LUẬN DU GIÀ SƯ ĐỊA
Tác giả: Bồ tát Di Lặc giảng thuật, Bồ tát Vô Trước ghi
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 1

PHẦN BẢN ĐỊA 

Thế nào là Địa của Sư Du Già? Đó là mười bảy Địa. Những gì là mười bảy? Kệ viết:

Năm thức tương ưng, ý

Có tầm, tứ… thành ba

Tam-ma-địa, câu phi

Địa có tâm, không tâm.

Văn, tư, tu đã lập

Như thế đủ ba thừa

Hữu y và vô y

Gọi là mười bảy Địa.

Tức:

  1. Địa năm thức thân tương ưng.
  2. Địa ý.
  3. Địa có tầm có tứ.
  4. Địa không tầm chỉ có tứ.
  5. Địa không tầm không tứ.
  6. Địa Tam-ma-hý-đa.
  7. Địa phi Tam-ma-hý-đa.
  8. Địa có tâm.
  9. Địa không tâm.
  10. Địa do văn tạo thành.
  11. Địa do tư tạo thành.
  12. Địa do tu tạo thành.
  13. Địa Thanh văn.
  14. Địa Độc giác.
  15. Địa Bồ-tát.
  16. Địa hữu dư y.
  17. Địa vô dư y.

Như vậy là lược nói về mười bảy Địa, gọi là Địa của Sư Du Già.

********

Địa thứ 1: ĐỊA NĂM THỨC THÂN TƯƠNG ƯNG

Thế nào là Địa Năm thức thân tương ưng? Nghĩa là tự tánh, đối tượng nương dựa, đối tượng duyên hợp, trợ bạntạo nghiệp của năm thức thân. Như thế gọi chung là Địa Năm thức thân tương ưng.

Những gì gọi là Năm thức thân? Đó là nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức.

1. Nhãn thức:

a. Thế nào là tự tánh của nhãn thức? Nghĩa là nương nơi mắt để phân biệt, nhận biết về sắc.

b. Đối tượng nương dựa (chỗ dựa) của nhãn thức gồm: (1) Chỗ dựa của câu hữu (thuộc nhãn thức) là mắt. (2) Chỗ dựa của đẳng vô gián (thuộc nhãn thức) là ý. (3) Chỗ dựa của chủng tử (thuộc nhãn thức) là thức A-lại-da, là chỗ thâu tóm các thứ dị thục, là chỗ dựa để nhận giữ tất cả chủng tử ấy.

Như thế là đã lược nói về hai thứ đối tượng nương dựa: tức sắc và phi sắc. Mắt là sắc, các thứ còn lại là phi sắc.

Mắt là sắc tịnh do bốn đại chủng tạo thành, là chỗ dựa của nhãn thức, không thấy, có đối. Ý là thức quá khứ không gián đoạn của nhãn thức. Thức của tất cả chủng tử là thức dị thục của tất cả chủng tử do sự ưa thích, tham chấp về hý luận từ vô thỉ đến nay huân tập làm nhân sinh ra.

c. Đối tượng duyên hợp (chỗ duyên) của nhãn thức: Nghĩa là sắc, có thấy, có đối. Đây lại có nhiều loại, lược nêu có ba: Là hiển sắc, hình sắc và biểu sắc.

Hiển sắc là các sắc xanh vàng đỏ trắng, bóng sáng, sáng tối, mây khói, bụi, sương mù và một phần hiển sắc của Không. Hình sắc là các hình sắc dài, ngắn, vuông, tròn, thô, tế, thẳng, không thẳng, cao, thấp. Biểu sắc là các tướng lấy, bỏ, co, duỗi, đi đứng ngồi nằm. Như thế là các sắc.

Lại, hiển sắc nghĩa là nếu sắc hiển bày, là đối tượng hành của nhãn thức. Hình sắc nghĩa là nếu sắc tích tập, tạo tướng phân biệt về dài, ngắn v.v… Biểu sắc tức các sắc tích tập ấy sinh diệt nối tiếp, do nhân đổi khác, nơi xứ sinh trước không sinh trở lại mà chuyển sang xứ khác, hoặc không gián đoạn, hoặc có gián đoạn, hoặc gần, hoặc xa, sinh sai biệt, hoặc tức ở nơi xứ này đổi khác mà sinh, đó gọi là biểu sắc.

Lại, hiển sắc nghĩa là sự sai biệt của ánh sáng, sự sáng v.v… Hình sắc là sự tích tập có sai biệt của dài, ngắn v.v… Biểu sắc là sự nương dựa, chuyển động có sai biệt của nghiệp dụng.

Tất cả hiển sắc, hình sắc, biểu sắc như thế là đối tượng hành của mắt, là cảnh giới của mắt; là đối tượng hành của nhãn thức, là cảnh giới của nhãn thức, là đối tượng duyên của nhãn thức; là đối tượng hành của ý thức, là cảnh giới của ý thức, là đối tượng duyên của ý thức, với những tên gọi sai biệt.

Lại nữa, sắc ấy còn có ba thứ: Nghĩa là hoặc hiển sắc đẹp, hoặc hiển sắc xấu, hoặc hiển sắc cùng, khác, giống như sắc hiện rõ.

d. Trợ bạn của nhãn thức: Nghĩa là các pháp sở hữu của tâm (tâm sở) câu hữu (đồng thời tồn tại không lìa nhau) tương ưng với nhãn thức. Đó là tác ý, xúc, thọ, tưởng, tư, và những tâm sở câu hữu tương ưng với nhãn thức khác.

Lại, các pháp này đồng một đối tượng duyên, nhưng không cùng một hành tướng, chúng “câu hữu” tương ưng với nhãn thức, mỗi mỗi chuyển biến.

Lại nữa, hết thảy các pháp ấy, mỗi mỗi thứ đều từ chủng tử của mình sinh khởi.

đ. Tạo nghiệp của nhãn thức: Nên biết có 6 thứ:

  1. Chỉ phân biệt, nhận biết về đối tượng duyên của tự cảnh.
  2. Chỉ phân biệt, nhận biết về tự tướng.
  3. Chỉ phân biệt, nhận biết về hiện tại.
  4. Chỉ phân biệt, nhận biết trong một sát-na.
  5. Chuyển biến theo ý thức, theo thiện, nhiễm, theo phát nghiệp.
  6. Có thể chấp giữ quả yêu thích, không yêu thích.

