sâu, đời sau cũng chịu quả báo khổ thảm thương. Như trong kinh nói: Giữ giới trâu, nếu thành tựu thì trở thành làm trâu, nếu không thành tựu thì rơi vào địa ngục, người này từ nơi tối đi vào nẻo tối, do nhận pháp này nên đời hiện tại chịu khổ cực, đời sau cũng chịu khổ. Lại người này bị tội rất nặng. Vì sao? Vì phi pháp cho là pháp, rồi hủy hoại pháp chân thật, chê bai người tu hành pháp chơn chánh, khiến cho nhiều chúng sinh làm trái pháp chơn tịnh, rơi vào vòng tội lỗi, chất chứa thành tội lớn, cho nên phải chịu thọ quả báo ở địa ngục A-tỳ. Vì thế, thà không tu còn hơn, chớ tu theo tà giáo ngoại đạo. Vì sao? Vì nếu trước đây chưa tu thì dễ làm cho hành đạo, nếu tu theo tà thì sẽ làm hư tâm do đó khó nhập vào đạo chân thật. Lại nữa, tuy là oán tặc cũng không thể làm cho người sầu não giống như người sinh khởi tà kiến. Vì sao? Vì oán tặc không thể làm ô nhiễm con người, giống như người chạy theo tà kiến. Nghĩa là lãnh thọ tu theo các tà giáo ngoại đạo, hành theo vô số giới tà như lõa thể, không biết xấu hổ, bôi tro, đất lên người, hoặc nhổ tóc v.v. người tà kiến này hoàn toàn mất hết tất cả những điều lợi ích vui mừng của thế gian, hiện tại mất cái vui năm dục, đời vị lai mất hết cái vui sinh ở cõi thiện, và cái vui của Niết-bàn. Nếu có người nào cầu vui mà bị khổ, cầu giải thoát mà bị ràng buộc, thì há chẳng phải gọi là cuồng điên ư? Vì sao? Vì nhân duyên bố thí một bữa ăn còn được sinh lên cõi trời, mà người này tu tà hạnh thì dù bố thí cả thân mạng vẫn không có được lợi ích gì cả.

 

Phẩm 134: TÙY PHIỀN NÃO

Tâm nặng nề muốn nhắm mắt gọi là thùy, tâm thâu giữ lìa thức tỉnh gọi là miên; tâm phân tán nơi các trần duyên gọi là trạo, tâm trĩu nặng ưu tư gọi là hối tức là những việc không nên làm mà làm, những việc nên làm mà không làm. Tâm xảo trá, cong vẹo giả là tốt gọi là xiểm (nịnh hót) tâm dua nịnh, phụng sự cho đến thành tựu gọi là cuống (lừa gạt), tự làm ác mà không biết hổ thẹn với mình gọi là vô tàm; chúng sinh làm ác không biết xấu hổ với mọi người và không e ngại gọi là vô quý. Tâm chạy theo việc bất thiện gọi là phóng dật. Thật sự không có công đức mà bày hiện tướng làm cho mọi người tưởng mình có gọi là giả dối. Hiện ra tướng đặc biệt vì cầu lợi dưỡng, dùng lợi khẩu nói làm đẹp lòng người gọi là tham dục, muốn có được vật của người khác biểu hiện tướng muốn được, như nói vật này rất tốt, gọi là hiện tướng. Hoặc vì muốn chê trách người này, nên khen ngợi người kia, như nói: Thân phụ của ông siêng năng, còn ông thì không bằng, đó gọi là kích động. Hoặc dùng của bố thí để mong cầu sự cúng dường, như nói vật thí này do người tên… mới cúng. Những việc như thế v.v… gọi là lấy lợi cầu lợi. Hoặc người có bệnh ưa ngủ, gọi là bệnh đầy mắt. Nếu được chỗ tốt đầy đủ nhân duyên hành đạo, mà thường lo buồn gọi là không vui. Nếu người hay uốn mình, thân không điều hòa, vì nhân duyên ngủ nghỉ, gọi là uể oải. Nếu người không biết điều hòa ăn uống chừng mực, gọi là ăn không điều tiết. Hoặc không kham chịu siêng năng gọi là thối tâm. Nếu các bậc tôn trưởng có nói ra điều gì dạy bảo, đều không cung kính, không nể sợ, gọi là không tôn kính. Ưa vui với kẻ ác, gọi là thích bạn ác, những điều như vậy gọi là tùy phiền não, tức sinh ra từ phiền não.

 

Phẩm 135: CĂN BẤT THIỆN

Ba căn bất thiện là tham, sân, si.

Hỏi: Kiêu mạn cũng là căn bất thiện, vì sao chỉ nói có ba thứ?

