LUẬN THÀNH THẬT
Trước tác: Ha Lê Bạt Ma
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Tam Tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 9

Phẩm 117: MƯỜI ĐẠO THIỆN

Mười nghiệp đạo thiện: Đó là lìa sát sinh cho đến chánh kiến. Mười điều này đều thuộc về luật nghi giới. Một khi được thâu nhiếp vào luật nghi thiền vô sắc thì cũng một lúc được xa lìa, gọi là nghiệp đạo thiện, tức là vô tác.

Hỏi: Các thứ phước khác như kính lễ, bố thí là nghiệp đạo thiện, tại sao chỉ nói xa lìa là nghiệp đạo thiện?

Đáp: Vì xa lìa là hơn hết. Mười loại này đối với bố thí… là hơn hết. Vì sao? Vì bố thí… được phước báo không bằng trì giới. Như người chỉ thọ mười tuổi, nhờ xa lìa giết hại mà mạng sống tăng lên. Lại, mười nghiệp bất thiện là tội thật nên xa lìa được gọi là phước thật. Ba loại nghiệp thiện sau là nguồn gốc của các thiện. Vì thế các thiện như bố thí v.v… đều thuộc về nghiệp đạo. Lại nghiệp này lìa được các thứ roi, gậy v.v… Trước sau hợp lại mà nói, tất cả các thiện đều thuộc vào trong ấy.

 

Phẩm 118: QUÁ HOẠN (Lỗi Lầm)

Hỏi: Nghiệp bất thiện có những lỗi lầm gì?

Đáp: Vì nghiệp bất thiện nên bị chịu khổ nơi địa ngục. Như trong kinh dạy: “Do giết hại nên rơi vào địa ngục. Nếu sinh trong loài người thì chịu quả báo chết yểu”. Như thế cho đến tà kiến. Lại vì do nhân duyên của nghiệp bất thiện nên chịu khổ đau lâu dài nơi địa ngục A-tỳ, trải qua vô lượng năm mà mạng sống vẫn không dứt. Chúng sinh có tất cả các điều xấu ác hủy hoại làm suy tổn đều do bất thiện. Lại chưa từng thấy nghiệp bất thiện có được lợi ích lớn. Như người hàng thịt, thợ săn, hoàn toàn không nhờ vào nghiệp ấy mà được tôn quý Ý của ông bảo: Do nhân duyên diệt giặc mà được giàu sang. Việc này trong phẩm ba nghiệp ở trước đã trình bày. Lại, người làm việc bất thiện, phần mình bị quở trách và bị đau khổ, lại khiến người khác tạo nên các việc bất thiện gọi là hung bạo. Vì thế cần phải xa lìa nghiệp bất thiện ấy. Trong kinh dạy: “Giết hại có năm lỗi: Không được người tin, bị mang tiếng ác, xa thiện gần ác, khi chết sinh hối hận, sau đọa vào đường xấu ác”. Lại nhân duyên của giết hại là vui ít khổ nhiều. Làm việc bất thiện thì tâm người bị cấu uế, chứa nhóm lâu đời khó mà sửa đổi. Lại, người làm việc bất thiện, từ tối vào tối, trôi lăn trong ba đường dữ, mãi mãi không ra khỏi. Người làm việc xấu ác, uổng phí một đời người như vào núi Tuyết tìm thuốc mà lấy phải cỏ độc, thật là si mê. Như vậy, do mười đạo thiện mới được làm thân người, nhưng không làm thiện còn là tổn thất lớn, huống gì tạo nghiệp bất thiện. Người làm việc bất thiện tuy tự thương thân mình mà thật ra chẳng phải yêu mình. Tuy tự bảo vệ thân nhưng thật ra không bảo vệ thân mình. Vì sinh khởi các nhân duyên của nghiệp tự não hại mình. Người này đối xử với thân như đối với kẻ thù, tự làm khổ mình. Nếu làm việc bất thiện thì tự mình tạo oán đối cho thân huống gì đối kẻ khác. Lại làm việc bất thiện, hiện tại tuy không hiện bày quả báo nhưng đã mắc phải. Vì thế tuy ít, cũng không thể không tin. Như độc tuy ít nhưng có thể hại người. Như nợ tuy ít nhưng dần dần sinh lời lãi. Lại làm ác đối với người, người thường không quên. Do đấy gây nghiệp tuy lâu xa cũng không thể không tin. Người làm việc bất thiện thì gọi là mất an vui. Vì làm việc bất thiện mất đi quả vui của hàng Trời, người. Không thích điều an vui là người rất ngu. Người làm việc bất thiện bị khổ dữ dội, thật đáng thương xót. Hiện tại tâm nhận chịu các khổ như hối hận, sau này thì bị khổ trong đường ác. Lại quả báo của nghiệp bất thiện dù bay lên hư không, lặn chìm dưới biển cũng không nơi nào thoát khỏi, như mảnh kim loại bay theo Phật. Lại tất cả nghiệp bất thiện đều do si mê mà sinh. Vì thế người có trí không nên thuận theo. Trong kinh dạy: “Buông lung như kẻ oán, thường hủy hoại pháp thiện, do đó không nên theo”. Chư Phật, Bồtát, các vị (A-la-hán) Hiền Thánh ứng chân, Thần tiên đạt năm thông, cùng những người hiểu rõ tội phước không ai là không chê trách việc bất thiện, do vậy không nên gây tạo. Lại hiện tại thấy người tâm ác, bùng phát dữ dội thì ý chí mờ loạn, buồn phiền, đau khổ, sắc mặt thay đổi khác, người chẳng thích nhìn. Huống gì là sinh khởi nghiệp của thân miệng. Vì các duyên này nên biết nghiệp bất thiện có vô lượng tội lỗi.

 

Phẩm 119: BA NGHIỆP KHINH TRỌNG

Trong ba nghiệp, nghiệp thân, nghiệp khẩu, nghiệp ý nghiệp nào nặng hơn?

Hỏi: Có người nói: Thân, khẩu nghiệp nặng hơn, không phải là ý nghiệp. Vì sao? Vì nghiệp thân khẩu chắc thật, như tội ngũ nghịch đều do nơi thân miệng gây tạo cả. Thân khẩu có thể tạo thành mọi việc. Như người sinh tâm muốn giết hại chúng sinh, phải dùng thân khẩu mới có thể làm việc ấy. Không phải chỉ ý nghiệp gây tạo tội sát sinh, cũng không phải chỉ phát tâm xây dựng chùa tháp mà được phước đức tốt đẹp. Nếu không có thân khẩu, chỉ có ý nghiệp thì không có quả báo. Như người phát tâm: Ta nên bố thí, nhưng thực sự thì không bố thí, vì không thí nên không có tụ phước. Không phải thuận theo ý nguyện mà việc sẽ thành tựu như người phát nguyện mở hội bố thí lớn, mà thật sự không bố thí nên không có hội phước đức. Nếu ý nghiệp là trọng đại thì phải được phước bố thí, vậy thì nghiệp báo sẽ lẫn lộn. Lại, trong Tỳ-ni không nói ý phạm tội. Nếu ý nghiệp lớn, vì sao không phạm. Lại, nếu phát tâm liền được phước, phước tức dễ được, vì sao hành giả bỏ nghiệp dễ mà tu bố thí là những hành nghiệp khó làm? Lại, nếu như vậy thì phước đức vô tận. Như người chỉ phát tâm suông xong thì không có chỗ nào tận dụng hết được, còn bố thí tài vật có hạn lượng nên phước có thể hết. Lại không chỉ phát tâm mà có thể làm tổn hại hay lợi ích cho người khác. Như chúng sinh đói khát cần phải có cơm nước, nên không phải ý nghiệp có thể trừ diệt được. Lại nữa, việc lợi suy của người đời là rất nhiều, vì tâm hấp tấp, vội vã nên khó chế ngự. Không có điều ác nào mà không khởi, thì chính mình phải chịu suy hại nặng nề. Nếu phát tâm thiện muốn tạo phước nghiệp thì chính mình đạt được lợi ích lớn, là quá dễ. Nếu ý nghiệp lớn, thì khởi tâm muốn giết chúng sinh là bị đọa vào địa ngục, như vậy tuy tu giới v.v… lâu mà đâu có ích gì? Hành trì giới với các công đức thiện không có yên ổn. Vì sao? Vì chỉ một lúc phát tâm liền bị tội ngay. Trong kinh nói: Nghiệp thân khẩu thô nên đoạn trừ trước. Đoạn dứt phiền não thô, tâm được định. Nếu sinh tâm dâm dục tức là dâm đã thành nên phạm giới, thì như sinh khởi tâm không gọi là dâm, lìa tâm dâm này, còn có pháp nào gọi là dâm? Lại, có sinh khởi tạo nghiệp đều do thân khẩu, không phải do ý nghiệp. Như dối gạt người khác, tức do khẩu nghiệp phạm tội nói dối. Như trước đã nói đủ bốn thứ nhân duyên nên phạm tội sát sinh: Có chúng sinh, có nghĩ tưởng về chúng sinh; có tâm muốn giết; muốn đoạn dứt mạng sống của nó. Do bốn sự việc này mà thành tội, nên biết không phải do ý nghiệp làm trọng. Lại như Đức Phật dạy: Nếu trẻ con tập sinh tâm từ bi từ lúc nhỏ thì có thể khởi nghiệp bất thiện, hay suy nghĩ về nghiệp bất thiện chăng? Nên biết là thân khẩu tạo nghiệp bất thiện, chứ không phải ý nghiệp?

