LUẬN GIẢI THOÁT ĐẠO
Tác giả: A-la-hán Ưu Ba Để Sa. (Đại Quang)
Hán dịch: Đời Lương, đại sư Tăng Già-bà-la, người Phù Nam
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 1

Phẩm 1: NHÂN DUYÊN

Kính lễ đức Thế Tôn, bậc Ứng cúng, Chánh biến tri

Giới, Định, Trí tuệ
Giải thoát Vô thượng
Tùy giác pháp này
Hữu xưng Cù Đàm.

Nếu người đã thoát các nạn xa lìa được các chấp, thành tựu tâm thù thắng, sợ sanh, già, chết, thích thiện, giải thoát, chưa đạt được Niết bàn cũng khiến được đầy đủ. Học hỏi nhiều thì khiến cho đạt được an lạc Niết-bàn, chưa đến bờ bên kia của sinh tử cũng khiến cho đầy đủ, học hỏi về Kinh, Luật, Luận. Nay tôi sẽ giảng thuyết đạo giải thoát này.

Hãy lắng nghe kỹ !

Hỏi: Thế nào là giới?

Đáp: Giới là nghĩa oai nghi. Định là không tán loạn. Tuệ là tri giác (hiểu biết rõ). Giải thoát là nghĩa lìa khỏi trói buộc. Vô thượng là nghĩa Vô lậu. Tùy giác là hiểu biết đạt được. Pháp này nghĩa là bốn pháp Thánh. Cù Đàm là dòng họ. Hữu xưng nghĩa là Thế Tôn. Do công đức thù thắng của giới, định, tuệ đạt được tối thắng gọi là Vô lượng. Đạo giải thoát nghĩa là gì? Giải thoát là có năm loại giải thoát: Giải thoát

Điều phục, Giải thoát Bỉ phần, Giải thoát Đoạn, giải thoát Ỷ, giải thoát Ly.

Thế nào là giải thoát Điều phục? Hiện tại tu tập thiền thứ nhất chế ngự được các triền cái. Đây là giải thoát Điều phục.

Giải thoát Bỉ phần là hiện tại tu tập chứng đắc các kiến giải thoát của định phần. Đây là Giải thoát Bỉ phần.

Giải thoát Đoạn là tu tập đạo xuất thế gian có khả năng diệt trừ các kiết sử. Đây là nghĩa giải thoát Đoạn.

Giải thoát Ỷ là như chứng đắc được quả thì tâm nhẹ nhàng an vui. Đây là Giải thoát Ỷ.

Giải thoát Ly là Niết bàn Vô dư. Đây là Giải thoát Ly. Giải thoát Đạo này vì được giải thoát. Đạo đầy đủ là dùng giới định tuệ, tức là đạo giải thoát. Đạo giải thoát ấy, nay tôi sẽ giảng nói.

Hỏi: Lấy gì cho là đạo giải thoát?

Đáp: Có người thiện thích được giải thoát, nhưng không nghe nói giải thoát, lại không có giải thoát điều phục giải thoát, điều phục không chân chánh. Ví như người mù, không người dẫn đường, một mình đến nước xa, thì chỉ bị khổ trói buộc, không được giải thoát . Muốn được giải thoát mà không gì có làm nhân. Vì sao? Vì giải thoát chính là nhân. Như Đức Phật đã dạy: Nếu có chúng sanh bị phiền não rất vi tế, mà không nghe pháp, thì cuối cùng cũng bị thối lui. Đức Phật lại dạy: Các Tỳkheo có hai nhân, hai duyên có thể sanh chánh kiến. Hai nhân duyên đó là: Một là nghe từ người khác, Hai là tự mình chánh niệm. Vì thế gọi là giải thoát. Không có điều phục giải thoát : vì sanh tâm chán lìa, nên gọi là giải thoát. Giải thoát điều phục không chân chánh: vì diệt trừ đạo không chân chánh, để đạt được đạo thiền định giải thoát, do đó gọi là giải thoát. Như người đi xa gặp người dẫn đường giỏi, ấy là điều phục đạo giải thoát.

Ba ấm đầy đủ. Những gì là ba? đó là: Giới ấm, Định âm và Tuệ ấm.

Thế nào là Giới ấm. Nghĩa là thuộc về các chi Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, hoặc Giới ấm có đủ các tụ công đức giới.

Thế nào là Định ấm? Là Chánh tinh tấn, Chánh niệm cùng Chánh định và các loại định được tóm thâu trong thuộc về Định ấm, hoặc có đầy đủ tụ công đức định.

Thế nào là Tuệ ấm? Là thuộc về các chi Chánh kiến và Chánh tư duy, hoặc có đầy đủ tụ công đức Tuệ. Ba ấm này thành tựu viên mãn thì có thể điều phục chứng được đạo giải thoát. Cần phải học ba học: Là Giới học tăng thượng, Tâm học tăng thượng, Tuệ học tăng thượng. Có Giới, có Giới học tăng thượng. Có Định có Tâm học tăng thượng. Có Tuệ thì có Tuệ học tăng thượng.

Lại nữa, có Giới là giới học. Có giới là giới học tăng thượng. Có định là tâm học. Có định là tâm học tăng thượng. Có tuệ là tuệ học. Có tuệ là tuệ học tăng thượng.

Hỏi: Thế nào là Giới học?

Đáp: Giới hữu tướng gọi là Giới học, tức đạt được phần giới của phần vị Thông đạt (Kiến đạo) gọi là Giới học tăng thượng. Lại nữa, giới của phàm phu gọi là giới học, giới của bậc Thánh gọi là giới học tăng thượng.

Hỏi: Thế nào là Tâm học?

Đáp: Đó là Định của cõi Dục.

Hỏi: Thế nào là Tâm học tăng thượng?

Đáp: Định của cõi Sắc và Vô sắc. Đây gọi là tâm học tăng thượng. Lại nữa, định hữu tướng là tâm học, định của phần thông và đạt định của Đạo (Tu đạo), đó gọi là Tâm học tăng thượng.

Thế nào là Tuệ học? Trí tuệ thế gian gọi là tuệ học. Trí tương tự Bốn đế và trí Đạo, gọi là tuệ học tăng thượng. Như Đức Phật vì người căn tánh thấp kém mà giảng thuyết Giới học tăng thượng; vì người trung căn mà thuyết giảng Tâm học tăng thượng, vì hạng người căn tánh lanh lợi mà thuyết giảng Tuệ học tăng thượng.

Hỏi: Học là nghĩa thế nào?

Đáp: Học là có thể học, học về tăng thượng học, học vô học, gọi là học. Như vậy, học về ba thứ học này, đó là đạo giải thoát điều phục, nhờ ba loại học mà đạt được thanh tịnh, tức giới thanh tịnh, tâm thanh tịnh, kiến thanh tịnh. Đối với giới ấy là giới thanh tịnh, định là tâm thanh tịnh, tuệ là kiến thanh tịnh. Giới là tẩy trừ cấu uế của phạm giới. Định là tẩy trừ cấu uế của trói buộc, gọi là tâm thanh tịnh. Tuệ là xua tan hết cấu uế của vô tri, gọi là kiến thanh tịnh.

