LUẬN DU GIÀ SƯ ĐỊA
Tác giả: Bồ tát Di Lặc giảng thuật, Bồ tát Vô Trước ghi
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 18

Địa thứ 11: ĐỊA DO TƯ TẠO THÀNH, phần 3 (Phần Bản Địa)

Ai khen sinh thắng loại

Cùng mở đạo xuất ly

Nơi trụ nào, học nào

Không sợ chết đời sau.

Giới, tuệ tự luân tu

Đủ định niệm chánh trực

Đoạn các sầu thiêu đốt

Chánh niệm tâm giải thoát.

Hay khen sinh thắng loại

Cùng mở đạo xuất ly

Trụ ấy nơi học ấy

Không sợ chết đời sau.

Nay trong tụng này nói thắng loại: Tức là bốn thứ tộc họ thắng thượng.

  1. Bà-la-môn.
  2. Sát-đế-lợi.
  3. Phệ-xá.
  4. Thú-đạt-la.

Dùng giáo pháp, dùng sự chân chánh, dùng pháp chế, dùng sự dẫn dắt chỉ dạy “Sinh thắng loại”, nên gọi là khen ngợi, tưởng lệ. Ở đây nêu rõ chỉ có Đức Phật Thế Tôn mới có thể dùng giáo pháp, dùng sự chân chánh, dùng pháp chế, dùng sự dẫn dắt, chỉ dạy “sinh thắng loại”. Do nhân duyên này, Đức Thế Tôn tự hiển bày chỉ có riêng mình là bậc tưởng lệ dẫn dắt chân chánh, nên vì vị trời kia nói như vầy: “Đủ giới, đủ tuệ để tự huân tu”.

Lại chỉ có Đức Thế Tôn mới có thể vì bốn thứ sinh loại thắng thượng nêu rõ về tám chi đạo Thánh, xuất ly tất cả các khổ. Trong đây, Đức Thế Tôn cũng tự hiển bày là người thuyết giảng chân thật.

Thế nào là đủ giới? Đó là Đức Phật Thế Tôn, từ xưa lúc còn là Bồ-tát, đã dứt bỏ các dục thượng diệu, lìa bỏ đời sống gia đình, thọ trì luật nghi hiện có của thân, ngữ.

Thế nào là đủ tuệ? Đó là người trụ trong sự thọ trì luật nghi của thân ngữ ấy, khởi tướng như vầy: Bên trong, tư duy chân chánh, tâm lường tính sâu xa, quan sát kỹ lưỡng, chắc chắn: Nay, thế gian này gặp nhiều khổ nạn. Đó là hoặc sinh hoặc già, như kinh đã nói rộng.

Thế nào là tự huân tu? Tức nơi vô lượng đời xa xưa, trải qua ba A-tăng-xí-da đại kiếp, đối với sáu Ba-la-mật đã tu tập nhiều, khéo tụ tập. Do nhân duyên kia, nay không thầy, tự nhiên tâm hướng đến xuất ly. Lại, đối với các hành do các duyên sinh, dùng trí vi diệu có thể tùy thuận tỏ ngộ, hội nhập.

Thế nào là đủ định? Đó là có thể, cho đến lìa dục của cõi vô sở hữu xứ, chứng đắc phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Thế nào là đủ niệm? Đó là dựa vào định thù thắng đã đạt được như thế, vì nhằm đoạn trừ các thứ phiền não do kiến đạo đoạn, nên tu tập bốn niệm trụ. Tức dùng chỗ tu tập niệm trụ như vậy làm pháp đứng đầu, dẫn dắt, cho đến tu tập ba mươi bảy pháp Bồ-đề phần.

Thế nào là chánh trực? Tức là hành giả sinh khởi tám chi đạo Thánh chánh trực ngược dòng, có thể đoạn trừ các phiền não hiện có do kiến đạo đoạn trừ, nơi đạo ngược dòng, chứng đắc “Dự theo dòng” ấy.

Thế nào là vĩnh viễn đoạn trừ tất cả sầu ưu thiêu đốt? Đó là từ hiện quán về Đế, cùng lúc được thành tựu quả Bất hoàn, lại có thể đoạn trừ hoàn toàn năm kiết hạ phần, sân hận tợ thuận theo sầu ưu, tham dục tợ thuận theo thiêu đốt, đối với các thứ như thế đều đã dứt trừ vĩnh viễn.

Thế nào là chánh niệm? Đó là đoạn trừ hoàn toàn các kiết thượng phần, lại thêm tu tập bốn thứ niệm trụ, cho đến tu tập ba mươi bảy thứ pháp phần Bồ-đề.

Thế nào là tâm giải thoát? Là đã đoạn trừ vĩnh viễn kiết thượng phần nên đối với hai thứ chướng, là phiền não chướng và sở tri chướng, tâm khéo giải thoát. Tâm đã khéo giải thoát như vậy, nên được thành bậc Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, nói rộng như nơi kinh. Do đấy nên có thể khen ngợi, tưởng lệ “Sinh thắng loại”, mở ra nẻo xuất ly. Bốn thứ thắng loại của các cõi, tuỳ theo mỗi loại, đối với Thánh giáo ấy yêu thích chánh hạnh. Vì nhằm chứng đắc tám chi đạo Thánh, nên ở trong ba học siêng năng tu học, vị ấy nhất định có thể chứng đắc tám chi đạo Thánh và quả Niết-bàn. Do chứng đắc như thế, nên không sợ sinh lão bệnh tử nơi vị lai.

Lại nữa, nay sẽ lược biện biệt về nghĩa đã nói ở trên. Đó là lược hiển bày chỉ có Đức Phật, Thế Tôn mới có thể khiến cho bốn loại mau chóng đạt được thanh tịnh. Vị ấy, nếu đối với điều đó, có thể tu hành chân chánh, không hề uổng phí. Lại thị hiện Thánh giáo của Như lai, là chánh pháp và Tỳ-nại-da giảng nói thiện. Lại chỉ rõ Phật là bậc Đại sư vô thượng của hàng trời, người. Nên biết đó gọi là tóm lược về nghĩa trong ấy.

Thế nào cho tiếng khen

Thế nào đủ châu báu

Thế nào được khen ngợi

Thế nào thâu bạn thân?

Trì giới cho tiếng khen

Bố thí đủ châu báu

Thật đế được khen ngợi

Tuệ xả thâu bạn thân.

Thế nào là trì giới có thể cho tiếng khen? Đó là như có một hữu tình, hoặc nam hoặc nữ, đầy đủ giới cùng pháp hiền thiện, cho đến mạng chung, đoạn trừ tội sát sinh, xa lìa sát sinh, như kinh đã nói rộng, cho đến các Sa-môn, Bà-la-môn hiện có trong mười phương thường khen ngợi. Do nhân duyên ấy nên được các bậc quốc vương, quần thần, trưởng giả, kể cả dân chúng nơi các xóm làng thành ấp đều cung kính cúng dưỡng.

Thế nào là bố thí có thể gồm đủ châu báu? Nghĩa là như có một hữu tình, trong nhiều đời từ xa xưa, tạo tác và làm tăng trưởng phước nghiệp bố thí. Do nhân duyên ấy, nên nay sinh vào gia đình giàu có lớn, có nhiều tài sản, vật báu, cho đến có rất nhiều kho lẫm đầy tràn.

Thế nào là thật đế có thể đạt được khen ngợi? Đó là như có một hữu tình không dùng các thứ cân, đấu, hộp… giả dối trong công việc mua bán trao đổi, hoặc những thứ dua nịnh, dối trá, khinh miệt, vọng ngữ… để đạt đến của cải, châu báu. Chỉ dùng tài năng tạo nghiệp đúng như pháp, dựa nơi pháp không bạo ác, để đạt được tài sản châu báu. Hữu tình ấy, đã được mọi người cùng xưng gọi, khen ngợi: Hiền thay! Là kẻ sĩ đủ hạnh mới có thể dựa vào tài năng, tạo nghiệp như pháp, dẫn đến tài sản, châu báu!

Thế nào là thí xả có thể thâu tóm bạn thân? Tức là như có một hữu tình hiện tiền có vô số gia sản, xa lìa mọi thứ xấu xa của sự keo kiệt, không tiếc lẫn các vật dụng nuôi sống, dùng sự an lạc chân chánh để tự hoan hỉ yên vui, cho đến bạn bè, thân thích, các hàng trưởng thượng, vị ấy đối với những người này luôn giúp đỡ, dẫn đến tài sản, vật báu giữ gìn lợi tức càng thêm dồi dào.

