LUẬN DU GIÀ SƯ ĐỊA
Tác giả: Bồ tát Di Lặc giảng thuật, Bồ tát Vô Trước ghi
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 76

PHẦN NHIẾP QUYẾT TRẠCH: ĐỊA BỒ TÁT.

Đoạn 5:

Lại nữa, tướng của tâm ý thức, nên biết như trong kinh Giải Thâm Mật, Bồ-tát Quảng Tuệ thỉnh vấn Đức Phật: Như Đức Thế Tôn đã nói về Bồ-tát đạt thiện xảo đối với bí mật của tâm ý thức, thì Bồtát đạt thiện xảo đối với bí mật của tâm ý thức ấy, ngang bằng với gì để gọi là Bồ-tát đạt thiện xảo đối với bí mật của tâm ý thức? Ngang bằng với gì để Như Lai thiết lập vị kia là Bồ-tát đạt thiện xảo đối với bí mật của tâm ý thức?

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với Bồ-tát Quảng Tuệ: Lành thay! Lành thay! Này Quảng Tuệ! Ông nay đã có thể thỉnh vấn Như Lai về nghĩa sâu xa như thế. Ông nay vì muốn tạo lợi ích an lạc cho vô lượng chúng sinh, thương xót thế gian cùng các hàng trời, người, A-tố-lạc v.v…, vì nhằm khiến họ đạt được nghĩa lợi an lạc, nên phát khởi thỉnh vấn ấy. Ông nên lắng nghe, Như Lai sẽ vì ông nói về nghĩa bí mật của tâm ý thức.

Quảng Tuệ nên biết! Nơi sáu nẻo sinh tử, các loài hữu tình kia rơi vào trong chúng các loài hữu tình kia, hoặc tại loài sinh từ trứng, hoặc tại loài sinh từ thai, hoặc tại loài sinh từ sự ẩm ướt, hoặc tại loài sinh từ biến hóa, thân phần sinh khởi. Trong đó, đầu tiên là tất cả chủng tử nơi tâm thức thành thục, lần lượt hòa hợp, tăng trưởng rộng lớn, dựa nơi hai thứ chấp thọ:

  1. Chấp thọ của các căn có sắc cùng chỗ dựa.
  2. Chấp thọ của tập khí nơi tướng, danh, phân biệt, ngôn thuyết, hý luận.

Trong cõi có sắc thì gồm đủ hai thứ chấp thọ. Trong cõi không sắc thì không gồm đủ hai thứ.

Lại nữa, này Quảng Tuệ! Thức này cũng gọi là thức A-đà-na. Vì sao? Vì do thức này đối với thân luôn theo đuổi, chấp giữ.

Cũng gọi là thức A-lại-da. Vì sao? Vì do thức này đối với thân đã thâu nhận, ẩn chứa đồng nghĩa an nguy.

Cũng gọi là tâm. Vì sao? Vì do thức này đã tích tập các thứ sắc thanh hương vị xúc, làm cho tăng trưởng hơn nữa.

Lại nữa, này Quảng Tuệ! Thức A-đà-na làm chỗ dựa, làm chỗ kiến lập, nên sáu thức thân chuyển, nghĩa nhãn thức, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức. Trong ấy có thức, là nhãn cùng với sắc làm duyên sinh nhãn thức, cùng với nhãn thức cùng tùy hành, đồng thời đồng cảnh có ý thức phân biệt chuyển. Có thức, là nhĩ, tỷ, thiệt, thân thức, cùng với nhĩ, tỷ, thiệt, thân thức cùng tùy hành, đồng thời đồng cảnh có ý thức phân biệt chuyển.

Này Quảng Tuệ! Nếu nơi bấy giờ, một nhãn thức chuyển, tức vào lúc ấy chỉ có một ý thức phân biệt cùng với nhãn thức đồng đối tượng hành chuyển. Nếu nơi bấy giờ, có hai, ba, bốn, năm các thức thân chuyển, tức nơi lúc ấy chỉ có một ý thức phân biệt, cùng với năm thức thân đồng đối tượng hành, chuyển.

Này Quảng Tuệ! Ví như dòng thác lớn nước chảy xiết, nếu có một lớp sóng sinh duyên hiện tiền, thì chỉ có một lớp sóng chuyển. Nếu có hai hoặc nhiều lớp sóng sinh duyên hiện tiền, thì có nhiều lớp sóng chuyển, nhưng nước của dòng thác này tự loại luôn chảy không dứt, không hết.

Lại, như mặt gương hoàn toàn sáng sạch, nếu có một ảnh sinh duyên hiện tiền, thì chỉ có một ảnh khởi. Nếu hai hoặc nhiều ảnh sinh duyên hiện tiền, thì có nhiều ảnh khởi, không phải mặt gương này chuyển biến làm ảnh, cũng không thọ dụng diệt tận có thể đạt được.

Như vậy, này Quảng Tuệ! Do giống với dòng thác, thức A-đàna làm chỗ dựa, làm chỗ kiến lập. nếu vào bấy giờ có một nhãn thức sinh duyên hiện tiền, tức nơi lúc ấy, một nhãn thức chuyển. Nếu như vào bấy giờ, cho đến có năm thức thân sinh duyên hiện tiền, tức nơi lúc ấy, năm thức thân chuyển.

Này Quảng Tuệ! Như thế, Bồ-tát tuy do trí pháp trụ làm chỗ dựa, để kiến lập, nên có thiện xảo đối với bí mật của tâm ý thức, nhưng các Như Lai không cho là ngang với đây để thiết lập là Bồ-tát đạt thiện xảo đối với tất cả bí mật của tâm ý thức.

Này Quảng Tuệ! Nếu các Bồ-tát đối với bên trong đều riêng, như thật không thấy A-đà-na, không thấy thức A-đà-na, không thấy A-lại-da, không thấy thức A-lại-da, không thấy tích tập, không thấy tâm, không thấy nhãn sắc cùng nhãn thức, không thấy nhĩ thanh cùng nhĩ thức, không thấy tỷ hương cùng tỷ thức, không thấy thiệt vị cùng thiệt thức, không thấy thân xúc cùng thân thức, không thấy ý pháp cùng ý thức. Đó gọi là Bồ-tát đạt thiện xảo nơi thắng nghĩa. Đức Như Lai thiết lập đấy là Bồ-tát đạt thiện xảo nơi thắng nghĩa.

Này Quảng Tuệ! Ngang với đây gọi là Bồ-tát đạt thiện xảo đối với tất cả bí mật của tâm ý thức. Đức Như Lai cũng cho ngang với đây để thiết lập là Bồ-tát đạt thiện xảo đối với tất cả bí mật của tâm ý thức.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn nói rõ lần nữa về nghĩa ấy nên nói tụng:

Thức A-đà-na sâu xa, tế

Tất cả chủng tử như dòng thác

Ta nơi phàm ngu không khai diễn

Sợ họ phân biệt chấp làm ngã.