Đáp: Tất cả phiền não đều do ba phần phiền não này, mạn thuộc về phần ngu si nên không nói khác. Vả lại ba thứ phiền não này phần nhiều ở trong tâm chúng sinh, mạn v.v… không phải vậy. Lại nữa, tất cả mọi người chưa lìa dục, cho đến loài muỗi kiến, ba phiền não này đều ở trong tâm, còn kiêu mạn thì không thế. Lại tham là căn bất thiện của sân, trái với tham là phát sinh ra sân giận, ngu si là làm gốc cho cả hai. Vì sao? Vì người không có ngu si không có tham và sân. Trong kinh nói: Mười nghiệp bất thiện có ba thứ do tham, sân, si sinh ra, không nói từ mạn mà sinh ra. Lại có ba thứ thọ, không có thọ thứ tư; trong ba thọ này bị ba phần phiền não sai khiến. Nếu có mạn riêng thì sai khiến ở trong thọ nào? Việc này thật sự không thể giải nói, nên biết ba thứ này là nguồn gốc của các phiền não.

Hỏi: Vì sao trong lạc thọ bị tham sai khiến?

Đáp: Vì hiện tại nhìn thấy từ trong đó sinh ra, như trong kinh nói: Người được tiếp xúc với lạc sinh hỷ, nếu tiếp xúc với khổ thì không hỷ, người này đối với các vị tập, diệt, lỗi lầm, vượt ra trong các thọ, không biết như thật, ở trong thọ không khổ, không vui bị vô minh sai khiến. Vì sao? Vì người này ở trong cảnh giới vô sắc bị ràng buộc do các ấm nối nhau, không biết như thật, ở trong đó sinh ra ý tưởng là tịch diệt, hoặc tưởng là giải thoát, hoặc nghĩ là không khổ không vui, hoặc tưởng ngã. Cho nên nói trong thọ không khổ không vui sinh ra si mê.

Hỏi: Các kiết sử này ở trong pháp sai khiến hay ở trong chúng sinh sai khiến?

Đáp: Nhân nơi pháp mà sinh ra tâm chúng sinh, tùy thuộc tâm chúng sinh mà nhận lãnh các thọ, lại thuận theo các thọ bị phiền não tham v.v… sai khiến. Cho nên biết rõ do pháp sinh ra kiết sử, rồi sai khiến chúng sinh. Vì sao biết được? Vì chúng sinh chưa dứt kiết sử này thì còn bị nó sai khiến, nếu đoạn dứt thì nó không còn sai khiến nữa. Nếu ở trong pháp mà bị sai khiến, thì pháp thường có nên kiết sử cũng phải thường sai khiến, thường không phải đoạn dứt. Lại như chẳng phải số chúng sinh cũng phải có bị sai khiến. Nếu vậy thì vì người bị sai khiến, cho nên cái vách tường v.v… cũng có bị sai khiến, vì người có biết nên vách v.v… cũng phải biết, việc này thật không phải vậy. Lại như vậy thì không có A-la-hán. Vì người khác bị sai khiến nên mới có sai khiến.

Hỏi: Kiết sử này chưa dứt thì bị sai khiến, dứt rồi thì không còn bị sai khiến?

Đáp: Hai thứ kiết sử sai khiến. Một là duyên sử, hai là tương ưng sử. Sử này hoặc dứt hoặc chưa dứt, tức là duyên và tương ưng. Vì sao nói dứt thì không còn sai khiến? Vì như vậy, lẽ ra phải nói tướng kiết sử thứ ba. Vì không thể diễn nói nên biết là không. Lại nữa, kiết sử có thể duyên ở địa khác, mà không thể sai khiến. Cho nên chỉ biết sai khiến trong chúng sinh, chứ không phải ở trong pháp.

Hỏi: Hai thứ kiết sử sai khiến: Một là duyên sử, hai là tương ưng sử. Các kiết sử của chúng sinh ấy không phải duyên, không phải tương ưng, làm sao sai khiến?

Đáp: Việc này trước đã giải đáp rồi. Các kiết sử nhân nơi pháp sinh ra mới sai khiến chúng sinh. Như trong A-tỳ-đàm nói: “Chúng sinh ở cõi Dục có bao nhiêu kiết sử sai khiến”. Nếu không sai khiến chúng sinh làm sao có câu hỏi như vậy?

Hỏi: Nếu kiết sử sai khiến chúng sinh thì sao trong kinh lại nói: Trong lạc thọ bị tham sai khiến tức cùng với trên trái nhau?

Đáp: Đấy là lời nói bất tận. Đúng phải nói trong: lạc-thọ sinh ra tham rồi sai khiến chúng sinh.

Hỏi: Tham này cũng do nơi sắc v.v… sinh ra, vì sao trong đó chỉ nói do lạc-thọ sinh ra?

Đáp: Do nhớ nghĩ phân biệt vui mừng v.v… nên tham sinh ra, không phải chỉ từ sắc sinh ra.

Hỏi: Nhân nơi khổ thọ cũng sinh ra tham, như nói kẻ vui mừng không cầu, kẻ khổ thì cầu nhiều, vì sao chỉ nói từ lạc thọ sinh ra?

Đáp: Không vì khổ thọ mà sinh ra tham. Người này bị khổ làm não loạn, cho nên sinh tham trong lạc thọ.

