LUẬN HIỂN DƯƠNG THÁNH GIÁO

Tác giả: Bồ-tát Thiên Thân.
Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Huyền Tráng Đời Đường
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 18

PHẨM 11: THÂU NHIẾP QUYẾT TRẠCH THÙ THẮNG (Phần 2)

Lại nữa, lập ra tướng khác nhau của tâm, nên biết.

Tụng rằng:

Do sức cảnh giới nương,
Lập ra tâm khác nhau .
Lại do bảy thứ hành,
Tướng khó rõ, nên biết.

Luận chép: Tướng khác nhau của tâm, nên biết, lại do sức mạnh của chỗ nương chỗ duyên mà nó được lập ra.

– Do sức mạnh của chỗ nương là: Lập nhãn thức cho đến ý thức.

– Sức mạnh của sở duyên: Lập sắc thức cho đến pháp thức, nhận biết về màu xanh, vàng cho đến nhận biết khổ, nhận biết vui. Các pháp như thế lại có bảy thứ hành tướng, cho nên biết về tâm, nhưng lại khó biết về những khác nhau của nó.

  1. Không thể biết tướng khác nhau của sự nối tiếp bền bĩ của khí thế gian.
  2. Không thể biết tướng khác nhau về nhiều cảnh tướng.
  3. Đều có tướng khác nhau.
  4. Tướng khác nhau về năng trị, sở trị, sự chuyển biến đi về mau lẹ.
  5. Tướng khác nhau của tập khí.
  6. Tướng khác nhau của sự sống nối nhau.
  7. Tướng khác nhau của tâm giải thoát.

Lại nữa, Tụng rằng:

Sở duyên không tự tại.
Nương vào chỗ ác,
Theo duyên lực chuyển biến,
Tâm bị trói, nên biết.

Luận chép: Tâm bị trói buộc bằng ba nhân:

1. Không được tự tại đối với sở duyên.

2. Ở yên chỗ nương uế ác.

3. Theo sức mạnh của duyên lực mà biến chuyển đối với sở duyên lấy, nó không được tự tại đối với tướng chế phục, đối với giáo hóa, đối với thay đổi, không bằng ước muốn an trụ trong cảnh tự tại.

Lại nữa, Tụng rằng:

Tán loạn và an trụ,
Sáu thứ, mười lăm thứ,
Sáu thứ duyên cảnh giới,
Tâm bị trị chẳng một.

Luận chép: Nên biết, tâm rối loạn có sáu thứ, tâm an trụ có mười sáu thứ, tâm duyên vào cảnh có sáu thứ, chúng khác nhau. Cho nên tâm cần đối trị chẳng phải chỉ có một, nên biết.

Sáu thứ tâm tán loạn là:

1. Tâm tác ý tán loạn. Nghĩa là các Bồ-tát buông xả tác ý tương ưng của Đại thừa, mà tác ý thấm kém tương ưng với thói quen tu tập thụt lùi của hàng Thanh văn, Độc giác.

2. Tâm tán loạn bên ngoài là chạy theo năm dục lạc hấp dẫn từ bên ngoài qua cảnh đời huyên náo, suy tìm theo phiền não của cảnh bên ngoài, khiến tâm buông lung tán loạn theo.

3. Tâm tán loạn bên trong là buồn ngủ, ngủ say một cách thấp kém.

Hoặc bởi say đắm ý vị trong thiền định, hoặc vì các thứ tùy phiền não trong định gây tán loạn tâm.

4. Tướng tâm tán loạn, như tác ý nương vào tướng bên ngoài mà tư duy tướng mạo của cảnh bên trong.

5. Tâm thô, nặng tán loạn là tác ý nội tại là duyên sinh khởi các thọ. Do thân thô nặng nên chấp ngã và ngã sở.

6. Tự tánh tâm rối loạn là năm thức thân tâm an trụ.

Có mười lăm thứ:

1. Sơ phát tâm an trụ, là tu tập phương tiện Tam-ma-địa.

2. Tâm an trụ chứng đắc là đã chứng đắc nhưng chưa đến Tamma-địa.

3. Tâm an trụ tròn đầy là chứng đắc Tam-ma-địa tĩnh lự căn bản.

4. Tâm an trụ tự tại là chính nơi đây được thỏa mãn theo ý muốn của mình.

5. Tâm an trụ có dao động là đối với tĩnh lự của ba cõi dưới.

6. Tâm an trụ không dao động là tĩnh lự thứ tư.

7. Tâm an trụ cảnh vắng lặng trên đây, là cảnh vắng lặng giải thoát ở cõi Vô sắc.

8. Tâm an trụ tối thắng vắng lặng là giải thoát khỏi tưởng thọ diệt.

9. Tâm an trụ tín giải là trí phát sinh do nghe pháp.

10. Tâm an trụ quyết định là trí phát sinh do suy nghĩ.

11. Tâm an trụ ảnh tượng là trí phát sinh do tu tập pháp thế gian.

12. Tâm an trụ thành thật là trí phát sinh do tu tập pháp xuất thế gian.

13. Tâm an trụ xuất ly có tăng thượng mạn, là tĩnh lự vô sắc thế gian.

14. Tâm an trụ xuất ly có tăng thượng mạn là tĩnh lự vô sắc xuất ly thế gian.

15. Tâm an trụ ba hành tạp nhiễm là thức theo sắc mà trụ, duyên sắc mà trụ. Như thế cho đến theo hành mà trụ, duyên theo hành mà trụ, nương theo hành mà trụ.

Trong đó, tùy theo sắc mà trụ là duyên chỗ nương của chấp thọ.

– Duyên theo sắc mà trụ là chấp lấy cảnh.

– Nương vào sắc mà trụ là do thô nặng.

Như thế, cho đến tùy theo ba thứ như hành, v.v… Phải biết, thức không phải thức trụ, duyên vào tâm, tâm sở có khả năng diệt hết ái nhiễm.

Lại nữa, duyên vào cảnh giới, có sáu là:

  1. Thường duyên cảnh.
  2. Không thường duyên cảnh.
  3. Duyên cảnh đầy khắp.
  4. Duyên cảnh thanh tịnh.
  5. Duyên cảnh thiện xảo.
  6. Duyên cảnh sạch mê lầm.

