LUẬN HIỂN DƯƠNG THÁNH GIÁO
Vô Trước Bồ-tát tạo luận
Tam tạng pháp sư Huyền Trang dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 6

Phẩm 2 – 2: NHIẾP TỊNH NGHĨA

Luận nói: Như vậy đã nói rộng thế tục đế. Thắng nghĩa đế là thế nào?

Tụng nói:

Năm ba pháp chân thật,

Nên biết lại có bốn.

Và bốn thứ tầm tư,

Bốn thứ như thật trí.

Luận nói: Năm pháp, là: 1. Tướng. 2. Danh. 3. Phân biệt. 4. Chân như. 5. Chính trí.

Tướng, nếu lược nói là tất cả chỗ sở y của ngôn thuyết. Danh, là y tăng ngữ trong các tướng. Phân biệt, là các tâm tâm pháp gồm trong 3 cõi. Chân như, là pháp vô ngã sở hiển thánh trí, sở hành tất cả ngôn thuyết, sở bất y xứ. Chính trí, lược có 2 thứ một là chỉ có xuất thế gian, hai là thế gian và xuất thế gian. Chỉ có chính trí xuất thế gian, nghĩa là do chính trí Thanh Văn, Độc Giác và chư Bồ-tát thông đạt chân như. Lại nữa chư Bồ-tát dùng thế xuất thế trí, khi tinh cần học tập ngũ minh xứ, do biến mãn trí chân như thường hiện tại tiền , nên mau chóng chứng được sở tri chướng tịnh. Chính trí thế gian xuất thế gian, nghĩa là chư Thanh Văn và Độc Giác mới thông đạt chân như rồi, do ban đầu chỉ có sức chính trí xuất thế gian, sau được chính trí thế gian xuất thế gian, nên trong an lập các đế khởi tâm chán sợ 3 cõi, và vắng lặng ái vị 3 cõi. Lại nữa do chính trí kia thường hiện tại tiền, nên mau chóng chứng được phiền não chướng tịnh.

Ba pháp, là 3 tự thể: 1. Biến kế sở chấp tự thể. 2. Y tha khởi tự thể. 3. Viên thành thật tự thể.

Biến kế sở chấp tự thể, là dựa vào danh ngôn giả lập tự thể là dục, tùy thuận ngôn thuyết thế gian. Y tha khởi tự thể, là theo duyên mà tự thể của pháp sinh. Viên thành thật tự thể, là cảnh giới của các pháp chân như thánh trí, sở hành thánh trí. Thánh trí sở duyên là dục, chứng đắc cực thanh tịnh là khiến tất cả tướng và 2 trói buộc thô trọng được giải thoát, là muốn dẫn phát các công đức.

Kia nên biết lại có 4, là lại có 4 thứ chân thật: 1. Thế gian chân thật. 2. Đạo lý chân thật. 3. Phiền não chướng tịnh trí sở hành chân thật. 4. Sở tri chướng tịnh sở hành chân thật.

Thế gian chân thật, là tất cả thế gian trong các việc do tập quán được ngộ nhập tri kiến, cùng thi thiết thế tục tính. Như đối với địa là chỉ là địa, chẳng phải hỏa. Cũng vậy, đối với thủy, hỏa, phong, sắc, thanh, hương, vị, xúc, ẩm thực, y phục, xe cộ, các thứ trang sức, và các vật hương hoa thoa mình, ca vũ, âm nhạc, bạn bè, nam nữ, các hạnh oai nghi, ruộng vườn nhà cửa, của cải và khổ vui v.v… Đối với khổ là khổ chẳng phải vui. Đối với vui là vui chẳng phải khổ. Lại nữa, nếu nói vắng tắt thì đây là đây chẳng phải kia. Cũng vậy, nói kia là kia chẳng phải gì khác. Nếu sự thế gian hữu tình quyết định thắng giải sở hành, tất cả thế gian từ xưa truyền lại danh ngôn quyết định tự tha phân biệt đều là chân thật chẳng phải tà tư cấu quan sát mà lấy, gọi là thế gian chân thật.

Đạo lý chân thật, nghĩa là chính trí là có nghĩa đạo lý. Những người thông duệ, những người có trí tuệ kiệt hiệt, những người suy tìm, những người thẩm xét, những hành giả tùy theo quán sát, dựa vào hiện, tỷ cho đến thánh giáo 3 lượng, trí hết sức khéo léo quyết trạch hành sự biết sự để chứng thành đạo lý kiến lập, cho nên gọi là đạo lý chân thật.

Phiền não chướng tịnh trí sở hành chân thật, nghĩa là tất cả Thanh Văn, Độc Giác vô lậu phương tiện trí, vô lậu chính trí, vô lậu hậu sở đắc thế gian trí v.v… sở hành cảnh giới, thì gọi là phiền não chướng tịnh trí sở hành chân thật.

Hỏi: Trong đây cái gì là chân thật?

Đáp: Là khổ tập diệt đạo hiển thị 4 thứ thánh đế. Do giản trạch 4 thánh đế như vậy nên được nhập hiện quán vị. Trong hiện quán vị sinh chân thật trí.

Sở tri chướng tịnh trí sở hành chân thật, nghĩa là ở trong sở tri có thể chướng ngại trí, nên gọi là sở tri chướng. Nếu tính chân thật là trí giải thoát sở tri chướng sở hành cảnh giới thì gọi là sở tri chướng tịnh trí sở hành chân thật.

