LUẬN KIM CANG ĐẢNH DU GIÀ TRUNG PHÁT A NẬU ĐA LA TAM MIỆU TAM TÂM BỒ ĐỀ
Bồ-tát Long Thọ soạn
Hán dịch: Đời Đường, Sa-môn Bất Không
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

A-xà-lê Đại Quảng Trí nói: Nếu có người thuộc hàng thượng căn thượng trí, không vui với pháp Nhị thừa, ngoại đạo, có độ lượng lớn, dũng mãnh sắc bén không có mê hoặc, thích hợp với pháp tu Phật thừa, nên phát tâm như vầy: Nay tôi chí nguyện cầu đạt đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, không cầu đạt quả vị nào khác. Tâm thề đã quyết định, cung ma chấn động, mười phương chư Phật thảy đều chứng biết, thường ở giữa trời người nhận được sự vui sướng, nơi đã sanh ra, nhớ giữ không quên như nguyện được thành tựu, các thân Bồ-tát trong Du Già ấy, cũng gọi là phát tâm Bồ-đề. Điều nầy nói gì? Đó là các bậc ấy đều cùng thân Phật như Đức Đại Tỳ Lô Giá Na, như người ham danh tiếng quan chức thì phát tâm cầu mong danh tiếng, quan chức, tu dưỡng quan tâm đến hành tướng của danh tiếng, quan chức, nếu người ham tiền của châu báu thì phát tâm mong cầu tiền của châu báu, thực hiện việc làm kinh doanh tài vật. Người bình thường muốn làm điều thiện hay điều ác, đều trước tiên nêu lên tâm tư của họ, rồi sau đó sẽ thành tựu chí hướng đó. Vì lẽ đó, người cầu Bồ-đề, phát tâm Bồ-đề, tu hạnh Bồ-đề, đã phát tâm như vậy rồi, cần phải biết rõ hành tướng của tâm Bồ-đề. Hành tướng đó là ba môn phân biệt. Chư Phật, Bồ-tát, xưa kia còn trong nhân địa, phát tâm nầy rồi, thuận theo thắng nghĩa-hạnh nguyện-Tam-ma-địa làm giới, cho đến lúc thành Phật, không lúc nào tạm quên. Chỉ có trong pháp Chân ngôn, chính thân nầy thành Phật. Vì vậy nói Tam-ma-địa ở trong các giáo, thiếu sót nên không ghi lại:

  1. Hạnh nguyện.
  2. Thắng nghĩa.
  3. Pháp Tam-ma-địa.

Thứ nhất là Hạnh nguyện, là người tu tập luôn luôn hoài bão tâm niệm như vầy: Mình phải làm lợi ích an lạc cho pháp giới chúng sanh không bỏ sót một chúng sanh nào, quán xét hàm thức khắp mười phương giống như bản thân mình. Nói về những lợi ích ấy, là khuyến khích làm cho tất cả chúng sanh đều được an trú trong Bồ-đề vô thượng, chung quy không dùng pháp Nhị thừa khiến được độ thoát. Nay người thực hành Chân ngôn, phải biết tất cả chúng sanh đều có đủ tánh của Như Lai Tạng, đều có thể tùy ý an trú nơi Bồ-đề vô thượng, vì thế cho nên không dùng pháp Nhị thừa khiến được độ thoát. Do đó trong Kinh Hoa Nghiêm nói: “Không có một chúng sanh nào mà không có đủ trí tuệ Như Lai, nhưng vì vọng tưởng điên đảo chấp trước mà không sao chứng được. Nếu xa rời vọng tưởng, thì Nhất thiết trí, trí tự nhiên, trí vô ngại sẽ được hiện rõ trước mắt”. Nói về những an lạc ấy, nghĩa là người thực hành vì đã biết tất cả chúng sanh cuối cùng sẽ thành vị Phật, cho nên không dám khinh mạn, lại còn ở trong phương tiện đại bi, càng cần phải cứu giúp, thuận theo sự mong cầu của chúng sanh đều làm cho tất cả được vừa lòng, thậm chí thân mạng cũng không luyến tiếc, lẽ nào giữ lại thân mạng của mình, làm cho được vui vẻ sung sướng ư? Đã thân cận rồi, tín nhiệm lời thầy nói. Nhờ sự gần gũi nhau ấy, cũng có thể chỉ bày dạy dỗ. Chúng sanh ngu tối mê muội, không thể miễn cưỡng hóa độ họ được, người thực hành Chân ngôn phải phương tiện dìu dắt họ tiến lên.

