LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ

Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG

 

TẬP V
QUYỂN 81

Phẩm thứ sáu mươi tám
(Tiếp theo)
Lục Độ Tương Nhiếp
(Tiếp theo)

KINH:

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là Bồ Tát an trú trong Sẵn Đề Ba La Mật mà nhiếp 5 Ba La Mật kia?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Bồ tát an trú trong Sẵn Đề Ba La Mật, từ khi sơ phát tâm đến khi toạ đạo tràng, trong khoảng giữa đó nếu có chúng sanh nào sân hận đến mắng nhiếc, hoặc chặt đứt tay chân. Liền tự nghĩ rằng, “Ta phải bố thí tất cả cho chúng sanh; nếu chúng sanh cần ăn, thì cho họ ăn, cần uống thì cho họ uống; …dẫn đến cần bất cứ gì thì đều cho họ đầy đủ; rồi đem hết thảy công đức ấy, cùng với hết thảy chúng sanh đồng hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề”. Khi hồi hướng, Bồ Tát chẳng sanh hai tâm: Ai hồi hướng, và hồi hướng về đâu.

Như vậy gọi là Bồ Tát an trú trong Sẵn Đề Ba La Mật, mà nhiếp Đàn Ba La Mật.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát an trú trong Sẵn Đề Ba La Mật, từ khi sơ phát tâm đến khi toạ đạo tràng, trong khoảng giữa đó trọn chẳng sát sanh, chẳng trộm cướp, chẳng tà dâm, chẳng tham các quả vị Thanh Văn và Bích Chi Phật; rồi đem hết thảy công đức ấy, cùng với hết thảy chúng sanh đồng hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề. Khi hồi hướng, Bồ- tát chẳng sanh ba tâm: ai hồi hướng, dùng pháp gì để hồi hướng, và hồi hướng về đâu.

Như vậy gọi là Bồ Tát an trú trong Sẵn Đề Ba La Mật mà nhiếp Thi Ba La Mật.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát an trú trong Sẵn Đề Ba La Mật phát sanh tinh tấn, tự nghĩ rằng: “Nếu chỉ để khuyên dạy một người thọ trì trì 5 giới mà phải đi một do tuần…dẫn đến trăm, ngàn, vạn, ức do tuần, phải qua 1 thế giới…dẫn đến trăm, ngàn, vạn, ức thế giới, ta vẫn phải tinh tấn, huống nữa là để dạy cho họ được quả Tu Đà Hoàn…dẫn đến được quả A La Hán, được quả Bích Chi Phật…dẫn đến được Vô Thượng Bồ Đề; rồi phải đem hết thảy công đức ấy, cùng với hết thảy chúng sanh đồng hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề”.

Như vậy gọi là Bồ Tát an trú trong Sẵn Đề Ba La Mật mà nhiếp Tỳ Lê Gia Ba La Mật.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát an trú trong Sẵn Đề Ba La Mật, ly dục, ly các bất thiện pháp, có giác, có quán, ly sanh hỷ lạc, nhập sơ thiền…dẫn đến xả niệm thanh tịnh, nhập đệ tứ thiền. Trong các thiền, nếu có bao nhiêu tâm và tâm sở thanh tịnh, Bồ Tát đều đem hồi hướng về nhất thiết chủng trí. Khi hồi hướng, Bồ Tát ở nơi các thiền đều bất khả đắc.

Như vậy gọi là Bồ Tát an trú trong Sẵn Đề Ba La Mật mà nhiếp Thiền Ba La Mật.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát an trú trong Sẵn Đề Ba La Mật, quán các pháp là ly tướng, là tịch diệt tướng, là vô tận tướng, mà chẳng chứng tịch diệt tướng đó; dẫn đến toạ đạo tràng, được nhất thiết chủng trí; rồi rời đạo tràng để chuyển pháp luân. Như vậy gọi là Bồ Tát an trú trong Sẵn Đề Ba La Mật mà nhiếp Bát Nhã Ba La Mật, vì là chẳng thủ, chẳng xả vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là Bồ Tát an trú trong Tỳ Lê Gia Ba La Mật mà nhiếp 5 Ba La Mật kia?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát an trú trong Tỳ Lê Gia Ba La Mật, Thân tâm tinh tấn, chẳng hề giải đãi, tự nghĩ rằng, “Ta giải quyết được Vô Thượng Bồ Đề, chớ nên giải đãi. Vì lợi ích chúng sanh ta phải đi 1 do tuần…dẫn đến trăm, ngàn, vạn, ức thế giới để giáo hóa họ. Dù ta chẳng dạy được một người vào được Phật đạo, hay vào được Bích Chi Phật đạo, Thanh Văn đạo…dẫn đến chẳng dạy được một người tu 10 thiện đạo, thì ta vẫn chẳng giải đãi trong việc hành pháp thí và tài thí, khiến họ được đầy đủ; rồi phải đem công đức ấy, cùng với hết thảy chúng sanh đồng hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề, chẳng hồi hướng về Thanh Văn và Bích Chi Phật địa”.

Như vậy gọi là Bồ Tát an trú trong Tỳ Lê Gia Ba La Mật mà nhiếp Đàn  Ba La Mật.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát an trú trong Tỳ Lê Gia Ba La Mật, từ khi sơ phát tâm đến khi toạ đạo tràng, tự mình chẳng sát sanh, dạy người chẳng sát sanh, tán thán pháp chẳng sát sanh, và hoan hỷ tán thán người chẳng sát sanh; tự mình xa lìa tà kiến, dạy người xa lìa tà kiến, tán thán pháp chẳng tà kiến, dạy người xa lìa tà kiến, tán thán pháp chẳng tà kiến, và hoan hỷ tán thán người chẳng tà kiến. Bồ Tát an trú trong Tỳ Lê Gia Ba La Mật như vậy, chẳng cầu phước báo ở cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô Sắc; chẳng cầu Thanh Văn đạo và Bích Chi Phật đạo; rồi đem công đức ấy, cùng với hết thảy chúng sanh đồng hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề. Khi hồi hướng, Bồ Tát chẳng sanh 3 tâm: Ai hồi hướng, dùng pháp gì để hồi hướng, và hồi hướng về đâu, Như vậy gọi là Bồ Tát an trú trong Tỳ lê Gia Ba La Mật mà nhiếp Thi Ba La Mật.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát an trú trong Tỳ Lê Gia Ba La Mật, từ khi sơ phát tâm đến khi toạ đạo tràng, trong khoảng giữa ấy nếu có chúng sanh nào đến chặt chân tay, liền tự nghĩ rằng, “Ai chém ta, ai chặt ta, ai cướp đoạt thân mạng ta?”; Rồi lại tự nghĩ rằng, “Ta có được đại lợi ích. Vì chúng sanh mà ta đã thọ thân này; hôm nay chúng sanh tự đến để lấy lại thân ta”.

Nghĩ như vậy rồi, Bồ Tát chánh ức niệm thật tướng pháp, rồi đem hết thảy công đức ấy, cùng với hết thảy chúng sanh đồng hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề.

Như vậy gọi là Bồ Tát an trú trong Tỳ lê Gia Ba La Mật mà nhiếp Sẵn Đề Ba La Mật.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát an trú trong Tỳ Lê Gia Ba La Mật, ly dục, ly các bất thiện pháp, có giác, có quán, ly sanh hỷ lạc, nhập sơ thiền…dẫn đến nhập đệ tứ thiền, nhập 4 vô sắc định; dùng 4 vô lượng tâm là “từ, bi, hỷ, xả” để làm lợi ích cho chúng sanh; Dùng 6 pháp Ba La Mật để thành tựu chúng sanh; Đi từ 1 Phật độ này đến 1 Phật độ khác để thân cận, cúng dường chư Phật, và gieo trồng thiện căn.

