LUẬN QUÁN DUYÊN SỞ DUYÊN

SỐ 1624

Tác giả: Bồ-tát Trần-na
Hán dịch: Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng Đời Đường vâng chiếu dịch
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Những người có dục, khiến cho năm thức, như nhãn thức v.v… lấy ngoại sắc để khởi duyên sở duyên , hoặc là chấp cực vi, thừa nhận có thật thể, vì có thể sinh thức, hoặc chấp hòa hợp, vì khi thức sinh thì liên hệ với tướng hòa hợp kia, cả hai đều phi lý. Vì sao?

Cực vi ở năm thức
Nếu duyên chẳng sở duyên
Tướng đó thức không có
Giống như nhãn căn thảy.

Duyên sở duyên: Là thức năng duyên liên hệ với tướng kia mà khởi và có thật thể, khiến cho năng duyên thức nương vào tướng kia mà sinh cực vi như sắc… nếu có thật thể có thể sinh năm thức thì có dung chứa nghĩa duyên, nhưng chẳng phải sở duyên, như nhãn căn… đối với nhãn thức… không có tướng ấy. Như vậy cực vi đối với nhãn thức… không có nghĩa sở duyên.

Hòa hợp ở năm thức
Lập sở duyên chẳng duyên
Thể kia thật không có
Giống như trăng thứ hai.

Hòa hợp như sắc… đối với nhãn thức… có tướng kia, nếu làm sở duyên nhưng không có nghĩa duyên, cũng như nhãn lầm loạn mà thấy mặt trăng thứ hai, vì hòa hợp kia không có thật thể, không thể sinh. Như vậy hòa hợp đối với nhãn thức… không có nghĩa duyên. Ngoài hai sự đối với duyên sở duyên lẫn nhau thiếu một chi, thì đều không đúng lý. Có người chấp sắc… mỗi thứ đều có nhiều tướng, trong đó một phần là cảnh hiện lượng, các tướng cục vi trợ giúp mỗi thứ đều một tướng hòa hợp. Tướng nầy thật có mỗi thứ đều có thể phát sinh, vì tương tự tướng thức của chính mình, cho nên cùng với năm thức làm duyên sở duyên, điều nầy cũng phi lý. Vì sao?

Hòa hợp như cứng thảy
Nếu đối nhãn thức thảy
Là duyên phi sở duyên
Thì thừa nhận cực vi.

Như các tướng cứng v.v… tuy là thật có, nhưng đối với các thức như nhãn thức… thì có chứa nghĩa duyên, nhưng chẳng phải sở duyên, vì trên thức không có tướng kia. Sắc… các tướng hòa hợp của cực vi, lý cũng phải như vậy, vì người kia đều chấp làm tướng của cực vi. Chấp nhãn thức… có thể duyên theo cực vi, thì các tướng hòa hợp lại có lỗi riêng.

Giác tướng bình chậu thảy
Người kia chấp không khác
Hình riêng cho nên khác
Hình khác nên không thật.

Các vật bình chậu, lớn nhỏ… có thể thành cực vi giống nhau, Duyên giác tướng kia thì lẽ ra không có sai khác. Nếu cho rằng hình tướng của vật kia khác nhau cho nên tướng giác sai khác, thì lý nầy cũng không đúng, đảnh… khác hình chỉ tại bình chậu… trên giả pháp mà có, vì chẳng phải cực vi, nên người kia không nên chấp, cực vi cũng có hình tướng sai khác. Vì sao?

Lượng cực vi bằng nhau
Hình khác chỉ ở giả
Phân tích đến cực vi
Giác kia nhất định xả.

Không phải bình chậu… có thể trở thành cực vi có hình lượng khác nhau, vì xả bỏ tướng tròn của cực vi, biết khác hình là ở giả, không phải thật. Lại hình khác vật, phân tích đến cực vi, tướng giác kia nhất định bỏ vật chẳng phải sanh vàng… phân tích đến cực vi thì tướng giác kia có thể bỏ, vì hình riêng khác nầy chỉ có thế tục mới có, không phải như sanh vàng… cũng ở tại vật thật, do đó sở duyên của năm thức ngoài sắc… ra thì lý của nó là cực thành, duyên sở duyên kia lẽ nào hoàn toàn không có? Chẳng phải hoàn toàn không có, nếu thế thì vì sao?

Nội sắc như ngoại hiện
Làm duyên sở duyên thức
Thừa nhận tướng ở thức
Và có thể sinh thức.

Cảnh ngoài tuy không có, nhưng có ngoại sắc tương tự cảnh ngoài hiển hiện làm duyên sở duyên, thừa nhận nhãn thức… liên đới với tướng kia mà khởi, và từ tướng kia mà sinh, vì có đủ hai nghĩa, cho nên nội cảnh tướng nầy đã không lìa thức, thì làm sao đồng thời khởi mà có thể làm duyên của thức?

Quyết định thuận theo nhau
Đồng thời cũng làm duyên
Duyên trước làm duyên sau
Dẫn phát công năng kia.

Cảnh tướng và thức quyết định thuận theo lẫn nhau, tuy đồng thời khởi nhưng cũng làm duyên của thức. Các nhà Nhân minh nói: “Nếu đây và kia có hoặc không thuận theo nhau, thì tuy đồng thời sinh nhưng cũng được có tướng nhân quả”. Hoặc tướng thức trước làm thức duyên sau, dẫn phát trong bản thức sinh khởi tương tự công năng của tự quả, khiến cho khởi không trái lý. Nếu năm thức sinh khởi chỉ duyên với nội sắc, thì vì sao mà nói nhãn… làm duyên?

Công năng sắc trên thức
Là ứng lý năm căn
Công năng và cảnh sắc
Vô thỉ làm nhân nhau.

Vì có thể phát sinh thức, so sánh biết có căn, căn nầy chỉ có công năng, không phải do bên ngoài tạo ra, công năng của năm sắc trên thức gọi là nhãn căn… cũng không đúng lý, vì lý công năng phát khởi thức không có riêng khác, ở thức hoặc tại các căn khác tuy không thể nói được, nhưng lý các pháp bên ngoài là phi hữu, cho nên nhất định phải thừa nhận căn ở thức, không phải ở các pháp nào khác. Công năng của căn nầy cùng với cảnh sắc trước, từ mé vô thỉ lần lượt làm nhân, là công năng nầy đến vị thành thục thì sinh năm nội cảnh sắc trên hiện thức. Nội cảnh sắc nầy lại có thể dẫn khởi công năng của năm căn trên thức dị thục. Hai thứ sắc của căn và cảnh cùng với thức là một và khác hoặc chẳng phải một, chẳng phải khác, tùy sự ưa thích mà phải nói, như vậy các thức chỉ có tướng nội cảnh làm duyên sở duyên, lý đã khéo thành lập.