LUẬN ĐẠI TRÍ ĐỘ
Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 38

GIẢI THÍCH PHẨM BỐN: VÃNG SANH

Phần 1

KINH: Xá-lợi-phất bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Bồ-tát ma-ha- tát hành Bát-nhã Ba-la-mật, tu tập tương ưng như vậy, từ chỗ nào chết rồi sanh đến đây, từ đây chết sẽ sanh cõi nào?

Phật bảo Xá-lợi-phất: Những Bồ-tát ma-ha-tát ấy tu tập tương ưng như vậy, hoặc từ nước Phật ở phương khác sanh đến đây, hoặc từ cung trời Đâu-suất sanh đến đây, hoặc từ trong cõi người sanh trở lại đây.

Xá-lợi-phất! Những Bồ-tát từ nước Phật ở phương khác sanh đến đây, mau cùng Bát-nhã Ba-la-mật tương ưng. Cùng Bát-nhã Ba-la-mật tương ưng, nên khi xả thân ở đây, các pháp thâm diệu đều hiện trước mắt, sau trở lại cùng Bát-nhã Ba-la-mật tương ưng, ở chỗ sanh ra thường gặp chư Phật.

Xá-lợi-phất! Có vị Bồ-tát một đời bổ xứ ở trên trời Đâu-suất khi mệnh chung, sanh đến trong đây, vị Bồ-tát ấy không mất sáu Ba-la-mật, tùy sanh nơi nào, hết thảy môn Đà-la-ni, các môn tam-muội, mau hiện trước mặt.

Xá-lợi-phất! Có Bồ-tát mệnh chung ở trong cõi người, trở lại sanh trong cõi người; trừ vị Bồ-tát bất thối chuyển, Bồ-tát ấy căn độn, không thể mau cùng Bát-nhã Ba-la-mật tương ưng, các môn Đà-la-ni, môn tam-muội không thể mau hiện trước mắt.

LUẬN: Hỏi: Trong Bát-nhã Ba-la-mật, chúng sanh rốt ráo không thể có được, như phẩm trên nói: “Xá-lợi-phất! Biết hết thảy chúng sanh không thể có được, các tên gọi sai khác về chúng sanh là thọ giả, mạng giả, cho đến tri giả, kiến giả… đều không, không thật, cớ sao trong đây hỏi từ đâu sanh đến, chết đi về đâu?” Tên gọi khác của chúng sanh tức là Bồ-tát, chúng sanh không thì Bồ-tát cũng không. Lại trong kinh này nói: “Bồ-tát chỉ có tên gọi, không có thật pháp”, sao nay Xá-lợi-phất lại hỏi câu ấy?

Đáp: Trong Phật pháp có hai đế: 1. Thế đế. 2. Đệ nhất nghĩa đế. Vì thế đế nên nói có chúng sanh, vì đệ nhất nghĩa đế nên nói chúng sanh không thể có được.

Lại có hai hạng là có người biết tướng tên gọi, có người không biết tướng tên gọi, ví như mật hiệu trong quân lính, có người biết, có người không biết.

Lại có hai hạng là có người mới tập hành, có người tập hành lâu; có người chấp trước, có người không chấp trước; có người biết ý người khác, có người không biết ý người khác (tuy có ngôn từ, biết gởi vào ngôn từ để tuyên lý -ND). Vì người không biết tên gọi, mới tập hành, người chấp trước, người không biết ý người khác, nên nói không chúng sanh; vì người biết tướng tên gọi, người tập hành lâu, không chấp trước, người biết ý người khác, nên nói có chúng sanh.

Xá-lợi-phất dùng mắt Trời, thấy rõ sáu đường chúng sanh sống chết lành dữ, không có nghi ngờ, chỉ không biết các Bồ-tát từ vô lượng vô số thế giới từ phương khác sanh đến, nên mới hỏi có các đại Bồ-tát ở đây mệnh chung, có sanh đến vô lượng vô số cõi Phật ở phương khác chăng, Thiên nhãn Xá-lợi-phất không thấy được điều đó cho nên hỏi.

Lại nữa, có người Thanh văn, thấy Bồ-tát hành sáu Ba-la-mật ở lâu trong sanh tử, lậu hoặc chưa hết, nhóm đủ thứ trí tuệ về kinh sách trong ngoài, mà chẳng chứng thật tế, chưa khỏi sanh già bệnh chết, thương mà khinh, nói rằng: Hạng này mệnh chung, vì ba độc chưa hết, sẽ đọa chỗ nào? Như Phật dạy, hạng người phàm phu thường mở cửa ba đường ác, làm khách đối với ba đường thiện, làm chủ nhà đối với ba đường ác. Sức ba độc mạnh, chất chứa tội nghiệp từ vô lượng kiếp, nên không thủ chứng Niết-bàn, sắp chịu đủ thứ khổ, rất đáng thương xót!

Hạng tiểu thừa thương xót khinh chê Bồ-tát như vậy.

Xá-lợi-phất là vị tướng đại pháp đệ nhất giữa tất cả Thanh văn, biết có việc như thế, nhưng muốn khiến chúng sanh khởi tâm cung kỉnh đối với Bồ-tát, cho nên hỏi.

Phật lấy ba việc đáp: 1. Từ cõi Phật ở phương khác sanh đến. 2. Từ trên trời Đâu-suất sanh đến. 3. Từ trong cõi người sanh đến.

Hỏi: Như từ cõi Phật ở phương khác sanh đến, vì ở xa nên Xá-lợi- phất không biết, còn ở trên Trời Đâu-suất, trong cõi người đến, làm sao không biết (mà còn hỏi)?

Đáp: Xá-lợi-phất không biết từ cõi Phật ở phương khác đến nên hỏi, song Phật vì chỗ cần nên phân biệt, nên đáp từ ba nơi sanh đến.

Hỏi: Thế gian có sáu đường, cớ sao trong đường Trời phân biệt nói từ trời Đâu-suất đến, còn trong đường người không phân biệt nơi chốn. Nói từ cõi Phật ở phương khác đến cũng không phân biệt đó là đường Trời, hay đường người?

Đáp: Trong sáu đường, ba đường ác vì nhân duyên thọ khổ, tâm trí độn, không thể đắc đạo nên không nói.

Hỏi: Từ trong ba đường ác sanh đến cũng có người đắc đạo như Tỳ- kheo Ngưu Túc, đệ tử Xá-lợi-phất, năm trăm đời sanh trong loài trâu, đời cuối cùng được làm thân người, chân còn giống trâu mà chứng được đạo quả A-la-hán. Lại có Tỳ-kheo Ma-thâu-bà-thi-tha, năm trăm đời sanh trong loài khỉ, đời cuối cùng được làm thân người, chứng A-la-hán đủ ba minh sáu thần thông, vẫn còn ưa nhảy nhót, vì tập khí còn sót lại. Hạng như vậy đều đắc đạo, cớ sao nói không thể?

Đáp: Tuy có người đắc đạo, ít quá không đủ nói. Lại hạng người này, đời trước gieo sâu thiện căn Niết-bàn, vì sai lầm chút ít phải đọa đường ác, trả hết tội, thiện căn Niết-bàn thành thục, nên đắc thành đạo quả. Trong đây không nói đắc đạo quả Thanh văn, vì thân trước thân sau thứ lớp chỉ vì chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Ví như từ tâm nhơ cấu khởi lên, không thể thứ lớp vào vô lậu, mà trung gian phải có tâm thiện hữu lậu (mới được vào vô lậu – ND) vì tâm vô lậu quý, cho nên nói từ ba đường ác đi ra, không thể đắc đạo thứ lớp được tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Trời, người, A-tu-la thì không như vậy (không như ba đường ác – N D).

Ba cõi Trời dưới là Tứ thiên vương, Đao-lợi, Tu-dạ-ma, kiết sử mãnh lợi mà sâu; hai cõi trên là Tự-tại. Tha-hóa-tự-tại, kiết sử sâu mà không mãnh lợi; trời Đâu-suất, kiết sử không sâu không mãnh lợi. Vì sao? Vì thường có Bồ-tát thuyết pháp, thế nên không nói trời khác mà nói trời Đâu-suất, hoặc có mà vì ít nên không nói.

