LUẬN KINH KIM CANG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT PHÁ THỦ TRƯỚC BẤT HOẠI GIẢ DANH
Tác giải: Bồ-tát Công Đức Thí
Hán dịch: -Đời Đường Sa-môn Địa Bà Ha La
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN THƯỢNG

Cúi lạy bậc Ngộ pháp chân thật,

Đã lìa phân biệt và hí luận,

Nhằm khiến thế gian vượt bùn lầy,

Từ chỗ không lời Ngài giảng nói.

Mọi tà luận ngoại đạo tạo tác,

Với mọi chấp sai lầm của họ,

Dù khó phá Kim Cang cũng đoạn,

Con hết lòng hướng pháp môn này.

Bao lời văn nghĩa lý sâu dày,

Trí thế tục không thể nào hiểu,

Nêu dụ dạy con và chúng sinh,

Chúng Bồ-tát chân thành kính lạy.

Tất cả giáo pháp Phật nói ra đều quy về hai đế. Ấy là Tục Đế và Chân Đế. Tục Đế, là gọi cho tất cả các phàm phu Thanh văn, Độc giác, Bồ-tát Như Lai… cho đến các danh nghĩa, nghiệp quả của cảnh trí và các thứ liên hệ với nó.

Chân Đế, tức là mọi thứ đều không nắm bắt được. Như nói Đệ Nhất Nghĩa, thì đó không phải là chỗ của trí hoạt động, huống là lời lẽchữ nghĩa, cho đến quả không nghiệp; qủa không nghiệp, đó là chủng tánh của Thánh nhân (chư Phật). Thế nên, trong Bát-nhã Ba-la-mật này nói bố thí không trụ tâm. Tất cả pháp đều không tướng, không thể chấp, cũng không thể nói. Pháp sinh ra vô ngã, cũng không nắm bắt được, không có người chứng quả, không có việc được thành tựu, không từ đâu lại, cũng không đi về đâu v.v… Đó là giải thích về Chân đế.

Lại nói bên trong, bên ngoài, thế gian và xuất thế gian; tất cả các pháp tướng và mọi công đức…, tất cả những thứ đó là lập nên từ Tục Đế. Nên biết như thế.

“Tôi nghe như vầy…” Là chỉ rõ kinh nầy, do chính Thế Tôn hiện đã giác ngộ nói ra, chẳng phải là tự đặt.

“Một thuở nọ”, tức là lúc nói kinh này. Còn các kinh khác, thì cũng nói như vậy với vô số kinh khác. Tại thành Xá-vệ v.v… là nói về nơi chốn, biên chép những nghĩa lý nào, có lợi ích cho chúng sinh.

Lợi ích thế nào? Là khiến ai nấy đều biết chỗ Phật đã dừng nghỉ ở đó, để phát sinh lòng tôn kính thanh tịnh, gieo trồng các nhân lành phước đức.

Ở đầu của tất cả kinh, đều nêu rõ số chúng nghe pháp, là nói điều gì? Tức là nói đến đại oai đức của Như Lai “Lại kết tập” (hội họp), là để chứng minh, những điều truyền lại ở đây không khác với lời Phật đã nói. Trong các Kinh Đại thừa, thường nói rộng về công đức của Bồ-tát và Thế Tôn. Tu-bồ-đề đã sinh lòng tin thanh tịnh đối với kinh pháp này, thế nên nói là rất hiếm có v.v… Trong đó, đức Thế Tôn đã nói, làm thế nào để trừ sạch vĩnh viễn bốn thứ ma sợ hãi.

“Thiện Thệ”, tức là đối với Đệ nhất Nghĩa, tất cả các pháp đều không nắm bắt được, chỉ khi nào tự chứng thì sẽ biết rõ.

“Như Lai”, là phải trải qua ba lần vô số kiếp, phước đức và trí tuệ được vẹn toàn đầy đủ, mãi như thế mà lại thành Chánh Giác. “Ứng”, là tất cả phiền não, oán hờn, đã dứt hẳn. “Chánh”, nghĩa là chẳng điên đảo. “Đẳng” (bậc), có nghĩa là trùm khắp và đầy đủ. Thế nên gọi là Chánh Đẳng Chánh Giác.

Hộ Niệm có hai thứ:

1. Là được Như Lai thâu nhận khiến ngộ được lý chân thật về Hộ niệm.

2. Là giáo hóa-cứu độ vô lượng chúng sinh, đó là Hộ Niệm bậc nhất.

Đã biết Hộ niệm rồi, còn Phó chúc là thế nào? Vì có nhiều người chưa thấy được Lý chân thật. Ở đây cũng có hai: Là Bồ-tát ở khắp thế gian, sẽ được thành Như Lai, có Thể tướng được tôn quí nhất. Như thế mà khen ngợi, dặn dò, các Thiện tri thức, khiến họ coi sóc hộ trì cùng khiến cho những ai đối với Phật pháp đã phát sinh, thì được trụ-chứng và có thêm nhiều sự dạy bảo khuyến khích. Còn những ai chưa phát sinh được pháp thù thắng, thì khích lệ-dạy dỗ cho họ được sinh. Đó là Phó chúc bậc nhất.

Lại vì lý do gì mà xả bỏ để thấy chân thực, khen ngợi điều chưa thấy? Vì thương xót đám người chưa được trí tuệ thù thắng và các pháp lành, để khuyên răn-dạy bảo khiến cho họ hăng hái mạnh tiến.

Các thiện nam thiện nữ, phát tâm hướng về quả vị Bồ-tát vv, tức là khéo hộ niệm và phó chúc cho các Bồ-tát hướng về quả vị Phật.

Nên trụ như thế nào v.v…? Trụ như thế nào? Tức là đối với các hình tướng của quả báo, tâm trụ vào đó để mong ước. Tu hành như thế nào?

Nên tu những hạnh nào, để được quả ấy. Hàng phục tâm như thế nào? Tức là phải hàng phục, phải làm chủ những tâm nào, khiến cho nhân được thanh tịnh? Thường thì các pháp trước là nói nhân, sau mới nói quả. Tại sao ở đây lại nói quả trước? Vì khen ngợi công đức của quả trước, sẽ khiến mọi người vui mừng, hăng hái tiến tu nhân ấy.

– “Lắng nghe”, là chú tâm vào một chỗ. “Thiện” là đối với thật lý của chánh pháp, tin tưởng không chút nghi ngờ. “Nghĩ nhớ”, là kính cẩn giữ mãi không quên. “Nên trụ như thế” v.v… là tuần tự thứ lớp, đối với quả như thế, mà trụ tâm vào đấy. Tu những hạnh như thế, thì tức khắc sẽ chứng được quả vị đó, sẽ đạt được kết quả đó. Phải hàng phục, tâm mình như thế tức là đã tạo nhân thanh tịnh.

Ở đây, chỉ rõ quả vị Bồ-tát có bốn thứ tâm tương ưng lợi ích, đó là:

  1. Vô biên
  2. Tối thượng
  3. Ái nhiếp
  4. Chánh trí.

Thế nào là tâm Vô biên? Kinh nói: Hết thảy các loài chúng sinh, v.v… Nói loại chúng sinh, nghĩa là có hơi thở-gió-có tình thức-có tri giác. Là sao? Tức là các loài đẻ trứng như chim v.v…, loài thai sinh như người v.v…, loài thấp sinh như các loại côn trùng v.v…, loài hóa sinh như các Trời v.v.. Bốn loài chúng sinh đó, ở chỗ nào và lấy cái gì làm thể? Kinh nói: “Hoặc có sắc, hoặc không sắc.” Có sắc nghĩa là có hình dạng, Vô sắc nghĩa là không có hình dạng. Chúng sinh đều được gồm thâu hết trong ba cõi. Hữu hình (có hình dạng) nghĩa là hai mươi chỗ y chỉ (nương tựa dừng trụ) của cõi Dục. Mười bảy chỗ y chỉ của cõi Sắc. Vô hình (không có hình dạng) đó là cõi vô sắc, ở đó lại có biết bao nhiêu thứ. Kinh nói: Hoặc có tưởng, hoặc không có tưởng, hoặc chẳng phải có tưởng, chẳng phải không có tưởng…

“Có tưởng”, tức là Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, là nơi khởi lên tưởng Không và tưởng Thức (biết).

