LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ

Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG

 

TẬP V
QUYỂN 90

Phần thứ tám mươi
Thật tế

KINH:

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Nếu chúng sanh rốt ráo bất khả đắc, thì Bồ Tát vì ai mà hành Bát Nhã Ba La Mật ?

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Bồ Tát vì thật tế mà hành Bát Nhã Ba La Mật.

Này Tu Bồ Đề ! Nếu thật tế và chúng sanh tế sai khác nhau, thì Bồ Tát chẳng hành Bát Nhã Ba La Mật. Nhưng vì thật tế và chúng sanh tế chẳng sai khác nhau, nên Bồ Tát vì lợi ích chúng sanh mà hành Bát Nhã Ba La Mật.

Này Tu Bồ Đề ! Khi hành Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát chẳng phá hoại thật tế, mà còn kiến lập chúng sanh nơi thật tế.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Nếu thật tế tức là chúng sanh tế, thì Bồ Tát kiến lập thật tế nơi thật tế chăng ?

Bạch Thế Tôn ! Nếu kiến lập thật tế nơi thật tế, thì như vậy là kiến lập tự tánh nơi tự tánh. Đúng lý ra thì chẳng có thể kiến lập tự tánh nơi tự tánh vậy.

Bạch Thế Tôn ! Khi hành Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát làm sao kiến lập chúng sanh nơi thật tế ?

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Thật tế chẳng thể kiến lập nơi thật tế; tự tánh chẳng thể kiến lập nơi tự tánh.

Này Tu Bồ Đề ! Nay Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật, dùng lực phương tiện mà kiến lập chúng sanh nơi thật tế.

Vì sao ? Vì thật tế chẳng khác chúng sanh tế; thật tế và chúng sanh tế là chẳng phải hai chẳng phải khác.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Khi hành Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát dùng lực phương tiện như thế nào để kiến lập chúng sanh nơi thật tế, mà chẳng hoại thật tế ?

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Khi hành Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát kiến lập chúng sanh nơi bố thí, nói rằng, “ Bố thí là rốt ráo không, trước sau và chặng giữa đều không; có nghĩa là người thí cũng không, người thọ cũng không, tài vật đem ra bố thí cũng không, quả báo bố thí cũng không”.

Bồ Tát lại dạy chúng sanh rằng, “Hỡi các ngươi ! Ở nơi thật tế, hết thảy pháp đều bất khả đắc. Các ngươi chớ nên nghĩ rằng người thí, người thọ, tài vật thí, quả báo bố thí sai khác nhau. Nếu các ngươi chẳng thấy có sự khác biệt như vậy, thì bố thí mới có được vị Cam Lồ. Được quả vị Cam Lồ là do bố thí mà chẳng có chấp sắc; Chẳng có chấp thọ, tưởng, hành, thức vậy. Vì sao ? Vì bố thí là tự tướng không, người thí cũng không, người thọ cũng không, tài vật đem ra bố thí cũng không, quả báo bố thí cũng không. Ở trong không mà bố thí, thì bố thí là bất khả đắc, người thí bất khả đắc, người thọ bất khả đắc, tài vật thí bất khả đắc, quả báo bố thí bất khả đắc. Vì sao ? Vì các pháp rốt ráo là tự tánh không vậy.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề ! Khi hành Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát dạy chúng sanh tu trì giới, xả bỏ sát sanh… dẫn đến xả bỏ tà kiến. Vì sao ? Vì tất cả các pháp đó đều là tự tánh không.

Này Tu Bồ Đề ! Bồ Tát dùng lực phương tiện thành tựu chúng sanh, nói với họ về các quả báo bố thí và trì giới, rồi lại nói với họ các quả báo bố thí và trì giới đều là tự tánh không. Nếu nghe được tánh không như vậy, mà chẳng chấp, thì tâm chẳng tán loạn… dẫn đến sẽ sanh trí huệ. Có trí huệ sẽ đoạn đứt được hết thảy phiền não tập khí… dẫn đến sẽ nhập vô dư Niết Bàn. Nói như trên đây là nói pháp thế tục, chẳng phải là đệ nhất nghĩa. Vì sao ? Vì trong tánh không, thì chẳng có diệt, cũng chẳng có pháp bị diệt. Vào được các pháp rốt ráo không cũng tức là vào Niết Bàn rồi vậy.

Lại nữa, Này Tu Bồ Đề ! Bồ Tát thấy chúng sanh phiền náo, sân hận, liền nói với họ rằng: “Người hành nhẫn nhục thường được an vui, vì sân hận là tự tánh không”. Bồ Tát lại nói với họ nên suy nghĩ rằng: “Tánh sân từ đâu mà có? Người sân là ai? Do đâu mà sân? v.v…”. Bồ Tát lại dạy cho chúng sanh biết, hết thảy pháp đều là tánh không; Ở trong tánh không, thì chẳng có tánh sân, chẳng có pháp sân, chẳng có người sân”.

Như vậy, này Tu Bồ Đề ! Khi hành Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát dùng lực phương tiện kiến lập chúng sanh nơi tánh không, thứ lớp khai thị cho chúng sanh, khiến họ được lợi ích, được an vui… dẫn đến được Vô Thượng Bồ Đề.

Nói như trên đây, là nói pháp thế tục, chẳng phải là đệ nhất nghĩa. Vì sao ? Vì trong tánh không, thì chẳng có người đắc, chẳng có pháp đắc, chẳng có chỗ đắc.

Này Tu Bồ Đề ! Đây là “pháp tánh thật tế không”. Bồ Tát vì chúng sanh hành pháp ấy mà vẫn biết rõ chúng sanh là bất khả đắc. Vì sao ? Vì hết thảy pháp đều ly chúng sanh tướng vậy.

Lại nữa, này Tu  Bồ Đề ! Khi hành Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát dùng lực phương tiện thấy chúng sanh giải đãi, liền dạy họ thân tâm tinh tấn, nói với họ rằng: “Hỡi các ngươi ! Trong tánh không chẳng có pháp giải đãi, chẳng có người giải đãi, chẳng có sự việc giải đãi. Vì sao ? Vì hết thảy pháp đều là tánh không. Các ngươi phải giữ thân tâm tinh tấn, chớ nên giải đãi. Có như vậy mới sanh được các thiện pháp, như là : bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ, thiền giải thoát tam muội, bốn niệm xứ… dẫn đến tám thánh đạo, ba giải thoát môn… dẫn đến 18 bất cộng pháp. Các ngươi chớ nên giải đãi. Vì sao ? Vì trong tánh không chẳng có tướng chướng ngại; Trong pháp chẳng chướng ngại (vô ngại pháp) đó cũng chẳng có pháp giải đãi, chẳng có người giải đãi.

Như vậy, này Tu Bồ Đề ! Khi hành Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát dạy chúng sanh, khiến họ an trú trong tánh không, chẳng rơi về “hai pháp”. Vì sao ? Vì tánh không là chẳng phải hai, chẳng phải khác. Chẳng có “hai pháp” là chẳng có chỗ chấp vậy.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề ! Khi hành vô tánh Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát dạy chúng sanh tinh tấn, nói với họ rằng, “Các ngươi phải siêng năng, tinh tấn hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ, thiền giải thoát tam muội, bốn niệm xứ… dẫn đến tám thánh đạo, ba giải thoát môn, 10 Phật lực, bốn vô sở úy, bốn vô ngại trí, đại từ, đại bi… dẫn đến 18 bất cộng pháp. Các ngươi chớ nên niệm “hai tướng” (nhị tướng), và cũng chẳng nên niệm “không hai tướng” (bất nhị tướng). Vì sao ? Vì pháp tánh là pháp thường không; Ở trong tánh không, thì chẳng nên dùng “hai tướng” để niệm, cũng

chẳng nên dùng “không hai tướng” để niệm vậy.