2. Nhĩ thức:

a. Thế nào là tự tánh của nhĩ thức? Nghĩa là nương nơi tai để phân biệt, nhận biết về âm thanh.

b. Đối tượng nương dựa của nhĩ thức gồm: (1) Chỗ dựa của câu hữu thuộc nhĩ thức là tai. (2) Chỗ dựa của đẳng vô gián thuộc nhĩ thức là ý. (3) Chỗ dựa của chủng tử thuộc nhĩ thức là tất cả chủng tử nơi thức A-lại-da.

Tai là sắc tịnh do bốn đại chủng tạo thành, là chỗ dựa của nhĩ thức, không thấy, có đối. Ý và chủng tử như trước đã phân biệt.

c. Đối tượng duyên hợp của nhĩ thức: Nghĩa là âm thanh, không thấy, có đối. Đây lại có nhiều loại: như tiếng loa ốc, tiếng trống lớn, nhỏ, tiếng ca múa, tiếng các âm nhạc, tiếng hát xướng, tiếng nô đùa, tiếng kêu la, tiếng nam, tiếng nữ, tiếng gió thổi nơi rừng, tiếng rõ ràng, tiếng không rõ ràng, tiếng có nghĩa, tiếng không nghĩa, tiếng thấp, tiếng cao, tiếng vừa, tiếng sông suối reo, tiếng tranh chấp ồn ào, tiếng thọ trì diễn nói, tiếng luận bàn, quyết định lựa chọn.

Các loại tiếng như thế có rất nhiều, ở đây lược phân làm ba: (1) Tiếng do nhận giữ bốn đại chủng. (2) Tiếng do không nhận giữ bốn đại chủng. (3) Tiếng do nhận giữ và không nhận giữ bốn đại chủng. Loại thứ nhất chỉ là âm thanh duyên bên trong. Loại thứ hai chỉ là âm thanh duyên bên ngoài. Loại thứ ba là âm thanh duyên cả trong ngoài. Đây lại có ba thứ: Là âm thanh hợp ý, âm thanh không vừa ý, âm thanh hợp ý – không hợp ý.

Lại nữa, âm thanh là tên gọi sai biệt của những ngôn ngữ được biểu hiện rõ như: tiếng hót, nói, lời nói, gầm rống, là đối tượng hành của tai, là cảnh giới của tai; là đối tượng hành của nhĩ thức, là cảnh giới của nhĩ thức, là đối tượng duyên của nhĩ thức; là đối tượng hành của ý thức, là cảnh giới của ý thức, là đối tượng duyên của ý thức.

d. Trợ bạn của nhĩ thức: Giống như nhãn thức, nên biết.

đ. Tạo nghiệp của nhĩ thức: Giống như nhãn thức, nên biết.

3. Tỷ thức:

a. Thế nào là tự tánh của tỷ thức? Nghĩa là nương nơi mũi để phân biệt, nhận biết về hương.

b. Đối tượng nương dựa của tỷ thức gồm: (1) Chỗ dựa của câu hữu thuộc tỷ thức là mũi. (2) Chỗ dựa của đẳng vô gián thuộc tỷ thức là ý. (3) Chỗ dựa của chủng tử thuộc tỷ thức là hết thảy chủng tử nơi thức A-lại-da.

Mũi là sắc tịnh do bốn đại chủng tạo thành, là chỗ dựa của tỷ thức, không thấy, có đối. Ý và chủng tử như trước đã phân biệt.

c. Đối tượng duyên hợp của tỷ thức: Nghĩa là hương, không thấy, có đối. Đây lại có nhiều thứ: hương thơm, hương hôi, hương không thơm không hôi. Hương do mũi ngửi biết, như hương của rễ, thân, hoa, lá, quả, hạt. Có rất nhiều loại hương như thế.

Lại, hương là đối tượng ngửi thấy của mũi, đối tượng giữ lấy của mũi, đối tượng ngửi biết của mũi, với những tên gọi sai biệt như vậy, là đối tượng hành của mũi, cảnh giới của mũi; là đối tượng hành của tỷ thức, cảnh giới của tỷ thức, đối tượng duyên của tỷ thức; là đối tượng hành của ý thức, cảnh giới của ý thức, đối tượng duyên của ý thức.

d. Trợ bạn của tỷ thức: Giống như trước, nên biết.

đ. Tạo nghiệp của tỷ thức: Giống như trước, nên biết.

4. Thiệt thức:

a. Thế nào là tự tánh của thiệt thức? Nghĩa là nương nơi lưỡi để phân biệt, nhận biết về vị.

b. Đối tượng nương dựa của thiệt thức gồm: (1) Chỗ dựa của câu hữu thuộc thiệt thức là lưỡi. (2) Chỗ dựa của đẳng vô gián thuộc thiệt thức là ý. (3) Chỗ dựa của chủng tử thuộc thiệt thức là tất cả chủng tử nơi thức A-lại-da.

Lưỡi là sắc tịnh do bốn đại chủng tạo thành, là chỗ dựa của thiệt thức, không thấy, có đối. Ý và chủng tử như trước đã phân biệt.

c. Đối tượng duyên hợp của thiệt thức: Nghĩa là vị, không thấy, có đối. Đây lại có nhiều thứ: đắng, chua, cay, ngọt, mặn, lạt, vừa ý, không vừa ý, hoặc vừa ý – không vừa ý.

Lại, vị là những thứ nên nếm, nuốt, ăn, uống, liếm, mút, thọ dụng, với các tên gọi sai biệt như thế, là đối tượng hành của lưỡi, cảnh giới của lưỡi; là đối tượng hành của thiệt thức, cảnh giới của thiệt thức, đối tượng duyên của thiệt thức; là đối tượng hành của ý thức, cảnh giới của ý thức, đối tượng duyên của ý thức.

d. Trợ bạn của thiệt thức: Giống như trước, nên biết.

