LUẬN HIỂN DƯƠNG THÁNH GIÁO
Vô Trước Bồ-tát tạo luận
Tam tạng pháp sư Huyền Trang dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 11

Phẩm 2- 7: NHIẾP TỊNH NGHĨA

Luận pháp nhiều thứ là Ôn-đà-nam nói:

Luận thể, luận xứ sở,

Luận cứ, luận trang nghiêm,

Luận phụ, luận xuất ly,

Luận nhiều pháp sở tác.

Luận nói: Luận pháp có 7 thứ: 1.Luận thể tính. 2.Luận xứ sở. 3.Luận sở y. 4.Luận trang nghiêm. 5.Luận đọa phụ. 6. Luận xuất ly. 7.Luận nhiều pháp sở tác.

Luận thể tính lại có 6 thứ: 1.Ngôn luận. 2.Thượng luận. 3.Tranh luận. 4.Hủy báng luận. 5.Thuận chính luận. 6.Giáo đạo luận.

Ngôn luận, nghĩa là tất cả ngôn thuyết, ngôn âm, ngôn từ.

Thượng luận, nghĩa là những ngôn luận mà thế gian ưa thích nghe.

Tranh luận, nghĩa là căn cứ vào các dục mà khởi. Như những cái dục mình nắm giữ mà người khác giành lấy. Hoặc cái dục người khác nắm giữ mình giành lấy. Hoặc cái dục của hữu tình nắm giữ mà mình và người đều thích, cùng nhau giành lấy. Như là ca vũ hý kịch, con hát người hầu, hoặc đi xem nghe, hoặc thu dùng. Trong các sự ham muốn khác nhau đó, người chưa lìa dục đang bị nhiễm các tham muốn của cõi dục, do kiên chấp, do trói buộc, do đam mê, do tham ái mà phẫn nộ ra oai tranh giành nhau vì trái nhau, khác nhau, hại nhau. Từ ác hành khởi, hoặc tự mình làm các ác hạnh nơi thân ngữ hủy báng người khác, hoặc người khác làm các ác hạnh nơi thân ngữ hủy báng mình, hoặc mình và người đều thích cái ác hạnh nơi thân ngữ mà dùng nó hủy báng lẫn nhau. Những việc như vậy đã làm hoặc chưa làm. Các ác hạnh, nghĩa là người câu chấp tham sân si quá nặng, do sự chấp chặt, do giữ lấy, do tham ái, phẫn nộ lẫn nhau, đem nhiễm tâm ra oai tranh đấu vì khác nhau, vì trái nhau, vì hại nhau mà luận tranh. Hoặc do kiến mà khởi chấp, như thân kiến, đoạn kiến, thường kiến, vô nhân kiến, ác nhân kiến v.v… khới các tà kiến của 2 thứ ngoại đạo, và các thứ ác kiến khác. Trong các kiến chấp ấy, hoặc mình chấp mà người khác ngăn chận, hoặc người khác chấp mình ngăn chận, hoặc khiến người lìa bỏ chỗ kiến chấp, hoặc vì giữ lấy chỗ chưa kiến chấp. Trong các việc như vậy, người chưa ly dục thì như trước, cho đến tranh luận vi hại lẫn nhau. Đó gọi là tranh luận.

Hủy báng luận, nghĩa là phẫn nộ lẫn nhau, đem nhiễm tâm phát khởi uy thế hủy báng nhau. Như là lời thô tục, nói dối, nói thêu dệt, cho đến nói pháp xấu ác sai pháp luật. Nếu vì hữu tình nói pháp như thế, hoặc lọc lựa cắt xén, hoặc dạy dỗ bảo ban đều gọi là hủy báng luận. Bởi vì sao? Vì chống trái thật tướng, vì dẫn đến đường ác, vì luống lập công vô ích. Cho nên các luận này gọi là hủy báng luận.

Thuận chính luận, nghĩa là nói pháp thiện đúng pháp luật. Nếu vì hữu tình nói pháp như thế, hoặc lọc lựa cân nhắc, hoặc dạy dỗ bảo ban để đoạn sự sinh nghi của hữu tình, để khéo thấu suốt nghĩa sâu xa, để làm cho trí kiến rốt ráo thanh tịnh thì đềi gọi là thuận chính luận. Bởi vì sao? Vì thuận chính hạnh, vì thuận chính nghĩa. Cho nên luận này gọi là thuận chính luận.

Giáo đạo luận, nghĩa là trong thuận chính luận, vì khiến tu tập tăng thượng tâm học tăng thượng tuệ học, nên nơi chỗ dạy dỗ tâm chưa định thì khiến tâm định, tâm đã định thì khiến giải thoát, chưa được trí chân thật thì khai ngộ khiến được, đã được trí chân thật thì khiến tu đầy đủ viên mãn, gọi là giáo đạo luận. Bởi vì sao? Vì dạy dỗ hữu tình rõ ràng khúc chiết. Cho nên luận này gọi là giáo đạo luận.

Hỏi: Quán sát như thật 6 thứ luận này thì có bao nhiêu luận là chân thật có thể đem đến nghĩa lợi cần phải tu tập, có bao nhiêu luận là không chân thật có thể dẫn đến vô nghĩa cần phải tránh xa?

Đáp: Hai luận sau cùng là chân thật dẫn đến nghĩa lợi cần phải tu tập. Hai luận ở giữa là không chân thật dẫn đến vô nghĩa cần phải tránh xa. Hai luận đầu tiên cần phải phân biệt.