Như vậy, trước lại có nhiều thứ duyên cảnh giới khác. Nghĩa là tâm bị trói buộc ở cõi Dục nên duyên vào cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc và cảnh không còn trói buộc.

Cũng thế, tâm bị trói buộc ở cõi Sắc, cõi Vô sắc và tâm không bị trói buộc đều duyên vào bốn thứ cảnh.

Lại nữa, theo dựa vào tâm bị trói buộc ở cõi Dục, khởi lên ham muốn với tâm trói buộc, không trói buộc ở cõi Sắc, cõi Vô sắc.

Dựa vào tâm bị trói buộc ở cõi Sắc khởi lên duyên sắc với tâm bị trói buộc và không trói buộc ở cõi Vô sắc.

Dựa vào tâm bị trói buộc ở cõi Vô sắc thì khởi lên duyên cõi Vô sắc,với tâm bị trói buộc và không trói buộc.

Lại nữa, quá khứ, tâm duyên theo quá khứ, hiện tại, vị lai. Như vậy, tâm thuộc về hiện tại, vị lai đều duyên vào ba thứ, là tâm duyên vào tâm thiện, bất thiện, vô ký.

Như vậy, tâm bất thiện vô ký, đầu duyên vào ba thứ. Lại nữa, tâm lạc hiện hành đầy đủ thì duyên vào ba thứ cảnh giới lạc hiện hành đầy đủ.

Như vậy, tâm khổ đều hiện hành, tâm không khổ, không vui đều hiện hành mỗi tâm đều duyên vào ba thứ. Tham sân si tương ưng với tâm, mỗi tâm duyên vào tham sân si, tương ưng với ba cảnh giới.

Lại nữa, tâm bị đối trị chẳng phải một là: Có năm thứ tâm bị trói buộc vào cõi Dục, là thấy khổ, tâm đã dứt trừ, cho đến địa vị Đạo, tâm đã đoạn. Như vậy, tâm bị trói buộc ở cõi Sắc, cõi Vô sắc, mỗi tâm đều có năm thứ, và tâm vô lậu, họp thành mười sáu thứ tâm. Lại có hai mươi thứ tâm là tâm bị trói buộc ở cõi Dục, có tám thứ:

1. Tâm thiện khi mới sinh ra đã có.

2. Tâm thiện nhờ phương tiện.

3. Tâm bất thiện.

4. Tâm hữu phú, vô ký và tâm vô phú, vô ký, chia làm bốn thứ là tâm Dị thục sinh, tâm của đường oai nghi, xứ công xảo và tâm biến hóa. Có sáu thứ tâm bị trói buộc ở cõi Sắc, là trừ tâm bất thiện xứ công xảo. Có bốn thứ tâm bị trói buộc ở cõi Vô sắc là trừ tâm bất thiện, đường oai nghi, tâm biến hóa và tâm xứ công xảo. Có hai thứ tâm không bị trói buộc là tâm Hữu học và tâm Vô học. Lại nữa, nay sẽ nói tâm sở hữu sự thắng quyết trạch.

Tụng rằng:

Nương nhiều cảnh rõ biết,
Đều do tự nghiệp sinh.
Tâm pháp không ứng tư,
Cảnh tương tự thay đổi.

Luận chép: Tâm sở hữu pháp nương vào tám thứ thức, có khả năng duyên theo nhiều cảnh. Mỗi thức đều phát sinh tác dụng để gây ra nghiệp cùa mình. Do nương vào tâm mới có, nên gọi là pháp sở hữu của tâm. Nó không tương ưng với tư. Cảnh đối tượng của tâm và thức duyên vào nhau mà biến chuyển. Như kinh nói: “Do có thọ nầy nên có tư nầy, từ tư nầy nên có tưởng nầy, có tưởng nầy mới có biết rõ”.

Lại nữa, nay nói lược nghiệp đã gây nên do tâm lý biến hành là xúc, tác ý, thọ tưởng, tư.

Tụng rằng:

Ba phân biệt dẫn tâm,
Lãnh vị, xét rõ tưởng,
Những đức và sai lầm,
Là nghiệp tác ý thảy

Luận chép: Phát sinh từ tâm là nghiệp của tác ý. Ba thứ hòa hợp phân biệt là nghiệp của xúc. Cương vị nhận lãnh các điều thuận nghịch hoặc cả hai thứ trái nhau là nghiệp của thọ. Cương vị suy nghĩ kỹ lưỡng là nghiệp của tưởng. Tạo công đức hay gây sai lầm, hoặc cả hai đều không phải nghiệp của tư, trừ nghiệp của tâm pháp như trước có nói rộng.

Lại nữa, nay sẽ nói về sắc, sự quyết trạch. Tụng rằng:

Thượng giới không hương, vị,
Bốn đại tạo có được,
Cực vi không tự thể,
Có bảy việc chẳng thật.

Luận chép: Thượng giới không có hương, vị: từ cõi Dục trở lên, không có hương, vị.

– Bốn đại tạo có thể có được là: Bốn đại và sắc nó tạo ra, hiện rõ, nơi khối lượng, có được là bốn tướng đã có. Vô sở đắc là không có.

– Cực vi không có tự thể là: cực vi chỉ là giả tưởng mà lập ra nên không có tự thể.

– Bảy việc chẳng có thật là: bảy việc không có thật thể:

  1. Biểu sắc.
  2. Hình sắc.
  3. ảnh tượng.
  4. Tiếng vang.
  5. Nơi tiếp xúc làm ra sắc.
  6. Sắc luật nghi.
  7. Sắc không phải luật nghi.

Lại nữa, Tụng rằng:

Vi hòa họp không lìa,
Thiện, ác không tự nhiên,
Ngoài tưởng, ba tướng không,
Pháp xứ sắc mười hai.

Luận chép: Cực vi hòa họp không tách lìa. Đối với cái lớn, cực vi không tách rời nó nương vào chỗ tạo sắc. Các sắc ở nơi khác cũng hòa cũng hợp nhưng cũng không tách lìa.

Thiện, ác không tự nhiên có là không phải tự thể của sắc có mang tính thiện, tính ác, nó tùy thuộc vào khả năng phát tâm mà nói là thiện hay ác đều là tạm nói.

