LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ

Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG

 

TẬP IV
QUYỂN 76

Phẩm thứ sáu mươi
Học Không, Bất Chứng
(Học Không, Chẳng Chứng)

KINH:

Lúc bấy giờ, ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn ! Khi hành Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát phải học “không tam muội” và nhập vào “không tam muội” như thế nào ? Bồ Tát phải học “vô tướng tam muội, vô tác tam muội, và nhập vào các tam muội này như thế nào ? Phải học 4 niệm xứ… dẫn đến 8 thánh đạo, và nhập vào các pháp môn này như thế nào ?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề ! Khi hành Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát phải quán 5 ấm là không; phải quán 12 nhập, 18 giới là không… dẫn đến quán cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô Sắc đều là không cả. Khi quán như vậy, Bồ Tát chẳng nên để tâm tán loạn.

Vì sao ? Vì nếu tâm chẳng tán loạn , thì Bồ Tát sẽ chẳng thấy các pháp ấy ; nếu chẳng thấy các pháp ấy , thì cũng chẳng có tác chứng các pháp ấy .

Vì sao ? nếu Bồ Tát khéo học các phép không , thì chẳng thấy có người chứng, cũng chẳng thấy có  pháp để chứng .

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Như lời Phật dạy: ” Bồ Tát chẳng nên trú nơi pháp không, mà tác chứng”,

Bạch Thế Tôn! Vì sao Bồ Tát trú nơi Pháp không, mà chẳng tác chứng?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát muốn được đầy đủ pháp quán không, thì phải tự nguyện rằng, ” Ta chẳng nên trú nơi pháp không, mà tác chứng; nay là lúc ta học, chẳng phải là lúc ta chứng”.

Bồ Tát chẳng nên chuyên nhiếp tâm nơi pháp không, mà phải duyên các pháp sự, khiến ở nơi Vô Thượng Bồ Đề chẳng có thối chuyển, … dẫn đến chẳng tác chứng quả vô lậu.

Này Tu Bồ Đề !  Như vậy là Bồ Tát thành tựu được vi diệu pháp. Vì sao? Vì Bồ Tát trú nơi pháp không, mà tự niệm rằng, ” Nay là lúc ta học, chẳng phải là lúc ta chứng”.

Này Tu Bồ Đề !  Bồ Tát cũng phải tự nguyện rằng,  ” Nay là lúc ta học Đàn Ba La Mật … dẫn đến Bát Nhã Ba La Mật, học 4 niệm xứ … dẫn đến 8 thánh đạo, học nội không … dẫn đến vô pháp hữu pháp không, học 10 Phật lực …dẫn đến nhất thiết chủng trí, v.v…, mà chẳng phải là lúc ta chứng quả Tu Đà Hoàn… dẫn đến quả A La Hán, quả Bích Chi Phật.

Này Tu Bồ Đề !  Như vậy là Bồ Tát học không và trú trong không, học vô tướng và trú trong vô tướng, học vô tác và trú trong vô tác, học 4 niệm xứ và trú trong 4 niệm xứ … dẫn đến học 8 thánh đạo và trú trong 8 thánh đạo, mà chẳng tác chứng 4 niệm xứ … dẫn đến chẳng tác chứng 8 thánh đạo. Bồ Tát, dù học, dù hành 37 pháp trợ  đạo, mà vẫn chẳng tác chứng quả Tu Đà Hoàn … dẫn đến chẳng tác chứng quả A La Hán, quả Bích Chi Phật.

 Này Tu Bồ Đề !  Ví như người tráng sĩ dõng mãnh, thâm hiểu cả 64 môn binh pháp, tài điều binh xuất chúng, tướng mạo oai nghiêm. Ở giữa bãi chiến trường, tráng sĩ này nắm vững tay gươm đứng yên bất động, chỉ dụng binh có giới hạn, mà thắng lợi rất nhiều, khiến cả 3 quân đều thán phục, cung kính. Với oai lực sẵn có, tráng sĩ này đi đến đâu cũng đem lại lợi ích cho mọi người, như bảo bọc người già yếu, cứu thoát người đang gặp nạn hiểm nghèo, an ủi người bị kẻ khác khủng bố, cướp bóc v.v … Do tráng sĩ này có đầy đủ trí lực, nên những ai được tráng sĩ này ra tay tế độ đều được thoát hiểm an toàn.

