LUẬN DI LẶC BỒ TÁT SỞ VẤN KINH
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, Tam Tạng Pháp sư Bồ Đề Lưu Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

KINH VĂN

“Tôi nghe như vậy: Một thuở nọ Đức Thế Tôn an trú trong núi Kỳ-xà-quật thuộc thành Vương Xá, cùng với chúng đại Tỳ-kheo gồm một ngàn hai trăm năm mươi người, và các Đại Bồ-tát gồm một vạn người đều quy tụ. Lúc bấy giờ Đại Bồ-tát Di lặc liền từ chỗ ngồi đứng dậy trệch y bày vai phải, đầu gối phải quỳ sát đất, chắp tay hướng về Đức Phật thưa với Đức Phật rằng: Thưa Đức Thế Tôn! Nay con muốn đem một số pháp thưa hỏi đức Như lai Ứng Chánh Biến Tri, không biết Đức Thế Tôn cho phép hay không? Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo với đại Bồ-tát Di lặc rằng: Này Di-lặc! Tùy tâm niệm của ông thưa hỏi Như lai Ứng Chánh Biến Tri, Ta sẽ giải thích rõ ràng cho ông khiến cho tâm ông được hoan hỷ.

Lúc bấy giờ Đại Bồ-tát Di lặc bạch với Đức Phật rằng: Thưa Đức Thế Tôn! Đúng như vậy, con nguyện vui lòng mong muốn lắng nghe. Thưa Đức Thế Tôn! Các đại Bồ-tát cuối cùng thành tựu bao nhiêu pháp, không lui sụt đối với phần vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; ở trong pháp thắng tiến không lui sụt-không chuyển đổi, lúc thực hành hạnh Bồ-tát làm cho tất cả các ma oán đối địch phải hàng phục; biết đúng như thật về tướng tự Thể của tất cả các pháp, đối với thế gian tâm không hề mệt mỏi, bởi vì tâm không hề mệt mỏi cho nên không dựa vào trí của người khác, nhanh chóng thành tựu phần vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác?

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn bảo với đại Bồ-tát Di lặc rằng: lành thay lành thay! Này Di lặc! Nay ông mới có thể thưa hỏi Như lai về nghĩa sâu xa như vậy. Đức Phật lại bảo với đại Bồ-tát Di lặc rằng: Nay ông nên nhất tâm lắng nghe kỹ càng, Ta sẽ giải thích rõ ràng cho ông về nghĩa sâu xa như vậy.

Ngay lúc ấy Đại Bồ-tát Di lặc thưa với Đức Phật rằng: Thưa Đức Thế Tôn! Đúng như vậy, con nguyện vui lòng mong muốn được nghe!

Đức Phật lại bảo với Đại Bồ-tát Di lặc rằng: Này Di lặc! Nếu các đại Bồ-tát cuối cùng thành tựu tám pháp, không lui sụt đối với phần vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, ở trong pháp thắng tiến không lui sụt-không chuyển đổi, lúc thực hành hạnh Bồ-tát làm cho tất cả các ma oán đối địch phải hàng phục, biết đúng như thật về tướng tự Thể của tất cả các pháp, đối với các thế gian tâm không hề mệt mỏi, bởi vì tâm không hề mệt mỏi cho nên không dựa vào trí của người khác, nhanh chóng thành tựu phần vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Những gì là tám pháp? Này Di lặc! Đó là các Đại Bồ-tát thành tựu tâm sâu xa, thành tựu tâm thực hành, thành tựu tâm Bố thí, thành tựu tâm dễ dàng, biết rõ phương tiện hồi hướng, thành tựu tâm Đại Từ, thành tựu tâm Đại Bi, thành tựu phương tiện dễ dàng biết rõ, thành tựu Bát nhã Ba-la-mật. Này Di lặc! Thế nào là các Đại Bồ-tát thành tựu tâm sâu xa? Này Di lặc! Nếu các Đại Bồ-tát nghe ca ngợi Đức Phật và chê bai Đức Phật, thì tâm họ cuối cùng vẫn kiên cố bất động đối với phần vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nghe ca ngợi giáo pháp và chê bai giáo pháp, thì tâm họ cuối cùng vận kiên cố bất động đối với phần vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nghe ca ngợi Tăng Lão và chê bai Tăng Lão, thì tâm họ cuối cùng vẫn kiên cố bất động đối với phần vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Di lặc! Như vậy các đại Bồ-tát cuối cùng được thành tựu tâm sâu xa.

Này Di lặc! Thế nào là các Đại Bồ-tát thành tựu tâm thực hành? Này Di lặc! Nếu các Đại Bồ-tát xa lìa sát sinh, xa lìa trộm cắp, xa lìa tà dâm, xa lìa nói dối, xa lìa nói hai lưỡi, xa lìa nói thô ác, xa lìa nói thêu dệt. Này Di lặc! Như vậy các Đại Bồ-tát cuối cùng được thành tựu tâm thực hành. Này Di lặc! Thế nào là các Đại Bồ-tát thành tựu tâm Bố thí? Này Di lặc! Nếu các Đại Bồ-tát là người chủ luôn luôn xả bỏ, là người chủ luôn luôn Bố thí, Bố thí các Sa môn và bà-la-môn cùng những người nghèo khó xin ăn hèn hạ, cơm áo giường chiếu-tùy bệnh giúp cho thuốc thang chữa trị cho đến mọi vật cần thiết. Này Di lặc! Như vậy các Đại Bồ-tát cuối cùng thành tựu được tâm Bố thí.

Này Di lặc! Thế nào là các Đại Bồ-tát thành tựu tâm dễ dàng biết rõ phương tiện hồi hướng? Này Di lặc! Nếu các Đại Bồ-tát đã tu thiện căn, đó là nghiệp thân-khẩu-ý, thảy đều hồi hướng cho phần vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Di lặc! Như vậy các đại Bồ-tát cuối cùng được thành tựu tâm dễ dàng biết rõ phương tiện hồi hướng.

Này Di lặc! Thế nào là các Đại Bồ-tát thành tựu tâm Đại Từ? Này Di lặc! Nếu các Đại Bồ-tát cuối cùng được thành tựu thân nghiệp Đại Từ, cuối cùng được thành tựu khẩu nghiệp Đại Từ, cuối cùng được thành tựu ý nghiệp Đại Từ. Này Di lặc! Như vậy các Đại Bồ-tát cuối cùng được thành tựu tâm Đại Từ.