Các Trời ở cõi Sắc, ai đắc đạo rồi thì không còn sanh xuống cõi này, ai chưa đắc đạo thì vui đắm thiền vị nên không sanh xuống. Vì đắm thiền vị, trí tuệ cũng trì độn, nên không nói. A-tu-la đồng với hai Trời Tứ thiên vương, Đao-lợi nên không nói.

Từ cõi Phật ở phương khác sanh đến: Từ trước chư Phật sanh đến trong đây, các căn mãnh lợi. Vì sao? Vì đã trừ tội chướng trong vô lượng vô số kiếp. Lại gặp được chư Phật tùy tâm dạy bảo, như mài dao gặp đá tốt thì sắt bén. Lại thường nghe tụng, chánh ức niệm Bát-nhã Ba-la-mật, cho nên mãnh lợi. Các nhân duyên như vậy thì tâm Bồ-tát mãnh lợi.

Từ cõi người đến: Ở đây đệ tử Phật nghe Bát-nhã Ba-la-mật, nhóm các công đức, khi đã xả thân, trở lại sanh ở đây. Ở quốc độ khác, tuy không có Phật, nhưng được gặp Phật pháp, nghe thọ trì, đọc tụng, chánh ức niệm, tùy sức nhiều ít, tu phước đức trí tuệ, người này các căn tuy độn mà đủ sức thọ Bát-nhã Ba-la-mật, chỉ vì không thấy Phật hiện tại nên tâm độn.

Từ nước Phật ở phương khác đến căn mãnh lợi nên tu hành Bát- nhã Ba-la-mật mau được tương ưng. Vì tương ưng nên thường gặp Phật. Nhân duyên gặp Phật, như trước đã nói.

Hỏi: Trên trời Đâu-suất; sao chỉ nói Bồ-tát một đời bổ xứ, không nói hai đời ba đời?

Đáp: Chỗ thân người ở đầy tội kiết phiền não, chỉ đại Bồ-tát ở đó không bị nhiễm lụy, như ngỗng vào nước, nước không làm ướt. Bồ-tát như vậy, các pháp thế gian không làm nhiễm trước. Vì sao? Vì Phật tự nói nhân duyên: vì không mất sáu Ba-la-mật, các môn Đà-la-ni, các môn tam-muội, mau hiện trước mắt, nên Bồ-tát ấy ở thế giới đó có thể lợi ích chúng sanh, các Bồ-tát khác, phân bố mười phương, ví như người đại trí tuệ đã ở một chỗ, thì các người trí tuệ khác đi đến chỗ khác, thế nên không nói.

Lại nữa, có người nói chỉ nói Bồ-tát lớn, không giới hạn nhỏ.

Lại nữa, từ trong các cõi trời khác đến, sẽ nói rộng ở chỗ khác.

Chết trong cõi người lại sanh trong cõi người thì không như hai chỗ trên, vì thân người đại địa nhiều nên thân nặng tâm độn, vì tâm tâm số pháp theo thân thành mạnh yếu, lại do các nghiệp kiết sử sanh, còn từ hai chỗ kia sanh đến là pháp thân Bồ-tát, biến thân vô lượng để độ chúng sanh, nên sanh đến trong cõi này. Từ trong cõi người đến, đều là thân xác thịt.

Hỏi: Bồ-tát bất thối chuyển, không do kiết nghiệp thọ thân, cớ sao nói ở trong cõi người?

Đáp: Vì sanh đến cõi này mới được bất thối chuyển, chừa bỏ thân xác thịt; vì độn căn nên các môn Đà-la-ni, tam-muội không mau hiện trước mắt. Vì không mau hiện trước mắt nên không cùng Bát-nhã tương ưng.

KINH: Này Xá-lợi-phất! Ông hỏi Bồ-tát ma-ha-tát cùng Bát-nhã Ba-la-mật tương ưng, mệnh chung ở đây sẽ sanh đến chỗ nào?

Này Xá-lợi-phất! Bồ-tát ma-ha-tát ấy từ một nước Phật sanh đến một nước Phật, thường gặp chư Phật, trọn không lìa Phật.

Này Xá-lợi-phất! Có Bồ-tát ma-ha-tát không dùng phương tiện vào Sơ thiền cho đến đệ Tứ thiền, cũng hành sáu Ba-la-mật. Bồ-tát ma-ha-tát ấy được thiền nên sanh cõi Trời sống lâu, khi ở nơi đó mệnh chung, sanh đến cõi này, được làm thân người, gặp Phật, Bồ-tát ấy các căn không mãnh lợi.

Này Xá-lợi-phất! Có Bồ-tát ma-ha-tát vào Sơ thiền cho đến đệ Tứ thiền, cũng hành Bát-nhã Ba-la-mật. Vì không dùng phương tiện nên khi bỏ thiền thì sẽ sanh vào cõi Dục, Bồ-tát ấy các căn cũng độn.

Này Xá-lợi-phất! Có Bồ-tát ma-ha-tát vào Sơ thiền cho đến đệ Tứ thiền, nhập từ tâm cho đến xả tâm, vào Hư không xứ cho đến Phi hữu tưởng Phi vô tưởng xứ, tu Bốn niệm xứ, cho đến Tám thánh đạo phần, hành Mười lực cho đến đại từ đại bi, Bồ-tát ấy dùng lực phương tiện, không tùy thiền sanh, không tùy tâm vô lượng sanh, không tùy bốn vô sắc định sanh, mà sanh ở chỗ có Phật. Thường không rời hạnh Bát-nhã Ba-la-mật. Bồ-tát như vậy, trong hiền kiếp sẽ chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

LUẬN: Hỏi: Xá-lợi-phất hỏi đời trước đời sau, cớ sao trong đời trước Phật đáp ba cách, trong đời sau thì rộng phân biệt?

Đáp: Người phàm vì mắt thịt không thấy quá khứ vị lai, nên sanh tà nghi; tuy nghi hai đời, mà đời vị lai sẽ chịu cho nên rộng phân biệt. Ví như lửa đã tắt, không còn cầu cứu, chỉ dùng nhiều phương tiện phòng ngừa lửa vị lai. Lại như trị bệnh, bệnh đã dứt không còn trị nữa, chỉ trị bệnh sắp phát sanh.

Lại nữa, Phật biện tài vô lượng tùy ý, nên Xá-lợi-phất hỏi ít mà Phật giải nói nhiều. Như hỏi một việc cùng Bát-nhã Ba-la-mật tương ưng mà Phật phân biệt nhiều cách, ví như người nghèo đi theo người giàu ưa bố thí để xin, xin tuy ít mà cho rất nhiều, Phật cũng như vậy, giàu có đầy đủ vô lượng Phật pháp vô lậu, do tâm đại từ bi ưa làm bố thí, nhân Xá-lợi-phất hỏi ít. Phật vì đại chúng phân biệt nói nhiều.

Lại nữa, trong Bát-nhã Ba-la-mật, các nhân duyên, thí dụ, phần nhiều để nói về Không pháp. Có người mới phát tâm chấp thủ tướng không, đắm tướng không ấy, nên đối với nghiệp nhân duyên sanh tử, sanh nghi: nếu hết thảy pháp rốt ráo không, không đến không đi, không ra không vào, cớ sao chết rồi mà còn có sanh? Pháp hiện tại mắt thấy còn không thể có, huống gì sau khi chết sanh đến chỗ khác, mắt không thấy được mà lại có?

Vì dứt các tâm tà nghi điên đảo như vậy, nên Phật dạy rộng các nhân duyên có sanh có tử.

Hỏi: Không có nhân duyên chết sống. Vì sao? Vì người chết rồi tiêu diệt. Có ba cách diệt: 1. Lửa đốt thành tro. 2. Trùng ăn thành phân. 3. Cuối cùng thành đất. Nay chỉ thấy diệt mất, không thấy còn có ai đi ra thọ thân sau? Vì không thấy nên biết là không?