Cũng như vậy, vì muốn làm lợi ích cho chúng sanh, mà Bồ Tát hành 4 vô lượng tâm “từ, bi, hỉ, xả”, an trú trong 4 vô lượng tâm, đầy đủ 6 pháp Ba La Mật, mà chẳng tác chứng quả vô lậu; học nhất thiết chủng trí, nhập 3 giải thoát môn “không, vô tướng và vô tác”, mà chẳng tuỳ pháp tướng, chẳng chứng “vô tướng tam muội”. Do chẳng chứng “vô tướng tam muội” nên chẳng lạc về Thanh Văn và Bích Chi Phật địa.

Này Tu Bồ Đề !  Ví như con chim có đầy đủ đôi cánh ung dung bay lượn giữa hư không mà chẳng bị rơi rớt, cũng chẳng an trú nơi hư không.

Cũng như vậy, Bồ Tát học 3 giải thoát môn “không, vô tướng và vô tác” mà chẳng tác chứng; vì chẳng tác chứng, nên chẳng bị lạc về Thanh Văn và Bích Chi Phật địa. Dù chưa được đầy đủ 10 Phật lực, đại từ, đại bi, chưa đầy đủ hết thảy pháp và hết thảy trí, mà Bồ Tát vẫn chẳng tác chứng “không, vô tướng, vô tác”.

Này Tu Bồ Đề !  Ví như người xạ thủ tài ba, bắn liên tục các mũi tên lên hư không; mũi tên sau ghim vào mũi tên trước, và cứ như vậy nối liền với nhau mãi mà lao vút lên không trung, cho đến khi người xạ thủ ngưng bắn, thì mới rơi xuống mặt đất.

Cũng như vậy, khi hành Bát Nhã Ba La Mật, Bồ Tát chỉ dùng lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật để tu tập các thiện căn, mà chẳng tác chứng thật tế; mãi như vậy cho đến khi đầy đủ các thiện căn rồi, mới tác chứng thật tế vậy. Bởi vậy nên nói, “Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật, mà vẫn  phải thường quán các pháp tướng”.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn ! Bồ Tát hành các pháp thậm thâm, rất khó hanh. Vì sao ? Vì dù thường quán các pháp tướng, dù học đầy đủ pháp như, pháp tánh, thật tế, học rốt ráo không… dẫn đến tự tướng không, học 3 giải thoát môn, mà ở chặng giữa đường Bồ Tát vẫn chẳng lạc về Thanh Văn và Bích Chi Phật địa. Hạnh nguyện của Bồ Tát như vậy thật là hy hữu.

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề !  Vì chẳng xả ly chúng sanh, nên Bồ Tát phát nguyện tu học như vậy.

Này Tu Bồ Đề !  Bồ Tát tự niệm rằng, “Ta chớ nên xả bỏ chúng sanh, mà phải cứu độ họ, vì họ chẳng biết được các pháp là vô sở hữu”. Tự niệm như vậy rồi, Bồ Tát liền nhập vào 3 giải thoát môn, thành tựu các lực phương tiện nhằm cứu độ chúng sanh. Thế nhưng, vì chưa được nhất thiết chủng trí, nên Bồ Tát hành 3 giải thoát môn, mà ở chặng giữa đường chẳng có tác chứng thật tế.

Bồ Tát quán hết thảy các pháp thậm thâm, như: nội không … dẫn đến vô pháp hữu pháp không, 4 niệm xứ … dẫn đến 3 giải thoát môn. Rồi Bồ Tát tự niệm rằng : Hết thảy chúng sanh chìm đắm trong đêm dài vô minh, chấp ngã … dẫn đến chấp trí giả, kiến giả, dụng tâm sở đắc mà trú nơi các pháp. Từ nay cho đến khi được Vô Thượng Bồ Đề, ta phải vì chúng sanh thuyết pháp, để dứt trừ hết thảy sự chấp thủ pháp tướng ở nơi họ.

