LUẬN GIẢI THOÁT ĐẠO
Tác giả: A-la-hán Ưu Ba Để Sa. (Đại Quang)
Hán dịch: Đời Lương, đại sư Tăng Già-bà-la, người Phù Nam
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 2

Phẩm 3: HẠNH ĐẦU ĐÀ

Hỏi: Bấy giờ, người thiền định giữ giới thanh tịnh, tâm mong cầu thành tựu công đức thiện tối thắng, lại vì muốn cầu đạt được công đức của hạnh Đầu đà, như vậy thì sẽ thành tựu. Thọ hạnh Đầu đà thì đạt được công đức như thế nào?

Đáp: Vì người hành thiền, tánh không chỉ một loại, mà là ít ham muốn, là biết đủ, là không nghi, là diệt ái, là cầu tăng trưởng tinh tấn dõng mãnh, ít mưu cầu cho mình, không thọ nhận vật bố thí bên ngoài, là an trú, là đoạn trừ sự chấp trước giới thiện đã giữ gìn. Đó chính là các điuề vốn có đủ của các định, là Thánh chủng đầu tiên là công đức tối thắng để quán xét. Pháp gì là Đầu đà? Gồm có mười ba pháp. Trong đó, có hai pháp thuộc về y phục, tương ưng đó là: y phẩn tảo và ba y; năm pháp hành khất thực, tương ưng đó là: đi khất thực, theo thứ lớp nhận thức ăn, ngày ăn một bữa, sau đó không ăn lại, ăn điều độ sau ngọ không ăn, năm pháp thuộc về nằm ngồi: Ngồi nơi vô sự, ngồi dưới gốc cây, ngồi ở nơi đất trống, ngồi chốn gò mả, nghỉ ở đâu cũng được. Ngồi tinh tấn thuộc về một pmột pháp thuộc về một loại tinh tiến dõng mãnh, nghĩa là thường ngồi không nằm.

Thế nào là y Phẩn tảo?

Đáp: Tánh có khả năng thọ trì, nghĩa là tánh, còn lại cũng như vậy.

Thế nào thọ trì y Phẩn tảo? Không nhận y của cư sĩ cúng dường. Vì sao thọ ba y? Nghĩa là để trừ bỏ y cất giữ lâu (dư).

Thế nào là khất thực? Nghĩa là dứt bỏ sự thỉnh cầu của người khác.

Thế nào là thứ lớp khất thực? Nghĩa là đi khất thực không bỏ qua nhà nào.

Thế nào là ăn ngày một bữa? Tức là không ngồi xuống ăn lại.

Thế nào là ăn có điều độ? Trừ bỏ sự tham ăn nhiều.

Thế nào là sau giờ ngọ không ăn? Đoạn trừ sự mong cầu sau đó ăn lại.

Thế nào là ngồi nơi vô sự? Tức từ bỏ trú nơi xóm làng.

Thế nào là ngồi dưới gốc cây? Tức không ở trong phòng nhà.

Thế nào là ngồi nơi đất trống? Tức ở nơi không bị ngăn che.

Thế nào là ngồi nơi gò mả? Tức không ngồi những nơi tốt khác.

Thế nào là ngồi tùy chỗ thích hợp? Tức đoạn trừ ham thích nơi chỗ ở.

Thế nào là luôn ngồi mà không nằm? Tức xa lìa sự ngủ nghỉ.

Vì sao thọ trì y phẩn tảo? Vì thấy rõ lỗi lầm của việc mong cầu được y từ cư sĩ, lại thấy rõ công đức của thọ trì y phẩn tảo. Mình biết như vậy, để từ chối sự cúng dường của cư sĩ, nên thọ trì y Phẩn tảo.

Vì sao thọ trì y phẩn tảo thì được công đức? Vì giống như y cư sĩ, thọ trì đầy đủ, có được không do người khác, mất cũng không lo buồn, tâm không tham vướng, kẻ trộm không lấy cắp, đủ dùng, thường dùng, ít có giá trị. Người thiện tu tập hạnh này không có nghi, được thiện thù thắng thích hợp an lạc trú trong. Pháp hiện tiền khiến người cảm kính, đạt được thiền định. Đấy là công đức của y phẩn tảo mà Đức Phật đã từng khen ngợi.

Hỏi: Có mấy loại y phẩn tảo? Người nào thọ trì? Do đâu mà mất?

Đáp: Y phẩn tảo có hai loại:

  1. Không có chủ giữ gìn.
  2. Người đời đã xả bỏ.

Hoặc vải ở nơi gò mả, hoặc tẩy uế, hoặc bỏ ở chợ, hoặc ở giữa đường, thu nhặt lại đem ngâm, giặt nhuộm, khâu vá lại mới thành để mặc. Đây gọi là không có chủ. Vải cắt còn thừa, bị bò, chuột gặm, hoặc bị cháy, hoặc bị người ném đi, áo liệm, xác chết và y phục ngoại đạo. Đây gọi là loại người đời xả bỏ.

Vì sao thọ trì y phẩn tảo? Nếu Tỳ-kheo không nhận y của cư sĩ, cúng dường, thì gọi là thọ trì y phẩn tảo.

Vì sao gọi là mất? Nếu Tỳ-kheo lãnh thọ y của cư sĩ cúng dường thì gọi là mất y phẩn tảo.

Vì sao thọ ba y? Vì có y dư cần phải tịnh thí, chứ giữ lại để mặc phải biết đây là lỗi. Đã biết được công đức của ba y, thì từ nay nên xả bỏ y dư mà thọ ba y. thế nào là công đức của thọ bay? Là hạnh của người thiện, lìa bỏ việc cất giữ y dư, ít mưu cầu tạo thành ước lệ nơi thân, biết đủ. Như chim bay trên không chẳng hề luyến tiếc, đúng là người thiện tu tập pháp này không còn nghi ngại.

Ba y là gì? Thế nào là thọ? Thế nào là mất?

Đáp: Là y Tăng-già lê, y Uất-đa-la-tăng và y An-đà-hội. Đấy là ba y.

Vì sao thọ ba y? Nếu Tỳ-kheo không cất giữ y dư, gọi là thọ ba y. Nếu thọ bốn y, gọi là mất y.

Thế nào là thọ trì khất thực? Nếu nhận lời mời của người khác, thì chướng ngại đạo nghiệp bản thân, không vì để người khác vui, không cùng với Tỳ-kheo phi pháp ngồi sát nhau, phải biết đấy là tội lỗi. Lại thấy công đức của việc khất thực nên từ nay mình phải từ chối lời thỉnh mời của người khác để thực hành pháp khất thực. Công đức của khất thực là thế nào? Sự mong cầu của tâmdựa vào tâm nguyện, tiến tới hay dừng lại đều do chính mình, không hy vọng được cúng dường thức ăn ngon, chỉ nhằm tiêu trừ tâm biếng nhác, đoạn dứt kiêu mạn, không tham vị ngon, chỉ tạo lợi ích cho chúng sanh, thường ở khắp bốn phương tâm không quản ngại. Chính là hạnh nghiệp của người thiện không còn nghi ngại.

Hỏi: Thỉnh có mấy loại? Thế nào là thọ? Thế nào là mất?

Đáp: Thỉnh có ba loại.

  1. Tương tợ thỉnh thực.
  2. Thành tựu việc thỉnh.
  3. Thỉnh khi gặp.

Trừ ba trường hợp thọ thỉnh này là khất thực. Nếu nhận ba loại thỉnh này, thì mất hạnh khất thực.

