LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ

Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG

 

TẬP III
QUYỂN 43

Phẩm thứ chín(tiếp theo)
Tập Tán(Họp Tan)
 (tiếp theo)

KINH:

Bạch Thế Tôn! Muốn thật hành Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát phải tư duy rằng:

– Pháp gì gọi là Bát Nhã Ba LaMật?

– Vì sao gọi là Bát Nhã Ba La Mật?

– Ai vào được Đát Nhã Ba La Mật?

Bồ Tát thật hành Bát Nhã Đa La Mật, phải niệm rằng các pháp đều là vô sở hữu, đều là bất khả đắc.

Như vậy mới gọi là thật hành Bát Nhã Ba La Mật.

Lúc bấy giờ, ngài Xá Lợi Phât hỏi ngài Tu Bồ Đề: Pháp gì là vô sở hữu, là bấtkhả đắc?

Ngài Tu Bồ Đề đáp: Bát Nhã Ba La Mật là pháp vô sở hữu, bất khả đắc. Thiền Na Ba La Mật, Tỳ Lê Gia Ba La Mật, Sẵn Đề Ba La Mật, Thi La Ba La Mật, Đàn Ba La Mật đều là những pháp vô sở hữu, bất khả đắc. Vì sao? Vì là nội không, ngoại không, nội ngoại không, không không, đại không, đệ nhất nghĩa không, hữu vi không, vô vi không, tất cánh không, vô thỉ không, tán không, tánh không, tự tướng không, chư pháp không, bất khả đắc không, vô pháp không, hữu pháp không, vô pháp hữu pháp không.

Thưa ngài Xá Lợi Phất! Sắc là pháp vô sở hữu, bất khả đắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng đều là pháp vô sở hữu, bất khả đắc.

Nội không,…, dẫn đến vô pháp hữu pháp không, bốn niệm xứ…. dẫn đến mười tám bất cộng pháp, các thần thông… dẫn đến pháp như, pháp tánh, pháp tướng, pháp vị, thật tế cũng đều là vô sở hữu, bất khả đắc.

Thưa ngài Xá Lợi Phất! Phật cũng là vô sở hữu, bất khả đắc; Tát Bà Nhã, Nhất thiết Chủng Trí cũng đều là vô sở hữu, bất khả đắc.

Vì sao? Vì đều là nội không dẫn đến đều là vô pháp hữu pháp không.

Thưa ngài Xá Lợi Phất! Nếu có Bồ Tát nào tư duy như vậy, quán như vậy, mà tâm chẳng bị trầmmột,chẳng hối tiếc, chẳng kinh, chẳng hãi, chẳng sợ, thì phải biết Bồ Tát đó trọn chẳng ly Bát Nhã Ba La Mật vậy.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi: Do nhân duyên gì mà Bồ Tát trọn chẳng ly Bát Nhã Ba La Mật?

Ngài Tu Bồ Đề đáp: sắc ly sắc tánh, dẫn đến thức ly thức tánh, sáu Ba La Mật ly sáu Ba La Mật tánh,…,dẫn đến thật tế ly thật tế tánh.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi: Thế nào gọi là sắc tánh,…,dẫn đến thế nào là thật tế tánh?

Ngại Tu Bồ Đề đáp: Vô sở hữu là tánh của sắc,…, dẫn đến vô sở hữu là tánh của thật tế.

Bởi vậy nên nói sắc ly sắc tánh, dẫn đến thật tế ly thật tế tánh.

Thưa ngài Xá Lợi Phất! sắc cũng ly sắc tướng,…, dẫn đến thật tế cũng ly thật tế tướng.

Lại nữa, tướng cũng ly tướng, tánh cũng ly tánh.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi: Bồ Tát học như vậy mà thành tựu được tâm Tát Bà Nhã chăng?

Ngài Tu Bồ Đề đáp: Đúng vậy, đúng vậy! Nếu Bồ Tát học như vậy là thành tựu được tâm Tát Bà Nhã. Vì sao? Vì các pháp đều là chẳng sanh, chẳng thành tựu vậy.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi: Do nhân duyên gì mà nói các pháp chẳng sanh, chẳng thành tựu?

Ngài Tu Bồ Đề đáp: Vị sắc là không, nên sắc sanh và sắc thành tựu…., dẫn đến thật tế sanh và thật tế thành tựu đều bất khả đắc.

Thưa ngài Xá Lợi Phất! Bồ Tát học như vậy dần dần sẽ được gần nhất thiết chủng trí, được tâm thanh tịnh, được tướng thanh tịnh. Do được thân, tâm, và tướng thanh tịnh nên Bồ Tát chẳng còn sanh các nhiễm tâm tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, vĩnh viễn chẳng còn thọ nghiệp báo sanh thân, mà thường được hóa sanh Bồ Tát, đitừ cõi Phật này đến cõi Phật khác để thành tựu chúng sanh, tịnh Phật quốc độ, trọn chẳng ly các đức Phật, mãi cho đến khi được Vô Thượng Bồ Đề.

Bồ Tát phải học và phải hành Bát Nhã Ba La Mật như vậy.

LUẬN:

Hỏi: Trước đây đã rộng nói về Bát Nhã Ba La Mật rồi. Nay vì sao ngài Tu Bồ Đề lại nói Bồ Tát phải tư duy khi hành Bát Nhã Ba La Mật?

Đáp: Trước đây ngài Tu Bồ Đề chỉ khiêm tốn nói về “Bất trú môn”, nay ngài nói rộng thêm về Bát Nhã Ba La Mật.

Bát Nhã Ba La Mật là thật tướng của hết thảy pháp, chẳng thể phá, chẳng thể hoại được.

Dù có Phật, hay không có Phật thì pháp tướng, pháp tánh, pháp vị, thật tế vẫn thường trú. Hàng Nhị Thừa cũng chẳng có thể thấu rõ được, huống nữa là chúng sanh. Vì sao? Vì nếu còn chấp thường, còn chấp đoạn là còn chấp một bên. Phải ly cả hai bên mới là Trung Đạo, mới là Bát Nhã Ba La Mật. Nếu chấp thường, chấp vô thường, chấp khổ, chấp lạc…thì cũng còn chấp một bên.

Lại nữa, nếu chấp có pháp sắc đối đãi với pháp vô sắc, chấp có pháp hữu lậu đối đãi với pháp vô lậu, chấp có pháp hữu vi đối đãi với pháp vô vi, chấp có pháp thấy được đối đãi với pháp không thấy được, chấp có pháp thế gian đối đãi với pháp xuất thế gian v.v… là còn chấp có hai bên đối đãi.

Phải ly cả hai bên, mới là Trung Đạo, mới là Bát Nhã Ba La Mật.

Nếu còn chấp có sáu căn ở một bên, sáu thức ở một bên là còn chấp một bên. Phải ly cả hai bên mới là Trung Đạo, mới là Bát Nhã Ba La Mật, nếu còn chấp có Bát Nhã Ba La Mật ở một-bên, phi Bát Nhã Ba La Mật ở một bên là còn chấp một bên. Phải ly cả hai bên mới là Trung Đạo, mới là Bát Nhã Ba La Mật.

Được như vậy mới là bình đẳng cả hai môn. Bồ Tát ở nơi tánh bình đẳng đó mà rộng nói Bát Nhã Ba La Mật.