“Không tưởng”, tức là Vô sở hữu xứ, lìa chút ít các tưởng, nên gọi là Không tưởng.

Chẳng phải có tưởng, chẳng phải không tưởng, tức là thuộc về Hữu đảnh, hết thảy khối chúng sinh đó, ta đều nhiếp thọ (thâu nhận dạy dỗ) như vậy.

Thế nào là tâm cao tột? Kinh nói: “Ta đều khiến cho nhập vào Niết-bàn Vô Dư, mà diệt độ”.

Niết-bàn Vô Dư là nghĩa thế nào? Tức là hiểu rõ các pháp không sinh, tánh nó là không, dứt hẳn tất cả các hoạn nạn, khổ não về các uẩn. Có vô số vật dụng hiếm có, công đức thanh tịnh, sắc tướng toàn vẹn trang nghiêm, luôn làm lợi ích rộng khắp quần sinh, để có được các nghiệp quả nhiệm mầu vô tận.

Thế nào là tâm Ái nhiếp? Kinh nói: “Như thế là đã diệt độ vô lượng chúng sinh, nhưng thật ra không có chúng sinh nào được diệt độ cả.” Nghĩa nầy là thế nào? Tức là Bồ-tát từ bi, thương yêu tất cả chúng sinh như chính thân mình. Chúng sinh đã diệt độ, tức là chính ta diệt độ chứ chẳng phải ai khác, thế nên gọi là ái nhiếp.

“Nếu nhập vào sơ địa đệ nhất nghĩa v.v…” thì các Bồ-tát không còn ý tưởng chúng sinh, vì tất cả chúng sinh không thể nắm bắt được, như người tu hành đến quả Dự lưu không khởi thân kiến, chứ không phải Bồ-tát kia thấy có một chúng sinh nào để ta cứu độ cả!

Thế nào là tâm Chánh trí? Kinh nói: “Nếu có ý tưởng về chúng sinh, thì không được gọi là Bồ-tát v.v..”

Nếu không gọi là Bồ-tát thì gọi là gì? Gọi là phàm phu. Tại sao? Vì Bồ-tát đó hãy còn mê muội ở Đệ Nhất Nghĩa, mà khởi lên các tưởng về Ngã, tưởng về chúng sinh, tưởng về mạng, tưởng về kẻ thọ giữ.

“Nếu chứng chân thật đệ nhất nghĩa”, tức là nhất quyết không hề sinh ra các tưởng chúng sinh, tưởng ngã v.v.. Vì chính ở đây, đã nhờ sức Bát-nhã mà chứng được Đệ Nhất Nghĩa. Như thế thì tất cả chúng sinh đều không thể nắm bắt được. Chỉ vì tâm đại từ bi, mà Bồ-tát luôn theo đuổi chúng sinh, sống trong sinh tử, tùy theo hoàn cảnh, trình độ, cơ duyên, mà giảng nói pháp mầu, cứu độ họ. Đó là bốn kết quả lợi ích chúng sinh, nên theo Tục đế mà trụ tâm mình vào đó. Đây là bốn thứ tâm, nhân quả đều đã đầy đủ, lần lượt nên chỉ bày.

Thế cho nên kinh nói: Lại nữa, nầy Tu-bồ-đề! Bồ-tát không nên trụ vào sự việc mà làm Bố thí v.v… Trong thí là bao gồm cả sáu pháp Ba-lamật. Thí gồm có ba thứ gồm thâu cả sáu pháp. Những gì là ba? Một là Bố thí của cải, tiền bạc. Hai là Bố thí sự không sợ hãi. Ba là Bố thí pháp.

Của tiền gồm trong Đàn-na Ba-la-mật. Còn Bố thí về sự không sợ hãi thì gồm trong hai thứ: Thi-la (giới) và Sằng-đề (nhẫn) Ba-la-mật, tức là đối với việc ác, chưa hay đã sinh thì sẽ không còn sợ hãi nữa.

Về Bố thí Pháp, thì gồm cả ba pháp Ba-la-mật khác. Như siêng năng, chẳng lười nhác sẽ giúp ta có được các thần thông, hoặc như việc giảng nói cho người không nắm bắt được pháp hoặc là diễn giải cho mọi người khác hiểu biết tất cả các pháp Ba-la-mật… đó đều là Pháp thí cả.

Các việc đó là gì? Tại sao không trụ vào các việc đó? Là vì chính nơi thân mình, luôn luôn xảy ra biết chừng nào các việc vui buồn khổ. Không trụ vào, tức là tâm không mê đắm, vướng víu vào đó. Không chỗ trụ, tức là chẳng mong cầu sự đền ân.

Chẳng trụ vào sắc, thanh v.v… là tâm không mong cầu có được cảnh-vật đúng với ý mình. Bởi nghĩa gì, mà chẳng nên trụ? Là vì, khi lòng dạ chỉ toàn nghĩ về mình, thì không thể Bố thí được. Nếu Bố thí mà còn mong cầu, thì làm hư mất tâm Bồ-đề. Còn như “chẳng trụ vào sự việc”, nghĩa là nếu căn cứ vào việc Bố thí vật chất, tiền của, mà nói, thì khi gọi là Bố thí, tức là đối với các vật đem cho sẽ không còn ham thíchmê đắm nữa, vì nếu yêu mến nó mà đem cho đi, thì lòng dạ sẽ khổ sở, hoặc khi cho rồi sẽ rất hối tiếc; cho nên không cần phải trụ vào đâu là vậy. Còn nói về việc Bố thí sự không sợ hãi, tức là các Bồ-tát, khi tu hạnh Nhẫn nhục và Trì giới, không nên sinh tâm cầu mong quả báo, chẳng nên trụ nơi Sắc v.v.… Nói về Pháp thí, nó có hai loại quả báo, tức là quả báo ở hiện đời và quả báo ở đời khác; trong cả hai thứ đó, đều không hề ham thích, mê đắm. Quả báo hiện đời là thọ hưởng đầy đủ những sắc

v.v… năm cảnh. Ý ở đây là thế nào? Tức là người thuyết pháp, sẽ được mọi người tôn kính-quí mến, rồi đem tất cả mọi thứ đẹp đẽ về sắc chất vv… như ca múa âm nhạc-hương hoa-thức ăn uống-y phục… đến cúng dường. Còn quả báo ở đời khác, căn cứ vào pháp cảnh mà nói. Thế nào là ở trong đó mà không trụ? Là khi các Bồ-tát chứng pháp chân thật, thì ngay cả pháp thân, cũng không nắm bắt được.

Thế nào là tu sáu hạnh Ba-la-mật, để được nhân thanh tịnh? Kinh nói: “Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát nên như thế mà Bố thí, tức là chẳng trụ vào tưởng của các tướng v.v…” Đấy có nghĩa gì? Tức là Bồ-tát, khi ở trong Đệ Nhất Nghĩa, thì người cho-người nhận-vật đem cho, các tên gọi-hình ảnh những thứ đó ở trong trí hoạt động, không sinh ra các ý tưởng nào cả. Ấy là làm chủ tâm mình, để có nhân thanh tịnh.

Hoặc có kẻ bảo: Việc Bố thí sẽ được phước đức; vậy khi làm những việc Bố thí mà không mong phước, sẽ có tai họa sao? Vì lời nói đó thuộc về Đệ Nhất Nghĩa, tức là chẳng trụ nơi tưởng, cứ theo Tục đế mà làm việc Bố thí, thì được phước rất nhiều, khó có thể tính lường được, như khoảng không gian khắp mười phương mênh mông vô tận vậy, nhân trước kia đã gây tạo được phước đức, thật đáng ca tụng khen ngợi!

