LUẬN HIỂN DƯƠNG THÁNH GIÁO

Tác giả: Bồ-tát Thiên Thân.
Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Huyền Tráng Đời Đường
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 15

PHẨM 5: THÀNH LẬP KHỔ

Đã thành lập tướng vô thường như vậy, còn tướng khổ được thành lập ra sao? Tụng rằng:

Pháp sinh sắp lìa nhân
Diệt sinh hòa hợp dục.
Đảo, không đảo, chán lìa,
Nhân kia là tướng khổ.

Luận chép: Khi pháp phát sinh thì nó muốn xa lìa nhân dục. Khi pháp diệt thì nó muốn hòa họp với nhân dục. Nếu không biết rõ nhân của sự trái ngược ấy và nếu khéo thông suốt nhân không trái ngược thì sinh chán ngán lìa khỏi ham muốn trong bất cứ lúc nào nào. Do vậy, nên biết đó là tướng khổ chung. Lại nữa, bài Tụng rằng:

Nương ba thọ khác nhau,
Mà lập ba tướng khổ.
Nên nói tất cả thọ,
Thể tính đều là khổ.

Luận chép: Do dựa vào tướng khác nhau của ba cảm thọ mà lập ra ba tướng khổ, là tướng khổ khổ, tướng khổ hoại, và tướng khổ hành. Do các tướng ấy, nên Đức Phật mới nói: “Các thọ đều gọi là khổ”, là khổ thọ và thuận theo khổ thọ xứ pháp nên biết lập ra tướng khổ đầu tiên. Đối với lạc thọ và thuận theo pháp thọ học mà lập nên tướng khổ thứ hai. Đối với cảm giác không khổ không vui và thuận theo pháp thọ xứ mà lập nên tướng khổ thứ ba. Bởi không biết rõ tướng khổ thứ ba nầy nên cho nó là thường, nhân trái ngược phát sinh từ đó. Nếu biết rõ nó là vô thường thì không còn nhân phát sinh trái ngược, và còn phát sinh ham muốn cái vui Niết-bàn. Do không biết hay biết cái khổ thứ ba nầy cho nên cũng biết, không rõ hai cái khổ trước. Nên biết rõ điều ấy.

Lại nữa, hai tướng khổ trước thì thế gian đều có. Còn tướng khổ thứ ba nầy thì không phải ai cũng có. Hiện tại sẽ thành lập tính chất của các hành, là khổ hành. Tụng rằng:

Nên biết tính khổ hành,
Đều thô nặng cũng theo
Vui, xả, không đúng lý,
Đều lỗi, không giải thoát.

Luận chép: Tính chất vui của các hành và tính chất của xả thọ cũng đều không hợp lý. Vì sao? Vì tính chất ấy đã bị tùy theo tất cả vị trí của vật to, nặng. Cho nên thể tính của các hành là khổ. Nếu không cũng thế thì thứ lớp của các hành kia đối với tính chất vui kia và ý nghĩ ham muốn không khổ không vui, lẽ ra là không có, lẽ ra cảm giác không khổ và không khổ không vui, phải là cảm giác không có khổ vui.

Hỏi: Ông cũng đồng ý cũng thế? Là nếu chỉ có một tính chất của khổ hành thì lẽ ra không có cảm giác vui và cảm giác không khổ không vui.

Đáp: Vì không biết rõ nên cho là có.

Hỏi: Phải chăng cũng do không biết rõ nên cho là có ngã?

Đáp: Không đúng vì có lỗi không giải thoát.

Nếu biết rõ các hành và bản tính vui và không khổ, không vui đều là khổ thì đó gọi là khổ đế người ta phải quán xét ngay đây. Cứ theo thứ lớp như vậy mà quán xét thì chứng được giải thoát cuối cùng. Nếu không biết quán xét như vậy, chỉ nói khổ suông thì là điên đảo, không có tư cách chứng được vắng lặng rốt ráo.

Lại nữa, Tụng rằng:

Chướng ngại nhanh, sâu thảy
Dựa tiến dừng nương không,
Tánh chấp trước, thấp kém
Điên đảo và nhiễm ô.

Luận chép: Lại nữa, tính chất của các hành đời sống, có những khổ ít rồi tướng khổ lại thêm vào mạnh mẽ hơn, còn vui, v.v… thì không như vậy. Lại nữa, tính chất của khổ rất sâu nặng khó xua tan, còn vui thì không như vậy.

Lại nữa, nếu tướng khổ bình đẳng mà bao cùng khắp cả mọi nơi thì dù cho người chứng được pháp rộng lớn đi nữa vẫn bị quấy nhiễm, rồi lại chấp là thường, lạc, ngã, tịnh. Cái ấy gọi là trái ngược vì nó chướng ngại pháp của bậc Thánh.

– Lại nữa, khi chấp mắc vào lạc thì ý niệm ấy là chỗ nương cho tham, v.v… cũng như bao nhiêu sai lầm lớn nhỏ khác. Lại nữa, các hành như khổ, v.v… các hành tác có thể thúc đẩy làm nhiều công đức tiến lên cõi trên. Lại nữa, khi ở lâu một nơi nào giữ mãi oai nghi cũng phát sinh nhiều khổ không chịu đựng nổi. Lại nữa, dù ở không, chẳng làm gì đi nữa thì cái khổ vẫn theo. Lại nữa, càng chấp mắc vào lạc thì tính tình càng thấp kém. Các hành mà chấp trước cho là vui thì thuộc về trái ngược. Lại nữa, các ham muốn hoan vui khởi lên từ chỗ thuận theo vui ở đời, hầu hết đều là nhơ bẩn. Nên các hành đều là khổ. Lại nữa, Tụng rằng:

Như ung nhọt, ghẻ thảy,
Là chỗ ba thọ nương,
Nó phát khởi ba xúc
Chấp lạc, thảy chuyển theo.

Luận chép: Nên biết: Tính chất của các hành là khổ, nó như bệnh ung thư, ghẻ ngứa là chỗ nương của ba thọ. Vì sao? Vì ở đời, ba thức tiếp xúc như ung thư, ghẻ ngứa, nó dẫn cảm giác xuôi theo khổ, vui và không khổ không vui. Do dựa vào tiếp xúc nầy mà người thế gian mới cho là khổ, vui, không khổ không vui. Như vậy, từ tính chất khổ mà các hành nầy đã làm phát sinh ba xúc. Từ xúc đó, nên thọ vui chuyển biến theo. Nếu không có trạng huống nầy thì các thọ là không chuyển biến.

Cũng thế, là đã chỉ bày rõ về tướng trạng của khổ, rồi lập Tông, Nhân Dụ rồi.

Lại nữa, vì sao chỉ lập ba khổ, không nhiều hay ít hơn trong các hành? Tụng rằng:

Tự tướng tự phân biệt,
Tính khổ, không an ổn.
Năm lăm thứ, nên biết,
Đều thuộc về ba khổ.