– Ngoài tưởng, ba tướng không có sắc là: Ngoài ba tướng sắc, không còn có sắc nào nữa, là sắc có thấy, có đối, sắc không thấy, có đối. Và sắc không thấy, không đối. Ba tưởng đã hiện hành sắc rồi, không còn có sắc nào nữa, là sắc tưởng có đối, tưởng còn có nhiều tưởng khác nhau.

– Pháp xứ sắc có mười hai là: sắc thuộc về pháp xứ nói lược có mười hai tướng:

  1. Tướng ảnh tượng.
  2. Tướng công việc làm đã thành tựu.
  3. Tướng không thấy.
  4. Tướng không đối.
  5. Tướng chẳng phải do đại chủng thật phát sinh.
  6. Tướng thuộc về tâm.
  7. Tướng thế gian.
  8. Tướng bất tư nghì.
  9. Tướng quả vị Tam-ma-địa thế gian.
  10. Tướng Tam-ma-địa xuất thế gian.
  11. Tướng cảnh giới tự địa và địa dưới.
  12. Tướng Chư Phật, Bồ-tát tùy tâm tự tại chuyển biến, bất khả tư nghị.

Lại nữa, nay sẽ nói sự quyết định, lựa chọn cao quý về tâm bất tương ưng hành.

Tụng rằng:

Phải biết bất tương ưng,
Đều giả lập bày có.
Tính giả lập sáu thứ,
Sáu đều có ba lỗi.

Luận chép: Nên biết, Tâm bất tương ưng hành đều là giả có. Tính chất giả có, lược có sáu thứ, nghĩa là nếu về sự thì có thể lập ra sáu thứ ngôn luận:

  1. Thuộc về ngôn luận tương ưng với chủ.
  2. Ngôn luận xa lìa kia đây.
  3. Ngôn luận do các người cùng lập ra.
  4. Ngôn luận của các pháp nhóm họp.
  5. Ngôn luận không có tính bao gồm tất cả.
  6. Ngôn luận phi thường.

– Thuộc về ngôn luận tương ưng với chủ là các ngôn luận được phối hợp với chủ mới hiểu được tướng ngôn luận, chẳng phải không thuộc về chủ. Như nói lúc sinh, thì ai sinh? Do quán xét biết đã thuộc về chủ, mới lập ngôn luận nầy. Điều gọi là sự sinh của sắc, sự sinh của thọ, tưởng, hành, thức là chẳng phải nói khi sắc là nầy thuộc về ai. Sự quán xét đã thuộc về chủ mới lập ngôn luận nầy. Cũng như sinh, các thứ tâm không tương ưng như sinh trụ vô thường cũng vậy. Như những gì nói tương ưng cũng nên biết hết. Đó gọi là tương ưng với chủ. Các việc có khả năng phát sinh ngôn luận như vậy, nên biết, đều là giả tướng.

– Ngôn luận xa lìa kia, đây là các loại ngôn luận không lấy cái nầy để làm sáng tỏ cái nầy, cũng không phải lấy cái kia để làm sáng tỏ cái kia. Nói như vậy gọi là ngôn luận xa lìa kia đây. Nếu ngôn luận lấy đây để làm sáng tỏ đây, thì ngôn luận nầy được lập ra từ thật tướng, mà cũng được lập ra từ giả tướng. Nếu ngôn luận lấy kia để làm sáng tỏ kia thì ngôn luận nầy vừa phát sinh từ thật tướng vừa phát sinh từ giả tướng. Nếu chẳng phải lấy đây để làm sáng tỏ đây, cũng không phải lấy kia làm sáng tỏ kia, thì ngôn luận người kia ngôn luận người nầy, đều hoàn toàn phát sinh từ giả tướng. Thế nào là dùng ngôn luận đây để làm sáng tỏ đây, từ thật tướng phát sinh? Như nói đất cứng, thì làm thế nào đất nầy lại phát sinh từ giả tướng? Như nói viên đá tròn, như đất cứng, đá tròn, như nước ướt, dầu trơn, lửa nóng, gió thổi lửa cháy phừng, gió động trống vang, phải biết, cũng như vậy. Làm sao dùng ngôn luận người kia làm sáng tỏ người kia, phát sinh từ thật tướng? Như nói thức của mắt, tiếp xúc của thân, như thế, vì sao các cảm giác nầy lại phát sinh từ giả tướng? Như nói Phật cứu giúp người có đức đáng mến bằng những thư ăn uống, y phục, đồ dùng tốt đẹp. Những thứ như vậy, vì sao chẳng phải lấy đây làm sáng tỏ đây? Cũng không phải dùng ngôn luận của người kia làm sáng tỏ người kia, hoàn toàn sinh khởi giả tướng.

– Như cửa nhà, vách nhà, miệng chum, hông chum, xe của lính, cây rừng, mười phần trăm, ba phần mười. Những việc như vậy, gọi là ngôn luận xa lìa đây kia.

– Ngôn luận mà các người lập ra là sáu thứ lớp thể của tướng mạo ngôn luận đặt ra ngôn luận. Sáu thứ tướng mạo là:

  1. Sự tướng.
  2. Tướng tương ưng với thức.
  3. Tướng tốt đẹp.
  4. Tướng che.
  5. Tướng trạng nói năng.
  6. Tướng tà hạnh.

– Sự tướng là hoặc tướng thức đã chấp lấy.

– Tướng tương ưng với thức là tướng do tác ý nên phát sinh thức.

– Tướng tốt đẹp là tướng tiếp xúc nhận lấy nó.

– Tướng che là tướng chấp của thọ.

– Tướng trạng nói năng là tướng tưởng đã chấp lấy.

– Tướng tà hạnh là tướng nhận lấy của suy nghĩ.

– Ngôn luận của nhóm họp các pháp là ngôn luận đối với số nhiều mà hòa hợp an lập tự thể, như ngôn luận đối với nội sắc, thọ, tưởng, hành, thức cho đó là ngã, v.v… ngôn luận về sắc bên ngoài như hương, vị, xúc an lập khác nhau mà nói là nhà, là chum, là lính, là rừng.

– Ngôn luận không có tính chất bao gồm tất cả là các ngôn luận có nơi tùy thuộc chuyển biến, có nơi lui về, như nói nhà nhà thì chỉ tùy nhà mà chuyển biến lên, còn đối với thôn, đình tức là lui về. Đối với lời nói: “Mỗi cái chum” cũng như những dụng cụ hình khác, tức là lùi lại. Nói lính với chỗ khác nhau nam nữ, là lùi lại.

