LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ

Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG

 

TẬP V
QUYỂN 89

Phẩm thứ bảy mươi tám
(Tiếp theo)
Tứ Nhiếp Pháp
(Tiếp theo)

KINH:

* Thế nào là 80 vẻ đẹp?

Này Tu Bồ Đề ! Đó là:

  1. Đỉnh đầu chẳng thấy được1.
  2. Đôi môi cong, đẹp, tợ như vầng trăng non.
  3. Thân vững vàng như thân Na La Diên (lực sĩ cõi tiên).
  4. Khi xoay, thân tợ như thân voi chúa.
  5. Móng tay đỏ, như màu đồng
  6. Toàn thân tinh khiết.
  7. Thân thẳng, chẳng cong.
  8. Chỉ ở bàn tay trang nghiêm.
  9. Mắt cá chẳng lộ ra.
  10. Khi đi, thân chẳng lay động.
  11. Tay chân đầy đủ.
  12. Mũi cao thẳng, lỗ mũi kín.
  13. Vành tai lớn và dài, thòng xuống.
  14. Đầu xương câu móc với nhau móc xích.
  15. Khi đi, chân dở cách đất 4 tấc, chỉ chân hiện rõ trên mặt đất.
  16. Đầu gối cứng và tròn.
  17. Thân mềm mại.
  18. Ngón tay dài và vót tròn.
  19. Mạch máu ẩn sâu.
  20. Thân tròn láng, mịn màng.
  21. Thân đầy đủ.
  22. Dung nghi đầy đủ.
  23. Thường an ổn, chẳng động.
  24. Tất cả đều muốn nhìn.
  25. Mặt chẳng đổi sắc.
  26. Môi đỏ như trái tần bà.
  27. Rún sâu và tròn đầy.
  28. Tay chân bằng và đầy.
  29. Chỉ tay thẳng và sáng.
  30. Chỉ tay chẳng đứt đoạn.
  31. Gương mặt rộng và đẹp.
  32. Hòa vui với chúng sanh.
  33. Mùi thơm tỏa ra nơi miệng.
  34. Đi chậm rãi như voi chúa.
  35. Đầu như trái ma đà na.
  36. Răng sắc bén.
  37. Lưỡi mỏng.
  38. Lông tinh khiết.
  39. 9 lỗ có tướng đầy đủ.
  40. Rún chẳng lộ ra ngoài.
  41. Bụng thon.
  42. Thân đoan nghiêm.
  43. Thân cao ráo.
  44. Quanh thân có hào quang một trượng.
  45. Xem chúng sanh bình đẳng.
  46. Tùy chúng sanh mà dùng âm thanh vừa đủ nghe.
  47. Tùy thuận chúng sanh mà thuyết pháp.
  48. Thuyết pháp theo thứ lớp nhân duyên.
  49. Người xem chẳng nhàm chán.
  50. Tóc chẳng rối.
  51. Tóc xanh như ngọc thanh châu.
  52. Tất cả đều oai nghiêm.
  53. Khuôn mặt dài vừa phải.
  54. Khuôn mặt tròn đầy.
  55. Âm hưởng thâm sâu.
  56. Lông xoắn về phía phải.
  57. Tay chân như ý.
  58. Chỉ tay dài.
  59. Chúng sanh có ác tâm khi nhìn thấy, liền được vui.
  60. Mặt sáng như trăng rằm.
  61. Mùi thơm từ lỗ chân lông.
  62. Dung nghi oai vệ như sư tử.
  63. Tướng đi như ngỗng chúa.
  64. Âm phát ra đầy đủ, rõ ràng.
  65. Lưỡi màu đỏ.
  66. Lông màu hồng.
  67. Mặt rộng và dài.
  68. Tay chân trắng và đỏ như màu hoa sen.
  69. Bụng cũng chẳng lộ.
  70. Thân chẳng khuynh động.
  71. Phần thân trên nở nang.
  72. Tay chân dịu dàng, tinh khiết.
  73. Khi đi có hào quang chiếu theo.
  74. Chẳng khinh chúng sanh.
  75. Thuyết pháp mà chẳng chấp.
  76. Đến nơi nào thì dùng ngôn ngữ nơi đó mà thuyết pháp.
  77. Chúng sanh chẳng thể thấy hết các tướng nơi thân Phật.
  78. Tóc dài và đẹp.
  79. Tóc xoắn đẹp.
  80. Tay chân có tướng phước đức.

Này Tu Bồ Đề ! Thân Phật thành tựu đầy đủ 80 vẻ đẹp như vậy.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề ! Khi hành Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát dạy chúng sanh rằng, “Này các Thiện Nam, Thiện Nữ ! Phải khéo phân biệt các tự môn, từ 1 chữ … dẫn đến 42 chữ. Hết thảy các tự môn đều nhập vào trong tự môn đầu tiên; Cũng đều nhập vào trong tự môn thứ hai, trong tự môn thứ ba … dẫn đến cũng đều nhập vào trong tự môn thứ bốn mươi hai.

Tất cả các ngữ ngôn đều nhập vào trong 42 chữ; một chữ nhập vào trong 42 chữ; 42 chữ nhập vào trong một chữ.

Chúng sanh phải như vậy mà khéo học 42 chữ. Khéo học 42 chữ rồi, lại phải khéo thuyết “tự pháp”.Khéo thuyết “tự pháp”, rồi lại phải khéo thuyết “vô tự pháp”.

Này Tu Bồ Đề ! Phật khéo biết pháp, khéo biết “tự pháp”, khéo biết “vô tự pháp”; vì “vô tự pháp” mà nói “tự pháp”. Vì sao ? Vì vượt lên trên hết thảy “danh tự pháp”, nên gọi là Phật pháp.

Này Tu Bồ Đề ! Như vậy là Bồ Tát dùng tài thí và pháp thí để nhiếp độ chúng sanh.

Đây là việc làm rất hy hữu, khó có thể bì kịp.

–o0o–

 * Thế nào là Bồ Tát dùng ái ngữ để nhiếp độ chúng sanh ?

Này Tu Bồ Đề ! Bồ Tát dùng 6 pháp Ba La Mật, vì chúng sanh, thuyết pháp, dạy họ rằng, “Người hành sáu pháp Ba La Mật nhiếp được hết thảy các thiện pháp”.

–o0o–

* Thế nào là Bồ Tát dùng lợi hành để nhiếp độ chúng sanh ?

Này Tu Bồ Đề ! Bồ Tát thấy chúng sanh chìm đắm trong đêm dài vô minh, nên dùng sáu pháp Ba La Mật để giáo hóa chúng sanh, khuyên họ hành sáu pháp Ba La Mật.

–o0o–

* Thế nào là Bồ Tát dùng đồng sự để nhiếp độ chúng sanh ?

Này Tu Bồ Đề ! Bồ Tát dùng các lực thần thông biến hóa, vào tận trong năm đạo chúng sanh, sống chung với chúng sanh, làm các công việc chung với chúng sanh, rồi dùng bốn nhiếp pháp “bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự”, để tùy duyên nhiếp độ chúng sanh.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật Bạch Thế Tôn ! Chúng sanh là bất khả đắc, pháp là bất khả đắc, pháp tánh cũng là bất khả đắc vì là rốt ráo không, là vô thỉ không vậy.

Bạch Thế Tôn ! Như vậy, Bồ Tát làm sao hành sáu pháp Ba La Mật; làm sao hành bốn thiền, bốn vô lượng tâm, bốn vô sắc định, 37 Phẩm Trợ Đạo, 18 pháp không; Làm sao hành ba giải thoát môn “không, vô tướng và vô tác”, tám bối xả, chín thứ đệ định; Làm sao hành 10 Phật lực, bốn vô sở úy, bốn vô ngại trí, 18 bất cộng pháp; làm sao hành 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp ? Bồ Tát làm sao an trú trong năm thần thông mà vì chúng sanh thuyết pháp?

Bạch Thế Tôn ! Chúng sanh bất khả đắc, năm ấm bất khả đắc, sáu pháp Ba La Mật bất khả đắc … dẫn đến 80 vẻ đẹp cũng bất khả đắc.

Trong bất khả đắc, chẳng có chúng sanh, chẳng có sắc … dẫn đến chẳng có 80 vẻ đẹp.

Bạch Thế Tôn ! hành Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát làm sao có thể vì chúng sanh thuyết pháp được ?

Bạch Thế Tôn ! Khi hành Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát còn bất khả đắc, huống nữa là có Bồ Tát pháp!

Phật dạy : Đúng như vậy, đúng như vậy ! Này Tu Bồ Đề ! Như chỗ ông nói. Vì chúng sanh bất khả đắc, nên là nội không, là ngoại không, là nội ngoại không … dẫn đến là vô pháp hữu pháp không. Vì chúng sanh bất khả đắc, nên năm ấm, 12 nhập, 18 giới, 12 nhân duyên … dẫn đến 18 bất cộng pháp đều không; Bốn quả Thanh Văn … dẫn đến Vô Thượng Bồ Đề đều không.