Đáp: Nếu ông cho thân diệt liền không, vậy làm sao có chúng sanh đời trước huân tập lo mừng, sợ hãi… như trẻ con khi mới sanh ra hoặc khóc hoặc cười; vì trước có huân tập lo mừng, nên nay không ai dạy mà lo mừng tiếp tục phát sanh. Lại như trâu nghé mới sanh ra đã tìm tới vú sữa; loài heo dê sanh ra chưa bao lâu đã biết việc phối hợp đực cái. Con cùng một cha một mẹ mà đẹp, xấu, nghèo, giàu, thông minh, đần độn không giống nhau. Nếu không có nhân duyên đời trước, thì không nên có sai khác như vậy.

Các nhân duyên như vậy, biết có đời sau.

Lại trước kia ông nói không thấy có kẻ đi riêng? Trong thân người chẳng phải riêng con mắt thấy được mà cả sáu căn đều biết. Có pháp nghe được, có pháp ngửi được, có pháp nếm được, có pháp chạm được, có pháp biết được. Pháp nghe được còn không thể thấy, huống gì có thể biết. Pháp “có sanh có tử”, cũng có thể thấy, cũng có thể biết. Ông mắt thịt nên không thấy, người có mắt trời. thấy rõ ràng. Như thấy người từ một phòng đi ra lại vào một phòng, bỏ thân này đến thân sau cũng như vậy. Nếu mắt thịt thấy được cần gì cầu mắt trời? Nếu như vậy mắt trời, mắt thịt, thánh, phàm không khác nhau. Ông dùng cái thấy đồng nhau từ nhiều đời súc tích, làm sao có thể thấy đời sau?

Có thể biết được là như người chết rồi sanh, tuy không có đến có đi, nhưng vì phiền não chưa hết, nên tình ý tương tục nơi thân, lại sanh tình ý nơi thân khác, tình ý nơi thân khác lại tạo nghiệp, cũng chẳng đi đến đời sau, nhưng do nhân duyên tạo nghiệp ấy lại sanh ra, chịu quả báo đời sau, ví như sữa có độc, sữa biến thành kem, kem biến thành phô-mát, sữa chẳng phải kem, phô-mát; kem, phô-mát chẳng phải sữa. Sữa và kem tuy biến khác mà đều có độc. Thân này cũng như vậy năm uẩn đời nay làm nhân duyên lại sanh hạnh nghiệp cho năm uẩn đời sau, tương tục không khác mà chịu quả báo.

Lại như cây mùa đông, tuy chưa có hoa lá quả trái, được thời tiết thì thứ lớp sanh ra. Do các nhân duyên như vậy nên biết có sanh tử.

Lại nữa, hiện đời có người biết kiếp trước, như người mộng thấy đi, nằm ngủ rất mệt, thức dậy nhớ lại lý do việc đã trải qua.

Lại tất cả kinh sách trong ngoài của Thánh nhân đều nói đến đời sau.

Lại nữa, pháp bất thiện hiện tại, động phát quá nặng, sanh sân nhuế, tật đố, nghi ngờ hối hận bức não bên trong, thân thì khô héo, nhan sắc không vui. Pháp ác bất thiện, thọ hại như vậy, huống gì khởi thân nghiệp khẩu nghiệp? Nếu sanh pháp thiện, tịnh tín nghiệp nhân duyên, tâm thanh tịnh, được trí tuệ như thật, thì tâm vui vẻ, thân được nhẹ nhàng, nhan sắc hòa vui.

Vì có nhân duyên khổ vui nên có thiện bất thiện, hiện đời nhất định có thiện bất thiện, nên biết chắc chắn có đời sau. Chỉ vì chúng sanh mắt thịt không thấy, trí tuệ mỏng nên sanh tà nghi, nên tuy có tu phước sư, mà làm việc nông cạn, ví như thầy thuốc vì chữa bệnh cho vua, vua ngầm cho làm nhà trả ân mà thầy thuốc không biết, khi đi về trông thấy, mới hối hận sao không gia tâm tận lực chữa trị cho vua.

Lại nữa, Thánh nhân nói vì việc đời hiện tại thật đáng tin, nên việc đời sau cũng đều đáng tin, như người đi đêm qua đường hiểm, đạo sư đưa tay dắt, biết đó đáng tin nên liền đi theo. Lấy trí so sánh và theo lời thánh nhân có thể biết nhất định có đời sau. Ông vì mắt thịt trọng tội, trí so sánh kém nông cạn, lại không có mắt trời. Tự đã không có trí, lại không tin lời thánh, làm sao biết được đời sau.

Lại nữa, trong Phật pháp thì các pháp rốt ráo không, mà cũng chẳng đoạn diệt; sanh tử tuy tiếp nối, cũng không hẳn là thường; nghiệp nhân duyên trong vô lượng vô số kiếp tuy đã qua đi mà cũng phát sanh quả báo, không diệt, đó là điều vi diệu khó biết. Nếu các pháp hoàn toàn không, thì trong phẩm này chẳng nên nói có sự sanh qua đời khác. Đâu có người trí, lại nói trước sau trái nhau.

Nếu tướng chết sống thật có, cớ sao nói các pháp rốt ráo không? Chỉ vì trừ tà kiến điên đảo ưa đắm đối với các pháp, nên nói rốt ráo không, chứ không phải vì phủ nhận đời sau mà nói. Ông không có mắt trời nên nghi đời sau, muốn tự vùi lấp vào trong tội ác. Vì ngăn ngừa nhân duyên tội nghiệp ấy, nên nói các việc sanh qua đời khác.

Phật pháp không chấp có, không chấp không, không chấp cũng có cũng không, không chấp chẳng phải có chẳng phải không, không chấp cũng không chấp, người như vậy thì không thể nạn hỏi, ví như lấy đao chặt hư không, trọn không bị thương. Vì chúng sanh nên tùy duyên thuyết pháp, tự mình không chấp trước. Vì vậy trong Trung luận nói:

Hết thảy các pháp thật,

Hết thảy pháp hư vọng,

Các pháp thật cũng hư,

Phi thật cũng phi hư

Niết-bàn tế là chân.

Thế gian tế cũng chân.

Niết-bàn đời không khác.

Chút khác chẳng thể được.

Ấy là tướng rốt ráo không. Rốt ráo không không ngăn ngại nghiệp nhân duyên sanh tử, thế nên nói sanh qua đời khác.

Hỏi: Nếu Bát-nhã Ba-la-mật nhất tướng, đó là vô tướng, thì làm sao cùng Bát-nhã tương ưng; từ một nước Phật sanh đến một nước Phật, thường gặp chư Phật?

Đáp: Bát-nhã Ba-la-mật thu nhiếp hết thảy pháp, ví như biển lớn, vì vậy không nên nạn hỏi.

Lại nữa, ông tự nói Bát-nhã ba-la mật nhất tướng vô tướng. Nếu vô tướng làm sao có nạn hỏi? Ông thì trong vô tướng chấp thủ tướng; như vậy là không đúng.

Lại nữa, nhân Bát-nhã Ba-la-mật nên thật hành các thiện pháp, như Niệm Phật tam-muội… sanh ra được gặp chư Phật.

Lại nữa, người thực hành Bát-nhã Ba-la-mật, vào sâu tâm đại bi, như cha lành thấy con vì không được của mà chết, cha rất thương đứa con ấy chỉ vì hư dối mà chết. Chư Phật cũng như vậy, biết các pháp là rốt ráo không, không thể có được, nhưng chúng sanh không biết, vì chúng sanh không biết nên nhiễm đắm nơi pháp không, do nhiễm đắm nên đọa đại địa ngục, thế nên sâu vào tâm đại bi, do tâm đại bi nên được vô lượng phước đức, do được vô lượng phước đức nên sanh ra được gặp chư Phật, từ một nước Phật sanh đến một nước Phật.

