LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ

Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG

 

TẬP V
QUYỂN 96

Phẩm thứ tám mươi bảy
Như Hóa

KINH:

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Nếu các pháp đều là bình đẳng, chẳng có chỗ tạo tác, chỗ thi thiết, thì làm sao khi hành Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát có thể an trú bất động ở trong các pháp bình đẳng, mà làm các việc của Bồ Tát, như là bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự ?

Phật dạy : Đúng như vậy, đúng như vậy ! Này Tu Bồ Đề ! Đúng như lời ông nói. Các pháp bình đẳng đều chẳng có sở tác.

Nếu chúng sanh tự biết các pháp bình đẳng như vậy, thì Phật chẳng dùng thần lực, an trú bất động ở trong các pháp bình đẳng, để vì chúng sanh nói pháp, nhằm cứu thoát họ ra khỏi 5 đường sanh tử; Dạy họ xa lìa các chấp về tướng ngã …dẫn đến tướng tri giả, tướng kiến giả; Dạy họ xa lìa các chấp về tướng sắc … dẫn đến tướng thức, tướng nhãn … dẫn đến tướng ý, tướng địa chủng …dẫn đến tướng thức chủng; Dạy họ xa lìa tánh tướng hữu vi để được tánh tướng vô vi, mà tánh tướng vô vi tức là “không” vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Phải dùng pháp không gì để biết hết thảy pháp không ?

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Bồ Tát phải xa lìa hết thảy các pháp tướng, dùng “không” để biết hết thảy pháp không.

Này Tu Bồ Đề ! Ý ông nghĩ sao ? Nếu có người hóa làm ra các vật hóa, thì người hóa ấy là “thật có”, là “chẳng không” (bất không) chăng ?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Người hóa ấy là chẳng phải “thật có” mà cũng chẳng phải “không”. “Không” và người hóa là hai sự việc chẳng có hợp, chẳng có tan. Chớ nên phân biệt “không” và “hóa”.

Vì sao ? Vì 2 sự việc ấy bình đẳng. Trong “không” thì “không” và “hóa” đều là bất khả đắc.

Vì sao ? Này Tu Bồ Đề ! Vì sắc tức là hóa; Vì thọ, tưởng, hành và thức tức là hóa; Dẫn đến vì nhất thiết chủng trí tức là hóa.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Các pháp thế gian đều là hóa. Như vậy, các pháp xuất thế gian, từ 4 niệm xứ … dẫn đến 18 bất cộng pháp, các bậc Thánh, từ Tu Đà Hoàn … dẫn đến A La Hán, Bích Chi Phật cũng đều là hóa chăng ?

Dẫn đến các đức Phật Thế Tôn cũng đều là hóa chăng?

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề! Hết thảy các Pháp đều là hóa. Pháp Thanh văn biến hóa, Pháp Bích Chi Phật biến hóa, Pháp Bồ Tát biến hóa….. dẫn đến Pháp Phật biến hóa. Laị có Pháp phiền não biến hóa, nên có các Pháp nghiệp nhân duyên biến hóa. Bởi vậy, nên nói hết thảy các Pháp đều là hóa.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn ! do đoạn dứt các phiền não mà được bốn quả Thanh Văn, Bích Chi Phật đạo….dẫn đến được Phật đạo. Vậy thì đoạn dứt tập phiền não cũng là biến hóa chăng?

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Pháp có tướng sanh diệt là có biến hóa.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Có pháp gì chẳng biến hóa chăng ?

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Pháp chẳng có sanh, chẳng có diệt là pháp chẳng có biến hóa.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Có pháp gì chẳng có sanh diệt, nên chẳng có biến hóa chăng ?

Phật dạy : Niết Bàn chẳng có tướng hư vọng, là pháp chẳng có biến hóa.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Như lời Phật dạy thì các pháp bình đẳng chẳng phải do Thanh Văn làm ra, chẳng phải do Bích Chi Phật làm ra, chẳng phải do Bồ Tát làm ra … dẫn đến chẳng phải do Phật làm ra; Dù có Phật hay chẳng có Phật, thì tánh của các pháp vẫn thường không, mà tánh không tức là tánh Niết Bàn. Nay vì sao Phật lại nói chỉ có một pháp Niết Bàn là chẳng biến hóa ?

Phật dạy : Đúng như vậy, đúng như vậy ! Này Tu Bồ Đề ! Các pháp bình đẳng chẳng do ai làm ra, đều dẫn đến tánh không, tức là tánh Niết Bàn.

Nếu có Bồ Tát sơ phát ý nào, khi nghe nói hết thảy pháp đều rốt ráo không, dẫn đến nghe nói Niết Bàn cũng là như hóa, mà chẳng sanh tâm sợ hãi, thì phải biết rằng vị Bồ Tát sơ phát ý đó đã biết các pháp có sanh diệt là như hóa, các pháp chẳng có sanh diệt là chẳng như hóa.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Làm sao có thể dạy cho hàng Bồ Tát sơ phát ý biết được tánh không ?

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Nên nói hết thảy pháp từ trước đến nay, là không.

LUẬN:

Hỏi:  Các sự việc này trước đây Phật đã nói nhiều rồi. Nay vì sao ngài Tu Bồ Đề lại hỏi nữa ?

Đáp: Các sự việc này rất khó giải, nên Phật phải nói nhiều lần. Nay bộ kinh này đã đến giai đoạn gần kết thúc, nên Phật nói chỗ thậm thân của pháp “không” là chỗ mà hàng phàm phu … dẫn đến hàng Thánh Hiền vẫn chưa có thể đến được.

Ngài Tu Bồ Đề biết rõ hết thảy pháp tướng đều rốt ráo không, nên ngài hỏi Phật : Các pháp bình đẳng chẳng có tướng tạo tác; Việc làm lợi ích chúng sanh là có tướng tạo tác. Như vậy, làm sao Bồ Tát trú trong không, trong vô tác, mà lại thường làm lợi ích cho chúng sanh ?

Phật ấn chứng chỗ hỏi của ngài Tu Bồ Đề, và dạy : Làm việc lợi ích cho chúng sanh nghĩa là giáo hóa họ, khiến họ biết rõ được các pháp bình đẳng là rốt ráo không, để có thể tự độ cho chính mình, mà chẳng phải nhờ đến ân đức của Phật. Ví như người bệnh nào tự biết được bệnh của mình, tự tìm lấy thuốc để trị bệnh cho mình, thì chẳng cần phải nhờ đến thầy thuốc nữa.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi : Nếu các pháp tướng là rốt ráo không, thì chẳng có chỗ tạo tác. Nếu dùng pháp tướng bình đẳng để làm lợi ích cho chúng sanh, thì phá hoại thật tướng pháp. Như vậy, Bồ Tát phải trú nơi đâu để làm các việc lợi ích cho chúng sanh ?

Phật dạy : Chẳng phải Bồ Tát dùng thật tướng pháp để làm lợi ích cho chúng sanh. Nhưng vì chúng sanh chẳng biết được các pháp là rốt ráo không, nên Bồ Tát phải dạy cho họ biết vậy.

Sự việc Bồ Tát giáo hóa chúng sanh chỉ là “đối trị tất đàn”, chẳng phải là “đệ nhất nghĩa tất đàn”. Sở dĩ ngài Tu Bồ Đề nạn hỏi, vì ngài đứng ở nơi “đệ nhất nghĩa tất đàn”, nên thấy sự việc dùng pháp bình đẳng dạy chúng sanh chẳng thể đem lại lợi ích cho họ.