Thế nào gọi là thọ trì thứ tự khất thực? Như tuần tự đi, đến chỗ nào có thức ăn ngon thì không được quay lại. Nếu trở lại tức là thọ thực bình thường. Nếu những nơi có nghi ngờ, cũng nên lìa xa. Biết rõ lỗi lầm của việc khất thực không tuần tự và biết công đức của khất thực thứ lớp, nên từ nay xả bỏ khất thực không theo thứ lớp mà khất thực đúng theo thứ lớp. Công đức của khất thực theo thứ lớp là thế nào? Là được tâm bình đẳng tạo lợi ích cho tất cả, trừ bỏ ganh ghét xấu ác, trừ bỏ sự khinh thường, không thích mời gọi, không thích nói nhiều, lìa xa nhà người, từ bỏ đi nhanh. Như trăng ít hiện người đời thích ngắm nhìn. Đúng là người thiện tu hành nghiệp này không còn nghi ngại.

Hỏi: Thế nào gọi là thứ lớp khất thực? Thế nào là thọ nhận? Thế nào là không thọ?

Đáp: Tỳ-kheo đi khất thực khi mới vào xóm làng thì phải theo thứ lớp từ nhà cuối cùng cho đến nhà đầu tiên. Đấy là nghĩa đi khất thực theo thứ lớp. Thế nào là mất? Nghĩa là vượt qua nhà lân cận, gọi là mất.

Thế nào là ăn ngày một bữa? Tức ngồi hai nơi, là một lần ngồi thọ thực và một lần ngồi rửa bát, trái với điều ấy gọi là ăn ngày một bữa. Chính là người thiện thực hành nghiệp này không còn nghi ngại, nên biết tội lỗi như vậy. Đã biết công đức của ngày ăn một bữa thế nên phải thực hành. Từ nay nên xả bỏ việc ăn hai bữa chỉ ăn một bữa. Công đức của ngày ăn một bữa là thế nào? Không nhiều, không ít, không tham, không tịnh thí, không có các bịnh phiền não sanh khởi, yên ổn không bị hại, được an lạc. Nchính là người thiện tu tập nghiệp này không còn nghi ngại.

Hỏi: Thế nào là ăn một bữa? Thế nào là biên? Thế nào là mất?

Đáp: Biên có ba loại: Tức là tọa biên, thủy biên và thực biên. Thế nào là tọa biên? Nghĩa là ăn rồi mà vẫn còn ngồi. Nhận nước rửa bát rồi thì không được ăn lại, đấy là thủy biên. Thế nào là thực biên? Đối với thức ăn, phát sanh tưởng, đó là cuối cùng đã ăn rồi không được ăn nữa. Đấy là thực biên. Nếu ngồi đến hai lần, thì mất hạnh ngày ăn một bữa, trừ các trường hợp uống nước và thuốc. Chư Phật đã khen ngợi pháp này. Đấy là thực biên.

Thế nào là thọ trì hạnh ăn đúng lượng? Nếu ăn uống không điều độ thì thân càng ngủ nghỉ nhiều, luôn sinh tham muốn, vì bụng không chán đủ. Biết đấy là tội lỗi, thì hiểu được công đức của tiết độ trong ăn uống. Từ nay mình nên đoạn trừ, không tham muốn, mà nnê thọ trì hạnh ăn biết vừa đủ. Công đức của thọ trì ăn vừa đủ là thế nào? Ấy là lường tính phần mình ăn không theo tâm phóng túng. Nếu ăn nhiều sẽ càng thêm mệt mỏi, biết thế nên không thích, lại diệt trừ bịnh tham, từ bỏ các biếng nhác. Chính là người thiện tu tập nghiệp này, không còn nghi ngại.

Hỏi: Thế nào là thọ trì hạnh ăn vừa đủ? Thế nào là mất?

Đáp: Nếu khi thọ nhận ăn uống, phải nên tự mình suy nghĩ cần bao nhiêu, để làm chuẩn mực, không nên lấy ăn nhiều, khéo biết lường tính để từ bỏ, việc ăn không có điều độ. Nghĩa là phải biết lường tính việc ăn, nếu không như vậy, gọi là mất.

Thế nào là sau giờ ngọ không ăn? Là để đoạn trừ vọng tưởng, xa lìa sự ăn nhiều. Biết ấy là tội lỗi, thấy rõ công đức không ăn sau giờ ngọ, nên từ nay ta bỏ việc ăn nhiều và thọ trì hạnh sau giờ ngọ không ăn. Công đức của việc không ăn sau giờ ngọ là gì? Là đoạn trừ tham muốn, biết điều độ để giữ gìn thân, từ bỏ việc ăn đêm chấm dứt sự tìm cầu, không bảo người khác tìm, không thuận theo tâm mong muốn. Chính là người thiện tu tập nghiệp này không còn nghi ngại.

Hỏi: Sau giờ ngọ có mấy thứ? Thế nào là thọ trì? Thế nào là mất?

Đáp: Sau giờ ngọ có hai loại: Nghĩa là không ăn tiết độ và thọ trì ăn sau ngọ. Thế nào là ăn không tiết độ? Nếu ăn nhiều, để dư thừa, thì phạm tội biệt thỉnh, không được ăn nữa. Thế nào là thọ trì ăn sau giờ ngọ? Đã ăn hai mươi mốt nắm thức ăn rồi, không được ăn nữa. Không ăn sau giờ ngọ là từ bỏ ăn nhiều. Nếu ăn nhiều là mất hạnh quá giờ ngọ không được ăn.

Thế nào là hạnh ở nơi vô sự? Ở trong nước ồn ào, phức tạp, các thức tiếp xúc với năm trần, tâm dấy khởi ưa thích nhiễm ô. Nếu ở nơi chốn qua lại náo nhiệt thì bị phân tán. Biết như vậy là tội lỗi, và biết được công đức ở nơi vô sự, từ nay, ta từ bỏ sống nơi đông đảo, an trú ở chỗ vô sự. Công đức ở nơi chỗ bình yên vô sự là thế nào? Là trú xa lìa nơi chốn ồn ào, phức tạp, các thức tiếp xúc với năm trần, tâm dấy khởi ưa thích nhiễm ô. Nếu ở nơi chốn qua lại náo nhiệt thì bị phân tán. Biết mười điều nói về công đức tối thắng đáng kính tin, trời người hoan hỉ, không ưa thích, chốn thế tục thấp hèn, mà vui thích đạt được vắng lặng. Thích vắng lặng, ít ồn ào, ngồi thiền định, theo dõi tâm, chính là người thiện tu hành nghiệp này, không còn nghi ngại.

Hỏi: Thế nào là nơi vô sự là tốt nhất? Thế nào là thọ nhận? Thế nào là mất?

