LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ

Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG

 

TẬP IV
QUYỂN 80

Phẩm thứ sáu mươi bày
Bất Khả Tận
(Chẳng Cùng Tận)

KINH:

Lúc bấy giờ, ngài Tu Bồ Đề tự nghĩ rằng, “Vô Thượng Bồ Đề của chư Phật quá thậm thâm, ta nên thưa hỏi Phật”. Nghĩ như vậy rồi, ngài bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bát Nhã Ba La Mật bất khả tận chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì hư không bất khả tận, nên Bát Nhã Ba La Mật bất khả tận.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì sao Bát Nhã Ba La Mật phải sanh?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vì sắc… dẫn đến thức bất khả tận, nên Bát Nhã Ba La Mật phải sanh; vì Đàn Ba La Mật … dẫn đến Bát Nhã Ba La Mật  bất khả tận, nên Bát Nhã Ba La Mật phải sanh; … dẫn đến vì nhất thiết chủng trí bất khả tận, nên Bát Nhã Ba La Mật phải sanh.

Này Tu Bồ Đề! Vì vô minh không bất khả tận, nên Bát Nhã Ba La Mật phải sanh; vì hành không bất khả tận, nên Bát Nhã Ba La Mật phải sanh; vì thức không bất khả tận, nên Bát Nhã Ba La Mật phải sanh; vì danh sắc không bất khả tận, nên Bát Nhã Ba La Mật phải sanh; vì 6 nhập không bất khả tận, nên Bát Nhã Ba La Mật phải sanh; vì xúc không bất khả tận, nên Bát Nhã Ba La Mật phải sanh; vì thọ không bất khả tận, nên Bát Nhã Ba La Mật phải sanh; vì ái không bất khả tận, nên Bát Nhã Ba La Mật phải sanh; vì thủ không bất khả tận, nên Bát Nhã Ba La Mật phải sanh; vì hữu không bất khả tận, nên Bát Nhã Ba La Mật phải sanh, vì sanh không bất khả tận, nên Bât Nhã Ba La Mật phải sanh; vì lão tử ưu bi khổ não không bất khả tận, nên Bát Nhã Ba La Mật phải sanh.

Như vậy, Bát Nhã Ba La Mật của Bồ Tát Ma Ha Tát phải sanh. Pháp quan 12 nhân duyên như vậy là pháp riêng của Bồ Tát, hay trừ được các biên tế chấp điên đảo. Khi tọa đạo tràng, Bồ Tát phải quán như vậy mới được nhất thiết chủng trí.

Này Tu Bồ Đề! Nếu khi hành Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát nào dung pháp hư không bất khả tận để quán 12 nhân duyên, mà chẳng lạc về Nhị Thừa địa, thì phải biết Bồ Tát ấy đã được an trú nơi Vô Thượng Bồ Đề.

Này Tu Bồ Đề! Người cầu Bồ Tát đạo mà thối chuyển là người đã xa rời Bát Nhã Ba La Mật. Người ấy chẳng biết, khi hành Bát Nhã Ba La Mật, phải dùng pháp hư không bất khả tận như thế nào để quán 12 nhân duyên.

Này Tu Bồ Đề! Người cầu Bồ tát đạo mà chẳng có các lực phương tiện mới thối chuyển nơi Vô Thượng Bồ Đề.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát, do có đầy đủ các lực phương tiện, nên ở nơi Vô Thượng Bồ Đề chẳng còn thối chuyển.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát phải dùng pháp hư không bất khả tận để quán Bát Nhã Ba La Mật; phải dùng pháp hư không bất khả tận để sanh khởi Bát Nhã Ba La Mật.

Như vậy, này Tu Bồ Đề! Bồ Tát, khi quán 12 nhân duyên, chẳng thấy có pháp nào chẳng phải chẳng do 12 nhân duyên mà sanh; chẳng thấy có pháp nào thường còn, chẳng có diệt; chẳng thấy có pháp nào có ngã, có nhân, có chúng sanh, có thọ giả… dẫn đến có tri giả, có kiến giả; chẳng thấy có pháp nào là vô thường, là khổ, là vô ngã, là tịch diệt, là chẳng tịch diệt.

Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật phải như vậy mà quán 12 nhân duyên.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật như vậy, nên chẳng thấy sắc là thường hay vô thường, chẳng thấy sắc là khổ hay lạc, chẳng thấy sắc là ngã hay vô ngã, chẳng thấy sắc là tịch diệt hay chẳng tịch diệt. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng đều là như vậy.

Này Tu Bồ Đề! Lúc bấy giờ, Bồ Tát chẳng thấy có Bát Nhã Ba La Mật, chẳng thấy có dung pháp ấy khi hành Bát Nhã Ba La Mật … dẫn đến chẳng thấy có Vô Thượng Bồ Đề, chẳng thấy có dùng pháp ấy để được Vô Thượng Bồ Đề. Hết thảy pháp bất khả đắc như vậy, là đúng với hạnh Bát Nhã Ba La Mật.

Nếu Bồ Tát hành vô sở đắc Bát Nhã Ba La Mật như vậy, thì các ác ma sẽ sầu khổ, như bị mũi tên đâm thủng tim, như có cha mẹ mới chết vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Hết thảy ác ma đều sầu khổ như vậy chăng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Khắp cõi đại thiên thế giới, hết thảy các ác ma đều sầu khổ như bị mũi tên đâm thủng tim, chẳng được an ổn.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật như vậy, nên hết thảy thế gian, Trời, Người và A Tu La chẳng thể phá hoại được. Bởi nhân duyên vậy nên Bồ Tát muốn được Vô Thượng Bồ Đề, phải hành Bát Nhã Ba La Mật. Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật như vậy là được đầy đủ 6 pháp Ba La Mật.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì sao Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật như vậy là được đầy đủ 6 pháp Bát Nhã Ba La Mật?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Khi hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ, nếu có được bao nhiêu công đức, Bồ Tát cũng đều hồi hướng về nhất thiết chủng trí. Như vậy là hành Bát Nhã Ba La Mật.