Đáp: Ông nói nghiệp thân khẩu nặng, không phải là ý nghiệp. Việc này không phải. Vì sao? Trong kinh Phật nói: Tâm là gốc của pháp, tâm cao tột, tâm dẫn đường, tâm nghĩ về thiện ác, liền nói liền làm, cho nên biết ý nghiệp là trọng. Lại ý sai biệt nên nghiệp thân khẩu mới có sai biệt. Như thượng, trung, hạ, xa lìa thì tâm không có nghiệp thân khẩu. Trong kinh nói: Cố ý khởi tạo nghiệp chắc chắn sẽ thọ quả báo. Lại nói bảy loại phước tịnh, ba loại chỉ dùng ý nghiệp. Bảy phước tịnh này đối với phước tiền của là trội hơn. Tâm từ là ý nghiệp. Kinh nói: Tâm từ đạt được quả báo lớn. Như Kinh nói: Xưa Ta lên bảy tuổi, nhờ tu tập tâm từ nên ở trong bảy đại kiếp, không trở lại nhân gian này. Do vậy nên biết ý nghiệp là trọng, vì trọng nên bao trùm tất cả thế giới. Lại nữa, ý nghiệp là trọng, như quả báo của ý nghiệp nên sống lâu đến tám muôn đại kiếp. Uy lực của ý nghiệp hơn hẳn nghiệp của thân khẩu. Như người làm thiện khi sắp mạng chung, sinh tâm tà kiến thì bị đọa vào địa ngục. Người làm ác, khi sắp qua đời, khởi tâm chánh kiến thì được sinh lên cõi trời, nên biết ý nghiệp là lớn. Trong kinh nói: Trong các tội, tà kiến là nặng nhất. Lại nói nếu người được chánh kiến cao hơn thế gian, tuy qua lại trong sinh tử cho đến trăm ngàn năm mà hoàn toàn không bị đọa vào đường ác, nên sức mạnh của ý nghiệp là hơn hẳn nghiệp thân khẩu. Như trong kinh Hòa Lợi nói: Ngoại đạo, thần tiên khởi lên tâm sân giận liền diệt nước Na-la Vu-đà. Như Đàn Đặc v.v… chịu các hiểm nạn đều do tiên nhân nổi giận gây nên. Lại ý nghiệp có thể mau được quả báo, như trong kinh nói: Nếu người này vừa chết liền bị đọa vào địa ngục, hay sinh lên cõi trời, như gươm giáo lìa khỏi tay. Lại, ý nghiệp ấy tích tập pháp cấu uế cho đến vào địa ngục A-tỳ, chứa nhóm pháp thiện cho đến vào Niết-bàn. Vì tâm có quả báo nên thân khẩu có quả báo. Vì không có nghiệp cố ý nên không có quả báo. Lại, không thể lìa ý nghiệp mà có nghiệp báo của thân khẩu. Nếu ý nương vào thân khẩu làm thiện hay làm ác, gọi là nghiệp thân khẩu. Lìa nghiệp thân, khẩu thì ý nghiệp có quả báo. Lìa ý nghiệp thì thân khẩu không có quả báo. Cho nên biết ý nghiệp là trọng, chứ không phải thân khẩu nghiệp. Tuy ông nói thân khẩu nghiệp là định thật, như tội ngũ nghịch đều là chỗ tạo tác của thân khẩu, nên gọi là trọng. Việc này không đúng. Do suy nghĩ nặng, việc nặng cho nên nghiệp mới nặng, không phải thân khẩu nặng mới nặng. Lại nữa, vì tâm quyết định nên nghiệp mới định thật, như chỉ dùng sức mạnh của tâm mới nhập phần vị chánh pháp. Cũng do sức mạnh của tâm mới có thể tạo đủ tội nghịch. Nếu người vô tâm, dù giết cha mẹ cũng không bị tội ngũ nghịch, nên biết thân khẩu là không có lực. Ông nói thân khẩu có thể làm xong sự việc. Cũng không phải vậy. Do sự việc làm rồi mới gọi là xong. Như cướp đoạt mạng sống của người khác rồi mới bị tội sát sinh, chứ không phải khi mới khởi nghiệp của thân khẩu. Khi sự việc xong ắt phải cần dùng đến sức của tâm, cho nên không phải là thân khẩu. Ông nói chỉ mới phát tâm suông thì không có quả báo. Việc này cũng không phải. Như trong kinh nói: Nhờ phát tâm dõng mãnh liền sinh lên cõi trời hay lập tức vào địa ngục. Tại sao nói ý nghiệp không có quả báo? Ông nói không phải chỉ nhờ phát nguyện mới thành việc này, đấy cũng không phải vậy. Vì có người phát tâm thiện sâu dày thì được phước nhiều hơn phước của hội bố thí lớn. Ông nói ý không phạm tội, đấy cũng không phải. Nếu khởi tâm ác tức thì bị tội. Như Đức Phật nói có ba thứ tội. Đó là tội của thân, khẩu, ý, nên biết chỉ khởi tâm ác thì liền phạm tội. Chỉ vì không thể kiết giới do khó giữ gìn. Tội thô do giữ giới có thể ngăn được, tội vi tế chỉ có thiền định mới dứt trừ. Ông nói tội phước là dễ, việc này cũng không đúng. Con người do tâm lực yếu, nên bỏ thì dễ, làm thì khó. Như hành tâm từ thì được phước rất nhiều, chứ không phải bố thí. Chỉ do chúng sinh trí lực yếu kém nên ý nghiệp không thể hành từ bi, do đó tu bố thí, đem các thứ hương hoa vật dùng cúng dường, vì tâm tịnh khó được. Nên ông nói phước vô tận thì cũng lấy đây mà đáp. Nếu người này có trí lực thì có thể đạt được pháp thiện vô tận. Ông nói ý nghiệp không hề làm tổn hại hay lợi ích, việc này cũng không phải. Vì nghiệp thân khẩu đều được ý nghiệp dẫn dắt, nên không gọi là hơn, vì theo sức đã khởi lên mới được gọi là hơn. Lại, những điều lợi ích đều do hành tâm từ. Vì sao? Vì nhờ diệu lực của hành từ, nên mưa thuận gió hòa, trăm thứ lúa thóc đều được mùa. Như vào thời kiếp đầu tiên, gạo, nếp tự sinh, đến khi con người thọ mạng chỉ còn mười tuổi thì việc này đều mất hết, vì sao nói tâm từ không lợi ích?

Lại nữa, nếu người tu tâm từ, thì có thể dứt hết tất cả gốc rễ của nghiệp bất thiện. Do nghiệp bất thiện nên có các việc não hại, vì sao nói hành tâm từ không được lợi ích lớn? Nếu tất cả chúng sinh cùng tu tâm từ thì họ đều sinh về nơi thiện, tất cả tự nhiên có được, không cần dụng công sức. Cho nên, biết phước của tu tâm từ là rất sâu dày hơn cả.

Lại, hoặc có lúc dùng tâm từ bố thí, làm lợi ích cho chúng sinh, hoặc chỉ do tâm từ làm lợi ích. Lại nữa, người hành tâm từ, nếu chúng sinh xúc chạm nơi thân, hoặc bước vào trong bóng đều được an vui, vì vậy phải biết phước của hành tâm từ đối với phước của bố thí thì thù thắng hơn. Ông nói về lợi suy rất lớn, trước đã giải đáp việc ấy rồi. Nghĩa là do sức mạnh của ý làm tổn hại hay tạo lợi ích cho chúng sinh, cho nên biết ý nghiệp là quan trọng. Ông nói tích tập giới lâu ngày mà không lợi ích, việc ấy cũng không phải. Vì ý thanh tịnh nên trì giới mới thanh tịnh, nếu ý không thanh tịnh thì giới cũng không thanh tịnh. Trong kinh Thất Chủng Dâm nói: Giới thanh tịnh đạt được quả báo lớn. Như Kinh nói: Người giữ giới sở nguyện được tùy theo ý, nghĩa là giới thanh tịnh. Lại, nếu giữ giới thanh tịnh thì tâm được yên ổn, chứ không phải pháp nào khác. Ông nói nghiệp thân khẩu thô nên đoạn trừ trước, việc này không phải thế. Vì thiện vi tế nên được quả báo lớn, như suy nghĩ trong thiền định. Ông nói nếu khởi tâm dâm dục thì liền phải phạm giới, việc này cũng không đúng. Nếu người nào ý nghiệp không thanh tịnh thì giới cũng không thanh tịnh. Lại, chỗ tội, phước đạt được khác nhau, nên pháp kiết giới khác nhau. Ông nói dấy khởi tạo nghiệp là do nơi thân khẩu, việc này đều đã giải thích chung. Nghĩa là nghiệp thân khẩu thành pháp khác, ý nghiệp thành pháp khác. Nghiệp thân khẩu chính là do tạo mà tác thành, như do bốn nhân duyên mà thành tội sát sinh, đều không lìa ý nghiệp. Vả lại, chúng sinh ở thế gian cho rằng nghiệp nơi thân khẩu là ác, ý nghiệp thì không phải thế, nghiệp không tăng thêm cho người, cũng không thể chấp giữ, cho là có. Trước đã nói về tướng của tội, phước do đấy chỉ có ý nghiệp là trọng chứ không phải là thân khẩu.

 

Phẩm 120: NÊU RÕ NHÂN CỦA NGHIỆP

Luận giả nói: Đã lược nói về các nghiệp. Nghiệp là nguyên nhân thọ thân. Thân là bản tánh của khổ nên phải diệt trừ. Muốn diệt trừ thân này phải chấm dứt nghiệp, vì nhân diệt thì quả cũng diệt theo, vì nhân như hình có bóng, hình diệt thì bóng cũng diệt, thế nên, nếu muốn diệt khổ phải siêng năng tinh tấn dứttrừ nhân của nghiệp này.

Hỏi: Từ nghiệp thọ thân việc này phải giải rõ. Vì sao? Có người nói: Thân do Bà-la-già-đề sinh. Còn có người nói do trời Tự Tại sinh, hoặc nói do Đại nhân sinh, hoặc nói do tự nhiên sinh ra. Vậy nên nói rõ lý do tại sao biết thân từ nghiệp sinh?