Này Tu Bồ Đề ! Bồ Tát quán hết thảy pháp đều không; nên vì chúng sanh thuyết pháp, mà chẳng chấp tướng “không”.

Bồ Tát quán các pháp vô ngại, mà chẳng phá hoại pháp tướng, chẳng có phân biệt, chỉ vì chúng sanh như thật thuyết pháp vậy.

Ví như Phật hóa ra vô lượng người, rồi dạy cho họ tu bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tính tấn, thiền định, trí huệ; Dạy họ tu 4 vô lượng tâm, 4 vô sắc định v.v… Ý ông nghĩ sao? Có phân biệt biết các người hóa đó phá hoại các pháp chăng?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Chẳng được vậy.

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Phải biết Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật, vì chúng sanh thuyết pháp, khiến họ xa rời được điên đảo, an trú nơi pháp vô phược, vô giải (chẳng trói, chẳng mở).

Vì sao ? Vì sắc chẳng trói, chẳng mở … dẫn đến thức chẳng trói, chẳng mở. Sắc chẳng trói, chẳng mở là chẳng phải sắc … dẫn đến thức chẳng trói, chẳng mở là chẳng phải thức.

Vì sao ? Vì sắc, thọ, tưởng, hành và thức đều rốt ráo thanh tịnh … dẫn đến vì hết thảy pháp hữu vi và vô vi đều là rốt ráo thanh tịnh.

Như vậy, này Tu Bồ Đề ! Bồ Tát vì chúng sanh thuyết pháp, mà chẳng đắc chúng sanh, chẳng đắc hết thảy pháp, vì tất cả đều là bất khả đắc.

Bồ Tát chẳng trú pháp, chẳng trú pháp tướng. Vì sao ? Vì sắc … dẫn đến pháp hữu vi, pháp vô vi đều là không; vì tự tánh các pháp là bất khả đắc, nên chẳng có chỗ trú vậy.

Này Tu Bồ Đề ! Bồ Tát dùng pháp “không” như vậy mà nói pháp tức là hành Bát Nhã Ba La Mật. Do vậy nên, dù nói Phật pháp, dù nói Thanh Văn pháp, dù nói Bích Chi Phật pháp cũng đều chẳng có lỗi lầm.

Vì sao ? Vì khi đã đắc các pháp rồi, mới y pháp nói ra, mà chẳng chuyển các pháp tướng. Ví như pháp tánh thật tế là không, là chẳng chuyển được, nên chẳng hành (vô hành) là hành pháp vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Nếu như pháp tánh thật tế chẳng chuyển, thì sắc cùng với pháp tánh, pháp như và thật tế có gì khác nhau chăng ? Thọ, tưởng, hành, thức … dẫn đến pháp hữu vi, pháp vô vi, pháp thế gian, pháp xuất thế gian, pháp hữu lậu, pháp vô lậu … cùng với pháp tánh, pháp như, thật tế có gì khác nhau chăng?

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Sắc … dẫn đến pháp hữu lậu, pháp vô lậu cùng với pháp tánh, pháp như, thật tế chẳng có gì sai khác nhau cả.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Nếu chẳng có gì khác, thì làm sao phân biệt pháp ác có quả báo ác đưa đến các cõi địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh; Pháp lành có quả báo lành đưa đến các cõi trởi và người ? Làm sao phân biệt phàm và thánh?

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Do ở nơi thế đế mà phân biệt có quả báo ác, quả báo thiện. Chẳng phải ở nơi đệ nhất nghĩa vậy.

Vì sao ? Vì ở nơi đệ nhất nghĩa chẳng có tướng, chẳng có phân biệt, cũng chẳng có ngôn thuyết. Hết thảy các pháp, từ sắc … dẫn đến pháp hữu lậu, pháp vô lậu đều là chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng cấu, chẳng tịnh, đều là rốt ráo không, là vô thỉ không.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Nếu do nơi thế đế mà phân biệt có các quả báo, chẳng phải do nơi đệ nhất nghĩa đế, thì phàm phu cũng có được quả Tu Đa Hoàn … dẫn đến được quả Vô Thượng Bồ Đề chăng ?

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! phàm phu có biết đệ nhất nghĩa đế chăng ? Nếu biết, thì cũng có được quả Tu Đà Hoàn … dẫn đến được quả Vô Thượng Bồ Đề.

Này Tu Bồ Đề ! Vì phàm phu chẳng biết được thế đế, cũng chẳng biết được đệ nhất nghĩa đế, chẳng biết đạo, chẳng phân biệt được các đạo quả, thì chẳng sao có được đạo quả.

Này Tu Bồ Đề ! Các bậc Thánh biết rõ thế đế, cũng biết rõ đệ nhất nghĩa đế, có đạo, có tu đạo, nên phân biệt biết rõ có các quả sai khác.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Tu đạo có được quả chăng?

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Chẳng được vậy. Tu đạo chẳng được quả; không tu đạo cũng chẳng được quả; mà cũng chẳng ly đạo quả. Lại cũng chẳng trú trong đạo mà được quả.

Như vậy, này Tu Bồ Đề ! Khi hành Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát chỉ vì chúng sanh phân biệt có các quả, mà chẳng phân biệt là tánh hữu vi hay tánh vô vi.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Nếu chẳng có phân biệt tánh hữu vi hay tánh vô vi của các quả, thì vì sao Phật lại nói rằng, “3 hạ phần kiết sử tận, thì được quả Tu Đà Hoàn. Tham sân si mỏng, thì được quả Tư Đà Hàm. 5 kiết sử tận, thì được quả A Na Hàm. 10 kiết sử tận, thì được quả A La Hán. Hết thảy tập khí tận, thì được quả Bích Chi Phật. Các phiền não và tập khí tận, thì được quả Vô Thượng Bồ Đề.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Làm sao có thể phân biệt các quả là tánh hữu vi hay là tánh vô vi?

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Ông cho các quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật … dẫn đến quả Vô Thượng Bồ Đề là hữu vi hay là vô vi?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Tất cả các quả đó đều là vô vi.

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Trong pháp vô vi có phân biệt chăng?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Chẳng vậy.

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Nếu có Thiện Nam, Thiện Nữ nào thông đạt hết thảy pháp hữu vi và vô vi đều là nhất tướng, là vô tướng, thì người ấy có còn phân biệt hữu vi và vô vi chăng ?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Chẳng vậy.

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Bồ Tát vì chúng sanh thuyết pháp mà chẳng phân biệt các pháp, vì biết tất cả đều là nội không … dẫn đến đều là vô pháp hữu pháp không vậy.

Bồ Tát tự mình chẳng chấp trước các pháp, và cũng dạy người khác chẳng chấp trước các pháp. Khi tu 6 pháp Ba La Mật, tu 37 Phẩm Trợ Đạo, tu bốn thiền, tu bốn vô lượng tâm … dẫn đến tu nhất thiết chủng trí, Bồ Tát tự mình chẳng chấp trước, và cũng dạy người khác chẳng chấp trước. Vì chẳng có chỗ chấp trước, nên cũng chẳng có chỗ chướng ngại.

Ví như người hóa, do Phật biến hóa ra, chỉ vì độ chúng sanh, mà hành bố thí, nhưng chẳng thọ quả báo bố thí … dẫn đến chỉ vì độ chúng sanh mà hành nhất thiết chủng trí, nhưng chẳng thọ quả báo nhất thiết chủng trí.

Cũng như vậy, Bồ Tát chỉ vì độ chúng sanh mà hành 6 pháp Ba La Mật … dẫn đến hành hết thảy các pháp hữu lậu, vô lậu, hữu vi vô vi mà chẳng trú cũng chẳng thọ các quả báo. Vì sao ? Vì Bồ Tát thông đạt các pháp tướng đều là vô sở hữu vậy.

LUẬN :

Hỏi : An lập trú xứ của người thế gian và của người xuất gia tu hành khác nhau như thế nào?

Đáp : Người thế gian dùng sức mạnh, quyền uy để an lập trú xứ của mình, khiến chẳng ai có thể xâm phạm được. Ví như người dũng sĩ cầm khí giữ gìn trú xứ của mình, khiến chẳng có ai dám đến xâm lăng. Trái lại, người xuất gia do công đức tu hành mà có oai lực an lập trú xứ của mình, khiến các ma quỉ chẳng dám quấy phá vậy.

Hỏi : Thế nào là khéo biết 42 tự môn?

Đáp : Trong kinh Đại Thừa có nói rằng, “Tất cả các ngữ ngôn đều nhập vào trong 42 chữ; 1 chữ nhập vào trong 42 chữ; 42 chữ nhập vào trong 1 chữ. Phải khéo học 42 chữ. Khéo học 42 chữ rồi lại phải khéo thuyết tự pháp. Khéo thuyết tự pháp rồi lại phải khéo thuyết vô tự pháp”.

