LUẬN THÀNH THẬT
Trước tác: Ha Lê Bạt Ma
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Tam Tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 5

Phẩm 54: CĂN BẤT ĐỊNH

Hỏi: Các căn là định hay bất định?

Đáp: Thế nào gọi là định và bất định?

Hỏi: Do nhân và đối tượng biết của các căn… như mắt nên gọi là định.

Đáp: Nếu như vậy, thì căn chẳng định. Vì sao? Vì các căn chẳng phải là nhân và đối tượng biết của mắt.

Hỏi: Đồng tử, lưỡi và thân, có thể dùng mắt thấy được, chứ mũi, tai ở trong, nên không thể thấy được.

Đáp: Người chết cũng có đồng tử, lưỡi và thân, mà thật chẳng phải căn.

Hỏi: Đồng tử có hai loại: Căn và phi căn. Người chết thì diệt mất căn đồng tử, còn lại phi căn?

Đáp: Căn có đồng tử, không thể thấy được, nên chẳng phải là cái có được của mắt v.v… Như trong kinh dạy: “Năm căn là sắc chẳng thể thấy có đối”. Nếu có thể thấy thì phân biệt được đồng tử này là căn, còn đồng tử kia chẳng phải căn.

Hỏi: Nếu trong kinh dạy: “Do bốn đại tạo thành sắc thanh tịnh, gọi là năm căn”, vậy sao lại nói: Năm căn là sắc chẳng thể thấy có đối?

Đáp: Do vậy, nên đáng nghi ngờ. Nghiệp lực thì không thể nghĩ bàn. Do năng lực của nghiệp, nên bốn đại biến hóa mà thành căn. Đức Phật sợ hàng đệ tử, cho năm căn là từ nghiệp sinh, nên nói đó là sắc, và vì ngoại đạo cho năm căn là từ ngã sinh ra, mà ngã tức chẳng phải sắc. Lại nói năm căn biết lớn, biết nhỏ, nên chẳng quyết định. Người này cũng cho vô sắc là căn. Vì vậy, Đức Phật dạy: Các căn là sắc, nhờ sắc v.v… mà thành, hoặc bảo nhờ sắc mà thành thì lẽ ra phải thấy. Cho nên nói chẳng thể thấy cũng chẳng phải là chỗ được của các căn như nhĩ v.v… Hoặc bảo, nếu vậy thì lẽ ra không đối mà nói có đối, vì đối trước các trần. Nếu sắc có hình, có đối, thì gọi là sắc thô, chỉ là đối tượng thấy của mắt. Ngoại đạo lại bảo: Các số lượng một, khác, hợp, lìa, tốt, xấu, tạo nghiệp, tướng chung, tướng riêng và Đà-la-phiêu, tuy chẳng phải sắc pháp, nhưng cũng có thể thấy. Thế nên, Đức Phật dạy: “Đối với những thứ đó, chỉ sắc mới có thể thấy, ngoài ra chẳng pháp nào thấy được”. Chướng ngại với tay v.v… gọi là có đối.

Hỏi: Nếu như vậy thì đều phải thọ xúc?

Đáp: Tuy đều là trở ngại, nhưng chẳng phải tất cả mọi nơi đều sinh. Thân thức tùy theo nơi mà sinh nhận thức, nên phân các căn riêng biệt. Với lại các căn thật chẳng phải quyết định. Vì sao? Vì nếu là pháp quyết định, thì như tay cầm lấy vật, chỉ một tay nắm lấy, mà mắt có thể thấy lớn nhỏ, thế nên chẳng phải một thứ quyết định. Lại như quyết định đụng vào vật, thì có tác dụng. Như rờ vào lửa thì bị cháy, đụng vào dao thời bị đứt, nhưng mắt ở xa vẫn trông thấy. Thế nên, chẳng phải quyết định. Lại nếu pháp quyết định, thì chướng ngại với pháp quyết định. Như tay ngăn cản tay, mắt đối với thủy tinh, mây, sự che lấp … cũng chẳng bị chướng ngại. Vì vậy chẳng phải quyết định. Lại nữa, căn nếu quyết định, thì lẽ ra ở trong thân. Do ở trong thân, nên tuy hợp với ý, lẽ ra cũng không thấy trần bên ngoài, nhưng thật ra thấy được; thế nên chẳng phải quyết định. Nếu là pháp quyết định, thì số gọi là năm căn, mà mắt, tai… đều có hai, mà lưỡi và thân đều là một. Vậy phải gọi là tám, nên chẳng phải quyết định. Chỉ có chỗ quyết định, mà căn chẳng phải quyết định. Mắt trái thấy, mắt phải cũng biết, chẳng lẽ thấy lại khác với biết. Vì căn không có tướng trái, phải, nên chẳng phải quyết định. Pháp căn trần hợp nhau, chẳng thể được, nên không quyết định. Nếu được quyết định, là các pháp sắc v.v… thì không thể biết được căn, thì biết nên chẳng phải quyết định.

Hỏi: Ánh sáng của mắt, có thể thấy lớn nhỏ, cũng có thể đi xa thấy sắc, mà không bị chướng ngại. Giống như ánh mặt trời, lìa thân mà vẫn thấy. Ánh sáng, nhờ chỗ cố định của hai mắt này hợp làm một ánh sáng, mới có thể thấy sắc. Với lại mắt là một; tai, mũi ở bên trong, nên không thể phân biệt. Thế nên ông nói, thấy khác, biết khác, lời nói này bị phá hủy. Lại, thần biết chẳng phải căn; căn là đối tượng được dùng. Ông lại nói, pháp hợp cũng chẳng thể được. Điều này đã trả lời. Nghĩa là, ánh sáng mặt trời, các căn như tai v.v… vì hòa hợp sâu kín, nên cũng chẳng thể được, như cây mọc dày quá thì không thể biết được. Với lại nhờ nơi thần mà hay biết nên chẳng phải là các căn. Các căn thì do bốn đại mà thành. Bốn đại không có hay biết (giác) căn cũng không hay biết. Như cái bình do vi trần mà thành, vi trần không có hay biết nên cái bình cũng không có hay biết.

Với lại, chẳng biết nó khác trần, nên biết chắc là không biết.

Đáp: Ông nói ánh sáng đi, nên căn là quyết định. Ông cho ánh sáng là căn, nhưng ánh sáng chẳng phải quyết định, nên căn cũng chẳng phải quyết định. Ánh sáng này không có, trước đã có phá rồi. Ông lại nói một mắt, việc này không đúng. Một mắt thấy khác, hai mắt thấy khác. Nếu một mắt hư, thì thấy không rõ. Mắt trái, phải ở trước đã trả lời rồi.

Hỏi: Nếu một mắt có thể sinh thức thì hai mắt, lẽ ra chỉ cần một mắt, chứ dùng mắt thứ hai làm gì?

Đáp: Vì sóng mũi ngăn cách, nên chẳng được là một. Giả sử không ngăn cách, cũng không là một, như các ngón tay. Ông nói, đó là đối tượng dùng của thần. Điều này trước đã phá, thần cũng chẳng là chủ thể sử dụng. Ánh sáng mặt trời, trước cũng phá rồi. Ông nói, hòa hợp quá dày kín, nên không thấy. Việc này cũng không đúng. Vì sao? Vì pháp nếu quyết định thì không hòa hợp do thể tướng khác nhau, như cây hợp nhau tuy dày kín nhưng vẫn thấy đường rãnh. Căn trần hòa hợp, không thấy như vậy. Ngươi nói vì thần nên biết. Sẽ nói phẩm Vô thần ở sau. Ông nói bốn đại tạo thành căn. Việc này không đúng. Thế lực của nghiệp thay đổi bốn đại, làm thành căn, nên có sai khác.

Hỏi: Căn là quyết định. Vì sao? Vì do bốn đại làm thành, Bốn đại là quyết định, nên căn cũng phải quyết định. Lại do mắt, các căn là quyết định nên bốn đại thường làm lợi ích. Lại đại biến làm căn thì bốn đại là quyết định, nên pháp được thành cũng phải là pháp quyết định. Đối với căn phải có trần, đối với trần phải có căn, nếu không quyết định, thì không tương đương được, như pháp ý. Thế nên phải biết là quyết định. Lại người đời đối với đồng tử, trong pháp quyết định, gọi tên là các căn. Căn lại biết năm thứ pháp nhất định, chẳng như ý… Thế nên gọi là quyết định. Vả lại, căn biết cảnh hiện tại, những điều khác, thì so sánh mà biết. Thế nên gọi là quyết định. Căn biết cảnh hiện có, ý biết cả cảnh không có, như biết quá khứ. Căn trần hòa hợp, nên sinh căn biết pháp, ắt phải dùng căn quyết định đối trước trần quyết định.

Đáp: Ông nói, căn do bốn đại mà thành, nên gọi là quyết định: Tuy đều do các đại mà có căn và phi căn, như vậy có hoặc là quyết định hoặc không quyết định. Như ông nói lợi ích. Lợi ích với cái biết, chẳng trợ giúp gì cho căn. Nói bốn đại biến thành căn, thì biến cũng là biết, chứ chẳng lợi ích gì cho căn. Nói bốn đại thanh tịnh, gọi là căn, nên chẳng phải quyết định. Như ông nói, căn trần tương đương thì cũng là ý, nhất định căn chẳng phải là biết. Thế nên, các điều kia, đều là năng lực của ý sai biệt. Tuy nói sáu thức, nhưng quan trọng đều do ý thức quyết định. Như khi thấy bốn Đế, hiện biết các pháp; chánh quá pháp tánh đều do ý thức. Như vòng lửa xoay vòng và trò huyễn hóa, dợn nắng thành Càn-thát-bà là đều không có, mà chỉ do vọng tưởng thấy có. Thấy sắc cũng vậy. Cho nên nhãn…tất cả đều là duyên sai lầm. Ông nói: Căn trần hòa hợp mới sinh biết, vì đến nên biết hay không đến mà biết, trước đều đã trả lời.

 

Phẩm 55: TƯỚNG CỦA SẮC NHẬP

Lại nói: Các sắc xanh, vàng, gọi là sắc nhập. Như trong kinh dạy: Nhãn nhập diệt rồi thì sắc tướng lìa xa, điều này cần biết.

Hỏi: Có người nói: Nghiệp lượng cũng là sắc nhập. Vì sao? Vì như trong kinh dạy: “Đen, trắng, dài, ngắn, to, nhỏ là các sắc”.

Đáp: Hình tướng v.v… là sự khác biệt của sắc. Làm sao biết được? Vì nếu lìa sắc, thì không thể sinh được tâm (biết) hình lượng. Nếu các hình v.v… khác sắc, tách rời sắc, lẽ ra cũng sinh tâm, mà thật ra chẳng sinh. Thế nên phải biết là không khác.

Hỏi: Trước sinh tâm biết sắc, sau mới sinh tâm biết hình. Tại sao vậy? Vì tâm biết đen-trắng-vuông-tròn, chẳng đồng thời sinh.

Đáp: Tướng dài ngắn v.v… đều duyên nơi sắc, nên sinh trong ý thức, như trước thì thấy sắc, sau mới sinh ý thức, tướng nghiệp nam nữ, cũng do các pháp hữu vi luôn luôn diệt, nên không có pháp diệt nào không đi. Vì đi, nên gọi là nghiệp.

Hỏi: Đi gọi là nghiệp về thân. Nếu không đi, thì không có có nghiệp thân.

