LUẬN HIỂN DƯƠNG THÁNH GIÁO
Vô Trước Bồ-tát tạo luận
Tam tạng pháp sư Huyền Trang dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 5

Phẩm 2- 1: NHIẾP TỊNH NGHĨA

Như vậy đã nói xong 9 việc, nay sẽ nói về tịnh nghĩa.

Tụng nói:

Trong các luận, Thắng luận

Cũng khéo nhập Du-già.

Phải biết nghĩa thanh tịnh

Do đủ 4 tịnh đức.

Luận nói: Luận Hiển Dương Thánh Giáo này là vượt trội hơn cả trong các luận. Các luận là những luận gì? Sơ lược có 4 thứ: 1. Tượng chính pháp luận, nghĩa là dựa vào thánh giáo làm đảo lộn pháp tướng. 2. Ngoại y trị luận, nghĩa là y thuật trị bệnh bên ngoài. 3. Cật tránh luận, nghĩa là các lý luận hư vọng suy đạc của ngoại đạo. 4. Kiểu cuống luận, nghĩa là các tà ác chú thuật của Bà-la-môn. Vì sao luận này thắng hơn các luận? Vì trong luận này có thể làm rõ tướng các pháp mà không điên đảo. Rốt ráo có thể chữa bệnh nội tâm, đối trị các hư vọng suy đạc cùng các chú thuật tà ác. Lại nữa trong luận này 4 luận có thể có được, không phải như ở trong các luận khác. Cho nên là vượt trội.

Bốn luận là những luận gì? 1. Phi nhị biên luận, 2. Phi nhất hướng luận, 3. Nhất thiết thủ đoạn biến tri luận, 4. Lập chính tướng luận.

Phi nhị biên luận là các luận chủ trương phi hữu phi vô, phi dị phi bất dị, phi ngã phi vô ngã, phi thường phi đoạn v.v…

Phi nhất hướng luận là các luận chủ trương chẳng phải tất cả lạc, ắt phải tiếp cận, nghĩa là có thể dẫn đến không có nghĩa lợi. Chẳng phải tất cả lạc, ắt không tiếp cận, nghĩa là có thể dẫn đến có nghĩa lợi. Giống như lạc, khổ cũng vậy. Các luận ấy tất cả lấy đoạn. Biến tri luận, là dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã ngữ thủ. Đoạn biến tri luận, lập chính tướng luận là thi thiết tất cả các pháp không điên đảo. Tự tướng, cộng tướng, nhân tướng, quả tướng. Các luận ấy cũng khéo nhập Du-già. Có 4 thứ Du-già: 1. Tín, 2. Dục, 3. Chính cần, 4. Phương tiện. Luận này khéo thuận với chúng, nên khéo nhập Du-già.

Phải biết nghĩa thanh tịnh, là phải biết kiến lập có thể hiển thị đức không chung, tên thứ hai.

Do đủ 4 tịnh đức, là muốn hiển thị tên này, kiến lập như nghĩa.

Thế nào là luận này đủ 4 tịnh đức?

Tụng nói:

Vì gồm tất cả nghĩa,

Vì ngoại không hoại chúng.

Dễ nhập nên đã nhập,

Thì hành không hoại mất.

Luận nói: Vì gồm tất cả nghĩa, nghĩa là do trong luận này bao gồm tất cả nghĩa. Tức là 9 thứ nghĩa, hoặc 10 thứ nghĩa, hoặc 5 thứ nghĩa, hoặc 4 thứ nghĩa, hoặc 3 thứ nghĩa. Chín thứ nghĩa như đã nói trong Phẩm nhiếp sự.

Mười thứ nghĩa là: 1. Nghĩa tận sở tri, 2. Nghĩa như sở tri, 3. Nghĩa năng thủ, 4. Nghĩa sở thủ, 5. Nghĩa sở y trụ, 6. Nghĩa sở thụ dụng, 7. Nghĩa điên đảo, 8. Nghĩa không điên đảo, 9. Nghĩa tạp nhiễm, 10. Nghĩa thanh tịnh.

Trong đây, nghĩa tận sở tri, là trong pháp tạp nhiễm thanh tịnh, cùng tột tất cả biên giới các thứ sai biệt, gọi là nghĩa tận sở tri, như 5 số uẩn, 6 sơ nội xứ v.v… Nghĩa như sở tri, là thật tính chân như trong pháp tạp nhiễm thanh tịnh. Đó gọi là nghĩa như sở tri. Đây lại có 7 thứ, nghĩa là chân như lưu chuyển cho đến chân như chính hành. Nghĩa năng thủ, là 5 nội sắc xứ tâm ý thức và các tâm pháp. Nghĩa sở thủ, là ngoại 6 xứ. Lại nữa nghĩa năng thủ cũng là sở thủ. Nghĩa sở y trụ, là thế giới bên ngoài dựa vào đây mà có chỗ trụ của giới hữu tình. Như ruộng làng, ruộng một trăm làng, ruộng một ngàn làng, ruộng một trăm ngàn làng, như vậy nói rộng cho đến ba ngàn đại thiên thế giới, cho đến vô số trăm ngàn thế giới, 10 phương vô lượng vô số thế giới như vi trần v.v… Nghĩa sở thụ dụng, là chỗ nhiếp thụ các thứ. Nghĩa điên đảo, là trong nghĩa năng thủ, đối với vô thường điên đảo tưởng thường, tâm điên đảo thấy điên đảo. Như vậy cho đến đối với vô ngã điên đảo tưởng ngã, tâm điên đảo thấy điên đảo. Nghĩa không điên đảo, là đối trị điên đảo như trước nói. Nghĩa tạp nhiễm có 3 thứ là phiền não tạp nhiễm, nghiệp tạp nhiễn, sinh tạp nhiễm trong 3 cõi. Nghĩa thanh tịnh, là vì chứng 3 thứ ly hệ tạp nhiễm do tu tất cả pháp Bồ-đề phần. Phải biết rằng 10 thứ nghĩa này bao gồm tất cả nghĩa.