Lại nữa, tướng của tất cả pháp, nên biết như trong kinh Giải Thâm Mật, Bồ-tát Đức Bản thỉnh vấn Phật: Thế Tôn! Như Đức Thế Tôn đã nói về Bồ-tát đạt thiện xảo đối với tướng của các pháp, thì Bồ-tát đạt thiện xảo đối với tướng của các pháp ấy, ngang bằng với gì để gọi là Bồ-tát đạt thiện xảo đối với tướng của các pháp? Đức Như Lai cho ngang với gì để thiết lập đấy là Bồ-tát đạt thiện xảo đối với tướng của các pháp?

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Bồ-tát Đức Bản: Lành thay! Lành thay! Này Đức Bản! Ông nay mới có thể thỉnh vấn Như Lai về nghĩa sâu xa như thế. Ông nay vì muốn tạo lợi ích an lạc cho vô lượng chúng sinh, thương xót thế gian cùng các hàng trời, người, A-tố-lạc, vì nhằm khiến đạt được nghĩa lợi an lạc, nên phát khởi thỉnh vấn. Ông nên lắng nghe, Như Lai sẽ vì ông giảng nói về tướng của các pháp. Nghĩa là tướng của các pháp lược có ba thứ:

  1. Tướng biến kế sở chấp.
  2. Tướng y tha khởi.
  3. Tướng viên thành thật.

Thế nào là tướng biến kế sở chấp của các pháp? Nghĩa là tự tánh sai biệt giả an lập nơi danh của tất cả pháp, cho đến vì khiến tùy khởi ngôn thuyết.

Thế nào là tướng y tha khởi của các pháp? Nghĩa là tự tánh duyên sinh của tất cả pháp. Tức đây có nên kia có, đây sinh nên kia sinh. Nghĩa là vô minh duyên hành cho đến chiêu tập uẩn thuần khổ lớn.

Thế nào là tướng viên thành thật của các pháp? Nghĩa là chân như bình đẳng của tất cả pháp. Đối với chân như này, các chúng Bồtát tinh tấn dũng mãnh làm nhân duyên, tác ý như lý, tư duy không đảo, làm nhân duyên, nên mới có thể thông tỏ. Nơi chỗ thông tỏ này, dần dần tu tập, cho đến mới chứng đắc viên mãn Chánh đẳng Bồ-đề Vô thượng.

Lại nữa, này Đức Bản! Như người bị nhặm mắt, trong mắt hiện có những vướng bận của màng che mắt. Tướng biến kế sở chấp, nên biết cũng thế.

Như người bị nhặm mắt, màng che làm rối loạn các tướng. Hoặc có những vùng tóc lông, rất nhiều chấm nhỏ như hạt mè. Hoặc lại có các tướng xanh vàng đỏ trắng sai biệt. Tướng y tha khởi, nên biết cũng thế.

Như người mắt thanh tịnh, xa lìa mọi thứ che chắn, vướng bận trong mắt. Tức bản tánh của mắt tịnh này là nơi đối tượng hành không có cảnh giới rối loạn. Tướng viên thành thật nên biết cũng thế.

Lại nữa, này Đức Bản! Ví như vật báu Phả-chi-ca thanh tịnh, nếu cùng với sắc nhiễm màu xanh hòa hợp, tức giống với hình tượng vật báu Mạt ni đế thanh đại thanh. Do chấp giữ sai lạc về vật báu Mạt ni đế thanh đại thanh, nên hữu tình bị lầm, lộn. Nếu cùng với sắc nhiễm màu đỏ hòa hợp, tức giống với hình tượng vật báu Mạt ni hổ phách. Do chấp giữ sai lạc về vật báu Mạt ni hổ phách, nên hữu tình bị lầm, lộn. Nếu cùng với sắc nhiễm màu lục hòa hợp, tức giống với hình tượng vật báu Mạt ni mạt la yết đa. Do chấp giữ sai lạc về vật báu Mạt ni mạt la yết đa, nên hữu tình bị lầm, lộn. Nếu cùng với sắc nhiễm màu vàng hòa hợp, tức giống với hình tượng vàng. Do chấp giữ sai lạc về hình tượng vàng ròng, nên hữu tình bị lầm, lộn.

Như vậy, này Đức Bản! Như vật báu Phả-chi-ca thanh tịnh kia hiện có sắc nhiễm tương ưng, thì tập khí nơi ngôn thuyết của tướng biến kế sở chấp trên tướng y tha khởi, nên biết cũng thế.

Như vật báu Phả-chi-ca thanh tịnh kia làm rõ hiện có sự chấp sao lạc về đế thanh, đại thanh, hổ phách, mạt la yết đa, vàng v.v…, thì chỗ chấp của tướng biến kế sở chấp trên tướng y tha khởi, nên biết cũng thế.

Như vật báu Phả-chi-ca thanh tịnh kia, tướng y tha khởi nên biết cũng thế.

Như vật báu Phả-chi-ca thanh tịnh kia, trên ấy hiện có các tướng như đế thanh, đại thanh, hổ phách, mạt la yết đa, vàng ròng v.v…, nơi thường thường thời, nơi hằng hằng thời, không có chân thật, tánh không tự tánh. Tức tướng y tha khởi, trên ấy do tướng biến kế sở chấp, nơi thường thường thời, nơi hằng hằng thời, không có chân thật, tánh không tự tánh. Tướng viên thành thật, nên biết cũng thế.

Lại nữa, này Đức Bản! Tướng, danh tương ưng dùng làm duyên, nên tướng biến kế sở chấp có thể nhận biết rõ. Tướng y tha khởi trên tướng biến kế sở chấp có thể nhận biết rõ. Tướng y tha khởi trên tướng biến kế sở chấp, chấp dùng làm duyên, nên tướng y tha khởi có thể nhận biết rõ. Tướng y tha khởi trên tướng biến kế sở chấp, không chấp dùng làm duyên, nên tướng viên thành thật có thể nhận biết rõ.

Lại nữa, này Đức Bản! Nếu các Bồ-tát có thể đối với tướng Y tha khởi của các pháp nêu trên, nhận biết rõ đúng như thật về tướng biến kế sở chấp, tức có thể nhận biết rõ đúng về tất cả pháp vô tướng. Nếu các Bồ-tát nhận biết rõ đúng như thật về tướng y tha khởi, tức có thể nhận biết rõ đúng như thật về tướng tạp nhiễm của tất cả pháp. Nếu các Bồ-tát nhận biết rõ đúng như thật về tướng viên thành thật, tức có thể nhận biết rõ đúng như thật về tướng thanh tịnh của tất cả pháp.

Lại nữa, này Đức Bản! Nếu các Bồ-tát đối với tướng y tha khởi nêu trên nhận biết rõ đúng như thật về pháp vô tướng, tức có thể đoạn dứt tướng tạp nhiễm nơi pháp. Nếu có thể đoạn dứt tướng tạp nhiễm nơi pháp, tức có thể chứng đắc tướng thanh tịnh nơi pháp.

