LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ

Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG

 

TẬP V
QUYỂN 95

Phẩm thứ tám mươi lăm
Thất Dụ
(Bảy Thí Dụ)

KINH:

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn! Nếu các pháp là tánh vô sở hữu, chẳng phải do Phật làm ra, cũng chẳng phải do ai khác làm ra, thì vì sao phân biệt có các pháp dị biệt nhau ?

Vì sao phân biệt có địa ngục, có ngạ quỷ, có súc sanh, có trời, có người ? Vì sao phân biệt có Thanh Văn, có Bích Chi Phật, có Bồ Tát…dẫn đến có Phật ?

Bạch Thế Tôn! Trong pháp vô tánh, chẳng có các nghiệp dụng. Vì sao lại có các nhân duyên, tác nghiệp dẫn đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, hoặc dẫn sanh vào cõi trời, cõi người ? Vì sao lại có Bồ Tát hành Bồ Tát đạo, được nhất thiết chửng trí, và được nhất thiết chủng trí rồi mới có thể độ chúng sanh ra khỏi các đường sanh tử ?

Phật dạy : Đúng như vậy, đúng như vậy ! Này Tu Bồ Đề ! Trong pháp vô tánh, chẳng có nghiệp, chẳng có nghiệp quả báo.

Này Tu Bồ Đề ! Hàng phàm phu chẳng vào được thánh pháp, nên chẳng biết được các pháp là chẳng có tánh tướng. Chỉ do ngu si điên đảo mà họ khởi các nghiệp nhân duyên; Rồi theo nghiệp dẫn mà phải thọ thân, hoặc đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, hoặc làm trời, làm người vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Nếu các pháp đều là vô tánh, thì làm sao có các quả Thanh Văn, quả Bích Chi Phật….dẫn đến có nhất thiết chủng trí ?

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao ? Đạo có phải là vô tánh chăng ? Chư Thanh Văn, chư Bích Chi Phật…dẫn đến chư Phật là bậc nhất thiết chủng trí có phải là vô tánh chăng ?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn ! Đạo là vô tánh. Chư Thanh Văn, chư Bích Chi Phật…dẫn đến chư Phật nhất thiết chủng trí đều là vô tánh cả.

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Pháp vô tánh có thể được pháp vô tánh chăng ?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Chẳng có thể được như vậy.

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Pháp hữu tánh có được pháp hữu tánh chăng ?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Chẳng có thể được như vậy.

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Pháp vô tánh, đạo, cùng hết thảy các pháp đều chẳng hợp, chẳng tan, chẳng có sắc, chẳng có hình, đều là nhất tướng, đều là vô tướng

Này Tu Bồ Đề ! Bồ Tát hành Bát Nhã Ba la Mật, thấy chúng sanh ở nơi 5 ấm vô thường, khổ, vô ngã, và bất tịnh, mà lại điên đảo tưởng là thường, lạc, ngã và tịnh, nên dùng các lực phương tiên dẫn dắt họ đến chỗ “vô sở hữu”.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Phàm phu chấp thân 5 ấm là thật có, nên khởi nghiệp, tạo tội, khiến phải qua lại trong các đường sanh tử, chẳng thoát ra khỏi được.

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Chỗ chấp trước khỏi nghiệp của phàm phu chẳng có mảy may sự thật, dù nhỏ như lông tóc. Đó chỉ là điên đảo mà thôi.

Nay ta vì ông nói lên các thí dụ, khiến người trí hiểu rõ hơn.

Này Tu Bồ Đề ! Ý ông nghĩ sao? Như ở trong mộng mà thấy có người thọ dục lạc. Sự việc ấy thật có nơi chốn chăng ?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Mộng là hư vọng, là bất khả đắc, huống nữa là người thấy trong cảnh mộng mà thật có nơi chốn thọ dục lạc.

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Các pháp hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi có phải như mộng chăng ?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Tất cả các pháp ấy đều là như mộng.

Phật dạy : Trong mộng có chúng sanh qua lại trong các đường sanh tử chăng ?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Chẳng có vậy.

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Trong mộng có tu đạo chăng ? Do sự tu đạo mà có cấu, có tịnh chăng ?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Mộng chẳng có thật, nên chẳng thể nói là có cấu, có tịnh được vậy.

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Bóng trong gương thật sự có khởi các nghiệp nhân duyên dẫn đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, hoặc dẫn sanh làm trời, làm người chăng ?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Bóng trong gương chẳng thật có. Bóng ấy làm sao có thể khởi các nghiệp nhân duyên dẫn đoạ vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, hoặc dẫn sanh làm trời, làm người được.

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề !Bóng gương có tu đạo chăng ? Do sự tu đạo mà có cấu, có tịnh chăng ?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Vì bóng trong gương chẳng thật có, nên chẳng thể nói là có cấu, có tịnh vậy.

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Ý ông nghĩ sao ? Như ở chốn núi sâu có tiếng vang dội ra. Tiếng vang ấy thật sự có khởi các nghiệp nhân duyên dẫn đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, hoặc dẫn sanh làm trời, làm người chăng ?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Tiếng vang chẳng thật có. Tiếng vang ấy làm sao có thể khởi các nghiệp nhân duyên dẫn đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, hoặc dẫn sanh làm trời, làm người được.

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Tiếng vang có tu đạo chăng ? Do sự tu đạo mà có cấu, có tịnh chăng ?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Vì tiếng vang chẳng thật có, nên chẳng có thể nói là có cấu có tịnh được vậy.

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Ý ông nghĩ sao ? Như vào những ngày nắng gắt, người lữ hành đi trên khoảng đường trống, thấy ở đàng xa hiện ra những vùng nước óng ánh, tươi mát; Nhưng khi đến gần nơi đó, thì chẳng còn thấy gì nữa. Hiện tượng này gọi là sóng nắng (diệm). Sóng nắng ấy thật sự có khởi nghiệp nhân duyên dẫn đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, hoặc dẫn sanh làm trời, làm người chăng ? Sóng nắng ấy có tu đạo, và do sự tu đạo mà có cấu, có tịnh chăng ?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Sóng nắng ấy chẳng thật có, nên chẳng có thể khởi các nghiệp nhân duyên dẫn đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, hoặc dẫn sanh làm trời, làm người được. Sóng nắng ấy chẳng thật có, nên chẳng thể nói là có cấu, có tịnh được vậy

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Ý ông nghĩ sao ? Như khi mặt trời mới mọc, các đám mây trên trời hiện ra đủ thứ hình, nào thành trì, nào cung điện, nguy nga. Thành trì với các cung điện nguy nga có được gọi là thành Càn Thát Bà. Thành Càn Thát Bà ấy thật sự có khởi các nghiệp nhân duyên dẫn đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, hoặc dẫn sanh làm trời, làm người chăng ?

Thành Càn Thát Bà ấy có tu đạo, và do sự tu đạo mà có cấu, có tịnh chăng ?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Thành Càn Thát Bà ấy chẳng thật có, nên chẳng có thể khởi các nghiệp nhân duyên dẫn đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, hoặc dẫn sanh làm trời, làm người. Thành ấy chẳng thật có, nên chẳng thể nói là có cấu, có tịnh được vậy.

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Ý ông nghĩ sao ? Như nhà huyễn thuật huyễn tác ra đủ các hình tượng, nào voi, ngựa, trâu, dê, nào người nam, người nữ v.v… để giúp vui cho khán thính giả. Súc vật huyễn, người huyễn ấy thật sự có khởi nghiệp nhân duyên dẫn đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, hoặc dẫn sanh làm trời, làm người chăng ?

Súc vật huyễn, người huyễn ấy có tu đạo, và do sự tu đạo mà có cấu, có tịnh chăng ?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Các súc vật huyễn và các người huyễn ấy chẳng thật có, nên chẳng có thể khởi các nghiệp nhân duyên dẫn đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, hoặc dẫn sanh làm trời, làm người được. Các súc vật và các người huyễn ấy chẳng thật có, nên chẳng thể nói là có cấu, có tịnh được vậy.

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Ý ông nghĩ sao ? Như Phật hóa hiện ra các người hóa. Các người hóa ấy thật sự khởi nghiệp nhân duyên dẫn đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, hoặc dẫn sanh làm trời, làm người chăng ? Các người hóa ấy, có tu đạo, và do sự tu đạo mà có cấu, có tịnh chăng ?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Các người hóa ấy chẳng thật có, nên chẳng có thể khởi các nghiệp nhân duyên dẫn đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, hoặc dẫn sanh làm trời, làm người được. Các người hóa ấy chẳng thật có, nên chẳng thể nói là có cấu, có tịnh được vậy.

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Ý ông nghĩ sao ? Trong tướng “không” có cấu, có tịnh chăng ?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Chẳng có vậy, bạch Thế Tôn ! Trong “vô sở hữu” chẳng thể có cấu, có tịnh được vậy.

