LUẬN ĐẠI TRÍ ĐỘ
Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 13

21. GIẢI THÍCH THI LA (GIỚI) BA-LA-MẬT

KINH: Vì tội và không tội không thể có được, nên đầy đủ Thi-la Ba-la-mật.

Hỏi: Thi-la (Tánh thiện), là ưa đi theo đường thiện, không tự phóng dật, gọi là Thi-la. Hoặc thọ giới mà hành thiện, hoặc không thọ giới mà hành thiện, đều gọi là Thi-la. Nói tóm lược có tám thứ luật nghi nơi thân và miệng: Không giết hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói thêu dệt, không uống rượu và sinh sống một cách thanh tịnh; ấy là giới. Nếu buông bỏ không giữ gìn thì đó là phá giới. Người phá giới bị đọa vào trong đường ác. Nếu trì giới bậc hạ thì sanh trong loài người; trì giới bậc trung thì sanh trong cõi trời Lục Dục; trì giới bậc thượng lại tu hành bốn Thiền, bốn Không định thì sanh trong các cõi trời Sắc và Vô sắc thanh tịnh.

Trì giới bậc thượng có ba hạng: Trì giới thanh tịnh bậc hạ thì chứng A-la-hán; trì giới thanh tịnh bậc trung thì chứng được Bích-chi-Phật; trì giới thanh tịnh bậc thượng thì được Phật đạo. Không đắm trước, không ỷ y, không phá, không khuyết, được Thánh nhân khen ngợi yêu thích, như vậy gọi là thanh tịnh bậc thượng. Nếu vì thương xót chúng sanh, vì độ chúng sanh, cũng vì biết thật tướng của giới; tâm không ỷ y, đắm trước; trì giới như thế, tương lai chứng đến Phật đạo. Như vậy gọi là được giới vô thượng Phật đạo. Nếu người muốn cầu được thiện lợi lớn, hãy kiên trì giới, như tiếc châu báu quý trọng, như giữ thân mạng. Vì sao? Vì như đại địa, hết thảy vạn vật hữu hình, đều nương đất mà tồn tại. Giới cũng như vậy, giới là trú xứ của hết thảy thiện pháp.

Lại nữa, ví như không chân mà muốn đi; không cánh mà muốn bay, không thuyền mà muốn qua sông, là không thể được. Nếu không có giới mà muốn cầu quả báo tốt cũng như vậy. Nếu người bỏ giới này, tuy ở núi tu khổ hạnh, ăn trái cây, uống thuốc, thì không khác gì cầm thú. Hoặc có người chỉ uống cho là giới; hoặc uống sữa, hoặc hớp không khí, hoặc cắt tóc, hoặc mặc Ca-sa, hoặc mặc áo trắng, hoặc mặc áo cỏ, hoặc áo da cây, hoặc mùa đông vào nước, hoặc mùa hạ hơ lửa, hoặc từ núi cao gieo xuống, hoặc tắm sông Hằng, hoặc ngày tắm ba lần, lại cúng dường lửa, tế tự đủ cách, chú nguyện đủ kiểu, chịu thực hành các khổ hạnh mà cho đó là giới, thì chỉ là trống không, không được gì.

Nếu có người tuy ở nhà cao điện lớn, mặc đẹp ăn ngon, mà thực hành được giới này, cũng được sanh chỗ tốt và được đạo quả. Hoặc người sang kẻ hèn, người lớn kẻ nhỏ, thực hành được giới này, thì đều được lợi lớn. Nếu phá giới này, thì không kể sang hèn, lớn nhỏ, đều không được tùy ý sanh vào chỗ lành.

Lại nữa, người phá giới, cũng ví như ao trong mát màcó rắn độc, không đáng tắm rửa, cũng như cây có hoa quả ngon mà có nhiều gai nghịch. Như người tuy được sanh ở nhà quý trọng, thân thể đoan chánh, học rộng nghe nhiều, mà không ưa trì giới, không có tâm từ bi, lại cũng như vậy, như kệ nói:

Sang mà vô trí thời là suy,

Trí mà kiêu mạn cũng là suy,

Người trì giới mà lại phá giới,

Cả đời này đời sau đều suy

Người tuy nghèo hèn mà trì giới, hơn người giàu sang mà phá giới. Hương của hoa, hương của cây, không thể bay xa; hương của trì giới, bay khắp cả mười phương. Người trì giới, được đầy đủ sự an vui, tiếng tăm nghe xa, trời người yêu kính, hiện đời thường được các thứ khoái lạc. Nếu muốn sanh vào cõi trời cõi người, thủ lấy sự giàu sang, sống lâu thì không khó vì người trì giới thanh tịnh, ước gì đều được nấy.

Lại nữa, người trì giới, thấy người phá giới bị hình ngục tra khảo, đủ các thứ khổ não, mà tự biết mình vĩnh viễn xa lìa việc ấy, lấy đó làm vui mừng. Nếu người trì giới, thấy người lành được có vinh dự, danh tiếng, khoái lạc, thì tâm sự suy nghĩ: “Như người được vinh dự, ta cũng có phần”. Người trì giới, khi lâm chung, dù có gió đao cắt thân, gân mạch đoạn tuyệt, tự biết mình trì giới thanh tịnh, tâm không sợ hãi, như kệ nói:

Trong bệnh rất dữ,

Giới là thuốc hay,

Trong sợ hãi lớn.

Giới là bảo hộ.

Trong chết tối tăm,

Giới là đèn sáng,

Trong chỗ đường ác,

Giới là cầu đò,

Trong nước biển chết,

Giới là thuyền lớn.

Lại nữa, người trì giới thường được người đời này cung kính cúng dường, tâm vui không hối hận, áo cơm không thiếu, chết được sanh lên trời, sau chứng được Phật đạo. Người trì giới, không việc gì không có được; người phá giới, tất cả đều mất. Ví như có người thường cúng dường trời, người ấy nghèo cùng, một lòng cúng dường mãn mười hai năm, mong cầu giàu sang, trời thương người đó, tự hiện thân ra, mà hỏi rằng: “Ngươi cầu những gì?” Người kia đáp: “Tôi cầu giàu sang, muốn cho những điều tâm nguyện, hết thảy đều được”. Trời trao cho một đồ vật, gọi là cái bình đức, và nói: “Mọi vật cần dùng, từ trong bình này xuất ra”.

Người kia được bình rồi, ứng theo ý muốn, mọi sự đều được. Được như ý gây dựng nhà tốt. Voi ngựa, xe cộ, bảy báu đầy đủ, cung cấp cho tân khách, không thiếu sự gì. Khách hỏi: ”Trước ông nghèo cùng, nay sao do đâu được giàu như thế này?” Đáp: ”Tôi được cái bình trời cho, xuất ra các thứ vật, cho nên giàu như vậy”. Khách nói: ”Đưa bình cho xem, kể cả vật từ bình xuất ra”. Liền đưa bình ra, trong bình dẫn ra đủ các thứ vật, người khách kia kiêu căng phóng túng, đứng lên trên bình nhảy múa, bình liền vỡ nát. Hết thảy các vật cùng một lúc tiêu mất. Người trì giới cũng như vậy. Các thứ diệu lạc, ước mong đều được, nếu người phá giới, kiêu căng phóng túng tự do, cũng như người kia phá vỡ bình, mất lợi.

Lại nữa, người trì giới, hương thơm của danh tiếng, đời này đời sau có khắp trên trời và loài người.

Lại nữa, người trì giới, được người ưa cúng thí, không tiếc tài vật, không kinh doanh tài lợi ở đời mà không bị thiếu gì. Được sanh lên cõi trời, ở trước mười phương Phật, vào đạo ba thừa mà được giải thoát. Chỉ trừ sự trì giới theo các thứ tà kiến, về sau không được gì.

Lại nữa, nếu người tuy không xuất gia, chỉ biết tu hành giới pháp, cũng được sanh cõi trời. Nếu người trì giới thanh tịnh, tu thiền định, trí tuệ, muốn cầu độ thoát sanh già bệnh chết khổ, nguyện ấy quyết chắc được. Người trì giới tuy không có binh trượng, mà các sự dữ không hại đến, tài vật của người trì giới, không ai cướp được. Trì giới là người thân, tuy chết không rời, sự trang nghiêm của trì giới quý hơn bảy báu. Do vì lẽ đó, nên hộ trì giới, như hộ vệ thân mạng, như yêu vật báu. Người phá giới, thọ khổ vạn cách, như người nghèo bị bình vỡ vật tiêu, trước kia.

Lại nữa, người trì giới, xem thấy tội của người phá giới, nên tự gắng sức, nhất tâm trì giới.

Thế nào gọi là tội của người phá giới? Người phá giới, người khác không kính, nhà nó như mồ hoang, không người nào đến.

Người phá giới, mất hết các công đức, giống như cây khô, người không yêu thích.

Người phá giới, như hoa sen trong sương, không ai ưa thấy.

Người phá giới, có ác tâm đáng sợ, giống như quỷ La-sát.

Người phá giới, người khác không quy hướng, giống như người khát, không tìm đến giếng khô.

Người phá giới, tâm thường nghi ngờ hối hận, giống như người phạm sự xấu, thường sợ tội ập đến.

Người phá giới, giống như ruộng bị mưa đá, không thể trông cậy.

Người phá giới, giống như mướp đắng, tuy thân hình giống trái ngọt mà không thể ăn.

Người phá giới, giống như xóm giặc, không thể sống chung.

Người phá giới, giống như bệnh nặng, không ai muốn gần.

Người phá giới, không được khỏi khổ, giống như đường dữ, khó đi qua.

Người phá giới, không thể ở chung; giống như giặc dữ, khó thể thân cận.

Người phá giới, giống như hầm lửa, người đi đường tránh xa.

Người phá giới, khó thể ở chung, giống như rắn độc.

Người phá giới, không thể gần gũi, giống như ngọn lửa lớn.

Người phá giới, giống như thuyền vỡ, không thể chở qua sông.

Người phá giới, giống như đồ mửa ra, không thể ăn lại.