Lại nữa, ly hữu, ly phi hữu, ly vô, ly phi vô, mà chẳng đọa ngu si, thường tu thiện đạo, mới là thật hành Bát Nhã Ba La Mật.

Bồ Tát tu học như vậy nên vào được ba giải pháp môn, xa lìa hai bên, nhập vào Trung Đạo. Đây chỉ mới là Bát Nhã Ba La Mật tướng.

NgàiTu Bồ Đề lại nói: Các pháp đều là vô sở hữu, là bất khả đắc. Bồ Tát phải quán hết thảy pháp đều là không, là vô sở hữu, là bất khả đắc, quán các pháp dù là thường, là vô thường…. đều chẳng có định tướng nên đều là bất khả đắc cả.

Ngài Tu Bồ Đề lại nói: Bát Nhã Ba La Mật cùng năm Ba La Mật kia cũng đều là vô sở hữu, là bất khả đắc cả.

Ví như gió mạnh phá mây mù, lửa lớn tiêu hủy các cây cỏ, bão tố phá các rừng cây v.v… cũng như vậy, mười tám pháp “không” phá sạch hết các chấp về pháp tướng.

Hỏi: Bát Nhã Ba La Mật là gì?

Đáp: Trong hết thảy trí huệ thì Bát Nhã Ba La Mật là trí huệ đệ nhất, vô đẳng đẳng, chẳng có gì sánh kịp. Như trong hết thảy chúng sanh thì Phật là đệ nhất, trong hết thảy các pháp thì Niết Bàn là đệ nhất, trong hết thảy các chúng, thì chúng Tỷ Kheo là đệ nhất.

Hỏi: Trước đây nói thật tướng các pháp là Bát Nhã Ba La Mật. Dù có Phật, hay không có Phật, thật tướng pháp vẫn thường trú. Nay vì sao lại nói trong hết thảy trí huệ thì Bát Nhã Ba La Mật là trí huệ đệ nhất?

Đáp: Thế gian thường chấp có nhân, có quả.

Ví như nói bức tranh đẹp ấy do một họa sĩ nổi danh vẽ, thì bức tranh là quả, công trình của nhà họa sĩ sáng tác ra bức tranh là nhân. Ví như nói do quán thật tướng, pháp mà được trí huệ Bát Nhã, thì thật tướng pháp là nhân, trí huệ Bàt Nhã là quả.

–oOo–

Bồ Tát khi đã vào trong pháp môn “bất nhị” rồi, đã đầy đủ Bát Nhã Ba La Mật rồi, thì chẳng còn phân biệt nhân quả nữa.

Vì sao? Vì Bồ Tát biết rõ các pháp tướng đều chỉ là một tướng (nhất tướng) đều chẳng có tướng (vô tướng).

Về trí huệ, trong kinh phân biệt có ba là:

  1. Thế gian trí.
  2. Ly sanh trí.
  3. Xuất thế gian trí.

Chư Phật và chư đại Bồ Tát có trí huệ Bát Nhã, rốt ráo thù thắng, rốt ráo thanh tịnh, lại có tâm đại bi, thường làm lợi ích cho hết thảy chúng sanh.

Hàng Nhị Thừa đã lậu tận, cũng có trí huệ thanh tịnh, nhưng chưa có đầy đủ đại bi, nên chưa làm đầy đủ các việc lợi ích cho chúng sanh.

Lại nữa, cũng nên biết:

– Nếu dùng trí huệ độ hết thảy chúng sanh thì đó là thật hành Phật đạo.

– Nếu dùng trí huệ tương ưng với thọ, tưởng, hành, thức, khởi ra các nghiệp ở thân, khẩu, ý mà vẫn biết rõ tâm sanh, trú, diệt,vẫn chẳng chấp thủ các pháp tướng thì đó là Bát Nhã Ba La Mật.

Nhờ có niệm thanh tịnh mà định được tâm, thì gọi là được Thiền Ba La Mật v.v…

Hỏi: Ai vào được Bát Nhã Ba La Mật?

Đáp: Theo đệ nhất nghĩa, thì người nào chẳng còn bị các tri kiến trói buộc là người biết rõ hết thảy pháp đều là không. Do vậy mà chẳng còn sanh tâm tương tục nữa.

Nên biết trong Phật pháp có nói đến hai đế. Đó là:

  1. Thế tục đế.
  2. Đệ nhất nghĩa đế.

Khi thật hành Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát phương tiện dùng thế tục đế, nhằm độ chúng sanh ra khỏi tội lỗi. Vì sao? Vì đệ nhất nghĩa đế quá cao siêu, phàm phu khó có thể hiểu được nên chẳng ưa thích. Ví như con giòi thường sống ở những nơi bất tịnh, chẳng ưa thích những chốn sạch sẽ tinh khiết vậy.

Phàm phu khi tu được ly dục vẫn còn chấp ngã, còn chấp pháp ly dục, nên chẳng có ưa thích Bát Nhã Ba La Mật. Hàng Thanh Văn Nhị Thừa, tuy có ưa thích Bát Nhã Ba La Mật nhưng tâm từ bi chưa được đầy đủ nên sanh nhàm chán thế gian, ưa thích trú trong Niết Bàn. Do vậy mà chưa được đầy đủ Bát Nhã Ba La Mật.

–oOo–

Khi Bồ Tát đã thành Phật, thì trí huệ Bát Nhã mới được gọi là Nhất Thiết Chủng Trí. Vì vậy, trí huệ Bát Nhã của Phật là vô thượng. Bồ Tát cùng Thanh Văn chẳng sao sánh kịp.

Hỏi: Trong kinh thường thuyết về năm ấm, rồi sau mới thuyết đến Nhất Thiết Chủng Trí. Nay vì sao lại nói về sáu pháp Ba La Mật trước?

Đáp: Trước đây ngài Xá Lợi Phất hỏi ngài Tu Bồ Đề về nghĩa vô sở hữu. Vì nghĩa ấy khó có thể giải ngay được, nên ngài Tu Bồ Đề phải nói về nhân duyên năm ấm, nhằm giải nghĩa vô sở hữu.

Nay ở trong chúng hội, ngài Tu Bồ Đề dùng nghĩa Bát Nhã Ba La Mật để giải nghĩa vô sở hữu. Giải như vậy được rốt ráo hơn. Vì sao? Vì Bát Nhã là vô sở hữu. Dùng Bát Nhã để giải nghĩa vô sở hữu cũng giống như nhìn ảnh của mặt trăng in trên mặt nước, để biết rõ mặt trăng ở trên trời vậy.

Bồ Tát nào trú nơi Bát Nhã Ba La Mật, quán thật tướng của các pháp, mà chẳng kinh, chẳng hãi, chẳng sợ, thì phải biết Bồ Tát đó đã thường hành Bát Nhã Ba La Mật, thường chẳng ly Bát Nhã Ba La Mật vậy.

Nơi đây ngài Tu Bồ Đề nói về các nhân duyên chẳng ly Bát Nhã Ba La Mật. Đó là: sắc ly sắc tánh…, dẫn đến thật tế ly thật tế tánh, sắc ly sắc tướng…, dẫn đến thật tế ly thật tế tướng, tướng cũng ly tướng, tánh cũng ly tánh. Bồ Tát tu hành như vậy sẽ được vô ngại đạo, dẫn đến thành tựu được tâm Tát Bà Nhã. Nơi đây là chỗ mà các pháp chẳng sanh, chẳng thành tựu.