đ. Tạo nghiệp của thiệt thức: Giống như trước, nên biết.

5. Thân thức:

a. Thế nào là tự tánh của thân thức? Nghĩa là nương nơi thân để phân biệt, nhận biết về xúc.

b. Đối tượng nương dựa của thân thức gồm: (1) Chỗ dựa của câu hữu thuộc thân thức là thân. (2) Chỗ dựa của đẳng vô gián thuộc thân thức là ý. (3) Chỗ dựa của chủng tử thuộc thân thức là tất cả chủng tử nơi thức A-lại-da.

Thân là sắc tịnh do bốn đại chủng tạo thành, là chỗ dựa của thân thức, không thấy, có đối. Ý và chủng tử như trước đã phân biệt.

c. Đối tượng duyên của thân thức: Nghĩa là xúc, không thấy, có đối. Đây lại có nhiều loại: đất nước lửa gió, tánh nhẹ, nặng, trơn, nhám, lạnh, đói, khát, no, sức lực, yếu ớt, hoãn, gấp, bệnh, già, chết, ngứa ngáy, sầu muộn, dán chặt, mệt mỏi, dứt bỏ, mềm mại, khiếp nhược, mạnh mẽ. Có rất nhiều loại xúc như thế. Ở đây còn có ba thứ: xúc vừa ý, xúc không vừa ý và xúc bao gồm vừa ý – không vừa ý.

Lại, xúc là chỗ xoa sờ, xúc chạm, hoặc cứng, hoặc mềm, hoặc động, hoặc ấm, với những tên gọi sai biệt như thế, là đối tượng hành của thân, cảnh giới của thân; là đối tượng hành của thân thức, cảnh giới của thân thức, đối tượng duyên của thân thức; là đối tượng hành của ý thức, cảnh giới của ý thức, đối tượng duyên của ý thức.

d. Trợ bạn của thân thức: Giống như trước, nên biết.

đ. Tạo nghiệp của thân thức: Giống như trước, nên biết.

Lại nữa, tuy mắt không hư, sắc hiện ở trước, chủ thể sinh tác ý, nếu chẳng khởi đúng lúc thì đối tượng sinh là nhãn thức tất không thể sinh. Chính là mắt không hư, sắc hiện ở trước, chủ thể sinh tác ý, lại hiện khởi đúng lúc thì đối tượng sinh là nhãn thức mới phát sinh được. Như nhãn thức sinh, cho đến thân thức nên biết cũng như thế.

Lại nữa, do nhãn thức sinh, nên theo thứ lớp có được ba tâm: tâm suất nhĩ, tâm tìm cầu và tâm quyết định. Loại đầu là nhãn thức. Loại hai ở nơi ý thức. Sau là tâm quyết định mới có nhiễm tịnh. Tâm sau ấy mới có đẳng lưu nơi nhãn thức thiện, bất thiện chuyển biến, nhưng tâm ấy không do sức tự phân biệt, cho đến ý đó không hướng tới cảnh khác. Trải qua thời gian như vậy, hai thức nhãn, ý, hoặc thiện hoặc nhiễm nối tiếp nhau chuyển biến. Như nhãn thức sinh, cho đến thân thức nên biết cũng như thế.

Lại nữa, nên quán về đối tượng nương dựa của năm thức như phương tiện chuyên chở đưa người tới chốn khác. Đối tượng duyên của năm thức như các sự việc được thực hiện. Trợ bạn như bạn đồng hành. Tạo nghiệp như năng lực của mình.

Lại có sai biệt, nên quán đối tượng nương dựa của năm thức như nhà của người ở. Đối tượng duyên như chỗ thọ dụng. Trợ bạn như những người giúp việc. Tạo nghiệp như tác dụng.

Như vậy là đã nói về Địa Năm thức thân tương ưng.

************

Địa thứ 2: ĐỊA Ý, phần 1 (Phần Bản Địa)

Thế nào là Địa ý? Đây cũng nên biết là có năm tướng: Tự tánh, đối tượng nương dựa, đối tượng duyên, trợ bạntạo nghiệp.

a. Thế nào là tự tánh của ý? Đó là tâm, ý, thức.

Tâm: Nghĩa là tính chất tạo nên chỗ tùy thuận, nương dựa của tất cả chủng tử, là thức A-lại-da, nơi chốn thâu tóm các dị thục, Thể có khả năng nhận giữ, Tánh làm chỗ nương cậy, nhờ dựa.

Ý: Nghĩa là ý của hành thường hằng cùng ý vô gián diệt của sáu thức thân.

Thức: Nghĩa là sự phân biệt, nhận biết về cảnh giới của đối tượng duyên hiện tiền.

b. Đối tượng nương dựa (chỗ dựa) của ý gồm: (1) Chỗ dựa của đẳng vô gián thuộc ý là ý. (2) Chỗ dựa của chủng tử thuộc ý, là như trước nói, tất cả chủng tử nơi thức A-lại-da.

c. Đối tượng duyên của ý: Nghĩa là tất cả pháp như chỗ tương ưng với ý hoặc không cùng với đối tượng duyên, tức ba uẩn là thọ, tưởng, hành, vô vi, sắc không thấy, không đối, sáu xứ nội và hết thảy chủng tử.

d. Trợ bạn của ý: Nghĩa là tác ý, xúc, thọ, tưởng, tư, dục, thắng giải, niệm, định (Tam-ma-địa), tuệ, tín, tàm (hổ), quý (thẹn), không tham, không sân, không si, tinh tấn, khinh an, không phóng dật, xả, bất hại. Và tham, giận, vô minh, mạn, kiến, nghi, phẫn, hận, phú (che giấu), não, tật (ganh ghét), xan (bỏn sẻn), cuống (dối trá), siểm (dua nịnh), kiêu, hại, không hổ, không thẹn, hôn trầm, trạo cử, không tin, biếng nhác, phóng dật, dục tà, thắng giải tà, quên niệm, tán loạn, không chánh tri, hối, thùy miên, tầm, tứ. Các thứ tâm sở như vậy đều câu hữu (đồng thời cùng có tồn tại) tương ưng với ý, gọi là trợ bạn của ý. Chúng đồng một đối tượng duyên, nhưng không cùng một hành tướng, một lúc cùng có, theo mỗi mỗi thứ mà chuyển biến, đều từ chủng tử của mình sinh ra. Lại cùng tương ưng, có hành tướng, có đối tượng duyên, có đối tượng nương dựa.

