LUẬN ĐẠI TRÍ ĐỘ
Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 27

42. GIẢI THÍCH ĐẠI TỪ ĐẠI BI

Đại từ, Đại bi đã phân biệt ở trong chương nói về Bốn tâm vô lượng rồi, nay sẽ nói lược thêm. Đại từ đem vui cho tất cả chúng sanh, Đại bi cứu khổ tất cả chúng sanh; Đại từ đem nhân duyên hỷ lạc cho chúng sanh, Đại bi đem nhân duyên lìa khổ cho chúng sanh. Ví như có người, các con bị lao tù, sắp chịu xử tử, cha nó thương xót, dùng đủ cách khiến cho nó được khỏi, ấy là Đại bi. Khi được khỏi khổ rồi, lấy năm điều dục lạc cấp cho nó, ấy là Đại từ. Như thế là sai biệt giữa từ và bi.

Hỏi: Đại từ, Đại bi là như thế, thế nào là Tiểu từ Tiểu bi? Nhân tiểu ấy mà gọi là đại chăng?

Đáp: Từ bi thuộc trong Bốn vô lượng tâm gọi là tiểu, Đại từ, Đại bi được thứ lớp nói trong Mười tám pháp không chung, gọi là đại.

Lại nữa, Từ bi trong tâm Phật gọi là đại, Từ bi trong tâm người khác gọi là tiểu.

Hỏi: Nếu như vậy, cớ sao nói Bồ-tát thực hành Đại từ Đại bi?

Đáp: Đại từ của Bồ-tát, đối với Phật là tiểu, đối với người Nhị thừa là đại, ấy là giả danh đại. Đại từ Đại bi của Phật, chân thật tối đại.

Lại nữa, Tiểu từ chỉ có tâm nghĩ đến chúng sanh vui mà không có vui thật sự, Tiểu bi là thấy chúng sanh bị thân khổ tâm khổ, thương xót mà thôi, chứ không cứu thoát được. Đại từ là nghĩ làm cho chúng sanh được vui và cũng cho vui thật sự. Đại bi là thương xót chúng sanh khổ và cùng làm cho thoát khổ.

Lại nữa, Từ bi của người phàm phu, hàng Thanh văn, Bích-chi Phật. Bồ-tát. gọi là tiểu, Từ bi của Phật mới gọi là đại.

Lại nữa. Đại từ là từ trong tâm đại nhân sanh ra Mười lực, bốn việc không sợ, Bốn trí vô ngại, Mười tám pháp không chung, từ trong đại pháp xuất ra, có thể phá đại khổ của ba đường ác, có thể cho ba thứ vui lớn là vui trời. vui người: vui Niết-bàn.

Lại nữa, Đại từ trùm khắp chúng sanh mười phương ba đời, cho đến côn trùng, Từ thấu xương tủy, tâm không lìa bỏ. Chúng sanh trong ba ngàn đại thiên thế giới, đọa ba đường ác, nếu có người chịu thay hết khổ đó, làm cho được thoát, lại lấy năm thứ dục lạc, thiền định lạc, thế gian tối thượng lạc, tự do đem cho được đầy đủ tất cả, rồi đem so với Từ bi của Phật, trong ngan vạn phần không kịp một. Vì cớ sao? Vì cái vui thế gian giả dối không thật, không lìa khỏi sanh tử.

Hỏi: Pháp ở trong tâm Phật, hết thảy đều đại, cớ sao chỉ nói Từ bi là đại?

Đáp: Các pháp công đức của Phật đều đại.

Hỏi: Nếu như vậy, sao chỉ nói từ bi là đại?

Đáp: Từ Bi là căn bản của Phật đạo. Vì sao? Vì Bồ-tát thấy chúng sanh bị sanh, già, bệnh, chết khổ. thân khổ, tâm khổ, đời này đời sau bị các khổ bức não, sanh tâm Đại từ Đại bi cứu các khổ như vậy, rồi sau phát tâm cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Cũng vì lực Đại từ bi nên ở trong sanh tử trải vô lượng A-tăng-kỳ kiếp, tâm không chán bỏ. Do lực Đại từ bi, nên đáng được Niết-bàn từ lâu mà không thủ chứng. Vì vậy nên Từ bi trong pháp của chư Phật là đại. Nếu không tâm Đại từ Đại bi thì đã sớm vào Niết-bàn.

Lại nữa, khi đắc Phật đạo, thành tựu vô lượng thiền định sâu xa, các tam-muội giải thoát, sanh cái vui thanh tịnh, mà xả bỏ không lãnh thọ; đi vào xóm làng thành ấp dùng các thí dụ nhân duyên để thuyết pháp, biến hiện thân hình, vô lượng âm thanh, nghinh đón hết thảy, nhẫn chịu chúng sanh mắng nhiếc phỉ báng, cho đến tự làm kỹ nhạc, đều là do lực Đại từ Đại bi.

Lại nữa, Đại từ Đại bi, tiếng đại ấy chẳng phải Phật tự nói, mà do chúng sanh nói, ví như sư tử lực đại, không tự nói lực đại mà đều do muôn thú xưng gọi, chúng sanh nghe diệu pháp của Phật, biết Phật vì cứu hộ chúng sanh nên trong vô lượng A-tăng-kỳ kiếp, làm việc khó làm, chúng sanh nghe thấy việc ấy, mà gọi pháp ấy là Đại từ Đại bi. Ví như một người có hai bạn thân, người ấy vì có tội phải bị giam lao tù, một bạn lo cung cấp sự cần dùng, một bạn chịu chết thay; mọi người nói người bạn chịu chết thay ấy là Đại từ bi. Phật cũng như vậy, đời đời vì hết thảy chúng sanh đem đầu mắt tủy não bố thí; đều vì hết thảy chúng sanh, chúng sanh nghe thấy việc ấy, cùng nhau gọi đó là Đại từ Đại bi. Như vua Thi-tỳ (Sibi) vì cứu chim bồ câu, đem hết thịt trong thân thay thế, vẫn không cân bằng thân bồ câu, lại lấy tay vịn cân muốn đem cả thân thay thế. Bấy giờ đại địa chấn động sáu cách, nước biển nổi sóng, chư thiên đem hương hoa cúng dường vua, chúng sanh xưng tán rằng: Cảm thương một con chim nhỏ đến như vậy, thật là Đại từ Đại bi. Phật nhân chúng sanh gọi, nên nói là Đại từ Đại bi. Vô lượng chuyện như vậy, đều có nói rộng ở trong truyện Bổn sanh.

Hỏi: Các công đức khác như thiền định… vì người ta không biết, nên không xưng là đại, còn Trí tuệ hay thuyết pháp… khiến người đắc đạo, cớ sao không xưng là đại?

Đáp: Công năng Trí tuệ của Phật không ai biết hết được, còn Đại từ Đại bi, vì đời đời không tiếc thân mạng, bỏ cái vui thiền định để cứu chúng sanh, nên ai nấy đều biết. Đối với Trí tuệ Phật chỉ có thể suy loại mà biết, chứ không thể biết rõ ràng, còn tâm từ bi thì mắt thấy, tai nghe, nơi nơi biến hóa, rống lớn tiếng sư tử, cho nên có thể biết được.

Lại nữa, Trí tuệ Phật vi diệu, các Bồ-tát, Xá-lợi-phất còn không thể biết, huống gì người khác. Tướng Từ bi có thể mắt thấy tai nghe, nên người tin thọ được; còn Trí tuệ thâm diệu không thể lường biết.

Lại nữa, Đại từ Đại bi ấy, hết thảy chúng sanh đều ưa thích, thí như thuốc ngon người ta ưa uống, còn Trí tuệ như uống thuốc đắng, phần nhiều không ai ưa. Người phần nhiều ưa, nên xưng từ bi là đại.

Lại nữa, Trí tuệ thứ người đắc đạo mới tin thọ được, còn tướng đại từ bi, hết thảy loại tạp đều tin được, như thấy hình tướng, hoặc nghe nói, đều tin thọ được, và vì làm lợi ích nhiều, nên xưng là Đại từ Đại bi.

Lại nữa, Đại trí tuệ là tướng xả, tướng xa lìa, còn Đại từ bi là tướng thương xót lợi ích chúng sanh. Sự thương xót lợi ích ấy, được hết thảy chúng sanh ưa thích, cho nên gọi là đại. Đại từ Đại bi ấy, như trong kinh Trì Tâm nói: Đại từ Đại bi có ba mươi hai thứ thực hành ở giữa chúng sanh. Tướng nhiếp thuộc và các duyên của đại từ đại bi như đã nói trong chương Bốn tâm vô lượng ở trước.

Lại nữa, công đức Đại từ bi của Phật, không nên phân biệt tìm cầu hết tướng nó như trong pháp của Ca-chiên-diên đã làm. Các luận nghị sư trên đây dùng pháp của Ca-chiên-diên để phân biệt hiển bày, không nên tin hết vào đó. Vì cớ sao? Vì Ca-chiên-diên nói Đại từ bi, hết thảy Trí tuệ là pháp hữu lậu, pháp hệ thuộc, pháp thế gian. Việc ấy không đúng, vì Đại từ bi là căn bản của hết thảy Phật pháp, cớ sao nói là pháp hữu lậu, pháp hệ thuộc, pháp thế gian?