Này Tu Bồ Đề! Bồ tát hành Bát Nhã Ba La Mật như vậy là đầy đủ 6 pháp Bát Nhã Ba La Mật.

LUẬN:

Phật lần lượt giải rộng về các tướng của Bát Nhã Ba La Mật. Trước hết, Phật nói tướng của Bát Nhã Ba La Mật là rốt ráo không; kế đó, Phật đem Bát Nhã Ba La Mật phó chúc cho ngài A Nan, tợ như là Bát Nhã Ba La Mật có tướng; sau hết, Phật lại rộng thuyết về nghĩa “không”là nghĩa của Bát Nhã Ba La Mật. Như vậy thì Bát Nhã Ba La Mật có vô lượng nghĩa, mà văn tự ngữ ngôn thì có hạn lượng, nên các kinh điển chẳng sao có thể diễn bày hết được.

Ngài A Nan tự nghĩ rằng, “Vô Thượng Bồ Đề của chư Phật quá thậm thâm, phải nên thưa hỏi Phật để được rõ”. Nghĩ vậy, nên ngài hỏi Phật: Bát Nhã Ba La Mật bất khả tận chăng?

Phật dạy với nội dung:Ta chỉ nói có một phần ít để phá chấp điên đảo của chúng sanh, mà chẳng nói đầy đủ nghĩa của Bát Nhã Ba La Mật.

Vì sao? Vì có rất ít người nghe mà thọ hết được. Đối với người còn chấp “như tướng”, thì ta nói với họ rằng “như” cũng là “không”, là chẳng có “sanh, trụ, dị, diệt”. Nếu pháp chẳng có “sanh, trụ, dị, diệt”, thì tức là “vô pháp”, là pháp tánh thật tế. Đối với người chấp “rốt ráo không”, thì ta nói với họ rằng “rốt ráo không” là “chẳng phải rốt ráo không”. Vì sao? Vì nếu là rốt ráo không, thì chẳng có định tướng, nên cũng chẳng có tướng “rốt ráo không” vậy. Cho nên, nói Bát Nhã Ba La Mật là thậm thâm.

Ngài Tu Bồ Đề lại tự nghĩ rằng: “Chư Phật, trong 3 đời và khắp 10 phương, do hành Bát Nhã Ba La Mật mà được đạo. Như vậy, Bát Nhã Ba La Mật phải là bất khả tận”. Nghĩ như vậy, nên ngài hỏi Phật về nghĩa bất khả tận.

Phật dạy: Như hư không bất khả tận, thì Bát Nhã Ba La Mật cũng bất khả tận. Như hư không là chẳng phải pháp, chỉ có ở nơi danh tự, thì Bát Nhã Ba La Mật cũng là như vậy. Như hư không là vô sở hữu, nên là bất khả tận, thì Bát Nhã Ba La Mật cũng là như vậy.

Ngài Tu Bồ Đề lại hỏi: vì sao Bát Nhã Ba La Mật phải sanh? Vì sao Bồ Tát sanh tâm hành Bát Nhã Ba La Mật cùng 5 Ba La Mật kia?

Phật dạy: Sắc bất khả tận, nên Bát Nhã Ba La Mật phải sanh. Sắc sanh, sắc trú, sắc dị, sắc diệt đều là bất khả đắc, thì sắc ở nơi sắc sanh cũng bất khả đắc, mà ly sắc sanh, thì sắc cũng bất khả đắc.

Sanh bất khả đắc, thì sắc sanh cũng bất khả đắc. Cho nên nơi sanh bất khả đắc, thì sắc bất khả đắc; sắc bất khả đắc, thì sanh bất khả đắc. Cả hai pháp đó đều bất khả đắc nên sắc là như huyễn, như mộng, chỉ làm cho người lầm chấp mà thôi. Sắc có sanh, mới có tận; nếu sắc là vô sanh, thì cũng là vô tận vậy. Thật tướng của sắc là thật tướng của Bát Nhã Ba La Mật, nên nói sắc bất khả tận, thì Bát Nhã Ba La Mật cũng là bất khả tận. Đối với thọ, tưởng, hành, thức… dẫn đến nhất thiết chủng trí cũng đều là như vậy.

Lại nữa, vì vô minh của chúng sanh bất khả tận cũng như hư không bất khả tận, nên Bát Nhã Ba La Mật phải sanh. Vì sao? Vì chỉ quán rốt ráo không, thì rơi về chấp đoạn; nếu chỉ chấp thường, thì do thường kiến mà phải bị rơi về chấp thường. Phải xa lìa cả hai chấp đoạn và thường, thì mới chẳng có lỗi lầm. Cho nên nói phải dùng pháp hư không bất tận để quán 12 nhân duyên. Vì sao?  Vì các pháp do nhân duyên hòa hợp sanh là chẳng có định tướng; mà pháp chẳng có định tướng tức là pháp rốt ráo không, là tịch diệt tướng, là lìa cả hai bên, nên mới giả danh nói đến “trung đạo”. Nếu dùng pháp hư không bất khả tận, tức là dùng vô pháp, để quán 12 nhân duyên, thì cũng biết rõ “ si tánh” cũng do nhân duyên sanh, nên cũng chẳng có tự tướng, thì cũng là rốt ráo không, như hư không vậy.