Phật đáp: Do chúng sanh điên đảo chẳng biết được Phật tánh, nên phải phá tâm điên đảo của họ. Đây chẳng phải là dùng “đệ nhất nghĩa tất  đàn”. Bởi vậy nên Bồ Tát trú trong tướng bình đẳng, xa lìa các tướng ngã, tướng chúng sanh … dẫn đến tướng tri giả, tướng kiến giả; Ở nơi chúng sanh không, mà dùng hết thảy pháp vô ngã để giáo hóa chúng sanh.

-o0o-

Nên biết ở trong chúng sanh có 2 hạng. Có hạng ái chấp nhiều; Có hạng kiến chấp nhiều.

– Đối với người ái chấp nhiều, khi được pháp vô ngã, thì dễ sanh tâm nhàm chán. Họ thường tự ly dục, và thường niệm vô ngã.

– Đối với hạng người kiến chấp nhiều, khi nghe được pháp vô ngã rồi cũng vẫn thường khởi các kiến chấp. Mặc dù biết được pháp vô ngã, mà ở nơi các sắc pháp họ vẫn thường khởi các hý luận, như chấp các pháp là thường, là vô thường v.v… Đối với hạng người này, thì phải nên dạy họ xa lìa các tướng sắc, xa lìa tướng 5 ấm, tướng 12 nhập, tướng 18 giới … dẫn đến xa lìa tánh tướng hữu vi, khiến họ vào được nơi tánh tướng vô vi, tức là tánh không vậy.

Hỏi: Vì sao ngài Tu Bồ Đề hỏi, “Phải dùng pháp không gì, để biết hết thảy pháp không” ?

Đáp: “Không” có rất nhiều nghĩa

Ví như nói trong nước chẳng có lửa, trong lửa chẳng có nước; Đó là nói về nghĩa không. Ví như nói vô ngã, vô chúng sanh, vô tri giả, vô kiến giả; Đó cũng là nói về nghĩa không. Ví như nói pháp không, chúng sanh không; Đó cũng là nói về nghĩa không. Ví như nói nếu đem một pháp hữu vi chia chẻ ra, thì sẽ được các vi trần,và nếu cứ tiếp tục chia sẻ ra đến cùng, thì sẽ trở thành hư không; đó cũng là nói về nghĩa không  v.v…

Vì “không” có vô lượng nghĩa như vậy, nên ngài Tu Bồ Đề mới hỏi Phật như trên.

Phật dạy : Dùng “vô sở đắc rốt ráo không” sẽ lìa được hết thảy các pháp không.

Ở nơi đây nói “không” là nói chúng sanh không và pháp không. Cả 2 pháp đó đều không, nên hết thảy pháp đều là rốt ráo không.

Hỏi : Vì sao nói, “Trú ở trong không, là ly hết thảy các pháp tướng” ?

Đáp : Hết thảy các pháp đều chẳng có thể tận hoại. Chỉ khi nào ly hết thảy các tà ức tưởng, thì hết thảy các pháp tự ly.

Ví như người có thần thông, quán hoại sắc tướng, có thể xuyên qua núi đá, qua vách tướng , mà chẳng có bị ngăn ngại vậy.

Phật dạy : Nếu ở nơi 5 ấm mà thường tu chánh ức niệm, thường đoạn tham dục, thì được giải thoát. Như vậy là được ly tướng.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi : Vì sao nói hết thảy pháp, từ lớn đến nhỏ, đều chẳng có căn bản định thật ? Phàm phu hư vọng là chẳng thật có, nhưng vì sao nói các bậc Thánh cũng là chẳng thật có ?

Ngài Tu Bồ Đề, tuy đã là bậc A La Hán, thâm quý Phật pháp, nhưng ngài cũng chỉ mới là Bồ Tát sơ phát tâm,  nên mới hỏi Phật như trên. Phật biết rõ tâm niệm của ngài Tu Bồ Đề, nên hỏi trở lại : Ý ông nghĩ sao ? Ví như người hóa làm ra các vật hóa, thì người hóa ấy có căn bản định thật chăng ? Có phải là “có”, là “chẳng không” (bất không) chăng ?

Ngài Tu Bồ Đề đáp : Người hóa chẳng có căn bản định thật, chẳng phải là “thật có”, chẳng phải là “chẳng không” (phi bất không).

“Không” và “hóa” là hai sự việc chẳng có hợp, chẳng có tan. Đây là hai pháp bình đẳng, chẳng có phân biệt. Bởi vậy nên nói hai pháp ấy là chẳng phải thật có, chẳng phải “chẳng không”.

Do vì muốn phá 18 sự chấp thật có, nên mới lập ra 18 pháp không. Thế nhưng, người thế gian lại chấp “không”, chấp “hóa”, nên phải dùng đến danh từ “chẳng không” (bất không), và cho họ biết rằng hai pháp “không” và “hóa” đều là không, là chẳng thật có, là chẳng phải “chẳng không”. Do vậy, chẳng nên phân biệt “không” và “hóa”.

-o0o-

Phàm phu chấp các pháp là thật có, mà chẳng biết rằng các pháp là không, là chẳng thật có, là như hóa.

Phật nêu lên các thí dụ để cho họ thấy rằng hết thảy các pháp đều là như hóa; hết thảy pháp cùng hóa chẳng có sai khác vậy.

Phật dạy : Sắc tức là hóa; Thọ, tưởng, hành và thức tức là hóa;… dẫn đến nhất thiết chủng trí tức là hóa.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi : Nói pháp phàm phu là hư vọng, là như hóa, thì còn hợp lý. Vì sao cũng nói các pháp xuất thế gian là như hóa ?

Nếu pháp xuất thế gian đều như hóa, thì Niết Bàn cũng là như hóa; Các quả Thanh Văn, quả Bích Chi Phật … dẫn đến quả Phật cũng là như hóa chăng ?

Phật dạy : Hết thảy các pháp hữu vi và vô vi đều là như hóa. Tất cả các bậc Thánh Hiền … dẫn đến Phật cũng đều là như hóa, đều là rốt ráo không cả.

Nghĩa này, Phật đã dạy rõ ở các phẩm trước rồi. Nay chỉ rộng nói thêm rằng “ Hết thảy pháp đều là như hóa”.

Hỏi : Nếu các pháp đều là như hóa, thì làm sao phân biệt có các pháp sai khác ?

Đáp : Ví như Phật hóa hiện ra các người hóa. Các người hóa, tuy chẳng phải là thật có, nhưng cũng có những tướng mạo khác nhau, có những tâm tư tình cảm khác nhau, như có xấu, có đẹp, có buồn, có vui, có sợ hãi, có an ổn v.v….

Hết thảy các pháp đều ví như bóng trong gương. Tuy có hình tướng sai nhau, mà đều là chẳng thật có.

Phật dạy : Hết thảy pháp đều là biến hóa. Pháp Thanh Văn biến hóa, pháp Bích Chi Phật biến hóa, pháp Bồ Tát biến hóa … dẫn đến pháp Phật là biến hóa. Lại có các pháp phiền não biến hóa, nên có các pháp nghiệp nhân duyên biến hóa.

Vì Thanh Văn biến hóa, nên 4 niệm xứ … dẫn đến 8 thánh đạo biến hóa, 4 thánh đế … dẫn đến ba giải thoát môn biến hóa. Vì sao ? Vì người tu pháp Thanh Văn, trú trong giới luật, trong thiền định nhiếp tâm cầu Niết Bàn, quán nội ngoại thân bất tịnh, nên gọi là thân niệm xứ. Đây là vì cầu Niết Bàn mà siêng năng, tinh tấn tu tập, sanh khởi các pháp ấy. Các pháp ấy, ngay từ căn bản, vốn là không, vốn không mà nay trở thành có; Nay có rồi lại trở lại thành không. Như vậy gọi là Thanh Văn biến hóa.