Này Di lặc! Thế nào là các Đại Bồ-tát thành tựu tâm Đại Bi? Này Di lặc! Nếu các Đại Bồ-tát cuối cùng được thành tựu thân nghiệp không thể chê trách, cuối cùng được thành tựu khẩu nghiệp không thể chê trách, cuối cùng được thành tựu ý nghiệp không thể chê trách? Này Di lặc! Như vậy các Đại Bồ-tát cuối cùng được thành tâm Đại Bi.

Này Di lặc! Thế nào là các Đại Bồ-tát thành tựu phương tiện dễ dàng biết rõ? Này Di lặc! Nếu các Đại Bồ-tát dễ dàng biết rõ Thế đế, dễ dàng biết rõ Đệ nhất nghĩa đế, dễ dàng biết rõ Nhị đế. Này Di lặc! Như vậy các Đại Bồ-tát cuối cùng được thành tựu phương tiện dễ dàng biết rõ.

Này Di lặc! Thế nào là các Đại Bồ-tát thành tựu Bát nhã Ba-lamật? Này Di lặc! Nếu các Đại Bồ-tát hiểu biết như vậy: Dựa vào pháp này mà có pháp này, dựa vào pháp này mà phát sinh pháp này, đó gọi là Vô minh duyên hành, Hành duyên thức, thức duyên Danh sắc, Danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên Lão tử sầu bi khổ não. Như vậy chỉ có nhiều đau khổ tụ tập. Này Di lặc! Pháp này không có cho nên pháp này không có, pháp này diệt di cho nên pháp này diệt di, đó gọi là Vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì Danh sắc diệt, Danh sắc diệt thì lục nhập diệt, lục nhập diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sinh diệt, sinh diệt thì Lão tử ưu bi khổ não diệt. như vậy chỉ có nhiều đau khổ tụ tập diệt đi. Này Di lặc! Như vậy các Đại Bồ-tát cuối cùng được thành tựu Bát nhã Ba-la-mật. Này Di lặc! Đó gọi là các Đại Bồ-tát cuối cùng thành tựu tám pháp, không lui sụt đối với phần vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, ở trong pháp thắng tiến không lui sụt-không chuyển đổi, lúc thực hành hạnh Bồ-tát làm cho tất cả các ma oán đối địch phải hành phục, biết đúng như thật về tướng tự Thể của tất cả các pháp, đối với các thế gian tâm không hề mệt mỏi, bởi vì tâm không hề mệt mỏi cho nên không dựa vào trí của người khác, nhanh chóng thành tựu phần vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Đức Phật thuyết kinh này xong, Đại Bồ-tát Di lặc, và các Đại Bồ-tát khác, cùng với Tỳ-kheo-Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, trời rồng-Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lầu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la Lão-người và loài phi nhân…, tất cả đại chúng nghe Đức Phật đã thuyết đều rất hoan hỷ, tin nhận vâng lời thực hành.”

 

QUYỂN 1

Quy mạng Đức Di lặc Thế Tôn!

Hỏi: Vì sao Đức Như lai thuyết kinh này?

Đáp: Bốn câu như xả thí… là nêu rõ ba loại công đức của tướng Bố thí-trì giới-tu hành, là pháp chung cho cả Bồ-tát, ngoại đạo, Thanh văn và Bích-chi-Phật. Bốn câu như tâm sâu xa… là nêu rõ ngay nơi bốn pháp ấy chỉ có hạnh Bồ-tát, không phải là hạnh chung cho ngoại đạo, Thanh văn và Bích-chi-Phật, vì vậy cho nên Đức Như lai thuyết kinh này. Bố thí là nêu rõ công đức Bố thí; xa lìa sát sinh… là nêu rõ công đức trì giới. Hai câu về Từ Bi… là nêu rõ công đức tu hành. Nghĩa này thế nào? Bởi vì những phàm phu ngoại đạo xa rời thiện tri thức, không nghe chánh pháp, không khéo tư duy, không thực hành đúng như lời Phật dạy, vọng chấp thường kiến… luôn luôn tích tập nghiệp nhân, các kiết sử cùng dựa vào nhau có sức mạnh tăng thêm nhân tố của thế gian. Bám chặt vào vọng chấp quyết định thành tựu nhân tố của thế gian, rời bỏ cách nhìn chân lý chính xác, cho nên không có tâm làm lợi ích cho người khác. Bởi vì tham đắm dục lạc của thế gian, cho nên những ngoại đạo kia tuy có chủng tử thiện căn Bố thí…. Nhưng bị nghi hối làm cho nước ái tưới thấm tâm thức, ở trong đất của năm thủ uẩn, bị đất Vô minh che phủ, thời tiết hòa hợp mầm thức được nảy sinh, theo thứ tự tăng trưởng trở thành quả báo thế gian. Còn người Thanh văn và Bích-chi-Phật, thân cận thiện tri thức, thuận theo người đã vượt qua biển sinh tử muốn vượt qua biển sinh tử, nhưng nghe nói đến lỗi lầm tai họa của thế gian, lại tự thấy mình non kém, nhàm chán khổ đau của thế gian, vui thích niềm vui của Niết-bàn, muốn rời bỏ thế gian mà chạy theo mong cầu đạo lý thoát ra, tuy không giữ lấy công đức của Bố thí…, mà cũng không rời bỏ công đức của Bố thí…, nhưng có thể điều phục phiền não đạt được pháp thù thắng trên cao. Vì ý nghĩ này, tuy là tu tập thiện pháp Bồ-tát…, nhưng bởi vì không có bốn pháp, cho nên không đạt được Đại Bồ-đề. Còn người Bồ-tát cuối cùng thành tựu đầy đủ tám pháp, kiến lập đại sự gánh vác trách nhiệm quan trọng, thân cận thiện tri thức chân thật, thấy sâu sắc những lỗi lầm tai họa của thế gian, biết Niết-bàn tịch tịnh, chỉ vì chúng sinh vốn không nhàm chán thế gian khổ đau. Bắt đầu phát tâm Bồ-đề không mất đi nhân tố, cho nên thành tựu tâm sâu xa, xả bỏ niềm vui của tự thân làm lợi ích cho chúng sinh. Công đức tu hành Bố thí đều hồi hướng quả vị Đại Bồ-đề, dựa vào sức mạnh phương tiện tăng trưởng công đức vi diệu của Bố thí…, luôn luôn bảo vệ tự thân không rơi vào phạm vi của Thanh văn và Bích-chi-Phật. Vì kết quả cuối cùng là thành tựu Bát nhã Ba-la-mật, luôn luôn làm công đức thanh tịnh như Bố thí…, khiến cho trú trong đạo Bồ-tát. Nêu rõ bốn câu như tâm sâu xa…, luôn luôn nhiếp thủ bốn câu như Bố thí…, là pháp không giống nhau của Bồ-tát có năng lực đạt được Nhất thiết chủng trí. Vì vậy cho nên Như lai thuyết về kinh này.