Lại nữa, các pháp đều do nhân duyên hòa hợp sanh, nên là chẳng thật có. Như trong kinh nói, “Do mắt thấy trần mà khởi sanh niệm về xúc”. Thế nhưng “xúc niệm” ấy là do “si tâm” sanh ra, chẳng phải ở nơi sắc trần, chẳng phải ở nơi nội tâm, chẳng phải ở nơi ngoại cảnh, cũng chẳng phải ở chặng giữa, nên là bất khả đắc. Vì sao? Vì các pháp đều là “như tâm”. Người có trí huệ biết rõ phàm phu, do bị vô minh che tâm trí, mà chấp có “si tánh”; biết rõ thật tướng của si mê, chính là thật tướng của trí huệ. Phàm phu, do chấp tướng, mà thành si mê, mà chẳng biết rằng “si mê” và “trí huệ”, ở nơi thật tướng, vốn thanh tịnh, là như hư không. Bởi vậy, nên nói, “Người quán được như vậy mà hồi hướng về nhất thiết chủng trí, đó là người hành Bát Nhã Ba La Mật”.

Hỏi: Nếu nói chảng có vô minh, chẳng có hành … thì như vậy vì sao lại nói đến 12 nhân duyên?

Đáp: Ở đây, phải xét “12 nhân duyên” theo 3 trường hợp khác nhau. Đó là:

1. Phàm phu dùng nhục nhãn chỉ thấy một cách điên đảo. Do tâm chấp ngã, chấp pháp, mà phải qua lại trong 6 đường sanh tử.

2. Chư Thánh Hiền dùng pháp nhãn phân biệt các pháp, nên nhàm chán sanh tử, muốn ra khỏi thế gian, vì biết rõ nhân duyên phiền não kết thành nghiệp mà có “sanh”; trái lại, nếu chẳng có phiền não thì cũng chẳng có “sanh”. Lại nữa, do biết rõ nhân duyên sanh ra phiền não là vô minh, nên phải xả; biết rõ nhân duyên tu trì giới, thiền định, trí huệ là gốc của thiện căn dẫn đến Niết Bàn, nên phải thủ. Lại nữa, do biết rõ các pháp chẳng có định tướng, theo nhân duyên mà hư vọng tương tục sanh, nên xả các chấp về tri giả, kiến giả. Người tu hành biết rõ các pháp đều là hư giả, chẳng thật có, nên chẳng khởi sanh hý luận. Do vậy mà diệt được các khổ.

3. Chư vị đại Bồ Tát là những bậc lợi căn, thượng trí, quán rõ căn bản của 12 nhân duyên, nên chẳng lo, chẳng sợ; biết rõ các pháp chẳng có định tướng, đều là rốt ráo không, chỉ giả danh có; biết rõ do khởi tâm phân biệt mới có các pháp tướng, mà các pháp tướng đều là bất khả đắc cả. Ví như nói đầu tóc bạc là tướng già, nhưng tướng đầu tóc bạc và tướng già đều là bất khả đắc cả, nên là chẳng có tướng già vậy. Người thế gian thường nói người già có đầu bạc, răng long, mặt nhăn, cơ thể suy nhược, các căn ám độn v.v…, nhưng thật ra tướng già chẳng phải hoàn toàn là như vậy. Vì sao? Vì đầu bạc chẳng phải chỉ người già mới có, mà rất nhiều người trẻ cũng có; lại có người già mà còn sang suốt, lanh lợi, trong lúc đó có rất nhiều người trẻ ám độn, si mê; lại có người già mà vẫn còn mạnh mẽ, tráng kiện, trong lúc đó có rất nhiều người trẻ suy nhược, gầy yếu. Như vậy là “già” và “trẻ” đều chẳng có định tướng, chỉ do các nhân duyên hòa hợp, mà giả danh có tướng già hay tướng trẻ đó thôi.

Lại có thuyết nói, “ Tướng hoại của 5 ấm là tướng già”. Cũng chẳng phải là như vậy. Vì sao? Vì hết thảy pháp hữu vi đều niệm sanh diệt, chẳng có trú, nên là vô tướng; nếu các pháp chẳng có tướng, thì chẳng có tướng già vậy. Còn nếu nói các pháp hữu vi có trú, thì chẳng phải là vô thường, nếu chẳng phải vô thường thì tức là thường; nếu là thường thì chẳng có phân biệt già với trẻ; nếu các pháp chẳng phải thường, chẳng phải vô thường, thì là rốt ráo không, mà trong rốt ráo không, thì chẳng có tướng sanh, huống nữa là tướng già, nên là chẳng có già hay trẻ vậy.

Như vậy là Bồ Tát biết rõ hết thảy các nhân duyên cầu pháp đều là bất khả đắc; vì là bất khả đắc, nên là vô tướng, là như hư không; vì là bất khả đắc, nên là bất khả tận. Tất cả 12 nhân duyên, từ vô minh… dẫn đến lão tử đều là như vậy cả.

Bởi vậy nên muốn phá vô minh, Bồ Tát quán các pháp đều là rốt ráo không, là vô sở hữu, là bất khả đắc, mà cũng chẳng sanh tâm chấp các pháp là như vậy, nên ở nơi hết thảy chúng sanh thường trải rộng tâm đại bi, chẳng rời bỏ chúng sanh vậy.