Người tu Bích Chi Phật đạo, do quán 12 nhân duyên mà được đạo. Như vậy gọi là Bích Chi Phật biến hóa.

Người hành Bồ Tát đạo, do tu đầy đủ 6 pháp Ba La Mật, mà được đầy đủ các quả báo thần thông, đầy đủ các Phật pháp. Như vậy gọi là Bồ Tát biến hóa.

Phật biến hóa thành tựu đầy đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, 10 Phật lực … dẫn đến nhất thiết chủng trí; Ở nơi vô lượng Phật pháp đều được bình đẳng.

Phiền não biến hóa là do phiền não mà khởi sanh ra các nghiệp; Trong đó có nghiệp thiện, nghiệp bất thiện, nghiệp vô ký. Là còn có nghiệp định, nghiệp bất định, nghiệp bất động hoặc thiện hoặc ác, cùng vô lượng nghiệp khác.

Hỏi : Phiền não là pháp ác, bất thiện. Như vậy phiền não làm sao có thể sanh khởi nghiệp thiện và nghiệp bất động.

Đáp : Nên phân biệt, ở trong các nhân duyên, có nhân duyên gần (cận nhân duyên) và có nhân duyên xa (viễn nhân duyên).

Ví như người có “ngã tâm” thiện, thường hành bố thí, thì đời sau được giàu sang, phú quý. Bố thí là nhân duyên gần (cận nhân duyên). Ví như người tu ly cõi Dục, quán thân bất tịnh, tinh tấn tu thiền định. Tu thiền định là nhân duyên xa.

Có thuyết nói hết thảy phàm phu đem “ngã tâm” hòa hợp với các hành động, nên khởi các nghiệp.

Lại có thuyết nói, chẳng có thể ly “ngã tâm” mà khởi thức thứ sáu được. Đây có nghĩa là do trú trong “ngã tâm”, mới khởi thức thứ sáu mới phân biệt được thiện ác, mà “ngã tâm” là gốc phiền não vậy.

Hỏi : Phiền não do tâm cấu sanh; Còn các việc làm thiện phải do tâm tịnh mới sanh được. Như vậy, cấu và tịnh làm sao có thể hòa hợp được ? Trú trong “ngã tâm” làm sao có thể khởi những nghiệp thiện được ?

Đáp : Chẳng phải như vậy. Hết thảy các tâm đều cùng với huệ cấu sanh; dù trong tâm vô minh cũng vẫn có huệ. Tuy huệ cùng với vô minh trái nhau, nhưng ở nơi một tâm có khởi cả tịnh, cả cấu.

Hỏi : Phàm phu chưa vào được đạo, thì làm sao ly được “ngã tâm” để hành thiện ?

Đáp : Khi tâm sân si phiền não dấy lên, thì chẳng có được tâm thiện. Thế nhưng, khi “ngã tâm” vô ký, nhu nhuyến, thì chẳng còn có phiền não, nên có thể sanh các nghiệp thiện, và các nghiệp bất động. Như vậy là chẳng có lỗi lầm.

Do nghiệp biến hóa, nên sanh hết thảy các quả báo. Các nghiệp quả báo dẫn sanh vào sáu đường sanh tử, trong đó có ba đường ác và ba đường thiện.

Nghiệp ác có thượng, trung và hạ. Thượng ác thì đọa vào địa ngục; Trung ác thì đọa làm súc sanh; Hạ ác thì đọa làm ngạ quỷ.

Nghiệp thiện cũng có thượng, trung và hạ. Thượng thiện thì sanh làm trời; Trung thiện thì sanh làm người; Hạ thiện thì sanh làm A Tu La.

Hỏi : Nếu chúng sanh theo nghiệp dẫn sanh, thì vì sao nói biến hóa ?

Đáp : Phàm phu chẳng biết các pháp biến hóa. Còn các bậc Thánh biết rõ các pháp đều là tướng rốt ráo không, nên quán chúng sanh cùng hết thảy đều là như hóa; Trước không, nay có; Nay có rồi lại trở thành không. Như vậy gọi là như hóa.

Nghiệp biến hóa cũng là như vậy. Do đời trước tạo nghiệp mà đời nay phải thọ thân, rồi sanh tâm vui buồn, sợ hãi v.v…. như vậy là biến hóa mà chúng sanh chẳng biết nên chấp thân này là thật có.

Người trí quán tất cả các sự việc vui buồn, sợ hãi … đều do nơi mình sanh, đều chỉ là hý luận, nên xem các nghiệp quả báo đều là như hóa.

Hỏi : Biến hóa là do nghiệp làm ra. Như vậy vì sao chẳng nói nghiệp, mà lại nói biến hóa ?

Đáp : Nên phân biệt có 2 loại nghiệp, là nghiệp tịnh và nghiệp cấu.

Có thuyết nói nghiệp tịnh do đoạn phiền não mà có; Ví như Thanh Văn biến hóa, Bích Chi Phật biến hóa, Bồ Tát biến hóa … dẫn đến Phật biến hóa. Còn nghiệp cấu là do phiền não mà có; Ví như chúng sanh biến hóa trong 6 đường sanh tử.

Lại có thuyết nói có hai loại nghiệp, là nghiệp thánh và nghiệp phàm. Nghiệp thánh là nghiệp đưa đến các quả vị Thánh, từ quả vị Tu Đà Hoàn … dẫn đến quả vị Phật. Còn nghiệp phàm là do phiền não biến hóa, đưa chúng sanh vào 6 đường sanh tử. Đây cũng nói về các nghiệp biến hóa, tịnh và cấu, nhưng khai triển rộng thêm ra vậy thôi.

Bởi vậy nên Phật dạy : Hết thảy các pháp đều là không, là như hóa.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi Phật : Các bậc Thánh đã đoạn dứt phiền não và tập khí rồi, mà cũng là hóa chăng ?

Ý ngài Tu Bồ Đề muốn nói rằng các pháp hữu vi là hư vọng, nên nói là như hóa. Nhưng các pháp vô vi là các pháp chân thật, chẳng có được tạo tác; chẳng thể nói là hóa được. Do suy nghĩ như vậy mà ngải hỏi trên.

Phật dạy : Các pháp có sanh, có diệt đều là như hóa. Vì sao ? Vì các pháp ấy trước là  không, nay là có; Nay có rồi lại trở thành không, nên là như hóa, chỉ có làm cho tâm người lầm chấp mà thôi.

Ý Phật muốn nói rằng hết thảy pháp đều do nhân duyên sanh, chẳng có tánh, nên là rốt ráo không, là như hóa vậy.

Ngài Tu Bồ Đề cầu thật tướng pháp, muốn hiểu được rõ hơn, nên lại hỏi Phật : Có pháp gì chẳng phải như hóa chăng ?

Ý ngài Tu Bồ Đề muốn nói rằng ắt phải có 1 pháp quyết định chẳng phải như hóa, thì mới có thể nương theo đó mà tinh tấn tu hành vậy.

Phật dạy : Pháp chẳng sanh, chẳng diệt là pháp chẳng như hóa. Chỉ có Niết Bàn là pháp chẳng có tướng hư vọng, là pháp chẳng có biến hóa. Pháp này chẳng có sanh (vô sanh), nên là chẳng có diệt (vô diệt). Do pháp này chẳng diệt, nên chẳng làm cho người tu sanh ưu bi, buồn khổ. Như vậy là Phật phân biệt nói hết thảy các pháp đều là rốt ráo không, là hư hóa; Duy chỉ có Niết Bàn là chẳng phải như hóa.