Đáp: Xa lìa thành thị, trú ngoài phố xá, tránh nơi quá xa, chọn trú xứ cách nơi người ở khoảng bốn khuỷu tay năm trăm cung (1cung = 5 thước), đây là nơi vô sự tốt nhất, trừ ở giữa thành thị. Đấy gọi là chốn nơi vô sự. Nếu ở giữa thành thị thì mất hạnh này. Thế nào là ở dưới gốc cây? Là bỏ nơi che kín, không cất chứa, tụ tập, nhằm đối trị tham muốn, tìm cầu, biết đó là tội lỗi và biết công đức ở dưới gốc cây, nên từ nay ta đoạn trừ ở chốn che khuất, mà trú dưới gốc cây. Công đức ở dưới gốc cây là gì? Theo sự ưa thích có thể đạt đựơc điều đó, không giao tiếp thế tục, thích xa lìa mọi việc làm, cùng an trú với chư thiên, lìa sự ganh ghét chỗ ở từ bỏ ái chấp. Đay chính là người thiện tu tập nghiệp này, không còn nghi ngại.

Hỏi: Loại cây gì có thể trú? Cây nào nên lìa bỏ? Vì sao được trú? Vì sao có thể bỏ đi?

Đáp: Mặt trời lúc giữa trưa, bóng của cây rọi xuống chỗ ngồi, không có lá rơi xuống chỗ ngồi khi gió thổi. Đấy là chỗ có thể an trú, trừ những cây hư mục, cây thân bộng, cây quỷ thần ở, lìa những nơi có che, đấy gọi là hạnh ngồi dưới gốc cây. Nếu đến trú ở nơi che khuất thì mất hạnh ngồi dưới gốc cây. Thế nào là ở nơi đất trống? Ấy là không ở nơi có che và nơi gốc cây nơi cất chứa đồ vật (nhà kho). Biết đấy là lỗi lầm và biết được công đức trú nơi chỗ đất trống, nên từ nay ta sẽ xa lìa chỗ không thích ở, chỉ ưa ở nơi đất trống. Công đức trú nơi đất trống là gì? Chẳng đến chỗ không thích ở, trừ bỏ biếng nhác, ngủ nghỉ, cũng như loài nai hoang dã, tùy ý đi lại, không chỗ nào luyến mộ, ưa thích. Đây chính là người thiện tu tập nghiệp này không còn nghi ngờ.

Thế nào là thọ nhận? Thế nào là mất? Từ bỏ sống nơi có che và ở dưới gốc cây. Đấy là trú ở nơi đất trống. Nếu sống nơi có che và ở dưới gốc cây thì mất hạnh sống nơi đất trống.

Thế nào là trú ở nghĩa địa? Nếu ở những nơi khác thì ít tu tập, buông lung, không dấy tâm lo sợ điều ác. Biết đó là lỗi lầm và biết công đức ở giữa nghĩa địa, nên từ nay ta không ở những chốn khác, chỉ ở nơi nghĩa địa. Công đức ở nghĩa địa là gì? Luôn nhớ nghĩ về sự chết, đạt được tướng bất tịnh, được hàng phi nhơn kính trọng, không khởi buông lung, chế ngự dục nhiễm ô, sanh khởi nhiều nhám chán, không còn sợ hãi. Quán thân vắng lặng, như hư không dứt trừ suy tính về tưởng thường còn. Đó là người thiện tu tập nghiệp này không còn nghi ngại.

Hỏi: Công đức ở nơi nghĩa địa như thế nào? Có thể trú ở đâu? Tu tập thế nào? Thế nào là thọ, là mất?

Đáp: Nếu nơi này có người thường than khóc nhiều, hay có nhiều khói lửa, thì bắt đầu muốn trú nơi nghĩa địa như vậy, trước tiên phải quan sát có những nơi an tĩnh khác, rồi mới nên đến đó ở. Nếu Tỳ-kheo sống nơi nghĩa địa, thì không nên xây phòng nhà, làm giường, ghế, không nên ngồi thuận và nghịch chiều gió, không nằm lâu, không ăn cá, không uống sữa, không ăn tinh dầu, gỏi thịt, không ở trong nhà, không giữ bát. Nếu người đã bỏ trì tọa cụ và vật y khác, đến trú nơi nghĩa địa, thì ở nơi ấy, nên ném vật đó đi xa, khi mặt trời mọc thì thu nhặt y, ngọa cụ trở lại chùa, trừ trú ở những nơi khác. Đây gọi là ở nơi nghĩa địa. Nếu trú những nơi khác, thì gọi là mất. Thế nào là thọtrì hạnh ngồi tùy chỗ thích hợp? Tức là không thích chỗ mà người tham muốn. Chỗ không làm phiền người khác khiến họ phải bỏ đi. Biết đấy là lỗi lầm và biết rõ công đức của hạnh tùy chỗ thích hợp, từ nay ta đoạn trừ tham luyến trụ xứ, tùy xứ thích hợp mà trú. Công đức của hạnh tùy xứ thích hợp mà trú thế nào? Đó là tìm cầu nơi biết đủ, ham thích chốn vắng lặng, đạn trừ các tham ái ưa thích, khiến mọi người kính trọng. An trú nơi tâm từ bi, hoàn toàn tóm thâu chế ngự. Đó chính là người thiện tu tập nghiệp này không còn nghi ngại.

Thế nào là thọ? Thế nào là mất? Đoạn trừ tham ái chỗ dừng ở, đó là tùy chỗ thích hợp mà trú. Nếu đến trú nơi đã ưa thích, tức là mất hạnh này.

Thế nào là tu theo hạnh thường ngồi không nằm? Đối với nơi an trú, ngủ nghỉ thì sanh lười biếng. Biết đó là lỗi lầm. Rõ và biết công đức của hạnh thường ngồi, nên ta từ nay bỏ ngủ mê, hành hạnh thường ngồi không nằm. Công đức của thường ngồi là gì? Là đoạn sự dấy khởi lười biếng, trừ thân ganh ghét, lìa bỏ nhiễm chấp, ít thích đối với sự trói buộc của ngủ nghỉ, thường đạt vắng lặng, siêng tu thiền định thắng diệu. Đó là người thiện tu tập nghiệp này không còn nghi ngại.

Thế nào là thọ? Thế nào là mất? Đoạn trừ sự nằm nghỉ là thọ. Nếu ngủ nghỉ là mất.

Thế nào là lìa y phẩn tảo? Cư sĩ cúng dường các loại như y: Y làm bằng sợi gai, y Kiết-bối, Kiều-xa-da, Khâm-bà-la… nếu dùng phương tiện lãnh thọ thì không mất y nạp.

Thế nào là ba y? Hoặc cất y dư đã quá mười ngày, có y một tháng, có y công đức. Lại có y dư để giữ gìn đồ nằm đồ trải và y che ghẻ, mụt, khăn tay, áo tắm, mưa thì không thọ trì, không tịnh thí, nếu dùng phương tiện cũng không mất ba y.

Thế nào là phương tiện khất thực? Nếu Tăng theo thứ lớp khất thực và thường trú thọ thực, hành trì thực, thọ thực trong mười lăm ngày, thọ thực khi Bố tát, thọ thực trong chúng, thọ thực trong chùa vì phương tiện thọ thực thì không mất hạnh khất thực. Nếu thấy quá thì cũng nên xả bỏ.

Thế nào là phương tiện của thứ lớp khất thực? Nếu thấy các thứ như voi, ngựa đang đứng nơi cửa húc nhau thì có thể tránh sang ấp khác, các thứ như vậy cần phải tránh xa. Lại thấy Chiên-đà-la che bát, học gia tùy theo Hòa thượng A-xà-lê và Tỳ-kheo khách đến, những trường hợp như vậy theo phương tiện đi vượt qua thì không mất hạnh thứ lớp khất thực.