Luận xứ sở, nghĩa là luận về xứ sở có 6 thứ: 1. Ở trước vua. 2. Ở trước người chấp lý. 3. Ở trong đại chúng. 4. Ở trước người hiểu rõ pháp nghĩa. 5. Ở trước Sa-môn, Bà-la-môn. Ở trưỡc người thích pháp nghĩa.

Luận sở y, nghĩa là phải biết có 10 thứ. Tức là nghĩa sở thành có 2 thứ và pháp năng thành có 8 thứ.

Nghĩa sở thành có 2 thứ là một là tự tính, hai là sai biệt sở thành. Tự tính nghĩa là có lập là hữu, không lập là vô. Sở thành sai biệt nghĩa là hữu thượng lập hữu thượng, vô thượng lập vô thượng, thường lập là thường, vô tướng lập là vô thường. Cũng như vậy hữu sắc vô sắc, hữu kiến vô kiến, hữu đối vô đối, hữu lậu vô lậu, hữu vi vô vi, tất cả những nghĩa môn sai biệt vô lượng như vậy, gọi là sở thành sai biệt.

Pháp năng thành có 8 thứ là: 1. Lập tông. 2. Biện nhân. 3. Dẫn dụ. 4. Đồng loại. 5. Khác loại. 6. Hiện lượng. 7.Tỷ lượng. 8. Chí giáo.

Lập tông, nghĩa là căn cứ vào 2 thứ nghĩa sở thành mà nhiếp thụ riêng biệt. Tự tông mình chấp nhận gồm luận giáo, tự biện, hoặc nghe từ người khác, hoặc để thành lập tông mình, hoặc để làm rõ cái sai của tông khác, hoặc để bẻ gãy đè bẹp kiêu mạn, hoặc để xô ngã sự lăng mạ, hoặc vì thương xót hữu tình.

Biện nhân, nghĩa là để thành tựu chỗ lập tông, dựa vào các dẫn dụ cùng loại, khác loại, hiện lượng, tỷ lượng và chí giáo biện giải nguyên nhân của đạo lý.

Dẫn dụ, nghĩa là để thành tựu chỗ lập nghĩa nên dẫn nhân dựa vào các tập quán của thế gian đã chấp nhận và các pháp dễ hiểu để so sánh.

Cùng loại, nghĩa là hoặc trong hiện tại, hoặc trước đã trông thấy tướng mạo tương tự. Cùng loại này có 4 thứ: 1. Tự thể. 2. Nghiệp. 3.Pháp. 4. Nhân quả.

Tự thể tương tự, nghĩa là tướng mạo tương tự. Nghiệp tương tự, nghĩa là tác dụng tương tự. Pháp tương tự, nghĩa là các pháp môn sai biệt trên tự thể lần lượt tương tự. Như pháp vô thường và pháp khổ, pháp khổ và pháp vô ngã, pháp vô ngã voiws pháp sinh, pháp sinh với pháp lão, pháp lão với pháp tử. Cũng như vậy, hữu sắc vô sắc, hữu kiến vô kiến, hữu đối vô đối, hữu lậu vô lậu, hữu vi vô vi, những pháp môn sai biệt vô lượng như vậy lại tương tự lẫn nhau. Nhân quả tương tự, nghĩa là những nhân quả năng thành sở thành lại tương tự lẫn nhau, đều gọi là cùng loại.

Khác loại, nghĩa là các pháp tùy nghĩa khác nhau không tương tự nhau. Đây cũng có 4 thứ trái ngược trên.

Hiện lượng có 3 tướng: 1. Tướng không phải không hiện thấy. 2. Tướng không phải do cấu tưởng tạo thành. 3. Tướng không phải thấy do thác loạn.

Tướng không phải không hiện thấy, lại có 4 thứ. Tức là do các căn không hoại, khi tác ý hiện tiền: cùng loại sinh, khác loại sinh, không chướng ngại, không quá xa.

Cùng loại sinh, nghĩa là dục trói buộc các căn nơi dục cảnh, các căn nơi địa trên đã sinh hay chờ sinh nơi cảnh của địa trên, hoặc sinh hoặc khởi gọi là cùng loại sinh. Khác loại sinh, nghĩa là các căn của địa trên nếu đã sinh ở cảnh của địa dưới v.v…gọi là khác loại sinh. Không chướng ngại, nghĩa là có 4 thứ: 1. Chẳng phải che lấp làm chướng ngại. 2. Chẳng phải ẩn giấu làm chướng ngại. 3. Chẳng phải ánh chiếu làm chướng ngại. 4. Chẳng phải mê hoặc làm chướng ngại.

