LUẬN ĐỀ BÀ BỒ TÁT THÍCH LĂNG GIÀ KINH TRUNG NGOẠI TIỂU THỪA NIẾT BÀN
Tác giả: Bồ-tát Đề Bà.
Hán dịch: Đời Hậu Ngụy, Tam Tạng Bồ Đề Lưu Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

Hỏi: Thế nào là Niết-bàn của ngoại đạo?

Đáp: Niết-bàn của ngoại đạo có hai mươi loại: Là các ngoại đạo v.v… đều phân biệt hư vọng. Do các nhân như vậy sanh vào sáu cõi. Nhằm ngăn ngừa các loại tà kiến đó nên Như Lai nói chính nghĩa của nhân quả Niết-bàn. Hai mươi loại đó là gì?

  1. Luận sư ngoại đạo Tiểu Thừa.
  2. Phương Luận sư.
  3. Phong Luận sư.
  4. Luận sư Vi Đà.
  5. Luận sư Y-xa-na.
  6. Luận sư ngoại đạo lõa hình.
  7. Luận sư Tỳ-thế-sư.
  8. Luận sư khổ hạnh.
  9. Luận sư của quyến thuộc nữ nhân.
  10. Luận sư hành khổ hạnh.
  11. Luận sư Tịnh nhãn.
  12. Luận sư Ma Đà La.
  13. Luận sư Ni-kiền-tử.
  14. Luận sư Tăng Khư.
  15. Luận sư Ma-hê-thủ-la.
  16. Luận sư vô nhân.
  17. Luận sư về Thời.
  18. Luận sư Phục thủy.
  19. Luận sư Khẩu lực.
  20. Luận sư Bổn sanh an đồ.

Hỏi: Ngoại đạo nói các thọ ấm hết như ngọn đèn lửa tắt, chủng hoại, gió ngừng, gọi là Niết-bàn là thế nào?

Đáp: Thứ nhất đó là thuyết của Luận sư ngoại đạo Tiểu thừa.

Hỏi: Thế nào là ngoại đạo nói phương là Niết-bàn?

Đáp: Thứ hai, Luận sư ngoại đạo về Phương nói: Đầu tiên sanh các phương, từ các phương sinh con người nơi thế gian. Từ con người sinh ra trời đất, trời đất lúc diệt lại nhập vào nơi kia gọi là Niết-bàn. Cho nên Luận sư về phương nói phương vị là thường, gọi là nhân Niết-bàn.

Hỏi: Thế nào là ngoại đạo nói gió là nhân Niết-bàn?

Đáp: Thứ ba, Luận sư ngoại đạo Phong Tiên nói: Gió có khả năng sanh trưởng mạng sống và vật thể, cũng có khả năng hủy hoại mạng sống và sự vật. Gió tạo ra vạn vật, gió có khả năng làm vạn vật tan rã, gọi gió là Niết-bàn. Cho nên Luận sư Phong Tiên gọi gió là thường là nhân Niết-bàn.

Hỏi: Thế nào là ngoại đạo nói Phạm thiên là nhân Niết-bàn?

Đáp: Là ngoại đạo thứ tư, Luận sư Vi đà nói từ rún của trời Na-ladiên sanh hoa sen lớn, từ hoa sen sinh ra ông tổ Phạm thiên, tao tác tất cả vật mạng và vô mạng. Từ miệng Phạm thiên sinh là Bà-la-môn. Sinh ra từ hai cánh tay Phạm thiên là Sát-đế-lợi. Sinh ra từ hai đùi vế Phạm thiên là Tỳ-xá. Sinh từ hai gót chân của Phạm thiên là Thủ-đà. Tất cả đại địa, là tu phước đức, giới trường, sanh tất cả hoa cỏ dùng để nuôi dưỡng. Ngài hóa ra núi rừng, đồng ruộng, cầm thú, trong loài người như heo, dê, lừa, ngựa v.v… Ở trong giới trường, giết hại loài vật cúng dường Phạm thiên được sanh lên cõi đó gọi là Niết-bàn. Cho nên Luận sư Vi Đà cho Phạm thiên là thường, là nhân Niết-bàn.