Đây là thế nào? Nghĩa là chư Bồ-tát, Phật, Bạc-già-phạm vì nhập pháp giới vô ngã và người đã nhập cực thanh tịnh, y vào tất cả pháp, lìa tự tính ngôn thuyết, giả nói tự tính, trí bình đẳng không phân biệt sở hành cảnh giới, gọi là tính rốt ráo sở tri tối thắng chân như vô thượng. Cái tính này lựa chọn tất cả chính pháp, không thể hồi chuyển, không thể vượt quá, thì gọi là sở tri chướng tịnh trí sở hành chân thật.

Bốn thứ tầm tư, là: 1. Danh tầm tư. 2. Sự tầm tư. 3. Tự thể giả lập tầm tư. 4. Sai biệt giả lập tầm tư.

Danh tầm tư, nghĩa là chư Bồ-tát đối với danh chỉ thấy có danh. Sự tầm tư, nghĩa là chư Bồ-tát đối với sự chỉ thấy có sự. Tự thể giả lập tầm tư, nghĩa là chư Bồ-tát đối với tự thể giả lập chỉ thấy có tự thể giả lập. Sai biệt giả lập tầm tư, nghĩa là chư Bồ-tát đối với tự thể giả lập chỉ thấy có tự thể giả lập, thì gọi là sai biệt giả lập tầm tư. Chư Bồ-tát đối với 2 thứ danh và sự, hoặc lìa tướng quán, hoặc hợp tướng quán. Y vào danh và sự hợp quán, nên thông đạt tự thể giả lập sai biệt giả lập.

Bốn thứ như thật trí, là: 1. Danh tầm tư sở dẫn như thật trí. 2. Sự tầm tư sở dẫn như thật trí. 3. Tự thể giả lập tầm tư sở dẫn như thật trí. 4. Sai biệt giả lập tầm tư sở dẫn như thật trí.

Danh tầm tư sở dẫn như thật trí, là do các Bồ-tát đối với danh tầm tư chỉ có danh mà thôi. Đối với danh hiểu rõ như thật, là danh này là nghĩa này. Cho nên trong việc này kiến lập là khiến thế gian khởi tưởng thấy ngôn thuyết. Nếu đối với sắc v.v…trong sở tưởng, không vì kiến lập sắc v.v…các danh thì tất cả thế gian không có cái năng tưởng này. Thế thì sắc v.v…nếu không tưởng sẽ không có khả năng khởi tăng ích chấp trước. Nếu không chấp trước thì không có ngôn thuyết. Nếu hiểu rõ như thật như vậy thì gọi là đệ nhất danh tầm tư sở dẫn như thật trí.

Sự tầm tư sở dẫn như thật trí, là do các Bồ-tát đối với sự tầm tư, chỉ có sự mà thôi. Như thật hiểu rõ sắc v.v…tính sở tưởng sự, lìa tất cả ngôn thuyết không thể có ngôn thuyết, thì gọi là đệ nhị sự tầm tư sở dẫn như thật trí.

Tự thể giả lập tầm tư sở dẫn như thật trí, là do các Bồ-tát đối với sắc v.v…sở tưởng sự. Trong tự thể giả lập, tầm tư chỉ có giả lập. Cho nên thông đạt như thật cái tự thể giả lập chẳng phải thật. Tự thể của sự ấy hiển hiện tự thể tương tự của sự ấy. Lại có thể hiểu rõ tự thể của sự ấy có thể tính tương tự như biến hóa, ảnh tượng, tiếng vang, bóng sáng, trăng dưới nước, sóng nắng, chiêm bao, ảo hóa. Đó gọi là đệ tam tự thể giả lập tầm tư sở dẫn trí như thật nghĩa sâu xa của cảnh sở hành.

Sai biệt giả lập tầm tư sở dẫn như thật trí, là do các Bồ-tát đối với sai biệt giả lập tầm tư chỉ có tính giả lập, nên đối với sắc v.v… trong sai biệt giả lập sở tưởng sự khéo có thể thông đạt nghĩa không hai. Nghĩa là các sự ấy chẳng phải hữu tính chẳng phải không tính. Do có thể nói tự thể không thành tựu, nên chẳng phải hữu tính. Do không thể nói tự thể thành tựu, nên chẳng phải vô tính. Cũng như vậy, chẳng phải hữu sắc như thắng nghĩa đế, chẳng phải vô sắc như sắc giả lập trong thế tục đế. Như hữu tính vô tính, hữu sắc vô sắc, cũng vậy hữu kiến vô kiến v.v… các pháp môn sai biệt giả lập kia tất cả là do lý thú đã hết. Nếu có thể hiểu rõ như thật cái nghĩa không hai của sai biệt giả lập như vậy, thì gọi là đệ tứ sain biệt giả lập tầm tư sở dẫn như thật trí.

Như vậy đã nói rõ sở nhập sự, năng nhập nhân và năng nhập.

Tụng nói:

Ba tự thể thành lập,

Nghiệp sai biệt ẩn kín.

Phương tiện gồm khác biệt,

Là đều có đa chủng.

Luận nói: Ba thứ tự thể kia thành lập sai biệt về nghiệp dụng, ẩn kín, phương tiện bao gồm đều có nhiều thứ khác biệt. Sự thành lập đa chủng ấy như sẽ nói rõ trong Phẩm thành vô tính.

Sai biệt là gì?

Hỏi: Tự thể của biến kế sở chấp có mấy thứ?

Đáp: Như trong tự thể y tha khởi có giả lập tự thể sai biệt. Tự thể của biến kế sở chấp cũng như vậy. Cho nên tự thể của biến kế sở chấp là không hạn lượng. Lại nữa, trong tự thể của y tha khởi, phân biệt có 2 thứ tự thể của biến kế sở chấp. Nghĩ là tùy thắng giác và tùy số tập của tập khí tùy miên.