Năm thứ nghĩa, là: 1. Sở biến tri sự, 2. Sở biến tri nghĩa, 3. Ưng tri biến tri, 4. Đắc biến tri quả, 5. Thụ dụng biến tri quả. Sở biến tri sự, là tất cả các việc sở tri, như việc của các uẩn, việc của nội xứ, việc của ngoại xứ v.v… Sở biến tri nghĩa, là hết tất cả các thứ cần phải biết, như thế tục đế, thắng nghĩa đế, công đức, tội lỗi, hoặc các duyên, hoặc 3 đời, hoặc khởi tướng trụ hoại, hoặc như bệnh v.v… Hoặc khổ tập, hoặc pháp tính chân như thật tế, hoặc rộng hoặc sơ lược, hoặc cứ một mực ghi nhớ hoặc phân biệt ghi nhớ, hoặc hỏi lại ghi nhớ hoặc ghi nhớ để đó, hoặc giấu hoặc lộ, phải biết khắp các nghĩa như vậy. Ưng tri biến tri, là pháp Bồ-đề phần của 2 cảnh trước năng thủ. Đắc biến tri quả, là vĩnh viễn đoạn diệt tham dục sân nhuế ngu si không còn sót lại. Tác chứng đầy đủ 4 quả Sa-môn và các công đức thế xuất thế, chung không chung của các Thanh Văn, Độc Giác, Như Lai. Thụ dụng biến tri quả, là trí giải thoát trong pháp chứng được, và rộng vì người khác khai thị diễn nói phân biệt. Phải biết rằng 5 nghĩa này bao gồm tất cả nghĩa.

Bốn thứ nghĩa, là: 1. Tâm sở chấp nghĩa, 2. Lãnh nạp nghĩa, 3. Liễu biệt nghĩa, 4. Tạp nhiễm thanh tịnh nghĩa. Phải biết rằng 4 nghĩa này cũng bao gồm tất cả nghĩa.

Ba thứ nghĩa, là: 1. Văn nghĩa, 2. Nghĩa nghĩa, 3. Giới nghĩa. Văn nghĩa, là danh thân v.v… Nghĩa nghĩa, là 10 thứ nghĩa: 1. Tướng chân thật, 2. Tướng biến tri, 3. Tướng vĩnh đoạn, 4. Tướng tác chứng, 5. Tướng tu tập, 6. Tướng các thứ sai biệt trong tướng chân như bình đẳng, 7. Tướng thuộc vào tướng năng y sở y, 8. Tướng các pháp có khả năng chướng ngại biến tri, 9. Tướng các pháp có thể tùy thuận biến tri, 10. Tướng công đức, tội lỗi trong không biến tri và biến tri v.v… Giới nghĩa, là nghĩa của 5 cõi: 1. Khí thế giới, 2. Hữu tình thế giới, 3. Pháp giới, 4. Sở điều phục giới, 5. Sở điều phục phương tiện giới. Phải biết 3 thứ nghĩa này cũng bao gồm tất cả nghĩa.

Vì ngoại không hoại chúng, nghĩa là các nghĩa trên, tất cả ngoại đạo không thể phá hoại được. Vì không thể áp chế hàng phục lý luận của chính đạo. Tất cả ngoại đạo, sơ lược có 5 thứ: 1. Ngoại đạo nói ngã, 2. Ngoại đạo nói thường, 3. Ngoại đạo nói đoạn, 4. Ngoại đạo nói hiện pháp Niết-bàn, 5. Ngoại đạo nói không có nhân.

Vì dễ nhập, là vì văn trong luận này viên mãn rõ ràng nên nghĩa nó dễ ngộ nhập, không như các luận văn ác chú của Bà-la-môn, nghĩa khuyết ẩn nên khó nhập vào.

Đã nhập thì hành không hoại mất, là vì trong luận này nghĩa đầy đủ đúng đắn, nếu đã ngộ nhập như thuyết tu hành, tự nghĩa không mất. Không như tà luận của ngoại đạo, tuy đã nhập vào như thuyết thực hành vẫn hoàn toàn không có tự nghĩa.

Như vậy luận này bao gồm nghĩa thanh tịnh, thanh tịnh không thể phá hoại, thanh tịnh dễ nhập vào. Phải biết rằng tu hành thanh tịnh, nên gọi là thanh tịnh nghĩa.

Nay trong luận này hiển thị pháp nào đức Bạc-già-phạm nói?

Tụng nói:

Chư Phật nói diệu pháp,

Chính dựa vào 2 đế.

Một gọi là thế tục,

Hai gọi là thắng nghĩa.

Luận nói: Tướng của 2 đế là thế tục và thắng nghĩa như trước đã nói.

Tụng nói:

Trước nói ngã, pháp, dụng,

Là tùy theo mà nói.

Bảy thứ và 4 thứ,

Chân như là thắng nghĩa.

Luận nói: Trước tiên thế tục đế nói ngã, nói pháp và nói tác dụng. Nói ngã, nghĩa là nói hữu tình, mạng, sinh, Bổ-đặc-già-la, người, trời, nam, nữ, Phật hữu, pháp hữu v.v… Nói pháp, nghĩa là nói sắc, thụ v.v… Phải biết đó gọi là thế tục đế. Đây tuy không thật có nhưng dựa vào thế tục nên nói có.

Hỏi: Nếu thế tục đế chẳng phải thắng nghĩa nên có là vì nghĩa gì mà nói?

Đáp: Vì tùy theo những cái khác mà nói. Nghĩa là vì muốn tùy thuận thắng nghĩa đế nên nói thế tục đế.

Hỏi: Những gì là thắng nghĩa đế?

Đáp: Bảy thứ và 4 thứ chân như là thắng nghĩa, như đã nói trong Phẩm nhiếp sự.

Như vậy đã nói sơ lược về 2 đế. Trong đây, Như Lai lại có nói rộng.

Tụng nói:

Kiến lập nghĩa tự tính,

Nhiều thứ lớp khéo léo.

Phải biết tưởng sai biệt,

Hiển uẩn nghĩa thế tục.

Luận nói: Tự tính, là biến hoại, lãnh nạp, liễu trí, tạo tác, liễu biệt. Đó là tự tính các uẩn.

Nghĩa, là nghĩa của tích tụ. Đó là nghĩa của uẩn. Nghĩa tích tụ này có 4 thứ, như sẽ nói trong Phẩm thành thiện xảo.