Như vậy, này Tu Bồ Đề ! Khi hành Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát dùng lực phương tiện để thành tựu chúng sanh, dạy họ lần lượt được quả Tu Đà Hoàn, quả  Tư Đà Hàm, quả A Na Hàm, quả A La Hán, quả Bích Chi Phật, nhập vào Bồ Tát vị… dẫn đến được Vô Thượng Bồ Đề.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề ! Khi hành Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát thấy chúng sanh tâm loạn, liền dùng lực phương tiện làm lợi ích cho họ, nói với họ rằng, “Các ngươi phải nên tu thiền định, chớ nên sanh loạn tưởng, phải nên tu cho được nhất tâm. Vì sao ? Vì pháp tánh là thường không, ở trong tánh không, thì chẳng có pháp để được (khả đắc), dù loạn hay tịnh. Các ngươi phải nên an trú trong tam muội khi tác nghiệp ở thân khẩu ý; Khi hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ; Khi hành bốn niệm xứ… dẫn đến tám thánh đạo; khi hành ba giải thoát môn, 10 Phật lực, đại từ, đại bi… dẫn đến 18 bất cộng pháp. Các ngươi chớ nên dùng “hai tướng” để niệm, vì pháp tánh là thường không vậy.

Như vậy, này Tu Bồ Đề ! Khi hành Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát dùng lực phương tiện giáo hóa chúng sanh, khiến họ lần lượt được các quả Thanh Văn, quả Bích Chi Phật… dẫn đến được quả Vô Thượng Bồ Đề.

Bồ Tát dùng lực phương tiện làm lợi ích chúng sanh, nên từ khi sơ phát tâm trọn  chẳng hề giải đãi, thường cầu các thiện pháp lợi ích cho chúng sanh; Đi từ cõi Phật này đến cõi Phật khác để cúng dường chư Phật, theo chư Phật nghe pháp. Trải qua vô lượng kiếp; Bồ Tát xả bỏ thân này. Lại thọ thân khác, mãi cho đến khi được Vô Thượng Bồ Đề mà trọn chẳng hề quên bỏ hạnh nguyện lợi ích chúng sanh.

Bồ Tát cầu nhất thiết chủng trí, nên tu học hết thảy các đạo, từ Thanh Văn đạo, Bích Chi Phật đạo, Bồ Tát đạo… dẫn đến Phật đạo. Bồ Tát trú trong thiền định, dùng lực thần thông vào trong năm đạo sanh tử để làm lợi ích cho chúng sanh.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề ! Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật, an trú trong tánh không, dùng lực phương tiện làm lợi ích chúng sanh, nói với họ rằng, “Hỡi các ngươi ! Phải quán hết thảy pháp đều là tánh không. Khi làm các nghiệp thân khẩu ý, các ngươi phải hướng về tánh không. Có như vậy mới thọ được vị Cam Lồ, mới được quả vị Cam Lồ. Các ngươi chớ nên thối chuyển. Vì sao ? Vì trong tánh không chẳng có pháp thối chuyển, cũng chẳng có người thối chuyển. Tánh không chẳng phải là pháp, cũng chẳng phải là phi pháp, vì là vô sở hữu vậy”.

Này Tu Bồ Đề ! Khi hành Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát tự hành 10 thiện đạo, năm giới, tám quan trai giới, cũng dạy người khác hành các pháp đó; Tự hành bốn thiền, bốn vô lượng tâm, bốn vô sắc định, 37 Phẩm Trợ Đạo, 10 Phật lực, 18 bất cộng pháp… dẫn đến tự hành 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, cũng dạy người khác hành các pháp đó. Bồ Tát tự mình tu được các quả Thanh Văn, quả Bích Chi Phật sanh trí huệ, mà chẳng trú trong các quả đó, cũng dạy người khác như vậy. Bồ Tát tự mình tu được Vô Thượng Bồ Đề, cũng dạy người khác tu được như vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Nếu pháp tánh là thường không, thì trong đó chúng sanh là bất khả đắc, pháp và phi pháp cũng là bất khả đắc. Như vậy Bồ Tát làm sao cầu được nhất thiết chủng trí ?

Phật dạy : Đúng như vậy, đúng như vậy ! Này Tu Bồ Đề ! Đúng như lời ông nói, pháp tánh là thường không. Trong tánh không đó chúng sanh bất khả đắc, pháp và phi pháp cũng bất khả đắc.

Này Tu Bồ Đề ! Nếu pháp tánh chẳng phải là không, thì Bồ Tát chẳng thể y nơi pháp tánh không mà được Vô Thượng Bồ Đề, và vì chúng sanh nói pháp tánh không.

Này Tu Bồ Đề ! Sắc là tánh không; Thọ, tưởng, hành, thức cũng là tánh không. Khi hành Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát vì chúng sanh thuyết pháp; Nói năm ấm, 12 nhập, 18 giới đều là tánh không; Nói bốn thiền, bốn vô lượng tâm, bốn vô sắc định đều là tánh không; Nói 37 Phẩm Trợ Đạo, ba giải thoát môn, tám bối xả, chín thứ đệ định, 10 Phật lực, bốn vô sở úy, bốn vô ngại trí, 18 bất cộng pháp, đại từ, đại bi… dẫn đến 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp cũng đều là tánh không cả. Nói rộng ra, tất cả các pháp ở nơi thế tục đế, cũng như ở nơi chân đế đều là tánh không.

Này Tu Bồ Đề ! Tánh không đó chẳng phải thường, chẳng phải đoạn, chẳng có chỗ trú, chẳng từ đâu đến, chẳng đi về đâu.

Này Tu Bồ Đề ! Nói pháp có tướng trú, nhưng thật ra ở trong đó chẳng có pháp, chẳng có trú, chẳng có tập tán, chẳng có tăng giảm, chẳng có sanh diệt, chẳng có cấu tịnh vậy. Đây là pháp tướng.

Bồ Tát an trú trong các pháp tướng ấy, pháp tâm Vô Thượng Bồ Đề, mà chẳng thấy có chỗ pháp tâm, chẳng thấy có phát tâm, chẳng thấy có trú tâm. Đây gọi là pháp trú.

Khi hành Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát thấy hết thảy pháp đều là tánh không, nên chẳng thối chuyển tâm Vô Thượng Bồ Đề. Vì sao ? Vì Bồ Tát chẳng thấy có pháp chướng ngại tánh không.

Trong tánh không đó chẳng có chúng sanh, chẳng có ngã, chẳng có nhân, chẳng có thọ giả… dẫn đến chẳng có tri giả, chẳng có kiến giả.

Trong tánh không đó, thì sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều bất khả đắc… dẫn đến 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp cũng đều bất khả đắc.

Này Tu Bồ Đề ! Ví như Phật hóa ra các chúng Tỳ Kheo, Tỷ Kheo Ni, Ưu bà Tắc, Ưu Bà Di, rồi vì bốn chúng đó thuyết pháp, trong ngàn vạn ức kiếp mà chẳng dứt. Ý ông nghĩ sao, các hóa chúng đó có được đắc quả Tu Đà Hoàn… dẫn đến có được đắc quả Vô Thượng Bồ Đề chăng ?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Chẳng đắc vậy. Vì sao ? Vì bốn hóa chúng chẳng có căn bản thật sự; Hết thảy các pháp đều là tánh không, cũng chẳng có căn bản thật sự, cũng chẳng thật có. Như vậy, các hóa chúng đó làm sao có thể đắc quả Tu Đà Hoàn… dẫn đến có thể đắc quả Vô Thượng Bồ Đề được !