Phật dạy: Nếu như chẳng có người cấu, chẳng có người tịnh, thì cũng chẳng có cấu, chẳng có tịnh. Vì sao ? Vì chúng sanh an trú trong “ngã” và trong “ngã sở”, nên mới thấy có cấu, có tịnh. Chân thật pháp chẳng có cấu tịnh. Bởi vậy nên người thấy như thật là người chẳng thấy có cấu tịnh.

LUẬN:

Hỏi:  Trước đây, Phật đã giải đáp  nhiều về vấn đề này rồi. Nay vì sao ngài Tu Bồ Đề còn hỏi thêm nữa ?

Đáp: Nghĩa tuy chỉ là một, nhưng nhân duyên chấp sự có khác. Dù có Phật, hay dù chẳng có Phật, thì pháp tánh vẫn thường trú. Vì sao ? Vì hết thảy các pháp đều là không, là vô sở hữu, chẳng phải do chư Phật làm ra, chẳng phải do chư Thánh Hiền làm ra, cũng chẳng phải do ai khác làm ra cả.

Bát Nhã Ba La Mật quá thậm thâm, rất khó biết, rất khó lường. Chẳng có thể dùng tâm phàm phu, hạn hẹp, mà có thể vào trong vi diệu pháp này được.

Chư Phật, chư đại Bồ Tát, chư Thánh Hiền thường dùng các danh tự ngôn ngữ, dùng nhiều thí dụ giúp người có căn trí thông lợi hiểu rõ được thánh ý. Trong lúc đó thì người độn căn lại cứ chấp vào danh tự, ngôn ngữ mà thôi. Ví như khi nghe nói pháp “không” thì họ liền chấp “không”; khi nghe nói “pháp tướng tịch diệt, ngôn ngữ đoạn, tâm hành diệt v.v…”, thì họ cũng lại chấp nữa.

Vì sao ? Vì do tự tâm chẳng được thanh tịnh, nên dù nghe được thánh pháp cũng chẳng được thanh tịnh vậy. Ví như người đang bị nhặm mắt nhìn lên hư không, thanh tịnh, trong suốt, mà lại chỉ thấy toàn là hoa đốm.

Phật dùng các nhân duyên cho thấy rằng những người có tâm nghi thường hay phạm lầm lỗi. Ví như khi họ nghe nói hết thảy pháp đều là không, thì họ liền dấy niệm rằng, “Nếu hết thảy các pháp đều là không, và nếu “không” cũng là không, thì làm sao phân biệt có 6 đường chúng sanh v.v….”.

Đây là chỗ nghi khó giải, nên vì lợi ích chúng sanh, ngài Tu Bồ Đề phải nên lên nhiều câu hỏi, để được Phật rộng giải.

Hỏi: Vì sao ngài Tu Bồ Đề lấy pháp “không” để vấn nạn Phật, mà lại được Phật ấn chứng ?

Đáp:  Ngài Tu Bồ Đề hỏi : Nếu pháp “không” là thường trú; dù có Phật hay chẳng có Phật, cũng chẳng thay đổi, thì làm sao phân biệt có 6 đường chúng sanh ?

Sở dĩ ngài Tu Bồ Đề nêu lên câu hỏi này, vì ngài muốn giải nghi cho chúng sanh, nhằm phá chấp “không” của họ vậy.

Dựa vào lời nạn hỏi của ngài Tu Bồ Đề, Phật dạy : phàm phu chẳng vào được thánh vị, chẳng biết được các pháp là tánh vô sở hữu. Do ngu si điên đảo mà họ chấp  có ngã, chấp có pháp, chấp có 3 cõi, chấp có 6 đường sanh tử, chấp có chúng sanh qua lại trong 6 đường sanh tử, mà chẳng biết rằng tất cả những pháp này đều là hư vọng, chẳng thật có. Do chấp tâm điên đảo mà chúng sanh khởi nghiệp, rồi thọ báo, nhưng quả báo đó cũng là hư vọng, chẳng thật có. Vì sao ? Vì 6 đường sanh tử đều là không, đều là giả danh.

Các bậc Thánh Hiền đã đoạn sạch các chấp phân biệt điên đảo, đã diệt sạch các chấp “hữu” và “vô”, vào nơi được tánh vô sở hữu.

Thánh hiền lấy chỗ đoạn điên đảo làm nhân tu đạo, mà vẫn biết rằng đạo cùng đạo quả cũng là vô sở hữu.

Khi tu đạo ắt phải dùng “không, vô tướng và vô tác” để phân biệt các đạo quả, phân biệt đạo quả của Hiền, của Thánh có sai khác.

Thế nhưng, ở nơi thật tướng pháp tất cả đều vô sở hữu, nên chẳng có đắc quả, chẳng đắc “vô sở hữu”, chẳng có sai khác nhau vậy. Biết được như vậy, thì  chẳng có gì để nạn hỏi nữa.

–o0o–

Trên đây, ngài Tu Bồ Đề muốn nói rằng : “ Điên đảo là thế gian; còn chẳng có điên đảo là Thánh Hiền”. Như vậy là có tương đãi.

Do vậy mà ngài lại hỏi : Chổ chấp của phàm phu thật sự có khởi các nghiệp nhân duyên dẫn đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, hoặc dẫn sanh làm trời, làm người, khiến chúng sanh chẳng được giải thoát chăng?

Phật nói chúng sanh do điên đảo mà khởi chấp các pháp, nhưng thật sự chẳng có sự tương đãi sai biệt giữa thật pháp và giả pháp. Vì sao ? Vì hết thảy pháp đều là rốt ráo không vậy.

Hỏi: Đây là chỗ sở hành của Phật. Vậy hành “rốt ráo không” và hành “đệ nhất nghĩa không” có phải hành “thật pháp” chăng ?

Đáp: Do phàm phu điên đảo khởi các chấp phân biệt, nên phải nói đệ nhất nghĩa “không”. Khi chẳng còn điên đảo nữa, thì cũng chẳng còn có “đệ nhất nghĩa không” nữa.

Hỏi: Nếu nói giả pháp và thật pháp đều chẳng thật có, thì làm sao có thể được giải thoát ? Ví như tay bẩn mà dùng nước bẩn để rửa tay, thì làm sao rửa cho sạch được ?

Đáp: Các pháp tướng đều là rốt ráo không. Sở dĩ nói đệ nhất nghĩa thanh tịnh, vì có phàm phu điên đảo, chẳng thanh tịnh.

Pháp thanh tịnh là chẳng bị phá hoại, chẳng bị biến đổi. Do phàm phu ở nơi các pháp thật tướng mà khởi chấp, sanh phiền não, nên phải vì họ nói pháp tướng là không, là vô sanh, là vô sở hữu. Vì là vô sở hữu nên là chẳng thật.

Tuy nói hai pháp, mà cả hai đều chẳng thật. Nhưng dù đều chẳng thật mà vẫn có chỗ sai khác nhau. Ví như 10 thiện pháp và 10 bất thiện pháp đều là pháp hữu vi, đều là pháp hư dối, chẳng thật, mà giữa thiện và bất thiện vẫn có chỗ sai khác vậy. Ví như người phạm tội sát sanh bị đọa vào đường ác; Người chẳng sát sanh được sanh làm người, làm trời. Ví như ở nơi vô sở hữu mà não hại chúng sanh thì bị tội; Khởi tâm từ bi đối với chúng sanh thì được phước v.v…

Lại nữa, tuy các pháp đều là không, là hư dối, nhưng lại có tác dụng khác nhau. Ví như từ bi phá được sân hận, bố thí phá được xan tham v.v…

Bởi vậy nên nói các pháp chẳng có bản định thật. Để chứng minh, Phật nên lên 7 thí dụ.

Phật nêu thí dụ trong mộng thấy có người thọ 5 dục, mà cảnh mộng đó chẳng thật có. Sở dĩ Phật nêu thí dụ trên đây để phá chấp cho rằng, “ Nếu các pháp là không, là tánh vô sở hữu, thì làm sao khiến mắt có thể thấy được Phật, tai có thể nghe được pháp ….”.

Thí dụ này cho thấy mộng tuy chẳng thật có, mà vẫn có nghe thấy, có sân hận, có vui mừng v.v…; Khi tỉnh mộng rồi, thì chẳng có thấy gì nữa cả. Phàm phu do vô minh điên đảo che tâm, nên cảm thấy có sân hận có vui mừng v.v…còn các bậc thánh đã được giác ngộ rồi, thì chẳng thấy gì hết.