Kiến lập, nghĩa là trong sắc uẩn có 4 thứ kiến lập: 1. Tướng kiến lập, 2. Sinh kiến lập, 3. Tổn giảm kiến lập, 4. Sai biệt kiến lập.

Tướng kiến lập, là sắc uẩn tướng, lược có 5 thứ: 1. Tự tướng, 2. Cộng tướng, 3. Thuộc tướng của năng y sở y, 4. Thụ dụng tướng, 5. Nghiệp tướng.

Tự tướng, là tướng kiên cố như tướng đất v.v…, riêng biệt thanh tịnh như tướng nhãn v.v…

Cộng tướng, là tướng biến hoại của tất cả sắc.

Thuộc tướng của sở y năng y, là đại chủng là sở y, tạo sắc là năng y.

Thụ dụng tướng, là do sức tăng thượng của nội xứ thụ dụng nên được sinh các cảnh giới ngoại sắc riêng biệt. Hoặc có nhóm sắc chỉ có kiên chắc sinh, hoặc chỉ có ẩm ướt, hoặc chỉ có hơi ấm, hoặc chỉ có cử động, hoặc lại tạp sinh do tùy thuận nội xứ thụ dụng.

Nghiệp tướng, là như đất v.v… các đại chủng có tướng y trì, nhiếp thụ, thành thục, tăng trưởng v.v…

Kiến lập, có 5 thứ sinh: 1. Y chỉ sinh, 2. Chủng tử sinh, 3. Thế dẫn sinh, 4. Thuận ích sinh, 5. Vi tổn sinh.

Y chỉ sinh, là y chỉ vào đại chủng, tức là ở nơi đại chủng có sinh các sở tạo sắc khác. Do nhân duyên ấy nên nói 4 đại chủng tạo. Sở tạo sắc gồm tại một nơi, là nghĩa của tạo.

Chủng tử sinh, là từ chủng tử của chính nó sinh, như nhóm kiên chắc. Hoặc có khi gặp duyên biến sinh lỏng ướt. Hoặc nhóm lỏng ướt biến sinh cứng chắc. Hoặc nhóm không ấm nóng biến sinh ấm nóng. Hoặc có nhóm ấm nóng biến sinh lạnh. Hoặc từ bất động biến sinh động. Hoặc từ động biến sinh bất động. Phải biết rằng cũng như vậy các sắc tốt sắc xấu lần lữa sinh khác biệt. Như vậy nếu đứng về tự tướng thì không có sự hỗ tương đó. Nhưng nếu đứng về chủng tử thì có. Do đó, từ các nhóm như vậy mà sinh ra các sắc pháp sai biệt. Phải biết rằng những loại như vậy gọi là chủng tử sinh.

Thế dẫn sinh, là vì sức tăng thượng của nội sắc căn nên được sinh ngoại vật thường hiện liên tục, như khí thế gian. Lại nữa, vì sức của nghiệp trước dẫn đến nên các nội xứ sinh, như lạc dục hiện tiền. Phải biết rằng chư thiên và người ở Bắc châu sở hữu nhiều thứ cho cuộc sống là do sức dẫn sinh nên lưu chuyển. Nếu con người trong khí thế gian thì chỉ thường liên tục sức dẫn sinh các loại như vậy.

Thuận ích sinh, là được duyên tự thuận ích mà các sắc pháp kia lần lữa sinh tốt tươi phát triển, như nước làm cho mầm chồi cây tươi tốt. Những loại như vậy gọi là thuận ích sinh. Trái nghịch lại đây thì gọi là vi tổn sinh.

Tổn giảm kiến lập, là kiến lập cực vi. Phải biết là do 5 thứ cực vi kiến lập: 1. Do phân tích, 2. Do sai biệt, 3. Do độc nhất, 4. Do trợ giúp, 5. Do tính không phân chia.

Do phân tích, nghĩa là do tuệ phân tích các pháp thô sắc, dần dần chuyển giảm đến biên giới rất nhỏ mà thiết lập cực vi. Vì chẳng phải do cái thể, cho nên do nhân duyên đó nói cực vi không khởi không diệt. Lại nữa cũng chẳng phải nói tập hợp các cực vi để thành thô sắc.

Do sai biệt, nghĩa là sơ lược có 15 thứ cực vi. Tức là nhãn v.v… cực vi của căn có 5 thứ. Sắc v.v… cực vi của cảnh có 5 thứ. Địa v.v… cực vi của giới có 4 thứ. Pháp xứ sở nhiếp cực vi của thật hữu sắc có 1 thứ.

Do độc nhất, nghĩa là thiết lập tự tướng của thật cực vi.

Do trợ giúp, nghĩa là thiết lập nhóm cực vi do địa v.v…nơi một cực vi có các sắc pháp khác đồng một chỗ không rời nhau nên thiết lập nhóm cực vi.

Do tính không phân biệt, là chẳng phải một cực vi lại có các phần vi tế khác. Do không phải nhóm nên nếu nhóm cực vi có thể có các phần. Nếu ở nơi một cực vi, nơi đây không thể phân tích lập các phần khác nữa. Vì vậy cho nên cực vi không có phần vi tế.