Ngài Tu Bồ Đề thưa : Như lời Phật dạy thì pháp bình đẳng chẳng phải do Thanh Văn làm ra, chẳng pháp do Bích Chi Phật làm ra, chẳng phải do Bồ Tát làm ra … dẫn đến chẳng phải do Phật làm ra; dù có Phật hay chẳng có Phật thì tánh của pháp vẫn thường trú, thường không, mà tánh không tức là Niết Bàn.

Ý ngài Tu Bồ Đề muốn nói, “Nếu thâm nhập vào trong Bát Nhã Ba La Mật, thì Niết Bàn cũng là không. Như vậy vì sao nay Phật lại dạy Niết Bàn là như hóa ?”

Suy nghĩ như vậy, nên ngài dẫn lời Phật để hỏi lại : Thật tướng các pháp là tánh không, là pháp thường trú, mà chư Phật chỉ vì chúng sanh diễn nói tánh không tức là Niết Bàn. Nay vì sao ở nơi các pháp sanh diệt mà nói tướng không tức là tướng Niết Bàn, và nói Niết Bàn là chẳng như hóa ?

Phật dạy : Các pháp bình đẳng là thường trú, chẳng phải do chư Thánh làm ra … dẫn đến chẳng phải do chư Phật làm ra. Nếu các Bồ Tát tân học nghe như vậy mà sanh sợ hãi, thì phải nên vì họ nói các pháp sanh diệt là như hóa, các pháp chẳng sanh diệt là chẳng như hóa.

Đây chỉ vì hàng tân học Bồ Tát mà Phật nói Niết Bàn là chẳng phải như hóa.

Hỏi :  Như vậy là vì từng đối tượng người nghe mà chuyển các pháp tướng chăng ?

Đáp : Phật thường nói, “Các pháp tướng là tánh không, mà tánh không thì chẳng làm sao có thể chuyển được.”

 Lúc ban đầu, khi vừa mới thành đạo, chứng được thật các pháp, Phật chỉ muốn hướng về Niết Bàn tịch diệt. Lúc bấy giờ, chư Thiên ở các cõi Phật khắp 10 phương đồng thỉnh Phật chớ nên vào Niết Bàn, và nên vì hết thảy chúng sanh trụ lại ở đời này, nhằm độ thoát hết thảy chúng sanh thoát khỏi các khổ.

Trong suốt thời gian thuyết pháp, độ sanh, Phật đã tùy thuận theo từng đối tượng chúng sanh mà phương tiện nói pháp.

Phật dạy chúng sanh tu tập, hướng về Niết Bàn tịch tịnh. Thế nhưng có nhiều vị Bồ Tát sơ phát ý, khi quán hết thảy các pháp đều là hư vọng, chỉ riêng có Niết Bàn là chẳng biến đổi, nên họ liền khởi tâm chấp Niết Bàn. Do nơi tâm chấp đó mà khởi sanh các phiền não, chẳng còn muốn có độ sanh nữa. Đối với những Bồ Tát sơ phát ý này, Phật nói, “Niết Bàn là như hóa”.

Như vậy, đối với hạng người chẳng có chấp tâm, thì Phật dạy họ rằng, “Niết Bàn chẳng phải như hóa”. Còn đối với hạng người chấp tâm, thì Phật lại dạy họ rằng, “Niết Bàn là như hóa”.

Lại nữa, Tiểu Thừa và Đại Thừa có quan niệm khác nhau về Niết Bàn. Tiểu Thừa luận nghị cho Niết Bàn là thật có. Đại Thừa thâm nhập trí huệ Bát Nhã, quán hết thảy pháp đều như Niết Bàn.

Phật vì cả 2 bên mà nói, nên chẳng có lỗi.

-o0o-

Ngài Tu Bồ Đề lại hỏi : Làm sao giáo hóa hàng Bồ Tát tân phát ý, để khiến họ biết được các pháp bình đẳng là tánh không ?

Ý ngài Tu Bồ Đề muốn nói rằng, “Phàm phu rất sợ hãi khi nghe nói các pháp là tánh không. Khi họ nghe nói tánh không, tánh vô sở hữu của các pháp, họ tự xem mình như rơi xuống hầm sâu thăm thẳm.

Vì sao ? Vì người chưa được đạo, do tâm chấp sau dày, nên vừa nghe nói đến pháp không, thì liền sanh tâm sợ hãi, nghĩ rằng, “Phật dạy người đời phải nên hành các thiện pháp. Nhưng nếu rốt ráo sau cùng, ai cũng trở về trong không, trong vô sở hữu, thì hành đạo đâu có sự lợi ích gì ?

Phật dạy : Đối với hạng người này, nên nói, “Các pháp trước có, nay không”.

Ý Phật muốn nói rằng, “Vì các Bồ Tát tâm phát ý này sợ hãi về sau cùng sẽ không, nên phải vì họ nói các pháp trước có, nay không”.

Nói như vậy có nghĩa là ở ngay hiện tại, nếu biết được thật tướng các pháp, thì liền thấy các pháp là không vậy”.

Ngài Tu Bồ Đề đã biết rõ các pháp từ trước vốn là không, nay cũng là không. Chỉ vì các Bồ Tát tân phát ý, do bị phiền não che tâm, mà sanh sợ hãi. Nếu trừ được tâm chấp điên đảo của họ, khiến họ thấy được chỗ rốt ráo không, biết được thật tướng của phiền não cũng là rốt ráo không, thì chẳng còn sợ hãi nữa.

Bởi vậy, phải nên dạy các Bồ Tát tân phát ý rằng, “Các pháp trước có, do hành đạo mà nay mới được không, chớ nên sợ hãi”. Vì sao ? Vì các pháp từ ban đầu vốn đã là không rồi, nên chẳng có gì mà phải sợ hãi. Chỉ cần trừ tâm chấp là thấy rõ như vậy.

***

Phẩm thứ tám mưới tám
Tát Đà Ba Luân

KINH:

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Bồ Tát cầu Bát Nhã Ba La Mật, phải nên như Bồ Tát Tát Đà Ba Luân. Vị đại Bồ Tát này hiện đang hành đạo ở cõi nước của đức Phật Đại  Lôi Âm.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Bồ Tát Tát Đà Ba Luân cầu Bát Nhã Ba La Mật như thế nào ?

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Bồ Tát Tát Đà Ba Luân cầu Bát Nhã Ba La Mật, chẳng tiếc thân mạng, chẳng màng danh lợi.

Trong rừng vắng vẻ, Bồ Tát bỗng nghe giữa hư không có tiếng nói rằng : Này Thiện Nam Tử ! Ông hãy đi về phương Đông, chớ nghĩ mệt nhọc, chớ niệm ngủ nghĩ, chớ niệm ăn uống, chớ niệm ngày đêm, chớ niệm nóng lạnh, chớ niệm ngoại cảnh. Này Thiện Nam Tử ! Khi đi, ông chớ nhìn hai bên, chớ hoại thân tướng, chớ hoại sắc tướng … dẫn đến thức tướng. Vì sao ? Vì nếu hoại các tướng, thì ở trong Phật pháp sẽ gặp trở ngại. Nếu gặp trở ngại, thì sẽ phải qua lại trong 5 đường sanh tử, cũng sẽ chẳng được Bát Nhã Ba La Mật.