Hỏi: Trong thọ không khổ, không lạc, cũng bị tham, kiết sử sai khiến, vì sao chỉ nói trong lạc thọ?

Đáp: Người này cho thọ không khổ không lạc thọ là vui nên sinh ra tham. Do đó nói trong lạc thọ bị tham sai khiến. Vì trong ba thọ này bị ba phiền não sai khiến, cho nên chỉ nói có ba.

 

Phẩm 136: TẠP PHIỀN NÃO

Hỏi: Trong kinh nói: Có ba lậu là dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Các lậu ấy như thế nào?

Đáp: Trong cõi Dục trừ vô minh, còn tất cả phiền não khác gọi là dục lậu. Cõi Sắc, cõi Vô sắc hữu lậu cũng như vậy. Vô minh trong ba cõi gọi là vô minh lậu.

Hỏi: Các lậu tăng trưởng như thế nào?

Đáp: Từ hạ, trung, thượng dần dần tăng trưởng. Vả lại được thắng duyên của sắc v.v… nên các lậu tăng trưởng.

Hỏi: Ba lậu này vì sao nói là bảy lậu?

Đáp: Thật ra lậu chỉ có hai loại. Hàng kiến đế đoạn dứt căn bản của các lậu; hàng Tư duy đoạn dứt quả của các lậu, và năm nhân duyên giúp cho lậu hợp lại thành bảy, tức là phiền não này, Đức Phật dựa theo nghĩa ấy nói: Ba lậu, bốn lưu, bốn phược, bốn thủ, bốn kiết.

Hỏi: Bốn lưu là dục lưu, hữu lưu, kiến lưu, vô minh lưu như thế nào?

Đáp: Trừ kiến lưu, vô minh lưu ra, còn tất cả phiền não ở cõi Dục, gọi là Dục lưu. Hữu lưu ở cõi Sắc và Vô sắc cũng như thế. Các thứ kiến gọi là kiến lưu, vô minh gọi là vô minh lưu.

Hỏi: Vì sao trong lưu nói kiến lưu riêng khác mà trong lậu không nói?

Đáp: Ngoại đạo phần nhiều bị kiến chấp làm cho trôi nổi lưu chuyển, nên trong lưu nói kiến riêng, vì chìm nổi nên nói là lưu, luôn trói buộc nơi ba cõi, nên gọi là phược.

Hỏi: Bốn thủ: Dục thủ, kiến thủ, giới thủ, ngã ngữ thủ, là thế nào?

Đáp: Vì vô ngã nên chỉ lấy lời nói gọi là ngã ngữ thủ. Nếu người có chấp ngã, tức sinh chấp có hai bên, ngã này hoặc thường hoặc vô thường. Nếu quyết định nói là vô thường thì giữ lấy năm dục, vì cho không có đời sau nên say đắm mọi vui ở hiện tại. Nếu quyết định nói là thường thì kẻ độn căn chấp giữ giới mong được mọi vui thế gian sau. Kẻ có chút lợi căn suy nghĩ như vậy: Nếu thần là thường thì khổ vui không thay đổi, tức không có tội phước, cho nên khởi lên tà kiến. như thế, chỉ do ngã ngữ thủ nên sinh ra bốn thủ.

Hỏi: Bốn kiết: tham, ganh ghét là thân kiết, sân giận là thân kiết, giới thủ là thân kiết, và tham đắm chấp sự thật kia là thân kiết. Bốn kiết ấy là thế nào?

Đáp: Tham, ganh ghét vật người khác, người khác không cho thì sinh tâm giận dữ, lại dùng roi gậy v.v… giành lấy đó là nguồn gốc của sự đấu tranh của người tại gia, cũng gọi là chạy theo một bên vui. Nếu người giữ giới muốn dùng giới này để được thanh tịnh, tức cho rằng, đây là thật, ngoài ra là nói giả dối, rồi chấp theo thì đó là nguồn gốc tranh cãi của người xuất gia, cũng gọi là tùy thuận theo bên khổ. Năm ấm gọi là thân, bốn thứ kiết này cần phải có thân, miệng mới thành, cho nên gọi là thân kiết. Như có người nói: Bốn pháp này có thể trói buộc sinh tử nên gọi là kiết.

Hỏi: Năm Cái (ngăn che): Tham dục, giận dữ, ngủ nghỉ, trạo hối và nghi. Việc này thế nào?

Đáp: Người tham đắm các dục, nên giận dữ bám theo, như trong kinh nói: Do ái sinh ra giận dữ, và phiền não ganh ghét v.v… các nghiệp ác như dùng roi gậ v.v… đều do tham dục sinh ra. Thân tâm người này bị tham sân làm hư hoại, công việc phần nhiều mỏi mệt muốn ngủ nghỉ. Người này mới ngủ một chút, tham sân trở lại làm tán loạn tâm kia, tâm không thiền định được, nên mới rong chạy theo duyên bên ngoài, phát sinh dao động. Người này tạo nghiệp bất tịnh tâm luôn lo lắng, ăn năn. Do tâm tán loạn ăn năn, nên tâm luôn sinh nghi ngờ, có giải thoát không? Như vương tử nói với Sa-di A-di-la-viết.