Lại nữa, giới diệt trừ cấu uế của nghiệp xấu ác. Định diệt trừ cấu uế của phiền não trói buộc. Tuệ diệt trừ cấu uế của kiết sử. Do đó, vì ba thanh tịnh, nên chính là đạo giải thoát điều phục. Lại dùng ba thứ thiện làm đạo điều phục: Nghĩa là đầu, giữa, cuối đều thiện, tất cả lấy giới làm đầu, lấy định là giữa và tuệ là sau cùng. Vì sao giới là thiện đầu tiên? Người có tinh tấn thì thành tựu không thối chuyển, do không thối chuyển nên hoan hỷ. Vì hoan hỷ nên vui mừng, hớn hở bộc phát. Vì vui mừng hớn hở bộc phát nên thân khinh an. Do khinh an nên an lạc, do an lạc nên tâm định. Đấy gọi là thiện ban đầu.

Định là thiện ở giữa, do định nên thấy biết đúng như thật. Đấy gọi là thiện ở giữa.

Tuệ là thiện sau cùng: là do đã thấy biết đúng như thật, nên nhàm chán tai họa. Do nhàm chán tai họa nên xa lìa tham dục. Do xa lìa tham dục nên đạt được giải thoát. Do giải thoát nên biết được chính mình. Như thế là đạo thành tựu được ba thiện. Đạo giải thoát đã điều phục thì đạt được ba thứ an vui. Đó là an lạc không có lỗi lầm, an lạc vắng lặng và an lạc chánh giác. Đấy là do giới mới đạt được an lạc không lỗi lầm. Do định đạt được định vắng lặng. Do tuệ nên được an lạc nhận biết đúng đắn (chánh giác). Như vậy, thành tựu ba thứ an lạc tức là đạo giải thoát điều phục. Hơn nữa, còn lìa nhị biên, đạt được trung đạo đầy đủ. Do giới này mà khéo diệt trừ đựơc các tham dục chấp trước, đối với sự an lạc không lỗi lầm tâm tình sanh vui thích. Nhờ định nên trừ bỏ thân thể suy yếu, đối với sự an lạc vắng lặng càng tăng thêm hỷ lạc. Do tuệ nên nhận biết về Bốn đế, trung đạo đầy đủ, đối với an lạc chánh giác càng thêm yêu thích sâu xa. Như thế xa lìa hai biên, đạt trung đạo đầy đủ, chính là đạo giải thoát điều phục. Lại nữa, nhờ giới mà dứt trừ được cõi ác. Nhờ định vượt khỏi cõi dục. Nhờ tuệ mà dứt trừ tất cả cõi. Ở nơi giới tu tập nhiều, đối với định và tuệ thì tu tập ít, thì chứng đắc quả Tuđà-hoàn, Tư-đà-hàm. Ở nơi giới và định tu tập nhiều, mà ít tu tập tuệ thì đạt được quả A-na-hàm. Nếu tu tập cả ba thứ viên mãn thì chứng đắc quả A-la-hán giải thoát Vô thượng.

 

Phẩm 2: PHÂN BIỆT GIỚI

Hỏi: Thế nào là giới? Thế nào là tướng? Thế nào là vị? Thế nào là khởi? Thế nào là túc xứ? Thế nào là công đức? Thế nào là nghĩa của giới và thực hành giới? Thế nào là sai biệt? Có bao nhiêu giới? Do đâu mà sanh khởi? Giới nào là đầu, giữa và cuối? Có bao nhiêu pháp làm chướng ngại đạo giới? Có bao nhiêu nhân của giới? Có bao nhiêu loại giới? Làm thế nào khiến cho giới được thanh tịnh? Có bao nhiêu nhân để an trú nơi giới?

Đáp: Thế nào là giới? Nghĩa là giới Tư, giới Oai nghi và giới Không vượt.

Thế nào là giới Tư? Là (suy nghĩ) ta không làm điều ác, nếu tạo tác thì tự lãnh chịu.

Thế nào là giới Oai nghi? Là xa lìa sự phạm giới. Thế nào là giới không vượt? Là nếu người có giới thì thân miệng không phạm lỗi. Lại nữa, nghĩa đoạn trừ là oai nghi; tất cả các pháp thiện là giới. Như luận A-tỳ-đàm dạy: Nhờ pháp xa lìa mà đoạn trừ được các dục. Giới này có thể xa lìa việc ác bằng giới Tư, giới Hộ và giới Oai nghi. Do không sân giận, nên đoạn trừ sân giận. Do tướng ánh sáng, nên dứt trừ thùy miên. Do không tán loạn, nên dứt bỏ được trạo cử. Do thấu tỏ pháp nên phát khởi đoạn trừ những nghi, hối. Do trí tuệ, nên dứt hẳn vô minh. Do hỷ nên đoạn trừ tâm không được vui. Do chứng đắc thiền thứ nhất, nên đoạn trừ năm triền cái. Do chứng đắc thiền thứ hai, nên dứt trừ giác quán. Do chứng đắc thiền thứ ba, nên đoạn trừ hỷ. Do chứng đắc thiền thứ tư, nên đoạn trừ lạc. Do nhập vào định Không nên đoạn trừ các tưởng về sắc, cho đến sân giận và các loại tưởng. Do nhập vào định Thức nên đoạn trừ hư không. Do định Vô sở hữu, nên dứt trừ các tưởng trong thức nhập. Do chứng đắc định Phi tưởng phi phi tưởng, nên đoạn trừ Vô sở hữu xứ. Do thấy rõ vô thường, nên đoạn trừ tưởng thường. Do thấy khổ nên đoạn trừ tưởng về vui. Do thấy được vô ngã, nên đoạn trừ tưởng về ngã. Do thấy rõ bất tịnh nên đoạn trừ tưởng Tịnh. Do biết được những lỗi lầm tai họa nên đoạn trừ tưởng tham ái. Do biết được không nhiễm, nên dứt trừ các tưởng tham dục. Do hiểu được Diệt, nên dứt hẳn Tập. Do thấy rõ sự mong manh, nên đoạn trừ chấp vững chắc. Do thấy được sự phân tán, nên đoạn trừ chấp tích tụ. Do thấy được sanh diệt, nên đoạn trừ tưởng thường. Do hiểu được không tướng, nên đoạn trừ tướng. Do thấy “không có sự tạo tác, nên dứt trừ sự tạo tác. Do thấy “không”, nên đoạn trừ nhập. Do hiểu được tuệ tăng thượng, nên đoạn trừ các thứ chấp trước. Do thấy biết như thật, nên đoạn trừ chấp vô minh. Do thấy được lỗi lầm tai họa, nên dứt trừ sự nắm giữ. Do thấy rõ quán nên dứt trừ không quán xét. Do thấy rõ sự chuyển, tan nên đoạn trừ chấp về hòa hợp. Do chứng đắc đạo quả Tu-đà-hoàn, nên dứt trừ một phần phiền não. Do chứng đắc quả Tư-đà-hàm, nên đoạn trừ các phiền não thô của kiến chấp. Do chứng đắc quả A-na-hàm, nên đoạn trừ các phiền não vi tế. Do chứng đắc quả A-la-hán, nên dứt sạch các phiền não. Đây gọi là giới Không vượt, giới Tư, giới Hộ, giới Oai nghi, cũng gọi là giới.