Luận chép: Từ tự tính, khổ chỉ có ba thứ:

1. Do tự tướng nghĩa là tính chất của khổ khổ.
2. Do tự phân biệt, nghĩa là tính chất của khổ hoại.

Nếu tách rời phân biệt thì dù có sự biến hoại, nhưng người giải thoát thì không còn phát sinh khổ nữa; 3. Do không an ổn là tính chất khổ của các hành vì các phiền não, nặng về cứ đeo đẳng mãi. Ba khổ khác nhau như vậy có năm mươi lăm thứ nên biết. Năm mươi năm thứ đó là: Tụng rằng:

Thân bám vào cõi sống,
Chủng loại đế ba đời,
Thời mạng, loại, khác nhau,
Dẫn các khổ khác nhau.

Luận chép: Từ cõi khác nhau nên có ba thứ khổ, nghĩa là bị trói buộc vào cõi Dục, vào cõi Sắc, vào cõi Vô sắc. Duyên khác nhau nên có sáu thứ khổ, chủng tánh của khổ là ham muốn. Khổ vì quả báo do ngu si mà ra. Khổ vì tác động của nghiệp đời trước. Khổ vì duyên vào nhân hiện tại, khổ vì duyên vào nghiệp thanh tịnh, khổ vì duyên vào nghiệp không trong sạch.

Thân khác nhau nên có bốn thứ khổ là: Khổ vì phải gánh vác các việc nặng nhọc. Khổ vì địa vị thay đổi tan mất. Khổ vì thân to, nặng, khổ vì sống chết.

Đường khác nhau nên có năm thứ khổ là: Khổ ở Na-lạc-ca cho đến khổ cõi trời vì chủng loại khác nhau nên có năm thứ khổ là: Khổ vì ép ngặt khốn đốn. Khổ vì túng thiếu, khổ vì trái ngược, khổ vì những yêu mến bị thay đổi tan rã, khổ vì thân xác to, nặng. Vì Đế có khác nhau nên có tám thứ khổ là khổ vì sinh, khổ vì già, khổ vì bệnh, khổ vì chết, khổ vì ghét mà phải gặp nhau, khổ vì thương mến bị chia lìa, khổ vì cầu mong không toại ý, khổ vì thủ uẩn.

– Duyên thế gian khác nhau nên có chín thứ khổ là khổ vì việc đã qua, từ quá khứ, hiện tại, vị lai mà bao khổ phát sinh hiện tại, vị lai cũng khổ như vậy.

– Thời gian khác nhau nên có bốn thứ khổ: Khổ vì thời tiết thay đổi, khổ vì đói, khổ vì khát, khổ vì được dẫn bằng oai nghi co duỗi, thở ra thở vào, nhắm mắt mở mắt, v.v…

– Sự nuôi sống khác nhau: nên có bốn thứ khổ là mong cầu không thỏa mãn. Khổ vì tìm cầu mãi. Khổ vì phải lo giữ gìn và khổ vì không được tự tại.

– Phẩm vị khác nhau nên có bảy thứ khổ là:

1. Khổ vì các thứ bị hao mòn, là những thứ trong nhà.
2. Khổ vì sự tăng thêm, là những thứ của người xuất gia.
3. Khổ vì lo rầu.
4. Khổ vì lìa hữu.

Lại, theo người nói rành pháp luật thì người xuất gia có ba thứ khổ là: Khổ vì ngu si, là ngóng chờ vị lai, truy tìm về êm đẹp quá khứ, khổ vì tính ganh ghét và khổ vì thua người khác.

– Dựa vào điều xấu để nói pháp luật thì người xuất gia cũng có ba thứ khổ là: Khổ vì ngu si, là chấp trái ngược những pháp mà mình đã hiểu, khổ vì tính ganh ghét là lòng không chịu đựng nổi trước tiếng khen và lợi dưỡng mà Phật và các đệ tử có được và khổ vì thua kẻ khác.

Nghĩa là danh, lợi, khi xảy ra tranh cãi thì bị thua. Tụng rằng:

Chưa lìa Dục, sắc thảy,
Ba thứ địa, nên biết,
Tất cả thứ cõi Dục,
Sắc, vô sắc trừ hai.

Luận chép: Như vậy, năm mươi lăm thứ khổ thuộc về ba cõi là:

1. Nơi nào chưa lìa khỏi ham muốn thì thuộc về cõi Dục.
2. Nơi nào đã lìa khỏi ham muốn là thuộc cõi Sắc.
3. Nơi nào lìa ham muốn cõi Sắc là thuộc về cõi Vô sắc.

Theo thứ lớp ba thứ nầy mà lập thành ba thứ khổ, là thượng, trung, hạ. Lại nữa, trong cõi Dục có đủ tất cả khổ. Trong cõi Sắc, cõi Vô sắc không có hai khổ, hai khổ ấy là khổ khổ, và khổ hoại. Và ham muốn là gốc của khổ, khổ vì chịu quả báo do ngu si cũng gồm trong hai thứ khổ nói trên. Nhưng vẫn còn những khổ khác.

Tụng rằng:

Thế tục có hai thứ
Thắng nghĩa là biến hành,
Hai duyên cả cõi trên,
Không hiện nhiễm, nên biết.

Luận chép: Như thế khổ lược, có hai thứ, là thế tục và thắng nghĩa khác nhau. Khổ thế tục đế bao gồm thì có hai thứ là khổ khổ và khổ hoại. Khổ Thắng nghĩa đế bao gồm chỉ có một thứ là khổ hành. Khổ hành nầy cũng gọi là khổ biến hành vì nó rộng khắp ba cõi.

Các địa trên cõi Dục, có hai duyên phát sinh khổ là khổ duyên vào đời trước, khổ không có nhân duyên hiện tại. Khổ vì duyên vào tịnh, và khổ vì không duyên vào bất tịnh.

Tụng rằng:

Không, Vô sắc gánh nặng
Thô trọng khắp cõi trời,
Và đế mé sau tốt,
Còn bảy tùy buộc trên.

Luận chép: Trong cõi Vô sắc, không có thân phải gánh nặng khổ, chỉ có khổ ở cõi trời. Khổ, nặng nề là mé sau rốt về khổ chính là khổ các thủ uẩn. Nỗi khổ nầy ở khắp cả ba cõi, nên gọi là khổ cùng khắp. Bảy khổ còn lại, như sinh,v.v… là thuộc về cõi Dục. Các nơi trên dù có bị trói buộc, nhưng vẫn còn có thể rút lui lại được, nhưng họ không có tự thể khổ.

Tụng rằng:

Phải biết khổ, sinh thảy,
Đều năm thứ khác nhau.
Khổ tương ưng thô, nặng,
Là chỗ nương ba khổ.