Hết thảy các pháp, dù là hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi v.v…đều là hư dối, chẳng thật có, đều ví như cảnh mộng vậy. Cũng như cảnh mộng, khi mê thì thấy có 6 đường sanh tử, thấy có chúng sanh qua lại 6 đường sanh tử, thấy có Thanh Văn, Bích Chi Phật, Bồ Tát…dẫn đến có Phật; khi ngộ, chẳng còn thấy gì nữa. Cũng như cảnh mộng, khi mê thì thấy các nghiệp nhân duyên dẫn đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, hoặc dẫn sanh làm người, làm trời, thấy có cấu có tịnh; Khi ngộ, thì chẳng thấy có các nghiệp nhân duyên, chẳng thấy có cấu tịnh. Chỉ do điên đảo chấp  mới khởi các nghiệp nhân duyên… dẫn đến phải thọ các nghiệp quả báo; khi ngộ, thì chẳng còn thấy gì nữa.

Các chấp điên đảo là hư dối, là chẳng thật có. Nếu trừ được các chấp điên đảo rồi, là liền được đạo. Thế nhưng, khi các chấp điên đảo đã tận trừ rồi thì đạo cũng là chẳng thật có vậy. Tất cả đều là như mộng … dẫn đến đều là như bóng trong gương, như tiếng vang, như sóng nắng, như thành Càn Thát Bà, như huyễn, như hóa cả

–o0o–

Phật hỏi ngài Tu Bồ Đề : Các pháp ấy có cấu, có tịnh chăng ?

Ngài Tu Bồ Đề thưa : Chẳng có vậy.

Ý ngài Tu Bồ Đề muốn nói rằng, “ các pháp là vô ngã, nên chẳng có cấu, chẳng có tịnh”.

Phật dạy : Nếu chẳng có người cấu, chẳng có người tịnh, thì cũng chẳng cấu hay tịnh. Phàm phu trú trong ngã và ngã sở, mới thấy có cấu tịnh; Chư Thánh Hiền như thật thấy các pháp, chẳng thấy có cấu tịnh.

Nếu phân biệt như trong kinh A Tỳ Đàm, thì có cấu, có tịnh, có người thọ sự cấu hay tịnh. Ví như nói 3 độc cùng các phiền  não khác là cấu; Ba giải thoát môn, các thiện pháp trợ đạo là tịnh.

Tuy nói có cấu tịnh, nhưng chẳng phải như vậy. Vì sao ? Vì nếu chẳng có chúng sanh pháp, thì chẳng có tác giả; Chẳng có tác giả, thì chẳng có tác pháp. Vì như người chẳng có triền phược, thì chẳng cầu được giải thoát vậy.

Ví như người sợ lửa đốt, thì phải xa rời chỗ có lửa. Cũng như vậy, chúng sanh sợ các khổ do 5 ấm gây ra, thì phải xả bỏ các nghiệp nhân duyên dẫn sanh 5 ấm thân ở đời sau.

Chẳng phải thật có khổ mới cần ly khổ. Nếu chẳng có người cấu tịnh, thì cũng chẳng có cấu tịnh, cũng chẳng có giải thoát vậy.

Phật nói lên các nhân duyên do chấp có ngã, có ngã sở, mà chúng sanh mới trú trong đó, thọ cấu hay tịnh vậy. Khi ngã đã rốt ráo không thì cấu tịnh chẳng còn có chỗ trú nữa. Vì chẳng có chỗ trú (vô trú xứ), nên nói là vô cấu, vô tịnh vậy.

Hỏi : Vì sao chẳng có ngã, mà phàm phu lại trú trong đó, để rồi khởi sanh các phiền não ?

Đáp : Nếu được “vô ngã” thì “ngã kiến” chẳng có chỗ duyên, và do chẳng có chỗ duyên nên chẳng sanh khởi được

Tuy là “vô ngã”, nhưng ở nơi 5 ấm chúng sanh lại sanh các tà hạnh, nên mới sanh “ngã kiến”. Rồi do “ngã kiến” mà chúng sanh chấp 5 ấm làm ngã và ngã sở.

Hỏi :  Nếu ở nơi 5 ấm của mình mà mình tự sanh ngã kiến, thì vì sao ở nơi 5 ấm của người khác lại chẳng sanh ?

Đáp :  Nếu nói ở nơi 5 ấm của người khác cũng có sanh ngã kiến, thì có lỗi. Vì sao ? Vì ngã kiến chẳng có chỗ trú nhất định, chỉ do điên đảo chấp dẫn sanh mà thôi.

Từ vô thỉ đến nay, chúng sanh tự có ý thức về 5 ấm thân của mình tương tục sanh, rồi khởi sanh chấp ấy. Do trú trong “ngã thân”, nên chúng sanh phải thọ cấu, thọ tịnh; Rồi thấy mình và thấy người có cấu, có tịnh, hay chẳng có cấu, chẳng có tịnh.

Trái lại, người đã như thật thấy các pháp rồi, thì chẳng còn thấy có cấu, có tịnh. Bởi vậy nên nói là vô cấu, vô tịnh. Người vô cấu, vô tịnh là người đã vào được nơi thật tướng pháp.

Có thuyết nói, “thật tướng pháp là vô tướng, nên là vô cấu, vô tịnh”.

Lại có thuyết nói, “Ở nơi có thật tướng pháp mà chẳng chấp, nên là vô cấu, vô tịnh”.

Lại có thuyết nói, “Vào 8 thánh đạo mà còn chấp danh, thì gọi là vô tịnh; chẳng chấp các phiền não điên đảo, thì gọi là vô cấu”.

***

Phẩm thứ tám mươi sáu
Bình đẳng

KINH:

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Người thấy như thật là chẳng cấu, chẳng tịnh. Người chẳng thấy như thật cũng là chẳng cấu, chẳng tịnh. Vì sao ? Vì hết thảy pháp đều là tánh vô sở hữu.

Bạch Thế Tôn ! Trong “vô sở hữu” chẳng có cấu tịnh. Trong “sở hữu” cũng chẳng có cấu tịnh.

Bạch Thế Tôn ! Vì sao người nói như thật là chẳng cấu, chẳng tịnh; Người chẳng nói như thật cũng là chẳng cấu, chẳng tịnh ?

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Các pháp tướng bình đẳng, ta nói đó là tịnh.

Này Tu Bồ Đề ! Thế nào là tướng bình đẳng của các pháp ? Đó là như, là chẳng dị biệt, là pháp tướng, pháp tánh, pháp trụ, pháp vị, thật tế. Dù có Phật hay chẳng có Phật, thì pháp tánh vẫn thường trú. Đó gọi là tịnh.

Đây là nói theo thế đế; Chẳng phải là đệ nhất nghĩa đế, vì đệ nhất nghĩa đế vượt lên trên tất cả ngôn ngữ, luận nghị, âm thanh vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Nếu hết thảy pháp là  không, là chẳng thể nói ra được, là như mộng, như hưởng, như ảnh, như diệm, như huyễn, như hóa, thì vì sao Bồ Tát lại dùng các pháp như mộng, như hưởng, như ảnh, như diệm, như huyễn, như hóa ? Nếu các pháp ấy chẳng có căn bản định thật, thì làm sao Bồ Tát có thể phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, nguyện rằng, “Tôi sẽ đầy đủ 6 pháp Ba La Mật … dẫn đến 18 bất cộng pháp, tôi sẽ đầy đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp; Tôi sẽ đầy đủ các môn đà la ni, các môn tam muội; Tôi sẽ phóng đại quang minh chiếu khắp cả 10 phương, sẽ biết tâm niệm của chúng sanh, để tùy thuận thuyết pháp” ?

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Ý ông nghĩ sao ? Chỗ nói pháp của ông có như mộng, như hưởng, như ảnh, như diệm, như huyễn, như hóa chăng ?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Đúng là như vậy.

Bạch Thế Tôn ! Nếu hết thảy pháp là như mộng, như hưởng, như ảnh, như diệm, như huyễn, như hóa, thì Bồ Tát làm sao hành Bát Nhã Ba La Mật ?

Bạch Thế Tôn ! Như mộng … dẫn đến như hóa là hư vọng, chẳng thật có. Chẳng nên dùng pháp hư vọng, pháp chẳng thật ấy để tu, hòng có thể được đầy đủ 6 pháp Ba La Mật … dẫn đến 18 bất cộng pháp.

Phật dạy : Đúng như vậy, đúng như vậy ! Này Tu Bồ Đề ! Pháp hư vọng chẳng thật ấy, chẳng có thể đầy đủ 6 pháp Ba La Mật … dẫn đến 18 bất cộng pháp. Hành pháp hư vọng, chẳng thật ấy, chẳng có thể được Vô Thượng Bồ Đề.

Này Tu Bồ Đề ! Hết thảy các pháp ấy đều là tác pháp do ức tưởng tư duy, nên chẳng có thể được nhất thiết chủng trí.

Này Tu Bồ Đề ! Các pháp ấy chỉ là những pháp trợ đạo, chẳng có thể tăng ích đạo quả. Các pháp đều vô sanh (chẳng sanh), vô xuất (chẳng xuất), vô tướng (chẳng có tướng).