–oOo–

Ngài Xá Lợi Phất hỏi ngài Tu Bồ Đề: Do nhân duyên gì mà các pháp chẳng sánh, chẳng thành tựu?

Ngài Tu Bồ Đề đáp: sắc và sắc tướng đều không, nên sắc chẳng sanh, chẳng thành tựu,…, dẫn đến thật tế cũng chẳng sanh, chẳng thành tựu. Vì sanh và thành tựu đều là bất khả đắc cả.

Nếu Bồ Tát được đệ nhất thanh tịnh như vậy thì chẳngai sánh kịp, dần dần sẽ được gần Nhất Thiết Chủng Trí. Vì gần được Nhất Thiết Chủng Trí nên tâm chẳng còn cònbị trầm một, chẳng còn sanh các tà kiến, các kiết sử phiền não..

Lúc bấy giờ, Bồ Tát được thân tâm thanh tịnh, được quả báo thanh tịnh, lại phá được các chấp tướng hư vọng, thọ pháp tánh sanh thân thường được hóa sanh chẳng còn thọ nghiệp báo sanh thân nữa.

Hỏi: Bồ Tát đã có đầy đủ các công đức như vậy rồi sao chẳng thủ Niết Bàn mà còn tham trước được hóa sanh?

Đáp: Có hai nhân duyên. Đó là:

-Do hạnh nguyện độ sanh mà chư Phật, chư đại Bồ Tát thị hiện hóa sanh vào trong các cõi, để chúng sanh tin Kính cúng dường, mà chẳng sanh tâm nhàm chán.

– Do vì chưa thanh tịnh Phật độ đầy đủ, lại chưa có được các lực phương tiện sung mãn, nên có Bồ Tát thường nguyện hóa sanh đến các cõi Phật, trọn chẳng ly các đức Phật.

 ***

Phẩm thứ mười
Hành Tướng
(Sự Vận Hành của Tướng)

KINH:

Lúc bấy giờ ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! nếu Bồ Tát chẳng có các lực phương tiện mà hành Bát Nhã Ba La Mật, thì chỉ là hành tướng. Ví như chấp sắc là thường, sắc là vô thường, sắc là khổ, sắc là lạc, sắc là hữu, sắc là vô, sắc là ngã,sắc là vô ngã, sắc là ly, sắc là tịch diệt dẫn đến chấp thức là thường, thức là vô thường, thức là khổ, thức là lạc, thức là hữu, thức là vô, thức là ly, thức là tịch diệt v.v… thì hành là hành tướng.

Bạch Thế Tôn! Nếu Bồ Tát chẳng có các lực phương tiện mà hành bốn niệm xứ,…, dẫn đến hành mười tám bất cộng pháp, thì hành là hành tướng.

Bạch Thế Tôn! có Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật mà dấy niệm ta có hành Bát Nhã Ba La Mật. Phải biết rằng Bồ Tát đó hành Bát Nhã Ba La Mật mà chẳng có lực phương tiện, vì còn chấp có chỗ sở đắc, nên hành cũng chỉ là hành tướng.

Ngài Tu Bồ Đề nói với ngài Xá Lợi Phất: Nếu Bồ Tát thật hành Bát Nhã Ba La Mật mà ở nơi sắc có thọ niệm, ở nơi thọ, tưởng, hành, thức có thọ niệm thì đó chỉ là vọng giải, là có tác hành, nên chẳng chẳngcó thể thoát ly sanh lão bệnh tử, chẳng có thể thoát ly ưu bi khổ não, dẫn đến phải thọ các quả khổ ở đời sau.

Nếu Bồ Tát thật hành Bát Nhã Ba La Mật mà ở nơi sắc,…, dẫn đến ở nơi pháp, ở nơi nhãn dẫn đếnở nơi ý, ở nơi nhãn thức…., dẫn đến ở nơi ý thức, ở nơi nhãn giới dẫn đến ở nơi ý giới, ở nơi nhãn xúc nhân duyên sanh thọ…, dẫn đến ở nơi ý xúc nhân duyên sanh thọ, ở nơi bốn niệm xứ…dẫn đến ở nơi mười tám bất cộng pháp mà còn thọ niệm, thì đó cũng chỉ là vọng giải, là có tác hành, nên chẳng có thể thoát ly sanh lão bệnh tử, chẳng có thể thoát ly ưu bi khổ não, dẫn đến phải thọ các quả khổ ở đời sau.

Thưa ngài Xá Lợi Phất! Phải biết rằng có Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật, mà chẳng có các lực phương tiện nên chẳng chứng được quả Nhị Thừa, huống nữa là được Vồ Thượng Bồ Đề.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi: Thế nào gọi là Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật mà có được các lực phương tiện?

Ngài Tu Bồ Đề đáp: Nếu Bồ Tát muốn hành Bát Nhã Ba La Mật thì chẳng nên hành sắc, chẳng nên hành thọ, tưởng, hành, thức, chẳng nên hành sắctướng…,dẫn đến chẳng nên hành thức tướng,chẳng nên hành sắc thường, sắc vồ thường, sắc khổ, sắc lạc, sắc ngã, sắc vô ngã, sắc không, sắc vô tướng, sắc vô tác, sắc ly, sắc tịch diệt…dẫn  đến chẳng nên hành thức thường, thức vô thường, thức khổ, thức lạc, thức ngã, thức vô ngã, thức không, thức vô tướng, thức vô tác, thức ly, thức tịch diệt.

Vì sao? Thưa ngài Xá Lợi Phất! Vì sắc là không, nên chẳng phải là sắc (là phi sắc), ly không chẳng có sắc, ly sắc cũng chẳng có không, sắc tức là không, và không tức là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức là không nên cũng chẳng phải là thọ, tưởng, hành, thức, ly không cũng chẳng có thọ, tưởng, hành, thức, ly thọ, tưởng, hành, thức cũng chẳng có không, thọ, tưởng, hành, thức tức là không, và không cũng tức là thọ, tường, hành, thức…Dẫn đến mười tám bất cộng pháp là không, nên cũng chẳng phải là mười tám bất cộng pháp; ly không chẳng có mười tám bất cộng pháp, ly mười tám bất cộng pháp cũng chẳng có không, mười tám bất cộng pháp tức là không, và không cũng tức là mười tám bất cộng pháp.

Thưa Ngài Xá Lợi Phất! Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật như vậy là có được các lực phương tiện, mau được Vô Thượng Bồ Đề.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi ngài Tu Bồ Đề: Do nhân duyên gì mà Bồ Tát chẳng thọ hết thảy các pháp tướng?

Ngài Tu Bồ Đề đáp: vì tự tánh của Bát Nhã Ba La Mật là bất khả đắc, nên chẳng thọ. Vì sao? Vì vô sở hữu tánh (chẳng có tánh) là tự tánh của Bát Nhã Ba La Mật.

Thưa Ngài Xá Lợi Phất ! Tuy hành Bát Nhã Ba La Mật mà Bồ Tát chẳng có thọ, chẳng có hành Bát Nhã Ba La Mật, lại cũng chẳng phải chẳng thọ, chẳng phải chẳng hành Bát Nhã Ba La Mật.