Hỏi: Đại từ bi là căn bản Phật pháp, nên là hữu lậu, như trong bùn sanh hoa sen, không được nói bùn cũng đẹp, Đại từ bi cũng như vậy, tuy là căn bản Phật pháp, cũng không thể là vô lậu?

Đáp: Đại từ bi là nói vị Bồ-tát khi chưa thành Phật, hoặc nói là hữu lậu, sự sai lầm ấy còn ít, nay Phật đã được trí giải thoát vô ngại, nên hết thảy pháp đều thanh tịnh, tất cả phiền não và tập khí dứt sạch. Thanh văn. Bích-chi Phật không được trí giải thoát vô ngại, phiền não tập khí không hết, nhiều chỗ nghi không dứt, cho nên tâm phải hữu lậu, còn chư Phật thì không có việc ấy, cớ sao nói Đại từ Đại bi của Phật nên là hữu lậu?

Hỏi: Tôi không dám không kính Phật, nhưng vì tâm từ bi là vì chúng sanh mà phát sanh, thì nên là hữu lậu?

Đáp: Thế lực chư Phật không thể nghĩ bàn, các Thanh văn, Bích-chi Phật không thể lìa ý tưởng chúng sanh mà sanh từ bi, còn chư Phật có thể lìa ý tưởng chủng sanh mà sanh từ bi. Vì cớ sao? Vì như tướng chúng sanh mười phương là bất khả đắc, mà các A-la-hán, Bích-chi Phật, lại chấp thủ tướng chúng sanh mà sanh Từ bi, còn chư Phật tìm tướng chúng sanh mười phương là bất khả đắc, cũng không chấp thủ tướng chúng sanh mà vẫn sanh từ bi, như trong kinh Vô Tận Ý nói: Có ba thứ Từ bi, là chúng sanh duyên, pháp duyên, vô duyên.

Lại nữa, dối với hết thảy chúng sanh chỉ có Phật hành cùng tận pháp không dối. Nếu Phật đối với chúng sanh chấp thủ tướng mà hành tâm từ bi, thì không gọi là hành pháp không dối. Vì sao? Vì chúng sanh là rốt ráo không thể có được, Thanh văn, Bích-chi Phật không gọi là hành cùng tận pháp không dối, cho nên Thanh văn, Bích-chi Phật đối với chúng sanh, với pháp, hoặc chấp thủ tướng, hoặc không chấp thủ tướng, không nên nạn vấn, vì không hành tận cùng pháp không dối. Nhất thiết trí dứt hết thảy các lậu, có thể từ trong tất cả pháp hữu lậu mà sanh ra, có thể làm nhân duyên cho vô lậu, pháp ấy cớ sao tự là hữu lậu được!

Hỏi: Trí vô lậu mỗi mỗi có sở duyên, không thể duyên hết thảy pháp, chỉ có trí thế tục mới có thể duyên hết thảy pháp, vì vậy nên nói Nhất thiết trí là tướng hữu lậu?

Đáp: Trong giáo pháp ông có thưyết ấy. Chẳng phải trong Phật pháp nói; như người cầm cân đi vào chợ, không đúng với cân của quan, không ai dùng đến. Ông cũng như vậy, tự dùng pháp của mình không đúng với Phật pháp, không ai dùng đến. Trí tuệ vô lậu cớ sao nói không thể duyên hết thảy pháp; trí hữu lậu là giả danh hư dối, thế lực ít ỏi, không thể chân thật duyên hết thảy pháp, mà trong giáo pháp ông tự nói trí ấy duyên được hết thảy pháp!

Lại nữa, trong pháp Thanh văn có mười trí, trong pháp Đại thừa có mười một trí, gọi là Như thật trí (trí thứ mười một). Mười trí ấy vào trong Như thật trí này, đều thành một trí, đó là trí vô lậu; như nước mười phương chảy vào trong biển lớn, đều thành một vị. Đại từ Đại bi ấy nhiếp vào Tam-muội vương Tam-muội, Sư tử du hy Tam-muội của Phật.

Như vậy, đã lược nói nghĩa của Đại từ Đại bi.

KINH: Bồ-tát ma-ha-tát muốn được Đạo trí, hãy tập hành Bát-nhã Ba-la-mật. Bồ-tát ma-ha-tát muốn lấy Đạo trí làm đầy đủ Đạo chủng trí, hãy tập hành Bát-nhã Ba-la-mật.

LUẬN: Đạo là một đạo, một mực hướng tới Niết-bàn; đối với thiện pháp, nhất tâm không phóng dật, đạo theo thân tâm niệm đến.

Đạo lại có hai: Ác đạo, thiện đạo; thế gian đạo, xuất thế đạo; định đạo, tuệ đạo; hữu lậu đạo, vô lậu đạo; kiến đạo, tu đạo; học đạo, vô học đạo; tín hành đạo, pháp hành đạo; hướng đạo, quả đạo; vô ngại đạo, giải thoát đạo; tín giải đạo, kiến đắc đạo; tuệ giải thoát đạo, câu giải thoát đạo.

Như vậy có vô lượng pháp môn hai đạo.

Lại có ba đạo: Địa ngục đạo, súc sanh đạo, ngạ quỷ đạo. Ba thứ địa ngục: Địa ngục nóng, địa ngục lạnh, địa ngục tối đen. Ba thứ súc sanh đạo: súc sanh đi đất, đi nước, đi không. Ba thứ ngạ quỷ đạo: quỷ đói, quỷ ăn đồ nhơ, quỷ thần. Ba thiện đạo: nhân đạo, thiên đạo. Niết-bàn đạo. Người có ba hạng: hạng làm tội, hạng làm phước, hạng cầu Niết-bàn.

Lại có ba hạng người: người hưởng dục lạc làm ác, người hưởng dục lạc không làm ác, người không hưởng dục lạc không làm ác.

Trời có ba hạng: Trời cõi Dục, Trời cõi Sắc, Trời cõi Vô sắc.

Niết-bàn đạo có ba: Đạo Thanh văn, đạo Bích-chi Phật, đạo Phật.

Thanh văn đạo có ba: học đạo, vô học đạo, phi học phi vô học đạo, Bích-chi Phật đạo cũng như vậy.

Phật đạo có ba: đạo Ba-la-mật, đạo phương tiện, đạo tịnh thế giới.

Phật lại có ba đạo: đạo mới phát tâm, đạo làm các thiện, đạo thành tựu chúng sanh.

Lại có ba đạo: đạo giới, đạo định, đạo tuệ. Như vậy có vô lượng pháp môn ba đạo.

Lại có bốn đạo: đạo phàm phu, đạo Thanh văn, đạo Bích-chi Phật, đạo Phật.

Lại có bốn đạo: đạo Thanh văn, đạo Bích-chi Phật, đạo Bồ-tát, đạo Phật.

Đạo Thanh văn có bốn thứ: đạo khổ, đạo tập, đạo diệt, đạo đạo.

Lại có bốn Sa-môn quả đạo.

Lại có bốn đạo: đạo quán thân thật tướng, đạo quán thọ, đạo quán tâm, đạo quán pháp thật tướng.

Lại có bốn đạo: đạo dứt điều ác bất thiện chưa sanh khiến không sanh, đạo dứt điều ác đã sanh khiến tiêu diệt, đạo khiến điều thiện chưa sanh được sanh, đạo khiến điều thiện đã sanh tăng trưởng.

Lại có bốn đạo: đạo dục tăng thượng, đạo tinh tấn tăng thượng, đạo tâm tăng thượng, đạo tuệ tăng thượng.

Lại có bốn đạo thánh chủng: không lựa chọn áo; đồ ăn, đồ nằm; thuốc thang; ưa dứt khổ tu định.

Lại có bốn tu hành đạo: đạo khổ khó tu, khổ dễ tu, vui khó tu, vui dễ tu.

Lại có bốn tu đạo: 1. Vì đời nay vui nên tu. 2. Vì trí sanh tử nên tu. 3. Vì lậu hết nên tu. 4. Vì tuệ phân biệt nên tu.

Lại có bốn thiên đạo: tức là bốn thiền.

Lại có bốn đạo: Thiên đạo, Phạm đạo, Thánh đạo, Phật đạo.

Như vậy có vô lượng pháp môn bốn đạo.

Lại có năm đạo: Địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, người, trời.

Lại có năm đạo chúng vô học: Chúng vô học giới, cho đến chúng vô học giải thoát tri kiến.

Lại có năm đạo trời Tịnh cư.

Lại có năm đạo trời Dục giới.

Lại có năm đạo nói như pháp.

Lại có năm đạo nói không như pháp.

Lại có năm đạo: phàm phu, Thanh văn, Bích-chi Phật, Bồ-tát, Phật.

Lại có năm đạo: phân biệt Sắc pháp, phân biệt Tâm pháp, phân biệt Tâm số, phân biệt Tâm bất tương ưng hành, phân biệt Vô vi pháp.

Lại có năm đạo: tu Khổ đế đoạn, tu Tập đế đoạn, tu Diệt đế đoạn, tu Đạo đế đoạn, Tư duy đế đoạn.

Như vậy có vô lượng pháp môn năm đạo.

Lại có sáu đạo: địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, người, trời, A-tu-la.

Lại có đạo bỏ sáu trần.