Từ khi sơ phát tâm cho đến nay, Bồ Tát hành các thiện pháp, như hành bố thí Ba La Mật … dẫn đến nhất thiết chủng trí. Vì sao ? Vì Bồ Tát biết rõ các pháp đều là như mộng … dẫn đến như hóa. Các pháp như vậy chẳng có thể được đầy đủ bố thí … dẫn đến nhất thiết chủng trí, cũng chẳng có thể thành tựu chúng sanh, tịnh Phật quốc độ, cũng chẳng có thể được Vô Thượng Bồ Đề.

Bồ Tát hành các thiện pháp, từ bố thí … dẫn đến nhất thiết chủng trí, mà biết rõ các pháp ấy là như mộng, như hóa cũng biết rõ chúng sanh là như mộng, như hóa. Bồ Tát chẳng chấp Bát Nhã Ba La Mật là có pháp dụng. Do chẳng chấp như vậy nên được nhất thiết chủng trí, biết rõ pháp như mộng là chẳng có chỗ thủ chấp…..dẫn đến pháp như hóa cũng là chẳng có chỗ thủ chấp. Vì sao ? Vì Bát Nhã Ba La Mật chẳng có tướng có thể thủ, thiền Ba La Mật chẳng có tướng có thể thủ … dẫn đến 18 bất cộng pháp chẳng có tướng có thể thủ.

Bồ Tát biết rõ hết thảy pháp đều chẳng có tướng có thể thủ được, nên phát tâm cầu Vô Thượng Bồ Đề.

Vì sao ? Vì pháp chẳng có tướng có thể thủ được các pháp chẳng có căn bản định thật, chỉ là như mộng, như hóa vậy.

Dùng pháp bất khả thủ tướng (pháp chẳng có tướng có thể thủ), chẳng thể được pháp bất khả thủ tướng. Chỉ vì chúng sanh chẳng biết các pháp tướng như vậy, nên Bồ Tát phải vì chúng sanh cầu Vô Thượng Bồ Đề.

Từ khi sơ phát tâm cho đến nay, Bồ Tát vì hết thảy chúng sanh mà hành bố thí … dẫn đến vì hết thảy chúng sanh mà hành trí huệ. Bồ Tát cầu Vô Thượng Bồ Đề chỉ vì hết thảy chúng sanh, chẳng phải vì bản thân mình hoặc vì những sự việc khác.

Khi hành Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát thấy chúng sanh là vô chúng sanh (chẳng là chúng sanh) mà lại trú trong tướng chúng sanh … dẫn đến thấy tri giả, kiến giả là vô tri giả, vô kiến giả, mà lại trụ trong tướng tri kiến. Bồ Tát giáo hóa chúng sanh, khiến họ xa rời điên đảo và đến an trú trong tánh Cam Lồ. Ở nơi đây chẳng còn có các tướng hư vọng, chẳng có tướng chúng sanh … dẫn đến chẳng có tướng tri giả, tướng kiến giả.

Lúc bấy giờ, Bồ Tát xả ly tâm động, tâm có niệm, tâm hý luận và thường hành tâm chẳng động, tâm chẳng có niệm, tâm chẳng hý luận.

Này Tu Bồ Đề ! Bồ Tát dùng lực phương tiện hành Bát Nhã Ba La Mật, tự mình chẳng có chỗ thủ chấp, cũng dạy người khác, khiến họ chẳng có chỗ thủ chấp. Đây là tùy theo thế đế, chẳng phải là đệ nhất nghĩa đế.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Khi được Vô Thượng Bồ Đề, Thế Tôn được hết thảy Phật pháp. Nói như vậy là y theo thế đế hay là y theo đệ nhất nghĩa đế.

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Y theo thế đế mà nói Phật được các pháp ấy.

Trong pháp ấy chẳng có pháp để được, cũng chẳng có người được pháp.

Vì sao ? Vì người được pháp là có “sở đắc”. Nếu dùng “ hai pháp” thì chẳng có đạo, chẳng có quả.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Hành “ hai pháp” thì chẳng có đạo, chẳng có quả. Như vậy hành “chẳng hai pháp” (bất nhị pháp) thì có đạo, có quả chăng ?

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Hành “ hai pháp” chẳng có đạo, chẳng có quả, hành “chẳng hai pháp” cũng chẳng có đạo, chẳng có quả. Chẳng dùng “hai pháp” (nhị pháp), cũng chẳng dùng “chẳng hai pháp” (bất nhị pháp), thì đó mới tức là đạo, tức là quả vậy.

Vì sao ? Vì nói dùng pháp ấy mà được đạo, được quả là hý luận, nói dùng pháp ấy mà chẳng được đạo, chẳng được quả cũng là hý luận. Nơi các pháp bình đẳng chẳng có hý luận, chẳng có tướng hý luận. Các pháp chẳng có hý luận là các pháp bình đẳng.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch  Thế Tôn ! Các pháp đều chẳng có tánh. Trong tánh vô sở hữu đó, những pháp gì là bình đẳng ?

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Nếu chẳng có “pháp hữu” thì chẳng có “pháp vô”, cũng chẳng nói đến các pháp tướng bình đẳng. Ngoài tướng bình đẳng ra, chẳng có tướng pháp nào khác. Phàm phu cùng các bậc Thánh đều chẳng có thể hành, chẳng có thể đến được pháp tướng bình đẳng.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Cho đến các đức Phật cũng chẳng thể hành, chẳng thể đến được chăng ?

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Hết thảy các bậc Thánh … dẫn đến Phật đều chẳng thể hành, chẳng thể đến được.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Phật có lực tự tại ở nơi hết thảy pháp. Như vậy vì sao nói Phật chẳng thể hành, chẳng thể đến được ?

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Nếu các pháp bình đẳng cùng Phật có sai khác nhau, thì mới nên nói như vậy. Nay nói phàm phu, Thanh Văn, Bích Chi Phật …dẫn đến Phật bình đẳng, tức là nói bình đẳng là một, là chẳng phải hai vậy. Đây có nghĩa là hàng phàm phu, chư Thánh …dẫn đến chư Phật bình đẳng, đều là bất khả đắc.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Nếu ở nơi tướng bình đẳng mà hết thảy pháp đều bất khả đắc, thì giữa phàm phu, chư Thánh, chư Phật chẳng có gì sai khác nhau chăng ?

Phật dạy : Đúng như vậy, đúng như vậy ! Này Tu Bồ Đề ! Nơi các pháp bình đẳng chẳng có sự sai khác, chẳng có sự phân biệt giữa phàm phu, Thánh nhân và Phật.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Nếu chẳng có sự phân biệt giữa phàm phu, Thánh nhân và Phật, thì làm sao phân biệt ba ngôi Tam Bảo xuất hiện ở thế gian ?

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Ý ông nghĩ sao ? Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo cùng các pháp bình đẳng có khác nhau chăng ?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Như chỗ con được nghe qua lời Phật dạy, thì Tam Bảo cùng các pháp bình đẳng, chẳng có gì sai khác nhau.

Vì sao ? Vì Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo tức là pháp bình đẳng, chẳng hợp, chẳng tan, chẳng có sắc, chẳng có hình, chẳng có đối, nhất là tướng, là vô tướng vậy.

Phật dùng trí lực ở nơi các pháp vô tướng, phân biệt là phàm phu, là Tu Đà Hoàn, là Tư Đà Hàm, là A Na Hàm, là A La Hán, là Bích Chi Phật, là Bồ Tát … dẫn đến là Phật.

Phật dạy : Đúng như vậy, đúng như vậy ! Này Tu Bồ Đề ! Ý ông nghĩ sao ? Nếu các đức Phật được Vô Thượng Bồ Đề mà chẳng phân biệt các pháp, thì sẽ có biết được địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, trời, người chăng ? Sẽ có biết được 37 Phẩm Trợ Đạo, 18 pháp không, 10 Phật lực … dẫn đến 18 bất cộng pháp chăng ?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Sẽ chẳng biết vậy.

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Bởi vậy nên biết Phật có ân lực lớn. Bất động ở nơi hết thảy các pháp mà phân biệt được hết thảy các pháp.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Như Phật chẳng động ở nơi các pháp bình đẳng, phàm phu cũng chẳng động ở nơi các pháp bình đẳng, Thanh Văn và Bích Chi Phật cũng chẳng động ở nơi các pháp bình đẳng.

Bạch Thế Tôn ! Tướng pháp bình đẳng tức là tướng phàm phu, tức là tướng Thanh Văn, tức là tướng Bích Chi Phật, …dẫn dến tức là tướng Phật. Đó là tướng bình đẳng.

Bạch Thế Tôn ! Nay các pháp mỗi mỗi đều có tướng sai khác. Ví như tướng sắc khác; Tướng thọ, tưởng, hành và thức khác; Tướng nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý khác; Tướng địa, thủy, hỏa, phong, không và thức khác; Tướng tham, sân và si khác; Tướng tà kiến khác; Tướng thiền khác; Tướng 4 vô lượng tâm khác; Tướng 4 vô sắc định khác; tướng 4 niệm xứ …dẫn đến 8 thánh đạo khác; Tướng bố thí Ba La Mật … dẫn đến Bát Nhã Ba La Mật khác; Tướng 3 giải thoát môn khác; Tướng 18 bất cộng pháp khác; Tướng pháp hữu vi khác; Tướng pháp vô vi khác; Tướng phàm phu khác …dẫn đến tướng Phật khác.