Hỏi: Tự thể của y tha khởi có mấy thứ?

Đáp: Như các tướng có đa chủng sai biệt. Nghĩa là sắc tướng, tâm tướng, tâm pháp tướng, tâm bất tương ưng tướng v.v…Lại nữa, nếu nói sơ lược thì có 2 thứ. Tự thể của y tha khởi, là phân biệt khởi và phi phân biệt khởi của tự thể biến kế sở chấp.

Hỏi: Tự thể của viên thành thật có mấy thứ?

Đáp: Tự thể của viên thành thật, trong tất cả mọi nơi, chỉ có một vị, cho nên không thể thiết lập sai biệt.

Nghiệp là gì?

Hỏi: Tự thể của biến kế sở chấp có thể tạo tác bao nhiêu nghiệp?

Đáp: Có 5 thứ: 1. Có thể sinh tự thể của y tha khởi. 2. Tức ở trong đó khởi các ngôn thuyết. 3. Có thể sinh chấp chúng sinh. 4. Có thể sinh pháp chấp. 5. Có thể nhiếp thụ 2 chấp tập khí thô nặng.

Hỏi: Tự thể của y tha khởi có thể tạo tác bao nhiêu nghiệp?

Đáp: Có 5 thứ: 1. Có khả năng sinh các thể tạp nhiễm. 2. Có khả năng làm sở y cho tự thể của biến kế sở chấp và tự thể của viên thành thật. 3. Có khả năng làm sở y cho chúng sinh chấp. 4. Có khả năng làm sở y cho pháp chấp. 5. Có khả năng làm sở y cho 2 chấp tập khí thô nặng.

Hỏi: Tự thể của viên thành thật có thể tạo tác bao nhiêu nghiệp?

Đáp: Có 5 thứ. Nghĩa là có thể làm 2 thứ 5 nghiệp đối trị sinh khởi tính sở duyên.

Ẩn kín, nghĩa là tùy theo 3 thứ nghĩa của tự thể giải thích tất cả kinh không liễu nghĩa. Bởi vì trong vô lượng kinh, ngôn ngữ ẩn giấu bí mật của tất cả Như Lai, ngôn ngữ ẩn giấu bí mật của tất cả Bồ-tát đều tùy theo 3 thứ tự thể mới có thể ngộ nhập nghĩa kia.

Hỏi: Như trong kinh nói 3 môn giải thoát, kiến lập như thế nào?

Đáp: Vì do 3 tự thể. Nghĩa là do tự thể biến kế sở chấp, nên thiết lập không giải thoát môn. Do tự thể y tha khởi, nên thiết lập vô nguyện giải thoát môn. Do tự thể viên thành thật, nên thiết lập vô tướng giải thoát môn.

Hỏi: Như trong kinh nói vô sinh pháp nhẫn, kiến lập như thế nào?

Đáp: Vì do 3 tự thể. Nghĩa là do tự thể biến kế sở chấp, nên nói bản lai vô sinh nhẫn. Do tự thể y tha khởi, nên nói tự nhiên vô sinh nhẫn. Do tự thể viên thành thật, nên nói phiền não khổ cấu vô sinh nhẫn. Ba thứ nhẫn này ở nơi bất thoái chuyển địa. Do các nghĩa sai biệt như vậy, nên đối với tất cả ngôn ngữ ẩn giấu bí mật đều phải tùy theo 3 tự thể mà giải thích.

Phương tiện, nghĩa là hiểu rõ 3 thứ tự thể như vậy, có thể tạo phương tiện vô thượng chính đẳng Bồ-đề cho tất cả Thanh Văn, Độc Giác.

Nhiếp, nghĩa là 3 thứ tự thể và tướng, danh, phân biệt v.v…5 việc gồm vào nhau.

Hỏi: Như vậy 5 việc, sơ tự thể gồm có bao nhiêu việc?

Đáp: Không.

Hỏi: Đệ nhị tự thể gồm bao nhiêu việc?

Đáp: Bốn.

Hỏi: Đệ tam tự thể gồm bao nhiêu việc?

Đáp: Một.

Khác biệt, nghĩa là tự thể biến kế sở chấp chỉ có chính ưng tri. Tự thể y tha khởi là ưng tri và ưng đoạn. Tự thể viên thành thật là ưng btri và ưng tác chứng. Như vậy là ngộ nhập tục đế thắng nghĩa đế rồi.

Tụng nói:

Nghe mười hai phần giáo,

Ba tối thắng quy y.

Ba học ba Bồ-đề,

Là hữu tình tịnh thuyết.

Luận nói: Nghe 12 phần giáo, nghĩa là nghe thánh giáo: khế kinh, ứng tụng, ký biệt, phúng tụng, tự thuyết, duyên khởi, thí dụ, bản sự, bản sinh, phương quảng, vị tằng hữu, pháp luận nghị.

Khế kinh, nghĩa là trong các kinh Phật Bạc-già-phạm đối với nhiều lúc khác nhau, nhiều nơi khác nhau, dựa vào sự giáo hóa điều phục hữu tình khác nhau mà hoặc nói uẩn sở nhiếp pháp, giới sở nhiếp pháp, hoặc nói duyên khởi sở nhiếp pháp, hoặc nói thực sở nhiếp pháp, đế sở nhiếp pháp, hoặc nói Thanh Văn, Độc Giác, Như Lai sở nhiếp pháp, hoặc nói niệm trụ, chính đoạn, thần túc, căn, lực, giác chi, đạo chi sở nhiếp pháp, hoặc nói bất tịnh tức niệm, học chứng tịnh v.v…sở nhiếp pháp.