Hỏi: Như Lai giảng nói kinh này, ý nghĩa nó như vậy nào?

Đáp: Vì ngăn ngừa kẻ cho là không có nhân, nhân điên đảo, để tùy thuận nhân quả chân chánh, cho nên Đức Như Lai giảng nói kinh này. Nghĩa này thế nào? Nói không lui sụt đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác là do thành tựu tâm sâu xa. Đây gọi là nghĩa gì? Khi các Đại Bồ-tát nhận thấy pháp giới, tức là đã vĩnh viễn lìa chướng ngại tâm Bồ-đề, nghĩa là tất cả phiền não, như thân kiến vượt qua địa Thanh văn và Bích-chi-Phật, ngộ nhập phần vị Bồ-tát, phát tâm Bồ-đề ngay từ địa ban đầu để không mất nhân tốt lành.

Vì chứng ngộ được tâm sâu xa, cho nên gọi là không lui sụt đối với phần vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Nói không thay đổi là do chứng ngộ được pháp thù thắng. Đây trình bày nghĩa gì? Đã thành tựu hạnh bố thí. Đây còn có nghĩa gì? Phát sinh tâm không gây tổn hại, là nghiệp đạo căn bản, nhiếp thủ thắng hạnh cao nhất. Vì vậy không thay đổi hay từ bỏ nghiệp đạo căn bản là tu hành bố thí… hành bất cứ ở đâu đều không lui sụt. Chính vì nghĩa này, cho nên gọi là không thay đổi. Còn nói khi thực hành hạnh của Bồtát là hàng phục mọi ma oán, là do khéo biết phương tiện hồi hướng với tâm đã thành tựu. Đây trình bày về là nghĩa gì? Nói giản lược có bốn loại ma, là ma phiền não, ma ấm, ma chết và ma trời. Chỉ có ma phiền não là căn bản dựa vào ma phiền não mới có ba loại ma kia. Vì sao? Vì tâm niệm của các phàm phu đều bị ràng buộc do phiền não và tâm bị phiền não này trói buôc, vui sống ở thế gian mà mong cầu thú vui ở cõi khác, cho nên mới đem pháp bố thí… hồi hướng về cõi trời. Chính vì nghĩa đó mà ma trời, ma ấm, ma chết có chỗ ràng buộc làm cho lệ thuộc. Vì vậy, Bồ-tát đoạn tuyệt tất cả phiền não, như thân kiến… Lại còn có khả năng từ bỏ sự lo sợ không thể sinh sống nổi, sẵn sàng hy sinh mọi thú vui của mình để đem lại lợi ích cho chúng sinh. Tu tập Từ Bi bố thí thiện căn công đức gom góp được đều hồi hướng về Nhất thiết trí, xa lìa mọi ma và nẻo ác. Vì vậy gọi là lúc thực hành hạnh của Bồ-tát hàng phục mọi ma oán. Câu: “Tâm không cảm thấy mỏi mệt đối với các thế gian là vì tâm Đại Từ, Đại Bi đã thành tựu”. Đây là nói nghĩa gì? Chúng sinh trong kiếp người đều bị mũi tên ngu bắn vào tâm chịu biết bao nỗi khổ đau phiền não, cho nên Đại Bồ-tát đem tâm Đại Bi giúp họ. Chính vì thành tựu tâm Đại Bi cho nên thấy lợi ích của chúng sinh cũng chính là lợi ích của mình. Do đó Bồ-tát phát tâm Đại Từ Đại Bi, vì chỉ có tâm Đại Từ Bi mới có khả năng đem lại lợi ích cho chúng sinh. Vì vậy mới gọi là đối với các thế gian tâm không biết mỏi mệt. Lại nói: “Biết như thật về tướng tự Thể của mọi pháp, là vì phương tiện được thành tựu”. Câu này làm rõ nghĩa gì? Và câu biết rõ tự tướng đồng tướng của mọi pháp. Câu này có nghĩa gì? Khéo biết chân lý thế tục và khéo biết chân lý nghĩa bậc nhất đều là phương tiện, cho nên Bồ-tát không chấp vào hai bên có không. Câu này muốn nói nghĩa gì? Mặc dù đã thấy biết mọi sự của cảnh giới, nhưng trước đó Bồ-tát vẫn phải quán sát thức của cảnh giới. Vì sao? Vì mãi không từ bỏ chân lý nghĩa bậc nhất, bằng năng lực của tâm sâu xa, cho nên Bồ-tát không rơi vào bên chấp Có. Mặc dù luôn sống với chân lý nghĩa bậc nhất, nhưng Bồ-tát vẫn biết những sự việc của thế tục. Vì sao? Vì thường thấy rõ mọi hoạt động của hữu vi, cho nên biết là không rời bỏ tâm niệm và lời nói của thế gian, vì vậy không rơi vào bên chấp Không. Chính vì có khả năng khéo biết hai loại ý nghĩa đó, cho nên gọi là biết như thật về tướng tự Thể của tất cả pháp.