Bồ Tát Tát Đà Ba Luân đáp : Tôi sẽ y theo lời dạy bảo. Vì sao ? Vì tôi muốn hết thảy chúng sanh làm ngọn đèn sáng chói; Tôi muốn tu tập tất cả Phật pháp của chư Phật; Tôi muốn được Vô Thượng Bồ Đề.

Lại nghe giữa hư không có tiếng nói : Lành thay, lành thay !

Này Thiện Nam Tử ! Ông phải sanh lòng tin nơi các pháp không, vô tướng và vô tác; Ông phải dùng tâm ly tướng mà cầu Bát Nhã Ba La Mật, ly tướng ngã … dẫn đến ly tướng tri giả, tướng kiến giả; Ông phải thường xa lánh các ác tri thức, thường gần gũi các thiện tri thức. Như thế nào gọi là thiện tri thức?.

Người thường nói về các pháp không, vô tướng, vô tác, vô sanh, vô diệt … dẫn đến nói về nhất thiết chủng trí, khiến người nghe được tâm an lạc, hoan hỉ tin theo; Đó là bậc thiện tri thức của ông. Này Thiện Nam Tử ! Nếu ông hành theo như vậy, thì chẳng bao lâu nữa ông sẽ được nghe Bát Nhã Ba La Mật, được nghe từ trong kinh quyển, hoặc được nghe từ miệng một vị đại Bồ Tát nói ra. Này Thiện Nam Tử ! Khi nghe được Bát Nhã Ba La Mật, ông phải xem như được nghe Phật. Này Thiện Nam Tử ! Ông phải biết ơn, phải nghĩ rằng nhờ các thiện tri thức mà ông mới nghe Bát Nhã Ba La Mật, sẽ mau được bất thối chuyển ở nơi Vô Thượng Bồ Đề, sẽ được thân cận chư Phật, sẽ thường được sanh ở các cõi Phật, sẽ xa lìa được các ách nạn, sẽ được sanh vào các nơi chẳng có các ách nạn. Này Thiện Nam Tử ! Ông phải tư duy, trù lượng về các công đức ấy, để từ chỗ nghe pháp mà sanh tâm tưởng đó như là Phật. Ông chớ nên mống tâm theo lợi dưỡng thế gian, mà phải theo bên vị pháp sư. Chỉ vì ái pháp, vì cung kính pháp, mà ông phải theo bên Bồ Tát pháp sư. Lúc bấy giờ, ông phải đề cao cảnh giác về ma sự. Nếu thấy có ác ma đem 5 dục dâng hiến cho Bồ Tát pháp sư, khiến ngài phải thọ, rồi sau mới thuyết, thì ông nên biết ngài đã thâm nhập chân thật pháp, đã có đầy đủ lực công đức, nên thọ 5 dục mà chẳng hề bị nhiễm dục. Lại nữa, có 3 sự việc mà Bồ Tát pháp sư phải thị hiện thọ 5 dục. Đó là vì ngài muốn làm lực phương tiện; Muốn dạy chúng sinh gieo trồng thiện căn; Muốn cùng với chúng sinh đồng sự. Đối với ngài ông chớ nên sanh tâm tà vậy phải một lòng tin kính; Phải tự niệm rằng mình chưa có được phương tiện trí như ngài, rằng ngài vì ngài muốn độ chúng sanh mà thọ 5 dục khiến họ được phước đức, tuy rằng ngài thọ 5 dục mà ở nơi trí huệ vẫn chẳng bị chướng ngại, chẳng bị dục nhiễm.

Này Thiện Nam Tử ! Ông phải quán hết thảy các pháp ở nơi thật tướng đều chẳng cấu, chẳng tịnh. Vì sao ? Vì hết thảy các pháp đều là tự tánh không, nên chẳng có chúng sanh, chẳng có nhân, chẳng có ngã …; Hết thảy các pháp đều như mộng, như hưởng, như ảnh, như diệm, như huyễn, như hóa. Này Thiện Nam Tử ! Quán thật tướng các pháp rồi, ông lại phải tùy theo các pháp sư. Được như vậy, thì chẳng bao lâu nữa ông sẽ thành tựu được Bát Nhã Ba La Mật. Lại nữa, này Thiện Nam Tử ! Ông vẫn thường phải giác biết các ma sự. Nếu trong lúc ông chỉ muốn nghe Bát Nhã Ba La Mật, mà Bồ Tát pháp sư lại thuyết những pháp khác chẳng hợp với ý nguyện của ông, thì ông cũng chẳng nên sanh tâm oán hận; Ông phải một lòng tôn kính pháp sư; ông chẳng nên sanh tâm nhàm chán, giải đãi, mà phải thường tùy theo pháp sư.

LUẬN :

Ở phẩm trước, ngài Tu Bồ Đề hỏi : Làm sao có thể dạy cho Bồ Tát sơ pháp ý biết được tánh không ?

Vì tánh của các pháp là rốt ráo không, là vô sở hữu, rất khó giải, rất khó được, nên Phật dạy : Phải vì họ nói các pháp trước có, nay không.

Ý Phật muốn nói rằng, “Tánh không chẳng phải khó biết, khó được. Vì sao ? Vì các pháp bản lai vẫn thường không, chẳng có mới cũ.

Pháp tánh không tuy rất thậm thâm, nhưng nếu Bồ Tát nhất tâm tinh tấn, chẳng tiếc thân mạng, mà cầu được pháp ấy, thì quyết định sẽ được”.

Bởi vậy nên Phật thuyết phẩm Tát Đà Ba Luân để dẫn chứng.

-o0o-

Trong Phật pháp có 12 bộ kinh. Tùy theo căn trí, có người tu theo bộ Kinh này mà được độ, có người tu theo bộ kinh khác mà được độ; Ví như có người tu theo bộ kinh Bổn Sanh mà được độ, có người tu theo bộ kinh Bổn Sự mà được độ.

Nay Phật dùng bộ kinh Bổn Sanh để dẫn chứng, khiến có người nghe được liền dấy niệm nghĩ rằng, “nếu có người trước đã tu được, thì nay tôi cũng phải tu được như vậy”.

Bởi vậy nên Phật, y cứ vào kinh Bổn Sanh, thuyết phẩm Tát Đà Ba Luân này. Phật dạy : Bồ Tát cầu Bát Nhã Ba La Mật, phải nên như Bồ Tát Tát Đà Ba Luân.

Hỏi : Bát Nhã Ba La Mật là vô tướng, là rốt ráo không. Người hành thiền định còn khó vào được, huống nữa là người đầy phiền não, ưu sầu, thì làm sao có thể vào được ?

Đáp : Phật thuyết phẩm Tát Đà Ba Luân nhằm nêu gương sáng để hàng Bồ Tát tân phát ý noi theo.

Hỏi : Nếu nói Bồ Tát Tát Đà Ba Luân là tân phát ý, thì vì sao vị Bồ Tát này có thể hiện ra trước 10 phương chư Phật ? Vì sao ? Vì có thể hành Bồ Tát đạo mà chẳng tiếc thân mạng ? Vì sao khi vừa thấy Bồ Tát Đàm Vô Kiệt là liền được vô lượng tam muội ? Nếu có công đức như vậy, thì vì sao lại gọi là Bồ Tát sơ phát ý ?

Đáp : Có hai hạng Bồ Tát tân phát ý. Đó là :

– Hạng Bồ Tát tân phát ý, tuy đã phát ý nhu nhuyến mà ở thâm tâm vẫn còn tham chấp các dục lạc thế gian.

– Hạng Bồ Tát tân phát ý đã phát ý như nhuyến, và ở thâm tâm chẳng còn chấp đắm thế gian nữa.