Thế nào là phương tiện ngày ăn một bữa? Nếu khi đang ăn mà thấy voi, ngựa, bò, rắn, Hòa thượng, A-xà-lê, và Tỳ-kheo khách đến, vì các trường hợp này nên đứng dậy, rồi lại ngồi ăn thì không phạm, không mất hạnh ngày ăn một bữa. Nếu ăn tiết độ v ăn sau giờ ngọ thì không có phương tiện.

Thế nào là phương tiện ở chỗ vô sự? Hoặc vì thọ giới, sám hối, thưa hỏi pháp Bố tát, Tự tứ, bị bịnh và chăm sóc bịnh, hỏi chỗ nghi trong kinh. Do các nhân duyên như vậy thì có thể đến xóm làng, không mất hạnh trú nơi không có nạn.

Thế nào là phương tiện ngồi dưới gốc cây? Hoặc là khi gặp mưa thì nên vào nơi chỗ có che, đến khi mặt trời đã hiện thì trở ra tức không phạm lỗi (mất hạnh). Các phương tiện như ngồi dưới gốc cây, ngồi ở giữa đất trống, giữa nghĩa địa, tùy chỗ thích hợp mà trú cũng lại như vậy. Các trú xứ khác có thể trú, và thường ngồi không nằm thì không có phương tiện. Lại có chỗ nói khi nhỏ nước vào mũi thì được phép nằm không mất hạnh thường ngồi. Do mười ba hạnh Đầu đà này lại chia thành tám pháp, như trong luận A-tì-đàm nói về tám pháp Đầu đà. Nghĩa là pháp không được ăn sau giờ ngọ, kết hợp với ăn biết lượng đủ, ăn một lần, được xếp vào vào một loại thọ trì Pháp trú nơi vô sự kết hợp với ngồi dưới gốc cây, ngồi chỗ đất trống, ngồi nơi nghĩa địa. Vì sao đây đều thuộc hạnh ở nơi vô sự ? Vì dự tính xây phòng nhà, ưa thích làm các việc, có nhiều chỗ cất chứa, nên tham đắm nơi ở, tâm chẳng được an lạc, ý dấy khởi như vậy, nên trú nơi an tịnh như dưới gốc cây, nghĩa địa, đất trống. Vì thế, cho nên thành tám pháp. Nơi tám pháp Đầu đà cũng lại thành ba pháp: Một là trụ nơi vô sự. Hai là dùng y phẩn tảo. Ba là hành khất thực. Nếu ba pháp này thanh tịnh thì thành tựu viên mãn hạnh đầu đà. Thế nên, Đức Phật nói với Tôn giả Nan-đà: Khi nào thấy ông thành tựu hạnh ở nơi không có nạn, thọ y phẩn tảo, không ăn sau giờ ngọ, chỉ nhằm nuôi dưỡng thân mạng thì khi ấy thấy không còn tham muốn.

Hỏi: Những gì gọi là phần Đầu đà? Đầu đà có mấy pháp? Ba hạng người tu hạnh đầu đà là gì? Có mấy loại đầu đà đúng thời? Có người hành đầu đà thuyết giảng hạnh đầu đà?

Đáp: Đức Phật đã nói có mười ba hạnh đầu đà, Ngài đã chế giới: Ấy là phần hạnh đầu đà. Hạnh này không nên nói thiện, bất thiện hay vô kí? Vì sao? Vì người bất thiện và tham ác mong cầu giống nhau, nên không trừ bỏ được dục ác, lại cùng phát khởi phi pháp về tham muốn lợi dưỡng, vì thế đầu đà là bất thiện. Có mấy loại pháp: Có hai loại pháp đầu đà là không tham, không si như Đức Phật đã dạy.

Y phẩn tảo của Tỳ-kheo là dựa vào ít muốn, biết đủ, ưa thích vắng lặng, không còn nghi ngại, nương vào giải thoát đó gọi là thọ trì y phẩn tảo. Các hạnh đầu đà khác cũng lại, không tham, không si như vậy. Do không tham nên trì mười ba pháp này có khả năng diệt trừ tham muốn. Do không si nên trì mười ba pháp này có khả năng diệt trừ Vô minh.

Lại nữa, do không tham ấy nên Đức Phật đã cho phép, vì nó có khả năng sanh nhàm chán với tội lỗi, tương ưng như không còn nghi ngại, trừ bỏ dục nhiễm, lừa dối. Do không si ấy cũng tương tự, từ bỏ thân gầy yếu, dối gạt. Đấy là hai pháp đầu đà không tham, không si.

Ba hạng người tu hạnh đầu đà là gì? Nghĩa là người hành tham, si là tu hạnh đầu đà. Người hành sân giận thì không thể tu tập. Vì sao? Người hành tham, si, nhưng có thể tu tập hạnh đầu đà. Như người tham đắm dẫn đến yêu thích trở thành không buông lung, nếu không buông lung thì có thể chế ngự được tham. Như si mê không nghi ngại có thể dựa vào hạnh đầu đà thành tựu không buông lung, nếu không buông lung thì có thể diệt trừ si. Vì sao người tham, si tu hạnh đầu đà, người sân thọ khổ lại trở thành ác. Như người bịnh đàm, nếu uống nước nóng thì bịnh càng nặng thêm. Vì thế, người sân không nên tu hành. Lại nói, người sân nên trú nơi không có nạn và dưới gốc cây. Vì sao nên trú nơi không có nạn? Vì không có các khổ thế gian.

Có mấy loại đầu đà đúng thời? Có ba loại đầu đà thọ trì trong tám tháng là trú dưới gốc cây, ở nơi đất trống và nơi nghĩa địa còn thời gian căn cứ (bốn tháng). Đức Phật che phép ở nơi có che.

Hỏi: Thế nào là đầu đà nói về đầu đà?

Đáp: Cũng có đầu đà nói về đầu đà, có đầu đà không nói về đầu đà, có chẳng phải đầu đà nói về đầu đà, có chẳng phải đầu đà không nói về đầu đà.

Thế nào là có đầu đà nói về đầu đà? Nghĩa là A-la-hán thành tựu hạnh đầu đà.

Thế nào là có đầu đà không nói về đầu đà? Nghĩa là A-la-hán không thành tựu hạnh đầu đà.

Thế nào là có chẳng phải đầu đà nói về đầu đà? Nghĩa là bậc hữu học và hàng phàm phu thành tựu hạnh đầu đà.

Thế nào là có chẳng phải là đầu đà cũng không nói về đầu đà? Nghĩa là hàng phàm phu, hữu học không thành tựu hạnh đầu đà.

Hỏi: Thế nào là tướng, thế nào là vị? Thế nào là khởi hạnh đầu đà?

Đáp: Ít muốn là tướng, biết đủ là vị, không nghi là khởi.

Lại nữa, không chỗ chấp trước là tướng, không lỗi lầm là vị, không thối lui là khởi. Thế nào là đầu, giữa, cuối? Nghĩa là thọ nhận là đầu, tu tập là giữa, hoan hỷ là cuối.

 

Phẩm 4: PHÂN BIỆT VỀ ĐỊNH

Hỏi: Bấy giờ, người trì giới thanh tịnh tọa thiền, đã hành hạnh đầu đà, thành tựu pháp thiện tối thắng, sẽ còn tạo tác gì?

Đáp: Khiến cho định khởi.