Hỏi: Vì sao gọi là Cái (ngăn che)?

Đáp: Tham dục, giận dữ có thể ngăn che phẩm giới, trạo hối có thể che đậy phẩm định; ngủ nghỉ có thể che khuất phẩm tuệ. Có người vì trừ bỏ sự ngăn che này, nên nói đây là thiện, đây là ác, trong tâm người ấy bèn sinh nghi ngờ là có hay là không? Nghi này thành tựu có thể che khuất ba phẩm trên. Vì sức mạnh của năm thứ này che khuất ba pháp kia, cho nên gọi riêng là Cái; sức của hai Cái yếu ớt phải hợp hai pháp mới thành, hai Cái này nhân duyên sinh ra đều đồng thời, cho nên hợp lại mà nói. Năm pháp nhân duyên của ngủ nghỉ, gọi là nhắm mắt lại, không vui, thân uể oải ăn uống không điều hòa, tâm thoái mất. Bốn pháp nhân duyên, của trạo hối cảm giác về bà con láng giềng cảm giác về đất nước, cảm giác về những gì bất tử, nhớ nghĩ những việc trước đây vui đùa, nói cười. Những thứ này gọi là sinh nhân ra trạo hối. Vì thuốc trị cũng đồng như vậy, nên ngủ nghỉ lấy tuệ làm thuốc đối trị, trạo hối dùng định làm thuốc trị. Vì sự ngăn che giống nhau nên cả hai hợp lại gọi là ngăn che. Năm pháp này hoặc là che hoặc không phải che. Bất thiện ràng buộc nơi Dục giới gọi là ngăn che, thứ khác không gọi là ngăn che. Năm hạ phần kiết sử là: Tham dục, giận dữ, giới thủ, vì đọa xuống cho nên gọi là hạ phần. Như giữ giới trâu thì trở thành làm trâu, nếu không thành thì đọa vào địa ngục. Nghi ngờ chướng ngại ly dục hợp với thân kiến là căn bản, của bốn thứ kia gọi là năm. Lại nữa, vì tham sân cho nên không ra khỏi cõi Dục; thân kiến không rời khỏi tâm ngã, giới thủ không thoát được hạ pháp, nghi không vượt khỏi phàm phu. Vả lại, vì tham dục, giận dữ nên không vượt qua được cõi Dục, nếu vượt qua thì bị kéo lại, còn ba thứ còn lại, phàm phu không vượt qua được, cho nên gọi là hạ phần.

Năm thượng phần là: Trạo hối hủy hoại thiền định nên tâm không tịch diệt. Trạo hối này chấp lấy tướng nên kiêu mạn sinh ra. Tâm chấp tướng này là từ vô minh sinh ra. Cho nên có đắm nhiễm nơi cõi Sắc và nhiễm nơi cõi Vô sắc. Năm kiết sử này bậc Bậc Học lấy làm đà tiến lên, gọi là thượng phần. Năm kiết sử này đối với tâm người học mà nói, chứ không phải vì phàm phu.

Hỏi: Vì sao trạo hối đối với cõi Sắc và Vô sắc nói là kiết sử mà trong cõi Dục lại không nói?

Đáp: Trong đó không có phiền não thô, cho nên trạo hối biết rõ. Lại nữa trạo hối có sức mạnh phá định mới nói là kiết sử, nếu đoạn được năm thượng phần này thì được giải thoát. Có người ở trong cõi Sắc và Vô sắc nghĩ là giải thoát; để ngăn chận điều ấy nên mới nói có thượng phần kiết sử.

Năm xan là keo kiệt chấp: Trụ xứ xan, gia xan, thí xan, xưng tán xan và pháp xan.

Trụ xứ xan là keo kiệt chấp chỉ cho một mình ta ở chỗ này, người khác không được sử dụng.

Gia xan là keo kiệt chấp chỉ riêng mình ta ra vào nhà này, không cho người khác ra vào. Giả sử có người khác nhưng ở trong đó ta hơn họ.

Thí xan là keo kiệt chấp ta ở trong đó một mình được bố thí, chớ cho ai hết, dù có người khác chớ được hơn ta.

Xưng tán xan là keo kiệt chấp chỉ khen ngợi mình ta, chớ đừng khen ngợi người khác. Dù có khen ngợi người khác đi nữa cũng không bằng ta.

Pháp xan là keo kiệt chấp chỉ riêng mình ta hiểu biết nghĩa lý của mười hai bộ loại kinh văn. Lại còn hiểu sâu về nghĩa lý vi diệu chưa nói cho ai hết.

Hỏi: Năm xan có lỗi lầm như thế nào?