Lại nữa, nay sẽ lược biện biệt về nghĩa đã nói ở trên. Đó là hiển bày tóm lược về hai thứ nhân duyên cung kính và lợi dưỡng.

Trì giới cho tiếng khen: Là hiển bày về nhân duyên cung kính. Các câu còn lại là hiển bày về nhân duyên lợi dưỡng. Đó là do lực của nhân, do lực của sĩ dụng, lực của trợ bạn, nên biết đó gọi là tóm lược nghĩa trong đây.

Cùng suối nào ngừng dứt

Nơi nẻo nào không thông

Các khổ vui thế gian

Xứ nào diệt không sót.

Nếu nơi xứ sở ấy

Mắt tai cùng với mũi

Lưỡi thân ý danh sắc

Vĩnh viễn diệt trọn vẹn.

Cùng suối ấy ngừng dứt

Nơi nẻo này chẳng thông

Các khổ vui thế gian

Là xứ diệt không sót.

Thế nào là suối? Là sáu xúc xứ. Vì sao? Vì ví như suối ao có thể sinh ra nhiều nước, nước tạo mọi sự liên hệ để có thể tiếp xúc thọ dụng. Lại có thể nuôi dưỡng mọi kẻ nam nữ lớn nhỏ, dưới tới loài cầm thú, cho đến hết thảy chưa hoàn toàn khô cạn. Sáu xúc xứ bên trong cũng lại như vậy, vì đấy là đối tượng được tiếp xúc, thọ dụng của xúc thuộc sáu cảnh giới nơi tất cả phàm phu, cho đến trong ấy, nước của các tham ái chưa hoàn toàn khô cạn.

Thế nào là nẻo đường? Nẻo đường có hai loại: (1) Nẻo đường phiền não. (2) Nẻo đường nghiệp. Ở đây, nẻo đường, ý nêu rõ về nghĩa nhân.

Thế nào là khổ vui? Đó là hoặc ở nơi hiện pháp, sáu thứ xúc xứ làm duyên sinh ra. Hoặc là thọ nhận an ổn thuộc về thọ. Hoặc là thọ nhận không an ổn thuộc về thọ. Hoặc ở nơi hậu pháp, phiền não thâu giữ các hành diệu, hành ác làm duyên sinh ra. Hoặc thọ nhận an ổn, thuộc về thọ. Hoặc thọ nhận không an ổn thuộc về thọ.

Nơi xứ sở nào, sáu xứ cùng với danh sắc như thế đều diệt hoàn toàn không còn sót? Đó là trong cảnh giới Niết-bàn Vô dư y. Nếu các phàm phu, với các thứ suối, nẻo đường khổ vui, tất cả không thiếu, cũng chưa có xả bỏ. Hoặc các bậc hữu học tuy thiếu nhưng chưa xả bỏ. Hoặc các bậc vô học, với nẻo đường và các khổ vui hiện có nơi vị lai cũng thiếu, cũng xả bỏ, không hiện hành trở lại. Suối cùng các khổ vui hiện có nơi hiện pháp, cũng thiếu cũng xả bỏ, do “Hữu dư y” nên vẫn hiện hành trở lại. Vì thế, trong cảnh giới Niết-bàn Vô dư y, nói hết thảy các thứ kia đều diệt hết không còn sót.

Lại nữa, nay sẽ lược biện biệt về nghĩa đã nói ở trên. Đó là hiển bày tóm lược về nghĩa nhân cùng khổ vui ở trong hiện pháp, nhân cùng khổ vui ở trong hậu pháp. Còn ở trong cảnh giới Niết-bàn Vô dư y, tất cả thảy đều vĩnh viễn diệt. Nên biết đó là tóm lược về nghĩa ở đây.

Ai hay vượt bộc lưu

Ai hay vượt biển lớn

Ai hay xả các khổ

Ai hay đạt thanh tịnh?

Chánh tín vượt bộc lưu

Không dật vượt biển lớn

Tinh tấn xả các khổ

Trí tuệ đạt thanh tịnh.

Trong tụng này:

Thế nào là chánh tín có thể vượt khỏi bộc lưu (Dòng thác)? Đó là như có một hữu tình vì muốn nhận biết rõ về lỗi lầm tai họa của các dục, nghe Phật giảng nói, hoặc đệ tử Phật nêu giảng về chánh pháp hiện có, nghe pháp ấy rồi, đạt được chánh tín, liền sinh vui thích, vì nhằm đoạn trừ dục sự và dục phiền não, bèn có thể từ bỏ dục sự nơi đời sống gia đình, chánh tín xuất gia, đi đến đời sống không gia đình. Đã xuất gia rồi, vì muốn đoạn trừ các dục của phiền não nên trụ nơi hạnh xa lìa. Vị ấy do siêng năng tinh tấn tột bậc, cho đến tu tập chánh tư duy, nên đoạn dứt các dục của phiền não, đạt được địa định lìa dục. Như vậy, chánh tín là chỗ dựa, là sự dẫn dắt, nên có thể vượt khỏi bộc lưu của các dục.

Thế nào là không phóng dật có thể vượt qua biển lớn? Đó là vị ấy đối với định trọn không tham ái nơi vị, cho đến cũng không bám chặt để an trụ, chỉ trừ vì chứng đắc trí dứt sạch các lậu thì tâm ấy luôn chuyên chú. Do tâm định này thanh tịnh trắng sạch, chánh trực, thuận hợp, nên đối với bốn Thánh đế có thể nhập hiện quán, cho đến chứng đắc các lậu vĩnh viễn dứt sạch. Như vậy, do không phóng dật làm chỗ dựa, làm sự dẫn dắt, nên có thể đoạn trừ bộc lưu thuộc hai cõi sắc, vô sắc, cùng đoạn dứt hai thứ bộc lưu là tất cả vô minh và kiến chấp, do đó gọi là vượt qua biển lớn.

Thế nào là tinh tấn có thể xả bỏ các khổ? Đó là như có một bậc hữu học kiến tích, tư duy như vầy: Ta phải nên chứng đắc lìa dục của ba cõi, các kiết vĩnh viễn dứt sạch. Vị ấy tức thì xa lìa tâm không dừng lâu nơi tham dục ràng buộc, an trụ nơi tinh tấn dũng mãnh, lại có thể nhận biết rõ đúng như thật về nẻo xuất ly khỏi các thứ triền (trói buộc) dục tham hiện có nơi hiện tại, đối với cái (ngăn che) tham dục, tâm ấy tu tập thanh tịnh, bèn có thể đoạn dứt các triền tham dục cùng các thứ sầu khổ nơi tâm do triền tham dục làm duyên sinh ra. Như cái tham dục, cho đến cái nghi, nên biết cũng vậy. Như thế, tinh tấn là chỗ dựa, là sự dẫn dắt, có thể xả bỏ các khổ.

Thế nào là trí tuệ có thể đạt được thanh tịnh? Đó là vị kia đã trừ diệt năm thứ cái (ngăn che) có thể làm cho tâm cấu nhiễm, cho đến có thể gây chướng ngại cho Niết-bàn cứu cánh rồi, tức dựa nơi định vị chí, an trụ nơi định vị chí, như trước tiên đã đạt được các trí vô lậu về khổ tập diệt đạo, nên ở trong các khổ tư duy về khổ chân thật, cho đến đối với đạo, tư duy về đạo chân thật, liền chứng đắc lìa dục nơi ba cõi không còn sót, các lậu hoàn toàn diệt trừ. Như thế, do trí tuệ đã đạt được trước tiên, làm chỗ dựa, làm sự dẫn dắt, nên có thể chứng đắc thanh tịnh.

Lại nữa, nay sẽ lược biện biệt về nghĩa đã nói ở trên. Đó là Đức Bạc-già-phạm, ở trong tụng này đã hiển bày tóm lược về hàng phàm phu trước đã lìa dục, sau ở nơi Thánh đế đạt hiện quán thanh tịnh. Cùng làm rõ về bậc hữu học, đối với các Thánh đế, trước tiên là hiện quán, lìa dục đạt thanh tịnh. Nên biết đó là tóm lược về nghĩa trong đây.

Ai vượt khỏi Bộc lưu

Ngày đêm không tối tăm

Nơi không vin, không trụ

Thâm diệu không giảm, kém?

Viên mãn các Thi la

Đủ tuệ khéo an định

Trong, tư duy buộc niệm

Hay qua nẻo khó qua

Các dục tưởng lìa nhiễm

Cũng vượt kiết sắc giới

Vị ấy không vin, trụ

Thâm diệu không giảm, kém.

