LUẬN NHÂN MINH NHẬP CHÁNH LÝ
Hán dịch: Bồ-tát Thương Yết La Chủ Tạo Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Năng lập cùng năng phá Và tợ giúp người ngộ Hiện lượng và Tỷ lượng Và tợ để tự ngộ.

 

Trong bộ luận này, những phần được nói đến được gọi là năng lập. Do bởi người học vẩn còn băn khoăn, chưa hiểu rõ nghĩa lý cho nên mới bày ra Tôn, Nhân, Dụ để khai mở, chỉ bày.

– Thế nào gọi là Tôn?

Tôn có nghĩa là cực thành Hữu pháp và Năng biệt (cả hai đều được bên lập và bên vấn công nhận). Trong đó, sai biệt là thuộc tính của chúng, tùy theo ý riêng của mình đưa ra thuộc tính nào thì thuộc tính ấy trở thành luận thuyết, và luận thuyết ấy thành lập được gọi là Tôn. Như có thuyết lập: “Âm thanh là vô thường”. Như vậy, “âm thanh là vô thường chính” là Tôn.

– Thế nào gọi là Nhân?

Nhân có ba tướng (ba đặc tính của Nhân):

Thứ nhất: Nhân phải có mặt trong Tôn, (nói cách khác Nhân phải là thuộc tính của pháp trong Tôn).

Thứ hai: Nhân nhất định phải có thuộc tính trong những gì đồng phẩm với Tôn.

Thứ ba: Nhân phải không có thuộc tính trong những gì dị phẩm với Tôn.

– Thế nào gọi là Đồng Phẩm, Dị Phẩm?

Những gì có tính chất và nghĩa lý giống với pháp được thành lập trong Tôn thì gọi là đồng phẩm. Như lập Tôn “vô thường”. Vì cái Bình có tính vô thường nên gọi là đồng phẩm.

Dị phẩm có nghĩa là ở nơi những thứ đó không có tính chất giống với pháp được thành lập trong Tôn. Nếu cái gì thường thì phải không bị làm ra, ví như hư không v.v…

Trong Tôn này (vô thường). Nếu lấy Nhân là tính cách do bị làm ra hoặc do siêng năng liên tục mà có, thì đó là Nhân đúng, vì trong Nhân ấy có đủ ba đặc tính. Nó có mặt đầy đủ trong pháp của Tôn, có tính chất giống với tính chất của pháp trong Tôn, và vắng mặt hoàn toàn những thuộc tính không có thuộc dị phẩm với Tôn.

– Thế nào là Dụ?

Dụ có hai loại:

  1. Đồng pháp.
  2. Dị pháp.

Đồng pháp: Là nếu ở những thứ đó có tính chất giống với Nhân thì quyết định tính chất ấy có mặt trong pháp của Tôn, là nếu ở đó có tính chất bị làm ra thì nó phải bị vô thường. Ví dụ như cái bình v.v…

Dị pháp: Là nếu những thứ đó không có trong pháp của Tôn đã lập, thì tính chất đó cũng phải không được tìm thấy ở trong Nhân, là nếu thứ gì là thường thì thứ ấy không có tính chất bị làm ra, như hư không v.v…

Trong đây nói thường là biểu thị không phải vô thường. Nói chẳng phải làm ra là nhằm muốn nói không bị làm ra. Ví như nói có và không có. Không có được gọi là phi hữu vậy.

Như đã nói, Tôn gồm nhiều phần (lời nói). Khi dùng để khai ngộ cho người thì gọi là năng lập. Như nói “Âm thanh là vô thường”, đó là phần lập Tôn. “Vì có tính chất bị làm ra”, đó là phần nói về tính chất của pháp trong Tôn. Nếu cái gì bị làm ra thì cái đó phải vô thường. Ví dụ như cái bình v.v… Đó là phần nói về những thứ có tính chất đồng phẩm với Tôn. Còn nếu cái gì “Thường” thì cái đó phải không bị làm ra. Ví dụ như hư không v.v… đây là phần nói về những thứ trái với tính chất trong Tôn và Nhân.