Những lời giải bày trên đây cho thấy rõ phàm phu, Nhị Thừa và Bồ Tát có cách nhìn hoàn toàn khác nhau về 12 nhân duyên:

– Phàm phu, do ngu si, nên ở các pháp hư vọng mà khởi các chấp điên đảo, khiến phải thọ bao nhiêu khổ não, chẳng sao thoát ra khỏi chu trình khép kín của 12 nhân duyên được.

– Hàng Nhị Thừa, do chưa được vào vô sanh pháp nhẫn, nên ở nơi 12 nhân duyên, chẳng rốt ráo cầu CÓ, hay cầu KHÔNG.

– Bồ Tát, từ khi vào được vô sanh pháp nhẫn … dẫn đến khi tọa đạo tràng, thường dùng pháp hư không bất khả tận để quán 12 nhân duyên, từ vô minh… dẫn đến lão tử, đều bất khả đắc, đều là như hư không bất khả tận. Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật, thâm quán 12 nhân duyên như vậy, nên ly được cả 2 biên điên đảo, ly CÓ và cũng ly KHÔNG, ly thường và cũng ly đoạn.

–oOo–

Ở nơi đây, cũng nên biết có 2 loại phiền não:

– Hàng ngoại đạo, do tà kiến chấp, mà sanh phiền não.

– Chúng sanh, do si mê điên đảo, mà sanh phiền não. Khi Bồ Tát, tọa đạo tràng, dùng pháp hư không bất khả tận, quán 12 nhân duyên như đã nói trên đây, thì cả hai loại phiền não đều diệt sạch. Bởi vậy, nên nói pháp quán 12 nhân duyên như vậy là thâm pháp. Trong kinh Thí Dụ, Phật dạy rằng, “Khi chưa được đạo, ta tư duy về trường hợp đáng thương xót của chúng sanh cứ mãi qua lại trong các đường sanh tử, mà chẳng sao tìm được lối thoát”. Tức thời, ta tự nghĩ, “Vì nhân duyên gì mà có sanh, già, bệnh, chết? Từ đó, ta tầm cầu được thật trí huệ bằng 3 pháp quán, đó là quán không, quán giả, và quán trung đạo. Đến khi tọa đạo tràng, ta mới đầy đủ 3 pháp quán đó.”

Phật quán các pháp nhân duyên như vậy, nên vượt trên hàng Nhị Thừa, thẳng đến nhất thiết chủng trí. Nếu người cầu Phật đạo, mà chẳng tu được pháp quán thậm thâm này, thì sẽ bị thối tâm; trái lại, nếu tu được pháp quán này, thì sẽ chẳng bị thối tâm.

Vì sao? Vì khi đã thâm nhập được vào nơi rốt ráo không, mà chẳng trú trong không, để quán các nhân duyên sanh pháp, thì chẳng thấy bất cứ pháp nào mà chẳng do nhân duyên hòa hợp sanh ra cả. Nhưng nếu biết rõ các pháp đều chẳng tự tại, đều do nhân duyên sanh, mà tà chấp về nhân duyên, chẳng thấy được rằng nhân duyên sanh cũng là vô nhân duyên sanh, là như hư không bất khả tận, thì như vậy cũng chẳng thấy rõ được thật tướng các pháp vậy.

Bồ Tát quán biết các pháp đều do nhân duyên sanh là chẳng tự tại, mà chẳng chấp về nhân duyên sanh pháp, nên biết rõ các pháp đều chẳng có ngã… dẫn đến chẳng có tri giả, kiến giả.

Bồ Tát quán 12 nhân duyên như vậy, nên an trú trong rốt ráo không; ở trong 12 nhân duyên, Bồ Tát chẳng thấy có sắc, chẳng thấy có Bát Nhã Ba La Mật, chẳng thấy có dụng hành Bát Nhã Ba La Mật, chẳng thấy có hành Bát Nhã Ba La Mật mà được Vô Thượng Bồ Đề. Như vậy gọi là Bồ Tát dụng vô sở đắc hành Bát Nhã Ba La Mật, được vô sở đắc Bát Nhã Ba La Mật, nên ở nơi hết thảy pháp đều được vô quái ngại.

Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật như vậy khiến các ác ma phải ưu sầu, khổ não. Vì sao? Vì do thâm nhập vào pháp quán 12 nhân duyên rốt ráo không như vậy, nên Bồ Tát chẳng còn chấp CÓ, chẳng còn chấp KHÔNG, ở nơi các pháp được bình đẳng, chẳng lọt vào 62 tà kiến chấp của ngoại đạo, ra khỏi lưới ma.

Bồ Tát quán hết thảy các pháp đều là rốt ráo không, đều là bất khả đắc, chẳng có pháp nào lọt vào trong lưới ma, khiến các ác ma phải ưu sầu, tuyệt vọng. Cũng như người đánh cá căng lưới, mà nếu cá đều hoặc lặn sâu xuống đáy biển, hoặc nhảy qua khỏi lưới, chẳng có con cá nào lọt vào lưới, thì người ấy sẽ rất ưu sầu tuyệt vọng vậy. Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật như vậy là được đầy đủ các Ba La Mật khác, vì mọi tà chấp đều bị tiêu trừ.

–oOo–

Ngài Tu Bồ Đề hỏi Phật: Vì sao hành Bát Nhã Ba La Mật như vậy mà được đầy đủ các Ba La Mật khác?