Câu: “Vì tâm không cảm thấy mỏi mệt cho nên không dựa vào trí của người khác mà nhanh chóng thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác” là vì thành tựu Bát-nhã Ba-la-mật. Đoạn này nói rõ nghĩa gì? Vì các Đại Bồ-tát đã dùng Bát-nhã quán sát pháp hữu vi. Câu này có ý nghĩa gì? Bồ-tát quán sát các hoạt động của hữu vi, thấy không có người, không có chúng sinh, không có chủ, không có Tự Tại, mà hữu vi tồn tại là do sức mạnh của nhân cùng làm tăng trưởng cho nhau. Từ nghiệp vốn có tạo ra mọi nghiệp, cũng như nhà ảo thuật tạo ra người ảo, với những kỹ thuật khéo léo làm cho người huyễn đi qua, đi lại, nhảy nhót không biết mỏi mệt. Vì vậy gọi là tâm không cảm thấy mệt mỏi. Lại nữa, tâm không cảm thấy mệt mỏi là vì đã từ bỏ tướng chúng sinh. Câu này có nghĩa gì? Tất cả các hoạt động của hữu vi đều không thật, chỉ có đủ các thứ nghiệp sai khiến phải nương tựa lẫn nhau và làm theo quyền lực của chúng. Do có khả năng thành tựu mọi hoạt động của hữu vi, cho nên Bồ-tát biết rõ hữu vi thật ra không có thần ngã, nhưng cũng không dựa vào trí của người khác, mà tùy theo những gì mình đã tu hành, dùng Tinh tiến Ba-la-mật gia tăng thành tựu biện tài để mau tới Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Vì các Đại Bồ-tát cầu Nhất thiết trí mới chỉ rõ sự xa lìa không có nhân, nhân điên đảo, mà tùy thuận với nhân quả chân chánh, cho nên Đức Như Lai giảng nói kinh này.

Hỏi: Có nghĩa nào khác khiến Đức Như Lai giảng nói Tu-la-la này không?

Đáp: Dựa vào bất định tụ, Bồ-tát cầu định tụ, thành tựu những hạnh gì để được tiến vào chánh định tụ? Đây là chỉ rõ Bồ-tát tiến vào chánh định tụ tu tập nhân hạnh chân chánh. Vì vậy Đức Như Lai giảng nói Tu-la-la này.

Nghĩa này là gì? Khi chưa chứng phần vị chính thức của địa bậc nhất, mặc dù đã gom góp các thiện căn trong Vô lượng kiếp, nhưng Bồtát vẫn chưa đạt tới vị trí không thối chuyển, chưa tới được phần vị cuối cùng không sợ hãi, tâm chưa được yên ổn, thường bị nỗi đau khổ phiền muộn của thế gian ép ngặt, chưa được năng lực của tâm Từ Bi là căn bản của tâm Bồ-đề chưa có được sức tăng thượng mạnh mẽ.

Dùng trí đạo thế gian quán sát mười hai nhân duyên, quán sát như thật mọi hoạt động của hữu vi, dựa vào đạo thế gian quán sát pháp giới vắng lặng yên tĩnh, mong cầu đại Niết-bàn. Nhưng vì không có trí phương tiện, cho nên rơi vào phần vị Thanh văn và Bích-chi-Phật.

Nếu Bồ-tát đã bị rơi vào phần vị Thanh văn và Bích-chi-Phật, thì bởi vì có ba điều sai lầm:

  1. Bị lùi mất tất cả chủng tử thiện căn của Đại thừa.
  2. Bị lùi mất cái nhân có khả năng ban cho chúng sinh mọi nguồn vui.
  3. Lùi mất trí Nhất thiết trí.

Chính vì lẽ đó, cho nên Đức Như Lai đã nói trong kinh này: Này Ca-diếp! Ví như hết thảy các trời người nơi thế gian, dù đã nhiều phen trau giồi, làm đẹp viên ngọc lưu ly giả, nhưng viện ngọc lưu ly giả tạo đó không thể nào trở thành ngọc báu lưu ly thật được.

Cũng vậy, này Ca-diếp! Tất cả Thanh văn tu giới-định-tuệ và tất cả công đức của hạnh đầu đà… nhưng rốt cuộc họ vẫn không thể nào được ngồi nơi đạo tràng mà thành tựu phần vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Ca-diếp! Ví như trau giồi sửa chữa viên Đại tỳ lưu ly thì tùy ý có thể nhận được Vô lượng trăm ngàn vạn ức châu báu. Cũng vậy, này Ca-diếp! Nhờ tu hạnh Bồ-tát cho nên có thể sinh ra tất cả Thanh văn và Bích-chi-Phật… cùng tất cả trời-người.

Vì dựa vào nghĩa này, cho nên Đức Như Lai đã nói trong kinh Bảo Tích: “Có bốn hạng Bồ-tát không phải là thiện tri thức:

  1. Hạng người chỉ mong mỏi ở Thanh văn, chỉ muốn tự độ mình.
  2. Hạng người chỉ mong mỏi ở Duyên giác, chỉ vui mừng với viêc nhỏ nhoi.
  3. Hạng người chỉ ham đọc những kinh sách của ngoại đạo như Lộ-Lão-da…
  4. Hạng người chỉ lo học tập, trau chuốt lời văn cho trang nhã hấp dẫn.

Hết thảy những ai thân cận với bốn hạng người này chỉ thêm lợi ích thế gian, chứ không thêm lợi ích về pháp.”

Lại có một đoạn trong kinh, Đại đức Ca-diếp bạch Bồ-tát Vănthù-sư-lợi: Có hạng người ngũ nghịch có khả năng phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tu tập các công đức, chứng ngộ Đại Bồ-đề, mà A-la-hán thì không thể làm nổi. Ví như một người, các căn đều tàn phế cho nên đối với cảnh giới của năng dục họ không còn có năng lực làm được điều gì, cũng không thêm được gì cả. Cũng như vậy, hàng Thanh văn và Bích-chi-Phật đều là những người rời xa những kiết sử, nhưng đối với tất cả pháp Phật, họ không thể làm được việc gì, không thêm được gì cả, họ không có năng lực quán sát pháp Phật như vậy. Vì vậy, thưa Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Tất cả phàm phu đền đáp công ơn của Như Lai chứ không phải là hàng Thanh văn? Vì sao? Vì hàng phàm phu nghe nói đến công đức của Phật, vì họ không đoạn tuyệt chủng tử của Tam bảo, họ có khả năng phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Còn hàng Thanh văn tuy suốt đời có nghe các pháp Phật như mười lực bốn pháp vô úy…, nhưng họ không có khả năng phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”.

