LUẬN GIẢI THOÁT ĐẠO 
(Con đường giải thoát)
A-la-hán Ưu-ba-để-sa tạo luận
Tam tạng Tăng-già-bà-la dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 3

Phẩm 6: PHÂN BIỆT HÀNH

Bấy giờ, vị A-xà-lê mà đệ tử theo học, qua nhiều ngày quan sát hạnh của người đệ tử, rồi mới dạy cho những hành xứ tương ứng với hạnh của người đệ tử.

Do đó, hành giả có tất cả 14 hành, đó là: 1. Dục hành. 2. Sân hành. 3. Si hành. 4. Tín hành. 5. Ý hành. 6. Giác hành. 7. Dục sân hành. 8. Dục si hành. 9. Sân si hành. 10. Dục sân si đẳng phần hành. 11. Tín ý hành. 12. Tín giác hành. 13. Ý giác hành. 14. Tín ý giác đẳng phần hành.

Ngoài ra lại có các thứ ái hành, kiến hành, mạn hành v.v… có thể biết được. Do đó tham, dục, ý 3 sử hành tính giống nhau đều đeo bám ái lạc

Do ý nghiã của các hành mà hình thành 14 loại hành nhân, tức là con người hành vi. Đó là người dục hành, người sân hành, người si hành, người tín hành, người ý hành, người giác hành, người dục sân hành, người dục si hành, người sân si hành, người dục sân si đẳng phần hành, người tín ý hành, người tín giác hành, người ý giác hành, và người tín ý giác đẳng phần hành.

Do đó, dục dục, dục sử, dục tính, dục lạc đều gọi là người dục hành.

Thường hành dục khiến dục tăng thượng, đó gọi là dục hành.

Tất cả các hành khác cũng phải phân biệt như vậy.

Bấy giờ, 14 loại hành nhân đó có thể giản hóa thành 7 loại:

Người dục hành với người tín hành thành 1 loại.

Người sân hành với người ý hành thành 1 loại.

Người si hành nhân với người giác hành thành 1 loại.

Người dục sân hành với người tín ý hành thành 1 loại.

Người dục si hành với người tín giác hành thành 1 loại.

Người sân si hành với người giác ý hành thành 1 loại.

Người dục sân si đẳng phần hành với người tín ý giác đẳng phần hành thành 1 loại.

Hỏi: Vì sao người dục hành với người tín hành lại thành một loại ?

Đáp: Người dục hành theo học thiện tri thức thì được tăng trưởng tín hành dục, đó là công đức của sự gần gũi thiện tri thức.

Lại nữa, do 3 hành dục và tín, câu này thành 1 tướng có nghiã của ái niệm, có nghĩa của tìm cầu công đức và có nghĩa của không xả bỏ. Do đó, người dục hành thường nghĩ nhớ dục, người tín hành thường nghĩ nhớ điều thiện, người dục hành tìm cầu công đức của dục, người tín hành tìm cầu công đức của điều thiện, người dục hành không xả bỏ những gì phi khả ái làm tướng, còn người tín hành thì không xả bỏ những gì khả ái làm tướng. Bởi thế cho nên, dục hành và tín hành hợp thành 1 tướng.

Hỏi: Vì sao sân hành và ý hành lại cùng 1 loại ?

Đáp: Người sân hành theo học thiện tri thức thì được tăng trưởng trí hành sân, đó là công đức của sự gần gũi thiện tri thức.

Lại nữa, do 3 hành sân và trí thành 1 tướng. Ba hành vi đó có ý nghiã là phi ái niệm, tìm cầu chỗ lỗi lầm, và lìa bỏ. Do đó, người sân hành không an trụ nơi ái niệm, còn người ý hành thì không an trụ nơi hành niệm. Người sân hành thường tìm kiếm những chỗ đáng tức giận, còn người ý hành thì tìm kiếm chỗ lỗi lầm của các hành động. Người sân hành thường vất bỏ, còn người ý hành thì thường từ bỏ về hành động. Bởi thế cho nên, người sân hành và người ý hành giống nhau hợp thành 1 tướng.

Hỏi: Tại sao người si hành với người giác hành lại thành 1 loại ?

Đáp: Người si hành theo học thiện tri thức được tăng trưởng giác hành si, đó là công đức do thân cận thiện tri thức. Cũng do trí tuệ của tín hành mà lìa bỏ được tâm si.