Bồ-tát ấy chết ở đây sanh ở kia, chết ở kia lại sanh ở đây, như vậy cho đến được thành Phật, trọn không rời Phật, ví như người đại phước, từ một hội lớn đi đến một hội lớn. Hoặc có người chết ở đây sanh ở kia, ở nơi kia dùng lực năm thần thông từ một nước Phật đi đến một nước Phật, cúng dường chư Phật, độ thoát chúng sanh; ấy là vị Bồ-tát đầu.

Nước Phật: Hằng hà sa ba ngàn đại thiên thế giới trong mười phương ấy gọi là Phật độ. Thần lực chư Phật tuy biến khắp tự tại vô ngại, nhưng chúng sanh được độ có hạn cuộc.

Chư Phật hiện tại: Phật hiện tại ở Phật quốc độ kia.

Bồ-tát thứ hai không phương tiện vào Sơ thiền cho đến hành sáu Ba-la-mật. Không phương tiện là khi vào Sơ thiền không nhớ chúng sanh, khi trú thiền, khi ra khỏi thiền cũng không nhớ chúng sanh, chỉ đắm thiền vị, không thể cùng Sơ thiền hòa hợp thực hành Bát-nhã Ba- la-mật, Bồ-tát ấy tâm từ bi mỏng, cho nên công đức mỏng ít, công đức mỏng ít nên bị quả báo Sơ thiền lôi kéo sanh vào cõi Trời sống lâu.

Lại nữa, không đem phước đức Sơ thiền cùng với chúng sanh hồi hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Như vậy có vô lượng nghĩa về chữ không phương tiện.

Trời sống lâu là Trời Phi hữu tưởng Phi vô tưởng xứ; sống tám vạn đại kiếp.

Hoặc có người nói hết thảy định Vô sắc đều chung tên là Trời sống lâu. Vì vô hình không thể biến hóa, không thể đắc đạo, thường là chỗ phàm phu.

Hoặc nói Trời Vô tưởng là Trời sống lâu, cũng không thể đắc đạo.

Hoặc nói từ Sơ thiền đến Tứ thiền, trừ Trời Tịnh cư, đều gọi là Trời sống lâu, vì đắm say tà kiến, không thể lãnh thọ đạo pháp.

Trở lại sanh vào cõi người được gặp Phật, vì do trước có phát tâm cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; hoặc do ở nơi thiền nhóm các công đức. Vì sao? Vì đắm say trong thiền, nên thiện tâm khó phát, như trong Kinh, Phật hỏi các Tỳ-kheo: “Đất trên đầu móng tay nhiều hay đất giữa đại địa nhiều?” Các Tỳ-kheo thưa: “Đất giữa đại địa rất nhiều không thể ví dụ được”. Phật dạy: “Ở trên Trời mệnh chung, kẻ sanh trở lại cõi người như đất trên đầu móng tay, còn kẻ đọa địa ngục như đất giữa đại địa”.

Hỏi: Độn căn là căn nào trong hai mươi hai căn?

Đáp: Có người nói tuệ căn hay quán các pháp, song vì đắm trước thiền vị nên trì độn.

Có người nói năm căn tín… đều giúp thành đạo pháp, song vì chịu báo đắm trước thiền vị nên độn.

Có người nói Bồ-tát do phước đức trí tuệ thanh tịnh nên mười tám căn đều lanh lợi, do tội nghiệp nên trì độn. Sáu căn mắt… như trong kinh pháp Hoa nói, mạng căn không bị già, bệnh, nghèo cùng bức não, an ổn thọ lạc, ấy là mạng căn lanh lợi. Năm căn lạc, khổ… giác tri rõ ràng cho nên nói là lanh lợi.

Lại nữa, khi thọ vui, biết có các lỗi vô thường theo đuổi cái vui, mà không sanh tham dục, nên lanh lợi. Các thọ khổ, ưu cũng như vậy.

Tín căn kiên cố sâu bền, tin được việc khó, nên nói là lanh lợi. Các tấn… cũng như vậy. Năm căn thanh tịnh được tướng âm tàng, không đắm trước xúc chạm, trơn mịn, biết dục là tội lỗi, ấy là lợi căn.

Lại nữa, ba thiện căn lợi nên gọi là lợi. Bồ-tát có khi đối với ba vô lậu căn không chứng thật tế nên lợi, trái với lợi là độn căn.

Hỏi: Bồ-tát thứ ba nếu có thể xả thiền, tại sao nói không phương tiện?

Đáp: Bồ-tát ấy lúc mệnh chung vào tâm bất thiện, xả các phương tiện thiền định. Bồ-tát nếu vào thiện tâm hệ thuộc cõi Dục. Hoặc tâm vô ký mà xả các thiền vào tâm từ bi; thương xót chúng sanh, khởi niệm rằng: Ta nếu ta sanh theo thiền định, thì không thể rộng lợi ích chúng sanh.

Sanh đến cõi Dục có mười chỗ là người ở bốn châu thiên hạ và sáu trời cõi Dục, ba ác đạo, Bồ-tát không sanh ở đó.

Căn độn là như nói ở Bồ-tát thứ hai. Bồ-tát thứ tư nhập vị được Bồ- tát đạo, tu Ba mươi bảy phẩm, trú Mười tám không, cho đến đại từ đại bi, ấy gọi là phương tiện.

Hai Bồ-tát đầu chỉ có thiền định, tu hành thẳng sáu Ba-la-mật, vì vậy nên không phương tiện.

Bồ-tát thứ tư do sức phương tiện nên không sanh theo thiền định, vô lượng tâm. Vì sao? Vì thực hành bốn niệm xứ cho đến đại từ đại bi, nên khi mệnh chung, thương xót chúng sanh, nguyện sanh đến nước Phật hiện tại ở phương khác để tiếp tục cùng Bát-nhã Ba-la-mật tương ưng.

Vì sao? Vì ưa vui tùy thuận Bát-nhã Ba-la-mật.

Hỏi: Ấy là Bồ-tát nào?

Đáp: Phật tự nói Bồ-tát trong kiếp Bạt-đà, hoặc Bồ-tát chẳng phải trong kiếp Bạt-đà, đây chỉ lấy vị Bồ-tát lớn.

Hỏi: Sao gọi Bạt-đà, sao gọi kiếp?

Đáp: Như Kinh nói, có một Tỳ-kheo hỏi Phật: “Bạch đức Thế Tôn! Bao nhiêu gọi là kiếp?” Phật bảo Tỳ-kheo: “Tuy Ta nói được nhưng ông không biết được. Ta sẽ ví dụ cho ông hiểu. Như có một thành vuông vức trăm do tuần chứa đầy hạt cải, có người sống lâu cứ qua trăm năm, lấy đi một hạt cải, hạt cải sạch hết, mà kiếp vẫn không hết. Lại như hòn đá vuông vức trăm do tuần, có người cứ trăm năm, cầm chiếc áo lụa Ca-thi nhẹ mền đến quét qua một lần, đá mòn hết, kiếp số vẫn không hết. Thời gian tối thiểu là một niệm trong mười sáu niệm (một sát-na có mười sáu niệm – N D) thời gian tối đại gọi là kiếp.

Kiếp có hai: 1. Đại kiếp. 2. Tiểu kiếp. Đại kiếp như trên ví dụ.

Lúc kiếp sắp hết, chúng sanh tự nhiên tâm ưa xa lìa. Vì ưa xa lìa nên trừ được năm triền cái, vào Sơ thiền, người ấy lìa dục sanh hỷ lạc. Từ đó khởi đầu cất tiếng xướng lớn rằng: “Này các chúng sanh! Rất đáng ghét là năm dục, an ổn đệ nhất là Sơ thiền”. Chúng sanh nghe tiếng xướng ấy rồi, tất cả chúng sanh tâm đều tự nhiên xa lìa năm dục mà vào Sơ thiền. Tự nhiên diệt giác quán mà vào đệ Nhị thiền; cũng xướng lên như vậy. Hoặc lìa Nhị thiền mà vào đệ Tam thiền cũng như vậy. Chúng sanh trong ba đường ác tự nhiên được thiện tâm, mệnh chung đều sanh vào cõi người, nếu trọng tội thì sanh vào địa ngục ở tha phương, như trong phẩm Nê-lê nói.