Ở đây nói là làm sao hàng phục tâm mình để các tưởng đừng sinh ra. Khi các tưởng ấy không sinh, thì việc Bố thí mới thật là thanh tịnh. Do nhân thanh tịnh, nên có phước vô biên.

Tất cả các đoạn kinh văn vừa xem qua, đều có hỏi đáp, để dẹp bỏ các thắc mắc, nghi ngờ và nói về uy lực của phước đức khi thọ trì chánh pháp. Vì uy lực phước đức ấy, giúp thành tựu tất cả các pháp tu hành. Người tu hành tha hồ tự tại, vì nhân quả ấy luôn luôn là tướng thanh tịnh. Tất cả chúng sinh và Như Lai, đều nằm trong cảnh giới Phật tánh, đều thấy được tướng của pháp giới, pháp thân Phật. Không trụ ở Niết-bàn mà quán sát các pháp Hữu vi, như Thế Tôn đã nói.

Tôn Giả Tu-bồ-đề có nghi hỏi: Bạch Thế Tôn! Nếu Bồ-tát khi Bố thí, pháp cũng chẳng trụ thì làm sao thấy được thân tướng đẹp kia mà làm việc Bố thí? Với thân tướng trăm phước và vô số công đức pháp tụ họp lại, mới gọi là Thế Tôn. Nếu không trụ ở pháp, thì làm thế nào, mà thành được thể tướng của chư Phật? Để giải trừ điều nghi này, nên kinh nói: Này Tu-bồ-đề! Ông nghĩ sao? Có nên lấy tướng thành tựu mà nhìn thấy Như Lai chăng? Thưa không, Bạch Thế Tôn! v.v… Vì tướng thành tựu là vô thường. Như kinh nói: Phàm những vật nào có hình tướng đều là hư vọng cả. Các tướng chẳng phải tướng, mới chẳng phải hư vọng.

Chẳng phải hư vọng là chân thật. Vì chân thật nên gọi là Như Lai. Nếu còn các tướng thì đó là lừa dối và không thật. Như kinh nói: Hãy nên lấy cái tướng chẳng phải tướng mà nhìn thấy Như Lai. Tức là cái tướng tìm cầu, ước muốn về cái không nắm bắt được. Phải nên xa lìa sự mong cầu về quả báo; cả đến pháp thân cũng không có chỗ nắm bắt; cứ mãi mãi như vậy, chẳng trụ vào đâu mà Bố thí, thì đối với Phật thân chắc chắn sẽ nhanh chóng được hoàn thành.

Tu-bồ-đề lại còn nghi ngờ hỏi: Nếu như xem ba thứ Bố thí đều không có chỗ đạt được, mới là nhân thanh tịnh, hiểu rõ các tướng tánh của nó là không, là quả chân thật, thì đối với đời sau, có ai sẽ tin tưởngưa thích, đem không không mà nói như cô gái đá chăng? Thế nên hỏi: Lại có chúng sinh nào ở đời vị lai, sau năm mươi năm, lúc pháp sắp diệt mất, nghe kinh này có sinh thật tưởng không? Để xua tan ngờ vực đó, nên kinh nói: Này Tu-bồ-đề! Chớ nên nói thế! Sau năm mươi năm, là người sống khoảng trăm năm, đem chia làm hai phần, năm mươi năm đầu, sức giáo hóa còn mạnh mẽ, càng về sau sẽ suy yếu dần. Sau khi Phật nhập Niết-bàn, thì gọi là đời vị lai. Khi đó, là lúc chánh pháp sắp hết, sức giáo hóa yếu dần, nên mới nói là sau năm mươi năm.

Bồ-tát Ma-ha-tát nghĩa đó là gì? Là Bồ-tát có quyết tâm, hướng đến quả Bồ-đề và Ma-ha-tát là nguyện làm lợi ích cho tất cả chúng sinh.

Vì sao có tên Thi-la? Là ở đời quá khứ, thấy vô lượng chư Phật thì đều đến cúng dường. Cúng dường có ba thứ: Một là hầu hạ ở bên cạnh; Hai là cung phụng các thứ cần thiết luôn sẵn sàng và đầy đủ; Ba là hỏi han, thừa hành các pháp yếu để có thể giữ gìn, bảo hộ lời răn dạy nên gọi là Thi-la. Cũng gọi là luôn luôn giữ gìn, kìm hãm tốt sáu căn. Có ba thứ Thi-la:

Một là Thi-la lìa bỏ, tức là lìa bỏ mười nghiệp ác.

Hai là Thi-la hay làm, tức là vui thích, tu các hạnh nghiệp của đạo Bồ-đề.

Ba là Thi-la tiến lên chứng Đệ Nhất Nghĩa.

Thế nào là người có công đức? Tức là người gieo trồng ba căn lành: Không tham sân si vv …, thực thà, ngay thẳng dịu dàng và trí tuệ, từ bi vv.., đó gọi là công đức.

Thế nào là người có trí tuệ? Tức là hiểu rõ ngã và pháp, hai thứ đều không. Nên hiểu biết như thế để lìa bỏ tám tưởng của ngã và pháp. Mỗi loại có bốn thứ tưởng.

Lìa ngã tưởng. Kinh nói: Thế cho nên các Bồ-tát không có ngã tưởng, không có tưởng chúng sinh, không có tưởng thọ mạng, không có tưởng chấp giữ. Đây có nghĩa gì? Khi có dụng ý gì về chủ tể, thì gọi là Ngã. Chú ý quan sát kỹ lưỡng, sẽ thấy rõ các uẩn không có thể tướng riêng, không có Ngã tưởng an trú ở thường tánh nên gọi là chúng sinh. Các uẩn là vô thường, liên tục biến đổi-chuyển dời, không có một pháp nào có tánh nằm yên mãi, cho nên không có tưởng chúng sinh. Như kinh nói: Các ông thấy rõ trong từng sát-na, đều có đủ sinh-già và chết, nên không có tưởng mạng. Các uẩn luôn tuần hoàn, nhận chịu cảnh sống trong các cõi khác nhau nên gọi là thủ uẩn, trong đó không có người nào có thể giữ lấy các cõi, mà phải bỏ các uẩn của đời hiện tại, để nhận lấy các uẩn ở đời sau, cũng như bỏ áo cũ và mặc áo mới vào, song phải nương vào Tục Đế. Ví như do tính chất của nhân, mà có hình thù kiếp sống hiện ra, tính chất không đến với hình tượng; nhưng vẫn có hình tượng hiện ra. Do có uẩn đời trước mới có các uẩn ở đời sau, nối tiếp sinh ra mãi. Cái trước chẳng trực tiếp đến với cái sau, nhưng cái sau vẫn có sự tiếp tục. Thế nên các Bồ-tát không có tưởng chấp giữ. Đấy gọi là hiểu rõ Ngã là tánh vô ngã.

Lìa các pháp tưởng (tưởng về pháp), kinh nói: “Không có pháp tưởng, cũng không phi pháp tưởng, không tưởng cũng không phi tưởng”. Đây là sao? Vì pháp Đệ Nhất Nghĩa xưa nay vốn không sinh, cho nên không có pháp tưởng. Vì chẳng có sinh cho nên cũng chẳng có diệt, do vậy cũng không có tưởng phi pháp. Khi đã phân biệt mà lìa pháp và phi pháp rồi, nên gọi là không có tưởng. Các không tưởng nói ở đây, là để chỉ rõ cái không có tưởng, chứ chẳng phải có pháp mà gọi là phi tưởng (chẳng phải tưởng). Lại nữa, Đệ Nhất Nghĩa là lìa tất cả các tưởng, nhưng tùy thuận cách nói năng ở thế gian, nên nói là có tưởng. Thế nên các Bồ-tát cũng chẳng phải là không có tưởng. Đấy gọi là hiểu rõ tính chất của pháp vô ngã. Vì sao chỉ nói có Thi-la trì giới, gieo trồng các căn lành, mà có thể khởi lòng tin sâu xa vào trí tuệ, thấy rõ pháp chân thực và phát sinh thật tưởng?