Đáp: Việc này đã dùng nhiều nhân duyên để phá bỏ rồi, nên biết do nghiệp mà thọ thân. Hơn nữa, vạn vật có nhiều thứ xen lẫn, phải biết nhân cũng có khác nhau. Như thấy lúa, bắp v.v… sai khác, thì biết hạt giống không đồng. Trời Tự Tại v.v… không có khác nhau, nên biết không phải là nhân. Vì nghiệp có vô lượng sự khác biệt, nên thọ nhiều thân khác nhau. Những người thiện đều tin nhân nơi nghiệp thọ thân. Vì sao? Vì người này thường hành các pháp thiện như bố thí, trì giới, nhẫn nhục v.v… xa lìa các pháp bất thiện như sát sinh v.v… nên biết từ nghiệp thọ thân. Lại nhân nơi nghiệp thọ thân thì có thể trở lại đạt được trí chơn thật, thì trí tà đoạn dứt, trí tà đoạn trừ thì, các phiền não như tham, sân cũng đoạn. Các phiền não dứt nên nghiệp có thể dấy khởi thân sau cũng đoạn. Đây tức là có thể chuyển đổi. Trong nhân của trời Tự Tại thì không chuyển đổi được, vì trời Tự Tại không thể đoạn dứt, nên biết do nghiệp thọ thân. Lại, hiện tại thấy quả và nhân giống nhau, như từ bắp sinh ra bắp, từ lúa sinh ra lúa. Như thế từ nghiệp bất thiện nên thọ quả báo không ưa thích. Từ nghiệp thiện nên được thọ quả báo yêu thích. Trong nhân của trời Tự Tại v.v… không có sự giống nhau, do đó nghiệp là gốc của thân, chứ không phải là trời Tự Tại v.v… Lại, nay hiện thấy muôn vật đều do nghiệp sinh. Vì nghiệp bất thiện nên thọ chịu các khổ như đánh đập, bắt trói, nhốt chặt, roi, gậy xử phạt đến chết. Còn do nhân duyên của nghiệp thiện nên được hưởng các thứ lợi dưỡng, an vui, tiếng khen v.v. thích hợp với ý. Nói lời dễ mến, thì được hưởng quả báo thuận ý, vì vậy biết là do nghiệp thọ thân chứ không phải trời Tự Tại v.v… Lại, người thế gian tự biết muôn vật do nhân của nghiệp sinh ra, nên mới gây tạo sự nghiệp như gieo trồng lúa bắp v.v… Cũng do tu tập các nghiệp phước đức như bố thí, trì giới, nhẫn nhục… không ai ngồi yên để hy vọng trời Tự Tại ban cho mình, nên biết từ nơi nghiệp mà thọ báo.

Lại nữa, tuy nhiều người nói nhân do trời Tự Tại, nhưng họ vẫn nương vào các nghiệp. Nghĩa là tự làm khổ thân và thọ hưởng như nhau, nên biết do nghiệp làm nhân. Lại, nếu sự việc không hiện bày, thì nên thuận theo lời dạy của người khác, tức là chỗ thực hành của thánh nhân. Tất cả bậc Hiền Thánh đều nhờ nương vào các pháp thiện, như giới v.v… nên biết từ nhân của nghiệp mới có thế gian. Nếu lìa giới v.v… thì cũng không có Thánh nhân. Không có Thánh giáo chống trái với nghiệp, nên biết là từ nghiệp thọ thân. Lại nữa, do hành trì các nghiệp thiện như giữ giới v.v… nên có thể thành tựu những việc như thần thông biến hóa. Vì thế, biết là do nghiệp làm nhân. Trong các nẻo ác như địa ngục v.v… phần nhiều là sân hận não hại, nên biết do sân giận não hại v.v… mới có đường ác. Như thấy quả trên cây thì biết cây là nhân, tức biết nghiệp là gốc của thân. Lại, ở trong đường ác là do sức mạnh của ngu si, nên biết phiền não là nhân của đường ác, vì tất cả điều bất thiện đều do ngu si mà có. Lại sinh vào đường ác thì rất nhiều, sinh đến chốn thiện thì ít. Mắt thấy kẻ làm ác như sát sinh v.v… thì nhiều, mà làm điều lành lại ít, nên biết việc sát sinh là nhân của đường ác. Lại nữa, việc giết hại bị người Hiền quở trách, rời bỏ không làm. Người thiện biết việc giết hại chắc chắn sẽ có quả báo xấu, nên chê bỏ, không làm. Nếu biết không có quả báo xấu thì tại sao lại bỏ? Lại, tâm của những người Hiền thiện nếu khởi ác, ngay lập tức được ngăn chận lại, vì sợ quả báo ác, nên biết giết hại v.v… chắc sẽ có quả báo xấu. Nếu không như vậy, thì tùy ý tạo tác, làm những việc cho là vui thích nhất, như có thể ăn thì giết chúng sinh để ăn, cướp đoạt của tiền người khác, dâm phạm vợ người, cũng đều là vui thích cả. Vì lo sợ khổ báo nơi đời sau do đó mau chóng xa lìa việc này. Cho nên, biết từ nghiệp mà có thân. Lại, bậc tu tập chánh trí, chấm dứt nghiệp hữu lậu, thì không còn thọ thân, nên biết nghiệp là cội gốc. Lại A-la-hán tuy còn các nghiệp hữu lậu mà nhờ tu chánh trí nên nghiệp không còn tích tập, nên biết nghiệp là nhân của thân. Nhân của thân diệt nên thân cũng diệt theo. Lại, do nhận biết bốn đế, nên nương vào bốn đế mà phiền não vĩnh viễn không dấy khởi, do không khởi nên không có thọ thân. Người có trí suy nghĩ như thế tức muốn biết bốn Đế, cho nên, biết nghiệp là nhân của sự thọ thân. Lại nữa, nếu nhân duyên không hội đủ thì không thọ thân, như đất khô cằn mà gieo hạt giống hư hoại thì tất cả mầm không mọc được. Như vậy, đất của Thức xứ không có nước ái làm thấm nhuần hạt giống nghiệp, vì bị Trí chơn thật làm cho khô cháy nên mầm của thân sau, không thể sinh ra. Kẻ trí biết việc này, vì muốn làm khô đất của thức xứ, làm hư hoại hạt giống nghiệp, nên mới tăng thêm siêng năng, tinh tấn. Cho nên, biết nghiệp là nhân duyên của sự thọ thân.

Hết phần luận về nghiệp.

Phẩm 121: LUẬN VỀ PHIỀN NÃO VÀ TƯỚNG PHIỀN NÃO TRONG NHÓM TẬP ĐẾ

Luận giả nói: Đã nói về các phiền não của các nghiệp, nay sẽ nói về hành của tâm cấu uế gọi là phiền não.

Hỏi: Thế nào gọi là cấu uế?

Đáp: Nếu tâm có thể khiến cho sinh tử nối tiếp luôn thì đó gọi là cấu uế. Sự sai biệt của tâm cấu uế này là tham lam, giận dữ, si mê; cấu uế này gọi là phiền não, cũng gọi là pháp tội, cũng gọi là pháp thoái lui, cũng gọi là pháp ẩn chìm, cũng gọi là pháp nóng bức, cũng gọi là pháp ăn năn. Có những tên gọi như thế, vì do tâm cấu uế này huân tập tức gọi là sử, chứ không phải chỉ khi tâm cấu uế sinh ra mới gọi là sử. Phiền não gọi là tham, sân, si, nghi, kiêu mạn và năm kiến. Do mười thứ này có khác nhau nên mới có chín mươi tám thứ sử. Tham là hỷ lạc (mừng vui) nơi ba cõi. Mừng, vui về không có cũng gọi là tham. Như trong kinh nói: Dục ái, hữu ái, vô hữu ái. Vô hữu (không có) gọi là đoạn diệt. Chúng sinh bị khổ bức bách, nên muốn diệt bỏ ấm thân, lấy “không” có làm vui.

Hỏi: Hỷ lạc là tướng của thọ không phải là tướng của tham. Như trong kinh nói nghĩa nay vui, sau vui, là nói đời này thọ vui, đời sau cũng thọ vui. Lại nói nghĩa nay buồn, sau cũng buồn, đời này chịu khổ, là đời sau cũng chịu khổ. Lại, như trong “Thiên vấn” nói: Có con thì mừng, Đức Phật đáp: Có con thì buồn, các việc như vậy là nghĩa thế nào?

Đáp: Tham là một phần của hỷ. Như trong kinh nói: Thọ làm nhân duyên với ái, trong lạc thọ có tham sai khiến; trong đoàn thực có hỷ có tham, hỷ dứt thì tham cũng dứt theo. Nên biết tham là một phần của hỷ, (mừng). Nói thế thì không có lỗi. Vì sao biết được. Trong kinh nói: Tập đế: Nghĩa là khao khát. Vì sao gọi là khao khát? Nghĩa là muốn được thân sau, gọi là khao khát. Hình tướng thế nào? Nghĩa là nương dựa vào tham dục để có được nhiều thứ.

Hỏi: Nếu nói muốn được thân sau là tướng của khao khát, tại sao nói dựa lòng tham dục để có được nhiều thứ?

Đáp: Lại có tướng khao khát. Như nói muốn có được nhiều thứ là tướng chung. Muốn có được thân sau là nói về tướng riêng. Người ly dục cũng có ham muốn được nhiều thứ, như khi khát thì muốn được có nước, đấy không phải thuộc về Tập đế. Nếu nương vào tham dục để có được thân sau, thì khao khát ấy gọi là thuộc về Tập đế.

Hỏi: Nếu khao khát cũng là hỷ, tham cũng là hỷ, tại sao nói nương dựa vào tham?

Đáp: Mới sinh gọi là khao khát, tăng trưởng gọi là tham, nên nói là nương dựa. Như trong kinh nói: Hỷ ràng buộc ở thế gian, do vậy hỷ tức là tham. Lại, trong kinh nói: Diệt trừ các pháp bất thiện, như tham, ưu. Trong đó tham tức là hỷ, ưu tức là giận. Như nói giận là ưu thì biết cũng nói hỷ là tham. Vì thế, trong mười tám ý hành, không nói phiền não chỉ nói các thọ, nên biết một phần của hỷ là tham. Lại, hàng phàm phu lìa bỏ tham không thể thọ lạc (vui), lìa giận dữ không thể thọ khổ, lìa si mê không thể thọ không khổ không vui. Vì sao biết được? Vì trong thọ thứ ba nói: Người phàm phu ở trong thọ này không biết Tập, không biết Diệt, không biết vị, không biết lỗi lầm, không biết xuất ly, cho nên ở trong thọ không khổ không vui bị vô minh sử sai khiến. Người phàm phu này luôn không biết năm thứ pháp ấy, nên thường ở trong thọ không khổ không vui, bị vô minh sử sai khiến. Vô minh sử tức là bản tánh không hiểu biết của hành thọ. Như vậy, phàm phu với tâm hành khổ vui cũng tức là tham giận. Lại, như đầu tiên ở nơi tâm gọi là thọ, tăng trưởng rõ ràng gọi là phiền não. Lại nữa, tâm thấp yếu kém gọi là thọ, tâm ấy tăng lên gọi là phiền não.

