LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ

Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG

 

TẬP V
QUYỂN 92

Phẩm thứ tám mươi hai
Tịnh Phật Quốc Độ
(Thanh Tịnh Cõi Phật)

KINH

Lúc bấy giờ ngài Tu Bồ Đề tự nghĩ rằng: Bồ Tát hành Bồ Tát đạo, an trú trong đạo ấy, thường phát đại trang nghiêm.

Phật biết rõ tâm niệm của ngài Tu Bồ Đề, nên dạy rằng: này Tu Bồ Đề ! sáu pháp Ba La Mật là Bồ Tát đạo; 37 Phẩm Trợ Đạo là Bồ Tát đạo; Tám bối xả, chín thứ đệ định là Bồ Tát Đạo; 10 Phật lực … dẫn đến 19 bất cộng pháp là Bồ Tát Đạo; Tất cả các pháp là Bồ Tát Đạo.

Này Tu Bồ Đề ! Ý ông nghĩ sao? Có pháp gì mà Bồ Tát chẳng học mà được Vô Thượng Bồ Đề chăng?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chẳng có pháp gì mà Bồ Tát chẳng học. Vì sao? Vì nếu chẳng học hết thảy pháp thì chẳng có có thể được nhất thiết chủng trí.

Bạch Thế Tôn ! Nếu hết thảy pháp đều là không, thì vì sao nói Bồ Tát học hết thảy pháp. Như vậy là ở nơi chẳng có hý luận, mà Thế Tôn làm ra có hý luận chăng ? Mà phân biệt nói đây là pháp thế gian, đây là pháp vô lậu, đây là pháp hữu vi, đây là pháp vô vi, đây là pháp phàm phu, đây là pháp A La Hán, đây là pháp Bích Chi Phật … dẫn đến đây là pháp Phật chăng?

Phật dạy: Đúng như vậy, đúng như vậy ! Này Tu Bồ Đề ! Hết thảy pháp thật là không. Nếu hết thảy pháp chẳng phải là không, thì Bồ Tát chẳng có thể được Vô Thượng Bồ Đề.

Này Tu Bồ Đề! Như chỗ ông nói. Nếu hết thảy pháp đều là không, thì vì sao Phật ở nơi chẳng có hý luận lại làm ra có hý luận, phân biệt đây là pháp thế gian, đây là pháp xuất thế gian … dẫn đến đây là pháp Phật?

Này Tu Bồ Đề! Nếu ở thế gian chúng sanh biết hết thảy pháp là không, thì Bồ Tát chẳng phải học hết thảy pháp để được nhất thiết chủng trí. Nay vì chúng sanh thật chẳng biết hết thảy pháp là không, nên Bồ Tát được Vô Thượng Bồ Đề rồi lại phải phân biệt các pháp để giảng nói cho chúng sanh.

Này Tu Bồ Đề ! Bồ Tát đạo là như vậy. Từ trước đến nay, Bồ Tát phải tư duy rằng hết thảy pháp đều là bất khả đắc, đều chẳng có định tánh, chỉ do các nhân duyên hòa hợp mà có, nên chỉ là danh tự.

Bồ Tát tự nghĩ rặng, “Ta phải tư duy các pháp đều chẳng có thật tánh, đều chẳng có chỗ chấp trước ( vô sở trước ), dù đó là 6 pháp Ba La Mật, là 37 Phẩm Trợ Đạo, là quả Thanh Văn, là đạo Bích Chi Phật … dẫn đến là Vô Thượng Bồ Đề. Vì sao ? vì hết thảy pháp đều là tánh không, mà không thì chẳng có chấp không, trong không thì không cũng là bất khả đắc, huống nữa là trong không mà có chỗ chấp trước”.

Này Tu Bồ Đề ! Bồ Tát tư duy như vậy, nên chẳng còn chấp trước hết thảy pháp, mà học hết thảy pháp. Bồ Tát an trú trong chỗ học đó, quán tâm hành của chúng sanh, biết rõ chỗ hành của tâm chúng sanh, biết tâm hành của chúng sanh là hư dối, chẳng thật, Bồ Tát an trú trong Bát Nhã Ba La Mật, dùng lực phương tiện giáo hóa chúng sanh, nói với họ rằng, “Các ngươi hành bố thí sẽ được giàu có, được nhiều của cải; nhưng các ngươi chớ nên chấp quả báo bố thí. Vì sao ? Vì các pháp đã là không, thì quả báo bố thì cũng chẳng thật, chẳng có kiên cố. Hành trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ cũng là như vậy. Chúng sanh hành các pháp như vậy sẽ được các quả Thanh Văn, quả Bích Chi Phật … dẫn đến được Vô Thượng Bồ Đề, nhưng chớ nên chấp trước các pháp ấy”.

Giáo hóa chúng sanh như vậy là hành Bồ Tát Đạo. Vì sao ? Vì các pháp chẳng có chỗ chấp trước, là tánh không vậy

Này Tu Bồ Đề ! Khi hành Bồ Tát đạo như vậy, Bồ Tát chẳng có chỗ an trú. Bồ Tát dùng “Vô trú pháp” hành bố thí Ba La Mật, mà chẳng an trú trong pháp ấy; Hành trì giới Ba La Mật … dẫn đến hành Bát Nhã Ba La Mật; Hành 4 thiền, hành 4 vô lượng tâm, hành 4 vô sắc định, hành 8 bối xả, hành 9 thứ đệ định v.v … cũng chẳng an trú trong các pháp ấy. Vì sao ? Vì hết thảy pháp đều là tánh không.