Hỏi: Thế nào là ngoại đạo nói không phân biệt thấy thường vô thường là Niết-bàn?

Đáp: Là ngoại đạo thứ năm, Luận sư Y-xa-na, quyến thuộc nói như vầy: Luận sư Tôn giả Y-xa-na, hình tướng không thể thấy, hiện bày khắp mọi nơi. Do không có tình hướng mà có thể sanh tất cả vạn vật hữu mạng, vô mạng gọi là Niết-bàn. Do đó, Luận sư Y-xa-na quyến thuộc nói Y-xa-na là thường, gọi là nhân Niết-bàn.

Hỏi: Thế nào là ngoại đạo phân biệt thấy các loại tướng khác gọi là Niết-bàn?

Đáp: Ngoại đạo thứ sáu là Luận sư lõa hình nói.

Hỏi: Thế nào ngoại đạo nói thấy tự tướng đồng tướng của tất cả pháp gọi là Niết-bàn?

Đáp: Ngoại đạo thứ bảy, Luận sư Tỳ-thế-sư nói như thế này: Nghĩa là địa thủy, hỏa, phong, hư không, vi trần, vật, công đức, nghiệp, thắng v.v… mười loại pháp thường hòa hợp sanh ra tất cả vật biết, không biết của thế gian. Từ hai vi trần thứ lớp sanh hết thảy pháp. Không có vật kia là không có hòa hợp này. Không hòa hợp tức là ly tán. Ly tán tức là Niết-bàn. Do đó, Luận sư Tỳ-thế-sư nói vi trần là thường, có thể sinh ra tất cả vật, là nhân Niết-bàn.

Hỏi: Thế nào là ngoại đạo nói thân hết, phước đức hết gọi là Niếtbàn?

Đáp: Là ngoại đạo thứ tám là thuyết của Luận sư Khổ hạnh.

Hỏi: Thế nào là ngoại đạo nói tự tánh nơi nhân mạng chuyển biến gọi là Niết-bàn?

Đáp: Là ngoại đạo thứ chín, Luận sư quyến thuộc nữ nhân nói:

Trời Ma-hê-thủ-la tạo ra tám người nữ:

Một là, A Đề Trí.

Hai là, Đề Trí.

Ba là, Tô La Bà.

Bốn là, Tỳ Na Đa.

Năm là, Ca-tỳ-la.

Sáu là, Ma Nậu.

Bảy là, Y La.

Tám là, Ca Đầu.

A Đề Trí sanh ra các trời. Đề Trí sinh A-tu-la. Tô La Bà sanh loài rồng, Tỳ Na Đa sanh các loài chim. Ca-tỳ-la sanh loài bốn chân. Ma Nâu sanh ra con người. Y La sanh ra tất cả giống lúa, Ca Đầu sinh ra tất cả rắn, rết, muỗi, ruồi, nhặng bọ chét, sâu có trăm chân v.v… Người nhận biết như vậy gọi là Niết-bàn. Cho nên Luận sư người nữ và quyến thuộc nói nữ nhân là thường, gọi là nhân Niết-bàn.

Hỏi: Thế nào là ngoại đạo nói tội phước hết, đức cũng hết, cho nên gọi là Niết-bàn?

Đáp: Là ngoại đạo thứ mười, Luận sư hành khổ hạnh nói.

Hỏi: Thế nào là ngoại đạo nói phiền não hết, nương tựa vào trí gọi là Niết-bàn?

Đáp: Là ngoại đạo thứ mười một Luận sư Tịnh nhãn nói như vậy.

Hỏi: Thế nào là ngoại đạo nói thấy trời Tự Tại tạo ra chúng sanh, gọi là Niết-bàn?