Luận chép: Phải biết bảy thứ khổ như sinh, v.v…, mỗi khổ đều có năm thứ khác nhau. Nó tương ưng với khổ, tương ưng với thô, trọng, và là chỗ nương của ba khổ.

– Sinh là chỗ nương cho khổ già, v.v… chỗ nương cho phiền não, là chỗ nương cho những gì trái mong ước, cho khổ hành, cho khổ hoại.

– Già là chỗ nương cho sắc suy tàn.

– Bệnh là chỗ nương cho không còn ham muốn những thói quen, là chỗ nương cho không còn ham muốn những việc không quen, là chỗ nương cho sự chống nhau bốn đại xuôi về chỗ chết. Chết là chỗ nương cho tự thể chia rời, là chỗ nương cho của cải quí báu chia rời, là chỗ nương cho những gì yêu mến bị chia xa, khổ vì ghét mà phải gặp, là chỗ nương cho ba khổ ghét mà phải gặp,v.v… bức ngặt thân, là chỗ nương cho tâm bị ép ngặt, là chỗ nương cho thân hao mòn.

Tụng rằng:

Sau cùng và sau cùng,
Làm chỗ nương bốn khổ,
Là sống, chủng tánh sống,
Và tính khổ biến hoại.

Luận chép: Cái khổ rốt cùng trong tám khổ là khổ về các thủ uẩn và khổ hành cuối cùng trong ba khổ. Các uẩn đều là chỗ nương cho bốn khổ, nên gọi là khổ:

1. Làm chỗ nương cho khổ vì sống.
2. Làm chỗ nương cho khổ gốc của sự sống.
3. Làm chỗ nương cho tự tính khổ khổ.
4. Làm chỗ nương cho khổ vì đổi thay, tan hoại.

Tụng rằng:

Khổ thuộc về ba đời,
Hai duyên khổ không trên,
Các khổ khác đã nói,
Đều cõi Dục, nên biết.

Luận chép: Khổ trong ba đời nơi trên cõi Dục, nên biết là không có khổ bám vào quá khứ vị lai. Vì sao? Vì ở trên không phải duyên vào quá khứ, vị lai khởi lên phân biệt luống dối mà phát sinh các khổ, mà họ chỉ tùy thuộc thô, nặng mà duyên theo hiện tại. Trừ như trên đã nói, 330 các khổ khác nên biết, chúng chỉ thuộc cõi Dục mà thôi.

Lại nữa, vì sao đối với cảnh khổ có thật nầy, mà kẻ ngu si có thay đổi? Tụng đáp:

Quên mất, không công dụng,
Rối loạn, không nghĩ đúng,
Ngu si không rõ chính,
Và do buông lung thảy.

Luận chép: Có năm nguyên nhân khiến cho khổ ngu si và vì năm thứ nhân của pháp buông lung như ở trước đã nói.

1. Từng ý nghĩ nối nhau mà quên mất các khổ quá khứ.
2. Đối với khổ vị lai thì không dụng công tìm cầu.
3. Đối với khổ hiện tại thì sinh ra bốn thứ điên đảo, rối loạn.
4. Bởi không biết suy nghĩ chân chính, nên coi thân thô, nặng nầy và khổ của nó, là có ngã trong ấy.
5. Do hiểu sai lầm về tính chất của khổ nên không biết nó, cho rõ. Lại nữa, có bốn nguyên nhân khiến từng ý nghĩ nối nhau quên mất.

Tụng rằng:

Tối cho nên hèn, kém,
Và vì sinh buông lung,
Do nối tiếp bị đứt,
Vọng niệm chuyển, nên biết.

Luận chép: Do ngu tối nghĩa là dốt nát về chủng loại. Hèn kém nghĩa là ở giai đoạn chết. Sống buông lung là mê đắm cảnh. Sự dứt mất của những nối tiếp là sự dứt mất của nối tiếp chúng đồng phần đời trước.

Lại nữa, bốn thứ nhân mà không dụng công chuyển.

Tụng rằng:

Vì tối nên buông lung,
Khăng giữ lấy hiện pháp,
Không tin sẽ có khổ,
Không dụng công hướng tới.

Luận chép: Ngu tối và buông lung như trước đã nêu. Khăng khăng giữ mãi pháp hiện tại là vì cứ lo bảo thủ pháp hiện tại nên không dụng công đối với khổ vị lai. Không tin sẽ có khổ là bởi không như vậy, nên không ra công tìm hiểu. Lại nữa, vì bốn thứ nhân làm phát sinh bốn thứ trái ngược.

Tụng rằng:

Tương tự nối nhau chuyển,
Đối trị phân biệt vọng,
Quen cứ đều chấp lấy,
Sinh bốn thứ điên đảo.

Luận chép: Vì nhìn thấy sự nối nhau thay đổi na ná như nhau, nên phát sinh ý nghĩ trái ngược cho là thường. Vì đối trị với phân biệt nên sinh ý nghĩ vui, trái ngược. Vì đối trị phân biệt giả dối nên cho vui là khổ. Vì thói quen mà sinh ý nghĩ tịnh, trái ngược. Vì cứ quen chấp lấy tất cả nên sinh ý nghĩ có ngã, trái ngược.

Lại nữa, có năm nguyên cớ phát sinh nên không hiểu biết đối với khổ, năm nguyên cớ là:

Tụng rằng:

Giới khác, duyên khởi khác,
Vị khác, thứ lớp khác,
Và tiếp nối khác nhau,
Đều nhiều thứ, nên biết.

Luận chép: Thế giới khác nhau, có ba thứ khổ là khổ ở cõi Dục, ở cõi Sắc, ở cõi Vô sắc.

– Duyên khởi khác nhau nên có bảy thứ khổ là:

1. Phước duyên,
2. Chẳng phải phước duyên. Hai thứ khổ nầy chỉ có ở cõi Dục.
3. Duyên bất động, chỉ có ở cõi Sắc và cõi Vô sắc.
4. Duyên tùy miên ràng buộc là loài dị sinh.
5. Duyên tùy miên là người đã thấy đế.
6. Duyên với hữu hành, là không phải Bồ-tát.
7. Duyên trí hạnh, là các vị Bồ-tát.

– Vị trí khác nhau nên có mười hai thứ khổ là:

1. Thuần túy vui, là chư thiên.
2. Thuần khổ là ở Na-lạc-ca và một phần ngạ quỉ, bàng sinh.
3. Khổ vui xen lẫn nhau, là ở cõi người, quỉ và một phần bàng sinh.
4. Không khổ lẫn không vui, là từ tĩnh lự thứ tư cho đến cõi Hữu đảnh.
5. Chỗ sạch trong không sạch, là nơi không có tai nạn trong cõi Dục.
6. Chỗ ở vừa sạch vừa không sạch là các dị sinh trong cõi Sắc, cõi Vô sắc.
7. Chỗ ở trong sạch trong trong sạch là bậc đã kiến đế ở cõi Sắc và vô sắc.
8. Chỗ ở không trong sạch trong không trong sạch là trong cõi Dục có tai nạn và bốn thứ khổ nhập thai.