Vì sao ? Vì hết thảy các pháp đều là vô sở hữu tánh, nên cũng thể thọ. Bởi vậy nên Bồ Tát  chẳng tùy pháp hành, chẳng thọ các pháp tướng, mới gọi là Bồ Tát hành Vô Sở Thọ Chư Pháp tam muội, được diệu dụng quảng đại, chẳng đồng với hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật. Bồ Tát hành tam muội ấy, trọn chẳng ly tam mội ấy, sẽ mau được Vô Thượng Bồ Đề.

LUẬN :

– Phẩm trước dùng “không” để phá các pháp tướng. Ở phẩm này dùng “Vô tướng” để phá các pháp tướng.

Nếu Bồ Tát chẳng có các lực phương tiện mà quán sắc thì sẽ đọa vào trong các tướng. Nếu đã đọa vào trong các tướng thì sẽ xa rời Bát Nhã Ba La Mật. Vì sao ? Vì các pháp đều là không, là vô tướng, chẳng có tướng gì là có được (khả đắc), là nắm được (khả thủ) cả.

Hỏi :  Các quả báo thiện cũng như ác đều có tướng. Vì sao nói các pháp đều là vô tướng ?

Đáp : Đối với người sơ cơ, thì phải phương tiện nói có tướng. Nhưng đối với người tu hành thì phải nói về vô tướng. Vì sao ? Vì nếu người tu hành mà còn thủ lấy tướng thiện để phá trừ tướng bất thiện, thì vẫn còn khởi sanh tướng, dẫn đến còn sanh các nhân duyên gây ra các phiền não, khổ đau.

Bởi vậy nên phải dùng vô tướng để phá hết thảy các tướng. Vì nếu phá các tướng bất thiện mà chẳng phá các tướng thiện, thì các tướng thiện ấy cũng sẽ duyên sanh ra bệnh chấp tướng.

Khi dùng vô tướng để phá các tướng thiện, thì tướng vô tướng ấy cũng tự phá luôn. Vì sao ? Vì tướng vô tướng cũng là tướng thiện. Ví như sấm sét gây tác hại đến mùa màng, nhưng sấm sét rồi cũng tự tiêu diệt.

– Lại nữa, “vô tướng tướng” là thật tướng.

– Ví như thân người đầy dẫy các thứ bất tịnh, các thứ thải ra từ chín lỗ nơi thân,  chẳng có thứ nào là tịnh cả. Thế mà người vô trí, do quý thân này mà gượng cho là tịnh, từ đó khởi sanh ra các phiền nào, dẫn đến tạo ra các tội lỗi. Ví như đứa trẻ con khờ dại có thể vui chơi với các đồ bất tịnh, mà người lớn cho là dơ bẩn, chẳng nên sờ mó đến vậy. Cũng như vậy, người trí biết rõ rằng sự chấp thủ các tướng cũng là bệnh, vì các tướng đều là hư vọng.

Lại nữa, các pháp chẳng có tướng nhất định. Tướng của các pháp thay đổi tùy theo tâm của mỗi người, của mỗi loài chúng sanh. Nên biết sự nhận xét của một người thường tùy thuộc vào sự biến đổi của tâm lý, tình cảm. Ví như : Khi ta đang sân hận thì ta thấy người đến với ta là tệ ác, đáng ghét, khi ta đang vui vẻ thì ta lại thấy người đến với ta đáng thương, đáng mến, khi ta dấy tâm kiêu mạn, thì ta thấy người đến với ta hèn hạ, đáng khinh, khi ta nghe nhiều người tán thán một người nào, thì ta liền sanh tâm nể nang, cung kính, tin tưởng người đó v.v… Như vậy, nên biết rằng tâm thương, ghét (ái, tắng) đều là hư vọng. Nếu trừ được các tâm hư vọng, thì liền biết rõ các pháp đều là không, là vô tướng, là vô tác vậy.

Lại nữa, cũng nên biết rằng sắc do duyên hòa hợp sanh, nên chỉ là như huyễn, như mộng. Nếu ở nơi sắc mà còn chấp có một tướng, hai tướng v.v… thì liền xa rời Bát Nhã Ba La Mật. Vì sao ? Vì sắc tướng là vô tướng tướng. Nếu sắc tướng là có thể thọ được, thì sắc tướng ắt phải tán hoại, nên là chẳng thể thọ được vậy.

Hỏi :  Vì sao nói rằng hành Bát Nhã Ba La Mật mà chấp ngũ ấm là thường, là vô thường v.v… đều chỉ là hành tướng ?

 Đáp : Thường có hai nghĩa. Đó là :

– Thường trong vô thường. Ví như nói trú trăm năm, ngàn năm, vạn năm… sống tám vạn kiếp v.v… là thường, thì đó chỉ là thường trong vô thường. Vì sao ? Vì rốt sau cùng rồi cũng phải quy tịch.

– Thường trong thường trú bất hoại. Ví như nói pháp thân thường trú, nói Niết Bàn tịch diệt v.v…

Phàm phu khi thấy một pháp hòa hợp trú trong một thời gian tương đối lâu dài, thì chấp pháp ấy là thường tướng. Người tu hành, khi đã chứng được Niết Bàn, mà còn sanh tưởng về Niết Bàn, thì rơi về chấp thường tướng.

–oOo–

Vô thường cũng có hai nghĩa. Đó là:

– Pháp tương tục hoại là vô thường.

– Niệm niệm sanh diệt là vô thường.

Bồ Tát sơ pháp tâm, do tu tương tục đoạn, quán các thô vật là vô thường mà sanh tâm nhàm chán. Bồ Tát, trải qua thời gian tu tập, quán niệm niệm sanh diệt vô thường mà sanh tâm nhàm chán. Cả hai hạng Bồ Tát nêu ở đây đều còn chấp vô thường tướng.

–oOo–

Tóm lại, nếu Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật, mà còn chấp ngũ ấm là thường hay là vô thường, là chưa có được các lực phương tiện. Cho nên hành Bát Nhã Ba La Mật như vậy chỉ là hành tướng mà thôi.

Hỏi : Quán ngũ ấm là thường hay là vô thường đủ rồi. Vì sao còn quán ngũ ấm là ly, là tịch diệt nữa ?

 Đáp : Nếu quán được ngũ ấm chẳng phải là thường tướng, chẳng phải là vô thường tướng, thì biết rõ ngũ ấm là ly tướng. Nếu ngũ ấm ly tự tướng, thì biết rõ ngũ ấm là tịch diệt tướng, là Niết Bàn tướng vậy.

 Hỏi : Bồ Tát từ sơ phát tâm đã biết rõ tự tướng của ngũ ấm là vô tướng rồi. Nay vì sao nói Bồ Tát ấy chẳng có các lực phương tiện mà phải đọa về chấp tướng ?

Đáp : Vì hạng Bồ Tát này độn căn, chẳng tự giác, nên vừa lìa khỏi chấp ngũ ấm tướng thì liền chấp viễn ly tịch diệt tướng. Bởi vậy nên, ở nơi vô tướng, mà khởi chấp vô tướng tướng vậy.