Thế nào là tướng của giới ? Là oai nghi trừ bỏ Không oai nghi.

Hỏi: Thế nào gọi là Không oai nghi?

Đáp: Nghĩa là pháp phá hoại. Pháp phá hoại có ba loại:

  1. Pháp phá hoại Ba-la-đề-mộc-xoa.
  2. Pháp phá hoại duyên.
  3. Pháp phá hoại căn.

Thế nào là pháp phá hoại Ba-la-đề-mộc-xoa? Nghĩa là không biết hổ, không thẹn, lìa xa đức tin đối với Như lai.

Thế nào là pháp phá hoại duyên? Là xa lìa sự biết đủ về các duyên nuôi dưỡng thân mạng và bồi bổ cho hình tướng tương ưng.

Thế nào là pháp phá hoại căn? Vì không khép kín sáu căn, xa lìa niệm tuệ. Do ba điều ngăn che này, nên không có oai nghi. Đấy gọi là tướng của giới.

Thế nào là Vị, thế nào là Khởi và thế nào là chỗ đầy đủ? An lạc trong không lỗi lầm là vị. Không lo buồn là khởi. Thực hành ba việc thiện là chỗ đầy đủ. Lại nữa, vui thấy hơn hẳn là vị, không hối hận là khởi, che giữ các căn là chỗ đầy đủ.

Thế nào là công đức của giới? Không hối tiếc là công đức giới. Như đức Thế Tôn bảo Tôn giả A-nan: Không hối tiếc về giới thiện nghĩa công đức. Lại nữa, gọi giới là an lạc trong không lỗi lầm, là trên hết chúng sanh, là tài sản được giàu sang, là chỗ được quả vị của Phật, là sự tắm rửa không cần nước, là hương thơm tỏa khắp, là ảnh theo hình, là dù che phủ, là Thánh chủng, là môn học Vô thượng, là con đường đi tới cõi thiện. Người có giới, vì có giới nên được thành tựu những việc không sợ hãi, tiếng tăm tốt, được bạn thân, Thánh nhân gần gũi thương yêu, là nơi nương tựa của bạn lành, là sự trang nghiêm tốt đẹp, là nắm giữ các hạnh, là nơi chốn của các công đức, là nơi chốn cúng dường, là trụ xứ của bậc đồng học đáng quý, nơi các pháp thiện không lo sợ, không thối lui, thành tựu tất cả ý nguyện được thanh tịnh, thế nên tuy chết mà vẫn không mất, đạt được các phương tiện an lạc giải thoát điều phục. Như vậy, có vô lượng công đức về giới.

Giới là nghĩa thế nào?

Đáp: Nghĩa là mát lạnh, là tăng thượng, là hành, là tự tánh, là tương ưng với tánh khổ vui. Lại nữa, nghĩa là đầu, nghĩa là mát, nghĩa là an ổn. Vì sao gọi đầu là nghĩa của giới?

Đáp: Như người không có đầu, tất cả căn không nắm giữ được các trần cảnh, lúc ấy gọi là chết. Vì thế Tỳ-kheo lấy giới làm đầu. Nếu đầu đã bị đoạn thì mất hết các pháp thiện, ở trong pháp của Phật gọi là chết. Do đó, đầu là nghĩa của giới.

Vì sao gọi trong mát là nghĩa của giới? Như xoa chiên đàn mát lạnh, thượng hạng vào thân, thì hết nóng bức, được an vui. Như thế, giới tức là chiên đàn mát lạnh thượng hạng, có thể tiêu trừ tâm nóng bức, lo sợ phá giới, được an lành. Do đó, mát là nghĩa của giới.

Vì sao gọi khinh an là nghĩa của giới?

Đáp: Nếu người có giới, phong cách, oai nghi tề chỉnh, sẽ không sanh lo sợ. Do đó, an ổn là nghĩa của giới.

Thế nào là hành sai biệt? Tu hành tinh tấn, thọ trì hạnh đầu đà, tức là hành chẳng phải giới, giới cũng gọi là hành. Giới là oai nghi, thọ cũng gọi là hành.

Có mấy loại giới? Có ba loại, đó là: Giới thiện, giới bất thiện và giới vô ký. Thế nào là giới thiện? Là nghiệp thân, khẩu thiện và chánh mạng, không có những lỗi lầm, được quả báo khả ái.

Thế nào là giới bất thiện? Là nghiệp thân, khẩu ác và tà mạng, có nhiều tai họa, nên quả báo không vừa ý. Thế nào là giới vô ký? Là nghiệp vô lậu ở thân, khẩu và mạng thanh tịnh, không có những tai họa, cũng không có quả báo.

Thế nào là giới sanh khởi? Tâm thiện thì sanh khởi giới thiện. Tâm bất thiện thì sanh khởi giới bất thiện. Tâm vô kí thì sanh khởi giới vô kí.

Thế nào là giới đầu, giữa và cuối? Thọ giới là đầu, không trái vượt là giữa, hoan hỷ là sau. Có mấy pháp chướng ngại, có mấy nhân của giới?

Đáp: Có ba mươi bốn pháp là đạo chướng ngại, có ba mươi bốn pháp là nhân của của giới. Đó là: Phẫn, não, phú, nhiệt, xan, tật, huyễn, siểm, hận, cạnh, mạn, tăng thượng mạn, ngạo mạn, buông lung, biếng nhác, tham dục, không biết đủ, không trí tuệ, không chánh niệm, nói lời ác, bạn ác, trí thấp hèn, hiểu biết sai lầm, không nhẫn, không tin, không hổ, không thẹn, mưu cầu về thân khẩu vị, đùa cợt gần gũi với người nữ; không cung kính thầy; không thâu giữ các căn; đầu, giữa, cuối đêm ăn uống không điều độ, lười nhác không tụng kinh, ngồi thiền. Ba mươi bốn pháp này làm chướng ngại đạo. Cứ mỗi thứ làm chướng ngại thì giới không viên mãn. Nếu không được viên mãn, chắc chắn bị thối lui.

Nếu trái với ba mươi bốn pháp ấy, gọi là nhân của giới. Giới có mấy loại? Có hai loại, ba loại và bốn loại.