Che lấp làm chướng ngại, nghĩa là che cách bởi tối tăm, vô minh, màu sắc không trong sạch. Ẩn giấu làm chướng ngại, nghĩa là che giấu bởi sức của dược thảo, sức của chú thuật, sức của thần thông. Chướng ngại bởi ánh chiếu, nghĩa là vật gì ít thì bị vật nhiều che lấp nên không thể thấy. Hoặc ăn uống bị tác dụng của thuốc độc. Hoặc tóc lông bị các vật thô che trùm, những loại như vậy vô lượng vô biên. Lại như ánh sáng yếu bị ánh sáng mạnh ánh chiếu làm cho không thấy được, như ánh mặt trời ánh chiếu trăng sao v.v… Lại như năng trị ánh chiếu mất sở trị. Nghĩa là quán bất tịnh ánh chiếu mất tướng tịnh, quán vô thường khổ vô ngã ánh chiếu mất tướng thường lạc ngã, sức của quán vô tướng ánh chiếu mất các tướng. Hoặc chướng ngăn ngại, nghĩa là như ảo hóa tạo ra hoặc tướng mạo khác nhau hoặc tương tự, hoặc bên trong làm hoa mắt, hôn muội, chiêm bao, ngất loạn, say rượu, phóng dật, điên cuồng v.v… những loại như vậy gọi là hoặc chướng. Nếu không bị 4 thứ chướng này làm trở ngại gọi là không chướng ngại. Không quá xa, nghĩa là không phải 3 thứ quá xa: 1. Xứ quá xa. 2. Thời quá xa. 3. Suy chiết quá xa. Như vậy gọi chung là chẳng phải không hiện thấy. Do chẳng phải không hiện thấy nên gọi là hiện lượng.

Chẳng phải cấu tưởng, thành tướng lại có 2 thứ: 1. Vừa thủ liền thành cảnh sở y của thủ. 2. Kiến lập cảnh giới cảnh sở y của thủ.

Vừa thủ liền thành cảnh sở y của thủ, nghĩa là nếu cành năng tác, vừa thủ liền thành sở y của thủ. Giống như lương y cho thuốc người bệnh, sắc hương vị xúc đều đầy đủ, có thế lực lớn thành thục uy đức. Nên biết rằng thuốc này sắc hương vị xúc vừa thủ liền thành cảnh sở y của thủ, thuốc có thế lực lớn thành thục uy đức. Nếu bệnh chưa lành là do cấu tưởng. Khi bệnh lành tức không phải cấu tưởng. Những loại như vậy gọi là vừa mới thủ liền thành cảnh sở y của thủ. Kiến lập cảnh giới cảnh sở y của thủ, nghĩa là nếu cảnh có thể làm kiến lập cảnh giới sở y của thủ, như các sư Du-già giả cấu tưởng địa giới thủy giới hỏa giới phong giới. Nếu nơi địa giới giả làm thủy mà hiểu, tức dựa vào địa tưởng kiến lập thủy tưởng. Nếu nơi địa giới giả làm 2 cái hiểu là hỏa và phong, tức dựa vào địa tưởng kiến lập 2 tưởng hỏa và phong. Trong đây địa tưởng tức là kiến lập cảnh giới. Thủ địa giới tức là kiến lập cảnh giới sở y của thủ. Cũng giống như địa tưởng, đối với các tưởng thủy hỏa phong cũng đều như vậy. Cho nên gọi là kiến lập cảnh giới cảnh sở y của thủ. Trong đây kiến lập cảnh giới cảnh sở y của thủ không phải do cấu tưởng làm ra, không phải hiểu như giả tưởng. Địa v.v… các giới nếu hiểu chưa thành thì gọi là cấu tưởng lập ra. Nếu hiểu thành tựu tức chẳng phải cấu tưởng. Như vậy gọi là phi cấu tưởng tạo ra. Do phi cấu tưởng tạo ra nên gọi là hiện lượng.

Tướng không phải thấy do thác loạn, nghĩa là phải biết có 5 thứ họac 7 thứ. Năm thứ nghĩa là chẳng phải 5 thứ do thác loạn mà thấy. Năm thứ thác loạn là: 1. Tưởng thác loạn. 2. Số thác loạn. 3. Hình thác loạn. 4. Hiển thác loạn. 5. Nghiệp thác loạn. Bảy thứ nghĩa là chẳng phải 7 thứ do thác loạn mà thấy. Bảy thứ thác loạn tức là 5 thứ thác loạn này cùng với 2 thứ biến hành thác loạn hợp thành 7 thứ. Hai thứ thác loạn là: 1. Tâm thác loạn. 2. Kiến thác loạn.

Tưởng thác loạn, nghĩa là với không phải tướng kia mà khởi tưởng là tướng kia. Như sóng nắng, con nai khát nước khởi tưởng là nước. Số thác loạn, nghĩa là đối với số ít khởi tăng thượng mạn cho là nhiều. Như hoa mắt thấy một mặt trăng thành nhiều mặt trăng.

Hình thác loạn, nghĩa là đối với các hình khởi tăng thượng mạn về các hình. Như một đốm lửa xoay tròn thấy thành vòng lửa. Hiển thác loạn, nghĩa là đối với các hiển sắc khởi tăng thượng mạn về ccs hiển sắc. Như bị bệnh Ca-mạt-la làm tổn hoại nhãn căn, những vất không phải màu vàng đều thấy thành màu vàng. Nghiệp thác loạn, nghĩa là đối với không có nghiệp khởi tăng thượng mạn cho là có nghiệp. Như chạy nhanh thấy cây cối trôi nhanh ra phía sau. Tâm thác loạn, nghĩa là tức 5 thứ nghĩa thác loạn, tâm sinh vui mừng. Kiến thác loạn, nghĩa là tức 5 thứ làm cho nghĩa thác loạn, nhẫn chịu nói rõ, an lập bảo trọng vọng tưởng chấp chặt. Nếu chỗ thấy không thác loạn như vậy, gọi là hiện lượng.

Hỏi: Như vậy hiện lượng có những gì?

Đáp: Lược nói có 4 thứ: 1. Sắc căn hiện lượng. 2. Ý thụ hiện lượng. 3. Thế gian hiện lượng. 4. Thanh tịnh hiện lượng.