Khi ấy trong ba ngàn đại thiên thế giới không một chúng sanh nào còn. Bấy giờ hai mặt trời xuất hiện cho đến bảy mặt trời xuất hiện, quả đất ba ngàn đại thiên thế giới đều cháy tiêu hết. Như trong chương Mười tám không đã nói rõ tướng trạng của kiếp sanh kiếp diệt.

Lại có người nói, trong bốn đại, ba đại có động tác nên có ba loại kiếp: hoặc kiếp lửa (thời gian lửa cháy) nổi lên đốt cháy ba ngàn đại thiên thế giới cho đến Sơ thiền bốn trú xứ; hoặc khi kiếp nước nổi lên, trôi sạch ba ngàn đại thiên thế giới, cho đến Nhị thiền tám trú xứ, hoặc khi kiếp gió nổi lên thổi sạch ba ngàn đại thiên thế giới, cho đến Tam thiền, mười hai trú xứ, ấy gọi là đại kiếp.

Tiểu kiếp cũng có ba loại: ba đại bên ngoài phát sanh thì thế giới diệt, ba độc bên trong phát sanh thì chúng sanh diệt, đó là đói khát, đao binh, tật dịch.

Lại có người nói: Số thời tiết năm tháng gọi là tiểu kiếp, như trong kinh Pháp Hoa nói: Lúc Xá-lợi-phất làm Phật, chánh pháp trụ hai mươi tiểu kiếp, tượng pháp trụ hai mươi tiểu kiếp. Phật từ tam-muội khởi dậy nói kinh Pháp Hoa trong sáu mươi tiểu kiếp. Các tiểu kiếp hợp lại gọi là đại kiếp.

Kiếp-ba (Kalpa) Trung Hoa dịch là phân biệt thời tiết, Bạt-đà dịch là Thiện, có ngàn vạn kiếp quá khứ trống không không có Phật. Trong một kiếp ấy sẽ có ngàn Phật ra đời, các trời Tịnh cư hoan hỷ, nên gọi kiếp ấy là thiện kiếp.

Trời Tịnh cư sao biết kiếp ấy sẽ có ngàn Phật? Kiếp trước hết rồi, rỗng không hoàn toàn, sau đó có nước lớn, từ đáy nước vọt lên hoa sen bảy báu sáng suốt ngàn cánh, ấy là đến tướng ngàn Phật. Các trời Tịnh cư nhân đó biết có ngàn Phật.

Vì vậy nói Bồ-tát ấy trong kiếp này được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

KINH: Này Xá-lợi-phất! Có Bồ-tát ma-ha-tát vào Sơ thiền cho đến đệ Tứ thiền, vào Từ tâm cho đến Xả tâm, vào Không xứ cho đến Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, dùng sức phương tiện, không sanh theo thiền, mà trở lại sanh vào cõi Dục trong dòng Sát-lợi, dòng Bà-la-môn, đại gia cư sĩ, để thành tựu chúng sanh.

LUẬN: Hỏi: Bồ-tát có hai hạng: 1. Tùy nghiệp sanh. 2. Được pháp tánh thân. Vì độ chúng sanh, biến hóa thân sanh vào ba cõi, đủ công đức Phật, độ thoát chúng sanh. Vậy nay là thân nào trong hai thân ấy?

Đáp: Bồ-tát ấy do nghiệp nhân duyên sanh thân. Vì sao? Vì do sức phương tiện vào các thiền, không sanh theo thiền, còn pháp thân Bồ-tát biến hóa tự tại, thì không cần phương tiện lắm. Nghĩa phương tiện vào thiền, như trước nói.

Hỏi: Nếu không theo thiền định cớ sao sanh vào cõi Dục, mà không sanh vào thế giới thanh tịnh ở tha phương?

Đáp: Hạnh các Bồ-tát mỗi mỗi không đồng, hoặc có Bồ-tát ở nơi thiền chuyển tâm, sanh vào nước Phật ở tha phương, có Bồ-tát hồi tâm sanh vào cõi Dục cũng như vậy.

Hỏi: Sanh vào nước Phật ở tha phương ấy là cõi Dục hay chẳng cõi Dục?

Đáp: Nước Phật ở tha phương nếu tạp ác bất tịnh, thì ấy là cõi Dục, nếu thanh tịnh không ba ác đạo, ba độc, cho đến không có tên ba độc, cũng không có tên Nhị thừa, cũng không có nữ nhân; tất cả người đều có ba mươi hai tướng, ánh sáng vô lượng thường chiếu thế gian, trong khoảnh khắc một niệm, biến ra vô lượng thân, đi đến vô lượng hằng sa thế giới, độ vô lượng vô số chúng sanh, rồi trở lại chỗ cũ. Các thế giới như vậy ở trên đất, nên không gọi là cõi Sắc, vì không có dục nên không gọi là cõi Dục, vì có hình sắc nên không gọi là cõi Vô sắc. Các Bồ-tát ma-ha-tát do nghiệp phước đức thanh tịnh nên riêng được thế giới thanh tịnh ra ngoài ba cõi. Hoặc có vị đem tâm đại từ đại bi thương xót chúng sanh, nên sanh vào cõi Dục này.

Hỏi: Nếu khi mệnh chung, bỏ thiền định này, lúc đầu cớ sao cầu học?

Đáp: Tâm cõi Dục cuồng loạn, bất định, nhờ vì nhu nhuyễn nhiếp tâm nên vào thiền, khi mệnh chung, vì độ chúng sanh nên khởi tâm cõi Dục.

Hỏi: Nếu sanh vào cõi người, cớ gì sanh đúng vào dòng Sát-lợi mà không sanh chỗ khác?

Đáp: Sanh dòng Sát-lợi có thế lực, sanh dòng Bà-la-môn có trí tuệ, sanh vào đại gia cư sĩ giàu có, nên có thể làm lợi ích cho chúng sanh, sanh vào nhà bần cùng tự lợi còn không được, làm sao ích người. Sanh trời cõi Dục, tiếp sẽ nói.

KINH: Này Xá-lợi-phất! Lại có Bồ-tát ma-ha-tát, vào Sơ thiền cho đến đệ Tứ thiền, vào Từ tâm cho đến Xả tâm, vào Không xứ cho đến Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, do sức phương tiện nên không sanh theo thiền, mà hoặc sanh cõi Trời Tứ thiên vương, hoặc sanh cõi Trời Ba mươi ba, Trời Dạ-ma, Trời Đâu-suất-đà, Trời Hóa-lạc, Trời Tha- hóa-tự-tại. Ở nơi trong ấy thành tựu chúng sanh, cũng thanh tịnh Phật độ, thường gặp chư Phật.

LUẬN: Nghĩa này đồng với trên, chi sanh cõi Trời là khác.

Hỏi: Các Trời cõi Dục, tình đắm năm dục, khó có thể hóa độ, sao Bồ-tát sanh đến đó mà không sanh cõi người?

Đáp: Các Trời tâm đắm trước tuy lớn, mà sức phương tiện của Bồ- tát cũng lớn. Như nói trên cõi Trời Ba mươi ba có rừng cây Tu-phù-ma, Trời Thánh trong các Trời, chán bỏ năm dục, trú ở trong đó, hóa độ các trời. Trên cõi Trời Đâu-suất thường có một Bồ-tát một đời bổ xứ, các Bồ-tát thường được nghe pháp. Lực sĩ Mật-tích Kim cang, cũng ở trên Trời Tứ thiên vương. Như vậy để giáo hóa chư thiên.

KINH: Lại nữa, Xá-lợi-phất! Có Bồ-tát ma-ha-tát hành Bát-nhã Ba-la-mật, do sức phương tiện nên vào Sơ thiền, ở đây mạng chung sanh chỗ Phạm thiên, làm vua Trời Đại Phạm. Từ chỗ Phạm thiên, đi đến một nước Phật rồi đến một nước Phật, ở chỗ có Phật chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác mà chưa Chuyển pháp luân, thì khuyến thỉnh chuyển.