Phật dạy: Khi hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ, nếu có được bao nhiêu công đức, Bồ Tát đều hồi hướng về nhất thiết chủng trí. Như vậy là hành Bát Nhã Ba La Mật được đầy đủ các Ba La Mật khác.

Ví như người lợi căn khi hành bố thí, dù nhiều hay ít, đều đem công đức bố thí hồi hướng về nhất thiết chủng trí, nhằm phá các hý luận điên đảo. Khi đã được đầy đủ tín lực nơi pháp “không” rồi, thì chẳng còn niệm nhất thiết chủng trí nữa, mà chỉ trực nhập vào thật tướng pháp.

Nên biết có hai hạng người chẳng được đầy đủ Đàn Ba La Mật. Đó là:

  1. Người có tín lực nhiều mà huệ lực ít
  2. Người có huệ lực nhiều mà tín lực ít

Bởi vậy, nên Phật dạy: Phải có tín lực và huệ lực bình đẳng, mới có thể hồi hướng nhất thiết chủng trí được.

Niệm nhất thiết chủng trí là phương tiện dẫn sanh tín lực. Y theo nhất thiết chủng trí mà hồi hướng là phương tiện dẫn sanh huệ lực. Đối với Bát Nhã Ba La Mật cũng là như vậy.

***

Phẩm thứ sáu mươi tám
Lục Độ Tương Nhiếp
(Sáu Độ Nhiếp Lẫn Nhau)

KINH:

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là Bồ Tát an trú trong Đàn Ba La Mật mà nhiếp Thi Ba La Mật?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Khi hành bố thí, Bồ Tát đem tất cả công đức bố thí hồi hướng về nhất thiết chủng trí, và dung từ tâm để khởi các từ nghiệp ở “thân, khẩu và ý” đối với tất cả chúng sanh.

Như vậy gọi là Bồ Tát an trú trong Đàn Ba La Mật mà nhiếp Thi Ba La Mật.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là Bồ Tát an trú trong Đàn Ba La Mật mà nhiếp sẵn Đề Ba La Mật?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Khi hành bố thí, dù bị người thọ thí mắng nhiếc hay hành hung, Bồ Tát vẫn nhẫn chịu, chẳng hề sanh tâm sân hận.

Như vậy gọi là Bồ Tát an trú trong Đàn Ba La Mật mà nhiếp sẵn Đề Ba La Mật.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là Bồ Tát an trú trung Đàn Ba La Mật mà nhiếp Tỳ Lê Gia Ba La Mật?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Khi hành bố thí, dù bị người thọ thí mắng nhiếc hay hành hung, Bồ Tát tự nghĩ rằng, “Ta vẫn phải hành bố thí, chẳng nên hối tiếc, chẳng nên thối tâm”. Nghĩ như vậy rồi, tức thời Bồ Tát khởi sanh thân tâm tinh tấn.

Như vậy gọi là Bồ Tát an trú trong Đàn Ba La Mật mà nhiếp Tỳ Lê Gia Ba La Mật.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là Bồ Tát an trú trong Đàn Ba La Mật mà nhiếp Thiền Ba La Mật?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Khi hành bố thí, Bồ Tát đem tất cả công đức bố thí hồi hướng về nhất thiết chủng trí, chẳng hướng về Thanh Văn và Bích Chí Phật địa, mà chỉ nhất tâm niệm nhất thiết chủng trí.

Như vậy gọi là Bồ Tát an trú trong Đàn Ba La Mật mà nhiếp Thiền Ba La Mật.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là Bồ Tát an trú trong Đàn Ba La Mật mà nhiếp Bát Nhã Ba La Mật?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Khi hành bố thí, Bồ Tát biết rõ bố thí là không, là như huyễn, lại cũng chẳng thấy vì chúng sanh mà bố thí là có ích hay chẳng có ích.

Như vậy gọi là Bồ Tát an trú trong Đàn Ba La Mật mà nhiếp Bát Nhã Ba La Mật.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là Bồ Tát an trú trong Thi Ba La Mật mà nhiếp 5 Ba La Mật kia?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát an trú trong Thi Ba La Mật, khởi sanh công đức bố thí ở nơi cả 3 nghiệp “thân, khẩu, và ý”, rồi đem công đức bố thí hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề, mà chẳng hướng về Thanh Văn và Bích Chí Phật địa. Bồ Tát an trú trong Thi Ba La Mật chẳng sát sanh, chẳng trộm cướp, chẳng tà dâm, chẳng vọng ngữ, chẳng lưỡng thiệt, chẳng ác khẩu, chẳng ỷ ngữ, chẳng xan tham, chẳng sân nhuế, chẳng tà kiến, lại thường hành bố thí, như thấy người đói thì cho họ ăn, thấy người khái thì cho họ uống, thấy người cần áo quần thì cho họ áo quần, thấy người cần chăn mền thì cho họ chăn mền, thấy người cần đèn thắp thì cho họ đèn để thắp sáng, thấy người cần thuốc men thì cho họ thuốc men,… dẫn đến thấy người thiếu các vật dụng cần thiết gì thì cung cấp cho họ đầy đủ, rồi đem công đức bố thí hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề, mà chẳng hướng về Thanh Văn và Bích Chi Phật địa.

Như vậy gọi là Bồ Tát an trú trong Thi Ba La Mật mà nhiếp Đàn Ba La Mật.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát an trú trong Thi Ba La Mật biết có kẻ ác đến mắng nhiếc hay hành hung, mà vẫn chẳng hề sanh một niệm sân hận, vì tự nghĩ rằng, “Người ấy đem lại lợi ích cho ta, giúp ta chẳng dấy một niệm sân hận”.