Thứ hai là Thắng nghĩa, là quán xét tất cả các pháp không có tự tánh. Sao nói là không có tự tánh? Nghĩa là phàm phu vốn có những chấp trước về danh vọng, lợi dưỡng, cung cấp để sanh tồn, theo đuổi để làm cho yên thân, phóng túng làm theo ba độc và năm dục. Người thực hành Chân Ngôn thành thật nên lo lắng chán ngán và cầu mong có thể vứt bỏ tất cả. Vả lại, các hạng ngoại đạo, lưu luyến thân mạng ấy, hoặc dùng các vị thuốc để hỗ trợ được sống thọ trong cảnh thần tiên, hoặc là sanh đến cõi trời coi như đạt được kết quả cao nhất. Người thực hành Chân Ngôn, nên quán xét nghiệp lực của những loại kia nếu như không còn, nhưng chưa xa rời ba cõi và phiền não hãy còn tồn tại, tai ương đời trước chưa diệt hết, niệm ác lập tức dấy lên, thời gian sau đó trôi nổi trong biển khổ khó được thoát ra. Nên biết pháp của ngoại đạo, cũng giống như huyễn mộng dợn nắng sóng nắng mà thôi. Còn người hàng Nhị thừa, Thanh văn thì chấp lấy pháp Tứ đế, Duyên giác thì chấp vào Thập nhị nhân duyên, biết rõ bốn đại và năm ấm suy cho cùng sẽ mất đi, dấy lên tâm ý ghét bỏ hết sức, phá bỏ sự chấp trước của chúng sanh, chịu khó tu theo pháp của mình, hạn định chứng đến quả ấy, hướng về Niết-bàn của mình để làm kết quả cuối cùng. Người thực hành Chân Ngôn, nên quán xét người hàng Nhị thừa, tuy phá cái chấp về con người (Nhân chấp) nhưng còn có cái chấp về pháp (Pháp chấp), chỉ ý thức văng lặng mà không biết gì khác. Lâu dần đạt được quả vị, dùng khôi thân diệt trí, hướng về Niết-bàn của họ, thường vắng lặng rất sâu giống như bầu hư không rộng lớn. Người có tánh định, khó có thể phát sanh, cần phải đợi đầy đủ các hạn định thời kiếp, mới có thể phát sanh. Nếu như người bất tánh định, bất luận hạn định thời kiếp, gặp được duyên thì hồi tâm hướng Đại, từ Hóa Thành dấy lên cho là đã vượt ra ngoài ba cõi, nghĩa là nhờ niềm tin vào Phật đã có từ lâu, mới được lực gia trì của Phật Bồ-tát dùng pháp phương tiện, tức thì phát tâm rộng lớn, chính là bắt đầu từ Thập Tín, về sau trải qua tất cả các địa, qua ba vô số kiếp chịu khó thực hành khổ hạnh, như vậy có thể thành Phật, đã biết Thanh văn, Duyên giác, vì trí tuệ hẹp cạn, nên cũng không đáng mừng vui. Lại có chúng sanh phát tâm Đại thừa, thực hành hạnh Bồ-tát, đối với các pháp môn, tất cả đều lần lượt tu tập, lại trải qua ba A-tăng-kỳ kiếp tu sáu độ muôn hạnh, thảy đều đầy đủ. Nhưng chứng được Phật quả, lâu dài mới thành tựu, đây là do những giáo pháp tu tập có thứ tự rất tinh tế. Nay người thực hành Chân Ngôn, như trước quán xét rồi, tiếp tục phát tâm làm lợi ích an lạc cho tất cả chúng sanh trong pháp giới không bỏ sót một chúng sanh nào, dùng đại bi quyết định vĩnh viễn vượt lên trên cảnh giới Nhị thừa ngoại đạo, lại tu pháp, nhân (người) Du Già thắng thượng, có thể từ địa vị phàm phu đi vào địa Phật, cũng vượt lên trên cảnh giới của Thập địa Bồ-tát. Lại biết sâu xa tất cả các pháp không có tự tánh. Sao nói là không có tự tánh? Trước đã nói về tướng, nay sẽ nói rõ về ý chỉ. Pháp làm cho sai đường lạc lối, từ vọng tưởng nảy sanh, thậm chí từ nơi nầy đến nơi khác, trở thành vô lượng vô biên phiền não, luân hồi trong sáu não. Nếu như giác ngộ rồi, thì vọng tưởng trừ diệt, tất cả các pháp mất đi, vì thế không có tự tánh. Vả lại, chư Phật vì lòng từ bi, thuận theo chân thật khởi lên công dụng, cứu vớt thâu phục chúng sanh, tùy bệnh cho thuốc, thực hiện các pháp môn, tùy theo phiền não của họ mà đối trị, bến mê gặp được thuyền bè đến bờ bên kia, pháp cũng phải bỏ, cho nên tự tánh là không có. Như Kinh Đại Tỳ Lô Giá Na Thành Phật nói: “Các pháp vô tướng, nghĩa là tướng hư không. Thực hiện quán sát như vậy rồi, gọi là Thắng nghĩa tâm Bồ-đề. Nên biết tất cả các pháp là không, vì hiểu ra pháp vốn không sanh khởi, thể tâm tự như vậy, không thấy có thân tâm, trú vào trí chân thật cứu cánh bình đẳng tịch diệt, khiến cho không thoái thất. Nếu tâm vọng khởi lên, biết mà đừng tùy theo, lúc vọng niệm dường như dừng lại, nguồn tâm rỗng lặng, vạn đức có đủ tại đây, diệu dụng vô cùng vô tận. Vì lẽ đó mười phương chư Phật, dùng Thắng nghĩa và Hạnh nguyện làm giới. Chỉ đầy đủ tâm nầy, mới có thể chuyển được pháp luân, mình và mọi người đều lợi ích”. Như trong Kinh Hoa Nghiêm nói:

Bi soi sáng tuệ làm chủ yếu
Phương tiện cùng tương ưng với nhau
Tâm tín, giải luôn luôn thanh tịnh
Là vô lượng Lực của Như Lai.
Trí vô ngại hiện rõ trước mắt
Tự hiểu ra không nhờ người khác
Đầy đủ giống như Đức Như lai
Phát ra tâm nguyện tối thắng nầy.
Phật tử mới bắt đầu phát sanh
Tâm quý báu tuyệt vời như vậy
Sẽ vượt qua địa vị phàm phu
Đi vào nơi thực hành của Phật.
Sanh ra trong nhà của Như Lai
Chủng tộc không có khuyết điểm gì
Cùng bình đẳng giống như Đức Phật
Quyết định thành tựu Vô Thượng Giác.
Tâm vừa mới phát sanh như vậy
Lập tức được đi vào Địa thứ nhất
Tâm vui mừng không thể lay động
Giống như núi chúa Đại Tu Di.

Lại theo trong Kinh Hoa Nghiêm nói: “Từ Địa thứ nhất cho đến Địa thứ mười, ở trong từng địa, đều lấy đại bi làm chủ yếu”. Như Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: “Tâm Phật chính là đại từ bi”. Còn trong Kinh Niết Bàn nói: “Nam mô Thuần Đà, thân tuy là thân người, mà tâm giống như tâm Phật”. Lại nói:

Bậc y vương cao cả xót thương thế gian
Thân và trí tuệ đều vẳng lặng an nhiên
Trong pháp vô ngã phát sanh ra chân ngã
Vì thế cung kính đảnh lễ Vô Thượng Tôn.
Phát tâm, ban đầu và cuối không phân biệt hai
Phát tâm như vậy thì tâm trước là khó
Mình chưa được độ trước tiên dộ người khác
Thế nên con đảnh lễ người bắt đầu phát tâm.
Người bắt đầu phát tâm làm thầy của trời người
Vượt lên hơn hẳn hàng Thanh văn, Duyên giác
Phát tâm như vật vượt qua được ba cõi
Vì thế được gọi là vô thượng bậc nhất.

Như trong Kinh Đại Tỳ Lô Giá Na nói: “Bồ-đề là nhân, đại bi là gốc rễ, phương tiện là cuối cùng”.