Đáp: Vì theo tên gọi của thế tục nên mới có nghiệp thân, chứ chẳng phải là đệ nhất nghĩa.

Hỏi: Nếu trong đệ nhất nghĩa, không có nghiệp thân, thì trong đó, cũng không có tội-phước? Do không tội-phước nên cũng không có quả báo?

Đáp: Pháp, ở nơi khác, khi phát khởi, hoặc có lợi ích, hoặc não loạn người khác, nên mới có tội-phước, chẳng nên gạn hỏi như vậy.

 

Phẩm 56: TƯỚNG CỦA TIẾNG

Hỏi: Tại sao không nói do tiếng thành đại?

Đáp: Tiếng lìa các sắc, các sắc chẳng lìa nhau, thế nên không nói. Với lại, tiếng không như các sắc, thường liên tục, lại chẳng cùng sắc đồng sinh, mà lại khác với sắc sinh. Vì sao? Vì tướng sắc sinh ra, dần dần rễ mầm theo thứ tự mà có. Tiếng không như vậy. Tiếng từ vật mà được tên, như nói tiếng bình, chứ không nói tiếng trong bình. Hoặc có người nói: Thấy bình hay thấy sắc bình. Trước đây, không nói là nghe bình mà chỉ nói: Nghe tiếng bình. Với lại, thuở xưa, chúng sinh đã vun trồng nghiệp vắng lặng. Nếu vạn vật thường có tiếng, thì không có khi nào tạm lặng yên. Thế nên tiếng chẳng phải nhân, để thành các đại.

Hỏi: Muôn vật đều có tiếng. Làm sao biết được? Vì tác động, thì tiếng phát ra, mà các đại thường tác động lẫn nhau, nên tất cả đều nên có tiếng.

Đáp: Chẳng phải muôn vật tác động lẫn nhau, đều là nhân của tiếng. Vì sao? Vì mắt thấy hai ngón tay đụng nhau mà chẳng phát ra tiếng.

Hỏi: Trong đó có tiếng nhưng vì quá nhỏ, nên không biết?

Đáp: Chẳng sinh. Chứ không phải tiếng nhỏ nên không nghe. Nếu nói có tiếng, thì hiện tại không tin được (vô hiện tín) và người khác cũng có thể bảo rằng, trong nước có tiếng, nhưng vì quá nhỏ, nên không nghe. Trong lửa có mùi vị, trong gió, trong không đều có các sắc, mà thật chẳng có. Thế nên, chẳng phải tất cả va chạm, đều phát ra tiếng.

Hỏi: Người thế gian thường nói, tiếng là thực thể (Cầu na) của hư không, nay sao biết được từ bốn đại sinh ra?

Đáp: nay, hiện thấy từ bốn đại sinh ra, nên chúng tôi tin vào hiện đang thấy. Lại nói tiếng chuông, tiếng trống, nên biết đó là tiếng của chuông, trống. Lại từ bốn đại khác, nên có tiếng sai biệt, như có sự khác nhau về tiếng chuông trống. Như đánh vào đồ bằng đồng, thì đều có tiếng động, nhưng tay nắm vào, thì tiếng dứt ngay. Thế nên biết đồ vật đụng đều là có tiếng cũng như vậy. Vả lại, khi sắp muốn tạo ra tiếng, thì chắc chắn phải chuẩn bị hình bóng, thể chất, của bốn đại. Thế nên phải biết là tiếng từ bốn đại sinh. Lại do nhân duyên nghiệp (tác động), nên tiếng có khác nhau, ví như tiếng của chúng sinh, hoặc hay hoặc dở, chẳng nên vì duyên nghiệp mà cho là thực thể của hư không. Thế nên chẳng phải. Với lại, nhân nơi tướng. Nhân nơi tướng tức tùy thuộc pháp nào đó mà có, thì gọi pháp đó là nhân, ví như là từ nhân bốn đại mà có tiếng, nếu không nhân, thì chẳng có tiếng, ví như có lửa thì nóng, không có lửa thì chẳng nóng, thế nên mới biết nhân từ lửa có nóng, từ bốn đại phát sinh tiếng, cũng như vậy. Như hư không có nóng, hoặc hư không vẫn tồn tại, mà nóng thì không có nên biết, hư không chẳng phải nhân của nóng, tiếng cũng như vậy. Như có hư không có tiếng, hoặc hư không vẫn tồn tại, mà có khi không có tiếng, vậy nên biết tiếng chẳng phải nhân. Vả lại tiếng là thực thể của hư không, điều này không thể tin được. Vì trong sự việc hiện tại, trước đã không thấy nhân của tiếng, đối với hư không, cũng không có sự so sánh biết được, thì trong đó lấy gì để so sánh. Lại như trong kinh thư (của thế gian), phần nhiều có trái nhau, như vậy, nên không một điều nào đáng tin. Thế nên biết chẳng đúng.

 

Phẩm 57: TƯỚNG CỦA HƯƠNG

Hỏi: Loại hương Đa-ma-bạt Chiên đàn và các hương khác hòa hợp lại nên hương đó khác với hương gốc ban đầu, đó vì những hương này phát sinh hương khác chăng?

Đáp: Do hòa hợp hương, nên sinh ra hương khác. Như màu xanh, vàng trộn lẫn nhau thì thành màu lục. Với lại cũng do các nghiệp nhân duyên, nên sinh khởi đủ các loại hương.

Hỏi: Đệ tử của phái Ưu-lâu-khư cho rằng, hương chỉ là thực thể (cầu na) của đất. Việc này làm sao biết?

Đáp: Không có thật pháp (Đà-la-phiêu), việc này đã nói rõ. Thế nên không đúng. Như người của phái Vệ-thế-sư cho rằng: Bạch lạp, chì, thiếc, vàng, bạc, đồng… đều là vật lửa, mà trong đó có hương. Thế nên biết, chẳng phải chỉ đất có hương.

Hỏi: Bạch lạp… hòa hợp với đất nên có hương?

Đáp: Hương này chẳng phải là khách. Vì sao? Vì trước, trong những vật khác đã không ngửi có hương ấy. Nếu đã từng ngửi có hương ấy, thì có thể nói đó là khách; ví như, trước ngửi hương có trong hoa, sau ngửi có trong áo, mới gọi là khách; mà các hương bạch lạp…thì không như vậy. Thế nên, chẳng phải là nhân. Với lại, các loại bạch lạp v.v… không lúc nào không có hương, thì không nên nói là khách (tạm). Với lại, tôi cũng có thể nói, trong nước không có các sắc, chỉ khi nào cùng với đất hợp thành mới được các sắc. Nếu ông nói: Trong nước tự nó có sắc, thì tôi cũng nói: Trong bạch lạp tự nó có hương. Lại nữa, nếu trong vật, có pháp không lìa, nhau, thì ngay vật này vốn có. Thế nên, hương tùy theo nơi chốn, chẳng rời nhau hương ngay vật ấy. Như trong nước có hương, vì quá ít, nên không biết có, thì có sai lầm gì? Như nói trong mặt trăng có lửa. Lửa chắc chắn nóng. Lại như ông nói: Lửa trong nhà ấm mất đi, khí nóng còn lại trong đó nên có một tí sắc, cũng có thể nói, trong nước nóng cũng có tí tướng lạnh, hương trong nước cũng vậy. Trong đó không có nhân quyết định, nói là trong nước không có hương. Vả lại chủ vạn vật (các Đà-la-phiêu) của các ông, không tướng quyết định. Vì sao? Vì ông tự khẳng định nói: Trong đất có hương, như kim cương, pha lê v.v… khi đốt thì biến đổi khác, nên đều là vật của đất, nhưng đều là không hương. Ông lại nói: Tướng nước nhất định lạnh, tướng sữa cũng vậy, mà khi sữa đóng váng thì có hương, nên gọi là vật của đất. Lại nói: Lửa chắc chắn nóng, bạch lạp v.v… là vật lửa, mà trong đó không nhất định nóng. Mặt trăng thật lạnh, mà ông nói là vật của lửa. Vì các điều này nên các thật pháp không có tướng quyết định. Vì vậy, hương chỉ có trong đất thì điều này chẳng hợp lý. Ông cho bạch lạp… là vật của lửa, việc này cũng không đúng. Vì sao? Vì không có nóng quyết định. Các đệ tử của phái Ưu-lâu-khư nói, lửa chắc chắn nóng, mà bạch lạp… thì không nóng.

Hỏi: Các vật như bạch lạp v.v… nóng trong quả, chứ chẳng ở trong xúc?

Đáp: Quả của bơ là lạnh, nên phải là vật của nước, mà ông lại nhất định cho là có hương, nên gọi là vật của đất; cho nên nói quả, chứ chẳng gọi là dùng cái nhân. Lại như trái Ha-lê-lặc, khi còn là quả, nhất định là nóng, thì lẽ ra là vật của lửa, mà thật ra là có hương, có cả năm vị, thế nên không gọi là vật của lửa, vì nói là quả chứ chẳng phải nhân. Bạch lạp v.v… chẳng phải là vật của lửa. Với lại, tướng lửa nhẹ, bạch lạp nặng, sắc lửa trắng, mà sắc bạch lạp lại khác. Bạch lạp không có tướng giống lửa để có thể biết vật của lửa. Lại bạch lạp trái với lửa. Vì sao? Vì nóng thì sẽ chảy tan. Nếu là vật của lửa, thì khi được lửa, phải tăng thêm, nhưng thật ra chẳng tăng thêm! Thế nên biết, chẳng phải là vật của lửa. Các ông chẳng suy nghĩ thấu đáo, nên mới cho hương chỉ là vật của đất, mà thật ra, hương đều có trong bốn chúng (Đại).

 

Phẩm 58: TƯỚNG CỦA VỊ

Vị có các tên gọi là: Ngọt, chua, mặn, cay, đắng và lạt. Các vị này đều tùy theo vật mà có sự sai khác, chẳng phải do bốn đại sai lệch nhiều mà có. Ví như nói đất nước nhiều nên ngọt. Điều này không đúng. Vì vị ngọt có vô lượng khác biệt, phải biết vật sinh ra là đã sẵn có sự sai khác.

Hỏi: Có thầy thuốc bảo: Chỉ có sáu vị. Việc này thế nào?

Đáp: Không giới hạn ở sáu vị. Vì sao? Vì hoặc hai vị hợp lại, hoặc ba, hoặc bốn, như vậy nhiều vô số. Chẳng phải do ngọt-chua hợp lại, mà gọi là vị ngọt chua, vị ngọt chua hòa hợp thì lại sinh ra vị khác, cứ như vậy đến vô lượng vị.

Lại tùy theo thế tục, mà các vị có sự sai khác, như người cho là ngọt, thì gọi là ngọt. Khi các vị thành thục, thì đều tự nương nhau, như khi vị ngọt thành thục hoặc ngọt, hoặc biến đổi khác. Các vị khác cũng vậy. Thế nên biết, các pháp có năng lực như vậy, chứ chẳng phải chỉ sáu vị mà thôi!

 

Phẩm 59: TƯỚNG CỦA XÚC

Xúc có tên gọi là cứng, mềm, nặng, nhẹ, mạnh yếu, nóng, lạnh, trơn, rít, khô, ướt, khinh an, mệt nhọc, chẳng mệt mỏi, bệnh hoạn, lành mạnh, lanh lợi, đần độn, biếng nhác, mê muội, đâu đầu nhức xương, rên rỉ, đói khát, no nê, thèm thuồng, chẳng thèm, mờ mịt…

Hỏi: Có người nói xúc có ba thứ: Lạnh, nóng và không lạnh không nóng. Việc này thế nào?

