LUẬN ĐẠI TRÍ ĐỘ
Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 89

GIẢI THÍCH PHẨM BẢY MƯỚI TÁM (Tiếp): BỐN NHIẾP

KINH: Thế nào là tám mươi vẻ đẹp tùy hình?

  1. Đỉnh đầu không thể thấy
  2. Mũi thẳng, cao, đẹp, lỗ mũi kín
  3. Mí mắt như trăng mới mọc, có màu xanh lưu ly
  4. Vành tai mọc thòng xuống
  5. Thân chắc thật như lực sĩ trời Na la diên
  6. Khớp xương như móc câu
  7. Mỗi lần thân xoay như voi chúa
  8. Khi đi chân cách đất bốn tấc, có dấu ấn hiện trên đất
  9. Móng tay màu đồng đỏ, mỏng và mướt
  10. Xương đầu gối cứng, tròn, đẹp
  11. Thân sạch sẽ
  12. Thân mềm mại
  13. Thân không cong
  14. Ngón tay tròn, thon
  15. Ngón tay đẹp
  16. Mạch sâu
  17. Mắt cá kín
  18. Thân mịn màng
  19. Thân vững chắc, đi không xiêng xẹo
  20. Thân đầy đặn
  21. Thức đầy đủ
  22. Dung nghi đầy đặn
  23. Chỗ ở yên ổn không thể động
  24. Uy đức chấn động hết thảy
  25. Mọi người đều ưa xem
  26. Mặt không lớn dài
  27. Dung mạo đoan chính, không pha tạp
  28. Mặt đầy đủ
  29. Môi đỏ như màu trái Tần bà
  30. Âm vang sâu lắng
  31. Rốn sâu, tròn, đẹp
  32. Lông trên thân xoay về phía hữu
  33. Tay đầy đủ
  34. Tay chân vừa ý
  35. Chỉ tay rõ ràng, ngay thẳng
  36. Chỉ tay dài
  37. Chỉ tay không dứt
  38. Chúng sinh ác tâm trong thấy hòa vui
  39. Mặt rộng, đẹp
  40. Mặt đầy đặn, trong sáng như trăng
  41. Theo ý chúng sinh vui vẻ cùng nói
  42. Lỗ chân lông tỏa mùi thơm
  43. Miệng tỏa mùi thơm
  44. Nghi dung như sư tử
  45. Đi đứng như voi chúa
  46. Cách đi như ngỗng chúa
  47. Đầu như quả Ma la đà
  48. Âm thanh rõ ràng
  49. Răng bén
  50. Sắc lưỡi màu hồng
  51. Lưỡi mỏng
  52. Lông màu hồng
  53. Lông trong sạch
  54. Mắt rộng, dài
  55. Tướng các khiếu (lỗ) đầy đủ
  56. Tay chân trắng thuần như hoa sen
  57. Rốn không bày
  58. Bụng không bày
  59. Bụng nhỏ
  60. Thân không khuynh động
  61. Thân chắc nịch
  62. Phần thân lớn
  63. Thân cao ráo
  64. Tay chân sạch, mềm mại
  65. Hào quang thân dài một trượng
  66. Thân chiếu sáng khi đi
  67. Xem chúng sinh bình đẳng
  68. Không khinh khi chúng sinh
  69. Theo âm thanh của chúng sinh không quá, không giảm
  70. Thuyết pháp không sai khác
  71. Tùy theo ngôn ngữ của chúng sinh mà thuyết pháp
  72. Phát âm trả lời thuận theo âm thanh của chúng
  73. Có nhân duyên theo thứ lớp thuyết pháp
  74. Có tướng hết thảy chúng sinh không thể xem hết được
  75. Người xem không nhàm chán
  76. Tóc dài, đẹp
  77. Tóc không rối
  78. Tóc xoáy tròn, đẹp
  79. Màu tóc như ngọc xanh
  80. Tay chân có đức tướng.

Này Tu-bồ-đề! Ấy là tám mươi vẻ đẹp tùy hình thành tựu nơi thân Phật. Như vậy, Bồ-tát do hai thí nhiếp thủ chúng sinh, đó là tài thí và pháp thí. Ấy là việc hy hữu khó bì kịp của Bồ-tát.

Làm sao Bồ-tát dùng ái ngữ nhiếp thủ chúng sinh? Bồ-tát lấy Ba- la-mật vì chúng sinh thuyết pháp, nói rằng: Các ngươi tu sáu Ba-la-mật, thu nhiếp được hết thảy thiện pháp.

Làm sao Bồ-tát lấy lợi hành nhiếp thủ chúng sinh? Đó là Bồ-tát thường dạy chúng sinh, khiến tu sáu Ba-la-mật.

Làm sao Bồ-tát lấy đồng sự nhiếp thủ chúng sinh? Đó là Bồ-tát dùng sức năm thần thông, các cách biến hóa đi vào trong năm đường cùng sự việc với chúng sinh. Đó là lấy bốn việc nhiếp thủ chúng sinh.

Lại nữa, Bồ-tát khi hành Bát-nhã Ba-la-mật, giáo hóa chúng sinh rằng: Này thiện nam tử! Nên khéo học, phân biệt các mẫu chữ và nên khéo biết một mẫu chữ cho đến bốn mươi hai mẫu chữ; khéo biết hết thảy ngôn ngữ đều từ trong mẫu chữ thứ hai cho đến mẫu chữ thứ bốn mươi hai, hết thảy ngôn ngữ đều vào trong ấy. Một mẫu chữ đều vào trong bốn mươi hai mẫu chữ, bốn mươi hai mẫu chữ cũng vào trong một mẫu chữ. Chúng sinh ấy nên khéo học bốn mươi hai mẫu chữ như vậy.

Khéo học bốn mươi hai mẫu chữ rồi, có thể khéo biết phép tắc của mẫu chữ; khéo biết phép tắc của mẫu chữ rồi khéo biết phép tắc không có mẫu chữ này. Này Tu-bồ-đề! Như Phật khéo biết phép tắc mẫu chữ, khéo biết mẫu chữ, khéo biết không có mẫu chữ, vì phép tắc không có mẫu chữ nên nói phép tắc mẫu chữ. Vì sao? Vì vượt qua hết thảy danh tự, gọi là Phật pháp.

Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Nếu chúng sinh rốt ráo không thể có được, pháp cũng rốt ráo không thể có được, pháp tính cũng rốt ráo không thể có được, vì rốt ráo không, vô thỉ không, vậy thì Bồ-tát khi hành Bát-nhã Ba-la-mật cho đến Thí Ba-la-mật, khi hành bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn định vô sắc, ba mươi bảy pháp trợ đạo, mười tám không tam-muội, Vô tướng, Vô tác, tám bội xả, định chín thứ lớp, mười lực của Phật, bốn điều không sợ, bốn trí không ngại, mười tám pháp không chung, ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp tùy hình, làm sao trú trong năm thần thông do quả báo được mà vì chúng sinh thuyết pháp? Chúng sinh thật không thể có được, vì chúng sinh không có được nên sắc không thể có được, cho đến thức cũng không thể có được; vì năm uẩn không thể có được, nên sáu Ba-la-mật cho đến tám mươi vẻ đẹp tùy hình đều không thể có được. Trong không thể có được, không có chúng sinh, không có sắc cho đến không có tám mươi vẻ đẹp tùy hình, vậy làm sao Bồ-tát hành Bát-nhã Ba-la-mật có thể vì chúng sinh thuyết pháp? Bạch đức Thế Tôn! Bồ-tát khi hành Bát-nhã Ba-la-mật, Bồ-tát còn không thể có được, huống gì có pháp Bồ-tát?

Phật bảo Tu-bồ-đề: Đúng vậy, đúng vậy! Như lời ông nói! Vì chúng sinh không thể có được, nên biết nội không, ngoại không, nội ngoại không, không không, đại không, đệ nhất nghĩa không, hữu vi không, vô vi không, tất cảnh không, vô thỉ không, tán không, các pháp không, tự tướng không, tính Không, bất khả đắc không, vô pháp không, hữu pháp không, vô pháp hữu pháp không. Vì chúng sinh không thể có được nên biết năm uẩn không, mười hai nhập không, mười tám giới không, mười hai nhân duyên không, bốn đế không, ngã không, thọ giả, mạng giả, kẻ sinh, kẻ nuôi, kẻ dưỡng, chúng số, người, người làm, người khiến làm, khởi dậy, người khiến khởi dậy, lãnh thọ, người khiến lãnh thọ, kẻ biết, kẻ thấy đều không. Vì chúng sinh không thể có được nên biết bốn thiền không, bốn tâm vô lượng không, cho đến tám phần thánh đạo không, không không, vô tướng không, vô tác không, tám bội xả không, định chín thứ lớp không. Vì chúng sinh không thể có được nên biết mười lực của Phật, bốn điều không sợ, bốn trí không ngại, mười tám pháp không chung không, nên biết quả Tu-đà-hoàn không cho đến đạo Bích-chi Phật không, Bồ-tát địa không, Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không. Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát thấy hết thảy pháp không như vậy, vì chúng sinh thuyết pháp, không mất các tướng không. Bồ-tát khi quán như vậy, biết hết thảy pháp thông suốt không ngại, biết hết thảy pháp không ngại rồi, không phá hoại các pháp tướng, không hai, không phân biệt, chỉ vì chúng sinh mà như thật nói pháp. Thí như người của Phật biến hóa, người biến hóa lại hóa làm vô lượng ngàn vạn ức người, có người dạy khiến bố thí, có người dạy trì giới, có người dạy nhẫn nhục, có người dạy tinh tấn, có người dạy thiền định, có người dạy trí tuệ, có người dạy bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn định vô sắc, ý ông nghĩ sao? Người của Phật biến hóa ấy có phá hoại pháp tính chăng?