Lại nữa, do 2 hành động si với giác thành 1 tướng đó là không tự định, và động. Bởi si thì ở nơi loạn nên không an, giác thì có nhiều thứ giác ức nên thành không an. Si thì không có nơi hướng về nên thành động, còn giác thì khinh an nên cũng thành động. Cho nên, cả 2 si và giác trở thành 1 tướng.

Dùng phương tiện này cũng phân biệt các hành khác, như vậy đây thành ra 7 loại người.

Trong 7 loại người tu hành này, người thế nào là tu hành mau, người thế nào là tu hành chậm ?

Người dục hành dễ giáo hoá tu hành mau nhờ có sức tin mạnh, sức si giác yếu mỏng.

Người sân hành dễ giáo hóa tu hành mau, nhờ có sức ý chí mạnh, sức si giác mỏng.

Người si hành không dễ giáo hóa, tu hành chậm vì sức si giác mạnh, sức tin và ý chí mỏng yếu.

Người dục sân hành thì dễ giáo hóa tu hành mau nhờ có sức tin và ý chí mạnh, sức si giác mỏng yếu

Người dục si hành thì không dễ giáo hóa tu hành chậm vì hoàn toàn không có sức tin và sức si giác mạnh.

Người sân si hành thì không dễ giáo hóa, tu hành chậm vì hoàn toàn không có sức ý chí và sức si giác mạnh.

Người dục sân si đẳng phần hành thì không dễ giáo hóa, tu hành chậm vì tuy có ý chí nhưng không ổn định, có sức si giác nhưng không mạnh.

Bảy loại người kể trên do các phiền não căn bản mà thành ra 3 loại người là người dục hành, người sân hành, và người si hành.

Hỏi: Do nhân duyên nào có tên 3 loại người như trên đây ? Làm sao biết được là người dục hành, người sân hành, người si hành ? Làm cách nào để phân biệt được qua cách mặc áo, đi khất thực, nằm ngồi và oai nghi trong hành động ?

Đáp: Có 3 thứ nhân duyên tạo thành 3 loại người dục hành, sân hành và si hành. Đó là do nhân duyên tạo nghiệp ban đầu, do hành giới làm nhân duyên, và do lỗi lầm làm nhân duyên.

Hỏi: Thế nào là do nhân duyên tạo nghiệp ban đầu ?

Đáp: Là lúc mới tu hành, lấy khả ái làm phương tiện, do đó tạo nhiều thiện nghiệp thành người dục hành. Rồi từ trên thiên đường sinh xuống cõi nầy khởi nhiều nghiệp sát hại, đánh đập mà thành người sân hành, bị nghiệp bất ái che khuất sa vào điạ ngục, hoặc sinh thành rồng, rồi sau từ các nơi ấy sinh vào cõi nầy.

Ban đầu hay uống rượu, gây chia rẽ mà thành người si hành sinh vào cõi súc sinh, rồi sau từ cõi súc sinh lại sinh vào cõi nầy.

Đó là các hành động tạo nghiệp ban đầu làm nhân duyên.

Hỏi: Thế nào là giới làm nhân duyên ?

Đáp: Vì người ở gần với 2 giới là địa giới và thủy giới nên thành người si hành. Còn ở gần 2 giới là hỏa giới và phong giới thì thành người sân hành. Còn như đồng đều với 4 giới địa thủy hỏa phong thì thành người dục hành.

Đó là các hành giới làm nhân duyên.

Hỏi: Thế nào là các lỗi lầm làm nhân duyên ?

Đáp: Quá nhiều đờm dãi thành người dục hành. Quá nhiều mật thành người sân hành. Quá nhiều gió thành người si hành.

Lại có thuyết cho rằng, quá nhiều đờm dãi thành người si hành, quá nhiều gió thành người dục hành.

Đó là các lỗi lầm làm nhân duyên.

Làm sao có thể biết được người nào là dục hành, người nào là sân hành, người nào là si hành ?

Đáp: Do 7 hành vi có thể biết được. Đó là:

  1. Do sự.
  2. Do phiền não.
  3. Do cách đi.
  4. Do cách nhận lấy.
  5. Do cách ăn.
  6. Do cách làm công việc.
  7. Do cách nằm.