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Cũng như vậy, các pháp đều là không, mà chúng sanh điên đảo chấp là có. Nay Bồ Tát muốn đưa chúng sanh ra khỏi điên đảo, nên vì họ nói pháp “không điên đảo’”. Hết thảy các pháp đều là nhất tướng, nhưng do chấp mà khởi ra có nhiều điên đảo vậy, ít có ai chẳng điên đảo.

Ở nơi chỗ “không điên đảo” chẳng có ngã, chẳng có chúng sanh… dẫn đến chẳng có tri giả, chẳng có kiến giả. Ở nơi đây cũng chẳng có sắc, thọ, tưởng, hành, thức; Chẳng có 12 nhập, 18 giới… dẫn đến chẳng có Vô Thượng Bồ Đề. Vì sao ? Vì hết thảy pháp vốn là tự tánh không. Bồ Tát trú trong tánh không ở ngay nơi tướng chúng sanh điên đảo, mà độ thoát chúng sanh ra khỏi tướng điên đảo, ra khỏi các pháp hữu lậu, an trú chúng sanh trong pháp vô lậu.

Này Tu Bồ Đề ! Pháp tướng vô lậu cũng chẳng sao bằng được đệ nhất nghĩa tướng. Vì sao ? Vì đệ nhất nghĩa tướng là vô tác, vô vi, vô sanh, vô tướng, vô thuyết vậy. Đây cũng gọi là tánh không, cũng gọi là Phật đạo vậy.

Ở nơi đây, chúng sanh bất khả đắc; Sắc, thọ, tưởng, hành, thức bất khả đắc… dẫn đến 80 vẻ đẹp cũng bất khả đắc.

Vì sao ? Vì thật tướng pháp tức là tánh không. Bồ Tát vì tánh không mà cầu Vô Thượng Bồ Đề ! Tánh không đó, trước sau và chặng giữa đều là thường không. Bồ Tát hành “vô tánh Bát Nhã Ba La Mật”, vì các chúng sanh chấp tướng, mà cầu đạo chủng trí, nhằm độ thoát họ ra khỏi các chấp vậy.

Khi cầu đạo chủng trí, Bồ Tát khắp học các đạo, từ đạo Thanh Văn, đạo Bích Chi Phật… dẫn đến đạo Bồ Tát. Bồ Tát học đầy đủ các đạo để độ thoát chúng sanh, ra khỏi các tà kiến chấp; Rồi tùy theo thọ mạng, mà được Vô Thượng Bồ Đề.

Này Tu Bồ Đề ! Ở quá khứ, ở hiện tại cũng như ở vị lai, đạo của chư Phật trong khắp 10 phương là tánh không. Rời tánh không, thì ở thế gian chẳng có đạo, chẳng có quả. Bởi vậy nên phải gần gũi chư Phật, nghe chư Phật thuyết về pháp tánh không, và hành pháp ấy, mới chẳng mất nhất thiết chủng trí.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Chư đại Bồ Tát hành pháp tánh không như vậy, mà chẳng phá hoại tướng của tánh không. Đó là vì sắc chẳng khác tánh không; Thọ, tưởng, hành, thức chẳng khác tánh không; … dẫn đến Vô Thượng Bồ Đề chẳng khác tánh không.

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Sắc tức là tánh không, tánh không tức là sắc… dẫn đến Vô Thượng Bồ Đề tức là tánh không, tánh không tức là Vô Thượng Bồ Đề.

Này Tu Bồ Đề ! Nếu sắc khác với tánh không… dẫn đến Vô Thượng Bồ Đề khác với tánh không, thì Bồ Tát chẳng có thể được nhất thiết chủng trí.

Vì sắc chẳng khác tánh không… dẫn đến Vô Thượng Bồ Đề chẳng khác tánh không, nên Bồ Tát biết hết thảy pháp tánh không, mà phát tâm cầu Vô Thượng Bồ Đề. Vì sao ? Vì ở trong đó chẳng có pháp gì là thật, là thường cả. Chỉ vì phàm phu chấp năm ấm, chấp có tướng thân năm ấm, chấp có nội vật, có ngoại vật, mà phải thọ lại thân năm ấm ở đời sau, khiến chẳng thể thoát ra khỏi “sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não”, và phải qua lại trong năm đạo chúng sanh.

Bởi nhân duyên vậy, nên Bồ Tát hành “vô tánh Bát Nhã Ba La Mật” chẳng hoại sắc tướng cùng hết thảy pháp tướng, dù là không, dù là chẳng phải không (bất không).

Vì sao ? Vì tướng sắc tánh không chẳng hoại sắc… dẫn đến tướng Vô Thượng Bồ Đề tánh không chẳng hoại Vô Thượng Bồ Đề.

Ví như hư không chẳng hoại hư không. Cũng như vậy, nội hư không và ngoại hư không chẳng phá hoại lẫn nhau.

Như vậy, này Tu Bồ Đề ! Sắc chẳng hoại tướng sắc không, tướng sắc không chẳng hoại sắc. Vì sao ? Vì 2 pháp chẳng có tánh, vì không là chẳng phải không (phi không).

Dẫn đến Vô Thượng Bồ Đề cũng là như vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Nếu hết thảy pháp đều là không, là vô phân biệt, thì vì sao Bồ Tát, từ sơ phát tâm đã phát nguyện “Tôi sẽ được Vô Thượng Bồ Đề”?

Bạch Thế Tôn ! Nếu có phân biệt các pháp thì chẳng thể có được Vô Thượng Bồ Đề chăng ?

Phật dạy : Đúng như vậy, đúng như vậy ! Này Tu Bồ Đề ! Bồ Tát hành “hai tướng” chẳng thể có được Vô Thượng Bồ Đề. Nếu chẳng dùng “hai tướng” để phân biệt các pháp, thì mới có thể có được Vô Thượng Bồ Đề. Bồ Đề chẳng có hai tướng, chẳng có hoại tướng.

Này Tu Bồ Đề ! Hành Bồ Đề là chẳng phải ở nơi sắc mà hành; Chẳng phải ở nơi thọ, tưởng, hành, thức mà hành;… Dẫn đến chẳng phải ở nơi Bồ Đề mà hành vậy.

Vì sao ? Vì sắc tức là Bồ Đề, Bồ Đề tức là sắc; sắc và Bồ Đề là chẳng hai, chẳng phân biệt. Dẫn đến 18 bất cộng pháp cũng là như vậy. Hành Bồ Đề là chẳng phải vì thủ mà hành cũng chẳng phải vì xả mà hành.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Nếu chẳng phải vì thủ cũng chẳng phải vì xả mà hành Bồ Đề, thì Bồ Tát hành ở chỗ nào ?

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Ý ông nghĩ sao ? Như người hóa, do Phật biến hóa ra, hành Bồ Đề ở chỗ nào ? Hành trong thủ, hay hành trong xả ?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Chẳng phải hành trong thủ, cũng chẳng phải hành trong xả.

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Cũng như vậy, Bồ Tát hành Bồ Đề chẳng phải ở trong thủ cũng chẳng phải ở trong xả mà hành vậy.