 Ví như 2 chữ, 3 chữ … họp lại thành chữ đôi, chữ ba … Như vậy, 1 chữ thành ra 2, 3 … dẫn đến có hàng ngàn, vạn chữ.

Cũng ví như A biến thành BA, thành LA … Như vậy, có thể nhập 42 chữ vào 1 chữ A; trong 42 chữ đều có phần chữ A.

Biết như vậy gọi là khéo biết pháp danh tự. Khéo biết pháp danh tự dẫn đến khéo biết pháp nghĩa, tức là khéo biết thật tướng nghĩa của các pháp. Vì sao ? Vì ở nơi pháp nghĩa thì các pháp đều chẳng có danh tự.

–o0o–

Ngài Tu Bồ Đề hỏi : Nếu các pháp là rốt ráo không, là chẳng có danh tự, thì Bồ Tát làm sao trú trong các thần thông, để vì chúng sanh nói pháp ? Nếu là rốt ráo không, thì chúng sanh cũng không, mà các pháp cũng không.

Phật dạy : Đúng như vậy, đúng như vậy ! Do 18 pháp không, mà biết rõ hết thảy pháp đều là bất khả đắc, biết rõ Phật, Bồ Tát đều là không. Biết rõ như vậy rồi mới có thể vì chúng sanh nói pháp. Vì sao ? Vì nếu chúng sanh có mà nói không, thì chẳng có thể nghe được. Nhưng vì chúng sanh là không, chỉ do tâm chấp điên đảo mà cho là có, nên Bồ Tát chẳng mất không, mà vẫn vì chúng sanh nói pháp vậy.

Nói chẳng mất không, vì các pháp đều là không vậy. Nếu nói chẳng không (bất không) mới là có lỗi. Nếu miệng nói không, mà tâm chấp có, thì cũng có lỗi.

 Phật tự nói nhân duyên pháp chẳng phải hai (bất nhị) là chẳng hoại các pháp tướng. Muốn cho rõ ràng hơn, Phật nêu lên thí dụ về người hóa vì chúng sanh nói pháp. Đây là phương tiện nói pháp, nên chẳng có lỗi lầm, mà trái lại có thể dẫn dắt chúng sanh ra khỏi các chấp điên đảo.

Trong thế đế thì có trói (phược), có mở (giải); trong đệ nhất nghĩa thì chẳng có trói, chẳng có mở. Vì sao ? Vì sắc … dẫn đến thức đều là nhất tướng, là vô tướng.

 Bồ Tát dùng pháp như vậy, mà chẳng trú pháp; dùng “không” để vì chúng sanh nói pháp, mà vẫn biết rõ là chúng sanh cùng hết thảy các pháp đều là bất khả đắc.

Phật dạy, “Vô sở hữu chẳng trú vô sở hữu. Ví như hư không chẳng trú trong hư không vậy. Pháp tự tánh chẳng trú trong pháp tự tánh; ví như trong tánh nước chẳng có tánh lửa vậy”.

Nếu biết được như vậy, mà thanh tịnh thuyết pháp, thì dù thuyết Phật pháp, Bồ Tát pháp, Thanh Văn pháp … cũng đều chẳng có lỗi lầm. Vì sao ? Vì chư Phật, chư Bồ Tát, chư Thành Hiền chẳng chấp hết thảy các pháp. Người bố thí pháp cũng chẳng chấp mình có bố thí pháp. Vì sao ? Vì các ngài đều y nơi tướng tịch diệt mà thuyết pháp vậy.

Chư Phật, chư Bồ Tát và chư Thánh Hiền đã thâm nhập vào 3 giải thoát môn, nên vào được nơi thật tánh của các pháp, là vô dư Niết Bàn.

Phật dạy, “Người được pháp ấy rồi mà vì chúng sanh thuyết pháp thì chẳng chuyển pháp tánh. Vì sao ? Vì pháp tánh là không, là vô tướng vậy”.

Ngài Tu Bồ Đề lại hỏi : Nếu chẳng chuyển pháp tánh, thì sắc cùng pháp tánh có sai khác gì chăng?

 Phật dạy : Chẳng khác. Vì thật tướng của hết thảy các pháp tức là pháp tánh vậy.

Ý Phật muốn dạy Bồ Tát rằng, “Khi thuyết pháp chẳng nên hoại pháp tánh”.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi : nếu sắc chẳng khác pháp tánh, thì làm sao có thể phân biệt pháp thiện với pháp ác, nghiệp thiện với nghiệp ác?

Phật dạy : Tuy rằng hết thảy pháp chẳng ly pháp tánh, nhưng ở nơi thế đế vẫn có phân biệt; còn ở nơi đệ nhất nghĩa đế thì chẳng có phân biệt.

Các bậc Thánh đã được đệ nhất nghĩa đế rồi, nên chẳng còn có phân biệt. Nghe có đắc cũng chẳng vui, nghe chẳng có đắc cũng chẳng buồn. Vì sao ? Vì khi đã thâm nhập vào không, vào vô tướng rồi, thì đến các pháp vi tế cũng chẳng còn chấp nữa, huống nữa là chấp có thiện có ác, có được có mất.

Ở đây, Phật tự nói nhân duyên các pháp đều chẳng có ngôn thuyết, đều là chẳng có sanh, chẳng có diệt, chẳng có cấu, chẳng có tịnh, vì đều là rốt ráo không, là vô thỉ không vậy.

Hỏi : Vì sao nói nhiều về chúng sanh không và pháp không?

Đáp : Bồ Tát vì chúng sanh nói pháp nhằm phá hai chấp ngã và pháp,  nên chỉ nói về pháp không nầy nhiều hơn.

 Vì sao ? Vì nếu nói về vô thỉ không thì phá cả chúng sanh lẫn pháp, và cũng tận phá các pháp. Còn nói về rốt ráo không, thì ví như nói đốt cháy rụi gỗ rồi, chỉ còn tro và khói v.v…

Ở nơi đây, ngài Tu Bồ Đề y thế đế nên nói có phân biệt thiện ác, có phân biệt nghiệp thiện, nghiệp ác …

 Phàm phu dùng thế đế mà phân biệt có các quả Tu Đa Hoàn, Tư Đà Hàm v.v…, phân biệt có thánh có phàm. Nếu hiểu được đệ nhất nghĩa đế rồi, thì chẳng còn có phân biệt.

Khi còn phân biệt thì thấy phàm phu cùng chư Thánh có sai khác. Khi đã vào trong đệ nhất nghĩa đế rồi, thì sẽ thấy hết thảy pháp chỉ là nhất tướng, là vô tướng, thì phàm và Thánh chẳng còn phân biệt nữa.

Phật dạy : Nếu phàm phu mà biết được thế đế và đệ nhất nghĩa đế, thì người ấy ắt sẽ được quả Tu Đà Hoàn là Thánh quả. Nhưng vì phàm phu chẳng phân biệt được đạo, hành đạo, tu đạo, nên chẳng được đạo quả. Còn các bậc Thánh cũng có phân biệt để làm phương tiện nói pháp, nhưng vẫn thường ở trong Thánh quả.

Lúc bấy giờ, ngài Tu Bồ Đề nghĩ rằng, “Trong pháp tánh vô lượng, vô tướng, vô động, thì làm sao có thể chấp tướng, làm sao có thể dùng pháp  phàm phu mà chứng Thánh quả được. Người biết thọ lời Phật dạy, biết hành đạo mới được quả, người chẳng biết hành đạo thì chẳng được quả”.

Suy nghĩ như vậy, ngài hỏi : Tu đạo được quả chăng?

 Phật dạy : Chẳng được vậy.

Hỏi : Trước đây Phật dạy tu đạo dẫn đến được quả. Nay vì sao Phật lại dạy “tu đạo chẳng được quả, mà không tu đạo cũng chẳng được quả” ?

Đáp : Trước đây, Phật dùng tâm chẳng chấp mà thuyết. Nay ngài Tu Bồ Đề dùng tâm chấp mà hỏi, muốn từ trong đạo xuất sanh ra quả như lấy dầu từ trong mè. Nói từ trong đạo xuất sanh ra quả là hư dối, nên Phật trả lời là, “Chẳng được”.

Do muốn phá chấp tâm của người nghe pháp, tự niệm rằng, “nếu tu mà chẳng được quả, thì không tu ắt sẽ được quả”, nên Phật dạy : Người tu mà chẳng còn được đạo, huống nữa là người chẳng tu”.

Ví như 2 người muốn đến một nơi, 1 người đứng yên và 1 người đi lạc đường, thì cả 2 người đều chẳng đến được đích. Cũng như vậy, người chẳng tu đạo, chẳng nhiếp tâm, thì chẳng sao có được quả; còn người dùng chấp tâm, thủ tướng mà tu đạo, thì dù có nhiếp tâm, có thiền định lạc, mà vẫn chẳng được đạo quả.