Những gì là hai? Là giới tánh và giới chế. Vì đối tượng hành động của thân khẩu, nên Đức Phật quyết định đoạn trừ không cho hiện hành, gọi là giới tánh. Vì Thân, khẩu, có thể gây tạo nên Đức Phật quyết định đoạn trừ không cho gây tạo, gọi là giới chế. Giới tánh do tín, tinh tấn làm cho đầy đủ. Giới chế là do tín, niệm thọ trì làm cho đầy đủ.

Lại nữa, giới có hai loại là giới thối và giới đắc. Thế nào gọi là thối? Là có thể diệt trừ, giới sai trái. Thế nào gọi là đắc? Là đạt được các pháp thiện. Trừ bỏ các giới sai trái như đoạn trừ ảo ảnh. Do đoạn trừ giới sai trái nên xa lìa các nẻo ác. Do được giới chơn chánh có khả năng hướng tới đường thiện. Do đoạn trừ giới sai trái mà an trú thành tựu nơi các phần vị.

Lại nữa, giới có hai loại: Giới thế gian và giới xuất thế gian. Thế nào là giới xuất thế gian? Là giới của đạo quả bậc Thánh đạt được, gọi là giới xuất thế gian, còn lại là giới thế gian. Vì thành tựu được giới thế gian nên có giới đầy đủ. Vì thành tựu được giới xuất thế gian nên có giới giải thoát.

Lại nữa, giới có hai loại: Giới hữu lượng và giới vô lượng. Giới không đầy đủ là giới hữu lượng. Nếu giới đầy đủ do Đức Phật chế ra để đoạn trừ, gọi là giới vô lượng.

Lại nữa, giới có hai loại: Giới hữu biên và giới vô biên. Thế nào là giới hữu biên? Nếu người vì lợi ích của thế gian, vì sự tốt đẹp, vì bạn thân, vì thân, vì mạng, vì sự nương tựa để vượt hơn, mà hành trì nhận giữ giới, thì mọi lợi dưỡng về giới của họ là biên, tiếng khen là biên, có thân là biên, có mạng sống là biên. Thế nào là vô biên? Tỳ-kheo vì lợi ích của xuất thế gian vì sự thù thắng, vì thân, vì mạng như pháp lãnh thọ giới, tâm không dấy khởi việc phạm giới, huống gì là phạm giới. Đây gọi là giới vô biên.

Lại nữa, giới có hai loại: Hữu y và vô y (dựa vào hữu lậu và vô lậu). Thế nào là hữu y? Giới tương ưng với nơi yêu thích. Giới trộm cắp tương ưng với giới là chỗ dựa của kiến. Giới tự tương ưng với tự khen mình chê người là dựa vào mạn. Đây gọi là giới hữu y. Nếu thành tựu những công dụng hỗ trợ của giải thoát, gọi là giới vô y. Giới hữu y chẳng phải là sự an lạc của bậc trí. Giới vô y chính là sự an lạc của bậc trí.

Lại nữa, giới có hai loại: Giới sơ học của phạm hạnh và giới vi tế. Thế nào là giới ban đầu của phạm hạnh? Là giới bao gồm Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng. Đây gọi là giới ban đầu của phạm hạnh, còn các học giới khác với đây gọi là giới khinh.

Lại nữa, giới có hai loại: Hữu tâm tương ưng và vô tâm tương ưng. Thế nào là hữu tâm? Là những vị mới học phạm hạnh. Thế nào là vô tâm? Nghĩa là các giới khinh còn lại. Thanh văn đối với giới ban đầu của Phạm hạnh, thì kiên trì tăng trưởng giới. Những giới khinh được phạm được dấy khởi. Vì sao? Vì Đức Phật không nói đó là chướng ngại giải thoát.

Lại nữa, giới có hai loại: Đó là giới không phạm và giới thanh tịnh. Thế nào là không phạm? Nghĩa là giới của Thanh văn. Thế nào là giới thanh tịnh? Là giới của Đức Phật và Duyên giác.

Lại nữa, giới có hai loại: Đó là giới thời phần và giới tận hình. Thọ giới trong thời gian ngắn chứ không thọ trọn đời, gọi là giới thời phần. Từ khi mới phát nguyện với thầy cho đến khi qua đời, gọi là giới tận hình. Giới thời phần thì quả báo có thời hạn. Giới tận hình quả báo không có thời hạn.

Những gì là ba? Nghĩa là đình chỉ việc ác không phạm, lãnh thọ không phạm, đoạn trừ không phạm. Thế nào đình chỉ việc ác không phạm? Từ khi chưa thọ cho đến lúc thọ, chẳng phải điều nên làm tâm không dấy khởi phạm, gọi là đình chỉ việc ác không phạm.

Thế nào là lãnh thọ không phạm? Từ khi thọ giới, lãnh nhận đến lúc qua đời không phạm, gọi là lãnh thọ không phạm.

Thế nào là đoạn trừ mà không phạm? Bậc Thánh vì đạo mà đoạn trừ các nhân ác, gọi là đoạn trừ mà không phạm.

Lại nữa, giới có ba loại: Đó là giới xúc, giới không xúc, giới ỷ.

Thế nào là xúc? Tướng hữu vi mới thấy liền ưa thích là xúc, là giới thiện của hàng phàm phu. Tác dụng hỗ trợ vào đạo là giới không xúc. Thế nào là giới ỷ? Là giới của bậc A-la-hán.

Lại nữa, giới có ba loại: Đó là giới y thế, giới y thân và giới y pháp.

Thế nào là giới nương vào thế gian (y thế)? Nếu người thế gian sợ hãi thì sẽ hộ vệ tâm ý của họ, dứt trừ các pháp ác, gọi là nương vào thế gian. Thế nào là giới nương vào thân (y thân)? Nếu người có sự sợ hãi, thì sẽ che chở, thân mạng họ đoạn trừ các pháp ác, gọi là nương vào thân.

Thế nào là giới nương vào pháp (y pháp)? Nếu người kinh sợ, thì sẽ hộ trì họ bằng chánh pháp để đoạn trừ các pháp ác, gọi là nương vào pháp.

Lại nữa, giới có ba loại: Sở nguyện không bình đẳng, sở nguyện bình đẳng và không sở nguyện.

Thế nào là sở nguyện không bình đẳng? Giữ giới làm phiền người khác, gọi là sở nguyện không bình đẳng.

Thế nào là sở nguyện bình đẳng? Thọ giới hiện tại được an vui và vị lai đạt đến giải thoát an lạc, gọi là sở nguyện bình đẳng.

Thế nào là không sở nguyện? Thọ giới không hối hận nơi giới, làm lợi ích cho người khác, gọi là không sở nguyện.

Lại nữa, giới có ba loại: Đó là giới thanh tịnh, giới không thanh tịnh và giới có nghi.

Thế nào là giới thanh tịnh? Nhờ hai nhân duyên mà giới thành thanh tịnh : Một là không phạm, hai là phạm rồi biết ăn năn. Đấy là giới thanh tịnh. Vì hai nhân duyên mà giới thành không thanh tịnh : Một là tự cố tình phạm, hai là phạm rồi không biết ăn năn. Đấy là giới không thanh tịnh.