Này Tu Bồ Đề ! Ý ông nghĩ sao ? Ở trong mộng, A La Hán hành Bồ Đề ở chỗ nào hành trong thủ, hay hành trong xả?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Chẳng vậy. Chẳng phải ở trong thủ cũng chẳng phải ở trong xả. Vì sao ? Vì A La Hán rốt ráo chẳng có ngủ, thì làm sao có hành Bồ Đề ở trong mộng, có hành ở trong thủ hay ở trong xả được ?

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Bồ Tát Ma Ha Tát hành Vô Thượng Bồ Đề cũng là như vậy. Chẳng phải ở trong thủ mà hành, cũng chẳng phải ở trong xả mà hành. Đây là chỗ gọi là hành trong sắc… dẫn đến hành trong nhất thiết chủng trí.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Như vậy Bồ Tát chẳng hành 10 địa, chẳng hành sáu pháp Ba La Mật, chẳng hành bốn niệm xứ… dẫn đến tám thánh đạo, chẳng hành nội không… dẫn đến vô pháp hữu pháp không, chẳng hành các thiền định giải thoát tam muội, chẳng hành 10 Phật lực … dẫn đến 80 vẻ đẹp, chẳng trú năm thần thông, chẳng thanh tịnh Phật độ, chẳng thành tựu chúng sanh mà có được Vô Thượng Bồ Đề chăng?

Phật dạy : Đúng như vậy, đúng như vậy ! Này Tu Bồ Đề ! Đúng như lời ông nói. Bồ Tát hành Bồ Đề là chẳng chỗ hành (vô xứ hành). Thế nhưng, nếu chẳng đầy đủ 10 địa, sáu pháp Ba La Mật … dẫn đến 80 vẻ đẹp; Nếu chẳng thường xả pháp, chẳng lầm pháp, chẳng đầy đủ các pháp, thì trọn chẳng có thể được Vô Thượng Bồ Đề.

Bởi vậy nên, Bồ Tát trú trong tướng của sắc, trong các tướng của thọ, tưởng, hành và thức, … dẫn đến trong tướng của Vô Thượng Bồ Đề mới được đầy đủ 10 địa, … dẫn đến được Vô Thượng Bồ Đề.

Tướng ấy thường tịch diệt. Vì chẳng có pháp, nên chẳng có tăng giảm, chẳng có cấu tịnh, mà có thể được đạo, được quả.

Đây là vì thế tục đế mà nói Bồ Tát được Vô Thượng Bồ Đề, chẳng phải là đệ nhất nghĩa đế vậy. Vì sao ? Vì trong đệ nhất nghĩa chẳng có sắc … dẫn đến chẳng có Vô Thượng Bồ Đề; Cũng chẳng có người hành Vô Thượng Bồ Đề. Tất cả các pháp nói ra đều vì thế tục đế, chẳng phải là đệ nhất nghĩa đế vậy.

Này Tu Bồ Đề ! Từ sơ phát tâm đến nay, Bồ Tát hành Vô Thượng Bồ Đề, mà Bồ Đề chẳng có tăng, chúng sanh chẳng có giảm, Bồ Tát cũng chẳng có tăng giảm.

Này Tu Bồ Đề ! Ý ông nghĩ sao ? Nếu người lúc ban đầu được đạo, trú trong vô gián tam muội, thành tựu được các căn vô lậu, được các quả Thanh Văn, thì người ấy có chỗ sở đắc là mộng, là tâm, là đạo, là đạo quả chăng?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Chẳng có chỗ đắc vậy.

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Làm thế nào biết được người đắc đạo A La Hán ?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Vì thế tục đế nên phân biệt gọi là đạo A La Hán.

Phật dạy : Đúng như vậy, đúng như vậy ! Này Tu Bồ Đề ! Vì thế tục đế nên phân biệt gọi là Bồ Tát, gọi là sắc, là thọ, là tưởng, là hành, là thức … dẫn đến là nhất thiết chủng trí.

Trong Bồ Đề chẳng có pháp khả đắc, chẳng có pháp tăng hay giảm, vì pháp tánh là không vậy.

Các pháp tánh là không, là bất khả đắc, nên chẳng có tâm sơ địa … dẫn đến chẳng có tâm thập địa, chẳng có sáu pháp Ba La Mật, chẳng có 37 Phẩm Trợ Đạo, chẳng có ba tam muội “không, vô tướng và vô tác”, dẫn đến chẳng có hết thảy Phật pháp, vì đều là vô sở hữu.

Như vậy, này Tu Bồ Đề ! Bồ Tát Ma Ha Tát hành Vô Thượng Bồ Đề, được Vô Thượng Bồ Đề cũng chỉ vì lợi ích chúng sanh vậy.

LUẬN:

Ở phẩm trước ngài Tu Bồ Đề hỏi, “Nếu các pháp đều là không, thì làm sao lại có năm đạo chúng sanh, có thiện ác được?”.

Ở phẩm này ngài lại hỏi, “Nếu chúng sanh bất khả đắc, thì Bồ Tát vì ai mà hành Bát Nhã Ba La Mật?”.

 Phật đáp : Vì thật tế nên Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật.

Theo trên đây, thì ý ngài Tu Bồ Đề muốn nói rằng Bồ Tát vì muốn độ chúng sanh, nên hành Bát Nhã Ba La Mật. Ý Phật muốn nói rằng chúng sanh là bất khả đắc, là hư vọng, chẳng thật có, nên Bồ Tát vì hết thảy Phật pháp mà hành Bát Nhã Ba La Mật. Vì thật pháp tức là thật tế, và chúng sanh tế cũng tức là thật tế vậy.

 Hỏi : Chư Phật thấy chúng sanh khổ não, muốn độ thoát chúng sanh mà phát đại bi tâm. Nay sao lại nói vì thật tế mà phát đại bi tâm ?

Đáp : Từ khi sơ phát tâm, Bồ Tát thấy chúng sanh chìm đắm trong khổ đau, muốn diệt các khổ của chúng sanh, mà phát đại bi tâm.

Bồ Tát biết rõ các khổ “sanh, già, bệnh, chết” làm cho thân tâm chúng sanh bị suy não. Muốn tận diệt các khổ thì phải tận diệt các nguyên nhân sanh ra khổ, như Phật đã dạy trong “12 nhân duyên”. Trong “12 nhân duyên”, hai chi cuối cùng là “sanh” và “già, chết”.

Hỏi: Hết thảy chúng sanh đều biết rõ “sanh” là nhân duyên khổ. Như vậy Bồ Tát có thấy gì khác hơn chăng?

Đáp: Chúng sanh thật sự chẳng biết được rằng do có “sanh” mới có “khổ”. Nếu gặp khổ, phàm phu chỉ oán hận người đem khổ đến cho mình, mà chẳng biết rằng do mình có sanh tâm mới có sanh thân, và do có thân nên mới có khổ. Chúng sanh cứ mãi tăng trưởng các kiết sử, lớp lớp sanh pháp, mà chẳng biết rằng “sanh tâm” như vậy mới là chánh nhân của khổ. Nếu chẳng bị mắng nhiếc, đánh đập, đâm chém, … chẳng bị các nạn đói rét, binh đao …, thì cũng vẫn phải bị các khổ “già, bệnh, chết”.

Bởi vậy, nên phải tự xét mình từ đâu sanh về đây; Do nhân duyên gì mà phải thọ thân này; Phải biết rằng đã có thân là có khổ. Đã có sanh pháp thì phải có diệt pháp. Có sanh, thì phải có già, có bệnh … dẫn đến có chết. Sanh, già, bệnh, chết đều là nguyên nhân khổ. Ví như cây cỏ nay còn xanh tươi, nhưng rồi đây cũng sẽ bị tàn úa, sẽ bị chết khô vậy.