Phật dạy, “Thâm tâm phát ý như vậy mới gọi là phát tâm”

Phát ý thì mới là pháp nhỏ, nếu ở trong thâm tâm vẫn còn chấp đắm thế gian.

Phật dạy, “Các Tỷ Kheo trong pháp của ta chẳng cần đến Noãn Pháp. Vì sao ? Vì tuy Noãn Pháp là pháp lớn của hàng Thanh Văn, mà Phật chỉ xem là pháp nhỏ vậy. Ví như vị vua thấy các gấm vóc chẳng cho là quý, trong khi đó người dân thường nếu được một tấm gấm sẽ rất sung sướng, cho đó là vật rất quý giá.

Phật chỉ muốn nêu lên chỗ nhất tâm, chẳng tiếc thân mạng của người cầu Bát Nhã Ba La Mật, nên mới thuyết phẩm Tát Đà Ba Luân, để làm chứng.

Hỏi : Bồ Tát Tát Đà Ba Luân thường hành khổ hạnh, theo Bồ Tát pháp sư Đàm Vô Kiệt, được vô lượng tam muội rồi. Vì sao nói vị Bồ Tát này hiện nay còn đang hành đạo ở cõi nước của Phật Đại Lôi Âm ?

Đáp : Phật pháp là vô lượng, vô biên. Người tinh tấn tu khổ hạnh, trải qua nhiều đời còn chưa được, huống nữa là Bồ Tát Tát Đà Ba Luân chỉ mới tu khổ hạnh trong một đời.

Lại nữa, có nhiều Bồ Tát đã đầy đủ 10 Phật lực, nhưng vì chúng sanh vẫn còn trú ở thế gian, chưa làm Phật. Như Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nay vẫn còn là Bồ Tát, chưa làm Phật.

Lại nữa, có Bồ Tát vào tam muội, thấy các quốc độ ở khắp 10 phương nhiều như số vi trần. So với các đại Bồ Tát này, thì Bồ Tát Tát Đà Ba Luân chỉ mới được 6 vạn tam muội, chưa phải là nhiều vậy.

Ví như vị đại Long Vương, khi muốn làm mưa, phát đại lôi âm (tiếng sấm sét lớn), khiến các loài chim, các loài thú, các con trùng đều sợ hãi. Cũng như vậy, đức Phật Đại Lôi Âm, khi vừa mới thành đạo, liền chuyển pháp luân, khiến chúng sanh khắp 10 phương đều phát tâm. Hàng ngoại đạo, tà kiến thấy như vậy đều sợ hãi, khiếp phục. Bởi vậy nên hàng Thiên chúng đều gọi đức Phật ấy là Phật Đại Lôi Âm. Hiện nay, Phật Đại Lôi Âm vẫn còn.

Hỏi : Bồ Tát Tát Đà Ba Luân cầu Bát Nhã Ba La Mật như thế nào, mà được công đức lớn như vậy ?

Đáp : Có Bồ Tát, tuy chưa được thật trí huệ, mà vẫn thường thâm niệm Bát Nhã Ba La Mật, chẳng tiếc thân mạng, nên có công đức lớn. Do công đức lớn như vậy, nên cũng được gọi là đại Bồ Tát.

Bồ Tát Tát Đà Ba Luân, từ tấm bé, đã là một người đa sầu, đa cảm. Khi thấy chúng sanh bần cùng, đau khổ, cũng như khi gặp trở ngại trong lúc hành đạo, ngài thường khóc lóc.

Có thuyết nói, “Dù Bồ Tát sống ở nơi hoang vắng, xa lìa dân chúng, mà vẫn thường tu duy trù lượng, nhất tâm cầu Phật đạo. Bồ Tát sanh vào thời chẳng thấy được Phật, nhưng vẫn thường phát tâm đại bi, tinh tấn chẳng bao giờ thôi nghĩ”.

Lại có thuyết nói “Vào các đời trước, Bồ Tát đã gieo trồng các nhân phước đức,nên đời nay mới nhất tâm tinh tấn.

Bởi hai nhân duyên ấy nên đời nay mới nghe được lời dạy bảo vang lên giữa hư không. Thế nhưng vừa mới nghe, chưa kịp hỏi cho cặn kẽ, rõ ràng, thì tiếng nói giữa hư không bỗng im bặt, khiến Bồ Tát rất buồn khổ, khóc lóc suốt cả 7 ngày đêm.

Hỏi : Tiếng nói vang lên giữa hư không là của ai ?

Đáp : Có thuyết nói vì Bồ Tát Tát Đà Ba Luân chẳng tham đắm thế gian, chỉ nhất tâm cầu Phật đạo, nên chư Phật, chư Bồ Tát, chư Thiên Long đem lòng thương xót mà khuyên như vậy.

Có thuyết nói vào thời chẳng có Phật, chư Phật vẫn thường khai thị cho chúng sanh, khiến họ được Bát Nhã Ba La Mật, nên thường có tiếng nói vang lên giữa hư không để khuyên chúng sanh như vậy.

Lại có thuyết nói Bồ Tát Tát Đà Ba Luân ở đời trước đã gieo nhiều thiện căn,nên ở trong rừng vắng, quỷ thần thấy Bồ Tát vì cầu đạo mà phải sầu khổ như vậy, bèn đem lòng thương, phát ra tiếng nói vang lên giữa hư không.

-o0o-

Trong kinh có chép mẩu chuyện sau đây :

Ở thành Vương Xá có một vị Bà La Môn, vì ăn quá nhiều chẳng tiêu mà hết. Sau khi chết, vị Bà La Môn ấy trở thành một trong những vị thần giữ thành.

Có một hôm ông Tu Đạt Đa1 đến nhà một vị trưởng giả trong thành, thấy vị này đang bày la liệt các thức ăn uống, bèn hỏi rằng: Ông sắp tổ chức đám gả cho con gái, hay sắp thỉnh một vị Quốc Vương về dự tiệc, mà xem vẻ ông quá bận rộn như  vậy ?

Ông trưởng giả đáp : Tôi sắp thỉnh Phật cùng chúng Tăng về đây.

Ông Tu Đạt Đa vừa nghe nói đến Phật, liền sanh tâm hoan hỷ.

Ông trưởng giả do đời trước đã được thân cận và cúng dường Phật, nên nói về các công đức của Phật cho ông Tu Đạt Đa nghe.

Nghe xong, ông Tu Đạt Đa nôn nóng muốn được thấy Phật. Do tâm chí thành như vậy, nên giữa đêm tối ông bèn mở cửa đi tìm Phật.

Lúc bấy giờ Phật đang ở rừng Hàng Lâm. Ông Tu Đạt Đa nương theo ánh trăng lần bước theo hướng rừng ấy. Nhưng chỉ vừa đi được nửa chặng đường thì trăng lặn. Vạn vật chìm trong bóng tối, khiến ông Tu Đạt Đa thối tâm, muốn trở về thành.

Lúc bấy giờ vị thần giữ  thành tiến phóng đại quang minh chiếu sáng khắp vùng, và nói ông Tu Đạt Đa rằng : Này Cư sĩ ! Ông chớ nghiệp nên sanh tâm sợ hãi, chớ nên thối tâm, ông nên tiếp tục đi tìm Phật, sẽ được lợi ích lớn.

Ông Tu Đạt Đa nghe lời khuyên của vị thần, tiếp tục đi, và chỉ trong một thời gian ngắn sau đó, ông gặp được Phật.