Đáp: Ngoại đạo thứ mười hai Luận sư Ma Đà La nói: Luận sư Nala-diên nói: Ta tạo ra tất cả vật. Ta là tối thắng trong tất cả chúng sanh. Ta sanh ra tất cả các vật hữu mạng, vô mạng nơi thế gian. Trong tất cả núi, Ta là núi chúa Đại Tu Di. Trong mọi thứ sông ngòi, ta là biển lớn, ta là sự tốt đẹp trong tất cả các loại thuốc. Trong hết thảy Tiên nhân, Ta là Ca-tỳ-la Mâu-ni. Nếu con người chí tâm dùng nước, cỏ, hoa quả cúng dường Ta thì Ta không quên người ấy, người ấy không quên Ta. Luận sư Ma Đà La nói: Luận sư Na-la-diên nói tất cả vật đều từ Ta tạo tác mà sanh, chết rồi trở lại cõi kia gọi là Niết-bàn, cho nên gọi là thường, là nhân Niết-bàn.

Hỏi: Thế nào là ngoại đạo nói chúng sanh lần lượt cùng nhân sanh gọi là Niết-bàn?

Đáp: Là ngoại đạo thứ mười ba, Luận sư Ni-kiền-tử nói như thế này: Lúc đầu sanh một nam cùng một nữ. Hai người ấy hòa hợp có thể sanh tất cả vật hữu mạng và vô mạng v.v… Thời gian sau ly tán, chết trở về chỗ kia gọi là Niết-bàn. Vì vậy Luận sư Ni-kiền-tử nói nam nữ hòa hợp sinh ra tất cả vật, gọi là nhân Niết-bàn.

Hỏi: Thế nào là ngoại đạo nói chứng đế đạo gọi là Niết-bàn?

Đáp: Ngoại đạo thứ mười bốn, Luận sư Tăng Khư nói: Tự tánh của hai mươi lăm đế là nguồn gốc sanh ra chúng sanh, là nhân Niết-bàn. Tự tánh là thường, nên từ tự tánh sinh ra đại, từ đại sinh ra ý, từ ý sinh trí, từ trí sinh ra năm phần, từ năm phần sinh ra năm tri căn, từ năm tri căn sinh ra năm nghiệp căn, từ năm nghiệp căn sinh ra năm đại. Cho nên trong luận nói tùy theo từng loại tánh thế nào mà tu hành hai mươi lăm đế. Biết như thật từ tư tánh sinh, hoàn nhập tự tánh, có thể lìa mọi sanh tử, đắc Niết-bàn. Như vậy từ tự tánh sanh ra tất cả chúng sanh, cho nên ngoại đạo Tăng Khư nói tự tánh là thường, có thể sanh ra các pháp, là nhân Niết-bàn.

Hỏi: Thế nào là ngoại đạo nói có tạo tác và được tạo tác cùng hòa hợp gọi là Niết-bàn?

Đáp: Ngoại đạo thứ mười lăm, Luận sư Ma-hê-thủ-la nói như thế này: Quả là do Na-la-diên tạo ra. Phạm thiên là nhân. Ma-hê-thủ-la là một thể có ba phần: đó là Phạm thiên, Na-la-diên, Ma-hê-thủ-la. Đất là chỗ nương dựa. Chủ của đất là trời Ma-hê-thủ-la ở trong ba cõi, tất cả vật có mạng, không mạng đều do Trời Ma-hê-thủ-la sanh ra. Thân Ma-hê-thủ-la thì hư không là đầu, đất là thân, nước là nước tiểu, núi là phẩn, tất cả chúng sanh là trùng ở trong bụng, gió là mạng, lửa là chất nóng, tội phước là nghiệp. Tám chủng loại đó là thân của Ma-hê-thủ-la. Trời Tự Tại là nhân sanh diệt. Tất cả từ trời Tự Tại mà sanh, diệt gọi là Niết-bàn. Cho nên Luận sư Ma-hê-thủ-la nói trời Tự Tại thường sanh ra tất cả vật, là nhân Niết-bàn.