Tu-bồ-đề thưa: Thưa không, bạch Thế Tôn! Các người biến hóa ấy không có tâm, không có tâm và tâm số pháp, làm sao phân biệt phá hoại các pháp?

Này Tu-bồ-đề! Thế nên biết, Bồ-tát hành Bát-nhã Ba-la-mật, vì chúng sinh đúng chỗ thích hợp thuyết pháp; kéo chúng sinh ra khỏi điên đảo, khiến được ở vào chỗ nên ở, vì pháp không trói không mở. Vì sao? Vì sắc không trói không mở; thọ, tưởng, hành, thức không trói không mở; sắc không trói không mở thì không phải là sắc; thọ, tưởng, hành, thức không trói không mở thì không phải là . . . thức. Vì sao? Vì sắc rốt ráo thanh tịnh; thọ, tưởng, hành, thức cho đến hết thảy pháp, hoặc hữu vi, hoặc vô vi cũng rốt ráo thanh tịnh. Như vậy, Bồ-tát vì chúng sinh thuyết pháp cũng không thủ đắc tướng chúng sinh và hết thảy pháp. Hết thảy pháp không thể có được nên Bồ-tát không trú pháp nên trú trong pháp tướng, đó là sắc không cho đến hữu vi, vô vi pháp không. Vì sao? Vì từ sắc cho đến hữu vi, vô vi pháp tự tính Không thể có được, không chỗ trú. Pháp không có sở hữu, không trú ở pháp không có sở hữu; tự tính pháp không trú trong tự tính pháp, tha tính pháp không trú trong tha tính pháp. Vì sao? Vì hết thảy pháp đều không thể có được. Pháp không thể có được thì trú vào đâu? Như vậy, Bồ-tát hành Bát-nhã Ba-la-mật, do các không ấy có thể nói pháp như vậy, hành Bát-nhã Ba-la-mật như vậy, đối với chư Phật và Thanh-văn, Bích-chi Phật không có lỗi. Vì sao? Vì chư Phật, Bồ-tát, Bích-chi Phật, A-la-hán được pháp ấy rồi, vì chúng sinh thuyết pháp cũng không chuyển đổi thật tướng các pháp. Vì sao? Vì Như, pháp tính, thật tế không thể chuyển đổi. Sao vậy? Vì tính các pháp không có.

Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Nếu pháp tính, như, thật tế không chuyển đổi, vậy thì sắc với pháp tính khác nhau chăng? Sắc với như, thật tế khác nhau chăng? Thọ, tưởng, hành, thức cho đến pháp hữu vi, vô vi, thế gian, xuất thế gian, hữu lậu, vô lậu khác nhau chăng?

Phật dạy: Không khác. Sắc không khác, pháp tính Không khác; như không khác, thật tế không khác; thọ, tưởng, hành, thức cho đến pháp hữu lậu, vô lậu cũng không khác.

Tu-bồ-đề bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn! Nếu sắc không khác, pháp tính Không khác; như không khác, thật tế không khác; thọ, tưởng, hành, thức cho đến hữu lậu, vô lậu không khác, thì làm sao phân biệt hắc nghiệp có hắc báo, là quả báo địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ; bạch nghiệp có bạch báo, là quả báo sinh cõi trời, cõi người; hắc bạch ng- hiệp có hắc bạch báo, nghiệp chẳng hắc chẳng bạch có quả báo chẳng hắc chẳng bạch, đó là quả Tu-đà-hoàn cho đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác?

Phật bảo Tu-bồ-đề: Theo thế đế nên phân biệt nói có quả báo, chẳng phải theo đệ nhất nghĩa. Trong đệ nhất nghĩa đế không thể nói nhân duyên quả báo. Vì sao? Vì đệ nhất nghĩa đế thật không có tướng, không có phân biệt, cũng không có ngôn thuyết, gọi là sắc cho đến pháp hữu lậu, vô lậu; tướng chẳng sinh, chẳng diệt, chẳng nhơ, chẳng sạch, vì rốt ráo không, vô thỉ không.

Tu-bồ-đề bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn! Nếu vì theo thế đế nên phân biệt nói có quả báo, chẳng phải theo đệ nhất nghĩa đế, thì hết thảy phàm phu lẽ đáng có quả Tu-đà-hoàn cho đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác?

Phật bảo Tu-bồ-đề: Ý ông nghĩ sao, người phàm phu có biết đó là thế đế, đó là đệ nhất nghĩa đế chăng? Nếu biết, thì người phàm phu ấy lẽ đáng là quả Tu-đà-hoàn cho đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Tu-bồ-đề! Vì người phàm phu thật không biết thế đế, không biết đệ nhất nghĩa đế, không biết đạo, không biết phân biệt đạo quả, làm sao họ có các quả được? Này Tu-bồ-đề! Thánh nhân biết thế đế, biết đệ nhất nghĩa đế, có đạo, có tu đạo, vì thế nên thánh nhân có các quả sai khác. Tu-bồ-đề bạch Phật: Tu đạo được quả chăng?

Phật dạy: Không được. Tu đạo không được quả, không tu đạo cũng không được quả, cũng không lìa đạo được quả, cũng không trú ở trong đạo được quả. Như vậy, Bồ-tát khi hành Bát-nhã Ba-la-mật, vì chúng sinh nên phân biệt quả và cũng không phân biệt đó là tính hữu vi, tính vô vi.

Bạch đức Thế Tôn! Nếu không phân biệt tính hữu vi, tính vô vi mà được các quả, thì vì sao Thế Tôn nói dứt hết ba kiết gọi là Tu-đà-hoàn; dâm nộ si mỏng gọi là Tư-đà-hàm; dứt hết năm hạ phần kiết gọi là A- na-hàm; dứt hết năm thượng phần kiết gọi là A-la-hán? Biết pháp có tập hợp đều có tướng tán diệt gọi là đạo Bích-chi Phật, dứt hết thảy phiền não và tập khí gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác? Bạch đức Thế Tôn! Con làm sao biết là không phân biệt tính hữu vi, tính vô vi mà được các đạo quả?

Phật bảo Tu-bồ-đề: Ông cho quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm cho đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, các quả ấy là hữu vi, là vô vi chăng?

Tu-bồ-đề thưa: Đều là vô vi.

Này Tu-bồ-đề! Trong pháp vô vi có phân biệt chăng?

Thưa không, bạch Thế Tôn!

Này Tu-bồ-đề! Nếu người thiện nam, kẻ thiện nữ thông suốt hết thảy pháp hoặc hữu vi, hoặc vô vi đều là một tướng, tức là vô tướng, khi ấy còn có phân biệt hoặc hữu vi, hoặc vô vi chăng?

Thưa không, bạch Thế Tôn!

Này Tu-bồ-đề! Đúng vậy! Bồ-tát vì chúng sinh thuyết pháp, không phân biệt các pháp, vì nội không cho đến vô pháp hữu pháp không. Bồ- tát ấy tự mình được pháp không có chấp trước, cũng dạy người khiến được pháp không có chấp trước, hoặc Thí Ba-la-mật cho đến Bát-nhã Ba-la-mật, hoặc Sơ thiền cho đến đệ Tứ thiền, hoặc từ, bi, hỉ, xả cho đến Phi-hữu-tưởng Phi-vô-tưởng xứ, hoặc Bốn niệm xứ cho đến trí Nhất thiết chủng. Bồ-tát ấy tự mình không chấp trước, cũng dạy người không chấp trước, vì không chấp trước nên không chướng ngại gì. Thí như người của Phật biến hóa làm việc bố thí, cũng không lãnh thọ quả báo bố thí, chỉ vì chúng sinh cho đến tu trí Nhất thiết chủng cũng không lãnh thọ quả báo của trí Nhất thiết chủng. Bồ-tát cũng như vậy, hành sáu Ba-la-mật cho đến hết thảy pháp mà không trú pháp hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi, cũng không thọ báo, mà chỉ vì độ chúng sinh. Vì sao? Vì Bồ-tát ấy khéo thông đạt thật tướng các pháp.

LUẬN: Hỏi: Tám mươi vẻ đẹp tùy hình là pháp trang nghiêm thân, cớ sao ở trong thai “thức biết đầy đủ” lại là một ở trong các vẻ đẹp tùy hình?

Đáp: Thức ấy là thức do quả báo sinh, đối với thế gian tốt hay xấu tự nhiên biết được. Còn thức của người phàm phu không đầy đủ, nên phải học theo cách người khác mới biết được. Phật ở trong thai một năm đầy đủ, sung mãn mới sinh, nên thân và thức đều đầy đủ. Những người khác hoặc tám tháng, hoặc chín tháng ở trong thai, nói chung là mười tháng. Bồ-tát ở trong thai mười tháng nói chung là được một năm thì thân căn đầy đủ; thức do quả báo sinh cũng đầy đủ.