– Ngôn luận phi thường: nên biết, có bốn thứ nhân, là phá hoại, không phá hoại, gia hạnh và chuyển biến.

– Do phá hoại là như cái bình bể, đã là bình bể thì ngôn ngữ về bình bỏ, ngôn ngữ về gạch ngói sinh.

– Do không phá hoại: như các vị thuốc trộn với nhau rồi hoặc là thuốc hoàn, thuốc tán, không còn gọi thuốc nữa mà gọi là tán hoàn v.v… sanh.

– Do gia hạnh: như đem thoi vàng gia công làm các đồ vòng xuyến trang sức rất đẹp, lúc bấy giờ không còn nói thoi vàng mà goi bằng tên khác là vòng, xuyến, v.v…

– Do chuyển biến: như đồ ăn uống, sau khi nó chuyển hóa thì chỉ nói là phân nhơ, không gọi đồ ăn nữa. Các loại như vậy, nên biết. Ngôn luận phi thường đều dùng tùy theo các sự vật, mà có sáu thứ ngôn luận như vậy, nên biết, sự vật đều là giả có.

Hỏi: Các tâm bất tương ưng hành đều là giả có nên biết thế nào?

Đáp: Do hai lỗi:

  1. Lỗi về nhân.
  2. Lỗi về thể.

– Lỗi về nhân là nếu nói sinh là nhân của sinh vì có thể sinh cái sinh nên gọi là sinh. Tức không có quả nào khác để sinh ra được. Sinh nầy là gì? Do nhân chủ thể sinh nên gọi là sinh. Nếu nói sinh là thể của sinh thì sinh từ một cái khác, không thể nói năng sinh. Như vậy, các tâm bất tương ưng hành, như lý nên biết.

Lại nữa, sắc kia cho đến tâm không tương ưng hành, các pháp hữu vi đều là tính chất của nhân. Nhân nầy quyết định phải lựa chọn, nay sẽ nói.

Tụng rằng:

Nhân ba lỗi, chẳng năm,
Tướng nhân, lược buộc, hợp.
Chỗ nương tựa khác nhau,
Có lập ra nhiều thứ.

Luận chép: Có lối chấp lạ là lập sáu thứ nhân: nhân cùng loại nhân cùng khắp, nhân cùng có, nhân tương ưng, nhân dị thục và nhân năng tác. Sáu nhân như vậy, trừ nhân dị thục, còn năm món kia đều không hợp lý. Vì mắc phải ba lỗi, ba lỗi là: như nhân đồng loại có ba lỗi:

– Nếu nói nhân cùng loại nên gọi là nhân cùng loại thì mắc lỗi đã thành lập. Vì sao? Vì nếu pháp thiện là thể tánh của pháp thiện thì nó thành tựu trước rồi, đâu cần tới nhân.

– Nếu nói cùng loại là nhân nên gọi là nhân cùng loại thì ở đây không có quả, có lỗi bất định. Vì sao? Vì không làm rõ quả của nhân ấy. Cái gì là nhân? Chẳng quyết định là nhân thể cùng loại, bởi pháp na ná cũng là nhân.

Nếu nói chẳng phải cùng loại thì nhân cũng chẳng phải nhân cùng loại, thì đây là ngôn từ mắc lỗi nói suông, do nhân cùng loại không có ai làm chủ, ấy quan điểm gàn dở. Như vậy, trong bốn nhân thì ba nhân đã mắc lỗi, cũng nên như lý mà nói rộng. Lại nữa, đã phá về nhân không đúng lý. Hiện tại lập ra tướng nhân đúng lý. Nếu nói lược thì có hai thứ nhân:

  1. Nhân tướng trói buộc.
  2. Nhân tướng hòa họp.

– Nhân tướng trói buộc là phiền não tùy miên, đây là các pháp nương vào năng sinh ở đời sau mà nói.

– Nhân tướng hòa họp là các pháp sinh khởi đều do nhân duyên hòa hợp. Đây là căn cứ vào năng sinh trong hiện tại mà nói.

Lại nữa, nên biết, đây chỉ là nói lược về tướng nhân. Nếu y theo chỗ khác nhau để lập ra thì sẽ có nhiều thứ tướng.

– Tướng là nếu bởi tướng nhân nầy là trước thì lập ra nó. Do nó đã hòa hợp nên các pháp sinh ra. Nhân tướng đó hoặc sinh hoặc chứng đắc, hoặc đang thành lập hay thành lập rồi, hoặc khởi tác dụng. Nên biết, nói tướng nầy tức là nhân kia.

Hỏi: Lấy gì làm trướclập ra cái gì? Cái gì hòa hợp? Pháp nào sinh lên?

Đáp: Hạt giống mình là trước, ngoài hạt giống nương tựa. Số còn lại hoặc là nương vào sắc, phi sắc và nghiệp để lập. Bạn và sở duyên là hòa hợp, như các pháp được thích hợp với sự trói buộc cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc và các pháp sinh khởi không bị trói buộc.

Hỏi: Lấy gì làm trước? Lập ra cái gì? Cái gì hòa hợp? Chứng pháp gì?

Đáp: Thanh văn, Độc giác và chủng tính Như lai làm đầu. Lấy sức nội nhân để lập, lấy sức ngoại nhân làm hòa hợp, lìa các trói buộc phiền não, chứng Niết-bàn.

– Sức nội nhân trong đây là tác ý đúng như chân đế, về pháp lành phần trong của thiểu dục tri túc, sinh làm thân người ở chỗ bậc Thánh, các căn đầy đủ, không bị các nghiệp chướng, có lòng tin trong sạch đối với Đức Như lai. Các pháp như vậy, gọi là sức mạnh của nội nhân.

– Sức mạnh ngoại nhân là Chư Phật ra đời nói pháp mầu nhiệm. Ai an trụ trong chánh pháp làm bạn với các những người ấy, làm thí chủ với ai có đức in và lòng thương người. Các pháp như vậy gọi là sức mạnh ngoại nhân.

Hỏi: Lấy gì làm trước? Lập ra cái gì? Cái gì hòa hợp? Thành lập pháp gì?