Thứ ba là nói về Tam-ma-địa. Người thực hành Chân Ngôn quán xét như vậy rồi, làm sao có thể chứng được Bồ-đề vô thượng? Nên biết pháp như vậy thuận theo trú vào đại tâm Bồ-đề của Phổ Hiền. Tất cả chúng sanh vốn có Bồ-đề, vì bị ràng buộc do tham sân si phiền não, chư Phật vô cùng xót thương, dùng trí thiện xảo, nói về pháp Du Già bí mật thâm diệu nầy, khiến cho người tu hành quay về trong nội tâm, quán tưởng vầng trăng sáng tỏ. Nhờ thực hiện quán tưởng vầng trăng nầy soi sáng thấy được tâm ban đầu, thanh tịnh trong lặng, giống như vầng trăng tròn sáng ngời chiếu khắp hư không chẳng có phân biệt, cũng gọi là không có giác ngộ hoàn toàn, cũng gọi là pháp giới thanh tịnh, cũng gọi là đại dương Thật tướng Bát nhã Ba-la-mật, luôn luôn chứa đựng tất cả các loại trân bảo rộng lớn mênh mông. Tam-ma-địa giống như vầng trăng tròn trong trắng rõ ràng. Tại sao? Vì tất cả chúng sanh đều hàm chứa tâm của Phổ Hiền, mình thấy tâm mình, hình dạng giống như vầng trăng. Vì sao lấy vầng trăng để thí dụ? Vì trăng tròn là thể của ánh sáng trọn vẹn, thì trạng thái tương tự với tâm Bồ-đề. Bình thường vầng trăng có mười sáu phần hạn, dụ cho trong Du Già từ Kim Cang Tát Đỏa cho đến Kim Cang Quyền có mười sáu vị Đại Bồ-tát, ở trong ba mươi bảy bậc, năm phương là địa của Phật, đều biểu hiện cho một trí. Đông phương Phật A Súc, nhân thành tựu trí đại viên cảnh, cũng gọi là trí kim cang. Nam phương Phật Bảo Sanh, do thành tựu trí bình đẳng tánh, cũng gọi là trí quán đảnh. Tây phương Phật A Di Đà, từ đó thành tựu trí diệu quán sát, cũng gọi là trí liên hoa, cũng gọi là trí chuyển pháp luân. Bắc phương Phật Bất Không Thành Tựu, từ đó thành tựu trí thành sở tác, cũng gọi là trí kiệt ma. Trung ương Tỳ Lô Giá Na Phật, từ đây thành tựu pháp giới trí làm căn bản. Bốn Trí Phật ở trên sanh ra bốn Bồ-tát Ba-la-mật, mà bốn Bồ-tát chính là pháp nghiệp quý báu như vàng ngọc, là mẹ sanh thành, dưỡng dục của tất cả các bậc Thánh Hiền ba đời, ở trong thể tánh pháp giới thành tựu phù hợp nầy, phát xuất ra bốn vị Phật. Như Lai ở bốn phương đều thâu gồm bốn vị Bồ-tát, Đông phương Phật A Súc thâu gồm bốn vị Bồ-tát, đó là Kim Cang Tát Đỏa – Kim Cang Vương – Kim Cang Ái và Kim Cang Thiện Tai. Nam phương Phật Bảo Sanh thâu gồm bốn vị Bồ-tát, đó là Kim Cang Bảo – Kim Cang Quang – Kim Cang Tràng và Kim Cang Tiếu. Tây phương Phật A Di Đà thâu gồm bốn vị Bồ-tát, đó là Kim Cang Pháp – Kim Cang Lợi – Kim Cang Nhân và Kim Cang Ngữ. Bắc phương Phật Bất Không Thành Tựu thâu gồm bốn vị Bồ-tát, đó là Kim Cang Nghiệp – Kim Cang Hộ – Kim Cang Tài và Kim Cang Quyền. Bốn phương Phật đều có bốn vị Bồ-tát, tất cả là mười sáu Đại Bồ-tát. Ở trong ba mươi bảy địa vị, ngoài năm vị Phật – bốn vị Bồ-tát Ba-la-mật cho đến về sau bốn gồm – tám cúng dường, chỉ chọn lấy mười sáu Đại Bồ-tát là được bốn phương Phật thâu tóm. Còn trong Kinh Ma Ha Bát Nhã, từ nội không đến vô tánh tự tánh không cũng có mười sáu nghĩa. Tất cả chúng sanh ở trong bản chất của tâm, có một phần tánh thanh tịnh, các hành đều đầy đủ, thể đó vô cùng vi diệu, trong sáng rõ ràng, thậm chí luân hồi trong sáu nẻo cũng không sao biến đổi, giống như một trong mười sáu phần hạn của trăng, tướng sáng của một phần ánh trăng đó, hoặc tương đương với các vì sao hợp lại, nhưng vì ánh sáng mặt trời ban ngày, làm mất đi tánh sáng của nó, vì lẽ đó không hiện rõ ra. Đầu tháng mới xuất hiện, ngày từng ngày dần dần tăng lên, đến ngày mười lăm tròn đầy không ngăn ngại gì. Vì lẽ đó người thực hành quán tưởng, ban đầu dùng chữ A phát khởi rõ ràng trong tâm mình, chỉ có dần dần khiến cho trong sáng rõ ràng, chứng được trí vô sanh. Nói đến chữ A ấy là nghĩa về tất cả các pháp vốn không sanh ra.