Nay trong Tụng này:

Thế nào là Bộc lưu (dòng thác)? Đó là bốn lưu: (1) Bộc lưu dục. (2) Bộc lưu hữu. (3) Bộc lưu kiến. (4) Bộc lưu vô minh.

Thế nào là không vin không trụ? Đó là Niết-bàn tịch diệt và định diệt tận, lìa dục, các ái vĩnh viễn dứt sạch. Vì sao? Gọi là vin dựa: Là sự trói buộc của các phiền não. Gọi là trụ: Là tùy miên của phiền não. Nơi xứ sở kia, hai thứ ấy đều không, vì thế gọi là không vin không trụ. Đây tức là Niết-bàn không vin không trụ.

Lại, tưởng gọi là vin dựa, thọ gọi là trụ. Như vậy là hiển bày về Định diệt thọ tưởng là không vin không trụ. Nay trong nghĩa ấy, ý giữ lấy định diệt.

Thế nào là viên mãn các Thi la? Đó là khéo an trụ nơi luật nghi của thân, ngữ, tu trị thọ mạng thanh tịnh.

Thế nào là đầy đủ tuệ? Đó là ở nơi khổ Thánh đế, nhận biết rõ như thật, cho đến ở nơi đạo Thánh đế cũng lại như vậy.

Thế nào là khéo an định? Tức là xa lìa các dục, cho đến an trụ đầy đủ nơi tĩnh lự thứ tư, hoặc Tam-ma-bát-để của cõi thứ nhất.

Thế nào là tư duy bên trong? Đó là ở nơi hai mươi hai xứ, lúc luôn quán xét, nói: Ta nay, dung mạo, vật trang sức đều cải đổi khác thường, loại bỏ hình tướng đẹp của thế tục, nói rộng như nơi kinh.

Thế nào là buộc niệm? Đó là nơi hai mươi hai xứ, lúc luôn quán xét, dựa vào tướng của Sa-môn, luôn tạo tác, luôn chuyển biến mà hiện tiền. Do nhân duyên ấy, nên đoạn trừ các kiết còn lại, tu tập bốn niệm trụ.

Thế nào là qua khỏi nẻo rất khó qua khỏi? Đó là hết thảy kiết đều đoạn trừ không còn sót, nên có thể qua khỏi chốn vô cùng khó qua khỏi là cõi Hữu đảnh. Nơi ấy, chẳng phải là tất cả các hàng phàm phu có thể vượt qua được.

Thế nào là ở nơi các dục tưởng mà được lìa nhiễm? Đó là đối với các Kiết hạ phần đã nhận biết, đã đoạn trừ.

Thế nào là ở trong chỗ thâm diệu không vin không trụ, không có giảm kém? Đó là các bậc hữu học và vô học, ở nơi cõi vô sắc, hoặc đã lìa dục, hoặc chưa lìa dục, đã đạt được phi tưởng phi phi tưởng xứ, có lực, có thể thực hiện nhập Định tận diệt, cùng dung nạp có điều ấy, nên không nhất định nói là vượt qua kiết của cõi vô sắc.

Lại nữa, nay sẽ lược biện biệt về nghĩa đã nói ở trên. Đó là Đức Bạc-già-phạm, ở nơi tụng ấy đã hiển bày tóm lược về khả năng đạt được đạo cứu cánh tột cùng, và có thể chứng đắc đạo trụ bậc nhất. Nên biết đó gọi là tóm lược nghĩa ở đây.

Nhân duyên gì tham sân

Do đâu nên vui buồn

Lông dựng ý tầm tư

Như trẻ nương nhũ mẫu?

Nhuần nơi sinh tự sinh

Như cây Nặc-cù-đà

Buộc riêng nơi các dục

Như rừng xứ Ma-già.

Là nhân duyên tham sân

Do đấy nên vui buồn

Lông dựng ý tầm tư

Như trẻ nương nhũ mẫu.

Biết các nhân duyên kia

Sinh rồi liền trừ diệt

Vượt xưa, chưa vượt biển

Bộc lưu không hậu hữu.

Nay trong tụng này:

Thế nào là tham sân? Đó là như có một hữu tình sống nơi gia đình, đối với cảnh giới hợp ý và hữu tình hợp ý, cùng nhau gặp gỡ, sinh khởi tham chấp. Đối với cảnh giới và hữu tình không hợp ý, cùng nhau gặp gỡ mà sinh sân hận.

Thế nào là vui buồn? Đó là như có một hữu tình, đối với Tỳnại-da của pháp do Phật chứng đắc, đột nhiên có thể sinh khởi chánh tín trong chốc lát, không khéo quan sát các việc trước sau được mất, hốt nhiên tự gắng sức, liền bỏ cuộc sống gia đình, đi đến cuộc sống không gia đình. Đã xuất gia rồi thì cùng với đạo tục chung sống lẫn lộn, bèn đối với của cải, bạn thân, tới lui, nhớ nghĩ, luyến mộ, sầu lo trói buộc tâm.

Hoặc có một hữu tình, không phải do chánh tín, cũng không phải tự gắng sức đi đến đời sống không gia đình, nhưng hoặc là do bị vua chúa xua đuổi, bức bách, cho đến hoặc do bị những thứ sợ hãi sai lạc đe dọa không thể sống được, nên lìa bỏ đời sống gia đình. Đã xuất gia rồi, vị này ở gần các hàng Bà-la-môn, cư sĩ chánh tín, nên luôn đạt được nhiều lợi dưỡng, cung kính, sinh khởi ái vị sâu xa, riêng suy nghĩ, nói: Ta nay ở nơi đây, lành thay, thật hết sức kỳ lạ! Không nhọc sức gieo trồng gặt hái, hay buôn bán trao đổi gian khó mà đời sống đầy đủ. Vị ấy duyên nơi sự cung kính, lợi dưỡng như thế, nên tự vui mừng, an nhiên mà trụ.

Thế nào là lông dựng và ý tầm tư? Nghĩa là như có một hữu tình, không phải do tự cố gắng, không vì nuôi sống thân mạng mà lìa bỏ gia đình, nhưng do chánh tín nên từ bỏ cuộc sống thế tục, đi đến đời sống không gia đình. Đã xuất gia rồi, không cùng với hàng đạo tục chung sống lẫn lộn, tức thì xa lìa, sống nơi vắng vẻ, tịch tĩnh. Vị ấy, thời gian sống tại chốn thanh vắng, hoặc ở nơi sương bụi mờ mịt, hoặc vào lúc chiều tối, thấy đám hơi mây lớn, nghe tiếng sấm sét, hoặc gặp khi mưa đá, sư tử, cọp beo, hoặc gặp phải đám trộm cướp hung dữ bắt bớ, hoặc bị hàng phi nhân tới quấy nhiễu bức bách, nên sinh sợ hãi, lông nơi thân dựng đứng. Hoặc vào ban ngày, vị ấy đối với bạn thân tới lui, có các dục thượng diệu, nên phát khởi tham đắm nơi các tầm tư hiện có. Đó là tầm tư dục như kinh đã nói rộng, cho đến tầm tư tương ưng với đời sống gia đình, thế gian.

Như vậy là đã nói về các sự việc tham sân …

Thế nào là nhuần nơi sinh cùng với tự sinh? Cũng như cây Nạc-cù-đà ở thế gian? Nhuần thấm gọi là nước ái. Do đấy làm duyên nên hay sinh các thủ. Hết thảy tham sân kia đều dùng nước ái ấy làm duyên chung. Tự: Tức lấy tham sân làm trước, tầm tư làm sau, mỗi thứ đều có giới, tánh, chủng tử sai biệt.

Thế nào là tham sân, cho đến tầm tư riêng bị các dục trói buộc? Giống như ở thế gian cành nhánh dây Ma-lỗ-ca quấn quanh cây rừng. Đó là lược nêu có sáu thứ dục riêng:

Hoặc có dục sự của hiện tại do sức mạnh của thân tay dẫn đến. Đó là các dục hiện có của những người sống ở gia đình. Đối với cảnh giới ấy, do dục đó làm duyên phát sinh tham sân.

Hoặc có vô số dục sự của hiện tại, từ nơi kẻ khác đạt được. Đó là các dục hiện có của người vì để nuôi sống thân mạng mà xuất gia. Đối với cảnh giới ấy, dùng dục đó làm duyên phát sinh vui vẻ.

Hoặc có dục sự của quá khứ, vị lai. Tức là các dục hiện có của người bỗng dưng tự cố gắng mà xuất gia. Đối với cảnh giới ấy, dùng dục đó làm duyên phát sinh lo buồn.

Hoặc có dục của các phiền não còn lại, lược có hai loại: Đó là tự thể cùng của cải nuôi sống thân mạng thuộc dục giới.