Đáp: Trụ xứ kia bình đẳng cho nhiều người, chung ở, họ đã bỏ nhà

riêng đến chỗ cộng đồng, nay lại sinh tâm keo kiệt, nên đó là phiền não xấu. Hơn nữa, người này đối với sự giải thoát hoàn toàn không có phần. Vì sao? Vì người này đối với pháp chung có còn không thể xả bỏ, huống hồ là bỏ được năm ấm của riêng mình? Lại người này sẽ bị đọa sinh vào các chốn quỷ đói v.v… xấu ác. Họ bị lợi dưỡng che đậy tâm trí, vì thế sinh ra kiêu mạn khinh người thiện khác. Vì thế, cho nên đọa vào trong địa ngục. Lại do phá hoại người bố thí, nên nếu được làm thân người thì cũng nghèo cùng khổ sở, và tâm xan này làm dứt mất công đức của người bố thí và người nhận thí, nên bị tội rất nặng. Nếu như keo kiệt, tiếc rẻ pháp thì bị tội báo đui mù, đó là mù bẩm sinh, và sinh vào chỗ gặp nhiều kẻ oán, không được tự tại, thoái mất thai Thánh, là kẻ oán tặc ba đời của mười phương chư Phật, thường qua lại trong sinh tử, luôn bị ngu si, bị người thiện tránh xa. Vì lìa xa người thiện nên không có ác nào mà không gây tạo. Ác có loại: Ác ác, đại ác, ác trong ác.

Ác ác gọi là tự mình sát sinh, trộm cắp.

Đại ác gọi là tự giết, cũng dạy người giết, mình keo kiệt cũng dạy người keo kiệt.

Ác trong ác là tự bủn xỉn pháp cũng dạy người bủn xỉn pháp. Người bủn xỉn pháp khiến cho nhiều người bị đọa vào nẻo ác, cũng là diệt mất đạo pháp của Phật. Như trong kinh nói: Trú xứ xan có năm tội: Vị Tỳkheo tốt chưa đến không muốn cho đến; đã đến rồi lại nhăn nhó không vui, trông cho đi khỏi; cất giấu vật cúng dường của Tăng; sinh tâm ngã sở chấp giữ các vật cúng Tăng.

Gia xan có năm tội: Vì tham đắm nhà cửa nên giống như kẻ thế gian đồng chịu vui buồn, đoạn dứt việc làm phước của người bố thí và kẻ thọ nhận sự thí. Vì đoạn dứt hai việc này cho nên sinh làm loài quỷ trong nhà xí.

Thí xan có năm tội: Thường thiếu thốn vật chất nuôi sống, phá hoại sự lợi ích của hai người, khen, chê người thiện, tâm luôn buồn não.

Khen ngợi xan có năm tội: Nghe khen người khác thì tâm thường vẫn đục, trong trăm ngàn đời tâm thường không tịnh, mắng chê người thiện đề cao thân mình, hạ thấp người khác, làm cho họ luôn mang tiếng xấu. Lại nữa, tất cả tâm keo kiệt đều có tội lỗi này. Nghĩa là tích chứa nhiều vật lo sợ đại chúng, nhiều người oán ghét, tâm luôn cấu uế, thân thường neo đơn, sinh vào nhà nghèo hèn. Như vậy tội lỗi của năm thứ xan tham này có nhiều vô lượng.

Năm thứ tâm gieo trồng: Là nghi Phật, nghi pháp, nghi giới và nghi giáo hóa. Như có Tỳ-kheo được Phật và các bậc đại nhân khen ngợi, người này liền đem lời nói thô ác hủy báng, châm biếm, đó gọi là năm

Nghi Phật: Suy nghĩ cho Đức Phật là lớn hay Phú-lan-na lớn?

Nghi pháp: Pháp của Phật là hơn hay sách Vi-đà là hơn?

Nghi giới: Giới của Phật dạy là cao hơn hay giới gà, giới chó của ngoại đạo là hơn?

Nghi giáo hóa: Chỉ dạy cách quán đếm hơi thở có thể đạt đến Niết-bàn không?

Châm biếm chê bai: Đem tâm giận dữ không có chút kính nể não hại người thuện. Người này bị năm pháp ấy làm hư hại tâm mình, không chịu gieo trồng các thiện căn, nên gọi là tâm gieo trồng.

Hỏi: Vì sao người này đối với Phật sinh ra nghi ngờ?

Đáp: Vì người ấy không có khả năng học hỏi tìm hiểu, cho nên sinh nghi ngờ. Nếu người có học hỏi tìm hiểu thì nghi ngờ ít . Người này ngu si không có trí tuệ nên không biết phân biệt Phật pháp và dị pháp, vì vậy mới sinh nghi ngờ. Lại nữa, người này đối với pháp không nhận được vị pháp, cho nên sinh nghi ngờ, lại còn không học, không nghe, không đọc Kinh Vi Đà, chỉ nghe người khác khen ngợi thì sinh tâm quý trọng. Vả lại, người này suốt đời nghiêng nhiều về tà nghi, tâm luôn cấu uế nên đối với Phật v.v… sinh nghi ngờ. Ví như người thị giả của Phật tên là Tô-na-sát-ba-la, người này cùng với nhiều người tà kiến, cùng đồng một sự nghiệp, cho nên kia sinh nghi ngờ. Người này lại từng đọc tụng các kinh tà kiến như Vi-già-đà-hòa-la-na v.v… phá hỏng trí tuệ chân chánh. Vì thế nên kia sinh nghi ngờ. Lại người này đối với nghĩa lý của các pháp ưa sinh tà niệm, không lãnh thọ được ý của người nói kinh, cho nên kia sinh nghi. Người này từ xưa đến nay không được công đức tự lợi, vì duyên này nên kia đối với Phật sinh ra nghi ngờ.