Dẫn đến được các quả thanh văn, được Bích Chi Phật đạo, được Phật đạo, Bồ Tát cũng chẳng an trú trong đó.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Do nhân duyên gì mà Bồ Tát chẳng an trú trong các pháp?

Phật dạy: có 2 nhân duyên khiến chẳng an trú trong các pháp. Đó là:

-Các đạo quả là tánh không, chẳng có chỗ trú, chẳng có chỗ dụng pháp, cũng chẳng có người trú.

-Chẳng lấy sự việc nhỏ là đủ.

Bồ tát tự nghĩ rằng, “Ta chớ nên an trú trong bốn quả Thanh Văn, trong Bích Chi Phật đạo … dẫn đến chẳng nên an trú trong Vô Thượng Bồ Đề. Vì sao ? Vì từ khi sơ phát tâm cho đến nay, ta chỉ nhất tâm hướng về Vô Thượng Bồ Đề, chẳng có xen các tâm khác vào vậy

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn ! Nếu hết thảy pháp đều bất sanh, thì làm sao Bồ Tát lại hay sanh Bồ Đề Đạo ?

Phật dạy : Đúng như vậy, đúng như vậy ! này Tu Bồ Đề ! Hết thảy pháp đều chẳng sanh ( vô sanh ). Vì chẳng sanh ( Vô sanh ) nên chẳng tác ( vô tác ). Vì chẳng tác ( Vô tác) nên chẳng khởi ( Vô khởi ). Bởi vậy nên nói hết thảy pháp bất sanh.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: có Phật hay chẳng có Phật thì các pháp vẫn thường trú chăng?

Phật dạy: đúng như vậy, đúng như vậy ! Này Tu Bồ Đề ! Dù có Phật hay dù chẳng có Phật thì các pháp vẫn thường trú.

Bởi vì chúng sanh chẳng biết gì về pháp trú, pháp tướng, nên vì chúng sanh mà Bồ Tát phải sanh Bồ Đề đạo, nhằm cứu thoát chúng sanh ra khỏi sanh tử.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Dùng “sanh đạo” mà được Bồ Đề chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề ! Chẳng được vậy.

Ngài Tu Bồ Đề Bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Dùng “bất sanh đạo” mà được Bồ Đề chăng?

Phật dạy: này Tu Bồ đề ! Chẳng được vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Dùng “bất sanh phi  bất sanh đạo” mà được Bồ Đề chăng?

Phật dạy: này Tu Bồ Đề ! chẳng được vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Như vậy, phải thế nào mới được Bồ Đề ?

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Chẳng phải dùng “đạo” mà được Bồ Đề, cũng chẳng phải dùng “phi đạo” mà được Bồ Đề.

Này Tu Bồ Đề ! Bồ Đề tức là đạo, đạo tức là Bồ Đề.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn ! Nếu Bồ Đề tức là đạo, đạo tức là Bồ Đề, thì Bồ Tát, khi chưa thành Phật, cũng được Vô Thượng Bồ Đề chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề ! Ý ông nghĩ sao. Phật được Vô Thượng Bồ Đề chăng ?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn ! Đức Phật chẳng được Vô Thượng Bồ Đề. Vì sao ? Vì Phật tức là Bồ Đề, Bồ Đề tức là Phật.

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Theo như chỗ ông hỏi, thì lẽ ra Bồ Tát cũng được Bồ Đề.

Này Tu Bồ Đề ! Bồ Tát nào tu đầy đủ 6 pháp Ba La Mật, đầy đủ 37 Phẩm Trợ Đạo, đầy đủ 10 Phật lực, đầy đủ 4 vô sở úy, đầy đủ 4 vô ngại trí, đầy đủ 18 bất cộng pháp … dẫn đến đầy đủ an trú kim cang tam muội, dùng nhất niệm tương ưng huệ là được Vô Thượng Bồ Đề. Lúc bất giờ được gọi là Phật, được tự tại ở nơi hết thảy pháp vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Thế nào được gọi là tịnh Phật quốc độ?

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Có Bồ Tát từ sơ phát tâm đến nay tự trừ các thô nghiệp ở nơi thân khẩu và ý, cũng giúp người khác thanh tịnh được các thô nghiệp nơi thân khẩu và ý của họ.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Những gì là thô nghiệp nơi thân, nơi khẩu và nơi ý của Bồ Tát ?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề ! Những nghiệp bất thiện, như sát sanh, như tà kiến v.v… là thô nghiệp nơi thân khẩu và ý của Bồ Tát.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề ! Xan tham, phá giới, sân thuế, giải đãi, tán loạn, ngu si v.v… đều là thô nghiệp ở nơi thân khẩu và ý của Bồ Tát. Giới bất tịnh cũng là thô nghiệp ở nơi thân khẩu và ý của Bồ Tát.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề ! Xa lìa 4 niệm xứ là thô nghiệp của Bồ Tát. Xa Lìa 4 chánh cần … dẫn đến xa lìa 8 thánh đạo cũng là thô nghiệp của Bồ Tát.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề ! Tham chấp quả A la Hán, tham chấp Phật đạo cũng là thô nghiệp của Bồ Tát.