Như vậy gọi là Bồ Tát an trú trong Thi Ba La Mật, mà nhiếp Sẵn Đề Ba La Mật.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát an trú trong Thi Ba La Mật, thường giữ thân tâm tinh tấn, tự nghĩ rằng, “Chúng sanh đang chìm đắm trong sanh tử, ta phải cứu vớt họ, giúp họ được vị Cam Lồ”.

Như vậy gọi là Bồ Tát an trú trong Thi Ba La Mật mà nhiếp Tỳ Lê Gia Ba La Mật.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát an trú trong Thi Ba La Mật, nhập vào sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, mà chẳng chứng quả Nhị Thừa, mà lại tự nghĩ rằng, “Ta phải trú trong Thiền Ba La Mật để độ hết thảy chúng sanh”.

Như vậy gọi là Bồ Tát an trú trong Thi Ba La Mật mà nhiếp Thiền Ba La Mật.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát an trú trong Thi Ba La Mật, chẳng có pháp khả đắc, dù là pháp hữu vi, dù là pháp vô vi, thấy hết thảy pháp tợ có sanh diệt, mà đều là như tướng cả. Do có lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật như vậy, nên chẳng lạc về Thanh Văn và Bích Chi Phật địa.

Như vậy gọi là Bồ Tát an trú trong Thi Ba La Mật mà nhiếp Bát Nhã Ba La Mật.

LUẬN:

Hỏi: Ở phẩm trước, ngài Tu Bồ Đề đã nêu câu hỏi, Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật như thế nào để được đầy đủ 6 pháp Ba La Mật?” Ở phẩm này, ngài Tu Bồ Đề lại nêu câu hỏi, “Thế nào gọi là hành 1 pháp Bát Nhã Ba La Mật mà nhiếp được cả 5 Ba La Mật kia?”

Cả 6 pháp Ba La Mật đều có tướng riêng khác. Như vậy làm sao có thể hành 1 pháp Ba La Mật  mà nhiếp được cả 5 pháp Ba La Mật kia?

Đáp: Do Bồ Tát có lực phương tiện, nên hành 1 pháp Ba La Mật  mà nhiếp được cả 5 pháp Ba La Mật kia.

Lại nữa, các nhân duyên quả báo hữu vi tương tục nối tiếp; do vậy các pháp mới nương vào nhau mà tương sanh, tương khởi.

Bát Nhã Ba La Mật là thiện pháp, 5 pháp Ba La Mật kia cũng là thiện pháp, nên hành 1 thiện pháp, là nhiếp được cả 5 thiện pháp kia.

Khi có một Ba La Mật làm chủ tác, thì 5 Ba La Mật kia cũng giúp phần vào sự tác hành của Ba La Mật đó.

–oOo–

Ví như; khi Bồ Tát an trú trong Đàn Ba La Mật, thì đồng thời cũng nhiếp cả 5 Ba La Mật kia:

* Khi bố thí, Bồ Tát dung tâm từ, khởi các từ nghiệp ở “thân, khẩu và ý” đối với hết thảy chúng sanh.

Như vậy là Bồ Tát hành Đàn Ba La Mật mà nhiếp Thi La Ba La Mật vậy.Vì sao? Vì “từ” là gốc của 3 thiện căn “vô tham, vô sân và vô si”, thường dẫn sanh các từ nghiệp “thân, khẩu và ý”. Các từ nghiệp này có thế lực đem lại sự an lạc, lợi ích cho chúng sanh.

* Khi bố thí, nếu gặp trường hợp người thọ thí mắng nhiếc hay hành hung. Bồ Tát vẫn nhẫn chịu, chẳng khởi sân hận, vì tự nghĩ rằng: “Ta chẳng nên khởi sân nhuế với họ. Vì ta phước mỏng, chẳng có được đầy đủ tài vật để hành bố thí, nên họ mới mắng nhiếc, hành hung ta. Nếu ta sân với họ, thì ta sẽ tự làm mất hết công đức bố thí của ta. Do vậy, ta phải nhẫn nhục đối với họ”.

Như vậy là Bồ Tát hành Đàn Ba La Mật mà có nhiếp Sẵn Đề Ba La Mật vậy.

* Khi hành bố thí, nếu gặp kẻ ác đến mắng nhiếc, hành hung, Bồ Tát vẫn chẳng xả tâm bố thí, vẫn tinh tấn hành bố thí, vì tự nghĩ rằng: “Ở đời trước, khi hành bố thí ta có những ý niệm chẳng được tốt, nên nay ta chẳng làm cho người thọ thí được vừa lòng. Mặc dù vậy, ta vẫn phải siêng năng, tinh tấn hành tịnh thí”.

Như vậy là Bồ Tát hành Đàn Ba La Mật mà có nhiếp Tỳ Lê Gia Ba La Mật vậy.

* Khi bố thí, Bồ Tát chẳng cầu phước lạc ở đời này và cả ở đời sau, chẳng cầu thế gian thiền định lạc, chẳng nhiếp ý chúng sanh, chẳng để tâm tán loạn, mà chỉ nhiếp Bát Nhã Ba La Mật mà thôi.

Như vậy là Bồ Tát hành Đàn Bát Nhã Ba La Mật mà có nhiếp Thiền Ba La Mật vậy.