Toàn bộ ba phần này (Tôn, Nhân, Dụ) gọi là Năng lập. Tuy được thành lập đúng theo ý thích, nhưng vì trái với hiện lượng nên gọi là Tợ tôn lập, nghĩa là trái với Hiện lượng, trái với Tỷ lượng, trái với giáo lý của chính mình, trái với thế gian, trái với lời nói của mình. Năng biệt không được công nhận, sở biệt không được công nhận, cả năng biệt và sở biệt đều không được công nhận, đã được công nhận trước khi lập Tôn.

Trong đây, trái với Hiện lượng (hiện lượng tương vi) như nói: “Âm thanh không phải bị nghe”; trái với Tỷ lượng (tỷ lượng tương vi) như nói: “Cái bình là thường”; trái với giáo lý của mình (tự giáo tương vi) như Thắng luận sư lập tôn “Âm thanh là thường”; trái với thế gian (thế gian tương vi) “Mặt trăng không phải mặt trăng vì có thể, lại nói xương đầu của người là sạch, vì là thân phần của chúng sanh, cũng như vỏ ốc”; trái với lời nói của mình (tự ngữ tương vi) như nói “Mẹ tôi là gái đồng trinh”.

Năng biệt không được công nhận (năng biệt bất cực thành) như đối với Số luận sư, đệ tử Phật lập tôn: “Âm thanh bị hoại diệt”.

Sở biệt không được công nhận (sở biệt bất cực thành) như đối với Đệ Tử Phật, Số luận sư lập tôn: “Thần ngã làm tư duy”.

Cả Năng biệt và Sở biệt đều không được công nhận (câu bất cực thành) như đối với Đệ Tử Phật, Thắng luận sư lập tôn “Thần ngã làm nhân duyên hòa hợp”.

Tôn đã được công nhận trước khi lập (tương phù cực thành) như nói: “Âm thanh là thứ bị nghe”.

Nói nhiều phần như vậy là vì không nhận được tự tính của các pháp (năm lỗi tương vi), vì lỗi không thể thành lập được (ba lỗi không được công nhận), vì lỗi không có hiệu quả (đã được công nhận trước), do vậy mà gọi là lỗi Tợ lập tôn.

Trên đã nói về phần Tợ tôn, giờ sẽ nói về phần Tợ nhân. Nhân bị lỗi bất thành, bất định và tương vi nên gọi là Tợ nhân.

Nhân bị lỗi bất thành có bốn:

  1. Cả hai bên đều không công nhận.
  2. Một bên không công nhận.
  3. Do dự không công nhận.
  4. Sở y không công nhận.

Như thành lập: “Âm thanh là vô thường”. Nếu cho rằng vì có tính bị mắt thấy thì phạm lỗi cả hai bên đều không công nhận. Nếu cho rằng vì có tính bị làm ra thì đối với phái Hiển luận không công nhận, cho nên phạm lỗi một bên không công nhận.

Đối với những chỗ như có mù, khói v.v… trong lúc phân vân mà lại nói rằng “Chỗ đó có lửa do tứ đại chủng hòa hợp sinh” nói như vậy phạm lỗi do dự không công nhận. Nếu nói “Hư không là thật có” vì cho rằng là chỗ nương tựa của đất, thì đối với phái Luận sư không công nhận có hư không tồn tại, vì vậy phạm lỗi sở y không được công nhận.

Nhân bị lỗi Bất định có sáu:

  1. Nhân có mặt ở cả đồng phẩm và dị phẩm.
  2. Không có mặt ở cả đồng phẩm và dị phẩm.
  3. Có mặt một phần ở đồng phẩm và toàn phần ở dị phẩm.
  4. Có mặt toàn phần ở đồng phẩm và một phần ở dị phẩm.
  5. Có mặt một phần ở đồng phẩm và một phần ở dị phẩm.
  6. Trái nhau quyết định.