Đáp: Đối với pháp đã biết, hiểu rõ, ưa thích làm trước. Lấy tông nhân, dụ để lập. Không trái với ai và đối với luận giả được hòa hợp, muốn lập nghĩa mới thành lập.

Hỏi: Lấy gì làm trước? Lập ra cái gì? Cái gì hòa hợp? Pháp nào được thành xong?

Đáp: Trí công xảo làm trước, theo trí đó mà siêng năng hết sức để lập. Tay nghề khéo léo với các dụng cụ được hòa hợp. Trí và tay nghề khéo léo kia hoàn thành. Lại nữa, lòng thương mến là trước. Nương vào nơi ăn ở mà lập. Do bốn thứ ăn mà hòa hợp, nên hữu tình sinh ra, vì nuôi dưỡng mà được sống yên lành.

Hỏi: Lấy gì làm trước? Lập ra cái gì? Cái gì hòa hợp? Pháp nào làm công dụng?

Đáp: Lấy hạt giống của mình làm trước, tức lấy hạt giống đời trước mà lập ra. Hạt giống đó, được duyên làm phát sinh bởi hòa hợp. Người tự tạo nghiệp, tự được tác dụng mà được thành xong.

– Tự tạo nghiệp, như mắt thấy nghiệp. Như vậy, ngoài các căn khác nên biết, mỗi căn đều có nghiệp gây ra khác nhau. Lại, như đất có công năng gìn giữ nước, có thể cuốn trôi tan rã, lửa có công năng đốt cháy, gió có công năng làm khô. Các loại như vậy đều gọi là pháp ngoại. Mỗi loại đều gây ra nghiệp khác nhau.

– Y xứ, có mười lăm thứ nhân duyên về chỗ nương.

  1. Ngữ.
  2. Lãnh thọ.
  3. Tập khí.
  4. Hạt giống có thấm nhuần.
  5. Hoại diệt không xen hở.
  6. Cảnh giới.
  7. Căn.
  8. Tác dụng.
  9. Sĩ dụng.
  10. Thấy chân thật.
  11. Thuận theo.
  12. Công năng khác nhau.
  13. Hòa hợp.
  14. Chướng ngại.
  15. Không chướng ngại.

– Khác nhau: là mười nhân, bốn duyên, năm quả. Mười nhân là nhân tùy thuyết, nhân quán sát đợi chờ, Nhân dẫn dắt, Nhân sinh khởi, Nhân nhiếp thọ, Nhân dẫn phát, Nhân định khác, Nhân đồng sự, Nhân trái nhau, Nhân không trái nhau.

– Bốn duyên là duyên nhân, duyên đẳng vô gián, duyên sở duyên, duyên tăng thượng.

– Năm quả là quả Dị thục, quả đẳng lưu, quả xa lìa trói buộc, quả sĩ dụng, quả tăng thượng.

Trong đây, tùy theo các pháp mà gọi là trước thì tưởng, vì tưởng là trước. Đó là theo các pháp mà nói nhân.

Nếu do quán sát đợi chờ, hoặc do nhân nầy với các sự kia, hoặc tìm kiếm, hoặc chấp lấy, đó là nhân quán sát đợi chờ, như quán sát đợi chờ tay thì tay là nhân. Khởi chấp lấy nghiệp là quán sát đợi chờ chân thì chân là nhân. phát sinh nghiệp đi tới, quán sát đợi chờ thời tiết thì thời tiết là nhân. Phát khởi nghiệp co duỗi vì quán sát đợi chờ đói khát thì đói khát là nhân. Theo dõi mong ăn uống v.v… tùy theo vô lượng thứ như vậy. Nên biết, những thứ ấy, đều gọi là nhân quán sát chờ đợi.

– Hoặc hạt giống đối với tự quả sau cuối là nhân dẫn dắt thì hạt giống nầy là nhân sinh khởi tự quả. Ngoài hạt giống, các duyên còn lại là nhân nhiếp thọ, tức hạt giống nầy đã sinh khởi quả là việc sau. Hạt giống nầy đã dắt dẫn quả, dẫn nhân phát sinh, nó có khả năng gây ra các thú dị loại mà mỗi thứ đều có nhân khác nhau. Đó gọi là nhân quyết định khác nhau.

– Nếu nhân quán sát đợi chờ, hoặc nhân dẫn dắt, hoặc nhân sinh khởi, hay nhân nhiếp thọ, hoặc nhân dẫn phát, hoặc nhân quyết định khác nhau, thì thâu nhiếp hết các nhân như thế, v.v… gọi là nhân Đồng sự.

– Hoặc đối với những cái đã sinh, nó làm chướng ngại, đó gọi là nhân trái nhau. Nếu xa lìa chướng ngại thì đó gọi là nhân không trái nhau.

– Hạt giống các pháp là duyên nhân duyên Đẳng vô gián là từ thức Đẳng vô gián nầy mà các thức quyết định phát sinh tác dụng. Đây là duyên đẳng vô gián của nó.

Đối tượng của pháp tâm, tâm sở hữu là duyên sở duyên.

– Duyên Tăng thượng là ngoài hạt giống, những chỗ nương khác như nhãn và các pháp cùng có đối với nhãn thức. Như vậy, các căn khác và thức đối khác. Các pháp thiện, bất thiện dẫn đến hậu thọ quả đáng yêu mến, không đáng yêu mến. Các loại như vậy là duyên tăng thượng.

– Các pháp bất thiện đã gây ra dị thục đường ác. Pháp thiện hữu lậu đã gây nên dị thục đường thiện, đó gọi là quả Dị thục.

– Còn quen theo bất thiện, ở yên với bất thiện thì bất thiện ngày càng gia tăng. Còn quen theo thiện, ở yên với thiện thì pháp thiện gia tăng. Lại nữa, tùy theo nghiệp chuyển y mà nghiệp trước tương tự làm quả báo sau. Đó gọi là quả đẳng lưu.

– Còn nương vào Tám Thánh đạo mà diệt phiền não, ấy là quả thoát khỏi trói buộc.

– Còn phàm phu noi theo pháp thế gian mà dứt trừ phiền não, nhưng không gọi là quả thoát khỏi trói buộc vì chưa chuyển y rốt ráo.