Theo như Kinh Tỳ Lô Giá Na giải thích về chữ A, gồm có năm nghĩa: 1. Chữ A (âm ngắn) là tâm Bồ-đề. 2. Chữ A (âm kéo ra) là nghĩa của hạnh Bồ-đề. 3. Chữ Ám (âm dài) là nghĩa của chứng Bồ-đề. 4. Chữ Ác (âm ngắn) là nghĩa của Bát Niết-bàn. 5. Chữ Ác (âm kéo dài) là nghĩa về đầy đủ trí phương tiện. Lại lấy chữ A, kết hợp giải thích bốn chữ Khai Thị Ngộ Nhập trong Kinh Pháp Hoa, chữ Khai ấy là Khai mở tri kiến Phật, chính là Khai mở hai vấn đề về Bồ-đề và Niết-bàn, như chữ A thứ nhất, là nghĩa của tâm Bồ-đề. Chữ Thị là nêu ra tri kiến Phật, như chữ A thứ hai, là nghĩa của hạnh Bồ-đề. Chữ Ngộ là hiểu ra tri kiến Phật, như chữ Ám thứ ba, là nghĩa của chứng Bồ-đề. Chữ Nhập là đi vào tri kiến Phật, như chữ Ác thứ tư, nghĩa là của Bát Niết-bàn. Nói một cách tổng quát là thành tựu đầy đủ. Chữ Ác thứ năm là nghĩa của phương tiện thiện xảo và trí viên mãn vậy.

Trước mắt ca ngợi chữ A là nghĩa của Tâm Bồ-đề, tụng nêu:

Đóa sen trắng tám cánh trong một khuỷu tay
Thấy rõ chữ A thuần màu trắng sáng ngời
Thiền trí đều đi vào buộc chặt kim cang
Vẫy gọi vào trí tịch tĩnh của Như Lai.

Nói đến có thể lĩnh hội chữ A, thì phải thì phải lắng lòng thực sự quán tưởng điều ấy, nên quán tưởng thức thanh tịnh tròn sáng. Nếu như vừa mới nhìn thấy nó, thì gọi là nhìn thấy chân thực Thắng nghĩa đế. Nếu thường xuyên nhìn thấy, thì đi vào Địa thứ nhất Bồ-tát. Nếu chuyển sang dần dần tăng trưởng, thì rộng khắp pháp giới, hạn lượng sánh bằng hư không, tụ vào tản ra tự tại, sẽ đầy đủ Nhất thiết trí. Phàm là người thực hành quán tưởng tu tập pháp Du Già, trước mắt cần phải tu đầy đủ ba hạnh bí mật, chứng ngộ nghĩa lý năm tướng thành tựu thân. Nói về ba bí mật: 1. Thân mật, là như kết ấn phù hợp triệu thỉnh Thánh chúng quang lâm. 2. Ngữ mật, là giống như bí mật đọc tụng chân ngôn khiến cho câu chữ sáng tỏ rõ ràng, không có một sai lầm nào. 3. Ý mật, là giống như trú trong Du Già tương ưng với vầng trăng tròn đầy sáng ngời quán tưởng về tâm Bồ-đề vậy.