Bồ Tát biết rõ các nhân duyên sanh khổ, dạy chúng sanh truy tìm các nguyên nhân sanh khổ. Đó là “3 hữu” gồm: Dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu.

Do nhân duyên có “ ba hữu” mà khởi ra có “ bốn thủ”. Đó là : Ái thủ, dục thủ, kiến thủ và giới thủ. Tất cả đều do ái chấp và ngã chấp sanh ra. Do ái chấp mà phiền não càng lâu càng tăng trưởng, khởi ra các nghiệp.

Do nhân duyên “ bốn thủ” mà khởi sanh “ ba thọ”. Đó là : Khổ thọ, lạc thọ và xả thọ.

Như vậy, trong 12 chi nhân duyên thì các chi “ái, thủ và hữu” là nguồn gốc dẫn sanh ra các khổ.

 Lại nữa, do nhân duyên sáu căn “xúc” sáu trần, mà khởi sanh ra các thọ cùng các tâm sở khác. Cũng có thể nói do căn, trần và thức hòa hợp, dẫn sanh ra các thọ cùng các tâm sở khác, mà căn bản của sự hòa hợp là “xúc” vậy.

Ngay khi “xúc” khởi, thì liền có sáu trần y chỉ, sáu căn y chỉ, và từ đó liền có “ sáu nhập”.

Sáu “nhập” cũng tức là “danh sắc”. Khi chưa thành tựu thì được gọi là “danh sắc”. Khi đã thành tựu rồi, thì được gọi là “ sáu nhập”. Khi đã được thành tựu, thì trong sáu nhập có năm nhập thuộc về sắc, còn một nhập thuộc về danh. Sắc là thân, danh là tâm của bào thai.

Lại do nhân duyên có “thức” gá vào thai mẹ, mà bào thai lúc ban đầu chẳng bị hư nát. Thức này rất vi tế, được gọi là thức trung ấm.

Nếu chẳng có “thức” gá vào thai mẹ, thì bào thai chẳng có thể được hình thành. Phải hội đầy đủ tất cả các nhân duyên hòa hợp mới hình thành bào thai vậy.

Hỏi : Vì sao thức lại vào thai mẹ ?

Đáp : Do nhân duyên có ba nghiệp quá khứ, nên khi cha mẹ giao hợp thì các nghiệp ấy liền dẫn thức vào thai mẹ.

Ví như gió thổi làm lửa tắt, nhưng ở trong hư không lửa vẫn y chỉ nơi gió, nhen nhúm thêm nhiều đám lửa khác. Cũng như vậy, vì ở đời trước mỗi người đã từng đốt lên 6 thức, nên khi chết gió nghiệp lại dẫn thức vào thai mẹ, để thọ thân ở đời sau.

Hỏi : Vì sao nghiệp ở đời trước thì gọi là “hữu”, còn nghiệp ở đời này thì gọi là “hành”?

Đáp : Trên đây đã nói rằng do nghiệp nhân duyên đời trước mà nay có thân. Bởi vậy nên nghiệp đời trước gọi là “hữu”.

Đời quá khứ đã diệt, nên nghiệp quá khứ chỉ còn là danh suông. Nhưng cái ý chí rơi rớt lại từ các nghiệp quá khứ trở thành nhân duyên cho các hành động tạo nghiệp ở đời hiện tại. Bởi vậy nên nghiệp đời này gọi là “hành”.

Nhân duyên của “hành” là “vô minh”. Hết thảy các phiền não, tuy đều do các nghiệp tạo ra, nhưng nhân duyên căn bản vẫn là “vô minh”.

Hỏi : Từ vô thỉ đến nay, chúng sanh đã qua lại trong sanh tử, trải qua nhiều đời, nhiều kiếp. Như vậy vì sao chỉ nói đến nguyên nhân chính của sanh tử là vô minh ?

Đáp : Bồ Tát tư duy về các nỗi khổ của chúng sanh, hòng giải thoát chúng sanh khỏi các khổ.

 Bồ Tát biết rõ chúng sanh sở dĩ ở đời nay phải chịu các cảnh khổ “sanh, già, bệnh, chết”, vì ở đời quá khứ họ đã tương tục sanh tâm. Bởi vậy nên muốn đoạn trừ các khổ “sanh, già, bệnh, chết” ở đời vị lai, thì ở đời hiện tại phải đoạn tâm tương tục, khiến chẳng còn sanh nữa.

Ví như khi trị bệnh ở hiện tại, vị thầy thuốc giỏi đã truy tầm căn nguyên của bệnh trong quá khứ, nhằm chữa trị bệnh tận gốc; Lại còn ngăn chặn các khả năng phát triển của bệnh, khiến bệnh chẳng còn tái phát lại trong tương lai. Lại ví như làm rớt lửa gây ra sự cháy nhà; Muốn cho cảnh cháy nhà đừng tái diễn nữa, thì phải thận trọng đừng cho lửa rơi rớt nữa.

Bồ Tát dạy chúng sanh diệt khổ cũng là như vậy: Các khổ quá khứ đã diệt, đừng để cho sanh lại; Các khổ, do các nghiệp nhân duyên từ đời trước mà nay đã thành tựu, phải đoạn trừ; Ngay ở đời hiện tại phải tận phá các nhân duyên dẫn sanh các khổ “sanh, già, bệnh, chết” ở đời vị lai.

 Khi đã phá được pháp “sanh”, thì các pháp “già, bệnh, chết” tự nhiên hằng dứt vậy. Bởi vậy nên muốn diệt các khổ “sanh, già, bệnh, chết” ở đời vị lai, phải y nơi các nhân duyên sanh khổ ở đời hiện tại.

–o0o–

Hết thảy các nghiệp hữu lậu đều do bốn chấp.

Đó là: Ái, phiền não, thọ và xúc.

Từ bốn chấp này dẫn sanh ra hết thảy các tâm sở pháp.

Do các nghiệp duyên từ trước, nên có “xúc” là liền sanh “thọ”.

Do nhân duyên có “thọ” mà sanh ra có ba độc cùng các phiền não khác. Hết thảy các phiền não đều biểu hiện sự chấp “ái” vậy.

Nhân duyên “xúc” là ở nơi sáu nội nhập. Như trước đây đã nói, tuy bên ngoài có sáu ngoại nhập, nhưng nếu chẳng có sáu nội nhập, chẳng có xúc, thì các tâm sở chẳng sanh.

Lúc ban đầu, khi thức nhập vào thai mẹ, thì thức đã cùng với danh sắc làm nhân duyên dẫn sanh sáu nội nhập. Lúc bấy giờ sáu nội nhập chỉ có danh mà chưa có dụng, vì chưa được thành tự đầy đủ.

Đứa trẻ mới sinh ra đời, tuy đã có đầy đủ sáu nội nhập nhưng chưa có xúc, nên chưa biết được khổ và lạc. Rồi dần dần lớn lên, nó đã có xúc, đã biết khổ, biết lạc, nhưng chưa có chấp ái sâu đậm. Đứa trẻ khi còn nhỏ, tuy có sân mà chưa có khởi các ác nghiệp, tuy có vui, mà chưa khởi các thiện nghiệp. Khi thành người lớn rồi mới thật sự có thọ khổ, thọ lạc. Khổ thì sanh sân, lạc thì sanh ái, thường cầu các sự vui, thường khởi bốn thủ gồm : ái thủ, dục thủ, kiến thủ và giới thủ. Khi đã có “thủ” mới có khởi các nghiệp thiện, nghiệp ác.