Đó là:

1. Không biết rõ lúc mình vào thai, không biết rõ đang ở trong thai, không biết rõ lúc ra khỏi thai.
2. Biết rõ lúc vào thai.
3. Không biết rõ đang trụ thai không biết lúc ra khỏi thai.
4. Biết rõ lúc vào thai, biết rõ lúc đang ở trong đó, không biết lúc ra khỏi thai.

– Trình tự khác nhau nên có mười hai thứ khổ là dựa vào thứ lớp nối nhau của mười hai duyên khởi. Khác nhau có vô lượng thứ nên hữu tình nối nhau cũng khác nhau vô biên.

Lại, có khả năng biết tất cả khổ cùng khắp, nên biết có mười tám thứ, gồm những gì?

Tụng chép:

Tín hiểu và nghĩ chọn,
Tâm không loạn, chán lìa,
Kiến, Tu và rốt ráo,
Lại, như mười một trước.

Luận chép:

1. Tín hiểu biến trí là được phát sinh do nghe pháp.
2. Biến trí suy nghĩ lựa chọn là trí phát sinh do suy nghĩ.
3. Biến trí không rối loạn là trí phát sinh do tu tập pháp thế gian.
4. Biến trí thuộc tâm nhàm chán là phần trí quyết trạch thuận theo Noãn v.v… Từ trí nầy mà soi xét tự tâm, chuyển biến tất cả đều nhàm chán lìa xa.
5. Biến trí kiến đạo là chỗ nương của trí kiến đạo.
6. Biến trí tu đạo là chỗ nương của trí tu đạo.
7. Biến trí rốt ráo đạo là trí thuộc về đạo Vô học.

Và, như trước đã nói có mười một thứ trí là:

1. Trí thế tục không khéo thanh tịnh.
2. Trí thế tục khéo thanh tịnh.
3. Trí thắng nghĩa.
4. Trí có phân biệt về tướng mạo không khéo thanh tịnh.
5. Trí có phân biệt về tướng mạo khéo thanh tịnh.
6. Trí vô phân biệt về tướng mạo khéo thanh tịnh.
7. Trí thành tựu vì những việc làm trước đây.
8. Trí thành tựu vì việc đã làm.
9. Trí có được sau khi làm xong việc.
10. Trí Thanh văn.
11. Trí Bồ-tát.

Cũng thế đó, mười tám thứ biến trí nầy biết khắp khổ một cách đúng như thật. Lại nữa, biến trí Cũng thế là biết hết các khổ. Vì sao mà biến trí rõ rạch ròi có bao nhiêu khổ?

Tụng đáp:

Nghi trói không muốn lìa,
Chìm đường ác, cõi khác,
Phát sinh việc thấp kém,
Riêng khắp các khổ hết.

Luận chép: Biến trí tín hiểu có khả năng dứt trừ các khổ trói buộc. Biến trí suy tư lựa chọn có công năng dứt trừ các khổ vì nghi ngờ. Biến trí không rối loạn có công năng dứt trừ các tâm lý, khổ không thích khổ xa lìa. Biến trí thuộc về tâm nhàm chán có khả năng dứt trừ các khổ hôn trầm. Biến trí kiến đạo có khả năng dứt trừ các khổ ở đường ác. Biến trí tu đạo có khả năng dứt trừ các khổ ở cõi khác. Biến trí của đạo rốt ráo có khả năng dứt trừ các khổ do những việc làm thấp kém, nghĩa là ngoài những việc làm ham cho mau đạt kết quả, những việc là khác đều là thấp kém cả, nên biết. Biến trí của Bồ-tát diệt cả khổ cho mình và người. Biến trí Thanh văn thì chỉ diệt khổ của mình thôi. Nên biết.

 

PHẨM 6: THÀNH LẬP KHÔNG

Như vậy, đã thành lập tướng khổ. Thế nào là thành lập tướng không? Nên biết tướng không có ba thứ:

1. Tự tướng.
2. Tướng sâu xa.
3. Tướng Sai khác.

Thế nào là tự tướng?

Tụng rằng:

Nếu ở đây không có,
Và tất cả còn lại,
Tùy hai thứ đạo lý,
Nói tướng không, chẳng hai.

Luận chép: Tự tướng không là chẳng phải nhất định có mà cũng chẳng phải không nhất định có, nghĩa là trong các hành, tự tính của chúng sinh và tự tính của pháp là hoàn toàn không có gì hết.

– Chẳng phải nhất định không, nghĩa là trong ấy, cái vô ngã của chúng sinh và cái vô ngã của pháp thì có thật tính.

– Tùy thuộc vào hai nguyên tắc, nghĩa là trong ấy không có nguyên tắc cho hai thứ ngã mà có nguyên tắc cho hai thứ vô ngã. Bởi thuận theo hai nguyên tắc ấy, nên nói tính chất của không là chẳng có hai tướng. Hai tướng là: 1. Chẳng có tướng vì hai ngã là không; 2. Chẳng phải không có tướng vì hai vô ngã là có. Vì sao? Vì hai ngã nầy không có tức là có vô ngã. Hai vô ngã nầy có tức là hai ngã là không. Cho nên tính của không, chẳng nhất định là có tướng, chẳng phải nhất định không có tướng.

– Thế nào là tướng sâu xa?

Tụng rằng:

Tướng rất sâu, nên biết:
Thủ, xả không thêm bớt.

Luận chép: Theo nguyên tắc không hai, như trước đã nói, nên dù xả các pháp mà không làm chúng giảm bớt. Dù có gom chúng về, nhưng vẫn không làm chúng tăng thêm. Không lấy, không buông, không thêm, không bớt, đó là tướng rất sâu của không. Thế nào là sự khác nhau?

Tụng rằng:

Có nhiều thứ khác nhau,
Như từng nói trong kinh.

Luận chép: Đối với tính không nầy, Đức Bạc-già-phạm, trong kinh chỗ nào cũng, đều chỉ bày sáng tỏ, nó có nhiều thứ khác nhau, như Thắng nghĩa không, nội không, ngoại không, như thế, v.v… Nay phân biệt ra là:

– Thắng nghĩa không, do nghĩa vượt hơn hết các nghĩa nên không còn cái gì hơn nữa, không có cái gì cả, nên gọi là thắng nghĩa không.

Đây là làm sáng tỏ bốn thứ nghĩa, bốn thứ nghĩa gồm:

1. Nghĩa của nhân lìa chấp ngã.
2. Nghĩa của lìa tướng ngã.
3. Nghĩa của xa lìa vô nhân.
4. Nghĩa xa lìa, không phải do nghiệp của mình mà chứng đắc.