Hỏi: Chỗ chân đứng yên với chỗ ở yên có sai khác thế nào?

Đáp: Chỗ ở yên là, như kẻ dũng sĩ tại gia cầm thật chặc gậy gộc, ở yên một chỗ, không thể lay động. Lại khi xuất gia, ma dân, ác quỷ không thể làm chuyển động khiến lùi bỏ.

Nghĩa của bốn mươi hai mẫu chữ như trong Đại thừa có nói. Một mẫu chữ vào hết trong các mẫu chữ; thí như hai số một hợp lại làm hai, ba số một hợp lại làm ba; bốn số một hợp lại làm bốn; như vậy cho đến ngàn, vạn. Lại như chữ A là định; A biến thành La, cũng biến thành Ba; như vậy đều vào trong bốn mươi hai mẫu chữ, bốn mươi hai mẫu chữ vào trong một mẫu chữ là, bốn mươi hai mẫu chữ đều có phần chữ A, phần chữ A lại vào trong chữ A. Khéo biết chữ nên khéo biết tên các pháp; khéo biết tên các pháp nên khéo biết nghĩa các pháp. Không có mẫu chữ tức là nghĩa thật tướng của các pháp. Vì sao? Vì trong nghĩa của các pháp, các pháp không có danh tự.

Tu-bồ-đề hỏi: Nếu các pháp rốt ráo không, không có danh tự, làm sao Bồ-tát trú trong sáu thần thông do quả báo sinh mà vì chúng sinh thuyết pháp? Nếu rốt ráo không có chúng sinh thì không có pháp? Phật chấp thuận lời Tu-bồ-đề nói: Đúng vậy, đúng vậy! Vì mười tám không, nên hết thảy pháp không thể có được. Ngã và chúng sinh, cho đến kẻ biết kẻ thấy, cho đến nên biết Phật, Bồ-tát cũng đều không. Biết như vậy rồi mà vì chúng sinh thuyết về pháp không ấy. Nếu chúng sinh là thật có mà vì họ thuyết không thì không thể được; vì chúng sinh không, nhưng do điên đảo thành có. Thế nên Bồ-tát không bỏ mất không mà vì chúng sinh thuyết pháp. Không bỏ mất tức là không làm cho các pháp đều không, còn pháp được nói chẳng không. Nếu cho pháp được nói chẳng không thì làm mất tướng không. Nếu miệng nói không mà tâm là có, cũng là bỏ mất không. Trong đây Phật tự nói: Tướng pháp không hai, không hư hoại. Muốn rõ ràng việc ấy nên Phật nêu thí dụ: Như người do Phật biến hóa, biến làm nhiều người, vì chúng sinh thuyết pháp, hoặc thuyết về công đức trì giới, bố thí. Phương tiện thuyết pháp như vậy không có lỗi, mà có thể kéo chúng sinh ra khỏi điên đảo, vì pháp không trói không mở. Trong Đệ nhất nghĩa đế không trói không mở, trong thế đế có trói có mở. Trong đây Phật tự nói nhân duyên: Sắc không trói không mở. Vì sao? Vì trong không trói không mở ấy không có sắc tướng, cho đến thức cũng như vậy. Bồ-tát dùng pháp chẳng trú như vậy nên trú trong không pháp, vì chúng sinh thuyết pháp. Chúng sinh không thể có được, vì chúng sinh và hết thảy pháp không thể có được. Trong đây Phật tự nói nhân duyên: Pháp không có sở hữu, không trú trong pháp không có sở hữu, thí như hư không, không trú nơi hư không; tự tính pháp, không trú nơi tự tính pháp; thí như lửa không trú nơi lửa, pháp tha tính Không trú nơi pháp tha tính; thí như trong tính nước không có tính lửa; lại vì tha tính bất định. Nếu thanh tịnh thuyết pháp được như vậy thì Bồ-tát ấy đối với chư Phật, Thánh Hiền không có lỗi. Vì sao? Vì chư Phật, Thánh Hiền không nhiễm trước pháp, người thí pháp cũng không nhiễm trước pháp; chư Phật, thánh hiền vì rốt ráo không, lấy tướng tịch diệt làm sở hành của tâm, người thuyết pháp cũng như vậy. Chư Phật, Thánh Hiền vào ba môn giải thoát, được thật tính các pháp, đó là Vô dư Niết-bàn, người thuyết pháp theo pháp ấy nên không có lỗi. Trong đây Phật tự nói nhân duyên: Chư Phật, Hiền Thánh được pháp ấy rồi, vì chúng sinh thuyết pháp, không làm chuyển đổi pháp tính, vì pháp tính Không, vô tướng.

Tu-bồ-đề bạch Phật: Nếu không chuyển đổi pháp tính, thì sắc cùng với pháp tính khác nhau chăng?

Phật dạy: Không. Vì sao? Vì thật tướng của sắc tức là pháp tính. Ý Phật muốn nói, khi Bồ-tát thuyết pháp cũng không phá hoại pháp tính.

Tu-bồ-đề hỏi: Sắc v.v… cùng với pháp tính Không khác, cớ gì chỉ quý pháp tính? Vì Phật đáp sắc không khác pháp tính nên Tu-bồ-đề nạn hỏi: Nếu không khác thì làm sao phân biệt có thiện, ác, trắng, đen, quả Tu-đà-hoàn v.v..?

Phật dạy: Sắc v.v… tuy không lìa pháp tính, song vì theo thế đế nên có phân biệt, còn ở trong đệ nhất nghĩa đế không có phân biệt. Vì sao? Vì thánh nhân được đệ nhất nghĩa đế, không có phân biệt gì, nghe nói có sở đắc không mừng, nghe không có sở đắc không lo, vì chứng được pháp vô tướng, nên cho đến mảy may pháp còn không thủ tướng, huống gì phân biệt có thiện, ác. Người chưa chứng đắc thật tướng, vì muốn đệ nhất nghĩa đế nên có chỗ phân biệt. Trong đây tự nói nhân duyên: Pháp ấy không có ngôn thuyết, cũng không sinh diệt, nhơ sạch; nghĩa là rốt ráo không, vô thỉ không.

Hỏi: Cớ gì trong đây chỉ nói hai Không gọi là pháp?

Đáp: Hết thảy có, hoặc pháp, hoặc chúng sinh, nếu nói rốt ráo không thì là phá pháp; nếu nói vô thỉ không thì phá chúng sinh. Phá hai pháp ấy rồi thì phá hết tất cả pháp. Trong đây Bồ-tát vì chúng sinh thuyết pháp cho nên dùng hai Không để phá pháp và phá chúng sinh; tuy còn có các Không khác nhưng không sâu sắc, rốt ráo bằng rốt ráo không. Các không khác như lửa đốt cây, còn lại than tro; rốt ráo không thì không có tro, không có than. Có người nói: Hoặc nói đủ mười tám Không, không có lỗi, vì lược nói nên nói hai Không.

Tu-bồ-đề thưa: Nếu theo thế đế nên phân biệt có thiện ác, trắng đen và các quả báo, còn theo đệ nhất nghĩa đế thì người phàm phu lẽ đáng có thánh quả Tu-đà-hoàn v.v… Vì sao? Vì nếu trong thế đế hư vọng phân biệt có các Hiền Thánh, còn trong đệ nhất nghĩa đế lý đáng phàm phu làm Hiền Thánh. Tu-bồ-đề phân biệt thật tướng nói phàm phu khác, còn Phật nói đệ nhất nghĩa nhất tướng, nên Tu-bồ-đề nói lý đáng phàm phu là bậc thánh.

Phật đáp: Nếu phàm phu phân biệt, biết đó là đệ nhất nghĩa đế, đó là thế đế, thì lẽ đáng phàm phu có các quả Thánh. Vì phàm phu thật không biết đạo, không biết phân biệt đạo, không biết hành đạo, tu đạo, huống gì được đạo quả! Phật nói bậc Thánh có thể phân biệt nên nói bậc Thánh có Thánh quả.

Bấy giờ Tu-bồ-đề tự biết có lỗi, nên nói: Trong tính vô lượng, vô tướng, vô động, làm sao thủ tướng, muốn lường pháp vô lượng; làm sao cưỡng cho phàm phu là Thánh quả? Nên lãnh thọ lời Phật. Biết người hành đạo mới đắc quả, người không hành đạo không đắc quả; thế nên hỏi Phật: Tu đạo đắc quả chăng? Phật đáp không.

Lại hỏi: Trên kia Phật phân biệt nói tu đạo đắc quả, sao nay nói không? Phật đáp: Trên kia nói chẳng phải tâm chấp trước, nay vì Tu-bồ- đề đem tâm chấp trước mà hỏi, muốn từ đạo phát xuất quả, như từ mè ép ra dầu; nếu như vậy đạo với quả đồng hư dối. Thế nên Phật đều đáp là không. Người nghe sinh tâm nghĩ rằng: Nếu tu không được, vậy thì không tu lý đáng được?