LUẬN:

Các câu hỏi mà ngài Tu Bồ Đề nêu lên về pháp “không” đã được Phật giải đáp đầy đủ. Ngài Tu Bồ Đề đã biết rõ thể tịch diệt là chẳng có hý luận, nên ngài chẳng còn hỏi thêm gì nữa, mà chỉ niệm rằng “Chư đại Bồ Tát và chư Thiên, do đã thâm nhập vào thâm thiền định nên chẳng ưa nói nhiều, chỉ mong cầu được pháp lợi mà thôi”.

Hỏi: Vì sao ngài Tu Bồ Đề chỉ tâm niệm, chẳng có dùng ngôn thuyết, mà Phật lại dùng ngôn thuyết để đáp lại?

Đáp: Trước đây đã nói rằng người nhìn thân Phật mãi cũng chẳng có nhàm chán; Nay người nghe Phật nói cũng chẳng nhàm chán vậy.

Dù Phật dùng ngôn thuyết nói ra, nhưng vẫn chẳng làm gì ngăn ngại chư Bồ Tát và chư Thiên thâm nhập vào các vi tế thiền định cả. Bởi vậy nên Phật đã dùng ngôn thuyết để đáp lại Ngài Tu Bồ Đề.

Phật đã an lập nơi Bồ Đề tịch diệt, chẳng còn phân biệt các pháp là thiện hay là ác, nhưng vẫn tùy theo chỗ niệm của chúng sanh mà phương tiện dùng ngôn thuyết để đáp lại nhằm giải nghi cho họ.

Ngài Tu Bồ Đề tự niệm rằng, “6 pháp Ba La Mật nghĩa lý quá thâm sâu, chẳng có bờ mé; khi mà 6 pháp Ba La Mật là thật pháp trang nghiêm, thanh tịnh, thì Bồ Tát làm sao có thể hành Bồ Tát đạo?”.

Phật biết rõ tâm niệm của ngài Tu Bồ Đề, vì tự lợi ít mà vì lợi ích cho chư Bồ Tát nhiều hơn, nên đã đáp lại rằng, “ sáu pháp Ba La Mật là Bồ Tát đạo; 37 Phẩm Trợ Đạo, 8 bối xả, 9 thứ đệ định, 10 Phật lực … dẫn đến 19 bất cộng pháp là Bồ Tát đạo; tất cả các pháp đều là Bồ Tát đạo cả”.

Bồ Tát vì thương xót chúng sanh mà học 6 pháp Ba La Mật để làm lợi ích cho chúng sanh; học 37 Phẩm Trợ Đạo để cầu Niết Bàn; rồi lại học 18 pháp không, khiến ở ngay nơi Niết Bàn mà có thể vượt qua khỏi Thanh Văn địa và Bích Chi Phật địa vào thẳng Bồ Tát vị.

Các vị “pháp tánh sanh thân Bồ Tát” hành đầy đủ cả 3 thừa đạo. Vì sao ? Vì các ngài phải phân biệt các pháp để phương tiện giáo hóa chúng sanh. Đối với các ngài thì tất cả các pháp đều là Bồ Tát đạo. Khi thật hành các pháp, các ngài chẳng phân biệt tốt xấu, hơn thua vì các ngài đã an lập các pháp ở trong tướng bình đẳng rồi vậy.

Nơi đây, Phật tự nói nhân duyên Bồ Tát phải học hết thảy pháp. Nếu chẳng học như vậy thì chẳng được nhất thiết chủng trí. Bồ Tát phải học tất cả các pháp, phải dùng tất cả các môn, phải tư duy, trù lượng, tu quán mới thông đạt được tất cả các pháp vô ngại vậy.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi : Nếu hết thảy pháp đều là nhất tướng, vô tướng, thì vì sao Bồ Tát phải học hết thảy pháp ? Như vậy là ở nơi chẳng có hý luận lại làm ra có hý luận. Do hý luận mới có phân biệt là pháp thế gian, là pháp xuất thế gian, là pháp hữu lậu, là pháp vô lậu v.v… Do hý luận mới có 3 thừa giáo vậy.

Phật dạy : Đúng như vậy, đúng như vậy ! Hết thảy pháp đều là nhất tướng, vô tướng. Vì chẳng có tướng nên chẳng có sanh diệt, là chẳng có cấu tịnh, chẳng có tăng, giảm. Bởi vậy nên là chẳng có 4 thánh đế… dẫn đến chẳng có Phật, Pháp, Tăng. Như vậy là 3 ngôi Tam Bảo cùng với hết thảy pháp đều bình đẳng. Các pháp thật sự là không… dẫn đến tướng “không” đó cũng là không. Do ngu si điên đảo, chúng sanh chấp “có” các pháp vậy thôi.