Sai biệt kiến lập, có 26 thứ sắc: 1. Sắc thuộc cõi Dục, nghĩa là đủ các sắc. 2. Sắc thuộc cõi Sắc, nghĩa là trừ hương và vị. 3. Sắc thuộc cõi Vô sắc, nghĩa là sắc đẳng trì tự tại, không phải sắc của nghiệp dị thục. 4. Sắc thanh tịnh giới, nghĩa là do tăng thượng pháp xuất thế sinh ra, như sắc của tĩnh lự giải thoát, sắc của Phật Bồ-tát. 5. Nội sắc, là sắc của căn và chỗ sở cư của căn. 6. Ngoại sắc, là các săc thanh hương vị xúc, trừ căn và chỗ sở cư của căn. 7. Sở y sắc, nghĩa là nhãn v.v… 5 căn. 8. Sở duyên sắc, là 5 cảnh giới và pháp giới sở nhiếp sắc. 9. Năng thủ sắc, tức là sắc sở y. 10. Sở thủ sắc, tức sắc sở duyên. 11. Chấp thụ sắc, nghĩa là thụ khởi sở y như các sắc căn và sắc của chỗ căn sở cư. Vì là chỗ sở cư của tâm và tâm pháp, nên đồng một tổn ích là nghĩa của chấp thụ. 12. Vô chấp thụ sắc, nghĩa là các sắc ngoài đây ra. 13. Đồng phần sắc, nghĩa là sắc các căn không chung của tự thức do cùng với thức chuyển đồng một cảnh. 14. Bỉ đồng phần sắc, nghĩa là sắc các căn chung với tự thức, do chỉ tự loại liên tục tương tự chuyển. 15. Hữu kiến hữu đối sắc, nghĩa là sắc của sắc xứ. 16. Vô kiến hữu đối sắc, nghĩa là sắc của 9 xứ khác. 17. Vô kiến vô đối sắc, là pháp xứ sở nhiếp sắc. 18. Thanh tịnh sắc, là 5 nội xứ. 19. Thanh tịnh sở thủ sắc, là 5 ngoại xứ. 20. Ý sở thủ sắc, là pháp xứ sở nhiếp sắc. 21. Sở y trụ sắc, là phong luân cho đến đại địa. 22. Phú hộ sắc, là nhà cửa. 23. Tư cụ sắc, là 10 thứ cần dùng trong đời sống: 1. Thức ăn uống, 2. Y phục và đồ trang sức, 3. Vật dụng, 4. Vui cười, 5. Cổ vũ, 6. Ca vịnh, 7. Âm nhạc, 8. Hương hoa trang diêm, 9. Nhiều người hiền minh, 10 Nam nữ giúp việc. 24. Sắc nơi căn cư ngụ, tức nơi cư ngụ của 5 thứ sắc căn. 25. Sắc căn, là 5 thứ sắc căn. 26. Sắc của cảnh giới đẳng trì, như đã nói trong Phẩm nhiếp sự thụ uẩn kiến lập có 6 thứ: 1. Sai biệt kiến lập, 2. Xuất ly kiến lập, 3. Quán sát kiến lập, 4. Sinh kiến lập, 5. Tướng kiến lập, 6. Sư cú kiến lập.

Sai biệt kiến lập, là hoặc lập một thụ như nói những gì có thụ đều là khổ. Hoặc lập 2 thụ, là thân thụ và tâm thụ. Hoặc lập 3 thụ, là lạc thụ, khổ thụ, bất khổ bất lạc thụ. Hoặc lập 4 thụ, là Dục hệ, Sắc hệ, Vô sắc hệ và bất hệ thụ. Hoặc lập 5 thụ, là lạc căn, khổ căn, hỷ căn, ưu căn, xả căn. Hoặc lập 6 thụ, là nhãn xúc sinh ra thụ cho đến ý xúc sinh ra thụ. Hoặc lập 18 thụ, là 18 ý cận hành, 6 hỷ cận hành, 6 ưu cận hành, 6 xả cận hành. Hoặc lập 36 thụ, là 6 dựa vào đam mê hỷ, 6 dựa vào xuất ly hỷ. Giống như hỷ, ưu xả cũng vậy. Hoặc lập 108 thụ, là 36 thụ, mỗi thụ đều dựa vào 3 đời, hoặc khai vô lượng thụ, như chỗ sở thụ khởi vô số thụ.

Xuất ly kiến lập, là sơ tĩnh lự xuất ly ưu căn. Tĩnh lự thứ hai xuất ly khổ căn. Tĩnh lự thứ ba xuất ly hỷ căn. Tĩnh lự thứ tư xuất ly lạc căn. Vô tướng tâm pháp Tam-ma-địa xuất ly xả căn.

Quán sát kiến lập, là 8 thứ quán sát đối với thụ: Thế nào là thụ, thế nào là thụ tập, thế nào là thụ diệt, thế nào là thú thụ tập hành, thế nào là thú thụ diệt hành, thế nào là thụ vị, thế nào là thụ quá, thế nào là xuất ly.

Sinh kiến lập, là các thụ sinh từ 16 xúc. Những gì là 16? 1. Nhãn xúc, 2. Nhĩ xúc, 3. Tỹ xúc, 4. Thiệt xúc, 5. Thân xúc, 6. Ý xúc, 7. Hữu đối xúc, 8. Tăng nữ xúc, 9. Thuận lạc thụ xúc, 10. Thuận khổ thụ xúc, 11. Thuận bất khổ bất lạc thụ xúc, 12. Ái xúc, 13. Nhuế xúc, 14. Minh xúc, 15. Vô minh xúc, 16. Phi minh phi vô minh xúc.

Tướng kiến lập, là 8 thứ tướng: 1. Dị thục tướng, 2. Phi dị thục tướng, 3. Hữu vị trước tướng, 4. Vô vị trước tướng, 5. Y đam thị tướng, 6. Y xuất ly tướng, 7. Động tướng, 8. Trụ tướng. Dị thục tướng, là A-lại-da thức tương ưng thụ. Phi dị thục tướng, là chuyển thức tương ưng thụ. Hữu vị trước tướng, là Dục hệ thụ. Vô vị trước tướng, là Sắc, Vô sắc hệ và bất hệ thụ. Y đam thị tướng, là dục tham tương ưng thụ. Y xuất ly tướng, là xuất gia sở dẫn bất định địa thiện pháp tương ưng thụ. Động tướng, là cái thụ trong kinh hiển thị thí dụ về gió, vì nghĩa không trụ liên tục lâu. Trụ tướng, là cái thụ trong kinh hiển thị thí dụ nhà khách, vì nghĩa trụ tương tục tạm thời .

Sư cú kiến lập, là 36 sư cú: 6 y đam thị hỷ, 6 y xuất ly hỷ, 6 y đam thị ưu, 6 y xuất ly ưu, 6 y đam thị xả, 6 y xuất ly xả.

Thế nào là y đam thị hỷ? Nghĩa là đối với mắt nhận biết màu sắc khá thích, khá ưa, khá vừa ý, khá yêu, có thể dẫn khởi dục đắm sâu nhiễm trước. Hoặc do được cái hiện có được, hoặc do ý niệm trước bây giờ được mà sinh vui. Tướng vui như vậy gọi là y đam thị hỷ.