Vì Thi-la (giới) gồm thâu hết thảy tất cả các công đức.

Lại do nghĩa nào mà nói: Với tri kiến khiến cho các Bồ-tát có lòng hăng hái mạnh mẽ? Kẻ ấy bảo: “Tôi nay đã tin hiểu được Tri kiến của Như Lai, nên có thể chuyên cần tu hành các pháp lành”.

Tại sao lại nói cả hai thứ Biết và Thấy (tri kiến)?

Là vì muốn nói rõ về Nhất Thiết Trí. Nghĩa là sao? Vì với Nhất Thiết Trí, thì đối với mọi cảnh giới tự nhiên hiện ra rõ ràng trước mắt và biết liền, không như cái trí biết thường là phải so sánh, thấy khói mới biết là có lửa, nên không thể thấu suốt được sự khác nhau của các tướng. Nó cũng không phải như mắt thịt, chỉ thấy được những vật to lớn gần gũi, còn những chướng ngại vi tế hoặc việc ở xa xôi thì không thể nào biết được, chỉ có cách nói theo việc hoặc nói như vậy.

Nếu các Bồ-tát khởi lên các Ngã tưởng và các pháp tưởng, thì có lỗi lầm gì? Vì nó sẽ là nguyên nhân sinh ra các ngã chấp.

Vì sao các ngã tưởng sinh ra các ngã chấp? Vì nếu sinh ra các chấp này thì tức là có các tưởng ấy.

Thế nào là các pháp tưởng sinh ra các ngã chấp? Vì ngã và ngã sở trong uẩn khởi lên các tưởng pháp và tưởng phi pháp, chẳng phải là cái vô ngã của cây đá vv….

Kinh nói: “Chẳng nên chấp pháp, chẳng nên chấp phi pháp” Đó là nghĩa gì? Tức là phải lìa bỏ cả hai bên, pháp và phi pháp. Vì pháp có đủ tánh tướng còn không nên chấp, huống là phi pháp, vốn không có tánh tướng.

Còn về “không phân biệt” là lành, như pháp mà còn chẳng chấp, huống là chẳng lành và phi pháp? Hoặc nghĩ: Chẳng lành thì không nên chấp, tại sao lại chẳng chấp pháp lành? Nếu pháp lành cũng chẳng chấp, thì tại sao Phật phải trải qua ba vô số kiếp, chứa nhóm các tư lương? Thế nên kinh nói: Vì nghĩa đó, nên Như Lai thường nói: Thí dụ như chiếc bè. Nói pháp còn phải bỏ, huống là phi pháp, là nghĩa thế nào? Tức là muốn sang sông trước hết là phải nhờ thuyền bè, khi đã đến bờ kia rồi thì phải bỏ bè mà đi. Thế Tôn cũng thế, muốn độ các ngu khổ kia thì phải mượn nhờ thuyền bè là tư lương phước đức, để vượt qua tất cả quả khổ, lên bờ Niết-bàn, cái nhân vui còn phải lìa bỏ, huống là nhân khổ, như kinh Tượng Hiếp nói: Nếu ra khỏi sinh tử, chứng vào cảnh giới Niết-bàn, thì Ái chẳng phải là quả của Ái và pháp cũng chẳng phải là nhân của pháp, vì tất cả đều phải bỏ.

Lại có nghi: Nếu khi chứng quả mà pháp và phi pháp đều xả bỏ, thì vì sao Như Lai, lại dùng một niệm tương ưng với Chánh trí, để hiện biết các pháp, mà nói là có pháp? Để giải nghi ngờ này, nên kinh nói: “Này Tu-bồ-đề! Ông nghĩ sao? Như Lai có chứng được Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng không? Như Lai có nói pháp không v.v… Là có ý nói về nghĩa gì?

Đây là chỉ rõ Thế Tôn đã chứng cái chân thật là không có pháp nào có thể chấp lấy. Nói các pháp, đấy là tùy thuận theo thế tục mà nói, chứ không phải là Đệ Nhất Nghĩa. Nếu pháp và phi pháp đều không có chỗ chấp lấy, tức là dựa vào Tục đế mà nói, tên Bồ-đề cũng chẳng phải là vật thật. Như đã nói ở Đại Phạm thiên, chư Phật Như Lai chứng Bồ-đề, gọi đó là không có chỗ chứng đắc. Nếu không có chỗ chứng đắc, tại sao Như Lai có các việc đã làm?

Ấy là vì bản nguyện của Như Lai. Mọi lúc mọi nơi đều làm lợi ích cho quần sinh. Khi ta đã thành Chánh Giác thì lìa các phân biệt, không còn khởi niệm nữa, cho đến các chúng sinh vẫn còn trong Sinh Tử thì tùy theo chủng loại, sự ưa thích chẳng giống nhau, hình dạng-tiếng nói mà ứng hiện khác nhau. Nhưng đối với các pháp tánh, đều không nắm bắt được. Đó là chứng được Bồ-đề, cũng gọi là pháp thân. Pháp thân Bồ-đề là không nắm bắt được. Tuy không khởi niệm, nhưng vì các nguyện lực vẫn như xưa, nên có vô biên sắc màu-dáng vẻ trang nghiêm cho thân Như Lai và biến hiện đi khắp mười phương cõi nước, vẫn không chướng ngại. Hễ ai có thấy- nghe, đều được lợi ích lớn.

Tôn giả Tu-bồ-đề, vì nhờ pháp Bồ-đề vô sinh, nên đã ngầm ý đáp: Không có một chút pháp nào mà Như Lai được cả, chẳng phải vì vô sinh mà không chứng quả hiện tiền, như kinh đã nói: Pháp của Như Lai nói đều không thể chấp lấy, cũng không thể nói là chẳng phải pháp cũng chẳng phải phi pháp. Nghĩa là sao?

“Vô sinh” là chẳng phải pháp, cũng chẳng phải phi pháp. Pháp và phi pháp đều là đối tượng của phân biệt cả.

“Chẳng thể chấp lấy, chẳng thể nói”, là không thể lấy và nói được, vì đã chứng cái không nắm bắt được. Như kinh nói: Nhờ tướng Vô vi mà gọi tên là Thánh nhân. Vô Vi có nghĩa là không nắm bắt được. “Tướng vô vi” có nghĩa là tự tánh không nắm bắt được “Thánh nhân”, là người thấy nghĩa chân thật.

Tu-bồ-đề lại nghĩ: Nhờ có Thi-la (trì giới), mà sinh lòng tin sâu sắc vào kinh này, thì phước ấy được bao nhiêu? Thế cho nên sẽ rộng nói về oai lực của sự thọ trì pháp. Kinh nói: “Này Tu-bồ-đề! Ông nghĩ sao? Nếu lấy bảy báu đầy khắp trong ba ngàn đại thiên thế giới đem bố thí … cho đến vì người khác mà diễn nói v.v…!” “Vì người khác giảng nói”, là đối với hai đế, có chỗ nắm bắt được và chỗ không nắm bắt được. Đem chánh lý và pháp lành, mà giảng nói không điên đảo, sai lầm, thì phước này hơn phước Bố thí trước.

Còn vô lượng A-tăng-kỳ, tức là sự suy lường của tâm trí, khi không thể tính lường được. Cả sáu mươi đơn vị tính, cũng không thể nào bằng được một A-tăng-kỳ vậy.

“Khối phước đức, tức chẳng phải là khối phước đức”, nghĩa là số của cải châu báu đem cho tuy nhiều, nhưng so với phước trì kinh thì quá ít. Phước trì kinh mà có được nhiều, là do hai thứ (môn) tạo nên, đó là giáo và lý.

Giáo là gì? Như kinh có nói: Trong các pháp Bố thí, Pháp thí là cao quí nhất. Nay Bố thí châu báu, thì chỉ thuộc Tài thí. Còn Lý là sao?