Bồ Tát khởi tâm đại bi, muốn dẫn dắt chúng sanh ra khỏi các chấp điên đảo. Bồ Tát dùng phương tiện giáo hóa chúng sanh khiến họ sanh tâm tín thọ mà bỏ tâm pháp chấp điên đảo, vào nơi thật tướng của các pháp. Tuy biết rõ các pháp đều là không, nhưng vì lợi ích của chúng sanh mà Bồ Tát vẫn phải phân biệt nói ra các pháp, để chúng sanh tự tu tập, lần lần vào được pháp không. Bồ Tát trú trong pháp tướng không, chẳng cần phải phân biệt các pháp làm gì nữa, nhưng khi hành Bồ Tát đạo vẫn phải tư duy rằng, “Hết thảy pháp do nhân duyên hòa hợp sanh, mà các nhân duyên đó cũng lại do nhân duyên khác hòa hợp khởi ra, nên tất cả đều là rốt ráo không. Nơi rốt ráo không, thì chỉ là nhất tướng, là thật tướng vậy.  Từ vô thỉ cho đến nay, chúng sanh do chấp ngã mà phải đọa vào trong các nẻo đường sanh tử, thọ nhận bao nhiêu khổ đau”.

Bồ Tát lại tự nghĩ rằng, “Chư Phật 10 phương 3 đời là cha ta; Bát Nhã Ba La Mật là mẹ ta. Từ nay ta chẳng nên rong ruổi theo các pháp hư vọng”.

Bồ Tát nghĩ như vậy rồi, nên “rốt ráo không còn chẳng chấp, huống nữa là chấp các pháp. Bồ Tát dùng trí huệ chiếu minh Bồ Tát đaọ nên được tâm an ổn, tự biết rằng một khi đã đoạn được tâm chấp rồi thì đạo tự nhiên đến. Được như vậy rồi, Bồ Tát lại nghĩ đến chúng sanh chỉ vì chấp đắm thế gian mà chẳng tín thọ các pháp là rốt ráo không, là chẳng có tự tánh, là chẳng có trú xứ vậy. Bồ Tát muốn chúng sanh tín thọ, nên tự mình thọ hết thảy pháp và tu hành hết thảy pháp, để phương tiện độ chúng sanh. Bồ Tát niệm chúng sanh tâm, biết chúng sanh đang niệm pháp gì, đang muốn làm việc gì, và biết rõ chỗ chấp đắm của chúng sanh đều là chẳng có căn bản thật sự. Vì sao? Vì chỗ chấp đắm của chúng sanh đều là hư dối, chẳng thật có vậy.

Ví như có đứa nhỏ vui chơi ở chỗ bất tịnh, lấy cỏ rác dơ bẩn làm đồ chơi, như làm nhà cửa, làm các thú vật v.v… Đang Lúc say mê chấp đắm, nếu có ai đến quấy phá thì nó liền tức giận, khóc lóc. Nếu có cha mẹ hay người lớn tuổi cho biết rõ về sự bất tịnh đó thì sẽ dễ dàng xa lìa chỗ đó, tìm chỗ khác để chơi. Trẻ nhỏ chấp đắm còn dễ xả; còn người già mà đã chấp đắm thì rất khó xả. Cũng như vậy, 5 dục là bất tịnh, là vô thường. Chúng sanh chẳng biết như vậy nên mãi rong ruổi theo 5 dục, khiến phải bị chìm đắm mãi trong bể khổ sanh tử. Bồ Tát dạy chúng sanh tu 5 căn, 5 lực, khiến họ xa lìa được chỗ chấp, được ly dục. Thế nhưng, đối với những người mà tâm chấp đắm dục lạc quá sâu dày, thì cũng rất khó làm cho họ xả được tâm chấp đó vậy.

Nếu tu huệ nhãn thanh tịnh vô lậu, biết tàm quý, thì mới có thể xa lìa hẳn chỗ chấp đó. Ví như người bị bệnh cuồng điên làm việc phi pháp mà chẳng hay biết gì; Đến khi tỉnh ngộ mới biết xấu hổ về việc làm sai trái của mình vậy.

-o0o-

Bồ Tát an trú trong Bát Nhã Ba La Mật, dùng lực phương tiện giáo hóa chúng sanh, nói với họ rằng, “Các ngươi nên hành bố thí sẽ được giàu có, nhiều của cải. Thế nhưng các ngươi chớ nên chấp quả báo bố thí, mà sanh kiêu mạn, vì quả báo bố thí là không, chẳng có bền chắc, cũng bị phá hoại. Khi hành bố thí và khi chưa hành bố thí chẳng có gì sau khác. Tuy rằng bố thí thanh tịnh có lợi ích lớn, nhưng pháp thanh tịnh đó cũng do các nhân duyên hòa hợp sanh, nên cũng chẳng có tự tánh. Nếu chấp quả báo bố thí, thì các ngươi cũng sẽ phiền não, khổ đau”.

Bồ Tát dạy chúng sanh hành Bồ Tát đạo, tự mình chẳng chấp đắm đạo quả, cũng dạy chúng sanh chẳng chấp đắm đạo quả. Ví như khi hành bố thí, Bồ Tát chẳng thấy có người thí, chẳng thấy có người thọ, chẳng thấy có tài vật thí; dẫn đến Bồ Tát cũng chẳng chấp quả báo bố thí. Vì sao ? Vì nếu chấp quả báo bố thì thì sẽ sanh tâm tự cao, thành ra có tội lỗi vậy. Khi quả báo đó đã hoại diệt rồi, thì cũng sẽ sanh phiền não.