Như vậy gọi là Bồ Tát an trú trong Tỳ lê Gia Ba La Mật mà nhiếp Thiền Ba La Mật.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát an trú trong Tỳ Lê Gia Ba La Mật chẳng thấy có pháp Đàn Ba La Mật, chẳng thấy có tướng Đàn Ba La Mật…dẫn đến chẳng thấy có pháp Thiền Ba La Mật, chẳng thấy có tướng Thiền Ba La Mật; Chẳng thấy có pháp 4 niệm xứ, chẳng thất có pháp nhất thiết chủng trí, chẳng thấy có tướng 4 niệm xứ, chẳng thấy có tướng nhất thiết chủng trí.

Bồ Tát thấy hết thảy pháp là chẳng phải pháp (phi pháp), chẳng phải chẳng pháp (phi phi pháp). Ở nơi hết thảy pháp, Bồ Tát đều chẳng chấp trước, do chỗ làm của Bồ- Tát đúng như chỗ nói vậy. Như vậy gọi là Bồ- Tát an trú trong Tỳ Lê Gia Ba La Mật mà nhiếp Bát Nhã Ba La Mât.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là Bồ Tát an trú trong Thiền Ba La Mật mà nhiếp 5 Ba La Mật kia?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát an trú trong Thiền Ba La Mật, ly dục, ly các bất thiện pháp, có giác, có quán, ly sanh hỷ lạc nhập sơ thiền…dẫn đến nhập đệ tứ thiền, nhập 4 vô sắc định; Dùng 4 vô lượng tâm là “từ, bi, hỷ, xả”, trú trong Thiền Ba La Mât khiến tâm chẳng bị loạn động, mà hành pháp thí, và  tài thí để làm lợi ích chúng sinh. Bồ- tát tự mình hành 2 pháp bố thí đó, dạy người hành hai pháp bố thí đó, tán thán 2 pháp bố thí đó và hoan hỷ tán thán người hành 2 pháp bố thí đó, rồi đem hết thảy công đức ấy, cùng với hết thảy chúng sanh đồng hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề, chẳng cầu Thanh Văn và Bích Chi Phật đạo. Như vậy gọi là Bồ Tát an trú trong Thiền Ba La Mật mà nhiếp Đàn Ba La Mật.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát an trú trong Tỳ Lê Gia Ba La Mật, trọn chẳng sanh tâm dâm dục, sân nhuế, ngu si, chẳng làm phiền nhiễu người, chỉ hành tâm trì dưới tương ưng với nhất thiết chủng trí; rồi đem hết thảy công đức, cùng với hết thảy chúng sanh đồng hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề, mà chẳng hướng về Thanh Văn và Bích Chi Phật địa.

Như vậy gọi là Bồ Tát an trú trong Thiền Ba La Mật mà nhiếp Thi Ba La Mật.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát an trú trong Tỳ Lê Gia Ba La Mật, quán sắc như đống bọt, quán thọ như bong bóng nước, quán tưởng như sóng nắng (diệm), quán hành như lột bẹ chuối, quán thức như huyễn.

Bồ Tát quán như vậy mà thấy tướng của 5 ấm là chẳng kiên cố, nên tự hỏi. “Người chém ta là ai, người chặt ta là ai? Ai là người thọ, ai là người hành, ai là người tưởng, ai là người khởi thức? Ai là người mắng nhiếc, ai là người bị mắng nhiếc? Ai là người khởi sân giận?”.

Như vậy gọi là Bồ Tát an trú trong Thiền  Ba La Mật mà nhiếp Sẵn Đề Ba La Mật.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát an trú trong Tỳ Lê Gia Ba La Mật, ly dục, ly các bất thiện pháp, có giác, có quán, ly sanh hỷ lạc, nhập sơ thiền…dẫn đến nhập đệ tứ thiền. Từ các thiền định khởi sanh các thần thông: Có thần túc thông biến hóa, đi trên mặt nước như đi trên mặt đất, đi vào lòng đất như đi vào nước…, có thiên nhĩ thông, nghe được tiếng của loài người và của các hàng trời; Có tha tâm thông, biết được người khác nhiếp tâm hay loạn tâm, có tâm hướng thượng hay có tâm chẳng hướng thượng…; Có túc mạng thông, biết được đời trước của mình và của người…; Có thiên nhãn thông, biết chỗ thọ nghiệp báo của người.

Bồ Tát an trú trong 5 thần thông, đi từ Phật độ này đến Phật độ khác để thân cận và cúng dường chư Phật, gieo trồng thiện căn, thanh tịnh Phật độ, thành tựu chúng sanh; rồi đem công đức ấy, cùng với hết thảy chúng sanh đồng hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề.

Như vậy gọi là Bồ Tát an trú trong Thiền Ba La Mật mà nhiếp Tì Lê Gia Ba La Mật.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát an trú trong Thiền Ba La Mật, chẳng đắc sắc, chẳng đắc thọ, tưởng, hành, thức; Chẳng đắc 6 pháp Ba La Mật; Chẳng đắc 4 niệm xứ…dẫn đến chẳng đắc nhất thiết chủng trí; Chẳng đắc vô vi tánh. Vì chẳng đắc nên chẳng tác; Vì chẳng tác nên chẳng sanh; vì chẳng sanh nên chẳng diệt. Vì sao? Vì có Phật, hay chẳng có Phật, thì pháp như, pháp tướng, pháp tánh vẫn thường trú, chẳng có sanh diệt. Do vậy mà Bồ Tát thường nhất tâm, tương ưng với nhất thiết chủng trí.

Như vậy gọi là Bồ Tát an trú trong Thiền  Ba La Mật mà nhiếp Bát Nhã Ba La Mật.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là Bồ Tát an trú trong Bát Nhã Ba La Mật mà nhiếp 5 Ba La Mật kia?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát an trú trong Bát Nhã Ba La Mật chẳng đắc nội không, chẳng đắc ngoại không, chẳng đắc nội ngoại không, chẳng đắc không không…dẫn đến chẳng đắc chư pháp không. Bồ Tát trú trong 14 pháp không bất đắc đó, thấy sắc, dù là không hay là chẳng không, đều là bất đắc; Thấy thọ, tưởng, hành, thức, dù là không hay là chẳng không, đều bất đắc; Thấy 4 niệm xứ …..dẫn đến thấy Vô thượng Bồ- đề , dù là không hay là chẳng không đều là bất đắc; Thấy hữu vi tánh, thấy vô vi tánh, dù là không hay là chẳng không, đều là bất đắc. Bồ Tát trú trong Bát Nhã Ba La Mật như vậy, vẫn hành bố thí mà vẫn quán bố thí là không. Bồ Tát quán bố thí là không, quán người hành thí, kẻ thọ thí, tài vật đem ra bố thí đều không, chẳng cho tâm xan tham, đắm trước sanh khởi. Vì sao? Vì Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật, từ khi sơ phát tâm cho đến khi tọa đạo tràng chẳng có vọng tâm phân biệt. Ví như chư Phật khi được Vô Thượng Bồ Đề chẳng có tâm xan tham, đắm trước; Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật cũng như vậy, chẳng có tâm xan tham, đắm trước. Đó là vì Bồ Tát tôn trọng Bát Nhã Ba La Mật.