Như thế, này Đức Bản! Do các Bồ-tát nhận biết rõ đúng như thật về tướng biến kế sở chấp, tướng y tha khởi, tướng viên thành thật, nên cũng nhận biết rõ đúng như thật về các pháp vô tướng, về tướng tạp nhiễm nơi pháp, về tướng thanh tịnh nơi pháp.

Nhận biết rõ đúng như thật về pháp vô tướng, nên đoạn dứt tất cả tướng tạp nhiễm nơi pháp. Đoạn dứt tướng tạp nhiễm nơi tất cả pháp, nên chứng đắc tướng thanh tịnh nơi tất cả pháp.

Ngang với đây gọi là Bồ-tát đạt thiện xảo đối với tướng của các pháp. Như Lai cho ngang với đấy để thiết lập vị ấy là Bồ-tát đạt thiện xảo đối với tướng của các pháp.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn nêu rõ lần nữa về nghĩa này, nên nói tụng:

Nếu không biết rõ pháp vô tướng

Pháp tướng tạp nhiễm không thể đoạn

Không đoạn tướng tạp nhiễm nơi pháp

Hoại chứng pháp tướng tịnh vi diệu

Không quán những lỗi lầm các hành

Lỗi lầm phóng dật hại chúng sinh

Biếng trễ trong pháp trụ pháp động

Không có hoại mất đáng thương xót.

Lại nữa, tướng không tự tánh của các pháp, nên biết như trong kinh Giải Thâm Mật, Bồ-tát Thắng Nghĩa Sinh bạch Phật: Thế Tôn! Con từng ở riêng một mình nơi chốn tịch tĩnh, tâm sinh tầm tư như vầy: Đức Thế Tôn dùng vô lượng môn, từng thuyết giảng về tự tướng hiện có của các uẩn, như tướng sinh, tướng diệt, về sự vĩnh viễn đoạn dứt, nhận biết khắp. Như nói về các uẩn, thì các xứ, duyên khởi, các thứ thực cũng vậy. Dùng vô lượng môn, từng thuyết giảng về tự tướng hiện có của các đế, nhận biết khắp, vĩnh viễn đoạn dứt, tác chứng, tu tập. Dùng vô lượng môn, từng nêu giảng về tự tướng hiện có của các giới, tánh của vô số giới, tánh không phải một giới, nhận biết khắp, vĩnh viễn đoạn trừ. Dùng vô lượng môn, từng giảng nói về tự tướng hiện có của niệm trụ, chủ thể đối trị, đối tượng được đối trị, cùng do tu tập, chưa sinh khiến sinh, sinh rồi trụ vững, không quên, tu tập gấp bội, tăng trưởng rộng lớn. Như nói về niệm trụ, thì chánh đoạn, thần túc, căn lực, giác chi cũng lại như thế. Dùng vô lượng môn, từng giảng nói về tự tướng hiện có của tám chi Thánh đạo, chủ thể đối trị, đối tượng được đối trị, cùng do tu tập, chưa sinh khiến sinh, sinh rồi trụ vững không quên, tu tập gấp bội, tăng trưởng rộng lớn.

Đức Thế Tôn lại nói tất cả các pháp đều không tự tánh, không sinh không diệt, xưa nay vắng lặng, tự tánh là Niết-bàn. Con chưa rõ Đức Thế Tôn dựa nơi mật ý nào để nói như thế: Tất cả các pháp đều không tự tánh, không sinh không diệt, xưa nay tịch tĩnh, tự tánh là Niết-bàn?

Con nay xin thỉnh vấn Đức Như Lai về nghĩa này. Kính mong Đức Như Lai thương xót, giải thích về mật ý hiện có.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với Bồ-tát Thắng Nghĩa Sinh: Lành thay! Lành thay! Này Thắng Nghĩa Sinh! Chỗ tầm tư của ông rất là đúng lý! Này thiện nam! Ông nay đã có thể thỉnh vấn Như Lai về nghĩa sâu xa như thế, vì nhằm tạo lợi ích an lạc cho vô lượng chúng sinh, vì thương xót thế gian cùng các hàng trời, người, A-tố-lạc, vì khiến đạt được nghĩa lợi an lạc, nên phát khởi lời thỉnh vấn ấy. Ông nên lắng nghe, Như Lai sẽ vì ông giải thích về mật ý hiện có của chỗ nói tất cả các pháp đều không tự tánh, không sinh không diệt, xưa nay tịch tĩnh, tự tánh là Niết-bàn.

Này Thắng Nghĩa Sinh! Nên biết Như Lai đã dựa vào mật ý của ba thứ tánh không tự tánh để nói: Tất cả các pháp đều không tự tánh. Đó là:

  1. Tánh của tướng không tự tánh.
  2. Tánh của sinh không tự tánh.
  3. Tánh của thắng nghĩa không tự tánh.

Này thiện nam! Thế nào là tánh của tướng không tự tánh nơi các pháp? Đó là tướng biến kế sở chấp của các pháp. Vì sao? Vì do giả danh an lập làm tướng, không phải do tự tướng an lập làm tướng, thế nên gọi là tánh của tướng không tự tánh.

Thế nào là tánh của sinh không tự tánh nơi các pháp? Đó là tướng y tha khởi của các pháp. Vì sao? Vì ở đây do sức duyên của y tha nên có, không phải tự nhiên có. Do vậy nên gọi là tánh của sinh không tự tánh.

Thế nào là tánh của thắng nghĩa không tự tánh nơi các pháp? Đó là các pháp do tánh của sinh không tự tánh, nên gọi là tánh không tự tánh. Tức pháp duyên sinh cũng gọi là tánh của thắng nghĩa không tự tánh. Vì sao? Vì ở trong các pháp, nếu là cảnh giới của đối tượng duyên thanh tịnh, Ta hiển thị chúng, dùng làm tánh của thắng nghĩa không tự tánh. Tướng y tha khởi không phải là cảnh giới của đối tượng duyên thanh tịnh, thế nên cũng gọi là tánh của thắng nghĩa không tự tánh.

Lại có tướng viên thành thật của các pháp, cũng gọi là tánh của thắng nghĩa không tự tánh. Vì sao? Vì tánh của pháp vô ngã nơi tất cả các pháp gọi là thắng nghĩa, cũng được gọi là tánh không tự tánh, do thắng nghĩa đế của các pháp ấy là chỗ hiển bày của tánh không tự tánh. Do nhân duyên ấy, nên gọi là tánh của thắng nghĩa không tự tánh.

Này thiện nam! Ví như hoa đốm nơi hư không, tánh của tướng không tự tánh nên biết cũng thế. Ví như huyễn tượng, tánh của sinh không tự tánh nên biết cũng thế. Tánh của một phần thắng nghĩa không tự tánh nên biết cũng vậy. Ví như hư không chỉ là chỗ hiển bày các sắc vô tánh, hiện hữu khắp tất cả xứ, tánh của một phần thắng nghĩa không tự tánh nên biết cũng vậy. Là chỗ hiển bày của tánh nơi pháp vô ngã, hiện hữu khắp tất cả.