Sắc căn hiện lượng là cảnh giới sắc tướng sở hành của 5 căn, như trước đã nói thể tướng của hiện lượng. Ý thụ hiện lượng là cảnh giới sở hành của ý căn, như trước đã nói thể tướng của hiện lượng. Thế gian hiện lượng là 2 thứ trước gọi chung là thế gian hiện lượng. Thanh tịnh hiện lượng là nếu thế gian hiện lượng cũng là thanh tịnh hiện lượng thì có thanh tịnh hiện lượng chẳng phải thế gian hiện lượng. Nghĩa là trí xuất thế đối với cảnh sở hành có biết là hữu, không biết là vô, có thượng biết là hữu thượng, không thượng biết là vô thượng không chung với thế gian gọi là thanh tịnh hiện lượng.

Tỷ lượng, nghĩa là những cảnh giới suy đạc tư duy lựa chọn. Những cảnh giới này có 5 thứ: 1. Tướng. 2. Thể. 3. Nghiệp. 4. Pháp. 5. Nhân quả.

Tướng tỷ lượng là tùy tướng mạo nó có, hoặc do hiện tại và trước đã có trông thấy rồi suy đạc cảnh giới. Như trông thấy có cờ hiệu nên biết có xe, thấy khói nên biết có lửa. Cũng như vậy lấy vua so sánh với nước, lấy chồng so sánh với vợ, lấy bò rừng so sánh với bò nhà, lấy thân hình mềm mại tóc đen mịn sắc đẹp so sánh biết là trẻ trung, lấy mặt nhăn tóc bạc v.v…so sánh biết là già, lấy chấp tướng so sánh với đạo là tục, lấy sự ưa gặp thánh giả, ưa nghe chính pháp, xa lìa kiêu mạn so sánh với người chính tín. Lấy sự khéo tư duy, nói giỏi, làm tốt so sánh với người thông duệ. Lấy từ bi ái ngữ dũng mãnh, ưa bố thí, khéo giải thích ý nghĩa sâu xa so sánh biết là Bồ-tát. Lấy trạo cử thô động dễ xuôi theo vui chơi du hý so sánh với chưa ly dục. Lấy sự hằng tịch tĩnh oai nghi nên so sánh biết là ly dục. Lấy sự đầy đủ tướng hảo vi diệu trí tuệ tịch tĩnh thắng hạnh biện tài so sánh biết là Như Lai ứng chính đẳng giác đầy đủ nhất thiết trí. Thấy tướng mạo thiếu niên kia so sánh mà biết khi về già. Những điều như vậy, những danh tướng như vậy là tỷ lượng. Thể tỷ lượng là do hiện thấy tự thể tính kia nên so sánh vật kia không hiện thấy thể, hoặc hiện thấy một phần tự thể kia mà so sánh các phần khác, như lấy hiện tại so sánh quá khứ vị lai, hoặc lấy quá khứ so sánh việc vị lai, hoặc lấy việc gần trong hiện tại so sánh việc xa trong hiện tại. Hoặc như các việc ăn mặc trang sức xe cộ v.v…xem thấy một phần nhỏ sự được mất mà so sánh biết tất cả. Hoặc lấy một phần thành thục so sánh các phần thành thục khác. Những loại như vậy gọi là thể tỷ lượng.

Nghiệp tỷ lượng, nghĩa là lấy cái tác dụng mà nghiệp này y cứ vào, như thấy một vật ở xa không lay động chim chóc đâu trên đó, như thế thì so sánh biết là cây trụi lá. Nếu có lay động v.v… thì bso sánh biết đó là người. Nếu thấy dấu chân to rộng thì so sánh viết đó là dấu chân voi. Thân bò đi trên mặt đất thì so sánh biết là rắn. Nếu nghe tiếng hí thì so sánh biết đó là ngựa, tiếng rống so sánh biết là sư tử, tiếng kêu to so sánh biết là bò chúa. Thấy thì so sánh bằng mắt. Nghe so sánh bằng tai. Mùi so sánh bằng mũi. Vị so sánh bằng lưỡi. Chạm xúc so sánh bằng thân. Thức so sánh bằng ý. Dùng gậy dò nước, chạm đầu gậy so sánh biết là đất. Nếu thấy nơi đó cỏ cây tươi tốt lá xanh so sánh biết là có nước. Nếu thấy tro nóng so sánh biết có lửa. Nếu thấy cỏ cây lay động so sánh biết có gió. Nếu thấy mắt nhắm cầm gậy dò đường v.v… so sánh biết là người mù. Nói lớn tiếng, nghiêng tai so sánh biết là điếc. Lấy chỗ tạo nghiệp so sánh biết là chính tín thông duệ Bồ-tát. Chưa ly dục, ly dục, Như Lai nên biết như trước.

Pháp tỷ lượng, nghĩa là đối với tất cả các pháp tương thuộc, lấy một so sánh những cái khác. Như thuộc vô thường so sánh biết có khổ. Lấy thuộc khổ nên so sánh với không, vô ngã. Lấy thuộc sinh nên so sánh có pháp lão. Lấy thuộc lão nên so sánh có pháp tử. Lấy thuộc hữu sắc, hữu kiến, hữu ngại so sánh có xứ sở và có hình chất. Thuộc hữu lậu nên so sánh biết có khổ. Thuộc vô lậu nên so sánh biết không khổ. Thuộc hữu vi nên so sánh biết có pháp sinh trụ dị diệt. Thuộc vô vi nên so sánh biết ngược lại với kia. Những loại như vậy gọi là pháp tỷ lượng.