Trong kinh Bát Nhã Ba La Mật nói: “Này các Thiên tử! Người chưa phát phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thì người đó sẽ phát tâm Đại Bồ-đề, còn người nào đã vào phần vị của hàng Thanh văn, Bích-chi-Phật thì không thể phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì sao? Vì tất cả Thanh văn, Bích-chi-Phật đều đã đoạn tuyệt dòng chảy sinh tử, cho nên không thể thọ sinh trong thế gian để phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Các Đại Bồ-tát vì đã nhận thấy được chân lý thật, cho nên phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, và ngay trong địa bậc nhất, không mất nhân cho nên thâu nhiếp được tâm sâu xa, từ dùng Bát nhã Ba-la-mật đúng như thật mà thâu nhiếp tu các giới hành, không đắng theo thân mạng mà chỉ vì lợi ích cho chúng sinh. Cho nên biết, khi tập trung tu hành được như vậy, thì gọi là Bồ-tát không thối chuyển. Vì vậy trong kinh Như Lai Thập Địa nói: “Bồ-tát nảy sinh tâm niệm như vậy, ngay lập tức vượt địa phàm phu, bước vào địa Bồ-tát, sinh vào trong nhà Phật, là dòng tộc cao quý không thể chê trách. Đã vượt quá tất cả đạo thế gian, khéo an trú trong pháp Bồ-tát, khéo an trú vào chánh xứ Bồ-tát, bước vào trong pháp Chân như bình đẳng của ba đời, chủng tử Như Lai, chắc chắn cuối cùng đạt được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”.

Bồ-tát an trú trong pháp như vậy, gọi là Bồ-tát trú địa Hoan hỷ. Dùng pháp không lay chuyển, cho nên Bồ-tát vượt qua được năm sự sợ hãi, đó là sợ không sống nổi, sợ tiếng xấu, sợ chết, sợ phải rơi vào đường dữ và sợ oai đức của đại chúng. Bồ-tát đều lìa khỏi những sự sợ hãi ấy. Vì sao? Vì các Bồ-tát này đã từ bỏ mọi tướng ngã. Vượt qua phần vị phàm phu thì sự vượt qua ấy có chín loại cho nên biết!

1. Bước vào phần vị Bồ-tát là đã vượt qua phần vị. Từ buổi đầu đã thành tựu tâm xuất thế gian, như bắt đầu trú trong thai giống như pháp.

2. Sinh ở nhà Phật là đã vượt qua gia tộc. Bởi vì đã dựa vào phương tiện Bát nhã mà sinh, sinh trong nhà giống như pháp.

3. Dòng họ tôn quý không thể chê trách là đã vượt qua được dòng họ, dùng hạnh của Đại thừa sinh con giống như pháp.

4. Vượt qua tất cả đạo thế gian là đã vượt qua và rời khỏi, vì đạo thế gian không có khả năng thâu nhiếp được đạo xuất thế gian mà sinh giống như pháp.

5. Vào đạo xuất thế gian là đã vượt qua và tiến vào, vì đạo xuất thế gian thâu nhiếp đưa vào đạo mà sinh giống như pháp.

6. Khéo an trú trong pháp Bồ-tát là vượt qua chính mình, lấy Đại Bi làm Thể, làm việc gì cho người chính là làm cho mình, Tự Thể của thân là giống như pháp.

7. khéo an trú vào chánh xứ của Bồ-tát là vượt qua nơi chốn không từ bỏ thế gian mà Bồ-tát dùng phương tiện không nhiễm khéo léo an trú chính đáng, nơi sinh ra và an trú giống như pháp.

8. Bước vào trong pháp Chân như bình đẳng của ba đời là vượt qua nghiệp hành, vì Bồ-tát thuận với Không và trí Thánh, sinh mạng giống như pháp.

9. Chắc chắn cuối cùng đạt được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác là sự vượt qua cao nhất không đoạn mất chủng tử Phật, đạt đạo Niết-bàn cứu cánh thành tựu giống như pháp. Như vậy là đã chỉ rõ phàm phu sinh, và Bồ-tát ra vào thai không giống nhau, bởi vì một bên có nhiễm và một bên không nhiễm.

Như vậy, theo thứ tự: Về nhà ở không giống nhau, dòng họ không giống nhau, vượt ra không giống nhau, tiến vào không giống nhau, về thân tướng không giống nhau, chỗ cư trú không giống nhau, nghiệp sống không giống nhau, thành tựu không giống nhau.

Như vậy Tôn giả Bà-tẩu-bàn-đậu nói cuối cùng là thành tựu tâm. Trong khi đó, có luận sư khác lại đưa ra cách giải thích khác thông qua bài kệ:

Bồ-tát Ma-ha-tát,

Phát sinh những tâm nào;

Thấy thế gian hư vọng,

Phật nói là sơ tâm?

Bài kệ này nói rõ nghĩa gì? Thấy thế gian hư vọng, bởi vì hết thảy thế gian chỉ do nhân duyên sinh chứ không có thật thể. Như Bồ-tát Long Thọ nói trong bài kệ:

Nhân duyên hòa hợp; sinh,

Pháp kia không thật thể,

Nếu đã không thật thể,

Làm sao gọi có pháp?.

Thánh giả Đại Bồ-tát Vô Tận Ý đã nói trong kinh Vô Tận Ý: Trí phương tiện quán sát nhân duyên, biết tất cả pháp đều dựa vào nhân, dựa vào duyên hòa hợp mà sinh. Nếu tất cả pháp dựa vào nhân duyênhòa hợp sinh thì hết thảy pháp sẽ không dựa vào ngã-nhân-chúng sinh- thọ mạng lâu. Nếu pháp không phải ngã-không phải nhân-không phải thọ mạng lâu, thì pháp đó không thể kể là thời quá khứ-hiện tại, hay vị lai. Nếu Bồ-tát có khả năng quán sát như vậy, thì gọi là Đại Bồ-tát có trí phương tiện quán sát nhân duyên hòa hợp.

Không dựa vào ngã là có nghĩa gì? Vì tất cả pháp dựa vào các loại nhân duyên mà phát sinh, không phải dựa vào ngã mà sinh ra, vì ngã không có thật thể. Như các duyên phát ra lửa, thể của lửa có sức nóng, mà sức nóng đó không có thật thể, nhưng nhân duyên hòa hợp gọi là lửa có sức nóng. Như vậy, không xa rời thân căn mà biết bên ngoài lại có ngã thật sự, bởi vì ngã vốn không có thật thể.

Không có thật thể vì giống với hư không, vì giống với pháp hữu vi. Nếu giống với hư không tức là không có vật gì hết, nếu giống với hữu vi tức là vô thường.

Ngã-nhân-chúng sinh-thọ mạng…, vì có thể giáo hóa chúng sinh mà dùng đủ loại danh từ giảng giải chứ không có ngã thật sự.