Người phá giới, ở trong chúng thiện, giống như ngựa dữ ở trong ngựa lành.

Người phá giới, khác với người lành, như lừa ở trong bầy bò.

Người phá giới, ở giữa chúng tinh tấn giống như đứa bé yếu ớt ở giữa người mạnh.

Người phá giới, tuy hình tợ Tỳ-kheo mà cũng như thây chết ở trước mắt người.

Người phá giới, giống như ngọc giả ở giữa ngọc thiệt.

Người phá giới, giống như cây Y-lan ở trong rừng Chiên-đàn.

Người phá giới, tuy hình dáng tợ người lành mà bên trong không có thiện pháp. Tuy cũng cạo đầu, nhuộm áo, theo thứ lớp cầm thẻ (hành trù) gọi là Tỳ-kheo, mà thật chẳng phải Tỳ-kheo.

Người phá giới, nếu mặc pháp y thì đó là quấn thân với lá sắt đồng nóng. Nếu ôm bình bát thì đó là đồ đựng nước đồng nóng chảy. Nếu uống ăn thì đó là nuốt hoàn sắt nóng.

Lại nữa, người phá giới, thường có lòng sợ hãi, như ngươì mắc trọng bệnh, thường sợ chết đến. Cũng như người phạm tội ngũ nghịch, tâm thường tự nghĩ: Ta là giặc của Phật, che dấu tránh nép, như giặc sợ người, năm tháng ngày trôi qua, thường không an ổn.

Người phá giới, tuy được cúng dường lợi lạc, thứ lợi lạc đó bất tịnh; giống như người ngu cúng dường trang sức thây chết. Người trí nghe được, ghét không muốn thấy.

Vô lượng tội phá giới như vậy, không thể kể hết. Hành giả hãy nên nhất tâm trì giới.

 

22. GIẢI THÍCH NGHĨA TƯỚNG CỦA THI LA (GIỚI )

Hỏi: Đã biết các thứ quả báo công đức như vậy, thế nào gọi là giới tướng?

Đáp: Dứt ác không làm trở lại, gọi là giới. Hoặc từ tâm sanh, hoặc từ miệng nói, hoặc từ nơi người khác lãnh thọ mà dứt sự ác nơi thân và miệng; ấy là tướng của giới. Sao gọi là ác? Nếu thật đó là chúng sanh, biết là chúng sanh, sinh tâm muốn giết, cướp mạng sống của nó, tạo thành thân nghiệp, có sắc tướng tạo tác, ấy là tội sát sanh, ngoài ra trói, nhốt, đánh đập, v.v… là cách giúp sát.

Lại nữa, giết kẻ khác mắc tội sát, chứ chẳng phải tự giết thân. Tâm biết rõ đó là chúng sanh mà giết, là thành tội giết, không phải như ban đêm thấy người lại cho là gốc cây rung rinh mà giết. Cố ý sát sanh mới thành tội giết, chẳng phải không cố ý. Tâm khoái sát sanh mới thành tội giết, chẳng phải si cuồng. Mạng sống dứt mới thành tội giết, chẳng phải làm bị thương. Thân nghiệp làm mới thành tội sát, chẳng phải chỉ có miệng sai bảo. Miệng bảo là thành tội sát, chẳng phải chỉ có tâm sanh nghĩ ác. Như vậy v.v… gọi là tướng mạo của tội sát. Không làm tội ấy, gọi là giới. Nếu người thọ giới, tâm nghĩ miệng nói: “Tôi từ ngày nay, không còn sát sanh”, hoặc thân không động, miệng không nói, chỉ có tâm sanh, tự thề rằng: “Tôi từ ngày nay, không còn sát sanh”, ấy gọi là giới không sát sanh. Có người nói: “Giới không sát sanh ấy hoặc thiện hoặc vô ký”

Hỏi: Như trong A-tỳ-đàm nói Ca-chiên-diên-tử nói: “Hết thảy giới luật nghi đều là thiện”, sao nay nói là vô ký?

Đáp: Như trong A-tỳ-đàm của Ca-chiên-diên-tử nói: “Hết thảy là thiện”; còn trong các A-tỳ-đàm khác nói: “Giới bất sát hoặc thiện hoặc vô ký”. Vì sao? Vì nếu giới bất sát ấy luôn luôn làthiện, thì người trì giới ấy, lẽ phải như là người đắc đạo, thường không bị đọa vào ác đạo. Do vậy nên hoặc có khi là vô ký. Vô ký thì không có quả báo, không sanh vào cõi trời, cõi người.

Hỏi: Không có giới vô ký nên đọa địa ngục; hay do có ác tâm sanh nên đọa địa ngục?

Đáp: Không sát sanh được vô lượng thiện pháp, làm hay không làm phước cứ ngày đêm phát sanh. Nếu gây một ít tội thì phước ấy thành có hạn có lượng. Vì sao? Vì nó theo có lượng mà không theo vô lượng. Do vậy nên biết trong giới bất sát hoặc có khi là vô ký.

Lại nữa, có người không theo Thầy thọ giới, mà chỉ tâm sanh thề rằng: “Tôi từ ngày nay, không còn sát sanh”. Không sát như vậy, hoặc có khi gọi là vô ký.

Hỏi: Giới bất sát ấy trói buộc vào cõi nào?

Đáp: Trong A-tỳ-đàm của Ca-chiên-diên-tử nói: “Hết thảy thọ giới luật nghi đều trói buộc theo cõi Dục”. Còn trong các A-tỳ-đàm khác nói: “Hoặc trói buộc theo cõi Dục, hoặc không trói buộc”. Nói cho đúng nên có ba loại: Hoặc trói buộc theo cõi Dục, hoặc trói buộc theo cõi Sắc, hoặc không trói buộc. Việc sát sanh tuy ở cõi Dục, giới bất sát cũng phải theo việc sát mà ở cõi Dục. Chỉ ở cõi Sắc không sát, tâm vô lậu không sát, ấy là giới chân bất sát vì đã ngăn từ lâu xa…

Lại nữa, có người không thọ giới, nhưng từ khi sanh về sau, không ưa sát sanh, đó hoặc thiện hoặc vô ký, ấy gọi là vô ký.

Pháp bất sát sanh ấy chẳng phải tâm, chẳng phải tâm pháp, cũng chẳng phải tâm tương ưng, hoặc cọng tâm sanh, hoặc chẳng cọng tâm sanh. Trong A-tỳ-đàm của Ca-chiên-diên-tử nói: “Không sát sanh là thân nghiệp khẩu nghiệp, hoặc có sắc tướng tạo tác, hoặc không có sắc tướng tạo tác, hoặc tùy tâm hành, hoặc không tùy tâm hành, chẳng phải là nghiệp báo của đời trước. Hai lối tu nên tu, hai lối chứng nên chứng. Do tư duy đoạn, thì hết thảy ở vào thân cuối cùng tại cõi Dục chứng được; do kiến đế đoạn, mà đoạn, thì phàm phu Thánh nhân chứng được, là sắc pháp, hoặc có thể thấy, hoặc không thể thấy, hoặc là pháp có đối ngại, hoặc là pháp không đối ngại; pháp có quả báo, pháp không có quả báo; pháp hữu lậu, pháp hữu vi; pháp còn có pháp ở trên (pháp hữu thượng – đối lại là pháp vô thượng), chẳng phải là tương ưng nhân. Phân biệt như vậy; ấy gọi là giới bất sát.

Hỏi: Giới trong Bát chánh đạo cũng có giới không sát sanh, cớ sao chỉ nói giới không sát sanh là có quả báo, là hữu lậu?

Đáp: Trong đây chỉ nói pháp thọ giới luật nghi, không nói vô lậu giới luật nghi.

Lại nữa, trong các A-tỳ-đàm khác nói: “Pháp bất sát thường không đi theo tâm, chẳng phải nghiệp thân khẩu. Nghịêp hành không theo tâm thì hoặc có quả báo, hoặc không có quả báo. Pháp chẳng tương ưng với tâm thì hoặc là hữu lậu hoặc vô lậu”. Đó là điểm sai khác, ngoài ra đều đồng nhau. Lại có người nói: “Chư Phật Thánh Hiền không hý luận các pháp, chỉ thấy hiện tiền chúng sanh đều tiếc thân mạng nên Phật dạy chớ cướp mạng sống kẻ khác, cướp mạng sống kẻ khác đời đời bị đau khổ. Chúng sanh thật có hay không sau sẽ nói.

Hỏi: Người ta hay lấy sức thắng người, chiếm nước, giết kẻ oán, làm thợ săn lấy da thịt, để cứu giúp rất lớn. Còn nay không sát sanh được lợi ích gì?

Đáp: Được không sợ hãi, được an vui. Ta không hại kia, kia không hại ta, do vậy không sợ không hãi. Người hiếu sát, tuy ở địa vị làm vua người, cũng không tự an được như người trì giới dạo đi một mình, không sợ sệt chi tai nạn.

Lại nữa, người hiếu sát, các loài có mạng sống đều không ưa thấy, nếu không hiếu sát thì hết thảy chúng sanh đều ưa nương dựa.

Lại nữa, người trì giới, khi lâm chung tâm được an lạc, không nghi, không hối, hoặc được sanh cõi trời, hoặc sanh cõi người, thường được sống lâu. Ấy là nhân duyên đắc đạo, cho đến khi được thành Phật, ở đời sống lâu vô lượng.

Lại nữa, người sát sanh, thì đời này đời sau thọ các loại thân tâm đau khổ. Người không sát sanh, không có các nạn đó; ấy là lợi lớn.

Lại nữa, hành giả suy nghĩ: “Ta biết tiếc mạng sống, yêu thân mình, thì kia cũng như vậy, cùng với ta khác gì?” Do lẽ ấy, không nên sát sanh.

Lại nữa, nếu sát sanh thì bị người lành chê trách, kẻ oan gia ghen ghét, vì mắc nợ mạng nên thường hay sợ hãi, bị kia oán ghét, khi chết ăn năn, sẽ đọa trong địa ngục, hoặc trong loài súc sanh, hoặc sanh trong loài người thì thường phải chết yểu.