Trong đây, nói “Đều có” có nghĩa như nói “Âm thanh là thường” vì có tính chất bị đo lường. Thường, vô thường phẩm đều cùng nhân này cho nên bất định. Ví như “Cái bình”, vì có tính chất bị đo lường cho nên nói “Âm thanh là vô thường”. Lại như “Hư không”, vì có tính chất bị đo lường, cho nên nói âm thanh là thường.

“Đều không có” Như nói “Âm thanh thường còn” vì có tính chất bị nghe. Thường, vô thường đều là nhân này, vì ngoài âm thanh ra không có cái thường nào, cũng không có cái vô thường nào bị nghe cả, đó là nhân do dự. Như vậy, tính chất bị nghe này giống những thứ nào?

“Một phần ở đồng phẩm, toàn phần ở dị phẩm”: Như nói âm thanh chẳng do sức siêng năng liên tục phát sinh vì có tính cách vô thường. Trong đây lập tôn âm thanh không phải do sức siêng năng liên tục phát sinh, vì ánh chớp, hư không là đồng phẩm của nó, thì tính cách vô thường này chỉ có ở ánh chớp mà không có ở hư không. Tôn không phải sức siêng năng mãi phát ra. Cùng với tôn ấy, lấy bình làm dị phẩm thì ở đó lại có mặt hoàn toàn đầy đủ trong nhân.

Như vậy, cái nhân này vì lấy cái bình, ánh chớp làm đồng pháp cho nên phạm lỗi bất định, vì cái bình có tính cách vô thường do sức siêng năng liên tục phát sinh, lại như ánh chớp cũng có tính cách vô thường, nhưng nó không phải do sức siêng năng liên tục mà phát sinh.

“Toàn phần ở đồng phẩm và một phần ở dị phẩm”: Như lập tôn âm thanh là do sức siêng năng liên tục mà phát sinh vì có tính cách vô thường. Tôn lập như vậy, lấy cái bình làm đồng phẩm thì tính cách vô thường của cái bình có mặt đầy đủ trong đây. Nếu lấy ánh chớp, hư không làm dị phẩm thì ở ánh chớp này, một phần là có, còn ở hư không thì không có. Vì giống như trước cho nên cũng phạm lỗi bất định.

“Một phần ở đồng phẩm và một phần ở dị phẩm”: Như nói âm thanh thường còn vì không có tính chất ngăn chận. Trong đây lập tôn thường, lấy hư không, cực vi làm đồng phẩm thì ở hư không hoàn toàn có tính chất này, nhưng cực vi thì không có. Nếu lấy cái bình, cảm thọ lạc làm dị phẩm thì ở cảm thọ lạc có tính chất này, ở cái bình thì không có. Như vậy, ở nhân này vì lấy cảm thọ lạc và hư không làm đồng pháp cho nên cũng phạm lỗi bất định.

“Trái nhau quyết định”: Như lập tôn âm thanh là vô thường vì có tính cách bị làm ra. Ví dụ như cái bình. Có chỗ lập âm thanh thường còn vì có tính cách bị nghe, ví dụ như tính cách của âm thanh. cả hai cái này đều là nhân do dự cho nên cả hai đều phạm lỗi bất định.

Tương vi có bốn: Đó là tự tính của pháp trái với nhân; sai biệt của pháp trái với nhân; tự tướng của hữu pháp trái với nhân; sai biệt của hữu pháp trái với nhân.

Trong đây, “Tự tướng của pháp trái với nhân” là: Như nói âm thanh thường còn vì có tính cách bị làm ra hoặc vì có tính cách do sức siêng năng liên tục mà phát sinh. Nhân này chỉ có ở dị phẩm cho nên nó bị lỗi tương vi.

“Sai biệt của pháp trái với nhân” là: Như nói mắt do người khác sử dụng vì có tính cách chứa nhóm, như cái giường ngủ. Cũng có thể thành lập sai biệt của pháp trái với việc chứa nhóm do cái khác sử dụng, như những cái giường ngủ là cái chứa nhóm được người khác sử dụng.