Đáp: Đối với cứng, thì sinh biết. Nếu lìa cứng, thì không biết lạnh nóng.

Hỏi: Phái Ưu-lâu-khư cho rằng: Tiếp xúc với đất thì không lạnh không nóng. Tiếp xúc với gió cũng vậy. Xúc với nước thì lạnh. Xúc với lửa thì nóng. Việc này thế nào?

Đáp: Như trước đã nói, không có tính quyết định, nghĩa là bơ nhất định lạnh, bạch lạp không nóng. Với lại trước đã nói, có ba xúc. Nếu gió là khách, thì gió không có xúc riêng biệt. Thế nên không có tướng nhất định. Lại như trong nước ấm, thì tướng lạnh chẳng thể có. Thế nên nước chẳng phải nhất định tướng lạnh.

Hỏi: Trong nước ấm có tướng lạnh quá ít, mà tính nóng trội hơn, nên không biết được. Làm sao biết được? Nếu năng lực của lửa (tính nóng) hết, thì nước trở lại lạnh?

Đáp: Bạch lạp, bơ và vật cứng, khi hợp với lửa, thì chảy. Nếu tướng cứng không mất, mà có tướng chảy, thì tướng cứng tức là tướng chảy. Nếu mất tướng cứng, mà có tướng chảy thế thì xúc lạnh đã diệt mất, rồi lại sinh xúc lạnh. Như xúc với đất thì không lạnh không nóng, khi hợp với lửa mà xúc nếu chẳng bị mất, thì chẳng được gọi là thành thục rồi biến đổi. Nếu mất xúc này lại sinh xúc khác thì như vậy mới là xúc lạnh mất, rồi lại sinh xúc lạnh. Nếu vậy thì các thực thể (Cầu Na) trong nước, cũng nên thành thục rồi biến đổi. Ông nói ngược lại là bị che thì có lỗi. Vả lại pháp sinh tướng trái nhau, nên các tướng vô thường. Như lửa hợp nên tướng cỏ diệt mất tiêu. Nếu xúc nóng che lấp xúc lạnh, thì người ta cũng có thể nói, tướng sữa không diệt đi, chỉ do tướng bơ che khuất, thế nên không thể được. Hoặc ông cho là, không thấy sữa nhưng cuối cùng trở lại thành sữa, thì tất nhiên không có sự thành thục rồi biến đổi. Vì sao? Vì sinh tử từ vô thỉ đến nay, vật gì mà chẳng bị lửa thiêu cháy? Cũng thấy trong đất có thể có được bùn, phải biết là cũng do thành thục rồi biến đổi mà có sự trở lại. Do vậy biết, sự thành thục rồi biến đổi, là chẳng phải thường, không có sự trở lại. Như vậy, thì lạnh mất trở lại sinh xúc lạnh. Hoặc có hợp cùng với lửa, thì sắc đen diệt mất, trở lại sinh sắc đen, sắc đỏ tiêu đi, trở lại sinh sắc đỏ. Như vậy, xúc lạnh diệt rồi, lìa lửa trở lại sinh thì điều đó có lỗi gì? Như phái Vệ-thế-sư nói: Chỉ có đất mới có tướng thành thục rồi biến đổi, còn trong nước không có. Nhưng có thầy thuốc lại cho rằng, nếu uống thuốc nóng, thì có kết quả khác. Nếu trong nước nóng, sắc không mất, thì đâu có quả khác. Thế nên phải biết là nước… cũng có tướng thành thục rồi biến đổi. Như lửa đốt cháy vật, làm mất đi tướng gốc, nên mới có tướng khác. Vậy nên biết, vật có tướng khác. Nước cũng như vậy. Các tướng trái nhau, nên vô thường, như nước có thể diệt lửa, lửa cũng có thể tiêu hủy nước. Năng lực của lửa, không vật gì không tiêu diệt được, huống nữa là hợp với nước, mà xúc lạnh không diệt? Vậy nên Kinh Vệ-thế-sư nói: Nước quyết định lạnh. Việc này không đúng.

 

Phẩm 60: LẬP KHÔNG CÓ TÂM SỐ TRONG THỨC LUẬN CỦA NHÓM KHỔ ĐẾ

Tâm ý thức cùng một thể mà tên gọi khác. Nếu pháp năng duyên gọi đó là tâm.

Hỏi: Nếu vậy thì các tâm số pháp như thọ, tưởng, hành v.v… cũng gọi là tâm? Cùng năng duyên?

Đáp: Thọ, tưởng, hành v.v…. đều là tên gọi khác biệt của tâm. Như trong phẩm Đạo có nói: Một niệm có năm tên: Niệm xứ, niệm căn, niệm lực, niệm giác chánh và niệm tinh tấn. Tâm cũng như vậy. Với lại trong một tuệ vô lậu mà có khổ tập trí v.v… với rất nhiều tên sai khác. Trong một pháp định cũng gọi là thiền, giải thoát, trừ nhập. Như vậy, chỉ một tâm, tùy theo thời, mà có tên sai khác. Thế nên phải biết, chỉ là một tâm. Vì sao? Vì như trong kinh dạy: Người này, tâm dục lậu được giải thoát, tâm hữu lậu, tâm vô minh lậu được giải thoát. Nếu riêng có tâm số, thì đúng ra phải nói: Tâm số được giải thoát. Trong kinh có dạy: “Phật, nếu biết chúng sinh có tâm hoan hỷ, tâm hòa dịu, tâm mềm mại, tâm kham nhận được giải thoát, thì sau đó mới giảng nói pháp bốn đệ nhất nghĩa đế”. Ở đây, chẳng nói gì về tâm số. Lại như trong kinh dạy: Tâm cấu uế, nên chúng sinh cấu uế. Tâm thanh tịnh, nên chúng sinh thanh tịnh. Lại nói: “Nếu vị Tỳ-kheo nào, nhập vào bốn thiền, thì đạt được tâm thanh tịnh, không loạn động, sau đó, biết như thật về khổ Thánh đế, tập, diệt, đạo đế”. Lại nữa, trong mười hai nhân duyên, nói hành duyên thức. Lại nói, sáu thứ làm người. Lại nói nhẹ nhàng, dễ chuyển, không gì bằng tâm. Trong kinh cũng dạy: “Sứ giả đến người chủ trong thành, trình thưa sự thật, xong rồi trở về”. Người chủ đó là tâm. Hoặc nói: Bên trong có thức thân, ở ngoài có danh sắc, gọi là hai. Chỉ nói có thân thức, chứ chẳng nói có tâm số. Hay nói ba việc hòa hợp gọi là xúc. Nếu có tâm số thì chẳng gọi là ba. Nhưng thật nói là ba, nên biết, chỉ có tâm, chứ chẳng riêng có tâm số.

 

Phẩm 61: LẬP CÓ TÂM SỐ

Hỏi: Tâm khác, tâm số pháp khác. Sao vậy? Vì tâm, tâm số pháp cùng tương ưng nhau. Nếu không có tâm số, thì không tương ưng, mà thật là có tương ưng. Thế nên biết là có tâm số pháp. Ý ông cho rằng, tâm với tâm khác tương ưng, thì việc này không đúng. Vì sao? Vì trong kinh dạy: “Tâm một mình đi xa, ẩn kín, vô hình”. Ở đây chỉ ngăn chặn đồng tánh. Tuy cùng hành với tâm số, nhưng vẫn gọi là đi một mình. Ví như nói, các Tỳ-kheo ở riêng, tuy cũng có loài trùng thú, nhưng không đồng loại, nên vẫn gọi là ở một mình. Thế nên biết, tâm không cùng với tâm khác tương ưng, mà thật ra là có tương ưng. Thế nên phải biết là có tâm số. Vả lại, tâm được thâu nhiếp trong bảy cõi, một nhập, một ấm. Tâm số pháp thì thâu nhiếp trong một cõi, một nhập và ba ấm. Tâm lại làm chỗ nương theo cho tâm số pháp. Như trong kinh dạy: Tâm số pháp này, đều nương vào tâm mà vận hành. Nếu không có tâm số, thì không có năm ấm, điều ấy thì không thể được! Lại nữa, hai tâm này, sinh khác nhau, từ hai sinh tâm, từ ba sinh tâm số. Như trong kinh dạy: Do mắt duyên với sắc mới sinh nhãn thức. Ba việc hòa hợp gọi là xúc. Do duyên xúc mới sinh thọ. Lại nói, gọi là danh sắc nhóm họp, nên thức nhóm họp, xúc tập họp nên thọ nhóm họp. Tâm số pháp lại tương ưng với đối tượng nương, giống như chung một cảnh duyên, ở trong một đời; tâm chẳng như vậy, vì sai khác. Cho nên, biết tâm khác, tâm số pháp khác. Như trong bốn nương có nói: “Nương trí không nương thức”. Trí nếu là thức, thì sao gọi là nương? Thế nên phải biết trí chẳng phải là thức. Phật tự nói, tâm số pháp cho là từ tâm sinh, nương ở tâm, nên gọi là tâm số. Đức Phật chẳng nói nghĩa này: Chỉ một mình có tâm, mà không có tâm số. Người khác cũng có thể nói, chỉ có tâm số, mà không có tâm. Ông, nếu vì tên gọi, để phá trừ tâm số; thì tôi cũng dùng tên gọi, để phá trừ tâm. Lại chúng vốn tạo tác khác nhau nên các pháp khác nhau. Như nước hay thấm ướt, lửa hay đốt cháy. Như vậy, những tạo tác của thọ v.v… khác nhau cho nên biết là có tướng khác nhau. Trong các kinh dạy: Trong tâm sinh giác, nên biết tâm số khác tâm. Vì chẳng lẽ trong tâm tự sinh tâm. Như nói: Tâm cấu uế, nên chúng sinh cấu uế, tâm thanh tịnh thì chúng sinh thanh tịnh. Nếu chỉ là tâm, thì chẳng có nhân cấu hay tịnh. Người này chẳng phải do vô minh nên cấu uế, do tuệ sáng nên thanh tịnh! Đúng ra là tự cấu tự tịnh, điều này thì chẳng được. Vậy nên, có tâm số pháp.

 

Phẩm 62: CHẲNG PHẢI KHÔNG CÓ TÂM SỐ PHÁP

Tuy ông nói: Pháp năng duyên gọi là tâm, tâm sai khác gọi là sở. Như trong phẩm Đạo nói thì việc này không đúng. Vì sao? Trong kinh dạy: “Tướng tâm khác, tướng tâm số khác”. Có thể thức là tướng của Thức. Giác khổ lạc là tướng của Thọ. Phân biệt biết là tướng của Tưởng, phát khởi sự tạo tác, là tướng của Hành. Nên biết: tâm khác, tâm số cũng khác. Ông nói, tâm được giải thoát, việc này cũng chẳng đúng. Trong các kinh khác có dạy: Xa lìa vô minh nên được tuệ giải thoát, không chỉ nói tâm được giải thoát. Do tâm trội hơn, nên chỉ nói tâm. Với lại, người đời phần nhiều đều biết tâm, mà tâm số pháp thì chẳng biết, nên Phật nói thiên lệch như vậy. Vả lại, trong kinh Phật có lời nói không trọn vẹn, chính là lời này vậy. Trong kinh dạy: “Các thầy Tỳ-kheo! Hãy gắng đoạn một pháp. Ta bảo đảm các thầy sẽ đạt quả vị A-na-hàm”. Đó là đoạn tham dục, mà thật ra chẳng phải chỉ đoạn riêng tham dục, điều này cũng vậy. Tâm hoan hỷ v.v… đều từ đây mà trả lời. Ông nói hai pháp trong ngoài, điều này chẳng đúng. Nói ngoài có danh sắc, tức là nói về tâm số, thuộc về ngoại nhập (trần) nên gọi là ngoài. Ở đây, Phật nói ba việc: Bên trong có thân thức, tức là nói thức và căn, ngoài có danh sắc, tức là nói về trần. Ông nói có thân thức, thì việc này không đúng. Trong kinh này nói: “Tất cả tướng bên ngoài, tức là tâm số”. Ông nói ba việc hòa hợp gọi là xúc, thì việc này không hợp lý. Xúc với thọ làm nhân cho tâm số. Vậy cho nên phải nói riêng.