đ. Tạo nghiệp của ý: Nghĩa là có khả năng phân biệt nhận biết về cảnh giới của mình nơi đối tượng duyên. Đó gọi là tạo nghiệp đầu tiên của ý. Lại có thể phân biệt, nhận biết về tự tướng, cộng tướng. Có thể phân biệt, nhận biết về ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai, phân biệt, nhận biết trong sát-na. Hoặc phân biệt, nhận biết tương tục, tạo chuyển, tùy chuyển, phát sinh nghiệp của tất cả pháp tịnh, bất tịnh. Lại có thể giữ lấy quả yêu thích không yêu thích, có thể dẫn khởi các thức thân khác. Lại có thể làm nhân phát khởi thức thân đẳng lưu.

Lại nữa, các ý thức so với những thức thân khác, có những tác nghiệp hơn hẳn. Đó là phân biệt về đối tượng duyên, suy xét kỹ về đối tượng duyên. Hoặc say, hoặc cuồng, hoặc mộng, hoặc thức, hoặc sầu, hoặc tỉnh. Hoặc có thể phát khởi thân nghiệp, hoặc có thể phát khởi ngữ nghiệp. Hoặc có thể lìa dục, hoặc lìa dục bị thoái chuyển. Hoặc đoạn dứt căn thiện, hoặc nối tiếp căn thiện. Hoặc chết, hoặc sống.

* Thế nào là phân biệt về đối tượng duyên? Do 7 thứ phân biệt, đó là:

  1. Phân biệt có tướng.
  2. Phân biệt vô tướng.
  3. Phân biệt tự nhiên.
  4. Phân biệt tìm cầu.
  5. Phân biệt quán xét.
  6. Phân biệt nhiễm ô.
  7. Phân biệt không nhiễm ô.

Phân biệt có tướng: Tức các căn đã thành tựu, với nghĩa được thọ nhận từ trước, theo danh ngôn thiện là chỗ khởi phân biệt.

Phân biệt vô tướng: Nghĩa là tùy chỗ dẫn khởi ở trước, cùng danh ngôn bất thiện như hài nhi v.v… là chỗ có phân biệt.

Phân biệt tự nhiên: Nghĩa là ở nơi cảnh giới hiện tiền, tùy theo uy lực của cảnh, tự nhiên chuyển biến, là chỗ có phân biệt.

Phân biệt tìm cầu: Nghĩa là đối nơi các pháp, quan sát tìm cầu, là chỗ khởi phân biệt.

Phân biệt quán xét: Tức đối với cảnh đã tìm cầu, quan sát, cần xem xét kỹ để an lập, là chỗ khởi phân biệt.

Phân biệt nhiễm ô: Nghĩa là đối với ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai, tâm luôn có sự luyến tiếc cùng hành, có sự chấp giữ cùng hành, có sự mong thích cùng hành, là chỗ có phân biệt. Như phân biệt về dục, như phân biệt về giận, như phân biệt về hại, hoặc cùng với một phiền não, tùy phiền não tương ưng, là chỗ khởi phân biệt.

Phân biệt không nhiễm ô: Tức hoặc thiện hoặc vô ký, tạo phân biệt về nẻo xuất ly, phân biệt không giận dữ, phân biệt không hại, hoặc cùng với một pháp thiện như tín v.v… tương ưng. Hoặc nơi đường oai nghi, xứ công xảo và các thứ biến hóa, là chỗ có phân biệt.

Các loại phân biệt như vậy gọi là phân biệt về đối tượng duyên.

* Thế nào là suy xét kỹ về đối tượng duyên? Đó là:

  1. Chỗ nêu dẫn như lý.
  2. Chỗ nêu dẫn không như lý.
  3. Chỗ nêu dẫn chẳng phải như lý, chẳng phải không như lý.

Chỗ nêu dẫn như lý: Nghĩa là không làm tăng thêm những pháp không chân thật có, như bốn điên đảo: vô thường cho là thường, khổ cho là vui, bất tịnh cho là tịnh, vô ngã cho là ngã. Cũng không làm tổn giảm những pháp có chân thật, như các thứ tà kiến: tức như các hành tà kiến không bố thí v.v… Hoặc trí pháp tục, hiểu biết rõ như thật về các sự việc của đối tượng nhận thức. Hoặc trí xuất thế gian thanh tịnh khéo thông tỏ như thật về các pháp của đối tượng nhận thức. Như vậy gọi là chỗ nêu dẫn như lý.

Chỗ nêu dẫn không như lý: Ngược lại với chỗ nêu dẫn như lý. (coi lại)

Chỗ nêu dẫn chẳng phải như lý, chẳng phải không như lý: Là nơi nương tuệ vô ký quán xét kỹ về các pháp.

Như thế gọi là suy xét kỹ về đối tượng duyên.

– Thế nào là say? Nghĩa là do dựa vào thể chất yếu kém. Hoặc do không quen uống, hoặc do uống quá nhiều, hoặc uống không biết hạn lượng, nên dẫn đến say loạn.

– Thế nào là cuồng? Tức là do nghiệp trước dẫn dắt, hoặc là do các cảnh giới thác loạn, hoặc do kinh sợ đến mất trí, hoặc do bị đánh đập vào chỗ hiểm (tử huyệt), hoặc do yêu quỷ bám dựa, nên sinh điên cuồng.

– Thế nào là mộng? Nghĩa là do thể chất yếu đuối, hoặc do lỗi lầm khiến mỏi mệt, hoặc do ăn uống các thứ khó tiêu, hoặc do ở chỗ mờ ám cùng tác ý tư duy, hoặc do mọi sự nghiệp bị dứt bỏ, hoặc do thói quen ngủ nghỉ, hoặc do sự dẫn khởi của người khác, như do quạt mát, hoặc do minh chú, hoặc do nơi thuốc uống, hoặc do uy thần, nên sinh ra mộng mị.