Thế nào là y xuất ly hỷ? Nghĩa là đối với các sắc, hiểu rõ là vô thường, khổ, biến đổi. Ly dục diệt trách hết rồi, lại đối với các sắc trước và hiện nay, hiểu rõ các pháp là vô thường, khổ, biến đổi rồi mà sinh vui. Tướng vui như vậy gọi là y xuất ly hỷ. Cũng thế, đối với tai nhận biết tiếng, mũi nhận biết mùi hương, lưỡi nhận biết vị, thân nhân biết sự chạm xúc, ý nhân biết pháp, thấy đáng ưa, khá thích, vừa ý, đáng yêu có thể dẫn khởi dục sâu nhiễm trước. Hoặc do được cái hiện có được, hoặc do ý niệm trước bây giờ được mà sinh vui. Tướng vui như vậy gọi là y đam thị hỷ. Cũng thế, đối với tiếng do tai nhận thức, cho đến pháp do ý nhận thức, hiểu rõ là vô thường, khổ, biến đổi. Ly dục diệt tĩnh hết rồi, lại đối với các pháp trước và nay có, hiểu rõ là pháp vô thường, khổ, biến đổi v.v… mà sinh vui. Tướng vui như vậy gọi là y xuất ly hỷ.

Thế nào là y đam thị ưu? Nghĩa là đối với mắt nhận biết sắc là đáng ưa, khá thích, cho đến có thể nhiễm, hoặc do không được cái hiện có, hoặc do ý niệm sở đắc trước, nếu đã là quá khứ, hoặc hết, hoặc diệt, hoặc lìa, hoặc biến đổi mà sinh ưu sầu. Tướng ưu sầu như vậy gọi là y đam thị ưu.

Thế nào là y xuất ly ưu? Nghĩa là đối với các sắc, hiểu rõ là vô thường cho đến đã hết rồi, lại đối với các sắc đã có trước và hiện nay, đã hiểu rõ là pháp vô thường, khổ, biến đổi v.v…, đối với thắng giải thoát khởi ý muốn chứng, nguyện khi nào sẽ được trụ đầy đủ chỗ trụ xứ đầy đủ như các bậc thánh. Cái âu lo nguyện cầu chứng thắng giải thoát như vậy, gọi là y xuất ly ưu. Cũng thế đối với tiếng do nhận biết của tai, cho đến pháp do nhận biết của ý, là đáng ưa, khá thích, cho đến có thể nhiễm, hoặc do không được cái hiện có, hoặc do tùy niệm trước đã được, hoặc đã thành quá khứ, cho đến hoặc biến đổi mà sinh ra âu lo. Tướng âu lo như vậy gọi là y đam trước ưu. Cũng vậy, nghĩa là tiếng do tai nhận biết, cho đến pháp do ý nhận biết, hiểu rõ là vô thường, cho đến hết rồi, lại đối với pháp trước và nay có, đã hiểu rõ là pháp vô thường, khổ, biến đổi v.v…, đối với thắng giải thoát khởi ý muốn chứng, nguyện khi nào sẽ được trụ đầy đủ chỗ trụ xứ đầy đủ như các bậc thánh. Cái âu lo nguyện cầu chứng thắng giải thoát như vậy, gọi là y xuất ly ưu.

Thế nào là y đam trước xả? Nghĩa là hạng dị sinh ngu si không trí không nghe đạo, đối với sắc do mắt nhận biết thì lưu luyến, đối với sự xả bỏ chấp trước các nghiệp thú hướng nơi sắc, y chỉ nơi sắc, không xả bỏ đối với sắc, không vượt qua sắc, trong đây xả bỏ thì gọi là y đam trước xả.

Thế nào là y xuất ly xả? Nghĩa là đối với các sắc, hiểu rõ là vô thường cho đến hết rồi, lại nữa các sắc có trước và nay, đã hiểu rõ là pháp vô thường, khổ, biến đổi v.v…lựa chọn tu tập xả bỏ, gọi là y xuất ly xả. Cũng vậy hạng dị sinh ngu si vô trí không học, đối với tiếng do tai nhận biết, cho đến pháp do ý nhận biết thì lưu luyến, đối với sự xả bỏ chấp trước các nghiệp thú hướng nơi pháp, cho đến pháp không vượt qua, trong đó xả bỏ, tức là y đam thị xả. Cũng vậy, đối với tiếng do tai nhận biết, cho đến pháp do ý nhận biết, hiểu rõ là vô thường, cho đến đã hết, lại đối với các pháp trước và nay có đã hiểu rõ là vô thường, khổ, biến đổi rồi lựa chọn tu tập xả bỏ, gọi là y xuất ly xả. Trong đây 6 y đam thị hỷ, 6 y xuất ly hỷ, 6 y đam thị ưu, 6 y xuất ly ưu, 6 y đam thị xả, 6 y xuất ly xả, gồm chung là 36 sư cú.

Trong đây y chỉ trụ trong 6 y xuất ly hỷ nên trút bỏ cái hại của 6 y đam thị hỷ. Cũng vậy, y chỉ trụ trong 6 y xuất ly ưu nên trút bỏ cái hại của 6 y đam thị ưu. Cũng vậy, y chỉ trụ trong 6 y xuất ly xả, nên trút bỏ cái hại của 6 y đam thị xả. Lại nữa, trong đây y chỉ trụ trong 6 y xuất ly hỷ, nên trút bỏ cái hại của 6 y xuất ly ưu, y chỉ trụ trong 6

y xuất ly xả, nên trút bỏ cái hại của 6 y xuất ly hỷ.

Lại có 2 thứ xả: 1. Y chủng chủng tính, 2. Y nhất chủng tính. Y chủng chủng tính xả, nghĩa là y nơi sắc cho đến y nơi pháp. Y nhất chủng tính xả, nghĩa là y hư không vô biên xứ, cho đến y phi tưởng phi phi tưởng xứ. Trong đây, y chỉ trụ nơi y nhất chủng tính xả, nên trút bỏ cái hại y chủng chủng tính xả.

Có 3 thứ kiến lập tưởng uẩn: 1. Y sai biệt, 2. Tác ý sai biệt, 3. Cảnh giới sai biệt.