Lại nữa, giả sử đời sau không bị tội, không bị người lành chê trách, oan gia ghen ghét, còn không nên cố cướp mạng kẻ khác. Vì sao? Vì người có được tướng lành, còn không nên làm, huống gì cả hai đời đã có tội, đã bị quả báo xấu ác.

Lại nữa, sát sanh là tội nặng nhất trong các tội. Vì sao? Vì người khi gặp phải cái chết gấp, thì không tiếc vật quý báu, mà chỉ lo cho mạng sống trước tiên. Ví như người khách buôn vào biển tìm châu báu, sắp ra khỏi biển, thuyền chợt bị vỡ, trân bảo mất hết mà rất vui mừng, đưa tay lên nói: “Chút nữa mất vật báu lớn!” Mọi người lấy làm lạ nói: “Ngươi mất hết tài bảo, trần truồng thoát khỏi, cớ sao vui mừng nói: Chút nữa mất vật báu lớn? Đáp: “Trong tất cả vật báu, mạng người báu nhất. Người vì mạng sống mà tìm của báu, chứ không phải vì của báu mà tìm mạng sống”. Vì lẽ ấy, Phật dạy trong mười bất thiện đạo, sát sanh đứng đầu. Trong năm giới, giới bất sát cũng đứng đầu. Nếu người tu nhiều phước đức mà không có giới bất sát sanh, thời không có ích gì. Vì sao? Vì tuy có được sanh vào nơi giàu sang, thế lực cường hào, mà không được sống lâu, thì ai thọ hưởng cái vui ấy? Do vậy biết trong các tội, tội sát sanh nặng nhất, trong các công đức, công đức không sát sanh lớn nhất. Trong thế gian, tiếc mạng sống là nhất. Vì sao biết? Vì tất cả người đời, thà cam chịu hình phạt, tàn tật, khảo đánh để giữ mạng sống.

Lại nữa, nếu có người thọ giới, tâm sanh, miệng nói rằng: “Kể từ ngày nay không giết hết thảy chúng sanh”. Thế là đối với vô lượng chúng sanh, đã đem thứ vật yêu trọng mà thí cho, nên được công đức cũng vô lượng. Như Phật dạy: “Có năm thứ bố thí lớn”. Những gì là năm?

  1. Không sát sanh, là việc bố thí lớn
  2. Không trộm cắp
  3. Không tà dâm
  4. Không nói dối
  5. Không uống rượu, cũng như vậy.

Lại nữa, thực hành Từ tam muội được phước vô lượng, nước lửa không hại được, đao binh không tổn thương được, hết thảy ác độc không thể trúng được. Vì hành năm sự bố thí lớn, nên được như vậy.

Lại nữa, các bậc tôn quý trong ba đời mười phương, Phật là tôn quý nhất. Như Phật dạy Ưu-bà-tắc Nan-đề-ca rằng: “Sát sanh có mười tội.

Những gì là mười?

  1. Tâm thường ôm độc đời đời không dứt.
  2. Chúng sanh oán ghét, mắt không muốn nhìn.
  3. Thường ôm niệm ác, suy, nghĩ việc ác.
  4. Chúng sanh sợ hãi như thấy cọp rắn.
  5. Khi ngủ tâm sợ, thức bất an.
  6. Thường có ác mộng.
  7. Khi mệnh chung cuồng sợ cái chết dữ.
  8. Gieo nghiệp nhân duyên của chết yểu.
  9. Thân hoại mệnh chung, đọa trong địa ngục.
  10. Nếu được làm người, thường phải chết yểu”.

Lại nữa, hành giả tâm niệm suy nghĩ: “Tất cả loài có mạng sống, cho đến côn trùng, đều tự tiếc thân mạng. Cớ sao biết lấy y phục uống ăn để bảo hộ thân mình mà lại giết chúng sanh?!”

Lại nữa, hành giả nên học pháp đại nhân. Trong hết thảy đại nhân, Phật là tối đại. Vì sao? Vì tất cả trí tuệ được thành tựu, mười trí lực đầy đủ, hay độ chúng sanh, thường hành từ mẫn, giữ giới sát sanh, tự được thành Phật, cũng dạy đệ tử thực hành tâm từ mẫn đó. Hành giả muốn học hạnh của đại nhân, cũng nên không giết.

Hỏi: Nếu không xâm hại ta thì tâm sát có thể dứt được, còn nếu xâm hại, cưỡng đoạt, bức bách ta, thời phải làm sao?

Đáp: Phải nên lường việc khinh trọng. Nếu người giết mình, trước nên tự suy nghĩ: “Cái lợi toàn giới là trọng hay toàn thân là trọng? Phá giới là mất mát hay tan nát thân là mất mát?” Suy nghĩ như vậy biết giữ giới là trọng, toàn thân là khinh. Nếu tạm khỏi nạn mà được toàn thân, thì thân được cái gì? Thân là chỗ tụ đọng của già bệnh chết, chắc chắn phải bại hoại. Nếu vì giữ giới mà mất thân, lợi ấy rất trọng. Lại suy nghĩ: “Ta trước sau mất thân, đời đời vô số, hoặc làm thân giặc ác, cầm thú, chỉ vì tài lợi mà làm các việc bất thiện, nay mới được vì sự giữ tịnh giới cho nên không tiếc thân. Xả mạng để giữ giới, hơn trăm ngàn vạn lần hủy cấm giới để giữ toàn thân, không thể ví dụ được”. Định tâm như vậy, nên phải xả thân để hộ tịnh giới. Như một vị Tu-đà-hoàn sanh trong một nhà đồ tể, đến tuổi trưởng thành, phải cai quản gia nghiệp mà không chịu sát sanh. Cha mẹ đưa dao và một con dê, nhốt ở trong nhà mà bảo: “Nếu không giết dê, thì không cho ngươi ra mà thấy ánh mặt trời mặt trăng và sinh hoạt ăn uống”. Người con tự suy nghĩ: “Ta nếu giết một con dê này, bèn phải suốt đời làm nghiệp này, há vì thân mà gây nên tội lớn này ư?” Liền lấy dao tự sát. Cha mẹ mở cửa ra thấy dê đứng ở một phiá còn đứa con thì đã mệnh tuyệt. Ngay lúc tự sát, liền sanh lên cõi trời. Được như thế ấy, là vì không tiếc mạng sống để hộ toàn vẹn tịnh giới. Những nghĩa như vậy, gọi là giới không sát sanh.

Không cho mà lấy là, biết đó là vật của người khác mà sanh tâm trộm cắp, lấy vật đem đi khỏi chỗ cũ, cho là vật thuộc của ta; thế gọi là trộm. Nếu không làm, gọi là không trộm. Ngoài ra, phương tiện so tính, cho đến tay cầm mà chưa đưa đi khỏi chỗ; ấy gọi là cách giúp sự ăn trộm.

Tài vật có hai loại: Có loại thuộc của người khác, có loại không thuộc của người khác. Lấy vật thuộc của người khác là tội trộm. Vật thuộc của người khác cũng có hai: 1- Vật ở trong làng xóm, 2- Vật ở chỗ trống. Vật ở hai chỗ ấy, có tâm trộm lấy, thì mắc tội trộm. Nếu vật ở chỗ trống, hãy kiểm xét biết vật ấy gần nước nào? Vật ấy phải có chủ, không nên lấy. Như trong Luật tạng nói về các việc không trộm. Ấy gọi là tướng mạo không trộm.

Hỏi: Không trộm có lợi ích gì?

Đáp: Mạng sống có hai: Trong và ngoài. Nếu cướp tài vật, ấy là cướp mạng ngoài. Vì sao? Vì mạng sống dựa nơi cơm ăn, áo mặc v.v… mới sống. Nếu cướp, nếu giật, ấy gọi là cướp mạng ngoài, như kệ nói:

Hết thảy chúng sanh

Lấy cơm áo nuôi sống

Hoặc cướp hoặc trộm lấy

Ấy gọi là cướp mạng

Vì lẽ ấy, người có trí không nên cướp đoạt.

Lại nữa, nên tự suy nghĩ: “Cướp giật được vật để cung cấp cho mình, tuy thân có đầy đủ rồi cũng phải chết, chết vào địa ngục. Tuy cả gia thất thân thuộc cùng được thọ vui mà chỉ riêng mình chịu tội, cũng không cứu được”. Quán sát được thế ấy, nên không nên trộm.

Lại nữa, không cho mà lấy đây có hai thứ: 1- Trộm, 2- Cướp. Cả hai đều gọi là không cho mà lấy. Trong tội không cho mà lấy, trộm là rất nặng. Vì sao? Vì mọi người đều lấy tài vật nuôi sống, mà đào ngạch khoét vách trộm lấy; vì không có sức hơn người, mà sợ chết nên mới trộm lấy, ấy là rất bất tịnh. Trong tội cướp đoạt, trộm là tội nặng. Như kệ nói:

Đói khát thân ốm gầy

Chịu tội chỗ đại khổ,

Của người không thể đụng,

Giống như đống lửa lớn.

Nếu trộm lấy của người,

Chủ nó khóc áo não,

Giả sử là Thiên vương,

Cũng còn lấy làm khổ.

Tội của người sát sanh tuy nặng, chỉ là giặc đối với kẻ bị giết, còn người trộm cắp lại là giặc đối với hết thảy người có của. Nếu phạm các giới khác, có khi không phải là tội đối với nước khác, còn người trộm cắp, thì tất cả các nước đều trị tội.

Hỏi: Người cướp đoạt, đời nay có người khen cho là mạnh. Vậy đối với việc cướp đoạt; vì sao phải buông xả?