Các pháp mỗi mỗi đều có tướng riêng khác như vậy, thì làm sao Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật, ở nơi các pháp có tướng sai khác nhau mà chẳng khởi tâm phân biệt ?

Nếu chẳng có phân biệt, thì chẳng thể hành Bát Nhã Ba La Mật. Nếu chẳng thể hành Bát Nhã Ba La Mật, thì chẳng thể tu từ địa này lên địa khác. Nếu chẳng tu từ địa này lên địa khác, thì chẳng thể vào Bồ Tát vị. Nếu chẳng vào Bồ Tát vị, thì chẳng thể vượt qua Thanh Văn địa và Bích Chi Phật địa, chẳng được đầy đủ các thần thông Ba La Mật, chẳng được đầy đủ bố thí Ba La Mật … dẫn đến Bát Nhã Ba La Mật; Chẳng thể đi từ cõi Phật này đến cõi Phật khác để cúng dường chư Phật và gieo trồng thiện căn dẫn đến chẳng thể thành tựu chúng sanh và tịnh Phật quốc độ.

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Đúng như lời ông hỏi. Tướng pháp ấy cũng là tướng phàm phu, tướng Tu Đà  Hoàn … dẫn đến là tướng Phật.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Nếu mỗi pháp có tướng riêng khác, như tướng sắc khác … dẫn đến tướng pháp hữu vi khác, tướng pháp vô vi khác v.v… thì làm sao Bồ Tát quán “nhất tướng” mà chẳng khởi sanh phân biệt ?

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Ý ông nghĩ sao ? Tướng sắc là không chăng ? Dẫn đến tướng Phật là không chăng ?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Thật là “không” vậy.

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Trong “không” thì các tướng riêng khác của các pháp có khả đắc chăng ?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Đều là bất khả đắc.

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Bởi vậy nên phải biết rằng các pháp tướng đều bình đẳng. Trong đó, chẳng có phàm phu cũng chẳng ly phàm phu … dẫn đến chẳng có Phật cũng chẳng ly Phật.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Các pháp bình đẳng là pháp hữu vi hay là pháp vô vi ?

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Chẳng phải pháp hữu vi, chẳng phải pháp vô vi, cũng chẳng ly pháp hữu vi, chẳng ly pháp vô vi, vì hữu vi và vô vi đều là bất khả đắc.

Này Tu Bồ Đề ! Dù là tánh hữu vi hay là tánh vô vi, thì cả hai pháp ấy đều chẳng hợp, chẳng tan, chẳng có sắc, chẳng có hình, chẳng có đối, đều là nhất tướng, là vô tướng.

Phật cũng dùng thế đế mà nói, chẳng phải dùng đệ nhất nghĩa đế.

Vì sao ? Vì ở nơi đệ nhất nghĩa đế chẳng có thân hành, khẩu hành và ý hành, cũng chẳng ly thân hành, khẩu hành và ý hành.

Vì ở trong đệ nhất nghĩa đế thì pháp hữu vi và pháp vô vi đều là tướng bình đẳng. Tướng bình đẳng của các pháp tức là đệ nhất nghĩa đế vậy.

Khi hành Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát trú bất động trong đệ nhất nghĩa đế, mà hành các sự việc làm lợi ích cho chúng sanh.

LUẬN:

Ngài Tu Bồ Đề suy nghĩ về lời nói của Phật rằng, “Người thấy như thật là chẳng cấu tịnh, người chẳng thấy như thật cũng là chẳng cấu tịnh”.

Suy nghĩ như vậy rồi, ngài bạch Phật : Người thấy như thật là chẳng cấu tịnh, người chẳng thấy như  thật cũng là chẳng cấu tịnh. Vì sao ? Vì hết thảy pháp là tánh vô sở hữu. Trong vô sở hữu chẳng có cấu tịnh; Trong sở hữu cũng chẳng có cấu tịnh.

Ý ngài Tu Bồ Đề muốn nói rằng, “Vô  sở hữu là tịch diệt kiến, nên chẳng phải cấu hay tịnh. Sở hữu,là thường kiến, nên chẳng phải cấu hay tịnh. Sở hữu,  nếu quyết định có, cũng chẳng phải theo nhân duyên sanh; Nếu chẳng theo nhân duyên sanh thì phải là thường có; Nếu đã là thường có thì cũng chẳng có cấu hay tịnh vậy.

–o0o–

Ngài Tu Bồ Đề hỏi : Người thấy như thật và người chẳng thấy như thật có nghĩa khác nhau như thế nào ?

Phật dạy : Nghĩa chẳng có sai khác nhau. Cấu và tịnh chẳng có tướng riêng khác, chẳng thể phân biệt nói ra, vì là bình đẳng.

Nếu phân biệt nói có cấu, có tịnh là có lỗi. Các pháp tướng bình đẳng; ta nói đó là tịnh. Ở nơi thật tướng thì các pháp đều là như pháp tánh, pháp vị, thật tế, đều là bình đẳng, chẳng có sai khác.

Khi vào được trong tánh bình đẳng rồi, Bồ Tát giữ được tâm chẳng ghét (tắng), chẳng thương (ái), nên dù có Phật hay chẳng có Phật thì pháp tánh vẫn thường trú. Trái lại, các tác pháp đều là hư dối cả. Bởi vậy nên Kinh dạy, “Dù có Phật hay chẳng có Phật, thì vô tác pháp vẫn thường trú”.

Như khi thấy có người dùng ngón tay chỉ mặt trăng, mà người ngu cứ đăm đăm nhìn ngón tay người này, khiến chẳng sao có thể nhìn thấy được mặt trăng. Phải đừng chấp ngón tay, phải nhìn theo hướng ngón tay chỉ, thì mới thấy được mặt trăng vậy. Cũng như vậy, người nghe nói các pháp tướng bình đẳng, chẳng nên chấp tướng bình đẳng đó.

Nên biết, Phật y theo thế đế mà nói các pháp tướng bình đẳng, chẳng phải là đệ nhất nghĩa đế.

Thế đế là chẳng phải thật, nhưng vì muốn hành các sự việc, nên phải y theo thế đế mà nói. Vì như người đem vàng đổi lấy các vật dụng cần thiết cho đời sống. Mặc dù vàng là quí, các vật dụng kia đều là tiện, nhưng cần thiết thì phải đổi vậy.

–o0o–

Xét về đệ nhất nghĩa đế, thì tánh bình đẳng chẳng có thể nói ra được (bất khả thuyết), chẳng có thể dùng ngữ ngôn, danh tự, hay âm thanh mà diễn đạt được. Vì sao ? Vì pháp tướng bình đẳng là chẳng có hý luận, là tướng thường tịch diệt.

Ngài Tu Bồ Đề nghe Phật nói về pháp tướng bình đẳng, về thật tướng pháp đã hiểu rõ y chỉ của Phật, nhưng vì lợi ích cho hàng Bồ Tát sơ phát tâm, mà ngài hỏi Phật : Nếu hết thảy pháp đều là không, là như mộng, thì làm sao ở nơi các pháp chẳng có căn bản định thật mà Bồ Tát có thể phát tâm cầu Vô Thượng Bồ Đề, dẫn đến vì chúng sanh thuyết pháp ?

Phật hỏi lại : Sáu pháp Ba La Mật, các môn đà la ni, các môn tam muội, thuyết pháp v.v… có phải là như mộng chăng ?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Thật là như mộng vậy. Các pháp tuy có làm lợi ích cho chúng sanh, mà đều là mộng pháp cả. Mộng pháp là hư vọng, chẳng thật. Như vậy. Bồ Tát cầu Bát Nhã Ba La Mật, cầu Phật đạo, làm sao lại hành các pháp chẳng thật như vậy ? Nếu hành các pháp chẳng thật, thì làm sao vào được trong Bát Nhã Ba La Mật ?

Phật dạy : Đúng như vậy. Bố thí cùng hết thảy các thiện pháp đều do tư duy, phân biệt mà được tạo tác, được sanh khởi. Pháp như vậy chẳng nên trú để thành nhất thiết chủng trí.

Lúc bấy giờ, trong chúng hội, có người nghe nói như vậy, liền sanh tâm giải đãi, nên Phật nói tiếp : Hết thảy các thiện pháp đều là pháp trợ đạo. Nếu ở nơi các thiện pháp mà sanh tà hạnh, thì các pháp ấy mới gọi là chẳng thật; còn nếu thật hành, chẳng có lầm lạc, thì các pháp ấy trở thành pháp trở đạo. Nhưng vì là pháp trợ đạo, nên chẳng trực tiếp dẫn đến đạo quả.