Như vậy gọi là Bồ Tát an trú trong Bát Nhã Ba La Mật mà nhiếp Đàn Ba La Mật.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát an trú trong Bát Nhã Ba La Mật, chẳng sanh tâm Thanh Văn và Bích Chi Phật, vì tâm hướng về Thanh Văn và Bích Chi Phật là bất khả đắc. Bồ Tát, từ khi sơ phát tâm cho đến khi tọa đạo tràng, trong khoảng giữa ấy, tự mình chẳng sát sanh, dạy người khác chẳng sát sanh, tán thán pháp chẳng sát sanh, hoan hỷ tán thán người chẳng sát sanh,…dẫn đến tự mình chẳng tà kiến, dạy người khác chẳng tà kiến, tán thán pháp chẳng tà kiến, hoan hỷ tán thán người chẳng tà kiến. Do nhân duyên trì giới như vậy mà chẳng thấy có pháp để chấp.

Như vậy gọi là Bồ Tát an trú trong Bát Nhã Ba La Mật mà nhiếp Thi La Ba La Mật.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát an trú trong Bát Nhã Ba La Mật, tùy thuận pháp nhẫn, tự nghĩ rằng, “Trong pháp này chẳng có pháp gì khởi sanh hay diệt, sanh hay tử; chẳng có pháp gì là mắng nhiếc, là chặt chém, là đánh đập”. Bồ Tát, từ khi sơ phát tâm cho đến khi tọa đạo tràng, nếu có chúng sanh nào đến mắng nhiếc…dẫn đến dùng đao trượng đâm chém, đánh đập, vẫn giữ tâm bất động, tự nghĩ rằng, “Trong pháp này chẳng có pháp gì cả, chẳng có ai bị mắng nhiếc, bị đâm chém, bị đánh đập, mà chúng sanh vẫn thọ các khổ não”.

Như vậy gọi là Bồ Tát an trú trong Bát Nhã Ba La Mật mà nhiếp Sẵn Đề Ba La Mật.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát an trú trong Bát Nhã Ba La Mật, vì chúng sanh thuyết pháp, dạy họ hành 6 pháp Ba La Mật, hành 4 niệm xứ…dẫn đến hành 8 thánh đạo, khiến họ được 4 quả Thanh Văn, quả Bích Chi Phật…dẫn đến được Vô Thượng Bồ Đề, mà chẳng trú trong hữu vi tánh, trong vô vi tánh.

Như vậy gọi là Bồ Tát an trú trong Bát Nhã Ba La Mật mà nhiếp Tỳ Lê Gia Ba La Mật.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát an trú trong Bát Nhã Ba La Mật, nhập vào tất cả các tam muội, ngoại trừ Phật tam muội. Tất cả các tam muội của Thanh Văn, của Bích Chi Phật, Bồ Tát đều vào được cả. Bồ Tát trú trong các tam muội, thuận nghịch ra vào 8 bối xả: Bối xả thứ 1 là trong quán sắc tướng, ngoài quán sắc; Bối xả thứ 2 là trong chẳng có sắc tướng, ngoài quán sắc; Bối xả thứ 3 là tịnh bối xả, thân tác chứng; Bối xả thứ 4 là quán hết thảy sắc tướng, diệt các tướng đối đãi, chẳng niệm các sắc tướng, nhập hư không vô biên xứ; Bối xả thứ 5 là vượt qua hư không vô biên xứ, nhập thức vô biên xứ; Bối xả thứ 6 là vượt qua thức vô biên xứ, nhập vô sở hữu xứ; Bối xả thứ 7 là vượt qua vô sở hữu xứ, nhập phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ; Bối xả thứ 8 là vượt qua phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, nhập diệt thọ tưởng định.

Bồ Tát y nơi 8 bối xả này, mà thuận nghịch ra vào 9 thứ đệ định.

* Thế nào gọi là nhập 9 thứ đệ định?

Đó là ly dục, ly các bất thiện pháp, vào sơ thiền, đệ nhị thiền, đệ tam thiền, đệ tứ thiền; Vào 4 vô sắc định; Vào diệt thọ tưởng định.

Bồ Tát y nơi 9 thứ đệ định và 8 bối xả này, mà vào Sư Tử Phấn tam muội.

* Thế nào gọi là nhập Sư Tử Phấn tam muội?

Đó là nhập sơ thiền; Xuất sơ thiền, nhập đệ nhị thiền…dẫn đến xuất phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ định, nhập diệt thọ tưởng định. Đây là thuận quán. Rồi xuất diệt thọ tưởng định, nhập phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ định…dẫn đến xuất đệ nhị thiền, nhập sơ thiền. Đây là nghịch quán.

Bồ Tát y nơi Sư Tử Phấn tam muội này, mà vào Siêu Việt tam muội.

* Thế nào gọi là nhập Siêu Việt tam muội?

Đó là nhập sơ thiền; Khi sơ thiền khởi lại nhập đệ nhị thiền;… dẫn đến khi phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ định khởi, lại nhập diệt thọ tưởng định. Khi diệt thọ tưởng định khởi, lại nhập sơ thiền, khi sơ thiền khởi lại nhập diệt thọ tưởng định. Khi diệt thọ tưởng định khởi lại nhập đệ nhị thiền; khi đệ nhị thiền khởi, lại nhập diệt thọ tưởng định. Khi diệt thọ tưởng định khởi lại nhập đệ tam thiền; Khi đệ tam thiền khởi, lại nhập diệt thọ tưởng định. Khi diệt thọ tưởng định khởi lại nhập đệ tứ thiền; khi đệ tứ thiền khởi, lại nhập diệt thọ tưởng định. Khi diệt thọ tưởng định khởi, lại nhập hư không xứ định, khi hư không xứ định khởi, lại nhập diệt thọ tưởng định. Khi diệp thọ tưởng định khởi, lại nhập diệt thức xứ định; Khi vô sở hữu xứ định khởi, lại nhập diệt thọ tưởng định. Khi diệt thọ tưởng định khởi, lại nhập phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ định; khi phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ định khởi, lại nhập diệt thọ tưởng định. Khi diệt thọ tưởng định khởi, lại nhập tán tâm, khi tán tâm khởi, lại nhập phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ khởi, lại nhập tán tâm; khi tán tâm khởi, lại nhập vô sở hữu xứ định.  Khi vô sở hữu xứ định khởi, lại nhập tán tâm; Khi tán tâm khởi, lại nhập thức xứ định. Khi thức xứ định khởi, lại nhập tán tâm; Khi tán tâm khởi lại nhập hư không xứ định; Khi hư không xứ định khởi lại nhập tán tâm; Khi tán tâm khởi lại nhập đệ tứ thiền. Khi đệ tứ thiền khởi, lại nhập tán tâm; Khi tán tâm khởi, lại nhập đệ tam thiền. Khi đệ tam thiền khởi, lại nhập tán tâm; Khi tán tâm khởi, lại nhập đệ nhị thiền. Khi đệ nhị thiền khởi, lại nhập tán tâm; Khi tán tâm khởi lại nhập sơ thiền. Khi sơ thiền khởi lại nhập tán tâm. Như vậy là, ở nơi Siêu Viêt tam muội, Bồ Tát được hết thảy các pháp tướng bình đẳng.

Như vậy gọi là Bồ Tát an trú trong Bát Nhã Ba La Mật mà nhiếp Thiền Ba la Mât.

LUẬN:

Hỏi: Vì sao khi tu tập 6 pháp Ba La Mật cần phải chọn một Ba La Mật làm chủ?

Đáp: Vì nhân duyên tu hành có thứ lớp, nên người tu hành phải tùy theo hạnh nguyện của mình mà chọn một Ba La Mật làm chủ.

Bồ Tát phân biệt có: Tại gia Bồ Tát, và xuất gia Bồ Tát.

Bồ Tát tại gia, do đã có được nhiều phước đức, nên được sanh vào nhà giàu có, bởi vậy nên khi hành đạo, hạng Bồ Tát này thường chọn bố thí Ba La Mật làm chủ, hành bố thí trước, rồi mới hành các Ba La Mật khác.