Này thiện nam! Như Lai đã dựa vào mật ý của ba thứ tánh không tự tánh như thế để nói tất cả các pháp đều không tự tánh.

Này Thắng Nghĩa Sinh! Nên biết, Ta dựa vào mật ý nơi tánh của tướng không tự tánh, để nói tất cả các pháp không sinh không diệt, xưa nay tịch tĩnh, tự tánh là Niết-bàn. Vì sao? Vì nếu tự tướng của pháp đều không thật có, tức không có sinh, nếu không có sinh tức không có diệt. Nếu không sinh không diệt tức xưa nay tịch tĩnh. Nếu xưa nay tịch tĩnh tức tự tánh là Niết-bàn, trong đó đều không có một phần ít hiện có lại có thể khiến Bát Niết-bàn. Do đó, Ta dựa vào mật ý nơi tánh của tướng không tự tánh để nói tất cả các pháp không sinh không diệt, xưa nay tịch tĩnh, tự tánh là Niết-bàn.

Này thiện nam! Ta cũng dựa vào mật ý nơi tánh của thắng nghĩa không tự tánh, là chỗ hiển bày tánh của pháp vô ngã, để nói tất cả các pháp không sinh không diệt, xưa nay tịch tĩnh, tự tánh là Niết-bàn. Vì sao? Vì chỗ hiển bày tánh của pháp vô ngã, là tánh của thắng nghĩa không tự tánh, nơi thường thường thời, nơi hằng hằng thời, pháp tánh của các pháp an trụ nơi vô vi, hết thảy tạp nhiễm đều không tương ưng. Nên nơi thường thường thời, nơi hằng hằng thời, pháp tánh của các pháp đều an lạc nên vô vi, do vô vi nên không sinh không diệt. Hết thảy tạp nhiễm không tương ưng, nên xưa nay tịch tĩnh, tự tánh là Niết-bàn. Thế nên, Ta dựa vào mật ý nơi tánh của thắng nghĩa không tự tánh, là chỗ hiển bày tánh của pháp vô ngã, để nói: Tất cả các pháp không sinh không diệt, xưa nay tịch tĩnh, tự tánh là Niết-bàn.

Lại nữa, này Thắng Nghĩa Sinh! Không phải do các loài hữu tình trong thế giới hữu tình, quán riêng về tự tánh của biến kế sở chấp nơi chúng làm tự tánh. Cũng không phải do quán riêng về tự tánh của y tha khởi cùng tự tánh của viên thành thật nơi chúng làm tự tánh, nên Ta lập ba thứ tánh không tự tánh. Nhưng do các hữu tình đối với tự tánh của y tha khởi cùng tự tánh của viên thành thật nêu trên, tăng trưởng tự tánh của biến kế sở chấp, nên Ta lập ba thứ tánh không tự tánh. Do tướng nơi tự tánh của biến kế sở chấp, nên các hữu tình kia, ở trong tự tánh của y tha khởi cùng tự tánh của viên thành thật, theo đấy khởi ngôn thuyết. Như như tùy khởi ngôn thuyết, như vậy như vậy, do ngôn thuyết huân tập tâm, hoặc do ngôn thuyết tùy giác, hoặc do ngôn thuyết tùy miên, nên ở trong tự tánh của y tha khởi cùng tự tánh của viên thành thật nêu trên, chấp trước nơi tướng thuộc tự tánh của biến kế sở chấp. Như như chấp trước, như vậy như vậy, đối với tự tánh của y tha khởi cùng tự tánh của viên thành thật nêu trên, chấp trước tự tánh của biến kế sở chấp. Do nhân duyên ấy, tức hoặc bị phiền não tạp nhiễm cấu nhiễm, nên ở trong sinh tử, qua thời gian dài dong ruổi, lưu chuyển không có dừng nghỉ. Hoặc ở nơi Na-lạc-ca, hoặc tại bàng sinh, hoặc tại ngạ quỷ, hoặc nơi cõi trời, hoặc tại A-tố-lạc, hoặc trong nẻo người, thọ các khổ não.

Lại nữa, này Thắng Nghĩa sinh! nếu các hữu tình từ xưa đến nay chưa gieo trồng căn thiện, chưa làm thanh tịnh chướng, chưa thành thục nối tiếp, chưa tu nhiều thắng giải, chưa có thể tích tập hai thứ tư lương là phước đức và trí tuệ, nên Như Lai vì họ, đã dựa vào tánh của sinh không tự tánh, tuyên thuyết các pháp. Họ được nghe rồi, có thể ở trong hêt thảy hành duyên sinh, tùy phần hiểu rõ về vô thường không hằng, là pháp biến hoại, không an ổn. Hiểu rõ như thế rồi, đối với tất cả hành tâm sinh sợ hãi, dấy khởi sự chán bỏ sâu xa. Tâm sinh sợ hãi, dấy khởi sự chán bỏ sâu xa rồi, thì ngăn chặn các ác, đối với các pháp ác có thể không tạo tác, đối với các pháp thiện có thể siêng năng tu tập. Tu tập nhân thiện, nếu chưa gieo trồng căn thiện thì có thể gieo trồng, chưa làm thanh tịnh chướng thì có thể khiến thành thục. Do nhân duyên ấy, nên tu tập nhiều thắng giải, cũng tích tập nhiều hai thứ tư lương là phước đức và trí tuệ. Các hữu tình kia, tuy đã gieo trồng các căn thiện như thế, cho đến tích tập hai thứ tư lương là phước đức, trí tuệ, nhưng ở trong tánh của sinh không tự tánh, chưa thể nhận biết rõ đúng như thật về tánh của tướng không tự tánh, cùng hai thứ tánh của thắng nghĩa không tự tánh. Nơi hết thảy hành chưa thể chán lìa đúng đắn, chưa lìa dục đúng đắn, chưa giải thoát đúng đắn, chưa giải thoát khắp đối với phiền não tạp nhiễm, chưa giải thoát khắp đối với nghiệp tạp nhiễm, chưa giải thoát khắp các sinh tạp nhiễm.

Như Lai vì họ lại thuyết giảng pháp yếu. Nghĩa là tánh của tướng không tự tánh cùng tánh của thắng nghĩa không tự tánh. Vì nhằm khiến cho họ đối với hết thảy hành có thể chán lìa đúng đắn, lìa bỏ dục một cách đúng đắn, giải thoát chân chánh, vượt quá tất cả phiền não tạp nhiễm, vượt quá hết thảy nghiệp tạp nhiễm, vượt quá hết thảy sinh tạp nhiễm. Các hữu tình kia lãnh hội pháp được thuyết giảng như thế rồi, ở trong tánh của sinh không tự tánh, có thể tin hiểu đúng về tánh của tướng không tự tánh cùng tánh của thắng nghĩa không tự tánh, xét chọn tư duy, thông đạt đúng như thật. Ở trong tự tánh của Y tha khởi, có thể không chấp trước nơi tướng thuộc tự tánh của Biến kế sở chấp. Do ngôn thuyết không huân tập trí. Do ngôn thuyết không tùy giác về trí. Do ngôn thuyết lìa tùy miên nơi trí, nên có thể diệt bỏ tướng y tha khởi. Ở trong hiện pháp, sức của trí được giữ vững, có thể vĩnh viễn đoạn dứt nhân của đời vị lai. Do nhân duyên ấy, nên đối với tất cả hành có thể chán bỏ đúng đắn, có thể lìa dục đúng đắn, có thể đạt giải thoát chân chánh, có thể giải thoát khắp ba thứ tạp nhiễm của phiền não, nghiệp và sinh.