Như Lai nói những lời như vậy rồi, những người kết tập hoan hỷ kính thụ, vì muốn thánh giáo tồn tại lâu dài, nên dùng các danh, cú, tự, thân hay đẹp, tùy theo sự phù hợp thứ tự kết tập, thứ tự đặt để, để có thể biên tập dẫn các nghĩa lợi, dẫn các phạm hạnh các thứ nghĩa hay tốt, nên gọi là khế kinh.

Ứng tụng, nghĩa là trong các kinh, hoặc ở đoạn giữa, hoặc ở sau cùng, dùng tụng làm rõ nghĩa trở lại, và những chỗ nói không liễu nghĩa trong các kinh, đó là ứng tụng.

Ký biệt, nghĩa là trong các kinh, ghi nhận những nơi sinh khác nhau của các đệ tử sau khi mạng chung, và trong các kinh nói rõ liễu nghĩa, đó là ký biệt.

Phúng tụng, nghĩa là trong các kinh không phải phần trường hàng trực thuyết, mà dùng câu kết thành hoặc 2 câu, hoặc 3 câu, hoặc 4 câu, hoặc 5 câu, hoặc 6 câu, gọi là phúng tụng.

Tự thuyết, nghĩa là trong các kinh không nêu họ tên người thỉnh hỏi, mà vì muốn chính pháp tồn tại dài lâu, và để thánh giáo tồn tại dài lâu, tự nhiên tuyên nói, gọi là tự thuyết.

Duyên khởi, nghĩa là trong các kinh nêu họ tên người thỉnh hỏi rồi mới vì hỏi mà nói, và có các Tì-nại-da có duyên khởi dạy biệt giải thoát giới kinh v.v…, đó là duyên khởi.

Thí dụ, nghĩa là trong các kinh có nói thí dụ. Nhờ thí dụ mà nghĩa được sáng tỏ, đó gọi là thí dụ.

Bản sự, nghĩa là nói rõ những việc tương ưng đời trước là bản sự.

Bản sinh, nghĩa là trong các kinh nói Như Lai ở trong các kiếp sinh tử quá khứ hành Bồ-tát hạnh, đó là bản sinh.

Phương quảng, nghĩa là trong các kinh nói rõ các Bồ-tát đạo có thể chứng vô thượng Bồ-đề, khiến các hành giả chứng được 10 lực, vô chướng trí v.v…, đó là phương quảng.

Pháp vị tằng hữu, nghĩa là trong các kinh nói rõ các công đức chung và không chung của chư Phật và các đệ tử Tì-khưu, Tì-khưu-ni, , Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni, Ô-ba-sách-ca, Ô-ba-tư-ca v.v…, và các pháp đặc thù tối thắng rất sâu khác, đó là pháp chưa từng có.

Luận nghị, nghĩa là tất cả Ma-đát-lí-ca A-tì-đạt-ma nghiên cứu giải thích nghĩa trong các kinh, đó gọi là luận nghị.

Như vậy trong 12 phần giáo có đầy đủ kinh tạng, luật tạng và A-tì-đạt-ma tạng. Trong đó nói khế kinh, ứng tụng, ký biệt, phúng tụng, tự thuyết, thí dụ, bản sự, bản sinh, phương quảng, pháp vị tằng hữu là kinh tạng. Trong đó nói duyên khởi, là luật tạng. Trong đó nói luận nghị, là A-tì-đạt-ma tạng.

Ba tối thắng quy y, là quy về với Phật, pháp, tăng. Ba học, là tăng thượng giới học, tăng thượng tâm học, tăng thượng tuệ học. Ba Bồ-đề, là Thanh Văn Bồ-đề, Độc Giác Bồ-đề, Vô thượng chính đẳng Bồ-đề.

Là hữu tình tịnh thuyết, nghĩa là vì khiến hữu tình được thanh tịnh, nên thứ tự nói 3 pháp là năng trì, phương tiện và quả. Năng trì, là nghe pháp và quy y. Phương tiện, là 3 học. Quả, là 3 Bồ-đề. Lại nữa, như vậy nghe pháp v.v…làm sao phân biệt?

Tụng nói:

Nghe, quy, học Bồ-đề,

Sáu, ba, mười, hai, năm.

Theo thứ tự danh số,

Cần phải rộng phân biệt.

Luận nói: Nghe 6 thứ phân biệt, là: 1. Y xứ. 2. Y nhiếp. 3.Y thanh tịnh. 4. Y hành. 5. Y lý thú. 6. Y nghĩa.

Y xứ, nghĩa là y vào 5 minh xứ: 1. Nội minh xứ. 2. Nhân minh xứ. 3. Thanh minh xứ. 4. Y phương minh xứ. 5. Công nghiệp minh xứ. Y nhiếp, có 2 thứ là Thanh Văn tạng nhiếp và Bồ-tát tạng nhiếp.

Y thanh tịnh, nghĩa là 10 thứ thanh tịnh. Nói thanh tịnh có 5: 1. Nói giỏi nên nói. 2. Hiểu rõ câu văn nên nói. 3. Hết tất cả nghĩa sở tri nên nói như nghĩa sở tri. 4. Dễ phương tiện tu hành nên nói. 5. Có thể xuất ly tất cả khổ nên nói. Nghe thanh tịnh có 5: 1. Không có ý tìm lỗi nên nghe. 2. Vì ý cầu Niết-bàn nên nghe. 3. Hết sức thiện chí lắng nghe. 4. Y vào danh, cú, tự, thân nghĩa khéo phân biệt nghe. 5. Đem ý chân chính tu hành mà nghe.