Lại có sáu hòa hợp đạo; sáu thần thông đạo, sáu A-la-hán, sáu địa ngục, sáu định đạo, sáu Ba-la-mật đạo. Mỗi mỗi Ba-la-mật lại có sáu đạo.

Như vậy có vô lượng pháp môn sáu đạo.

Lại có bảy đạo: bảy giác ý đạo, bảy địa vô lậu đạo, bảy tưởng định đạo, bảy tịnh đạo, bảy thiện nhân đạo, bảy tài phú đạo, bảy pháp phước đạo, bảy trợ định đạo.

Như vậy có vô lượng pháp môn bảy đạo.

Lại có tám đạo: tám chánh đạo, tám giải thoát đạo, tám bội xả đạo.

Như vậy có vô lượng pháp môn tám đạo.

Lại có chín đạo: chín thứ đệ định, chín địa vô lậu, chín kiến đoạn, chín A-la-hán, chín Bồ-tát đạo. Đó là sáu Ba-la-mật và phương tiện, thành tựu chúng sanh, tịnh Phật quốc độ.

Như vậy có vô lượng pháp môn chín đạo.

Lại có mười đạo: đó là mười vô học đạo, mười tưởng đạo, mười trí đạo, mười nhất thiết xứ đạo, mười bất thiện đạo, mười thiện đạo, cho đến một trăm sáu mươi hai đạo.

Như vậy có vô lượng đạo môn.

Biết các đạo ấy, biết hết biết khắp, ấy gọi là Đạo chủng trí.

Hỏi: Bát-nhã Ba-la-mật là đệ nhất đạo, nhất tướng gọi là vô tướng của Bồ-tát, cớ sao nói là các thứ đạo?

Đáp: Các đạo ấy đều vào trong một đạo, đó là thật tướng các pháp. Bắt đầu học có các thứ sai khác, đến sau đều đồng nhất; không có sai khác, ví như khi kiếp tận lửa cháy, mọi vật đều đồng hư không.

Lại nữa, vì dẫn dắt chúng sanh, Bồ-tát phân biệt nói ra các thứ đạo, đó là đạo thế gian đạo, xuất thế gian…

Hỏi: Sao Bồ-tát trụ trong nhất tướng vô tướng mà lại phân biệt đạo thế gian, xuất thế gian?

Đáp: Danh tự thế gian chỉ từ hai thứ là ức tưởng điên đảo và hư dối sanh ra, như huyễn, như mộng, như vòng lửa quay, người phàm phu cưỡng cho là thế gian, thế gian ấy đều từ vọng tưởng đến. Nay cũng hư vọng, xưa cũng hư vọng, nó thật không sanh không làm. Chỉ từ trong sáu căn ngoài sáu trần nhân duyên hòa hợp sanh, tùy phàm phu chấp trước mà gọi là thế gian. Thế gian ấy, bị lưới tà kiến như tơ rối dính nhau, thường qua lại trong sanh tử. Như vậy là biết thế gian.

Thế nào là đạo xuất thế gian? Như thật biết thế gian, tức là đạo xuất thế gian. Vì người trí tìm tướng thế gian, xuất thế gian đều bất khả đắc (không thể có được), nếu không thể có được, nên biết giả danh là thế gian, xuất thế gian. Chỉ vì phá thế gian nên nói xuất thế gian. Tướng thế gian tức là xuất thế gian, không còn có riêng khác, vì cớ sao? Vì tướng thế gian là không thể có được. Xuất thế gian ấy tức là tướng thế gian thường không, vì định tướng của pháp thế gian là không thể có được. Như vậy hành giả không ở trong thế gian, cũng không đắm trước xuất thế gian. Nếu không ở trong thế gian, cũng không đắm trước xuất thế gian, thì phá trừ ái và mạn, không còn tranh cãi với thế gian. Vì hành giả từ lâu đã biết thế gian là không, không có gì, vì hư dối nên không khởi ức tưởng phân biệt.

Thế gian là năm uẩn, tướng năm uẩn, giả sử mười phương chư Phật tìm nó cũng không thể có được, không chỗ đến, không chỗ ở, không chỗ đi. Nếu không có tướng năm uẩn đến, ở, đi, tức là xuất thế gian. Hành giả bấy giờ quán sát thế gian xuất thế gian ấy, thật không thể thấy, không thấy thế gian với xuất thế gian hợp, cũng không thấy xuất thế gian với thế gian hợp. Lìa thế gian cũng không thấy xuất thế gian, lìa xuất thế gian cũng không thấy thế gian. Như vậy thì không sanh hai thức là thức biết thế gian và thức biết xuất thế gian. Nếu bỏ thế gian, không thọ lãnh xuất thế gian, ấy gọi là xuất thế gian.

Nếu Bồ-tát biết được như vậy, thì có thể vì chúng sanh mà phân biệt đạo thế gian, xuất thế gian. Tất cả các đạo hữu lậu, vô lậu cũng như vậy, nhập vào một tướng, ấy gọi là Đạo chủng trí.

KINH: Muốn lấy Đạo chủng trí làm đầy đủ Nhất thiết trí, hãy tập hành Bát-nhã Ba-la-mật; muốn lấy Nhất thiết trí làm đầy đủ Nhất thiết chủng trí, hãy tập hành Bát-nhã Ba-la-mật.

LUẬN. Hỏi: Nhất thiết trí, Nhất thiết chủng trí có gì sai khác?

Đáp: Có người nói không sai khác, hoặc khi nói Nhất thiết trí, hoặc khi nói Nhất thiết chủng trí.

Có người nói tướng chung là Nhất thiết trí, tướng riêng là Nhất thiết chủng trí; nhân là Nhất thiết trí, quả là Nhất thiết chủng trí; lược nói là Nhất thiết trí, rộng nói là Nhất thiết chủng trí.

Nhất thiết trí tổng quát phá bóng tối vô minh đối với hết thảy pháp; Nhất thiết chủng trí quán các pháp môn phá các vô minh.

Nhất thiết trí thí như nói bốn đế; Nhất thiết chủng trí thí như nói nghĩa của bốn đế. Nhất thiết trí là như nói Khổ đế: Nhất thiết chủng trí như nói tám tướng khổ. Nhất thiết trí như nói sanh khổ; Nhất thiết chủng trí như nói các loại chúng sanh sanh ở các nơi.

Lại nữa, tất cả pháp là từ nhãn và sắc cho đến ý và pháp. Các A- la-hán, Bích-chi Phật cũng có thể biết tướng chung của nó là vô thường, khổ, không, vô ngã, còn biết tướng mười hai nhập ấy, gọi là Nhất thiết trí.

Thanh văn, Bích-chi Phật còn không thể biết hết tướng riêng một chúng sanh sanh nơi tốt, xấu, sự nghiệp nhiều ít; đời vị lai, hiện tại cũng như vậy, huống gì biết hết thảy chúng sanh. Như đối với tên gọi vàng của một cõi Diêm-phù-đề còn không biết được, huống gì các tên gọi của một vật ở trong ba ngàn đại thiên thế giới. Hoặc trời nói, hoặc rồng nói, các tên gọi vàng theo các ngôn ngữ như vậy còn không biết được, huống gì biết nhân duyên vãng sanh ở đâu, tốt hay xấu, sang hay hèn? Nhân nó mà được phước, nhân nó mà mắc tội, nhân nó mà đắc đạo? Các việc hiện tại như vậy còn không biết được, huống gì biết tâm tâm số pháp, đó là các pháp thiền định, trí tuệ…

Phật biết hết tướng chung tướng riêng của các pháp, nên gọi là Nhất thiết chủng trí.

Lại nữa, ở trong phẩm sau Phật tự nói: Nhất thiết trí là việc của Thanh văn. Bích-chi Phật; Đạo chủng trí là việc của Bồ-tát; Nhất thiết chủng trí là việc của Phật. Thanh văn, Bích-chi Phật chỉ có chung Nhất thiết trí, không có Nhất thiết chủng trí.

Lại nữa, Thanh văn, Bích-chi Phật tuy đối với tướng riêng có biết một phần mà không biết hết, cho nên gọi là biết tướng chung. Nhất thiết trí, Nhất thiết chủng trí của Phật đều là chân thật. Thanh văn, Bích-chi Phật chỉ có tên gọi Nhất thiết trí như ngọn đèn vẽ, chỉ có tên đèn, không có dụng đèn. Thanh văn, Bích-chi Phật, nếu có người nạn hỏi, có khi không đáp được, không dứt nghi được. Như Phật ba lần hỏi mà Xá-lợi- phất không đáp được. Nếu có Nhất thiết trí tại sao không đáp được? Vì vậy, chỉ có tên gọi Nhất thiết trí hơn kẻ phàm phu, mà không có thật. Do vậy, Phật là thật Nhất thiết trí, Nhất thiết chủng trí. Như vậy có vô lượng tên gọi: hoặc khi gọi Phật là bậc Nhất thiết trí, hoặc khi gọi là bậc Nhất thiết chủng trí.

Như vậy, đã lược nói sự sai khác giữa Nhất thiết trí, Nhất thiết chủng trí.

Hỏi: Như trong Kinh nói: thực hành sáu Ba-la-mật, ba mươi bảy đạo phẩm, mười lực, bốn vô sở úy… được Nhất thiết trí, vì sao trong đây nói chỉ dùng Đạo chủng trí được Nhất thiết trí?