 

Phẩm 63: CHẲNG PHẢI CÓ TÂM SỐ PHÁP

Đáp: Ông nói: Vì tương ưng, nên có tâm số pháp. Việc này không đúng. Vì sao? Vì các pháp vận hành riêng (phần sau sẽ nói rõ), nên không tương ưng. Tâm này vận hành riêng cũng lấy đây, để trả lời, là chẳng phải ngăn chặn đồng tính, mà chính là ngăn cản tâm số pháp. Ông nói do thâu nhiếp sự khác biệt nên có tâm số, đó là người biên tập kinh, tự lập ra tên gọi; trong kinh, Phật không nói thu nhiếp nhau, thế nên chẳng phải. Ông nói, nương vào xứ ấy, như ý thức ông nương vào tâm, chẳng phải do nương mà gọi là tâm số. Như vậy tâm nương nơi tâm, chẳng được gọi tên khác. Ông nói không có năm ấm, việc ấy chẳng đúng. Tôi cho rằng vì tâm sai khác, nên có tâm gọi là thọ, có tâm gọi là tưởng… ông dùng tâm số, riêng làm ba ấm. Tôi cũng cho tâm riêng làm ba ấm. Ông nói sinh khác, điều này không đúng. Nếu tâm và tâm số pháp cùng sinh, sao nói là hai sinh tâm, là ba sinh tâm số. Nếu chỉ nói tâm, thì còn có lý. Vì sao? Vì người này, khi trước đã nói thức sau lại nói tưởng. Ông nói tương ưng duyên thế gian, nên biết có khác, việc này, trước đã phá rồi, nó không tương ưng vậy. Ông nói, nương trí chẳng nương thức. Tôi nói tâm có hai loại, một gọi là trí, hai gọi là thức, thế nên nương vào tâm trí chứ chẳng nương vào thức. Ông nói Phật dạy nương tâm sinh pháp, gọi là tâm số nghĩa là pháp được tâm sinh, gọi là tâm số. Tâm nương tâm sinh, cho nên gọi là tâm số. Ông nói: Phật cũng không nói, không có tâm số thì Tôi cũng không nói, chẳng có tâm số pháp, mà chỉ nói tâm sai khác, nên gọi là tâm số. Nếu có đạo lý, thì không thể nói, gọi là nói, như không có đạo lý thì có nói cũng chẳng phải nói. Thế nên, không thể dùng lời nói làm nhân. Vả lại chúng tôi sẽ nói nghĩa về tên gọi của tâm, tâm số pháp. Vì tập khởi, nên gọi là tâm. Các thọ v.v… cũng năng tập khởi cho đời sau, tương đồng đối với tâm, thế nên gọi là tâm. Với lại, tâm và tâm số, đều từ tâm sinh, nên gọi là tâm số. Nếu có người, chỉ nói có tâm số pháp, thì người này, lẽ ra nên nói tên gọi và nghĩa lý của số pháp, mà thật ra chẳng thể nói được, vậy cho nên, chẳng phải nhân. Ông nói tạo tác khác và tâm sinh giác đều lấy đây mà trả lời. Vì sao? Vì tôi cho tâm sai biệt, nên nghiệp đã tạo tác khác biệt, cũng trong tâm sinh tâm, mà gọi là tâm sinh giác. Ông nói cấu, tịnh không nhân, việc này chẳng hợp lý. Tuy không có số pháp, nhưng vẫn có cấu tịnh. Với lại, không có tướng khác, nên không có tâm số pháp. Vì sao? Vì ông cho tâm tương ưng, nên gọi là tâm số, mà pháp tương ưng thì không có (phần sau sẽ nói rõ). Thế nên, không từ tâm riêng mà có tâm số pháp.

Phẩm 64: RÕ RÀNG KHÔNG CÓ TÂM SỐ PHÁP

Ông nói: Khác nhau nên có tâm số. Điều này không đúng. Vì sao? Vì hoặc nhận thức, hoặc giác (hay biết), là các tướng như nhau, không sai khác. Hoặc tâm, nhận thức, sắc, gọi là giác, cũng gọi là tưởng. Như thế gian thường nói, ngươi nhận biết người này, tức gọi là biết. Từ thọ khổ vui, cũng tức là biết. Thế nên, phải biết thức tức là thọ, tưởng. Nếu các pháp này, có tướng khác nhau nhất định thì nay phải nên nói, nhưng thật ra không thể nói được. Thế nên biết, không có tướng khác. Như ông nói, tuệ được giải thoát, việc này không đúng, vì không có nhân duyên. Tùy tâm mà có nhiễm, cũng có vô minh. Tâm này chứa nhóm nhiễm và vô minh vào trong đều cùng tương ưng với nhau. Nếu nói vô minh làm bẩn tuệ, nhiễm làm bẩn tâm thì không có nhân duyên. Như vậy vì lìa vô minh, nên tuệ được giải thoát, xa lìa cấu nhiễm nên tâm được giải thoát, cũng không có nhân duyên. Lại kinh đó là kinh Bất liễu nghĩa. Như trong kinh dạy: Lìa ba lậu nên tâm được giải thoát. Thế nên phải biết, cũng từ vô minh mà tâm được giải thoát. Nếu nói từ nhiễm mà tâm được giải thoát, thì lời nói ấy nhằm ngăn chặn đoạn trừ. Nếu nói từ vô minh, mà tuệ được giải thoát, là đoạn trừ hoàn toàn. Nếu từ nhiễm mà tâm được giải thoát, từ vô minh mà tuệ được giải thoát, thì từ giận dữ… vật nào được giải thoát? Việc này cần được trả lời. Nên biết xa lìa tâm thì không được giải thoát, cho nên chỉ có tâm. Ông nói, do tâm trội hơn, nên chỉ nói về tâm thì tâm ấy có nghĩa trội gì mà tuệ và các pháp không có? Ông nói: Người đời phần nhiều biết tâm nên chỉ nói về tâm. Người đời cũng biết nhiều về khổ, vui phải nên nói là thọ. Ông nói có các kinh trên sao không nói về tâm số mà chỉ nói về tâm. Ông nói chỉ đoạn một pháp, thì lời này có lý do Đức Phật tùy thuận phiền não chúng sinh thiên về một loại nhiều khổ não thường bị che nơi tâm, thì nói đoạn trừ một pháp này, ngoài ra các pháp cũng tự đoạn trừ. Vậy nên ông nói chẳng có nhân. Ông nói: Vì nói danh tướng, nên nói tâm số. Ông tự nhớ tưởng phân biệt, chứ trong kinh ấy, chẳng nói nghĩa này. Nếu ông tự sinh nhớ tưởng phân biệt, tại sao không nói: Bởi danh tướng nên nói tâm duyên, thì còn hợp lý. Ông nói xúc và thọ làm nhân cho tâm số. Lời nói này quá lầm lỗi vì đều là pháp tương ưng, mà nói xúc làm nhân cho thọ, chứ chẳng phải thọ làm nhân cho xúc, nên có các lỗi như vậy. Thế nên biết, chỉ có tâm mà không riêng có tâm số.

 

Phẩm 65: KHÔNG TƯƠNG ƯNG

Không có pháp tương ưng. Vì sao? Vì không có tâm số pháp, nên tâm tương ứng với gì? Với lại các tướng thọ v.v… chẳng được cùng thời, nhân quả chẳng cùng lúc. Thức là nhân của các pháp như tưởng v.v… Pháp này không phải cùng lúc đều có, nên không tương ưng. Phật dạy: Trong pháp nhân duyên sâu xa, việc này sinh thì việc kia được sinh. Lại như hạt giống, mầm, cây, nhánh lá, hoa quả đang thấy, chúng đều tuần tự làm nhân quả cho nhau. Thế nên, thức cũng cần theo thứ lớp mà sinh. Nếu theo ý ông cho là các phiền não như tham v.v… và sắc cùng chung nhân, nên phải đồng thời sinh thì việc này không đúng. Vì sắc không tự hiểu biết, không là chủ thể duyên. Tâm, tâm số pháp thì có duyên, có hiểu rõ, nên trong một thời gian không tương ưng đều có cả hai. Lại vì không có nhiều sự hiểu biết vậy. Với lại, do một thân, gọi là một chúng sinh, một sự hiểu biết. Nếu trong một niệm nhiều tâm số pháp, thì có nhiều sự hiểu biết, thế nên phải có nhiều người. Do đó điều này không thể được. Vì vậy, trong một niệm, không có các pháp thọ v.v… Lại vì sao sáu thức không sinh cùng một lúc?

Hỏi: Các thức đều được duyên thứ lớp mà sinh, nên không cùng lúc?