Năm thứ tâm trói buộc: Nếu người không lìa dục của thân thì sinh tham đắm, thân không lìa năm dục nên tham đắm vào dục. Lại, người tại gia và xuất gia cùng hòa hợp trong ý nghĩa của Thánh ngữ, thì tâm không vui thích, được chút ít lợi ích tự cho là đủ. Bốn thứ trói buộc do tham dục sinh khởi. Nếu người không lìa dục của nội thân thì đối với dục nơi ngoại cảnh như sắc v.v… thường sinh ra tham đắm. Vì thế thích đông người ồn náo hòa hợp. Do thích náo nhiệt, nên đối với nghĩa trong Thánh ngữ chỉ bày pháp tịch diệt, thì tâm không vui thích. Bởi thế, như có giữ giới, học hỏi và thiền định v.v… được chút ít lợi, bèn tự cho là đủ. Cũng vì tham đắm nơi chút ít việc lợi này nên bỏ mất lợi lớn, người có trí không nên tham đắm lợi nhỏ mà làm hại lợi lớn. Hoặc như người này lìa bỏ tám nạn, nhưng vì được thân người là khó, cho nên phải nhất tâm siêng năng tinh tấn. Lại pháp của phàm phu không đáng tin cậy, nếu lìa nhân duyên đầy đủ này, hoặc có duyên khác, thì hoàn toàn không thể hội nhập vào Thánh đạo. Nếu không tham lợi nhỏ thì mới có thể được quả báo xuất gia, khi chết cũng không hối hận mà còn được lợi mình và lợi cho người khác. Người này đối với công đức còn không tham đắm, huống chi là pháp ác, cho nên gọi là chánh hạnh. Lại nữa, lỗi lầm của phàm phu không thể vấy nhiễm người ấy được.

Hỏi: Lỗi của phàm phu như thế nào?

Đáp: Trong kinh nói: Phàm phu cần phải lấy hai mươi pháp để chế ngự tự tâm, nên suy nghĩ:

  1. Hình thức và cách ăn mặc của ta khác với kẻ thế tục.
  2. Vốn rỗng không, không có gì được chấp lấy.
  3. Ta sẽ vì việc bất thiện mà chết.
  4. Sẽ rơi vào biển lớn sợ hãi.
  5. Phải đến những chỗ sợ sệt.
  6. Không hiểu biết được chỗ vô úy.
  7. Không biết đạo pháp.
  8. Không được thiền định.
  9. Thân luôn chịu khổ đau.
  10. Khó lìa tám nạn.
  11. Kẻ oán tặc luôn theo đuổi.
  12. Các đường đều mở, chưa thoát khỏi đường ác.
  13. Thường bị vô lượng các thứ tà kiến trói buộc.
  14. Đối với tội ngũ nghịch không kịp ngăn chận.
  15. Sinh tử từ vô thỉ đến nay vẫn chưa có kết thúc.
  16. Không tạo tác thì không có tội phước.
  17. Thiện, ác không thay thế cho nhau được.
  18. Không tu pháp thiện chắc chắn không được yên ổn.
  19. Đã tạo thiện, ác trọn không thể mất.
  20. Ta sẽ không điều phục cho đến chết.

Đây là hai mươi pháp không thể làm nhiễm ô. Lại nữa, việc cần làm người này đã làm xong, cho nên tâm không hối hận. Nếu người tham đắm thì không thể thành tựu được pháp tại gia và xuất gia. Vì thế cho nên, không được tham đắm lợi nhỏ.

Bảy thứ kiết sử.

Hỏi: Vì sao các phiền não gọi là kiết sử?

Đáp: Vì chúng thường theo chúng sinh trong sinh tử nối tiếp nên gọi là kiết sử. Cũng như nhũ mẫu luôn theo sát trẻ nhỏ, như bệnh sốt rét chưa khỏi, như vay nợ ngày ngày sinh lãi, như dịch độc chưa giải trừ, như tấm thiết cháy đen, như hạt lúa nảy mầm, như tự ký giấy ở đợ, như người làm chứng quyết đoán sự việc; như trí tuệ dần dần chứa nhóm, như nghiệp luôn tụ tập, như ngọn lửa đèn luôn nối tiếp, cứ thứ lớp như vậy nối nhau tăng trưởng, nên gọi là kiết sử.

Hỏi: Kiết sử này tương ưng với tâm hay không tương ưng?