Thế nào là giới có nghi? Do ba nhân duyên thành có nghi: Một là do không phân biệt nơi chốn. Hai là không phân biệt phạm. Ba là không phân biệt hành động sai. Đấy là giới có nghi. Nếu người ngồi thiền, giới không thanh tịnh, tâm sanh ăn năn hối cải, thì được thanh tịnh an vui. Nếu giới có nghi hoặc, khiến hiện tại biết rõ về tội thì được an vui.

Lại nữa, giới có ba loại. Đó là học, vô học và chẳng phải học chẳng phải vô học.

Thế nào là học? Là giới của bảy hàng hữu học.

Thế nào là vô học? Là giới của bậc A-la-hán.

Thế nào là giới chẳng phải học và vô học? Là giới của hàng phàm phu.

Lại nữa, giới có ba loại. Đó là giới úy, giới ưu, giới si. Thế nào là giới úy? Là có người sợ tội không dám làm việc ác. Đây gọi là giới úy. Thế nào là giới ưu? Là người nghĩ đến sự xa lìa bạn thân mà sanh sầu khổ, do sầu khổ nên không gây tạo việc ác. Đây gọi là giới ưu. Thế nào là giới si? Có người thọ giới của bò, chó. Đây gọi là giới si. Giới si nếu thành thì làm bò làm chó, nếu không thành sẽ rơi vào địa ngục.

Lại nữa, giới có ba loại. Đó là thượng, trung, hạ. Thế nào là giới loại hạ? Là Giới tiếp xúc với thượng phần phiền não, thượng thượng phiền não và đại phiền não, không biết đủ, các pháp nhiễm. Đây gọi là giới loại hạ.

Thế nào là trung? Giới tiếp xúc với phiền não rất vi tế, biết đủ, các pháp nhiễm. Đây gọi là giới loại trung.

Thế nào là thượng? Giới không hề tiếp xúc, biết đủ các pháp nhiễm ô. Đây gọi là giới loại thượng. Thành tựu giới loại hạ thì khiến đạo Người được hoàn bị. Thành tựu giới loại trung thì khiến đạo Trời được hoàn bị. Thành tựu giới loại thượng để được giải thoát.

Lại nữa, giới có bốn loại. Đó là phần thối, phần trụ, phần thắng, phần đạt.

Thế nào là phần thối? Là không từ bỏ những chướng ngại về đạo mà lại xa lìa bậc tinh tấn, biết mà cố tình phạm, phạm rồi che giấu. Đấy là phần thối lui.

Thế nào là phần trụ? Đối với giới đã thành tựu không dấy khởi buông lung, không đạt đến vắng lặng là thành tựu được phần trụ.

Đối với giới, định, đạt đầy đủ không buông lung, không đạt đến vắng lặng là thành tựu được phần thắng. Đối với giới, định, chứng đắc đầy đủ không buông lung, đạt đến vắng lặng là thành tựu được phần đạt.

Lại nữa, giới có bốn loại: Đó là giới Tỳ-kheo, giới Tỳ-kheo ni, giới chưa đầy đủ, giới bạch y. Thế nào là giới Tỳ-kheo? Là Ba-la-đềmộc-xoa và các oai nghi, là giới Tỳ-kheo. Giới Tỳ-kheo ni là Ba-la-đềmộc-xoa và các oai nghi, là giới Tỳ-kheo ni. Mười giới của Sa-di và Sa-di ni, giới của Thức-xoa-ma ni, không phải là giới Cụ túc. Tám giới và năm giới của Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di, gọi là giới tại gia (bạch y).

Lại nữa, Giới có bốn loại: Đó là giới tánh, giới hạnh, giới pháp chí và giới sơ nhân.

Thế nào là giới tánh? Là giới của cõi Uất đơn việt. Đấy là giới tánh.

Thế nào là giới hạnh? Là như các pháp của mỗi bộ tộc, mỗi quốc độ mỗi ngoại đạo. Đấy là giới hạnh.

Thế nào là giới pháp chí? Là giới khi Bồ tát nhập vào thai. Đấy là giới pháp chí (giới tất yếu).

Thế nào là giới sơ nhân? Là giới của Bồ tát và đại Ca-diếp. Đấy gọi là giới sơ nhân.

Lại nữa, có bốn loại giới: Đó là giới giới, giới tập, giới diệt và giới diệt đạo cụ túc?

Thế nào là giới giới? Giới có hai thứ: Giới thiện và giới bất thiện. Đây gọi là giới giới.

Thế nào là giới tập? Là giới thiện tích tập của tâm thiện và giới bất thiện tích tập của tâm bất thiện.

Thế nào là giới diệt? Giới đạt được thiện giới diệt trừ bất thiện chứng đắc diệt của bậc A-la-hán là giới thiện.

Thế nào là giới diệt đạo cụ túc? Đó là Bốn chánh cần. Đây gọi là giới diệt đạo cụ túc.

Như vậy là phân biệt hiểu rõ về bốn pháp, tức tinh tấn chẳng phải là trì giới, chỉ gọi là chánh cần.

Lại nữa, giới có bốn loại: Đó là giới Ba-la-đề-mộc-xoa oai nghi, giới mạng thanh tịnh, giới căn oai nghi và giới duyên tu. Thế nào là giới Ba-la-đề-mộc-xoa oai nghi? Đối với Tỳ-kheo thì giới Ba-la-đề-mộcxoa oai nghi là nơi che chở an trú, thực hành. Tỳ-kheohành xử, đầy đủ, lo sợ những lỗi lầm nhỏ, nên vị ấy lãnh thọ chánh thức thọ học các giới đáng học xem đây như là pháp, là Thầy. Tỳ-kheo thì có thiện của hàng phàm phu, có bậc hữu học, vô học, pháp bất động Ba-la-đề-mộc-xoa chính là giới, là khởi, là ban đầu, là hành, là hộ trì, là oai nghi, là giải thoát, là không trói buộc, là đối với các páhp chánh thọ pháp thiện. Đó gọi là nghĩa của Ba-la-đề-mộc-xoa. Không tạo nghiệp thân và miệng, trái vượt tức là oai nghi. Nơi che chở tức nhờ Ba-la-đề mộc xoa này mà oai nghi được thành tựu. An trú tức giữ gìn bốn oai nghi, các hành đầy đủ. Lại có hành và không hành (làm). Thế nào là không hành? Nếu có Tỳ-kheo đi61 với một người khác thí cho gậy tre, hoặc hoa quả, rau tươi, hoặc tăm xỉa răng, bột tắm, hoặc tiếp xúc, hoặc đùa cợt, hay dua nịnh gần gũi, hay dong ruổi tìm cầu các thứ mới lạ. Những việc làm như vậy, Đức Phật ngăn cấm, đó gọi là tà mạng để tự nuôi sống, không được hành. Lại nữa, có hai thứ thân và miệng không được hành. Thế nào là thân không được hành? Nếu có Tỳ-kheo với tâm khinh mạn, đến nơi trú của tăng chúng, chen lấn, đứng trước đại đức, hoặc dựa, hoặc đi ngồi trước, ở bậc cao, xô đẩy người lớn xuống thấp. Hoặc ngồi dựa, hoặc bá vai cười nói, Thượng tọa đi chân không mà mình đi giày dép, bậc Thượng tọa đi chỗ thấp mà mình lại đi chỗ cao, dùng những điều khác lạ cố làm xúc não. Hoặc tiếp đãi người nhỏ thì nồng hậu, đối với bậc Trưởng lão thì sơ sài. Hoặc khi vào phòng tắm chưa hỏi ai mà đốt củi, khóa cửa, hoặc đến chỗ lấy nước liền tự tiện vào trước, nằm duỗi thân, hiện ra tướng thô tháo. Hoặc vào nhà người khác tự tiện đi từ trước ra sau, đứng hay ngồi không theo thứ lớp. Hoặc ở chỗ vắng cười đùa xúc chạm các phụ nữ cùng thiếu nữ. Các lỗi như thuộc về thân không được hành.