Bồ Tát xuất gia, do chẳng nắm giữ của cải, nên chọn trì giới Ba La Mật, nhẫn nhục Ba La Mật, tinh tấn Ba La Mật, thiền Ba La Mật, và trí huệ Ba La Mật làm chủ.

Ví dụ như, do chẳng có của cải, nên Bồ Tát lấy nhẫn nhục Ba La Mật làm chủ, sẵn sàng đem thân mạng mình ra bố thí, để làm lợi ích cho chúng sanh; Dù có chúng sanh đến mắng nhiếc hay hành hung, Bồ Tát vẫn chẳng khởi tâm sân hận. Bồ Tát hành nhẫn nhục Ba La Mật như vậy là nhiếp bố thí Ba La Mật. Khi bị người hành hung, gây nguy hại đến tính mạng của mình, Bồ Tát liền tự nghĩ rằng. “Thân này là hư giả. Ta chớ nên vì tiếc thân mạng mà xa lìa việc tu tập các Ba La Mật. Nếu vì lợi ích chúng sanh mà phải bố thí thân mạng, ta vẫn phải hoan hỷ bố thí”.

Do có được các lực phương tiện của bố thí Ba La Mật và nhẫn nhục Ba La Mật, nên Bồ Tát này, sau khi mạng chung, sẽ được sanh về một thế giới an lành, tốt đẹp, để tiếp tục hành bố thí Ba La Mật và nhẫn nhục Ba La Mật.

Hỏi: Trú trong nhẫn nhục, chẳng làm điều ác, tức là đã hành trì giới rồi. Như vậy vì sao còn nói trú trong nhẫn nhục Ba La Mật mà nhiếp trì giới Ba La Mật?

Đáp: Trên đây chỉ mới nói về các tướng của các Ba La Mật, mà chưa nói đến các Ba La Mật thứ lớp sanh như thế nào.

Tuy là các Ba La Mật có thể hòa hợp với nhau, nhưng mỗi pháp đều có tướng riêng khác.Nếu y theo thứ lớp mà hành, thì trước phải có trì giới, rồi sau mới có nhẫn nhục. Giới là chẳng hại người, chẳng nhiễu loạn người; nhẫn là tự nhiếp thân mình, dù phải hy sinh thân mạng mình cũng chẳng hối tiếc. Bởi vậy nên trong nhẫn nhục đã có hàm chứa giới tướng rồi vậy.

Trì giới có 2 cách. Đó là:

– Chẳng làm não hại chúng sanh.

– Tự mình sanh căn bản thiền định.

Người chưa thọ giới pháp, chỉ vì sợ mang tội mà hành nhẫn nhục. Vì chưa có thâm tâm thương xót chúng sanh, nên tự nghĩ, “Trì giới là bước đầu vào Phật đạo, còn chẳng làm hại chúng sanh là việc dễ làm. Ta nên nhẫn nhục làm các việc dễ làm trước đã”. Cho nên mới nói rằng, “Nhẫn nhục thường nhiếp trì giới” là vậy.

Lại nữa, nhẫn nhục khiến cho tâm đừng sanh, chưa phải là trì giới. Phải thành tựu thân khẩu và ý thanh tịnh mới gọi là trì giới. Nếu chỉ có ý thanh tịnh, thì chỉ được gọi là nhẫn nhục mà thôi.

Hỏi: Thiền Ba La Mật cũng làm cho tâm thanh tịnh. Như vậy vì sao chỉ nói đến nhẫn nhục mà thôi?

Đáp: Vào được Thiền Ba La Mật rồi là đã có được trí lực lớn, nên chẳng cần nói đến trì giới nữa.

Khi tâm chưa được thanh tịnh mới phải cần tu nhẫn nhục để giữ gìn đừng cho tâm sanh.

Trong kinh có nói đến nhân duyên Bồ Tát có đại trí huệ, phát tâm hành 6 pháp Ba La Mật, mà đời đời được tăng ích công đức, chẳng có đọa về 3 đường ác,…dẫn đến sẽ được quả Vô Thượng Bồ Đề.

Vì Bồ Tát, từ khi sơ phát tâm cho đến khi tọa đạo tràng, chẳng có sanh sân tâm, chẳng nhiễu loạn chúng sanh, chẳng đoạt mạng chúng sanh, cũng chẳng thủ chứng quả vị Nhị Thùa, nên mới có đại công đức như vậy.

Đây chính là công đức trì giới Ba La Mật và nhẫn nhục Ba La Mật. Bồ Tát đem hết thảy công đức ấy, cùng với hết thảy chúng sanh đồng hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề, mà chẳng khởi 3 chấp điên đảo: Chấp có người hồi hướng, có pháp hồi hướng, và có chỗ hồi hướng.

Đây là trường hợp nhẫn nhục Ba La Mật nhiếp trì giới Ba La Mật.

-o0o-

Nhẫn nhục Ba La Mật cũng nhiếp được tinh tấn Ba La Mật.

Bồ Tát tu tập các công đức, phát nguyện độ hết thảy chúng sanh, nên thường tinh tấn, chẳng giải đãi. Trong lúc hành Bồ Tát đạo, nếu có gặp các trở ngại, Bồ Tát vẫn chẳng thối tâm. Vì sao? Vì đã thường kham nhẫn các khổ, nên nếu cần phải chịu đựng khổ nhọc trong thời gian lâu dài, Bồ Tát vẫn chẳng thối chuyển. Như trong kinh dạy: Dù phải đi 1 do tuần…dẫn đến trăm, ngàn, vạn, ức thế giới để tìm 1 người trao chân thật pháp Niết Bàn, Bồ Tát vẫn thường tinh tấn.

Nếu chẳng tìm được người như vậy, Bồ Tát vẫn chẳng sanh phiền não. Dẫn đến, nếu chỉ tìm được 1 người thọ trì 5 giới, thì Bồ Tát liền sanh tâm hoan hỷ, vì tự nghĩ, “Ta tìm được 1 người tức đã tìm được nhiều người, thông qua người ấy, thì chân thật pháp sẽ mãi mãi được lưu truyền vậy. Vì sao? Vì các pháp, ở nơi thật tướng, là chẳng phải hai, chẳng phải khác”.

Đây là trường hợp nhẫn nhục Ba La Mật nhiếp tinh tấn Ba La Mật.

-o0o-

Nhẫn nhục Ba La Mật cũng nhiếp được thiền Ba La Mật.

Bồ Tát hành nhẫn nhục Ba La Mật, nên có tâm nhu nhuyến, mềm mại, rất dễ vào các thiền định. Trú trong thiền định, Bồ Tát khởi tâm từ bi, bình đẳng đối với hết thảy chúng sanh, đem các tâm và tâm sở thanh tịn, cùng với hết thảy chúng sanh đồng hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề.

Đây là trường hợp nhẫn nhục Ba La Mật nhiếp thiền Ba La Mật.

-o0o-

Nhẫn nhục Ba La Mật cũng nhiếp được Bát Nhã Ba La Mật.

Bồ Tát trú trong “chúng sanh nhẫn” và trong “pháp nhẫn”, nên nhẫn được các việc làm ác của chúng sanh. Gặp những chúng sanh đến mắng nhiếc, hành hung mình, Bồ Tát vẫn hành đại từ bi đối với họ, nên được đại công đức.

Do được tâm nhu nhuyến, mềm mại nên  Bồ Tát dễ được “pháp nhẫn”, biết rõ hết thảy pháp đều rốt ráo là vô sanh. Trú trong “pháp nhẫn”, Bồ Tát quán hết thảy pháp đều là không tướng, là ly tướng, là vô tận tướng, là tịch diệt tướng, là Niết Bàn tướng, mà vẫn chẳng có chấp tướng tịch diệt Niết Bàn đó.