Đáp: Ông nói sáu Ba-la-mật… tức là đạo. Biết đạo ấy, hành đạo ấy được Nhất thiết trí, có gì mà nghi?

Lại nữa, từ khi mới phát tâm cho đến khi ngồi đạo tràng, hết thảy thiện pháp có được ở khoảng giữa đó đều gọi là đạo. Ở trong đạo ấy, phân biệt tư duy mà làm, ấy gọi là Đạo trí, như trong Kinh nầy đoạn sau nói Đạo trí là việc của Bồ-tát.

Hỏi: Việc Phật đạo đã đầy đủ nên không gọi là Đạo trí, còn A-la- hán, Bích-chi Phật công đưc chưa đầy đủ, sao không gọi là Đạo trí?

Đáp: A-la-hán, Bích-chi Phật đối với việc làm của mình đã xong, cho nên không gọi là Đạo trí. Đạo là tướng thực hành vậy.

Lại nữa, trong Kinh nầy nói Thanh văn, Bích-chi Phật. Trong Thanh văn gồm nhiếp ba đạo nên không nói, Phật đạo lớn nên gọi Đạo trí. Thanh văn, Bích-chi Phật đạo nhỏ nên không gọi Đạo trí.

Lại nữa, đại Bồ-tát tự hành đạo, cũng chỉ bày cho chúng sanh mỗi mỗi hành đạo, vì vậy nói là Bồ-tát hành Đạo trí, được Nhất thiết trí.

Hỏi: Thế nào là nhất thiết pháp của Nhất thiết trí biết?

Đáp: Như Phật bảo các Tỳ-kheo: Ta sẽ vì các ông nói nhất thiết pháp. Thế nào là nhất thiết pháp? Đó là mắt và sắc, tai và tiếng, mũi và mùi, lưỡi và vị, thân và xúc, ý và pháp, mười hai nhập ấy gọi là nhất thiết pháp. Lại có nhất thiết pháp, đó là danh và sắc. Như bài kệ trong Kinh Phật thuyết lợi chúng nói:

Nếu muốn được quán đúng.

Chỉ có danh và sắc.

Nếu muốn biết thật đúng.

Cũng phải biết danh sắc

Tuy suy tâm nhiều tưởng.

Phân biệt theo các pháp.

Không có việc gì khác.

Ra ngoài danh và sắc.

Lại nữa, nhất thiết pháp đó là sắc, vô sắc pháp; khả kiến, bất khả kiến; hữu đối, vô đối; hữu lậu, vô lậu; hữu vi, vô vi; tâm phi tâm, tâm tương ưng, chẳng phải tâm tương ưng, cộng tâm sanh, bất cộng tâm sanh; theo tâm hành; không theo tâm hành; từ tâm nhân, không từ tâm nhân. Như vậy, vô lượng pháp môn hai pháp, thu nhiếp hết thảy pháp, như trong phẩm Nhiếp Pháp của A-tỳ-đàm nói.

Lại nữa, nhất thiết pháp đó là thiện pháp, bất thiện pháp, vô ký pháp, pháp thấy đế dứt, tư duy dứt, không dứt; pháp có báo, pháp không báo, pháp chẳng có báo chẳng không báo. Như vậy vô lượng pháp môn ba pháp, thu nhiếp hết thảy pháp.

Lại nữa, nhất thiết pháp đó là pháp quá khứ, pháp vị lai, pháp hiện tại, pháp chẳng quá khứ, vị lai, hiện tại, pháp hệ thuộc Dục giới, pháp hệ thuộc Sắc giới, pháp hệ thuộc Vô sắc giới, pháp không hệ thuộc; pháp từ nhân thiện, pháp từ nhân bất thiện, pháp từ nhân vô ký, pháp từ nhân chẳng thiện, chẳng bất thiện, chẳng vô ký; pháp có duyên duyên, pháp không duyên duyên, pháp có duyên duyên cũng không duyên duyên, pháp chẳng có duyên duyên chẳng không duyên duyên. Như vậy vô lượng pháp môn bốn pháp, thu nhiếp hết thảy pháp.

Lại nữa, nhất thiết pháp đó là pháp sắc, pháp tâm, pháp tâm số.

pháp tâm không tương ưng, pháp vô vi, bốn đế và vô ký vô vi. Như vậy, vô lượng môn năm pháp thu nhiếp hết thảy pháp.

Lại nữa, nhất thiết pháp đó là năm uẩn và vô vi; pháp do Khổ đế đoạn, pháp do Tập, Diệt, Đạo đế tư duy đoạn, và pháp không đoạn. Như vậy vô lượng pháp môn sáu pháp thu nhiếp hết thảy pháp. Các pháp môn bảy, tám, chín, mười pháp… là các nghĩa phân biệt ở trong A-tỳ-đàm.

Lại nữa, nhất thiết pháp đó là hữu pháp, vô pháp, không pháp, thật pháp, pháp sở duyên, pháp năng duyên, pháp tụ, pháp tán. . .

Lại nữa, nhất thiết pháp đó là pháp hữu, pháp vô, pháp cũng hữu cũng vô, pháp không, pháp thật, pháp chẳng không chẳng thật, pháp sở duyên, pháp năng duyên, pháp chẳng sở duyên chẳng năng duyên.

Lại nữa, nhất thiết pháp đó là pháp hữu, pháp vô, pháp cũng hữu cũng vô, pháp chẳng hữu chẳng vô, pháp không, pháp chẳng không, pháp không chẳng không, pháp chẳng không chẳng chẳng không; pháp sanh, pháp diệt, pháp sanh diệt, pháp chẳng phải sanh chẳng phải diệt, pháp không sanh không diệt, pháp chẳng phải không sanh, chẳng phải không diệt. Pháp không sanh không diệt cũng chẳng không sanh chẳng không diệt, pháp chẳng không sanh cũng chẳng không diệt cũng chẳng không không sanh chẳng không không diệt.

Lại nữa, nhất thiết pháp đó là pháp có, pháp không, pháp có không, pháp chẳng phải có chẳng phải không, lìa bỏ pháp bốn câu ấy. Không, chẳng không, sanh diệt, chẳng sanh, chẳng diệt, năm câu đều cũng như vậy.

Như vậy vô lượng vô số pháp môn thu nhiếp hết thảy pháp. Lấy trí tuệ vô ngại biết khắp các pháp trên ấy gọi là Nhất thiết trí, Nhất thiết chủng trí.

Hỏi: Hết thảy chúng sanh đều cầu trí tuệ, sao chỉ riêng một mình Phật được Nhất thiết trí?

Đáp: Đối với hết thảy chúng sanh, Phật là bậc nhất nên Phật được Nhất thiết trí. Như Phật nói giữa hết thảy chúng sanh không chân, hai chân, bốn chân, nhiều chân, có sắc không sắc, có tưởng, không tưởng, chẳng phải có tưởng, chẳng phải không tưởng, Phật là bậc nhất, ví như núi Tu-di tự nhiên là bậc nhất giữa các núi. Như trong bốn đại, hỏa đại là có lực hay chiếu hay đốt. Phật cũng như vậy, tối đệ nhất giữa hết thảy chúng sanh, nên được Nhất thiết trí.

Hỏi: Cớ sao giữa hết thảy chúng sanh, Phật tối đệ nhất?

Đáp: Như trước vừa trả lời, vì được Nhất thiết trí, nay sẽ nói thêm:

Phật tự làm lợi ích cũng làm lợi ích chúng sanh, nên ở giữa chúng sanh là tối đệ nhất, như trong các thứ chiếu sáng, mặt trời là đệ nhất; trong hết thảy loài người, Chuyển luân thánh vương là đệ nhất; trong hết thảy hoa sen, hoa sen xanh là đệ nhất, trong hết thảy hoa mọc trên đất, hoa Tu- mạn là đệ nhất; trong hết thảy mộc hương, hương ngưu đầu chiên đàn là đệ nhất: trong hết thảy ngọc, ngọc như ý là đệ nhất; trong hết thảy giới, thánh giới là đệ nhất, trong hết thảy giải thoát, bất hoại giải thoát là đệ nhất, trong hết thảy thanh tịnh, giải thoát là đệ nhất, trong hết thảy các pháp quán, quán không là đệ nhất; trong hết thảy pháp, Niết-bàn là đệ nhất. Có vô lượng các loại đệ nhất như vậy. Phật cũng như vậy, đối với hết thảy chúng sanh là tối đệ nhất. Vì đệ nhất nên riêng Phật được Nhất thiết trí.

Lại nữa, Phật từ khi mới phát tâm, lấy đại thệ nguyện làm trang nghiêm, muốn cứu vớt hết thảy chúng sanh suy vong nên thực hành khắp đủ các thiện đạo, nhóm đủ mọi điều thiện, hành đủ mọi hạnh khổ, chứa nhóm hết thảy công đức chư Phật; do vô lượng nhân duyên như vậy, nên Phật là đệ nhất giữa hết thảy chúng sanh.

Hỏi: Chư Phật ba đời mười phương, cũng có công đức ấy, cớ sao nói riêng Phật là đệ nhất?

Đáp: Ngoại trừ chư Phật, vì đối các chúng sanh khác nên nói riêng Phật là đệ nhất, chư Phật đồng đẳng hết thảy công đưc.