Hoặc có tham do chưa đoạn trừ phân biệt hư vọng. Đó là do chánh tín mà xuất gia, sống nơi vắng vẻ, tịch tĩnh, về ban đêm thường gặp phải các sự việc, đối với cảnh gới ấy, dùng đấy làm duyên, liền sinh sợ hãi, lông nơi thân dựng đứng.

Hoặc có tham do chưa đoạn trừ phân biệt hư vọng. Đó là hữu tình ấy, về ban ngày, đối với cảnh giới của sắc thanh lương vị xúc bên ngoài, dùng đấy làm duyên, phát sinh tầm tư hiện có của địa ý. Lại có Sa-môn hoặc Bà-la-môn, nhận biết rõ như thật, như đã nói ở trước, về tham và sân, cùng với nhân duyên của chúng. Lại có thể nhận biết rõ về tánh vô thường của pháp do các duyên sinh rồi, tùy theo sự sinh ấy không dấy khởi tham vướng. Tức liền từ bỏ, đoạn dứt mọi thứ biến đổi. Lìa tham của hai cõi sắc, vô sắc, nên qua khỏi bộc lưu hữu. Lìa tham của cõi dục, nên qua khỏi bộc lưu dục. Như thế, bộc lưu xưa chưa vượt qua, nay đã qua khỏi rồi, trọn không có thoái chuyển.

Lại nữa, nay sẽ lược biện biệt về nghĩa đã nói ở trên. Đó là Đức Bạc-già-phạm, ở trong Tụng ấy đã hiển bày tóm lược về ba phần vị: Phần vị tại gia, phần vị xuất gia và phần vị xa lìa. Lại hiển bày về hai thứ trói buộc riêng ở trong các dục, chung và không chung, do nhân duyên sinh, hoặc ái hoặc sân. Cùng phương tiện đoạn trừ và thắng lợi của sự đoạn trừ. Nên biết đó là tóm lược về nghĩa ở đây.

Lại, ở trong đấy, các tầm tư hiện có hoặc tham hoặc vui mừng, hoặc dựa nơi đắm nhiễm, nên biết đó thuộc về phẩm Ái. Hoặc giận dữ, hoặc lo buồn, cùng với sợ hãi, nên biết thuộc về phẩm Sân.

Bà-la-môn nên làm

Tức đoạn, không phóng dật

Dứt bỏ hẳn các dục

Không mong cầu Hữu ấy.

Nếu thật có chỗ tạo

Không thật Bà-la-môn

Nên biết Bà-la-môn

Nơi việc làm đã xong.

Các thân phần khó nhọc

Chưa tận đáy, chưa qua

Qua rồi, trụ gò cao

Không động đến bờ kia.

Trời, người nay nên biết

Đây, dụ Phạm chí thật

Là các lậu diệt hẳn

Đạt tĩnh lự thường an.

Vĩnh viễn đoạn hết thảy

Sầu lo cùng thiêu đốt

Hằng trụ nơi chánh niệm

Tâm cũng luôn giải thoát.

Nay ở trong tụng này hiển thị, vị trời kia, dựa nơi các Bà-lamôn thế tục, vì Đức Thế Tôn mà nói. Đó là có chủng tánh các Bà-lamôn, tự xưng Ta là Phạm chí chân thật, cho thế gian của Phạm Thiên là cứu cánh tột cùng, mong cầu cõi Phạm Thế, an trụ nơi sắc, luôn siêng năng tinh tấn, tâm không biếng trễ, luôn ưa thích hạnh xa lìa, sống nơi chốn thanh vắng, tịch tĩnh, giảm bớt ngủ nghỉ tu tập định tĩnh nhằm đoạn trừ dục sự và dục phiền não. Do các Bà-la-môn của chủng tánh kia cho thế giới của Phạm thiên là cứu cánh, mong cầu về cõi Phạm thế, nên không cầu dục hữu.

Lại hiển bày về Đức Như Lai, dựa nơi các Bà-la-môn của đệ nhất ngĩa để đáp lại vị trời kia.

Nếu Bà-la-môn nơi việc làm đã làm rồi, lại thường nên làm, thêm có sự việc phải làm cao hơn, nên biết đấy chẳng phải là Bà-lamôn chân thật.

Nếu Bà-la-môn biết rõ sự việc nên làm, vượt lên hết thảy các bờ của thân tướng, an trụ nơi đất liền, nên biết đây là Bà-la-môn chân thật. Do đấy hiển thị hàng học và vô học đều là Bà-la-môn. Học có hai loại: Đó là ở nơi dục giới hoặc chưa lìa dục, hoặc đã lìa dục. Loại chưa lìa dục: Là chưa đạt được nguồn đáy, chưa đến bờ kia. Đối với hai thứ pháp cũng chưa đầy đủ. Một là nội tâm chưa đạt Xa-ma-tha thù thắng. Hai là tuy đã đạt được Tỳ-bát-xá-na của pháp tuệ tăng thượng, nhưng chưa hoàn toàn thanh tịnh. Do thiếu Xa-matha của nội tâm, nên ôm phao nổi là như Thánh đạo đã chứng đắc. Vì chứng được Xa-ma-tha của nội tâm, nên vận động tinh tấn dũng mãnh như thế.

Lại, vì khiến cho Tỳ-bát-xá-na của pháp tuệ tăng thượng được hoàn toàn thanh tịnh, nên vận động như cánh tay, tinh tấn dũng mãnh. Vị ấy, nơi thời gian siêng năng tinh tấn như thế, lìa dục của cõi dục, như đạt được nguồn đáy, chứng A-la-hán như đến bờ kia. Loại đã lìa dục: Chứng đắc Xa-ma-tha thù thắng của nội tâm, cũng đạt được Tỳbát-xá-na hoàn toàn thanh tịnh. Chỉ vì tiến tới đoạn trừ các kiết thượng phần, nên phát khởi siêng năng tinh tấn, chẳng phải là các phần thân.

Nếu đã vượt qua, thành A-la-hán, việc làm đã xong, lìa dụng công siêng năng, gọi là đã đến bờ kia, trụ nơi đất liền. Đây tức là hiển thị các Bà-la-môn, dựa nơi đệ nhất nghĩa, lược có ba loại: Hai loại là hàng hữu học. Một loại là hàng vô học. Nếu các Bà-la-môn hoàn toàn đến nơi bờ kia, gọi là vĩnh viễn dứt hết lậu.

Nếu người chưa lìa dục, hết thảy phần thân đều siêng năng tinh tấn, gọi là thường được từ bỏ. Nếu người đã lìa dục, đạt được nguồn đáy, gọi là chứng đắc tĩnh lự. Người đạt được tĩnh lự là vĩnh viễn đoạn trừ hết thảy kiết thượng phần, đã đoạn tất cả sầu lo thiêu đốt hiện có thuộc phẩm sân hận và tham dục. Người vĩnh viễn dứt hết lậu là đoạn trừ hoàn toàn các phiền não do tu đạo đoạn. Đã khéo tu tập bốn thứ niệm trụ, luôn trụ nơi chánh niệm và tâm giải thoát. Vị ấy không phải làm rồi, lại luôn luôn làm nữa, cũng không có việc nên làm tốt hơn. Vì thế, gọi vị ấy là Bà-la-môn chân thật đệ nhất nghĩa.

Bí-sô, Bí-sô

Đã qua bộc lưu chăng?

Trời nói lời như thế

Không vin không trụ

Đã qua bộc lưu chăng?

Trời nói lời như thế

Bí-sô ông nay

Cũng như những gì

Không vin không trụ

Đã qua bộc lưu.

Như, như ta khó nhọc

Như thế, như thế kém

Như, như ta kém rồi

Như thế, như thế trụ

Như, như ta trụ rồi

Như thế như thế nổi

Trời, ta như như bỏ khó nhọc

Như vậy như vậy không giảm kém

Như vậy, phẩm

Trắng sạch nói rộng

Trong ấy, tụng lửa lớn, nên biết.

Nay trong tụng này:

Không vin không trụ: Đó là định diệt của Niết-bàn. Như trước đã nói Đức Thế Tôn dựa vào việc xưa, thị hiện những khổ hạnh thật hết sức khó làm vốn có trong thời gian tu tập hạnh Bồ-tát, tinh tấn dũng mãnh, không phải thuộc về phương tiện. Lại dựa vào sự thị hiện ngồi nơi tòa Bồ-đề, tinh tấn dũng mãnh, không phải thuộc về phương tiện. Vì để quyết đoán về biến tri, nên nói lời này: Này vị trời! Ông nên biết! Ta xưa như như giả nên về khó nhọc, như thế như thế Ta liền giảm kém. Như như giảm kém. Như thế như thế Ta liền dừng trụ. Như như dừng trụ. Như thế như thế lại bị nổi chìm. Trái với các việc này, nên biết là phẩm trắng sạch.