Đáp: Do cái gì ngăn ngại mà một duyên thứ lớp, không được thứ lớp sinh sáu thức? Phải biết, nhân trước quả sau, theo thứ tự mà sinh. Như trong kinh dạy: “Mắt thấy sắc chứ chẳng nắm giữ tướng”. Nắm giữ tướng tức là nghiệp của tưởng. Nếu Đức Phật đã đồng ý lấy nghiệp thức mà ngăn nghiệp tưởng; thì phải biết, hoặc có thức mà không tưởng. Nếu có người nắm giữ tướng, là đã thấy rồi mới nắm giữ, thì chẳng phải là nắm giữ khi thấy. Thế nên biết, Thức theo thứ lớp sinh. Trong kinh có dạy: “Mắt thấy sắc rồi theo sự vui mà suy nghĩ”. Ở đây, cũng trước nói về nghiệp thức, sau mới nói các thọ. Trong kinh dạy: “Thấy là thấy tất cả, thế nên biết rằng, chẳng phải tất cả tâm, đều có các thọ, lại do tướng năm thức, thì việc này rõ. Vì sao? Vì nếu con người với nhãn thức hiện hành không thể nắm giữ tướng của kẻ oán, người thân và các tướng bình thường, thì gọi là không tưởng, nên cũng không vui buồn, chẳng phân biệt. Hoặc có người nói: Ở đây cũng không có các phiền não như tham. Thế nên biết không có suy nghĩ luôn tìm cầu thân đời sau, mà gọi là suy nghĩ. Việc này phần sau sẽ rõ. Thế nên biết, năm thức cũng không có suy nghĩ. Lại, năm thức của các ông không thể phân biệt, trong ấy, làm sao có giác quán, tư duy phân biệt? Trước thô sau tế mới gọi là giác quán. Với lại, nếu trong năm thức có giác quán, thì như nói: “Muốn tôi biết ông” vốn đều là do sự suy nghĩ, hay biết (giác) mà sinh ra. Vậy khi biết (giác) không có ham muốn, thì khi nhận thức làm sao có biết (giác)? Hoặc có người bảo: Trong căn thức có tưởng mà không có giác. Giác này nhân nơi tưởng mà sinh thì làm sao lúc tưởng có giác? Thế nên biết thọ nhận năm thức là không tưởng, không giác, không quán. Vì sao? Vì trong năm thức, không phân biệt nam nữ, cũng không phân biệt các thọ, thì ở đây lấy gì để phân biệt? Như các ông nói: Năm thức theo thứ tự ắt sinh ý thức, vì năm thức không phân biệt”. Nếu năm thức có phân biệt, thì cần gì theo thứ tự để sinh ý thức? Với lại giác quán chẳng phải sinh trong một tâm, vì thô-tế trái nhau. Ví như khi rung cái chuông nhỏ, tiếng đầu là giác, còn các tiếng kế sau là quán. Dụ kia cũng vậy. Nếu trong năm thức có giác quán, thì lẽ ra nên nói nghiệp đó, mà thật ra là không thể nói được. Thế nên phải biết, tâm, tâm số pháp, thứ lớp sinh ra. Với lại si mê và trí tuệ trái nhau, chẳng nên cả hai cùng có. Làm sao trong một niệm mà có cũng biết, cũng chẳng biết? Vả lại trong một tâm, không thể vừa chấp nhận vừa do dự. Vì sao? Vì hoặc là cây trơ trụi, hoặc là người; không được cả hai hiện hành trong một tâm; vì nghiệp của tâm, không có năng lực này. Lại có người nói, trong tâm số pháp, nhớ về duyên hành đời quá khứ, thì tâm hiện tại làm sao có được? Nếu đã nghĩ đến, người này là thiện tri thức của ta từng làm lợi ích cho ta, nghĩ vậy rồi sinh tâm vui vẻ. Việc đó thế nào ở trong một tâm niệm? Vả lại muốn và chẳng muốn, sao lại ở trong cùng một tâm niệm? Trong kinh dạy: “Nếu các Tỳ-kheo vui thích pháp của Ta, thì pháp tăng trưởng, nếu không vui thích, thì pháp sẽ tổn giảm”. Làm sao có được trong một tâm? Nếu trong một tâm có tâm số pháp, thì pháp sẽ tán loạn. Vì sao? Vì ở trong một tâm mà biết chẳng biết, nghi chẳng nghi, tin chẳng tin, siêng năng, biếng nhác có các lỗi đầy dẫy như vậy. Tất cả tâm số đều nên ở hết trong một tâm, còn khổ vui, tham, giận… do cái gì ngăn ngại mà chẳng ở trong một tâm? Nếu ông cho, khổ vui… trái nhau, nên không ở trong một tâm, thì biết và chẳng biết… cũng trái nhau, chẳng nên ở trong một tâm. Vậy thì không tương ưng. Trong kinh Thất Bồ Đề Phần, Đức Phật nói về thứ tự tâm số pháp: “Này các Tỳkheo! Tu tập bốn niệm xứ, khi ấy mới tu tập niệm Bồ-đề phần, tâm ở trong niệm mà chọn lựa các pháp, do lựa chọn các pháp, nên phát khởi siêng năng, nhờ năng lực siêng năng, nên có thể thu thập các pháp thiện, tâm sinh vui mừng thanh tịnh, do tâm phát khởi vui mừng, nên được khinh an, vì vậy tâm được nhiếp phục, nhờ tâm thu nhiếp nên được định, vì được định nên có thể xả bỏ tham lam, buồn lo; khi từ bỏ những thứ đó rồi, do đó biết tâm số pháp theo thứ lớp mà sinh. Trong Kinh Bát Đạo Phần, cũng dạy thứ lớp: Nếu được chánh kiến, thì từ chánh kiến sinh chánh tư duy, cho đến sinh chánh định. Trong kinh Thứ đệ, Đức Phật bảo Tôn giả A-nan: “Người trì giới không nên nguyện cầu ham muốn cho tâm không buồn lo hối hận. Vì tâm pháp của người trì giới, là không buồn lo không hối hận. Người không buồn lo hối hận, thì không nguyện cầu ham muốn, nên tâm được vui tươi. Tâm không lo buồn hối hận, nên pháp vui tươi, do vui tươi, nên tâm hoan hỷ, tâm hoan hỷ nên thân khinh an, do thân khinh an nên thọ nhận an lạc, thọ nhận được an lạc thì tâm được thâu nhiếp, do tâm được thâu nhiếp nên đạt được thật trí, khi đạt được thật trí thì nhàm chán xa lìa, nếu đã nhàm chán xa lìa thì đạt đến giải thoát. Thế nên phải biết, tâm pháp theo thứ lớp mà sinh khởi. Trong kinh Bát Đại Nhân Giác cũng có nói về thứ lớp. Nếu Tỳkheo tu tập thiểu dục thì biết đủ, biết đủ thì xa lìa, xa lìa thì siêng năng, siêng năng thì suy nghĩ được đúng đắn, suy nghĩ đúng thì tâm được thâu nhiếp, nhiếp được tâm nên được trí tuệ, khi đã được tuệ thì diệt trừ được mọi hý luận. Trong bảy thứ tịnh cũng có dạy về thứ lớp: Giới tịnh làm cho tâm tịnh; tâm tịnh làm cho kiến tịnh; kiến tịnh làm cho vượt qua do dự tịnh; vượt qua do dự tịnh làm cho đạo phi đạo tri kiến tịnh; đạo phi đạo tri kiến tịnh, làm cho hành tri kiến tịnh; hành tri kiến tịnh, làm cho hành đoạn tri kiến tịnh. Trong kinh Nhân Duyên cũng nói về thứ lớp: Nhân nơi mắt duyên với sắc sinh ra phần si mê làm ô trược tâm nghĩ; ở đây, si tức vô minh. Người si điều mong cầu là ái. Việc làm của người ái gọi là nghiệp. Tất cả là như vậy. Trong Kinh Đại Nhân cũng nói về thứ lớp: Ái đứng đầu trong chín pháp. Do ái sinh mong cầu, do mong cầu mà được, nhờ được nên so sánh, do so sánh nên sinh nhiễm, do nhiễm nên tham đắm, do tham đắm nên chấp giữ, vì nắm giữ nên sinh tâm keo kiệt; tâm keo kiệt nên càng cố ôm giữ, do cố ôm giữ nên mới có tranh kiện roi gậy, đủ các khổ não. Trong pháp Tu-đà-hoàn, cũng nói về thứ lớp: Nếu thân cận người thiện, thì được nghe chánh pháp; do nghe được pháp chơn chánh, nên luôn sinh niệm chân chánh; nhờ nhân duyên của niệm chân chánh, nên có thể tu tập hành đạo. Trong kinh lại dạy: “Do mắt duyên sắc, nên sinh nhãn thức. Ba việc hòa hợp gọi là xúc”. Nếu nói tâm và tâm số pháp cùng lúc sinh, thì chẳng có ba việc hòa hợp! Nếu cho rằng mỗi mỗi sinh thì có ba việc hòa hợp. Vì các lý do trên nên không có tương ưng.

 

Phẩm 66: CÓ TƯƠNG ƯNG

Hỏi: Có pháp tương ưng? Vì có người thấy cảm thọ là thần, thức, tâm nương vào thnầ cho là có tương ưng. Tưởng ấm cũng như vậy. Nếu không tương ưng, thì do đâu mà có? Trong Nhân Kinh có nói: “Do mắt duyên sắc nên sinh nhãn thức, ba việc hòa hợp sinh xúc, cộng sinh thọ, tưởng, hành”. Ở trong pháp này có nhiều tên gọi, như là chúng sinh, trời, người, nam, nữ, lớn, nhỏ, những tên gọi như vậy đều do các ấm. Nếu nói tâm, tâm số pháp thứ lớp sinh, thì do hai ấm mà có con người chẳng nên do năm ấm. Vì sao? Vì chẳng thể do nhân của ấm quá khứvị lai, mà được gọi là người. Ông nói, hiện tại không có năm ấm ấy, thì làm sao nói nhân năm ấm, gọi là người, trời… mà ở trong này, nói nhân nơi các ấm, chẳng phải hai; thế nên, nhân nơi năm ấm, mà có tên chúng sinh. Trong kinh dạy: Có lời nói tương ưng, nghĩa là có căn trí tương ưng tín. Trong kinh cũng dạy: Xúc tức cùng với thọ, tưởng, tư cùng sinh. Lại nói năm chi của thiền thứ nhất, cũng nói thọ là nơi thức trú. Nếu thức không tương ưng, thì sao thức trú trong pháp thọ được? Trú này gọi là trú nương tựa. Vì sao? Vì không thể nói thức là chỗ thức trú. Trong kinh dạy: Tâm cùng pháp, đều từ tâm sinh, rồi nương vào tâm. Lại nói: Tâm của chúng sinh, đã từ lâu bi tham lam giận dữ, làm cho nhơ bẩn; nếu không tương ưng, thì sao có thể nhiễu bẩn? Với lại, tâm, tâm số pháp tánh yếu ớt, nên phải nương vào nhau, làm duyên. Ví như bó tre, nương nhau mới dựng đứng được. Trong kinh dạy: Khi tâm loạn động, không nên tu ba thứ giác, là trạch pháp, tinh tấn và hỷ, vì càng làm tăng thêm động, mà nên tu ba hiểu biết ý, là ỷ( khinh an), định, xả, vì để ngăn chặn động. Nếu tâm biếng nhác, chìm mất, thì không nên tu ba thứ giác là khinh an, định và xả, vì càng làm tăng thêm sự đắm chìm, mà phải cần tu tập ba thứ giác ý là trạch pháp, tinh tấn và hỷ để có thể phát khởi lên và niệm có thể cùng lúc điều hòa. Luận sư lại nói: Nên cùng một lúc tu tập pháp trợ Bồ-đề, không được lìa xa nhau. Thế nên biết là có tương ưng.