Lại nữa, này Thắng Nghĩa Sinh! Các hữu tình thuộc chủng tánh của thừa Thanh văn, cũng do đạo này, hành tích này, nên chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng.

Các hữu tình thuộc chủng tánh của thừa Độc giác, các hữu tình thuộc chủng tánh của thừa Như Lai, cũng do đạo này, hành tích này, nên chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng. Hết thảy Thanh văn, Độc giác, Bồ-tát đều cùng một đạo thanh tịnh diệu này, đều đồng một thanh tịnh cứu cánh này, lại không có nẻo thứ hai.

Như Lai dựa nơi mật ý của điều ấy, để nói chỉ có một thừa. Không phải ở trong tất cả hữu tình giới không có vô số chủng tánh của hữu tình, hoặc tánh căn độn, hoặc tánh căn trung, hoặc tánh căn lợi có sai biệt.

Này thiện nam! Nếu hữu tình thuộc chủng tánh Thanh văn hoàn toàn thủ chứng, thì tuy nhờ chư Phật thiết lập vô số phương tiện giáo hóa dẫn dắt, gia hạnh dũng mãnh, vẫn trọn không thể khiến sẽ an tọa nơi đạo tràng, chứng đắc đạo quả Chánh đẳng Bồ-đề Vô thượng. Vì sao? Vì do các hữu tình kia xưa nay chỉ có chủng tánh thấp kém, toàn bộ từ bi đều mỏng yếu, hoàn toàn sợ hãi các khổ. Do họ từ bi toàn bộ đều mỏng yếu, thế nên đã hoàn toàn dứt bỏ việc tạo lợi ích cho các chúng sinh. Do họ hoàn toàn sợ hãi các khổ, thế nên đã hoàn toàn dứt bỏ việc phát khởi các hành tạo tác. Như Lai trọn không nói về trường hợp hoàn toàn dứt bỏ việc tạo lợi ích cho chúng sinh, hoàn toàn từ bỏ việc phát khởi các hành tạo tác, sẽ an tọa nơi đạo tràng, có thể chứng đắc đạo quả Chánh đẳng Bồ-đề Vô thượng. Do đó gọi họ là “Thanh văn hoàn toàn thú tịch”. Nếu các hữu tình thuộc chủng tánh của Thanh văn hồi hướng Bồ-đề, Như Lai cũng dùng môn khác để gọi là Bồ-tát. Vì sao? Vì các vị ấy đã giải thoát phiền não chướng rồi, hoặc nhờ chư Phật lúc cùng giác ngộ, đối với sở tri chướng, tâm họ cũng có thể sẽ được giải thoát. Do các vị ấy đầu tiên là tự lợi ích, tu tập gia hạnh, thoát phiền não chướng, thế nên Như Lai thiết lập họ là chủng tánh Thanh văn.

Lại nữa, này Thắng Nghĩa Sinh! Như thế, ở trong giáo pháp thiện đã được thuyết minh của ý lạc thanh tịnh tột bậc, do Như Lai đã khéo giảng nói, khéo chế lập pháp, Tỳ-nại-da, các loài hữu tình ý lãnh hội về vô số sai biệt có thể đạt được.

Này thiện nam! Như Lai chỉ dựa nơi ba thứ tánh của tự tánh như thế, do ý sâu kín, nên đối với chỗ tuyên thuyết các kinh không liễu nghĩa, dùng tướng ẩn mật dể giảng nói về các pháp yếu. Nghĩa là tất cả pháp đều không tự tánh, không sinh không diệt, xưa nay tịch tĩnh, tự tánh là Niết-bàn.

Ở trong kinh ấy, nếu các hữu tình đã gieo trồng căn thiện phẩm thượng, đã làm thanh tịnh các chướng, đã thành thục nối tiếp, đã tu nhiều thắng giải, đã có thể tích tập hai thứ tư lương là phước đức, trí tuệ thuộc phẩm thượng, các hữu tình kia nếu đã lắng nghe pháp như thế rồi, đối với các ngôn thuyết nơi mật ý thâm diệu của Như Lai đều hiểu rõ đúng như thật. Đối với pháp như thế, sinh tin hiểu sâu xa, đối với nghĩa như thế, dùng tuệ không điên đảo, thông tỏ đúng như thật. Dựa nơi sự thông tỏ ấy, đã khéo tu tập, nên mau chóng có thể chứng đắc hết sức trọn vẹn, cũng đối với trụ xứ của Như Lai, sinh tịnh tín sâu xa, biết là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, đối với tất cả pháp đã hiện bày Đẳng Chánh Giác.

Nếu các hữu tình đã gieo trồng căn thiện thuộc phẩm thượng, đã làm thanh tịnh các chướng, đã thành thục nối tiếp, đã tu tập nhiều thắng giải, nhưng chưa có thể tích tập hai thứ tư lương là phước đức và trí tuệ thuộc phẩm thượng, bản tánh ngay thẳng, là loại ngay thẳng, tuy không có năng lực để xét chọn, phế lập, nhưng không trụ trong kiến thủ của mình. Các hữu tình kia nếu được lắng nghe pháp như thế rồi, đối với các ngôn thuyết bí mật thâm diệu của Như Lai, tuy không có năng lực để hiểu rõ đúng như thật, nhưng ở nơi pháp này có thể sinh thắng giải, phát khởi tín thanh tịnh, tin kinh điển này là Như Lai nêu giảng, là thâm diệu, là hiện rõ sự thâm diệu, không – tánh tương ưng, khó thấy khó ngộ, không thể tầm tư, không phải là cảnh giới thuộc đối tượng hành của các tầm tư, hết sức vi tế, là chỗ hiểu rõ của các bậc trí thông sáng, xét kỹ, ở trong nghĩa đã được thuyết giảng của kinh điển này, tự khiêm cung mà trụ, nói như vầy:

Bồ-đề của chư Phật là hết sức thâm diệu. Pháp tánh của các pháp cũng vô cùng sâu xa, chỉ Phật, Như Lai mới có thể khéo thông đạt, không phải là chỗ có thể hiểu rõ của chúng ta. Chư Phật Như Lai, vì vô số hữu tình thắng giải kia chuyển chánh pháp giáo hóa. Tri kiến của chư Phật Như Lai là vô biên, còn tri kiến của chúng ta giống như dấu chân bò.