Phật dạy: Tu còn không được, huống hồ không tu! Thí như hai người muốn đi đến, một người đứng yên không đi, một người lạc đường, cả hai đều không thể đến. Nếu không tu đạo còn không có được chút ít cái vui nhiếp tâm, huống gì đạo quả! Nếu tâm thủ tướng mà tu đạo, tuy có cái vui nhiếp tâm thiền định mà không có đạo quả. Nếu tâm không thủ tướng tu đạo thì có đạo quả. Thế nên Phật nói: Bồ-tát hành Bát-nhã Ba- la-mật không phân biệt tính hữu vi, vô vi, nên có đạo quả sai khác.

Tu-bồ-đề hỏi: Nếu như vậy, cớ gì Phật nói dứt ba kiết sử được Tu- đà-hoàn, có các phân biệt như vậy?

Phật hỏi ngược lại rằng: Ý ông nghĩ sao, ông cho quả Tu-đà-hoàn là hữu vi, là vô vi chăng?

Tu-bồ-đề đáp: Là vô vi.

Phật dạy: Nếu như vậy, trong vô vi có sai khác chăng?

Tu-bồ-đề thưa: Thưa không, bạch Thế Tôn!

Phật dạy: Nếu không có phân biệt, cớ gì ông nạn hỏi? Phật lại hỏi Tu-bồ-đề: Nếu người thiện nam, kẻ thiện nữ thông suốt hết thảy pháp là một tướng, tức là vô tướng, ở trong ba môn giải thoát, khi chứng Niết- bàn, thì khi ấy có pháp để phân biệt hoặc hữu vi, hoặc vô vi chăng? Tu-bồ-đề thưa: Không!

Ý Phật là, chỉ tâm khi ấy là chân thật, khi khác đều hư dối, cớ sao ông vấn nạn? Bồ-tát hành Bát-nhã Ba-la-mật không phân biệt hết thảy pháp, ở trong các pháp không, nội không v.v… rất thanh tịnh, tự mình không chấp trước, cũng dạy chúng sinh không chấp trước; nghĩa là dạy bố thí cho đến trí Nhất thiết chủng, trong đạo Bồ-tát đều dạy người kh- iến không chấp trước. Thí như người của Phật biến hóa làm việc bố thí, cũng không phân biệt bố thí, không lãnh thọ quả báo bố thí, chỉ vì độ chúng sinh. Tâm Bồ-tát cũng như vậy. Vì sao? Vì khéo thông suốt các pháp tính. Khéo thông suốt là không thủ tướng pháp tính, cũng không trú trong pháp tính, ở trong pháp tính Không nghi, không hối mà thuyết pháp, không ngăn, không trở, không ngại, thế là thông suốt pháp tính.

 

GIẢI THÍCH PHẨM BẢY MƯƠI CHÍN: KHÉO THÔNG SUỐT

KINH: Tu-bồ-đề bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn! Làm sao Bồ-tát khéo thông suốt các pháp tướng?

Phật bảo Tu-bồ-đề: Thí như người biến hóa không làm dâm, nộ, si; không làm sắc cho đến không làm pháp trong, pháp ngoài, không làm các kiết sử phiền não, không làm pháp hữu lậu, vô lậu, không làm pháp thế gian, xuất thế gian, không làm pháp hữu vi, vô vi, cũng không có thánh quả. Bồ-tát cũng như vậy, không có các việc ấy cũng không phân biệt pháp ấy, ấy gọi là khéo thông suốt các pháp tướng.

Tu-bồ-đề thưa: Bạch đức Thế Tôn! Người biến hóa làm sao tu đạo?

Phật dạy: Hóa nhân tu đạo không nhơ không sạch, cũng không ở trong năm đường sinh tử. Này Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao, người của Phật biến hóa thật sự có căn bản, có nhơ có sạch chăng?

Tu-bồ-đề thưa: Thưa không. Người của Phật biến hóa không có căn bản thật sự, cũng không có nhơ có sạch, cũng không ở trong năm đường sinh tử.

Phật dạy: Đúng vậy, Tu-bồ-đề! Bồ-tát khéo thông suốt các pháp tính cũng như vậy.

Tu-bồ-đề thưa: Bạch đức Thế Tôn! Hết thảy sắc như hóa chăng, hết thảy thọ, tưởng, hành, thức như hóa chăng?

Phật dạy: Hết thảy sắc như hóa, hết thảy thọ, tưởng, hành, thức như hóa.

Bạch đức Thế Tôn! Nếu hết thảy sắc như hóa, hết thảy thọ, tưởng, hành, thức như hóa, hết thảy pháp như hóa, thì người biến hóa không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức, không có nhơ sạch, không có năm đường sinh tử, cũng không có chỗ giải thoát, vậy Bồ-tát có công dụng gì?

Phật bảo Tu-bồ-đề: Ý ông nghĩ sao, Bồ-tát khi xưa tu Bồ-tát đạo thấy có chúng sinh từ trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, người, trời được giải thoát chăng?

Tu-bồ-đề thưa: Không, bạch Thế Tôn!

Phật dạy: Đúng vậy, đúng vậy! Bồ-tát không thấy chúng sinh từ ba cõi được giải thoát. Vì sao? Vì Bồ-tát thấy, biết hết thảy pháp như huyễn, như hóa.

Bạch đức Thế Tôn! Nếu Bồ-tát ấy biết hết thảy pháp như huyễn như hóa, vậy thì vì việc gì nên Bồ-tát hành sáu Ba-la-mật, bốn thiền cho đến đại từ đại bi, nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu chúng sinh?

Phật bảo Tu-bồ-đề: Nếu chúng sinh tự biết các pháp như huyễn như hóa thì Bồ-tát không bao giờ trải qua vô số kiếp vì chúng sinh mà hành Bồ-tát đạo. Song vì chúng sinh tự mình không biết các pháp như huyễn như hóa, thế nên Bồ-tát trải qua vô lượng vô số kiếp hành sáu Ba-la- mật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh, nghiêm tịnh cõi Phật và được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Tu-bồ-đề bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn! Nếu hết thảy pháp như mộng, như tiếng vang, như ảnh, như sóng nắng, như huyễn, như hóa, thì chúng sinh ở chỗ nào mà Bồ-tát hành sáu Ba-la-mật để kéo chúng sinh ra?

Phật dạy: Chúng sinh chỉ ở trong ức tưởng phân biệt danh tướng hư vọng, thế nên Bồ-tát hành Bát-nhã Ba-la-mật, từ trong danh tướng hư vọng kéo chúng sinh ra.

Tu-bồ-đề bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn! Sao gọi là danh, sao gọi là tướng?

Phật dạy: Vì danh ấy chỉ là miễn cưỡng thi thiết, giả dối gọi đây là sắc thọ, tưởng, hành, thức; đây là trai, gái, lớn, nhỏ, địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, người, trời, hữu vi, vô vi, quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-la-hán, đạo Bích-chi Phật, đây là Phật. Này Tu-bồ- đề! Hết thảy pháp hòa hợp đều là giả đặt tên, do tên mà thủ lấy tướng pháp nên gọi là tên. Hết thảy pháp hữu vi chỉ có danh và tướng. Phàm phu ngu si đối với danh tướng sinh tâm chấp trước, Bồ-tát hành Bát-nhã Ba-la-mật do sức phương tiện nên dạy chúng sinh khiến xa lìa danh tự, nói rằng: Các chúng sinh, tên ấy chỉ có tên suông, chỉ hiện ra trong ức tưởng phân biệt hư vọng, các ngươi chớ đắm trước ức tưởng hư vọng, việc ấy gốc ngọn đều không có, vì tự tính Không, nên người trí không chấp trước. Như vậy, Bồ-tát tu Bát-nhã Ba-la-mật, do sức phương tiện mà vì chúng sinh thuyết pháp, ấy gọi là danh.

Thế nào là tướng? Này Tu-bồ-đề! Có hai tướng, là chỗ chấp trước của kẻ phàm phu. Hai tướng ấy là tướng sắc và tướng vô sắc.

Thế nào gọi là tướng sắc? Đó là các sắc hoặc thô, hoặc tế, hoặc tốt, hoặc xấu, đều là không, đối với pháp không ấy tâm ức tưởng phân biệt chấp trước, ấy gọi là tướng sắc.

Thế nào là tướng vô sắc? Là đối các pháp vô sắc, ức tưởng phân biệt, vì tâm thủ tướng chấp trước nên sinh ra phiền não, ấy gọi là tướng vô sắc. Bồ-tát hành Bát-nhã Ba-la-mật do sức phương tiện nên dạy chúng sinh xa lìa tướng ấy, đưa vào pháp vô tướng, khiến không rơi vào hai pháp là tướng và vô tướng. Như vậy, Bồ-tát hành Bát-nhã Ba-la-mật dạy chúng sinh xa lìa tướng, khiến an trú trong tính vô tướng.

Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Nếu hết thảy pháp chỉ có danh và tướng, làm sao Bồ-tát hành Bát-nhã Ba-la-mật có thể tự mình lợi ích, cũng dạy người khiến được lợi ích? Làm sao Bồ-tát đầy đủ các địa vị, từ một địa đến một địa và giáo hóa chúng sinh khiến được ba thừa?