Nghĩa là: Tài thí thì có được quả báo giàu sang, những vẫn còn ở trong Sinh Tử, bị vô thường phá hoại. Còn pháp thí, có thể tạo nên các công đức rốt ráo, dứt tất cả nhân khổ của sinh tử. Như Kinh nói: “Đạo Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng từ kinh này mà ra, chư Phật Như Lai cũng từ kinh này mà sinh”. Thế nào là xuất và sinh? Tức là y theo pháp môn này, mà tâm không có chỗ nắm bắt để chứng diệu lý Bồ-đề Vô sinh.

Còn nói nghĩa các pháp không sinh, tức là nói về luật nghi (giới luật), vì từ đó mà sinh ra vô số thân phước đức. Do có thân tướng luật nghi, các hạnh nghiệp vẹn toàn, sẽ sinh ra Hóa thân Phật. Vả lại, do nghĩa nào mà Bố thí chỉ được quả vị có nhiều tiền của? Vì đó chẳng phải là nhân của chư Phật.

Kinh nói: “Phật pháp đó, tức chẳng phải Phật pháp, ấy mới gọi là Phật pháp”. Nghĩa ấy là sao? Thể tánh các pháp là không, không có gì.

Đấy là làm sáng tỏ pháp thân Phật.

Tánh mà thấy có tức là chưa ngộ pháp.

Nương theo mật ý này mà nói, chẳng phải Phật pháp là vậy. Nếu biết được giác tánh của không pháp, thì gọi là Phật. Pháp này thì Phật có dư, nhưng người thì không, đó là Phật pháp. Do thọ trì chánh pháp, hiểu được tánh của không pháp, mà làm việc Tài thí, nếu cũng như thế mà làm việc Pháp Thí thì phước sẽ rất nhiều. Đó là nghĩa này vậy.

Lại có nghi: Nếu cái pháp chứng được mà thuộc tánh không có, thì bốn thánh quả làm sao mà thành? Chẳng thấy trong thế gian này lại có việc, không có vật mà có quả bao giờ! Để dẹp nghi này, nên kinh nói: “Này Tu-bồ-đề! Ông nghĩ sao? Quả Tu-đà-hoàn có nghĩ là ta được quả Tu-đà-hoàn không? Tu-bồ-đề thưa không, Bạch Thế Tôn! v.v…

Vì sao gọi là Tu-đà-hoàn? Vì được dự ở nơi không đắc mà vào dòng Thánh. Thế nào là không đắc? Tức là đối với Sắc v.v.. cho đến các cảnh, đều không thủ đắc. Trong mười mà có được năm niệm, là đã thấy được Đạo. Đấy là hướng lên các quả cao hơn, nên gọi là hướng quả. Đến niệm thứ mười sáu thì nói là trụ quả. Người và Trời, hai loại khác nhau, tới kiếp chót sau bảy lần sinh trở lại. Vì sao nói bảy đời? Vì còn dư ra bảy kết. Bảy Kết là gì? Là tham dục, sân giận, ái sắc, ái vô sắc, trạo cử, mạn và vô minh. Từ đây thì vượt khỏi Dục giới, tu hành đoạn trừ các hoặc, cho đến phẩm thứ năm, thì gọi là Tư-đà-hàm hướng quả. Trong đấy có nói hai thứ gia gia, tức là Trời và Người. Trời gia gia, tức là ở cõi trời, hoặc một cõi, hoặc hai, ba cõi. Sau đó, lưu chuyển đổi dời mà nhập Niếtbàn. Còn nhân gia gia, tức là ở cõi Người, hoặc ở châu này hay các châu khác. Các cảnh sống này, lưu chuyển nhập Niết-bàn. Hết phẩm thứ sáu gọi là trụ ở quả này, và còn một lần sinh trở lại ở cõi thế gian. Như thế, lần lượt dứt hết phẩm thứ hai, còn một kiếp nữa, sẽ được nhập Niết-bàn. Đây gọi là A-na-hàm hướng quả. Khi lìa hẳn chín phẩm, gọi là trụ ở quả này và không còn sinh lại cõi Dục nữa. Như thế, lại dứt hết cái dục ở bậc sơ thiền, cho đến phẩm thứ chín Hữu Đảnh, không lúc nào gián đoạn việc hành đạo, khi đó tất cả đều gọi là A-la-hán hướng quả. Đạo Vô gián ở đây, cũng gọi là Định Kim Cang Dụ. Vì có thể dứt hẳn các hoặc, tùy miên và đạt đến đạo giải thoát, nên gọi là tận trí, cùng với quả lậu tận được sinh ra ngay lúc ấy. Như thế gọi là trụ quả A-la-hán. Ở quả vị này thuận theo làm lợi ích cho mình và người khác, do đó được tất cả những kẻ còn tham lam mê đắm quả báo đến cúng dường. Như thế, là cả bốn bậc này, đều không nghĩ ta đã được chứng quả. Vì sao? Vì khi chứng, thì không nắm bắt được…

Như kinh nói: Thật không có pháp nào gọi là Tu-đà-hoàn, cho đến thật không có pháp nào gọi là A-la-hán.

Vì sao lại có ý nghĩ, không muốn được chứng quả vậy? Vì nếu ý niệm ấy sinh ra là có ngã chấp, thì phải lìa bỏ cái thấy có thân và không nên có chấp ấy. Thế cho nên, trước đã nói nhờ tướng Vô vi mà gọi tên là Thánh nhân.

Tướng vô vi có nghĩa là tướng của tánh không?

Trưởng lão Tu-bồ-đề nói mình đã chứng được niệm không. Trưởng lão nói: “Như Lai nói con đã được hạnh Vô tránh đệ nhất, và con là Ala-hán ly dục, nhưng con chẳng nghĩ như thế bao giờ vv…” Nói vậy nghĩa là gì? Nếu Tôn giả Tu-bồ-đề tu hạnh Vô tránh, chẳng ngộ được lý tức không, vì sao Như Lai lại khen là đệ nhất? Nói đệ nhất, ý nói là đã ngộ Lý tức không vậy. Như kinh nói: Vì Tu-bồ-đề chẳng có làm chi cả…

Tránh là sao? Đó tức là phiền não, nếu đã lìa được phiền não, thì gọi là Định Vô tránh. Tu-bồ-đề trụ ở định nầy nên các chướng và tránh đều không có. Theo thế tục mà nói, thì hạnh Vô tránh là hạnh không tranh giành, tranh cãi cùng ai.

Lại có nghi: Nếu hành Dự lưu, chẳng chứng được quả của mình, thì tại sao lại nói: Thế Tôn gặp Phật Nhiên Đăng nên được Vô sinh nhẫn? Để dẹp nghi này, nên kinh nói: Này Tu-bồ-đề! Ông nghĩ sao? Như Lai thuở xưa, ở chỗ Phật Nhiên Đăng, đối với pháp có chỗ nào chấp lấy không? Tu-bồ-đề đáp: Thưa không, Bạch Thế Tôn! Đây chỉ rõ nghĩa gì? Tức là muốn nói, ngày xưa khi gặp Phật Nhiên Đăng, thì Phật đã chứng ngộ vô sinh, nên không có pháp nào có thể chấp lấy. Nói đã được Nhẫn vô sinh, tức là vì Tuc đế. Như nói chứng được quả Bồ-đề, tức là không nắm bắt được. Lại có kinh nói: Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Ta ngồi ở đạo tràng đây, từ không thủ đắc mà khởi lên đạo tràng Kim Cang này. Kinh còn nói: Các pháp ta có đều không nắm bắt được, kể cả Thanh văn, Độc giác cho đến Như Lai.

Hoặc nói: “Ngôn ngữ không thể giữ lấy làm chứng pháp, chẳng phải bậc trí tuệ, thì không nên chấp lấy”. Câu này nói trái ý kinh? Vì kinh nói: Cả Đệ Nhất Nghĩa, cũng không phải là việc làm của bậc trí, huống là văn tự chữ nghĩa. Lại nữa, cảnh biết được (sở tri) của bậc trí, gọi là những điều được giảng dạy, tức giáo pháp. Đây là hai cái khác nhau về sự chứng được của bậc trí, gọi là từ xưa-nay chẳng có thủ đắc. Nói: “Chẳng nên chấp lấy”, có nghĩa gì? Đây hoặc là nói quá giản lược, nên cần phải nói cho đầy đủ, tức là cả các phần của thân thể v.v… cũng không thể chấp lấy.