Ở đây hiển thị về thời gian tu khổ hạnh, tinh tấn dũng mãnh, không phải thuộc về phương tiện, gọi là khó nhọc. Hành phương tiện tà vạy, pháp thiện thoái thất, gọi là giảm kém. Đã nhận biết các pháp thiện bị thoái thất rồi, dứt bỏ phương tiện tà vạy, gọi là dừng trụ. Xả bỏ các khổ hạnh, lại cầu tìm thầy khác, bèn đối với chỗ chấp trước sai lạc của các vị Ốt-đạt-lạc-ca, A-la-trà, tùy thuận quan sát, gọi là chìm nổi. Về sau, an tọa nơi tòa Bồ-đề, dứt bỏ hết thảy những thứ không thuộc về phương tiện, tinh tấn dũng mãnh, pháp thiện hiện có liền được tăng trưởng. Như như pháp thiện đã tăng rồi, như thế như thế, nơi các pháp thiện không sinh biết đủ, không vội dừng trụ, đối với việc tu tập đoạn trừ lần lượt tìm cầu các thứ vi diệu thù thắng. Đã do không cho là đủ như vậy, bèn không còn cầu nơi các sư ngoại đạo khác. Không thầy, tự nhiên tu tập ba mươi bảy pháp phần Bồ-đề, chứng đắc Chánh đẳng Bồ-đề vô thượng, gọi là bậc Đại giác. Bốn nghĩa nơi bốn trường hợp văn kinh như xả bỏ khó nhọc v.v… theo thứ lớp nên biết là đã phối hợp giải thích.

Thế nào là lại nương vào Niết-bàn không dựa không trụ? Để nêu rõ về sự sai biệt? Đó là không thể vượt qua bộc lưu là tùy miên của các phiền não trói buộc, lược do bốn nhân. Những gì là bốn? Đó là đầu tiên có dựa vào tầm tham đắm, dựa vào đấy làm chỗ nương, nên liền có biếng nhác. Lại do biếng nhác làm chỗ dựa, nên trụ nơi phần phàm phu. Trụ nơi phần phàm phu làm chỗ dựa, nên thuận theo dòng chảy sinh tử, với sức mạnh của tham ái, khiến ở trong sông sinh tử của năm nẻo trôi nổi chìm đắm. Cùng trái với bốn thứ nhân ấy, là có thể vượt qua bộc lưu, nên biết như thế.

Thế nào là lại dựa vào Định tưởng thọ diệt để làm rõ sự sai biệt? Đó là như có một hữu tình, trước đã chứng đắc Định tưởng thọ diệt, lại trụ nơi phóng dật, trụ nhiều nơi tưởng thọ, nhưng không trụ nhiều nơi các tưởng thọ diệt. Do nhân duyên này, nên thoái thất định diệt. Do định bị thoái thất nên trở lại trụ nơi nhân sinh của địa dưới. Trụ nơi nhân ấy, nên tâm liền quyết định hướng tới quả đã có được. Trái với sự việc này, nên biết là bốn trường hợp sai biệt của phẩm Trắng sạch.

Riêng đến A-luyện-nhã

Lìa tài sản, tĩnh lự

Vì riêng có nơi cầu

Vì dứt nhìn ấp phong.

Sao không giao tiếp người

Dứt hẳn không bè bạn

Được nghĩa, tâm tịch tĩnh

Phá quân ma sắc diệu.

Ta ở riêng, tư duy

Thọ an lạc tối thắng

Nên không giao tiếp người

Dứt hẳn không bè bạn.

Kệ tụng này là nhân nơi chỗ thưa hỏi của Thiên nữ.

Nói được nghĩa: Lược có hai thứ: (1) Nghĩa chứng đắc quả Samôn. (2) Nghĩa chứng đắc thần thông bậc Thánh.

Do được nghĩa thứ nhất, nên vượt khỏi tất cả chốn khổ lớn của sinh tử. Do được nghĩa thứ hai, nên chứng đắc tám giải thoát, tư duy tịch tĩnh, trụ nơi hiện pháp lạc.

Lại do nghĩa thứ nhất, nên hàng phục quân ma sắc diệu khả ái. Do đạt được nghĩa thứ hai, nên ở riêng, tư duy, thọ an lạc thù thắng. Ở đây, ý là biện minh về nghĩa thần thông bậc Thánh. Vì sao? Đó là như có một hữu tình, vì muốn thành tựu đầy đủ nghĩa thần thông bậc Thánh, nhằm khiến giải thoát thanh tịnh được viên mãn, nên dựa vào mười biến xứ làm phương tiện tu tập. Do nhân duyên ấy, khiến cho biến xứ nhất định thanh tịnh viên mãn, trắng sạch. Cũng có thể thành tựu nghĩa thần thông bậc Thánh. Vị ấy đã nhận biết rõ chỗ thành tựu đầy đủ đó rồi, liền tự thông đạt về nghĩa mình đã thực hiện xong. Tức nghĩa của quả Sa-môn cũng được thành tựu. Là Sa-môn chân thật, đối với việc cầu tìm của cải, tu tập tâm chán bỏ sâu. Đối với thành ấp, nơi chốn giao du, nhận biết rõ trước tiên. Nhận biết rõ về lỗi lầm, tai họa. Nhận biết rõ về nẻo xuất ly, cũng có thể nhận biết rõ hành hướng tới xuất ly, sinh khởi nhân duyên ấy, gọi là đầu tiên. Tánh của pháp là vô thường, nhiều khổ, biến hoại, đó gọi là lỗi lầm, tai họa. Điều phục dục tham, đoạn trừ, vượt khỏi, gọi là xuất ly. Tám chi đạo Thánh gọi là hành hướng tới xuất ly. Nếu có hữu tình, đối với các sự việc kia không thấy điều trước tiên, cho đến không thấy hành hướng tới xuất ly. Do nhân duyên như thế, nên ở nơi chốn có đủ hữu tình, của cải, châu báu, không thể chán bỏ, thành ấp, giao tiếp, tới lui không dứt, nhưng kẻ đó cho là tâm được tịch tĩnh, đối với các vị xuất gia chứng đắc tĩnh lự, định tám giải thoát, nội tâm vắng lặng, trở lại sinh phỉ báng. Do đấy, kẻ kia nơi nội tâm cho là tịch tĩnh, nhưng không thể khéo nhận thấy, khéo biết rõ, khéo soi xét, khéo thông đạt. Nếu là tâm tịch tĩnh đệ nhất nghĩa, là trái hẳn với trường hợp trên, tức có thể khéo nhận thấy, cho đến khéo thông đạt.

Lại nữa, nay sẽ lược biện biệt về nghĩa đã nói ở trên. Đó là Đức Bạc-già-phạm, ở đây đã hiển thị tóm lược về những kẻ thọ dục, vui thích sống xen tạp, không phải là nội tâm tịch tĩnh đệ nhất nghĩa. Nếu có Hành giả chứng đắc định tám giải thoát, lìa mọi ái vị, gọi là nội tâm tịch tĩnh đệ nhất nghĩa. Nên biết đó là tóm lược về nghĩa ở đây.

Các hành vô thường

Pháp có sinh diệt

Do vì sinh diệt

Kia tịch là vui.

Nay trong tụng này:

Uẩn và thủ uẩn đều gọi là các hành.

Nghĩa ở đây: Ý tại thủ uẩn, là năm thủ uẩn, lược nêu có ba thứ là quá khứ, hiện tại, vị lai.

Các hành vô thường: Đó là các hành kia, vốn không mà sinh, sinh rồi liền diệt. Như sinh ở quá khứ, các uẩn hiện có trong các tự thể có được của quá khứ, đều là quá khứ nên đã tàn diệt. Sinh rồi mất, nên thể là vô thường.

Nếu là sinh ở vị lai: Thì các uẩn hiện có trong các tự thể có được của vị lai đều là chưa sinh, không phải là đã khởi, nên chưa diệt mất, có thể sinh khởi, là pháp có sinh.

Nếu là sinh ở hiện tại: Thì các uẩn của hữu tình tạm trụ, chống giữ sống còn hiện có trong các tự thể đạt được của hiện tại, đều là pháp tử, có thể bị hủy diệt, nên là pháp có diệt.