Lại nữa, nếu Bồ Tát quán các ngoại pháp đều vô tướng thì sự tác quán như vậy cũng có thể khởi sanh tâm chấp ngã nên cũng có thể đọa về chấp hữu tướng.

Lại nữa, nếu Bồ Tát ly được pháp tướng, ở nơi phi đạo, hành chân tịnh vô tướng mà lại dùng trí huệ khởi niệm về các nội ngoại hạnh thanh tịnh, cho đó là Bát Nhã Ba La Mật, thì cũng đọa về chấp Bát Nhã Ba La Mật tướng. Vì sao ? Vì Bát Nhã Ba La Mật là chẳng thể chấp (bất khả chấp) mà chấp, chẳng thể thủ (bất khả thủ) mà thủ. Như vậy là Bồ Tát chẳng có các lực phương tiện, y chỉ nơi ái kiến, mà khởi chấp các thiện pháp vậy.

Hạng Bồ Tát này, tuy đã có nhiều phước đức, nhưng chưa có thể lìa được sanh tử, vì còn tạp hành vậy. Tạp hành như vậy thì quả Nhị Thừa còn chưa có thể được, huống nữa là được Vô Thượng Bồ Đề.

–oOo–

Nếu trái với các điều nêu trên đây, thì gọi là có các lực phương tiện.

Bồ Tát có các lực phương tiện rồi, thì ở nơi hết thảy pháp đều chẳng chấp, đều chẳng thọ. Vì sao ? Vì Bồ Tát đã biết rõ hết thảy các pháp đều do duyên hòa hợp sanh, đều chẳng phải thật có, biết rõ tự tánh của hết thảy pháp đều “không”.

Hỏi : Trước đây nói về Tam Tam Muội, nay nói về Vô Sở Thọ Chư Pháp Tam Muội. Như vậy hai tam muội này có gì khác nhau chăng ?

Đáp : Trước đây nói về trường hợp người tu giải thoát mà chưa viễn ly, nên hành tam tam muội là Không, Vô Tướng và Vô Tác. Nay nói về trường hợp người thường tinh tấn hành Bát Nhã Ba La Mật, chẳng tùy trí huệ hành, chẳng tùy pháp hành, chẳng thọ pháp tướng, là hành Vô Sở Thọ Chư Pháp Tam Muội, được diệu dụng quảng đại, khởi đại bi tâm, mau được Vô Thượng Bồ Đề.

KINH:

Ngài Xá Lợi Phất hỏi : Có phải chỉ chẳng ly tam muội này là Bồ Tát mau được Vô Thượng Bồ Đề  hay còn phải chẳng ly những tam muội khác nữa ?

Ngài Tu Bồ Đề đáp : Còn có rất nhiều tam muội khác nữa, như một trăm linh tám tam muội liệt kê sau đây :

Thủ Lăng Nghiêm tam muội – Bảo Ấn tam muội – Sư Tử Du Hý tam muội – Diệu Nguyệt tam muội – Nguyệt Tràng Tướng tam muội – Xuất Chư Pháp tam muội – Quán Đảnh tam muội –  Tất Pháp Tánh tam muội – Tất Tràng Tướng tam muội – Kim Cang tam muội – Nhập Pháp Ấn tam muội – Tam muội Vương An Lập tam muội – Phóng Quang tam muội – Lực Tấn tam muội – Cao Xuất tam muội – Tất Nhập Biện Tài tam muội – Nhập Danh Tự tam muội – Quảng Phương tam muội – Đà La Ni Ấn tam muội – Vô Cuống tam muội – Nhiếp Chư Pháp Hải tam muội – Biến Phú Hư Không tam muội – Kim Cang Luân tam muội – Bảo Đoạn tam muội – Năng Chiếu tam muội – Bất Cầu tam muội – Vô Trụ tam muội – Vô Tâm tam muội – Tịnh Đăng tam muội – Vô Biên Minh tam muội – Năng Tác Minh tam muội – Phổ Chiếu Minh tam muội – Kiên Tịnh Chư Tam Muội tam muội – Vô Cấu Minh tam muội – Hoan Hỷ tam muội – Điện Quang tam muội – Vô Tận tam muội – Oai Đức tam muội – Ly Tận tam muội – Bất Động tam muội – Bất Thối tam muội – Nhật Đăng tam muội – Nguyệt Tịnh tam muội – Tịnh Minh tam muội – Năng Chiếu Minh tam muội – Tác Hành tam muội – Tri Tướng tam muội – Như Kim Cang tam muội – Tâm Trụ tam muội – Phổ Minh tam muội – An Lập tam muội – Bảo Tụ tam muội – Diệu Pháp Ấn tam muội – Pháp Đẳng tam muội – Đoạn Hỷ tam muội – Đáo Pháp Đảnh tam muội – Năng Tán tam muội – Phân Biệt Chư Pháp Cú tam muội – Tự Đẳng Tướng tam muội – Ly Tự tam muội – Đoạn Duyên tam muội – Bất Hoại tam muội – Vô Chủng Tướng tam muội – Vô Hành Xứ tam muội – Ly Mông tam muội – Vô Khứ tam muội – Bất Biến Dị tam muội – Độ Duyên tam muội – Tập Chư Công Đức tam muội – Trụ Vô Tâm tam muội – Tịnh Diệu Hoa tam muội – Giác Ý tam muội – Vô Lượng Biện tam muội – Vô Đẳng Đẳng tam muội – Phân Biệt Chư Pháp tam muội – Độ Chư Pháp tam muội – Tán Nghi tam muội – Vô Trụ Xứ tam muội – Nhất Trang Nghiêm tam muội – Sanh Hành tam muội – Nhất Hành tam muội – Bất Nhất Hành tam muội – Diệu Hành tam muội – Đạt Nhất Thiết Hữu Để Tán tam muội – Nhập Danh Ngữ tam muội – Ly Âm Thanh Tự Ngữ tam muội – Nhiên Cự tam muội – Tịnh Tướng tam muội – Phá Tướng tam muội – Nhất Thiết Chủng Diệu Túc tam muội – Bất Hỷ Khổ Lạc tam muội – Vô Tận Tướng tam muội – Đà La Ni tam muội – Nhiếp Chư Tà Chánh Tướng tam muội – Diệt Tăng Ái tam muội – Thuận Nghịch tam muội – Tịnh Quang tam muội – Kiên Cố tam muội – Mãn Nguyệt Tịnh Quang tam muội – Đại Trang Nghiêm tam muội – Năng Chiếu Nhất Thiết Thế tam muội – Tam Muội Đẳng tam muội – Nhiếp Nhất Thiết Hữu Tránh Vô Tránh tam muội – Bất Lạc Nhất Thiết Trụ Xứ tam muội – Như Trụ Định tam muội – Hoại Thân Suy tam muội – Hoại Ngữ Như Hư Không tam muội – Ly Trước Như Hư Không Bất Nhiễm tam muội.

Thưa ngài Xá Lợi Phất ! Bồ Tát hành các tam muội này, cùng vô số tam muội và Đà La Ni sẽ mau được Vô Thượng Bồ Đề.