Phải chẳng chấp tâm, chẳng thủ tướng mà tu đạo mới có được đạo quả. Bởi vậy nên Phật dạy, “Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật chẳng phân biệt các tướng hữu vi và vô vi, nên thành tựu được các đạo quả sai khác vậy. Lúc bấy giờ, ngài Tu  Bồ Đề lại hỏi : Như vậy, vì sao Phật lại dạy đoạn được 3 kiết sử, thì được quả Tu Đà Hoàn v.v…?

Phật hỏi ngược lại : Ý ông nghĩ sao? Quả Tu Đà Hoàn là hữu vi hay vô vi ?

Ngài Tu Bồ Đề thưa : Tất cả các quả đều là tánh vô vi.

Phật dạy : Nếu là vô vi, thì có sự phân biệt chăng ?

 Ngài Tu Bồ Đề thưa : Chẳng vậy.

Phật dạy : Nếu chẳng có phân biệt, thì ông còn nạn hỏi làm gì nữa. Nếu có người nào thông đạt hết thảy các pháp hữu vi và vô vi đều là nhất tướng, là vô tướng, thì người ấy có còn phân biệt hữu vi và vô vi nữa chăng ?

Ngài Tu Bồ Đề thưa : Chẳng vậy.

Phật dạy : Hết thảy pháp đều hư dối. Ông chớ  nên nạn hỏi làm gì nữa. Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật, trú trong nội không… dẫn đến trú trong vô pháp hữu pháp không, nên chẳng phân biệt hết thảy pháp. Vì rằng Bồ Tát trú trong không, trong rốt ráo thành tịnh, nên khi hành bố thí… dẫn đến hành nhất thiết chủng trí, tự mình chẳng chấp, và cũng dạy người khác chẳng chấp.

Ví như người hóa, do Phật biến hóa ra, chỉ vì độ chúng sanh mà hành bố thí, nhưng chẳng thọ quả báo bố thí… dẫn đến chỉ vì chúng sanh mà hành nhất thiết chủng trí, nhưng chẳng thọ quả báo nhất thiết chủng trí. Cũng như vậy, Bố Tát chỉ vì độ chúng sanh mà hành 6 pháp Ba La Mật… dẫn đến hành hết thảy các pháp hữu vi và vô vi, nhưng chẳng chấp các quả báo.

 Vì sao ? Vì Bồ Tát thông đạt pháp tánh, nên chẳng còn chấp pháp tánh, pháp tướng, cũng chẳng trú trong pháp tánh. Lại nữa, ở nơi pháp tánh chẳng còn có nghi, có hối. Do vậy mà được biện tài vô ngại; thuyết pháp vô lượng vô biên, mà chẳng có gì ngăn ngại.

Như vậy gọi là thông đạt pháp tánh.

***

Phẩm thứ bảy mươi chín
Thiện Đạt
(Khéo Thông Đạt)

KINH:

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Thế nào là Bồ Tát khéo thông đạt hết thảy các pháp tướng ?

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Ví như người hóa chẳng hành tham sân si, chẳng hành sắc… dẫn đến thức, chẳng hành các nội ngoại pháp, chẳng hành các phiền não kiết sử, chẳng hành các pháp hữu lậu và vô lậu, chẳng hành các pháp thế gian và xuất thế gian, chẳng hành các pháp hữu vi và vô vi… dẫn đến chẳng có các thánh quả.

Cũng như vậy, Bồ Tát chẳng hành các pháp ấy, cũng chẳng phân biệt các pháp ấy. Như vậy gọi là khéo thông đạt các pháp.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Người hóa tu đạo như thế nào ?

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Người hóa tu đạo chẳng cấu, chẳng tịnh, và cũng chẳng ở trong 5 đạo sanh tử.

Này Tu Bồ Đề ! Ý ông nghĩ sao ? Người hóa, do Phật biến hóa ra, thật sự có nguồn gốc, thật sự có cấu tịnh chăng ?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Chẳng vậy. Người hóa, do Phật biến hóa ra, thật sự chẳng có nguồn gốc, chẳng có cấu, chẳng có tịnh; Lại cũng chẳng ở trong 5 đạo sanh tử.

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Bồ Tát khéo thông đạt các pháp tướng cũng là như vậy.

Ngài Tu Bồ Đề  bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Hết thảy sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều như hóa chăng ?

Phật dạy : Đúng như vậy, đúng như vậy ! Này Tu Bồ Đề ! Hết thảy sắc… dẫn đến thức đều như hóa.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Nếu hết thảy 5 ấm… dẫn đến hết thảy các pháp đều như hóa, thì người hóa chẳng có 5 ấm, chẳng có cấu, chẳng có tịnh, chẳng có ở trong 5 đạo sanh tử, cũng chẳng có chỗ giải thoát. Như vậy thì Bồ Tát có công dụng gì ?

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Ý ông nghĩ sao ? Khi hành Bồ Tát đạo, Bồ Tát có thấy các chúng sanh từ trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh… dẫn đến trong các cõi trời, cõi người được giải thoát chăng ?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Chẳng thấy vậy.

Phật dạy : Đúng như vậy, đúng như vậy ! Này Tu Bồ Đề ! Bồ Tát chẳng thấy các chúng sanh từ trong 3 cõi được giải thoát. Vì sao ? Vì Bồ Tát thấy hết thảy các pháp đều như huyễn, như hóa vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Nếu Bồ Tát thấy chúng sanh đều như huyễn, như hóa, thì do đâu mà hành 6 pháp Ba La Mật, hành 4 thiền, hành 4 vô lượng tâm, hành 4 vô sắc định, hành 37 Phẩm Trợ Đạo… dẫn đến hành đại từ đại bi, thanh tịnh Phật đô, thành tựu chúng sanh ?

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Nếu chúng sanh tự biết được các pháp như huyễn, như hóa, thì Bồ Tát trọn chẳng trải qua vô lượng kiếp, vì chúng sanh, mà hành Bồ Tát đạo.

Này Tu Bồ Đề ! Bởi vì chúng sanh chẳng biết các pháp như huyễn, như hóa nên Bồ Tát phải trải qua vô lượng kiếp hành Bồ Tát đạo, nhằm thành tựu chúng sanh, thanh tịnh Phật độ… dẫn đến được Vô Thượng Bồ Đề.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Nếu hết thảy các pháp đều như huyễn, như hóa thì chúng sanh trú ở chỗ nào, mà Bồ Tát phải hành 6 pháp Ba La Mật để cứu thoát họ ?

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Chúng sanh chỉ trú trong danh tướng hư vọng rồi ức tưởng phân biệt, nên Bồ Tát phải hành 6 pháp Ba La Mật, để cứu vớt họ ra khỏi danh tướng hư vọng vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Thế nào là danh ? Thế nào là tướng ?

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! “Danh” chỉ là giả lập. Gọi đây là sắc; đây là thọ, tưởng, hành, thức; đây là người nam, đây là người nữ, đây là lớn, đây là nhỏ, đây là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh; đây là người, là trời, đây là hữu vi, là vô vi, đây là quả Tu Đà Hoàn, quả Tư Đà Hàm, quả A Na Hàm, quả A La Hán; đây là Bích Chi Phật đạo; đây là Phật đạo. Tất cả đều là pháp hòa hợp, đều là giả danh. Dùng danh để biết pháp, nên gọi là danh pháp. Hết thảy pháp hữu vi chỉ có nơi danh tướng. Thế nhưng ở đây phàm phu lại sanh chấp trước.

Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật, ở ngay trong danh tự mà dùng lực phương tiện dạy cho chúng sanh xa rời danh tự, nói với chúng sanh rằng “danh là không, là hư vọng; chỉ do hư vọng ức tưởng mà được giả lập ra. Các ngươi chớ nên chấp ức tưởng hư vọng. Danh pháp từ trước đến nay vẫn là tự tướng không, nên người trí chẳng có chấp trước vậy”.

Như vậy, này Tu Bồ Đề ! Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật ở ngay trong danh tự mà dùng lực phương tiện vì chúng sanh thuyết pháp vậy.

* Thế nào là tướng ?

Này Tu Bồ Đề ! Phàm phu phân biệt có hai thứ. Đó là:

– Sắc tướng.

– Vô sắc tướng.

* Thế nào là sắc tướng ?

Này Tu Bồ Đề ! Nói sắc có thô, có tế, có xấu, có tốt v.v… là nói về tướng của sắc. Ở nơi các pháp tự tướng không mà phàm phu ức tưởng phân biệt có ra các tướng sai khác. Rồi tâm chấp lấy các tướng đó. Như vậy gọi là chấp sắc tướng.

* Thế nào là vô sắc tướng ?

Này Tu Bồ Đề ! Nơi các pháp vô sắc, mà phàm phu cũng ức tưởng phân biệt có ra các tướng sai khác. Rồi tâm chấp lấy các tướng đó, dẫn sanh ra các phiền não. Như vậy gọi là chấp vô sắc tướng.