Y hành, là 10 thứ pháp hành.

Y lý thú, là có 6 thứ lý thú. Tức là chân nghĩa lý thú, cho đến ý lạc lý thú. Trong đó 3 lý thú trước là do 3 lý thú sau giải thích theo. Nghĩa là do lìa nhị biên lý thú tùy theo đó giải thích chân nghĩa lý thú. Do bất tư nghị lý thú, tùy theo đó giải thích chứng đắc lý thú. Do ý lạc lý thú, tùy theo đó giải thích giáo đạo lý thú. Trong đó chân nghĩa tức là lý thú, cho nên gọi là chân nghĩa lý thú. Cho đếný lạc tức là lý thú, nên gọi là ý lạc lý thú. Ở những nơi kia không có tính điên đảo, đó là nghĩa của lý thú.

Chân nghĩa lý thú, lược có 6 thứ. Tức là thế gian chân thật, cho đến sở tri chướng tịnh trí sở hành chân thật, và an lập chân thật phi an lập chân thật. Trong đó 4 thứ chân thật trước, như trước đã phân biệt.

An lập chân thật, nghĩa là 4 thánh đế. Khổ chân thật là khổ, nên an lập là khổ. Cho đến đạo chân thật là đạo, nên lập là đạo.

Hỏi: Vì nhân duyên gì gọi là an lập?

Đáp: Vì do 3 thứ tục an lập: 1. Do thế gian là tục. 2. Do đạo lý là tục. 3. Do chứng đắc là tục.

Thế gian là tục, nghĩa là an lập ruộng vườn, nhà cửa, bình, bồn, quân, lâm, số v.v…, và an lập ngã, hữu tình v.v…

Đạo lý là tục, nghĩa là an lập uẩn, giới, xứ v.v…

Chứng đắc là tục, nghĩa là an lập quả dựn lưu v.v…, và an lập pháp làm chỗ kia y trụ. Lại có 4 thứ an lập, nghĩa là 3 thứ trước và do thắng nghĩa tục an lập. Tính thắng nghĩa đế không thể an lập, do nội tự sở chứng. Vì muốn tùy thuận dẫn sinh trí kia mà y tục an lập. Phi an lập chân thật, là thật tính chân như của tất cả pháp.

Chứng đắc lý thú, lược có 4 thứ: 1. Tất cả hữu tình nghiệp báo chứng đắc. 2. Thanh Văn thừa chứng đắc. 3. Độc Giác thừa chứng đắc. 4. Đại thừa chứng đắc.

Tất cả hữu tình nghiệp báo chứng đắc, nghĩa là tất cả hữu tình tạo tác nghiệp tịnh bất tịnh, y theo nghiệp của mình mà lưu chuyển trong 5 nơi đến, cảm các thứ dị thục, nhận lấy các thứ dị thục.

Thanh Văn thừa chứng đắc, nghĩa là bắt đầu thụ 3 quy y cho đến khi y chỉ, nghe đạo trang nghiêm nên được 5 thứ chứng đắc là: 1. Địa chứng đắc. 2. Trí chứng đắc. 3. Tịnh chứng đắc. 4. Quả chứng đắc. 5. Công đức chứng đắc.

Địa chứng đắc, là được 3 địa: kiến địa, tu địa, cứu cánh địa. Trí chứng đắc, là được 9 trí: 1. Pháp trí. 2. Chủng loại trí. 3. Khổ trí. 4. Tập trí. 5. Diệt trí. 6. Đạo trí. 7. Từ đây trở đi được tục trí. 8. Tận trí. 9. Vô sinh trí. Tịnh chứng đắc, là 4 chứng tịnh. Quả chứng đắc, là 4 quả Sa-môn. Công đức chứng đắc, là vô lượng các công đức giải thoát thắng xứ, biến xứ, vô tránh, nguyện, trí, vô ngại giải, thần thông v.v… Lại nữa, trong Thanh Văn thừa chứng đắc, chứng đắc y chỉ, nghĩa là trước tu thế gian đạo ly dục , tiếp tu thuận giải thoát phần thiện căn, sau tu quyết trạch phần thiện căn.

Độc Giác thừa chứng đắc, lược có 3 thứ: 1. Do trước đã được thuận quyết trạch phần thiện căn. 2. Do trước đã được vô lậu chân chứng. 3. Do thứ tự được. Trong đây, do 2 chứng đắc trước, gọi là phi độc thắng giác, do chứng đắc sau gọi là tê giác dụ giác.

Đại thừa chứng đắc, nghĩa là đại bi chứng đắc, phát tâm chứng đắc,Ba-la-mật-đa chứng đắc, nhiếp sự chứng đắc, địa chứng đắc, trong 5 vô lượng tùy chí chân như chứng đắc, bất tư nghị oai đức chứng đắc, bất cộng Phật pháp chứng đắc, tất cả như trước phân biệt.

Giáo đạo lý thú, sơ lược gồm vào 3 chỗ: 1. Gồm trong tạng. 2. Gồm trong Ma-đát-lí-ca. 3. Gồm trong cả hai.

Gồm trong tạng, là tạng Thanh Văn thừa và tạng Đại thừa. Gồm trong Ma-đát-lí-ca, là gồm trong 17 bản địa và 4 thứ. Gồm trong cả hai, là lược có 10 thứ, như 10 thứ nghĩa trong nghĩa phân biệt ở trước. Nên biết gồm này, tất cả gồm trong tạng và gồm trong Ma-đátlí-ca nên gọi là tổng, còn lược là Ma-đát-lí-ca.