Hỏi: Thế nào là định? Thế nào là tướng? Thế nào là vị? Thế nào là khởi? Thế nào là xứ? Thế nào là người lãnh thọ? Thiền định và chánh thọ, giải thoát sai biệt thế nào? Có mấy loại nhân của định có thể thấy, do đâu mà định khởi. Chướng định có mấy pháp? Có mấy loại công đức của định? Định có bao nhiêu pháp hỗ trợ? Có mấy loại định? Vì sao khởi định?

Đáp: Định là tâm được thanh tịnh, một lòng hướng đến công đức tinh tấn, cùng với vắng lặng v.v…. Tâm thật sự an trú không tán loạn, đấy là nghĩa của định.

Lại nữa, gió dữ của phiền não không làm đảo lộn tâm không lo nghĩ. Như đèn ở trong cung điện ánh sáng không lay động. Như luận Atỳ-đàm nói: Nếu tâm thật sự an trú không hề bám víu vào cảnh duyên, cũng không loạn động, vắng lặng, không chấp trước thì đúng là định căn, định lực. Đấy là định.

Thế nào là tướng? Thế nào là vị? Thế nào là khởi? Thế nào là xứ? Tâm an trú là tướng. Điều phục các oán là vị. Vắng lặng là khởi. Ở trong nhiễm tâm không tham đắm, đạt được giải thoát, đấy gọi là xứ. Thế nào là người lãnh thọ định ? là tiếp nhận lấy tâm thường quân bình phương tiện định quân bình, như tay nắm giữ chiếc cân, khiến cho các tâm số quân bình như giữ, như dầu trong bát, tâm luôn nhớ nghĩ và tinh tiến quân bình thực hành, ấy là định, như sức lực của bốn ngựa cùng kéo xe. Tư duy là định, như người bắn cung chú tâm điều chỉnh cung chính xác. Vì trừ bỏ các oán nên như dùng thuốc để giải độc. Luận A-tỳ-đàm nói: Thu gom về điều phục là nghĩa của định. Từ nghĩa của định này là nghĩa đầy đủ của định.

Thiền có bốn thiền. Đó là thiền thứ nhất. v.v…

Giải thoát là tám giải thoát: Nội tưởng có sắc, ngoại quán sắc…

Định là ba định: là Hữu giác, hữu quán…

Chánh thọ là: Chín chánh thọ thứ lớp.

Thế nào là thiền? Là tư duy về sự việc, tư duy các oán, tâm hỷ, lạc, xa lìa các chướng ngại giải thoát, làm cho tâm bình đẳng, phương tiện phát khởi định đạt được tự tại, không vì một nghĩa trụ nơi chánh thọ, vui thích khởi định. Cho nên người chánh thọ giải thoát. Có bao nhiêu công đức làm cho định, dấy khởi ? Thấy rõ có bốn công đức khiến định được phát khởi. Những gì là bốn?

  1. Đó là vui hiện tại thấy pháp vui (lạc) an trú.
  2. Do sự an lạc trong quán sát.
  3. Hiện tại chứng thần thông.
  4. Chứng đắc đầy đủ.

Thế nào là vui hiện tại thấy pháp, vui an trú? Nghĩa là người đạt được định, thường sanh khởi vô lậu (không còn sanh khởi các lậu), tâm sanh vui vẻ, tiếp nhận niềm vui của pháp xuất thế gian, vui hiện tại thấy pháp mà vui an trú. Vì vậy, đức Thế Tôn dạy: Thân này, thân kia từ vắng lặng phát sanh hoan hỷ, liền đạt được trong mát, dần dần thành tựu đầy đủ tất cả. Như Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Trước đây ta đã từng thực hành hạnh Ni kiền (ngoại đạo lìa trói buộc), trong bảy ngày đêm thân không lay động, miệng im lặng không nói, an trú ngay thẳng, chuyên chú hướng đến thọ nhận an lạc. Đây gọi là vui hiện tại thấy pháp Thánh, an trú trong niềm vui (lạc). Do sự an lạc trong quán sát tức là người ngồi thiền được tâm quyết định, mọi việc không bị ngăn che, ràng buộc, điều hòa nhẹ nhàng, thọ trì, quán sát thấy rõ tự tánh của các pháp như Ấm, Giới, Nhập … mà an lạc. Vì vậy, Đức Thế Tôn dạy các Tỳ-kheo phải tu tập thực hành. Như thế, tất cả đều do nơi tâm, nương nơi đó mà biết đúng như thật. Thần thông hiện chứng là: Người do đạt được các định mà chứng được năm thông. Đó là: Như ý (thần túc thông), Thiên nhĩ, Tha tâm, Túc mạng, Thiên nhãn. Vậy nên Đức Thế Tôn dạy:

Khi tâm đã đạt được định rồi, tùy theo đó mà biến chuyển. Như vậy, tất cả khiến đựơc vừa ý.

Chứng đắc đầy đủ là: Đã được tâm định, chưa đạt đến vô học, thì cuối cùng cũng khiến cho không thối chuyển. Nhờ định, đạt được đầy đủ quả báo ở cõi sắc, vô sắc. Như Đức Phật dạy: Tu một ít thiền thứ nhất thì được làm quyến thuộc của Phạm thiên. Như vậy các hàng sanh nơi ấy, đều có bốn công đức này, có khả năng phát sanh định, mỗi mỗi đều sanh khởi.

Có mấy thứ làm ngăn ngại định? Có tám thứ là: Ham muốn về dục, sân giận, biếng nhác, ham ngủ nghỉ, đùa bởn, nghi ngờ do dự, vô minh, không có hỷ lạc và tất cả các pháp ác đều là chướng ngại.

Có mấy nhân của định. Có tám pháp là: Nhân ở hạnh xuất ly không sân giận, sáng suốt không tán loạn, tất cả pháp thiện khiến tâm được hoan hỷ, có khả năng phát sanh pháp và trí, đấy gọi là nhân của định.

Có mấy pháp hỗ trợ thành định? Có bảy loại giới là: Đầy đủ tri túc: Giới, các vật dùng biết đủ, ngăn ngừa các căn môn, điều độ trong ăn uống, đầu, giữa cuối đêm thường không ngủ nghỉ, thường nhớ nghĩ về trí tuệ, an trú nơi vắng lặng.

Định có mấy loại? Định có hai loại: Một là định thế gian. Hai là định xuất thế gian. Đạt được quả bậc Thánh gọi là định xuất thế gian, ngoài ra là định thế gian. Định thế gian ấy là có lậu, có phiền não kết và phược trói buộc, là lưu chuyển, là hiểm nạn, là ngăn che, là ăn trộm giới, tà kiến, là chấp thủ, là phiền não. Đây là định của thế gian. Trái với những điều này là định xuất thế gian.

Lại nữa, định có hai loại: Định tà và định chánh. Thế nào là định tà? Tâm chuyên về pháp bất thiện gọi là định tà. Nếu tâm chuyên chú về việc thiện, gọi là định chánh. Định tà nên đoạn trừ, định chánh cần tu tập.

Lại nữa, định có hai loại: Định ngoại và định an. Phần đầu của những định ấy gọi là định ngoại. Tánh trừ bỏ, không gián đoạn gọi là định an.

Lại nữa, định có ba loại: Định có giác có quán. Định không giác ít quán. Định không giác không quán.

Thế nào là định có giác có quán? Đó là thiền thứ nhất có giác có quán. Thiền thứ hai không giác ít quán. Còn các định khác thì không giác không quán.