Này Tu Bồ Đề ! Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật, dùng lực phương tiện dạy chung sanh xa lìa cả hai chấp về sắc tướng và vô sắc tướng. Nếu chúng sanh chấp vô tướng pháp, thì Bồ Tát lại dùng lực phương tiện dạy họ xa lìa cả hai chấp về tướng pháp và vô tướng pháp.

Như vậy, này Tu Bồ Đề ! Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật, dạy chúng sanh xa lìa tướng, khiến họ an trú trong tánh vô tướng.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Nếu hết thảy các pháp đều chỉ là danh tướng, thì Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật làm sao có thể tự mình được lợi ích, và dạy người khác, khiến họ cũng được lợi ích ? Bồ Tát làm sao được các địa, và dạy người khác khiến họ được 3 thừa đạo ?

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Nếu các pháp từ căn bản là quyết định có, thì Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật chẳng có thể làm lợi ích cho mình, và cũng chẳng có thể làm lợi ích cho người.

Này Tu Bồ Đề ! Vì các pháp từ căn bản thật sự chẳng có, mà chỉ có nơi danh tự, nên Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật được đầy đủ 6 pháp Ba La Mật, 4 thiền, 4 vô lượng tâm, 4 vô sắc định, đầy đủ 4 niệm xứ… dẫn đến 8 thánh đạo; Đầy đủ nội không… dẫn đến vô pháp hữu pháp không, đầy đủ 3 giải thoát môn, 8 bối xả, 9 thứ đệ định, đầy đủ 10 Phật lực… dẫn đến 18 bất cộng pháp. Vì sao ? Vì tất cả các pháp đó đều là vô tướng vậy.

Như vậy là Bồ Tát hành vô tướng, nên được đầy đủ các thiện pháp vô tướng, và cũng dạy người khác được đầy đủ các thiện pháp vô tướng.

Này Tu Bồ Đề ! Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật, biết rõ các pháp là vô tướng, vô niệm, nên được Vô Thượng Bồ Đề; cũng dạy chúng sanh biết như vậy, khiến họ được pháp vô lậu. Vì sao ? Vì hết thảy pháp vô lậu đều là vô tướng, vô niệm vậy.

Như vậy, này Tu Bồ Đề ! Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật, dùng pháp vô lậu làm lợi ích cho chúng sanh.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Nếu hết thảy pháp đều là vô tướng, vô niệm, thì làm sao có pháp Thanh Văn, pháp Bích Chi Phật, pháp Bồ Tát và pháp Phật ?

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Ý ông nghĩ sao ? Pháp vô tướng cùng với pháp Thanh Văn có gì sai khác chăng ?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Chẳng khác vậy.

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Pháp vô tướng cùng với pháp Bích Chi Phật, pháp Bồ Tát, pháp Phật có gì sai khác chăng ?

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Chẳng khác vậy.

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Bởi nhân duyên vậy, nên biết hết thảy các pháp đều là vô tướng.

Này Tu Bồ Đề ! Bồ Tát học các pháp vô tướng như vậy nên các thiện pháp càng thêm tăng trưởng. Các thiện pháp nói đây là 6 pháp Ba La Mật, 4 thiền, 4 vô lượng tâm, 4 vô sắc định, 4 niệm xứ… dẫn đến 18 bất cộng pháp.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật có học tướng của 5 ấm, của 12 nhập, của 18 giới, của 4 thánh đế, của 12 nhân duyên chăng ?

Bạch Thế Tôn ! Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật học tướng của 5 ấm như thế nào ?

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật biết sắc tướng, biết sắc sanh diệt, biết sắc như. Biết về thọ, tưởng, hành và thức cũng là như vậy.

* Thế nào là biết sắc tướng ?

Này Tu Bồ Đề ! Biết sắc là rốt ráo không, là chẳng thật có, chỉ ví như đống bọt, chẳng có bền chắc. Như vậy là biết sắc tướng.

* Thế nào là biết sắc sanh diệt ?

Này Tu Bồ Đề ! Biết sắc khi sanh chẳng từ đâu đến, và khi diệt chẳng đi về đâu. Như vậy, chẳng đến (bất lai), chẳng đi (bất khứ) là tướng sanh diệt của sắc.

* Thế nào là biết sắc như ?

Này Tu Bồ Đề ! Biết sắc chẳng sanh diệt, chẳng đến đi, chẳng tăng giảm, chẳng cấu tịnh, từ trước đến nay vẫn thường như vậy chẳng thay đổi. Như vậy là biết sắc như.

* Thế nào là biết thọ tướng, biết thọ sanh diệt, biết thọ như ?

Này Tu Bồ Đề ! Bồ Tát biết các thọ tướng ví như bong bóng nước, liền khởi, liền diệt, là biết thọ tướng. Biết thọ chẳng từ đâu đến cũng chẳng đi về đâu, là biết thọ sanh diệt. Biết thọ chẳng sanh diệt, chẳng đến di, chẳng tăng giảm, chẳng cấu tịnh, từ trước đến nay vẫn thường như vậy, là biết thọ như.

* Thế nào là biết tưởng tướng, biết tưởng sanh diệt, biết tưởng như ?

Này Tu Bồ Đề ! Biết các tưởng ví như sóng nắng (diệm), chẳng thể có được mà vọng tưởng là nước là biết tưởng tướng. Biết tưởng chẳng từ đâu đến cũng chẳng đi về đâu là biết tưởng sanh diệt. Biết tưởng chẳng sanh diệt, chẳng đến đi, chẳng tăng giảm, chẳng cấu tịnh, từ trước đến nay vẫn thường như vậy, là biết tưởng như.

* Thế nào là biết hành tướng, biết hành sanh diệt, biết hành như ?

Này Tu Bồ Đề ! Biết hành như lột bẹ chuối, lột hết các bẹ chuối rồi thì chẳng còn thân cây chuối nữa, như vậy là biết hành tướng. Biết hành chẳng từ đâu đến cũng chẳng đi về đâu là biết hành sanh diệt. Biết hành chẳng sanh diệt, chẳng đến đi, chẳng tăng giảm, chẳng cấu tịnh, từ trước đến nay vẫn thường như vậy, là biết hành như.

* Thế nào là biết thức tướng, biết thức sanh diệt, biết thức như ?

Này Tu Bồ Đề ! Biết thức như huyễn, như hóa, ví như bốn binh chủng do nhà huyễn thuật biến hóa ra là chẳng thật có, như vậy là biết thức tướng. Biết thức khi sanh chẳng từ đâu đến, khi diệt chẳng đi về đâu là biết thức sanh diệt. Biết thức chẳng sanh diệt, chẳng đến đi, chẳng tăng giảm, chẳng cấu tịnh, từ trước đến nay vẫn thường như vậy, là biết thức như.

* Thế nào là biết 12 nhập ?

Này Tu Bồ Đề ! Biết nhãn… dẫn đến ý, sắc… dẫn đến pháp tánh không là biết 12 nhập.

* Thế nào là biết 18 giới ?

Này Tu Bồ Đề ! Biết nhãn giới… dẫn đến ý thức giới đều là tánh không là biết 18 giới.

* Thế nào là biết 4 thánh đế ?

Này Tu Bồ Đề ! Biết khổ thánh đế là xa rời “ hai pháp”. Biết khổ thánh đế là chẳng hai, chẳng khác, gọi tên là khổ thánh đế. Biết tập, diệt và đạo cũng là như vậy.

*Thế nào là biết 12 nhân duyên ?

Này Tu Bồ Đề ! Đó là 12 nhân duyên đều chẳng có tướng sanh.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Khi hành Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát mỗi mỗi phân biệt các pháp. Như vậy là dùng sắc tánh… dẫn đến dùng nhất thiết chủng trí tánh mà phá hoại pháp tánh chăng ?

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Pháp tánh là bất khả đắc (chẳng thể đắc) nên chẳng thể hoại. Vì sao ?

Này Tu Bồ Đề ! Phật và các đệ tử của Phật biết rõ pháp tánh là bất khả đắc, nên chẳng thể nói ngoài pháp tánh lại có pháp khả đắc (có thể được) vậy.

Như vậy, này Tu Bồ Đề ! Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật, phải học pháp tánh.

Ngài Tu Bồ Đề bạch phật : Bạch Thế Tôn ! Bồ Tát học pháp tánh là vô sở học (chẳng chỗ học) chăng ?

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Bồ Tát học pháp tánh là học hết thảy các pháp. Vì sao ? Vì hết thảy pháp tức là pháp tánh.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Vì nhân duyên gì mà nói hết thảy pháp tức là pháp tánh ?