Lại nữa, Tát-bà-nhã-đa (Sarvaynàtà) là, Tát-bà là nhất thiết. Nhã là trí. Đa là tướng (tức là tướng Nhất thiết trí). Nhất thiết như trước nói các pháp danh và sắc… Phật biết hết thảy pháp tướng một, tướng khác, tướng lậu, tướng phi lậu, tướng làm, tướng chẳng làm… hết thảy pháp có mỗi mỗi tướng, mỗi mỗi lực, mỗi mỗi nhân duyên, mỗi mỗi quả báo, mỗi mỗi tánh, mỗi mỗi được, mỗi mỗi mất, do lực Nhất thiết trí nên biết cùng khắp hết thảy đời, hết thảy chủng loại. Vì vậy nên nói muốn lấy Đạo chủng trí để được đầy đủ Nhất thiết trí, hãy tập hành Bát-nhã Ba- la-mật: muốn lấy Nhất thiết trí để được đầy đủ Nhất thiết chủng trí, hãy tập hành Bát-nhã Ba-la-mật.

Hỏi: Như khi Phật chứng được Phật đạo đã do Đạo trí được đầy đủ Nhất thiết trí, Nhất thiết chủng trí, sao nay lại nói do Nhất thiết trí được đầy đủ Nhất thiết chủng trí?

Đáp: Khi Phật đắc đạo tuy do Đạo trí đầy đủ được Nhất thiết trí, Nhất thiết chủng trí, nhưng chưa dùng Nhất thiết chủng trí, như đại quốc vương khi mới lên ngôi, cõi nước, kho báu đã đầy đủ cầu mà chưa dùng.

KINH: Muốn dùng Nhất thiết chủng trí dứt phiền não tập khí, hãy tập hành Bát-nhã Ba-la-mật. Nầy Xá-lợi-phất! Bồ-tát ma-ha-tát nên học Bát-nhã Ba-la-mật như vậy.

LUẬN: Hỏi: Trong nhất tâm đã có được Nhất thiết trí, Nhất thiết chủng trí, dứt hết thảy phiền não tập khí, sao nay lại nói do Nhất thiết trí được đầy đủ Nhất thiết chủng trí, do Nhất thiết chủng trí dứt hết phiền não và tập khí?

Đáp: Thật một lúc được Nhất thiết trí, trong đây vì muốn khiến người tin Bát-nhã Ba-la-mật, nên thứ lớp nói có sai khác. Muốn khiến chúng sanh được tâm thanh tịnh, cho nên nói như vậy.

Lại nữa, tuy trong nhất tâm được, cũng có thứ lớp đầu, giữa, cuối. Như nhất tâm có ba tướng, sanh làm nhân duyên cho trụ, trụ làm nhân duyên cho diệt. Lại như tâm tâm số pháp, các hành bất tương ưng, và thân nghiệp, khẩu nghiệp, do Đạo trí đầy đủ Nhất thiết trí, do Nhất thiết trí đầy đủ Nhất thiết chủng trí, do Nhất thiết chủng trí dứt phiền não và tập khí cũng như vậy.

Trước nói Nhất thiết chủng trí tức là Nhất thiết trí, Đạo trí gọi là Kim cang tam-muội. Phật sơ tâm tức là Nhất thiết trí, Nhất thiết chủng trí, lúc ấy phiền não và tập khí dứt hết. Tướng Nhất thiết trí, Nhất thiết chủng trí như trước đã nói.

Dứt hết thảy phiền não và tập khí là, phiền não nói lược là ba độc, nói rộng là chín mươi tám sử trong ba cõi. ấy gọi là phiền não. Phiền não tập khí là khí tàn dư của phiền não. Hoặc thân nghiệp, khẩu nghiệp không theo trí tuệ, in tuồng từ phiền não khởi lên, người không biết tâm người khác, thấy sự khởi lên đó sanh tâm bất tịnh, nhưng đó chẳng phải phiền não thật, mà là tập khí phiền não lâu đời khởi lên nghiệp như vậv. Ví như người bị xiềng chân lâu ngày, bỗng được giải thoát, bước đi tuy không có khóa vẫn còn tập khí chướng ngại. Lại như áo nhủ mẫu, lâu cũ dính bẩn, lấy tro giặc sạch, tuy không có bẩn mà hơi bẩn vẫn còn. Áo như tâm thánh nhân, bẩn như các phiền não, tuy lấy nước trí tuệ tẩy sạch mà hơi phiền não vẫn còn. Tập khí như vậy, các Hiền, Thánh khác tuy dứt được phiền não mà không thể dứt tập khí. Như Nan-đà vì tập khí dâm dục, tuy đắc A-la-hán mà khi ngồi giữa chúng nam nữ, con mắt trước hết nhìn chúng nữ rồi cùng họ nói năng thuyết pháp. Như Xá-lợi-phất vì tập khí sân, nên nghe Phật nói ông ăn đồ bất tịnh, liền mửa đồ ăn ra, rồi sau không chịu nhận lời thỉnh. Lại Xá-lợi-phất tự nói kệ rằng:

Người giấu tội vọng niệm.

Vô trí mà giải đãi.

Trọn không muốn hạng ấy.

Dối đến ở gần tôi.

Như Đại Ca-diếp vì tập khí sân, nên sau khi Phật diệt độ kết tập pháp, đã bảo A-nan sám hối tám tội Đột-kiết-la (hay sáu tội? – ND), lại tự kéo tay A-nan đi ra, vì cho ông là người bất tịnh, lậu hoặc chưa sạch không được cùng kết tập pháp. Như Tất-lăng-già-bà-ta thường mắng nữ thần sông Hằng là tiểu tỳ. Như Ma-đầu-bà-tư-tra vì tập khí trạo hý nên có khi từ giá áo nhảy lên xà nhà, từ xà nhà đến gác, từ gác đến nhà. Như Kiều-phạm-bát-đề vì tập khí nghiệp trâu nên thường nhả thức ăn mà nhai lại. Các Thánh nhân như vậy tuy hết lậu hoặc, mà còn có tập khí phiền não. Như lửa đốt hết củi vẫn còn tro than, sức lửa mỏng không làm cho tiêu hết được. Nếu lửa lúc kiếp tận, thì đốt cháy cả ba ngàn đại thiên thế giới không còn sót vật gì, vì sức lửa lớn. Lửa Nhất thiết trí của Phật cũng như vậy, đốt cháy các phiền não, không còn tàn dư tập khí. Như một Bà-la-môn dùng năm trăm lời nói ác, mắng Phật tại giữa chúng, Phật không đổi sắc, cũng không đổi tâm. Ba-la-môn ấy tâm phục, trơ lại dùng năm trăm lời hay tán Phật, Phật không sắc mừng, cũng không tâm vui. Đối với lời chê khen, tâm, sắc không thay đổi.

Lại con gái Ba-la-môn tên Chiên-giá (Cinca) độn bát làm bụng chửa đến phỉ báng Phật, Phật không sắc thẹn, sự tình lộ rõ, Phật không sắc vui. Lúc Chuyển pháp luân cất tiếng khen ngợi đầy khắp mười phương, tâm Phật cũng không cao, Tôn-đà-lỵ (Sundari) chết vu oan cho Phật, tiếng xấu đồn khắp, tâm Phật cũng không hạ. Phật ngồi nằm ở trong quốc độ A-la-tỳ gió lạnh và nhiều cỏ gai, không cho là khổ. Hạ An cư ở trong vườn hoan hỷ trên Trời, ngồi đá Kiếm-bà, mềm mại trong sạch như bông tơ Trời, cũng không cho là vui. Lãnh thọ đồ ăn của Đại thiên vương cúng, không cho là ngon; ở nước Tỳ-lan-nhã ăn lúa ngựa, không cho là dở. Các đại quốc vương cung phụng đồ ăn thượng diệu, không cho là được, vào thành Tát-la khất thực, mang bát không ra về, không cho là mất. Đề-bà-đạt-đa xô đá ở núi Kỳ-xà-quật xuống đè Phật, Phật cũng không ghét, khi ấy La-hầu-la kính tâm tán Phật, Phật cũng không yêu. A-xà-thế thả voi say muốn để hại Phật, Phật cũng không sợ, hàng phục voi cuồng, người thành Vương-xá, càng thêm cung kính, đem hương hoa anh lạc đến cùng dường Phật, Phật cũng không mừng.

Chín mươi sáu phái ngoại đạo cùng lúc hòa nghị với nhau rằng: Chúng ta cũng là người Nhất thiết trí, rồi từ nước Xá-bà-đề đi đến muốn luận nghị với Phật, Phật dùng thần thông, từ trên rốn phóng hào quang, trong hào quang đều có hóa Phật. Quốc vương Ba-tư-nặc cũng ra lệnh khiến đến, còn không lay động được Phật ngồi trên tòa, huống gì luận nghị được với Phật. Phật thấy giặc ngoại đạo đi đến, tâm cũng không thối; phá các ngoại đạo, chư Thiên, người đời càng thêm cung kính cúng dường, tâm cũng không tấn.

Dùng đủ cách như vậy muốn đến hủy báng Phật, không thể làm Phật lay động, ví như vàng thật Diêm-phù-đề, lửa đốt không đổi khác, đập, gõ, mài, dũa, không hoại không đổi khác. Phật cũng như vậy, trải qua các sự hủy nhục, chê bai, nghị luận, không động, không đổi khác. Do vậy biết Phật đã dứt hết phiền não và tập khí không còn.