Đáp: Không cho mà trộm lấy, đó là tướng bất thiện. Trong sự cướp đoạt, tuy có so le, nhưng đều là bất thiện. Ví như đồ ăn ngon lẫn lộn chất độc, đồ ăn dở lẫn lộn chất độc; ngon dở tuy khác nhau mà chất độc không khác. Cũng như lúc sáng, lúc tối đạp lửa, ngày đêm tuy khác nhau mà cháy chân thì là một. Đời nay, người ngu không biết quả báo tội phước trong hai đời, không có lòng nhân từ, thấy người dùng sức xâm lấn nhau, cưỡng đoạt tài sản kẻ khác, khen cho là mạnh, còn chư Phật Hiền Thánh thì thương xót hết thảy, rõ suốt ương họa ba đời không mất, nên không khen ngợi. Do vậy nên biết tội trộm cướp đều là bất thiện, nên người lành và hành giả không làm. Như Phật dạy: “Không cho mà lấy có mười tội. Những gì là mười?

  1. Chủ tài vật thường giận.
  2. Bị người nghi cho phạm trọng tội.
  3. Đi lại phi thời, không trù tính.
  4. Bạn bè với kẻ ác, xa lìa bậc hiền thiện.
  5. Phá tướng lành.
  6. Bị tội với quan.
  7. Tài vật không vào.
  8. Gieo nghiệp nhân duyên của sự nghèo.
  9. Chết đọa vào địa ngục.
  10. Nếu được ra khỏi mà làm người, siêng khó cầu tài vật, trở thành chung của cả năm nhà là hoặc vua, hoặc giặc, hoặc lửa, hoặc con bất hiếu sử dụng. Cho đến chôn giấu cũng bị mất.

– Tà dâm là, nếu đối với con gái được cha mẹ, anh em, chị em, chồng, con cái, pháp luật thế gian, và phép vua bảo hộ, mà hoặc phạm đến, ấy gọi là tà dâm. Hoặc có người tuy không có ai bảo hộ, mà do pháp bảo hộ. Thế nào là pháp bảo hộ? Là hết thảy người nữ xuất gia và người nữ thọ giới trong một ngày, ấy là pháp bảo hộ. Nếu dùng sức, dùng tài vật, hoặc dụ dỗ, đối với có người vợ đang thọ giới; có thai, có con đang thời kỳ bú; hoặc phi đạo; cho đến dùng tràng hoa cho dâm nữ để yêu sách. Phạm những điều như vậy gọi là tà dâm. Không làm những điều như vậy gọi là không tà dâm.

Hỏi: Người bảo hộ nên người nổi sân, pháp bảo hộ nên phá pháp, nên gọi là tà dâm. Còn người đối với vợ mình, vì sao cho là tà?

Đáp: Đã cho phép vợ thọ giới trong một ngày, đã ở trong pháp, tuy vốn là vợ mà nay không được tự do. Qua khỏi ngày thọ giới, thì chẳng phải là pháp thủ hộ. Lại, người vợ đang mang thai, vì thân thể kia nặng nề, chán thói cũ; lại vì sợ tổn thương bụng chửa; khi con còn thời kỳ bú mà hành dâm mẹ nó thì sữa khô kiệt; lại vì tâm người nữ say dâm dục thì không còn săn sóc con. Chỗ phi đạo là không phải nữ căn, tâm người nữ không vui mà cưỡng ép phi lý nên gọi là tà dâm. Những việc ấy không làm, nên không gọi là tà dâm.

Hỏi: Nếu người chồng không biết, không thấy, không phiền não thì người dâm kia có tội gì?

Đáp: Vì nó là tà. Đã gọi là tà, ấy là bất chánh, cho nên có tội.

Lại nữa, việc này có các tội lỗi: Tình chồng vợ tuy khác thân mà đồng thể. Cướp tình yêu của người khác, phá bổn tâm của người ta; ấy là giặc, lại mắc trọng tội, tiếng tăm xấu xa, bị người oán ghét, vui ít sợ nhiều, hoặc sợ hình phạt giết chết. Lại sợ chồng và người hai bên biết, thường ưa nói dối, bị Thánh nhân trách mắng là tội của trọng tội.

Lại nữa, người dâm dật nên tự suy nghĩ: “Vợ ta vợ người, đồng là nữ nhân, xương thịt tình thái, kia đây không khác; mà vì sao ta sanh tâm mê lầm ngang trái, chạy theo ý tà?” Người tà dâm phá mất cái vui đời này, đời sau.

Lại nữa, đổi chỗ xoay về mình, để tự chế tâm rằng: ”Nếu người kia xâm phạm vợ ta, thì ta giận khổ; nếu ta xâm phạm vợ người kia, thì người kia cũng thế khác gì. Suy bụng mình để tự chế cho nên không nên làm”.

Lại nữa, như Phật dạy: “Người tà dâm, sau đọa vào địa ngục cây gươm, chịu đủ mọi khổ. Khi được ra khỏi mà làm người thì gia đạo bất hòa, thường gặp dâm dục, tà vậy, giặc ác. Tà dâm là hoạn nạn ví như rắn độc, cũng như lửa lớn, không gấp rút xa lánh, thì họa lại ập đến”. Như Phật dạy: “Tà dâm có mười tội:

  1. Thường bị phu chủ của người bị dâm muốn làm nguy hại.
  2. Chồng vợ bất hòa, thường đấu tranh nhau.
  3. Ngày ngày tăng trưởng các pháp bất thiện, tổn giảm các pháp thiện.
  4. Không bảo hộ thân, vợ con côi cút.
  5. Tài sản mỗi ngày hao mòn.
  6. Có các việc dữ, thường bị người nghi.
  7. Thân thuộc, bạn bè không vui mừng yêu mến.
  8. Gieo nghiệp nhân duyên về oan gia.
  9. Thân hoại mạng chung, chết vào địa ngục.
  10. Nếu được ra khỏi mà làm người nữ, phải chung chồng với nhiều người, còn nếu là người nam, thì vợ không trinh khiết.

– Nói dối là, tâm không thanh tịnh, muốn dối gạt người, che giấu sự thật, xuất lời nói khác, sanh khẩu nghiệp; ấy là nói dối. Tội vọng ngữ là do hai bên cùng hiểu về ngôn ngữ mà có; nếu không cùng hiểu, thì tuy có nói không thật, cũng không có tội nói dối. Nói dối là, biết nói không biết, không biết nói biết; thấy nói không thấy, không thấy nói thấy; nghe nói không nghe, không nghe nói nghe; ấy là nói dối. Nếu không làm, ấy là không nói dối.

Hỏi: Nói dối có những tội gì?

Đáp: Người nói dối trước hết tự dối mình, sau dối người. Lấy thật làm hư; lấy hư làm thật, hư thật điên đảo, không thọ nhận thiện pháp. Ví như cái bình úp, nước không vào được. Người nói dối, tâm không tàm quý, đóng bít cửa thiện đạo và Niết-bàn. Quán xét biết tội ấy, cho nên không làm.

Lại nữa, quán xét biết thật ngữ lợi ích rất rộng lớn. Cái lợi của thật ngữ từ nơi mình ra, rất là dễ được. Đó là cái lực của hết thảy người xuất gia. Công đức như vậy, người tại gia xuất gia đều có cái lợi này. Đó là tướng của người lành.

Lại nữa, người thật ngữ, tâm họ ngay thẳng, dễ được khỏi khổ. Ví như kéo cây ra chỗ rừng rậm, cây thẳng dễ ra.

Hỏi: Nếu nói dối có tội như vậy, tại sao người ta nói dối?

Đáp: Có người ngu si thiếu trí, gặp việc khổ ách, nói dối để cầu thoát khỏi, không biết việc phát xuất đời này mắc tội, không biết đời sau mắc tội báo lớn. Lại có người tuy biết tội nói dối, nhưng vì xan tham sân nhuế, ngu si nhiều cho nên nói dối. Lại có người tuy không xan tham sân nhuế, mà dối làm chứng tội người, tâm cứ bảo là thật, chết bị đọa vào địa ngục, như đệ tử của Đề-bà-đạt-đa là Câu-già-ly, thường tìm tòi lỗi lầm của Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên. Lúc ấy hai ngài hạ an cư xong, du hành qua các nước, lúc gặp trời mưa lớn, đến nhà người thợ gốm, nghỉ lại trong nhà chứa đồ đầy gốm. Trong nhà ấy, trước đã có một người nữ ngủ ở chỗ tối, hai ngài không biết. Đêm đó người nữ nằm mộng xuất bất tịnh, sáng sớm đi đến chỗ có nứơc để rửa. Bấy giờ Câu-già-ly ngẫu nhiên đi qua trông thấy. Câu-già-ly có khả năng xem tướng, biết tình trạng của người có giao hội, mà không biết được có mộng hay không mộng. Câu-già-ly quay nói với đệ tử: “Người nữ này đêm qua đã thông tình với người khác”. Liền hỏi người nữ: “Cô nằm ở chỗ nào?” Đáp: “Tôi ngủ nhờ trong nhà người thợ gốm”. Lại hỏi: “Cùng với ai?” Đáp: “Hai Tỳkheo”. Lúc ấy hai ngài từ trong nhà đi ra. Câu-già-ly thấy rồi, lại xem tướng xét nghiệm, trong ý cho rằng hai ngài chắc chắn đã làm điều bất tịnh. Trước đã ôm sẵn tâm tật đố, nay thấy việc này, đem rêu rao khắp các thành ấp xóm làng, sau đi đến Kỳ Hoàn, xướng lên tiếng xấu ấy.