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Hết thảy pháp đều vào trong tánh vô tướng vô vi, nên học pháp tánh là học hết thảy pháp vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Nếu hết thảy pháp tức là pháp tánh thì Bồ Tát cần gì phải học 6 pháp Ba La Mật, 4 thiền, 4 vô lượng tâm, 4 vô sắc định ? cần gì phải học 37 Phẩm Trợ Đạo, 3 giải thoát môn, 8 bối xả, 9 thứ đệ định, 10 Phật lực… dẫn đến 18 bất cộng pháp ? Cần gì phải học 6 thần thông, 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp ? Cần gì phải học phước báo cõi trời và cõi người ? Cần gì phải học 10 địa Bồ Tát ? Cần gì phải học Thanh Văn địa, Bích Chi Phật địa, Bồ Tát vị ? Cần gì phải học thành tựu chúng sanh, thanh tịnh Phật độ ? Cần gì phải học các môn Đà la ni ? Cần gì phải học biện tài thuyết pháp ? Cần gì phải học Vô Thượng Bồ Đề ?

Lại nữa, vì sao nói phải học xong các pháp ấy rồi mới được nhất thiết chủng trí, mới biết hết thảy các pháp ?

Bạch Thế Tôn ! Ở trong pháp tánh chẳng có sự khác biệt. Như vậy, chẳng thể có Bồ Tát đạo ở trong phi đạo được. Vì sao ? Vì ở trong pháp tánh chẳng có sự sai khác vậy. Trong pháp tánh chẳng có sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Vì sao ? Vì sắc tức là pháp tánh, pháp tánh tức là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cùng hết thảy các pháp cũng đều là như vậy.

Phật dạy : Đúng như vậy, đúng như vậy ! Này Tu Bồ Đề ! Đúng như lời ông nói, sắc tức là pháp tánh, thọ, tưởng, hành và thức cũng tức là pháp tánh.

Này Tu Bồ Đề ! Khi hành Bát Nhã Ba La Mật, nếu Bồ Tát cầu pháp ngoài pháp tánh thì đó là chẳng cầu Vô Thượng Bồ Đề vậy.

Bởi vậy khi hành Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát biết rõ hết thảy pháp tức là pháp tánh. Biết như vậy rồi, nên ở nơi các pháp chẳng có danh, chẳng có tướng mà Bồ Tát vì chúng sanh thuyết pháp, nói đây là sắc, thọ, tưởng, hành, thức… dẫn đến đây là Vô Thượng Bồ Đề.

Này Tu Bồ Đề ! Ví như nhà huyễn thuật hóa tác ra các hình sắc, nào là trai gái, voi ngựa, nào là vườn rừng xanh tươi, nào là nhà cửa, ao hồ, nào là áo xiêm, hương hoa anh lạc, nào là các thức ăn uống, nào là các giàn nhạc hòa tấu v.v… để giúp vui cho khán thính giả.

Nhà huyễn thuật lại hóa tác ra đủ hạng người hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ; Lại hóa tác ra các người thuộc các đại gia, đại tộc; Lại hóa tác ra chư Thiên ở các cõi Trời; Lại hóa tác ra chư vị Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật; lại hóa tác ra chư vị Bồ Tát, từ sơ phát tâm hành 6 pháp Ba La Mật, hành 10 đại Bồ Tát, vào Bồ Tát vị, du hý thần thồng, thành tựu chúng sanh, thanh tịnh Phật độ; Lại hóa tác ra thân Phật có đầy đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp trang nghiêm.

Nhà huyễn thuật hóa tác ra tất cả các huyễn cảnh, huyễn sự ấy, chỉ nhằm giúp vui cho khán thính giả, thế nhưng người vô trí cho là thật có; còn người trí biết rõ các huyễn sự đó đều là không, là chẳng thật có.

Này Tu Bồ Đề ! Bồ Tát chẳng thấy có pháp ở ngoài pháp tánh. Bồ Tát dùng lực phương tiện, hành Bát Nhã Ba La Mật, nên tuy chẳng có chúng sanh mà vẫn tự  mình hành bố thí, dạy người khác hành bố thí, tán thán pháp bố thí và hoan hỷ tán thán người hành bố thí… dẫn đến tự mình tu trí huệ, dạy người khác tu trí huệ, tán thán pháp tu trí huệ và hoan hỷ tán thán người tu trí huệ.

Bồ Tát tự mình hành 10 thiện đạo, 5 giới, 8 giới, 4 thiền, 4 vô lượng tâm, 4 vô sắc định, 37 Phẩm Trợ Đạo… dẫn đến 18 bất cộng pháp; cũng dạy người khác hành các pháp ấy, tán thán các pháp ấy, và hoan hỷ tán thán người hành các pháp ấy.

Này Tu Bồ Đề ! Nếu pháp tánh trước sau có sai khác thì Bồ Tát chẳng có thể dùng lực phương tiện để khai thị pháp tánh, nhằm thành tựu chúng sanh.

Này Tu Bồ Đề ! Vì pháp tánh trước sau chẳng có sai khác, nên Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật chỉ vì lợi ích chúng sanh mà hành Bồ Tát đạo vậy.

LUẬN:

Hỏi : Trước đây Phật đã nói Bồ Tát thông đạt hết thảy các pháp tướng rồi. Nay vì sao ngài Tu Bồ Đề lại còn hỏi nữa ?

 Đáp : Bát Nhã Ba La Mật chẳng có định tướng, chẳng có ngôn thuyết, nên dù có hỏi nhiều phen cũng vẫn chưa đủ. Ví như con bò con được bú sữa ngon ngọt của bò mẹ, nên cứ muốn uống mãi, chẳng muốn thôi. Bò mẹ dụ cho đức Phật Đại từ Đại bi, sữa ngon ngọt dụ cho Bát Nhã Ba La Mật.

Ngài Tu Bồ Đề tuy đã nghe Phật dạy nhiều lần về pháp tướng nhưng vẫn chẳng nhàm chán. Lại nữa, chỉ có Phật là đấng Nhất Thiết Chủng Trí mới thông đạt thật tướng của hết thảy các pháp; còn những người khác tuy có thông đạt nhưng chưa thông suốt đến chỗ thâm diệu. Bởi vậy nên ngài Tu Bồ Đề hỏi : Khi chưa thành Phật, Bồ Tát làm sao có thể khéo thông đạt hết thảy các pháp ?

Phật dạy : Ví như người hóa chẳng có 3 độc, chẳng có các phiền não kiết sử khác, chẳng có các tâm và tâm sở, chẳng được các thánh quả, cũng chẳng sanh tâm thiện hay ác. Vì sao ? Vì người hóa do biến hóa mà được thành tựu, nhưng thật sự các sự việc được biến hóa ra như vậy đều là chẳng cấu, chẳng tịnh, chẳng có nhiếp vào trong 5 đạo chúng sanh. Thân Bồ Tát cũng là như vậy, chẳng có các phiền não kiết sử, chẳng có trong 3 cõi. Bồ Tát biết rõ các tâm và tâm sở đều là hư dối, chỉ do nhân duyên điên đảo sanh, nên chẳng rong ruỗi theo.

Như vậy là Bồ Tát khéo phân biệt các pháp tướng.

Ngài Tu Bồ Đề vì quý trọng Phật pháp, nên mới hỏi Phật : Hết thảy các pháp đều là không, là như huyễn, như hóa chăng ?

Phật dạy : hết thảy các pháp đều là như huyễn, như hóa. Vì ông quá quý trọng Phật pháp, nên chẳng dám nói Phật pháp cùng hết thảy các pháp đều là rốt ráo không.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi : Nếu các pháp đều là rốt ráo không, đều là như huyễn, như hóa thì vì sao Phật lại tán thán công đức của chư vị Bồ Tát cứu thoát chúng sanh ra khỏi sanh tử và dẫn dắt họ vào Niết Bàn ?

Phật hỏi lại : Ý ông nghĩ sao ? Khi hành Bồ Tát đạo, Bồ Tát có thật thấy chúng sanh trong 5 đạo sanh tử để giải thoát họ ra khỏi sanh tử chăng ?

Ngài Tu Bồ Đề thưa : chẳng thấy vậy.

Phật dạy : Đúng như vậy, đúng như vậy ! Vì sao ? Vì khi đã được vô sanh pháp nhẫn rồi, thì Bồ Tát thấy hết thảy chúng sanh đều là như huyễn như hóa.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi : Như vậy thì Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật để làm gì ?

Phật dạy : Nếu chúng sanh biết được các pháp đều là như huyễn, như hóa, thì Bồ Tát chẳng phải dụng công hành Bát Nhã Ba La Mật; nếu chúng sanh biết rõ hết thảy pháp đều là vô tướng, thì Bồ Tát cũng chẳng phải dụng công hành Bát Nhã Ba La Mật. Thế nhưng các pháp chẳng phải thật (phi thật), chẳng phải không (phi vô), vượt ra khỏi các ngôn thuyết, ra khỏi các đạo, là rốt ráo tịch diệt mà chúng sanh chẳng biết, nên mới sanh tâm chấp ngã, khởi ra các ác nghiệp… dẫn đến phải thọ vô lượng khổ đau. Bồ Tát biết rõ thật tướng của hết thảy các pháp, nên khởi tâm đại bi, cứu thoát chúng sanh ra khỏi các đạo sanh tử.