– Thế nào là thức? Tức như việc ngủ nghỉ không thắng nổi sự mỏi mệt. Vì có việc cần làm nên ngủ nghỉ đúng giờ giấc, hoặc do chỗ dẫn dắt của kẻ khác khiến từ mộng thức dậy.

– Thế nào là sầu muộn? Nghĩa là hoặc do gió nóng loạn động, hoặc do bị đánh đập, hoặc do bị bệnh tiêu chảy, như quá mức chuyển thành kiết lỵ cùng xuất huyết, hoặc do làm việc quá cực nhọc, dẫn tới sầu muộn.

– Thế nào là tươi tỉnh? Tức là ra khỏi trạng thái sầu muộn.

– Thế nào là phát khởi thân nghiệp, ngữ nghiệp? Nghĩa là do trí hành động trước, làm phát khởi nghiệp nơi thân, ngữ, tiếp theo là sinh ham muốn, kế đến là khởi công dụng, rồi thuận theo công dụng để làm trước, khiến gió của thân nghiệp, ngữ nghiệp chuyển động, từ đấy phát khởi thân nghiệp, ngữ nghiệp.

– Thế nào là lìa dục? Tức là do tùy thuận nơi sự thành tựu của căn lìa dục. Do thuận theo người khác, đạt được sự chỉ dạy của họ. Do xa lìa các chướng ngại của dục, theo phương tiện tu tập đúng đắn, tư duy không điên đảo, mới có thể lìa dục.

– Thế nào là thoái chuyển việc lìa dục? Nghĩa là do căn tánh nhu nhược, người mới tu tập phẩm thiện luôn luôn tư duy theo hình tướng yếu kém kia, nhận, hành thuận nơi pháp thoái chuyển, bị phiền não ngăn che, bị bạn xấu ác lôi cuốn, nên thoái chuyển việc lìa dục.

– Thế nào là đoạn dứt căn thiện? Nghĩa là người căn tánh lanh lợi, nhưng lại gây tạo các việc ác hết mực, ý vui thích với các pháp ác hiện hành, luôn chạy theo bạn ác, bị các thứ tà biến vây buộc vô cùng kín, chặt. Người ấy ở trong tất cả các ác hiện hành, không hề biết sợ hãi, không biết thương xót, nên có thể đoạn dứt căn thiện. Ở đây, chủng tử cũng gọi là căn thiện. Không tham, sân cũng gọi là căn thiện. Song do an lập các căn thiện hiện hành, làm trái ngược với sự tương tục ấy, nên gọi là đoạn dứt căn thiện, không phải là do nhổ dứt hết các chủng tử kia.

– Thế nào là nối tiếp căn thiện? Tức là do căn tánh lanh lợi, thấy các thân thuộc, bạn bè tu tập nghiệp phước, nên tìm đến bậc trượng phu thiện, lãnh hội Chánh pháp, nhân dấy sinh do dự, nhưng rồi sáng suốt quyết định, nên căn thiện được nối tiếp trở lại.

– Thế nào là chết? Nghĩa là thọ mạng hết nên dẫn đến chết. Ở đây lại có ba loại:

  1. Thọ lượng hết.
  2. Phước báo hết.
  3. Không tránh khỏi các trường hợp không bình đẳng. Nên biết, đấy cũng là chết hợp thời, không hợp thời. Hoặc do tâm thiện, hoặc do tâm bất thiện, vô ký.

Thế nào là thọ lượng hết, nên chết? Tức như có trường hợp cảm nhận thuận hợp là thọ lượng đã đủ, hết, nên chết. Đây gọi là chết hợp thời.

Thế nào là phước báo hết, nên chết? Tức như có trường hợp của cải, vật dụng bị thiếu, nên chết.

Thế nào là không tránh khỏi các trường hợp không bình đẳng, nên chết? Như Đức Thế Tôn đã nói có chín nhân chín duyên, khiến chưa hết thọ lượng mà chết. Những gì là chín? Đó là: (1) Ăn uống không hạn lượng. (2) Ăn uống những thứ không thích hợp. (3) Ăn uống không tiêu lại ăn nữa. (4) Ăn vật sống không nôn ra. (5) Ăn vật chín thì giữ chặt. (6) Không gần gũi thầy thuốc. (7) Không biết đối với bản thân nên tăng hay giảm. (8) Hành phi phạm hạnh không đúng thời. (9) Hành phi phạm hạnh không hạn lượng. Đây gọi là chết không phải thời.

Thế nào là chết với tâm thiện? Tức như có người, lúc sắp mạng chung, tự nhớ lại những pháp thiện từng làm lúc trước. Hoặc là do người khác khiến kẻ ấy nhớ nghĩ. Vì nhân duyên ấy nên bấy giờ, các pháp thiện như tín v.v… hiện hành nơi tâm, cho đến khi tưởng thô hiện hành, hoặc tưởng vi tế hiện hành, tâm thiện liền xả, chỉ trụ nơi tâm vô ký. Vì sao? Vì vào lúc này, đối với các pháp thiện đã từng hành xử cũng không thể nhớ lại, người khác cũng không thể khiến cho nhớ lại.

Thế nào là chết với tâm bất thiện? Cũng như có người khi sắp mạng chung, tự nhớ nghĩ về các pháp ác quen làm lúc trước. Hoặc lại do kẻ khác khiến mình nhớ nghĩ. Người ấy, bấy giờ, các pháp bất thiện như tham, sân v.v… cùng kết hợp, hiện hành nơi tâm, cho đến khi các tưởng thô, tế hiện hành, như trước đã nói ở phần tâm thiện.

Lại, tâm thiện lúc chết thì an vui mà chết. Khi mạng sắp hết, không có những khổ thọ cùng cực bức bách nơi thân. Còn tâm ác lúc chết thì khổ não mà chết. Lúc sắp mạng chung, các thứ khổ thọ cực nặng bức bách nơi thân.

Lại nữa, người chết với tâm thiện, thấy sắc tướng không loạn. Còn người chết với tâm bất thiện thì thấy sắc tướng loạn động.