“Tự tướng của hữu pháp trái với nhân”: Là như nói hữu tính chẳng phải Thật, Đức, Nghiệp vì có Thật, Đức, Nghiệp riêng, như tính dị đồng. Nhân này thành lập để ngăn Thật, Đức, Nghiệp nhưng cũng có thể thành lập để ngăn hữu tính, cho nên cả hai đều quyết định như nhau.

“Sai biệt của hữu pháp trái với nhân”: Là như chính cái nhân “vì có một Thật, Đức, Nghiệp”, trong đó sai biệt của hữu pháp (tức Hữu Hữu) có tính cách làm duyên cho Thật, Đức, Nghiệp và ngược lại, Thật, Đức, Nghiệp cũng có thể làm duyên cho Hữu tính, cho nên cả hai đều có quyết định như nhau.

Trên đây đã nói về Tợ nhân, bây giờ nói về Tợ dụ.

Tợ dụ của đồng pháp: gồm có năm loại:

  1. Pháp năng lập bất thành.
  2. Pháp sở lập bất thành.
  3. Cả pháp năng lập và pháp sở lập đều bất thành.
  4. Không Hợp.
  5. Đảo hợp.

Tợ dụ của dị pháp: Cũng có năm loại:

  1. Sở lập bất khiển.
  2. Năng lập bất khiển.
  3. Cả năng lập và sở lập đều bất khiển.
  4. Bất ly.
  5. Đảo ly.

1. Pháp năng lập bất thành: Là như nói âm thanh là thường còn vì không có tính chất ngăn chận. những gì không có tính chất ngăn chận thì thường còn, giống như cực vi. Tuy nhiên, cực vi đối với tính thường còn của pháp đã thành lập trong tôn thì có, nhưng đối với không có tính chất ngại của pháp năng lập (tức là nhân) thì không, vì cực vi vốn có tính chất ngăn chận.

2. Sở lập pháp bất thành: Có nghĩa là cũng lập tôn và nhân như trên, nhưng lại lấy cảm giác làm dụ. Tuy nhiên tất cả các cảm giác đối với không có tính chất ngại của pháp năng lập thì có, nhưng đối với tính thường còn của pháp sở lập thì không, vì tất cả các cảm giác đều vô thường.

3. Câu bất thành: gồm có hai loại: Hữu và phi hữu. Trong đây cũng lập tôn và nhân như trên, nhưng nếu lấy cái bình làm dụ thì đó là hữu câu bất thành, còn nếu lấy hư không làm dụ thì đối với phái Vô không luận mà nói đó là vô câu bất thành.

4. Không hợp: Có nghĩa là ở nơi tôn và nhân không có sự phối hợp với dụ. chính ở nơi cái bình không có sự phối hợp với pháp năng lập (Nhân) và pháp sở lập (Tôn). Như nói cái bình có tính cách bị làm ra và đồng thời cũng có tính cách vô thường.

5. Đảo hợp: Có nghĩa như nói rằng tất cả những thứ bị làm ra đều vô thường. sau đó lại đảo ngược lại nói rằng tất cả những gì vô thường đều là thứ bị làm ra. Như vậy gọi là tợ đồng pháp dụ phẩm.

Tương tợ dị pháp:

1. Sở lập bất khiển: Vả như cũng lập tôn các thứ là vô thường, Nhân vì có tính cách ngăn chận ví như cực vi. Nhưng do ở nơi cực vi có tính chất thường còn của pháp sở lập không được khiển trừ, vì cực vi vốn có tính cách thường còn cho nên năng thành lập pháp vô chất vô ngại.

2. Năng lập bất khiển: Nghĩa là cũng lập tôn và nhân như trên và nói là do nghiệp lực. Nếu nói như vậy chỉ có thể khiển trừ được sở lập mà không khiển trừ được năng lập, bởi vì nghiệp lực thì không có tính cách ngăn chận.