Các hữu tình kia, đối với kinh điển này, tuy có thể cung kính, vì kẻ khác tuyên thuyết, biên chép, hộ trì, mở đọc, lưu hành khắp, ân cần cúng dường, thọ tụng ôn tập, nhưng vẫn chưa có thể dùng tướng tu kia phát khởi gia hạnh. Do đối với ngôn từ được thuyết giảng từ mật ý thâm diệu của Như Lai, đã không thể thông đạt. Do nhân duyên ấy, nên các hữu tình kia cũng có thể tăng trưởng hai thứ tư lương là phước đức và trí tuệ, đối với sự nối tiếp về sau chưa thành thục, cũng có thể thành thục.

Nếu các hữu tình, nói rộng cho đến chưa có thể tích tập hai thứ tư lương là phước đức và trí tuệ thuộc phẩm thượng, tánh không ngay thẳng, không phải là loại ngay thẳng, thật thà, tuy có năng lực xét chọn, phế lập, nhưng lại trụ trong kiến thủ của mình. Các vị ấy nếu lắng nghe pháp như thế rồi, đối với ngôn thuyết từ mật ý sâu xa của Như Lai, không có năng lực để có thể hiểu rõ đúng như thật, đối với pháp như thế tuy sinh tin hiểu, nhưng đối với nghĩa như thế thì tùy theo ngôn từ chấp trước, cho tất cả các pháp quyết định đều là không tự tánh, quyết định không sinh không diệt, quyết định xưa nay là tịch tĩnh, quyết định tự tánh là Niết-bàn. Do nhân duyên này, nên đối với tất cả pháp, đạt được vô kiến cùng vô tướng kiến. Do đạt được như thế, nên bác bỏ, cho tất cả tướng đều là vô tướng, phủ nhận tướng biến kế sở chấp, tướng y tha khởi, tướng viên thành thật của các pháp. Vì sao? Vì do có tướng y tha khởi, cùng tướng viên thành thật, nên tướng biến kế sở chấp mới có thể thiết lập. Nếu đối với tướng y tha khởi và tướng viên thành thật, thấy là vô tướng, thì kẻ kia cũng bài bác tướng biến kế sở chấp, thế nên gọi họ là bác bỏ ba tướng. Tuy đối với pháp của Như Lai dấy khởi tưởng pháp, nhưng ở trong phi nghĩa khởi tưởng là nghĩa. Do đối với pháp của Như Lai khởi tưởng pháp, cùng ở trong phi nghĩa khởi tưởng nghĩa, nên ở trong “pháp thị”, nắm giữ là pháp thị, ở trong phi nghĩa nắm giữ là nghĩa. Kẻ ấy, tuy đối với pháp khởi tin hiểu, nên phước đức tăng trưởng, nhưng đối với phi nghĩa dấy khởi chấp trước, nên trí tuệ thoái thất. Trí tuệ thoái thất nên thoái thất vô lượng pháp thiện rộng lớn.

Lại có hữu tình từ nơi người kia lắng nghe, lãnh hội, cho pháp là pháp, cho phi nghĩa là nghĩa, hoặc tùy theo kiến giải kia, tức đối với pháp khởi tưởng pháp, ở trong phi nghĩa dấy khởi tưởng nghĩa, chấp pháp là pháp, phi nghĩa là nghĩa. Do nhân duyên này, nên biết là giống với kẻ trước kia, thoái thất pháp thiện.

Hoặc có hữu tình không tùy thuận kiến giải nọ, từ nơi kẻ kia hốt nhiên được nghe: Tất cả các pháp đều không tự tánh, không sinh không diệt, xưa nay tịch tĩnh, tự tánh là Niết-bàn, liền sinh sợ hãi. Sinh sợ hãi rồi, nói lời như thế này: “Đây không phải là lời Phật nói, là lời của Ma”. Hiểu như vậy xong, bèn đối với kinh điển này, hủy báng, bài bác. Do nhân duyên ấy, nên có sự suy tổn lớn, tiếp xúc với nghiệp chướng lớn.

Vì thế, Như Lai nói, nếu có hữu tình đối với tất cả tướng khởi kiến vô tướng, ở trong phi nghĩa nêu bày là nghĩa, là dấy khởi phương tiện của nghiệp chướng rộng lớn, do kẻ ấy đã dẫn đưa vô lượng chúng sinh khiến họ gây tạo nghiệp chướng lớn.

Này thiện nam! Nếu các hữu tình chưa gieo trồng căn thiện, chưa làm thanh tịnh các chướng, chưa thành thục nối tiếp, không có nhiều thắng giải, chưa tích tập hai thứ tư lương là phước đức và trí tuệ, tánh không chất trực, không phải là loại chất trực, tuy có năng lực xét chọn phế lập, nhưng thường trụ trong kiến thủ của mình. Hữu tình ấy nếu được nghe pháp như thế rồi, không thể hiểu đúng như thật về những ngôn thuyết từ mật ý sâu xa của Như Lai, nên đối với pháp ấy không sinh tin hiểu, ở trong pháp ấy khởi tưởng là phi pháp, ở trong nghĩa ấy khởi tưởng là phi nghĩa, ở trong pháp ấy chấp là phi pháp, ở trong nghĩa ấy chấp là phi nghĩa, nói như vầy: Đây chẳng phải là lời Phật, là lời của Ma nói. Tạo sự hiểu biết như thế rồi, đối với kinh điển này hủy báng, chống đối, cho là hư giả, dùng dủ cách để bài bác, chê bai kinh điển như thế, đối với những người tin hiểu kinh điển này khởi tưởng oán địch. Kẻ ấy trước đã bị các nghiệp chướng ngăn che, do nhân duyên này, nên lại bị nghiệp chướng ngăn che sâu dày hơn nữa. Nghiệp chướng như thế, lúc đầu dễ nêu đặt, cho đến ngang với trăm ngàn câu chi na dũ đa kiếp, không có kỳ hạn thoát khỏi.

Này thiện nam! Như thế là ở trong giáo pháp thiện, được thuyết giảng từ ý lạc thanh tịnh tột bậc, đối với pháp, Tỳ-nại-da do Như Lai khéo giảng nói, khéo chế lập, đã có ý giải của các loại hữu tình như thế với vô số sai biệt, có thể biết được.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn nói rõ lần nữa về nghĩa ấy, nên nói tụng:

Tất cả các pháp đều vô tánh

Không sinh không diệt xưa nay tịch

Tự tánh các pháp hằng Niết-bàn

Ai có trí nói không mật ý.

Tướng, sinh, thắng nghĩa không tự tánh

Như thế, Ta đều đã hiển thị

Nếu không biết Phật mật ý này

Hoại mất chánh đạo không thể đến.

Dựa các đạo tịnh được thanh tịnh

Chỉ dựa nơi một, không thứ hai

Nên ở trong ấy lập một thừa

Không tánh hữu tình, không sai biệt.

Trong giới chúng sinh, vô lượng sinh

Chỉ độ một thân hướng tịch diệt

Đại bi dũng mãnh chứng Niết-bàn

Không bỏ chúng sinh, rất khó được.