– Khi sáu xứ phát sinh thì không do ngã mà ra, sự tu tập cũng không phải nhóm họp nương vào ngã thì gọi đó là nghĩa của nhân xa lìa ngã.

– Nếu lấy ngã làm nhân để chấp vào sáu xứ thì lẽ ra không phân biệt chỗ khác nhau trong năm đường. Lại nữa, sáu xứ vốn không, nay có, có rồi lại tan diệt, nên lìa tướng ngã. Do tướng như vậy nên chẳng phải ngã có. Lại do nghiệp hữu lậu làm nhân cho Dị thục sinh khởi, cũng đều không có tác giả, cũng không có các uẩn mà hữu tình buông xả [phủ nhận] hay nối tiếp kế thừa. Cũng thế, gọi là nghĩa của sự xa lìa vô nhân.

– Lại nữa do từ một phần pháp có được giả lập mà hữu tình nối tiếp nhau trôi lăn cho đến hiện tại, trên pháp Dị thục, chứ không phải sự nối tiếp khác, gọi là nghĩa tách lìa quả hiện tại không phải do nghiệp của mình.

Lại nữa, thế nào là không có Bổ-đặc-già-la, nên biết? Vì nếu có ngã thì nó trụ ở tướng uẩn, hay trụ trong uẩn? Hay trụ nơi khác, là không phải tướng uẩn?

Tụng rằng:

Chỉ giả lập sai lầm,
Vì lỗi, uẩn vô ngã,
Vì lỗi, ngã vô thân,
Ba ngã không đúng lý.

Luận chép: Nếu chấp có ngã thì tức là tướng uẩn lẽ ra chỉ là giả trái. Tông của ông [lập luận] thành lỗi. Vì ngã được giả lập trên các uẩn, nếu lìa các uẩn mà trụ ở chỗ khác thì lẽ ra không có uẩn. Đây cũng phạm lỗi, vì không có ngã trong các uẩn.

– Nếu không phải tướng uẩn thì ngã mà ông chấp ấy có lỗi là nó không có thân. Ngã mà không có thân là không đúng lý, cho nên cả ba thứ đều không hợp lý. Lại nữa, nếu chấp có thật ngã trụ trong các uẩn thì cũng không đúng. Vì sao?

Tụng rằng:

Như chủ, lửa, sáng, không,
Hình khác lỗi nương đất.
Vô thường, không nghiệp dụng.
Chẳng nhân, chẳng có ngã.

Luận chép: Chấp có ngã thật, nó trụ trong các uẩn là như chủ ở trong nhà, như lửa ở trong củi, như ánh sáng nương vào đèn, như hư không làm chỗ ở cho các vật, cũng thế ấy, tất cả đều không hợp lý. Vì sao? Vì có năm lỗi, năm lỗi là:

1. Nếu như ông chủ ở trong nhà thì hình thù ông phải khác, vì hình chủ nhà và ngôi nhà khác nhau.

2. Nếu lửa ở trong củi thì mắc lỗi là phải nương vào khác, vì dựa vào sức của củi, nên lửa không còn tự tại.

3. Nếu ánh sáng nương vào đèn thì có lỗi vô thường vì phải lệ thuộc vào yếu tố có đèn hay không đèn mà ánh sáng tô lên hay tắt mất. Hơn nữa, hai thí dụ trước cũng có lỗi vô thường, vì không thấy chủ nhà có thường trụ, bởi dù là ở lâu trong nhà, nhưng ông ta có khi đến nơi khác, hay đã chết. Lửa nhờ sức củi có hay không, chẳng nhất định, mà bất nhiễm định có tánh vô thường.

4. Nếu ngã như hư không thì lẽ ra phải có nghiệp dụng rõ ràng, mà như vậy là phạm lỗi, vì nghiệp dụng của hư không rõ ràng có thể thấy được, nghĩa là nghiệp của quá khứ vị lai không chướng ngại, trong khi đó, ngã thì không phải như vậy, cho nên thành lỗi.

5. Lại, ngã mà ông chấp, làm nhân cho quả là không thật có, vì sao? Vì các hạt giống của vật bên ngoài, vô ngã mà làm nhân cho quả cũng có thể nắm bắt được. Thế nên chấp cho là ngã trụ trong uẩn, làm nhân cho quả là điều không đúng lý. Cũng không có yếu tố nào để chấp có thể tính của ngã thật.

Hỏi: Nếu chỉ có uẩn, không có ngã riêng thì ai thấy, nghe? Cho đến ai là người phân biệt rõ ràng.

Đáp: Nếu thấy, nghe là thể của ngã hay là nghiệp của ngã, hay công cụ của ngã. Từ đó, chấp cho rằng ngã là sự thấy, nghe, đều không đúng lý. Vì sao?

Tụng rằng:

Ngã chỉ nêu là giả,
Không thể thí dụ được.
Bảy dụ vọng phân biệt,
Không thấy, ba tác dụng.

Luận chép: Nếu ông chấp ngã tức là cái thấy, lại gọi là người thấy cho đến biết phân biệt rạch ròi thì cái ngã mà ông chấp, chỉ là giả danh, vì nó được giả lập trên sự nghe thấy. Nếu chấp cái thấy, v.v… là nghiệp, là công cụ của ngã thì điều nầy cũng không đúng. Không dùng thí dụ so sánh được, dù có bảy thí dụ do vọng phân biệt đặt ra, nhưng trong ấy có nhiều lỗi. Thế nên, cả ba thứ đều không đúng lý. Thế nào là nhiều lỗi? Tụng rằng:

Nếu hạt giống vô thường,
Tác giả duy giả lập,
Như thành tựu thần thông,
Nên tự tại thế gian.

Luận chép: Nếu ông chấp ngã đối với nghiệp thấy, nghe, v.v… như hạt giống nẩy mầm thì lẽ ra ngã là vô thường, vì hạt giống chẳng phải thường. Nếu ông chấp ngã đối với nghiệp thấy, nghe, v.v… thì như người thợ gốm đối với đồ gốm thì ngã phải là giả, vì sao? Vì người đời chỉ thấy trước mắt có ai đó đã tạo ra đồ dùng, nhưng họ không thấy cái gì khác.

– Nếu ông chấp ngã đối với nghiệp thấy nghe thì giống như người có thần thông ở thế gian, y làm chuyện biến hóa thì cũng phạm lỗi như người thế tục kia giả lập, và tự tại. Vì sao? Vì lìa cái giả thì thần thông chẳng thể thấy.
– Lại nữa, thấy người có thần thông trước mắt, y tùy ý biến hóa, trong khi đó, ngã là thấy, v.v… không nhờ duyên nào khác, thì nó lẽ ra được tự tại. Lại nữa, bài Tụng rằng: Ngã như đất, Hư không, Vô thường vô tự tính. Nên như hai không tác, Nghiệp rõ có thể được.