Y sai biệt, là 6 tưởng: thân, nhãn xúc sinh tưởng, cho đến ý xúc sinh tưởng. Tác ý sai biệt, có 2 thứ: một là tưởng có tướng, hai là tưởng không có tướng. Tưởng có tướng, là trừ tưởng trong cõi Dục, chưa khéo ngôn thuyết, đệ nhất hữu tưởng và xuất thế gian tưởng. Ngoài ra là tưởng tương ưng với hữu tướng tác ý. Tưởng không có tướng, là các tưởng trước trừ tưởng tương ưng với vô tướng tác ý.

Cảnh giới sai biệt có 4 thứ: 1. Tiểu tưởng, 2. Đại tưởng, 3. Vô lượng tưởng, 4. Vô sở hữu tưởng. Nên biết, theo thứ tự thì duyên Dục giới, duyên Sắc giới, duyên Vô sắc giới, duyên Vô sở hữu xứ tưởng.

Có 3 thứ kiến lập hành uẩn: 1. Thắng sai biệt, 2. Y sai biệt, 3. Chư hành thi thiết sai biệt

Thắng sai biệt, là chỉ gồm trong tư tối thắng hành uẩn, do tạo tác tâm khiến thành tạp nhiễm và thanh tịnh pháp chuyển.

Y sai biệt, là 6 tư: thân nhãn xúc sinh tư, cho đến ý xúc sinh tư.

Các hành thi thiết sai biệt có 3 thứ: 1. tạp nhiễm thi thiết, 2. Thanh tịnh thi thiết, 3. Phần vị thi thiết.

Tạp nhiễm thi thiết, là phiền não và tùy phiền não. Thanh tịnh thi thiết, là tín v.v… Phần vị thi thiết, là sinh v.v…tâm bất tương ưng hành. Tức 3 uẩn pháp xứ sở nhiếp sắc này cùng với vô vi, gọi chung là pháp giới, cũng gọi là pháp xứ.

Thức uẩn kiến lập có 3 thứ: 1. Chủng loại sai biệt, 2. Y sai biệt, 3. Tạp nhiễm thanh tịnh sai biệt.

Chủng loại sai biệt có 2 thứ: một là A-lại-da thức, hai là chuyển thức.

Y sai biệt, là 6 thức thân.

Hỏi: Thức A-lại-da, trong 6 thức thâu nhiếp trong thức nào?

Đáp: Gồm thâu chung trong 6 thức. Vì nó hàm tàng chủng tử các thức kia. Do đó thức này gồm thâu một cách âm thầm. Đức Bạcgià-phạm không vì nói cho tất cả. Người khéo léo, tức do đó mà hiểu.

Tạp nhiễm thanh tịnh sai biệt, là như trong kinh nói có tâm tham, biết như thật có tâm tham, lìa tâm tham, biết như thật lìa tâm tham. Cũng như vậy có sân lìa sân, có si lìa si, cho đến nói rộng.

Trong đây có 3 phẩm của tâm: 1. Chưa phát tâm thú hướng Tam-ma-địa. 2. Đã phát tâm thú hướng mà chưa được Tam-ma-địa. 3. Đã được tâm Tam-ma-địa. Đây lại có 2 thứ: một là tâm không thanh tịnh, hai là tâm cực thanh tịnh. Tâm phẩm thứ nhất, là hoặc khi khởi tâm nhiễm ô, do tham v.v… các triền trói buộc, hoặc khi khởi tâm thiện, vô ký xa lìa tham v.v… các triền. Tâm phẩm thứ hai, là hoặc khi buộc tâm nội tĩnh, hoặc khi mất niệm đuổi theo 5 dục, hoặc khi nhiếp tâm khiến tĩnh. Lại bị hôn trầm, thùy miên trói buộc ngăn che. Hoặc khi vì đoạn trừ chúng, nên buộc tâm đặt vào tịnh cảnh. Hoặc khi nơi cảnh kia không chính an, tâm lay động. Hoặc chính an, nên tâm không lay động. Hoặc khi chưa đoạn trừ hôn trầm, trạo cử ngăn che, trong 2 phần đều không tịch tĩnh. Hoặc đoạn trừ chúng, nên tâm tịch tĩnh, có thể được căn bản tác ý tĩnh lự nên gọi là định tâm. Chưa được kia, nên gọi là tâm không định. Đạo rốt ráo, nên gọi là tâm cực tu. Đoạn rốt ráo, nên gọi là tâm cực giải thoát. Trái nghịch 2 thứ kia, gọi là tâm không tu, tâm không giải thoát. Nên biết bắt đầu từ định tâm cho đến đây là tâm phẩm thứ ba.

Số, là do 5 sự gồm chung tất cả sự lưu chuyển.

Năm sự là gì? 1. Sở thụ dụng sự, 2. Năng thụ dụng sự, 3. Thụ dụng chấp thủ sự, 4. Thụ dụng tạp nhiễm sự, 5. Bỉ sở y biến hành pháp sự.

Sở thụ dụng, là sắc uẩn. Năm thứ sắc căn y chấp môn, nên là sở thụ dụng. Các sắc cảnh giới sở duyên môn, nên là sở thụ dụng. Năng thụ dụng, là thụ uẩn. Thụ dụng chấp thủ, là tưởng uẩn. Thụ dụng tạp nhiễm, là hành uẩn. Bỉ sở y biến hành pháp, là thức uẩn. Do chấp cái thức này là kẻ thụ dụng, cho đến là kẻ bị tạp nhiễm. Cho nên do nghĩa ấy mà thứ tự được thành.

Lại do 5 nhân duyên kiến lập thứ lớp: 1. Do sinh khởi, 2. Do đối trị, 3. Do lưu chuyển. 4. Do thức trụ, 5. Do hiển rõ.

Do sinh khởi, là như kinh nói do mắt với sắc mà sinh thức, cho đến do ý và pháp mà sinh ý thức. Trong đây ban đầu nói sắc uẩn, tiếp đến nói thức uẩn. Hai uẩn này là chỗ y chỉ của các tâm pháp. Dựa vào đây, nên khởi thụ v.v… các tâm pháp. Tiếp đến kinh nói: Ba việc hợp nên có xúc. Xúc là duyên, nên thụ v.v… các pháp sinh. Do đây sinh khởi nhân duyên nói thứ lớp của các uẩn.