Giới vô lậu vi diệu khó suy

Trong đó giải thoát cùng không khác

Tất cả nghĩa thành lìa hoặc, khổ

Hai thứ thuyết khác là thường lạc.

Lúc này, Bồ-tát Thắng Nghĩa Sinh lại bạch Phật: Thế Tôn! Ngôn ngữ nơi mật ý của chư Phật Như Lai là hết sức kỳ lạ, hy hữu, cho đến vi diệu, vi diệu tột bậc, sâu xa, hết mực sâu xa, khó thông đạt, hết sức khó thông đạt. Như thế là hôm nay con đã nhận lãnh, hiểu rõ nghĩa do Đức Thế Tôn nêu giảng. Nếu ở trong hành tướng là chỗ dựa của tướng thuộc biến kế sở chấp, là chỗ hành của phân biệt, giả danh an lập, cho là sắc uẩn, hoặc tướng của tự tánh, hoặc tướng sai khác. Giả danh an lập, cho là sắc uẩn, hoặc tướng của tự tánh, hoặc tướng sai khác. giả danh an lập là sắc uẩn sinh, là sắc uẩn diệt, cùng là sắc uẩn vĩnh viễn được đoạn trừ, nhận biết khắp, hoặc tướng của tự tánh, hoặc tướng sai biệt. Đó gọi là tướng biến kế sở chấp. Đức Thế Tôn đã dựa vào đấy để thiết lập tánh của tướng không tự tánh nơi các pháp. Hoặc tức hành tướng là chỗ dựa của tướng biến kế sở chấp, là đối tượng hành của phân biệt. Đó gọi là tướng y tha khởi. Đức Thế Tôn đã dựa vào đấy để thiết lập tánh của sinh không tự tánh cùng một phần tánh của thắng nghĩa không tự tánh nơi các pháp.

Như thế là hôm nay con đã lãnh hội, lý giải nghĩa do Đức Thế Tôn thuyết giảng. Nếu tức ở trong các hành tướng là chỗ dựa của tướng biến kế sở chấp, là đối tượng hành của phân biệt này, do tướng biến kế sở chấp không thành thật, tức tánh của tự tánh không tự tánh ấy, là đối tượng duyên thanh tịnh của chân như nơi pháp vô ngã. Đó gọi là tướng viên thành thật. Đức Thế Tôn đã dựa vào đấy để thiết lập một phần tánh của thắng nghĩa không tự tánh.

Như đối với sắc uẩn, thì đối với các uẩn còn lại đều nên nói rộng. Như đối với các uẩn, thì đối với mười hai xứ, trong mỗi mỗi xứ, đều nên nói rộng. Đối với mười hai hữu chi, trong mỗi mỗi chi, đều nên nói rộng. Đối với bốn thứ thực (ăn), trong mỗi mỗi thứ thực, đều nên nói rộng. Đối với sáu giới, mười tám giới, trong mỗi mỗi giới, đều nên nói rộng. Như vậy, con nay đã lãnh hội, đã lý giải nghĩa do Đức Thế Tôn nêu giảng. Nếu ở trong hành tướng là chỗ dựa của tướng biến kế sở chấp, là đối tượng hành của sự phân biệt, giả danh an lập cho là khổ đế, khổ đế được nhận biết khắp, hoặc tướng của tự tánh, hoặc tướng sai biệt. Đó gọi là tướng biến kế sở chấp. Đức Thế Tôn đã dựa vào đấy để thiết lập tánh của tướng không tự tánh nơi các pháp. Nếu tức đối với hành tướng là chỗ dựa của tướng biến kế sở chấp, là đối tượng hành của phân biệt, đó gọi là tướng y tha khởi. Đức Thế Tôn đã dựa vào đấy để thiết lập tánh của sinh không tự tánh cùng một phần tánh của thắng nghĩa không tự tánh nơi các pháp.

Như thế là hôm nay con đã lãnh hội, đã hiểu nghĩa do Đức Thế Tôn thuyết giảng. Nếu tức ở trong hành tướng là chỗ dựa của tướng biến kế sở chấp, là đối tượng hành của phân biệt, do tướng biến kế sở chấp không thành thật, tức tánh của tự tánh không tự tánh này, là đối tượng duyên thanh tịnh của chân như nơi pháp vô ngã. Đó gọi là tướng viên thành thật. Đức Thế Tôn đã dựa vào đấy để thiết lập một phần tánh của thắng nghĩa không tự tánh.

Như đối với khổ đế, cũng vậy, đối với các đế khác đều nên nói rộng. Như đối với Thánh đế, cũng vậy, đối với các niệm trụ, chánh đoạn, thần túc, căn, lực, giác chi, đạo chi, trong đó mỗi mỗi thứ đều nên nói rộng.

Như thế là hôm nay con đã lãnh hội, lý giải nghĩa do Đức Thế

Tôn thuyết giảng. Nếu ở trong các hành tướng là chỗ dựa của tướng biến kế sở chấp, là đối tượng hành của phân biệt, giả danh an lập, cho là chánh định, cùng là chủ thể đối trị, đối tượng được đối trị của chánh định. Hoặc chánh định được tu tập, chưa sinh khiến sinh, sinh rồi thì trụ vững không quên, tu tập gấp bội, tăng trưởng rộng lớn. Hoặc tướng của tự tánh, hoặc tướng sai biệt, đó gọi là tướng biến kế sở chấp. Đức Thế Tôn đã dựa vào đấy để thiết lập tánh của tướng không tự tánh.

Hoặc tức nơi hành tướng là chỗ dựa của tướng biến kế sở chấp, là đối tượng hành của phân biệt, đó gọi là tướng y tha khởi. Đức Thế Tôn đã dựa vào đấy để thiết lập tánh của sinh không tự tánh và một phần tánh của thắng nghĩa không tự tánh nơi các pháp.

Như thế là hôm nay con đã lãnh hội, hiểu rõ nghĩa do Đức Thế Tôn giảng nói. Nếu ở trong hành tướng là chỗ dựa của tướng biến kế sở chấp, là đối tượng hành của phân biệt, do tướng của biến kế sở chấp không thành thật, tức tánh của tự tánh không tự tánh này, là đối tượng duyên thanh tịnh của chân như nơi pháp vô ngã, đó gọi là tướng viên thành thật. Đức Thế Tôn đã dựa vào đấy để thiết lập một phần tánh của thắng nghĩa không tự tánh nơi các pháp.

Thế Tôn! Ví như thuốc Tỳ-thấp-phược, thì trong tất cả phương tán dược, tiên dược đều nên an xứ. Như vậy, Đức Thế Tôn, dựa nơi các pháp đều không tự tánh ấy, không sinh không diệt, xưa nay tịch tĩnh, tự tánh là Niết-bàn, nên ngôn giáo liễu nghĩa của tánh không tự tánh hiện bày khắp nơi tất cả kinh không liễu nghĩa, đều nên an xứ. Thế Tôn! Như nền của bức họa rực rỡ, hiện bày khắp nơi tất cả công việc bôi màu vẽ, đều cùng một vị, hoặc xanh hoặc vàng hoặc đỏ hoặc trắng, lại có thể hiển phát công việc bôi màu vẽ. Như vậy, Đức Thế Tôn dựa vào các pháp đều không tự tánh ấy, nói rộng cho đến tự tánh là Niết-bàn, nên ngôn giáo liễu nghĩa của tánh không tự tánh hiện bày khắp nơi tất cả kinh không liễu nghĩa, đều đồng một vị, lại có thể hiển phát chỗ không liễu nghĩa trong các kinh kia.