Lại nữa, định có ba loại: Đó là định cùng với hỉ sanh. Định cùng với lạc sanh. Định cùng với xả sanh. Thiền thứ nhất và thứ hai là cùng với hỉ sanh. Thiền thứ ba là cùng với lạc sanh. Thiền thứ tư là cùng với xả sanh. Lại nữa, định có ba loại: Định thiện, định báo và định sự.

Thế nào là định thiện? Người học đạo Thánh và phàm phu tu tập định ở cõi sắc và vô sắc, đó gọi là định thiện.

Người học quả Thánh và phàm phu sanh nơi cõi sắc và vô sắc, đó gọi là định báo.

Bậc vô học, đạt được định cõi sắc và vô sắc, đó gọi là định sự.

Lại nữa, định có bốn loại: Định dục, định sắc, định vô sắc và định vô sở thọ. Nghĩa là mọi thực hành hạnh chánh thọ, gọi là định dục. Định của bốn Thiền gọi là định sắc. Bốn định nơi cõi vô sắc và quả báo của nghiệp thiện, đấy gọi là định vô sắc. Định của bốn đạo quả gọi là định vô sở thọ.

Lại nữa, định có bốn loại tu tập : Loại trí chậm kém vất vả tu hành. Trí nhạy bén vất vả tu hành. Trí chậm kém vui thích tu hành. Trí nhạy bén vui thích tu hành. Bốn hạng người này là: Một tức là phiền não sâu dày. Hai là phiền não cạn mỏng. Ba là căn chậm lụt. Bốn là căn lanh lợi. Đối với hạng người phiền não sâu dày, mà căn chậm lụt, thì tu tập vất vả, trí tuệ chậm kém đắc định. Đối với hạng người phiền não sâu dày, mà căn lanh lợi tuy tu hành vất vả nhưng trí tuệ nhạy bén đắc định. Đối với hạng người phiền não cạn mỏng, mà căn chậm lụt, thì vui thích tu tập, trí tuệ chậm kém đắc định. Đối với hạng người phiền não cạn mỏng, mà căn lanh lợi thì vui thích tu tập, trí tuệ nhạy bén đắc định. Đối với hạng người phiền não sâu dày, do phiền não đã sâu dày, nên khó điều phục phiền não. Vì thế người căn chậm lụt tu tập vất vả. Lại bởi căn chậm lụt nên tuy thực hành thiền quán lâu ngày mà trí tuệ vẫn thấp kém, nên gọi là trí tuệ chậm kém. Do những điều này mà tất cả nên phân biệt rõ.

Lại nữa, định có bốn loại:

  1. Tiểu định, tiểu sự.
  2. Tiểu định, vô lượng sự.
  3. Vô lượng định, tiểu sự.
  4. Vô lượng định, vô lượng sự.

– Thế nào là tiểu định, tiểu sự? Là định nhỏ yếu không thể thuận theo mọi sở đắc của tâm, mọi sự của định ít siêng năng. Đấy gọi là tiểu định, tiểu sự.

– Thế nào là tiểu định, vô lượng sự? Là định nhỏ yếu không thể thuận theo sở đắc của tâm, mọi sự của định nhiều siêng năng. Đấy gọi là tiểu định, vô lượng sự.

– Thế nào là vô lượng định, tiểu sự? Là định đã thuận theo mọi sở đắc của tâm, mọi sự của định siêng năng. Đấy gọi là vô lượng định, tiểu sự.

– Thế nào là vô lượng định, vô lượng sự? Là định đã thuận theo mọi sở đắc của tâm lại rất siêng năng trong sự của định. Đấy gọi là vô lượng định, vô lượng sự.

Lại nữa, định có bốn loại: Là định dục, định tinh tấn, định tâm và định tuệ.

Định dục là: Dực vào mong muốn tu tập chứng đắc, gọi là định dục. Nương theo sự tinh tấn mà để đạt định, gọi là định tinh tấn. Dựa vào tu tập mà đạt định, gọi là định tâm. Dựa vào tu trí tuệ mà đạt định, gọi là định tuệ.

Lại nữa, định có bốn loại: Là có định chỉ Phật mới chứng đắc, chẳng phải bậc Thanh văn đạt được. Có định Thanh văn chứng đắc, chẳng phải chỗ chứng đắc của Phật. Có định là chỗ chứng đắc của Phật và hàng Thanh văn. Có định chẳng phải là chỗ chứng đắc của Phật và hàng Thanh văn.

Định Đại bi và định song biến là sở đắc (chứng đắc) của Phật, chẳng phải là sở đắc của hàng Thanh văn. Định của quả hữu học là sở đắc của hàng Thanh văn, chẳng phải là sở đắc của Phật. Chín định thứ lớp và định của quả vô học là sở đắc chung của Phật và Thanh văn. Định vô tưởng chẳng phải là sở đắc của Phật và Thanh văn.

Lại nữa, định có bốn loại: Có định khởi không diệt. Có định diệt không khởi. Có định vừa diệt vừà khởi. Có định không khởi cũng không diệt.

Hỏi: Thế nào là định khởi không diệt?

Đáp: Là định thiện, bất thiện nơi cõi dục, đấy gọi là định khởi không diệt.

Định của Bốn Thánh đạo là diệt không khởi. Định thiện của bậc hữu học và hàng phàm phu nơi cõi sắc và vô sắc là định khởi mà cũng diệt. Tất cả quả nơi định và sự nơi định chẳng phải khởi, chẳng phải diệt.

Lại nữa, định có bốn loại: Thiền thứ nhất, thiền thứ hai, thiền thứ ba, thiền thứ tư. Xa lìa năm thứ ngăn che thành tựu giác quán, hỷ lạc nhất tâm. Đây gọi là thiền thứ nhất.

Lìa nơi giác quán thành tựu ba chi, xa lìa hỉ thành tựu hai chi, xa lìa lạc xả, nhất tâm thành tựu thiền thứ tư.

Lại nữa định có năm loại: Thiền thứ nhất, thiền thứ hai, thiền thứ ba, thiền thứ tư, thiền thứ năm. Năm thiền là năm chi: Giác, quán, hỉ, lạc, nhất tâm. Xa lìa năm thứ ngăn che thành tựu năm chi. Đây gọi là thiền thứ nhất. Xa lìa giác, thành tựu bốn chi. Đây gọi là thiền thứ hai. Xa lìa hỷ thành tựu hai chi. Đây gọi là thiền thứ ba. Xa lìa lạc, thành tựu hai phần. Đây gọi là thiền thứ tư, được gọi xả và nhất tâm.

Hỏi: Vì sao nói có bốn thiền và năm thiền?

Đáp: Vì có hai hạng người chấp nên phân thiền thứ hai làm hai loại: Không giác không quán và không giác, ít quán (không tầm không tứ, không tầm có ít tứ).

Hỏi: Hạng người nào hành thiền khiến thiền thứ nhất tự tại để phát khởi thiền thứ hai?

Đáp: Đối với pháp giác quán thô, giữ niệm tư duy, lại biết giác quán, đó là tai họa, khiến khởi không giác quán, hướng đến thiền thứ hai, tu tập như vậy, cho đến thiền thứ tư.

Lại có người đã được tự tại nơi thiền thứ nhất, hướng đến thiền thứ hai. Đối với pháp giác quán thô, giữ niệm tư duy, biết được giác là tai họa, nên không giác, ít quán, hướng đến thiền thứ hai, như vậy thứ tự đạt đến thiền thứ năm. Vì thế nói có năm thiền.