Lại nữa, Bồ Tát trú trong “chúng sanh nhẫn”, biết rõ hết thảy chúng sanh đều rốt ráo không, nên chẳng còn thấy có người đến mắng nhiếc mình, đâm chém mình…dẫn đến đoạt thân mạng mình.

Khi đã đầy đủ “chúng sanh nhẫn” và “pháp nhẫn”, Bồ Tát chẳng còn 3 chấp điên đảo: Chấp có người nhẫn, có pháp nhẫn, có chỗ nhẫn.

Do vậy mà Bồ Tát thường thấy hết thảy pháp đều là tịch diệt tướng là Niết Bàn tướng cả.

Bổn nguyện cầu Phật đạo của Bồ Tát là vào được nơi thật tướng của các pháp, nơi rốt ráo không tướng của các pháp. Nếu chưa tọa đạo tràng, thì chẳng tác chứng thật tế. Nếu tọa đạo tràng, thì phải đầy đủ các Phật Pháp, mới được Phật đạo, chuyển pháp luân. Lúc bấy giờ vì lợi ích chúng sanh mà thuyết pháp, hóa độ chúng sanh, nhưng vẫn thường an trú trong Bát Nhã Ba La Mật.

Đây là trường hợp nhẫn nhục Ba La Mật nhiếp Bát Nhã Ba La Mật.

Hỏi: Thế nào là trú trong tinh tấn Ba La Mật mà nhiếp các Ba La Mật khác?

Đáp: Bồ Tát trú trong tinh tấn chẳng còn sợ hãi, vì do có lực tinh tấn mà vượt qua được mọi khó khăn, gian khổ, Bồ Tát biết rõ hết thảy pháp đều là rốt ráo không, nhưng vì lòng từ bi thương xót chúng sanh, nên trở lại trong 3 cõi, khởi các thiện nghiệp để hóa độ chúng sanh, mà chẳng chấp Niết Bàn vậy. Được như vậy là nhờ lực phương tiện tinh tấn Ba La Mật.

Bồ- Tát trú trong tinh tấn Ba La Mật, tự nghĩ rằng “Ta quyết định sẽ được Vô Thượng Bồ Đề, chớ nên giải đãi. Dù phải đi trăm, ngàn, vạn, ức do tuần, dù phải qua trăm ngàn, vạn, ức thế giới để giáo hóa chúng sanh, ta vẫn phải tinh tấn, chớ nên giải đãi. Nếu chẳng dạy được một người vào Phật đạo, hay vào Bích Chi Phật đạo, vào Thanh Văn đạo…dẫn đến nếu chẳng dạy được một người tu mười thiện đạo, ta vẫn phải tinh tấn hành pháp thí và tài thí, khiến chúng sanh được đầy đủ; Rồi phải đem công đức ấy, cùng với hết thảy chúng sanh đồng hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề”.

Đây là trường hợp tinh tấn Ba La Mật nhiếp bố thí Ba La Mật.

Mặc dù hết thảy các trường hợp bố thí đều do tinh tấn khởi sanh, nhưng đây là bố thí Ba La Mật, bố thí “tam luân không tịch”, nên cần phải có lực phương tiện tinh tấn Ba La Mật, mới được viên mãn.

Tinh tấn Ba La Mật cũng nhiếp trì giới Ba La Mật.

Bồ Tát an trú trong tinh tấn Ba La Mật, từ khi sơ phát tâm cho đến khi toạ đạo tràng, tu mười thiện đạo chẳng hề ngưng nghỉ, và cũng dạy người khác tu mười thiện đạo.

Bồ Tát an trú trong tinh tấn Ba La Mật như vậy, chẳng cầu phước báo ở ba cõi, chẳng tham đắm các quả Thanh Văn và Bích Chi Phật.

Chỉ những người giải đãi mới cầu phước báo ở ba cõi, mới cầu pháp Nhị Thừa; còn Bồ Tát chẳng có các tướng giải đãi như vậy.

Đây là trường hợp tinh tấn Ba La Mật nhiếp trì giới Ba La Mật.

-o0o-

Tinh tấn Ba La Mật cũng nhiếp nhẫn nhục Ba La Mật.

Bồ Tát, trú trong tinh tấn Ba La Mật, từ khi sơ phát tâm cho đến khi tọa đạo tràng, đã xả ngã chấp, chẳng còn tiếc thân mạng, đã vào được nơi thật tướng pháp, nên dù có kẻ đến mắng nhiếc, hành hung, cũng chẳng sanh sân hận, chẳng sanh tâm sợ hãi, vì tự nghĩ, “Chẳng có ai mắng nhiếc hay hành hung, cũng chẳng có ai thọ sự mắng nhiếc hay hành hung đó”. Bồ Tát lại tự nghĩ, “Nếu ta bố thí thân này, ta sẽ có được đại lợi ích. Vì thương xót chúng sanh mà ta đã thọ thân này; Nay chúng sanh đến đoạt thân này, ta phải nên hoan hỷ, chẳng nên luyến tiếc; Ta lại phải đem hết thảy công đức nhẫn nhục này cùng với hết thảy chúng sanh đồng hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề”.

Bởi nhân duyên vậy, nên dù bị chúng sanh mắng nhiếc, đánh đập… Bồ Tát vẫn hoan hỷ nhẫn nhục, chẳng hề thối chuyển.

Đây là trường hợp tinh tấn Ba La Mật nhiếp nhẫn nhục Ba La Mật.

-o0o-

Tinh tấn Ba La Mật cũng nhiếp thiền Ba La Mật.

Có người tự nhiên được thiền định. Hạng người này, do đời trước ở cõi trên, nên nay sanh về cõi này, tự nhiên được thiền định.

Có người, do nhân duyên hành đại bố thí, phá được xan tham, phá được năm triền cái, mà được thiền định.

Có người, do tu tập nhẫn nhục, hoặc do sanh tâm Tiểu Thừa, mà nhàm chán sanh tử, nên cũng vào được thiền định.

Có người, do có đại trí huệ lực, biết cõi Dục là vô thường, là bất tịnh, biết thiền định tuy cũng chẳng thật có, nhưng vào thiền định vẫn thù thắng hơn ở cõi Dục, nên đã vào thiền định.

Đây là những trường hợp thiền định chẳng do tinh tấn sanh. Hành giải nhờ các nhân duyên khác mà vào được thiền định.

Thế nhưng có người ở nơi các pháp Ba La Mật thường làm chủ được tâm mình. Lúc kinh hành, cũng như lúc tọa thiền vẫn thường tinh tấn, lấy tấn căn chế ngự năm triền cái, đấu tranh như xông pha vào trận mạc chống quân giặc, vừa mống tâm toán loạn là liền nhiếp tâm trở về, dù mệt nhọc bao nhiêu cũng vẫn chẳng ngưng nghỉ. Tinh tấn như vậy, có thể chỉ trong 1 ngày, 1 đêm là vào được thiền định.\

Đây là trường hợp tinh tấn Ba La Mật nhiếp thiền Ba La Mật.

Nên biết có người do chưa đoạn sạch các nghiệp tội đời trước, do còn tham đắm các lạc thú ở đời, để tâm rong ruổi theo cảnh duyên, nên khó chế ngự tán tâm, khó vào thiền định. Hạng người này phải gia tăng tinh tấn mới mong vào được thiền định. Ví như có người do được nhiều phước đức, nên an nhiên hưởng lộc; Còn người kém phước đức thì phải tinh tấn làm lụng mới mong có được cuộc sống sung túc an nhàn.

 -o0o-

Tinh tấn Ba La Mật cũng nhiếp Bát Nhã Ba La Mật.