Thế nào là chết với tâm vô ký? Nghĩa là người hành thiện, hành bất thiện, hoặc người không hành thiện cũng không hành ác, khi sắp qua đời, tự mình không thể nhớ nghĩ, cũng không do người khác khiến nhớ lại. Bấy giờ, người ấy chết với tâm chẳng phải thiện, chẳng phải bất thiện, đã không an vui mà chết, cũng không khổ não mà chết. Lại, Bổ-đặc-già-la (Chúng sinh) hành thiện, bất thiện, lúc sắp mạng chung, hoặc tự nhiên nhớ lại các việc thiện, bất thiện đã làm từ trước, hoặc do người khác khiến nhớ lại. Bấy giờ, người ấy đối với nhiều việc đã từng hành xử, việc nào có sức mạnh nhất thì tâm riêng ghi nhớ, ngoài ra thảy đều quên. Nếu nơi các việc từng quen làm về thiện, bất thiện ngang nhau, người đó, vào lúc ấy sẽ theo tâm niệm đầu tiên tự nhớ nghĩ, hoặc do người khác khiến nhớ nghĩ, chỉ giữ mỗi tâm niệm này, không bỏ, cũng không khởi tâm niệm khác. Người đó, vào lúc ấy, do hai thứ nhân làm lực tăng thượng mà liền qua đời. Nghĩa là nhân làm lực tăng thượng ưa chấp nơi hý luận và nhân làm lực tăng thượng của nghiệp tịnh, bất tịnh.

Khi thọ nhận kết quả do nghiệp trước dẫn dắt rồi, nếu lại tạo nghiệp bất thiện, thì ngay lúc đó sẽ thọ nhận các nghiệp bất thiện đã tạo trước, cũng là chỗ hiện bày tướng trước của quả không yêu thích, giống như trong mộng thấy vô số thứ sắc tướng quái dị biến hiện.

Dựa nơi tướng ấy, Đức Bạc-già-phạm (Thế Tôn) dạy: Nếu có người trước tạo nghiệp ác bất thiện và làm cho tăng trưởng, người đó, nơi bấy giờ như mặt trời về cuối ngày, hoặc như bóng của những đỉnh núi cao lớp lớp cùng treo che, che khắp, che hoàn toàn. Nên biết, chúng sinh như thế là từ sáng đi vào tối.

Nếu người trước họ kết quả của nghiệp bất thiện, mà tu tập pháp thiện, cùng với trường hợp trên trái nhau, nên biết chúng sinh như vậy là từ tối đi vào sáng. Sự khác biệt ở đây, là người tạo nghiệp thiện, khi sắp mạng chung, cũng như trong mộng thấy vô số thứ hình sắc không quái dị biến hiện, vừa ý cùng sinh.

Nếu kẻ tạo nghiệp bất thiện tột cùng, do thấy các tướng quái dị biến hiện như thế, nên vã mồ hôi, lông tóc dựng ngược, tay chân bấn loạn, quờ quạng lung tung, mất hẳn nẻo bài tiết, tròng mắt trợn trừng, miệng thều thào. Người đó, lúc này có những tướng quái dị như thế biến hiện, sinh khởi.

Nếu là kẻ tạo nghiệp bất thiện trung bình, thì trong hoàn cảnh ấy, những tướng quái dị biến hiện kia hoặc có hoặc không, dù có thì cũng không đủ.

Lại nữa, các chúng sinh khi sắp mạng chung, nhưng tâm tưởng chưa hoàn toàn mê muội, ngã ái được hành xử lúc sinh thời liền hiện hành, do sức mạnh này, nên cho ngã hiện có là không, bèn tham ái tự thân, vì thế đã kiến lập nên sinh báo của trung hữu.

Nếu người đạt quả Dự lưu và quả Nhất lai, thì vào lúc ấy, ngã ái cũng lại hiện hành, song ở hai quả này, đối với ngã ái, luôn luôn bị sức mạnh của trí tuệ suy tìm, chế ngự nên không thể bám víu. Cũng như hai kẻ mạnh, yếu đánh nhau, tất người mạnh sẽ thắng kẻ yếu. Nên biết ở đây, giữa sức mạnh của trí tuệ và ngã ái cũng vậy.

Nếu là người đạt quả Bất hoàn, thì trong trường hợp này, ngã ái không còn hiện hành.

Lại, nếu giải thích đầy đủ, thì trừ cõi trời và nẻo địa ngục, tất cả xứ sinh khác đều có ngã ái hiện hành. Ở đây lại có hai thứ: nặng và nhẹ. Nặng tức là kẻ tạo nghiệp ác. Nhẹ nghĩa là người nghiệp thiện. Nơi châu Bắc Câu-lô thì tất cả chúng sinh đều thuộc loại nhẹ. Ở Sắc giới, lúc chết đều đủ các căn. Nơi cõi dục khi chết tùy theo căn hiện có, hoặc đủ hoặc không đủ.

Lại nữa, bậc giải thoát thanh tịnh qua đời, gọi là “điều phục nẻo thiện, chết”. Kẻ không thanh tịnh không giải thoát chết, gọi là “không điều phục nẻo thiện, chết”.

Lại nữa, kẻ tạo nghiệp ác, lúc sắp mạng chung, thì thức ở nơi chỗ dựa, từ phần trên xả bỏ, tức từ phần trên có cảm giác lạnh lẽo theo thức dấy khởi. Như thế dần dần xả bỏ cho tới quả tim.

Người tạo nghiệp thiện, thì thức ở nơi chỗ dựa, từ phần dưới xả bỏ, tức từ phần dưới có cảm giác lạnh lẽo, theo thức dấy khởi. Như vậy, dần dần xả bỏ cho tới chỗ quả tim. Nên biết, sau thức chỉ còn chỗ quả tim là xả bỏ sau cùng. Từ đó, cảm giác lạnh lẽo lan khắp toàn thân.