LUẬN: Hỏi: Nếu sanh theo Sơ thiền, có phương tiện gì?

Đáp: Tuy sanh mà không đắm hương vị Sơ thiền, thường niệm Phật đạo, nhớ bổn nguyện, vào tâm từ, Niệm Phật tam-muội, hòa hợp với thiền, nên gọi là phương tiện.

Hỏi: Cớ sao làm Phạm vương?

Đáp: Bồ-tát do nhân duyên nhóm phước đức lớn, đời đời thường làm chủ loài vật, cho đến sanh trong loài nai cũng làm vua.

Lại nữa, bổn nguyện của Bồ-tát ấy là muốn thỉnh Phật Chuyển pháp luân, không phải làm Tán thiên. Hoặc có khi trong ba ngàn đại thiên thế giới này không có Phật, thì từ một nước Phật đi đến một nước Phật, tìm cầu vị Phật mới thành mà chưa Chuyển pháp luân để khuyến thỉnh. Vì sao? Vì pháp của vua Phạm thiên là thường nên khuyến thỉnh chư Phật Chuyển pháp luân như vậy.

KINH: Này Xá-lợi-phất! Có Bồ-tát ma-ha-tát một đời bổ xứ, hành Bát-nhã Ba-la-mật, do sức phương tiện nên vào Sơ thiền, cho đến đệ Tứ thiền, vào Từ tâm cho đến Xả tâm, vào Không xứ cho đến Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, tu Bốn niệm xứ cho đến Tám Thánh đạo, vào Không tam-muội, Vô tướng, Vô tác tam-muội, không sanh theo thiền, mà sanh chỗ có Phật, tu phạm hạnh, nếu sanh trên cõi trời Đâu-suất, tùy khi mệnh chung, đầy đủ thiện căn, không mất chánh niệm; với vô số trăm ngàn vạn ức chư thiên cung kính vây quanh, sanh đến trong đây, chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

LUẬN: Hỏi: Vị Bồ-tát một đời bổ xứ, ở địa vị thập trụ, đã đầy đủ các công đức, sao nay còn tu tập các hạnh?

Đáp: Tâm chưa vào Niết-bàn, cần phải có tu hành. Đó là tu bốn thiền cho đến ba tam-muội.

Lại nữa, Bồ-tát ấy tuy ở trong cõi trời cõi người thị hiện làm theo phép người, tu hành cầu đạo.

Lại nữa, Bồ-tát ấy ở địa vị thập trụ, vẫn còn có phiền não tập khí. Lại đối các pháp còn có điều không biết, thế nên tu hành.

Lại nữa, Bồ-tát ấy tuy hành hạnh sâu, còn chưa thủ chứng ba mươi bảy đạo phẩm, ba môn giải thoát, nay vì thủ chứng nên lại tu hành các hạnh.

Lại nữa, tuy là Đại Bồ-tát nhưng đối với Phật còn nhỏ, thí như đống lửa lớn tuy có chiếu soi mà đối với mặt trời thì không hiện. Như trong kinh Phóng bát, Bồ-tát Di-lặc nói với Văn-thù-sư-lợi: Như tôi thân sau lại làm Phật, Văn-thù-sư-lợi số như hằng hà sa còn không biết việc tôi cất chân để chân, vì vậy nên tuy ở địa vị thập trụ, còn phải tu hành.

Hỏi: Bồ-tát một đời bổ xứ cớ sao không rộng độ chúng sanh, mà cần phải sanh ở trước đức Phật?

Đáp: Bồ-tát độ sanh đã nhiều, nay sắp gần thành Phật, nên ở trước Phật. Vì sao? Vì chẳng phải chỉ độ chúng sanh, được thành Phật, mà các pháp thâm diệu của chư Phật cũng phải nên nghe hiểu.

Hỏi: Nếu vì hỏi việc Phật nên ở trước Phật, cớ sao đức Thích-ca Văn Phật khi làm Bồ-tát ở trước Phật Ca-diếp mà ác khẩu hủy báng?

Đáp: Việc ấy trước đã nói rồi, là pháp thân Bồ-tát biến hóa các thân để độ chúng sanh. Hoặc có khi làm theo phép của người có đủ thứ đói khát, lạnh nóng, già bệnh, ghét yêu, giận mừng, tán thán, quở mắng… trừ các trọng tội, mọi việc khác đều làm.

Bồ-tát Thích-ca văn ấy bấy giờ làm em Phật Ca-diếp, tên là Uất- đa-la, anh trí tuệ thuần thục, không ưa nói nhiều, em trí tuệ chưa đủ nên ưa luận nghị nhiều. Người thời ấy cho em là hơn; về sau anh xuất gia, đắc thành Phật đạo, hiệu là Ca-diếp. Em làm thầy vua cõi Diêm-phù-đề tên Ngật-lê-cơ. Có năm trăm đệ tử thường lấy sách Bà-la-môn dạy cho các Bà-la-môn. vì các Bà-la-môn không ưa Phật pháp. Bấy giờ có thợ gốm tên Nan-đà Bà-la là đệ tử năm giới của Phật Ca-diếp, chứng đắc đạo quả thứ ba A-na-hàm cùng với thầy vua là Uất-đa-la, làm bạn lành, vì Uất-đa-la có tâm thiện, lòng tin thanh tịnh.

Bấy giờ Uất-đa-la cỡi xe vàng, bốn ngựa trắng kéo, cùng đệ tử đi ra cửa thành, Nan-đề Bà-la gặp ở giữa đường. Uất-đa-la hỏi từ đâu đi đến. Đáp rằng: anh ông chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. tôi cúng dường xong trở về, ông có thể cùng đi với tôi đến yết kiến Phật, cho nên tôi đến đón ông đi.

Uất-đa-la suy nghĩ rằng, nếu ta đi thẳng đến chỗ Phật, thì các đệ tử ta sẽ lấy làm lạ mà sanh nghi rằng: Ông vốn có trí tuệ luận nghị hơn người, nay đi đến cúng dường, hẳn là vì thương yêu thân thuộc, chắc chúng nó không theo ta nữa, Vì sợ phá nhân duyên thấy Phật của chúng nó, nên trú trong trí biết thật tướng các pháp, vào tuệ phương tiện vô thượng, để độ chúng đệ tử, nên miệng xuất lời ác rằng: Ông trọc đầu ấy (chỉ anh là Phật Ca-diếp) làm sao có thể đắc đạo Bồ-đề!

Bấy giờ bạn lành Na-đề-bà-la làm ra vẻ giận dữ, nắm đầu Uất-đa- la kéo đi và nói: Ông không được dừng lại!

Uất-đa-la nói với các đệ tử, việc đã như vậy, ta không thể dừng lại mà không đi được!

Tức thời thầy trò cùng đi đến chỗ Phật. Thấy Phật tướng tốt, tâm liền thanh tịnh, trước đảnh lễ chân Phật, rồi ngồi qua một bên. Phật theo ý thuyết pháp cho. Uất-đa-la được vô lượng môn Đà-la-ni, mở các cửa tam-muội, năm trăm đệ tử trở lại phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Uất-đa-la từ chỗ ngồi đứng dậy bạch Phật rằng: “Xin Phật cho tôi xuất gia làm Tỳ-kheo”. Phật dạy: “Thiện lai”, liền thành Sa-môn.

Do phương tiện ấy, xuất ra lời ác, chẳng phải thật ác. Hư không có thể phá, nước có thể làm thành lửa, lửa có thể làm thành nước, Bồ-tát đối với người phàm còn không nổi giận huống gì đối với Phật.

Hỏi: Nếu như vậy, sao Phật còn chịu tội báo thứ tám là khổ hạnh sáu năm?

Đáp: Pháp Tiểu thừa khác với pháp Đại thừa. Nếu không khác thì không nên có đại tiểu. Trong pháp Tiểu thừa không nói đến pháp thân Bồ-tát với pháp bí áo vi diệu, vô lượng thần lực bất khả tư nghì, mà phần nhiều nói về việc dứt kiết sử đi thẳng chứng Niết-bàn.