Đáp: Tương ưng với tâm. Vì sao? Vì đã nói tướng sai khiến của tham v.v… các tướng kiết sử này cùng tương ưng với hỷ. Nếu tâm hỷ không có tương ưng, thì việc này không đúng. Nếu hỷ này ở trong lạc thọ thì gọi là tham sử. Lại nữa, tham là đắm nhiễm, tâm không tương ưng thì không đắm nhiễm cho nên, biết các kiết sử cùng với tâm tương ưng.

Hỏi: Không phải thế, các kiết sử không phải tương ưng với tâm. Vì sao? Trong kinh nói: Trẻ con tâm dâm còn không có, huống chi có thể dâm dục, lại bị dục sử sai khiến. Lại nói: Không suy nghĩ, không phân biệt, cũng có duyên thức trú. Trong kinh nói: Khi dứt thân kiến thì các sử đền dứt. Lại nữa Thánh đạo và phiền não không thể có đồng một lúc. Vì thế, khi Thánh đạo phát sinh nơi tâm thì kiết sử không tương ưng sẽ đoạn. Nếu không như vậy, thì Thánh đạo đoạn dứt cái gì?

Lại như vô tâm thì không tương ưng với sử, phàm phu bậc Học khi ở trong tâm thiện và tâm vô ký lẽ ra phải là A-la-hán? Lại sử, là nhân trói buộc, từ sử sinh ra trói buộc, bị ràng buộc rồi thì sử hưng thịnh. Cho nên, biết các sử không phải do tâm tương ưng. Lại nếu người ở trong tâm thiện và vô ký, cũng gọi là có sử, nếu vô tâm, không tương ưng với sử, thì vì sao gọi là có sử? Vì thế, nên biết các sử không phải tương ưng với tâm?

Đáp: Không đúng. Ông nói trẻ con không có dâm dục mà cũng có tham sử, việc này không đúng. Trẻ con chưa được thuốc trừ hết tham, vì thế tham dục chưa đoạn nên bị tham sử sai khiến. Như người mắc bệnh quỷ nhập, tuy chưa phát sinh nhưng cũng gọi là người mắc bệnh quỷ nhập. Vì sao? Vì bệnh nhân chưa được chú thuật, thuốc men chữa trị đoạn dứt bệnh này. Lại như bệnh sốt rét bốn ngày, tuy hai ngày không phát ra, cũng gọi là người bệnh sốt rét, như dịch độc chưa trừ khỏi, khi trời nổi sấm thì phát ra. Cho nên, đối với tâm nào chưa được thuốc trừ sử, đều gọi là không đoạn. Các câu hỏi khác cũng theo đây mà giải đáp chung. Ông nói không suy nghĩa, không phân biệt cũng có duyên thức trụ vào đó, thì cũng do chưa dứt trừ sử. Ông nói thân kiến và sử cả hai cùng lúc đoạn dứt tức là ông cho sự ràng buộc là tương ưng với tâm, khi chưa sinh cũng đoạn dứt, sử cũng như vậy. Tuy khi Thánh đạo không có cũng gọi là đoạn dứt. Vì trái với pháp. Ông nói đạo và phiền não không đồng một lúc, là cũng vì chưa dứt nên nói có. Ông nói phàm phu bậc Học ở trong tâm thiện và vô ký lẽ ra phải là A-la-hán. Mà A-la-hán đã đoạn dứt, nhưng người này chưa đoạn dứt, như người thọ pháp đoạn nhục (không cho phép ăn thịt), tuy không ăn thịt cũng không gọi là đoạn nhục. Lại nữa, vì có vô minh, tà niệm, và tà tư duy, nên phiền não nào chưa đoạn dứt thì phát sinh. Vì A-la-hán không có nhân này nên không giống như mọi người. Vả lại, Ông cho rằng bị ràng buộc nên sử hưng thịnh, thì việc này không đúng. Các phiền não từ pháp hạ, trung, thượng cho nên hưng thịnh, chứ không phải do bị trói buộc. Ông nói người ở trong tâm thiện và vô ký gọi là có sử. Đó cũng vì chưa dứt nên gọi là có sử. Do các duyên này nên biết các sử tham v.v… không phải không tương ưng. Tám con đường tà, từ tà kiến cho đến tà định, vì không hiểu biết như thật, kiến chấp điên đảo nên gọi là tà kiến cho đến tà định.

Hỏi: Chánh mạng với tà mạng không lìa nghiệp thân, nghiệp miệng, vì sao nói riêng?

Đáp: Tà mạng đối với người xuất gia vốn đã khó đoạn dứt, cho nên phải nói riêng.

Tà mạng: Dùng năm pháp như dua nịnh, dối gạt v.v… để có thể lợi dưỡng thì gọi là tà mạng. Nó tóm lại: Những người xuất gia không nên gây tạo nghiệp nuôi sống, như những nghiệp làm sứ giả cho vua, buôn bán, thầy trị bệnh v.v. và không nên lấy tiền, gạo v.v… của chúng sinh, nếu lấy thì đều gọi là tà mạng. Lại nữa, trong luật đã cấm lấy đó để nuôi sống, đều gọi là tà mạng. Trong kinh nói: Ưu-bà-tắc không được buôn bán năm thứ.