Lại có 12 thứ giáo: 1. Sự giáo, nghĩa là nói rõ riêng biệt tất cả pháp giáo như sắc v.v…, nhãn v.v… 2. Tưởng sai biệt giáo, nghĩa là nói rõ uẩn, giới, xứ, duyên khởi, thị xứ phi xứ, các căn, các đế, niệm trụ, hữu sắc vô sắc, hữu kiến vô kiến, hữu đối vô đối v.v…Như vậy nói rộng vô lượng tưởng sai biệt giáo của Phật Bạc-già-phạm.

3. Tự tông quán sát giáo, nghĩa là khế kinh, ứng tụng, ký biệt v.v… các giáo, dựa vào các hiển thị trong giải thích. 4. Tha tông quán sát giáo, nghĩa là dựa vào 7 thứ nhân minh, chiết phục phá các luận khác, thành lập giáo nghĩa luận lý của mình. Bảy thứ nhân minh là luận thể, luận xứ sở v.v…sau sẽ phân biệt. 5. Bất liễu nghĩa giáo, nghĩa là trong khế kinh, ứng tụng, ký biệt v.v… Bạc-già-phạm lược nêu các nghĩa, chưa phân biệt rộng, sau sẽ khai thị giáo hóa. 6. Liễu nghĩa giáo, nghĩa là ngược lại với trước. 7. Tục đế giáo, nghĩa là các đường lối nói năng hiển thị, tất cả đều là tục đế. Lại nữa, dựa vào tên gọi, tưởng tượng, ngôn ngữ nói năng, tăng thượng mà khởi tướng, gọi là phân biệt., cũng là tục đế. 8. Thắng nghĩa đế giáo, nghĩa là giáo nghĩa của 4 thánh đế và pháp tính chân như thật tế. 9. Ẩn mật giáo, nghĩa là đa phần là tạng giáo Thanh Văn. 10. Hiển liễu giáo, nghĩa là đa phần là tạng giáo Đại thừa. 11. Khả ký sự giáo, nghĩa là như 4 thứ pháp của giáo nghĩa Ôn-đà-nam. Tức là tất cả hành vô thường, cho đến Niếtbàn tịch tĩnh v.v.., các giáo nghĩa như vậy. 12. Bất khả ký sự giáo, nghĩa là như có người hỏi thế gian là thường hay vô thường. Lúc bấy giờ Như Lai mặc nhiên không ghi nhận câu hỏi, chỉ bảo người kia rằng ta nói việc này không thể ghi nhận. Vì có 4 nhân duyên: 1. Không có thể tính, nên không thể ghi nhận. Chẳng hạn như hỏi ta và các uẩn là khác hay không khác, là thường hay vô thường v.v… 2. Có thể đưa đến sự vô nghĩa không ích lợi, nên không thể ghi nhận. Như Kinh Thăng Nhiếp Ba Lợi nói có vô lượng pháp ta đã chứng đắc giác ngộ mà không nói ra. Bởi vì sao? Vì những pháp đó có thể dẫn đến sự vô nghĩa không lợi ích. 3. Rất sâu, nên không thể ghi nhận. Nghĩa là như có người hỏi cái ta là có hay là không. Câu hỏi này không thể ghi nhận. Bởi vì sao? Nếu Như Lai ghi nhận cái ta là có, người kia sẽ chấp cho rằng trong uẩn có cái ta, hoặc chấp ngoài uẩn có cái ta. Nếu ghi nhận là không có cái ta, người kia sẽ hoặc chê ngôn thuyết thế tục nói cái ta cũng là không, cho đến hỏi Như Lai sau khi diệt độ là có hay là không, là cũng có hay cũng không, là chẳng phải có hay chẳng phải không v.v… Vì nghĩa lý rất sâu nên không ghi nhận. 4. Tướng của pháp là như vậy, nên không thể ghi nhận. Nghĩa là chân như của các pháp với các pháp ấy, là một hoặc là khác không thể ghi nhận. Bởi tướng của các pháp là như như, không thể an lập. Hoặc là vì tính khác, hoặc tính không khác, cho nên lại có 4 thứ nhân duyên Như Lai nói không thể ghi nhận: 1. Do việc này là ngoại đạo nói. 2. Vì không đúng lý. 3. Không đưa đến nghĩa lý và sự lợi ích. 4. Chỉ có thể gây tranh luận mà thôi. Có 2 nguyên nhân không đem lại nghĩa lý và sự lợi ích, một là tách rời tư duy nhân quả, hai là tách rời tư duuy tạp nhiễm thanh tịnh.

Ly nhị biên lý thú, sơ lược có 6 thứ: 1. Xa lìa bên tăng ích đối với không thật hữu. 2. Xa lìa bên tổn giảm đối với chân thật hữu. 3. Xa lìa bên chấp thường. 4. Xa lìa bên chấp đoạn. 5. Xa lìa bên thụ dụng dục lạc. 6. Xa lìa bên thụ dụng tự khổ.

Bất khả tư nghị lý thú, lược nói có 6 thứ không thể nghĩ bàn: 1. Cái ta là không thể nghĩ bàn. 2. Hữu tình là không thể nghĩ bàn. 3. Thế gian là không thể nghĩ bàn. 4. Tất cả nghiệp báo của hữu tình là không thể nghĩ bàn. 5. Chứng tĩnh lự và cảnh giới tĩnh lự là không thể nghĩ bàn. 6. Chư Phật và cảnh giới chư Phật là không thể nghĩ bàn.