Hỏi: Các A-la-hán, Bích-chi Phật, đồng dùng trí vô lậu dứt các phiền não và tập khí, cớ sao có sự hết và không hết?

Đáp: Trước đã nói lực trí tuệ mỏng như lửa thế gian, còn lực của Phật lớn như lửa lúc kiếp tận. Nay sẽ đáp thêm: Thanh-văn, Bích-chi Phật chứa nhóm các công đưc trí tuệ không lâu, hoặc chỉ trong một đời, hai đời, ba đời, còn Phật ở trong vô lượng A-tăng-kỳ kiếp rộng tu rộng tập công đức trí tuệ, huân tập thiện pháp lâu đời, nên các phiền não tập khí không còn sót lại.

Lại nữa, Phật đã gom nhiếp hết thảy công đức, cho đến đã dứt vĩnh viễn các phiền não tập khí. Vì sao? vì các công đức thiện pháp làm tiêu các phiền não. Các A-la-hán không được hết thảy công đức nầy, nên chỉ dứt tham ái thế gian mà thẳng vào Niết-bàn,

Lại nữa, lực trí tuệ dứt kiết sư của Phật rất bén, dùng mười trí lực làm đại lực, dùng trí vô ngại đi thẳng qua, nên dứt các kiết sử không còn sót lại. Ví như người có trọng tội, quốc vương rất giận, giết cả cội gốc bảy đời, không cho sót lại. Phật cũng như vậy, đối với giặc nặng phiền não, giết nhổ gốc rễ. không cho sót lại. Vì vậy nên nói, muốn lấy Nhất thiết chủng trí dứt hết thảy phiền não tập khí, hãy nên tập hành Bát-nhã Ba-la-mật.

Hỏi: Chỉ dứt tập khí là cũng trừ phiền não?

Đáp: Có người nói dứt phiền não và tập khí cùng hết, như trước nói tập khí hết không còn sót. A-la-hán. Bích-chi Phật chỉ dứt phiền não, không thể dứt tập khí, Bồ-tát dứt hết thảy phiền não và tập khí, làm cho sạch hết không còn sót.

Có người nói: Phật đã xa lìa dục từ lâu. Như Phật nói: từ khi Ta thấy Phật Định Quang (Nhiên Đăng) đến nay, đã xa lìa dục, dùng lực phương tiện, nên thị hiện có sống chết, có vợ con quyến thuộc.

Có người nói: Từ khi được vô sanh pháp nhẫn lại đây, chứng được thật tướng các pháp, nên dứt hết thảy phiền não và tập khí.

Có người nói: Từ khi Phật mới phát tâm lại đây còn có phiền não, đến khi ngồi đạo tràng, vào cuối đêm mới dứt hết thảy phiền não và tập khí.

Hỏi: Các thuyết như vậy, thuyết nào đúng?

Đáp: Đều tự miệng Phật nói ra, thuyết nào cũng đúng. Ở trong pháp Thanh văn, Phật dùng lực phương tiện thị hiện chịu lấy phép tắc của con người có sanh, già, bệnh, lạnh, nóng, đói, khát… Không có ai sanh ra mà không có phiền não, nên Phật cũng phải theo phép tắc con người, có phiền não; ở dưới cây, bên ngoài trước phá ma quân, bên trong diệt giặc kiết sư. Phá giặc trong ngoài xong, nên thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; người đều tin thọ rằng: Người ấy làm được việc ấy, chúng ta cũng sẽ học tập việc ấy. Nếu nói, từ lâu xa đến nay không có phiền não, từ nơi đức Phật Nhiên Đăng được vô sanh pháp nhẫn lại đây, dứt hết phiền não, ấy cũng là phương tiện nói, khiến các Bồ-tát hoan hỷ. Nếu Bồ-tát từ lâu đã dứt hết thảy phiền não rồi, thì khi thành Phật còn làm gì nữa?

Hỏi: Phật có nhiều việc, dứt kiết sư là một việc, ngoài ra còn có việc làm thanh tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh… chưa đầy đủ, vì để đầy đủ các việc nên gọi là Phật?

Đáp: Nếu như vậy, sao Phật nói dứt kiết sử là thân cuối cùng, con người nếu hoàn toàn không có kiết sử, làm sao sanh được?

Hỏi: Từ khi được vô sanh pháp nhẫn lại đây, thường được pháp tánh sanh thân biến hóa chăng?

Đáp: Phép biến hóa, phải có hóa chủ vậy sau mới hóa được, nếu được vô sanh pháp nhẫn, dứt hết thảy kiết sử, khi chết bỏ nhục thân nầy, không có thân thật, thì ai biến hóa? Vì vậy nên biết chứng được vô sanh pháp nhẫn, không phải đã dứt hết kiết sử.

Lại nữa, hàng Thanh văn nói: Bồ-tát không dứt kiết sử, cho đến khi ngồi đạo tràng mới dứt, vậy là quá lầm. Vì cớ sao? Vì trong pháp của ông nói Bồ-tát đã mãn ba A-tăng-kỳ kiếp, sau còn có trăm kiếp, thường được trí Túc mạng, tự nhớ lại thời Phật Ca-diếp từng làm Tỳ-kheo tên là Uất-đa-la tu hành Phật pháp, sao nay còn khổ hạnh sáu năm, tu pháp tà đạo, ngày ăn một hạt mè, hạt gạo? Hậu thân Bồ-tát, một ngày còn không nên lầm huống chi sáu năm? Sân hận cũng như vậy, từ thời lâu xa làm rắn độc, bị thợ săn bắt sống lột da, hãy còn không giận, làm sao thân cuối cùng mà còn giận năm người? Do vậy nên biết người Thanh văn nhận lầm nghĩa của Phật nói. Phật dùng lực phương tiện muốn phá ngoại đạo nên thị hiện sáu năm tu khổ hạnh. Ông nói giận năm người, ấy là phương tiện, cũng là tập khí sân chứ chẳng phải phiền não.

Nay sẽ nói như thật rằng: Bồ-tát chứng được vô sanh pháp nhẫn, phiền não đã hết, nhưng tập khí chưa trừ, nhân tập khí thọ và pháp tánh sanh thân nên có thể tự tại hóa sanh. Có tâm đại từ bi, vì chúng sanh, cũng vì mãn bản nguyện nên trở lại thế gian thành tựu đầy đủ những Phật pháp dư tàn. Khi mãn mười địa, ngồi đạo tràng, dùng lực vô ngại giải thoát, chứng được Nhất thiết trí, Nhất thiết chủng trí, dứt phiền não tập khí.

Người Đại thừa nói: Bồ-tát chứng được vô sanh pháp nhẫn, hết thảy phiền não và tập khí đều dứt sạch, cũng là sai lầm! Nếu dứt hết rồi, không khác gì Phật, cũng không nên thọ pháp tánh sanh thân. Vì vậy nên Bồ-tát chứng được vô sanh pháp nhẫn, bỏ sanh thân, được pháp tánh sanh thân. Nếu nói đến khi ngồi đạo tràng, tất cả phiền não và tập khí đều hết, lời ấy cũng sai! Vì cớ sao? Vì nếu Bồ-tát có đủ ba độc thì làm sao tích tập vô lượng Phật pháp được? Thí như bình có chất độc, tuy đựng cam lồ đều không nên ăn. Bồ-tát tích tập các công đức thuần tịnh, mới được thành Phật. Nếu xen lẫn ba độc thì làm sao đầy đủ Phật pháp thanh tịnh?

Hỏi: Quán thật tướng pháp và tu bi tâm nên có thể làm cho ba độc mỏng, mỏng cho nên có thể tích tập công đức thanh tịnh?

Đáp: Mỏng ba độc, chỉ có thể được thân chư thiên, Chuyển luân Thánh vương, còn muốn được thân công đức của Phật, không có lẽ đó. Ba độc dứt, tập khí hết, có thể tích tập các công đức.

Lại nữa, gọi là mỏng là như người ly dục, dứt kiết sử ở hạ địa mà còn có phiền não ở thượng địa. Lại như Tu-đà-hoàn kiết sử do thấy Tứ đế đoạn đã hết, mà kiết sử do tư duy đoạn chưa hết, ấy gọi là mỏng. Như Phật nói dứt ba kiết, mỏng dâm, nộ, si, gọi là Tư-đà-hàm. Nếu ông nói mỏng (như trên) thì phải nói là đoạn. Vì vậy nên khi được vô sanh pháp nhẫn dứt phiền não, khi được thành Phật mới dứt phiền não tập khí, ấy là lời nói đúng thật.

KINH: Lại nữa, Xá-lợi-phất! Bồ-tát ma-ha-tát muốn lên pháp vị Bồ-tát, hãy nên học Bát-nhã Ba-la-mật.

LUẬN: Bồ-tát vị là vô sanh pháp nhẫn. Được pháp nhẫn nầy, xem hết thảy thế gian là không, tâm không nhiễm trước. Ở trong thật tướng các pháp, không còn nhiễm thế gian.

Lại nữa, Ban châu ban tam-muội là pháp vị Bồ-tát. Được Ban châu ban tam-muội nầy, thấy được chư Phật hiện tại trong mười phương, theo Phật nghe pháp, dứt các lưới nghi. Bấy giờ tâm Bồ-tát không lay động, ấy gọi là Bồ-tát vị.