Như trong kinh Pháp Hoa nói “Ông trưởng giả có con lâm bệnh nặng, mà lại uống nhầm thuốc độc. Thấy con sắp chết, ông dùng mọi phương tiện nhằm cứu con thoát chết”. Cũng như vậy, Bồ Tát thấy chúng sanh vô minh, điên đảo, đui mù mà bị 3 độc cướp mất huệ mạng, nên khởi tâm đại bi, ở trong vô lượng kiếp hành Bát Nhã Ba La Mật nhằm cứu độ chúng sanh.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi : Nếu hết thảy các pháp đều là không, chẳng có căn bản, đều là như huyễn, như hóa, thì chúng sanh trú chỗ nào mà Bồ Tát phải dẫn dắt họ ra khỏi ?

Ý ngài Tu Bồ Đề muốn nói “ví như người sa vào bùn mới cần được cứu ra khỏi. Chúng sanh phải trú ở chỗ nào, thì Bồ Tát mới phải cứu thoát họ ra khỏi vậy”.

Phật dạy : Chúng sanh chỉ trú trong danh tướng hư vọng mà ức tưởng phân biệt, nên Bồ Tát phải hành 6 pháp Ba La Mật, để cứu vớt họ ra khỏi danh tướng hư vọng.

Ý Phật muốn dạy rằng : “Hết thảy các pháp quyết định chẳng thật có, chỉ có nơi danh tướng hư vọng. Chúng sanh thấy các danh tướng hư vọng rồi sanh tâm chấp. Ví như người đi một mình trong đêm tối, chợt thấy bóng cây trước mắt mà lầm tưởng có người đang rình mình nên sanh tâm sợ hãi; cũng như con chó thấy bóng mình in dưới giếng mà lầm tưởng đó là một con chó khác nên cứ sủa mãi.

 Vốn dưới giếng chẳng có tướng chó khác, mà con chó lại khởi ác tâm, tự gieo mình xuống giếng để tìm địch thủ, khiến phải bị chết oan.

Cũng như vậy, chúng sanh do nghiệp lực dẫn sanh, do 4 đại hòa hợp mà có sắc thân, rồi do nhân duyên các thức hòa hợp mà có các động tác như đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng v.v… Thế nhưng ở nơi đó, phàm phu lại khởi chấp có tướng nhân, tướng ngã, khởi sanh thương ghét, rồi vì vậy mà gây ra bao nhiêu nghiệp tội khiến phải bị đọa vào 3 đường ác.

Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật, thương xót chúng sanh, nên dùng các lực phương tiện giáo hóa chúng sanh biết pháp “không”, dẫn dắt họ thoát khỏi các khổ.

Chúng sanh điên đảo vọng tưởng, chấp có ngã có pháp, mà chẳng biết rằng tất cả đều là như huyễn, như hóa, đều chẳng thật có, chỉ lầm mắt người mà thôi. Các pháp do các duyên hòa hợp mà thành, chỉ có nơi danh tự. Ví như đầu, mắt, chân, tay, thân, bụng, lưng v.v… hợp lại mà giả danh có thân. Ví như đầu do tóc, mắt, mũi, tai, miệng, lưỡi, da thịt v.v… hòa hợp mà thành, giả danh gọi là đầu. Ví như do rất nhiều vi trần hòa hợp lại thành lông, tóc, mà các vi trần lại cũng do những thành phần vi tế hơn hòa hợp lại mà thành vậy. Tất cả đều là chẳng thật có, đều là như huyễn, như hóa.

Hỏi : Vi Trần là phần tử sắc pháp nhỏ nhất, chẳng thể phân chia ra được. Như vậy, vì sao nói các sắc pháp phân chia ra đến cùng sẽ trở thành hư không, mà hư không lại chẳng có định tánh ?

Đáp : Nếu vi trần là sắc pháp, thì phải có thể chia chẻ ra được. Vì sao ? Vì hết thảy sắc pháp đều ở lại trong hư không. Dù sắc pháp được chia sẻ thành vi trần, rồi vi trần được chia chẻ thành cực vi trần, thì tất cả các vi trần và cực vi trần đó cũng đều là sắc pháp ở tại trong hư không vậy. Nếu nói vi trần cũng như cực vi trần đều chẳng thể chia chẻ ra được, thì đó chẳng phải là sắc pháp. Vì sao ? Vì ra ngoài sắc tướng vậy.

 Lại nữa, nếu vi trần là sắc, thì 5 thức phải biết vi trần. Còn nếu vi trần chẳng phải là chỗ mà 5 thức có thể biết được, thì vi trần cũng chẳng thể gọi là sắc được vậy.

 Bởi vậy nên biết vi trần chỉ là hư danh, chẳng thật có. Dùng mắt có thể thấy được thô sắc, mà còn có thể phá thô sắc thành “không”. Huống nữa là vi trần chẳng có thể thấy được, chẳng có thể sờ mó được, mà chẳng thể phá thành “không” hay sao?

Hỏi : Vi trần quá nhỏ bé, quá vi tế, nên 5 thức chẳng thể biết được. Như vậy các bậc Thánh dùng thiên nhãn có thấy được chăng?

Đáp : Nếu thiên nhãn thấy được vi tế sắc tướng, thì vi tế sắc đó phải có thể chia chẻ. Nếu vi tế sắc đó chẳng thể chia chẻ được thì chẳng phải là sắc (phi sắc). Nếu dùng thiên nhãn mà thấy được phi sắc, thì thấy đó cũng là vọng, là hư dối vậy.

Bởi vậy nên chư Thánh dùng huệ nhãn quán thế gian như huyễn, như hóa, mà được đạo.

Như trước đây đã nói vi trần chỉ có danh, mà chẳng thật có. Hết thảy pháp do duyên hòa hợp chỉ  có giả danh, chẳng thật có, mà chúng sanh lại vọng chấp, rồi tham đắm, khởi sanh bao nhiêu nghiệp tội, khiến phải thọ vô lượng khổ đau.

Nếu biết được các pháp chỉ là hư vọng, chẳng thật có, và nếu xả được các danh tướng hư vọng đó, thâm nhập vào pháp “không” mà cũng chẳng chấp “không”, thì sẽ được Niết Bàn thường lạc vậy.

Hỏi : Danh và tướng có gì sai khác chăng?

Đáp : Danh là tên gọi; tướng là dáng vẻ hiện lộ ra bên ngoài. Ví như lửa nóng, thì nóng là tướng của lửa; thấy khói biết có lửa, thì khói là tướng của lửa. Ví như do 5 ấm hòa hợp mà tạo ra thân có dáng vẻ khác nhau, mà phân biệt gọi đây là tướng nam, đây là tướng nữ. Như vậy là do thấy tướng, mà lập ra danh vậy.

Hỏi : Danh và tướng chẳng có khác nhau, vì đều chẳng thật có. Như vậy vì sao nói thấy tướng mới lập danh, nghe danh thì biết tướng ?

Đáp : Phàm phu do chẳng rõ được lời Phật dạy, nên thấy dáng vẻ bên ngoài mà đặt cho mỗi pháp một danh riêng.

Như vậy tướng là gốc, danh là ngọn, tướng là do tâm chấp trước mà có, rồi do thấy tướng mà giả lập ra danh.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi : Nếu các pháp chỉ là danh tướng, thì Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật làm sao có thể tự lợi và lợi tha ?

Phật dạy : Nếu các pháp từ căn bản là quyết định có, thì Bồ TÁt hành Bát Nhã Ba La Mật chẳng có thể tự lợi và lợi tha. Nhưng vì các pháp từ căn bản thật sự là chẳng có, nên Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật mới có đầy đủ các thiện pháp, làm lợi ích cho chính mình và làm lợi ích cho chúng sanh.

 Vì sao ? Vì nếu các pháp quyết định có thì chẳng phải do các nhân duyên hòa hợp sanh, là chẳng sanh, chẳng diệt, nên chẳng có tội, chẳng có phước. Lại nữa, nếu các pháp quyết định thật có thì Bồ Tát chẳng thể quán hết thảy pháp là không, là vô sở hữu, chẳng thể được Vô Thượng Bồ Đề … dẫn đến chẳng thể thuyết pháp làm lợi ích cho chúng sanh. Thế nhưng vì Bồ Tát ở nơi đệ nhất chân thật nghĩa mà quán các pháp, nên chẳng có lầm lạc, được Vô Thượng Bồ Đề; rồi vì chúng sanh thuyết “không”, thuyết “vô tướng” vậy.

Hỏi : Trong bốn thánh đế, chỉ khổ đế, tập đế và đạo đế là có tướng, còn diệt đế là chẳng có tướng. Như vậy là có ức niệm về “vô tướng Niết Bàn”. Vì sao nói hết thảy pháp vô lậu đều là vô tướng, vô ức niệm ?