Nhân quả tỷ lượng, nghĩa là so sánh tướng nhân quả. Như thấy vật đi, so sánh biết là có chỗ đến. Thấy có chỗ đến, so sánh biết trước đó có đi. Như thấy có người thờ vua đúng như pháp, so sánh biết là sẽ được bổng lộc địa vị lớn. Thấy bổng lộc địa vị lớn so sánh biết là trước đã như pháp thờ vua. Nếu thấy có người tạo nghiệp thiện đầy đủ, so sánh biết chắc chắn sẽ được giàu có lớn. Thấy giàu có lớn thì so sánh biết trước đã làm đủ nghiệp thiện. Thấy làm việc thiện ác, so sánh sẽ biết có hưng suy. Thấy có hưng suy, so sánh biết trước có thiện ác. Nếu thấy ăn uống dồi dào so sánh biết là no đủ. Thấy no đủ so sánh biết ăn uống dồi dào. Nếu thấy có người ăn uống không bình thường so sánh biết có bệnh. Nếu thấy có bệnh so sánh biết là ăn uống không bình thường. Thấy có tĩnh lự so sánh biết là ly dục. Thấy người ly dục so sánh biết là có tính lự. Nếu thấy tu đạo so sánh biết chắc sẽ được 4 quả Sa-môn. Nếu thấy có được 4 quả Sa-môn so sánh biết là tu đạo. Nên biết rằng tất cả những loại như vậy gọi là nhân quả tỷ lượng. Như vậy gọi chung là tỷ lượng.

Chí giáo, nghĩa là chỗ lập ngôn giáo của tất cả những người trí. Hoặc theo kia nghe pháp thùy theo pháp tu hành. Đây lại có 3 thứ: 1. Gồm các thánh ngôn. 2. Đối trị lìa nhiễm. 3. Không trái pháp tướng.

Gồm các thánh ngôn là những kinh giáo do Như Lai và các đệ tử giảng nói, lần lượt lưu truyền đến nay, không trái chính pháp không sai chính nghĩa. Đối trị lìa nhiễm là khi y theo pháp này khéo tu tập, có thể vĩnh viễn điều phục tham sân si v.v…tất cả phiền não và tùy phiền não. Không trái pháp tướng là ngược lại với trái pháp tướng, gọi là không trái pháp tướng. Những gì gọi là trái pháp tướng? Nghĩa là nơi vô tướng tăng làm hữu tướng. Như chấp có ngã, có mạng hữu tình, có sinh, hoặc thường, hoặc đoạn, hữu sắc vô sắc v.v… những loại như vậy. Hoặc nơi hữu tướng giàm làm vô tướng. Hoặc nơi quyết định lập làm bất định. Như tất cả hành đều là vô thường, tất cả hữu lậu tính đều là khổ, tất cả các pháp đều là vô ngã, mà vọng kiến lập một phần là thường một phần là vô thường, một phần là khổ một phần là chẳng phải khổ, một phần hữu ngã một phần vô ngã. Như vậy nơi Phật lập là pháp không thể ghi nhận thì cứ một mực ghi nhận phân biệt, rồi lại suy tìm gọi là nên lập ghi nhận. Hoặc nơi bất định kiến lập là định. Như chấp tất cả lạc thụ đều do tham tùy miên, tất cả khổ thụ đều do sân tùy miên, tất cả bất khổ bất lạc thụ đều do si tùy miên, tất cả khổ lạc đều là hữu lậu, suy nghĩ đã tạo nghiệp chỉ thụ khổ báo. Những loại như vậy hoặc ở trong pháp hữu tướng, tướng vô sai biệt kiến lập sai biệt, tướng hữu sai biệt lập làm vô biệt. Như y tướng hữu vi sai biệt, trong pháp vô vi cũng lập sai biệt. Y tướng vô sai biệt của pháp vô vi, trong pháp hữu vi cũng không lập sai biệt. Như nơi hữu vi vô vi, cũng vậy nơi nơi hữu sắc vô sắc, hữu kiến vô kiến, hữu đối vô đối, hữu lậu vô lậu v.v…tùy chỗ phù hợp tất cả đều phải biết. Lại nữa, nơi hữu tướng lập tướng nhân quả không như chính lý. Như lập diệu hạnh cảm quả không ưa thích, lập các ác hạnh có thể cảm quả ưa thích, chấp nơi các ác thuyết pháp luật, tập các tà hạnh có thể được thanh tịnh.

Lại nữa, nơi tạp nhiễm lập làm thanh tịnh, nơi thanh tịnh lập làm tạp nhiễm, nơi tướng không thật, lấy giả ngôn thuyết lập làm chan thật, nơi tướng chân thật dùng giả ngôn thuyết lập không chân thật. Như ở trong pháp hằng lìa ngôn thuyết thì dùng ngôn thuyết hý luận kiến lập thắng nghĩa. Những loại như vậy gọi là trái pháp tướng. Ngược lại tướng sai trái này gọi là tướng không sai trái, tức là chí giáo.

Hỏi: Nếu tất cả pháp tự tướng thành tựu, tự nghĩa sai biệt tự nhiên kiến lập, thì vì nhân duyên gì lập ra có 2 thứ thành nghĩa?

Đáp: Vì muốn sinh thành chỗ tin hiểu cho người khác, chứ không phải để sinh thành tướng mạo các pháp.