 

Phẩm 122: TƯỚNG THAM

Luận giả nói: Tham này trong chín kiết sử ràng buộc suốt ba cõi gọi là ái. Ở nơi bảy sử phân làm hai loại. Tham dục và tham hữu. Vì sao? Có người đối với hai cõi trên sinh tướng giải thoát. Thế nên Đức Phật mới nói xứ ấy gọi là hữu. Hữu gọi là sinh. Nếu không có tham thì không có sinh, cho nên nói riêng là tham hữu. Không phải chỉ là tham dục. Hoặc nói chỉ tham dục gọi là phiền não, dứt hết tham dục gọi là giải thoát. Cho nên Đức Phật nói trong thiền vô sắc cũng có tham hữu, Đức Phật chỉ rõ trong đó có sự trói buộc vi tế, thế nên gọi riêng là tham. Ở trong mười đường bất thiện và bốn thứ trói buộc gọi là tham dục. Tham dục gọi là dục, vì muốn có được vật của người khác; ở trong năm cái và năm hạ phần kiết gọi là Dục dục. Dục dục gọi là dục. Ở trong năm dục, trong ba căn bất thiện gọi là bất thiện căn tham, bất thiện căn tham là chủ thể phát sinh các pháp bất thiện. Tham này nếu là phi pháp thì gọi là tham ác. Như trộm cướp vật của người khác cho đến lấy vật của chùa chiền, vật của Tăng chúng. Nếu chúng sinh chưa chết mà muốn giết để ăn thịt, hoặc muốn hành dâm với mẹ, chị, em gái, vợ của bậc thầy, người xuất gia và chỗ chẳng phải chỗ chính của vợ mình, đó gọi là tham ác. Như vật của mình không muốn xả bỏ gọi là keo kiệt, tức ở đây gọi là tham lam. Nếu thật sự không có công đức, mà muốn khiến người cho là có, gọi là ác dục. Nếu thật sự có công đức muốn cho mọi người đều biết, gọi là phát dục. Nếu muốn được nhiều sự cấp thí, nhiều vật, gọi là đa dục. Nếu bố thí ít, vật cũng ít, mà muốn cầu tìm thứ tốt không thấy chán gọi là không biết đủ. Nếu tham chấp sâu xa về giòng họ, gia tộc, danh sắc, của cải giàu có, trẻ mạnh sống lâu v.v… thì gọi là kiêu mạn buông lung. Nếu tham bốn vật cúng dường gọi là bốn ái. Lại nữa, tham này có hai loại: Một là dục tham; hai là cụ tham. Lại có hai loại: Một là ngã tham; hai là ngã sở tham. Một là duyên bên trong; hai là duyên bên ngoài. Tham của hai cõi trên, toàn bộ là duyên bên trong. Lại có năm loại: Một là tham sắc; hai là tham hình; ba là tham xúc; bốn là tham oai nghi, ngôn ngữ: Năm là tham tất cả. Vả lại, tham sắc, thanh, hương, vị, xúc gọi là tham năm dục. Đối với sáu xúc sinh tham ái gọi là tham sáu trần. Lại còn tham trong ba thứ thọ, trong lạc thọ có dục được, có tham giữ gìn. Trong khổ thọ có tham không ham muốn đạt được, có dục mất. Trong không khổ không lạc thọ có tham ngu si. Lại tham này có chín phần, như trong kinh Đại Nhân nói: Nhân nơi ái mà tìm cầu việc theo chỗ ham muốn. Như người bị việc này làm khổ lại tìm cầu việc khác. Như nói người vui không mong cầu, còn người khổ thì nhiều mong cầu. Tham ấy tăng trưởng gọi là mong cầu. Khi mong cầu nếu được thì gọi là thành tựu. Nhân ái mà đạt được thì cân nhắc nên lấy hay không nên lấy. Nếu tâm quyết định thì gọi là nhân nơi cân nhắc trù tính nên ưa muốn. Do ưa muốn nên có tham đắm, tham đắm gọi là yêu thích sâu xa. Nhân duyên của tham đắm là thủ, thủ gọi là thọ, nhân nơi thọ sinh ra keo kiệt, do keo kiệt nên mới phòng giữ, nhân nơi phòng giữ nên mới có đủ thứ binh khí như roi, gậy, dao, mâu v.v… Đây gọi là chín phần. Lại có chín phần, là tham thuận theo thời nên mới có thượng – trung – hạ: Hạ hạ, hạ trung, hạ thượng, trung hạ, trung trung, trung thượng, thượng hạ, thượng trung, thượng thượng. Thế gian chia tham này làm mười thứ. Khi thấy sắc đẹp, đầu tiên sinh tâm nói là “được”. Tiếp theo là sinh tâm ham muốn. Ba là phát nguyện. Bốn là nhớ nghĩ. Năm là bắt chước làm theo. Sáu là quên xấu hổ. Bảy luôn thấy ở trước mặt. Tám là buông lung. Chín là cuồng si. Mười là sầu muộn đến chết. Đó gọi là tướng tham.

 

Phẩm 123: NHÂN CỦA THAM

Hỏi: Tham này phát sinh như thế nào?

Đáp: Nếu đối với trong cảnh duyên của nữ sắc sinh nhớ nghĩ tà vạy, hoặc sắc, hoặc hình, hoặc xúc, hoặc oai nghi, ngôn ngữ, thì tham dục phát sinh. Lại, nếu không giữ gìn các cửa mắt, tai thì sinh tham dục. Đối với việc ăn uống không biết lường tính hạn chế thì tham dục phát sinh. Lại, gần gũi nữ sắc thì sinh tham dục. Lại, thọ nhận các thứ vui thích thì tham dục phát sinh. Lại do ngu si nên sinh tham dục, ở trong bất tịnh sinh tưởng là tịnh. Lại, do tri thức xấu ác nên sinh tham dục, như áo trắng sạch lại đựng đồ dơ bẩn. Lại, cùng làm việc với người đa dục nên tham dục sinh ra. Lại, đối với bốn pháp như thân v.v… sinh nghĩ nhớ sai lầm tức bị tham dục lôi kéo, như bình tròn không quai, như hoa không xâu kết. Lại, nếu biếng nhác, không siêng năng tu thiện thì tham dục liền sinh. Lại đến những chỗ không phải chỗ đến liền bị tham dục xâm lấn. Đó là các nơi chốn như nhà dâm nữ, quán rượu, hàng thịt v.v… ví như chim bồ cắt. Lại nữa, quán bất tịnh chưa có thể phá trừ được cảnh duyên thì tham dục thắng thế. Từ lâu xa đến giờ thường quen với tham dục thành phiền não, nên rất dễ sinh. Đối với cảnh duyên nữ sắc, thích chấp tướng, chấp phân biệt. Chấp tướng là chấp tay, chân, mặt, mắt, lời nói, cười đùa, ngắm nhìn, kêu khóc v.v… Chấp phân biệt là phân biệt về hình dạng khác nhau của nam, nữ. Chấp như vậy rồi thì nhớ nghĩ, phân biệt khiến tham dục sinh. Lại, tâm suy xét chạy theo đối tượng duyên, không thể ngăn chặn được tức tham dục khởi lên. Nếu tham dục sinh nhận lấy không bỏ thì ngày càng lớn dần thêm, từ thấp đến vừa, từ vừa đến cao. Lại, ở trong tham dục chỉ say đắm mùi vị lợi lạc, không biết tội lỗi, nên tham dục càng sinh trưởng. Lại vì thời tiết nên sinh tham dục, như mùa xuân v.v… Lại do ở nơi chốn nên tham dục sinh như có nơi chốn từ lâu nay phần nhiều theo dâm dục. Lại do thể lực nên sinh tham dục, như tuổi trẻ không bệnh tật, đời sống vật chất dồi dào. Lại do có sức khoẻ nên sinh tham dục, như uống thuốc bổ dưỡng v.v… Lại, nếu đạt được năm dục tinh diệu tùy ý thì tham dục sinh, đó là thấy hoa đẹp trên ao, vườn rừng sum sê xanh mướt, nước suối chảy trong mát, mây bay lơ lửng ánh sáng lung linh, gió thổi nhẹ, mùi thơm phảng phất, hoặc nghe tiếng chim kêu âm thanh thánh thót hòa hợp, lời nói dịu dàng trang nghiêm của người nữ. Lại, do nhân duyên của nghiệp nên sinh tham dục. Như người thanh tịnh bố thí thì thường vui thích với năm dục tịnh diệu. Còn tội nhân thì ưa thích dục bất tịnh. Lại do tùy từng loại mà tham dục sinh, như người ham muốn về người. Lại do tham đắm nơi giả danh nên tham dục sinh. Người ấy, trong lòng sinh tướng sĩ phu, bên ngoài thì sinh tướng nữ lưu và các tướng như ăn mặc, hờn giận, thân mật. Lại nữa, vì tâm chưa định, nên bên trong thấy chúng sinh, bên ngoài thấy sắc, tham dục sinh. Lại, nếu tham sử chưa dứt hết, thì duyên của ái sẽ hiện tiền, trong lòng sinh nhớ nghĩ tà vạy. Do những nhân duyên như vậy nên tham dục sinh.

 

Phẩm 124: LỖI LẦM CỦA THAM

Hỏi: Tham dục có những lỗi lầm gì mà muốn dứt trừ?