Nếu các uẩn kia ở nơi tự thể có được của vị lai, là pháp có sinh, trong đó tự thể đều không chỗ đạt được, là thường là hằng, cho đến tức đương chánh trụ như thế, chỉ trừ vừa sinh, sinh rồi liền diệt. Nếu các hữu tình ở trong hiện pháp, vĩnh viễn dứt hết nhân của các uẩn vị lai, thì hết thảy các uẩn nơi tự thể của vị lai đều không sinh, nên gọi là kia tịch tĩnh (Bỉ tịch).

Lại nữa, tịch tĩnh ấy do hai nhân duyên nên gọi là vui. Một là hết thảy nhân khổ đều diệt, tất cả các thứ thô trọng cũng hoàn toàn dứt trừ, nên ở trong hiện pháp, trụ nơi an lạc. Vì thế gọi là vui. Hai là các khổ hiện có như sinh lão bệnh nơi vị lai được hoàn toàn giải thoát, nên gọi là vui.

Lại nữa, nay sẽ lược biện biệt về nghĩa đã nói ở trên. Đó là Đức Bạc-già-phạm ở đây đã lược nói về chỗ dựa của chánh kiến cùng quả của chánh kiến. Lại có sai biệt: nghĩa là lược hiển thị về chỗ dựa của biến tri cùng chỗ đoạn dứt chúng. Lại hiển thị tóm lược về pháp của đối tượng biến tri cùng với chủ thể biến tri. Lại hiển bày tóm lược về các tạp nhiễm hiện có nơi các hành trong ba đời cùng những thanh tịnh hiện có nơi cảnh giới tịch tĩnh kia. Lại hiển bày tóm lược về các pháp duyên khởi cùng duyên khởi diệt.

Lại hiển thị tóm lược về khổ đế, diệt đế. Lại hiển thị tóm lược về nơi chốn, chỗ dựa của hai môn giải thoát không, vô nguyện, cùng hiển bày về nơi chốn, chỗ dựa của một môn giải thoát vô tướng. Lại hiển thị tóm lược về chỗ dựa, sự đoạn trừ của hiện quán Thánh đế trái với hai pháp. Nói hai pháp là: (1) Thuận theo hý luận. (2) Sợ không hý luận.

Lại hiển bày tóm lược về hai pháp đối trị, không chung với ngoại đạo. Những gì là hai? Một là đối tượng nhận thức tánh không điên đảo. Hai là đối tượng chứng đắc, tánh không điên đảo.

Không dật, dấu không chết

Phóng dật là dấu chết

Người không dật không chết

Kẻ phóng dật luôn chết.

Nay trong tụng này:

Thế nào là không phóng dật là dấu vết không chết? Đó là như có một hữu tình, dựa nơi bốn chỗ dựa, lập bốn thứ bảo hộ: Bảo hộ về thọ mạng. Bảo hộ về sức mạnh. Bảo hộ về tâm tạp nhiễm. Bảo hộ về phương tiện chân chính. Đó gọi là không phóng dật. Không phóng dật ấy là chỗ dựa, là sự bền vững. Người tạo tư lương của Niết-bàn chưa viên mãn, thì khiến mau chóng viên mãn. Người đã viên mãn, thì khiến ở nơi hiện pháp đạt được Niết-bàn.

Thế nào là phóng dật là dấu vết chết? Đó là như có một bạch y sống nơi gia đình, đối với cảnh giới dục tham đắm thọ dụng, tạo nghiệp bất thiện. Hoặc có người xuất gia, hiện bày bốn thứ không bảo hộ. Đó là thọ mạng không bảo hộ, cho đến phương tiện chân chánh không bảo hộ. Như thế phóng dật là chung cho hai loại tại gia và xuất gia. Tức phóng dật ấy là chỗ dựa, là sự giữ vững để vui sinh nơi hạnh gốc, tạo sinh theo nghiệp gốc. Nhân đấy nên sinh, sinh rồi mạng chung, sinh rồi chết yểu.

Thế nào là người không phóng dật, không chết. Kẻ phóng dật luôn chết? Nghĩa là chết có năm loại: (1) Chết do điều hợp thiện. (2) Chết do không điều hợp thiện. (3) Chết thuộc quá khứ. (4) Chết thuộc hiện tại. (5) Chết thuộc vị lai. Hữu tình nếu khéo tu tập pháp không phóng dật ấy, thì ở nơi đời hiện tại, do điều hợp thiện chết mà chết đúng lúc. Do quá khứ chết đã chết, nơi đời quá khứ, cũng do không điều hợp thiện chết. Nơi đời hiện tại, không do không điều hợp thiện chết mà chết. Nơi đời vị lai, do không điều hợp thiện chết, không do không điều hợp thiện chết mà chết, nên gọi là không chết. Hữu tình nếu có phóng dật, nơi đời hiện tại, do không điều hợp thiện chết mà chết đúng lúc. Nơi đời quá khứ, cũng do không điều hợp thiện chết đã chết. Nơi đời hiện tại, tức không do điều hợp thiện chết mà chết. Nơi đời vị lai, cũng do không điều hợp thiện chết, sẽ chết, nên gọi là luôn chết.

Lại nữa, nay sẽ lược biện biệt về nghĩa đã nói ở trên. Đó là Đức Bạc-già-phạm ở đây đã chỉ rõ tóm lược đạo đế diệt đế của người không phóng dật, về tập đế khổ đế của kẻ phóng dật. Lại hiển thị tóm lược về tánh của xứ phi xứ và tánh tạo tác của tự nghiệp. Nửa trước là hiển bày tánh của xứ phi xứ. Nửa sau là hiện thị về tánh tạo tác của tự nghiệp.

Lại, nửa trước là hiển thị về thầy đối với đệ tử, làm điều nên làm. Nửa sau là hiển thị về nghĩa tự làm của các đệ tử.

Chỗ xoay động tầm tư chúng sinh

Tham dục mãnh liệt theo quán diệu

Ái nhiễm bội tăng mà lưu chuyển

Nên hay tự trói buộc chắc chắn.

Nay trong tụng này:

Thế nào là chỗ xoay động của tầm tư? Đó là như có một hữu tình, đối với cảnh giới dục trước đã đạt được, đã thọ dụng, tác ý không đúng đắn, phát sinh bất thiện, dựa nơi sự tham đắm theo các tầm tư xấu ác.

Thế nào là tham dục mãnh liệt? Đó là như có một hữu tình, ở nơi các đời từ xa xưa hành xử tham dục, cũng hành xử nhiễm. Do nhân duyên ấy, nên khiến trong đời này, đối với các cảnh giới dục, trước đã đạt được, đã thọ dụng, tác ý không đúng dắn, nên bị tham dục làm tan hoại tâm ý.

Thế nào là theo quán tịnh diệu? Đó là như có một hữu tình, không khéo hộ trì thân, không thâu giữ các căn, không trụ nơi chánh niệm, đi đến các xóm làng gặp những người tuổi trẻ, đẹp đẽ, khả ái, nơi các vùng đất chung ấy, liền không như lý, giữ lấy tướng tịch diệu. Do nhân duyên này, nên thân tâm bị thiêu đốt, não hại.

Thế nào là ái nhiễm tăng bội? Đó là do năm thứ tướng mạo, nên biết, khiến cho ái nhiễm tăng trưởng. Những gì là năm? Tức như có một hữu tình, đối với các cảnh giới dục thấp kém, hãy còn sinh khởi các triền tham dục mãnh liệt, tham đắm không bỏ, huống chi là các cảnh giới dục thượng diệu. Lại dùng phi pháp, phần nhiều là hung bạo, để tích tập tài sản châu báu, không dùng chánh pháp. Cũng thường thâu nhận các vật dụng tăng thượng. Lại đối với các vật vô dụng, hèn mọn, hãy còn không muốn buông bỏ, huống hồ là các vật quý trọng. Tuy là tìm cầu các thứ tài sản kém, ít, hãy còn hành tác rất nhiều thân ngữ ý ác huống chi là thứ tài sản nhiều, hơn hẳn. Lại, đối với việc thọ trì các hành diệu nhỏ ít, tâm ý hãy còn không tỏ ra yêu thích, huống chi là các hành diệu rộng lớn. Lại, đối với Niết-bàn, hãy còn không thích nghe, huống hồ là muốn chứng đắc.

Thế nào là trói buộc bền chắc? Đó là do ba thứ tướng, nhận biết là trói buộc bền chắc: (1) Bền chắc. (2) Tiếp xúc với khổ. (3) Theo đuổi nơi thời gian dài. Ở trong hiện pháp, do tham sân si là gốc của hành ác, nên nhận biết về sự trói buộc bền chắc. Nơi đời vị lai, do sinh nơi các nẻo địa ngục, bàng sinh, ngạ quỷ, nên biết là tiếp xúc với khổ và theo đuổi nơi thời gian dài.