Hỏi: Vì muốn thành tựu chỗ thành lập nghĩa, vì sao trước nói lập tông?

Đáp: Vì để trước hiển thị cái nghĩa mình yêu thích.

Hỏi: Vì sao tiếp đến biện giải về nhân?

Đáp: Vì muốn khai hiển dựa vào pháp hiện thấy quyết định đạo lý. Tức không lìa bỏ nghĩa ở chỗ lập tông.

Hỏi: Vì sao tiếp đến dẫn thí dụ?

Đáp: Vì muốn hiển thị pháp hiện thấy có thể thành chỗ y chỉ của đạo lý.

Hỏi: Vì sao sau nói đến cùng loại, khác loại, hiện lượng, tỷ lượng, chí giáo v.v… ư?

Đáp: Vì muốn khai thị cái trí tương vi bất tương vi của 2 thứ nhân và dụ. Lại nữa, tương vi là do 2 thứ nhân: 1. Do không quyết định. 2. Do cùng chỗ làm thành. Bất tương vi cũng do 2 nhân: 1. Do quyết định. 2. Do khác chỗ làm thành. Trong đây tương vi là thành chỗ lập tông nghĩa không thể là lượng, nên không gọi là lượng. Bất tương vi là thành chỗ lập tông nghĩa có thể là chính lượng , nên gọi là lượng. Đó gọi là luận sở y.

Luận trang nghiêm, có 5 thứ cần phải biết: 1. Giỏi tông mình và tông người. 2. Nói đủ viên mãn. 3. Không sợ. 4. Nghiêm túc. 5. Ứng cúng.

Giỏi tông mình và tông người, nghĩa là như có một đối với chính pháp và Tì-nại-da này sinh yêu thích sâu sắc, tức đối với tự luận tông bản, độc tụng thụ trì, nghe đúng xét kỹ, thuần thục tu hành. Đã giỏi, đã nói, đã rõ, lại đối với pháp kia và Tì-nại-da kia không yêu không thích. Đối với luận tông bản kia, chỉ đọc tụng, thụ trì, nghe và suy nghĩ chín chắn mà không tu hành, nhưng đã giỏi, đã nói, đã rõ. Đó gọi là giỏi tông mình và tông người.

Nói đủ viên mãn, nghĩa là như có một âm thanh viên mãn không phạm âm thanh. Âm thanh, tức là đủ 5 đức: 1. Không quê kịch. 2. Nhẹ nhàng dễ dãi. 3. Hùng tráng sán lạn. 4. Tương ưng. 5. Nghĩa thiện.

Thế nào là không quê kịch? Nghĩa là xa lìa nơi biên bỉ thô lậu. Thế nào là nhẹ nhàng dễ dãi? Nghĩa là thế gian cùng chung lập, chẳng phải các thuyết khác. Thế nào là hùng tráng sán lạn? Nghĩa là đối với nghĩa thì kiến lập ngôn từ thành nghĩa xảo diệu hùng tráng. Thế nào là tương ưng? Nghĩa là thuận hợp công đức pháp nghĩa trước sau. Thế nào là nghĩa thiện? Nghĩa là không điên đảo, có thể dẫn phát lợi ích thế gian xuất thế gian. Lại nữa tương ưng luận này còn do 9 thứ tướng sai biệt nên ngữ cụ viên mãn: 1. Không tạp loạn. 2. Không thô lỗ. 3. Biện rõ. 4. Hạn lượng. 5. Tương ưng với nghĩa. 6. Đúng thời. 7. Quyết định. 8. Hiển rõ. 9. Liên tục. Lấy đây bổ túc cho trước, gọi chung là ngữ cụ viên mãn. Không sợ, nghĩa là như có một nơi nào có đông người, người là, người lớn, người xuất sắc, người chăn chú dò xét, người giỏi v.v…tâm không tự ti không khiếp sợ, thân không toát mồ hôi, mặt không biến sắc, tiếng nói không lập cập không yếu ớt v.v… những loại như vậy gọi là không sợ. Nghiêm túc, nghĩa là như có một tính không phẫn hận, không thay đổi sắc mặt, thân không lubgs túng v.v… những loại như vậy gọi là nghiêm túc. Ứng cúng, nghĩa là như có một tính thiện, tính dễ ưa không rầu rĩ, thường an trụ nơi thiện khả lạc, mở lời nói thuận tâm người, biết thời, như thật, ích mình ích người, có thể dẫn nghĩa lợi, lời nói nhỏ nhẹ thân thiện, đó gọi là ứng cúng.