Trái lại, “thật pháp” là chẳng xuất, chẳng sanh, là nhất tướng, là vô tướng, là tịch diệt tướng. Ví trời mưa làm lợi ích cho cây cỏ, đồng ruộng, mà chẳng làm lợi ích cho hư không. Cũng như vậy, hành các pháp trợ đạo chỉ đem lại các quả báo hữu lậu, mà chẳng có lợi ích cho đạo quả Niết Bàn vậy.

Bồ Tát biết rõ các pháp trợ đạo, cũng biết rõ đạo quả, nên từ sơ phát tâm cho đến nay vẫn thường hành các thiện pháp trợ đạo, như bố thí, trì giới v.v…, mà vẫn biết rõ các pháp ấy đều là rốt ráo không, đều là như mộng.

Hỏi : Nếu Bồ Tát biết rõ thật tướng các pháp, thì cần gì phải hành bố thí ?

Đáp : Phật dạy, “nếu chẳng đầy đủ bố thí, thì chẳng có thể thành tựu chúng sanh.

Bởi vậy nên Bồ Tát phải tự trang nghiêm thân, dùng âm thanh, ngôn ngữ cùng các lực thần thông, để phương tiện dẫn đạo chúng sanh. Bồ Tát hành bố thí chỉ vì lợi ích chúng sanh, mà chẳng chấp bố thí, chẳng khởi hý luận, xem bố thí như mộng, như hóa. Do hành bố thí như vậy, mà Bồ Tát được Vô Thượng Bồ Đề. Vì sao ? Vì Bát Nhã Ba La Mật chẳng có chỗ thủ chấp. Bồ Tát biết hết thảy pháp, mà chẳng thủ chấp các pháp tướng; Chẳng thủ chấp các pháp tướng, mà vẫn phát tâm cầu Vô Thượng Bồ Đề. Bồ Tát biết hết thảy các pháp đều chẳng có căn bản định thật, chẳng có tướng có thể chấp thủ, chỉ là như mộng, như hóa. Nhưng vì thấy chúng sanh mê muội, chẳng biết được như vậy, nên Bồ Tát phải vì chúng sanh mà cầu Vô Thượng Bồ Đề.

Bồ Tát, từ sơ phát tâm cho đến nay, chỉ vì chúng sanh mà hành bố thí … dẫn đến hành hết thảy các thiện pháp, chỉ vì chúng sanh mà cầu Vô Thượng Bồ Đề, chẳng phải vì chính mình vậy.

Vì sao ? Vì nếu Bồ Tát xa lìa tâm đại bi, tâm thương xót chúng sanh, mà cầu Vô Thượng Bồ Đề, cầu thật tướng pháp, thì sẽ đọa về tà kiến. Người như vậy, chẳng có thể được nhất thiết chủng trí. Do tâm cầu nhất thiết chủng trí chưa được nhu nhuyến, nên rất dễ bị đọa về biên kiến chấp, rất khó có thể vào nơi thật tướng pháp vậy.

Phật dạy, “Từ sơ phát tâm, Bồ Tát phải thường bi niệm chúng sanh, thương xót chúng sanh, thì dần dần mới vào được rốt ráo không”.

Hỏi :  Ở các chỗ khác thường nói Bồ Tát tự lợi và là lợi ích cho chúng sanh. Vì sao ở nơi đây chỉ nói Bồ Tát làm lợi ích cho chúng sanh, mà chẳng nói Bồ Tát tự lợi ích cho chính mình ?

Nếu vừa làm lợi ích cho mình, vừa làm lợi ích cho người khác, thì có lỗi gì ?

Đáp :  Bồ Tát chỉ vì lợi ích cho chúng sanh mà hành các thiện pháp; Như vậy mới là thật nghĩa của sự hành Bồ Tát đạo.

Trước đây, nói vừa tự lợi ích và lợi người, là vì phàm phu mà nói. Người hành Bồ Tát đạo, khi đã vào trong đạo rồi, dù có tự lợi, thì đó cũng nhằm lợi tha, là trên hết. Bởi vậy nên nói, “Bồ Tát chỉ vì lợi ích cho chúng sanh mà hành các thiện pháp, chẳng phải vì lợi ích cho riêng mình”.

Hỏi : Có thuyết nói, “Người làm việc chỉ vì tự thân mình là người bậc hạ; Người làm việc vì lợi ích cho người khác là người bậc trung; Người làm việc vì lợi ích cho mình và lợi ích cho người đầy đủ, viên mãn là người bậc thượng”.

Nếu lợi tha mà chẳng có tự lợi thì làm sao gọi là bậc thượng được ?

Đáp : Chẳng phải như vậy.

Người hành đạo chỉ vì tự thân mình là người bậc hạ. Người ở thế gian hành các thiện pháp thường chỉ vì lợi ích cho mình, mà chẳng phải vì lợi ích cho người khác. Do hành đạo mà tự ái chấp thân mình, chấp việc làm của mình, nên chẳng có được nhiều phước báo, mặc dù chẳng có phạm tội.

Người thường xả niềm vui riêng của mình, chỉ vì chúng sanh mà hành đạo, mới gọi là người bậc thượng. Người hành đạo bậc thượng là người chỉ vì chúng sanh mà hành các thiện pháp.

Người chưa thành tựu được chúng sanh, mới phải tự lợi cho đầy đủ trước đã, để sẵn sàng làm lợi ích cho người về sau. Như hành tự lợi và lợi tha chỉ là giai đoạn tập sự trong quá trình hành Bồ Tát đạo vậy.

–o0o–

Nên phân biệt có 3 hạng người cầu Phật đạo. Đó là :

Người vì tự thân mình mà cầu thành Phật.

Người vì tự thân mình và cũng vì chúng sanh mà cầu thành Phật,

Người chỉ vì chúng sanh mà cầu thành Phật.

Hạng người sau cùng này thường hành đạo thanh tịnh, nhằm phá các chấp điên đảo. Đây là hàng Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật, mà biết rõ chúng sanh là vô chúng sanh (chẳng là chúng sanh) …dẫn đến tri giả, kiến giả là vô tri giả, vô kiến giả (chẳng là tri giả, chẳng là kiến giả). Bồ Tát an trú trong vô tướng, mà vẫn thường hành các thiện pháp trợ đạo, dạy chúng sanh hành các thiện pháp trợ đạo, nhằm độ thoát chúng sanh ra khỏi sanh tử, đưa họ vào trong tánh Cam Lồ. Vì sao ? Vì hành tất cả các thiện pháp trợ đạo đều dẫn đến Niết Bàn vậy. Tánh Niết Bàn gọi là tánh Cam Lồ. Trú trong tánh Cam Lồ, Bồ Tát chẳng còn sanh các vọng tưởng, được vô sở trước, và cũng khiến chúng sanh được vô sở trước. Như vậy mới gọi là lợi ích cho chúng sanh vào bậc nhất.

Hỏi : Trước đây vì lợi ích cho chúng sanh mà Bồ Tát hành đạo. Nay vì sao nói vì muốn khiến chúng sanh được vô sở trước mà Bồ Tát hành đạo?

Đáp :  Nếu mình chẳng có trí huệ, thì chẳng có thể làm lợi ích cho người được. Bởi vậy nên tự mình phải được vô sở trước (chẳng có chỗ chấp trước), rồi mới dạy người khác khiến họ được vô sở trước. Nếu có tài vật, hay công đức gì …, Bồ Tát cũng đều đem hết cho chúng sanh. Vì như ông Điều Đạt, tức là Đề Bà Đạt Đa, là oán tặc của Phật, mà Phật cũng vẫn cho tất cả.

Như vậy mới là tự tu tập công đức. Nếu chẳng như vậy, thì chẳng có thể phá được chấp ngã, nên chẳng có thể bố thí thanh tịnh được.

Đây cũng là y theo thế đế mà nói, chẳng phaỉ là đệ nhất nghĩa đế. Vì sao ? Vì ở nơi đệ nhất nghĩa đế là chẳng có chúng sanh, chẳng có pháp, chẳng phải một cũng chẳng phải hai, là bình đẳng, chẳng có phân biệt các pháp tướng, nên cũng là chẳng có chỗ chấp (vô sở chấp) vậy.

Bởi vậy nên nói tướng chẳng thể nói ra được (bất khả thuyết tướng) là tướng của đệ nhất nghĩa đế; Tướng có thể nói ra được (khả thuyết tướng) là tướng của thế tục đế.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi : Nói ở đạo tràng mà được pháp là nói theo thế đế, hay là nói theo đệ nhất nghĩa đế ?

Ý ngài Tu Bồ Đề muốn nói, “nếu nói dùng thế đế mà được đạo, tức là hư vọng, chẳng thật. Còn nói dùng đệ nhất nghĩa đế mà được đạo, thì cũng chẳng thể được, vì đệ nhất nghĩa đế là vô đắc (chẳng có đắc), là bất khả thuyết (chẳng thể nói ra được), là bất khả thọ (chẳng thể thọ được), nên cũng chẳng có pháp đắc, chẳng có người đắc pháp.