Thế nào là miệng không được hành? Nếu có Tỳ-kheo tâm không cung kính, không xin phép những vị lớn mà tự thuyết giảng về pháp, hoặc giảng tụng Ba-la-đề-mộc-xoa, hoặc vỗ vai mà nói, hoặc vào nhà người liếc nhìn để hỏi thiếu nữ. Cô tên là gì? Có thức ăn gì không? Nếu bảo có thì nói nay ta muốn ăn. Những lời nói như vậy thuộc về miệng không được hành. Phạm tất cả giới này đều gọi là không được hành.

Thế nào là hành? Là trái với những điều không được hành. Lại nữa, Tỳ-kheo có tâm cung kính, có hổ thẹn, oai nghi đầy đủ, không sai sót, thâu giữ các căn, thường điều độ trong ăn uống. Đầu đêm, cuối đêm chưa từng ngủ nghỉ, thành tựu trí tuệ, ít muốn, biết đủ, không quen làm việc thế tục, phát tâm dõng mãnh, đối với bạn đồng học khởi tâm kính trọng. Đây gọi là hành.

Hành xứ là có hành xứ và có phi hành xứ. Thế nào là phi hành xứ? Nếu có Tỳ-kheo vào nhà dâm nữ, nhà đàn bà góa chồng, nhà người nữ, nhà phi nam, nhà Tỳ-kheo ni và các quán rượu, gần gũi với vua quan, đại thần, Sa môn ngoại đạo, bạn hữu phi pháp. Những hạng như vậy không tâm an lạc, tin tưởng thường không tạo lợi ích cho bốn chúng, rất đáng tai họa, chán ghét. Đây là chỗ không được thực hành. (Phi hành xứ)

Như Đức Phật dạy: Tỳ-kheo hành những nơi chẳng phải phạm hạnh. Thế nào là hành những nơi chẳng phải phạm hạnh? Nghĩa là chốn buôn bán nữ sắc, những nơi ấy cần nên biết.

Lại nữa, có ba loại hành xứ: Hành xứ nương tựa hành xứ thủ hộ và hành xứ hệ phược. Thế nào là Hành xứ nương tựa? Là bạn lành thành tựu mười công đức. Nương vào công đức này được nghe những điều chưa nghe, được nghe rồi thì khiến cho tăng trưởng, dứt trừ mọi nghi ngờ, làm đúng theo sự thấy biết, nhờ vào sự học mà tăng trưởng đức tin mạnh mẽ, giới, văn, bố thí và trí tuệ, mỗi niệm đều phát triển. Đây gọi là hành xứ nương vào tựa. Thế nào là hành xứ thủ hộ? Nếu có Tỳ-kheo đi vào nhà người, một thôn xóm, thì chỉ nhìn xuống đất không quá một tầm, oai nghi tề chỉnh, người thấy sanh cung kính, không nhìn voi, ngựa, xe và người nam nữ hội họp, vui chơi, không ngắm nhìn những đường nét họa vẽ trên tường nhà hay hướng xem bốn phía. Đây gọi là Hành xứ thủ hộ.

Thế nào là Hành xứ hệ phược? Đức Phật dạy: Nếu có Tỳ-kheo quán sát về nhà cửa, xóm làng. Đây là hành xứ hệ phược. Ba loại này gọi là hành. Do hành xứ này thành tựu nên gọi là đầy đủ các hành xứ.

Lo sợ những lỗi nhỏ là mình đã học hết các học xứ, đâu dám tạo

tác, nghĩa là sợ lỗi nhỏ. Lại nữa, có thuyết nói: Nếu dấy khởi tâm bất thiện, tức là tạo lỗi nhỏ. Ở nơi lỗi nhỏ ấy, sanh tâm xa lìa, thấy tai họa của lỗi sanh lo sợ nên từ bỏ. Đấy gọi là thấy lỗi nhỏ mà lo sợ. Vị ấy chân chánh lãnh thọ và học tập các học giới. Có bao nhiêu học giới? Gồm bảy tụ oai nghi, vị ấy cần phải học tập, chân chánh lãnh thọ tất cả. Đây là chân chánh lãnh thọ và học tập các học giới. Đó gọi là giới oai nghi Ba-la-đề-mộc-xoa.

Hỏi: Thế nào là giới thanh tịnh?

Đáp: Tức là không phạm tà mạng. Thế nào là tà mạng? Ấy là hiện ra tướng biếng nhác, dua nịnh, quanh co, hiện tướng sân si, nhục mạ, do sự cúng dường lại mong cầu được bố thí. Thế nào là lười biếng? Lười biếng có ba xứ: Là suy nghĩ, tính toán muốn được, yêu cầu người khác cúng dường bốn sự. Lại giả hình tướng trang nghiêm, tự xưng nói khắp. Hoặc có Tỳ-kheo tâm xấu xa luôn tham cầu tài vật lợi lạc , bèn nhường cho y phục đẹp, thức ăn ngon, nhận lấy loại thô xấu, giả vờ như không muốn, để có được lòng thương nơi người khác nhằm có bốn sự cúng dường ấy. Đây là do biếng nhác mà suy tính lường xét. Hoặc có Tỳ-kheo xấu ác, tham cầu lợi dưỡng, dối gạt, hiện tướng oai nghi, vị ấy nhập vào thiền định, với chủ ý dẫn dắt kẻ khác cúng dường, bố thí, đọc tụng kinh điển. Đấy gọi là oai nghi biếng nhác. Hoặc có Tỳ-kheo tham cầu nên lừa dối, nịnh nọt hướng đến người khác nói: Tôi được an trú trong pháp của bậc Thánh, ở nơi vắng lặng, hoặc tu tập thiền định đã giảng nói pháp thâm diệu, hiện bày tướng hơn người, cầu lợi dưỡng và phô trương về mình. Đấy là biếng nhác. mà lừa dối. Như có người nịnh nọt quanh có là như có tâm luôn nhớ nghĩ để đề cao tướng giả dối, khéo dùng lời khen ngợi, mua vui nêu việc tốt xấu, chỉ vì cầu lợi, chê bai người, ưa thích điều lợi cho mình. Đấy gọi là nịnh nọt quanh co.