Lại trong các kinh khác, Thế Tôn tự giải thích: “Ở chỗ Phật Nhiên Đăng, ta được Trí Vô sinh, nên đối với pháp, chẳng có chấp lấy”.

Như kinh ấy có nói: Này Hải Tuệ! Nên biết: Có bốn thứ Bồ-tát; đó là Bồ-tát mới phát tâm, Bồ-tát tu hành, Bồ-tát chẳng thoái chuyển và Bồ-tát Nhất sinh bổ xứ. Trong đó, Bồ-tát mới phát tâm còn thấy sắc tướng của Như Lai. Bồ-tát tu hành còn thấy công đức thành tựu của Như Lai. Bồ-tát bất thoái chuyển còn thấy được pháp thân của Như Lai. Này Hải Tuệ! Còn Bồ-tát Nhất sinh bổ xứ thì chẳng thấy sắc tướng, không thấy công đức thành tựu, không thấy pháp thân. Vì sao? Vì Bồ-tát đó đã dùng Tuệ nhãn thanh tịnh mà quán sát. Phải nương vào trí tuệ thanh tịnh mà trụ, nương vào Trí tuệ thanh tịnh mà tu các hạnh. Tịnh tuệ là không chỗ để hoạt động, cũng không bàn suông, lại không còn là thấy. Vì sao thế? Vì thấy và chẳng thấy là hai phía. Nếu lìa cả hai bên này thì là thấy Phật. Nếu thấy được Phật, tức là thấy được tự thân của mình. Thấy thân thanh tịnh thì thấy Phật thanh tịnh.

Thấy Phật thanh tịnh, là thấy tất cả pháp thảy đều thanh tịnh. Trong đó, trí thấy thanh tịnh, cũng phải thanh tịnh nữa, thì đó mới gọi là thấy Phật. Này Hải Tuệ! Ở chỗ Phật Nhiên Đăng. Ta thấy như thế, nên được Nhẫn Vô Sinh, chứng lý không được của cái không nắm bắt được. Ngay lúc ấy, ta bay vút lên khoảng không, cao đến bảy cây Đa-la, Trí Nhất Thiết Trí đều sáng rỡ, hiểu biết khắp tất cả. Khi đó, mọi loại thấy đều dứt hết, vượt lên trên mọi phân biệt, như phân biệt về khác nhau, phân biệt về biến khắp, nhưng chẳng trụ vào cảnh giới của tất cả thức, đạt được sáu vạn pháp Tam-muội. Đức Phật Nhiên Đăng liền thọ ký cho Ta: “Ở đời vị lai, ông sẽ được thành Phật hiệu là Thích –ca-mâu-ni.” Tiếng (lời) thọ ký ấy chẳng đến tai ta, cũng chẳng phải đó là sự hiểu biết của các trí khác, lại cũng không phải lúc ấy ta mê mờ hồ đồ chẳng biết chi… Song, rõ ràng lúc này là không có gì nắm bắt, mà cũng không có ý tưởng gì về Phật, không có tưởng về ta, không có tưởng về sự thọ ký và lời thọ ký, cho đến nói rộng… Nói “không tưởng”, đó là chỉ bày sự chứng trí, không có chỗ chấp lấy. “Tưởng”, tức là các tâm pháp, chứ chẳng phải lời nói. Nên biết đây là nói các cảnh của trí. Thế nên nói dùng Tuệ nhãn thanh tịnh mà quán sát là vậy.

Còn về “vô sinh nhẫn”, tức là tâm pháp, chẳng phải là pháp về lời nói. Lại nữa, chứng cái không được của không chỗ nắm bắt được”, là vì với các pháp, tánh là không, nên không thể chấp lấy được, cái lý không được ở đây lại còn có thể được sao? Vả lại, đã đoạn dứt các loại thấy, vượt lên trên mọi phân biệt và mọi phân biệt về kiến phẩm, vì pháp trí không phải là lời nói. Lại nữa, chẳng trụ vào cảnh giới của tất cả thức, cũng không nói không trụ vào cảnh của tất cả lời nói. Lúc đó, không có chỗ chấp nào là cảnh giới của trí. Vậy tại sao các sư khác lại nhất định bảo, đó là lời khuyên ngăn?

Lại có nghi: -Nếu trí cũng không thể chấp lấy các pháp của chư Phật, thì làm thế nào, các Bồ-tát dùng được trí để giữ lấy các công đức của cõi Phật, để phát khởi thệ nguyện? Để trừ nghi này, nên kinh nói: “Này Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát nói là ta có thành tựu trang nghiêm cõi Phật, thì người ấy chẳng nói thực v.v…” Các thứ vật dụng-châu báu đẹp đẽ-kỳ lạ, làm vui lòng người, gọi là trang nghiêm, nó có thể tướng màu sắc; tính chất, v.v.. Đối với Đệ Nhất Nghĩa thì không nắm bắt được, nên nói chẳng phải là trang nghiêm. Còn theo Tục Đế, dùng trí thành tựu gọi đó là trang nghiêm. “Bồ-tát nên như thế mà không sinh”, tức là đã có tâm trụ vào đó, cho là ta đã làm, ta đã thành tựu… các trụ tâm như thế, không nên khởi lên.

“Chẳng nên trụ vào sắc, thinh v.v… mà sinh tâm”; tức là đối với Sắc, Thanh v.v…thì đừng nên mong cầu quả báo của nó.

“Nên không trụ vào đâu mà sinh tâm”, là vì trí thành tựu mà chẳng trụ, hãy nên sinh tâm như thế.

Lại có nghi: Nếu chẳng chấp lấy tất cả các pháp, thì làm sao chư Phật lại chấp lấy thân tự tại mà biến đầy khắp nơi? Để dẹp nghi này, nên kinh nói: “Này Tu-bồ-đề! Nếu như có người, thân lớn như núi chúa Tu-di v.v…” Dụ này, trình bày sự giống nhau về thân tự tại. Nghĩa nó là thế nào? Tức là núi Tu-di kia, là do các lực cộng nghiệp tạo nên, tuy không có phân biệt, nhưng vẫn có hình thể rất to lớn. Như Lai cũng vậy, trải qua vô lượng kiếp, tu các hạnh nghiệp phước đức, dẫu có được thân to lớn, nhưng không phải do phân biệt mà có.

Lại hỏi: Tại sao Như Lai lại đồng với sự không phân biệt của núi Tu-di? Theo Đệ Nhất Nghĩa thì núi và sắc thân không thể tánh, và hình tướng ấy đều là Hữu vi cả. Như kinh nói: “Vì sao, Phật nói chẳng phải thân, ấy tức là thân”, tức chẳng phải gọi cái có thân đó, bảo là thân to lớn.

Nay chỉ rõ việc thọ trì chánh pháp sẽ được nhiều phước. Thế nên ở đây nói lại thí dụ. Kinh nói: “Như trong sông Hằng, có bao nhiêu cát, và có bao nhiêu sông Hằng, bằng số cát ấy. Ông nghĩ sao? Số cát trong tất

cả các sông Hằng ấy có nhiều không? v.v…”

Dụ về cái lớn hơn này, tại sao không nêu ra trước?