Thế nào là do sự mà biết được người ?

Người dục hành do tham dục mà thấy có việc. Việc không thường thấy người ấy cũng có thể thấy đến. Sau khi thấy rồi, khởi thường quán, không tham nhập tư duy tác ý nơi chỗ thấy là chân thật mà thành lỗi lầm không lìa bỏ. Đối với công đức nhỏ không phép tắc theo dục được giải thoát. Đối vớí sự việc có thể quán mà không thể xả bỏ. Người như thế là người dục hành.

Người sân hành do sân giận mà thấy có việc, thường chán nản mỏi mệt không thể nhìn thấy lâu, tùy theo chỗ cố chấp mà thành lỗi lầm, hay hủy báng kẻ khác, ngay nơi có nhiều công đức chẳng phải không khó từ đó không bỏ, chỉ bởi lỗi lầm để được tiện. Đối với các sự việc khác cũng như thế, do đó có thể phân biệt biết được người sân hành.

Người si hành do si thấy có việc, là công đức hay lỗi lầm thường nhẹ tin theo kẻ khác, mù quáng nghe theo người khác, người chê chê theo, người khen khen theo, tự mình không có chút kiến thức. Người như thế là người si hành.

Hỏi: Thế nào là do phiền não mà biết được người ?

Đáp: Người dục hành phần nhiều hành động theo 5 thứ phiền não: ganh ghét, keo kiệt, huyễn hoặc, nịnh bợ, tham dục. Đó là 5 thứ.

Người sân hành phần nhiều hành động theo 5 thứ phiền não: phẫn uất, căm hờn, che đậy, buồn phiền, giận dữ. Đó là 5 thứ.

Người si hành phần nhiều hành động theo 5 thứ phiền não: uể oải, lười biếng, nghi ngờ, hối tiếc, vô minh. Đó là 5 thứ.

Như vậy là do các phiền não, có thể biết được tính người.

Hỏi: Thế nào là do cách đi mà biết được tính người ?

Đáp: Người dục hành, trông cách đi biết được tính người, như bước đi nhanh, giở chân hạ chân bằng thẳng, không bước dài, bước đi dễ mến. Như vậy trông cách đi biết được tính người.

Người sân hành, trông cách đi biết được tính người, như bước đi gấp gáp vội vã, chân không kịp chạm đất. Như vậy trông cách đi biết được tính người.

Người si hành, trông cách đi biết được tính người, đi kéo lê không khỏi mặt đất, chân nọ đụng chân kia. Như vậy trông cách đi biết được tính người.

Hỏi: Thế nào là do cách mặc áo biết được tính người ?

Đáp: Người dục hành khi lấy áo không lựa chọn nhiều, mặc áo không quá rộng, không quá dài, vuông vắn tròn trịa, trông đẹp và khả ái.

Người sân hành mặc áo quá gấp gáp, quá ngắn, không vuông vắn đều đặn, trông khó coi.

Người si hành mặc áo quá rộng, không vuông vắn, trông rất khó coi không đẹp mắt chút nào.

Như vậy là theo cách mặc áo có thể biết được tính người.

Hỏi: Thế nào là do cách ăn biết được tính người ?

Đáp: Người dục hành thích món béo, ngọt. Người sân hành thích chua. Người si hành không có sở thích nhất định.

Lại nữa, người dục hành, đến giờ ăn, tự lượng sức mình lấy vừa đủ thức ăn, ăn từng miếng, không ăn nhanh, biết hương vị thức ăn, nếu gặp món không hợp khẩu vị cũng không chán bỏ.

Người sân hành khi thấy thức ăn đến thì lấy nhiều thức ăn, nhai đầy miệng, gặp món không ngon, thì nổi phiền giận.

Người si hành khi ăn lấy ít thức ăn, ăn uống không gọn gàn, thức ăn dính miệng, nửa vào miệng, nửa rơi xuống mâm, loạn tâm không giữ chính niệm trong khi dùng bữa.

Như vậy là do cách ăn mà biết được tính người.

Hỏi: Thế nào do cách làm việc mà biết được tính người ?

Đáp: Người dục hành khi quét đất đứng thẳng người, cầm chổi quét không quá nhanh, không bốc bụi đất, mà quét được sạch sẽ.