Phật bảo Tu-bồ-đề: Nếu pháp căn bản chắc chắn có, chẳng phải chỉ danh tướng, thì Bồ-tát khi tu Bát-nhã không thể tự mình làm ích lợi, cũng không thể làm ích lợi người khác. Nhưng vì các pháp không có căn bản thật sự mà chỉ có danh tướng, thế nên Bồ-tát khi hành Bát-nhã có thể đầy đủ Thiền Ba-la-mật, vì vô tướng, cho đến Thí Ba-la-mật, vì vô tướng. Đầy đủ bốn Thiền Ba-la-mật vì vô tướng, cho đến bốn định vô sắc, vì vô tướng. Đầy đủ bốn niệm xứ Ba-la-mật cho đến tám phần thánh đạo Ba-la-mật, vì vô tướng. Đầy đủ nội không Ba-la-mật cho đến vô pháp hữu pháp không Ba-la-mật, vì vô tướng. Đầy đủ tám bội xả cho đến mười tám pháp không chung Ba-la-mật, vì vô tướng. Bồ-tát ấy vì vô tướng nên tự đầy đủ các thiện pháp, cũng dạy người khác khiến đầy đủ thiện pháp, vì vô tướng.

Phật bảo Tu-bồ-đề: Nếu các pháp tướng mảy may thật có thì Bồ-tát khi hành Bát-nhã Ba-la-mật không thể biết các pháp vô tướng, không có ức niệm để được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác và giáo hóa chúng sinh khiến được pháp vô lậu. Vì sao? Vì hết thảy pháp vô lậu, vô tướng không có ức niệm. Như vậy, Bồ-tát hành Bát-nhã Ba-la-mật do pháp vô lậu làm lợi ích chúng sinh.

Tu-bồ-đề bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn! Nếu hết thảy pháp vô tướng không có ức niệm, làm sao kể đó là pháp Thanh văn, là pháp Bích-chi Phật, là pháp Bồ-tát, là pháp Phật?

Phật bảo Tu-bồ-đề: Ý ông nghĩ sao? Pháp vô tướng với pháp Thanh văn khác nhau chăng?

Thưa không, bạch Thế Tôn!

Pháp vô tướng với pháp Bích-chi Phật, pháp Bồ-tát, Phật pháp khác nhau chăng?

Thưa không, bạch Thế Tôn!

Phật bảo Tu-bồ-đề: Pháp Vô tướng tức là quả Tu-đà-hoàn cho đến tức là pháp Bồ-tát, Phật pháp.

Tu-bồ-đề thưa: Đúng vậy, bạch Thế Tôn!

Này Tu-bồ-đề! Do nhân duyên ấy nên biết hết thảy pháp đều là vô tướng. Bồ-tát học hết thảy pháp vô tướng ấy được tăng ích thiện pháp, là sáu Ba-la-mật, bốn thiền cho đến mười tám pháp không chung. Vì sao? Vì Bồ-tát không cho pháp khác là cốt yếu như ba môn giải thoát. Vì sao? Vì hết thảy thiện pháp đều vào trong ba môn giải thoát. Vì sao? Vì hết thảy pháp tự tướng là không, là môn giải thoát; hết thảy pháp vô tướng, là môn Vô tướng giải thoát; hết thảy pháp không có tướng khởi tác là môn Vô tác giải thoát. Nếu Bồ-tát học ba môn giải thoát, khi ấy có thể học tướng năm uẩn, tướng mười hai nhập, tướng mười tám giới, bốn thánh đế, mười hai nhân duyên; có thể học nội không, ngoại không cho đến vô pháp hữu pháp không; có thể học sáu Ba-la-mật, bốn niệm xứ cho đến tám phần thánh đạo; có thể học mười lực của Phật cho đến mười tám pháp không chung.

Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Làm sao Bồ-tát hành Bát-nhã mà có thể học tướng năm thọ uẩn?

Phật bảo Tu-bồ-đề: Bồ-tát hành Bát-nhã biết tướng sắc, biết sự sanh diệt của sắc, biết như của sắc. Làm sao biết tướng sắc? Là biết sắc rốt ráo không, bên trong từng phần khác nhau, hư dối không thật. Thí như bọt nước không kiên cố, ấy là biết tướng sắc.

Thế nào là biết sự sinh diệt của sắc? Khi sắc sinh không từ đâu đến, khi diệt không đi đến đâu. Nếu không đến không đi, ấy là biết tướng sinh diệt của sắc.

Thế nào là biết như của sắc? Biết như của sắc không sinh, không diệt, không đến, không đi, không thêm, không bớt, không nhơ, không sạch; ấy là biết như của sắc. Này Tu-bồ-đề! Như, là như thật không hư dối; như trước, sau, ở giữa cũng vậy, thường không đổi khác, ấy là biết như của sắc.

Thế nào là biết tướng của thọ? Thế nào là biết sự sinh diệt của thọ? Thế nào là biết như của thọ? Bồ-tát biết các thọ như bong bóng nước, khởi lên liền diệt, ấy là biết tướng thọ. Biết thọ sinh diệt là thọ ấy không từ đâu đến, đi không đi đến đâu; ấy là biết sự sinh diệt của thọ. Biết như của thọ là như ấy không sinh, không diệt, không đến, không đi, không thêm, không bớt, không nhơ, không sạch; ấy là biết như của thọ.

Thế nào là biết tướng của tưởng? Thế nào là biết sự sinh diệt của tưởng? Thế nào là biết như của tưởng? Biết tướng của tưởng là tưởng ấy như sóng nước, tướng sóng nước ấy không thể có được, mà vọng sinh tướng nước, ấy là biết tưởng. Biết sự sinh diệt của tưởng là, tưởng ấy không từ đâu đến, không đi đến đâu; ấy là biết sự sinh diệt của tưởng. Biết như của tưởng là các như của tưởng không sinh, không diệt, không đến, không đi, không thêm, không bớt, không nhơ, không sạch, không chuyển đổi đối với thật tướng.

Thế nào là biết tướng của hành? Thế nào là biết sự sinh diệt của hành? Thế nào là biết như của hành? Biết tướng của hành là, hành như cây chuối, trừ bỏ mỗi bẹ không tìm thấy lõi cứng, ấy là biết tướng hành. Biết hành sinh diệt là các hành sinh không từ đâu đến, không đi về đâu, ấy là biết hành sinh diệt. Biết hành như là các hành không sinh, không diệt, không đến, không đi, không thêm, không bớt, không nhơ, không sạch; ấy là biết hành như.

Thế nào là biết tướng của thức? Thế nào là biết sự sinh diệt của thức? Thế nào là biết như của thức? Biết tướng thức là, như huyễn sư huyễn làm ra bốn thứ binh, không có thật; thức cũng như vậy. Biết sự sinh diệt của thức là, khi thức sinh ra không từ đâu đến, khi thức diệt không đi về đâu; ấy là biết sự sinh diệt của thức. Biết như của thức là biết thức không sinh, không diệt, không đến, không đi, không thêm, không bớt, không nhơ, không sạch; ấy là biết như của thức.

Thế nào là biết các nhập? Biết mắt, tính mắt không, cho đến ý, tính ý không; sắc, tính sắc không, cho đến pháp, tính pháp không.

Thế nào là biết mười tám giới? Là biết mắt, giới hạn mắt không; sắc, giới hạn sắc không; nhãn thức, giới hạn nhãn thức không, cho đến giới hạn ý thức cũng như vậy.

Thế nào là biết bốn thánh đế? Khi biết Khổ thánh đế, xa lìa hai pháp, biết Khổ đế không hai không khác, ấy gọi là Khổ thánh đế; Tập, Diệt, Đạo thánh đế cũng như vậy.

Thế nào là biết như của khổ? Khổ thánh đế tức là như, như tức là Khổ thánh đế, Tập, Diệt, Đạo thánh đế cũng như vậy.

Thế nào là biết mười hai nhân duyên? Biết tướng mười hai nhân duyên chẳng sinh, ấy gọi là biết mười hai nhân duyên.

Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Nếu Bồ-tát khi hành Bát-nhã Ba-la-mật, mỗi mỗi phân biệt biết các pháp, như vậy há không lấy tính sắc phá hoại tính pháp, cho đến lấy tính trí Nhất thiết chủng phá hoại tính pháp ư?

Phật bảo Tu-bồ-đề: Nếu ngoài pháp tính còn có pháp thì có thể hoại pháp tính, nhưng ngoài pháp tính Không có pháp gì có thể có được, thế nên không phá hoại. Vì sao? Vì Phật và đệ tử Phật biết ngoài pháp tính Không có pháp có thể có được, nên không nói ngoài pháp tính có pháp. Như vậy Bồ-tát hành Bát-nhã Ba-la-mật nên học pháp tính.

Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Bồ-tát nếu học pháp tính là không có học gì chăng?

Phật bảo Tu-bồ-đề: Bồ-tát học pháp tính thì học hết thảy pháp. Vì sao? Vì hết thảy pháp tức là pháp tính!

Bạch đức Thế Tôn! Do nhân duyên gì nên hết thảy pháp tức là pháp tính?

Phật dạy: Hết thảy pháp đều vào trong tính vô tướng, vô vi. Vì nhân duyên ấy nên học pháp tính thì học hết thảy pháp.