Tu 5 Ba La Mật kia … dẫn đến tu Vô Thượng Bồ Đề cũng là như vậy. Nơi đây, Phật tự nói các nhân duyên chẳng nên trú trong các pháp:

Bồ Tát đã thâm nhập vào pháp không, nên biết rõ đạo quả là tánh không, chẳng có chỗ trú, chẳng có chỗ dụng pháp, cũng chẳng có người trú.

Bồ Tát chẳng cho việc làm có lợi ích nhỏ là đầy đủ. Bồ Tát còn muốn tiến lên nữa, nhất tâm hướng về Vô Thượng Bồ Đề.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi : Nếu hết thảy pháp đều là bất sanh, thì làm sao Bồ Tát lại hay sanh Bồ Đề đạo?Phật dạy: Đúng như vậy, đúng như vậy ! Hết thảy pháp đều chẳng sanh. Ta thật đã nhiều lần nói về các pháp vô sanh, nhưng chẳng phải vì phàm phu mà nói. Ta chỉ vì những người đã được “vô tác giải thoát” mà nói: ta nói với họ chớ nên khởi các thô nghiệp ở thân khẩu và ý.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi : Có Phật hay chẳng có Phật thì các pháp vẫn thường trú chăng? Thánh pháp là tự tướng không. Vậy phàm phu pháp cũng là như vậy chăng?

Phật dạy : Thật tướng các pháp là thường trú. Vì chúng sanh chẳng biết, chẳng giải, nên phải sanh Bồ Đề đạo. Chỉ có phàm phu điên đảo mới chấp có đạo. Nếu quyết định chấp có đạo, tức là điên đảo vậy. Vì sao ? Vì đạo và phi đạo bình đẳng, thì đó tức là đạo. Chớ nên nạn hỏi làm gì nữa.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi : Có thể dùng sanh đạo mà được Bồ Đề chăng?

Phật dạy : Chẳng được vậy.

Vì sao ? Vì người sanh đạo là người quán pháp hữu vi có tướng sanh diệt, mà cho là thật. Pháp bất sanh là pháp vô vi, vô tác. Bởi vậy nên chẳng thể nói đắc Bồ Đề, vì sanh và bất sanh đều có lỗi cả.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi: Dùng “ bất sanh phi bất sanh đạo” mà được Bồ Đề chăng?

Phật dạy : Chẳng được vậy

Ngài Tu Bồ Đề hỏi : Như vậy, phải thế nào mới được Bồ Đề?

Phật dạy : Nếu còn phân biệt bất sanh và phi bất sanh là còn phân biệt tốt xấu, còn chấp tướng vậy. Nghĩ tốt cũng sanh chấp tướng, nghĩ xấu cũng sanh chấp tướng, nên cả hai đều có lỗi cả. Chẳng chấp mới thật là Bồ Đề đạo. Chẳng dùng đạo, cũng chẳng dùng phi đạo mới được Bồ Đề.

Vì sao ? Vì Bồ Đề tức là đạo, đạo tức là Bồ Đề. Bồ Đề cũng gọi là thật tướng các pháp. Các đức Phật đã vào nơi thật tướng pháp là rốt ráo, chẳng có biến đổi, vì khi hết thảy pháp đã vào trong Bồ Đề rồi, thì đều là tướng tịch diệt vậy. Ví như nước từ nhiều dòng sông khác nhau, khi đã chảy vào biển cả rồi thì đều thành một vị chẳng có sai khác. Phật tánh cùng Bồ Đề tánh là nhất tánh. Nếu Bồ Đề và đạo có tánh khác nhau, thì chẳng gọi là Bồ Đề. Bồ Đề là tướng tịch diệt, chẳng có hý luận, nên nói Bồ Đề tức là đạo, đạo tức là Bồ Đề. Nếu hai pháp ấy mà  khác nhau, thì những người hành đạo chẳng thể đến được Bồ Đề. Vì sao? Vì nhân và quả là chẳng phải một, mà cũng chẳng phải khác vậy.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi : Như vậy Bồ Tát hành đạo phải là Phật chăng? Vì sao ? Vì Bồ Đề tức là đạo, thì Phật cũng tức là Bồ Tát vậy.

Giữa Phật và Bồ Tát có sai khác. Phật có đầy đủ công đức, có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp; Bồ Tát chẳng được như vậy. Thế nhưng, Ngài Tu Bồ Đề vì hàng tân học Bồ Tát cần phải phân biệt rõ, nên mới nạn hỏi Phật như vậy.

Phật hỏi lại ngài Tu Bồ Đề rằng : Phật có được Vô Thượng Bồ Đề chăng?

Ngài Tu Bồ Đề đáp : Chẳng được vậy.

Vì sao ? Vì Bồ Đề chẳng ly Phật, Phật chẳng ly Bồ Đề. Hai pháp ấy hòa hợp với nhau, nên gọi là Phật tức là Bồ Đề, Bồ Đề tức là Phật.

Hỏi : Phật là người, Bồ Đề là pháp. Như vậy, vì sao nói Phật tức là Bồ Đề?

