LUẬN SỬ TÔNG TỊNH ĐỘ

Việt dịch: Quảng Tấn – Quảng Ân – Quảng Bình, Quảng Hiếu – Huệ Hải – Quảng Xả, Quảng Mẫn
 Tâm Đức – Huệ Chí – Tâm Đại, Hạnh Minh – Nhuận Độ – Nguyên Thành, Tâm Hiếu – Như Giáo – Nguyên An

Chứng Nghĩa: Thích Đổng Minh
Phụ chú:Thích Tâm Nhãn

Chùa Long Sơn, Nha Trang
Phật Lịch: 2548 – 2004

 

LỜI NÓI ĐẦU

Sự manh nha tư tưởng Tịnh độ phát nguyên từ tinh thần căn bản Phật giáo Ấn Độ; tư tưởng ấy không những siêu thoát ra ngoài cõi đời ngũ trược ô nhiễm mà còn bỏ lại sau lưng thế giới đang cháy rực bởi ngọn lửa phiền não thiêu đốt. Và đặc biệt tư tưởng Tịnh độ cũng thẩm thấu được toàn thể “Bản nguyện” mà đức Thích Ca Mâu Ni đã hoài bão. Nhưng theo những học giả cận đại khảo chứng về lịch sử bối cảnh xã hội, họ nhận thức rằng giáo thuyết này không phải bắt nguồn từ Ấn Độ mà có thể truyền nhập từ Ba Tư, vì tính cách quan niệm của họ liên tưởng giáo phái tôn thờ sùng bái lửa “Zoroastrianism”, hợp với nghĩa “Vô lượng quang” của đức Phật A-di-đà (Đức Phật có ánh sáng vô tận). Nhưng quan niệm ánh quang minh của giáo phái thờ lửa không nhất thiết liên hệ với nghĩa “Vô lượng quang”, theo truyền thống Bà-la-môn giáo đa phần cũng có quan niệm này.

Cuộc sống nhân loại từng trải qua thời kỳ bóng đêm ngự trị thì ai mà không mong cầu, khát ngưỡng đến “ánh sáng”, cho nên ánh sáng ấy là biểu tượng truy cầu của nhân loại. Hàm nghĩa A-di-đà Phật cũng chỉ là như vậy, nhưng trên tinh thần cụ thể lại là hiện thân của đức Thích Ca Mâu Ni. Tinh thần ấy do Phật giáo Đại thừa phát triển theo mỗi lời thệ nguyện của Phật A-di-đà – mười phương chư Phật đều có thể thành tựu. Hiện nay, tất cả chúng ta đều nguyện cầu sanh về thế giới của Đại nguyện chủ A-di-đà cách mười vạn ức cõi Phật. Ý nghĩa tín ngưỡng này rất thâm thúy, nó ảnh hưởng thiết thực đến đời sống thường nhật và đến thực thể sinh mạng của mỗi con người. Do Ấn Độ truyền giáo thuyết này vào Trung Quốc đầu tiên nên nó trở thành sự thực, trở thành chơn chánh. Tịnh độ tông bắt đầu xuất hiện từ thời Đông Tấn; đó cũng là điểm mốc thời gian lịch sử Tịnh độ tông khởi nguyên. Sự hoằng dương kinh qua hơn một ngàn năm trăm năm, đã trở thành tông phái Phật giáo quan trọng nhất tại Trung Quốc, đồng thời cũng làm nền tảng tinh thần cho người Trung Quốc, “người người kính Quan Âm, nhà nhà thờ Di-đà”. Chúng tôi gọi là sử Tịnh độ tông, vì từ khi Tịnh độ tông phát nguyên cho đến Tịnh độ tông phát triển trên hai ngàn năm đều có một dàn ý (tiểu sử) rõ ràng trong mỗi bài, hiển hiện trước mắt độc giả.

Tập sách này gồm 19 bài, chín bài đầu mang tính chất thông sử luận về Tịnh độ, mười bài sau chủ yếu nêu lên những nhân vật tông Tịnh độ và mỗi nhân vật đại biểu như bậc “Long tượng” cho Tông môn trong một thời đại. “Ngọn đuốc” tinh thần Tịnh độ tông được thắp sáng miên viễn là nhờ các ngài đã một đời tận tụy tuyên dương và khai triển.

Trong bổn Tịnh độ này bao quát cả quan niệm về Tịnh độ Đâu-suất, Tịnh độ Lưu Ly v.v… nhưng tại Trung Quốc trên danh nghĩa lập tông Tịnh độ chỉ thuần tuý tôn kính Di-đà làm đối tượng tín ngưỡng. Trong bộ “Phật giáo học thuật tùng san”1 có những tập “Tịnh độ luận”, hoặc “Tịnh độ tư tưởng luận” cũng hoàn toàn hướng đến tín ngưỡng Di-đà làm chuẩn mực cho Tịnh độ tông. Phần tín ngưỡng Tịnh độ Đâu-suất Di-lặc chỉ dành riêng trong quyển 692, tựa “Nghiên cứu Bồ-tát hạnh và Tịnh độ Di-lặc”.

Chúng tôi hy vọng các Thức giả, Thiện hữu sùng kính, qui ngưỡng Tịnh độ tông có thể xem trọn tập và tuỳ duyên tu học hành trì.

Ban biên tập
“Phật giáo học thuật tùng san”
Tâm Nhãn dịch