* Thế nào là sinh? Do ngã ái không gián đoạn đã sinh, phần nhân ưa chấp bám nơi hý luận từ vô thỉ đã huân tập, phần nhân của nghiệp tịnh, bất tịnh đã huân tập, thể được nương dựa của kẻ kia, do hai thứ nhân làm lực tăng thượng từ nơi chủng tử của mình, tức ở trong xứ ấy, dị thục không gián đoạn của trung hữu được sinh. Chết và sinh đồng thời, như hai đầu của cái cân lúc lên cao xuống thấp bằng nhau, và thân trung hữu ấy tất gồm đủ các căn.

Kẻ tạo nghiệp ác thì thân trung hữu có được như bóng sáng của loài dê đen xứ Hồ, hoặc như đêm tối âm u.

Người tạo nghiệp thiện, thân trung hữu đạt được như ánh sáng của chiếc áo trắng, hoặc như đêm Trời quang tạnh.

Lại, thân trung hữu này là đối tượng hành của thiên nhãn thanh tịnh tột bậc. Lúc thân trung hữu được sinh, thì loại ngã ái có trước không còn hiện hành nữa, do thức đã trụ, nhưng đối với cảnh giới lại dấy khởi tham ái về hý luận, theo chốn sẽ sinh, thân trung hữu sẽ giống với hình tướng của chốn kia mà sinh.

Lại, mắt của thân trung hữu cũng như thiên nhãn không có chướng ngại, chỉ mỗi việc hướng tới nơi sinh, không bị ngăn ngại như được thần thông, cũng chỉ một mạch đi đến chốn sinh. Lại do mắt ấy nên trung hữu thấy được các chúng sinh trung hữu đồng loại với mình, cùng thấy được nơi chốn sẽ sinh của tự thân.

Lại nữa, kẻ tạo nghiệp ác, mắt nhìn việc tịnh kém, cúi mặt mà đi. Người sinh đến cõi trời thì đi lên. Kẻ sinh vào cõi người thì đi ngang.

Lại nữa, thân trung hữu này, nếu chưa có được nhân duyên sinh thì được trụ tối đa là bảy ngày. Nếu có được nhân duyên sinh thì thời gian trụ không nhất định. Quá bảy ngày, nếu vẫn chưa có được nhân duyên sinh thì chết đi rồi sinh lại, được trụ tối đa là bảy ngày. Như thế, lần lượt, nếu chưa có được nhân duyên sinh, thì được trụ nơi bảy lần bảy ngày, từ đấy về sau quyết định có được nhân duyên sinh.

Lại nữa, thân trung hữu này quá bảy ngày chết rồi, hoặc tức ở nơi loài ấy sinh, hoặc do nghiệp khác có thể chuyển đổi, nên chủng tử của trung hữu chuyển đổi, bèn sinh vào loài khác.

Lại nữa, thân trung hữu này có đủ thứ loại tên gọi. Hoặc gọi là trung hữu, do ở giữa hai hữu chết sống sinh ra. Hoặc gọi là “Kiệnđạt-phược”, tức do tìm mùi hương mà đi, vì hương là chỗ nhờ dựa để tồn tại. Hoặc gọi là “ý hành”, do ý làm chỗ nương để đi tới chốn sinh. Đây là nói thân đi đến, chẳng phải duyên nơi tâm để đi đến. Hoặc gọi là “thú sinh”, do đối nơi sinh hữu dấy khởi. Nên biết, chỉ trừ cõi vô sắc, tất cả xứ sinh khác đều có thân trung hữu.

Lại nữa, người tạo nghiệp ác, như giết mổ các loài dê, gà, heo v.v… tùy theo từng loại, do trụ nơi chúng đồng phận là “bất luật nghi” (giới ác) nên tạo cảm ứng với nghiệp ác, bất thiện của địa ngục và làm cho tăng trưởng. Kẻ ấy, bấy giờ, cũng như ở trong mộng, từ nơi nghiệp ác bất thiện kia, có được chốn sinh, trở lại thấy các loại chúng sinh như thế cùng các sự việc giết mổ dê, gà v.v… do chỗ hành xử trước đây, nên vui thích, vội vàng đi tới đó, liền bị cảnh sắc của chốn sinh ngăn cản, trung hữu bèn diệt, sinh hữu nối tiếp dấy khởi. Lúc trung hữu sắp mất, cũng như tử hữu ở trước, thấy các sắc tướng rối loạn. Như vậy, cho đến sự lý sinh diệt, nên biết cũng như trước đã nêu.

Lại nữa, trung hữu kia luc sinh chỉ là hóa sinh, sáu xứ đầy đủ, do dấy khởi tâm này mà vội vàng đi tới chốn sinh: “Ta cùng với các chúng sinh kia vui chơi, thọ lạc, thực hành các ngành nghề!”. Trung hữu ấy, bấy giờ do điên đảo, nghĩa là tạo ra các loại sự việc, cùng có cảm nhận về nóng lạnh. Nếu lìa bỏ vọng kiến thì với hình tướng như vậy, hãy còn không dẫn đến ham muốn, huống hồ là vội đi tới chốn đó. Nhưng không đi tới chốn ấy thì lại không thể sinh. Nếu ở chốn địa ngục như thế thì ở các chốn sinh khác tương tợ với địa ngục, hoặc sinh vào cõi quỷ như loài quỷ bướu cổ, nên biết cũng vậy.

Lại nữa, nơi các loài quỷ khác, loài bàng sinh (súc sinh) loài người, cùng trong chúng đồng phận với chư thiên thuộc cõi dục, cõi sắc, lúc sắp thọ sinh, đối với chốn sinh sắp tới, thấy các chúng sinh đồng loại với mình thật hợp ý, do đấy dấy khởi niệm ham muốn, thích thú liền đi đến chốn sinh và bị vướng buộc ở đấy. Sự lý chết rồi sinh, nên biết như đã nói ở trước.

Lại nữa, do ba xứ (yếu tố) hiện tiền nên được vào thai mẹ: (1) Người mẹ tâm ý vui thích, thuận hợp, lại đúng thời. (2) Cha mẹ hòa hợp, cùng khởi niệm ái nhiễm. (3) Kiệt đạt phược (trung hữu) hiện tiền đúng lúc.