Luận chép: Nếu ông chấp ngã đối với nghiệp thấy, v.v… thì như đất bao la có năng lực giữ gìn muôn vật, thì ngã phải vô thường, vì đất vô thường.

– Nếu như hư không, chẳng chướng ngại nên nó dung nạp các nghiệp đã gây ra thì ngã cũng như vậy, dụng nạp nghiệp thấy v.v… và rồi ngã lẽ ra không có tự thể vì hư không kia chỉ có sắc, không có tự thể nên là hư không.

– Lại như đất bao la kia đã nhờ hư không giữ gìn không để cho lay động, ngã cũng vậy, đối với cái thấy kia, v.v… nó cũng phải không nên làm lay động, bằng tác dụng, đã không có tác dụng mà chấp là thấy, v.v… là điều không đúng lý.

– Hơn nữa, đất bao la và hư không, chúng duy trì bởi hai thứ công năng không chướng ngại rõ ràng có thể được. Còn ngã đối với nghiệp gây ra, như thấy, v.v… thì không có chỗ khác nhau để có thể được, cho nên không đúng lý. Lại nữa, nếu chấp thấy là công cụ của ngã thì cũng không đúng. Vì sao?

Tụng rằng:

Năng đốt và năng dứt,
Chỉ do lửa làm nên,
Ngã với công cụ thấy,
Không như dao, lửa thảy.

Luận chép: Nếu chấp ngã mà ông chấp vào công cụ của thấy, công năng thấy, khả năng nghe, cho đến phân biệt, như người ta cho rằng lửa có khả năng đốt, dao có khả năng cắt, thì không đúng lý. Vì sao? Vì người đời thấy trước mắt là lìa người cầm, lửa vẫn có thể đốt cháy, dao vẫn có thể cắt đứt. Cái thấy cũng phải vậy, dù không có ngã, nó cũng phải tự có thấy, v.v… tác dụng thấy, v.v… Nhưng bởi ông không thừa nhận, nên ở đây chẳng thí dụ.

Lại nữa, các uẩn ở thế gian đều nhóm họp do giả tưởng, rồi lập nên ý niệm ta, người, chúng sinh như người cầm liềm hái cắt không từ món nào. Đối với ngã thật thì không thí dụ. Lại nữa.

Tụng rằng:

Như sáng có dụng chiếu,
Ngoài sáng, không thể khác,
Nên dù trong hay ngoài,
Nghĩa không, vô ngã thành.

Luận chép: Điều mà người đời nhìn thấy là dụng chiếu sáng của quang thể gọi là chiếu sáng. Lìa quang thể thì không còn sự chiếu sáng nào khác, nghĩa là như mắt có tác dụng là thấy thì nói là thấy, cho đến sự phân biệt rõ thì không ai nhìn thấy cái phân biệt ấy. Cho nên các pháp dù trong hay ngoài đều không có ngã.

Hỏi: Nếu quả thật không có ngã thì vì sao thế gian nầy có nhiễm, có tịnh?

Đáp: Các pháp nhiễm tịnh đều sinh từ nhân duyên, chứ không do ngã thật. Vì sao?

Tụng rằng:

Như vật ngoài thế gian,
Lìa ngã có thêm, bớt,
Trong dù không ngã thật ?
Những thành nghĩa nhiễm, tịnh.

Luận chép: Như vật bên ngoài, ở trên đời nầy, dù không có ngã trong ấy, nhưng các sự nghiệp vẫn thành tựu theo lúc mà tăng lên, dù gặp biết bao tai nạn ngang trái. Như vậy, pháp bên trong, dù không có ngã nhưng chúng vẫn do nhiều nghĩa nhiễm tịnh mà thành, cho nên không có lỗi. Lại nữa, nếu vô ngã thì ai chịu quả báo? Ai là chủ thể tạo nghiệp? Ai là kẻ thoát khỏi các khổ?

Tụng rằng:

Vị nghĩ, phần phiền não,
Vô thường thay đổi khác,
Ngã thường, không đổi dời,
Không thọ, tạo, giải thoát.

Luận chép: Ngã mà ông chấp với vị suy nghĩ thiện, ác đối với khổ, vui. Tâm lý phiền não tham, thường là không đổi khác trong các lúc. Vì không chuyển thay đổi khác mà lại có kẻ cảm thọ, tác giả, giải thoát, đều là không hợp lý.

Như trước đã nói: Dù không có ngã thật, nhưng thế tục vẫn có giả lập thành ba thời gian thay đổi khác nhau. Kẻ thọ quả, tác giả, và giải thoát, dù lúc có khác nhau, nhưng vẫn được thành tựu. Lại nữa, nếu không có ngã thì ai chuyển, ai trở lại?

Tụng rằng:

Pháp tánh từ duyên sinh,
Xoay vần hiện nối nhau,
Có nhân mà không trụ,
Đổi khác, gọi là chuyển.
Như thân, manh sông, đèn,
Có các thứ tác dụng,
Ngã thường, không đổi dị.
Chuyển lại, không đúng lí.

Luận chép: Do không có ngã nên mới có chuyển biến và trở lại. Vì sao? Vì trước mắt thấy biến chuyển thì sẽ có tướng sinh. Nó, trước sau lần lượt nối nhau mà hiện bày trước mắt một cách sáng tỏ có thể thấy.

– Có nhân nhưng không trụ và lại đổi khác, nên gọi là trôi lăn, nối nhau, dứt bặt, thì gọi là hoàn diệt, như sông, manh, sông, đèn có tới, lui, v.v… và các thứ tác dụng và có hoàn diệt. Chẳng phải ngã mà ông chấp cho là thường, không thay đổi mới có ra công dụng trôi lăn. Trôi lăn còn không có, huống chi là hoàn diệt.

– Lại nữa, nếu chỉ có hành uẩn mà không có ngã thì thế gian thấy các hữu tình kia, lẽ ra không có các tên các tưởng khác nhau?

Tụng rằng:

Dựa ngã khởi tên, tưởng.
Kiến hai thứ sai lầm,
Cho nên khắp tất cả,
Tính thật ngã đều không.

Luận chép: Thật ngã được thành lập không do tên và tưởng. Vì sao? Vì mắc hai lỗi:

– Nếu người đời đứng trên thật ngã mà sinh ý niệm Phật cứu độ và biết các thứ tên gọi, tưởng nghĩ khác thì bản thân và pháp giải thoát kia lẽ ra là không có.