Lại như trong kinh, Bồ-tát Đại Hải Tuệ nói cho Thánh giả Đại Bi Tư Phạm về thành tựu tất cả pháp Phật, trong phẩm Vấn Đáp có bài kệ:

Các pháp nhân duyên sinh,

Pháp đó không thật thể,

Nếu pháp không thật thể,

Pháp đó thật không sinh.

Bồ-tát biết chúng sinh,

Đúng là không thật tế,

Dựa vào trí thật tế,

Biết các pháp giả thật.

Chính vì nghĩa này, Bồ-tát biết tất cả pháp đều do nhân duyên hòa hợp mà phát sinh. Chúng sinh không có thật thể. Nếu như vậy thì tất cả tâm thức của thế gian đều là sự phân biệt hư vọng. Tâm của Bồ-tát kia thật tế bình đẳng đối với tất cả pháp, hành của trí vô ngại tức là tâm ban đầu. Vì vậy gọi là ba đầu phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vì vậy bài kệ nói:

Không thấy phàm địa ấy,

Vì thể ấy vốn không,

Cho nên chư Phật nói,

Vượt qua địa phàm phu.

Xa lìa pháp Thánh nhân,

Nhiễm trước các thân kiến,

Ở trong cảnh năm dục,

Cho nên gọi người phàm phu.

Bài kệ này nói rõ về nghĩa gì? Địa là người phàm phu sinh ở nơi ấy, đó gọi là địa vị của phàm phu. Đây là nơi bị ràng buộc do phiền não trong ba cõi, nương vào phiền não mà sinh, cho nên gọi là địa vị của phàm phu. Vì vậy tâm ban đầu của Bồ-tát nhận thấy ba cõi đều Không, không khởi tướng với một pháp nào. Vì không khởi tướng với một pháp nào, cho nên Bồ-tát không mong muốn sinh ra tất cả mọi nơi, ngoại trừ tâm Từ Bi vì muốn giáo hóa các chúng sinh, nhưng vẫn thường quán sát tự Thể vắng lặng của pháp. Do nghĩa này cho nên nói Bồ-tát đã vượt qua địa vị của phàm phu, vì vậy có kệ nói:

Thể pháp không vốn không,

Không vốn không tạo tác,

Lìa tất cả các tướng,

Người trí không mong cầu.

Tiến vào phần vị Bồ-tát, kệ nói:

Bồ-đề ngay nơi không,

Phật dạy bệnh phiền não,

Thuộc Bích-chi-Phật địa,

Và lấy địa Thanh văn.

Bồ-đề ngay nơi không, hiểu biết đúng như thật về chúng sinh hư vọng thì gọi là Bồ-đề. Vì vậy Thánh giả Bồ-tát Vô Tận Ý, trong bốn niệm xứ đã nói: Các Đại Bồ-tát lúc tu tập quán sát về pháp nếu thấy tất cả pháp đều lìa Không-Vô tướng-Vô nguyện-Vô hành-Vô sinh-vô khởi và lìa mười hai nhân duyên, thì đó không gọi là hiểu như thật. Nếu không thấy một pháp nào rời xa Không-Vô tướng-Vô nguyện-Vô tácVô sinh-Vô khởi, và rời xa mười hai nhân duyên. Bồ-tát có khả năng hiểu biết như tất cả chúng sinh đều không có tự Thể chân thật, như vậy, thì đó gọi là hiểu đúng như thật. Vì vậy kệ nói: Bồ-đề ngay nơi không. Nếu Bồ-tát ở địa bậc nhất hiểu biết tất cả các chúng sinh đều Không, mà từ bỏ việc làm lợi ích cho tất cả chúng sinh, vì vậy nhận lấy phần vị Thanh văn và Bích-chi-Phật, thì gọi là Bồ-tát địa bậc nhất, phải còn đối trị với phiền não. Vì vậy, bài kệ nói: Phật dạy bệnh phiền não, thuộc Bích-chi-Phật địa, và lấy địa Thanh văn. Lại có kệ nói:

Biết Không lìa hai bên,

Không hai nhiễm Niết-bàn,

Vì không nhiễm Niết-bàn,

Phật dạy Bồ-tát vị.

Biết Không lìa hai bên, nghĩa này thế nào? Như trong kinh Pháp Ấn, Như Lai có nói:

– Này Xá-lợi-phất! Pháp không khác nhau, thì gọi là Không.

Tôn giả Xá-lợi-phất nói:

– Bạch Thế Tôn! Nói Không ấy thì có nghĩa là gì?

Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:

– Nói Không ấy, là chẳng phải có thể nói, chẳng phải không thể nói. Nếu chẳng phải có thể nói, chẳng phải không thể nói thì điều đó không thể làm rõ ra được. Nếu không thể làm rõ ra được thì điều đó chẳng phải thế gian, chẳng phải xuất thế gian. Vì chẳng phải thế gian, chẳng phải xuất thế gian cho nên mới gọi là Không. Người nào có khả năng hiểu rõ Không như vậy, thì gọi là lìa được hai bên. Bồ-tát nếu lìa được hai bên đó, thì không rơi vào phiền não, không chọn lấy hai loại Niết-bàn của hàng Thanh văn và Bích-chi-Phật.

Đức Phật nói chứng bệnh phiền não là vì giữ lấy tướng sai khác của địa. Giữ lấy tướng sai khác của địa nghĩa là giữ lấy tướng sai khác của các địa Thanh văn và Bích-chi-Phật, cũng gọi là từ bỏ việc làm lợi ích cho chúng sinh, vì chọn lấy niềm vui Niết-bàn vô vi, đó là lý do gây trở ngại cho Bồ-đề Phật. Lại còn có nghĩa khác là không có bệnh phiền não, vì Bồ-tát đã lìa khỏi bệnh phiền não, vì Bồ-tát không chọn lấy Niết-bàn của Nhị thừa mà dựa vào năng lực của bản nguyện, cho nên Bồ-tát không từ bỏ việc làm lợi ích cho các chúng sinh. Nếu như vậy thì không còn chứng bệnh của Nhị thừa, không còn bệnh phiền não, như thật tu hành tất cả pháp Không, đó gọi là các Đại Bồ-tát bước vào phần vị Bồ-tát, vì có năng lực xa rời tất cả phiền não, lìa xa hết thảy các pháp đối trị.