Đáp :  Trước đây đã nói rằng người đầy đủ 32 tướng tốt trang nghiêm thân, đầy đủ 6 pháp Ba La Mật trang nghiêm tâm chưa có thể gọi là Phật. Phải được Bồ Đề mới gọi là Phật. Vì sao ? Vì Phật và Bồ Đề chẳng có sau khác.

Do 5 ấm vi diệu thanh tịnh hoà hợp mà giả danh là Phật. Pháp cũng là 5 ấm hòa hợp, mà 5 ấm chẳng ly giả danh Bồ Đề. Bồ Đề tức là thật tướng của 5 ấm, vì hết thảy pháp ở nơi thật tướng đều vào trong Bồ Đề vậy. Bởi vậy nên nói Phật tức là Bồ Đề, Bồ Đề tức là Phật. Chỉ có phàm phu ngu muội mới phân biệt Phật và Bồ Đề là 2 pháp khác nhau thôi.

Hỏi : Trước đây nói Bồ Đề cùng đạo là chẳng phải hai, chẳng phải khác. Này vì sao Kinh lại nói “đạo đức là Bồ Đề, Bồ Đề tức là đạo, rồi lại nói “Phật tức là Bồ Đề, Bồ Đề tức là Phật” ?

Đáp : Dù nói “một, dù nói “khác” cũng đều chẳng phải thật. Phần nhiều thường dùng “một”, nên nói “đạo tức Bồ Đề”, nói “Bồ Đề tức đạo”, nói “Phật tức Bồ Đề”, nói “Bồ Đề tức Phật” Đều chẳng có lỗi lầm.

Ví như “thường” và “vô thường” là 2 bên đối đãi nhau. “Thường” phần nhiều hay dẫn sanh phiền não, nên ít được dùng. “Vô thường” hay phá được phiền não, nên được dùng nhiều hơn. Thế nhưng chấp thường và chấp vô thường đều là lầm lỗi. Khi đã dùng “vô thường” để phá chấp “thường”, thì phải xả luôn cả “vô thường”.

Trên đây cũng là như vậy. Nếu quán các pháp khác nhau, thì phần nhiều sanh tâm chấp; Trái lại, nếu quán các pháp là nhất tướng, như quán các pháp là vô thường, khổ, không, vô ngã, thì ít khởi phiền não, nên ít sanh tâm chấp vậy.

Bởi  vậy nên phần nhiều dùng “một”. Thế nhưng khi đã vào được nơi thật tướng nghĩa, thì “một” cũng chẳng còn dùng nữa, vì nếu còn chấp “một”, thì cũng là lầm lỗi vậy. Nói “một”, nói “hai”, nói “khác” v.v… đều là nói lên những tướng đối đãi. Phải chẳng khởi chấp tâm, chẳng thủ tướng mới là chẳng lầm lỗi. Nói “nhất tướng” cũng là chẳng thật, nên Bồ Tát phải chẳng đắc hết thảy pháp tướng mới là Phật vậy.

Nơi đây, Phật nói lên nhân duyên Bồ Đề tuy là tướng tịch diệt, nhưng Bồ Tát phải đầy đủ các công đức, phải trú trong kim cang tam muội, ở trong nhất niệm tương ưng huệ mới được Vô Thượng Bồ Đề. Đến khi được tự tại, vô ngại nơi hết thảy pháp, thì sẽ được gọi là Phật. Bồ Tát tuy biết đạo và Bồ Đề chẳng khác, nhưng vì chưa đầy đủ công đức, nên chưa được gọi là Phật.

Phật  rốt ráo được đầy đủ các công đức đầy đủ các hạnh nguyện nên chẳng còn được gọi là Bồ Tát, mà được gọi là Phật. Ở trong đạo Bồ Đề mà còn cầu Bồ Đề, thì vẫn còn gọi là Bồ Tát.

-o0o-

Ngài Tu Bồ Đề nghe Phật nói về Bồ Đề, về đạo, về thành tựu chúng sanh, nên lại hỏi Phật: Thế nào là gọi là tịnh Phật quốc độ? Vì sao chư vị A La Hán, Bích Chi Phật chẳng làm được việc tịnh Phật quốc độ?

Hỏi: Thế nào gọi là tịnh Phật quốc độ?

Đáp: Một Phật độ gồm trăm ức mặt trăng, mặt trời, trăm ức núi Tu Di, trăm ức cõi trời, gồm cả 3000 đại thế giới. Cũng có thể nói 3000 đại thế giới thành một Phật độ.

Ở trong Phật độ, Phật thường làm các Phật sự, thường hành bố thí, ngày đêm 6 thời thường dùng Phật nhãn quán chúng sanh khắp trong 10 phương, Phật biết rõ chúng sanh nào đã gieo trồng thiện căn thuần thực thì dùng thần lực để hóa độ họ. Phật lại dùng thần lực đến các chỗ, tùy theo căn cơ của chúng sanh để giáo hóa họ, khiến ở nơi ngoại duyên họ được tùy ý, chẳng còn sanh phiền não nữa.