Lại nữa, nếu Phật không thọ tội báo thứ tám ấy, sẽ có chư Thiên, Thần tiên, Rồng, Quỷ, những kẻ sống lâu, thấy có ác nghiệp mà không thọ tội báo, thì cho là không có nhân duyên nghiệp báo. Vì vậy, tuy hiện tại không có ác nghiệp cũng thọ tội báo.

Lại có nhân duyên đời nay là các ngoại đạo đều tin tưởng khổ hạnh, nếu Phật không sáu năm khổ hạnh, thì người ta không tin, nói rằng người con vua ấy quen vui, không thể khổ hạnh được. Vì vậy Phật sáu năm khổ hạnh, có kẻ theo ngoại đạo khổ hạnh ba tháng, nửa năm, một năm, không ai có thể sáu năm ngày ăn một hạt mè hạt gạo. Các ngoại đạo cho đó là khổ hạnh cùng cực, người ấy nếu vô đạo, thật vô đạo vậy. Bấy giờ họ mới tín thọ, đều vào chính đạo.

Do hai nhân duyên ấy, tu khổ hạnh sáu năm, chứ chẳng phải thật tội. Vì sao? Vì hết thảy chư Phật dứt hết tất cả điều bất thiện, thành tựu tất cả thiện pháp. Phật nếu thật thọ tội báo, thì không được nói thành tựu tất cả thiện pháp, dứt tất cả pháp bất thiện.

Lại nữa, trong pháp Tiểu thừa, Phật vì chúng sanh tiểu tâm nên nói Bồ-tát một đời bổ xứ, ác khẩu mắng Phật, chứ thật Bồ-tát một đời bổ xứ còn không mắng trẻ con làm sao thật mắng Phật. Đều là phương tiện vì chúng sanh. Sao biết? Phật Thích-ca Văn ấy, trong thời đức Phật Tỳ-bà- thi, Ngài làm vị đại Bà-la-môn thấy Phật chúng Tăng ăn mau mà phát lời nói rằng: “Bọn người như vậy, nên ăn lúa ngựa”. Do tội ấy bị đọa địa ngục Hắc-thằng chịu khổ vô lượng đời rồi, vì nhân duyên của tội dư thừa ấy, tuy nay thành Phật đạo, còn phải ba tháng ăn lúa ngựa.

Lại trong pháp Thanh văn nói: “Phật qua khỏi ba vô số kiếp, thường làm nam tử, thường sanh chỗ quí, thường không mất các căn, thường biết kiếp trước, không đọa ba ác đạo, từ đức Tỳ-bà-thi trở lại chín mươi mốt kiếp”.

Như pháp ông đó, trong chín mươi mốt kiếp, Phật không phải đọa ác đạo, huống gì trong một kiếp cuối cùng. Vì vậy nên biết Phật chẳng phải thọ báo thật, vì phương tiện nên nói vậy thôi.

Hỏi: Phật hai tội, nói ở trong Tỳ-ni và Tạp tạng, là có thể tin thọ. Trong một trăm kiếp tiếp sau ba vô số kiếp, không đọa ác đạo, thì từ vô số kiếp đầu cũng không nên đọa ác đạo. Nếu không đọa, cớ sao chỉ nói trong một trăm kiếp Phật không nói lời ấy, đó chỉ là luận nghị sư của A- tỳ-đàm Tỳ-bà-sa (Abhi-dharma-vibhasa) nói?

Đáp: A-tỳ-đàm là Phật nói: Thanh văn các ông theo A-tỳ-đàm mà luận nghị, ấy gọi là Tỳ-bà-sa, không nên lầm lẫn!

Lại như Bạc-câu-lô đem một quả Ha-lê-lặc thí cho Tăng, mà trong chín mươi mốt kiếp không đọa ác đạo, huống gì Bồ-tát vô lượng đời lại đây đem thân bố thí, tu các công đức, mà vì nhân duyên tội nhỏ phải đọa địa ngục! Việc như vậy, Tỳ-bà-sa không nên lầm. Vì vậy, người Tiểu thừa không biết Bồ-tát phương tiện.

Lại nữa, cho phép Tỳ-bà-sa các ông không lầm, Phật tự nói chỗ bốn khởi của Bồ-tát: Lúc Bồ-tát mới sanh, đi bảy bước, miệng tự nói Ta sanh ra vì độ chúng sanh, nói rồi, im lặng. Bú mớm ba năm, không đi, không nói, lần lữa khôn lớn, đi, nói như người thường. Tất cả hài nhi lúc nhỏ chưa thể đi, nói, dần dần khôn lớn, mới đầy đủ vóc người, nay cớ sao Bồ-tát mới sanh, đi được, nói được, sau đó bèn không? Nên biết đó là phương tiện. Nếu nhận đó là phương tiện thì hết thảy Phật ngữ đều thông, nếu không nhận thì một thật một hư!

Do các nhân duyên như vậy, biết Phật vì độ chúng sanh nên thị hiện ác khẩu.

Hỏi: Sao Bồ-tát một đời bổ xứ, chỉ sanh ở cõi trời Đâu-suất mà không sanh chỗ khác?

Đáp: Nếu ở thế giới tha phương đến, các trời sống lâu; rồng, quỷ, thần tìm chỗ Ngài từ đâu đến không biết được thì sanh nghi cho là người huyễn hóa. Nếu ở trong loài người chết sanh lại trong loài người, vậy sau làm Phật, thì người tâm sanh khinh mạn, còn trời thì không tin. Theo phép, trời nên đến giáo hóa người, không nên người giáo hóa trời. Thế nên từ trên trời sanh đến, là từ trời làm người, thì người kính tin.

Trong cõi Vô sắc, vô hình không thể thuyết pháp, nên không sanh ở trong đó.

Trong cõi Sắc tuy có sắc thân, có thể vì người thuyết pháp, song vì đắm sâu thiền vị, không thể lợi ích lớn cho chúng sanh, cho nên không sanh ở trong đó.

Ba tầng trời cõi Dục dưới hết, kiết sử sâu dày, tâm thô tạp loạn, hai tầng trời cõi Dục trên, kiết sử đã mỏng, tâm quen không lợi; còn trên trời Đâu-suất, kiết sử mỏng, tâm lanh lợi, thường là nơi ở của Bồ-tát; ví như thái tử sắp lên ngôi vua, trước ở nhà tĩnh lặng, bảy ngày trai tịnh. Vậy sau lên chánh điện thọ lãnh ngôi vua. Bồ-tát bổ xứ cũng như vậy, trên trời Đâu-suất như nhà trai tịnh, ở đó cuối cùng thọ hưởng vui trời, mệnh chung sanh xuống, cuối cùng thọ hưởng vui người, bèn thành Chánh giác. Có vô lượng chư thiên vây quanh Bồ-tát sanh đến trong đây, vì Bồ-tát trước từ trong vô thỉ sanh tử thường qua lại cõi trời cõi người, nay là thân trời cuối cùng không còn trở lại cõi trời nữa, vì thế chư thiên đều hầu đưa đi.

Bồ-tát mệnh chung ở Đâu-suất, sẽ sanh xuống cõi người làm Phật, chư Thiên mệnh chung, chưa mệnh chung, đều nguyện sanh xuống cõi người làm đàn-việt của Bồ-tát.

Lại nữa, chư Thiên sanh xuống muốn thường hộ vệ Bồ-tát, vì có

trăm ức ma oán sợ đến não hại Bồ-tát. Bồ-tát này sanh trong cõi người rồi chán già, bệnh, chết, xuất gia chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, như nói trong kinh Bồ-tát bổn khởi.

KINH: Lại nữa, Xá-lợi-phất! Có Bồ-tát ma-ha-tát được sáu thần thông, không sanh cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc, mà từ một nước Phật đến một nước Phật, cúng dường cung kính, tôn trọng, tán thán chư Phật.

Này Xá-lợi-phất! Có Bồ-tát ma-ha-tát được thần thông du hý, từ một nước Phật đến một nước Phật, chỗ đi đến không có Thanh văn, Bích- chi Phật thừa, cho đến không có danh từ Nhị thừa.