Lại không có ba thứ chướng ngại:

  1. Trở ngại do đường sinh sản.
  2. Trở ngại do chủng tử.
  3. Trở ngại do túc nghiệp.

Thế nào là trở ngại do đường sinh sản? Nghĩa là hoặc nơi sinh bị gió, nóng dữ bức bách. Hoặc trong sản môn có những dị tật, hoặc luôn bị uế trược v.v…

Thế nào là trở ngại do chủng tử? Nghĩa là hoặc cha xuất chất bất tịnh, mẹ không xuất. Hoặc ngược lại, hoặc cả hai đều không xuất. Hoặc tinh của cha bị hư, hoặc tinh của mẹ, hoặc cả hai đều bị hư.

Thế nào là trở ngại do túc nghiệp? Tức là hoặc cha hoặc mẹ không khởi, không làm tăng trưởng hành nghiệp tạo nên con cái, hoặc cả hai đều không. Hoặc chúng sinh ấy không dấy khởi, không làm tăng trưởng hành nghiệp tạo nên cha mẹ. Hoặc cha mẹ của chúng sinh ấy đã dấy khởi, làm tăng trưởng hành nghiệp tạo nên con cái khác. Hoặc chúng sinh ấy đã dấy khởi, làm tăng trưởng hành nghiệp tạo nên cha mẹ khác. Hoặc ý muốn về hành nghiệp tạo nên một tộc họ danh giá. Hoặc ý muốn về hành nghiệp tạo nên một tộc họ không danh giá. Các trường hợp như vậy gọi là những trở ngại do túc nghiệp.

Nếu không có ba thứ trở ngại như vậy, với ba yếu tố kể trên hiện tiền thì được nhập vào thai mẹ. Chúng sinh kia ở cõi trung hữu hiện có tự thấy cùng với các hữu tình đồng loại vui thích, thuận hợp, đối với nơi chốn sinh dấy khởi niệm mong cầu dẫn tới ham muốn. Bấy giờ, thấy cha mẹ cùng hành hạnh tà, tinh huyết xuất ra, bèn khởi tưởng điên đảo: Tức không cho là cha mẹ đang cùng hành hạnh tà mà nghĩ ngược lại, thấy chính mình tự hành, sau đấy lại khởi niệm tham ái. Nếu hiện muốn làm thân nữ, liền đối với người cha dấy ý tham muốn kết hợp. Nếu hiện muốn làm thân nam, tức đối nơi người mẹ dấy ý tham muốn kết hợp. Như thế, dẫn tới tình trạng bức bách. Nếu là nữ, tức đối với người mẹ muốn tránh xa. Nếu là nam thì đối nơi người cha, tâm trạng cũng lại như vậy. Sinh khởi ý muốn ấy rồi, hoặc chỉ thấy người nam, hoặc chỉ thấy người nữ, cứ thế, dần dần tiếp cạn nơi chốn kia. Cứ thế, dần dà không còn thấy phần thân khác của cha mẹ, chỉ thấy mỗi căn môn của nam, nữ, và ngay ở nơi ấy liền bị kết buộc. Nên biết sự lý của tử, sinh là như vậy.

Nếu là kẻ phước kém, sẽ sinh vào nhà hạ tiện. Chúng sinh ấy vào lúc chết (tử) và lúc nhập thai (sinh) liền bị nghe vô số các thứ âm thanh hỗn loạn và tự vọng thấy đi vào chốn rừng rậm đầy những tre, lau gai gốc.

Nếu là người phước nhiều, tức sẽ sinh vào gia đình tôn quý. Chúng sinh ấy vào lúc chết và lúc nhập thai, liền tự được nghe những âm thanh êm dịu, vắng lặng, hợp ý, cũng tự vọng thấy những tướng vừa ý hiện bày, như đi lên cung điện v.v… Bấy giờ, sự tham ái của cha mẹ cùng đạt đến cực điểm, là sự quyết định sau rốt, mỗi người đều xuất ra một giọt tinh huyết đậm đà, hòa hợp và trụ nơi thai mẹ, kết làm một đoạn, giống như sữa nóng lúc đông đặc. Chính ở nơi ấy, tính chất dị thục của tất cả chủng tử đã được thâu tóm, nhận giữ nơi đối tượng được nhờ dựa là thức A-lại-da, hòa hợp và nương gá vào.

Thế nào là hòa hợp, nương gá? Đó là chỗ tinh huyết đậm đặc được xuất ra kết hợp thành một đoạn, cùng với trung hữu khi khởi duyên điên đảo đều diệt. Đồng thời cùng diệt, tức do sức từ công năng của tất cả chủng tử nơi thức, nên có căn vi tế khác cùng với đại chủng hòa hợp sinh khởi. Lại có căn khác cùng phân chia chỗ tinh huyết hòa hợp, nương nhau sinh. Lúc này gọi là thức đã trụ, đã “kết sinh tương tục”, tức ở đây gọi là Vị Yết-la-lam. Trong Yết-la-lam ấy có đại chủng của các căn, chỉ cùng với thân căn và đại chủng nơi chỗ dựa của căn đồng thời sinh do sức mạnh của thân căn này cùng sinh với đại chủng của các căn, nên các căn như mắt v.v… thứ lớp được sinh. Lại, cũng do sức mạnh của thân căn ấy cùng sinh với đại chủng thuộc nơi chốn nương dựa của căn, nên chốn nương dựa của các căn lần lượt được sinh ra. Do các căn này và nơi chốn nương dựa được sinh khởi đầy đủ, nên gọi là được thành tựu chỗ nương dựa một cách viên mãn. Lại, sắc của Yết-la-lam này, cùng với tâm, tâm sở, đồng chung an nguy nên gọi là nương gá. Do sức mạnh từ sự nương gá của tâm, tâm sở, nên sắc không bị hủy hoại. Do sắc tăng, giảm nên tâm, tâm sở kia cũng tăng giảm, vì vậy gọi là chúng cùng đồng an nguy.

Lại nữa, chốn nương gá đầu tiên của thức thuộc Yết-la-lam được gọi là nhục tâm (quả tim). Như vậy, thức ở chốn đó nương gá trước tiên, nên đó cũng là nơi xả bỏ sau cùng.

HẾT – QUYỂN 1