Bồ Tát có tinh tấn mới nhiếp được Bát Nhã Ba La Mật. Bồ Tát được thiền định rồi mới sanh được thần thông. Có đủ thiền định và trí huệ như vậy, nên Bồ Tát dùng lực thần thông đi khắp mười phương, cúng dường chư Phật, gieo trồng thiện căn.

Lại nữa, Bồ Tát vì hạnh nguyện độ sanh, nên ngoài việc bố thí, trì giới, nhẫn nhục, thiền định, còn phải thường tinh tấn, mới phát sanh được trí huệ Bát Nhã Ba La Mật. Vì sao? Vì trí huệ thường là do tinh tấn sanh. Bởi vậy nên Bồ Tát phải lấy tinh tấn làm chủ, mới có thể nhiếp Bát Nhã Ba La Mật được.

Bồ Tát có 2 việc phải làm. Đó là:

– Quán thật tướng các pháp. Ở nơi thật tướng pháp, Bồ Tát chẳng thấy pháp tướng, cũng chẳng thấy phi pháp tướng.

– Làm đúng như chỗ nói.

Người giải đãi chẳng có thể làm hai việc này được.

Đây là trường hợp tinh tấn Ba La Mật nhiếp Bát Nhã Ba La Mật.

Hỏi: Thế nào gọi là an trú trong thiền Ba La Mật mà nhiếp các Ba La Mật kia?

Đáp: Phải đầy đủ cả 2 việc nêu trên đây, mới trú được trong thiền định; Lấy thiền định nhiếp cả năm Ba La Mật kia.

Bồ Tát trú trong thiền Ba La Mật, điều tâm nhu nhuyến, bất động, mới có thể quán thật tướng các pháp.Ví như nhà kín gió, thì đèn mới có thể sáng tỏ; Cũng như vậy, phải trú trong thiền Ba La Mật mới phát sanh được trí huệ Ba La Mật.

Lúc bấy giờ, Bồ Tát chẳng còn nhiễu loạn chúng sanh, mà trái lại thường bi nguyện chúng sanh, thương xót hết thảy chúng sanh.

Phải thanh tịnh trì giới, nhẫn nhục mới có được lực thần thông, biến hóa đầy đủ tài vật để bố thí cho chúng sanh, lại biến hóa ra các hóa thân, để vì chúng sanh, thuyết pháp độ sanh. Bởi vậy nên nói thiền định là nhân bố thí.

Lại nữa, do thiền định mà có được thần thông, đi khắp mười phương, cúng dường chư Phật, gieo trồng thiện căn, chẳng hề giải đãi. Bởi vậy nên nói thiền định sanh tinh tấn.

Lại nữa, cũng do nơi thiền Ba La Mật, mà tất cả các Ba La Mật kia đều được tăng trưởng.

Đây là nghĩa, “Trú trong thiền Ba La Mật, lấy thiền Ba La Mật là chủ, nhiếp tất cả 5 Ba La Mật kia”.

Hỏi: Vì sao nói Bồ Tát an trú trong Bát Nhã Ba La Mật, chẳng đắc 14 pháp không, từ nội không…dẫn đến chư pháp không, có 18 pháp không, vì sao chỉ nói có 14, mà chẳng nói đến 4 pháp không sau?

Đáp: Phân biệt hết thảy pháp tướng không, và hết thảy pháp không, là đã tổng nhiếp tất cả 18 pháp không rồi. Đây là vì người tu hành mà Phật rộng phân biệt có 18 pháp không.

Thế nhưng, có người chỉ hành 1 pháp, 2 pháp dẫn đến 14 pháp trong 18 pháp không đó. Bởi vậy nên phải tùy theo chúng sanh chấp nhiều hay chấp ít, mà nói rộng hay nói hẹp, nói nhiều hay nói ít vậy.

Đối với người thâm chấp tà kiến mới phải nói đến 4 pháp không sau cùng. Vì sao? Vì hàng ngoại đạo, do tà kiến, mà chấp “hữu pháp”, chấp “vô pháp”; Còn Bồ Tát do có tâm từ bi nhu nhuyến, nên chẳng chấp “hữu”, cũng chẳng chấp “vô”. Lại nữa, Bồ Tát do huân tu 14 pháp không, mà ở nơi “hữu” và “vô” đều được rõ ràng, chẳng có lầm lẫn.

Bởi nhân duyên vậy, nên ở nơi đây chẳng có đề cập đến 4 pháp không sau cùng.

Hỏi: Trong kinh nói, “Cũng như chư Phật, Bồ Tát chẳng sanh tâm chấp đắm”. Nói như vậy có hàm ý nghĩa gì?

Đáp: Phật đã đoạn sạch phiền não, nên các tập khí chẳng còn sanh khởi nữa. Bồ Tát dùng lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật, ngăn các tập khí, chẳng cho sanh khởi.

Nay, vì muốn tán thán lực Bát Nhã Ba La Mật, nên nói, “Bồ Tát, dù chưa tận đoạn kiết sử, nhưng cùng với Phật chẳng khác”. Sở dĩ nói như vậy là nhằm khiến người đời tôn quí Bát Nhã Ba La Mật. Do tôn quí Bát Nhã Ba La Mật, mà nghĩ rằng, “Trong Bát Nhã Ba La Mật chẳng có pháp sanh diệt, nên chẳng có người mắng nhiếc, sát hại, cũng chẳng có người thọ lãnh sự mắng nhiếc sát hại đó”.

Hỏi: Người dấy niệm như trên đây là vào được vô sanh pháp nhẫn. Như vậy, vì sao nói vào được nhu thuận nhẫn?

Đáp: Có người do tu tập, biết rõ 5 ấm hòa hợp mà giả danh có chúng sanh, nhưng chưa có thể phá được pháp chấp. Bởi vậy nên kinh nói, “Các pháp là vô sanh, vô diệt, chẳng có người mắng nhiếc, sát hại; Cũng chẳng có người thọ lãnh sự mắng nhiếc, sự sát hại”.

Đây là vì hạng người đã phá được ngã chấp, quán pháp không, mà còn vướng mắc pháp ái, nên kinh đã nói như trên.

Người được vô sanh pháp nhẫn mới có đầy đủ từ bi tâm, thương xót chúng sanh; Còn người được nhu thuận nhẫn chỉ mới niệm pháp không mà thôi.

“Pháp nhẫn” và “chúng sanh nhẫn” tuy chẳng ngăn ngại nhau, nhưng có sâu; có cạn, sai khác nhau:

– Ở nơi “chúng sanh bất khả đắc” chỉ mới là “chúng sanh nhẫn”.

– Ở nơi “pháp bất khả đắc” mới được gọi là “pháp nhẫn”.

Hỏi: Vì sao nói, “Tiểu Thừa chẳng được Siêu Việt tam muội, chẳng dung được 2 bên, chẳng sám y tán tâm mà vào diệt thọ tưởng định?”

Đáp: Pháp “Tiều Thừa chẳng thể sánh được pháp Đại Thừa được. Người tu mà chẳng siêu việt được 2 bên là người tu theo pháp Tiểu Thừa; còn Bồ Tát, do được đại trí huệ, do thâm nhập thiền định, nên thường tùy ý siêu việt được 2 bên. Ví như lực sĩ trong loài người chỉ nhảy qua rào cao vài trượng; còn lực sĩ trong loài người chỉ nhảy qua rào cao vài trượng; còn lực sĩ trong hàng trời có thể vượt qua các khoảng xa rộng, chẳng chút khó khăn.

Lại nữa, Bồ Tát có đại trí huệ, nên vào Sư Tử Phấn Tấn tam muội, được lực Bát Nhã Ba La Mật hộ trì, nên ở nơi hết thảy pháp thường được tự tại, vô ngại.