Đáp: Tham dục thật sự gây tạo khổ đau. Hàng phàm phu điên đảo vọng sinh tưởng vui, người trí thấy khổ thì liền đoạn trừ. Lại nữa, thọ dục không biết nhàm chán, như uống nước mặn càng uống càng khát, vì càng thêm khát làm sao có vui được? Vì thọ dục nên tích chứa các điều ác, lại dùng các thứ dao gậy đều do tham dục. Kinh nói: Tội của tham dục rất nhẹ nhưng khó bỏ, vì đối với sự giận dữ nên gọi là tội nhẹ, nhưng thật ra là rất nặng. Lại, tham là nhân duyên của việc thọ thân sau. Như nói ái là nhân duyên cho thủ, cho đến tích tập thành khối khổ lớn. Lại nói: Khổ là nhân cho ái. Lại nói: Tỳ-kheo phải nên suy nghĩ kỹ càng, những điều khổ do đâu mà có? Nên biết đều do thân làm nhân duyên, thân là nhân nơi ái. Lại nói: Trong đoàn thực có hỷ, có tham vì thế thức sinh trong ấy, vậy phải biết ái là nhân duyên của việc thọ thân. Lại, tham này thường hành trong bất tịnh, như người nữ v.v… Người nữ này thân tâm bất tịnh, như đống phân nhơ, như rắn độc có thể cắn hại, có thể làm nhiễm. Lại, tham dục này luôn đi trong si mê. Như nơi Kinh nói: Ví như con chó gặm khúc xương khô còn dính chút ít máu, do nước dãi thấm vào tưởng cho là ngon. Tham này cũng vậy, ở trong tham dục không có mùi vị, vì sức mạnh của tà kiến điên đảo nên cho là thọ hưởng vị. Lại như bảy thứ ví dụ về khúc thịt v.v… Có người hoặc ở trong việc quá khứ vị lai mà sinh tham dục, nên biết thường hành trong si mê. Lại, chúng sinh vì nhân duyên của tham dục nên vui ít khổ nhiều. Vì sao? Vì hưởng sự giàu sang thì ít, mà chịu cảnh tán hoại thì nhiều. Lại, người ái dục vì vui thích tạo nhân nên chịu đủ các khổ đau. Nghĩa là khi mong cầu thì khổ, khi giữ gìn lại khổ, khi thọ dụng cũng khổ. Như cấy lúa, buôn bán, chiến đấu v.v… khi mong cầu là khổ, khi giữ gìn lo sợ mất nên khổ, hiện tại không nhàm chán nên khổ. Lại nữa, khi vui vẻ yêu thích hội tụ thì ít, khi chia lìa thì khổ nhiều, nên biết dục có nhiều lỗi. Như Phật nói ái dục có năm thứ tội lỗi. Một là mùi vị ít mà lỗi lầm nhiều: Hai là các phiền não hưng thịnh: Ba là đến chết không biết nhàm chán: Bốn là bị Thánh Hiền chê trách bỏ rơi: Năm là không có ác nào mà không gây tạo. Lại, tham dục này thường sai khiến chúng sinh thuận theo dòng sinh tử, xa lìa Niết-bàn. Có những tội lỗi nhiều vô lượng như vậy, nên biết tham dục có nhiều lỗi lầm. Lại nữa, các phiền não sinh ra đều nhân nơi tham dục. Như tham thân nên khởi các phiền não. Lại, không nhổ lên gốc ái sử thì luôn phải chịu khổ, như cây độc không chặt bỏ thì sẽ thường hại người. Lại, tham có thể khiến cho chúng mang gánh nặng nề. Lại như trong kinh nói: Tham ái là sợi dây trói buộc. Như hai con trâu đen, trắng, không tự buộc nhau chỉ do sợi dây ràng buộc. Như vậy mắt không buộc sắc, sắc không buộc con mắt, nhưng tham dục thì trói buộc ở trong, nếu duyên với ràng buộc ấy thì không được giải thoát. Trong kinh nói: Chúng sinh bị vô minh che phủ ái ràng buộc nên qua lại trong sinh tử, không có nguồn gốc. Lại như, trong kinh nói: Tham đoạn dứt thì sắc cũng đoạn dứt, cho đến thức đều dứt. Tham này nhờ quán vô thường v.v… nên đoạn dứt. Đoạn dứt tham dục này thì tâm được giải thoát. Sắc tham bị đoạn thì không còn sắc. Không có sắc thì khổ diệt, cho đến thức cũng như vậy. Nên biết tham dục là sợi dây trói buộc bền chắc. Tham dục như giặc cướp mà chúng sinh không thấy chỗ ác của nó. Lại nữa, tham dục thường hành ở trong cửa mềm mại đẹp đẽ nên gọi là ác sâu xa. Lại, tâm chúng sinh ham thích khởi tham dục, cho đến loài muỗi kiến cũng đều ở trong ăn uống dâm dục khởi lên. Lại, tham dục này tạo vô số nhân duyên trói buộc tâm người. Đó là cha mẹ, anh em, chị em, vợ con và của cải v.v… Lại, chúng sinh do các thứ tham như ăn uống dâm dục nên tâm bị che khuất, tức có thể thọ sinh. Nếu tham nơi thiền định thì sinh vào cõi trên. Lại, tham dục này có thể hòa hợp, tất cả điều ưa thích của thế gian mỗi mỗi khác nhau. Tham dục hòa hợp giống như cát khô được nước thì dính kết lại. Lại, ở trong sinh tử lấy tham ái làm mùi vị. Như nói: Tham đắm mùi vị trong sắc. Nghĩa là do nơi sắc sinh ra, hoặc mừng hoặc vui. Nếu không có tham thì không có mùi vị, không có mùi vị thì mới có thể mau đoạn dứt sinh tử. Lại, tham dục này trái với sự giải thoát. Vì sao? Vì chúng sinh do tham đắm lạc dục, lạc thiền định nên không thích giải thoát. Lại, nếu dứt được một phần tham tức trở thành một phần vui. Như nói: Tùy chỗ lìa dục mà dần dần được vui sâu xa. Lại nói: Nếu muốn đạt được các thứ vui, phải xả bỏ tất cả dục, bỏ tất cả dục thì được vui rốt ráo. Nếu muốn có được vui lớn, phải rời bỏ vui nhỏ, lìa bỏ vui nhỏ nên có thể đạt được vui vô lượng. Lại nói: Người trí lại không có lợi ích riêng. Như lìa tâm tham ái, theo tâm lìa tham ái thì diệt các khổ đau. Lại, tham dục này làm hư hoại pháp thiện. Vì sao? Vì người tham chấp sâu nặng thì không đoái hoài đến giới luật, dòng họ, giáo pháp, oai nghi, tiếng tăm, không lãnh thọ lời giáo huấn, không thấy sự tai hại, không xem xét tội phước, như kẻ cuồng loạn, như say sưa, không biết tốt xấu, cũng như người mù không thấy phước lợi. Như nói: Tham dục không thấy lợi ích, tham dục không biết pháp, cũng như mù tối không có trí tuệ, do không diệt trừ tham dục.

Lại nói: Tham dục là biển cả không bờ bến, không có đáy, sóng dậy xoáy cuộn rất sâu, có trùng ác và quỷ La-sát. Các thứ hiểm nạn như vậy, không ai có thể vượt qua khỏi được. Chỉ nương nơi thuyền giới thanh tịnh, nhờ sức của gió chánh kiến, Đức Phật là bậc thầy lớn trên thuyền, có thể chỉ dẫn các con đường chánh, như chỗ nói mà tu hành, người này tức có thể vượt qua. Hơn nữa, trong các phiền não không có tưởng nhớ, phân biệt về mùi vị nào bằng tham dục. Lại, tham dục này rất khó dứt. Như trong kinh nói: Có hai nguyện khó đoạn nhất: Một là muốn đạt được. Hai là muốn sống lâu.

Hỏi: Tham dục có lỗi lầm như vậy, làm sao biết được tướng của tham dục?

Đáp: Người nhiều tham dục thì ưa thích nữ sắc và hương hoa, chuỗi ngọc anh lạc, đờn ca, múa hát, thường đến nhà dâm nữ tụ họp ăn uống, thích nơi chốn đông người cùng các thứ đồ chơi, ưa dùng lời nói ngọt ngào, tâm thường vui mừng, sắc mặt tươi tắn, luôn hỏi chào, mỉm cười, nói năng khó giận, dễ mến, nhiều lòng thương xót, thân thể tháo vát, tự chấp chặt về thân. Những điều như vậy gọi là tướng nhiều tham dục. Tướng này và tánh trói buộc thuận nhau nên khó đoạn dứt. Lại, tất cả tham dục rốt ráo đều là khổ. Vì sao? Vì các sự việc tham ái ắt sẽ ly tán, nhân duyên ly tán nhất định có buồn khổ. Như nói: Người trời đều vui thích sắc, tham sắc, ưa sắc, đắm sắc, khi sắc này hoại diệt thì tâm lo lắng, buồn rầu. Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Lại, trong các kinh, Đức Phật thường nói nhiều ví dụ để chê trách tham dục này. Vì nó có thể giết hại tuệ mạng, nên nói là độc ác. Ở trong tâm làm khổ nên gọi là gai góc. Vì nó có thể đoạn mất thiện căn nên gọi là dao. Có thể đốt cháy thân tâm nên gọi là lửa. Vì nó có thể sinh ra các khổ đau nên gọi là oán. Từ trong tâm sinh ra nên gọi là giặc bên trong. Do rất khó nhổ bật lên nên gọi là rễ ăn sâu. Vì thường làm nhơ nhớp tiếng tăm nên gọi là bùn đọng. Ngăn cản đạo thiện nên gọi là vật chướng ngại, khiến cho bên trong đau nhức nên gọi là mũi tên găm vào tim. Dấy khởi các điều ác nên gọi là căn bất thiện. Chảy vào biển sinh tử nên gọi là sông. Cướp đoạt của cải thiện nên gọi là giặc. Tham dục có những tội lỗi nhiều vô lượng như vậy, vì thế cho nên cần phải đoạn dứt.