Lại nữa, Bồ-tát vị là đầy đủ sáu Ba-la-mật, sanh trí phương tiện, cũng không trú nơi thật tướng các pháp, tự biết, tự chứng, không theo lời người khác, hoặc ma làm hình Phật đi đến, tâm cũng không mê hoặc.

Lại nữa, do lực nhập Bồ-tát pháp vị nên được gọi là Bồ-tát bất thối.

Lại nữa, đại Bồ-tát, vào trong pháp vị ấy, không đọa vào trong số phàm phu, gọi là người đắc đạo. Tất cả việc thế gian muốn phá hoại tâm ấy, không thể làm lay động. Đóng cửa ba đường ác, đứng trong số Bồ- tát, bắt đầu sanh vào nhà Bồ-tát, thành tựu trí tuệ thanh tịnh.

Lại nữa, trú chót đảnh vị không đọa, ấy là Bồ-tát pháp vị, như nói ở trong học phẩm. Bồ-tát vị trên, không đọa vào ác thú, không sanh nhà hạ tiện, không đọa địa vị Thanh văn, Bích-chi Phật, cũng không từ chót đảnh bị đọa.

Hỏi: Thế nào là chót đảnh bị đọa?

Đáp: Như Tu-bồ-đề nói với Xá-lợi-phất, nếu đại Bồ-tát không có tâm phương tiện mà hành sáu Ba-la-mật, vào trong không, vô tướng, vô tác, không thể bước lên Bồ-tát vị, cũng không đọa vào địa vị Thanh văn, Bích-chi Phật, ái trước các pháp công đức, đối với năm uẩn vô thường, khổ, không, vô ngã, chấp thủ tướng, tâm nhiễm trước, nói là đạo phi đạo, là nên làm, là không nên làm, chấp thủ tướng phân biệt như vậy, ấy là Bồ-tát chót đảnh bị đọa. Thế nào là ở chót đỉnh? Như trên đã nói, dứt các pháp ái, đối với pháp ái dứt cũng lại không chấp thủ, như nói ở trong nghĩa trú ở chót đỉnh. Nếu khi Bồ-tát ma-ha-tát hành Bát-nhã Ba-la-mật, trong nội không, không thấy ngoại không; trong ngoại không, không thấy nội không; trong ngoại không, không thấy nội ngoại không; trong nội ngoại không không thấy ngoại không, cho đến vô pháp hữu pháp không, cũng như vậy.

Lại nữa, Bồ-tát ngôi trên, được tâm vô đẳng đẳng, cũng không tự cao, biết tâm tướng chân không, các hý luận về hưu, vô dứt.

Hỏi: Sao trong pháp của Thanh văn gọi là chánh vị trong pháp của Bồ-tát thì vị chỉ gọi là vị?

Đáp: Nếu nói chánh vị, cũng không lỗi. Vì cớ sao? Vì nếu nói Bồ- tát ấy thì đã là chánh, như trong pháp Thanh văn chỉ nói vị không nói Thanh văn vị, vì vậy nên nói chánh.

Lại nữa, người học pháp Thanh văn, không có tâm Đại từ bi, vì trí không lanh lợi, chưa sanh tâm nhàm chán, còn cầu biết nhiều pháp, sanh nhiều tà kiến nghi hối, còn Bồ-tát ma-ha-tát có tâm Đại từ thương tất cả, phần nhiều cầu độ thoát chúng sanh khỏi khổ sanh, già, bệnh, chết, không cầu phân biệt các thứ hý luận. Ví như ông Trưởng giả có một người con, hết sức yêu nó, nó mắc bệnh, ông chỉ cầu thuốc hay trị lành bệnh, chứ không cầu phân biệt các tên thuốc, lấy theo thời tiết, hòa hợp phân số, vì vậy các Bồ-tát từ nơi quả quán Mười hai nhân duyên, không từ nơi nhân quán. Người kiến nhiều thì từ nơi nhân quán, người ái nhiều thì từ nơi quả quán. Các người Thanh văn nhân nơi tà vị nên có chánh vị, Bồ-tát tà vị mỏng nên chỉ gọi là Bồ-tát vị.

Hỏi: Trong pháp Thanh văn, từ khổ pháp nhẫn cho đến đạo tỷ nhẫn, gọi là chánh vị (Khi mới quán khổ đế, gọi là khổ pháp nhẫn, khi biết rõ khổ đế, gọi là khổ pháp trí. Cho đến khi mới quán đạo đế của hai cõi trên, gọi là đạo tỷ nhẫn, khi biết rõ đạo đế của hai cõi trên, gọi là đạo tỷ trí. Nhẫn là nhân, Trí là quả – ND) như trong Kinh nói: Ở trong ba ác đạo, không thể được ba việc là chánh vị, thánh quả, lậu tận. Những người phá giới, tà kiến, tạo tội ngũ nghịch cũng như vậy. Vậy từ pháp gì được gọi là Bồ-tát vị?

Đáp: Phát tâm, tu hành, đại bi và phương tiện đầy đủ. Hành bốn pháp ấy được vào Bồ-tát vị. Như trong pháp Thanh văn, trước hết phải đủ bốn thiện căn là noãn pháp, nhẫn pháp, đảnh pháp, thế đệ nhất pháp, vậy sau mới vào chánh vị “khổ pháp nhẫn”.

Hỏi: Trong sự tu hành đều đã gồm đủ bốn pháp, cớ sao lại phân biệt làm bốn?

Đáp: Mới phát tâm, tuy có tu hành mà tu chưa lâu nên không gọi là tu hành. Như người ở nhà, tuy trọn ngày không ở một chỗ, song không gọi là đi.

Lại nữa, khi mới phát tâm, chỉ có ý nguyện, khi hành mới tạo tác, lấy của cho người, thọ trì cấm giới, như vậy hành sáu Ba-la-mật, ấy gọi là tu hành. Tu hành rồi, do Bát-nhã Ba-la-mật biết thật tướng các pháp, do tâm đại bi thương niệm chúng sanh. Nếu không biết thật tướng các pháp, nhiễm trước pháp thế gian hư dối, chịu các thứ thân khổ tâm khổ; ấy chỉ còn mang danh từ đại bi, nên không gọi là tu hành. Phương tiện là đầy đủ Bát-nhã Ba-la-mật, nên biết các pháp không; đầy đủ đại bi tâm, nên thương xót chúng sanh. Đối hai pháp ấy, do lực phương tiện, nên không sanh nhiễm trước. Tuy biết các pháp không, do lực phương tiện, nên không bỏ chúng sanh; tuy không bỏ chúng sanh, cũng biết các pháp thật không. Nếu đối hai sự ấy bình đẳng, tức được vào Bồ-tát vị, như người Thanh văn đối hai pháp định tuệ được bình đẳng tức được vào chánh vị. Pháp trí, bi, định, tuệ ấy tuy có hành, mà còn có tên gọi khác, không gọi là tu hành. Từ khi mới phát tâm cho đến khi ngồi đạo tràng, những sự thực hành ở khoảng trung gian ấy, đều gọi là tu hành. Vì có sai khác chút ít nên có tên gọi khác, là điều dễ hiểu, ví như có người mới phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, muốn độ thoát hết thảy chúng sanh khỏi các khổ thân tâm sanh, già, bệnh, chết, phát lời thề lớn để trang nghiêm, do công đức và tuệ minh nên sở nguyện đều viên mãn. Hai việc ấy có sáu phần tu hành gọi là sáu Ba-la-mật, bố thí, trí giới, nhẫn nhục là phần công đức, tinh tấn, thiền định, trí tuệ là phần tuệ minh.

Tu hành sáu Ba-la-mật, biết các pháp tướng thậm thâm vi diệu, khó hiểu khó biết, suy nghĩ rằng: Chúng sanh nhiễm trước các pháp trong ba cõi, lấy nhân duyên gì để khiến chúng sanh hiểu được các pháp tướng? Hãy lấy các công đức đầy đủ, trí tuệ thanh tịnh, thành tựu thân Phật ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp tùy hình, ánh sáng, đầy đủ thần thông vô lượng. Lấy Mười lực, Bốn vô sở úy, Mười tám pháp không chung, Bốn trí vô ngại, xem xét người có thể độ, thì thuyết pháp khai hóa, ví như chim Kim sý xem khắp các con rồng, con nào mạng sắp tận, dùng cánh quạt khắp biển nước rẽ hai bên, rồi bắt lấy mà ăn. Phật cũng như vậy, dùng Phật nhãn xem chúng sanh trong năm đường ở mười phương thế giới, ai đáng được độ, thì đầu tiên hiện thần thông, tiếp đến mở bày tâm ý họ, do hai việc ấy, trừ ba chướng ngại rồi thuyết pháp cho họ, đưa chúng sanh ra khỏi ba cõi. Được Phật lực có vô lượng thần thông, giả sử hư dối còn có thể tin được, huống là nói thật! Ấy gọi là phương tiện. . .

Lại nữa, Bồ-tát dùng Bát-nhã Ba-la-mật biết tướng các pháp, nhớ bổn nguyện muốn độ chúng sanh của mình mà suy nghĩ rằng, trong thật tướng các pháp, chúng sanh là không thể có được, sẽ làm sao độ? Lại suy nghĩ rằng, trong thật tướng các pháp, chúng sanh tuy không thể có được, nhưng vì chúng sanh không biết thật tướng các pháp ấy, nên muốn khiến cho chúng sanh biết được thật tướng ấy.