 

Phẩm 67: CHẲNG PHẢI TƯƠNG ƯNG

Ngươi nói: Thấy thọ là thần. Việc này không đúng. Phàm phu vì si mê, ngu muội; nên sinh sai lầm, cho thấy như vậy, không thể phân biệt đó là thọ, là chỗ của thức nương dựa. Người này, nếu có khả năng phân biệt như vậy, thì cũng có thể nhập vào lý “Không”. Nhưng người này, thấy tâm nối tiếp nhau nên không phân biệt, chỉ chấp vào lời nói nên mới nói như vậy đó; là lời nói mê muội, không thể tin được. Như ông nói: Nhờ các ấm, nên gọi là người; nghĩa là do năm ấm nối tiếp nhau, nên gọi là người. Thế nên, gọi là các ấm. Như thế gian thường nói: Người vui, người khổ, người không vui không khổ, không thể có cùng một lúc ba sự thọ nhận này. Các ấm cũng vậy. Ông nói: Có căn trí tương ưng tín. Trong kinh cũng dạy, các việc khác tương ưng, như nói: Hai Tỳ-kheo, trong một việc làm, là tương ưng nhau. Lại nói: Oán tương ưng khổ, ái biệt ly khổ. Trong pháp của ông sắc không tương ưng, mà ở đây vì thế tục nên cũng gọi là tương ưng. Trí tín cũng đều như vậy. Tín là luôn tin lý vô thường; Tuệ theo đó hiểu rõ, cùng hoàn thành một việc. Thế nên gọi là tương ưng. Như ông nói: Từ xúc mà có các thọ cùng sinh. Điều này không hợp lý. Vì thế gian, có việc, tuy có chút trái nhau, nhưng cũng gọi là cùng. Như nói, cùng đi với đệ tử, cũng như vua Đảnh Sinh vừa sinh tâm niệm, liền đến cõi trời. Việc này cũng vậy. Phàm phu khi để cho thức tác động cảnh duyên, thì bốn pháp, chắc chắn theo thứ lớp, sinh khởi thức rồi mới đến tưởng sinh, tưởng đến thọ sinh, thọ đến tư sinh, tư và các buồn lo vui mừng, từ đây, phát sinh tham lam, giận dữ, ngu si. Thế nên nói liền sinh. Như ông nói, năm chi phần của thiền thứ nhất. Trong bậc thiền này, có năm chi, chẳng phải là một lúc. Như cõi Dục có ba thọ. Vì sao? Vì trước là nói pháp, sau mới nói về địa. Giác quán không được tương ưng, như trước đã trả lời. Ông nói: Thức xứ ấy, như trong kinh này dạy: Thức duyên xứ chứ chẳng nói y xứ. Vì sao biết được? Tức là trong kinh này nói: Thức duyên sắc ưa vui thấm nhuần, nên trụ ở đó. Tuy ông nói, thức duyên thức mà trụ, thì lẽ ra có năm thức xứ. Điều này không đúng. Vì sao? Vì khi thức biết được chút ít việc rồi, tâm mới sinh tưởng, từ đó phát khởi ái. Do nhân duyên khởi ái nên gọi là thức xứ. Thế nên không thể nói, thức là thức xứ. Lại nữa, trong bảy thức xứ cũng có nói, thức là thức xứ. Lại nên suy nghĩ kinh này, chớ chỉ theo lời nói. Như nói tin có khả năng vượt qua sông, là lời nói không trọn nghĩa, mà thật ra là nhờ tuệ, mới vượt qua được. Điều này cũng nên như vậy. Ông nói tâm số nương vào tâm. Việc này không đúng. Vì tâm trước đã biết sự việc, sau đó tưởng mới sinh. Thế nên, trong kinh dạy: Các thọ nương tâm, chẳng phải như bức họa nương tựa vào vách, mà gọi tâm số nương vào tâm. Như ông nói: Tâm số nương lẫn nhau như bó tre. Vậy là cùng các kinh trái nhau. Nếu cùng tương ưng thì làm sao tâm số, lại nương dựa vào tâm? Mà tâm cũng chẳng nương vào tâm số? Nếu ông cho rằng tâm sinh trước lớn, nên tâm số pháp mới nương nhờ, thế thì thành nghĩa của tôi. Vì tâm khi sinh, không có tâm số pháp. Ông nói, vì phiền não làm tâm ô nhiễm, cho nên biết tâm tương ưng. Ở đây chẳng có đạo lý. Nếu tâm trước sạch, mà bị tham đến làm cho nhiễm ô, tức là pháp sạch, có thể thành pháp dơ, tức là đã hại pháp tướng; cũng như ở trước đã nói; tâm tánh vốn tịnh mà bị khách trần bám vào, làm dơ bẩn, Ông nên trả lời điều này? Nếu Tâm tánh vốn sạch, thì các tham làm gì được! Như nói vì tâm cấu uế, nên chúng sinh cấu uế; tâm thanh tịnh, thì chúng sinh thanh tịnh. Vậy thì chúng sinh cũng nên tương ưng. Nếu chúng sinh không thể tương ưng thì các tham cũng chẳng tương ưng? Do tâm hiện hành liên tục, sinh khởi cấu uế, các tâm cấu uế nối nhau, nên mới nói tâm nhiễm ô, như nói, từ tâm nhiễm ô mà được giải thoát. Trong tâm tương tục này, nếu tâm thanh tịnh phát sinh, thì gọi là được giải thoát. Việc này cũng vậy. Như mây mù, tuy không cùng tương ưng với mặt trời, mặt trăng; nhưng cũng có thể làm cho mờ đi. Tham cũng vậy. Tuy không cùng tương ưng với tâm, nhưng cũng có thể làm tâm ô nhiễm. Như khói mây mù, che khuất mặt trời, mặt trăng, nên gọi là mờ. Tham cũng vậy, có thể chướng ngại tâm thanh tịnh, thế nên gọi là nhiễm ô.

Hỏi: Mây mù che mờ mặt trời, mặt trăng chỉ ở trong một thời gian, chứ phiền não đối với tâm không như vậy, nên dụ này chẳng đúng.

Đáp: Vì cùng là trở ngại, việc này đã thành, nên không có lỗi. Phiền não làm cho tâm liên tục ô nhiễm, nên gọi là thấm nhiễm. Ông nói: Tâm số từ tâm sinh, rồi nương vào tâm ấy. Điều này trước đã trả lời. Ông nói: Tâm và tâm số pháp, tánh yếu mềm. Vì mỗi niệm diệt đi, nên gọi là mềm yếu, chẳng giúp đỡ nhau để năng hành nơi cảnh duyên. Nếu giúp nhau thì đáng ra được trú trong chốc lát mà thật ra chẳng thấy có. Nếu có năng lực giúp nhau, thì cần gì phải tương ưng? Ông nói: Giác ý tương hợp; đây là nói, tùy lúc cần tu ba hiểu biết, chẳng phải trong một niệm. Như Tôn giả Xá-lợi-phất nói: Tôi đối với bảy giác chi, tự tại chủ động đi vào. Nếu tâm loạn động, thì bấy giờ nên tu tập ba hiểu biết chi, như khinh an. Vả lại, Đức Phật cũng dạy pháp Giác phần theo thứ lớp. Ông nói cùng một lúc tu tập bảy phần Bồ-đề, thì việc này không đúng.

Nếu cùng một lúc mà tu tập cả ba mươi bảy phẩm, thì cùng một lúc cũng nên cùng tu hai món tín và năm niệm. Nếu ông cho rằng: Tùy vào chỗ chứng đắc mà tu thì tức là xa lìa tu. Tùy thuộc vào người khác có để đắc thiền thứ hai v.v… nên gọi là không xa lìa. Cùng một lúc tu tập ba mươi bảy phẩm, thì chẳng hợp đạo lý. Vì sao? Vì trong một niệm, không thể tu được nhiều pháp.

 

Phẩm 68: NHIỀU TÂM

Hỏi: Đã biết, không có riêng tâm số, cũng không có tương ưng. Nay tâm là một hay nhiều? Có người cho rằng, tâm là một nhưng tùy sinh nên nhiều.

Đáp: Có nhiều tâm. Vì sao? Vì Thức gọi là tâm, mà thức về sắc, về hương đều khác, thế nên có nhiều tâm. Lại, nhãn thức sinh khác, nghĩa là đợi các duyên ánh sáng hư không. Nhĩ thức cũng vậy. Ba thức trần đến mới sinh khởi. Ý thức từ nhiều duyên mà sinh. Nên biết chẳng phải một. Nếu thức biết trần, tướng thường như vậy, thì làm sao biết các trần khác? Nếu nhiều tâm sinh, thì mới có thể biết được, như đúng sai biết khác, Hoặc biết được sự sai khác giữa quyết định hay do dự, giữa thiện hoặc bất thiện hay vô ký. Trong thiện, cũng có sự khác nhau của thiền định, giải thoát, bốn Vô lượng, thần thông v.v… Trong bất thiện, cũng có sự khác biệt của tham dục, sân giận, si mê. Vô ký cũng có sự khác nhau của quá khứ vị lai. Có thức năng khởi nghiệp nơi thân, miệng, có cái khởi oai nghi, hoặc hòa hợp hoặc xa lìa, bởi thứ lớp duyên tăng thượng, mỗi mỗi đều có sai khác, nên các tâm cũng khác. Với lại, tịnh, bất tịnh v.v…, các thọ nhận có sai khác, nên tâm cũng có khác. Sở tác sai biệt nên tâm có sai khác. Lại tịnh, bất tịnh v.v…, mỗi tâm tánh đều khác. Nếu tâm tánh tịnh, thì chẳng thể làm cho cấu uế, như ánh sáng mặt trời vốn là sạch, chẳng thể bị ô nhiễm được. Nếu tánh không thanh tịnh, thì chẳng làm cho tịnh được. Như tánh của lông là đen, thì không thể làm cho trắng được. Trong bố thí, thật có tâm thanh tịnh. Trong pháp sát sinh, thật có tâm chẳng thanh tịnh, thế nên chẳng phải một. Lại tùy thuộc vào vui hay khổ mà có cảm thọ khác nhau, thế nên tâm cũng chẳng phải một. Như nói các Tỳ-kheo dùng thức để biết sự việc gì đó. Nghĩa là biết khổ, vui, không khổ không vui, nếu như tâm chỉ là một, thì một thức phải có khả năng giữ lấy tất cả cảnh trần! Nói nhiều tâm là tùy theo căn mà sinh thức, thế nên không thể nắm giữ tất cả trần. Nếu tâm là một, thì cái gì ngăn ngại, mà chẳng giữ lấy hết thảy các trần? Thế nên biết, có nhiều tâm. Với lại, pháp được chấp giữ khác, nhau thì chủ thể chấp lấy cũng khác. Như người, hoặc tự biết tâm mình, chớ làm sao tự biết tự thể được? Như mắt, không thể tự thấy mắt, dao chẳng tự cắt dao, ngón tay chẳng tự xúc. Thế nên, tâm chẳng phải một. Trong kinh Viên Dụ có dạy: Ví như loài khỉ vượn, bỏ một nhánh cây, lại vịn ngay vào nhánh cây khác. Tâm cũng như vậy, sinh khác, diệt khác. Nếu tâm là một, mà nói sáu thức, thì lời nói này, bị phá hủy. Như trong kinh dạy: Thân hoặc sống trong mươi năm, mà tâm mỗi niệm đều sinh diệt. Lại nói là nên quán trụ tâm vô thường. Tâm nối tiếp nhau này nên trụ, niệm niệm không dừng. Như một nghiệp chẳng thể nắm giữ hai lần! Thức cũng như vậy không chú trọng ở duyên cảnh. Như lửa cỏ chẳng dời được đến củi. Như vậy nhãn thức chẳng đến trong tai. Thế nên biết, có nhiều tâm.