Là vì, các chúng phàm phu, chưa thấy được pháp chân thực, cho nên phải nói nhiều, nói rộng, cho những kẻ sinh lòng tin hiểu, dần dần nghe biết và hiểu, rồi mới sinh lòng tin tưởng. Còn về do thọ trì kinh mà có nhiều phước, là do mười ba thứ nhân duyên mà được thành tựu. Đó là:

  1. Nơi chốn trì kinh được tôn quí
  2. Người trì kinh được tôn kính
  3. Nhân là quí hơn tất cả
  4. Nghĩa của nó cao tột nhất
  5. Là vượt hơn nhiều việc bố thí trong ngoài
  6. Là hơn nhân về sắc tướng của Phật
  7. Là hơn phước việc bố thí thân mạng
  8. Giống như Phật ra đời
  9. Là hiếm được tin hiểu
  10. Là khó có người tu hành
  11. Là Tín tu thì được quả lớn
  12. Là sự tin hiểu thành tựu
  13. Là oai lực cao tột…

Vì sao đức Thế Tôn ân cần nói đến các tướng nhân đó?

Là vì các chúng sinh, thường ham bố thí tiền của để mong được quả báo giàu sang mà chẳng thọ trì chánh pháp, để đoạn dứt các nhân khổ. “Về nơi chỗ được tôn quí”, kinh có nói: Này Tu-bồ-đề! Ở những nơi chốn nào, có nói giảng pháp môn này, dù chỉ là một bài tụng có bốn câu, nên biết chỗ đó tức là tháp miếu Phật.

Người được tôn sùng quí kính, kinh nói: “Phải biết người ấy, đã thành tựu pháp hiếm có cao quí nhất.”

“Nhân quí hơn tất cả”, kinh nói: “Pháp môn này, sẽ gọi tên gì … đến… gọi là Bát-nhã Ba-la-mật vv…”

Nghĩa này thế nào? Vì chư Phật, Bồ-tát nhờ pháp môn Bát-nhã Bala-mật ấy mà được hiểu biết sự cao tột hơn hết cả thế gian và xuất thế gian. Nay pháp môn này, cũng dạy như thế. Làm sao biết được? Như kinh nói: “Tức chẳng phải là Ba-la-mật”. Vậy là sao? Vì công đức của trí tuệ Ba-la-mật thì không thể suy lường được.

Lại còn, “Chẳng phải là Bỉ Ngạn (Ba-la-mật)”, nghĩa là pháp trí của ba cõi có thể suy lường mà biết nhưng không bền chắc, còn bản tánh của Đệ nhất nghĩa là vô sinh, nên mới nói chẳng phải là Ba-la-mật.

Nghĩa ấy là cao tột. Tức là nghĩa lý như thế, không còn nghĩa nào cao hơn nữa. Như kinh nói: “Này Tu-bồ-đề! Ông nghĩ sao? Như Lai có nói pháp không?” Nghĩa này thế nào? Vì trong Bát-nhã Ba-la-mật không có pháp nào nắm bắt được. Thế nên Như Lai cũng chẳng thể dùng văn tự mà nói, chỉ có phân lượng, gọi là Bồ-đề. Như có kinh nói: Vết chim bay qua bầu trời, làm sao nắm bắt được? Tánh Bồ-đề cũng như thế.

Nói “Bồ-tát” là hiểu biết rõ ràng về vô đắc. Vượt hơn tài thí nhiều”, kinh nói: Có bao nhiêu bụi li ti trong cả ba ngàn đại thiên thế giới, số bụi li ti ấy có nhiều không? v.v… Đấy là nêu số bụi li ti trong đại thiên thế giới là rất nhiều, ý muốn đối chiếu để chỉ rõ phước thọ trì kinh, thì số bụi li ti ấy, Như Lai nói chẳng phải là bụi li ti.

Chẳng phải bụi li ti, tức là chỉ rõ nghĩa chẳng nhiều. Nếu vì chẳng nhiều, mà gọi chẳng phải là bụi, thì tại sao lại còn gọi là bụi li ti? Ấy là tự hạn định một phần số bụi li ti của một đại thiên.

Vượt hơn nhiều việc bố thí nội tài, Kinh nói: “Có hết thảy thế giới, Như Lai nói chẳng phải là Thế giới vv…”

Trong đấy, thế giới là chúng sinh giới, mỗi mỗi chúng sinh trong đại thiên thế giới, trong từng sát-na, thở ra hít vào số bụi li ti cũng là nhiều lắm … tức chẳng phải thế giới v.v…là như số bụi li ti.

Hơn nhân về sắc tướng của Phật, Kinh nói: Có thể lấy ba mươi hai tướng đẹp đẽ để thấy Như Lai không? Điều này muốn nói những gì? Đấy là chỉ rõ pháp thân vô tướng làm thể. Như kinh nói: “Ba mươi hai tướng, tức là chẳng phải tướng”. Chẳng phải là tướng. Vì chẳng phải là tướng của pháp thân, nên mới gọi là tướng. Ấy là tướng trượng phu của sắc thân Phật. Các phước thọ trì, là nhân của pháp thân, chẳng phải là nhân của các tướng. Thế cho nên, phước này rất cao cả và đặc biệt.

“Phước vượt hơn cả nội thí (bố thí nhân mạng)”, kinh nói: “Nếu có kẻ thiện nam tín nữ nào, lấy Hằng sa số thân mạng, đem ra bố thí … đến … phước đó hơn phước kia vô lượng A-tăng-kỳ”. Tức là cái nhân của tài thí này, được đánh giá như thế nào đây! Đã bỏ thân mạng mà còn như thế, huống là chỉ Bố thí ngoại tài, đồ vật, tiền bạc!

Thế nào gọi là giống như Phật ra đời, là những kẻ phước mỏng, khó gặp Phật ra đời. Kinh này cũng vậy, người được tham dự nghe kinh này rất ít. Như kinh nói: Bấy giờ, Tu-bồ-đề, được nghe pháp môn này, nên sinh lòng tin hiểu sâu xa, liền buồn khóc-rơi lệ, Tôn giả gạt lệ, bạch Phật: Thật hiếm có! Thưa Thế Tôn! v.v…” Tu-bồ-đề là bậc A-la-hán, theo Phật mà được giác ngộ, với chánh pháp này mà xưa nay còn chưa được nghe, thế cho nên gọi là hiếm có, giống như Phật ra đời.

“Hiếm có người tin hiểu”. Kinh nói: “Nếu có người được nghe kinh này, mà sinh lòng thật tưởng, phải biết là người đó đã có sự thành tựu rất cao tột và hiếm có”.

“Thật tưởng”, nghĩa là khi được nghe pháp môn này, đó mới là nhân cho phước đức rộng lớn vô biên, lại cho đó là thật. Vả lại, việc được nghe kinh này là rất khó, giống như gặp Phật ra đời, cho đó là thật. Lại nữa, được nghe nói: Tất cả pháp vô sinh là không nắm bắt được vv… mà cho đó là thật… Nếu tất cả pháp là vô sinh, thì tại sao lại nói, sẽ sinh thật tưởng? Tuy là sinh thật tưởng, nhưng không hề mất vô sinh. Vì như kinh nói: “Thật tưởng đó, tức là chẳng phải tưởng”.

Thế nên cần biết sinh thật tưởng, tức là nương vào Tục Đế mà nói Đệ Nhất Nghĩa, tức chẳng phải là thật tưởng.

Lại nữa, Tục Đế gọi là thật thật tưởng, tức cái tưởng của Tục Đế.

Người ấy, tuy tin các pháp là vô sinh, nhưng chẳng bỏ pháp Tục Đế, vì thế nên được gọi là hiếm có cao tột nhất.

Rất khó có người tu hành. Kinh nói: “Con nay được nghe pháp môn như thế, mà tin hiểu thọ trì, thì chẳng có khó khăn chi”.

Tín tu thì được quả lớn. Kinh nói: “Các chúng sinh ấy, không có tưởng ngã, tưởng chúng sinh, tưởng mạng, tưởng chủ thể chấp lấy v.v…” Nghĩa nầy thế nào? Vì đối với kinh này, tin tưởng và hành trì, nên rõ biết thân mạng này là tánh vô ngã, nên không sinh tưởng ngã. Vì sao thế? Vì có ngã để chấp, thì từ đó sẽ sinh ra tưởng hay chấp lấy. Tưởng hay chấp lấy đó, nếu theo cách nói thông thường của Đệ Nhất Nghĩa, thì tức là chẳng phải tưởng. Vì sao? Vì chư Phật Như Lai đã chứng pháp vô ngã, đã xa lìa tất cả các tưởng phân biệt, nên thể tướng của chư Phật, được gọi là quả lớn.