Bạch đức Thế Tôn! Nếu hết thảy pháp tức là pháp tính, cớ gì Bồ- tát còn học Bát-nhã Ba-la-mật cho đến Thí Ba-la-mật? Cớ gì Bồ-tát còn học Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền; còn học từ bi hỉ xả; còn học Không-vô-biên xứ, cho đến Phi-hữu-tưởng Phi-vô-tưởng xứ; còn học bốn niệm xứ, cho đến tám phần thánh đạo; còn học môn Không, Vô tướng, Vô tác giải thoát; còn học tám bội xả, định chín thứ lớp, mười lực của Phật, cho đến mười tám pháp không chung; còn học sáu thần thông; còn học ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp tùy hình; còn học sinh vào dòng lớn Sát-lợi, dòng lớn Bà-la-môn, đại gia cư sĩ; còn học sinh vào cõi trời Tứ thiên vương, trời Ba mươi ba cho đến trời Tha hóa tự tại; còn học sinh vào cõi trời Phạm thiên vương, cõi trời Quang âm, trời Biến tịnh, trời Quảng quả, trời Vô tưởng, trời Tịnh cư; còn học sinh Vô biên xứ cho đến sinh Phi-hữu-tưởng Phi-vô-tưởng xứ; còn học địa sơ phát tâm, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ, đệ ngũ, đệ lục, đệ thất, đệ bát, đệ cữu, đệ thập địa, còn học Thanh văn, Bích-chi Phật, Bồ-tát pháp vị; còn học thành tựu tuệ giác cho chúng sinh, nghiêm tịnh cõi Phật, còn học các môn Đà-la-ni; còn học vì vui thuyết pháp; còn học Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; học rồi được trí Nhất thiết chủng biết hết thảy pháp? Bạch đức Thế Tôn! Trong pháp tính của các pháp không có các phân biệt ấy? Bạch đức Thế Tôn! Há không có Bồ-tát đọa trong phi đạo? Vì sao? Vì trong pháp tính Không có phân biệt như vậy! Trong pháp tính, không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức; pháp tính cũng không xa lìa sắc, thọ, tưởng, hành, thức: Sắc tức là pháp tính, pháp tính tức là sắc; thọ, tưởng, hành, thức, cũng như vậy; hết thảy pháp cũng như vậy?

Phật bảo Tu-bồ-đề: Đúng vậy, đúng vậy! Như lời ông nói! Sắc tức là pháp tính; thọ, tưởng, hành, thức tức là pháp tính. Bồ-tát khi tu Bát-nhã, nếu ngoài pháp tính thấy có pháp, thế là không cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Bồ-tát khi hành Bát-nhã, biết hết thảy pháp tính tức là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vì thế nên Bồ-tát khi hành Bát-nhã biết hết thảy pháp tức là pháp tính rồi, đem pháp không có danh tướng, dùng danh tướng để nói, đó là sắc, thọ, tưởng, hành, thức, cho đến đó là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; thí như huyễn sư hoặc đệ tử huyễn sư, đứng ở chỗ nhiều người huyễn làm ra các hình sắc trai gái, voi ngựa, vườn rừng trang nghiêm và các quán xá, suối chảy, ao tắm, y phục, đồ nằm, hương hoa, anh lạc, uống ăn; làm các kỹ nhạc để làm vui cho mọi người. Lại huyễn làm ra người dạy khiến bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, tu trí tuệ. Lại huyễn làm ra dòng lớn Sát-lợi, dòng lớn Bà-la-môn, đại gia cư sĩ, cõi trời Tứ thiên vương, núi Tu-di, cõi trời Ba mươi ba, trời Dạ-ma, trời Đâu-suất-đà, trời Hóa lạc, trời Tha hóa tự tại để chỉ cho người xem. Lại huyễn làm trời Phạm chúng cho đến trời Phi- hữu-tưởng Phi-vô-tưởng. Lại huyễn làm ra Tu-đà-hoàn cho đến Bích-chi Phật, huyễn làm ra Bồ-tát, từ khi mới phát tâm tu bố thí, cho đến Bát- nhã Ba-la-mật, hành sơ địa cho đến hành đệ thập địa, vào địa vị Bồ-tát, thần thông dạo chơi, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh, nghiêm tịnh cõi Phật; dạo qua các thiền, giải thoát, tam-muội; tu mười lực của Phật, bốn điều không sợ, bốn trí không ngại, mười tám pháp không chung, đại từ đại bi; đầy đủ thân Phật ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp tùy hình để chỉ cho mọi người thấy. Đối với các hình sắc ấy, người vô trí xem khen chưa từng có, cho người ấy đa năng, khéo làm ra đủ mọi việc để làm vui cho mọi người. Nhưng người có trí xem thấy, suy nghĩ rằng chưa từng có việc đó, việc đó không có thật mà đem các vật không có sở hữu để làm vui cho mọi người, hiện ra có hình tướng, không có sự mà hiện ra sự tướng, không có mà hiện ra tướng có. Như vậy, Bồ-tát không thấy lìa ngoài pháp tính có pháp hành Bát-nhã, dùng sức phương tiện, nên tuy chúng sinh không thể có được mà tự mình bố thí, cũng dạy người bố thí, tán thán pháp bố thí, hoan hỉ tán thán người hành bố thí; tự mình trì giới cũng dạy người trì giới; tự mình nhẫn nhục, cũng dạy người nhẫn nhục; tự mình tinh tấn, cũng dạy người tinh tấn; tự mình hành thiền, cũng dạy người hành thiền; tự mình tu trí tuệ, cũng dạy người tu trí tuệ, tán thán pháp trí tuệ, hoan hỉ tán thán người tu trí tuệ; tự mình tu mười thiện, cũng dạy người tu mười thiện, tán thán pháp tu mười thiện, hoan hỉ tán thán người tu mười thiện; tự mình tu năm giới, cũng dạy người tu năm giới, tán thán pháp năm giới, hoan hỉ tán thán người thọ trì năm giới; tự mình thọ tám trai giới cũng dạy người thọ tám trai giới, tán thán pháp thọ tám trai giới, hoan hỉ tán thán người thọ tám trai giới; tự mình tu Sơ thiền cho đến đệ Tứ thiền, tự mình tu từ, bi, hỉ, xả, tự mình tu Không vô biên xứ cho đến Phi-hữu-tưởng Phi-vô-tưởng xứ, cũng dạy người khác tu; tự mình tu bốn niệm xứ cho đến tám phần thánh đạo, ba môn giải thoát, mười lực của Phật cho đến mười tám pháp không chung, cũng dạy người tu mười tám pháp không chung, tán thán mười tám pháp không chung, hoan hỉ tán thán người tu mười tám pháp không chung. Này Tu-Bồ-đề! Nếu pháp tính trước, sau, giữa có sai khác, thì Bồ-tát ấy không thể dùng sức phương tiện chỉ bày pháp tính, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh. Vì pháp tính trước, sau, giữa không khác biệt nên Bồ-tát hành Bát-nhã Ba- la-mật, vì lợi ích chúng sinh mà hành đạo Bồ-tát.

LUẬN: Hỏi: Trong mỗi phẩm Phật đã dạy thông suốt các pháp tướng, sao nay Tu-bồ-đề còn hỏi lại?

Đáp: Vì Bát-nhã không có tướng nhất định, không có ngôn thuyết, tuy hỏi mãi vẫn chưa đủ, thế nên còn hỏi. Thí như trâu nghé tuy lớn mà vẫn bú sữa ngon của mẹ hiền không ngưng; Phật đại từ bi giống như mẹ hiền, Bát-nhã như sữa ngon, Tu-bồ-đề như trâu nghé, tuy thường nghe các pháp tướng mà vẫn chưa nhàm đủ.

Lại nữa, chỉ có Nhất thiết trí của Phật mới có thể thông suốt thật tướng các pháp, những người khác tuy thông mà không thể rốt ráo, thế nên hỏi: Các Bồ-tát chưa làm Phật, làm sao có thể thông suốt?

Phật lấy ví dụ đáp: Thí như người huyễn hóa không có ba độc và các phiền não kiết sử, không có tâm tâm số pháp, không nhiếp thuộc vào pháp trong, pháp ngoài, hữu lậu, vô lậu; không rơi vào pháp phàm phu, cũng không ở vào thánh quả thì không được nói đó là Tu-đà-hoàn v.v… Nhưng người biến hóa ấy làm phát sinh tâm thiện ác của người khác, những việc biến hóa đều làm thành tựu. Người biến hóa ấy thật không nhơ không sạch, không nhiếp vào sáu đường, thân Bồ-tát cũng như vậy, không có các phiền não, ba độc, biết tâm tâm số pháp ấy đều là do nhân duyên hư vọng điên đảo sinh ra, nên không tin, không đi theo. Hành được như vậy, ấy là khéo thông suốt thật tướng các pháp.

Khi ấy Tu-bồ-đề tuy khéo biết về Không, vì quý kính, tôn trọng Phật pháp, không thể hạn lượng được pháp Phật, nên hỏi Phật: Hết thảy sắc pháp đều không, như biến hóa chăng?

Phật đáp: Hết thảy sắc pháp đều như biến hóa. Ông vì quý trọng Phật nên không dám nói là không, Ta vì Nhất thiết trí nên có thể nói các pháp là không. Như những người khác quý sức sư tử, còn chính tự sư tử không quý sức mình.