Tiếp đến nói về năm tướng thành tựu thân:

1. Tâm thông đạt.
2. Tâm Bồ-đề.
3. Tâm kim cang.
4. Thân kim cang.
5. Chứng Bồ-đề vô thượng được thân kim cang kiên cố.

Nhưng năm tướng nầy đầy đủ mới thành tựu thân của Bổn Tôn, thân ấy sáng đầy đặn đó là thân Phổ Hiền, cũng là tâm Phổ Hiền, cùng với chư Phật mười phương như nhau. Cũng chính là ba đời tu hành mà chứng đạt thì có trước sau, cho đến giác ngộ thông suốt rồi cũng không có gì là quá khứ, vị lai hay hiện tại, tâm phàm như hoa sen khép cánh, tâm Phật giống như vầng trăng tròn. Quán tưởng như vậy nếu thành tựu, thì cõi nước khắp mười phương, hoặc là tịnh hay là uế, hàm thức trong sáu đường, hành vị trong ba thừa, cho đến cõi nước trong ba đời thành hay hoại, nghiệp chúng sanh sai biệt, hành tướng nhân địa của Bồ-tát, chư Phật ba đời, tất cả đều từ trong thân Bổn Tôn hiện rõ ra chứng minh cho tất cả hạnh nguyện Phổ Hiền đã đầy đủ.

Trong Kinh Đại Tỳ Lô Giá Na nói: “Tâm chân thật như vậy, cho nên Đức Phật đã tuyên thuyết”.

Hỏi: Trước đây nói người hàng Nhị thừa, vì có pháp chấp, do đó không được thành Phật, nay lại khiến cho tu Tâm Bồ-đề theo pháp Tam-ma-địa ấy, sai biệt thế nào?

Đáp: Người hàng Nhị thừa, vì có pháp chấp, rất lâu mới chứng được lý, chìm đắm sa đà trong cảnh giới vắng lặng hoàn toàn, hạn định theo kiếp số, nhưng phát tâm Đại thừa, lại nhân tiện trong thiện môn phân tán, trải qua vô số kiếp, vì thế đủ để có thể chán bỏ, xa lìa, không thể y chỉ. Nay người thực hành Chân Ngôn, đã phá bỏ hai chấp về nhân – pháp, tuy trí chân thật có thể chánh kiến, hoặc là vì cách trở gián đoạn từ vô thỉ, cho nên không thể chứng được Như Lai Trí Nhất thiết trí. Muốn cầu diệu đạo, tu trì theo thứ tự từ phàm phu đi vào địa Phật, ngay nơi Tam-ma-địa nầy, có thể đạt được tự tánh của chư Phật, ngộ Pháp thân chư Phật, chứng Thể tánh trí pháp giới, thành Đại Tỳ Lô Giá Na Phật, tự tánh thân – thân thọ dụng – biến hóa thân – đẳng lưu thân, vì người thực hành chưa chứng được, lý đương nhiên tu pháp đó. Vì thế trong Kinh Đại Tỳ Lô Giá Na nói: “Hết thảy các địa từ tâm sanh” Như Kinh Kim Cang Đảnh Du Già nói: “Tất cả các nghĩa thành tựu Bồ-tát, ban đầu ngồi nơi tòa kim cang, thủ chứng đạo vô thượng, liền được chư Phật trao cho tâm địa nầy”. Nhưng có thể chứng quả, người bình thường bây giờ, nếu như tâm quyết định tu hành đúng theo giáo pháp, không bắt đầu từ chỗ ngồi, Tam-ma-địa hiện rõ trước mắt, thuận theo được thành tựu thân của Bổn Tôn. Do đó trong Kinh Đại Tỳ Lô Giá Na nói: “Cúng dường pháp theo thứ tự, nếu như không có uy lực tăng thêm nhiều hơn nữa, thì trú vào pháp nhưng quán tưởng về tâm Bồ-đề”. Đức Phật giảng giải trong nầy có đủ vạn hạnh, dần dần đạt tới pháp thanh tịnh thuần khiết. Tâm Bồ-đề nầy luôn luôn ẩn chứa tất cả các pháp công đức của chư Phật, nếu như tu chứng thì sẽ xuất hiện, trở thành bậc thầy của tất cả, nếu quay về nguồn gốc thì chính là bí mật trang nghiêm quốc độ, không rời khỏi chỗ ngồi mà có thể thành tựu tất cả các Phật sự. Ca ngợi về tâm Bồ-đề:

Nếu như người mong cầu Phật tuệ
Hiểu thông suốt về tâm Bồ-đề
Thân nầy sanh ra từ cha mẹ
Nhanh chóng chứng quả vị Đại Giác.