–o0o–

Nếu ở một đời mà quán biết rõ được nghiệp nhân duyên là vô tánh, thì sẽ biết rõ ở trong vạn ức kiếp cũng đều là như vậy. Ví như ở hiện tại lửa nóng, thì ở quá khứ, ở vị lai lửa cũng nóng như vậy.

Nếu muốn tầm cầu gốc của “vô minh nhân duyên” thì đương nhiên sẽ bị đọa về biên kiến, xa rời đạo Niết Bàn. Vì sao ? Vì nếu đọa về hý luận, thì chẳng phải là Phật pháp vậy.

Muốn đoạn vô minh, Bồ Tát cầu thể tướng của vô minh. Khi cầu như vậy sẽ biết rõ vô minh cũng là rốt ráo không.

Kinh dạy : Chẳng thấy nội pháp, chẳng thấy ngoại pháp là thấy được tướng của vô minh.

Bồ Tát dùng nội không quán nội pháp, thấy nội pháp rốt ráo không, dùng ngoại không quán ngoại pháp, thấy ngoại pháp rốt ráo không; Dùng nội ngoại không quán nội ngoại pháp, thấy nội ngoại pháp cũng rốt ráo không. Như vậy là thấy được tướng của vô minh, như đã nói trên đây.

Kinh Đức Nữ dạy : Khi đã phá được vô minh rồi, Bồ Tát cầu thể tướng của vô minh, tức thời thấy rõ thể tướng của vô minh, cũng chính là thật tướng của các pháp.

Đây là pháp quán thật tế. Với pháp quán này, Bồ Tát thấy rõ các pháp đều là như huyễn, như hóa.

Chúng sanh, do tâm điên đảo, nên khởi ra các phiền não, tạo ra bao nhiêu nghiệp tội, khiến phải chịu luân hồi trong năm đạo chúng sanh tương tục chịu các khổ sanh tử.

Ví như con tằm tự nhả tơ để tự trói buộc lấy mình. Cũng như vậy, khi mới sanh ra đời, phàm phu chưa có các phiền não, nhưng dần dần tự tạo ra các phiền não, khiến chân tâm bị che lắp, để rồi tự trói buộc mình vào trong sanh tử luân hồi.

Bồ Tát quán biết rõ các pháp từ nguồn gốc vốn là không, biết rõ chúng sanh chỉ vì lầm chấp điên đảo mà phải thọ các khổ, nên đã phát đại bi tâm, vì chúng sanh cầu thật pháp, hành Bát Nhã Ba La Mật. Khi đã thông đạt thật tế rồi, Bồ Tát giáo hóa chúng sanh, khiến họ được an trú trong thật tế; Vì an trú trong thật tế mới chẳng có lầm lỗi.

Lại nữa, kinh dạy : Nếu thật tế và chúng sanh sai khác nhau, thì Bồ Tát chẳng hành Bát Nhã Ba La Mật. Nhưng vì thật tế và chúng sanh đều là rốt ráo không, nên Bồ Tát mới vì lợi ích chúng sanh mà hành Bát Nhã Ba La Mật.

Nếu chúng sanh là thật có, thì Bồ Tát chẳng có thể vì chúng sanh tu thật tế được. Vì chúng sanh là rốt ráo không, và thật tế cũng là rốt ráo không, chúng sanh và thật tế chẳng có sai khác, nên Bồ Tát mới có thể vì chúng sanh mà hành thật tế vậy.

Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật mới có thể đưa chúng sanh ra khỏi điên đảo, kiến lập họ nơi thật tế, mà chẳng phá hoại thật tế vậy.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi : Nếu chúng sanh tế và thật tế chẳng có sai khác nhau, thì kiến lập chúng sanh nơi thật tế là kiến lập thật tế nơi thật tế vậy. Thật chẳng thể là như vậy được. Ví như ngón tay chẳng có thể tự chỉ ngón tay được vậy.

Phật dạy : Đúng như vậy. Chẳng có thể kiến lập thật tế nơi thật tế. Thế nhưng Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật, dùng các lực phương tiện mà kiến lập chúng sanh nơi thật tế. Ở nơi thật tế, thì chúng sanh tế cùng thật tế chẳng sai khác nhau, vì đều là bất khả đắc cả.

Chúng sanh và thật tế chỉ là một tánh, nên chúng sanh tế chẳng phá hoại thật tế vậy.

Bồ Tát biết rõ hai pháp đó chẳng phải một, chẳng phải hai, là rốt ráo thanh tịnh, chẳng có hý luận.

Bởi vậy nên Bồ Tát vì thương xót chúng sanh mà muốn giáo hóa họ, nhằm đưa họ ra khỏi các chấp điên đảo.

Hỏi : Bồ Tát dùng lực phương tiện như thế nào để kiến lập chúng sanh nơi thật tế ?

Đáp : Bồ Tát dùng lực phương tiện kiến lập chúng sanh nơi bố thí, dạy chúng sanh rằng, “Bố thí là rốt ráo không, trước, sau và chặng giữa đều không”.

Bồ Tát dạy chúng sanh bố thí nhằm dẫn dắt họ ra khỏi xan tham. Thế nhưng nếu chúng sanh chấp quả báo bố thí, chấp các phước lạc ở cõi trời và cõi người, thì Bồ Tát lại dạy chúng sanh rằng, “Nếu hưởng hết phước lạc rồi, thì sẽ phải chịu các khổ não. Các phước đức phú quí, giàu sang … là nhân duyên khởi sanh các tội lỗi. Do vậy mà, khi đã hưởng hết các phước lạc, lại chuyển thân thọ các khổ ở địa ngục. Bồ Tát thương xót chúng sanh chỉ vì ham vui trong chốc lát mà phải thọ khổ lâu dài. Bởi vậy nên Bồ Tát lại vì chúng sanh nói, “Ở nơi thật tướng thì bố thí là rốt ráo không, chẳng có người thí, chẳng có người thọ, chẳng có vật thí. Ở quá khứ, ở hiện tại cũng như ở vị lai, bố thí đều là vô sở hữu, là bất khả đắc. Như vậy là bố thí trước sau và chặng giữa cũng đều là rốt ráo không”.

Bồ Tát lại nói rằng, “Bố thí là cửa ban đầu dẫn vào Phật pháp. Ở nơi thật tế, thì thật tướng của các pháp đều là không. Vậy chớ nên niệm bố thí, chớ nên chấp bố thí. Chẳng niệm, chẳng chấp bố thí như vậy là vào được nơi như như thể tướng của bố thí. Bố thí như vậy mới có được vị Cam Lồ, vào được thánh đạo, được quả vị Cam Lồ là Niết Bàn vậy”.

Bởi vậy nên, dù an trú trong thật tế, mà Bồ Tát vẫn dùng các lực phương tiện hành bố thí để độ thoát chúng sanh.

 Hành các Ba La Mật khác cũng là như vậy.

–o0o–

Ngài Tu Bồ Đề hỏi : Nếu hết thảy pháp đều là tánh không, mà trong tánh không thì chẳng có pháp, chẳng có phi pháp, cũng chẳng có chúng sanh; Như vậy, Bồ Tát làm sao có thể trú trong tánh không, mà cầu nhất thiết chủng trí được?

Phật dạy : Do Bồ Tát thường an trú trong tánh không nên mới thường hành bố thí.

Ngài Tu Bồ Đề lại hỏi : Ở trong tánh không thì hết thảy pháp đều bị phá, chẳng còn gì nữa cả. Như vậy Bồ Tát làm sao có thể an trú trong tánh không để thường hành bố thí ?