Thế nào là hiện bày tướng? Dựa vào việc có lợi mà thuyết pháp, chủ yếu đem lợi ích đến cho mình không muốn cho ai. Đấy là hiện bày tướng.

Hiện tướng sân giận mắng nhiếc là: Hoặc mắng nhiếc người khiến họ sợ, hoặc không có gì mà chê khinh, hoặc ra sức đánh đập khiến họ sợ chỉ vì cầu lợi. Đấy là hiện tướng sân giận mắng nhiếc.

Thế nào là dùng bố thí để mong cầu sự bố thí? Vì bố thí ít mà muốn báo đáp nhiều. Đấy là dùng bố thí để mong cầu sự bố thí. Do các việc xấu ác như vậy gọi là tà mạng.

Lại có tạo những nghiệp tà mạng như: Bố thí gậy tre, hoặc bố thí rau lá, hoa quả, hoặc bố thí tăm xỉa răng, bột tắm, hoặc xem tướng, đoán mộng, xem sao, khéo biết đoán âm thanh của loài vật, can thiệp vào việc lành, dữ, nói lời ác để ly gián, thêu dệt sự việc, mua bán đổi chác, làm tướng điều quân, dưỡng lính giỏi. Các việc như vậy là tà mạng. Nếu không phạm gọi là giới thanh tịnh.

Hỏi: Thế nào giới oai nghi phòng hộ các căn?

Đáp: Đối với việc thấy nghe biết hiểu sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp tướng phiền não chấp trước và thọ trì không phạm, thì đấy là giới oai nghi phòng hộ các căn. Giới oai nghi phòng hộ các căn này do thực hành chín loại mà thành tựu. Do tướng xấu ác mà đoạn mất các căn nên để đối trị nó thì không tác ý, như cứu lửa cháy đầu, chưa từng lìa bỏ. Như thấy Nan-đà nhờ oai nghi mà chế ngự được tâm ác, tướng tâm ở nơi định được tự tại. Cho nên, người phòng hộ các căn thì xa lìa, người phòng hộ được các căn thì hòa hợp.

Hỏi: Thế nào là giới tu tập bốn sự cúng dường?

Đáp: Do thực hành tám việc này quán sát tu hành, khất thực:

  1. Là thực hành không vì sự nguy hiểm, không vì đề cao mình.
  2. Không vì sự bó buộc nơi hình dáng, cũng không vì để trang nghiêm.
  3. Vì để thân được an trú, vì tự điều hòa bảo hộ.
  4. Vì trừ bỏ đói khát.
  5. Vì giữ gìn phạm hạnh.
  6. Thường tự tư duy, về ăn uống trước chỉ nhằm trừ bịnh, không phát sanh bịnh mới.
  7. Nên dùng ít để được an ổn.
  8. Không tham an trú quá mức.

Hỏi: Thế nào là thực hành không vì sự nguy hiểm, không vì đề cao mình?

Đáp: Ta vì tham ăn uống tham khỏe mạnh mà làm những việc: Đùa cợt, hung dữ, tranh giành, đeo đuổi. Đây là những việc làm hiểm nguy, cao ngạo, kiêu mạn, đề cao mình không biết nhàm chán, như người sân giận đánh đập. Không vì sự bó buộc để được trang nghiêm là vì thích thân hình tròn trịa, mặt mày đầy đặn, khiến người ưa thích nhìn thấy không chán tức là người có tham dục. Vì để thân được an trú, vì tự điều hòa bảo hộ là tham thân an trú như trục xe cần vô dầu mỡ. Vì trừ bỏ đói khát là thường ăn ít. Cũng vậy, tu hành như uống thuốc để trị ung nhọt. Vì giữ gìn phạm hạnh là do ăn uống ít mà có năng lực an vui Thánh đạo. Như vậy, tu hành về sự ăn uống phải tưởng như ăn thịt con. Vì để trừ bịnh trước mà không phát sanh bịnh mới, là nên ăn không ít không nhiều. Tu tập như thế, cũng như dùng vị thuốc. Dùng ít để mình được an là do công đức, ít nên tự an ổn chính mình, nên thường xuyên tu tập như người chăm sóc bịnh. Không quá nhiều là dùng ít để mình được an ổn. Như vậy, tu hành không nên khiến thân trống rỗng, thì trí tuệ trở lại. Vì thế an trú không quá mức. Nếu ăn uống điều độ thích hợp, không từng biếng nhác, đầu, giữa, cuối đêm đều không ngủ nghỉ, thì sẽ luôn được an ổn. Như thế, là dùng tám hành ấy để quán tu hạnh khất thực thì nên tu tập như thế. Lại nữa, tám hạnh này tóm lược thành bốn quán. Đó là quán khả năng đoạn trừ, quán sự việc, quán dùng ít để mình được an và quán ít được công đức.

Hỏi: Thế nào là quán có khả năng đoạn trừ?

Đáp: Không vì thực hành sự hung hiểm, không vì đề cao mình, trước không phải vì mình, không vì trang sức. Đấy là quán có khả năng đoạn trừ. Vì thân này được an trú, vì chính là điều hòa, bảo hộ, vì trừ sự đói khát, vì giữ gìn phạm hạnh, đấy là quán sự việc. Ta nên trừ diệt bịnh trước và không cho bịnh mới phát sanh, đấy là quán dùng ít để mình được an. Ta nên dùng ít, để an ổn cho mình, không thái quá, để trú trong an lạc, đấy là quán dùng ít để được công đức. Đó là bốn quán. Bốn quán này tóm lược thành ba. Nghĩa là đoạn trừ hai biên mà đạt được trung đạo đầy đủ. Do quán đoạn mà đoạn trừ được tham muốn chấp trước. Nghĩa là dứt trừ đói khát, đoạn bệnh gốc, khiến không phát sanh bịnh mới. Lại do quán này trừ hết sự mệt mỏi nơi thân. Quán trung đạo đầy đủ thì phải nên tu hành. Lại quán về y phục, vì để trừ tiếp xúc với gió, lạnh, nóng, hơi nóng, sâu bọ, ruồi muỗi, rắn rít, vì sanh hổ thẹn mà che đậy các bộ phận xấu lộ ra, phải quán đầy đủ như vậy để tu hành. Lại quán thuốc men cho đến các bịnh tật. Nói như đây, thì phải quán thời gian nào? Là lúc khất thực uống thuốc trong một bữa mà quán. Lại đối với y phục, đồ nằm ngồi và lúc mới đựơc vật mà quán xét. Lại nên quán xét trong mỗi ngày, mỗi lúc thân mạng ta đây đều nhờ người khác cho nên phải quán xét. Như thế tất cả đều thành quán hành. Các sư trước giảng thuyết về bốn thứ thọ dụng: Nghĩa là thọ dụng như ăn trộm. Thọ dụng như mắc nợ. Thọ dụng như tài sản của gia đình và thọ dụng như người chủ. Thế nào là thọ dụng như ăn trộm? Là những người phạm giới mà thọ dụng. Thế nào là thọ dụng như mắc nợ? Là những người không biết hổ thẹn, hành tà mạng mà thọ dụng. Thế nào là thọ dụng như tài sản của gia đình? Là những người siêng năng được thọ dụng. Thế nào là thọ dụng như người chủ? Là các bậc Thánh được thọ dụng.