Ý lạc lý thú, lược nói có 16 thứ ý lạc: 1. Khai thị ý lạc. 2. Ly dục ý lạc. 3. Khuyến đạo ý lạc. 4. Tưởng lệ ý lạc. 5. Tán duyệt ý lạc. 6. Linh nhập ý lạc. 7. Trừ nghi ý lạc. 8. Thành thục ý lạc. 9. An định ý lạc. 10. Giải thoát ý lạc. 11. Y biệt nghĩa ý lạc. 12. Hành giả phát chứng, ý lạc hoan hỷ không lỗi. 13. Khiến hành giả nghe pháp khởi ý lạc tôn trọng pháp sư. 14. Pháp nhãn lưu bố ý lạc. 15. Khéo thêm rộng tăng trưởng ý lạc. 16. Ý lạc xô ngã tất cả tưởng.

Y nghĩa, nghĩa là bất liễu nghĩa và liễu nghĩa.

Phân biệt 3 thứ quy y, là: 1. Thành tựu. 2. Kiến lập. 3. Sai biệt. Thành tựu, nghĩa là chỉ có Phật, pháp, tăng là chân thật quy y, không phải các hạng trời v.v… Bởi vì sao? Do 2 nhân, một là không có năng lực, hai là không hiện thấy.

Thế nào là không có năng lực? Nghĩa là chư thiên thần không có năng lực làm việc lợi ích chư chúng sinh. Các thiên thần này hoặc vì không có năng lực, hoặc đợi người cung kính, hoặc không chịu được khổ nhọc, hoặc không có từ bi, hoặc có trở ngại. Như vậy tất cả không phải chân thật quy y. Nghĩ là vì không năng lực, vì rơi vào thiên lệch, tránh né sự khổ nhọc vì không tự do tự tại, vì không có tình thương, vì thiếu đức,

Thế nào là không hiện thấy? Nghĩa là chư thiên thần chẳng phải đối tượng thấy hiện chứng. Thế gian chưa thấy, không hiện thấy chủ thể có thể làm chỗ dựa, chỉ trừ có tin và tiếp nhận mà thôi. Ngoài ra gọi là hiện thấy để làm chỗ dựa đều không thấy được.

Hỏi: Thấy trong chiêm bao cũng quy y được chăng?

Đáp: Dục và tưởng mà thấy, nên thật mà không thật. Lại nữa, khi tỉnh dậy nào có thấy gì đâu? Tuy trong chiêm bao có thoáng thấy tướng thật, nhưng tướng này cũng do dục và tưởng tạo ra. Lại nữa khi các duyên hiện tiền khiến ở trong chiêm bao thoáng thấy, phần nhiều là cũng hư vọng. Lại nữa do 5 thứ nhân khiến các thiên thần không phải đối tượng để quy y. Những gì là 5? 1. Do tướng. 2. Do thể. 3. Do nghiệp. 4. Do pháp nhĩ. 5. Do nhân quả.

Do tướng, nghĩa là chư thiên thần người đời không hiện thấy, không cùng đàm luận được. Hinh mạo có vẻ uy hiếp đáng sợ. Có tập nhiễm, phóng dật, tham ái. Bỏ lợi ích người khác, không có tình thương. Không có khả năng hiểu rõ sự tạo tác và không tạo tác, không thấu hiểu thật nghĩa. Cho nên không thể quy y.

Tướng như thế nào mà Phật thì có thể quy y? Nghĩa là vì thế gian hiện thấy, có đàm luận. Hình mạo hòa nhã bình tĩnh không có gì đáng sợ. Xa lìa phóng dật, không tham ái. Không bỏ việc lợi người, có lòng đại bi. Khéo hiểu rõ sự tạo tác và không tạo tác thông đạt thật nghĩa. Lại nữa do 5 tướng của Phật có thể quy y. Những gì là 5? Vì lợi hữu tình chứng Đại Bồ-đề. Vì ở trong đại chúng khai chính pháp nhãn. Vì lợi ích hữu tình bình đẳng không oán thân. Nhận thụ đối với tất cả mọi nhà lìa bỏ sự tham đắm, các căn vắng lặng. Khéo trừ lưới nghi cho tất cả chúng sinh.

Do thể, nghĩa là do Như Lai vĩnh đoạn các lậu, tự chế ngự mình và chế ngự người khác nên có thể quy y. Chư thiên thần v.v… có đủ các lậu, nên không tự chế ngự được mình huống chi chế ngự người khác, cho nên không phải chỗ quy y.

Do nghiệp, nghĩa là Như Lai an trụ nơi nghiệp quảng đại vô cấu tĩnh lự v.v… Lại còn có thể làm nghiệp lợi ích chúng sinh, nên có thể quy y. Chư thiên thần v.v…an trụ nghiệp uế trược, hạ đẳng, thụ dụng dục. Lại có nghiệp sát hại các chúng sinh, cho nên không phải chỗ quy y.

Do pháp nhĩ, nghĩa là công đức thắng lợi của tất cả thế gian và xuất thế gian, đều do công dụng chính mình mà được. Nếu lìa công dụng chính mình thì tuy đối với thiên thần khởi tâm tin kính cũng không thể chứng được. Còn dẫu không tin kính thiên thần mà chỉ do dụng công chính mình chắc chắn có thể chứng đắc. Vì vậy cho nên thiên thần không phải chỗ quy y.