Nếu y vào tướng 5 luận trang nghiêm mà ngôn luận, phải biết lại có 27 thứ ca ngợi công đức. Hai mươi bảy thứ là những gì? 1. Được chúng kính trọng. 2. Nói ra ắt tin thụ. 3. Trong đại chúng càng thêm vô úy. 4. Đối với các tông khác biết rõ chỗ lỗi. 5. Đối với tông mình biết quyết định đức. 6. Không tránh chấp. 7. Đối với chỗ thụ luận tình không thiên lệch. 8. Đối với chính pháp và Tì-nại-da của mình không bị đoạt mất. 9. Đối với người nói mau chóng hiểu ngộ. 10. Đối với người nói mau chóng lĩnh thụ. 11. Đối với người nói mau chóng hiểu rõ lý thú. 12. Có thể dùng ngữ đức thắng phục đại chúng. 13. Vui vẻ chấp nhận người tin hiểu luận nhân minh. 14. Có khả năng giải thích nghĩa câu văn. 15. Thân không nhọc mệt. 16. Tâm không nhọc mệt. 17. Nói không ngượng nghịu lắp bắp. 18. Tài biện luận vô tận. 19. Thân không mau chóng tiều tụy. 20. Không mất niệm. 21. Tâm không tổn hại. 22. Yết hầu không tổn. 23. Nói ra điều gì thì phân minh dễ hiểu. 24. Khéo giữ tâm mình không sinh phẫn nộ. 25. Khéo thuận tâm người khiến không giận dữ. 26. Khiến người đối luận tâm sinh tịnh tín. 27. Phàm làm việc gì đều không đem lại sự oán đối, tiếng khen rộng khắp 10 phương đều truyền rằng đại pháp sư này ở trong số đại sư như người thụ dục dùng Mạt-ni, chân châu, lưu ly v.v…các châu báu để xen tạp với vòng xuyến v.v…các thứ trang sức để tự trang sức oai đức rực rỡ chiếu sáng khắp cả. Như vậy luận giả dùng 27 thứ ca ngợi công đức để lẫn lộn với 5 thứ luận như những thứ trang sức để tự trang sức, oai đức rực rỡ chiếu sáng khắp cả. Cho nên gọi đây là luận trang nghiêm.

Luận đọa phụ, nghĩa là phải biết có 3 thứ: 1. Xả ngôn. 2. Ngôn khuất. 3. Ngôn quá.

Xả ngôn, là người lập luận dùng 13 thứ từ tạ đối với luận giả mà bỏ ngôn luận. Những gì là 13 thứ từ tạ? Nghĩa là người lập luận đáp tạ người đối luận rằng luận tôi không tốt, luận ông tốt, tôi không giỏi quan sát ông giỏi quan sát, luận tôi vô lý luân ông hữu lý, luận tôi không có năng lực luận ông có năng lực, luận tôi khuất phục luận ông thành lập. Tài biện luận của tôi cùng tột chỉ tới đây, quá đây trở lên phải tư duy suy lường kỹ rồi tôi sẽ nói với ông. Hãy để việc này lại tôi không nói nữa. Như vậy 13 thứ từ tạ người đối luận mà bỏ không ngôn luận. Hủy bỏ ngôn luận nên bị kia thắng, rơi vào chỗ bị kia khuất phục. Cho nên bỏ không nói gọi là đọa phụ xứ, tức rơi vào chỗ bị thua.

Ngôn khuất, là người lập luận bị người đối luận khuất phục. Hoặc mượn những việc khác mà phương tiện rút lui, hoặc dẫn bên ngoài mà nói, hoặc hiện phẫn nộ, hoặc hiện tức giận, hoặc hiện ngạo mạn, hoặc làm hiển lộ chỗ kia che đậy, hoặc hiện não hại, hoặc hiện bất nhẫn, hoặc hiện không tin, hoặc lặng thinh không nói, hoặc lo rầu, hoặc nhún vai che mặt, hoặc lộ vẻ trầm tư. Mượn những việc khác mà phương tiện rút lui, nghĩa là bỏ chỗ đã lập ở trước lại vin vào ccs tông khác, bỏ nhân, dụ, cùng loại, khác loại, hiện lượng, tỷ lượng, và chí giáo lượng trước đây, rồi lại vin vào nhân cho đến chí giáo khác. Dẫn bên ngoài mà nói, nghĩa là bỏ chỗ đang luận nói, hoặc luận về ăn uống, hoặc luận về vua tôi, giặc giã, đường sá dơ bẩn v.v.., mượn chuyện bên ngoài mà bỏ cái gốc đã lập. Hiện phẫn nộ, là dùng lời thô tục đuổi người đối luận. Hiện tức giận, là dùng lời oán giận trách người đối luận. Hiện ngạo mạn, là lấy chủng tộc thấp hèn mà nói chê bai người đối luận. Làm hiển lộ chỗ kia che giấu, là nói lên hành động xấu mà người đối luận kia che giấu. Hiện não hại, là dùng lời oán giận mắng nhiếc người đối luận. Hiện bất nhẫn, là phát tiếng oán khủng bố người đối luận. Hiện vẻ không tin, là nói chuyện phá giới chê bai người đối luận. Hoặc lặng thinh không nói, là dứt hết ngữ nghiệp một cách mau chóng. Hoặc lo rầu, là ý nghiệp thiêu đốt. Nhún vai che mặt, là thân nghiệp uy dũng mà vội suy sụp. Hoặc lộ vẻ trầm tư, là tài biện luận đều tiêu mất hết. Như vậy 13 thứ, phải biết ngôn khuất trước 2 vọng hành kiểu loạn, giữa 7 phát khởi tà hạnh, sau 4 cùng tận hạnh kế chấp. Đó gọi là ngôn khuất, rơi vào chỗ bị thua.

Ngôn quá, nghĩa là người lập luận có 9 điều lỗi. Những gì là 9? 1. Tạp loạn. 2. Thô lỗ. 3. Không biện rõ. 4. Không hạn lượng. 5. Không phải nghĩa phù hợp. 6. Không phải lúc. 7. Không quyết định. 8. Không hiển rõ. 9. Không liên tục.