Trong kinh cũng có chép bài kệ tán thán ông Tu Đạt Đa rằng:

Tu Đạt Đa mới vừa thấy Phật;
Liền đắc sơ quả Tu Đà Hoàn.
Ông thỉnh Phật, Tăng về nước Vệ,
Xin trọn đời lo việc cúng dường.

Vì ông Tu Đạt Đa, Phật bảo ngài Xá Lợi Phất về thành Xá Vệ lập tịnh xá.

Do thấy ông Tu Đạt Đa mong muốn được gặp Phật, mà vị thần giữ thành Vương Xá đã hiện làm bậc thiện tri thức, chiếu quang minh khai đạo cho ông.

Cũng như vậy, do thấy Bồ Tát Tát Đà Ba Luân sầu khổ vì đạo mà chư vị thiện tri thức động lòng thương, khai đạo cho Bồ Tát vậy.

Hỏi : Đói khát, nóng lạnh … bức bách thân, chẳng để cho được an ổn. Vì sao chẳng nghĩ đến thân mạng, mà chỉ nhất tâm ái lạc Phật đạo, chẳng hề tiếc thân mạng ?

Đáp : Đồ ăn, thức uống, áo quần … chỉ là pháp trợ thân. Bồ Tát dù phải chịu đói khát, nóng lạnh cũng chẳng bị loạn tâm.

Bồ Tát biết rõ thân là vô thường, là chẳng thật có, là phường oán tặc, chẳng nên vì cơm áo mà phải xả Phật đạo.

Bồ Tát tinh tấn tu hành cả ngày lẫn đêm, biết rõ nội pháp là thân và ngoại pháp là 5 dục đều chẳng nên chấp, lại cũng chẳng đưa mắt nhìn ngó qua lại hai bên, biết rõ việc làm như vậy khiến tâm bị tán loạn, chướng ngại cho việc hành đạo.

Bồ Tát cũng biết rõ các ác ma thường nhiễu loạn người tu. Khi gặp các ác ma hiện các thân trước mặt mình, Bồ Tát chẳng hề chấp, nên trừ được các thô niệm.

Bồ Tát cũng chẳng hoại thân tướng. Vì sao ? Vì Bồ Tát biết rõ thân do 5 ấm hòa hợp  mà giả danh có. Nếu chấp thân quyết định có, thì đó là hoại thân tướng. Nhưng nếu chấp chẳng có thân, thì đó cũng là hoại thân tướng. bởi vậy nên Bồ Tát ly tất cả hai chấp “có” và “không”, hành trung đạo. Hành trung đạo như vậy mới mau được Vô Thượng Bồ Đề. Phật dạy, “Hoại thân tướng là chướng ngại Phật pháp. Người  hoại thân tướng phải qua lại trong 5 đường sanh tử, chẳng thể có được Bát Nhã Ba La Mật.

-o0o-

Bồ Tát Tát Đà Ba Luân hướng lên không trung nguyện rằng : “Vì hết thảy chúng sanh đang bị trầm luân trong vô minh hắc ám, tôi muốn đốt ngọn đèn trí huệ soi sáng cho họ. Vì hết thảy chúng sanh đang bị phiền não làm nhiễu loạn, tôi muốn họ đều được pháp lạc. Vì hết thảy chúng sanh đang bị đọa về tà kiến, tôi muốn vì họ cầu được Vô Thượng Bồ Đề.

Do 3 lời nguyện đó, mà Bồ Tát Tát Đà Ba Luân sẽ được Bát Nhã Ba La Mật.

Hỏi : Bồ Tát Tát Đà Ba Luân chỉ nghe tiếng nói vang giữa hư không, chẳng có thấy người. Như vậy vì sao Bồ Tát lại đáp : “Tôi sẽ xin y theo lời chỉ giáo” ?

Đáp : Người cầu đạo nghe lời hay, lẽ thật giữa hư không, có thể biết đó là lời thành thật của thiện tri thức, chẳng cần phải thấy tận mắt vậy. Ví như trong đêm tối, nghe tiếng của các loài vật vọng lại, cũng có thể phân biệt chủng loại của các loài vật đó là xấu hay tốt, dữ hay lành v.v….

Bồ Tát nghe giữa hư không tán thán, “Lành thay, lành thay !”.

Vì sao có lời tán thán như vậy ?

Vì dù chẳng thấy hình dáng vị thiện tri thức đã khuyên dạy mình, mà Bồ Tát Tát Đà Ba Luân vẫn một lòng tín thọ thiện ngữ. Bồ Tát muốn độ hết thảy chúng sanh, nên tinh tấn cầu Vô Thượng Bồ Đề, tâm chẳng hề giải đãi.

Bởi nhân duyên vậy, nên ở giữa hư không có lời tán thán, “Lành thay, lành thay”, như đã nêu trên đây.

Tiếng nói giữa hư không dạy rằng, “Ông phải có lòng tin nơi các pháp không, vô tướng và vô tác, vì đây  là cửa dẫn vào nơi thật tướng pháp. Ông phải sanh tín căn, tín lực vững mạnh; Có được tín căn, tín lực rồi, ông sẽ có được đầy đủ các căn, các lực khác. Ông phải ly tướng mà cầu Bát Nhã Ba La Mật. Ông phải quán hết thảy pháp tướng là rốt ráo không; quán tướng chúng sanh … dẫn đến quán tướng Phật là rốt ráo không.

Hỏi : Ba giải thoát môn “không, vô tướng và vô tác” nhiếp trong Bát Nhã Ba La Mật. Vì sao trong hội Bát Nhã Ba La Mật lại nói riêng về ba giải thoát môn ? Nếu ba giải thoát môn chẳng nhiếp trong Bát Nhã Ba La Mật, thì vì sao các kinh đều nói ba giải thoát môn nhiếp trọn vào trong Bát Nhã Ba La Mật ?

Đáp : Hết thảy các pháp đều nhiếp trọn vào trong Bát Nhã Ba La Mật. Chúng sanh sợ khổ, muốn cầu được giải thoát, nên từ trong Bát Nhã Ba La Mật cần phải tách riêng ba giải thoát môn, để vì họ nói trước

Ly hai bên (nhị biên), có nghĩa là ly tướng chúng sanh, ly tướng các pháp là nhân duyên dẫn vào ba giải thoát môn … dẫn đến được đầy đủ Bát Nhã Ba La Mật.

Hỏi :  Vì sao sau khi dạy tu tinh tấn, tu ba giải thoát môn, tu Bát Nhã Ba La Mật, nay lại phải thân cận thiện tri thức ?

Đáp : Dù có pháp quý mà chẳng có người hướng dẫn tu hành, thì rất dễ bị lầm lạc. Ví như có sẵn một tủ thuốc tốt, mà chẳng có vị thầy thuốc hay chẩn bệnh, cho toa, thì cũng chẳng sao dùng các thuốc tốt đó để chữa bệnh cho lành bệnh được.

Cũng như vậy, Bồ Tát Tát Đà Ba Luân là Bồ Tát tân phát ý, còn Bát Nhã Ba La Mật là pháp bảo quá thậm thâm, chẳng có thể chỉ nghe giữa hư không lược dạy mà có thể vào được. Bởi vậy nên phải tìm thiện tri thức để học hỏi thêm.

-o0o-

Người thường dạy về các pháp không, vô tướng, vô tác, vô sanh, vô diệt … tức Bát Nhã Ba La Mật, thường dạy phải nhất tâm hướng về nhất thiết chủng trí là bậc thiện tri thức.

Nếu gặp được thiện tri thức thì chẳng bao lâu sẽ gặp được toa thuốc tốt, sẽ mau lành bệnh.