 

Phẩm 69: MỘT TÂM

Hỏi: Tâm là một. Vì sao? Vì như trong kinh dạy, tâm này đã từ lâu bị tham v.v… làm cho ô nhiễm. Nếu tâm khác, thì chẳng gọi là thường bị nhiễm ô. Trong Kinh Anh Lạc có dạy: Nếu tâm thường tu tập tín, giới, thí, văn và tuệ thì khi chết, được sinh lên trên. Trong kinh Thiền có dạy: Đạt được thiền thứ nhất, thì tâm điều hòa, mềm mại, nên từ thiền thứ nhất đạt đến thiền thứ hai. Vả lại trong phẩm Tâm, có nói: Tâm thường động chuyển, như cá mất nước. Vậy nên các ông, phải phá trừ quân ma. Cho nên biết tâm là một. Động là ở đây đến chỗ kia. Lại trong Tạp Tạng, Tỳ-kheo cũng có dạy: “Trong hang có năm cửa, khỉ vượn nhảy nhót, lại có vượn khỉ đứng yên, chớ cho rằng như xưa. Thế nên biết một tâm. Trong hang thân năm cửa căn đều động, nay tức là xưa nên mới nói: “Đừng cho là như xưa”. Lại nói, tâm này rong ruỗi khắp nơi, như ánh sáng mặt trời chiếu soi. Người trí có thể điều chế tâm, như câu móc chế phục voi. Thế nên biết một tâm dong ruổi trong các duyên. Vì vô ngã, nên tâm khởi nghiệp. Vì tâm là một, mới có thể khởi các nghiệp, rồi trở lại tự nhận chịu quả báo. Tâm chết, tâm sống, tâm trói buộc, tâm giải thoát, đều là gốc sử dụng có thể nhớ nghĩ. Thế nên biết tâm là một. Do tâm là một, nên có thể tu tập, nếu mỗi niệm diệt thì không có năng lực tu tập. Lại trong Phật pháp là vô ngã, do tâm là một nên gọi là tướng chúng sinh. Nếu nhiều tâm, thì chẳng phải là tướng chúng sinh. Lại trái thấy, phải biết, chẳng lẽ thấy khác biết khác. Thế nên biết chỉ một tâm, tự thấy tự biết.

 

Phẩm 70: CHẲNG PHẢI NHIỀU TÂM

Ông tuy nói thức của sắc v.v… khác, việc này không đúng. Vì sao? Nếu tâm là một, mà làm nhiều thứ nghiệp, giữ lấy các sắc, thanh v.v… Như một người ở trong nhà năm hướng, ôm giữ trần khắp hướng, tức là tâm trụ ở trong mắt, chờ đợi các duyên như ánh sáng v.v… để có thể thấy sắc. Như chính người này, ở nơi khác đợi bạn, thì cũng chính là tâm ấy biết sai khác. Như chính người này, trước thì biết, nhưng sau lại không biết; hoặc như là biết sai, rồi lại biết đúng. Như chính người này, trước là thanh tịnh, nhưng sau lại chẳng thanh tịnh. Hoặc như biết do dự tức là biết chắc chắn. Như chính người này, trước là người do dự, sau là người quyết định. Tâm bất thiện tức trở lại là tâm thiện và cũng là tâm vô ký. Như chính người này, hoặc là nghĩ thiện, hoặc nghĩ bất thiện, hoặc nghĩ vô ký, chính tâm ấy thực hành oai nghi đến đi sai khác. Như chính người này thực hiện các thứ oai nghi như các hành động đến, đi v.v… Như thế, tâm thanh tịnh, chính là tâm chẳng tịnh; tâm chẳng tịnh chính là tâm thanh tịnh. Như chính người này, trước thanh tịnh, nhưng sau trở lại chẳng tịnh. Tức là tâm tương ưng với an vui, sau lại chính tâm ấy tương ưng với khổ đau. Như chính người này, vốn là người an vui, sau lại là người khổ sở. Thế nên nói tâm chỉ là một, nhưng tạo nhiều nghiệp. Ông nói: Một thức chẳng thể giữ lấy sáu trần, nên chẳng phải một tâm. Điều này không đúng. Tôi cho rằng, căn sai khác, nên thức có khác nhau. Nếu thức trú trong mắt, thì chỉ nắm lấy sắc, mà không nắm giữ trần gì khác, các thức còn lại cũng vậy. Ông nói, pháp được chấp giữ khác nên chủ thể chấp giữ cũng khác, thì điều này chẳng phải. Tâm pháp có thể biết tự thể. Như đèn tự chiếu sáng cũng chiếu tỏ cho mọi vật khác. Như người toán số cũng có thể tự tính, mà cũng tính được cho người khác. Như vậy, tâm là một, có thể biết tự thể, cũng có thể biết người khác. Ông nói ví dụ con khỉ, điều đó không đúng. Như một con khỉ bỏ một cành cây lại nắm lấy một cành cây. Tâm cũng vậy, xả bỏ một duyên, lại chấp lấy một duyên khác. Ngoài ra như ông đã nói, là khả năng tự khởi nghiệp, thì tự thọ nhận quả báo v.v… đều đã trả lời tất cả. Vì sao? Vì nếu tâm khác, thì lẽ ra tạo tác khác thọ nhận khác, chết khác, sống khác. Do có những sai lầm như thế, nên biết chỉ có một tâm.

 

Phẩm 71: CHẲNG PHẢI MỘT TÂM

Đáp: Ông nói: Một tâm từ lâu bị tham v.v… làm cho ô nhiễm. Việc này chẳng phải. Đối với tâm, nối tiếp nhau mãi, nên thấy là một tướng, như nói gió chiều qua, tức là gió sáng nay. Sông ngày nay, tức là sông thời xưa. Đèn sáng hôm nay, tức là đèn hôm qua. Như mọc răng, gọi là sinh lại, nhưng thật ra, cái răng trứơc, không thể sinh lại được; vì sinh ra tương tợ, nên gọi là sinh lại. Như vậy, tâm khác, do nối tiếp nhau mãi nên cho rằng một tâm. Ông nói: Như người nhớ nghĩ người ấy hoặc tự nhớ nghĩ đến bổn tâm (tâm xưa. Nếu tâm xưa đến nay là một, thì nhớ nghĩ cái gì? lại làm sao được dùng tâm này chính nhớ nghĩ tâm này? Chẳng có một trí có thể biết tự thể. Thế nên, chẳng phải một tâm. Ông nói về tu tập. Nếu tâm thường là một, thì làm sao tu được lợi ích? Nếu có nhiều tâm thì mới có thứ lớp các phẩm hạ trung thượng sinh khởi nối tiếp nên có tu tập. Ông nói: Tâm là một tướng. Nếu tâm là một, tức là thường, mà thường tức là thật ngã. Vì sao? Vì ngày nay gây tạo, mai sau gây tạo thường là một không thay đổi, nên gọi là ngã. Với lại, không thể biết được tướng tâm sai khác, nên mới cho là một. Như rót nước liên tục, nên cứ cho là một. Như kẻ bị bệnh mắt, thấy nắm tóc, cho là một. Nếu đối với việc này người nào có thể phân biệt, thì biết chúng có khác. Người có trí thâm sâu, có thể biết tâm khác biệt. Vì sao? Vì các vị Phạm vương trong lúc mê muội, nói như vậy: Thân vô thường, mà tâm thức là thường. Các vị Phạm Vương còn mê mờ, huống nữa là người khác, mà không chấp là thường! Thế nên, phải khéo suy nghĩ các pháp là do duyên sinh, tuy thường đến mà tức là diệt. Như ông nói: Trái thấy, phải biết. Đó là do năng lực trí tuệ, mới thấy khác, biết khác. Như người này làm thơ người khác có thể hiểu được. Lại như người khác hành động, Thánh nhân có thể biết. Cũng như trí tuệ của Thánh nhân có thể biết những việc vị lai chưa sinh, chưa có. Vả lại, việc quá khứ, không nhớ nghĩ. Thế nên phải biết, năng lực của trí tuệ, có thể biết việc chưa đến, chưa có. Việc này phần sau sẽ nói rõ.

 

Phẩm 72: NÓI RÕ CÓ NHIỀU TÂM

Ông nói, một tâm được sử dụng làm nhiều nghiệp. Việc này không đúng. Vì sao? Vì chính là lấy nghĩa hiểu rõ làm tâm, nhưng hiểu rõ sắc khác, hiểu rõ tiếng khác nên tâm làm sao là một được? Như hành động, tay đang cầm bình, thì không thể cầm được vật khác. Như vậy, tùy theo tâm nào đã giữ lấy sắc, thì tâm ấy không thể nghe tiếng. Với lại, nhãn thức dùng mắt làm chỗ nương, lấy sắc làm duyên, nhưng hai thứ này vô thường mỗi niệm sinh diệt, thì nhãn thức làm sao tránh khỏi diệt mất trong mỗi niệm. Ví như, không có cây, thì bóng cũng theo đó mà không có. Như vậy, nhãn sắc diệt mất, trong từng niệm nên thức đã nương vào chúng để sinh ra cũng diệt trong từng niệm. Pháp bị diệt trong từng niệm thì năng lực của pháp không có. Với lại trong phẩm Ý ở trước đã trả lời, vì thế cb Ý không đi. Ông nói: thức trú trong mắt, đợi ánh sáng, mới có thể thấy, và như chính người này có thể thấy-nghe v.v… thì nghĩa này không đúng. Vì sao? Vì nay, trong luận này đi tìm nghĩa thật của pháp, người là giả danh, nên không làm ví dụ. Còn nếu cần tìm tướng người, thì tôi cho rằng, các ấm là người. Cũng nói, những cái biết do dự, khác với những cái biết quyết định nhưng không thể cho những cái biết do dự, chính là biết quyết định. Như vậy tất cả ông nói vì căn sai biệt, nên thức cũng khác biệt thì nghĩa này không đúng. Căn là nhân duyên sinh thức. Nếu thức là một, thì căn để làm gì? Ông dùng ví dụ đèn, toán thì dụ này chẳng đúng. Như vì không soi chiếu đốt đèn, mà thể của đèn chẳng phải không chiếu. Cho nên đèn không thể tự soi chiếu. Do đèn phá trừ bóng tối thì nhãn thức được sinh. Nhãn thức sinh rồi cũng có thể thấy đèn, bình và các vật. Người bói toán có thể biết được sắc của mình và sắc của người khác, nên gọi là biết nhau. Ông nói về nghiệp, trong những câu hỏi về nghiệp thì đã trả lời rồi nên không có lỗi. Nếu tâm thường là một, thì không có nghiệp, không có báo. Vì sao? Bởi vì chính tâm và đối tượng nương đều là nghiệp. Nếu tâm là một, thì sao có nghiệp báo? Trói buộc và giải thoát cũng như thế. Lại nữa, Ông nói: Tạo tác khác, thọ nhận khác. Điều này cũng không đúng. Các ấm nối tiếp nhau chẳng phải một, chẳng phải khác. Vì rơi vào chấp hai biên nên như tên gọi của thế tục, nói các nghiệp, v.v… đều chẳng phải là nghĩa chân thật. Ở trong sự nối tiếp nhau của ấm, gọi tên cho mọi thứ đây, kia thì không lỗi. Thế nên biết là có nhiều tâm.