– Nếu từ thân, v.v… sinh ý niệm về tên gọi, nghĩ tưởng thì không nên cho đó là tác dụng của ngã. Vì sao? Vì thế gian trước mắt thấy cái gì, thì nói năng phát ra thế ấy, là làm bạn với Phật để có thể thấy Phật, làm bạn với người có đức để nghe lời hay, v.v… Lại nữa, có hai lỗi kiến chấp là: Nếu bảo thể tính ngã kiến, là thiện thì ngay đây, nó sinh pháp nhiễm ô, thì cũng không đúng lý.

– Lại nữa, chấp ngã thì khi chấp lấy ngã, người chấp là chủ thể chấp hay ngã kiến là năng chấp? Nếu bảo ngã chấp chính là ngã thì người chấp ngã trong đời nầy không nên sinh khởi nghi ngờ, cho rằng hữu vi, vô vi là những thứ gì. Vì sao? Vì hiện tại thấy có ngã. Nếu nói là do ngã kiến chấp lấy ngã thì nay, ông không nên cho rằng ngã là năng chấp. Do mắc các lỗi như thế, cho nên kết luận rằng ở thế gian nầy không có ngã chân thật.

Lại nữa, nếu vậy thì vì sao trong chánh pháp lập ra danh, tưởng các thứ khác nhau?

Tụng rằng:

Do muốn nói cho dễ,
Do xuôi theo người đời,
Do dứt trừ sợ hãi,
Hiển bày đức và lỗi.

Luận chép: Dù không có thật ngã nhưng vẫn lập danh, tưởng hữu tình khác nhau cho hữu tình có bốn nguyên nhân:

1. Vì giúp cho nói năng được dễ dàng.
2. Vì xuôi theo thế gian.
3. Vì giúp cho kẻ mới học xa lìa sợ hãi.
4. Do làm sáng tỏ chỗ sai lầm khác nhau về công đức của mình và người v.v…

– Lại nữa, nếu không có ngã thì thế gian không nên vừa thấy hình tướng thì bỗng nhiên sinh tri giác hữu tình, và cũng không nên nghĩ có tri giác rồi mới sinh tác nghiệp.

Tụng rằng:

Bỗng nhiên biết khởi loạn.
Thế gian hiện nắm được,
Giác là trước tác nghiệp,
Có mười thứ lỗi lầm.

Luận chép: Bỗng nhiên sinh tri giác thì cũng không chứng minh được cái ấy bởi ngã làm nhân. Vì sao? Do rối loạn mà tâm tri giác bỗng nhiên khởi lên những gì ngay đây có thể nắm bắt được, như thân nữ sinh tri giác là nam hay đang là thân nam bỗng có cảm giác mình là nữ. Kẻ ác khởi lên cảm giác người thường, người thường khởi lên cảm giác kẻ ác.

– Lại nữa, chấp ngã, ông cho có tri giác rồi mới sinh tác nghiệp, có mười lỗi, mười lỗi là:

Tụng rằng:

Giác, công dụng nhân ngã,
Tự tại, thảy đều hai,
Có nhân và vô nhân,
Nên biết có mười lỗi.

Luận chép: Nếu ông chấp giác là nhân sinh ra các tác nghiệp, như vậy là chẳng phải ngã có công năng sinh khởi các nghiệp. Nếu ngã là nhân thì suy nghĩ, tri giác chẳng phải nhân, mà như vậy, thì đâu phải suy nghĩ, tri giác rồi mới sinh các tác nghiệp. Lại nữa, nếu chấp ngã, ông cho ngã làm nhân có khả năng sinh khởi tác nghiệp, thì lẽ ra nó phải thường khởi tất cả tác nghiệp. Còn nếu ngã chẳng phải nhân thì nó không có chỗ tạo tác. Lại nữa, nếu ông chấp có nhân pháp khác, đó có khả năng làm nhân làm sinh các tác nghiệp. Như vậy, ngã mà ông chấp là không có tạo tác gì cả. Nếu không có nhân mà lại thường khởi tất cả tác nghiệp, và nếu ông chấp, cho là do công dụng nội tại có thể tạo tác thì đây, cũng như trước, có hai lỗi.

Lại nếu chấp mà ông cho ngã là tự tại đối với tác nghiệp, thì nó phải làm mãi những gì nó yêu mến và không làm những gì mà nó không yêu mến. Nếu không có tự tại thì chẳng có tướng ngã. Như vậy, đã nói tướng không và thành lập tướng ấy rồi, nay sẽ chỉ bày sáng tỏ quán không chân trí để nhằm đối trị với sự khác nhau của Tác-ca-da kiến (thân kiến).

Tụng rằng:

Không xét quyết biến hành,
Tăng trưởng và vô sự,
Đối việc, sợ vọng kiến,
Năm thí dụ, nên biết.

Luận chép: Nên biết Tác-ca-da-kiến có năm thứ:

1. Không quán xét chính chắn cái thấy, như nhìn sợi dây thấy là con rắn.

2. Biến hành kiến là do ý tưởng ô nhiễm tương ưng với sai lầm chấp thân kiến chấp ấy đeo đuổi mãi bất cứ lúc nào, như thấy ăn xài trong giấc chiêm bao. Vì sao? Như người nghèo mà trong chiêm bao thấy mình đang thọ hưởng đời sống đáng yêu.

Cũng thế, người ngu, chưa hề có hiểu biết chân như chánh giác nên thường sinh ngã kiến sai lầm, cứ đuổi theo mãi.

3. Tăng thêm ích lợi do những chấp, như hy vọng đuổi theo con gái người ta.

4. Chấp vào những việc không thật có, như trẻ thơ thấy các việc huyễn hóa.

5. Chấp vào những việc lo sợ, như kẻ run sợ tượng quỉ Dược-xoa do chính mình vẽ.

Đã nói những cái phải đối trị khác nhau như vậy. Nay, chỉ bày sáng tỏ về những khác nhau của chủ thể đối trị.

Tụng rằng:

Vô thể và xa lìa,
Xả bỏ ba thứ nương,
Đối trị các tưởng buộc,
Mười sáu thứ khác nhau.

Luận chép: Nương vào tự thể của ba thứ như biến kế chấp, v.v… theo đúng thứ lớp của ba tự thể ấy để thành lập ba thứ không là:

1. Vô thể không.
2. Viễn ly không.
3. Trừ khiển không.

Lại nữa, ba thứ không nầy, đối trị các trói buộc về nhận thức, có mười sáu thứ. Các trói buộc có mười bốn thứ trói buộc thô trọng nên biết, là:

1. Sự trói buộc của các căn.
2. Hữu tình trói buộc ô nhiễm lẫn nhau.
3. Sự trói buộc nghĩa nương, là nương vào khí thế gian mà các căn lưu chuyển.
4. Sự trói buộc do hiểu biết và không hiểu biết.
5. Sự trói buộc của cảnh, vọng cảnh.
6. Sự trói buộc của sự yêu mến thân sau.
7. Sự trói buộc của không có yêu mến.
8. Sự trói buộc của vô nhân, nhân không bình đẳng.
9. Sự trói buộc của được lòng kiêu ngạo.
10. Sự trói buộc của chấp tự thể của biến kế sở chấp.
11. Sự trói buộc của chấp tự thể các pháp.
12. Sự trói buộc của chấp tự thể của các pháp biến trí.
13. Sự trói buộc của chấp tự thể của Bổ-đặc-già-la.
14. Sự trói buộc của chấp biến trí Bổ-đặc-già-la.