* Khi hành bố thí, Bồ Tát thường quán các pháp hữu vi là chẳng kiên cố, là như huyễn, như mộng. Bồ Tát cũng chẳng cho việc bố thí là có ích hay là chẳng có ích. Vì sao? Vì Bồ Tát biết rằng việc Bố Thí chưa chắc đã đem lại sự an vui cho người thọ thí. Ví như: cho họ quá nhiều thức ăn có thể làm họ bị bội thực mà chết, cho họ quá nhiều tiền của có thể khiến họ bị kẻ xấu cướp bóc hay làm hại đến thân mạng; cho họ quá nhiều tiền của có thể khiến họ trở nên xan tham, dẫn đến quả báo phải đọa ngã quỷ,… Bồ Tát cũng biết rõ tài vật là pháp hữu vi, niệm niệm sanh diệt, là vô thường, là tán hoại, là nhân sanh các khổ, lại cũng biết rõ ở nơi thật tướng thì tài vật là rốt ráo không. Do vậy mà Bồ Tát chẳng sanh tâm phân biệt việc bố thí có lợi hay chẳng có lợi cho người thọ thí. Khi bố thí, Bồ Tát chẳng cầu người thọ thí đền ơn đáp nghĩa, chẳng cầu quả phước báo, nên dù người thọ thí muốn trả ơn, cũng chẳng có sanh tâm sân hận, chấp trước, vì nghĩ rằng: “Các pháp đều là rốt ráo không, ta phải hành bố thí như tướng vậy”.

Như vậy là Bồ Tát hành Đàn Ba La Mật mà có nhiếp Bát Nhã Ba La Mật vậy.

Hỏi: Vì sao người tu thường đặt “giới” lên hàng đầu?

Đáp: Người ở cõi Dục thường bị tâm tán loạn, nên cần phải trì giới. Khi đã được đầy đủ trì giới rồi mới phát khởi được các thiện nghiệp ở “thân, khẩu và ý”. Có trì giới thanh tịnh mới sanh thiền định, trí huệ, dẫn đến được Niết Bàn, giải thoát.

Hàng Thanh Văn còn chấp có tịnh thiền định, có “học pháp”, có “vô học pháp”, còn có Bồ Tát trì giới bình đẳng, chẳng chứng Nhị Thừa, mà chỉ an trú trong Thi La Ba La Mật.

Bồ Tát trú trong Đàn Ba La Mật và Thi La Ba La Mật, hồi hướng các công đức bố thí và trì giới về Phật đạo, nên chẳng bị lạc về Nhị Thừa địa. Vì sao? Vì Bồ Tát chẳng làm 2 việc phá giới là:

  1. Theo các nghiệp đạo bất thiện
  2. Hồi hướng về Nhị Thừa đạo.

Vì Bồ Tát chẳng chấp tướng, nên ở 2 việc đó, đều được thanh tịnh trì giới cả.

Lại nữa, vì có thêm các pháp Ba La Mật khác trợ giúp, nên Bồ Tát an trú nơi Thi La Ba La Mật chẳng còn sanh 1 niệm sân nào, huống nữa là khởi các ác nghiệp.

Hỏi: Bất cứ vật sở hữu nào của mình bị xâm phạm mà mình nhẫn được, cũng đều là hành nhẫn nhục cả. Vì sao chỉ nói riêng về thân thể mà thôi?

Đáp: Nói về vật sở hữu, nên phân biệt có nội vật sở hữu và ngoại vật sở hữu. Nội vật sở hữu liên hệ đến thân thể của chính mình, như: đầu, mắt, chân, tay, tủy, não .v.v. Còn ngoài vật sở hữu là những vật sở hữu ở bên ngoài thân thể của mình, như: nhà cửa, ruộng vườn, tiền của .v.v..

Của cải, dù nhiều đến đâu, cũng chỉ dùng để phục vụ cho đời sống. Người đời thường rất tham đắm của cải; thế nhưng, khi gặp cơn nguy biến bức bách, do tham sống sợ chết, nên lại sẵn sàng vứt bỏ hết của cải, để bảo toàn mạng sống của mình.

Bồ Tát, vì lợi ích chúng sanh, sẵn sàng bố thí thân mạng của mình. Đó là việc mà người đời khó có ai làm được.

Hỏi: Vì sao Bồ Tát chịu nhẫn nhục, mà chẳng sanh 1 niệm sân hận? Nếu là thân biến hóa, thì bố thí thân ấy chăng phải là việc khó làm. Nhưng nếu là thân do cha mẹ sanh ra, thì khi bố thí thân ấy làm sao mà chẳng sanh một niệm sân được?

Đáp: Trong vô lượng kiếp, Bồ Tát đã vì chúng sanh khởi từ tâm, thương chúng sanh như mẹ thương đàn con dại.

Dù con cái có làm những điều sai trái, cha mẹ vẫn chẳng sân hận. Cũng như vậy, dù chúng sanh có làm điều ác đối với mình, Bồ Tát chẳng khởi niện sân đối với họ, vì biết rằng do si mê mà họ có hành động như vậy.

Lại nữa, trải qua vô lượng kiếp tu tập pháp “không”, Bồ Tát biết người thiện, kẻ ác đều là như huyễn, như hóa; biết rõ sân nhuế là do ngu si, nên chẳng khởi sân nhuế đối với chúng sanh.

Bồ Tát tự nghĩ rằng: “Chỗ đáng sân mà ta chẳng sân thì như vậy mới có đại lợi ích”.

Bồ Tát hành Tỳ Lê Gia Ba La Mật, an trú trong Thi La Ba La Mật. Với thâm tâm thường tinh tấn, Bồ Tát giữ tất cả các giới của hàng xuất gia và hàng tại gia, thâm nhập vào thật tướng pháp, thắng hơn các hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật, nên được đầy đủ Thi La Ba La Mật.