Giữa lúc ấy, Phạm-thiên vương đi đến muốn hầu Phật, Phật đã vào tịnh thất, yên lặng trong Tam muội. Các Tỳ-kheo cũng đều đóng phòng vào tam muội, không thể đánh thức được, liền tự suy nghĩ: “Ta cố đến hầu Phật. Phật vào tam muội”, và muốn trở lui, lại nghĩ rằng: “Phật từ định dậy, chắc sẽ không lâu”, nên ngừng lại chốc lát và đi đến trước phòng Câu-già-ly, gõ cửa nói rằng: “Câu-già-ly! Câu-già-ly! Xá-lợiphất và Mục-kiền-liên tâm thanh tịnh nhu nhuyến, thầy chớ hủy báng mà phải chịu khổ suốt đời”. Câu-già-ly hỏi: “Ông là người nào?” Đáp: “Tôi là Phạm-thiên vương!” Hỏi: “Phật nói ông đã được đạo quả A-nahàm, vì cớ sao đến đây” Phạm-vương tâm suy nghĩ mà nói kệ:

Muốn lường pháp vô lượng

Không nên giữ lấy tướng,

Muốn lường pháp vô lượng,

Người ấy bị che mắt

Nói kệ ấy xong, Phạm-thiên vương đi đến chỗ Phật, trình bầy đầy đủ ý đó. Phật nói: “Lành thay! Lành thay! Khéo nói kệ ấy”. Bấy giờ Thế Tôn nói lại kệ ấy:

Muốn lường pháp vô lượng

Không nên thử lấy tướng,

Muốn lường pháp vô lượng,

Người ấy bị che mắt

Phạm-thiên vương nghe Phật nói xong bỗng nhiên biến mất, liền trở lại cõi Trời. Bấy giờ, Câu-già-ly đi đến chỗ Phật, đầu mặt lễ chân Phật, lui ngồi một bên. Phật nói với Câu-già-ly: “Xá-lợi-phất và Mụckiền-liên tâm thanh tịnh nhu nhuyến, ngươi chớ hủy báng mà phải chịu khổ suốt đời”. Câu-già-ly thưa Phật: “Con đối với lời Phật dạy không dám không tin, chỉ vì tự mắt thấy rõ ràng, biết chắc hai Tôn giả thật sự đã hành bất tịnh”. Phật mắng như vậy ba lần, Câu-già-ly cũng ba lần không chịu, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đi trở về phòng, toàn thân sanh mụn nhọt, mới đầu như hạt cải, lớn dần như hạt đậu, quả táo, quả nại, càng lớn như quả dưa, đông lại tiêu hoại, như lửa lớn đốt cháy, kêu la rên siết, chết ngay trong đêm ấy, sa vào địa ngục Đại Liên hoa.

Bấy giờ có một Phạm-thiên ban đêm đi đến bạch Phật: “Câu-giàly đã chết”. Lại có một Phạm-thiên nói: “Bị đọa vào địa ngục Đại Liên hoa”.

Đêm ấy đã qua, Phật bảo chúng Tăng tập họp mà dạy rằng: “Các ông có muốn biết thọ mạng của Câu-già-ly ở địa ngục dài ngắn chăng?” Các Tỳ-kheo thưa: “Nguyện muốn được nghe”. Phật dạy: “Có sáu mươi hộc mè, có một người qua trăm năm lấy đi một hột mè. Cứ như vậy đến hết mà thọ số trong địa ngục A-phù-đà vẫn chưa hết. Số tuổi thọ trong hai mươi địa ngục A-phù-đà là số tuổi thọ trong một địa ngục Ni-la-phùđà. Số tuổi thọ trong hai mươi địa ngục Ni-la-phù-đà là số tuổi thọ trong một địa ngục A-a-la. Số tuổi thọ trong hai mươi địa ngục A-a-la là số tuổi thọ trong một địa ngục A-bà-bà. Số tuổi thọ trong hai mươi địa ngục A-bà-bà là số tuổi thọ trong một địa ngục Hưu-hưu. Số tuổi thọ trong hai mươi địa ngục Hưu-hưu là số tuổi thọ trong một địa ngục Âu-ba-la. Số tuổi thọ trong hai mươi địa ngục Âu-ba-la là số tuổi thọ trong một địa ngục Phân-đà-lê-ca. Số tuổi thọ trong hai mươi địa ngục Phân-đà-lê-ca là số tuổi thọ trong một địa ngục Ma-ha-Ba-đầu-ma. Câu-già-ly bị đọa vào địa ngục Ma-ha-Ba-đầu-ma ấy, lưỡi bị kéo ra thật lớn, lấy năm trăm cái đinh đâm vào năm trăm cái lưỡi cày cày lên”. Bấy giờ Thế Tôn mới nói kệ:

Người sanh ra ở đời,

Búa sẵn ở trong miệng,

Sở dĩ chém thân mình,

Là do lời nói ác.

Kẻ đáng mắng lại khen,

Người đáng khen lại mắng,

Miệng chứa đầy điều ác,

Trọn chẳng được an vui,

Tâm khẩu nghiệp sanh ác.

Đọa ngục Ni-la-phù,

Đầy đủ trăm ngàn đời,

Chịu khổ đau cay độc,

Nếu sanh A-phù-đà,

Đầy đủ ba mươi sáu,

Lại riêng có năm đời,

Chịu đủ các khổ độc.

Tâm nương vào tà kiến,

Phá lời của Hiền Thánh,

Như tre sinh ra trái,

Tự hủy chính thân nó.

Như vậy, tâm sanh nghi ngờ phỉ báng bèn đi tới quyết định cũng là nói dối. Người nói dối, thậm chí lời Phật cũng chẳng tín thọ. Vì chịu tội như vậy, nên không nên nói dối.

Lại nữa, như con Phật là La-hầu-la, khi còn ấu thơ, chưa biết dè miệng, có người đến hỏi: “Thế Tôn có ở nhà chăng?” Nói dối là: “Không có ở nhà”. Nếu khi Phật không ở nhà, có người hỏi: “La-hầu-la, Phật ở nhà chăng?” Nói dối là: “Phật ở nhà”. Có người kể lại với Phật, Phật bảo La-hầu-la: “Cầm chậu lấy nước cho Ta rửa chân”. Phật rửa chân xong, bảo: “Úp chậu ấy lại”. Theo lời dạy, La-hầu-la liền úp lại. Phật bảo La-hầu-la: “Lấy nước rót lên”. Rót xong, Phật hỏi: “Nước có vào trong chậu chăng?” Thưa: “Bạch Thế Tôn! Không vào”. Phật bảo Lahầu-la: “Cũng như vậy, người không biết tàm quý, sự nói dối che tâm, đạo pháp không vào được”. Như Phật dạy: Nói dối có mười tội:

  1. Hơi miệng hôi.
  2. Thiên thần xa lánh, kẻ phi nhân gây hại.
  3. Tuy có nói thật không ai tin thọ.
  4. Người trí mưu nghị, thường không được tham dự.
  5. Thường bị phỉ báng, bị tiếng xấu ác đồn khắp thiên hạ.
  6. Không được người cung kính, tuy có dạy bảo, người ta không thừa nhận ứng dụng.
  7. Thường nhiều ưu sầu.
  8. Gieo nghiệp nhân duyên cho sự phỉ báng.
  9. Thân hoại mạng chung sẽ sa vào địa ngục.
  10. Nếu được ra làm người, thì thường bị phỉ báng.

Các thứ như vậy không làm, ấy là không nói dối, gọi là thiện luật nghi của miệng.

– Không uống rượu là, rượu có ba thứ.

  1. Rượu gạo
  2. Rượu quả
  3. Rượu cây thuốc.

Rượu quả là quả nho, quả a-lê-tra, các thứ như vậy gọi là rượu quả. Rượu cây thuốc là các thứ cây thuốc hòa hợp với gạo, men trong nước mía, có thể biến thành rượu, giống như rượu sữa thú, tất cả sữa nóng đều có thể làm rượu được. Nói tóm, các thứ như vậy hoặc khô hoặc ướt, hoặc thanh hoặc trược có thể khiến tâm người biến động phóng dật, đều gọi là rượu. Tất cả đều không nên uống, ấy gọi là không uống rượu.

Hỏi: Rượu có thể trừ lạnh, ích thân, làm cho tâm hoan hỷ, vì sao không uống?

Đáp: Ích thân rất ít mà hại thân rất nhiều, cho nên không nên uống. Ví như đồ ăn ngon trong đó có lẫn độc. Là những độc gì? Như Phật nói với Ưu-bà-tắc Nan-đề-ca: “Rượu có ba mươi lăm điều hại:

  1. Hiện đời tài vật hao kiệt. Vì sao? Vì người uống rượu say, tâm không biết tiết chế giới hạn, phí dụng vô độ.
  2. Cửa ngõ cho mọi tật bệnh.
  3. Gốc của sự đấu tranh.
  4. Lõa lồ không biết hổ.
  5. Tiếng tăm xấu xa.
  6. Không ai kính trọng.
  7. Vật đáng được lại không được, vật có được lại bị tan mất.
  8. Những việc kín đáo đem nói hết với người.
  9. Các sự nghiệp bị bỏ phế không thành.
  10. Say là gốc sầu muộn. Vì sao? Trong khi say gây nhiều tội lỗi.
  11. Thân lực càng kém sút.
  12. Thân sắc bại hoại.
  13. Không biết thờ kính cha.
  14. Không biết thờ kính mẹ.
  15. Không kính Sa-môn, Bà-la-môn.
  16. Không kính Bác, chú và các vị tôn trưởng. Vì sao? Vì khi say hôn muội hoảng hốt, không phân biệt được gì.
  17. Không tôn kính Phật.
  18. Không kính Pháp.
  19. Không kính Tăng.
  20. Bè bạn với kẻ ác.
  21. Xa lìa bậc hiền thiện.
  22. Làm người phá giới.
  23. Không tàm quý.
  24. Không thủ hộ các căn.
  25. Phóng túng sắc dục.
  26. Bị người ganh ghét không ưa thấy.
  27. Bị các thân tộc tôn quý và các hàng trí thức đuổi bỏ.
  28. Hành pháp bất thiện.
  29. Vứt bỏ thiện pháp.
  30. Bị ngừơi sáng kẻ trí không tin dùng. Vì sao? Vì phóng dật theo rượu.
  31. Xa lìa Niết-bàn.
  32. Gieo nhân duyên về sự cuồng si.
  33. Thân hoại mạng chung đọa vào trong địa ngục, ác đạo.
  34. Nếu được làm người, sanh ra thường phải điên cuồng lẩn thẩn.

Vì các điều tai hại như thế, cho nên không uống, như kệ nói:

Rượu, mất tướng giác tri,

Thân sắc trược mà xấu,

Trí tâm động mà loạn,

Tàm quý đã bị cướp.