Rồi, thuận theo ý của Phật, ngài Tu Bồ Đề nói tiếp : Phải nên biết rằng các Bồ Tát hành các tam muội này là ở trong quá khứ đã được Phật thọ ký, hoặc ở trong đời hiện tại được Chư Phật ở khắp mười phương thọ ký. Khi hành các tam muội, các Bồ Tát này chẳng thấy, chẳng niệm, dẫn đến chẳng nghĩ là mình sẽ vào các tam muội ấy, sẽ mau được Vô Thượng Bồ Đề. Vì sao ? Vì các Bồ Tát này đã rốt ráo được “vô phân biệt niệm”.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi : Bồ Tát nào an trú được trong các tam muội này, là do nhân duyên đời trước đã được Phật thọ ký hay sao ?

Ngài Tu Bồ Đề đáp : Chẳng phải như vậy. Vì sao ? Vì Bát Nhã Ba La Mật chẳng khác tam muội, tam muội chẳng khác Bát Nhã Ba La Mật, Bát Nhã Ba La Mật chẳng khác Bồ Tát, Bồ Tát chẳng khác tam muội, Bát Nhã Ba La Mật tức là tam muội, và tam muội cũng tức là Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát tức là tam muội, và tam muội cũng tức là Bồ Tát, Bồ Tát tức là Bát Nhã Ba La Mật, và Bát Nhã Ba La Mật cũng tức là Bồ Tát.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi : Nếu Bồ Tát chẳng khác tam muội, và ngược lại tam muội chẳng khác Bồ Tát, nếu Bồ Tát tức là tam muội, và ngược lại tam muội tức là Bồ Tát, thì làm sao có thể biết được hết thảy pháp đều là tam muội ?

Ngài Tu Bồ Đề đáp : Khi vào tam muội Bồ Tát chẳng dấy niệm rằng ta tu pháp này để vào tam muội, nên ở nơi hết thảy pháp, ở nơi hết thảy tam muội đều chẳng biết, chẳng niệm.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi : Vì sao chẳng biết, chẳng niệm ?

Ngài Tu Bồ Đề đáp : Vì Bồ Tát biết rõ các tam muội đều là vô sở hữu, nên chẳng biết, chẳng niệm vậy.

Lúc bấy giờ Phật tán thán ngài Tu Bồ Đề : Lành thay, lành thay ! Này Tu Bồ Đề ! Đúng như lời ta từng nói, ông là người thật hành Vô Tránh tam muội đệ nhất, cùng với nghĩa này tương ưng vậy. Bồ Tát phải y theo nghĩa này mà học sáu pháp Ba La Mật, học Tứ niệm xứ ,…, dẫn đến học thập bát bất cộng pháp.

LUẬN:

Hỏi: Phật dạy tu tam tam muội Không, Vô Tướng và Vô Tác mở đường vào đạo Niết Bàn. Nay vì sao ngài Xá Lợi Phất lại hỏi phải tu bao nhiêu tam muội mới vào được đất Phật ?

Đáp: Khi chưa vào Niết Bàn, thì tưởng có nhiều đường đưa đến Niết Bàn. Thật ra chỉ có một đường đưa đến Niết Bàn là Không, Vô Tướng và Vô Tác. Hết thảy các tam muội khác cũng dẫn vào tam tam muội này. Ví như muốn vào thành có thể dùng nhiều cửa khác nhau, nhưng cửa nào cũng đều dẫn vào nội thành cả. Lại nữa, ví như nước từ muôn sông đều chảy về biển, Bồ Tát hành 1 tam muội trong một trăm linh tám tam muội, hoặc hành một đà la ni cũng đều được chư Phật trong khắp mười phương thọ ký cho.

Vì sao ? Vì Bồ Tát đã vào được nơi thật tướng tam muội, nên chẳng còn ức tưởng phân biệt. Do vậy mà chẳng còn nghĩ rằng mình đã vào được tam muội, mình đang hành thanh tịnh vi diệu pháp, và cũng do vậy mà được Phật thọ ký cho.

–oOo–

Ngài Xá Lợi Phất dùng “không trí huệ” vấn nạn ngài Tu Bồ Đề rằng : Bồ Tát trú trong “không tam muội” có được Phật thọ ký không ?

Ngài Tu Bồ Đề đáp : Chẳng phải vậy. Vì sao ? Vì cả ba pháp Bồ Tát, tam muội, và Bát Nhã Ba La Mật chẳng có khác nhau. Bát Nhã Ba La Mật chẳng khác tam muội, Bát Nhã Ba La Mật chẳng khác Bồ Tát, tam muội chẳng khác Bồ Tát, và ngược lại, vì Bồ Tát, tam muội và Bát Nhã Ba La Mật chẳng có khác nhau nên Bồ Tát mới có thể được Phật thọ ký.

Ngài Xá Lợi Phất lại hỏi : Nếu như vậy thì tam muội và hết thảy các pháp chẳng khác nhau hay sao ?

Ngài Tu Bồ Đề đáp : Nếu Bồ Tát đã vào các tam muội rồi thì biết rõ hết thảy các pháp và các tam muội chẳng có sai khác nhau.

Lại nữa, như trước đây đã nói : Bồ Tát vào các tam muội rồi, chẳng còn dấy niệm phân biệt nên chẳng biết, chẳng niệm. Vì sao ? Vì Bồ Tát biết rõ tự tánh của tam muội là vô sở hữu nên chẳng biết và chẳng niệm vậy.

–oOo–

Phật ấn chứng lời nói của ngài Tu Bồ Đề.

Mặc dù tự mình chưa có đầy đủ các tam muội, mà ngài Tu Bồ Đề đã khéo thuyết các pháp vi diệu của Bồ Tát, như thuyết về các tam muội và các đà la ni. Ngài lại thông rõ về Bát Nhã Ba La Mật, nên ở nơi hết thảy các pháp, ngài đều chẳng thọ, chẳng chấp, chẳng niệm.

Bởi nhân duyên vậy, nên Phật tán thán ngài Tu Bồ Đề : Lành thay, lành thay, này Tu Bồ Đề ! Đúng như lời ta từng nói, ông là người thật hành Vô Tránh Tam Muội đệ nhất. Thật là chẳng hư dối vậy.

KINH:

Ngài Xá Lợi Phất bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Bồ Tát học như vậy là học Bát Nhã Ba La Mật chăng ?

Phật dạy : Này Xá Lợi Phất ! Bồ Tát học như vậy là học Bát Nhã Ba La Mật, vì Bát Nhã Ba La Mật là bất khả đắc.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi : Bạch Thế Tôn ! Như vậy Bồ Tát học Bát Nhã Ba La Mật cũng là bất khả đắc chăng ?

Phật dạy : Này Xá Lợi Phất ! Bồ Tát học Bát Nhã Ba La Mật như vậy cũng là bất khả đắc. Bồ Tát họcnăm pháp Ba La Mật kia, học tứ niệm xứ, …, dẫn đến học thập bát bất cộng pháp cũng đều là bất khả đắc cả, vì các pháp ấy đều là bất khả đắc.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi : Bạch Thế Tôn ! Những pháp gì là bất khả đắc ?