Tiếng nói giữa hư không dạy Bồ Tát Tát Đà Ba Luân rằng, “Nếu ông đúng như pháp mà hành, thì chẳng bao lâu nữa ông sẽ được nghe Bát Nhã Ba La Mật, hoặc từ trong kinh quyển, hoặc từ miệng một vị đại Bồ Tát nói ra. Ông hãy tìm đến Bồ Tát Đàm Vô Kiệt mà học đạo. Ở nơi đó có Bát Nhã Ba La Mật, trong bảo đài có kinh quyển Bát Nhã Ba La Mật, lại có Bồ Tát Đàm Vô Kiệt thường thuyết về Bát Nhã Ba La Mật. Người chưa đầy đủ phước đức sẽ được học Bát Nhã Ba La Mật qua kinh quyển; Người đã có nhiều phước đức sẽ được Bồ Tát Đàm Vô Kiệt trực tiếp truyền dạy. Dù ở  nơi kinh, dù ở nơi thẩy, người nghe vẫn sanh được Phật tưởng, vẫn đến được Phật đạo”.

-o0o-

Ví như người dùng đò để qua sông; Khi đã qua bờ bên kia rồi, thường chẳng còn nghĩ đến chiếc đò đã giúp mình đến nơi an toàn. Cũng như vậy, người thế gian khi đã được học pháp nơi thầy rồi, thường quên ơn thầy. Bởi vậy nên tiếng nói giữa hư không lại dạy Bồ Tát Tát Đà Ba Luân rằng, “ Ông phải biết ơn, phải  nghĩ rằng nhờ có thầy mà ông mới được nghe Bát Nhã Ba La Mật. Do được nghe Bát Nhã Ba La Mật mà ông sẽ mau được bất thối chuyển nơi Vô Thượng Bồ Đề, sẽ được thân cận chư Phật, sẽ thường được sanh ở các cõi Phật, sẽ sanh ở các chốn chẳng có các ách nạn. Ông phải nghĩ rằng được các công đức lớn như vậy là nhờ nơi Bát Nhã Ba La Mật; Được Bát Nhã Ba La Mật là nhờ có thầy truyền pháp. Bởi vậy nên ông phải xem Bát Nhã Ba La Mật, phải xem pháp sư như là Phật vậy”.

-o0o-

Lại có trường hợp người đệ tử lúc ban đầu chỉ vì Bát Nhã Ba La Mật mà theo sát bên vị pháp sư để cầu học; Nhưng lâu sau cũng có nhiều tín thí cúng dường, nên lại sanh tâm chấp đắm lợi dưỡng. Bởi vậy nên tiếng nói giữa hư không lại dạy Bồ Tát Tát Đà Ba Luân rằng, “Ông chớ nên mống tâm theo các lợi dưỡng thế gian, mà phải nên theo sát bên vị pháp sư”.

Hỏi :  Vì sao đang nói về vấn đề “thân cận thiện tri thức”, lại nói qua các nhân duyên khác ?

Đáp : Có người đã được thiện tri thức dạy dỗ, mà chẳng có vừa lòng nên trở lại oán thầy, khiến phải bị đọa địa ngục.

Có người lại tìm cách vạch các lỗi lầm của thầy … dẫn đến hủy báng thầy, nói xấu thầy.

Dù nghĩ đúng, hay nghĩ sai, thì người đệ tử cũng tự hoại tâm mình chẳng sao có được pháp lợi.

Bởi vậy nên tiếng nói giữa hư không lại dạy Bồ Tát Tát Đà Ba Luân rằng, “Nếu thấy pháp sư có lầm lỗi, ông chẳng nên sanh tâm sân hận. Ông nên tự niệm rằng  vì đời trước chẳng có đủ phước đức, nên chẳng được gặp Phật; Nay gặp thầy có phạm lỗi lầm cũng chẳng nên chấp mà bỏ mất Bát Nhã Ba La Mật”.

Vì sao ? Vì mặc dù thầy có lỗi, người đệ tử cũng vẫn phải theo thầy, để thọ pháp. Ví như có cái đãy bề ngoài xấu xí, mà bên trong có chứa đựng vàng; Nếu chê cái đãy xấu xí mà chẳng cầm lấy, thì sẽ chẳng có được số vàng ở bên trong. Lại ví như đi trong đêm tối phải theo ánh đuốc của người dẫn đường; nếu biết người dẫn đường là kẻ xấu mà từ chối chẳng đi theo ánh đuốc, thì chẳng sao đi đến nơi chốn được.

-o0o-

Lại nữa, người đệ tử theo thầy học đạo phải giác biết về các ma sự. Bởi vậy nên tiếng nói giữa hư không lại dạy Bồ Tát Tát Đà Ba Luân rằng, “Nếu thấy có ác ma đem 5 dục dâng hiến pháp sư, khiến ngài phải thọ dụng, rồi mới thuyết pháp, thì ông nên biết pháp sư đã có đầy đủ công đức, nên thọ 5 dục mà chẳng bị nhiễm dục.

Lại nữa, có trường hợp pháp sư thị hiện thọ 5 dục để dùng làm phương tiện, để dạy chúng sanh gieo trồng  thiện căn, để cùng với chúng sanh đồng sự nhằm giáo hóa họ”.

Vì sao ? Vì các đại Bồ Tát đã thông đạt thật tướng pháp, nên chẳng có bị chướng ngại, chẳng có tội lỗi; Tuy hiện thấy có tội, mà tự tâm chẳng bị chướng ngại. Ví như người còn trai tráng, dồi dào sức lực, tuy có ăn nhiểu thức ăn, mà vẫn chẳng sanh bệnh. Lại ví như người đã có thuốc trị độc tốt, thì khi ăn phải chất độc, liền được giải được độc, chẳng bị hại vậy.

Như vậy sơ lược về các nhân duyên cho thấy rằng người đệ tử theo thầy học đạo, chớ nên sanh tâm hiềm giận thầy. Làm như vậy chỉ có hại cho mình, tự mình xa rời Bát Nhã Ba La Mật, tự mình xa rời nhất thiết chủng trí vậy.

-o0o-

Như trong kinh dạy rằng, “Người trì giới thanh tịnh, thuyết pháp thanh tịnh, thường ly 5 dục, có oai đức lớn, được nhiều người tôn kính, cúng dường. Đệ tử thọ pháp với thầy chớ nên quan tâm đến tiền tài, bổng lộc của thầy, chớ bao giờ sanh tâm sân hận đối với thầy. Đệ tử phải tự nghĩ rằng do đời trước mình có tội lỗi nhiều, nên đời nay mới sanh làm người thấp hèn. Chẳng phải thầy khinh minh, mà vì mình chẳng có được phước đức, nên chẳng được gần gũi thầy. Lại nữa ở nơi thầy, mình phải phá kiêu mạn, nhẫn nhục để cầu pháp”.

Vì sao ? Vì người cầu Bát Nhã Ba La Mật phải nhất tâm cung kính vị pháp sư của mình, chẳng niệm hơn thua, tốt xấu. Nếu được nhẫn nhục như vậy, thì ở nơi thầy mới được nhất tâm, chẳng tăng, chẳng giảm, mới thọ nhận được đầy đủ diệu pháp do thầy truyền đạt vậy. Ví như cái bình đất dùng để đựng nước phải được nung thật chín, chẳng có chỗ nứt rạn, mới giữ trọn vẹn nước, chẳng để cho nước thoát ra ngoài.

Bồ Tát Tát Đà Ba Luân nghe lời dạy giữa hư không như vậy rồi, nhất tâm đi về phương Đông, tìm thấy, học đạo.

(Hết Quyển 96)