Thế Tôn! Ví như những quả bánh của tất cả các thức ăn ngon đã nấu chín, bên trong đặt thêm thục tô, lại sinh hương vị thù thắng. Như vậy, Đức Thế Tôn đã dựa vào các pháp đều không có tự tánh ấy, nói rộng cho đến tự tánh là Niết-bàn, nên ngôn giáo liễu nghĩa của tánh không tự tánh đặt yên nơi tất cả kinh không liễu nghĩa, sinh hoan hỷ thù thắng.

Thế Tôn! Ví như hư không, hiện hữu khắp nơi tất cả xứ, đều đồng một vị, không gây chướng ngại cho tất cả sự việc hành tác. Như vậy, Đức Thế Tôn dựa vào các pháp đều không tự tánh ấy, nói rộng cho đến tự tánh là Niết-bàn, nên ngôn giáo liễu nghĩa của tánh không tự tánh, hiện hữu khắp nơi tất cả kinh không liễu nghĩa, đều đồng một vị, không gây trở ngại cho công việc tu tập của các vị Đại thừa cùng hết thảy hàng Thanh văn, Độc giác.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn tán thán Bồ-tát Thắng Nghĩa Sinh: Lành thay! Lành thay! Này thiện nam! Ông nay đã có thể khéo lãnh hội nghĩa lời nơi mật ý thâm diệu do Như Lai thuyết giảng. Lại đối nơi nghĩa ấy khéo nêu ra các thí dụ. Này Thắng Nghĩa Sinh! Như vậy như vậy lại không có khác. Như vậy như vậy, ông nên thọ trì.

Bồ-tát Thắng Nghĩa Sinh lại bạch Phật: Thế Tôn! Đầu tiên, vào một thời, tại trong rừng Thi Lộc, xứ Tiên nhân đọa, thuộc nước Bala-nê-tư, chỉ là chư vị phát nguyện hướng đến thừa Thanh văn, Đức Thế Tôn đã dùng tướng của bốn đế để chuyển chánh pháp luân, tuy là hết sức kỳ diệu, hy hữu, vì chư thiên, nhân nơi tất cả thế gian, không một ai có thể chuyển như pháp, nhưng vào thời gian pháp luân được chuyển kia là hữu thượng, là có dung lượng, là chưa liễu nghĩa, là xứ sở an túc của các tranh luận.

Đức Thế Tôn trước đây, trong thời kỳ thứ hai, chỉ vì chư vị phát nguyện hướng đến Đại thừa, dựa nơi tất cả pháp đều không tự tánh, không sinh không diệt, xưa nay tịch tĩnh, tự tánh là Niết-bàn, dùng tướng ẩn mật để chuyển chánh pháp luân, tuy lại hết sức kỳ diệu, hết sức hy hữu. Nhưng vào thời gian pháp luân được chuyển, cũng là hữu thượng, có chỗ dung nạp thọ nhận, cũng chưa là liễu nghĩa, là xứ sở an túc của các tranh luận.

Thế Tôn! Hôm nay, trong thời kỳ thứ ba, khắp vì hữu tình phát nguyện hướng đến tất cả thừa, dựa nơi tất cả pháp đều không tự tánh, không sinh không diệt, xưa nay tịch tĩnh, tự tánh là Niết-bàn, tánh không tự tánh, dùng tướng hiển bày rõ để chuyển chánh pháp luân, là kỳ diệu bậc nhất, là hết sức hy hữu. Pháp luân được Đức Thế Tôn chuyển hôm nay là vô thượng, là không có dung nạp thọ nhận, là liễu nghĩa đích thực, không phải là xứ sở an túc của các tranh luận.

Thế Tôn! Nếu các thiện nam hoặc thiện nữ, đối với ngôn giáo liễu nghĩa thâm diệu do Như Lai đã thuyết giảng, dựa nơi tất cả pháp đều không tự tánh, không sinh không diệt, xưa nay tịch tĩnh, tự tánh là Niết-bàn, nghe rồi thì tin hiểu, biên chép, hộ trì, cúng dường, lưu hành rộng khắp, thọ tụng ôn tập, tư duy như lý, dùng tướng tu kia phát khởi gia hạnh, thì sinh bao nhiêu phước đức?

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Bồ-tát Thắng Nghĩa Sinh: Này Thắng Nghĩa sinh! Các thiện nam hoặc thiện nữ ấy, phước đức được sinh là vô lượng vô số, khó có thể thí dụ, nhận biết. Như Lai nay sẽ vì ông lược nói phần ít. Như đất có trên móng tay so với đất nơi đại địa, trăm phần không đạt được một, ngàn phần không đạt được một, trăm ngàn phần không đạt được một, cho đến ô-ba-ni-sát-đàm phần cũng không đạt được một. Hoặc như nước có trong vũng chân bò so với nước trong bốn biển lớn v.v…

Như vậy, đối với các kinh không liễu nghĩa, nghe rồi tin hiểu, nói rộng cho đến dùng tướng tu kia phát khởi gia hạnh, thì chỗ công đức đạt được, so với chỗ công đức được tích tập do đối với kinh giáo liễu nghĩa, nghe rồi tin hiểu, nói rộng cho đến dùng tướng tu kia phát khởi gia hạnh, thì trăm phần không đạt được một, nói rộng cho đến ô-ba-ni-sát-đàm phần cùng không đạt được một.

Lúc này, Bồ-tát Thắng Nghĩa Sinh lại bạch Phật: Thế Tôn! Ở trong pháp môn Giải thâm mật này, nên gọi tên là gì, giáo pháp này con sẽ phụng trì như thế nào?

Đức Phật bảo Bồ-tát Thắng Nghĩa Sinh: Này thiện nam! Pháp môn này gọi là giáo pháp Thắng nghĩa liễu nghĩa, đối với giáo pháp như thế, ông nên phụng trì.

Lúc Đức Thế Tôn thuyết giảng giáo pháp Thắng nghĩa liễu nghĩa này, trong chúng hội có sáu trăm ngàn chúng sinh phát tâm cầu đạt đạo quả Bồ-đề Vô thượng. Trăm ngàn Thanh văn xa lìa trần cấu, ở trong các pháp đạt pháp nhãn thanh tịnh. Một trăm năm mươi ngàn Thanh văn vĩnh viễn dứt hết các lậu, tâm được giải thoát. Bảy mươi lăm ngàn Bồ-tát chứng đắc pháp Nhẫn vô sinh.

HẾT – QUYỂN 76