Phật dạy : Này Xá Lợi Phất ! Ngã bất khả đắc,…, dẫn đến tri giả, kiến giả cũng bất khả đắc, vì đều là rốt ráo thanh tịnh, ngũ ấm, thập nhị nhập, thập bát giới bất khả đắc, vì đều rốt ráo thanh tịnh. Tứ đế,…, dẫn đến thập nhị nhân duyên bất khả đắc, vì đều rốt ráo thanh tịnh. Cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô Sắc bất khả đắc, vì đều tốt ráo thanh tịnh. Tứ niệm xứ,…, dẫn đến thập bát bất cộng pháp bất khả đắc, vì đều là rốt ráo thanh tịnh. Sáu pháp Ba La Mật bất khả đắc, vì là rốt ráo thanh tịnh. Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật, Bồ Tát, Phật đều bất khả đắc, vì đều rốt ráo thanh tịnh cả.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi : Bạch Thế Tôn ! Thế nào là rốt ráo thanh tịnh ?

Phật dạy : Này Xá Lợi Phất ! Bất xuất, bất sanh, bất tác, ấy gọi là rốt ráo thanh tịnh.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi : Bạch Thế Tôn ! Như vậy thì pháp mà Bồ Tát học là pháp gì ?

Phật dạy : Này Xá Lợi Phất ! Bồ Tát học như vậy là học pháp “vô sở học”. Vì sao ? Vì Bồ Tát chẳng có chấp đắm pháp tướng như phàm phu vậy.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi : Bạch Thế Tôn ! Thế nào gọi là biết rõ thật tướng pháp ?

Phật dạy : Này Xá Lợi Phất ! Đó là biết rõ các pháp đều là vô sở hữu, dẫn đến biết rõ vô sở hữu cũng là vô sở hữu. Nếu chẳng biết rõ được như vậy thì là vô minh, chẳng khác với phàm phu.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi : Bạch Thế Tôn ! Những pháp gì là vô sở hữu ? Vì sao nói chẳng biết rõ như vậy thì là vô minh ?

Phật dạy : Này Xá Lợi Phất ! Ngũ ấm, thập nhị nhập, thập bát giới vô sở hữu, tứ niệm xứ,…, dẫn đến thập bát bất cộng pháp vô sở hữu. Vì sao ? Vì đều là nội không… dẫn đến là vô pháp hữu pháp không. Thế nhưng phàm phu do bị lực vô minh ngăn che, nên mới vọng thấy có phân biệt. Bởi vậy nên nói chẳng biết rõ như vậy, thì gọi là vô minh.

Phàm phu bị hai chấp “hữu – vô” trói buộc nên chẳng thấy, chẳng biết các pháp là vô sở hữu, để rồi ức tưởng phân biệt, chấp trước sắc,…, dẫn đến chẳng chấp trước thập bát bất cộng pháp.

Lại nữa, do chấp trước mà ở nơi vô sở hữu, phàm phu lại vọng chấp có thấy, có biết. Cho nên là chẳng thấy, chẳng biết. Phàm phu giống như trẻ nít, chẳng biết mình từ đâu đến và sẽ đi về đâu. Do vậy mà chẳng tin pháp “không”, chẳng tu sáu pháp Ba La Mật, chẳng ra khỏi ba cõi, chẳng rời pháp Nhị Thừa.

Phàm phu chấp trước hết thảy các pháp : chấp sắc,…, dẫn đến chấp thức, chấp sắc…, dẫn đến chấp pháp, chấp nhãn… dẫn đến chấp ý, chấp nhãn thức,…, dẫn đến chấp ý thức, chấp nhãn giới,…, dẫn đến chấp ý giới, chấp tham, sân, si, chấp tà kiến, chấp tứ niệm xứ,…, dẫn đến chấp Phật đạo.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi : Bạch Thế Tôn ! Bồ Tát học như vậy là chẳng học Bát Nhã Ba La Mật, là chẳng được Nhất Thiết Chủng Trí hay sao ?

Phật dạy : Này Xá Lợi Phất ! Bồ Tát học như vậy là chẳng học Bát Nhã Ba La Mật, chẳng được Nhất Thiết Chủng Trí.

Vì sao ? Vì có Bồ Tát do chẳng có các lực phương tiện nên mới khởi niệm tưởng, khởi chấp trước có tướng Bát Nhã Ba La Mật. Do còn khởi niệm chấp trước có tướng Bát Nhã Ba La Mật, nên là chẳng học Bát Nhã Ba La Mật, và cũng chẳng thể được Nhất Thiết Chủng Trí.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi : Bạch Thế Tôn ! Bồ Tát phải học Bát Nhã Ba La Mật như thế nào mới gọi là học Bát Nhã Ba La Mật, mới được Nhất Thiết Chủng Trí ?

Phật dạy : Này Xá Lợi Phất ! Bồ Tát học Bát Nhã Ba La Mật mà chẳng thấy Bát Nhã Ba La Mật. Học như vậy mới gọi là học Bát Nhã Ba La Mật, mới được Nhất Thiết Chủng Trí. Vì sao ? Vì Bát Nhã Ba La Mật là bất khả đắc.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi : Bạch Thế Tôn ! Thế nào gọi là bất khả đắc ?

Phật dạy : Này Xá Lợi Phất ! Hết thảy các pháp đều là nội không,…, dẫn đến đều là vô pháp hữu pháp không.

LUẬN:

Trước đây, ngài Xá Lợi Phất hỏi ngài Tu Bồ Đề : Chẳng ly “Vô Sở Thọ Chư Pháp tam muội” sẽ mau được Vô Thượng Bồ Đề, hay còn phải phải chẳng ly nhiều tam muội khác nữa ?

Ngài lại hỏi thêm : Bồ Tát chẳng ly các tam muội có được Phật thọ ký chăng ?

Ngài Tu Bồ Đề đáp : Các tam muội đều bình đẳng. Vậy nên Bồ Tát chẳng ly tam muội này thì cũng chẳng ly các tam muội khác.

Phật tán thán : Lành thay, lành thay ! Bồ Tát phải như vậy mà học Bát Nhã Ba La Mật.

Vì sao ? Vì Bát Nhã Ba La Mật là vô tướng. Nếu còn chấp tướng của các tam muội, thì chẳng sao học được Bát Nhã Ba La Mật. Bồ Tát phải học Bát Nhã Ba La Mật như vậy mới vào được Bát Nhã Ba La Mật.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi Phật : Những pháp gì là bất khả đắc ?

Phật dạy : Các pháp sanh diệt đều không, đều là rốt ráo thanh tịnh, đều là bất khả đắc cả. Ngã bất khả đắc, tứ quả Thanh Văn bất khả đắc,…, dẫn đến Bát Nhã Ba La Mật cũng đều rốt ráo thanh tịnh, đều bất khả đắc.

Lại nữa, bất xuất, bất sanh, bất đắc mới là rốt ráo thanh tịnh.

Bởi vậy nên phải chẳng duyên hai bên “hữu – vô”, phải chẳng sanh chấp pháp tướng, mới biết rõ được các pháp tướng đều là bất khả đắc, mới ly được các tướng hư vọng, mới được rốt ráo thanh tịnh vậy.

Ngài Xá Lợi Phất lại hỏi : Thế nào là rốt ráo thanh tịnh ?

Phật dạy : Hành pháp rốt ráo thanh tịnh là hành pháp vô sở hữu, vô sở đắc, vô sở học. Như vậy là chẳng có Bát Nhã Ba La Mật, chẳng đắc Bát Nhã Ba La Mật, chẳng học Bát Nhã Ba La Mật; dẫn đến chẳng đắc Nhất Thiết Chủng Trí.