Thất niệm, tăng sân hận,

Mất vui, hủy tôn tộc,

Như vậy tuy gọi uống,

Thật là uống độc chết.

Không đáng giận mà giận,

Không đáng cười mà cười,

Không đáng khóc mà khóc

Không đáng đánh mà đánh,

Không đáng nói mà nói,

Chẳng khác chi người cuồng,

Cướp các công đức lành.

Người biết hổ không uống

Bốn tội như vậy không làm, là luật nghi thiện của thân. Không nói dối là luật nghi thiện của miệng, gọi là năm giới luật nghi Ưu-bà-tắc.

Hỏi: Nếu giữ tám luật nghi (thân có ba, miệng có bốn và không uống rượu) và nuôi sống cách trong sạch, gọi là giới, vậy vì sao Ưu-bàtắc đối với luật nghi của miệng không có ba luật nghi (nói hai lưỡi, nói ác, nói thêu dệt) và nuôi sống cách trong sạch?

Đáp: Hàng cư sĩ tại gia, thọ dục lạc ở đời, chỉ kiêm tu phước đức, không thể tu hết các giới pháp, cho nên Phật chỉ khiến giữ năm giới.

Lại nữa, trong bốn thứ khẩu nghiệp, nghiệp nói dối là nặng nhất. Lại nữa, nói dối là sanh tâm cố làm, còn các nghiệp khác (nói hai lưỡi v.v…) hoặc cố tâm làm, hoặc không cố tâm làm.

Lại nữa, chỉ nói dối là gồm đủ ba thứ kia.

Lại nữa, trong các thiện pháp, chơn thật là lớn nhất. Nếu nói lời chơn thật là đã gồm đủ được bốn thứ chánh ngữ.

Lại nữa, hàng cư sĩ ở đời, còn phải làm quan xử lý sự việc, sứ giả của nghiệp nhà, cho nên khó giữ được giới không nói ác. Nói dối là cố ý làm. Vì là việc trọng nên chẳng nên làm.

Năm giới này có năm bậc lãnh thọ là năm hạng Ưu-bà-tắc :

  1. Nhất phần hành Ưu-bà-tắc
  2. Thiểu phần hành Ưu-bà-tắc
  3. Đa phần hành Ưu-bà-tắc
  4. Mãn phần hành Ưu-bà-tắc
  5. Đoạn dâm Ưu-bà-tắc.

Nhất phần hành là ở trong năm giới chỉ thọ được một giới, không thể thọ trì bốn giới kia.

Thiểu phần hành là hoặc thọ được hai giới, hoặc thọ được ba giới.

Đa phần hành là thọ được bốn giới.

Mãn phần hành thọ trì đủ năm giới.

Đoạn dâm là sau khi thọ ngũ giới, ở trước Thầy lại phát lời thề rằng: “Tôi đối với vợ mình không còn hành dâm”, ấy gọi là năm giới, như Phật dạy kệ rằng:

Không giết cũng không trộm.

Cũng không có tà dâm,

Thật ngữ, không uống rượu

Chánh mạng với tịnh tâm,

Nếu làm được như vậy,

Trừ lo sợ hai đời,

Giới phước thường theo thân,

Thường cùng với trời người.

Hoa sáu thời ở đời,

Màu tươi sáng cùng phát,

Vì hoa một năm này,

Trên trời một ngày đủ.

Cây trời tự nhiên sanh,

Tràng hoa và anh lạc,

Hoa đỏ như đèn chiếu,

Các màu xen lẫn nhau.

Áo trời có vô lượng,

Bao nhiêu thứ màu sắc,

Tinh bạch ánh mặt trời,

Nhẹ kín không xen hở.

Thêu dệt chiếu sắc vàng,

Văn vẻ như hơi mây.

Áo thượng diệu như vậy,

Đều từ cây trời ra.

Ngọc sáng hoa tai trời,

Xa cừ sáng tay chân,

Áo mặc đẹp tùy tâm,

Cũng từ cây trời ra.

Hoa vàng cọng lưu ly,

Kim-cương làm tua hoa,

Mềm dịu hương thơm ngát,

Đều từ ao báu ra.

Đàn cầm, tranh, không hầu,

Trang sức bằng bảy báu,

Đồ đẹp nên tiếng trong,

Cũng đều từ cây ra.

Cây Ba-lỵ-chất-đa,

Vua giữa các cây trời,

Tại vườn hoan hỷ kia

Không có đâu sánh bằng.

Giữ giới là cày ruộng,

Cây trời từ đó ra,

Bếp trời vị cam-lồ,

Uống ăn trừ đói khát.

Gái trời không lệ thuộc,

Không có nạn mang thai,

Được vui vẻ tự nhiên,

Ăn, khỏi nạn đại tiểu.

Giữ giới thường nhiếp tâm,

Được sanh chỗ tự do,

Vô sự cũng vô nạn,

Thường được vui thỏa chí.

Chư thiên được tự tại,

Lo khổ không còn sanh,

Nghĩ muốn gì liền đến.

Thân sáng chiếu tối tăm.

Các thứ vui như vậy,

Đều do thí và giới,

Nếu muốn được báo ấy,

Hãy nên tự gắng sức.

Hỏi: Nay nói giới Ba-la-mật sẽ được thành Phật, vì sao lại tán thán phước báo cõi Trời?

Đáp: Phật dạy ba sự chắc chắn được quả báo không sai: Bố thí được đại phước, Trì giới được sanh chỗ tốt, Tu định được giải thoát. Nếu riêng trì giới chỉ được sanh chỗ tốt, nếu tu định, trí tuệ, từ bi hòa hợp thì được đạo quả ba thừa. Nay chỉ tán thán trì giới hiện đời được công đức, tiếng tăm, an vui, đời sau được quả báo, như bài kệ đã tán thán. Ví như con nít, lấy đường bọc thuốc đắng, sau mới uống được. Nay trước hết tán thán phước đức của sự trì giới, vậy sau người ta mới trì giới được. Trì giới rồi, lập thệ nguyện lớn, được đi đến Phật đạo, ấy là trì giới sanh Giới Ba-lamật.

Lại vì hết thảy người đều ưa đắm sự vui. Trong sự vui của thế gian, vui trên trời là hơn cả. Nếu nghe các thứ khoái lạc trên rời, liền thọ trì giới. Sau lại nghe nói trên trơì vô thường sanh tâm nhàm chán, nên có thể cầu giải thoát. Lại nghe vô lượng công đức của Phật, nếu có tâm từ bi phát sanh, nương giới Ba-la-mật sẽ được đạt đến Phật đạo. Do lẽ đó, tuy nói phước báo của giới mà không lỗi.

Hỏi: Hàng cư sĩ tại gia, chỉ thọ năm giới ấy hay còn có pháp gì khác?

Đáp: Còn có giới thọ trì trong một ngày thọ vào trong sáu ngày trai, công đức vô lượng. Hoặc trong mười hai tháng, từ một ngày đến mười lăm ngày thọ trì giới này, được phước đức rất nhiều.

Hỏi: Làm sao để thọ giới trong một ngày?

Đáp: Cách thọ giới một ngày, là quỳ thẳng chắp tay (trước giới sư) nói như vầy: “Con tên … nay một ngày một đêm Quy y Phật, Quy y Pháp, Quy y Tăng”. Nói như vậy tiếp quy y lần thứ hai, lần thứ ba.

“Con tên …. Quy y Phật rồi, Quy y Pháp rồi, Quy y Tăng rồi”. Nói như vậy tiếp lần thứ hai, lần thứ ba Quy y rồi.

“Con tên là … hoặc thân nghiệp bất thiện, khẩu nghiệp bất thiện, ý nghiệp bất thiện, vì tham dục sân nhuế, ngu si. Hoặc đời này hoặc đời trước, có các tội như vậy, ngày nay thành tâm sám hối”. Thân được thanh tịnh, miệng được thanh tịnh, thọ trì tám giới, đó là Bố-tát, (Tàu dịch là thiện túc: ngủ yên lành).

“Như chư Phật, trọn đời không sát sanh, con tên là … trong một ngày một đêm không sát sanh, cũng như vậy”.

“Như chư Phật, trọn đời không trộm cắp, con tên là … trong một ngày một đêm không trộm cắp, cũng như vậy”.

“Như chư Phật, trọn đời không dâm dục, con tên là … trong một ngày một đêm không dâm dục, cũng như vậy”.

“Như chư Phật, trọn đời không nói dối, con tên là … trong một ngày một đêm không nói dối, cũng như vậy”.

“Như chư Phật, trọn đời không uống rượu, con tên là … trong một ngày một đêm không được uống rượu, cũng như vậy”.

“Như chư Phật, trọn đời không ngồi giường cao lớn, con tên là … trong một ngày một đêm không ngồi giường cao lớn, cũng như vậy”.

“Như chư Phật, trọn đời không đeo tràng hoa, không xoa hương, không mặc áo ướp hương, con tên là … trong một ngày một đêm không đeo tràng hoa, không xoa hương, không mặc áo ướp hương, cũng như vậy”.

“Như chư Phật, trọn đời không tự ca múa làm vui, không đi xem nghe, con tên là … trong một ngày một đêm không tự ca múa làm vui, không đi xem nghe, cũng như vậy”.

“Đã thọ tám giới, như chư Phật, trọn đời không ăn quá ngọ, nay con tên là … trọn một ngày một đêm không ăn quá ngọ, cũng như vậy”. “Con tên là … thọ hành tám giới theo học pháp của chư Phật, gọi là Bồ-tát. Nguyện giữ phước báo Bồ-tát này, đời đời không bị đọa vào đường ác, tám nạn. Con cũng không cầu cái vui trong thế giới Chuyển luân Thánh vương, Phạm-thiên, Đế-thích-thiên-vương, chỉ nguyện dứt hết các phiền não, mau được Tát-bà-nhã (trí tuệ) thành tựu Phật đạo”.

Hỏi: Làm thế nào để thọ năm giới?