– Các tưởng là sáu tưởng trói buộc. Do nhàm chán tưởng nầy, nên Bồ-tát nương vào không mà siêng năng tu niệm trụ khiến tâm giải thoát. Thế nào gọi là sáu thứ tưởng trói buộc? Nghĩa là nương vào thân, thọ, tâm, pháp, phát khởi nhận thức bên trong, đó gọi là trói buộc nhận thức ban đầu.

– Nương vào thân, v.v… rồi phát khởi tưởng bên ngoài, đó là sự trói buộc nhân thứ thứ hai.

– Nương vào thân rồi phát sinh khởi tưởng bên trong, bên ngoài, đó là sự trói buộc nhận thức thứ ba.

– Vì muốn độ thoát cho vô lượng vô số vô sắc hữu tình trong các thế giới mười phương mà phát sinh đại nguyện tu tập các niệm trụ. Nhận thức phân biệt nầy là thứ tư.

– Trong hoàn cảnh như thân, người có trí tuệ quán xét chân chính mà trụ, tưởng phân biệt nầy gọi là thứ năm.

– Trong hoàn cảnh như thân, v.v… thấy có ta, người rồi trụ chánh quán. Nhận thức phân biệt nầy gọi là thứ sáu.

– Lại nữa, tướng sau sau như khi quán thân, v.v… mà thành có mười một thứ trói buộc nhận thức khác nhau, nên biết. Mười một thứ là: Từ thân nầy, phát sinh an trụ chánh quán theo với thân. Và, sinh ra phân biệt nhận thức về hai nhiễm tịnh và đệ nhất nghĩa, đó là sự trói buộc nhận thức ban đầu.

– Phát khởi nhận thức có tạo tác đối với nhiễm ô, đệ nhất nghĩa, đó là sự trói buộc nhận thức thứ hai.

– Phát khởi nhận thức không có tạo tác đối với thanh tịnh, đệ nhất nghĩa. Đó là sự trói buộc nhận thức thứ ba.

– Phát khởi nhận thức trôi lăn đối với có tạo tác, đệ nhất nghĩa. Đó là sự trói buộc nhận thức thứ tư.

– Phát khởi nhận thức là thường đối với không tạo tác, đệ nhất nghĩa. Đó là sự trói buộc nhận thức thứ năm.

– Phát khởi nhận thức về tính chất khổ đối với trôi lăn do khổ của đổi khác. Đó là sự trói buộc nhận thức thứ sáu.

– Phát khởi nhận thức là không có thay đổi đối với thường pháp, đó là sự trói buộc nhận thức thứ bảy.

– Phát khởi nhận thức về sự tướng đối với trôi lăn vì tự tướng của sinh trụ dị diệt và do tự tướng có thay đổi. Đó là sự trói buộc nhận thức thứ tám.

– Phát khởi nhận thức có thể thâu nhiếp tất cả pháp đối với có thay đổi, không có thay đổi, nhiễm ô, thanh tịnh, đệ nhất nghĩa. Đó là sự trói buộc nhận thức thứ chín.

– Phát khởi nhận thức về cái của ta với nhiễm ô thanh tịnh đối tất cả pháp nhiễm tịnh. Đó là sự trói buộc nhận thức thứ mười.

– Phát khởi nhận thức về tự thể tự tướng đối với các pháp nhiễm ô thanh tịnh, đó là sự trói buộc nhận thức thứ mười một.

– Hình thành những trói buộc khác nhau của nhận thức cũng như cảnh giới của nó về tướng sau cùng của việc sau cùng như thế, nên Đại Bồ-tát đã chân chính quán sát rồi, liền nương vào không mà tu tập các niệm trụ để tâm được giải thoát. Nếu khi giải thoát được các vọng tưởng trói buộc, thì nên biết là giải thoát tất cả trói buộc nhận thức.

– Mười sáu thứ không gồm: Nội không, Ngoại không, Đại không, Nội ngoại không, Không không, Thắng nghĩa không, Hữu vi không, Vô vi không, rốt ráo không, Vô sơ hậu không, Vô duyên tận không, Tánh không, Tướng không, tất cả pháp không, Vô tính không, Vô tính tự tính không. Lại nữa, đối với cảnh không nầy, có sáu thứ ngu đã trôi lăn từ vô thỉ. Sáu thứ ngu đó là gì?

Tụng rằng:

Tự tính và chấp trước,
Không mở hiểu, quên mất,
Tất cả khắp một phần,
Ngu trôi lăn khác nhau.

Luận chép: Tự tính ngu si là tất cả hữu tình không có hiểu biết đã trôi lăn từ vô thỉ.

– Ngu chấp trước tự thể, là ngoại đạo chấp điên đảo các việc nên cái ấy tương ưng phát khởi vô trí.

– Ngu vì không mở mang kiến thức: phàm phu không nghe pháp nên phát sinh vô trí.

– Ngu vì quên mất là phàm phu và bậc Thánh có nghe pháp, nhưng không phát sinh trí tuệ.

– Ngu khắp tất cả là phàm phu đối các sinh không, và pháp không đã sinh khởi vô trí.

– Một phần ngu là Thanh văn chỉ đối với pháp không, phát sinh vô trí. Thế nào là chứng được lý không như vậy? Là do tám thứ trí, là những gì?

Tụng rằng:

Pháp trụ, cầu tự tâm,
Trụ tự tâm, trừ buộc,
Sợ không hai nhiễm tịnh,
Chứng đắc lý chân không.

Luận chép:

1. Pháp trụ trí là trí an trụ vào Tố-đát-lãm (kinh) mà an lập pháp môn.
2. Trí cầu tự tâm là trí tìm tự tâm trong thuận quyết trạch phần vị.
3. Trí trú vào tự tâm là trí chứng chân như trong giai vị Kiến đạo.
4. Trí cắt trừ sự ràng buộc tâm là trí đối trị các chướng ngại ngăn che trong giai vị Tu đạo.
5. Trí tương ưng với lo sợ là trí của đệ tử bậc Thánh. Họ lo sợ bị trôi lăn trong khổ não lớn.
6. Trí phân biệt không hai là trí Bồ-tát, không còn chia cắt bởi ý niệm sinh tử, Niết-bàn, lỗi, công đức.
7. Trí không khéo thanh tịnh là trí của hàng Hữu học, tám trí khéo thanh tịnh: là trí của hàng Vô học.