Tạp loạn, là bỏ chỗ ngôn luận, nói xen chuyện khác. Thô lỗ, là phẫn nộ nổi nóng, nói năng thô bạo. Không biện rõ, là hoặc pháp, hoặc nghĩa, chúng và đối luận không lãnh ngộ. Không hạn lượng, là nghĩa lý nói ra ngôn từ trùng lặp hoặc giảm thiểu. Không phải nghĩa phù hợp, là có 10 thứ: 1. Vô nghĩa. 2. Trái nghĩa. 3. Tổn lý. 4. Cùng với sở thành. 5. Chiêu tập quá nạn. 6. Không được nghĩa lợi. 7. Nghĩa không thứ tự. 8. Nghĩa không quyết định. 9. Thành lập đã thành. 10. Thuận không đúng lý các tà ác luận. Không phải lúc, là những điều cần nói trước sau không thứ tự. Không quyết định, là lập rồi lại hủy bỏ, hủy bỏ rồi lại lập, thay đổi mau lẹ không thể biết được. Không hiển rõ, là phạm tướng thanh minh, không rõ mà đáp, hoặc trước dùng điển ngữ sau dùng tục ngữ, hoăc lại trái nghịch. Không liên tục, là ở giữa thì ngôn từ dứt đoạn. Phàm ngôn luận phạm 9 lỗi này gọi là ngôn quá, nghĩa là lỗi về ngôn luận.

Luận xuất ly, nghĩa là người lập luận quan sát 3 thứ mà hưng khởi hoặc phế bỏ ngôn luận. Thế nào là 3 thứ quan sát? 1. Quan sát cái đức và lỗi lầm. 2. Quan sát chúng hội. 3. Quan sát xem giỏi hay không giỏi.

Thế nào là quan sát đạo đức và lỗi lầm? Nghĩa là người lập luận muốn lập luận phải quán như thế này. Ta lập luận này sẽ không tổn mình, tổn người và cả hai đều tổn chăng? Không sinh hiện pháp, hậu pháp và cả hai đều có tội chăng? Không khởi thân tâm ưu khổ chăng? Không do đây mà nắm cầm dao gậy đánh nhau mắng nhiếc tranh tụng dèm pha vọng ngữ chăng? Sẽ không sinh trưởng các thứ pháp ác bất thiện chăng? Chẳng phải không lợi ích an lạc mình và người chăng? Chẳng phải không lợi ích an lạc nhiều chúng sinh chăng? Chẳng phải không thương xót đối với thế gian chăng? Không nhân đây nên chư thiên người đời không nghĩa không lợi không an lạc chăng? Người lập luận kia khi quán như vậy, nếu tự hiểu rõ chỗ lập luận của ta có thể làm mình tổn cho đến trời người không nghĩa không lợi và không an lạc, liền tự tư duy lựa chọn không nên lập luận. Nếu sự thật biết chỗ lập luận của ta không làm mình tổn hại, cho đến có thể dẫn đến nghĩa lợi an lạc cho trời người, liền tự tư duy lựa chọn nên lập luận. Đó gọi là đệ nhất luận xuất ly tướng.

Thế nào là quan sát chúng hội? Nghĩa là người lập luận cần phải quan sát chúng hội hiện tiền là có chấp trước hay không chấp, là có hiền chính hay không, là có hiểu rõ hay không hiểu chăng? Khi quán như vậy, nếu biết chúng hội có chỗ chấp trước chứ chẳng phải không chấp trước, chỉ không hiền chính chứ không có hiền chính, chỉ không hiểu rõ chứ không có hiểu rõ thì liền tự tư duy lựa chọn không nên lập luận trong chúng này. Nếu biết chúng hội là không chấp trước chứ chẳng phái có chấp trước, chỉ có hiền chính chứ không có không hiền chính, chỉ có hiểu rõ chứ không có không hiểu rõ, thì liền tự tư duy lựa chọn nên lập luận trong chúng này. Đó gọi là đệ nhị luận xuất ly tướng.

Thế nào là quan sát xem giỏi hay không giỏi? Nghĩa là người lập luận phải tự quan sát xem giỏi hay không giỏi. Ta đối với luận thể, luận xứ sở, luận sở y, luận trang nghiêm, luận đọa phụ, luận xuất ly v.v…là giỏi hay không giỏi chăng? Ta có đủ sức kiến lập tự luận xô ngã luận của người mà giải thoát không thua kia chăng? Khi quan sát như vậy nếu tự biết rõ là ta không giỏi chứ chẳng phải giỏi, biết rõ ta không có năng lực chứ chẳng phải có năng lực thì liền tự tư duy lựa chọn không nên lập luận với người đối luận. Nếu tự biết rõ ta giỏi chứ chẳng phải không giỏi, có năng lực chứ chẳng phải không năng lực thì lền tự tư duy lựa chọn nên cùng lập luận với người đối luận. Đó gọi là đệ tam luận xuất ly tướng.

Luận nhiều chỗ tác pháp là có 3 thứ đối với chỗ lập luận nhiều chỗ tác pháp: 1. Giỏi tông mình và tông người. 2. Không sợ. 3. Có tài biện luận.

Hỏi: Có 3 pháp như vậy sao nói là ở chỗ lập luận có nhiều sở tác?

Đáp: Do giỏi hiểu rõ tông mình tông người cho nên có thể đàm luận tất cả pháp. Do không sợ nên có thể khởi đàm luận trong tất cả chúng. Do có tài biện luận nên có thể khéo đối đáp các vấn nạn. Vì vậy 3 cái này gọi là ở chỗ lập luận có nhiều tác pháp.

QUYỂN 11 HẾT