Đáp: Quỳ thẳng chắp tay (trước giới sư) nói rằng: “Con tên là… Quy y Phật, Quy y Pháp, Quy y Tăng”. Nói như vậy lần thứ hai, lần thứ ba.

“Con tên là… Quy y Phật rồi, Quy y Pháp rồi, Quy y Tăng rồi”. Nói như vậy tiếp lần thứ hai, lần thứ ba.

“Con là Ưu-bà-tắc của đức Phật Thích-ca Mâu-ni, xin chứng trí cho con tên là … từ ngày nay cho đến trọn đời Quy y”.

Giới sư nên nói: “Ưu-bà-tắc, ngươi hãy lắng nghe: Đức Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, biết ngươi, thấy ngươi, vì hàng Ưu-bà-tắc thuyết ra năm giới này, ngươi hãy trọn đời thọ trì. Những gì là năm?

– Trọn đời không sát sanh là giới Ưu-bà-tắc. Trong đây trọn đời không nên cố ý sát sanh. Việc này nếu giữ được, hãy trả lời: Dạ, giữ được.

– Trọn đời không trộm cắp là giới Ưu-bà-tắc. Trong đây trọn đời không nên trộm cắp. Việc này nếu giữ được, hãy trả lời: Dạ, giữ được.

– Trọn đời không tà dâm là giới Ưu-bà-tắc. Trong đây trọn đời không nên tà dâm. Việc này nếu giữ được, hãy trả lời: Dạ, giữ được.

– Trọn đời không nói dối là giới Ưu-bà-tắc. Trong đây trọn đời không nên nói dối. Việc này nếu giữ được, hãy trả lời: Dạ, giữ được.

– Trọn đời không uống rượu là giới Ưu-bà-tắc. Trong đây trọn đời không nên uống rượu. Việc này nếu giữ được, hãy trả lời: Dạ, giữ được.

Ấy là năm giới Ưu-bà-tắc, trọn đời thọ trì.

Nên cúng dường Tam bảo là Phật bảo, Pháp bảo, Tỳ-kheo Tăng bảo, siêng tu phước để cầu Phật đạo.

Hỏi: Vì sao trong sáu ngày trai, thọ tám giới, tu phước đức?

Đáp: Vì các ngày ấy ác Qủy theo dõi người, muốn cướp mạng người, gây tật bệnh, hung dữ suy bại làm cho người không yên lành. Do vậy lúc kiếp sơ, các thánh nhân dạy ngừơi trì trai, tu thiện, làm phước để tránh sự hung, suy. Lúc ấy trai pháp không phải thọ tám giới, chỉ trong một ngày không ăn là trai. Sau này Phật ra đời, mới dạy rằng: “Các người hãy một ngày, một đêm giống như chư Phật giữ tám giới, và quá ngọ không ăn.

Công đức ấy đưa người đến Niết-bàn”. Như trong kinh Tứ-thiên-vương, Phật dạy: “Mỗi tháng sáu ngày trai, Thái tử sứ giả và bốn Thiên-vương, tự xuống trần gian quan sát chúng sanh, nếu thấy ít người bố thí, trì giới, hiếu thuận cha mẹ, liền trở lên trời Đao-lợi tâu với Đế-thích. Đế-thích, chư thiên đều không vui, nói rằng: “Giống A-tu-la nhiều, giống chư thiên ít”. Nếu có nhiều người bố thí, trì giới, hiếu thuận cha mẹ thì Đếthích, chư thiên tâm đều hoan hỷ, nói rằng: “Chư thiên tăng ích, chúng A-tu-la tổn giảm”, Bấy giờ Thích-đề-bà-na-dân thấy chư thiên tâm hoan hỷ nên thuyết kệ rằng:

Tháng, sáu ngày thần đi,

Thọ trì giới thanh tịnh,

Người ấy tuổi thọ hết,

Công đức ắt như ta.

Phật bảo với các Tỳ-kheo: “Thích-đề-hoàn-nhơn không nên thuyết kệ như vậy. Vì Thích-đề-hoàn-nhơn còn bị năm suy tướng và ba độc chưa trừ, cớ sao nói dối là giữ giới một ngày, công đức phước báo ắt như ta?”

Nếu nói: “Thọ trì giới ấy, chắc được như chư Phật” mới là lời nói thật. Bởi nhân duyên được các Đại thiên tôn hoan hỷ nên được phước tăng nhiều.

Lại nữa, trong sáu ngày trai ấy, Qủy ác hại người, não loạn tất cả. Nếu ở chỗ xóm làng, gò đồi, quận huyện, quốc ấp nào có người lành trì trai, thọ giới, do nhân duyên ấy, ác qủy tránh xa, trú xứ an ổn. Do vậy, nên sáu ngày trì trai, thọ giới được phước tăng nhiều.

Hỏi: Vì sao các bọn Qủy ác dùng sáu ngày ấy để não hại người?

Đáp: Trong kinh Thiên Địa Bổn Khởi nói: “Lúc kiếp mới thành, có con của Dị Phạm-thiên vương là cha các qủy thần, tu khổ hạnh theo Phạm-chí, đủ mười hai năm trên trời, trong sáu ngày này cắt thịt, xuất huyết, lấy để trong lửa. Do vậy nên các quỷ thần trong sáu ngày này, bèn có thế lực.

Hỏi: Cha các quỷ thần, tại sao trong sáu ngày này cắt thịt, xuất huyết, lấy để trong lửa?

Đáp: Trong các thần, Ma-hê-thủ-la thần là lớn hơn cả, các thần đều có nhật phần. Ma-hê-thủ-la mỗi tháng có bốn nhật phần là ngày mồng 8, 2, 3, 14, 29, và các thần khác mỗi tháng có hai nhật phần là ngày mồng 1 và ngày 16, hoặc ngày mồng 2 và ngày 17, còn ngày 15 và ngày 30 là thuộc tất cả thần. Ma-hê-thủ-la là chủ của các Thần, nên được nhiều ngày hơn. Kể cả bốn ngày kia là trai, còn hai ngày thuộc tất cả Thần cũng kể là trai. Do vậy nên trong sáu ngày này các quỷ thần có thế lực.

Lại nữa, cha các quỷ thần, trong sáu ngày này cắt thịt, xuất huyết, lấy để trong lửa quá mười hai năm, Thiên vương đi xuống nói với con rằng: “Ngươi cầu nguyện gì?” Đáp: “Cầu có con”. Thiên vương nói: “Phép cúng dường của tiên nhân là đốt hương, quả ngọt và các vật thanh tịnh. Sao ngươi lấy huyết thịt để trong lửa, làm như pháp tội ác? Ngươi phá thiện pháp, ưa làm việc ác, chỉ khiến ngươi sanh con ác, ăn thịt, uống máu”. Ngay trong khi đang nói lời ấy, trong lửa có tám đại quỷ xuất hiện, thân đen như mực, tóc vàng, mắt đỏ, có ánh sáng lớn. Tất cả các quỷ thần đều từ tám quỷ thần này sinh ra. Do vậy nên trong sáu ngày này cắt thịt, xuất huyết, lấy để trong lửa, mà có được thế lực. Còn như trong Phật pháp, ngày không có tốt xấu, chỉ tùy theo nhân duyên các ngày hung dữ của thế gian mà dạy trì trai thọ giới thôi.

Hỏi: Năm giới và giới một ngày, giới nào hơn?

Đáp: Có nhân duyên nên hai giới bằng nhau. Nhưng năm giới thì giữ trọn đời, còn tám giới chỉ giữ trong một ngày. Năm giới thường giữ, thời gian nhiều mà giới lại ít. Còn giới một ngày thì thời gian ít mà giới lại nhiều.

Lại nữa, nếu không có đại tâm tuy trọn đời giữ giới, không bằng chỉ có đại tâm giữ giới một ngày. Ví như kẻ mềm yếu làm tướng, tuy cầm quân trọn đời, mà trí dũng không đủ, cuối cùng không có công danh. Nếu như kẻ anh hùng hăng hái, lập tức bình định họa loạn, công trạng một ngày mà trùm cả thiên hạ. Hai thứ giới này là pháp của Ưu-bà-tắc tại gia. Hạng tại gia trì giới có bốn bậc: Có hạ, trung, thượng, có thượng thượng.

Hạ nhân trì giới chỉ vì cái vui đời này, hoặc vì sợ hãi, vì vinh dự, tiếng tăm, hoặc vì phép nhà, chiều theo ý người, hoặc tránh khổ dịch, cầu khỏi ách nạn. Các thứ như vậy gọi là hạ nhân trì giới.

Trung nhân trì giới, là hạng người giàu sang, vui chơi thích ý, mà hoặc vì mong phước lạc đời sau, khắc kỷ tự gắng, ngày chịu khổ ít mà được lợi rất nhiều. Suy nghĩ như vậy, nên kiên cố trì giới. VÍ như người buôn bán, đi ra xa vào sâu, được lợi chắc chắn nhiều. Phước của sự trì giới, làm cho người ta hưởng phước lạc đời sau cũng như vậy.

Thượng nhân trì giới là vì cầu Niết-bàn. Biết các pháp thảy đều vô thường, muốn cầu lìa khổ, thường vui vô vi.

Lại nữa, người trì giới tâm không hối hận, tâm không hối hận nên được vui mừng, được vui mừng nên được nhất tâm, được nhất tâm nên được thật trí, được thật trí nên được có tâm nhàm chán, được có tâm nhàm chán nên được ly dục, được ly dục nên được giải thoát, được giải thoát nên được Niết-bàn. Trì giới như vậy là căn bản của các thiện pháp.

Lại nữa, trì giới là cửa ngõ sơ khởi của tám chánh đạo, cửa ngõ sơ khởi để vào đạo, chắc chắn đi đến Niết-bàn.

 

23. GIẢI THÍCH TÁN THÁN NGHĨA THI-LA (GIỚI) BA-LA-MẬT

Phần 1

Hỏi: Như trong Tám chánh đạo, Chánh ngữ, Chánh nghiệp ở giữa, Chánh kiến, Chánh hạnh ở đầu. Nay vì sao nói trì giới là cửa ngõ sơ khởi của Tám chánh đạo?