Người sân hành khi quét đất, cầm chổi quét nhanh bên này bên kia, bốc bụi đất, gây tiếng động, mà không sạch đều.

Người si hành khi quét đất, cầm chổi quét chậm chạp, xem hết chỗ này xem hết chỗ kia tuy quét hết không sạch đều.

Còn những công việc như giặt nhuộm vá may cũng vậy. Người dục hành thì làm mọi việc một cách đồng đều, chuyên chú không loạn tâm. Người sân hành thì làm không đồng đều, chỉ có điều là không loạn tâm. Người si hành thì tâm hay loạn động, làm việc gì cũng không thành.

Như vậy là do công việc làm mà biết được tính người.

Hỏi : Thế nào là do nằm ngồi mà biết được tính người ?

Đáp: Người dục hành khi đi ngủ không gấp gáp vội vã, trước khi ngủ, dọn giường sắp xếp ngay ngắn, thân nằm nghiêng co tay mà ngủ, nửa đêm có ai gọi thì thức, có nghi điều gì liền lên tiếng trả lời.

Người sân hành ngủ thì vội vã gặp đâu nằm đó, châu mày nhăn mặt, đang đêm có ai gọi thì nổi giận trả lời.

Người si hành khi ngủ giường chiếu lôi thôi, chỉ đắp mình còn tay chân thò ra ngoài, nửa đêm có ai gọi thì ú ớ giây lâu mới đáp.

Đó là xem cách nằm ngủ mà biết tính người.

Hỏi: Nên hành xử theo pháp nào khi mặc áo, khất thực và nằm ngồi ?

Đáp: Người dục hành mặc áo vải thô, không nhuộm màu tươi sáng. Người sân hành mặc áo đẹp đẽ kỹ lưỡng, sạch sẽ, có màu sắc khả ái. Người si hành tùy được áo nào mặc áo nấy.

Người dục hành khất thực món ăn thô sơ không mỹ vị và ăn ít. Người sân hành khất thực thích món ăn ngon, các mỹ vị hợp ý mình. Người si hành thì tùy các món khất thực được và ăn uống có tiết độ.

Người dục hành nằm ngồi dưới bóng cây, bên mé nước, trong vườn nhỏ không xa xóm làng, nơi chùa am chưa xây cất xong, những nơi không có giường nằm nệm ngồi. Người sân hành nằm ngồi dưới bóng cây, bên mé nước, chỗ đất bằng phẳng, nơi chùa am đã hoàn thành, có đủ giường nằm đầy đủ. Người si hành thì nương theo nơi an trú của thầy mình.

Người dục hành đi đến là nơi có cơm nước sơ sài, khi vào làng thì đi theo hướng mặt trời, đối với nơi có người ác là nơi người dục hành nên đi đến. Người sân hành đi đến nơi có đầy đủ cơm nước, vào làng không theo hướng mặt trời mà nhắm hướng có nhiều tín thí. Người si hành thì tùy nơi gặp được mà đi không theo hướng nhất định.

Về oai nghi, người dục hành đa phần là du tăng hành cước. Người sân hành thì nương tựa ngồi nằm. Người si hành thì nương theo cách đi.

Người dục hành nhờ cảnh giới khả ái làm tin. Người sân hành nhờ cảnh giới không khả ái làm tin. Người si hành nhờ lấy cảnh có thể quán làm nhân.

Người dục hành như nô lệ, người sân hành như chủ nhân, người si hành như chất độc.

Người tham ít bị lỗi lầm, đoạn trừ không nhiễm. Người giận dữ lỗi lầm lớn, khiến không nhiễm. Người si mê lỗi lầm lớn, đoạn trừ không nhiễm.

Người dục hành ưa thích sắc dục.

Người sân hành ưa tranh cãi.

Người si hành ưa lười biếng.

Phẩm 7: PHÂN BIỆT HÀNH XỨ

Bấy giờ, y chỉ sư sau khi quán sát phẩm hạnh của đệ tử, mới trao cho 38 hành xứ, tức đối tượng của quán tâm tu hành mà truyền dạy, khiến cho việc tu hành phù hợp với phẩm hạnh.

Hỏi: Ba mươi tám hành xứ là những gi ?

Đáp: Đó là 10 nhất thiết nhập: đất, nước, lửa, gió, xanh, vàng, đỏ, trắng, không xứ, thức xứ.