Nếu chúng sanh nào gặp các nhân duyên bất tịnh, vô thường, thì họ chẳng còn sanh lòng tham dục, phiền não. Nếu chúng sanh nào gặp các nhân duyên không, vô sở hữu, thì họ chẳng còn sanh si mê, phiền não. Nếu chúng sanh nào được tâm vô ngã rồi, thì họ chẳng còn sanh lòng xan tham, sân hận v.v…

Bởi vậy, nên muốn cho chúng sanh dễ được độ, Bồ Tát thường trang nghiêm quốc độ của mình, chẳng thiếu thứ gì cả. Ở nhiều quốc độ, các cây thường vang lên tiếng pháp thật tướng, thuyết về vô sanh, vô diệt, vô khởi, vô tác. Chúng sanh ở các nước ấy chỉ nghe diệu âm, chẳng nghe các tạp âm khác. Ở nơi đây, chúng sanh được căn tánh thông lợi, nên rất dễ vào được nơi thật tướng pháp.

Tịnh Phật quốc độ có nghĩa là trang nghiêm cõi Phật, như trong kinh Di Đà và nhiều kinh khác đã có giải rõ về cảnh giới Tịnh Độ.

Phật dạy : Từ sơ phát âm, Bồ Tát vẫn thường tự tịnh các thô nghiệp ở nơi thân khẩu và ý, cũng dạy người khác tịnh các thô nghiệp ở nơi thân khẩu và ý của họ.

Hỏi: Vì sao nói Bồ Tát được vô sanh pháp nhẫn thường an trú trong các thần thông, rồi sau đó mới tịnh Phật quốc độ?

Đáp : Thanh tịnh các nghiệp ở nơi thân, khẩu và ý chưa phải là tịnh Phật quốc độ. Hết thảy các Bồ Tát hành Bồ Tát đạo đều là thanh tịnh ba nghiệp ấy. Có tịnh được ba nghiệp ở thân, khẩu và ý, thì sau đó mới tịnh được Phật quốc độ. Đây có nghĩa là phải tịnh tự thân mình và cung tịnh người khác.

Vì sao ? Vì chẳng phải chỉ một người thanh tịnh, sanh về cõi Tịnh Độ mà thôi, mà phải có nhiều người đồng hành làm các nhân duyên thanh tịnh, ở nội pháp cũng như ở ngoại pháp, mới diệt trừ được các nhân duyên bất thiện. Vì sao ? Vì nếu có nhiều lời nói ác, thì ở cõi nước ấy sẽ sanh ra nhiều gai góc; Nếu có nhiều tâm siểm nịnh, thì ở cõi nước ấy mặt đất sẽ gồ ghề, chẳng có bằng phẳng; Nếu có nhiều tâm xan tham, thì sông ngòi thường khô cạn, đất thường sanh nhiều sạn sỏi. Trái lại, nếu chúng sanh chẳng hề làm việc ác, thì ở cõi nước ấy mặt đất sẽ bằng phẳng, đất thường sanh các trân bảo. Như trong kinh có nói đến thời đức Phật Di Lặc ra đời, tất cả mọi người đều tu 10 thiện đạo, nên ở cõi nước của Ngài, đất sanh ra nhiều trân bảo.

Hỏi: Nếu bố thí và làm các thiện pháp khác là tịnh Phật quốc độ, thì vì sao chỉ nói đến việc tịnh 3 nghiệp ở nơi thân khẩu ý mà thôi?

Đáp : Phải nên biết rằng các pháp ác, pháp thiện đều là nhân duyên khổ lạc; Và khi đã được đạo rồi, thì trong hết thảy các tâm và tâm sở, trí huệ là thù thắng hơn hết.

Có nhiếp tâm trong định mới làm nên đại nghiệp. Thế nhưng tư duy vẫn là dẫn đạo, vì có tư nghiệp mới khởi ra các nghiệp ở nơi thân khẩu và ý. Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, thiền định … đều do tư duy dẫn đầu. Ví như may áo phải dùng kim để hướng dẫn sợi chỉ. Chúng sanh do nghiệp lực dẫn dắt mà phải thọ các quả báo ở đời sau. Bởi vậy nên nói ba nghiệp thân, khẩu và ý nhiếp hết thảy các nghiệp. Lại nói ý nghiệp tận nhiếp hết thảy các thân khẩu và ý nghiệp, nhiếp hết thảy các sắc pháp vào thân hành, khẩu hành và ý hành.

Nếu trong 3 cõi có 3 nghiệp phước đức đầy đủ, thì quốc độ là y báo cũng sẽ được thanh tịnh; Nội pháp là chánh báo tịnh, và ngoại pháp y báo cũng tịnh. Ví như mặt sạch thì soi vào gương cũng thấy sạch vậy.

Như trong kinh Duy Ma Cật có nói, “Do chẳng có sát sanh mà được trường thọ”.

Hỏi : Các thô nghiệp ở nơi thân khẩu và ý rất dễ biết. Như vậy vì sao ngài Tu Bồ Đề còn phải hỏi ?

Đáp : Đối với người cầu đạo, thì thô và tế chẳng có định vậy. Ví như đối với người bạch y cư sĩ thì bố thí là thô thiện; còn đối với hàng Tiểu Thừa thì bố thì là tế thiện. Lại ví như ý bất thiện là thô, ý thiện là tế. Ở trong pháp Đại Thừa, thì chấp tướng thiện … dẫn đến chấp tướng Niết Bàn cũng gọi là thô. Bởi vậy, nên đối với người tu hành, thì :thô và tế” chẳng có định vậy.