Đáp: Lấy số để nói, cái lớn là đầu, Chánh kiến rất lớn cho nên ở đầu.

Lại nữa, vì sự hành đạo lấy chánh kiến làm trước tiên; còn các pháp theo thứ tự, nên giới ở trước. Ví như làm nhà, nóc mái xà nhà tuy lớn, mà do đất trước tiên.

Thượng nhân trì giới là vì thương xót chúng sanh, vì Phật đạo, vì biết rõ các pháp, cầu thật tướng, không vì sợ ác đạo, không cầu vui. Các thứ như vậy, là thượng nhân trì giới, ấy là bốn. Gọi chung là giới Ưu-bàtắc.

Giới xuất gia cũng có bốn hạng: 1- Giới Sa-di, Sa-di-ni 2- Giới Thức-xoa-ma-na 3- Giới Tỳ-kheo-ni 4- Giới Tỳ-kheo-Tăng.

Hỏi: Nếu giới tại gia được sanh lên cõi Trời, được Bồ-tát đạo, cũng được Niết-bàn, thì còn cần gì đến giới xuất gia?

Đáp: Tuy cùng được độ, nhưng có khó dễ khác nhau. Tại gia bị các nghiệp vụ sanh kế, nếu muốn chuyên tâm vào Đạo pháp, thời gia nghiệp bị bỏ phế, nếu muốn chuyên lo gia nghiệp thời đạo nghiệp phải bỏ phế. Không lấy không bỏ, mới là cách đáng nên làm, ấy gọi là khó. Nếu xuất gia lìa tục, dứt các rối loạn, một bề chuyên tâm hành đạo là dễ.

Lại nữa, tại gia ồn ào, nhiều chuyện nhiều việc, là gốc của kiết sử,

chỗ chứa các điều ác, thế nên rất khó. Nếu xuất gia, ví như có người ra ở chỗ đồng trống không người mà chuyên nhất tâm, không nghĩ không lo, các tưởng bên trong đã trừ, thì các việc bên ngoài cũng mất, như kệ nói:

Ngồi tịnh giữa cây rừng,

Yên lặng dứt các ác,

Điềm đạm được nhất tâm,

Vui ấy hơn vui trời.

Người cầu lợi giàu sang,

Áo đẹp nệm giường tốt,

Vui ấy chẳng an ổn,

Vì cầu không nhàm đủ.

Ca-sa đi khất thực,

Động chỉ tâm thường nhất,

Tự lấy mắt trí tuệ,

Quán biết các pháp thật.

Trong các thứ pháp môn.

Đều bình đẳng quán vào,

Tâm sáng tuệ vắng lặng,

Ba cõi không bì kịp.

Do vậy nên biết xuất gia tu giới hành đạo là dễ.

Lại nữa, xuất gia tu giới, được vô lượng thiện luật nghi, tất cả được đầy đủ; vì vậy nên hàng áo trắng nên xuất gia thọ giới.

Lại nữa, trong Phật pháp, pháp xuất gia là khó tu nhất. Như Phạmchí Diêm-phù-khư-đề hỏi Xá-lợi-phất: ”Trong Phật pháp việc gì khó nhất?” Xá-lợi-phất đáp: ”Xuất gia là khó”. Lại hỏi: ”Xuất gia khó gì?” Đáp: ”Xuất gia vui thích pháp là khó”. Đã được vui thích pháp, còn có gì khó? Tu các thiện pháp khó, vì vậy nên cần xuất gia”.

Lại nữa, nếu người khi xuất gia thì Ma vương kinh hãi nghi rằng: “Người này các kiết sử sắp mỏng, chắc chứng được Niết-bàn, đứng vào số Tăng bảo”.

Lại nữa, trong Phật pháp, người xuất gia tuy hủy phá hình dung, đọa vào chỗ tội, mà khi hết tội được giải thoát. Như trong kinh Uất-bát-lahoa Tỳ-kheo-ni Bổn Sanh nói: “Lúc Phật tại thế, Tỳ-kheo-ni này chứng được A-la-hán, đủ sáu thần thông, đi vào nhà quý nhân, thường khen ngợi pháp xuất gia, nói với các phụ nữ quý nhân rằng: “Chị em nên xuất gia!” Các phụ nữ quý nhân nói: “Chúng tôi thiếu niên tráng kiện, dung sắc đầy đặn tốt đẹp, giữ giới rất khó, có thể sẽ phải phá giới”. Tỳ-kheoni nói: “Chỉ cần xuất gia, phá giới thì phá”. Hỏi: “Phá giới thì sẽ bị đọa vào địa ngục, làm sao dám phá?” Đáp: “Đọa địa ngục thì đọa”. Các phụ nữ quý nhân đều cười nói rằng: “Ở địa ngục chịu tội, làm sao dám chịu đọa?” Tỳ-kheo-ni nói: ”Tôi tự nhớ thân kiếp trước là con gái làm trò, kể lại sự tích cũ, có khi mặc áo Tỳ-kheo-ni để làm trò cười. Do nhân duyên ấy, mà thời đức Phật Ca-diếp tôi là Tỳ-kheo-ni, tự ỷ giòng họ cao quý, đoan chánh, tâm sanh kiêu ngạo mà phá cấm giới. Vì tội phá giới phải đọa địa ngục chịu đủ các tội. Chịu tội xong, may gặp đức Phật Thích-ca Mâu-ni mà xuất gia, được chứng đạo quả A-la-hán, đủ sáu thần thông. Vì vậy nên biết xuất gia thọ giới, tuy lại phá giới, mà do giới nhân duyên nên được chứng đạo quả A-la-hán. Nếu chỉ làm ác, mà không có giới nhân duyên thì chẳng đắc đạo. Tôi thuở trước đời đời đọa địa ngục, từ địa ngục ra làm người ác, người ác chết lại trở vào địa ngục mà chẳng được gì. Nay lấy việc này làm chứng mà biết rằng xuất gia thọ giới, tuy lại phá giới; song nhờ giới nhân duyên mà có thể đắc đạo quả.

Lại nữa, như khi Phật ở tại Kỳ Hoàn, có một Bà-la-môn say đi đến chỗ Phật, xin làm Tỳ-kheo. Phật sai A-nan cạo đầu, cho mặc áo Pháp. Khi tỉnh dậy, thấy thân mình sao nay bỗng thành Tỳ-kheo, liền bỏ chạy.

Các Tỳ-kheo hỏi Phật: “Sao cho người Bà-la-môn say ấy làm Tỳ-kheo?” Phật dạy: ”Bà-la-môn ấy, trong vô lượng kiếp, lúc đầu không hề có tâm xuất gia, nay nhân say rượu nên mới tạm thời phát tâm chút ít. Nhờ nhân duyên ấy, sau sẽ xuất gia đắc đạo”. Do các thứ nhân duyên như vậy, cái lợi của sự xuất gia có công đức vô lượng. Thế nên hàng cư sĩ tuy có thọ năm giới mà không bằng xuất gia.

Luật nghi xuất gia có bốn hạng là Sa-di, Sa-di-ni, Thức-xoa-ma-na, Tỳ-kheo-ni và Tỳ-kheo.

Làm thế nào Sa-di, Sa-di-ni được xuất gia thọ giới pháp? Hàng cư sĩ muốn cầu xuất gia, thì nên cầu hai sư: 1- Hòa thượng, 2- A-xà-lê. Hòa thượng như cha, A-xà-lê như mẹ. Vì bỏ cha mẹ sanh ra nên cầu cha mẹ xuất gia. Mặc y cà sa, cạo bỏ râu tóc, hai tay cầm hai chân Hòa thượng. Vì sao cầm chân? Theo phép ở xứ Thiên Trúc cho việc cầm chân là sự cung kính cúng dường cao nhất. Vị A-xà-lê nên dạy mười giới, đúng như cách thọ giới. Sa-di-ni cũng như vậy, chỉ lấy Tỳ-kheo-ni làm Hòa thượng. Thức-xoa-ma-na thọ trì sáu pháp trong hai năm.

Hỏi: Sa-di thọ mười giới, bèn thọ Cụ túc giới, còn trong pháp Tỳkheo–ni, sao lại phải có Thức-xoa-ma-na, sau mới được thọ Cụ túc giới?

Đáp: Lúc Phật còn tại thế, có người vợ một ông trưởng giả, không biết mình đã mang thai, xuất gia thọ Cụ túc giới. Sau đó thân càng hiện to lớn, các ông trưởng giả cơ hiềm các Tỳ-kheo. Nhân đó Phật chế hai năm học giới, thọ trì sáu pháp, vậy sau mới cho thọ Cụ túc giới.

Hỏi: Nếu vì cơ hiềm, Thức-xoa-ma-na há lại không gây cơ hiềm?

Đáp: Thức-xoa-ma-na chưa thọ Cụ túc, ví như trẻ con, cũng như người giúp việc, tuy có tội uế, người ta không cơ hiềm.

Thức-xoa-ma-na ấy có hai hạng: Một là đồng nữ mười tám tuổi thọ sáu pháp, hai là mười tuổi gả chồng được thọ sáu pháp. Nếu thọ giới Cụ túc thì phải ở giữa hai bộ Tăng sắm đủ năm y và bình bát. Tỳ-kheo-ni làm Hòa thượng và giáo sư. Tỳ-kheo làm giới sư. Ngoài ra, đúng như phép thọ giới. Nói lược thì có năm trăm giới, nói rộng thì có tám vạn giới. Khi kiết-ma lần thứ ba xong, là được vô lượng luật nghi, thành tựu Tỳ-kheo-ni.

Tỳ-kheo thì có ba y và bình bát, ba sư, mười Tăng, đúng như pháp thọ giới. Nói lược có hai trăm năm mươi giới, nói rộng thời có tám vạn giới. Khi kiết-ma lần thứ ba xong, là được vô lượng luật nghi (thành Tỳkheo), gọi chung là giới, ấy là Thi-la.