Tin hiểu thành tựu, như kinh nói: “Nếu có người nghe kinh này, mà không kinh, không sợ, không hãi vv…” “Không kinh”: tức là đối với lý vô sinh của các pháp, tâm không kinh ngạc, khi hướng về đời sống đạo “Không sợ”, tức là đối với các pháp, không có tướng hòa hợp, thì tâm không sợ hãi. Nhưng đối với các tướng hòa hợp của thế tục, thì liên tục phân biệt và chấp cho là thật.

Còn chẳng hãi, tức là tâm không bao giờ nhất định như thế mãi.

Lại nữa, “không kinh” là lần lượt theo thứ tư, lúc nghe pháp, lúc suy nghĩ tìm hiểu và lúc tu tập thực hành, tâm luôn yên định, không hề lay động dời đổi, các tưởng chúng sinh v.v.. cũng đều đã lìa bỏ.

Oai lực cao tột –Kinh nói: Này Tu-bồ-đề! Như Lai nói Đệ Nhất Bala-mật. Này Tu-bồ-đề! Pháp Đệ Nhất Ba-la-mật mà Như Lai nói đây, có vô lượng chư Phật, cũng nói như thế v.v…

Vì sao nói là Đệ Nhất? –Vì không có ai ngang bằng. Tại sao không ngang bằng? –Vì trong tất cả Phật pháp, thì pháp này là có oai lực cao tột hơn hết, vì tất cả chư Phật đều cùng diễn nói. Do có mười ba nhân duyên đó, nên phước trì kinh, phải nhiều hơn việc Bố thí châu báu.

Lại có nghi: Nếu trong tất cả Phật pháp, pháp Bát-nhã Ba-la-mật là cao qúi hơn hết, thì cần chi phải khổ tâm siêng tu các hạnh khác?

Để dẹp trừ nghi này, nên phải chỉ ra pháp Bát-nhã đây đã gồm thâu các hạnh độ khác. Kinh nói: “Này Tu-bồ-đề! Như Lai nói nhẫn nhục Bala-mật, tức chẳng phải Ba-la-mật v.v…”

“Chẳng phải Ba-la-mật”, tức là đã lìa bỏ cái tâm có phân biệt này. Thế nào là không phân biệt? Kinh nói: Như ta thuở xưa, bị vua Ca-lợi cắt rời thân thể. Ngay lúc đó, ta không có tưởng ngã, không có tưởng chúng sinh, không có tưởng mệnh, không có tưởng người chấp lấy v.v…”. Nghĩa này thế nào? Tức là nếu có ngã v.v…và các tưởng, tức là thấy có mình, có người khác. Khi kẻ khác đến xâm phạm mình, tất sẽ sinh giận dữ. Nếu cái tưởng không còn phân biệt là tâm ngu si. Khi tâm ngu si làm nhân, tất nhiên niệm giận dữ nổi lên. Còn đối với vua ấy, là ai đi nữa, cũng không cần tìm hiểu, biết tới. Vì không cần biết đến, nên chứng biết là không tưởng, cũng chẳng phải không tưởng.

Không tưởng, tức là không có ngã v.v.. và các tưởng, không có cái tưởng về mình, về người khác, và về giận hờn… Còn chẳng phải không tưởng, tức là chẳng phải ngu si. Vì sao ngu si mà gọi là không tưởng? Vì chẳng thể quán sát, xét biết, là nên làm hay không nên làm.

Lại nữa, không tưởng cũng chẳng phải không tưởng, tức là lìa bỏ cái tưởng phân biệt, mê đắm vào không tưởng. Đây đã nói khi bị ngược đãi hành hạ mà vẫn giữ gìn pháp nhẫn nhục. Lại muốn trình bày thêm về sự giữ gìn của mình trong những lúc khác nữa. Kinh nói: “ Ta lại nhớ thời quá khứ, cách nay năm trăm đời, ta làm vị Tiên nhân tu hạnh nhẫn nhục vv… Đây là nói về việc xưa, khi chưa gặp vua ác Ca Lợi, đã trải qua nhiều đời, đoạn dứt ngã v.v.. và các tưởng. Ấy là do sức gom giữ của Bát-nhã. Lại muốn chỉ bày sự thâu gom gìn giữ quả Bồ-đề, kinh nói: Bồ-tát nên lìa tất cả tưởng, mà phát tâm Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng. Do lìa các tưởng, nên được đạo Bồ-đề. Như nói ngồi tòa Bồ-đề mà dứt hẳn tất cả các tưởng.

Thế nào là lìa các tưởng? Kinh nói: Chẳng nên trụ vào Sắc mà sinh tâm, chẳng nên trụ vào Thanh-Hương-Vị-Xúc-Pháp mà sinh tâm. Nên sinh tâm không trụ vào đâu cả. Nếu sinh tâm không trụ vào đâu cả, thì làm sao trụ vào Bồ-đề mà phát tâm? Vì trụ vào Bồ-đề, tức là không chỗ trụ-Như kinh nói: “Vì sao, cứ như thế mà trụ, tức là chẳng phải trụ” Đây có nghĩa gì? “Cứ như thế mà trụ”, tức là Tục Đế. “Chẳng phải trụ”, tức là Đệ Nhất Nghĩa.

Lại nói: “Trụ ở Bồ-đề, tức là chẳng phải trụ” Như kinh có nói: Bồđề không có chỗ trụ, thế nên chẳng phải trụ, tức là trụ vào cái tên khác của Bồ-đề.

Đã nói về Bát-nhã nhiếp trì Nhẫn Nhục, còn nhiếp trì các Ba-lamật khác, thì tướng của nó như thế nào?

Kinh nói: Thế nên Phật nói: Bồ-tát, tâm không trụ vào Sắc mà Bố thí, chẳng trụ vào Thanh-Hương-Vị-Xúc-Pháp mà bố thí. Ba pháp Bố thí gồm thâu cả sáu Ba-la-mật như trước đã nói… Năm pháp Ba-la-mật phải lìa bỏ vật được thí, người thí và người nhận, đó là ba thứ phân biệt, cũng tức là tướng của Bát-nhã Ba-la-mật.

Còn gìn giữ các Ba-la-mật khác, thì nghĩa đã rõ. Như nói về năm Ba-la-mật, nếu lìa Bát-nhã thì không khác chi kẻ mù mắt, chẳng có người dẫn đường!

Vì để chỉ bày các phương tiện kia, nên kinh nói: Bồ-tát vì lợi ích cho tất cả chúng sinh, nên như thế mà Bố thí. Hoặc có kẻ nghĩ: Nếu chẳng trụ vào pháp, mà làm việc Bố thí, thì làm sao mà giúp ích cho chúng sinh được?

Thế nên kinh nói: “Tất cả tưởng về chúng sinh, tức chẳng phải tưởng, đó là làm lợi ích vậy”. Theo Tục Đế: Nói đến Đệ Nhất Nghĩa thì đó chẳng phải tưởng. Vì sao?

-Vì tưởng về chúng sinh, thì chấp giữ các chúng sinh, rồi lại kết hợp cùng các uẩn khác hoặc chẳng khác v.v… còn đối với Đệ Nhất Nghĩa đều chẳng thể nắm bắt được. Như kinh nói: “Các chúng sinh ấy, chẳng phải là chúng sinh”. Ở đây ý nói, phải lìa bỏ hai thứ phân biệt là trí và sở tri (đối tượng nhận thức). Còn nói: “Chẳng phải tưởng”, tức là chỉ rõ cái tánh không của trí. “Chẳng phải chúng sinh”, tức là cái tánh không của sở tri. Như Lai đã biết rõ hai cái tánh không đó, nên các tưởng đã dứt hẳn và chứng được tánh không.

Pages: 1 2