– Còn đối với pháp hiện tại, các người trong thế gian nầy, tùy theo nghề khéo léo mà làm khởi lên tay nghề của các người, nghĩa là các nghề chính như buôn bán, nông nghiệp, kinh doanh, hành chính,

kế toán, ấn lòat. Do dựa vào nghề nghiệp mà hạt giống nẩy mầm sung mãn, gặt hái được thành quả tốt đẹp, ích lợi, đó gọi là quả sĩ dụng.

– Nhãn thức là quả tăng thượng của thị giác. Cũng thế, cho đến ý thức là quả tăng thượng của ý căn. Lại thân các chúng sinh không tan hoại là quả tăng thượng của mạng căn hai mươi hai căn đều có sức tăng thượng riêng của mỗi căn, nên quả của chúng đều được phát sinh. Nên biết các quả của chúng đều gọi là quả tăng thượng.

– Lập ra là dựa vào các nhân, dựa vào chỗ để lập ra tùy theo và nói về nhân. Vì sao? Vì đối với pháp bị trói buộc ở cõi Dục, pháp trói buộc ở cõi Sắc, cõi Vô sắc và pháp không trói buộc mà lập ra. Vì gọi là đầu tiên nên tưởng chuyển biến. Vì có tưởng đi trước mới sinh ra lời nói, do ngôn ngữ tùy theo vào thấy nghe, hay, biết mới sinh ra nói năng. Cho nên dựa vào ngôn ngữ, dựa vào nơi chốn, tùy theo nói về nhân mà lập ra.

– Dựa vào nhân nhận lấy, dựa vào nơi chốn, mà lập ra nhân quán sát đợi chờ. Vì sao? Các hữu tình mong muốn tìm cầu, bị niềm vui cõi Dục buộc ràng. Vì dùng nơi kia quán xét nơi nầy, đối với những gì mình ham muốn, tìm cầu cho được, hoặc tìm kiếm chứa nhóm, hoặc để thọ dụng. Các hữu tình tìm kiếm ở cõi Sắc, cõi Vô sắc bị niệm ở đó trói buộc, dùng nơi kia để quán xét nơi nầy, nên đối với các duyên, hoặc tìm kiếm mà được. Hoặc tìm kiếm để thọ dụng. Người hữu tình mong cầu niềm vui không ràng buộc, dùng nơi kia quán xét nơi nầy, đối với các duyên có được, duyên cắt đứt thì cầu xa lìa, hoặc cầu để hưởng dụng. Cho nên dựa vào nhận lấy, dựa vào nơi chốn mà lập nhân quán sát đợi chờ.

– Dựa vào nhân thói quen, dựa vào nơi chốn mà lập ra nhân dẫn dắt. Vì sao? Vì nghiệp tịnh, bất tịnh xông ướp các hành của ba cõi, nên sống với những gì đáng yêu mến hay không đáng yêu mến. Từ đó cảm nhận thân mình đáng yêu mến hay không đáng yêu mến. Do sức mạnh thêm lớn nầy mà gặt hái được nhiều của cải tràn đầy hay có lúc bị giảm bớt. Cho nên dựa vào các hành tịnh hay bất tịnh và dựa vào thói quen nơi chốn mà lập ra nhân dẫn dắt.

– Dựa vào nhân hạt giống có thấm nhuần, dựa vào nơi chốn mà lập ra nhân sinh khởi. Vì sao? Vì các pháp trói buộc ở cõi Dục và các pháp trói buộc ở cõi Sắc, cõi Vô sắc, mỗi thứ đều phát sinh từ hạt giống của nó. Yêu mến là năng thấm ướt, hạt giống là đối tượng thấm ướt. Do hạt giống bị thấm ướt nầy, trước, nó đã dẫn dắt chúng sinh đến với mỗi thân khác nhau từ đó sinh khởi cho đến ngày nay. Như kinh nói:

“Nghiệp là do nhân mê hoặc sinh ra, ái là nhân sinh khởi. Cho nên nương vào hạt giống, nơi chốn có thấm nhuần mà lập ra nhân sinh khởi”.

– Dựa vào nhân vô gián diệt, dựa vào nơi chốn và tác dụng sĩ dụng của căn, cảnh, giới, nhận thấy chân thật, dựa vào nơi chốn mà lập ra nhân nhiếp thọ. Vì sao? Vì các pháp trói buộc ở cõi Dục đã tiếp nhận hoại diệt không xen hở. Vì nhiếp thọ cảnh giới, nhiếp thọ căn, nhiếp thọ tác dụng, nhiếp thọ sĩ dụng cho nên các hành kia chuyển biến, như các hành bị trói buộc ở cõi Dục, như các hành đời sống bị trói buộc ở cõi Sắc, cõi Vô sắc, cũng vậy. Do nhiếp thọ hiểu biết chân thật nên không có trói buộc nào khác đối với các hành chuyển biến. Cho nên dựa vào hoại diệt không xen hở, dựa vào tác dụng sĩ dụng của căn cảnh, giới, hiểu biết chân chính, nơi chốn mà lập ra nhân nhiếp thọ.

– Dựa vào nhân thuận theo, nơi chốn mà lập ra nhân dẫn phát. Vì sao? Vì pháp thiện trói buộc ở cõi Dục có thể dẫn đấn các pháp thiện cao quý trói buộc ở cõi Dục. Các pháp thiện trói buộc ở cõi Dục Cũng thế, có thể dẫn đến các pháp thiện tốt đẹp hơn trói buộc ở cõi Sắc, cõi

Vô sắc do thuận theo nhân nơi chốn. Như pháp thiện trói buộc ở cõi Dục, pháp thiện trói buộc ở cõi Sắc, cõi Vô sắc Cũng thế có thể dẫn đến các pháp thiện cao quý trói buộc ở cõi Sắc, trói buộc ở cõi Vô sắc hay các pháp thiện tốt đẹp không trói buộc. Như pháp thiện trói buộc ở cõi Sắc, pháp thiện trói buộc ở cõi Vô sắc Cũng thế có thể dẫn đến pháp thiện tốt đẹp trói buộc cõi Vô sắc và pháp thiện không trói buộc, như pháp thiện trói buộc cõi Vô sắc.