Lại nữa, thật tướng pháp ấy cũng không ngại chúng sanh. Thật tướng pháp ấy gọi là không bị trừ hoại, cũng không tạo tác, ấy gọi là phương tiện. Đầy đủ bốn pháp ấy, được vào Bồ-tát vị.

KINH: Muốn qua khỏi địa vị Thanh văn, Bích-chi Phật mà trú địa vị không thối chuyển, hãy nên học Bát-nhã Ba-la-mật.

LUẬN. Hỏi: Bồ-tát khi vào pháp vị, tức đã qua địa vị Thanh văn, Bích-chi Phật, mà trú địa vị không thối chuyển, cớ sao còn nói lại?

Đáp: Tuy ba việc một lúc, mà các pháp tương ưng khác nhau, nên thứ lớp tán thán, như trong nhất tâm một lúc được năm vô lậu căn, mà phân biệt nói mỗi tướng của nó. Bồ-tát khi vào pháp vị, dứt bao nhiêu kiết sư, được bao nhiêu công đức, qua khỏi địa vị nào, trú ở địa vị nào, chỉ có Phật biết được. Cũng vì muốn dẫn dắt các Bồ-tát nên Phật mỗi mỗi tán thán. Như mở đầu Kinh nầy nói, Phật ở núi Kỳ-xà-quật cùng với năm ngàn Tỳ-kheo, đều là bậc A-la-hán, đã hết các lậu, việc cần làm đã làm xong. A-la-hán chính là lậu hết, lậu hết chính là việc cần làm đã làm xong, cũng vì dẫn dắt người khác khiến cho tâm họ thanh tịnh, nên mỗi mỗi nói lời tán thán, không có lỗi. Đây cũng như vậy, vào pháp vị tức là qua khỏi địa vị A-la-hán, Bích-chi Phật, mà trú ở địa vị bất thối chuyển.

Lại nữa, nhân vào pháp vị nên được qua khỏi địa vị A-la-hán, Bích- chi Phật mà trú ở địa vị bất thối chuyển.

Hỏi: Vào trong pháp vị là qua khỏi già, bệnh, chết, dứt hết các kiết sử, phá ba ác đạo v.v… trước đã nói, sao đây lại chỉ nói qua khỏi địa vị Thanh văn, Bích-chi Phật cũng trú các công đức? Vì sao chỉ nói trú ở địa vị bất thối chuyển?

Đáp: Bỏ các việc ác, được các công đức, sau sẽ thứ lớp nói đến công đức về chỗ ở. Các pháp cần phải có thứ lớp, không thể cùng nói một lần.

Lại nữa, Bồ-tát khi mới phát tâm, điều đáng sợ nhất là địa vị Thanh văn, Bích-chi Phật. Giả sử đọa địa ngục cũng không sợ bằng, vì không vĩnh viễn phá đạo Đại thừa. A-la-hán, Bích-chi Phật đối với Đại thừa nầy cho là đã diệt vĩnh viễn, ví như chỗ đất trống có cây tên là Xá-ma-lê, cành lá rộng lớn, nhiều chim tụ lại ngủ, một con bồ câu đến sau, đậu trên một cành, cành lá đó liền bị khô gãy. Thần đầm hỏi thần cây: Chim lớn như chim cắt, chim thứu đến đậu thì cây chịu nổi, còn chim nhỏ đến đậu lại không chịu nổi? Thần cây trả lời: Chim nhỏ này từ trên cây Ni-câu-lô oan gia với ta bay đến, nó ăn trái cây kia rồi đến đậu trên ta, chắc sẽ ỉa ra, hạt rơi xuống đất, cây ác lại mọc lên, gây hại rất lớn. Vì vậy, đối với một chim bồ câu, lòng rất lo sợ, thà bỏ một cành, mà được toàn vẹn cây to lớn. Bồ-tát cũng như vậy, đối với các ngoại đạo, ma chúng, các kiết sử, ác nghiệp, không sợ bằng sợ A-la-hán, Bích-chi Phật. Vì cớ sao? Vì Thanh văn, Bích-chi Phật ở bên Bồ-tát cũng như chim bồ câu kia, làm bại hoại tâm Đại thừa, dứt luôn sự nghiệp thành Phật, vì vậy nên chỉ nói qua khỏi địa vị Thanh văn Bích-chi Phật.

Trú ở địa vị bất thối chuyển là từ khi mới phát tâm lại đây, thường

ưa thích trú ở địa vị bất thối chuyển. Nghe các Bồ-tát phần nhiều thối chuyển nên khi phát tâm, lập nguyện rằng: Lúc nào sẽ được qua khỏi địa vị Thanh văn, Bích-chi Phật mà trú ở địa vị bất thối chuyển! Vì vậy nên nói trú ở địa vị bất thối chuyển.

Hỏi: Thế nào là địa vị bất thối chuyển?

Đáp: Nếu Bồ-tát quán hết thảy pháp chẳng sanh chẳng diệt, chẳng chẳng sanh, chẳng chẳng diệt, chẳng chung chẳng phải không chung, quán các pháp như vậy, được thoát khỏi ba cõi, chẳng vì không, chẳng vì phi không, một lòng tin nhận thật tướng trí tuệ của mười phương chư Phật sở dụng, không thể hoại, không thể động, ấy gọi là pháp vô sanh nhẫn; pháp vô sanh nhẫn chính là địa vị bất thối chuyển.

Lại nữa, vào Bồ-tát vị là địa vị bất thối chuyển, qua khỏi Thanh văn, Bích-chi Phật, cũng gọi là địa vị bất thối chuyển. . .

Lại nữa, trú ở địa vị bất thối chuyển, đời đời thường được quả báo thần thông, không mất không lui. Nếu Bồ-tát được hai pháp ấy, thì tuy ngộ được thật tướng các pháp mà vì tâm đại bi nên không bỏ chúng sanh.

Lại có hai pháp:

  1. Trí tuệ thanh tịnh.
  2. Trí tuệ phương tiện. Lại có hai pháp:
  3. Thâm tâm niệm tưởng Niết-bàn.
  4. Việc làm không lìa thế gian.

Ví như rồng lớn, đuôi ở biển cả, đầu ở hư không, chấn động sấm chớp mà đổ mưa lớn.

Lại nữa, Bồ-tát bất thối chuyển, được trí tuệ thật tướng của các pháp ấy, đời đời không mất, không bao giờ tạm lìa, đối với thâm kinh của chư Phật, không bao giờ nghi cũng không làm trở ngại. Vì cớ sao? Vì ta chưa được Nhất thiết trí nên không biết vì phương tiện gì, nhân duyên gì nói ra như vậy. Bồ-tát bất thối chuyển, thường với thâm tâm không bao giờ sanh ác. Bất thối chuyển với thâm tâm thì tích tập các thiện, còn thiển tâm thì làm các bất thiện.

Hỏi: Nếu tướng của bất thối chuyển là được pháp vô sanh nhẫn, sao còn thiển tâm làm các bất thiện?

Đáp: Có hai thứ bất thối chuyển:

1. Được pháp vô sanh nhẫn.

2. Tuy chưa được pháp vô sanh nhẫn, nhưng Phật biết nhân duyên tác nghiệp quá khứ, vị lai của người ấy, chắc sẽ thành Phật, nên vì lợi ích người hai bên, Phật thọ ky cho người ấy. Vị Bồ-tát này tuy còn mang nhục thân sanh tư, kiết sư chưa dứt, nhưng là tối đệ nhất đối với hàng phàm phu, ấy cũng gọi là tướng bất thối chuyển. Nếu được pháp vô sanh nhẫn, dứt các kiết sử, thì được thanh tịnh, hết nhục thân cuối cùng, được pháp tánh sanh thân, kiết sư không làm ngăn ngại, không cần dạy răn, như chiếc thuyền ở giữa sông lớn, không cần điều khiển, tự trôi đến biển lớn.

Lại nữa, có khi mới phát tâm, sanh nguyện lớn, nguyện dứt các phiền não, biết thật tướng các pháp, liền được bất thối chuyển. Có khi chỉ hành Bố thí Ba-la-mật, liền đầy đủ sáu Ba-la-mật, cho đến hành Bát-nhã Ba-la-mật cũng như vậy. Có khi hành sáu Ba-la-mật, chưa được bất thối chuyển, đến khi sanh tâm đại bi đối với chúng sanh, liền được bất thối chuyển. Có khi được tâm đại bi mà lại nghĩ rằng: Nếu các pháp đều không, không có chúng sanh, thì có thể độ ai, khi ấy bi tâm liền yếu kém. Hoặc thấy chúng sanh đáng thương mà đối với các pháp, trí quán “không” còn yếu kém. Nếu được lực phương tiện đối với hai điều ấy, đồng đẳng không thiên lệch, tâm đại bi không ngăn ngại thật tướng các pháp, ngộ được thật tướng các pháp, không ngăn ngại tâm đại bi phát sanh, có phương tiện như vậy, khi ấy liền được vào Bồ-tát pháp vị, trú ở địa vị bất thối chuyển, như đã nói trong phẩm Vãng sanh.

Lại nữa, tướng bất thối chuyển như hai phẩm Bất thối chuyển ở sau sẽ nói.