Này Xá-lợi-phất! Có Bồ-tát ma-ha-tát được thần thông du hý, từ một nước Phật đến một nước Phật, chỗ đi đến, sống lâu vô lượng.

Này Xá-lợi-phất! Có Bồ-tát ma-ha-tát được thần thông du hý, từ một quốc độ đến một quốc độ, chỗ đi đến, có nơi không có Phật Pháp Tăng, thì tán thán công đức Phật Pháp Tăng, các chúng sanh nghe được danh từ Phật Pháp Tăng, mệnh chung ở nơi đó, được sanh đến trước Phật.

LUẬN: Bồ-tát có hai: 1. Sanh thân Bồ-tát. 2. Pháp thân Bồ-tát. Một dứt kiết sử, một không dứt kiết sử. Pháp thân Bồ-tát dứt kiết sử, được sáu thần thông, sanh thân Bồ-tát không dứt kiết sử, được năm thần thông. Vị được sáu thần thông thì không sanh vào ba cõi, dạo đi các thế giới, cúng dường mười phương chư Phật. Vị được thần thông du hý thì đến mười phương thế giới độ chúng sanh, mưa bảy báu; ở thế giới đi đến, đều là nhất thừa thanh tịnh, sống lâu vô lượng vô số kiếp.

Hỏi: Phép của Bồ-tát là phải độ chúng sanh, cớ sao chỉ đi đến thế giới thanh tịnh, sống lâu vô lượng?

Đáp: Bồ-tát có hai hạng: 1. Có tâm từ bi, phần nhiều vì chúng sanh. 2. Phần nhiều nhóm các công đức chư Phật.

Người ưa nhóm nhiều công đức chư Phật thì đến thế giới nhất thừa thanh tịnh sống lâu vô lượng. Người ưa vì chúng sanh nhiều thì đến chỗ không có Phật Pháp Tăng. Tán thán danh Tam bảo, như chương sau sẽ nói.

KINH: Này Xá-lợi-phất! Có Bồ-tát ma-ha-tát lúc mới phát tâm, được Sơ thiền cho đến đệ Tứ thiền, được Bốn tâm vô lượng, được Bốn định vô sắc, tu Bốn niệm xứ cho đến Mười tám pháp không chung, vị Bồ-tát ấy không sanh trong cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc mà thường sanh đến chỗ có lợi ích cho chúng sanh.

LUẬN: Vị Bồ-tát ấy hoặc sanh ở thế giới không có Phật, hoặc sanh ở thế giới có Phật, hoặc sanh vào thế giới bất tịnh có ba ác đạo, bần cùng hạ liệt, hoặc sanh thế giới thanh tịnh.

Sanh đến thế giới không có Phật, thì lấy Mười thiện đạo, Bốn thiền, cho đến Bốn định vô sắc, làm lợi ích chúng sanh, khiến tín hướng Tam bảo, tuyên nói năm giới và giới xuất gia, khiến được Thiền định, Trí tuệ công đức.

Thế giới không thanh tịnh có hai: có Phật hiện tại và sau Phật điệt độ. Sau Phật điệt độ, hoặc có khi xuất gia, hoặc có khi tại gia, đem tài thí pháp thí làm lợi ích chúng sanh. Nếu Phật đang tại thế thì tạo các nhân duyên dẫn đạo chúng sanh khiến đến chỗ Phật.

Ở thế giới thanh tịnh mà chúng sanh chưa đủ công đức thì làm cho họ đầy đủ. Ấy gọi là chỗ sanh đến làm lợi ích chúng sanh.

KINH: Này Xá-lợi-phất! Có Bồ-tát ma-ha-tát lúc mới phát tâm, hành sáu Ba-la-mật, lên địa vị Bồ-tát, được bất thối chuyển.

Này Xá-lợi-phất! Có Bồ-tát ma-ha-tát lúc mới phát tâm, liền được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác liền chuyển pháp luân, làm lợi ích thâm hậu cho vô lượng vô số chúng sanh xong, vào Vô dư Niết-bàn. Sau khi Phật ấy Niết-bàn, Chánh pháp lưu lại hoặc một kiếp hoặc non một kiếp.

Này Xá-lợi-phất! Có Bồ-tát ma-ha-tát lúc mới phát tâm, cùng Bát- nhã Ba-la-mật tương ưng, cùng với vô số trăm ngàn ức Bồ-tát từ một nước Phật đến một nước Phật, làm thanh tịnh Phật độ.

LUẬN: Có ba hạng Bồ-tát căn lợi tâm bền. Khi chưa phát tâm đã từ lâu nhóm vô lượng phước đức trí tuệ, người ấy gặp Phật nghe pháp Đại thừa, phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tức thời thật hành Sáu Ba-la-mật, vào Bồ-tát vị được bất thối chuyển. Vì sao? Vì trước nhóm vô lượng phước đức, căn lợi tâm bền, theo Phật nghe pháp. Ví như đi xa, có người cỡi dê, có người cỡi ngựa, có người dùng thần thông. Người cỡi dê thật lâu mới đến, người cỡi ngựa hơi mau hơn, người cỡi thần thông móng ý liền đến, như vậy không được nói trong lúc phát tâm làm sao đến được. Tướng trạng thần thông là như vậy, không nên sanh nghi. Bồ-tát cũng như vậy, khi phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, liền vào Bồ-tát vị.

Có Bồ-tát mới phát tâm, tâm ban đầu tuy tốt, về sau xen các niệm ác, thường thường khởi niệm: Ta cầu Phật đạo, đem các công đức hồi hướng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, người ấy thật lâu vô lượng vô số kiếp hoặc đến hoặc không đến, vì nhân duyên phước đức đời trước mỏng, mà lại độn căn, tâm không bền chắc, như người cỡi dê.

Có người đời trước có chút ít phước đức lợi căn, phát tâm dần dần thật hành sáu Ba-la-mật, trải qua hoặc ba hoặc mười hoặc trăm vô số kiếp, chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, như người cỡi ngựa chắc đi đến được.

Hạng thứ ba người cỡi thần thông thì như trên vừa nói.

Ba hạng phát tâm ấy là:

  1. Tội nhiều phước ít.
  2. Phước nhiều tội ít
  3. Chỉ thật hành phước đức thanh tịnh.

Thanh tịnh có hai: 1. Lúc mới phát tâm liền được Bồ-tát đạo 2. Sau thời gian ngắn, cúng dường mười phương chư Phật, thông đạt Bồ-tát đạo, vào Bồ-tát vị, tức là địa vị bất thối. Nghĩa Bồ-tát bất thối như trên đã nói. 3. Hạng Bồ-tát phát tâm thứ hai, Bồ-tát tiếp sau, rất chán thế gian, đời đời lại đây thường ưa chân thật, ghét giả dối, Bồ-tát này cũng căn lợi tâm bền, lâu ngày nhóm vô lượng phước đức trí tuệ, khi mới phát tâm liền được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; liền chuyển pháp luân, độ vô lượng chúng sanh, vào Vô dư Niết-bàn, chánh pháp trụ thế hoặc một kiếp, hoặc non một kiếp, lưu lại hóa Phật để độ chúng sanh.

Phật có hai lực thần thông:

  1. Lúc còn ở đời.
  2. Sau khi diệt độ.

Nghĩa chữ kiếp như trên đã nói. Chúng sanh được độ trong một kiếp cũng không ít.

Hạng Bồ-tát phát tâm thứ ba, cũng căn lợi tâm bền, lâu ngày nhóm phước đức, phát tâm liền cùng Bát-nhã Ba-la-mật tương ưng, được Sáu thần thông, cùng vô lượng chúng sanh xem mười phương thế giới thanh tịnh mà tự trang nghiêm quốc độ mình, như Phật A-đi-đà, đời trước lúc làm Tỳ-kheo Pháp-tạng, được Phật dẫn đến khắp mười phương, chỉ cho thấy cõi nước thanh tịnh, khiến chọn cõi nước thanh tịnh để tự trang nghiêm nước mình.