Lại nữa, nay sẽ lược biện biệt về nghĩa đã nói ở trên. Đó là hiển bày tóm lược dựa nơi hai nhân hoại mất, có hai thứ hoại mất. Những gì gọi là hai nhân hoại mất? Tức là sức mạnh của tư duy bất chánh và sức mạnh của nhân. Những gì gọi là hai thứ hoại mất? Tức là mong cầu hoại mất và thọ dụng hoại mất.

Thế nào là sức mạnh của tư duy bất chánh? Đó là nghĩ về cảnh giới đã thọ dụng trước, tư duy bất chánh do nhân duyên sinh. Hoặc phân biệt sai lạc về cảnh giới hiện tiền, tư duy bất chánh do nhân duyên sinh. Hoặc tư duy bất chánh giữ lấy một cách sai lạc về tướng. Hoặc nơi cảnh giới kia tư duy bất chánh, hoặc trụ hoặc hành.

Thế nào là sức mạnh của nhân? Đó là đối với cảnh giới đáng yêu thích, từ trước đã tập quen về dục tham.

Thế nào là mong cầu hoại mất? Đó là như có một hữu tình tạo nên hai thứ nhân hoại mất, dùng phi chánh pháp, hoặc dùng sự hung bạo để tìm cầu, tích chứa các tài sản bất chánh hiện có.

Thế nào là thọ dụng hoại mất? Đó là như có một hữu tình, ở trong các cảnh giới thuận vui, thuận khổ, thuận không vui không khổ đã đạt được trước. Hoặc có trường hợp nơi một đời sinh nhiễm chấp, nói rộng cho đến không biết xuất ly mà thọ dụng chúng. Hoặc có trường hợp nơi một lần phát sinh ghét giận, bị ghét giận che lấp. Hoặc có trường hợp nơi một lần phát sinh ngu si, bị ngu si che lấp. Kẻ ấy, do tham nhiễm che lấp như vậy, cho đến bị ngu si che lấp, nên hành vô số hành ác nơi thân ngữ ý, bị sự trói buộc bền chắc của ba thứ tham sân si trói buộc, cũng bị các thứ trói buộc nơi các nẻo địa ngục, bàng sinh, ngạ quỷ trói buộc.

Lại có sai biệt. Đó là hữu tình bị kiết ái trói buộc, lược có bảy thứ tạp nhiễm, nên biết đều là do tham ái tạo ra. Bảy thứ tạp nhiễm là: (1) Tạp nhiễm tùy niệm. (2) Tạp nhiễm không tự tại. (3) Tạp nhiễm của cảnh giới. (4) Tạp nhiễm nhiệt não. (5) Tạp nhiễm tương ưng với nẻo thiện. (6) Tạp nhiễm tương ưng với nẻo ác. (7) Tạp nhiễm của các kiến.

Thế nào là tạp nhiễm tùy niệm? Đó là như có một hữu tình tùy niệm không chân chánh, trước đã thọ dụng cảnh giới khả ái, nên hy vọng tìm cầu khiến tâm ý tan hoại.

Thế nào là tạp nhiễm không tự tại? Đó là như có một hữu tình, nơi đời trước đã tập quen với pháp tham dục, nên đời này tham dục thành tánh mãnh liệt. Tuy lại ở nơi cảnh giới khả ái, tùy niệm tác ý như lý, nhưng có trông mong tìm cầu tham dục làm tâm tan hoại. Kẻ ấy, do tham dục hết sức mãnh liệt nên tâm không tự tại.

Thế nào là tạp nhiễm của cảnh giới? Đó là như có một hữu tình đi đến các thành ấp… hiện tại gặp gỡ cảnh giới đáng yêu thích, hình sắc đoan nghiêm. Do cảnh giới ấy hết sức đoan nghiêm, nên theo tướng đẹp đẽ, Tâm thức kết nối không rời, nhân đấy phát sinh tham vọng tìm cầu vô số tham ái.

Thế nào là tạp nhiễm nhiệt não? Nghĩa là như có một Hữu tình do ba thứ ấy, có thể làm tăng trưởng các tạp nhiễm của tham ái, khiến những tham ái đã có lần lượt thêm lớn mạnh, truy tìm luyến tiếc cảnh đã thọ dụng nơi quá khứ, mong cầu cảnh sẽ thọ dụng nơi vị lai, tham đắm cảnh đang thọ dụng nơi hiện tại, nên khiến thân tâm bị phiền não thiêu đốt hoàn toàn.

Thế nào là tạp nhiễm tương ưng với nẻo thiện? Tức do tham ái kia làm lực tăng thượng của tập đế, nên hành vô số hành diệu nơi thân ngữ ý, được sinh vào nẻo thiện, hoặc trời hoặc người. Kẻ ấy, đối với lạc thọ tham chấp không buông bỏ, trụ trong say đắm, sầu muộn, chuyên hành phóng dật.

Thế nào là tạp nhiễm tương ưng với nẻo ác? Tức do tham ái kia làm lực tăng thượng của tập đế, nên hành vô số hành ác nơi thân ngữ ý, thân hoại mạng chung bị đọa vào các nẻo ác, sinh nơi địa ngục… Sinh nơi nẻo kia rồi, liền bị vô số các sầu khổ cực nặng nơi tâm xấu ác, tâm giận dữ quấy nhiễu, não hại.

Thế nào là tạp nhiễm của các kiến? Tức do tham ái kia làm lực tăng thượng của tập đế, nên gặp gỡ bạn ác, thuyết giảng pháp điên đảo. Vì khiến cho tạp nhiễm được giải thoát, nên kẻ ấy, tuy mong cầu giải thoát các tạp nhiễm, nhưng do gặp phải pháp được nêu giảng điên đảo như thế, nên không chứng đắc giải thoát, ở trong sáu mươi hai các kiến thú, theo khiến một loại tà kiến tăng trưởng. Đối với các pháp duyên khởi chỉ tăng trưởng ngu si. Kẻ ấy, do bị kiết kiến trói buộc như vậy, nên ở trong biển lớn sinh tử như năm nẻo… không được giải thoát.

Trụ pháp đủ Thi la

Có hổ, nói chân thật

Hay yêu giữ tự thân

Cũng khiến người yêu thích.

Nay trong tụng này:

Thế nào là trụ pháp? Đó là ở trong Tỳ-nại-da của chánh pháp thuyết giảng thiện, do Đức Như Lai chứng đắc, đã tin tưởng thanh tịnh, xuất gia vui tu phạm hạnh.

Thế nào là đủ Thi la? Đó là xuất gia như thế, yêu thích như thế, nên đối với giới không thiếu sót, cho đến nối tiếp không lẫn lộn, tạo mọi tương tục, chuyển biến. Nơi các học xứ có thể thọ nhận, có thể tu học.

Thế nào là có hổ thẹn? Đó là hổ thẹn đối với điều đáng hổ thẹn. Hổ thẹn đối với việc có thể sinh pháp ác, bất thiện. Nghĩa là có thể thuận theo duyên của giới ác, giới tạp loạn, tức tướng bất chánh, tầm tư bất chánh, hoặc các phiền não và tùy phiền não.

Thế nào là nói chân thật? Đó là phát lồ các ác, không che giấu các ác. Nếu có vi phạm, tức ở nơi bậc trí, bậc đồng phạm hạnh, tự nêu bày đúng như thật, như pháp đối trị.

Lại nữa, nay sẽ lược biện biệt về nghĩa đã nói ở trên. Đó là Đức Bạc-già-phạm, ở trong tụng này hiển bày tóm lược về Thi la thanh tịnh thuộc về bốn nhân. Tức là có thể thọ trì đúng đắn, thọ trì rồi không tạp loạn. Xa lìa nhân tạp loạn. Tuy do không hiểu biết nên phóng dật, tạp loạn rồi, tức liền như pháp mà đối trị. Nên biết, đó gọi là tóm lược về nghĩa ở đây.

Nếu thấy nghiệp ác người

Hay tư duy xét kĩ

Tự thân trọn không làm

Do nghiệp kia hay buộc.