Hỏi: Thế nào là ngoại đạo nói tất cả vật tự nhiên sanh gọi là Niếtbàn?

Đáp: Ngoại đạo thứ mười sáu, Luận sư vô nhân nói như thế này: không nhân, không duyên sanh tất cả vật. Nhân không nhiễm, không tịnh. Trong luận của Ta nói: Như các thứ gai châm vào người, không có người làm. Mỗi mỗi sắc vẽ như khổng tước đều không do con người làm. Tự nhiên mà có không từ nhân sanh gọi là Niết-bàn. Cho nên Luận sư vô nhân nói: Tự nhiên là thường sanh tất cả vật, là nhân Niết-bàn.

Hỏi: Thế nào là ngoại đạo nói các vật đều do Thời tạo tác gọi là Niết-bàn?

Đáp: Ngoại đạo thứ mười bảy, Luận sư về thời nói như thế. Thời làm thành thục tất cả đại. Thời tạo ra tất cả vật. Thời làm tan rã tất cả, cho nên trong luận của ta nói: Như bị một trăm mũi tên bắn, thời không đến thì không chết. Thời đến, dù ngọn cỏ chạm vào cũng liền chết. Thời sanh tất cả vật, thời thành thục tất cả vật. Thời diệt tất cả vật. Thời không thể vượt qua, cho nên Luận sư về Thời nói: Thời là thường sanh tất cả vật, là nhân Niết-bàn.

Hỏi: Thế nào là ngoại đạo nói thấy có vật gọi là Niết-bàn?

Đáp: Ngoại đạo thứ mười tám, Luận sư Phục Thủy nói như thế. Nước là nguồn gốc của vạn vật, Nước có thể sanh ra trời đất, Nước có thể sinh ra tất cả vật có mạng và vô mạng. Dưới đến ngục A-tỳ, trên đến cõi Trời A-ca-ni-trá, nước đều làm chủ. Nước có thể sanh ra vật, nước có thể hoại vật, gọi là Niết-bàn. Cho nên Luận sư ngoại đạo Phục Thủy nói nước là thường, là nhân Niết-bàn.

Hỏi: Thế nào là ngoại đạo nói không thấy vật gọi là nhân Niếtbàn?

Đáp: Ngoại đạo thứ mười chín, Luận sư Khẩu lực nói: Hư không là nhân sinh ra vạn vật. Đầu tiên sinh hư không. Từ hư không sinh ra gió, từ gió sinh ra lửa, từ lửa sinh ra hơi ấm. Từ hơi ấm sinh ra nước, nước liền đóng băng cứng tạo thành đất. Từ đất sinh ra các thứ cỏ thuốc. Từ các thứ cỏ thuốc sinh ra năm giống lúa. Từ năm giống lúa sinh ra mạng.

Như vậy trong luận của Ta nói mạng ấy là thức ăn, sau đó rồi chết. Hư không gọi là Niết-bàn. Cho nên Luận sư ngoại đạo Khẩu lực nói Hư không là thường, gọi là nhân Niết-bàn.

Hỏi: Thế nào là ngoại đạo nói thấy vật có không là nhân Niết-bàn?

Đáp: Ngoại đạo thứ hai mươi, Luận sư An Đồ bổn sanh nói: Vốn không mặt trời, mặt trăng, sao, hư không, đất, chỉ có nước lớn. Lúc đại An Đồ sinh ra như con gà toàn thân sắc vàng ròng đến lúc bể ra làm hai đoạn. Một đoạn ở trên làm trời, một đoạn ở dưới làm đất, ở giữa hai thứ kia sinh ra Phạm thiên gọi là ông Tổ của tất cả chúng sinh, tạo ra tất cả vật hữu mạng và vô mạng. Như khi các vật hữu mạng vô mạng chết, sanh nơi xứ kia gọi là Niết-bàn. Vì vậy, Luận sư ngoại đạo An Đồ nói: Đại An Đồ xuất sanh Phạm thiên là thường, gọi là nhân Niết-bàn.