Phật dạy : Do nhân duyên, Bồ Tát biết rõ thật tướng của các pháp và an trú trong đó, tức là an trú trong tánh không, mà được Vô Thượng Bồ Đề. Bồ Tát vì chúng sanh thuyết pháp, nói hết thảy các pháp đều là tánh không, nói sắc, thọ, tưởng, hành, thức là tánh không… dẫn đến nói nhất thiết chủng trí là tánh không.

Tánh không chẳng có trú xứ, nên được gọi là pháp tánh thường trú, chẳng có sanh diệt, chẳng có cấu tịnh, chẳng có tăng giảm. Tánh không cũng được gọi là thật tướng pháp. Bồ Tát trú nơi tánh không chẳng thấy có chướng ngại, chẳng thấy có pháp chướng ngại, nên dù biết rõ chúng sanh là rốt ráo không, mà vẫn có thể dùng các lực phương tiện độ thoát chúng sanh.

Hỏi : Nếu pháp và chúng sanh bản lai đều là không, thì ai dùng lực phương tiện? Ai được độ thoát?

Đáp : “Tánh không” chẳng có tánh tướng. Nếu chấp “tánh không” có tánh tướng, mới nên nạn hỏi.

Lại nữa, khi đã vào được thật tướng pháp rồi, thì vào được tánh không; Biết rõ trong tánh không là chẳng có pháp, chẳng có chúng sanh.

Chỉ vì phàm phu chưa vào được thật tướng, nên mới ức tưởng phân biệt, chấp thật có các pháp hữu vi. Bồ Tát vì chúng sanh mà nói có các pháp, có phân biệt, rồi dần dần đưa chúng sanh vào nơi thật tướng pháp, tức là nơi tánh không vậy. Bồ Tát an trú trong tánh không, mà chẳng chấp tánh không, nên mới dùng lực phương tiện độ thoát chúng sanh.

Trong kinh, Phật dạy: Trong tánh không đó, thì chúng sanh là bất khả đắc, sắc… dẫn đến 80 vẻ đẹp đều là bất khả đắc cả.

Thế nhưng vì muốn kiến lập chúng sanh nơi thật tế, nên Bồ Tát phải vì chúng sanh nói thế đế, chẳng phải là đệ nhất nghĩa đế vậy.

–o0o–

Phật hỏi : Các người hóa có được đạo chăng ?

Ngài Tu Bồ Đề đáp : Chẳng được vậy. Vì các người hóa chẳng có căn bản thật sự. Hết thảy pháp đều là tánh không, nên cũng chẳng có căn bản thật sự.

Phật dạy : Bồ Tát hóa độ chúng sanh cũng là như vậy. Chúng sanh và các pháp đều chẳng có căn bản thật sự, mà chúng sanh điên đảo chấp là có. Nay Bồ Tát muốn đưa chúng sanh ra khỏi các chấp điên đảo, nên vì họ nói pháp “không điên đảo”. Ở nơi chỗ “không điên đảo” chẳng có ngã, chẳng có chúng sanh… dẫn đến chẳng có trí giả, chẳng có kiến giả. Các pháp tuy chỉ một tướng (nhất tướng) mà chúng sanh điên đảo chấp có rất nhiều tướng.

Bồ Tát trú trong tánh không, phá các vọng chấp của chúng sanh mà chẳng phá chúng sanh; Ở ngay nơi tướng chúng sanh điên đảo, mà độ chúng sanh ra khỏi tướng điên đảo, ra khỏi các pháp hữu lậu, và an trú họ trong pháp vô lậu.

Các pháp vô lậu mà Bồ Tát dùng để giáo hóa chúng sanh, như bốn niệm xứ… dẫn đến tám thánh đạo v.v…, đều y theo thế đế sanh diệt mà nói ra, nên chẳng bằng được đệ nhất nghĩa đế vậy.

Hỏi : Thế nào gọi là “tánh không”, thế nào gọi là “Bồ Tát đạo”?

Đáp : Ở nơi thế tục đế thì có phân biệt giữa tánh không và Bồ Tát đạo. Ở nơi đệ nhất nghĩa đế thì chẳng có phân biệt.

Thật tướng các pháp tức là tánh không. Bồ Tát hành các Pháp chỉ để cầu tánh không, nên nói chẳng vì Bồ Tát đạo mà chỉ vì tánh không vậy. Trước sau chỉ vì tánh không mà tu, nên là thường không, là chẳng có chỗ sở tác (vô sở tác) chẳng phải là do lực trí huệ, mà là tự không. Tánh không tự là như vậy.

Phật và Bồ Tát dùng lực trí huệ dạy cho chúng sanh biết như vậy, để tự phá chấp điên đảo. Ví như tánh của hư không là thường thanh tịnh. Bồ Tát thuyết pháp chỉ cho chúng sanh biết tự tánh của các pháp là rốt ráo không, cũng ví như gió thổi phá đám mây mù, khiến hư không trở lại thanh tịnh như trước.

Bồ Tát biết rõ tánh không, nên được đầy đủ các đạo, độ thoát chúng sanh, thanh tịnh Phật độ. Bồ Tát được vô sanh pháp nhẫn, vào “như huyền đạo” mà hành Bồ Tát đạo. Do vậy mà thọ đủ các hình tướng trang nghiêm.

Phật dạy : Hết thảy pháp đều là tánh không; và tánh không là chân thật pháp. Người được pháp ấy gọi là PHẬT. Lìa tánh không ra thì chẳng có được đạo quả. Vì sao ? Vì lìa tánh không tức là có chấp tướng; có chấp tướng tức là chẳng có đạo quả vậy. Nếu lìa tánh không, mà bố thí, trì giới v.v… thì tuy chẳng bị đọa về các đường ác, tuy được hưởng phước sanh lên cõi trời, nhưng khi hết phước rồi thì cũng vẫn phải bị đọa trở lại. Trái lại, nếu hành tánh không mà chẳng chấp tánh không, thì đó tức là Niết Bàn vậy. Nếu hành pháp không mà còn có chấp, thì rất dễ bị thối tâm; Nếu hành pháp không mà còn có chấp, thì chẳng có bị lỗi lầm, nên chẳng có thối tâm.

Ngài Tu Bồ Đề thưa : Thật là hy hữu, Bồ Tát hành tánh không như vậy mà chẳng hoại tướng tánh không. Vì sắc chẳng khác tánh không … dẫn đến Vô Thượng Bồ Đề chẳng khác tánh không.

Phật dạy : Nếu sắc khác với tánh không … dẫn đến Vô Thượng Bồ Đề khác với tánh không, thì Bồ Tát chẳng có thể được nhất thiết chủng trí. Vì sắc … dẫn đến Vô Thượng Bồ Đề chẳng khác tánh không, nên Bồ Tát biết rõ hết thảy pháp tánh không mà phát tâm cầu Vô Thượng Bồ Đề. Vì sao ? Vì ở trong đó chẳng có pháp gì là thật, là thường cả. Vì phàm phu chấp ngã, chấp các nội ngoại pháp, nên chẳng có thể được giải thoát khỏi “sanh, già, bệnh, chết” vậy.