Như vậy Bồ-tát vì không có hai hành và dựa vào sức mạnh của bản nguyện mà không từ bỏ việc đem lại lợi ích cho các chúng sinh, không rơi vào phần vị của Thanh văn và Bích-chi-Phật, không bị nhiễm vì phiền não của thế gian. Đây là việc khó làm và thù thắng nhất của Đại Bồ-tát, vì tuy không thấy tất cả chúng sinh mà vẫn vì chúng sinh tu hành các hạnh. Việc làm như vậy không thể nghĩ bàn, tất cả thế gian này không ai có thể hiểu biết, là việc làm hiếm có bậc nhất mà tất cả Thanh văn và Bích-chi-Phật không có khả năng nhận thấy.

Chính vì nghĩa này, mà Đại Bồ-tát Long Thọ trong luận Tập công đức Bồ đề nói kệ rằng:

Việc này hiếm có nhất,

Không nghĩ bàn bậc nhất,

Bồ-tát vì tu hành,

Mà không thấy chúng sinh.

Đức Như Lai cũng nói vì muốn khen ngợi công đức có đúng như thật của các Đại Bồ-tát, như trong kinh nói: “Đại Bồ-tát có bốn loại công đức chân thật. Những gì là bốn? Đó là:

1. Có khả năng tin tưởng-hiểu biết lý Không, cũng tin tưởng lý nhân quả.

2. Nhận biết tất cả các pháp đều không có Ngã, mà phát sinh tâm Đại Bi đối với chúng sinh.

3. Rất vui với Niết-bàn mà thường đi trong sinh tử.

4. Mọi việc làm bố thí đều vì chúng sinh chứ, không mong cầu được quả báo đáp. Nếu như vậy, thì Bồ-tát được sinh trong nhà Phật”.

Vì vậy kệ nói:

Bồ-tát Ma-ha-tát,

Vì lìa mọi phiền não,

Thì chứng vị Bồ-tát,

Cho nên sinh nhà Phật.

Bài kệ này nói rõ nghĩa gì? Nhà Phật thì phải thực hành những pháp nào để được sinh vào nhà Như Lai? Nghĩa là xa lìa phiền não, hiểu và thực hành Không, biết rõ phần vị của mình, còn làm mọi lợi ích cho chúng sinh, không bị lầm lỗi mê hoặc trong việc làm. Làm được những pháp như vì vậy thì gọi là Đại Bồ-tát sinh trong nhà Phật. Điều này nói rõ nghĩa gì? Kệ nói:

Phật nói nhà Như Lai,

Là phương tiện-Bát nhã,

Bồ-tát sinh nhà này,

Cho nên không thể chê.

Nghĩa này thế nào? Nói phương tiện thì nói gọn là không rời bỏ tất cả chúng sinh. Nói Bát nhã là không giữ lấy tất cả các pháp. Hai pháp này là nhà của chư Phật. Vì vậy Đại Bồ-tát dựa vào phương tiện và Bát nhã mà sinh vào đó, vì nhà ấy được thâu nhiếp từ hai pháp là phương tiện và Bát nhã.

Vì muốn đem lại lợi ích cho tất cả chúng sinh mà Đại Bồ-tát mới sinh vào thế gian này, chứ thật ra không phải là nghiệp phiền não mà sinh.

Nếu như vậy thì Đại Bồ-tát không thể chê trách ngờ vực, tất cả các pháp đáng chỉ trích của hàng trời-người thảy đều xa lìa, mà sinh vào nhà cao cả của Phật. Vì nghĩa này, cho nên thuộc dòng họ tôn quý không thể chê trách ngờ vực. Vì vậy, trong Tu-la-la, Đức Như Lai vì Bà-la-môn mà nói kệ rằng:

Trời, người, Càn-thát-bà,

Rồng, Dạ-xoa, các chim,

Các nghiệp giống như vậy,

Thảy đều đã diệt hết.

Phiền não tan diệt hết,

Như hoa sen không nhiễm,

Nếu là như vậy,

Không nhiễm trước các dục.

Đại Bồ-tát như vậy thì gọi là Phật tử chân chánh, không phải là đứa con khác lạ như trời… vì vậy kệ nói:

Bồ-tát biết thật tế,

Và tu Ba-la-mật,

Mà được đạo vô lậu,

Vượt ra ngoài thế gian.

Bồ-tát biết thật tế, câu này nói rõ về nghĩa gì? Nói rõ về tất cả các pháp đều vắng lặng, vì vậy Như Lai bèn nói kệ rằng:

Tất cả pháp vô thể,

Thật không có các sự,

Vì không sinh-không diệt,

Được gọi là thật tế.

Như vậy, với Bát nhã Ba-la-mật mà biết thật tế của tất cả các pháp là không có Thể chân thật. Dùng Bát nhã Ba-la-mật mà biết thực hành theo đạo lý đoạn trừ, năm Ba-la-mật còn lại thì biết đạo lý phương tiện công đức. Như vậy, Đại Bồ-tát dùng công đức trí tuệ này có năng lực thành tựu Bồ-đề của Phật có năng lực trừ hết những phiền não, có năng lực làm lợi ích cho chúng sinh.

Lại nữa, người tu tập các pháp Ba-la-mật cũng biết như thật tế. Biết thế nào? Bởi vì không thấy có ba pháp là người cho-người nhận và đồ vật bố thí. Tu hành thanh tịnh các Ba-la-mật, Bồ-tát tu hành thật tế như vậy, cho nên là vô lậu, chính vì vô lậu cho nên Bồ-tát đã vượt ra khỏi tất cả các đạo của thế gian. Vì vậy kệ nói:

Phân biệt hành thế gian,

Trong rừng rậm phiền não,

Lấy vị xuất thế gian,

Thì vào đạo xuất thế.

Phân biệt việc làm của thế gian, nói gọn có hai loại phân biệt:

  1. Phân biệt thật, nghĩa là sắc, là tướng có thể thấy như vậy…
  2. Phân biệt thắng, tức là trong màu sắc đó có màu xanh-vàng-đỏtrắng…

Thế gian, là năm ấm phiền não. Rừng rậm là hang sâu hiểm trở, đen tối, với những cảnh đáng sợ, không thể quán sát, khó trông thấy và khó nhận biết.

Như vậy Đại Bồ-tát đã quan sát phân biệt tự Thể, phân biệt thắng

và phân biệt năm ấm, không vướng mắc trong sự việc như trước đây đã nói, dấy lên suy nghĩ như vậy: Mình nên làm sao khiến cho chúng sinh hiểu? Vì vậy kệ nói:

Biết các pháp như thật,

Thật-thắng-ấm một hai,

Việc chúng sinh không thấy,

Làm sao hóa chúng sinh?