 

Phẩm 73: THỨC TẠM TRÚ

Hỏi: Đã nói rõ về nhiều tâm. Vậy nay, các tâm là diệt trong mỗi niệm hay là trú trong chốc lát? Có người nói: Tâm trú trong chốc lát. Vì sao? Vì có hiểu rõ về sắc v.v… Nếu diệt trong mỗi niệm thì không nên là chủ thể hiểu rõ. Vì thế, tâm không thể không trú. Nếu mỗi niệm diệt mất, thì các sắc pháp trọn không thể biết được. Vì sao? Vì như ánh sáng của điện, chỉ trú tạm thời, không thể rõ, huống nữa là mỗi niệm diệt đi, mà có thể rõ được? Nay, thật ra là có sự hiểu rõ. Thế nên phải biết, các thức chẳng phải diệt trong mỗi niệm. Vả lại nhãn thức nương vào mắt, duyên với sắc, hai thứ này chẳng khác nên thức cũng chẳng khác. Tâm đủ khả năng giữ lấy các màu sắc như xanh v.v… Thế nên tâm chẳng phải diệt trong mỗi niệm. Nếu ý ông cho rằng, do tâm tương tục, nên có thể chắc chắn hiểu rõ, thì điều này cũng không đúng. Nếu mỗi một tâm, không thể chắc chắn hiểu rõ, thì dù cho tương tục, cũng không thể hiểu rõ. Như một người mù, không thể thấy sắc, nhiều người mù cũng không thể thấy. Nếu ông lại bảo: Mỗi mỗi sợi chỉ, thì không thể cột buộc được voi, nhưng tập hợp nhiều sợi chỉ thì có thể trói được. Như một tâm, không thể quyết định hiểu rõ, nhưng liên tục nhau có thể được thì việc này cũng không đúng. Vì trong mỗi sợi chỉ, đều có một tí sức mạnh, nếu cùng nhau hòa hợp, thì có thể được. Tâm, trong một niệm, không có tí năng lực hiểu rõ, nên có nối nhau, cũng không thể rõ được! Nhưng thật ra là có rõ. Thế nên biết chẳng phải mỗi niệm diệt đi. Với lại, nếu tâm diệt trong mỗi niệm, thì các nghiệp quá khứ, vị lai đều thành vô dụng. Vì phải có chút thời gian trú ở thì mới có thể khiến có tác dụng. Vì vậy, nên biết, tâm chẳng phải mỗi niệm diệt, tuy là vô thường, nhưng phải có tạm thời dừng trú.

 

Phẩm 74: THỨC KHÔNG TRÚ

Đáp: Ông nói, tâm có hiểu rõ, nên chẳng pahỉ diệt trong mỗi niệm. Việc này không đúng. Vì năng lực các tướng ở trong tâm, có thể quyết định rõ, chứ chẳng phải vì trú. Nếu không như vậy, thì đối với sự tạo tác của tiếng, không thể quyết định hiểu rõ được. Vì sao? Vì hiện thấy sự việc này diệt trong từng niệm, nhưng thật ra có quyết định hiểu rõ. Thế nên, không thể vì trú lại có thể hiểu rõ, mà chính do sự hiểu rõ làm tâm. Nếu hiểu rõ màu xanh thì chẳng phải ngay lúc ấy hiểu rõ màu vàng. Vì vậy, giả sử có tạm trú hiểu rõ màu xanh, cũng không thể hiểu rõ màu vàng. Hơn nữa, hiểu rõ màu xanh là thời điểm khác hiểu rõ chẳng phải màu xanh là thời điểm khác. Một pháp không nên có hai thời. Pháp với thời là cùng lúc. Thời với pháp cũng vậy. Vả lại, nắm giữ cũng có hai loại: Một là quyết định hiểu rõ, hai là không quyết định hiểu rõ. Nếu thức chẳng diệt trong mỗi niệm, thì tất cả mọi thứ nắm giữ được đều phải quyết định hiểu rõ hết. Tôi cho rằng, tùy theo thức phát sinh nhiều liên tục, nên nắm giữ tức là hiểu rõ; nếu liên tục ít, thì quyết định không hiểu rõ. Lại nữa, thức nắm giữ lấy trần, hoặc chậm, hoặc nhanh, tâm đều không định. Ông nói chỗ nuơng vào và cảnh duyên chẳng khác, nghĩa này đã thành. Nhưng sắc diệt trong mỗi niệm nên chỗ nương vào và cảnh duyên cũng khác. Ông nói: Đủ khả năng nắm giữ thì thức phải có thể nắm giữ khắp cả phần thân, mới gọi là đủ khả năng nắm giữ. Vì thế cho nên, không có một thức mà có thể nắm giữ khắp cả. Vì sao? Vì sự nắm giữ chưa được đầy đủ, thì tâm đã diệt theo, thế đâu còn tâm mà thủ lấy hoàn toàn? Ông nói: Tác nghiệp đều vô dụng. Điều này không đúng. Vì như đèn, tuy mỗi niệm diệt, nhưng cũng có tác dụng chiếu sáng. Lại như các nghiệp cho gió, tuy luôn luôn diệt, nhưng cũng có thể lay động vật. Thức này cũng như vậy. Như đèn v.v… tuy từng niệm diệt đi, nhưng cũng nắm giữ được. Thức cũng vậy, tuy niệm niệm diệt cũng có thể nắm giữ được. Lại tâm, ý, thức, niệm niệm đều diệt đi. Vì sao? Vì các màu sắc như xanh v.v… tích tụ trước mặt, nhưng cũng nhanh chóng sinh diệt. Thế nên chẳng trụ. Với lại, người khi sinh tâm, tự cho rằng, cùng một lúc có thể nắm lấy các duyên, cho nên thức không trú. Nếu thức tạm thời trú dừng, thì người không thể sinh tâm mê hoặc này. Vì sao? Vì như hạt giống rễ cứ nối tiếp nhau, có tạm thời trú dừng nên người thấy việc ấy, không sinh tâm mê lầm, cho rằng mầm, cành v.v… có cùng một lúc. Thế nên biết thức diệt trong mỗi niệm. Với lại người thấy bình, liền nhớ nghĩ đến bình, vì lần kế tiếp thấy sinh ra nhớ lại, thế nên có niệm niệm diệt mất. Nếu các thức trong niệm niệm không diệt, thì có thể trong một trí có cả đúng, lẫn sai. Như thấy người đó, nắm giữ lại thì cũng chẳng phải là người đó nữa. Ví như nghi ngờ nắm giữ, cũng là quyết định giữ lấy! Thế thì không được. Vì thế biết, diệt trong mỗi niệm. Với lại có giữ lấy các nhân duyên, như phân biệtv.v… cho nên biết diệt trong mỗi niệm. Lại như, Tướng tác động của tiếng liên tục, diệt trong mỗi niệm, ở đây phát sinh hiểu biết. Vì vậy nên biết, tâm diệt mất trong mỗi niệm.

 

Phẩm 75: THỨC CÙNG SINH

Hỏi: Đã nói rõ tâm diệt trong mỗi niệm. Nay các thức sinh cùng một lúc hay theo thứ tự mà sinh? Có luận sư nói: Thức đồng thời sinh. Vì sao? Vì có người, cùng một lúc, có thể nắm giữ lấy các trần cảnh. Như người vừa thấy bình, mà cũng vừa nghe tiếng nhạc. Mũi ngửi hương hoa mà miệng vẫn ngậm vị thơm, cảm xúc gió quạt vào thân, mà vẫn suy tư về âm điệu bài hát. Thế nên biết, cùng một lúc, có thể giữ lấy các trần cảnh. Lại như một thức ở trong thân, có thể biết tất cả mọi khổ đau, lẫn an vui. Vậy thì, chỉ dùng một nhãn thức, cũng phải có thể nắm giữ lấy các cây. Việc này không thể được. Làm sao, chỉ một thức mà thảy đều biết rễ, cành, nhánh, lá, hoa, trái? Thế nên biết có nhiều thức, đồng thời sinh, nắm giữ khắp các xúc. Lại như nhiều màu sắc, cùng lúc sinh, sự nhận biết, nhưng cái biết màu xanh, chẳng phải cái biết màu vàng. Thế nên phải biết là cùng lúc, đều sinh khởi nhiều thức. Với lại, trong phần các thân, nhanh chóng phát khởi sự biết. Như khi nắm lấy một phần thì có thể nắm giữ khắp cả. Trong Phật pháp không có “Hữu phần”, không thể một thức khắp nắm giữ các phần! Vậy nên biết, cùng một lúc có thể sinh nhiều thức, nắm giữ lấy khắp các phần.

 

Phẩm 76: THỨC KHÔNG CÙNG SINH

Đáp: Ông nói, các thức sinh cùng một lúc. Việc này không đúng. Vì sao? Vì thức đợi niệm rồi mới sinh. Như trong kinh dạy: Nếu nhãn nhập chẳng hoại thì sắc nhập, ở tại cảnh biết. Nếu không có niệm có thể sinh thức thì nhãn thức không sinh. Nên biết, các thức đợi niệm, do đó không sinh cùng thời. Với lại tất cả pháp sinh, đều thuộc nhân của nghiệp, vì tâm mỗi mỗi sinh ra, cho nên quả báo ở địa ngục v.v… không đồng thời nhận chịu. Nếu nhiều tâm cùng lúc sinh, thì lẽ ra cùng lúc nhận chịu quả báo, nhưng thật tế không thể được. Thế nên phải biết, là các thức không sinh một lúc. Lại nữa, thức nắm giữ các duyên thật nhanh, như vòng lửa quay tròn, do quay nhanh quá nên không thấy ranh giới của vòng lửa. Các thức cũng như vậy. Vì thời gian trú quá ngắn nên không thể phân biệt. Với lại, các thức, nếu cùng lúc sinh, thì tất cả pháp sinh đều trong cùng một niệm đồng thời đều sinh ra, nào có chướng ngại gì. Vậy thì, tất cả pháp sinh không cần công hạnh, không tạo nghiệp công đức, mà cũng giải thoát. Việc này là không thể được! Thế nên phải biết, các thức không thể sinh cùng một lúc. Với lại, thân bị tâm sai khiến. Nếu mọi tâm cùng lúc sinh, thì thân bị tan mất hư hoại, vì tâm của việc đến, đi v.v… sinh cùng một lúc, mà thật ra thân chẳng hư hoại. Thế nên biết là các tâm không cùng thời sinh. Mắt thấy các vật bên ngoài như rễ, mầm… và các sắc như Ca-la-la khối thịt, bào thai, rồi đến hình hài, thiếu niên, trai tráng, già nua theo thứ tự xuất hiện, tâm cũng như vậy. Như trong kinh dạy: Khi cảm thọ vui, thì hai thọ kia diệt, đó là thọ khổ, thọ không khổ không vui. Như vậy, nếu thức cùng sinh thì ba thọ cùng sinh một lúc mà thật ra chẳng như vậy. Thế nên biết các thức không sinh cùng một lúc. Lại trong thân, chỉ sinh một tâm, nên gọi là một người. Lại như thức cùng sinh, thì một thân, mà có nhiều người, thật ra đâu phải vậy, thế thì, thức trong một thân, không cùng sinh. Nếu thức cùng sinh, thì phải cùng một lúc biết mọi pháp. Vì sao? Vì trong mắt, có vô lượng trăm ngàn thức sinh; cho đến ý, cũng đều như vậy. Vậy nên biết tất cả pháp; mà thật chẳng phải vậy. Cho nên, phải biết là các thức không thể sinh cùng một lúc.

Hỏi: Các thức sao phải sinh theo thứ tự?

Đáp: Vì theo một thứ tự duyên, nên thức phải mỗi mỗi sinh.

Hỏi: Tại sao chính chỉ có một thứ lớp duyên?

Đáp: Pháp vốn là vậy. Như ông nói một thần, một ý. Tôi cũng thế, một ý một thứ lớp duyên. Như mầm, phụ thuộc hạt giống, nên phải theo thứ lớp, trước là nẩy mầm mà không sinh cành nhánh. Như vậy, tùy pháp thuộc tâm nào, thì phải thứ lớp tâm đó sinh, chứ chẳng phải sinh các pháp khác. Lại nữa, tướng thức quyết định như vậy mỗi mỗi khởi, diệt, thứ lớp phụ thuộc lẫn nhau. Như tướng lửa là nóng. Vì vậy, các thức phải sinh, theo thứ lớp.