Hỏi : Phật thứ lớp nói về các tướng nghiệp từ thô đến tế. Vì sao ở đoạn kinh trên đây, Phật đặc biệt nói về các thô nghiệp của Bồ Tát?

Đáp : Tất cả các nghiệp ở thân, khẩu và ý ( gồm ba ở thân, bốn ở khẩu và ba ở ý) đều là thô nghiệp. Ví như sát sanh, tà kiến, dâm dục v.v… đều là các tướng nghiệp thô.

Đối với hàng Bồ Tát chỉ hành sáu pháp Ba La Mật mà còn dấy xan tâm tham cũng gọi là thô nghiệp.

Hỏi : 10 bất thiện nghiệp đạo đã có nhiếp xan tham rồi. Nay vì sao còn nói riêng về xan tham nữa?

Đáp : 6 pháp Ba La Mật chẳng vào trong 10 bất thiện nghiệp đạo. Vì sao ? vì 10 bất thiện nghiệp đạo làm não loạn chúng sanh mà sáu pháp Ba La Mật chẳng có làm não loạn chúng sanh. Thế nhưng, khi hành sáu pháp Ba La Mật mà Bồ Tát còn tiếc của cải, còn tiếc thân mạng, thì mặc dù chẳng có gây phiền não cho chúng sanh cũng vẫn gọi là thô nghiệp của Bồ Tát. Đây vẫn là hiện tướng của tâm xan tham.

Tâm tham thể hiện ở hai mức độ khinh trọng ( nhẹ nặng ) khác nhau:

– Nhẹ như có dấy lòng tham của người khác, mà chẳng làm não hại người.

– Nặng như khi lòng tham quá mạnh mà chẳng được thỏa mãn dẫn đến các hành động tội lỗi, cướp của, giết người v.v… Lúc bấy giờ mới được gọi là “bất thiện nghiệp đạo”.1

Tâm sân cũng là như vậy. Mới dấy lòng sân, thì chưa gọi là nghiệp đạo. Khi tâm sân quá mạnh dẫn đến tạo ác nghiệp, thì mới gọi là nghiệp đạo.

Hỏi : Thế nào gọi là giới bất tịnh?

 Đáp : Sát sanh, phá giới v.v… là thô tội; còn giới bất tịnh là tế tội.

Ví như uống rượu mà chưa làm phiền nhiễu chúng sanh, thì chưa vào trong 10 bất thiện nghiệp đạo. Ví như thường bị ba độc che tâm, chẳng muốn niệm tịnh giới, chỉ muốn cầu thiện phước báo là trì giới với tâm tà vậy, chưa vào trong 10 bất thiện nghiệp đạo. Các trường hợp như vậy gọi là giới bất tịnh.

–o0o–

Nếu hành Bồ Tát đạo mà xa lìa bốn niệm xứ … dẫn đến tám thánh đạo, xa lìa ba giải thoát môn v.v… thì gọi là thô nghiệp của Bồ Tát. Vì sao ? Vì khi hành các pháp môn đó, thì thâm tâm quán thật pháp, tùy theo Niết Bàn, chẳng tùy theo thế gian, nhưng khi ra khỏi các pháp môn đó, thì tâm lại rối loạn, chẳng được an định.

Ví như bản tánh của rắn là bò quanh co. Khi rắn chui vào ống tre thì bò thẳng theo ống tre, nhưng ra khỏi ống tre thì lại trở lại bò quanh co như cũ vậy.

Lại nữa, khi hành Bồ Tát đạo mà tham chứng bốn quả Thanh Văn cũng là thô nghiệp của Bồ Tát.

Vì sao ? Vì nếu nghe Phật nói người được quả Tu Đà Hoàn sẽ chẳng còn bị đọa vào ba đường ác, sẽ được thoát khổ, mà Bồ Tát sanh tâm chấp đắm, thì sẽ bị lạc về Thanh Văn địa, sẽ chẳng đến được Vô Thượng Bồ Đề vậy.

Ví như người phải đi 50 dặm đường mới lấy được nước, nhưng nếu ở dọc đường mà thấy có những giọt sương đọng trên lá cây, thì người ấy cũng có thể khởi tâm tham, thèm muốn nghỉ chân để tận hưởng. Vì sao ? Vì người ấy chẳng giữ được tâm kiên cố vậy.

Bồ Tát chỉ vì chúng sanh mà phát tâm làm Phật. Nay chỉ vì lợi ích riêng mà muốn thủ chứng quả Thanh Văn, thì như vậy là dối Phật, là phụ chúng sanh. Đây cũng là thô nghiệp của Bồ Tát vậy.

Ví như người chủ nhà mời khách về nhà mình để thiết đãi mà chẳng muốn tốn kém, chỉ muốn dọn qua loa vài món ăn mà thôi, thì như vậy là phụ lòng khách. Cũng như vậy, vì muốn độ hết thảy chúng sanh mà cầu được làm Phật. Nếu nay tham chấp đạo Thanh Văn và đạo Bích Chi Phật là mặc nhiên bỏ mất đại thệ nguện độ sanh của mình rồi vậy.

(Hết Quyển 92)