Do đối trị, là đối trị 4 điên đảo nên nói 4 niệm trụ. Bốn điên đảo, là: 1. Điên đảo do đối với bất tịnh chấp là tịnh. 2. Điên đảo do đối với khổ chấp là lạc. 3. Điên đảo do đối với vô thường chấp là thường. 4. Điên đảo do đối với vô ngã chấp là ngã. Trong đây, trước nói sắc uẩn, tiếp sau là thụ uẩn, tiếp sau là thức uẩn. Sau cùng là tưởng, hành 2 uẩn. Như vậy do đối trị mà nói thứ tự các uẩn.

Do lưu chuyển, là cảnh giới các căn là sở y nên có thể khởi 2 uẩn. Tức là lãnh nạp cảnh giới và vẽ ra cảnh giới. Do nhân duyên này có thể khởi thụ dụng các pháp não loạn của cảnh giới hiện pháp và có thể tạo tác nghiệp thiện, bất thiện. Do nhân duyên ấy nên có thể cảm khổ não các đời sau. Thức uẩn là một loại sở não loạn, cho nên nói sau cùng.

Do thức trụ, là 4 thức trụ do thứ tự kia khởi thức năng trụ.

Do hiển rõ, là thấy Bổ-đặc-già-la rồi trước nhận biết sắc của nó, cho nên trước nói sắc uẩn. Tiếp do thụ uẩn hiển rõ nó là quý hay tiện, khổ hay vui. Tiếp do tưởng uẩn hiển rõ nó tên như vậy, tính như vậy, chủng loại như vậy v.v… Tiếp do hành uẩn hiển rõ nó ngu si như vậy, thông minh như vậy. Sau do thức uẩn hiển rõ nội ngã sai biệt của nó. Nghĩa là ở trong các uẩn trước có nhận biết có khổ vui, có ngôn thuyết ngu si thông tuệ. Đó gọi là hiển rõ, cho nên nói thứ tự của các uẩn.

Lại do y chỉ 2 việc nên kiến lập thứ tự: một là cái giúp cho ngã, hai là tự nội ngã. Nghĩa là trước tiên y chỉ thân trong các cảnh giới. Tiếp đến thụ khổ vui, tiếp đến nói tự tha như vậy, tên như vậy, tính như vậy, chủng loại như vậy v.v… Tiếp đến dựa vào 2 cái này tập khởi tất cả pháp phi pháp hành. Những tên như vậy gọi là cái giúp cho ngã. Một uẩn cuối cùng, nên biết đó là nội ngã.

Khéo léo, là sẽ được nói rộng trong Phẩm thành thiện xảo.

Tưởng sai biệt, là hữu sắc vô sắc, hữu kiến vô kiến, hữu đối vô đối, hữu lậu vô lậu, hữu vi vô vi v.v…

Hỏi: Nghĩa như thế nào và có bao nhiêu thứ là hữu sắc?

Đáp: Lấy hữu sắc làm nghĩa của tự thể. Một uẩn là hữu sắc.

Hỏi: Nghĩa như thế nào và có bao nhiêu thứ là hữu kiến?

Đáp: Là nghĩa của hành của mắt, cho nên một phần nhỏ gọi là hữu kiến.

Hỏi: Nghĩa như thế nào và có bao nhiêu thứ là hữu đối?

Đáp: Cùng nhau xúc đối đều căn cứ vào xứ sở và nghĩa thô, cho nên một phần nhỏ gọi là hữu đối.

Nói nghĩa thô, là lìa 3 thứ tế. Những gì là 3? 1. tổn giảm tế. 2. Chủng loại tế. 3. Tâm tự rại chuyển tế.

Hỏi: Nghĩa như thế nào và có bao nhiêu thứ hữu lậu?

Đáp: Theo đuổi thô trọng nên cùng với các phiền não sinh nghĩa nương dựa vào nhau, cho nên tất cả phần ít là hữu lậu. Lại có nghĩa hữu dư vô lậu, nghĩa là nếu ở trong phiền não có thể khởi 4 thứ lỗi, nơi đó gọi là hữu lậu.

Những gì là 4? 1. Lỗi không tịch tĩnh. 2. Lỗi trong ngoài biến đổi khác. 3. Lỗi pháp khởi ác hành. 4. Lỗi nhân nhiếp thụ. Trong đây lỗi đầu tiên là các trần hiện hành tạo ra. Lỗi thứ hai phiền não dựai vào duyên sự tùy thuận phiền não tạo ra. Lỗi thứ ba là do phiền não tạo ra. Lỗi thứ tư là dắt dẫn đưa đến hậu hữu.

Hỏi: Nghĩa như thế nào và có bao nhiêu thứ là hữu vi?

Đáp: Là nghĩa từ nhân đã sinh, chính sinh, có thể sinh, cho nên tất cả là hữu vi.

Hỏi: Nghĩa như thế nào và có bao nhiêu thứ là hữu tránh?

Đáp: Là nghĩa sân giận đa phần tự tại chuyển, cho nên tất cả phần ít là hữu tránh.

Hói: Nghĩa như thế nào và có bao nhiêu thứ là đắm trước hữu vị?

Đáp: Là nghĩa ái kiến phần nhiều tự tại chuyển, nên tất cả phần ít là đắm trước hữu vị.

Hỏi: Nghĩa như thế nào và có bao nhiêu thứ là y đam thị?

Đáp: Là nghĩa phần nhiều dục tham tự tại chuyển, cho nên tất cả phần ít là y đam thị.

Hỏi: Nghĩa như thế nào và có bao nhiêu thứ là thế gian?

Đáp: Là nghĩa sở y của luận, cho nên tất cả phần ít là thế gian.

Hỏi: Nghĩa như thế nào và có bao nhiêu thứ là giới nhiếp?

Đáp: Là nghĩa thế gian trong 3 cõi, cho nên tất cả phần ít là giới nhiếp.

Hỏi: Nghĩa như thế nào và có bao nhiêu thứ là quá khứ?

Đáp: Là nghĩa nhân quả đã thụ dụng hết, cho nên tất cả phần ít là quá khứ.

Hỏi: Nghĩa như thế nào và có bao nhiêu thứ là vị lai?