Pháp thiện không trói buộc như vậy, có thể dẫn đến các pháp thiện tốt đẹp không trói buộc và có thể dẫn đến tác chứng vô vi, pháp bất thiện có thể dẫn dắt đến pháp bất thiện nặng nề hơn, như tham lam dục vọng có thể đưa đến hành vi ác của thân, hành vi ác của lời, nói, hành vi ác của ý như giận dữ, ngu si, ngã mạn, ác kiến, nghi ngờ. Như dục vọng tham, sân, si, mạn, kiến, nghi như vậy, cũng như các pháp tương ưng với chúng, nên biết.

Cũng thế, pháp vô ký có thể dẫn đến pháp thiện, bất thiện, vô ký. Thức A-lại-da có khả năng giữ gìn hạt giống thiện, bất thiện, vô ký.

Lại nữa, pháp vô ký có thể dẫn đến pháp vô ký vượt hơn cùng loại. Nghĩa là các cách ăn dẫn đến cho đời sống hữu tình giúp nó an ổn, không hư hoại, và có thể đem đến cho ho những thoải mái lành mạnh làm cho thêm lớn. Ấy là do thuận theo. Cho nên dựa vào nhân thuận theo, nơi chốn mà lập ra nhân dẫn phát.

– Dựa vào nhân công năng khác nhau, nơi chốn mà lập ra nhân quyết định khác nhau. Vì sao? Vì tự thể pháp trói buộc ở cõi Dục về công năng có khác nhau, nên chúng có thể phát sinh các tự thể khác nhau.

Như pháp trói buộc ở cõi Dục, pháp trói buộc ở cõi Sắc, cõi Vô sắc và pháp không trói buộc cũng vậy. Cho nên dựa vào công năng nơi chốn khác nhau, mà lập ra nhân quyết định khác nhau.

– Dựa vào nhân hòa hợp, nơi chốn mà lập ra nhân đồng sự. Vì sao? Vì cốt yếu có hòa hợp phát sinh cho nên pháp trói buộc ở cõi Dục được phát sinh. Như pháp trói buộc ở cõi Dục, pháp trói buộc ở cõi Sắc, cõi Vô sắc và không trói buộc, cũng như vậy. Như sinh hòa hợp, Cũng thế được hòa hợp, thành lập hòa hợp, thành tựu hòa hợp, tác dụng hòa hợp cũng vậy. Cho nên nương vào hòa hợp, nơi chốn mà lập ra nhân đồng sự.

– Dựa vào nhân có chướng ngại, nơi chốn mà lập ra nhân trái nhau. Vì sao? Vì khi pháp trói buộc ở cõi Dục sắp phát sinh, thì có chướng ngại trước mắt, chúng không phát sinh được. Như pháp trói buộc ở cõi Dục, pháp trói buộc ở cõi Vô sắc, vô sắc và không trói buộc, cũng như vậy. Vì muốn sinh như vậy, muốn được, muốn thành lập, muốn tác dụng cũng như vậy, cho nên dựa vào chướng ngại, nơi chốn để lập ra nhân trái nhau.

– Dựa vào nhân không chướng ngại, nơi chốn mà lập ra nhân không trái nhau. Vì sao? Do khi pháp trói buộc ở cõi Dục sắp phát sinh, nếu không bị cái gì chướng ngại trước mắt thì nó phát sinh. Như pháp trói buộc ở cõi Dục, pháp trói buộc ở cõi Sắc, cõi Vô sắc và không trói buộc, cũng như vậy. Như sinh như vậy, được thành lập rồi, tác dụng cũng như vậy, cho nên nương vào không chướng ngại, nơi chốn mà lập ra nhân không trái nhau.

Lại nữa, dựa vào duyên hạt giống, nơi chốn để lập ra nhân duyên. Dựa vào duyên diệt không xen hở, nơi chốn mà lập ra duyên Đẳng Vô gián. Dựa vào cảnh giới đối tượng, nơi chốn mà lập ra duyên sở duyên. Dựa vào duyên khác, nơi chốn mà lập ra tăng thượng duyên.

Lại nữa, dựa vào thói quen và nhân thuận theo, dựa vào duyên, nơi chốn mà lập ra quả dị thục của quả đẳng lưu.

– Dựa vào cái thấy chân thật, dựa vào duyên, nơi chốn mà lập ra quả lìa khỏi trói buộc. Dựa vào nhân sĩ dụng, các duyên, nơi chốn mà lập ra quả sĩ dụng. Dựa vào nhân khác, các duyên, nơi chốn mà lập ra quả tăng thượng.

Lại nữa, Nghĩa thuận ích là nghĩa nhân, mà lập ra nghĩa là nghĩa duyên. Nghĩa hoàn thành là nghĩa quả.

Lại nữa, lập nhân có năm thứ tướng là nhân năng sinh, nhân phương tiện, nhân câu hữu, nhân vô gián diệt và nhân diệt lâu xa.

– Nhân năng sinh là sinh khởi.

– Nhân phương tiện là các nhân khác.

– Nhân câu hữu là một phần của nhân nhiếp thọ, như mắt đối với nhãn thức. Cũng thế, tai đối với các thức khác.

– Nhân diệt không xen hở là nhân sinh khởi.

– Nhân diệt lâu xa là nhân dẫn dắt.

– Lại nữa, nhân lập ra có năm tướng là nhân đáng yêu mến, nhân không đáng yêu mến, nhân tăng trưởng, nhân lưu chuyển và nhân hoàn diệt.

Lại nữa, nhân lập ra có bảy tướng: pháp vô thường là tướng của nhân. Pháp không có thường được gọi là nhân, là nhân sinh hay nhân đạt được, nhân thành lập, nhân làm xong việc và nhân tác dụng.

Lại nữa, khi pháp vô thường là nhân của pháp vô thường, thì tính chất vô thường là nhân. Không phải tính tự kỷ, cũng là nhân cho tự tính về sau, chẳng phải ngay trong giây phút nầy. Lại nữa, làm nhân cho tính chất khác, và lúc tự tính về sau là nhân thì đã sinh nhưng chưa diệt, chẳng phải chưa sinh mà đã diệt. Lại nữa, khi pháp đã sinh chưa diệt làm nhân thì nó sẽ không được duyên khác, chứ chẳng phải không được. Lại nữa, lúc có duyên khác thì phải trở thành đổi khác, không phải chưa trở thành đổi khác. Lại nữa, khi trở thành đổi khác, thì phải có công năng tương ưng với nó, chứ không phải công năng thoái thất.