Do nhân quả, nghĩa là nay hỏi về việc phụng sự thiên thần, thể tính của thiên thầnlà do thiên nghiệp cảm được hay do cúng dường thiên thần mà được, hay do không có nhân mà được? Nếu do thiên nghiệp mà được thì hãy quy về nghiệp chẳng phải trời. Nếu không nhân mà được thì hãy quy về không nhân chẳng phải trời. Nếu cúng dường thiên thần mà được thì vì chỉ nhân cúng dường cảm thiên thần thể, hay là chỉ nhân thiên thần, hay là nhân 2 thứ? Nếu chỉ nhân cúng dường thì phụng sự thiên thần vô ích, tùy cúng dường chỗ nào cũng đều cảm thiên báo. Nếu chỉ nhân thiên thần thì cúng dường vô ích, tuy không cúng dường chỉ do thiên thần cũng được thiên báo. Nếu đủ 2 thứ nhân thì chỉ thiết lập cúng dường thiên thần liền tiếp nhận, mọi chỗ cầu nguyện đều được kết quả. Lại nữa, 7 thứ cầu nguyện, sẽ không đạt được quả nhất định cho nên không phải vậy: 1. Do cúng dường mà tiếp nhận. 2. Do tin hiểu mà tiếp nhận. 3. Do tin hiểu kia, phát khởi tin hiểu có thể cảm tự thể của thiên thần tối thắng. 4. Có thể cảm tối thắng thì được giàu có hạnh phúc. 5. Xô ngã A-tố-lạc các oán địch. 6. Sự xuất sinh. 7. Kiến lập khi mạng chung.

Hỏi: Có bao nhiêu thứ quy về?

Đáp: Do 4 nhân.

Chỉ có Như Lai là có thể quy về. Nghĩa là khéo tự điều phục, khéo hiểu tất cả phương tiện điều phục, vì dùng của cải cúng dường không làm đẹp ý, lấy sự tu hành cúng dường mới làm đẹp ý. Do đủ các đức này nên Như Lai thuyết pháp và chúng đệ tử mới quy y.

Hỏi: Tương đương với cái gì mới có thể gọi là quy về?

Đáp: Đủ 4 nhân gọi là có thể quy về: 1. Biết rõ có đức. 2. Biết rõ sai biệt. 3. Tự thệ thụ. 4. Không quy về nơi nào khác nữa.

Hỏi: Quy về thực hành như thế nào?

Đáp: Quy về có 4 thứ chính hạnh: 1. Gần gũi người thiện. 2. Nghe chính pháp. 3. Tác ý đúng lý. 4. Pháp tùy theo pháp hành. Lại có 4 thứ chính hạnh: 1. Khéo nhiếp hộ các căn khiến không trạo động. 2. Thụ chính học xứ. 3. Thương yêu chúng sinh. 4. Thường xuyên đúng như pháp cúng dường Tam Bảo.

Hỏi: Quy thú Tam Bảo có lợi ích gì?

Đáp: Có 4 lợi ích: 1. Được công đức rộng lớn. 2. Được niềm hoan hỷ rộng lớn. 3. Được thắng đẳng trì. 4. Được thiện thanh tịnh. Lại có 4 thứ lợi ích: 1. Đầy đủ sự hộ trì lớn. 2. Tất cả sự hiểu sai lệch, chướng ngại dần dần bớt đi rồi tiêu diệt hết. 3. Được nhập thông tuệ thẳng đến trong chúng người thiện, gọi là đại sư đồng với chúng phạm hạnh. 4. Vì tin thánh giáo nên được chư thiên yêu thích. Các chư thiên kia nếu thấy có người thụ tam quy thì sinh đại hoan hỷ bảo nhau rằng chúng ta xưa đều nhờ thành tựu tam quy, nên từ khi mạng chung sinh đến nơi này. Các thiện nam tử nay cũng thành tựu tam quy này, trụ không bỏ, không bao lâu sẽ là bạn của chúng ta.

Sai biệt, nghĩa là do 6 thứ nhân nên có Tam Bảo sai biệt: 1. Do tướng. 2. Do nghiệp. 3. Do tin hiểu. 4. Do tu hành. 5. Do tùy niệm. 6. Do sinh phúc.

Do tướng nên sai biệt, nghĩa là tự chứng giác tướng là Phật bảo, chứng giác quả tướng là pháp bảo, do tùy tha giáo chính tu hành tướng là tăng bảo.

Do nghiệp nên sai biệt, nghĩa là chuyển chính thuyết nghiệp là Phật bảo, phiền não khổ đoạn sở duyên cảnh nghiệp là pháp bảo, tăng cần dũng nghiệp là tăng bảo.

Do tin hiểu nên sai biệt, nghĩa là đối với Phật bảo nên thân cận cung kính, đối với chính pháp bảo nên tin kính tác chứng, đối với tăng bảo nên đồng pháp cộng trụ kính tín thân cận.

Do hành nên sai biệt, nghĩa là đối với Phật bảo nên mời thỉnh nghinh tiếp, thừa sự cúng dường, đối với chính pháp bảo nên khởi phương tiện tu tập hành trì đúng như lý, đối với chư tăng bảo nên khởi tâm cộng thụ dụng tài pháp.

Do tùy niệm nên sai biệt, nghĩa là đối với Tam Bảo nên khởi tùy niệm riêng biệt. Như trong kinh nói đức Bạc-già-phạm Như Lai ứng chính đẳng giác … cho đến nói rộng.

Do sinh phúc nên sai biệt, nghĩa là đối với Phật bảo y nơi một hữu tình sinh phúc tối thắng, đối với chính pháp bảo, y nơi tăng thượng pháp sinh phúc tối thắng, đối với chư tăng bảo, y nơi nhiều hữu tình sinh phúc tối thắng.

QUYỂN 6 HẾT