Đáp: Là nghĩa nhân quả chưa thụ dụng hết, cho nên tất cả phần ít là vị lai.

Hỏi: Nghĩa như thế nào và có bao nhiêu thứ là hiện tại?

Đáp: Là nghĩa nhân đã thụ dụng hết quả chưa thụ dụng hết, cho nên tất cả phần ít là hiện tại.

Hỏi: Nghĩa như thế nào và có bao nhiêu thứ là nội?

Đáp: Là nghĩa 6 chỗ bên trong và không tách rời chúng, cho nên 4 toàn một phần ít là nội.

Hỏi: Nghĩa như thế nào và có bao nhiêu thứ là ngoại?

Đáp: Là nghĩa ngược lại với nội, cho nên một phần ít là ngoại.

Hỏi: Nghĩa như thế nào và có bao nhiêu thứ là thô?

Đáp: Là nghĩa của tướng không tinh tế trơn láng tụ tập đầy đủ, cho nên tất cả phần ít là thô.

Hỏi: Nghĩa như thế nào và có bao nhiêu thứ là tế?

Đáp: Là ngược lại vớu nghĩa thô, cho nên tất cả phần ít là tế.

Hỏi: Nghĩa như thế nào và có bao nhiêu thứ là giới nhiếp?

Hỏi: Nghĩa như thế nào và có bao nhiêu thứ là kém?

Đáp: Là nghĩa của vô thường, khổ, bất tịnh, nhiễm ô, cho nên tất cả phần ít là kém.

Hỏi: Nghĩa như thế nào và có bao nhiêu thứ là hơn?

Đáp: Là nghĩa ngược lại với kém, cho nên tất cả phần ít là hơn.

Hỏi: Nghĩa như thế nào và có bao nhiêu thứ là xa?

Đáp: Là nghĩa xứ sở và thời gian quá khứ vị lai xa, cho nên tất cả phần ít là xa.

Hỏi: Nghĩa như thế nào và có bao nhiêu thứ là gần?

Đáp: Là ngược lại với nghĩa xa, cho nên tất cả phần ít là gần.

Hỏi: Nghĩa như thế nào và có bao nhiêu thứ là Dục giới hệ?

Đáp: Là nghĩa nếu sinh ở đây chưa được đối trị, hoặc được đã xuất 3 thời hiện hành, cho nên tất cả phần ít là Dục giới hệ.

Hỏi: Nghĩa như thế nào và có bao nhiêu thứ là Sắc giới hệ?

Đáp: Là nghĩa đã được đối trị Sắc giới. Nếu trụ nơi định ấy, nếu sinh nơi ấy, chưa được đối trị của thượng địa, hoặc được đã xuất 3 thời hiện hành, cho nên tất cả phần ít là Sắc giới hệ.

Hỏi: Nghĩa như thế nào và có bao nhiêu thứ là Vô sắc hệ?

Đáp: Là nghĩa đã được đối trị Vô sắc, nếu trụ nơi định ấy nếu sinh nơi ấy chưa được đối trị của địa trên, hoặc được đã xuất 3 thời hiện hành, cho nên tất cả phần ít là Vô sắc hệ. Lại có nghĩa khác, là nghĩa an cụ định không tương ưng pháp ciọng hữu và bao gồm trong quả pháp ấy, cho nên là Dục giới hệ. Dựa vào Sắc phiền não và ngược lại nghĩa sở nhiếp ở trước, nên là Sắc giới hệ. Đã lìa các phiền não của Sắc giới và gồm nghĩa như trước, nên là Vô sắc hệ.

Hỏi: Nghĩa như thế nào và có bao nhiêu thứ là thiện?

Đáp: Là nghĩa cảm quả hậu lạc, nghĩa đoạn khổ phiền não, và nghĩa đối trị chúng, cho nên tất cả phần ít là thiện.

Hỏi: Nghĩa như thế nào và có bao nhiêu thứ là bất thiện?

Đáp: Là nghĩa cảm quả hậu khổ, và nghĩa khởi ác hành, cho nên tất cả phần ít là bất thiện.

Hỏi: Nghĩa như thế nào và có bao nhiêu thứ là vô ký?

Đáp: Vì kia đủ nghĩa tương vi, cho nên tất cả phần ít là vô ký. Lại có nghĩa khác, là nghĩa không lỗi lầm, nghĩa đối trị lỗi lầm, nghĩa tùy thuận công đức, cho nên là thiện. Nghĩa trái với đây, cho nên là bất thiện. Kia đủ các nghĩa tương vi, cho nên là vô ký.

Hỏi: Nghĩa như thế nào và có bao nhiêu thứ là học?

Đáp: Là nghĩa phương tiện tu học thiện, cho nên tất cả phần ít là học.

Hỏi: Nghĩa như thế nào và có bao nhiêu thứ là vô học?

Đáp: Là nghĩa tu học rốt ráo thiện, cho nên tất cả phần ít là vô học.

Hỏi: Nghĩa như thế nào và có bao nhiêu thứ là phi học phi vô học?

Đáp: Là nghĩa trừ 2 thứ trước, còn ngoài ra bao gồm thiện, nhiễm ô, vô ký, cho nên tất cả phần ít là phi học phi vô học.

Hỏi: Nghĩa như thế nào và có bao nhiêu thứ là kiến sở đoạn?

Đáp: Là nghĩa do hiện quán trí, hiện quán đế sở đoạn, cho nên tất cả phần ít là kiến sở đoạn.

Hỏi: Nghĩa như thế nào và có bao nhiêu thứ là tu sở đoạn?

Đáp: Là nghĩa do hiện quán trí, hiện quán đế, sau tu đạo sở đoạn, cho nên tất cả phần ít là tu sở đoạn.

Hỏi: Nghĩa như thế nào và có bao nhiêu thứ là vô đoạn?

Đáp: Là nghĩa đối trị rốt ráo tất cả nhiễm ô, và vĩnh đoạn tất cả nhiễm ô, cho nên tất cả phần ít là vô đoạn.

Hỏi: Nghĩa như thế nào và có bao nhiêu thứ là vô sắc cho đến nói rộng?

Đáp: Là nghĩa ngược lại với sắc đã nói ở trước, cho nên là nghĩa vô sắc v.v…

QUYỂN 5 HẾT