Lại nữa, do đã vào được nơi thật tướng pháp, nên thường an trú nơi bất động pháp.

Bởi vậy, chẳng nên đem các pháp của hàng trời và của hàng người mà nạn hỏi nữa.

Hỏi: Thế nào gọi là Bồ Tát an trú trong Bát Nhã Ba La Mật mà nhiếp các Ba La Mật khác?

Đáp: Bồ Tát an trú trong Bát Nhã Ba La Mật đem tài vật bố thí chúng sanh và cúng dường chư Phật, mà biết rõ chúng sanh cũng như chư Phật đều rốt ráo là không. Bởi vậy nên đối với chúng sanh cũng như đối với Phật, Bồ Tát giữ tâm bình đẳng. Vì giữ tâm bình đẳng, nên Bồ Tát chẳng quý chư Phật, chẳng khinh chúng sanh, cũng chẳng thấy bố thí người nghèo được ít phước đúc, cúng dường chư Phật được nhiều phước đức. Vì sao? Vì Bồ Tát đã đoạn sạch các vọng tưởng phân biệt điên đảo, đã vào “bất nhị pháp môn” vậy.

Cũng như vậy, khi hành pháp thí, Bồ Tát chẳng quý trọng người trí, chẳng khinh chê người vô trí. Vì sao?

Vì Phật pháp là vô lượng, là bất khả tư nghi. Nói về 12 nhân duyên, về không, về vô tướng, về vô tác, hoặc về các thậm thâm pháp khác cũng chẳng khác. Vì sao? Vì khi đã vào nơi tịch diệt tướng, thì hết thảy các pháp đều là bình đẳng, đều là vô phân biệt, đều chẳng có hý luận.

Đây là trường hợp Bát Nhã Ba La Mật nhiếp Bố thí Ba La Mật.

Lại nữa, có Bồ tát an trú nơi 10 Phật lực, đem công đức của chư Phật 3 đời và của hàng đệ tử Phật, để cùng với hết thảy chúng sanh tùy hỷ hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề. Do được lực trí huệ như vậy, nên chẳng gì mà Bồ Tát chẳng thí, khiến chúng sanh được phần phước đức. Lại cũng có Bồ Tát muốn nhổ gốc xan tham mà hành bố thí. Khi hành bố thí, Bồ Tát ấy hoan hỷ chào đón người thọ thí, vì đã diệt tâm sân si, tất đố, cung kính người thọ thí, vì đã tận diệt tâm kiêu mạn; Lại biết rõ quả báo của bố thí, vì đã tận phá tâm nghi.

Bồ Tát ấy, khi bố thí, thường quán người thọ thí như Phật; Quán các tài vật đem ra bố thí đều là như tướng, là Vô Thượng Bồ Đề tướng; Quán thân, từ trước đến nay, là rốt ráo không. Bố thí như vậy là chân thật, chẳng hư dối, là tương ưng với nhất thiết chủng trí. Đây là trường hợp Bát Nhã Ba La Mật nhiếp Bố thí Ba La Mật.

Bát Nhã Ba La Mật cũng nhiếp trì giới Ba La Mật.

Bồ Tát Ba La Mật cũng nhiếp trì giới Ba La Mật.

Bồ Tát thâm nhập vào thanh tịnh Bát Nhã Ba La Mật, biết rõ chúng sanh là không, mà vẫn thọ trì các thiện nghiệp đạo, để phá nghiệp sát sanh. Nếu vì muốn độ chúng sanh trong phạm vi một do tuần, trong phạm vi trăm, ngàn, vạn, ức…do tuần mà trì giới,…dẫn đến vì muốn độ chúng sanh trong cõi Diêm Phù Đề…mà trì giới, thì đó cũng chỉ là vì số chúng sanh có hạn lượng mà trì giới.

Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật, vì vô lượng chúng sanh, trong vô lượng quốc độ, mà trì giới, chẳng phải vì số chúng sanh có hạn lượng mà trì giới. Vì sao? Vì pháp tánh thật tế là như hư không. Bồ Tát trú trong “cứu cánh không tướng”, chẳng chấp giới tướng, chẳng chấp trì giới, cũng chẳng ghét phá giới.

Đây là trường hợp Bát Nhã Ba La Mật nhiếp trì giới Ba La Mật.

Bát Nhã Ba La Mật cũng nhiếp nhẫn nhục Ba La Mật.

Bồ Tát được đầy đủ trì giới vô phân biệt như vậy, nên cũng được đầy đủ “chúng sanh nhẫn” và “pháp nhẫn”.

Bồ Tát vào trong thâm Bát Nhã Ba La Mật, được đầy đủ “chúng sanh nhẫn” và “pháp nhẫn” như vậy, mới có thể tín thọ vô lượng Phật pháp, mà tâm chẳng phân biệt thị phi.

Đây là trường hợp Bát Nhã Ba La Mật nhiếp nhẫn nhục Ba La Mật.

-o0o-

Bát Nhã Ba La Mật cũng nhiếp tinh tấn Ba La Mật.

Bồ Tát an trú trong Bát Nhã Ba La Mật, tinh tấn hành các Ba La Mật khác, vào thật tướng pháp, thanh tịnh 3 nghiệp “thân, khẩu, ý”, được vô sở niệm. Bồ Tát ấy, khi nằm mộng, thấy mình rơi xuống biển sâu, mà chẳng bị chìm, lại còn được đưa vào bờ an toàn; Khi tỉnh mộng, thì tâm liền dứt. Do được lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật hộ trì, mà Bồ Tát được đệ nhất tinh tấn, nên sanh mộng như vậy.

Đây là trường hợp Bát Nhã Ba La Mật nhiếp tinh tấn Ba La Mật.

-o0o-

Bát Nhã Ba La Mật cũng nhiếp thiền Ba La Mật.

Mặc dù trí huệ chẳng phải là thiền định, nhưng phải có trí huệ mới sanh được thiền định.

Trong kinh Bích Chi Phật có chép mẩu chuyện về một người thấy cảnh 2 con trâu vì dâm dục, đấu tranh với nhau cho đến chết, mà tự nghĩ rằng: “Nếu đem tài sắc, danh vọng, quyền lực…ra chinh phục kẻ khác, thì đâu có gì khác với cảnh này!”. Nghĩ như vậy rồi, ông liền được ly dục, được thiền định, thành bậc Bích Chi Phật.

Bồ Tát cũng như vậy, do có ít nhiều nhân duyên khiến nhàm chán năm dục, ưa vui thiền định. Khi đã được đầy đủ phước đức, thì sẽ được thanh tịnh thiền định lạc.

Đây là trường hợp Bát Nhã Ba La Mật nhiếp thiền Ba La Mật.

Hỏi: Vì sao Bồ tát có thể ở nơi một niệm,  mà được đầy đủ cả sáu pháp Ba La Mật ?.

Đáp: Bồ Tát đã gieo trồng thiện căn trải qua vô lượng kiếp, đã hoàn toàn ly dục, nên ở nơi các thiền định được tự tại. Do vậy mà vào được Phật đạo, thâm nhập pháp tánh thật tế, tinh tấn dùng các lực phương tiện trí huệ và từ bi để hoằng pháp độ sanh. Khi đã vào được thâm pháp rồi, Bồ Tát trở lại tu các công đức.

Như vậy là Bồ Tát đã thắng phục được tâm mình, nên ở mỗi niệm đều được đầy đủ cả 6 Ba La Mật.