3. Câu bất khiển: Cũng lập tôn và nhân như vậy, nhưng đối với

“Bĩ hữu luận” mà nói như hư không. Tuy nhiên, hư không không khiển trừ được tính thường còn trong sở lập (Tôn) và tính không có tính chất ngăn chận trong năng lập (Nhân), vì hư không vốn là thường còn và không có tính chất ngăn chận.

4. Bất ly: Nghĩa là cũng lập tôn và nhân như trên nhưng lại nói: như cái bình vì thấy nó có tính cách vô thường và có tính chất ngăn chận.

5. Đảo ly: Cũng tôn và nhân ấy nhưng lại nói rằng những gì có tính chất ngăn chận đều là vô thường (nói như thế là phạm lỗi đảo ly).

Như vậy, những phần nói về Tợ tôn, Tợ nhân, Tợ dụ như ở trên không phải là năng lập đúng đắn.

Lại nữa, tự khai ngộ cho chính mình. Nên biết rằng tự khai ngộ cho chính mình chỉ có hai phần:

  1. Hiện lượng.
  2. Tỷ lượng.

Trong đây hiện lượng là vô phân biệt, nghĩa là có chánh trí đối với nghĩa của các sắc, lìa các danh chủng sở hữu phân biệt và hiện hiện phân biệt cho nên có tên là hiện lượng.

Nói tỷ lượng nghĩa là dựa vào các tướng để quan sát nghĩa lý. Như trước đã nói, tướng gồm có ba loại, do ba tướng ấy làm nhân, từ nghĩa lý được so sánh mà có chánh trí phát sinh, biết rõ chỗ ấy là có lửa, là vô thường v.v… đó gọi là tỷ lượng. Trong hai lượng này, thì chánh trí gọi là quả. Thân chứng được tự tướng các pháp, nghĩa là do có tác dụng mà hiển hiện cho nên cũng gọi là lượng.

Khởi lên trí phân biệt, ở nơi nghĩa lý hiểu khác đi gọi là tợ hiện lượng, nghĩa là do trí phân biệt sanh khởi mà biết cái bình, cái áo v.v… Nhưng do vì đối với nghĩa trí không trực tiếp lấy tự tướng làm cảnh giới xem xét cho nên gọi là Tợ hiện lượng.

Nếu nhân tương tợ mà trí trước đã khởi, y cứ vào nghĩa đó để trí xem xét, cho nên có tên là Tợ tỷ lượng.

Tợ nhân cũng có nhiều loại. Như trước đã nói, dùng nó làm nhân để so sánh tương tợ mà sanh ra sự hiểu biết không đúng đắn, nên gọi là Tợ tỷ lượng.

Lại nữa, nếu đúng đắn chỉ bày chỗ sai lầm của phía năng lập thì gọi là năng phá, nghĩa là trước hết chỉ bày ra chỗ sai lầm, khiếm khuyết của phía năng lập, sau đó chỉ ra tính chất bị lỗi của tôn được lập, tính bất thành lập, tính bất định, tính tương vi của nhân và tính chất bị lỗi của dụ. Nói lên những phần này nhằm để khai mở đối với người hỏi, cho nên gọi là năng phá. Nếu nói không đúng đắn, rõ ràng được lỗi của phái năng lập thì gọi là Tợ năng phá. Có nghĩa là ở nơi năng lập đầy đủ lại nói là khuyết giảm, tôn không lỗi lại nói là có lỗi, nhân thành tựu lại nói là không thành, nhân quyết định lại nói là bất định, nhân không tương vi lại nói là tương vi, dụ không lỗi lại nói là có lỗi. Vì không thể chỉ bày được chỗ sai lầm ở tôn người khác, do bởi tôn họ không lỗi, cho nên gọi là Tợ năng phá.

Như vậy xem như đã tạm trình bày xong.
Sơ lược nghĩa cú đã trình bày
Dùng làm khuôn mẩu luận về sau
Những là phải trái trong đây nói
Nơi khác, phần riêng biện rõ hơn.