Và 10 phép quán tưởng bất tịnh: tưởng chương sình, tưởng xanh bầm, tưởng rữa nát, tưởng vất bỏ, tưởng bị chim thú ăn thừa, tưởng thịt trong thân thối nát, tưởng chặt chém nát, tưởng máu huyết bê bết, tưởng trùng hôi thối, tưởng xương.

Lại thêm 10 niệm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí, niệm Thiên, niệm về sự chết, niệm thân, niệm hơi thở, niệm an tịch.

Lại thêm 4 vô lượng tâm: từ, bi, hỷ, xả.

Và thêm 4 quán tưởng: về tứ đại, về thức ăn bất tịnh, về vô sở hữu xứ, về phi phi tưởng xứ.

Đó là 38 hành xứ.

Trong 38 hành xứ này có 9 hành pháp là vượt trội hơn cả: 1. Thiền. 2. Chính việt. 3. Tăng trưởng. 4. Duyên. 5. Sự. 6. Thắng. 7. Địa. 8. Thủ. 9. Người.

Hỏi: Thế nào là do thiền?

Đáp: Có 10 hành xứ đưa đến sự thành tựu thiền ngoại hành.

Lại có 11 hành xứ khiến thành tựu Sơ thiền.

Lại có 3 hành xứ thành tựu Tam thiền.

Lại có 1 hành xứ thành tựu Tứ thiền.

Lại có 9 hành xứ thành tựu Tứ thiền, Ngũ thiền.

Lại có 4 hành xứ thành tựu 4 thiền Vô sắc.

Hỏi: Thế nào là 10 hành xứ thành tựu được thiền ngoại hành ?

Đáp: Trong 10 niệm trừ niệm sổ tức và niệm thân, 8 niệm còn lại cùng với pháp quán 4 đại, tưởng thực phẩm bất tịnh, là 10 pháp thiền ngoại hành.

Hỏi: Thế nào là 11 hành xứ thành tựu Sơ thiền ?

Đáp: Quán tưởng 10 pháp bất tịnh và niệm thân là 11 hành xứ thành tựu Sơ thiền.

Hỏi: Thế nào là 3 hành xứ thành tựu Tam thiền ?

Đáp: Đó là quán 3 tâm vô lượng: từ, bi, hỷ.

Hỏi: Thế nào là 1 hành xứ thành tựu Tứ thiền ?

Đáp: Đó là quán 1 tâm vô lượng: xả.

Hỏi: Thế nào là 9 hành xứ thành tựu Tứ thiền, Ngũ thiền ?

Đáp: Trừ không nhất thiết nhập và thức nhất thiết nhập ra, còn lại 8 nhất thiết nhập với niệm sổ tức, đồng đưa đến sự thành tựu Tứ thiền, Ngũ thiền.

Hỏi: Thế nào là 4 hành xứ thành tựu 4 cõi Vô sắc ?

Đáp: Hư không nhất thiết nhập, thức nhất thiết nhập, vô sở hữu xứ, phi phi tưởng xứ là 4 hành xứ thành tựu cõi Vô sắc.

Như vậy do thiền có thể biết được các hành xứ.

Hỏi: Sao gọi là chính việt ?

Đáp: Chính việt nghĩa là vượt thẳng lên, tức là vào hành xứ thành tựu được sự vượt lên thẳng. Sự vượt thẳng này có 3 trường hợp là vượt Sắc, vượt sự và vượt thụ tưởng.

Vượt Sắc là trừ Vô sắc nhất thiết nhập, 8 nhất thiết nhập còn lại và 30 hành xứ còn lại không vượt lên thẳng khỏi cõi Sắc.

Vượt sự là có 3 hành xứ vượt thẳng lên khỏi sự việc. Đó là 3 Vô sắc nhất thiết nhập và về vô sở hữu xứ, 35 hành xứ còn lại thì không thành tựu được sự vượt lên khỏi sự việc.

Vượt thụ tưởng có 1 hành xứ, đó là phi phi tưởng xứ. Ba mươi bảy hành xứ còn lại thì không vượt lên khỏi được thụ và tưởng.

Như vậy do sự vượt thẳng có thể biết được công đức thù thắng của các hành xứ..

Hỏi: Sao gọi là do sự tăng trưởng ?