Ví như:

– Khi hành pháp thí và tài thí, Bồ Tát vẫn thường an trú trong mười thiện đạo, chẳng hướng về Nhị Thừa địa, nên được đầy đủ trì giới Ba La Mật; Chẳng để các phiền não ma làm động tâm, nên được đầy đủ nhẫn nhục Ba La Mật; Giữ thân tâm thường tinh tấn, chẳng giải đãi, chẳng thối thất, nên được đầy đủ tinh tấn Ba La Mật; Nhiếp tâm nơi việc bố thí, chẳng để tâm tán loạn, hồi hướng công đức bố thí về Vô Thượng Bồ Đề, nên được đầy đủ thiền Ba La Mật; Biết rõ người cho, người nhận, và tài vật cho đều bất khả đắc, nên được đầy đủ trí huệ Ba La Mật.

– Khi trì giới, Bồ Tát thọ đầy đủ các thiền giới, đầy đủ 8 thánh đạo, đầy đủ ba luật nghi giới, gồm có thiền định luật nghi giới, vô lậu luật nghi giới và nhiêu ích hữu tình luật nghi giới. Bồ Tát an trú trong các giới này mà bố thí vô úy cho chúng sanh, nên được đầy đủ bố thí Ba La Mật. Khi trì giới, Bồ Tát tinh tấn diệt trừ các phiền não, chẳng để cho “thâm, sân, si” dấy khởi, nên dù có người đến mắng nhiếc, đánh đập…v..v..chẳng hề sân giận, dù cực nhọc bao nhiêu cũng chẳng hề thối tâm, nên được đầy đủ nhẫn nhục Ba La Mật. Bồ Tát phân biệt rõ các giới tướng có trọng, có khinh, có ngăn che, có khai mở, nhưng vẫn thường tinh tấn y như giới Mà hành trì, dẫn đến khi có phạm giới là liền sám hối để được tiêu tội, nên được đầy đủ tinh tấn Ba La Mật. Khi trì giới như vậy, Bồ Tát chẳng cầu phước báo cõi trời và cõi người, chẳng cầu Niết Bàn Tiểu Thừa, mà chỉ trì giới cầu Bồ Tát đạo, trì giới cầu Phật đạo, và thường tu tập năm Ba La Mật khác, nên được đầy đủ tinh tấn Ba La Mật. Khi trì giới, Bồ Tát chẳng hề ly các thiền định. Do trì giới mà phá được các phiền não, điều phục được tâm, nên Bồ Tát cầu thiền định lạc, xả ly thế gian lạc, nhiếp tâm trừ các việc phá giới ở “thân, khẩu, ý”, trừ 3 ác giác quán và 3 tế giác quán, nên được đầy đủ thiền Ba La Mật. Lại nữa, khi trì giới, Bồ Tát biết rõ hết thảy pháp đều do nhân duyên sanh, chẳng có tự tại, biết rõ trì giới cũng như phá giới đều là tự tướng không, chẳng nên trú chấp, nên được đầy đủ trí huệ Bát Nhã Ba La Mật.

– Khi hành nhẫn nhục, Bồ Tát tự nghĩ rằng, “nếu có chúng sanh đến sát haị ta, ta vẫn chẳng sanh sân giận. Vì chúng sanh mà ta thọ thân này; Nay chúng sanh đến đòi lại thân này, ta chẳng nên luyến tiếc”; Lại tự nghĩ rằng, “Ta phải vì chúng sanh thuyết pháp, phân biệt cho họ biết rõ pháp thế gian và pháp Niết Bàn, khiến họ an trú được trong sáu pháp Ba La Mật…dẫn dến được vô sanh pháp nhẫn”. Bồ Tát hành đầy đủ chúng sanh nhẫn và pháp nhẫn như vậy, nên được đầy đủ bố thí Ba La Mật. Khi hành nhẫn nhục, Bồ Tát chẳng gây phiền não cho chúng sanh, mà trái lại từ bi thương xót chúng sanh, dùng các thiện pháp an lập chúng sanh, nên được đầy đủ trì giới Ba La Mật. Bồ Tát an trú trong nhẫn nhục, thường tinh tấn hành các Ba La Mật khác, nên được đầy đủ tinh tấn Ba La Mật; Lại được tâm nhu nhuyến, xả ly 5 dục, chẳng sanh cao tâm, tự xem mình như mặt đất để chúng sanh dẫm đạp lên, thường nhiếp tâm trong định, chẳng tán loạn, nên được đầy đủ thiền Ba La Mật. Do hành nhẫn nhục như vậy, Bồ Tát nhẫn thọ được các việc làm ác của chúng sanh, cũng nhẫn thọ được hết thảy các pháp thậm thâm, vào được thật tướng pháp, được vô sanh pháp nhẫn, nên được đầy đủ trí huệ Ba La Mật.

– Bồ Tát an trú trong tinh tấn, thường hành bố thí, chẳng bao giờ xa rời tài thí, pháp thí và vô úy thí để làm lợi ích cho chúng sanh, nên được đầy đủ bố thí Ba La Mật. Bồ Tát tinh tấn hành chánh nghiệp, chẳng sanh tâm Nhị Thừa, nên được đầy đủ trì giới Ba La Mật. Khi hành tinh tấn như vậy, nếu có người đến phá hoại tâm Đại Thừa của mình, Bồ Tát vẫn nhẫn nại, chẳng thối tâm, nên được đầy đủ nhẫn nhục Ba La Mật. Bồ Tát tinh tấn hành tất cả các pháp mà tâm chẳng tán loạn, thường nhất tâm niệm nhất thiết chủng trí, nên được đầy đủ thiền Ba La Mật. Dù giữ thân tâm thường tinh tấn như vậy, mà Bồ Tát chẳng chấp hai tướng thân tâm tinh tấn đó, nên được đầy đủ trí huệ Ba La Mật.

– Bồ Tát an trú trong thiền định, được tâm thanh tịnh, phát đại từ bi, bố thí tài vật cho chúng sanh khiến họ được sung mãn, hành vô úy thí khiến chúng sanh được an ổn, lại vì chúng sanh khắp 10 phương thuyết pháp, nên được đầy đủ bố thí Ba La Mật. Bồ Tát vào thiền định được tâm nhu nhuyến, an lạc, nên được đầy đủ trì giới Ba La Mật; Lại thâm nhập pháp không, thường nhẫn thọ các pháp, chẳng nghi, chẳng hối, nên được đầy đủ nhẫn nhục Ba La Mật. Bồ Tát từ trong thiền định, thường khởi các tam muội, nên được đầy đủ tinh tấn Ba La Mật. Do thiền định mà được tâm thanh tịnh, chẳng động, thường vào nơi thật tướng pháp, nên được đầy đủ trí huệ Ba La Mật.

– Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật, quán ba tướng bố thí đồng như tướng hư không, như tướng Vô Thượng Bồ Đề, diệt được các hý luận về hữu vô, về phi hữu phi vô, nên được đầy đủ bố thí Ba La Mật. Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật, được tâm thanh tịnh, tinh tấn, bất động, lại do quán các pháp đều là như huyễn, như mộng mà chẳng vào Niết Bàn, nên được đầy đủ tinh tấn Ba La Mật. Do được lực Bát Nhã Ba La Mật hộ trì, mà vào sâu trong nhẫn pháp, Bồ Tát vẫn thường giữ được tâm thanh tịnh, nên được đầy đủ nhẫn nhục Ba La Mật. Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật, được vô ngại ra vào các thiền định, nhưng chẳng đắm chấp thiền vị, mà thường hóa độ chúng sanh, nên được đầy đủ thiền Ba La Mật.

Nói tóm lại, do Bồ Tát có đầy đủ lực trí huệ như vậy, nên ở trong một niệm, đồng thời cũng được đầy đủ cả 6 pháp Ba La Mật.

(Hết Quyển 81)