Trái lại, Bồ Tát hành tánh không, hòa hợp với sáu pháp Ba La Mật nên chẳng hoại hết thảy các pháp tướng. Vì sao ? Vì thật tướng các pháp tức là tánh không. Tánh không chẳng hoại tánh không; Sắc chẳng hoại tướng sắc không … dẫn đến Vô Thượng Bồ Đề chẳng hoại tướng tướng Vô Thượng Bồ Đề không. Nơi đây, Phật dùng thí dụ “nội hư không chẳng hoại ngoại hư không” vì đồng một thể như vậy.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi : Nếu các pháp đều là không, là vô phân biệt, thì Bồ Tát y chỗ nào mà cầu Vô Thượng Bồ Đề?

Phật dạy : Nếu hành “ hai tướng” thì chẳng có được Vô Thượng Bồ Đề. Nếu chẳng dùng “ hai tướng” mới có được Vô Thượng Bồ Đề. Chẳng phải ở nơi sắc… dẫn đến chẳng phải ở nơi trí huệ mà hành trí huệ. Hành trí huệ là chẳng phải vì thủ mà hành, cũng chẳng phải vì xả mà hành.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi : Nếu chẳng phải vì thủ cũng chẳng phải vì xả mà hành Bồ Đề, thì Bồ Tát hành Bồ Đề ở chỗ nào?

Nên biết “thủ” là chấp, “xả” là chẳng chấp. “Hành thủ” là hành hai tướng, “hành xả” là chẳng hành hai tướng. Ở đây, nêu lên sự phân biệt giữa “ hai tướng” và “không hai tướng” (bất nhị tướng).

Phật dạy : Người hóa hành Bồ Đề ở chỗ nào ? Hành trong thủ, hay hành trong xả ?

Ngài Tu Bồ Đề thưa : Người hóa chẳng có chỗ hành, vì chẳng có các tâm và tâm sở.

Phật dạy : Ở trong mộng, A La Hán hành Bồ Đề ở chỗ nào ? Hành trong thủ hay hành trong xả ?

Ngài Tu Bồ Đề thưa : A La Hán chẳng ngủ. Như vậy làm sao có thể hành Bồ Đề ở trong mộng! Làm sao có thể hành trong thủ, hay hành trong xả được!

Hỏi : Vì sao Phật hỏi, “Ở trong mộng, A La Hán hành Bồ Đề ở chỗ nào”?

Đáp : A La Hán đã được lậu tận. Thế nhưng ở đây Phật muốn nói rõ hành mà chẳng chỗ hành (vô sở hành) mới thật là hành vậy.

Hỏi : Đến Phật cũng còn có ngủ. A La Hán làm sao mà chẳng có ngủ được ? Do đâu biết được như vậy ?

Đáp : Phật thường bảo ngài A Nan rằng, “Hãy xếp chiếc y Uất đa la tăng, vì ta cần nằm ngủ chút ít. Ông hãy vì các Tỳ Kheo nói pháp”.

Lại nữa, trong kinh có nêu mẩu chuyện sau đây :

Ông Tát Già Ni Càn đến hỏi Phật : Suốt đêm Phật có ngủ chăng ?

Phật đáp : Vào cuối mùa xuân và đầu mùa hạ tiết trời nóng bức, nên ta có ngủ chút ít để trừ các bệnh do ăn uống gây ra.

Ông Tát Già Ni Càn lại hỏi : Đêm ngày ngủ mãi có phải là si tướng chăng ?

Phật đáp : Các lậu tương tục sanh thân mà chẳng đoạn mới gọi là si tướng. Nếu chẳng đoạn các lậu thì dù thường chẳng ngủ cũng gọi là si.

Trái lại khi các lậu đã đoạn rồi, thì dù có ngủ cũng chẳng gọi là si.

Hỏi : Theo trên đây thì Phật, A La Hán đều có ngủ. Như vậy thì sao ngài Tu Bồ Đề lại nói A La Hán còn chẳng có ngủ ?

Đáp : Có hai trường hợp : Ngủ có mộng và ngủ chẳng có mộng. Các bậc A La Hán chẳng phải vì muốn chấp sự an ổn mà ngủ; trái lại chỉ vì muốn giữ gìn thân mà có ăn, có ngủ. Đây là trường hợp ngủ chẳng có mộng.

Sở dĩ ngài Tu Bồ Đề nói A La Hán chẳng có ngủ, là vì ngài muốn nói A La Hán đã ly dục, đã được tâm hoan lạc, nên chẳng cần ngủ nghỉ. Thế nhưng Phật cũng như chư Đại A La Hán vẫn thọ “nhân pháp”, thị hiện có ngủ nghỉ để dùng làm phương tiện độ chúng sanh.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi : Nếu Bồ Tát chẳng tu hành thì làm sao thành tựu được 10 địa … dẫn đến được Vô Thượng Bồ Đề?

Phật dạy : Đúng như vậy. Bồ Tát hành Bồ Đề là chẳng có chỗ hành (vô hành xứ). Thế nhưng nếu chưa đầy đủ 10 địa, sáu pháp Ba La Mật … thì trọn chẳng được Vô Thượng Bồ Đề. Bồ Tát trú trong tướng sắc … dẫn đến trú trong tướng Vô Thượng Bồ Đề mà được Vô Thượng Bồ Đề, nhưng chẳng xả pháp sắc, cũng chẳng chấp tướng Vô Thượng Bồ Đề, vì tướng ấy thường tịch diệt, chẳng tăng giảm, chẳng cấu tịnh.

Chỉ vì thế tục đế mà nói ra có đắc đạo hay chẳng đắc đạo, có đắc quả hay chẳng đắc quả vậy thôi. Bồ Tát được Vô Thượng Bồ Đề, ở trong đệ nhất nghĩa đế chẳng thấy có sắc … dẫn đến chẳng thấy có Vô Thượng Bồ Đề.

–o0o–

Phật muốn nói rõ sự việc trên đây nên hỏi lại ngài Tu Bồ Đề : Ý ông nghĩ sao ? Khi ông đoạn sạch phiền não, ông có thấy có chỗ đắc đạo chăng? Có pháp nào quyết định chăng?

Ngài Tu Bồ Đề thưa : Chẳng có chỗ đắc. Vì sao ? Vì con là người trú trong pháp môn vô tướng để vào đạo, thì làm sao có chấp tướng được?

Phật lại hỏi : Ông chẳng chấp pháp, dẫn đến vi tế pháp cũng chẳng chấp. Như vậy do đâu mà nói ông là A La Hán?

Ngài Tu Bồ Đề thưa : Do thế tục pháp mà nói con là A La Hán, chẳng phải là đệ nhất nghĩa đế.

Chỉ phàm phu mới chấp có được (đắc), có mất (thất), có chúng sanh, có Phật, có Bồ Đề.

Do thế tục pháp, nên nói có Bồ Tát, có hết thảy các sắc pháp. Trái lại, ở nơi Bồ Đề thì chẳng có một định pháp nào cả, chẳng có Phật, chẳng có Bồ Tát, chẳng có chúng sanh, cũng chẳng có Bồ Đề vậy.

Bồ Tát quán pháp Bồ Đề chẳng có tăng giảm. Vì sao? Vì các pháp tánh là thường như vậy. Bồ Tát chẳng đắc pháp tánh, huống nữa là đắc sơ địa … dẫn đến thập địa, đắc sáu pháp Ba La Mật, đắc 37 Phẩm Trợ Đạo … dẫn đến đắc 18 bất cộng pháp.

Nếu nói có chỗ sở đắc, thì đó là hý luận. Vì sao ? Vì ngay từ căn bản, pháp tánh là bất khả đắc vậy. Bởi vậy nên Bồ Tát hành các pháp tánh, được thật trí huệ, thường làm lợi ích cho chúng sanh.

(Hết Quyển 90)