Đáp: Mười bốn hành xứ có thể khiến tăng trưởng. Đó là 10 nhất thiết nhập và 4 vô lượng tâm, 24 hành xứ còn lại không có khả năng làm tăng trưởng.

Như vậy do tăng trưởng biết được sự thù thắng của các hành xứ.

Hỏi: Thế nào là do nhân duyên ?

Đáp: Nhân duyên chia làm 2 thứ: Thần thông duyên và Tì-bàxá-na duyên.

Có 9 hành xứ làm nhân duyên chứng đắc thần thông. Đó là, trừ Vô sắc nhất thiết nhập, 8 nhất thiết nhập còn lại và phân biệt hư không nhất thiết nhập. Ngoài ra 30 hành xứ còn lại không làm nhân duyên chứng đắc thần thông. Ba mươi bảy hành xứ nầy làm nhân duyên cho Tỳ-bà-xá-na, ngoại trừ phi phi tưởng xứ.

Lại có 1 hành xứ không làm nhân duyên cho Tì-bà-xá-na duyên đó là phi phi tưởng xứ.

Như vậy do nhân duyên mà biết được sự thù thắng của các hành xứ.

Hỏi: Thế nào là do sự ?

Đáp: Sự được chia làm 3 loại là sự phân biệt, sự thật, và sự không nên nói là sự phân biệt hay sự thật.

Hai mươi mốt hành xứ là sự phân biệt, 12 hành xứ là sự thật, 5 hành xứ là sự không nên nói là sự phân biệt hay sự thật.

Hỏi: Thế nào là 21 hành xứ là phân biệt sự ?

Đáp: Trừ thức nhất thiết nhập, còn lại là 9 nhất thiết nhập, 10 bất tịnh tưởng, với niệm sổ tức và niệm thân, đều là phân biệt sự.

Hỏi: Thế nào là 12 thực sự ?

Đáp: Đó là thức nhất thiết nhập, phi phi tưởng xứ và 10 thiền ngoại hành.

Hỏi: Thế nào là 5 hành xứ không nên nói là phân biệt sự hay thực sự ?

Đáp: Đó là 4 vô lượng tâm, và vô sở hữu xứ.

Lại nữa, có 2 hành xứ, là nội doanh sự và nội sự.

Lại nữa có 2 hành xứ, là nội doanh sự và ngoại sự.

Lại nữa có 1 hành xứ, là ngoại doanh sự và nội sự.

Lại có 21 hành xứ, là ngoại doanh sự và ngoại sự.

Lại có 4 hành xứ, là nội doanh sự nội sự thiết lập ngoại sự.

Lại có 4 hành xứ, là thiếi lập nội doanh sự, thiết lập ngoại doanh sự và thiết lập ngoại sự.

Lại có 2 hành xứ, là thiết lập nội doanh sự, thiết lập ngoại doanh sự, thiết lập nội sự, thiết lập ngoại sự.

Lại có 1 hành xứ là nội ngoại doanh sự và nội sự.

Lại có 1 hành xứ là nội doanh sự không nên nói và nội sự, ngoại sự.

Do đó 2 hành xứ nội doanh sự và nội sự là thức nhất thiết nhập và phi phi tưởng xứ.

Lại có 2 hành xứ là nội doanh sự và ngoại sự, đó là niệm sổ tức và niệm thân.

Lại có 1 hành xứ là ngoại danh sự và nội sự, đó là niệm về sự chết.

Lại có 21 hành xứ là ngoại doanh sự và ngoại sự. Đó là 10 bất tịnh tưởng, 4 vô lượng tâm, 4 sắc nhất thiết nhập, hư không nhất thiết nhập và niệm Phật, niệm tăng

Lại có 4 hành xứ là nội doanh sự nội sự thiết lập ngoại sự, tức là niệm giới, niệm thí, quán 4 đại và bất tịnh thức tưởng.

Lại có 4 hành xứ là thiết lập nội doanh sự thiết lập ngoại doanh sự nói ngoại sự. Tức là 4 đắc nhất thiết nhập.

Lại có 2 hành xứ là thiết lập nội doanh sự thiết lập ngoại doanh sự thiết lập nội sự thiết lập ngoại sự. Tức là niệm pháp, niệm tịch tĩnh.