Bấy giờ Tu-bồ-đề thưa: Nếu hết thảy pháp rốt ráo không, đều như huyễn hóa, cớ gì Phật mỗi mỗi tán thán công đức Bồ-tát? Nhân nơi Bồ- tát mà dứt ba đường ác, có thể kéo chúng sinh ra khỏi để khiến được Niết-bàn?

Phật hỏi ngược lại Tu-bồ-đề: Ý ông nghĩ sao, Bồ-tát khi xưa tu Bồ-tát đạo, thấy chắc chắn có chúng sinh từ trong năm đường kéo ra chăng?

Tu-bồ-đề thưa: Không.

Phật hứa khả ý ấy rằng: Đúng vậy, đúng vậy! Vì sao? Vì khi Bồ- tát được Vô sinh pháp nhẫn thì biết, thấy hết thảy pháp như huyễn như hóa.

Tu-bồ-đề thưa: Nếu như vậy, Bồ-tát vì việc gì nên tu sáu Ba-la- mật?

Phật dạy: Nếu Bồ-tát tự biết các pháp là không, như huyễn như mộng, thì Bồ-tát không dụng công phu.

Lại, nếu các pháp chắc chắn là tướng không thì Bồ-tát cũng không dụng công phu. Nhưng nay các pháp chẳng phải thật, chẳng phải không, vượt qua đường ngôn ngữ, tướng rốt ráo tịch diệt. Vì chúng sinh không biết việc ấy nên sinh tâm chấp tôi, ta, khởi lên nghiệp tội ác chịu vô lượng khổ. Thế nên Bồ-tát biết thật tướng các pháp, sinh tâm đại bi. Như người trưởng giả có con mù mắt, sợ uống nhằm thuốc độc, người trưởng giả biết nó chắc chắn chết, dùng mọi phương tiện ngăn khiến đừng uống. Bồ-tát cũng như vậy, thấy chúng sinh vì vô minh điên đảo tối mù uống nhằm ba độc nên Bồ-tát sinh tâm đại bi, trải qua vô lượng vô số kiếp tu sáu Ba-la-mật, nghiêm tịnh cõi Phật, giáo hóa chúng sinh. Tu-bồ-đề nghe xong lại bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Nếu hết thảy pháp là không, không có căn bản, như mộng như huyễn, vậy chúng sinh ở chỗ nào mà Bồ-tát kéo ra? Ý Tu-bồ-đề muốn hỏi: Như người chìm trong bùn sâu mà được kéo ra.

Phật đáp: Chúng sinh chỉ ở trong ức tưởng phân biệt theo danh tướng hư vọng. Ý Phật muốn nói, trong hết thảy pháp không có thật tướng quyết định, chỉ vì chúng sinh phân biệt hư dối nên chấp trước; như người ở trong chỗ tối, thấy vật giống người cho là người thật, sinh tâm sợ hãi. Lại như chó dữ trông xuống giếng tự sủa bóng mình, trong nước không có chó, chỉ có tướng nó mà sinh tâm dữ, bị sa xuống giếng mà chết. Chúng sinh cũng như vậy bốn đại hòa hợp gọi là thân, nhân duyên sinh ra thức; thức tâm hòa hợp linh động thành ngôn ngữ, phàm phu nơi đó khởi lên tướng người rồi sinh ưa, sinh ghét, khởi lên tội nghiệp, bị đọa vào ba đường ác. Bồ-tát khi hành Bát-nhã Ba-la-mật, thương xót chúng sinh, dùng mỗi mỗi nhân duyên giáo hóa, khiến biết pháp là không mà kéo ra khỏi. Nói rằng: Pháp ấy rốt ráo không, không có sở hữu, vì chúng sinh điên đảo hư vọng nên thấy in tuồng như có, như hóa, như huyễn, như thành Càn-thát-bà, không có sự thật chỉ dối gạt mắt người.

Lại, hết thảy pháp chỉ do danh tự hòa hợp bèn có các tên gọi khác như: Đầu, chân, bụng, lưng hòa hợp nên giả gọi là thân; như tóc, mắt, tai mũi, miệng, da, xương hòa hợp nên giả gọi là đầu. Các lông hòa hợp nên giả gọi là tóc; từng phần hòa hợp nên giả gọi là lông; các vi trần hòa hợp nên giả gọi là phần lông; các phần hòa hợp nên giả gọi là vi trần.

Hỏi: Vi trần là vật nhỏ nhất không thể phân chia cho nên không có hòa hợp; đó là pháp cố định. Thế nên không được nói hết thảy đều không, không có định pháp?

Đáp: Nếu vi trần là sắc thì phải có phần lượng. Vì sao? Vì hết thảy sắc đều ở trong hư không, đều có mười phương hướng? Nếu vi trần là sắc thì có mười phần; nếu có mười phần thì sao gọi là rất nhỏ? Nếu như ông nói vi trần không có phần lượng, thì nó không phải sắc. Vì sao? Vì nó ra ngoài tướng sắc!

Lại, sắc là thứ năm căn biết được; nếu vi trần không phải do năm căn biết được, thì làm sao biết đó là sắc? Thế nên vi trần chỉ có tên suông, sắc thô của mắt thấy còn có thể phá làm cho không, huống gì vi trần không thể thấy, không thể chạm!

Hỏi: Vì vi trần rất nhỏ nên năm căn không thể thấy được; Thánh nhân được thiên nhãn thì thấy?

Đáp: Thiên nhãn tuy thấy nhỏ mà nó cũng là sắc tướng nên có thì phải có phần lượng; nếu không có phần lượng thì chẳng phải sắc? Chẳng phải sắc thì thiên nhãn không thấy! Vì thế nên thiên nhãn cũng thấy một cách hư vọng; thế nên thánh nhân dùng tuệ nhãn quán thế gian thì đắc đạo. Vi trần như trước nói, chỉ có danh, không có thật; vì vi trần không có, nên các pháp giả danh hòa hợp, lại có tên giả, không có thật tướng nhất định. Nhưng chúng sinh vọng sinh tham trước, vì tham dục, sân giận nên khởi lên ác nghiệp, trải qua vô lượng vô số kiếp chịu khổ trong ba đường ác. Nếu các pháp thật có định tướng cũng còn không nên khởi tham dục, sân giận, huống gì các pháp hư dối không thật. Nếu bỏ được danh tướng hư dối, không tham trước pháp Không, thì thọ Niết-bàn thường vui.

Hỏi: Danh và tướng có gì sai khác?

Đáp: Danh là danh từ chỉ các vật, như danh từ chỉ vật nóng gọi là lửa. Tướng là như thấy khói biết là tướng lửa; nóng là thể của lửa.

Lại như năm uẩn hòa hợp có trai, gái, đó là danh; có thân hình, dung mạo có thể phân biệt trai, gái, đó là tướng; vì thấy tướng ấy nên gọi tên ấy là trai, là gái.

Hỏi: Nếu như vậy, danh và tướng không khác nhau. Vì sao? Vì thấy tướng nên biết danh; biết danh nên biết tướng?

Đáp: Ông không hiểu lời tôi nói ư? Trước thấy tướng trai, gái, vậy sau mới gọi là trai, gái. Tướng là gốc, danh là ngọn.

Lại như người mắt thấy sắc, riêng lấy tướng đẹp sinh ra tham đắm; đối với người khác thì không vậy, vì người kia sinh tâm nhiễm đắm; ấy gọi là tướng.

Lại nữa, trong đây Phật tự phân biệt danh tướng: Danh là giả danh, do danh thủ lấy pháp, như trong Kinh này nói rộng.

Tu-bồ-đề hỏi: Nếu hết thảy pháp chỉ có danh và tướng thì làm sao Bồ-tát lợi mình lợi người?

Phật dạy: Nếu các pháp chắc chắn có căn bản thì Bồ-tát khi hành Bát-nhã Ba-la-mật không thể lợi mình lợi người. Vì sao? Vì nếu các pháp thật có tính nhất định tức là không sinh. Vì sao? Vì tính nó trước đã chắc chắn có rồi. Nếu pháp từ nhân duyên hòa hợp sinh tức là không có tính nhất định! Nếu tính chắc chắn có thì không cần nhân duyên hòa hợp; nếu như vậy thì không sinh; không sinh nên không diệt; không diệt nên không có tội phước! Vì biết các pháp vô thường nên mới bỏ tội, tu phước; nếu thường thì không trói, không mở, không có thế gian, không có Niết-bàn. Thế nên Phật bảo Tu-bồ-đề: Nếu pháp chắc chắn có, chẳng phải chỉ danh tướng, thì Bồ-tát không hành Bát-nhã lợi mình lợi người, không hành thiền định lợi mình, lợi người, vì vô tướng. Bồ-tát tự mình đầy đủ thiện pháp, cũng lấy thiện pháp làm lợi ích chúng sinh, bởi vì vô tướng. Này Tu-bồ-đề! Nếu các pháp thật có như mảy lông, thì Bồ-tát khi ngồi đạo tràng không thể quán hết thảy pháp không, vô tướng, không có sở hữu thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng không thể đem pháp ấy làm lợi ích chúng sinh. Vì sao? Vì khi Bồ-tát ngồi đạo tràng, quán hết thảy pháp đệ nhất chân thật; nếu còn tí sai lầm thì không thể được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng không thể vì chúng sinh nói pháp ấy là không, không có tự tướng. Vì sao? Vì nếu pháp chắc chắn có, cớ sao Phật lại dối chúng sinh nói rằng, hết thảy pháp vô lậu không có tướng, không có nhớ nghĩ?