Hỏi: Lấy gì để nuôi sống?

Đáp: Theo đúng pháp cầu xin, lấy đó nuôi mạng sống, không được tà mạng. Vì sao? Vì tâm không tịnh sẽ hủy hoại pháp thiện, không thể tu đạo. Vả lại người hành đạ phải nên suy xét, vào trong Phật pháp vì mục đích hành đạo, không phải vì sự sinh sống. Vì thế cho nên, người ưa thích pháp thiện phải thực hành tịnh mạng. Lại nữa, Tỳ-kheo phải trụ nơi pháp của Tỳ-kheo, nếu hành theo tà mạng thì không phải là pháp của Tỳ-kheo.

 

Phẩm 137: CHÍN KẾT

Ái là phiền não trói buộc trong chín kết.

Hỏi: Tại sao trong các kiến riêng nói hai thủ?

Đáp: Vì giới thủ khó lìa khỏi. Ví như khúc gỗ trôi nổi vào dòng nước xoáy, khó thoát ra được, người này cũng vậy. Họ suy nghĩ: Ta nhờ giữ giới này sẽ được sinh lên trời. Vì lẽ đó nên họ đành chịu nhảy xuống vực sâu, nhào vào đống lửa, tự gieo mình từ trên cao xuống, làm nhiều thứ khổ. Vì người thế gian đối với giới thủ không thấy lỗi lầm, nên Đức Phật mới nói là kiết (trói buộc). Hơn nữa, nương vào giới thủ này có thể xả bỏ tám con đường thẳng đến quả Thánh, đây không phải đạo chân chánh, không phải đạo thanh tịnh, gọi là thuận theo biên khổ. Lại giới thủ là thứ trói buộc người xuất gia, các dục là trói buộc người tại gia. Người chấp giới thủ tuy có thực hành các pháp xuất gia, mà chỉ uổng công. Không có gì đạt được. Họ đời này không được an vui mà đời sau còn chịu khổ đau lớn. Như giữ giới trâu thì thành làm trâu, hủy hoại đọa vào địa ngục, do giới thủ này nên thường chê bai chánh đạo và người tu chánh đạo. Lại giới thủ là chỗ của các hàng ngoại đạo dấy khởi kiêu mạn. Họ suy nghĩ như vậy: Ta nhờ pháp này mới hơn được người khác, nhờ giới thủ nên chín mươi sáu phái có pháp sai khác. Giới thủ là thô lớn dễ nhìn thấy nên nhiều chúng sinh tu theo, đạo trí tuệ nhiệm mầu vi diệu khó thấy, người đời không biết thực hành đó để được lợi ích. Vả lại, vì kiến chấp đây luôn lôi kéo tâm người, nên người ngu si phần nhiều hành theo pháp này. Lại đây, gọi là ác kiến nặng, vì ngược với chánh đạo hành phi đạo. Sở dĩ kẻ kiến thủ tham đắm vào tà pháp không thể lìa bỏ được là vì sức mạnh của kiến thủ. Lại vì sức mạnh của kiến thủ nên các kết bền chặt.

Hỏi: Trong kinh Đế Thích vấn, vì sao chỉ nói trời, người có hai kết là tham lam và ganh ghét?

Đáp: Hai phiền não này là xấu thậm tệ nhất. Vì sao? Thấy các chúng sinh đói khát khổ não, nhưng vì tâm bỏn sẻn không muốn cứu giúp. Thấy người khác có được, cũng sinh tâm ganh ghét, ôm lòng giận dữ hậm hực. Vì những lý do này nên sinh vào chỗ nghèo hèn, xấu xí, không có oai đức. Lại Thích Đề Hoàn Nhơn, thiên về hai phiền não này, phần nhiều thường đến làm não loạn tâm, cho nên Đức Phật vì nói. Hai kết này là nhân duyên tội nặng. Vì sao? Vì do hai kết này nên khởi tạo nghiệp bất thiện nặng. Hơn nữa, trong ba độc thì tham lam, giận dữ có thể khởi lên tội nặng; tham, giận dữ hưng thịnh thì khởi lên hai kết này.

Hai kết này có thể não hại nam, nữ, khó rời bỏ. Vì sao? Vì tu sâu vào tâm thiện mới có thể đoạn dứt hẳn tánh ganh ghét, tu sâu nơi bố thí, sau đó mới đoạn được tâm keo kiệt. Vì không thấy nghiệp báo, để có thể xả bỏ vật nặng thì đó là việc rất khó làm. Như người thấy con làm việc hơn mình còn khó vui mừng, huống chi là oán tặc. Hai kết này vì dựa vào hai tánh thương ghét, nên rất khó dứt trừ. Do những nghiệp duyên này nên Đức Phật mới nói riêng.