Lại nữa, khi công năng tương ưng thì phải thuận theo bình đẳng, chứ chẳng phải không thuận theo bình đẳng.

Cũng thế, bảy tướng nhân, như các pháp được tương ứng với các nhân đã lập ra, nên biết.

Lại nữa, nay sẽ nói về pháp quyết trạch vô vi.

Tụng rằng:

Vì tâm sở duyên thảy,
Là sở duyên thanh tịnh,
Bốn thứ lìa trói buộc,
Lập ra tám vô vi.

Luận chép: Tám thứ vô vi thì trong phẩm thâu nhiếp sự đã nêu. Hư không vô vi là do cảnh sở duyên của tâm tương tự nên lập là thường, là do nó không duyên tâm kia mà duyên vào cảnh giới có lúc thay đổi.

Do sở duyên thanh tịnh nên lập ra chân như. Do chân như nầy như khi thanh tịnh duyên vào thể tướng, do thường an trụ Cũng thế, do xa lìa bốn thứ trói buộc, nên lập ra bốn thứ vô vi khác, nghĩa là bốn thứ như phi trạch diệt, v.v…

– Xa lìa nghĩa là duyên khác nhau đưa đến thoát khỏi trói buộc hoàn toàn. Giản trạch phiền não, hoàn toàn tách khỏi trói buộc, lìa khỏi trói buộc khổ vui tạm thời. Tâm tâm pháp tạm thời lìa khỏi trói buộc. Như vậy, đã nói tất cả quyết trạch về phạm vi các sự. Nay sẽ nói quyết trạch.

Tụng rằng:

Cần phải biết, ba cõi,
Mười hai tướng khác nhau.
Sở trị và năng trị,
Chỉ năng tổn phục chủng.

Luận chép: Nên biết ba cõi là cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc, có mười hai thứ tướng khác nhau là:

1. Có nhiều thứ khác nhau, đây nên biết có sáu thứ là nhiều thứ nương, nhiều thứ tướng mạo, nhiều thứ nơi chốn, nhiều thứ cảnh giới, nhiều thứ phiền não, nhiều thứ tạo nghiệp.

2. Đường khác nhau.

3. Khổ, vui, không khổ không vui đều hiện hành khác nhau.

4. Khó khăn, không khó khăn, khác nhau, như ở cõi Dục có khó khăn hay không có khó khăn. Hai cõi trên chỉ có một ít công năng khó khăn.

5. Nơi không thanh tịnh, thân không thanh tịnh khác nhau. Nghĩa là chỗ ở không trong sạch, nhưng thân thì trong sạch, là sinh với nơi không có tai nạn, trong cõi Dục. Hoặc có chỗ ở trong sạch, không phải thân thanh tịnh, là phàm phu ở cõi Sắc, cõi Vô sắc hoặc có nơi ở không trong sạch và thân không trong sạch, là sinh vào nơi có tai nạn trong cõi Dục.

– Hoặc có nơi ở trong sạch, thân trong sạch, là người ở cõi Sắc, cõi Vô sắc đã thấy đế.

6. Thọ dụng khác nhau là ở cõi Dục thọ dụng ở cửa ngoài của cảnh giới và thọ dụng bốn thứ ăn. Hai cõi trên thọ dụng ở trong cảnh giới, họ chỉ thọ dụng có ba thứ ăn.

7. Thiện căn hơn kém khác nhau.

8. Gốc lành khác nhau vì xen lẫn việc làm ác, không xen lẫn việc làm ác.

9. Khác nhau về nặng, dày, mỏng, to.

10. Đời sống khác nhau.

11. Tự thể có được khác nhau. Ở cõi Dục, có đủ bốn thứ đắc tự thể. Hai cõi trên chỉ có một thứ, do cõi trên ấy, không có việc hại mình, hại người.

12. Lời nói khác nhau là ở cõi Dục, có đủ bốn thứ lời nói. Ở cõi Sắc không có cảm giác, không suy lường. Ở cõi Vô sắc thì tất cả đều không có, cho nên phải biết, ba cõi năng trị và sở trị đều khác nhau. Cõi Dục là sở trị, cõi Sắc là năng trị. Cõi Sắc là sở trị, cõi Vô sắc là năng trị. Lại nữa, cõi dưới là sở trị, cõi trên là năng trị. Đối trị như vậy chỉ gây tổn hại, đè bẹp hạt giống, khiến chúng yếu kém mà thôi. Chẳng phải mãi mãi hại chúng, nên chúng vẫn tái sinh.

Lại nữa, Tụng rằng:

Biển pháp vương vị mặn,
Cõi Dục, ác sống lâu,
Nhiều thế giới chung một,
Đều thứ hai nhân duyên.

Luận chép: Do đâu mà quỉ Diệm-ma tự xưng là Pháp Vương? Do y đem lợi ích chúng sinh. Có hai thứ nhân có thể giúp ích:

1. Khiến chúng sinh nhớ lại những gì mà mình đã làm đời trước, giúp họ tự quở trách, nhàm chán nghiệp ác đời trước.

2. Khiến bọn ngục tốt trong Na-lạc-ca không còn gây ra nghiệp ác nữa. Sớm ra khỏi Na-lạc-ca.

Vì sao nước trong các biển đều có một vị mặn của lòng thương? Do hai lý do:

1. Vì nước đem phước lực thêm lớn cho chúng sinh, làm cho chúng sinh khác không thể tiến vào.

2. Đối với chúng sinh không có phước thêm lớn ở đất liền, khiến họ không xuống biển mò châu báu được.

– Vì sao đường bàng sinh ở Na-lạc-ca, không phân chia tuổi thọ dài xa của chúng sinh, không thuộc về đường thiện trong cõi Dục? Do hai nguyên nhân mà đường ác sống dai.

1. Do pháp lành ở cõi Dục phải do sức cố gắng suy tư, lựa chọn mới phát sinh được.

2. Các pháp bất thiện không do suy tư, lựa chọn, duyên vào đó mà sinh khởi.

– Vì sao trong tam thiên đại thiên thế giới, cho đến tầng trời Sắc Cứu Cánh, mà chỉ nói là có một thế giới chót hết là Phạm Thế, dù có nhiều thế giới? Cũng do hai nguyên nhân:

  1. Cùng thành, hoại.
  2. Do lập ra chúng hội.