Lại nữa, định có năm loại: Nghĩa là năm phần chánh thọ: Tức là đầy đủ hỉ, đầy đủ lạc, đầy đủ tâm, đầy đủ ánh sáng, đầy đủ các tưởng quán sát. Đối với thiền thứ nhất, thiền thứ hai thì đầy đủ hỉ. Thiền thứ ba đầy đủ lạc. Đối với tha tâm trí gọi là đầy đủ tâm. Đối với thiên nhãn thông gọi là đầy đủ ánh sáng. Từ những định ấy, phát khởi trí tuệ quán sát gọi là tưởng quán sát.

Lại nữa, định có năm loại: Nghĩa là năm loại trí chánh định. Phước báo của các định này hiện tại và vị lai đều được an lạc. Dựa vào thân trí tuệ phát khởi định này, là chỗ hiện hành của bậc Thánh không còn phiền não. Định này của bậc trí tu tập, tĩnh tịch, an lạc, dựa vào đó mà chứng đắc vô song, không thuận theo sanh tử. Định này an lạc, vắng lặng tối thượng, do đấy mà thành tựu nhất tánh, mình chẳng phải thuận theo sanh tử. Định này luôn nhớ nghĩ nhập và xuất, nương vào thân mà phát sanh trí tuệ.

Lại nữa, đã phân biệt được hành và xứ rồi, lại phân biệt sự tu tập và các bậc thượng, trung, hạ, do như thế, nên định có nhiều loại. Phải biết tất cả các định đều thâu tóm trong bốn định.

 

Phẩm 5: TÌM THIỆN TRI THỨC

Hỏi: Bấy giờ, do đâu mà định khởi?

Đáp: Nếu người mới thực hành thiền định, muốn sanh thiền định, nên tìm bậc thiện tri thức thù thắng. Vì sao? Vì người mới thực hành thiền định muốn sanh thiền định, để đạt định tối thắng, nếu xa lìa bậc thiện tri thức, thì thành không an trú. Như Khế kinh dạy: Tỳ-kheo Hữu Vân bị thối chuyển. Như người một mình đi đến nước xa, không có người chỉ dẫn, tùy ý mình mà đi. Như voi không có móc sắt. Nếu người mới ngồi thiền, thực tập theo sự tu hành, được bậc thiện trí thức dạy dỗ các giáo pháp, khiến tóm thâu tất cả, do được chỉ bày nên trừ bỏ các hoạn nạn, đạt được pháp thiện. Từ lời giảng dạy mà siêng năng thực hành khổ hạnh, để đạt được định tối thắng. Như chủ buôn giàu có, được nhiều người kính quý. Như người hiền thiện. Như cha mẹ thân thuộc. Thiện tri thức như dây trói buộc voi, khiến không còn loạn động. Như người lái xe, điều khiển đi hay dừng. Như người cầm tay lái gặp được con đường tốt. Như vị thầy thuốc trị bịnh hết mọi sự khổ. Như cơn mưa thấm ướt các hạt giống. Như mẹ nuôi con. Như cha dạy con. Như thân cận không khó khăn. Như bạn tốt được lợi ích. Như thầy dạy giới. Tất cả pháp thiện đều nương vào đó mà thành tựu viên mãn.

Do đó, đức Thế Tôn dạy Tôn giả Nan-đà: Tất cả phạm hạnh đều được gọi là bậc thiện tri thức. Thế nên cần tìm người thắng thiện, làm người bạn tốt. Thế nào là bậc thiện tri thức thù thắng? Tức là người thành tựu, hiểu rõ kinh, luật, luận, làsở đắc thành tựu thấu rõ chủng tử nghiệp, chứng đắc thần thông thiện, thấy được Bốn đế. Hai hạng người này đã thành tựu công đức, là bậc cần tìm đến. Nếu người không thành tựu hai loại công đức này, mà thành tựu bảy phần thiện tri thức, thì cũng nên tìm tới. Bảy phần là gì? Đó là đáng kính yêu, đáng tôn trọng, đáng quý mến, có khả năng giảng thuyết, chịu đựng lắng nghe, nói lời sâu xa, không ở nơi chẳng phải nơi trú. Thế nào là đáng kính yêu? Là dựa vào hai loại hành: khéo giảng nói, cùng sống chung, mà tâm an vui, giải thích nghĩa không trở ngại. Đây gọi là đáng kính yêu. Đáng tôn trọng là giới hạnh thanh tịnh, giữ gìn chánh niệm thành tựu, không tham muốn cũng không nói nhiều. Đây gọi là đáng tôn trọng. Đáng quý mến là thành tựu công đức văn tuệ, hiểu biết hành thiền đáng quý mến. Đây gọi là đáng quý mến. Có khả năng giảng thuyết là lời nói của mình làm người đáng kính yêu, đáng tôn trọng, đáng quý mến, có kết quả tư duy như vậy, thì tạo lợi ích cho người. Tôn trọng pháp, nên đối với những sai trái có thể sửa đổi, điều phục, giữ gìn không xả bỏ. Đây gọi là khả năng giảng thuyết. Chịu đựng lắng nghe là có thể hiểu rõ, không bị vướng mắc vào những lời thêu dệt, thông tỏ tất cả, như bậc Hiền Thánh. Đây gọi là chịu đựng lắng nghe. Lời nói sâu xa là thông suốt tất cả chỗ tạo tác. Hoặc phân biệt, về tưởng nhớ nghĩ tác ý, an ổn chấp trước đều do chấp tướng, hoặc khéo giảng thuyết về như pháp không như pháp, phiền não, chấp tướng cho đến khả năng diệt trừ hết thảy. Đây gọi là lời nói sâu xa. Không ở nơi chẳng phải chỗ trú là chỗ ở của dòng họ, quê quán danh tiếng, đó chẳng phải là nơi trú, nên lánh xa. Nếu những nơi thích hợp, việc tu tập khiến được an ổn, là nơi nên trú. Đây gọi là không ở nơi chẳng phải chỗ trú. Do thành tựu bảy phần này nên gọi là thiện tri thức đáng tìm đến.

Hỏi: Thế nào là nên tìm?