Hỏi: Trong bốn đế, ba đế đều có tướng là khổ đế thì có tướng khổ, tập đế thì có tướng tập, đạo đế thì có tướng đạo, chỉ diệt đế là không có tướng, song cũng có nhớ nghĩ, đó là Niết-bàn vô tướng? Vậy cớ sao Phật nói hết thảy pháp vô lậu, không có tướng?

Đáp: Pháp Đại thừa và pháp Thanh văn khác nhau. Trong pháp Đại thừa nói hết thảy pháp vô lậu không có tướng, không có nhớ nghĩ. Lại nữa, có tướng, có nhớ nghĩ đều là hư dối không thật; nếu hư dối không thật, tức là phiền não, lậu hoặc, làm sao là vô lậu được?

Lại nữa, ba đế ấy đều theo diệt đế, thấy khổ liền bỏ, thấy tập liền dứt, không nói thật chắc chắn có; thấy đạo vì đi đến diệt nên cũng không trú trong đạo; diệt tận là trú, pháp diệt tận ấy không có tướng, không có duyên, làm sao có nhớ nghĩ? Nhớ nghĩ đều là duyên theo tướng mà chấp trước pháp; thế nên pháp vô lậu đều không có tướng, không có nhớ nghĩ.

Ý Tu-bồ-đề, nếu pháp vô lậu là đệ nhất chân thật, không có tướng, không có nhớ nghĩ, thì hết thảy pháp tính cũng nên không có tướng, không có nhớ nghĩ? Chỉ vì phàm phu nhớ nghĩ nên không có tướng, không có nhớ nghĩ; thế nên hỏi Phật: Nếu hết thảy pháp không có tướng, không có nhớ nghĩ, làm sao kể đó là pháp Thanh văn, đó là pháp Bích- chi Phật, đó là pháp Bồ-tát, đó là pháp Phật?

Phật hỏi ngược lại Tu-bồ-đề: Pháp ba thừa với pháp vô tướng khác nhau chăng?

Tu-bồ-đề thưa: Các phiền não diệt tức là đoạn; đoạn tức là pháp vô

vi và biết đạo diệt đế tức là vô lậu vô tướng; thế nên nói pháp ba thừa không khác với pháp vô tướng.

Phật lại hỏi: Tu-đà-hoàn cho đến Phật tức là pháp vô tướng ư?

Đáp: Thưa, phải. Vì nhân duyên ấy nên biết hết thảy pháp đều là vô tướng.

Phật bảo: Nếu vô tướng, làm sao ông nạn hỏi có các đạo quả? Chính vì vô tướng nên có đạo ba thừa. Nếu Bồ-tát học được pháp vô tướng như vậy thì có thể tăng ích các thiện pháp, đó là sáu Ba-la-mật cho đến mười tám pháp không chung. Trong đây Phật tự nói các nhân duyên: Bồ-tát chỉ trú trong ba môn giải thoát, không cho các pháp làm chủ yếu, vì ba môn giải thoát là pháp thật, còn các pháp bốn niệm xứ v.v… tuy thật mà đều là phương tiện nói. Ba môn giải thoát gần với Niết-bàn, cũng có thể thu nhiếp hết thảy thiện pháp thật. Thế nên Phật bảo các Bồ-tát nên học.

Hỏi: Nếu Bồ-tát học ba môn giải thoát ấy tức là học năm uẩn, mười hai nhập, mười tám giới. Ba môn giải thoát đều không, không có tướng, không có phân biệt; còn năm uẩn ấy đều có tướng, có phân biệt, làm sao Bồ-tát học ba môn giải thoát nên học đủ các pháp khác?

Đáp: Bồ-tát học ba môn giải thoát ấy thì ra khỏi ba cõi, dứt hết ba lậu, nên đối với các pháp được trí tuệ chân thật, không có điều gì không thông suốt. Đối với năm uẩn từ trước lại đây đều hành theo hư vọng, tà vạy, nay được ba môn giải thoát này nên thông suốt đúng đắn. Trong đây Phật tự nói nhân duyên: Khi Bồ-tát hành ba môn giải thoát vô tướng ấy, biết sắc sinh, biết sắc diệt, biết sắc như, cho đến biết thức cũng như vậy, như trong Kinh đây nói rộng.

Tu-bồ-đề hỏi: Như lời Phật dạy, Bồ-tát biết các tướng sắc: Biết sự sinh của sắc, biết sự diệt của sắc, biết như của sắc v.v… Nếu phân biệt như vậy, há đem tính vô sắc phá hoại pháp tính ư?

Phật dạy: Nếu có pháp ra ngoài pháp tính thì sắc tính có thể hoại pháp tính. Nhưng hết thảy thật tướng các pháp gọi là sắc tính; thế nên hết thảy tính đều vào trong pháp tính, thật tướng của sắc tính tức là pháp tính, đồng một tính, làm sao sắc tính có thể phá hoại pháp tính? Phật lại nói nhân duyên: Chư Phật, Hiền Thánh không thấy ra ngoài pháp tính còn có pháp, vì không thể được nên không nói. Chư Phật, Hiền Thánh rất đáng tin, nên Bồ-tát nên học pháp tính như vậy.

Tu-bồ-đề hỏi: Nếu Bồ-tát học pháp tính là không có học gì. Vì sao?

Vì pháp tính Không có tính?

Phật đáp: Pháp tính Không có tính, nếu Bồ-tát học pháp tính là học

hết thảy pháp. Nếu pháp tính riêng có tính, nếu không có tính là tính, thì chỉ nên học pháp tính, không học hết thảy pháp! Nhưng nay pháp tính thật không có, tính riêng cũng không có tính, vì không có tính nên học khắp hết thảy pháp. Thật tướng các pháp là pháp tính, thế nên học được thật tướng tức là học khắp hết thảy pháp một cách đúng đắn.

Tu-bồ-đề thưa: Nếu hết thảy pháp tức là pháp tính, Bồ-tát cớ gì học sáu Ba-la-mật cho đến các môn Đà-la-ni. Vì sao? Vì thật tướng các pháp tức là tính; nếu hết thảy pháp tức là pháp tính, thì Bồ-tát còn cầu học cái gì? Lại nữa, trong pháp tính Không có phân biệt đây là sáu Ba-la-mật cho đến đây là môn Đà-la-ni. Nay Bồ-tát phân biệt tu các pháp ấy há không phải rơi vào trong điên đảo ư?

Phật hứa khả lời Tu-bồ-đề và đáp: Nếu Bồ-tát thấy ngoài pháp tính ấy có pháp, thì không thể cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì sao? Vì ngoài pháp tính riêng có pháp, thế là điên đảo chấp thường, vô minh không thể chuyển đổi làm thật được, làm sao dứt hết vô minh đối với các pháp để được thành Phật? Bồ-tát biết hết thảy tức là rốt ráo không, tướng thường tịch diệt, không có hý luận, không có danh tự, vì thương xót chúng sinh mà dùng sức phương tiện nên nói danh, nói tướng: Đó là sắc, là thọ, tưởng, hành, thức cho đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Như trong kinh nêu ví dụ như huyễn: Huyễn sư tức là Bồ-tát, pháp huyễn tức là sáu Ba-la-mật v.v…; tuy hành các pháp ấy mà không có tâm nhiễm trước, cũng như huyễn sư tuy huyễn làm ra các vật mà biết nó không thật nên không nhiễm trước. Người trí là chỉ Phật và đại Bồ-tát, người vô trí là chỉ phàm phu, hàng mới phát tâm, nên rất hoan hỉ khen là việc chưa từng có. Bồ-tát hành Bồ-tát đạo, tuy ra ngoài pháp tính, không còn thấy có pháp, cũng không thấy có chúng sinh nhất định, mà vẫn làm lợi ích lớn cho mình và cho chúng sinh. Như trong kinh nói: Bồ-tát ấy tự hành bố thí, cũng dạy người khác hành, tán thán pháp bố thí, hoan hỉ tán thán người hành bố thí, cho đến tự mình hành mười tám pháp không chung, cũng như vậy. Trong đây Phật tự nói nhân duyên: Nếu pháp tính trước không mà sau có thì Bồ-tát không thể được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng không thể dùng phương tiện thuyết pháp. Vì sao? Vì nếu pháp tính trước không mà sau có là từ nhân duyên sinh, thì cùng với pháp phàm phu không khác. Nếu pháp tính trước có mà sau không, thì chúng sinh và các pháp đều rơi vào đoạn diệt. Vì pháp tính trước không, giữa, sau cũng không, chứ không phải do sức trí tuệ mà làm cho không. Chúng sinh và các pháp không phải khi vào Vô dư Niết-bàn mới không, mà từ xưa lại đây thường không; Bồ-tát dạy chúng sinh: Cớ gì không quán thật tính ấy mà lại nhiễm trước điên đảo? Nếu quán các pháp tính rốt ráo không, thì biết từ trước lại đây thường không, nay quán không cũng không có lỗi. Bồ-tát hành Bát-nhã Ba-la-mật như vậy thì có thể lợi lạc chúng sinh.