 

Phẩm 125: ĐOẠN THAM

Hỏi: Tham dục có những lỗi lầm như vậy, làm sao có thể đoạn dứt?

Đáp: Dùng quán bất tịnh để ngăn chặn, quán vô thường v.v… để đoạn trừ.

Hỏi: Có người vì hiểu vô thường nên càng tăng thêm tham dục, việc này thế nào?

Đáp: Nếu người nào có thể nhận biết tất cả đều vô thường, thì không còn tham dục. Như trong kinh nói: Khéo tu tập về tưởng vô thường thì có thể phá trừ được tất cả tham dục, nơi ba cõi Dục, Sắc, Vô sắc, tất cả các thứ trạo cử, kiêu mạn và vô minh. Lại, nếu người nào có thể nhìn thấy thế gian đều khổ nhân duyên của khổ là tham, thì tham này đoạn dứt. Lại nữa, nếu người thường nghĩ: chắc chắn ta phải chịu khổ về sinh già bịnh chết, thì tham này đoạn trừ. Lại, nếu đạt được vui thanh tịnh thì bỏ vui bất tịnh. Như được thiền thứ nhất, thì bỏ ái dục. Lại thấy lỗi lầm của tham dục thì có thể đoạn dứt. Lỗi lầm của tham dục như trước đã nói. Nhờ học rộng hiểu sâu, trí tuệ phát triển nên có thể trừ đoạn tham dục, dùng tánh trí của tuệ phá tan phiền não. Nhờ nhân duyên thiện đầy đủ nên tham dục đoạn dứt. Nghĩa là giữ giới thanh tịnh v.v… Mười một thứ định có đủ trong Đạo đế sẽ nói sau. Lại nữa, các phương tiện như sắc trí, pháp trí, Đức Phật là vị đại lương y, các vị đồng học là những người cung cấp, chánh pháp là thuốc, lời nói, việc làm của mình phải đúng, thì bịnh tham dục mới đoạn. Như người bịnh nhận biết đầy đủ ba việc thì bịnh liền dứt.

Hỏi: Trong kinh nói: Dùng quán bất tịnh để trừ tham dục, vì sao nói bất tịnh và vô thường?

Đáp: Tất cả pháp Phật đều nhằm để phá trừ các phiền não, nhưng mỗi pháp có lực trội hơn. Trước hết dùng quán bất tịnh để ngăn chặn tham dục, sau đó mới lấy trí vô thường để đoạn trừ. Lại nữa, dùng quán bất tịnh để trừ tham dục thô, là chỗ nhiều người nhận biết. còn tham dục sử thì vi tế, phải nhờ quán vô thường mới dứt được. Lại, không chỉ nơi một kinh đã nói như vậy mà trong các kinh cũng nói về pháp khác có thể đoạn trừ. Thực hiện những nhân duyên như vậy thì tham dục dức.

 

Phẩm 126: SÂN GIẬN

Luận giả nói: Tướng giận dữ là như giận người này thì muốn khiến họ diệt mất. Hoặc mong cho người khác trói đánh giết hại, nhất định từ bỏ không muốn nhìn thấy. Giận này gọi là Ba-la-đề-già, nghĩa là sân giận hạng nặng. Có thứ giận chỉ muốn đánh đập, mắng chửi người khác gọi là Vi-hân-bà, dịch là sân giận hạng trung. Có loại giận không muốn rời bỏ, hoặc từ trong chỗ yêu ghét vợ con sinh ra, gọi là Câu-lự-đà, dịch là sân giận hạng nhẹ. Có thứ giận luôn làm ô nhiễm tâm gọi là Ma-xoa nghĩa là không báo thù. Có thứ giận ở mãi nơi tâm không bỏ, chính là muốn trả thù trở lại, gọi là Ưu-bà-da-ha, dịch là trả thù. Có thứ giận nóng nảy, chấp giữ nơi một việc, nhiều lời khuyên bảo nhưng không chịu bỏ, như sư tử muốn qua sông, đã nhận lấy tướng của bờ bên kia, cho đến chết cũng không lui bước, gọi là Ba-là-đà-hàm, dịch là chuyên chấp. Có thứ giận thấy người khác được lợi ích thì tâm sinh ganh ghét, gọi là Y-sa. Có thứ giận thường thích tranh cãi, tâm miệng luôn mạnh mẽ, gọi là Tam-lam-bà, dịch là tranh giận. Có thứ giận dữ như sư trưởng chỉ dạy về giới mà trái nghịch chống đối, gọi là Đầu-hòa-già, dịch là bướng bỉnh. Có thứ giận như được chút ít việc không vừa ý, tức tâm não loạn, gọi là A-sằn-đề, dịch là không nhẫn nhịn. Có thứ giận không hề nhu hòa,thường hay nhăn nhó, nét mặt không vui, nói năng thiếu suy nghĩ, gọi là A-bà-cật-lược, dịch là không vui lòng. Có thứ giận dữ cùng ở chung thường hay mắng chửi gọi là A-tảo-la-cổ, dịch là không điều hòa. Có thứ giận dữ dùng cả thân khẩu ý xúc não người đồng học, gọi là Thắng kỳ, dịch là não hại. Có thứ giận thường hay cau có chê bai sự vật, gọi là Đăng-đơn-na-tha, dịch là khó tánh. Giận này có hai thứ: Hoặc nhân nơi chúng sinh, hoặc không nhân nơi chúng sinh. Nhân nơi chúng sinh sinh gọi là tội nặng. Lai có thượng, trung, hạ, phân chia làm chín phẩm, lại nhân nơi chín thứ phiền não phân chia làm chín, không có việc gì mà tự nổi giận là thứ mười, đó gọi là tướng giận dữ.

Hỏi: Giận này phát sinh như thế nào?

Đáp: Từ việc không vừa ý, khổ não sinh ra. Lại, vì không hiểu biết đúng về tánh của khổ thọ nên sinh ra giận dữ, hoặc do quở mắng, đánh đập mà phát sinh. Hoặc đồng làm với người ác nên giận dữ sinh, như người hàng thịt, thợ săn …v.v..hoặc do trí lực yếu ớt nên sinh giận dữ, như cành cây bị gió làm lay động. Hoặc tích tập lâu ngày về giận dữ trở thành tánh quen, nên giận dữ sinh. Hoặc từ trong dòng họ hàng thịt, thợ săn, là loài rắn độc tái sinh nên sinh giận dữ. Hoặc ưa nhớ nghĩ về lỗi lầm của người khác, mà sinh giận dữ. Trong chín thứ phiền não đã nói, hoặc tùy thời tiết mà sinh giận dữ, như khi thọ mạng của con người chỉ còn mười tuổi. Hoặc do nơi chủng loại nên sinh giận dữ, như loài rắn độc. Hoặc do địa phương nên sinh giận dữ, như ở nước Khương Cù v.v… Lại, như trước đã nói về nhân duyên sinh, nhân duyên nào trái với tham là sinh giận dữ. Lại nữa, chấp ngã, kiêu mạn dấy khởi mạnh, cùng tham đắm vật chất. Vì những nguyên nhân như thế mà sinh giận dữ.

Hỏi: Giận dữ ấy có những lỗi lầm như thế nào?

Đáp: Trong kinh nói: “Giận dữ là tội nặng đối với tham dục, nên gọi là dễ cởi mở nhưng thật ra là khó cởi mở, song không như tham theo bám nơi tâm rất lâu. Lại nữa, giận dữ làm hại hai mặt, trứơc là thiêu hủy mình, sau là đốt cháy người. Lại, giận ấy chắc chắn dẫn tới địa ngục. Do từ giận dữ khởi nghiệp phần nhiều bị đọa vào địa ngục. Lại, sự sân giận có thể phá hủy phước thiện. Nghĩa là ba pháp bố thí, trì giới, nhẫn nhục đều từ nơi tâm từ phát sinh, giận dữ trái với lòng từ, nên gọi là có thể phá hủy. Lại từ giận dữ tạo nghiệp đều chịu tiếng xấu. Lại do giận dữ khởi nghiệp về sau tâm phải ăn năn hối hận. Người giận dữ không có lòng thương xót nên gọi là kẻ hung bạo. Chúng sinh đã khổ mà còn giận dữ não hại, thì như ghẻ, như lửa. Trong kinh tự nói về tội lỗi của giận dữ, nghĩa là người nhiều giận dữ thì hình sắc xấu xí, ngủ thức không yên, tâm luôn lo sợ, người khác không tin cậy.

Hỏi: Người nhiều giận dữ có những tướng thế nào?

Đáp: Tâm miệng thô tháo thường ngày không vui, luôn nhăn nhó, sắc mặt bất hòa khó mà gần gũi, dễ nổi nóng, luôn nuôi giận, thường hay hờn ngầm, ưa thích tranh cãi, sửa soạn binh khí, kết bè nhóm với người ác, ganh ghét người hiền, là kẻ thô kệch hung dữ, không suy nghĩ kỹ, ít biết hổ thẹn. Có những điều như thế gọi là tướng của giận dữ. Tướng ấy đều do sự ganh ghét người khác mà phát sinh, cho nên phải đoạn dứt.

Hỏi: Phải đoạn dứt như thế nào?

Đáp: Phải luôn tu tập Từ, Bi, Hỉ, Xả thì giận dữ mới đoạn dứt. Lại phải thấy rõ lỗi lầm của giận dữ, thì mới có thể đoạn trừ. Lại, đạt được trí chân thật thì giận dữ dứt. Lại nữa, nhờ sức của nhẫn nhục nên giận dữ mới dứt.