Đáp : Đại thừa pháp và Thanh Văn pháp sai khác nhau.

Đại thừa nói hết thảy pháp vô lậu đều là vô tướng, vô ức niệm. Lại nói có tướng, có ức niệm đều là hư dối, chẳng thật có, đều là phiền não hữu lậu vậy.

 Hỏi : Thế nào gọi là vô lậu ?

Đáp : Ví như nói trong 4 thánh đế, thì khổ đế, tập đế và đạo đế đều tùy diệt đế. Khi thấy khổ liền xả, thấy tập liền diệt, và thấy đạo liền chứng, thì được đầy đủ diệt đế, cho nên là chẳng trú trong đạo, tận diệt chỗ trú, tận diệt pháp vô tướng, vô duyên. Như vậy làm sao có ức niệm ? Vì nếu còn có ức niệm là còn có duyên tướng, còn có chấp pháp, mà vô lậu là đệ nhất thật nghĩa, là vô tướng, vô ức niệm vậy.

Ý ngài Tu Bồ Đề muốn nói rằng, “vô lậu là đệ nhất nghĩa nên là vô tướng, vô niệm. Hết thảy pháp tánh đều là vô tướng, vô niệm, mà phàm phu điên đảo chấp có tướng, có ức niệm vậy”.

Suy nghĩ như vậy rồi, ngài hỏi Phật : Nếu các pháp đều vô tướng, vô niệm, thì làm sao phân biệt có pháp Thanh Văn, pháp Bích Chi Phật, pháp Bồ Tát và pháp Phật?

Phật hỏi lại : Vô tướng pháp cùng với “3 thừa pháp” có gì khác nhau chăng ?

Ngài Tu Bồ Đề thưa : Chẳng khác vậy.

Phật dạy : Khi đã tận diệt phiền não rồi, thì vào được nơi vô lậu, vô vi, vô tướng pháp. Bởi vậy nên nói “3 thừa pháp”… dẫn đến hết thảy các pháp đều là vô tướng pháp.

Vì vô tướng nên mới có “ ba thừa pháp”. Bồ Tát học các pháp vô tướng như vậy, nên các thiện pháp càng thêm tăng trưởng. Các thiện pháp nói đây là 6 pháp Ba La Mật, 4 thiền, 4 vô lượng tâm, 4 vô sắc định, 4 niệm xứ… dẫn đến 18 bất cộng pháp vậy.

Ở đây Phật nói nhân duyên Bồ Tát trú trong ba giải thoát môn nên nhiếp hết thảy các pháp. Bồ Tát phải nên học như vậy.

Hỏi : Ba giải thoát môn là vô tướng, vô phân biệt, còn 5 ấm, 12 nhập, 18 giới v.v… đều là những pháp có tướng, có phân biệt. Như vậy vì sao nói học 3 giải thoát môn tức là học hết thảy các pháp ấy ?

Đáp : Do học 3 giải thoát môn mà Bồ Tát đoạn tận các lậu, vượt ra khỏi 3 cõi, ở nơi hết thảy pháp được thật trí huệ nên thông suốt hết thảy pháp.

Trước ở nơi 5 ấm hư vọng còn khởi sanh các tà hạnh, nhưng nay đã được 3 giải thoát môn rồi, nên biết thật tướng hết thảy pháp, thông đạt hết thảy pháp. Bởi vậy nên nói học 3 giải thoát môn là học 5 ấm, 12 nhập, 18 giới… dẫn đến học hết thảy pháp vậy.

–o0o–

Phật dạy : Bồ Tát hành 3 giải thoát môn là hành vô tướng pháp, nên biết rõ sắc sanh, sắc diệt, sắc như… dẫn đến biết rõ thức sanh, thức diệt, thức như.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi : Bồ Tát biết sắc sanh, sắc diệt, sắc như nhưng lại mỗi mỗi phân biệt các pháp. Như vậy có phải là dùng sắc tánh để phá hoại pháp tánh chăng ?

 Phật dạy : Thật tướng của hết thảy pháp tức là pháp tánh. Bởi vậy nên hết thảy pháp đều vào trong pháp tánh. Thật tướng của sắc cũng tức là pháp tánh. Đã đồng là pháp tánh thì làm sao có thể dùng sắc tánh để phá hoại pháp tánh được ?

Chư Phật, chư đại Bồ Tát cùng chư Thánh chẳng thấy có pháp nào ra ngoài pháp tánh cả. Bồ Tát phải nên như vậy mà học pháp tánh.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi : Học pháp tánh là vô sở học (chẳng chỗ học) chăng ?

Phật dạy : Pháp tánh là vô tánh, nên học pháp tánh là học hết thảy các pháp. Vì pháp tánh tức là thật tướng của hết thảy pháp, nên học pháp tánh là khắp học hết thảy pháp vậy.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi : Nếu hết thảy pháp tức là pháp tánh thì Bồ Tát cần gì phải học 6 pháp Ba La Mật, … dẫn đến cần gì phải học các Đà la ni ? Nếu pháp tánh tức là thật tướng pháp, và nếu hết thảy pháp đều ở trong pháp tánh thì Bồ Tát còn phải cầu gì nữa ? Nếu pháp tánh là vô phân biệt, thì vì sao Bồ Tát lại phân biệt có 6 pháp Ba La Mật… dẫn đến có các Đà la ni môn ? Lại nữa, nếu Bồ Tát hành các pháp như vậy, thì có đọa vào điên đảo chăng ?

Phật dựa theo chỗ hỏi của ngài Tu Bồ Đề mà đáp lại rằng : Nếu ngoài pháp tánh mà có pháp thì chẳng nên cầu Vô Thượng Bồ Đề. Vì sao ? Vì nếu chấp ngoài pháp tánh mà có pháp, thì như vậy là điên đảo. Nếu thường điên đảo thì chẳng có thể chuyển, chẳng có thể đoạn hết thảy vô minh. Phật và chư đại Bồ Tát biết rõ hết thảy pháp là rốt ráo không, là tướng thường tịch diệt, chẳng có hý luận, chẳng có danh tướng. Nhưng vì thương xót chúng sanh mê lầm, mà các ngài đã dùng các lực phương tiện nói các danh tướng, như nói sắc, thọ, tưởng, hành, thức… dẫn đến nói Vô Thượng Bồ Đề.

Trong kinh có nêu thí dụ về nhà huyễn thuật, hóa tác ra các huyễn cảnh, huyễn vật. Nhà huyễn thuật dụ cho Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật, các huyễn cảnh, huyễn vật dụ cho các pháp hữu vi. Nhà huyễn thuật tuy hóa tác ra các huyễn pháp mà vẫn biết các pháp đó đều chẳng thật có, nên chẳng có chấp. Cũng như vậy, Bồ Tát tuy có hành các pháp mà vẫn biết các pháp đó là như huyễn, nên chẳng có chấp. Lại nữa, người trí dụ cho Phật và chư đại Bồ Tát; người vô trí dụ cho hàng phàm phu.

 Các Bồ Tát sơ phát tâm rất vui mừng thấy chư đại Bồ Tát, tuy biết rõ ngoài pháp tánh chẳng có pháp, chẳng có chúng sanh, mà vẫn làm các việc lợi ích cho chính mình và cho chúng sanh.

 Như trong kinh nói về Bồ Tát tự hành bố thí, dạy người khác hành bố thí… dẫn đến tự hành 18 bất cộng pháp, dạy người khác hành 18 bất cộng pháp.

Nơi đây ý Phật muốn nói rằng, “Nếu pháp tánh trước không, sau có, thì Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật chẳng có được Vô Thượng Bồ Đề, cũng chẳng có thể dùng lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật để vì chúng sanh nói pháp được. Vì sao ? Vì nếu pháp tánh trước không, sau có, thì là do nhân duyên sanh; Nếu như vậy thì chẳng có gì khác biệt với pháp phàm phu cả. Còn nếu pháp tánh trước có, sau không, thì các pháp cùng các chúng sanh đều đọa vào đoạn diệt cả. Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật biết rõ pháp tánh từ trước đến nay vẫn thường không; Chẳng phải do lực trí huệ khiến pháp tánh trở thành không, cũng như chẳng phải vì các pháp và chúng sanh vào vô dư Niết Bàn mà trở thành không. Tánh không đó vẫn thường như vậy, chẳng có tăng giảm, chẳng có được mất, chẳng có cấu tịnh.

Vì chúng sanh chẳng quán được các pháp từ trước đến nay vẫn là rốt ráo không, nên mới đọa vào các chấp điên đảo.

Bồ Tát biết rõ pháp tánh từ trước đến nay vẫn thường không, chẳng có sai khác, nên vì chúng sanh hành Bát Nhã Ba La Mật, để làm lợi ích cho chúng sanh vậy.

(Hết quyển 89)