Lại có 1 hành xứ là nội ngoại doanh sự nội sự. Tức là niệm Thiên.

Lại có 1 hành xứ là nội doanh sự nội sự ngoại sự không nên nói. Tức là vô sở hữu xứ.

Lại có 2 hành xứ về quá khứ sự. Tức là thức nhất thiết nhập và phi phi tưởng xứ.

Lại có 1 hành xứ về vị lai sự. Đó là niệm về sự chết.

Lại có 1 hành xứ đối với hiện tại sự. Đó là niệm Thiên.

Lại có 6 hành xứ thiết lập quá khứ sự, thiết lập vị lai sự, thiết lập hiện tại sự. Tức là niệm Phật, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí, và quán 4 đại, bất tịnh thực tưởng.

Lại có 2 hành xứ là thiết lập quá khứ sự, thiết lập hiện tại sự, thiết lập không nên nói. Quá khứ vị lai đó là niệm pháp và niệm tịch tĩnh.

Lại có 26 hành xứ không nên thiết lập sự trong 3 đời. Tức là 9 nhất thiết nhập, 10 bất tịnh tưởng, 4 vô lượng tâm, và niệm sổ tức và niệm thân, vô sở hữu xứ.

Lại có 4 hành xứ động sự. Tức là hỏa nhất thiết nhập, phong nhất thiết nhập và trùng hủ tưởng, và niệm sổ tức. Xứ thì động mà tướng của nó thì không động. Ngoài ra 34 sự bất động dùng các sự ấy có thể biết được.

Hỏi: Sao gọi là thắng ?

Đáp: Nói thắng nghĩa là vượt trội, gồm có 4 thứ là danh thắng, định thắng, tưởng thắng và tuệ thắng.

Vì 8 nhất thiết nhập, 4 Vô sắc định, được gọi là thù thắng chân thật sự, nhân đó gọi là danh thắng. Bởi 8 nhất thiết nhập có thể khiến Đệ tứ thiền trụ ở bậc thắng địa, nhân đó gọi là định thắng. Thiền của 4 Vô sắc giới do định thành tựu, nhân đó cho định là thắng.

Mười tưởng bất tịnh và tưởng thức ăn bất tịnh gọi là tưởng thắng, do sắc, do hình, do hư không, do phương hướng, do phân biệt, do hoà hợp, do chấp trước cho nên lấy 10 niệm xứ gọi là thắng niệm.

Do vi tế, do tùy niệm, 4 vô lượng tâm do đó được sự thù thắng vì không lỗi, được lợi ích. Quán 4 đại vì chấp giữ cái không, nên đó gọi là tuệ thắng.

Như vậy là do sự thù thắng mà biết được các hành xứ.

Hỏi: Thế nào là do cảnh địa ?

Đáp: Người thành tựu 12 hành xứ, không sinh lên cõi trời. Mười hai hành xứ đó là 10 bất tịnh tưởng, với niệm thân và tưởng thức ăn bất tịnh.

Lại nữa người thành tựu 13 hành xứ không sinh lên cõi Sắc. Đó là 12 hành xứ đầu tiên và niệm sổ tức.

Ngoại trừ 4 Vô sắc xứ, các hành xứ còn lại không sinh lên cõi Vô sắc.

Như vậy là do cảnh địa mà biết được các hành xứ.

Hỏi: Sao gọi là do thủ ?

Đáp: Là có 17 hành xứ dùng kiến tương ưng với thủ tướng. Mười bảy hành xứ này tức trừ phong nhất thiết nhập và 2 Vô sắc nhất thiết nhập, ngoài ra 7 nhất thiết nhập và 10 bất tịnh tưởng.

Lại có 1 hành xứ dùng xúc tương ưng với thủ tưởng, đó là niệm sổ tức.

Lại có 1 hành xứ hoặc dùng cái thấy hoặc dùng xúc tương ứng với thủ tướng, đó là phong nhất thiết nhập.

Ngoài ra 19 hành xứ dùng cái nghe phân biệt tương ứng với thủ tướng.

Ngoài đây ra có 5 hành xứ người mới học ngồi thiền không nên tu hành, tức 4 Vô sắc xứ và xả vô lượng tâm.

Ngoài ra 33 hành xứ khác người mới học tu thiền đều nên chấp thủ.