Phật dạy : Do y theo thế đế, dùng ngữ ngôn, danh tự mà nói Phật được Vô Thượng Bồ Đề. Thật ra chẳng có người đắc pháp, chẳng có pháp để đắc.

Vì sao ? Vì chấp có pháp để đắc, chấp có người để đắc pháp, là chấp có hai pháp. Do chấp có hai pháp, nên chẳng có đạo, cũng chẳng có quả. Bồ Tát chẳng đắc đạo, chẳng đắc quả, mới thật được gọi là Bồ Tát đắc Vô Thượng Bồ Đề.

Như vậy y theo thế đế nên mới dùng “ hai pháp”.

Phật pháp chẳng phải là pháp hư dối, nhưng vì hàng sơ phát tâm mà phải dùng “ hai pháp” để phân biệt các pháp là hư vọng.

Chư Phật và chư đại Bồ Tát đã được đệ nhất nghĩa đế, nên giáo hóa chúng sanh, khiến họ cũng được đệ nhất nghĩa đế. Tuy có phân biệt các pháp, mà chẳng có chấp các pháp tướng hư vọng.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi : Nếu hành “ hai pháp” (nhị pháp) chẳng được đạo, chẳng được quả, thì hành “chẳng hai pháp” (bất nhị pháp) có được đạo, được quả chăng ?

Phật dạy : Hành “ hai pháp” chẳng có đạo, chẳng có quả; Hành “chẳng hai pháp” cũng chẳng có đạo, chẳng có quả.

Hỏi : Trước đây nói “ hai pháp” là pháp của phàm phu; “Chẳng hai pháp” là pháp của các bậc thánh hiền. Trong kinh Duy Ma Cật có nói đến vào pháp môn “chẳng hai pháp” (bất nhị pháp môn), thì nghĩa ấy như thế nào ?

Đáp : “Chẳng hai pháp” (bất nhị pháp) là thánh pháp chân thật. Vì các Bồ Tát sơ phát ý chưa vào được nơi thật tướng pháp, nên vừa nghe nói đến “chẳng hai pháp” (bất nhị pháp) là liền sanh tâm chấp, hoặc liền sanh tâm hủy báng. Phật muốn ngăn sự chấp thiên lệch về cả hai bên, nên vì họ thuyết về “trung đạo”, là “chẳng hai” (phi nhị), cũng “chẳng phải chẳng hai” (bất phi nhị).

Nói “ hai pháp” là có phân biệt các tướng; Nói “chẳng hai pháp” là nói “nhất không tướng” (tướng không đồng nhất). “Nhất không tướng” phá được hết thảy các pháp tướng sai khác. Khi đã phá xong các tướng sai khác rồi, thì cũng phải xả luôn chấp về “chẳng 2 tướng” mới được đạo quả. Vì sao ? Vì các bậc Thánh Hiền tuy tán thán “chẳng hai tướng” (bất nhị tướng) mà chẳng chấp pháp ấy, chẳng sanh hý luận; Dùng pháp ấy mà được đắc đạo, đắc quả. Như vậy mới gọi là pháp bình đẳng.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi : Nếu các pháp đều là tướng vô sở hữu, thì sao có thể gọi là tướng bình đẳng ?

Phật dạy : Nếu ly “tánh hữu”, thì chẳng có “tánh vô”, cũng chẳng có thể nói đến các pháp tướng bình đẳng.

Bồ Tát chẳng nói hết thảy pháp là “tánh vô”, mà nói hết thảy pháp tướng bình đẳng; Cũng chẳng nói ly hai bên “hữu –vô” là có tướng bình đẳng. Vì sao ? Vì ở nơi hết thảy các chỗ đều chẳng có thủ chấp mới thật là tướng bình đẳng. Như vậy là các pháp bình đẳng vượt trên hết thảy pháp, chẳng ngăn ngại việc hành các thiện pháp vậy.

Hỏi :  Trước đây nói pháp tướng bình đẳng là thật tướng pháp. Nay vì sao nói pháp bình  đẳng vượt lên trên hết thảy pháp ?

Đáp : Hết thảy pháp, nói trên đây, có hai nghĩa. Đó là :

  1. Hết thảy sắc pháp ở nơi pháp thể đều bình đẳng, chẳng khác.
  2. Ở nơi các sắc pháp phân biệt có pháp của phàm phu hành tà hạnh, và pháp của các bậc Thánh hành chánh hạnh.

Ở nơi đây nói về nghĩa thứ 2. Nói bình đẳng là nói ở ngay nơi tà hạnh của phàm phu, mà xuất ra khỏi các tà hạnh đó; Chẳng phải là vượt ra khỏi hết thảy các pháp vậy.

Lại nữa, bình đẳng cũng có nghĩa là chẳng thể hành, chẳng thể đến được.

-o0o-

Ngài Tu Bồ Đề hỏi : Cho đến các đức Phật cũng chẳng hành, chẳng đến được chăng ?

Ý ngài Tu Bồ Đề muốn nói rằng, “Dù pháp thậm thâm vi diệu, dù là khó hành, khó đến, nhưng các đức Phật đã được đạo rồi, ắt có thể hành, có thể đến được vậy”. Nghĩ như vậy rồi nên ngài nêu lên câu hỏi trên đây.

Phật dạy : Hết thảy chư Thánh Hiền …dẫn đến như Phật đều chẳng hành, chẳng đến được.

Ý Phật muốn nói rằng, “ Vì là tự tánh bình đẳng, nên chư Phật 3 đời 10 phương đều chẳng hành, chẳng  đến được; huống chi là 1 đức Phật”.

Ngài Tu Bồ Đề lại hỏi : Ở nơi hết thảy pháp, Phật có lực tự tại, có trí huệ vô ngại. Như vậy, vì sao nói chẳng thể hành, chẳng thể đến được.

Phật dạy, nếu các Pháp bình đẳng cùng Phật có khác nhau, thì mới nên hỏi. Phàm phu bình đẳng, Tu Đà Hoàn bình đẳng …dẫn đến Phật bình đẳng cùng với bình đẳng là chẳng phải hai, chẳng phải khác.

Phàm phu, Tu Đà Hoàn … dẫn đến Phật đều cũng một tự tánh. Trong một tánh thì chẳng có hành, chẳng có đến vậy. Cùng với tự tánh phải có tha tánh mới nói đến có hành, có đến. Vì tự tánh và tha tánh là bình đẳng, nên chẳng có hành, chẳng có đến.

Bởi vậy nên Phật dạy, “ Nếu Phật và bình đẳng khác nhau, thì Phật mới hành bình đẳng. Nay Phật tức là bình đẳng, thì chẳng nói đến hành bình đẳng, đến bình đẳng vậy”.

-o0o-

Ngài Tu Bồ Đề hỏi : Nếu ở nơi bình đẳng mà hết thảy các pháp đều bất khả đắc, thì giữa phàm phu, chư thánh … dẫn đến chư Phật có gì sai khác nhau chăng ?

Phật dạy : Chẳng có sự sai khác, chẳng có sự phân biệt giữa phàm phu, chư thánh, và chư Phật.

Ý Phật muốn nói rằng, “Thế gian y thế tục mà phân biệt có sự sai khác; Còn ở nơi pháp bình đẳng thì chẳng có sự sai khác, chẳng có sự phân biệt”.

Ngài Tu Bồ Đề lại hỏi : Nếu chẳng có sự phân biệt giữa phàm phu, thánh nhân và Phật, thì làm sao có ba ngôi Tam Bảo xuất hiện ở thế gian, làm các việc lợi ích cho chúng sanh ?

Phật dạy : Pháp bình đẳng tức là thật pháp. Thật pháp tức là Phật pháp, tức là Tam Bảo; Tức là Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo.

Vì sao ? Vì người chưa được pháp bình đẳng thì chẳng được gọi là Phật; Người được pháp bình đẳng mới được gọi là Phật. Phật dùng lực trí huệ, ở nơi các pháp bình đẳng, vô tướng, mà phân biệt có phàm phu, có các quả thánh sai khác, như Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật … dẫn đến có quả vị Phật.

Ngài Tu Bồ Đề lãnh hội lời Phật dạy, và thưa : Các pháp đều chẳng hợp, chẳng tan, chẳng có sắc, chẳng có hình, chẳng có đối, đều là nhất tướng, là vô tướng. Thế nhưng, Phật ở nơi không, nơi vô tướng mà dùng lực trí huệ phân biệt có phàm phu, có các quả thánh sai khác nhau.

Phật ấn chứng lời ngài Tu Bồ Đề, và dạy : Đúng như vậy. Nếu Phật chẳng phân biệt các pháp, thì làm sao biết có địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, trời, người; làm sao biết có 37 pháp trợ đạo … dẫn đến có 18 bất cộng pháp.