Bồ-tát Ma-ha-tát,

Tu hành trí vô lậu,

Cùng việc làm công đức,

Hướng đến đạo xuất thế.

Vì vậy Bồ-tát bước vào đạo xuất thế gian. Hỏi: Khéo an trú trong pháp Bồ-tát là gì?

Đáp: Kệ nói:

Bồ-tát vào các địa,

An trú trong pháp mình,

Nương thông và Tự Tại,

Giáo hóa mọi chúng sinh.

Bước vào các địa Bồ-tát, như cuối kinh nói: “Khéo biết địa thì việc làm trong mỗi địa được chuyển biến”.

Giáo hóa mọi chúng sinh, như cuối kinh nói: “Được một trăm Tam-muội cho đến Vô lượng trăm ngàn vạn ức na-do-tha kiếp không thể đếm biết được.”

Được tự tại, là như nói về các loại công đức với thời gian như thế nào, pháp như thế nào, Tự Tại như thế nào, thành tựu sự việc như thế nào, thực hành như thế nào? Những hành động nào? Được những Tự Tại thì chủng tử của hết thảy pháp Phật không thối chuyển, là nghĩa thành tựu tất cả pháp Phật. Đó là khéo an trú trong pháp của Bồ-tát.

Hỏi: Thế nào là khéo an trú trong chánh xứ của Bồ-tát?

Đáp: Kệ nói:

Một lúc bên chư Phật,

Nghe giữ-nghĩ-tu tập,

Thành tựu nghĩa-hành-giải

Cúng dường ngôi Chánh giác,

Bồ-tát Ma-ha-tát,

Tu hành pháp như vậy,

Thì gọi là an trú,

Trong chánh xứ Bồ-tát.

Vì vậy kinh nói: “Khéo an trú trong chánh xứ của Bồ-tát”.

Hỏi: Thế nào là bước vào trong pháp Chân như bình đẳng ba đời?

Đáp: Kệ nói:

Biết Bồ-đề, chư Phật

Và hành Phật Bồ-tát,

Biết Phật ba đời Không

Gọi là ý khéo nhập.

Nghĩa này thế nào? Nghĩa là biết pháp thân của tất cả chư Phật ba đời đều bình đẳng. Lại còn có năng lực biết tất cả chư Phật đều dựa vào sắc thân, tu hành tất cả công hạnh của Phật và Bồ-tát và biết tất cả các pháp trong quá khứ-vị lai cùng hiện tại, tất cả đều từ nhân duyên hòa hợp mà sinh ra chứ không có Thể tánh chân thật.

Ý khéo nhập là như trước đây đã nói, các pháp trong ba đời đều bình đẳng không hai. Đúng như thật mà biết một vị, các vị khác nhau, không thể phá hoại sự hòa nhập. Vì vậy kinh nói: Nhập vào trong pháp Chân như bình đẳng của ba đời.”

Hỏi: Thế nào là trong chủng tử Như lai chắc chắn cuối cùng đạt được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác?

Đáp: Kệ nói:

Bồ-tát tịnh phiền não,

Và tịnh tâm chúng sinh,

Đầy đủ Đại Từ Bi,

Chắc chắn thành Bồ-đề.

Bồ-tát tịnh phiền não là gì? Bởi vì lúc ở địa bậc nhất Bồ-tát đã sửa trị các phiền não như thân kiến, khi ở trong Kiến đạo thì thảy điều xa lìa. Việc này như vừa nói là thấy tất cả pháp trong ba đời đều bình đẳng, lời nói đó như thật. Thanh tịnh tâm chúng sinh, thì như đoạn kinh nói: Trong khoảng một niệm giáo hóa được trăm chúng sinh cho đến nếu dùng nguyện lực Tự Tại thù thắng nhất…”.

Dựa vào năng lực giáo hóa và thanh tịnh được mọi phiền não mà chứng ngộ, như đoạn kinh nói:

Vì vậy, trước hết mình phải an trú trong pháp thiện, cũng khiến cho người khác trú trong pháp thiện. Tại vì sao? Bởi vì nếu như người tự mình không làm điều thiện cũng không có đủ thiện hạnh, mà nói pháp cho người khác khiến họ trú trong thiện pháp, thì điều này không hề có”. Chính vì Bồ-tát đã thành tựu tâm Đại Từ, Đại Bi, cho nên trong đoạn kinh trước đã nói: Tâm này lấy Đại Bi làm hàng đầu. Cho nên, Bồ-tát đã tự tịnh phiền não và tịnh cho tâm chúng sinh đầy đủ tâm Đại Từ Bi, gọi là cuối cùng đạt được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Bởi vì chắc chắn hướng đến Đại Bồ-đề, cho nên kệ nói:

Phật tử Kim Cang Tạng,

Nói mười pháp sơ tâm,

Thì gọi Bồ-đề Phật,

Cuối cùng thành Phật đạo.

Ý nghĩa của bài kệ này thế nào? Thánh giả, Đại Bồ-tát Kim Cang Tạng nói mười pháp này là tâm Bồ-đề vô lậu của Bồ-tát ở địa bậc nhất. Chính vì mười loại tâm này mà gọi là Bồ-đề Phật. Nói cuối cùng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Lại kệ nói:

Ví như chủng tử tốt,

Sẽ sinh ra cọng-lá…

Tâm Bồ-đề như vậy

Không khác pháp chư Phật.

Nghĩa của bài kệ này là gì? Vì tâm ban đầu mới chứng ngộ các pháp, đối với tất cả pháp của Phật đều cho là chủng tử, lấy pháp của địa bậc nhất và tất cả pháp Phật dùng để làm nhân. Lại kệ nói:

Tâm sơ địa tăng trưởng,

Phật nói là các địa,

Bồ-tát tuyệt vời nhất,

Dụ như trăng mới mọc.

Đại ý bài kệ này nói rõ về nghĩa gì? Như trong kinh Văn Thù Sư Lợi Vấn Bồ đề, nói kệ rằng:

Ví như trăng mới mọc,

Tăng trưởng thì trăng tròn,

Như vậy Hoan hỷ địa,

Tăng trưởng chính là Phật.

Nghĩa mười câu như vậy, luận sư khác giải thích không giống nhau, nên biết! Vì vậy Đức Như Lai bởi vì Bồ-tát bất định tụ cầu định tụ, cho nên thuyết về kinh này.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9