Hỏi: Thế nào là sức mạnh của nhẫn nhục:

Đáp: Nếu có thể nhẫn chịu các khổ của sự mắng nhiếc do kẻ khác, thì người này được phước của pháp thiện. Cũng không được từ sự không nhẫn mà sinh hung ác, đấy gọi là sức mạnh của nhẫn nhục. Lại người thực hành nhẫn nhục gọi là Sa-môn, vì nhẫn nhục là cửa đầu tiên bước vào đạo. Pháp của Sa-môn là: Giận không giận trả, bị mắng không mắng trả, bị đánh không đánh lại. Nếu Tỳ-kheo có thể nhẫn nhục thì đúng với pháp xuất gia. Kẻ giận dữ không phải là pháp của người xuất gia. Pháp của người xuất gia là nhẫn nhục. Lại nếu Tỳ-kheo về hình dáng, cách ăn mặc khác tục mà tâm còn giận dữ thì không phù hợp. Nếu người tu nhẫn nhục là đã gồm đủ công đức từ bi. Người tu nhẫn nhục có thể thành tựu lợi ích của mình. Vì sao? Vì người giận dữ muốn não hại người, nhưng trở lại hại mình, dùng thân miệng gia hại cá độc ở người khác thì mình nhận lấy tội ác gấp trăm ngàn lần. Nên biết giận dữ là sự tổn hại rất nặng đối với mình. Vậy người trí muốn cho mình và người tránh khỏi khổ và tội lớn thì cần phải tu nhẫn nhục.

Hỏi: Làm sao có thể nhẫn nhục đối với các khổ do mắng nhiếc, nhục mạ?

Đáp: Nếu người khéo tu vô thường, thấu rõ các pháp niệm niệm sinh diệt, người mắng và người bị mắng đều là nịêm niệm tiêu diệt, trong đó có chỗ nào để sinh giận dữ? Lại do gắng tu tâm “không” nên có thể nhẫn nhục được. Suy nghĩ như vậy: Các pháp thật sự là không, vậy ai là người mắng chửi? Ai là kẻ bị mắng? Nếu việc ấy thật sự thì nên nhẫn nhục, nên chấp nhận ta đã có lỗi, người kia đã nói thật, vì sao ta lại giận? Nếu sự việc không thật, thì người kia sẽ tự thọ nhận quả báo vọng ngữ, vì sao ta lại giận? Nếu nghe mắng nhiếc lời ác nên suy nghĩ như vậy: Tất cả thế gian đều theo nghiệp thọ quả báo. Xưa ta chắc đã gây tạo nghiệp bất thiện này, nay phải đền trả, vì sao lại giận? Nếu nghe mắng lời ác, tự phải xét lỗi của mình. Do ta thọ thân, thân là đồ đựng khổ, nên phải chịu mắng chửi. Lại, người hành nhẫn nhục phải suy nghĩ thế này: Vạn vật đều do nhiều nhân duyên sinh ra. Khổ bị mắng nhiếc lời ác này, là do nhĩ thức, ý thức và âm thanh phát sinh, ta ở trong đó tự có hai phần, người khác chỉ có âm thanh vậy thì phần tội của ta nhiều hơn, vì sao lại giận? Lại, ta đối với âm thanh ấy đã chấp lấy tướng, phân biệt, nên sinh lo buồn, tức là lỗi của ta. Lại, người nhẫn nhục không bắt lỗi người khác. Vì sao? Vì tội của sân giận này không phải do lỗi của chúng sinh, mà do tâm bệnh của chúng sinh phát ra, nên không được tự tại. Như thầy chữa bệnh quỷ nhập, chữa người mắc bệnh ấy, chỉ giận quỷ chứ không giận bệnh nhân. Lại nữa, người này vì siêng năng tinh tấn tu tập, ham tích tập pháp thiện nên không chấp lời nói của người khác. Lại nghĩ: Chư Phật và các bậc Hiền Thánh hãy còn không tránh khỏi sự mắng trách. Như Bà-la-môn xảo trá tạo mắng nhiếc, dùng vô số điều để mắng Phật. Như Tôn giả Xá-lợi-phất v.v… bị Bà-la-môn gia hại các điều hủy nhục, huống chi chúng ta là người phước ít? Lại suy nghĩ: Thế gian nhiều xấu ác đã không đoạn dứt mạng ta là may mắn lắm rồi, huống chi là bị đánh mắng? Lại suy nghĩ, các điều mắng ác đối với ta là không khổ, dễ nhẫn chịu. Như Phật dạy: Tỳ-kheo: Nếu như bị cửa sắt cưa xẻ thân hãy còn phải nhẫn chịu, huống gì là bị mắng? Lại hành giả này thường nhàm chán sinh tử, nếu gặp phải mắng nhiếc hủy nhục, tức sự chứng nghiệm càng rõ, càng thêm chán lìa, bỏ ác tu thiện. Lại nữa, người này phải biết nếu không nhẫn nhục về sau sẽ chịu quả báo khổ đau. Lại suy nghĩ: Thà chịu mắng nhẹ, chớ để bị đọa địa ngục. Lại người này luôn có tâm biết hổ thẹn: Ta là đệ tử của bậc Đại nhân Thế Tôn, là kẻ tu hành đạo, làm sao lại dấy khởi nghiệp thân khẩu không thích hợp. Lại nghe Bồ-tát hành nhẫn cùng với Đế thích và chỗ đạt được do diệu lực của nhẫn, nên phải tu nhẫn nhục.

 

Phẩm 127: VÔ MINH

Luận giả nói: Chạy theo giả danh gọi là vô minh. Như nói hàng phàm phu chạy theo âm thanh của ngã, trong đó thật sự không có ngã và ngã sở, chỉ là các pháp hòa hợp giả gọi là người. Hàng phàm phu không biết phân biệt nên sinh tâm ngã, tâm ngã sinh tức là vô minh.

Hỏi: Trong kinh Phật nói không nhận biết về đời quá khứ v.v… gọi là vô minh, vì sao ở đây chỉ nói tâm ngã?

Đáp: Nơi quá khứ ấy v.v… nhiều người sai lầm, nên mới nói trong đó không biết gọi là vô minh. Lại nữa, trong kinh đã giải thích nghĩa của Minh nghĩa là có sự hiểu biết nên gọi là Minh. Biết những pháp gì? Nghĩa là sắc ấm vô thường thật biết là vô thường. Thọ, tưởng, hành, thức ấm vô thường, như thật biết là vô thường. Cùng với minh trái nhau gọi là vô minh. Vậy do không biết rõ đúng như thật, gọi là vô minh.

Hỏi: Nếu không biết rõ đúng như thật gọi là vô minh, thì, các pháp như gỗ, đá v.v… nên gọi là vô minh, vì chúng không biết rõ đúng như thật.

Đáp: Không phải vậy. Gỗ, đá là vô tâm, không thể phân biệt về đời quá khứ v.v… Có thể phân biệt về vô minh thì không giống như gỗ, đá.

Hỏi: Vô minh gọi là vô pháp, như người mắt không thấy sắc, nhưng không phải là không thấy pháp. Do đó, chỉ không có minh (sáng suốt), nên gọi là vô minh, chứ không có pháp vô minh riêng?

Đáp: Không phải thế. Nếu không có vô minh thì ở trong năm ấm vọng chấp có người và trong ngói, đá, sinh tưởng là vàng, vậy tên là gì? Nên biết tánh của phân biệt tà gọi là vô minh, chứ không phải minh không có gọi là vô minh. Lại, từ do nhân duyên vô minh nên có các hành nối nhau sinh ra: Nếu là vô pháp làm sao có thể sinh được!

Hỏi: Nếu không phải minh gọi là vô minh, nay chỉ trừ minh, còn tất cả các pháp đều là vô minh. Vì vậy không phải do một pháp gọi là vô minh?

Đáp: Vô minh là nói trong tự tướng, không nói về pháp khác. Như nói bất thiện tức là nói thể bất thiện, không nói vô ký. Vô minh cũng vậy. Tuy mang hình người, mà không có người hiện hành nên gọi là phi nhân. Như vậy đối với minh này tuy có phân biệt mà không thể biết đúng thật, nên gọi là vô minh, còn cây, đá thì không phải vậy.

Hỏi: Nếu nói vô sắc, vô đối, vô lậu, vô vi đều là nói khác nhau, tại sao vô minh không phải như thế?

Đáp: Lý này thì có, nhưng trong bất thiện thì không phải như vậy.

Hỏi: Có người nói: Chỉ do minh không có nên gọi là vô minh. Như trong nhà không có ánh sáng tức gọi là tối tăm?

Đáp: Theo thế gian có hai cách nói: Hoặc minh không có nên gọi là vô minh; hoặc minh sai lầm nên gọi là vô minh. Minh không có nói là vô minh: như thế gian nói mù không nhìn thấy màu sắc, điếc không nghe tiếng. Minh sai lầm nên gọi là vô minh: Như ban đêm thấy cây trụi sinh tưởng là người, thấy người tưởng là cây trụi. Lại, nếu người không thể biết đúng thật về sự việc này nên gọi là chẳng nhận biết. Lại nữa, tâm tà gọi là phiền não. Nhân duyên của các hành này bậc A-la-hán đã dứt, nên không có vô minh làm nhân duyên cho các hành. Nếu không phải là minh gọi là vô minh, thì nay A-la-hán ở trong pháp Phật không còn có minh, lẽ ra gọi là vô minh? Nếu có vô minh thì không phải là Ala-hán, nên biết riêng có thể tánh của vô minh tức là tâm tà. Tâm tà này là vô minh phân ra làm tất cả phiền não. Vì sao? Vì tất cả phiền não đều là hành tà. Lại, do tất cả phiền não che khuất tâm người nên đều bị mù lòa. Như nói tham dục không thấy pháp, tham dục không thấy phước. Người thường thọ nhận tham này đều gọi là mù tối. Sân giận, si mê cũng như vậy. Lại, từ tất cả phiền não sinh ra các hành, mà trong kinh nói từ vô minh sinh ra các hành, nên biết tất cả phiền não đều gọi là vô minh. Lại nữa, người không thấy rõ về “không” thường có vô minh, chỉ vì vô minh cấu uế là nhân duyên của các hành. Lại, minh sai lầm nên gọi là vô minh: Người chưa nhận thấy về “ Không”, thường bị minh sai lầm, nên biết vô minh phân làm tất cả phiền não.

Hỏi: Vô minh phát sinh như thế nào?