Nay, trong tụng này:

Thế nào là thấy nghiệp ác của kẻ khác, tư duy xét kĩ? Đó là như có một hữu tình, hoặc thiện nam hoặc thiện nữ, vì tánh thông tuệ, thành tựu pháp nhẫn đế quán như lý, thấy kẻ khác hiện tạo nhân hành ác, nên gặp phải vô số sự khuất nhục, khổ sở, đánh đập, lại bị người của vua bắt bớ dẫn tới cung vua, nói rộng như nơi kinh, cho đến bị giết. Thấy rồi liền tư duy: Xem rõ người này ở trong hiện pháp, tạo tác nghiệp ác bất thiện như thế, tức ở ngay nơi hiện pháp, trở lại thọ nhận quả báo khổ sở như vậy, cho đến nên dừng dứt, nghiệp ác bất thiện như vậy, trọn không nên làm, trọn không nên tạo, trọn không nên hành, trọn không nên phạm. Tức kẻ kia lại thấy các việc giết hại dê gà heo, nói rộng là tất cả các thứ không luật nghi. Không do tạo nghiệp theo tài năng, phương thuật như thế để sinh sống mà cỡi voi ngựa, xe cộ đủ loại. Lại không nhân đấy để có thể dẫn dắt đến tài sản, châu báu kho tàng rộng lớn khiến không thất tán, mà bị thế gian chê trách. Phàm ở chỗ dung tục, hãy còn không dùng thân, tạm thời cùng tiếp xúc thọ nhận, mà xa lánh, huống hồ là các hiền triết khác. Đã thấy rồi, liền khởi tư duy như thế. Phần còn lại như trước đã nêu.

Kẻ ấy lại thấy người kia thật là giàu có, tài sản, châu báu rất nhiều, nhưng do biếng nhác, phần nhiều sống phóng dật, thời gian nối tiếp trôi qua, tài sản, châu báu, tôi tớ, cơ nghiệp cùng với các pháp thiện hiện có dần dần suy thoái. Thấy rồi liền tư duy như thế. Phần còn lại như trước đã nêu.

Kẻ kia, tức lại thấy vô số hữu tình với thân tướng sai biệt. Hoặc có kẻ mù bẩm sinh, điếc bẩm sinh, câm bẩm sinh… Hoặc là Phiếntrạch-ca (Hùynh môn), hoặc Bán-trạch-ca (Bán nam) hoặc hình loại xấu xí, số còn lại thì không như thế. Thấy rồi liền tư duy: Xem rõ những người này, do trước tạo vô số những nghiệp ác bất thiện, nên nay thọ nhận quả báo xấu, khổ như vậy. Cho đến dừng dứt nghiệp ác bất thiện như thế. Phần còn lại như trước đã nêu.

Kẻ kia, tức lại thấy người khác thông sáng, không biếng trễ, đầy đủ sức mạnh để vươn lên. Tức là có khả năng làm các công việc như làm nông, buôn bán, đưa đò…, cùng có thể thực hiện các thứ ngôn luận chính đáng. Những người ấy tuy có đủ dũng lực vươn cao như thế, nhưng sự nghiệp gây dựng cứ luôn bị suy tổn dần, trọn không thành tựu. Thấy rồi bèn tư duy như thế… Phần còn lại như trước đã nói.

Kẻ kia, tức lại thấy hai người xuất gia, hướng đến đời sống không gia đình, đồng tu phạm hạnh. Một người, đối với các thứ lợi dưỡng như y phục, thức ăn uống … luôn thiếu thốn. Một người thì không như vậy. Thấy rồi liền khởi tư duy như thế … Phần còn lại như trước đã nói.

Kẻ kia, tức lại thấy, hoặc có quốc vương, hoặc đất đai, lãnh thổ của vị vua ấy đều được cai trị, bảo vệ chắc chắn, không buông bỏ. Chỉ vì một thân, một mớ hài cốt đầy đủ, chỉ vì sự an lạc nhỏ ít của hiện tại mà các nẻo thân ngữ ý hiện hành vô số hành ác to lớn, tổn hại đến an lạc của nhiều thân nhiều đời, sẽ phải nhận lấy khổ dữ nơi nhiều thân nhiều kiếp. Thấy như thế rồi, bèn khởi tư duy: Xem rõ vị vua này, hoặc các vị vua ấy thật là người ngu tối, xấu ác, chỉ biết gìn giữ, yêu mến một thân một đời, không biết gìn giữ, yêu mến nhiều thân nhiều đời, chỉ biết yêu quý cái vui nhỏ, ngắn ngủi của hiện tại, không biết yêu quý sự an vui lớn lâu dài nơi vị lai. Cũng không phải là không yêu mến nỗi thống khổ trong nhiều kiếp, cho đến ngừng dứt nghiệp ác bất thiện như thế, trọn không nên làm, trọn không nên tạo, trọn không nên hành, trọn không nên phạm.

Lại có các hữu tình, hoặc thiện nam hoặc thiện nữ, vì tánh thông sáng, đạt được thiên nhãn, dùng thiên nhãn ấy thấy các hữu tình kia khi chết, khi sinh, như nơi kinh đã nói rộng cho đến sinh trong địa ngục lớn. Thấy như thế rồi, bèn khởi suy nghĩ: Xem rõ những kẻ kia, ở trong hiện pháp, do tạo tác nghiệp ác bất thiện như thế, khiến phải thọ nhận quả báo khổ sở nơi hậu pháp. Cho đến ngừng dứt nghiệp ác bất thiện như vậy. Phần còn lại như đã nói ở trước.

Như thế, hoặc thiện nam hoặc thiện nữ thấy các hữu tình kia tạo tác nghiệp ác rồi, do bốn thứ hành, nên khéo suy xét, quan sát một các kĩ lưỡng. Những gì là bốn hành? Đó là:

1. Quan sát, hoặc do trái vượt, hoặc do nuôi sống thân mạng một cách bất chánh, hoặc do phóng dật, biếng nhác, nêu ở trong hiện pháp tạo tác vô số nghiệp ác bất thiện, tức nơi hiện pháp thọ nhận quả báo không yêu thích.

2. Quan sát, hoặc có hữu tình dựa nơi thân sai biệt. Hoặc có sự tạo tác mà quả có được không toại nguyện. Hoặc có sự cầu mong, nhưng điều đạt được không toại nguyện. Đều do từ trước đã tạo nghiệp ác bất thiện, nên trong hiện pháp đều phải thọ nhận quả báo không yêu thích như thế.

3. Quan sát, hoặc có quốc vương, hoặc cùng với các vua, do trong hiện pháp hành các nghiệp ác, nên đều biết những hữu tình này, nơi vị lai nhất định phải thọ nhận vô số quả báo không yêu thích.

4. Quan sát lúc sinh lúc chết của các loài hữu tình, do trong hiện pháp gây tạo vô số nghiệp ác bất thiện, nên nơi hậu pháp phải thọ nhận quả báo không yêu thích.

Các vị ấy, do nhận biết đúng như thật như thế, nên trọn đời không tự tạo tác nghiệp ác bất thiện.

Thế nào là nghiệp trói buộc? Đó là do ưa thích các nghiệp, do nghiệp nặng, nên đối với quả báo của nghiệp không được tự tại.

Ưa thích các nghiệp: Tức như có một hữu tình, luôn tập quen với điều ác, yêu thích các thứ ác. Do nhân duyên ấy, nên đối với các pháp thiện tâm không thể hội nhập, là nghiệp trói buộc thứ nhất.

Do nghiệp nặng: Nghĩa là như có một hữu tình, đối với nghiệp vô gián hoặc có tạo tác đủ, hoặc không tạo tác đủ. Do nhân duyên này, tuy có vui thích, ở trong Tỳ-nại-da của chánh pháp thuyết giảng thiện do Đức Phật chứng đắc, tạm thời xuất gia, hãy còn không thể đạt được, huống hồ là còn có thể chứng đắc quả Sa-môn. Như thế gọi là nghiệp trói buộc thứ hai.

Nơi quả báo của nghiệp không được tự tại: Đó là như có một hữu tình, do nhân duyên là thân ngữ ý hành ác, nên sinh nơi các nẻo ác, sinh nơi chốn ấy rồi, không được tự tại, không thể tự đương nổi với những khổ phải thọ nhận trong đêm dài sinh tử, hoặc sinh ở chốn biên địa, nơi hoàn toàn không có bốn chúng hiền thiện, là Bí-sô, nói rộng cho đến Ô-ba-tư-ca. Như thế gọi là nghiệp trói buộc thứ ba.

Lại nữa, nay sẽ lược biện biệt về nghĩa đã nói ở trên. Đó là Đức Bạc-già-phạm, nơi tụng này đã hiển bày tóm lược về việc dựa vào nghiệp và quả báo nơi nghiệp của các hữu tình, tư duy đúng như lý. Cùng hiển bày tư duy đúng như lý là điều trước tiên nơi pháp tùy pháp hành. Nên biết đó là tóm lược về nghĩa ở đây.

HẾT – QUYỂN 18