Bồ Tát tự nghĩ rằng: “Ta nay đã xuất gia, hành Bồ Tát đạo, chẳng nên nói trì giới suông, mà phải trú trong các công đức”.

Ví như, người trèo lên núi để tìm ngọc quý, mà chỉ lượm nhặt toàn những hạt thủy tinh, thì chẳng có lợi ích gì. Cũng như vậy, Bồ Tát muốn được đầy đủ cả 6 pháp Ba La Mật, phải giữ thân tâm tinh tấn, thường hành bố thí, dù phải bố thí thân mạng để làm lợi ích chúng sanh. Do tinh tấn hành bố thí như vậy, nên Bồ Tát chẳng để cho xan tham, sân hận dấy khởi, dù chỉ là 1 niệm thôi.

Do thường giữ thân tâm tinh tấn, lại do biết rõ chúng sanh đang chìm đắm trong bể khổ sanh tử, nên Bồ Tát tự nguyện: “Ta phải nhiếp độ chúng sanh, đưa chúng sanh đến đất Cam Lồ”.

Hàng Thanh Văn tu tập vì tự độ, mà còn chẳng giải đãi, huống nữa là Bồ Tát tu tập vừa phải tự độ và độ tha. Bởi vậy nên Bồ Tát chẳng bao giờ được giải đãi; dù thân mệt nhọc, vẫn phải giữ tâm tinh tấn. Vì nếu chẳng vận dụng được pháp Đại Thừa, nếu chẳng có được các lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật, thì chẳng được chư Phật hộ niệm, mà chỉ muốn thủ chấp thiền vị.

Bồ Tát trú trong Thi La Ba La Mật mà chưa có được vô sanh pháp nhẫn, thì cũng còn dễ bị cơn gió phiền não thổi trốc gốc nguyện Bồ Đề, khiến Thi La Ba Mật cũng bị hoại luôn. Trong trường hợp này, Bồ Tát phải cầu thiền định lạc nhằm trừ 5 dục lạc; khi trừ được 5 dục lạc rồi, thì giới mới được thanh tinh; dù chưa đoạn sạch phiền não mà đã có quyết tâm dẹp phiền não, nên chẳng còn sanh tâm tán loạn nữa.

Ví như rắn đọc bị lực của chú thuật chế ngự, thì chẳng thể dung nọc độc để gây ra tai họa được.

Cũng như vậy, người tu thiền định, đã có đầy đủ thiền định lực rồi, thì chẳng còn lạc về Thanh Văn và Bích Chi Phật địa, chẳng còn trú chấp Niết Bàn Tiểu Thừa, mà chỉ trú Thiền Ba La Mật, quyết tâm độ hết thảy chúng sanh, nên chỉ hành thật tướng pháp; lại còn chẳng bị sân nhuế và tham dục làm ô trược, nên giữ được tâm thanh tinh, nhu nhuyến, thường sanh tật trí huệ.

Bồ Tát trú Thi La Ba La Mật, nhập vào thâm thiền định, được tâm thanh tịnh, nhu nhuyến, mới như thật biết các pháp. Ví như biết rõ các pháp hữu vi đều do duyên hòa hợp sanh; nếu lấy huệ nhãn mà quán, thì thấy rõ các pháp hữu vi đều là hư vọng, chẳng thật có, chỉ giả danh có, chỉ là tướng pháp mà thôi. Bồ Tát cũng biết rõ do đối đãi với hữu vi mà giả lập có vô vi; biết rõ hữu vi tướng là bất khả đắc, thì vô vi tướng cũng là như vậy.

Hỏi: Hữu vi pháp có tướng, vô vi pháp chẳng có tướng. Vì sao nói hữu vi pháp cũng là vô tướng?

Đáp: Phải hiểu “vô vi” theo 2 nghĩa. Đó là”

  1. Vô tướng tịch diệt Niết Bàn
  2. Tương đãi với hữu vi, là chẳng do duyên sanh

Pháp hữu vi đã là tự tướng không, thì cũng chẳng có pháp vô vi vậy.

Phàm phu do chấp tướng, mà thấy các pháp có “hữu vi”, có “vô vi”, mà chẳng biết rằng ở nơi thật tướng, thì các pháp, dù là hữu vi hay vô vi, cũng đều vô tướng là như pháp tánh thật tế cả.

Hỏi: Trước nói hữu vi pháp là chẳng thật có, nên cũng chẳng có vô vi pháp. Nay vì sao nói hữu vi pháp và vô vi pháp đều là như pháp tánh thật tế?

Đáp: Có người nghe nói pháp hữu vi là vô tướng, mà chẳng còn chấp “vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh”, nhưng nếu còn chấp “thường, lạc, ngã, tịnh” thì cũng là lầm lạc. Phải vì họ nói các pháp tướng ấy đều là hư vong, chẳng thật có.

Lại có người nghe nói “không”, mà nghi rằng, “Nếu là không, thì sao các pháp có sanh”. Phải vì họ nói phải ly “hữu sanh pháp”, mà cũng chẳng chấp “vô sanh pháp”, vì đều chẳng có định tướng có thể chấp.

Bồ Tát có trí huệ và phương tiện lực như vậy, lại thêm có bổn nguyện đại bi, nên chẳng tác chứng Nhị Thừa đạo, mà thẳng đến Vô Thượng đạo. Như vậy gọi là Bồ Tát trú Thi La Ba La Mật, mà nhiếp 5 Ba La Mật kia.

(Hết Quyển 80)