Đáp:Nghe mà suy nghĩ sai lầm nhân đấy vô minh phát sinh. Như có Đà-la-phiêu (Chủ đế của Thắng luận) có hữu phần, có tinh thần, các pháp niệm niệm không diệt, không có thân đời sau, âm thanh và thần là thường còn, cỏ cây có tâm v.v… tạo thành các kiến chấp sai lầm như thế thì vô minh sinh. Hoặc do nhân tà nên sinh vô minh. Nghĩa là gần gũi bạn ác, chăm nghe pháp tà, suy nghĩ tà hạnh tà, do bốn nhân tà này mà sinh vô minh. Lại, từ nhân duyên sinh các phiền não khác, đều là nhân sinh ra vô minh. Lại, từ nhân của vô minh nên vô minh sinh. Như từ bắp sinh bắp, từ lúa sinh lúa. Như vậy do chấp nơi chúng sinh nên vô minh sinh. Trong kinh nói: Từ niệm tà làm nhân duyên tức vô minh sinh. Tà niệm là tên gọi khác của vô minh. Nghĩa là thấy có người, trứơc là sinh suy nghĩ về người, sau đó hiểu rõ nên gọi là vô minh. Hai thứ trước, sau giúp nhau sinh ra, như từ cây sinh trái, từ trái mọc trở lại thành cây.

Hỏi: Vô minh có những lỗi lầm như thế nào?

Đáp: Tất cả khổ não đều do vô minh. Vì sao? Vì từ vô minh sinh ra các phiền não như tham v.v… Từ phiền não gây tạo nghiệp bất thiện. Từ nghiệp thọ thân. Do nhân duyên thọ thân, nên mới bị vô số các thứ suy não. Như trong kinh nói: “Vô minh che phủ, ái kiết trói buộc nên thọ nhận các thân sinh tử”. Trong kinh Sư Tử Hống nói: Các thủ đều lấy vô minh làm gốc. Lại, kệ viết:

Các nẽo ác hiện có
Hoặc đời này đời sau,
Đều vô minh làm gốc,
Theo tham dục khởi lên. 
Tất cả tội phiền não
Đều do có vô minh,
Từ vô minh sinh ra
Tất cả các phiền não.

Hàng phàm phu do vô minh nên thọ thân năm ấm, bất tịnh, vô thường, khổ, không, vô ngã. Người trí đâu chịu các khổ ấy! Vì nhờ chánh tư duy nên có thể xả bỏ năm ấm. Như trong kinh nói: Nếu biết tâm ngã là điên đảo, sai lầm, thì không còn sinh trở lại. Nên biết do nhân duyên vô minh trói buộc. Do nhân-duyên của Minh nên được giải thoát. Chúng sinh nơi thế gian, vì sức của vô minh nên tham cầu chút vị mà không thấy nhiều lỗi lầm. Như phù du tự gieo mình vào lửa, như cá cắn câu. Chúng sinh cũng vậy, hiện tham chút ít vị mà không nghĩ nhiều về tội lỗi mai sau. Lại nữa, kinh điển của ngoại đạo sinh khởi tà kiến, cho là không có tội phước v.v… đó đều là vô minh. Vào các đường ác đều do nhân bất thiện, bất thiện đều là vô minh. Lại, tà kiến khởi nghiệp, phần nhiều bị đọa vào địa ngục, tà kiến đều do vô minh sinh ra. Đức Phật là đấng Thế Tôn, là bậc Nhất thiết trí, là vị Đại sư trong ba cõi, là người tu hành thanh tịnh chơn thật cùng các Thánh đệ tử. Các hàng ngoại đạo không thể phân biệt nhận biết. Như viên ngọc báu bị người mù lòa vứt bỏ. Đây đều là lỗi của vô minh. Tất cả chúng sinh có bao nhiêu việc làm suy não hư hoại, đều do vô minh. Tất cả sự lợi ích thành tựu, tăng trưởng đều nhờ nơi minh. Nếu vô minh tăng trưởng thì, rốt cuộc phải bị đọa vào địa ngục A-tỳ. Như nơi kiếp ban đầu, con người không biết mùi vị là hư vọng, mà sinh tham đắm nên mất hết các việc như sắc lực, thọ mạng… Do đó biết đều vì vô minh mà bỏ mất các điều lợi ích. Vô minh này chỉ có trí tuệ chân thật mới đoạn dứt được. Tham v.v.. thì không phải vậy. Bởi trong tâm tham không có sân, trong tâm sân không có tham, còn vô minh thì có mặt trong tất cả tâm, cho đến người không tu tuệ thì vô minh luôn trụ nơi tâm. Trong các phiền não, vô minh là mạnh nhất. Như trong kinh nói: Vô minh là tội nặng khó giải trừ.

Lại nữa, vô minh là cội rễ của mưòi hai nhân duyên. Nếu không có vô minh thì các nghiệp không tích tập, không tạo thành. Vì sao biết được? Vì các bậc A-la-hán không còn tướng chúng sinh, vì không có vô minh nên các nghiệp không thể tích tập thành được. Do nghiệp không tích nhóm nên các chi phần như thức v.v… không thể phát sinh. Vì vậy biết vô minh là nguồn gốc của các khổ. Lại, hiện thấy tham đắm thân bất tịnh này cũng là ở trong vô thường sinh tưởng là thường, giống như giơ tay không để dối gạt trẻ con, như thầy ảo thuật hiện ra trò huyễn hóa lừa gạt mọi người khiến họ thấy đất tưởng là vàng. Lại nữa, người đời thường nói: Kẻ ngu dễ bị tội tăng thêm mà cũng có thể dùng lời để lừa gạt. Thế gian cũng vậy, mắt thấy bất tịnh mà còn để cho nó dối gạt. Lại, các thứ tâm pháp niệm niệm đều diệt, chấp tướng mới sinh, sắc diệt hết rồi vì si nên chấp tướng. Đối với âm thanh cũng lại như vậy. Vì thế khó giải trừ. Đây đều là lỗi lầm của vô minh.

Hỏi: Người nhiều vô minh có những tướng gì?

Đáp: Người này ở chỗ đáng sợ thì không sợ, vui thích chỗ không vui, ghét bỏ người hiền thiện ưa thích người ác, đảo ngược ý người, luôn thích chống đối, chấp chặt việc sai, ít có hổ thẹn, không kể hiềm nghi, không vui với người, cũng không vui với mình, không gần gũi ai,ai cũng khó thân cận, ngu si không hiểu biết, ưa mặc áo nhớp dơ, thích ở chốn tối tăm, bất tịnh, tự cao tự đại, thích khinh miệt người, không cần đạo lý, tự khoe công đức, lỗi không biết lỗi, lợi không biết lợi, chẳng ưa trong sạch, cũng không có oai nghi, nói năng vụng về, thường hay giận dữ, trộm nghe người khác nói, tham đắm sâu dày, học tụng khó đạt, được rồi liền mất, dù có sở đắc cũng không giải nghĩa nổi, dù có giảng giải thì nói sai lầm. Những tướng như vậy đều do vô minh. Do đó nên biết vô minh có vô lượng lỗi lầm như vậy, nên phải dứt trừ.

Hỏi: Làm sao dứt được?

Đáp: Khéo tu tập trí chân thật thì vô minh dứt.

Hỏi: Biết ấm, giới cũng gọi là trí chân thật, vì sao trong kinh nói thuốc trị của vô minh là nhân duyên, hoặc quán nhân duyên?

Đáp: Các hàng ngoại đạo phần nhiều đối với nhân nơi sự vật đều sai lầm. Trong nhân sai lầm nên nói trời Tự Tại tạo ra thế gian. Vì lầm nhân nơi sự vật nên nói có Đà-la-phiêu (Chủ đế của Thắng luận) có hữu phần… Quán pháp nhân duyên thì hai điều này đoạn dứt.

Hỏi: Nhân duyên gọi là thuốc trị vô minh, tại sao nói hai loại?

Đáp: Nhằm thâu nhiếp hết các trí. Nếu quán năm ấm, sáu giới, mười hai nhập, cũng phá trừ được vô minh. Nhưng vô minh nặng nhất, gọi là tà kiến. Tà kiến do nhân duyên đoạn dứt, cho nên nói hai loại. Tham lam, giận dữ cũng như vậy. Thế gian phần nhiều đối với các danh tự như cái bình v.v… đều sai lầm. Như nghe tên cái bình thì sinh tâm nghi ngờ, là sắc hay là bình. Lìa sắc có bình? Như vậy năm ấm là người, hay lìa năm ấm mà có người?. Nếu tâm quyết định thì rơi vào hai bên, nghĩa là chấp đoạn, thường. Thân tức là thần, thân khác, thần khác cũng như vậy. Nếu người biết cái bình do các duyên sinh, nhân nơi sắc, hương, vị, xúc mà thành, thì các ấm như sắc như thế là người. Có thể hiểu như vậy thì mới có thể lìa bỏ tên gọi sinh ra ngu si, danh tự này có thể che khuất thật nghĩa của các pháp. Như Kinh Thiên Vấn nói: Danh tự hơn hẳn tất cả pháp, không gì bằng được. Chỉ một pháp của danh tự này thôi, tất cả các pháp đều thuận theo. Lại nói: Thấy tập của thế gian diệt trừ kiến chấp “Không có”. Thấy diệt của thế gian thì diệt trừ kiến chấp “có”. Lại nói: Vì các hành nối nhau nên nói năm ấm sinh tử. Đây đều do tội lỗi của vô minh. Quán sát về nhân duyên thì diệt. Trong kinh nói: Nếu người nào thấy nhân duyên thì người ấy thấy pháp, nếu thấy pháp tức là thấy Phật. Như vậy, nếu người có thể đoạn si, do từ danh sinh ra, thì người ấy mới thật sự thấy Phật, không theo lời dạy của người khác. Do đó, dùng chánh trí thì diệt hết vô minh. Nhờ biết rõ về pháp nhân duyên nên có thể đạt chánh trí. Lại nói tóm lược, tám vạn bốn ngàn pháp tạng, thì những pháp trí tuệ đều là diệt trừ vô minh, vì vô minh là cội rễ của tất cả phiền não, và cũng trợ giúp cho tất cả phiền não. Vì vậy, do nguyên nhân này nên phải đoạn trừ vô minh.