Hỏi : Phật ví như mặt trời chiếu sáng vạn vật, chẳng phân biệt vật ở cao hay thấp, vật lớn hay nhỏ … Chúng sanh ở khắp nơi, có thể dùng mắt để riêng thấy mặt trời. Cũng như vậy, Phật chẳng chuyển các pháp tướng, nhưng dùng lực trí huệ soi chiếu các pháp, để vì chúng sanh diễn nói. Như vậy, vì sao ngài Tu Bồ Đề lại nói “Nếu chẳng phân biệt các pháp, thì chẳng biết có địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, trời, người; Chẳng biết có 37 pháp trợ đạo … dẫn đến có 18 bất cộng pháp” ?

Đáp : Ở đây nên phân biệt giữa sự biết của phàm phu và sự biết của Phật :

– Sự biết của hàng phàm phu là biết hư vọng.

– Sự biết của Phật là biết như thật.

Phàm phu biết các pháp có các tướng sai khác, như có xấu tốt, lớn nhỏ, hơn thua v.v… Sự biết của phàm phu như vậy chỉ là hư vọng, Phật tuy chẳng nói về xấu tốt, lớn nhỏ, hơn thua v.v…, nhưng vẫn thường phân biệt các pháp, khai thị để chúng sanh được biết rõ về các pháp hư vọng, nhằm đưa chúng sanh vào nơi thật tướng pháp.

-o0o-

Dùng “ hai pháp” (nhị pháp) mới phân biệt có địa ngục, có ngạ quỷ, có súc sanh, có trời, có người; Phân biệt có phàm phu, có các bậc Thánh Hiền … dẫn đến có các đức Phật v.v….

Dùng “chẳng hai pháp” (bất nhị pháp) thì chẳng có các sự phân biệt như vậy ? Vì sao ? Vì Phật pháp là tướng tịch diệt, chẳng có hý luận. Nếu ở trong Phật pháp mà còn phân biệt các pháp tướng sai khác, như có tướng địa ngục, tướng ngạ quỷ, tướng súc sanh v.v… thì chẳng phải là tịch diệt nữa. “Chẳng 2 pháp” (bát nhị pháp) là chẳng có hý luận.

Phật ở nơi tướng tịch diệt mà vẫn thường vì chúng sanh phân biệt các pháp. Tuy phân biệt các pháp mà chẳng đọa vào hý luận, cũng chẳng ly thật tướng pháp.

Vì sao ? Vì người thế gian dùng mắt thấy một con vật, mà chẳng biết tướng của con vật ấy do rất nhiều tướng khác, từng phần nhỏ hòa hợp lại, mà có vậy. Ví như nói một con trâu sanh ra một con trâu. Thật ra thì chẳng thể nói như vậy được. Con trâu do nhiều thành phần của trâu hòa hợp lại mới thành ra trâu. Nếu loại trừ các thành phần của trâu ra, thì chẳng có một pháp nào được gọi là “pháp trâu” cả. Vì sao ? Vì do nhiều thành phần của trâu hoà hợp lại mà thành ra có một pháp gọi là trâu. Nếu chỉ thấy tướng chung, chẳng thấy được các tướng riêng của các thành phần, mà đã gọi là thấy trâu, thì như vậy là chưa thấy như thật tướng trâu vậy. Phải vào được các pháp bình đẳng, mới có thể thấy như thật, biết như thật tướng trâu.

-o0o-

Phật bất động ở nơi hết thảy các pháp, mà phân biệt được hết thảy các pháp. Do bất động mà phân biệt các pháp như vậy, nên chẳng có chấp “hai tướng” (nhị tướng), cũng chẳng có chấp “một tướng” (nhất tướng) vậy.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi : Như Phật chẳng động ở nơi các pháp bình đẳng, thì làm sao phàm phu, Thanh Văn, Bích Chi Phật cũng đều chẳng động ở nơi các pháp tướng bình đẳng ? Như vậy, Phật làm sao phân biệt được các pháp có tướng sai khác nhau, như tướng sắc khác … dẫn đến tướng pháp hữu vi khác, tướng pháp vô vi khác ? Nếu chẳng có phân biệt như vậy, thì làm sao Bồ Tát tu từ địa này lên địa khác, …dẫn đến thành tựu chúng sanh, tịnh Phật quốc độ ?

Phật dạy : Tướng sắc là không chăng ? Dẫn đến tướng Phật là không chăng ? Trong không thì các tướng sai khác có khả đắc chăng ?

Ngài Tu Bồ Đề thưa : Các pháp tướng đều là không. Trong rốt ráo không, trong vô tướng, thì làm sao nói các pháp tướng sai khác được.

Phật dạy : Trong “không” chẳng có các pháp tướng sai khác. Pháp “không” là thật pháp, thì làm sao ở trong “không” ông lại phân biệt các pháp, và nêu lên các lời vấn nạn ? Trong rốt ráo “không”, thì “không” là bất khả đắc, các pháp tướng mỗi mỗi đều bất khả đắc., thì ông còn vấn nạn làm gì nữa ?

Bởi vậy nên phải biết rằng các pháp bình đẳng là chẳng có phân biệt. Ở nơi các pháp bình đẳng đó, chẳng có phàm phu, cũng chẳng ly phàm phu …dẫn đến chẳng có Phật, cũng chẳng ly Phật. Tướng của phàm phu cũng tức là tướng của Thánh Hiền … dẫn đến cũng tức là tướng của Phật. Bởi vậy nên nói Thánh Hiền chẳng phải phàm phu mà cũng chẳng ly phàm phu … dẫn đến Phật chẳng phải phàm phu mà cũng chẳng ly phàm như vậy.

Ngài Tu Bồ Đề muốn hiểu rõ hơn về tướng bình đẳng, nên hỏi : Các pháp bình đẳng là pháp hữu vi hay là pháp vô vi ?

Phật dạy : Chẳng phải là pháp hữu vi, cũng chẳng phải là pháp vô vi. Vì sao ? Vì pháp hữu vi là pháp hư vọng, chẳng thật; Còn pháp vô vi thì chẳng có sanh trú diệt, nên là vô pháp (chẳng là pháp). Nếu đã là vô pháp, thì cũng chẳng thể gọi là pháp vô vi được.

Vì sao ? Vì do đối đãi với hữu vi, mà nói có vô vi; Nếu ly hữu ra, thì vô vi là bất khả đắc. Ví như dài và ngắn là hai khái niệm tương đãi; Nếu chẳng có khái niệm về dài, thì cũng chẳng có khái niệm về ngắn, và ngược lại.

Hỏi : Pháp hữu vi là pháp vô thường; Pháp vô vi là pháp thường. Như vậy, vì sao nói ly hữu vi, thì vô vi là bất khả đắc ?

Đáp : Pháp vô vi là pháp vô phân biệt (chẳng có phân biệt), là pháp vô tướng (chẳng có tướng).

Nếu pháp vô vi là thường, thì chẳng phải là vô tướng được vậy. Chỉ là nhắm phá hữu vi, nên mới nói vô vi. Một khi hữu vi đã bị phá rồi, thì chẳng cần nói đến vô vi nữa. Ví như người bị giam cầm ở trong ngục tối, tìm mọi cách đục thủng vách tường, để thoát ra bên ngoài. Khi vách tường đã được đục thủng rồi, thì nói chẳng còn là vật ngăn cách bên trong và bên ngoài nữa. Lúc bấy giờ, khoảng hư không bên trong và khoảng hư không bên ngoài đã hòa đồng với nhau, chẳng còn có sự phân biệt, chẳng còn sai khác nữa.

Pháp vô vi chẳng phải do các nhân duyên sanh. Sở dĩ lập ra tánh vô vi là để phá chấp về tánh hữu vi. Khi đã phá hữu vi rồi, thì chẳng còn phân biệt hữu vi và vô vi nữa.

Pháp hữu vi và pháp vô vi đều là bất khả đắc, chẳng hợp, chẳng tan, đều là nhất tướng (một tướng), là vô tướng (chẳng có tướng) vậy.

Vì y theo thế tục đế mà nói có hữu vi, có vô vi; Chẳng phải là y theo đệ nhất nghĩa đế. Vì sao ? Vì ở nơi đệ nhất nghĩa đế thì chẳng còn có thân hành, khẩu hành và ý hành. Hữu vi và vô vi bình đẳng mới tức là đệ nhất nghĩa đế.

Bồ Tát biết rõ pháp hữu vi và pháp vô vi đều là Bồ Tát tướng, là nhất tướng, là vô tướng, mà chẳng chấp Bồ Tát tướng, nhất tướng, vô tướng đó.

Bồ Tát an trú bất động ở nơi đệ nhất nghĩa mà làm các việc lợi ích cho chúng sanh, dùng các lực phương tiện để vì chúng sanh thuyết pháp.

(Hết Quyển 95)