Đó gọi là dùng thủ có thể biết được 58 hành xứ.

Hỏi: Sao gọi là do người ?

Đáp: Có 6 loại người tu hành:

  1. Người dục hành.
  2. Người sân hành.
  3. Người si hành.
  4. Người tín hành.
  5. Người ý hành.
  6. Người giác hành.

Người dục hành không nên tu hành 4 vô lượng tâm, do không có tịnh tướng. Vì sao vậy ? Vì người dục hành chỉ tác ý về tịnh tưởng mà chỗ làm đều không thanh tịnh. Như người bị bệnh đờm mà ăn nhiều thức ăn dầu mỡ là không thích hợp.

Người sân hành không nên tu hành 10 bất tịnh tưởng. Do vì sân tâm, người sân hành chỗ tác ý với chỗ ra làm đều không nhất trí. Cũng như người bị bệnh đờm mà ăn đồ ăn nóng là không phù hợp.

Người si hành vì trí tuệ chưa tăng trưởng, không nên tu chỗ khởi tu các hành xứ, vì lìa phương tiện. Nếu lìa phương tiện thì sự tinh tiến không có hiệu quả. Như người cưỡi voi mà không cầm theo cây móc câu.

Người dục hành nên tu quán tưởng bất tịnh và quán tưởng về thân, vì để đối trị với tham dục.

Người sân hành nên tu 4 vô lượng tâm, vì đối trị với sân, hoặc nên tu Sắc nhất thiết nhập vì khiến tâm theo đuổi.

Người tín hành nên tu 6 niệm xứ, vì niệm Phật khiến niềm tin ban đầu được kiên định.

Người ý hành nên tu quán 4 đại, tưởng thức ăn bất tịnh, niệm về sự chết, niệm về tịch tịch, vì có thể được thâm nhập hành xứ.

Lại nữa, người ý hành đối với tất cả các hành xứ, đều có thể tu mà không phương hại gì cả.

Người giác hành nên tu niệm sổ tức, có thể đoạn giác.

Người si hành trước tiên phải dùng lời hỏi đạo pháp, thường thời nghe pháp, cung kính pháp bảo cùng ở với thầy khiến trí tuệ tăng trưởng rồi ngay trí tuệ đó sau khi đã đạt được sự tăng trưởng nhất định mà chọn các hành xứ tu hành, lấy niệm về sự chết và quán tưởng 4 đại là lý tưởng nhất.

Lại có thuyết nói: Khi phân biệt các hành xứ, ta thấy sự thù thắng của chúng. Tuy nhiên, phân biệt trong 6 loại người có thể tóm lược thành 3 loại.

Hỏi: Nếu vậy, thì lúc đầu mới học có hay không có phương hại gì ?

Đáp: Có 2 hạng người dục hành là người dục hành độn căn, và người dục hành lợi căn.

Người dục hành độn căn, nên tu quán bất tịnh, đối trị tham dục. Đó là điều nên dạy cho tu hành để trừ tham dục.

Người dục hành lợi căn nên tu 10 tùy niệm xứ để làm tăng trưởng lòng tin ban đầu. Đó là điều nên dạy cho tu hành diệt trừ tham dục.

Có 2 hạng người sân hành là người sân hành độn căn và người sân hành lợi căn.

Người sân hành độn căn nên tu 4 vô lượng tâm để đối trị sân nhuế. Đó là điều nên dạy cho tu hành để trừ sân nhuế.

Người sân hành lợi căn nhờ trí tuệ tăng trưởng, nên tu các thắng xứ. Đó là điều nên dạy cho tu hành để diệt trừ sân nhuế.

Người si hành cũng có 2 hạng là người si hành độn căn và người si hành vô căn.

Người si hành vô căn thì không nên dạy tu các hành xứ. Còn người si hành độn căn thì vì để trừ giác, nên dạy cho tu niệm sổ tức.

Như vậy là đã tóm lược thành 3 hạng người để tu hành mà không có gì phương hại. Theo các pháp nói trên, 11 nhất thiết nhập và niệm sổ tức, có thể khiến pháp không tăng trưởng, đối với tất cả các hành xứ đều không phương hại. Nếu đã đầy đủ công đức thù thắng, đối với tất cả các hành, tất cả hành xứ đều không tạo thành chướng ngại.

QUYỂN 3 HẾT