Đáp: Nếu biết trú xứ tên… là nơi thành tựu các công đức đáng tôn trọng, nếu có thiền sư, thì cần phải đến vị ấy. Nếu mình không biết chỗ khác, mà bạn biết, thì cần tới gần gũi. Khi đã biết rồi, mà chưa đúng thời như pháp, trình bày những ý mình chưa rõ, ra sức hỏi thăm chỗ ở, dò hỏi để đến đó. Có thiền sư, có chúng hành Thiền, có chúng an trú ở đâu, tại nước nào? Nếu đến chỗ ấy, được công đức gì, hết thảy đều phải tôn quý, cần nên hỏi cặn kẽ như vậy. Người bạn trả lời: Thiền sư tên… chúng hành thiền tên… chúng an trú tên… ở nơi… tại nước… là chúng đáng tôn kính. Khi biết rồi, rất vui mừng, nên tới nơi ấy, gần gũi để tu tập. Sửa sang y phục, đến chỗ Hòa thượng trình thưa chí nguyện ưa thích của mình. Hòa thượng cho phép mình, thì mình nên đến kia gần gũi vị thiền sư. Hòa thượng đã đồng ý, trả lời “Lành thay”, thì mình cũng tùy hỷ theo Thiện tri thức ấy. Đây gọi là vị thiện tri thức cùng an trú và tu tập, theo pháp mà tu hành. Nếu chỉ thấy, nghe mà được lợi ích lớn, huống nữa là cùng an trú. Ngươi nên đến đó, đã an trú thì nên cẩn thận chớ buông lung. Nếu chính là bậc thiện tri thức, thì ta cần phải siêng năng tu tập, hoặc chỉ một lát, hoặc tất cả thời gian, gia tăng tín tâm chí thành tôn kính khéo giữ gìn thân, miệng, ý để hiểu rõ mà tu hành, sẽ được thành tựu. Mọi việc đều nương vào vị thầy, chớ sanh tâm khinh lờn. Như thiếu nữ nhỏ ở với cha mẹ chồng, nên sanh tâm hổ thẹn, lắng nghe lời dạy bảo. Nếu thấy đệ tử không có y áo, thuốc thang, thì khi đến đó, nên theo pháp mà lo liệu, giảng dạy giáo pháp, đến việc kinh hành, ngồi thiền đều là pháp thiện. Khi gặp vị ngồi thiền, nên sửa sang y áo ngay ngắn, cung kính đi quanh, đảnh lễ sát chân. Lúc đi giữa đường, hoặc ngoài vườn mà bị bùn dơ, hãy đến chỗ thầy đem các vật như y, bát, dép, tọa cụ… rửa sạch, đặt nơi cao ráo, không để gần nước, giặt rửa không có tiếng, nếu giặt rửa rồi, nên xếp y áo ngay thẳng. Khi đem y Uất-đa-la tăng, y, bát, tọa cụ nên mang trên vai phải. Y Tănggià-lê cũng mang trên vai phải. Nếu vào chùa tháp, nên cúi đầu nhiễu quanh. Nếu gặp Tỳ-kheo đang ở thì thưa hỏi: Ở đây có người ngồi thiền, không có người mang y phẩn tảo, không có người khất thực, không có luật sư, không có thì ở nơi nào? Đi đến đâu? Nói có thì nên ở, nếu không có người mà có luật sư mình cũng nên ở. Lại không có luật sư mà có vị Thượng tọa nào đó thì cũng nên ở. Nếu vị Thượng tọa đại Tăng đỡ y bát của mình thì không nên để làm. Nếu người nhỏ khác thì cho làm. Nếu không có người nào thì đặt vào một nơi. Nếu thấy vị Thượng tọa thì nên lễ bái sát chân. Nếu Tỳ-kheo cựu trú đang ngồi, cần nước và tẩy rửa thì phải nên như pháp cung cấp. Đến gần vị ấy, nghỉ một tí, rồi đặt bát xuống ở một nơi dễ trông thấy. Thưa hỏi về nội tình của Tăng chúng. Khi mặt trời sắp lặn nên đi kinh hành trong chùa. Nếu thấy luật sư thì cùng thưa hỏi sự nghi ngờ về phạm tội hay không phạm tội. Nếu gặp luận sư thì nên tu tập về tuệ, thưa hỏi về nghiệp Ấm, Giới và Nhập. Nếu thấy người hành đầu đà thích hợp với tuệ thì nên hỏi công đức của hạnh đầu đà. Nếu trú ở đó thì mỗi ngày thường đến để thưa hỏi. Nếu muốn đi nên mang túi ngọa cụ, làm lễ đại Tăng thưa, đi đến nơi nào đấy. Đây là pháp Tỳ-kheo khách thường làm. Đến ở vị thiền sư nào thì phải gần gũi. Vị thiền sư đó tuy nhỏ nhưng mình cũng thay người đở lấy y, bát. Pháp thiền sư dù đáng làm và không đáng làm ta cũng không nên mới đến liền bỏ đi, mà trước phải tu tập. Nếu muốn dạy bảo người, trước hết phải biết, học ngồi thiền, sau đó mới thực hành. Xem xét nơi để đặt y bát. Tạm nghỉ phải biết thời để gần gũi cung kính lễ bái thiền sư. Yên lặng một lúc để ngồi thiền. Nếu thiền sư có hỏi chỗ mong cầu nên thưa sự mong muốn của mình. Nếu không hỏi thì không nên thưa. Từ đây trở về sau cung cấp tăm xỉa răng, nước rửa… Cần thỉnh cầu vị thầy y chỉ để tu tập. Nếu đến thời gian khất thực thì tới thưa hỏi vị A-xà-lê đúng như pháp mà hành. Đến giờ thọ thực, nên rửa chân, sắp xếp chỗ ngồi và dâng bát cho vị A-xà-lê. Mình tự lấy bát để ăn. Nên hỏi vị A-xà-lê nhận nhiều hay ít, rồi đặt bình bát mình ngang hàng với đệ tử, tuân giữ những việc như vậy thì không khó khăn. Lúc thọ thực xong, mang bát A-xà-lê rửa. Đến lúc nghỉ phải biết thời gần gũi cung kính lễ bái. Yên lặng một lúc, rồi ngồi thiền. Nếu vị A-xà-lê hỏi thì tùy theo chỗ ưa thích mà thưa trình; nếu không hỏi thì nên lễ bái, xin thỉnh vị A-xà-lê để thưa trình: Từ lâu con muốn thưa hỏi, nếu thầy cho phép tùy ý hỏi. Nếu A-xà-lê cho phép thì nên hỏi tất cả. Nếu không thưa hỏi, lễ bái A-xà-lê thì chọn thời gian thích hợp để nói lý do mà mình đến, nguyện xin A-xà-lê cho phép thưa hỏi. Nếu A-xà-lê đồng ý thì trình bày tất cả chỗ ưa thích của mình. Vị A-xà-lê đồng ý, dạy bảo như pháp thì mình nên tiếp nhận, thọ trì. Do vậy, đức Thế Tôn nói kệ:

Giữ đúng thời để thân cận người (Thiện tri thức)
Khiến cho tâm không còn kiêu mạn
Theo phạm hạnh thường hộ trì pháp
Ví như cây lặng chẳng gió lay
Theo vậy mà niệm pháp tu hành
Và thích pháp tự vui với pháp
An trú pháp mà phân biệt pháp
Nên nói lời pháp như chân thật
Không nên nói lời che bai pháp,
Và thêu dệt: buồn, vui, giỡn, giận
Cũng chớ buông lung, hờn dỗi, oán hận
Cùng với tham, kiêu mạn, ngu si,
Luyến ái, ô nhiễm và độc ác…
Mọi thứ… đều tu hành điều phục hết.
Hiểu nghĩa, giữ lấy không tự cao
Biết thiện thành thật lời không dối
Vì quyết định biết, nghe ấy thật.
Nếu người như vậy, liền buông lung,
Thì văn tuệ chẳng thể tăng trưởng
Nếu người ấy biết rõ chánh pháp
Thì trời người thảy đều cung kính,
Cung kính rồi thành tựu tín tâm,
Nghe pháp nhiều, có thể hộ pháp.
Khiến chứng pháp đã nghe vốn thích.
Những công đức rõ ràng như thế
Tùy thuận pháp mà thường tu hành,
Sẽ thường sinh hiểu rõ thắng, diệu
Thành tựu người có đủ trí tuệ.
Nếu có vị thầy đạt như thế
Nên theo tu, chẳng thể buông lung!