Ngài Xá Lợi Phất lại hỏi : Bồ Tát phải học Bát Nhã Ba La Mật như thế nào ?

Phật dạy : Bồ Tát học Bát Nhã Ba La Mật mà chẳng thấy Bát Nhã Ba La Mật. Học như vậy mới gọi là học Bát Nhã Ba La Mật, mới mau được Nhất Thiết Chủng Trí. Vì sao ? Vì Bát Nhã Ba La Mật và Nhất Thiết Chủng Trí đều là bất khả đắc cả.

Ngài Xá Lợi Phất lại hỏi : Thế nào gọi là bất khả đắc ?

Phật dạy : Hết thảy các pháp đều là nội không,…, dẫn đến đều là vô pháp hữu pháp không.

–oOo–

Hỏi : Bồ Tát hành pháp gì mà gọi là hành rốt ráo không ?

Bồ Tát có hành sáu pháp Ba La Mật, có hành tứ niệm xứ… dẫn đến hành thập bát bất cộng pháp. Như vậy vì sao nói là vô pháp ? Vì sao nói chẳng có pháp gì để học cả ?

Đáp : Phật dạy hết thảy các pháp đều là rốt ráo không. Trái lại phàm phu, ở nơi rốt ráo không, mà điên đảo khởi sanh các chấp.

Phàm phu, do bị vô minh che tâm, bị các kiết sử tà kiến làm mê ám, nên khi vừa nghe nói đến một pháp nào là liền chấp lấy pháp tướng dẫn đến nghe pháp Phật truyền dạy, mà cũng khởi tâm chấp, như chấp có Thánh đạo, chấp có các Thánh đạo quả v.v…

Bởi vậy nên nói đạo của phàm phu cũng là chấp nhiễm ô.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi Phật : Nếu chỗ thấy của phàm phu đều là chẳng thật có, thì vì sao lại nói có pháp ?

Phật dạy : Các pháp đều là vô sở hữu. Phàm phu ở nơi vô sở hữu mà cho là hữu. Vì sao ? Vì phàm phu chẳng có thể lìa vô minh, lìa các tà kiến, mà quán được. Như vậy gọi là vô minh. Ví như trẻ nít thấy người lớn đưa nắm tay không lên cao, mà cứ tưởng là có vật gì cất giấu bên trong đó.

–oOo–

Ngài Xá Lợi Phất hỏi Phật : Vì sao chẳng thấy các pháp là vô sở hữu, thì gọi là vô minh ?

Phật dạy : Sắc vô sở hữu,…, dẫn đến thập bát bất cộng pháp vô sở hữu.

Nếu chẳng biết như vậy, mà khởi sanh ái niệm, ức tưởng phân biệt, thì gọi là vô minh. Do bị vô minh che tâm, mà rơi về hai chấp “hữu – vô”, khiến bỏ mất huệ minh.

Huệ minh là trí huệ vô phân biệt. Do huệ minh mà biết rõ các pháp đều là vô sở hữu tướng, đều là rốt ráo không; lại biết rõ do nơi tâm phân biệt, mà khởi sanh ức tưởng phân biệt, để rồi khởi chấp có ngũ ấm, có thập nhị nhập, có thập bát giới v.v… Cũng do tâm ức tưởng phân biệt, mà khi nghe thuyết về các thiện pháp, như nghe thuyết về sáu pháp Ba La Mật, dẫn đến nghe thuyết về thập bát bất cộng pháp… là liền ức tưởng phân biệt, liền chấp đắm.

Chấp đắm như vậy, thì Thánh pháp cũng trở thành thế gian pháp. Ví như có người dùng ngón tay để chỉ mặt trăng, mà người vô trí chỉ chăm chú nhìn ngón tay, khiến chẳng thấy được mặt trăng vậy. Vì để tâm chấp ngón tay, thì chẳng sao có thể thấy được mặt trăng.

Chư Phật và chư Hiền Thánh, vì hàng phàm phu, mà nói pháp. Trong khi đó thì phàm phu chỉ chấp âm thanh, chấp lời nói, mà chẳng thấy được Thánh ý, nên chẳng biết được thật nghĩa.

Phàm phu do bỏ mất Phật tánh, nên chẳng sao ra khỏi ba cõi, chẳng rời pháp Nhị Thừa, chẳng rõ được Thánh ý.

Phàm phu nghe nói đến pháp Không, mà chẳng tin. Do chẳng tin, nên chẳng làm, chẳng an trú nơi sáu pháp Ba La Mật, dẫn đến chẳng an trú nơi thập bát bất cộng pháp, khiến bỏ mất hết các công đức.

Phàm phu, do chấp ngũ ấm, thập nhị nhập, thập bát giới, v.v… mà khởi sanh tà kiến, dấy tâm tham sân si… Lại cũng chấp luôn sáu pháp Ba La Mật, chấp tứ niệm xứ dẫn đến chấp thập bát bất cộng pháp; chấp bốn quả Thanh Văn, dẫn đến chấp quả Vô Thượng Bồ Đề.

–oOo–

Ngài Xá Lợi Phất hỏi Phật : Bồ Tát hành như vậy là chẳng hành Bát Nhã Ba La Mật hay sao ? Nếu chẳng hành Bát Nhã Ba La Mật, thì cũng chẳng đắc Nhất Thiết Chủng Trí hay sao ?

Phật dạy : Phật phương tiện mà nói như vậy. Các tân học Bồ Tát, do chẳng có các lực phương tiện, nên khi nghe thuyết về Bát Nhã Ba La Mật, liền ức niệm, tầm cầu để thủ chứng, tự nghĩ rằng “ta đã rời bỏ thế gian lạc thì phải được Bát Nhã Ba La Mật lạc”. Do tầm cầu hữu sở đắc, nên cả hai bên “hữu – vô” đều bị vướng mắc cả.

Dù chấp “không” là Bát Nhã Ba La Mật, hoặc chấp “không” chẳng phải là Bát Nhã Ba La Mật hoặc chấp “như thật tướng pháp” là Bát Nhã Ba La Mật, thì cũng đồng như sáu mươi hai  tà chấp của Ngoại Đạo. Vì vừa khởi chấp là liền có chín mươi tám kiết sử dấy sanh. Dẫn đến chấp Nhất Thiết Chủng Trí cũng là như vậy.

Bởi vậy nên chấp tâm, chấp pháp đều chẳng được Bát Nhã Ba La Mật, chẳng được Nhất Thiết Chủng Trí.

Phải chẳng thấy có mình hành Bát Nhã Ba La Mật, chẳng thấy có pháp Bát Nhã Ba La Mật để hành, dẫn đến sự thấy đó cũng chẳng thấy luôn, thì mới vào được Bát Nhã Ba La Mật, mới được Nhất Thiết Chủng Trí.

Ngài Xá Lợi Phất lại hỏi : Bồ Tát chẳng thấy các duyên pháp chăng ?

Phật dạy : Bồ Tát đã vào thập bát không, nên chẳng còn thấy các duyên pháp. Đây chẳng phải là chẳng có trí huệ, mà chẳng thấy vậy.

(Hết quyển 43)