Lại có hai thứ thọ dụng: Là thọ dụng ô uế và thọ dụng trong sạch.

Thế nào là ô uế? Là người có hổ thẹn nhưng không thể quán xét, ấy là ô uế. Thế nào là trong sạch? Là người có hổ thẹn, biết quán sát có điều độ, nhàm chán tưởng xấu ác, ấy là trong sạch. Thế nên cần phải biết luôn tu tập bốn việc này. Đấy là giới tu tập về bốn sự.

Đối với giới luật nghi là: Do lòng tin sâu xa, khiến được viên mãn. Giới mạng thanh tịnh là: Do siêng năng tột cùng, nên khiến đầy đủ. Giới căn oai nghi là: Do đức tin sâu vững khiến được trọn vẹn. Tu tập bốn việc là: Do trí tuệ thắng diệu khiến đạt đến viên mãn. Đối với giới mạng thanh tịnh này là tùy thuận luật nghi. Vì sao? Vì không do thọ mạng, mà đoạn các sự. An ổn là mọi tạo tác được oai nghi của thân, khẩu nghiệp. Hai loại giới này là tùy thuận oai nghi của các căn. Vì sao? Vì khéo chế ngự tâm, khéo giữ gìn nghiệp thân, khẩu. Tu tập về bốn sự là oai nghi của các căn. Vì sao? Vì đã biết chỗ nương tựa của tướng tập (nguyên nhân), những điều sai trái thì nhàm chán. Chánh niệm, chánh định cũng như vậy. Đức Thế Tôn đã dạy: Nếu Tỳ-kheo có thể nhận biết về sự ăn uống và biết rõ về năm dục, đầy đủ nơi luật nghi và mạng thanh tịnh này, tức là chỗ thâu tóm của Giới ấm. Giới luật nghi của căn là chỗ thâu tóm của Định ấm. Giới tu tập bốn sự là chỗ thâu tóm của Tuệ ấm.

Thế nào là lãnh thọ giới thanh tịnh? Nếu Tỳ-kheo ban đều thọ lãnh pháp thiền định, thì trong bảy tụ để quán thân mình. Nếu phạm đủ các tội Ba-la-di, thì đoạn trừ pháp Tỳ-kheo, trụ giới không đầy đủ. Nếu an trú giới đầy đủ, sẽ đạt được pháp thắng diệu, là lời của các sư trước nói. Nếu biết phạm Tăng-già-bà-thi-sa, thì theo hành sự của chúng mà sám hối. Nếu biết phạm các tội khác, thì nên hướng đến một người mà sám hối tội đã phạm. Nếu thấy phạm tà mạng, tùy theo lỗi đã phạm mà sám hối tương ứng. Như thế, khi đã tự hối cải rồi thì quyết không tái phạm, thấy rõ việc thọ trì và phạm như thế. Oai nghi về các căn, và tu tập bốn sự, ta không nên gây phạm nữa. Nếu gìn giữ thì vị lai sẽ được oai nghi tốt đẹp, người ấy do có giới thanh tịnh. Các nghiệp nơi thân khẩu có thể tạo ra ở hiện tại, nên phải quán sát mỗi mỗi nghiệp kia là làm thiện trừ ác. Trọn ngày luôn quán sát, an trú nơi giới thanh tịnh, nếu được như vậy tức làm cho giới được thanh tịnh. Thế nào là tướng giới thanh tịnh? Là do khi tiếp xúc với tướng tương ưng với thành tựu và các phiền não không dấy khởi, hoặc hối hận thối lui, đạt được định viên mãn. Đấy là tướng giới thanh tịnh.

Có mấy hành trụ? Do trụ vào hai giới. Một là xét tính lỗi lầm của phạm giới. Hai là lường xét về công đức của giới. Thế nào là xét tính những lỗi lầm? Nếu người phạm giới thì không có công đức, trái lại còn tạo các nghiệp, trong bốn chúng luôn lo sợ, do dự, bị người trí từ bỏ, không thể chỉ dạy về thiền định, làm ô uế hàng trời người, sự ghét bỏ không giảm, nên suy nghĩ về việc phạm giới. Thấy người khen ngợi công đức trì giới, tâm hối hận không tin, ở trong bốn chúng thường sanh giận dữ tranh cãi, đối với bạn thân thì hay chê bai, oán ghét, quay lưng với người trì giới, lại kết bạn với người xấu ác, không gắng sức để đắc định thù thắng, tuy giả bộ nghiêm trang nhưng cũng xấu xa, như phân giải, bị người ghét bỏ. Như đối với những việc làm khuôn mẫu lại ít gắng sức chịu khó. Như các bùn dơ, ngay hiện tại và ở đời vị lai chẳng có được lợi ích, luôn sanh buồn lo, tiều tụy. Nếu đã tạo tội, lại sanh hổ thẹn, hối hận, không được an ổn. Như kẻ trộm tâm chỉ ở trong ngục, không vui thích đạo Thánh, như Chiên-đà-la không muốn vương vị. Hoặc có bậc trí tuệ đa văn ưa nói về công đức, thì người ấy cũng không quý kính, như lửa tàn, sống chẳng biết ở chốn nào, khi chết hôn mê hoang mang, thần thức hướng tới nẻo ác. Những tội lỗi như thế, có thể xét lường. Nếu trái với việc ác này thì thành công đức, cũng có thể tính kể. Đấy là xét lường. Người phạm giới tâm ý khó điều phục, ý chí lui sụt, tán loạn. Người trì giới, thì siêng năng tột cùng, mọi người sanh tâm tôn kính, thành người tinh tấn, thành người kính tin, một lòng hộ trì giới, như con kiến giữ cái trứng, như bò lang mến cái đuôi, như bảo vệ đứa con một, như giữ gìn con mắt, như thầy cúng hộ thân, như người nghèo giữ gìn vật báu, như chủ thuyền giữ tàu buồm. Trong các sự hộ này, thì tu tập giới là pháp hộ trì đáng quí nhất của mình. Như vậy, người thọ trì giới, tâm sẽ được ủng hộ, che chở, an trú trong giới thiền định được bảo vệ.