Tự niệm như vậy, nên Bồ Tát hành đầy đủ 3 giải thoát môn, mà ở chặng giữa đường chẳng tác chứng thực tế. Vì chẳng tác chứng thật tế, nên Bồ Tát chẳng lạc về Thanh Văn Địa và Bích Chi Phật địa vậy.

Này Tu Bồ Đề !  Bồ Tát muốn thành tựu đầy đủ thiện căn, nên ở chặng giữa đường chẳng tác chứng thật tế, cũng chẳng mất 4 thiền, 4 vô lượng tâm, 4 vô sắc định, 4 niệm xứ … dẫn đến 8 thánh đạo, 10 Phật lực … dẫn đến 18 bất cộng pháp.

Bồ Tát thành tựu hết thảy các pháp trợ đạo … dẫn đến thành tựu Thượng Vô Bồ Đề, mà chọn chẳng tổn giảm. Bồ Tát có được các lực phương tiện như vậy, nên tăng ích thiện pháp, được căn trí thông lợi, thù thắng hơn hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật.

Này Tu Bồ Đề !  Bồ Tát lại tự niệm rằng: hết thảy chúng sanh chìm đắm trong đêm dài vô minh, chấp thường, chấp lạc, chấp ngã, chấp tịnh, là 4 tà kiến điên đảo. Ta phải vì chúng sanh cầu Vô Thượng Bồ Đề. Khi được Vô Thượng Bồ Đề rồi, ta sẽ vì họ thuyết về vô thường, về khổ, về vô ngã, về bất tịnh.

Tự niệm như vậy, nên Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật, dùng lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật niệm Phật tam muội, tu tập đầy đủ 10 Phật lực, 4 vô sở uý, 4 vô ngại trí, đại từ, đại bi … dẫn đến 18 bất cộng pháp, ta sẽ nhập vào 3 giải thoát môn. Thế nhưng, vì chưa được nhất thiết chủng trí, nên Bồ Tát hành 3 giải thoát môn, mà ở chặng giữa đường chẳng tác chứng thật tế.

Này Tu Bồ Đề !  Bồ Tát lại tự niệm rằng: Hết thảy chúng sanh chìm đắm trong đêm dài vô minh, chấp các pháp tướng, chấp tướng ngã, tướng chúng sanh, tướng tri giả, tướng kiết giả … dẫn đến chấp tướng 5 ấm, tướng 12 nhập, tướng 18 giới; rồi dụng tâm hữu sở đắc mà tu tập 4 thiền, 4 vô lượng tâm, 4 vô sắc định v.v … Ta phải vì chúng sanh cầu nhất thiết chủng trí.

Khi ta được Vô Thượng Bồ Đề, ta sẽ vì họ thuyết pháp ” vô sở đắc” khiến họ xả ly được các chấp về pháp tướng đó.

Bồ Tát lại tự niệm rằng: Hết thảy chúng sanh chìm đắm trong đêm dài vô minh, chấp tướng nam, tướng nữ, tướng sắc, tướng vô sắc v.v… Ta phải vì họ cầu nhất thiết chủng trí. Khi ta được Vô Thượng Bồ Đề, ta sẽ vì họ thuyết pháp “vô sở đắc”, khiến họ xả ly các chấp về pháp tướng đó.

Tự niệm như vậy, nên Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật, dùng lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật tu đầy đủ các pháp trợ đạo, nhập vào 3 giải thoát môn. Thế nhưng, vì chưa được nhất thiết chủng trí, nên Bồ Tát hành 3 giải thoát môn, mà chẳng tác chứng thật tế.

Này Tu Bồ Đề !  Bồ Tát tu tập Đàn Ba La Mật … dẫn đến Bát Nhã Ba La Mật, nội không … dẫn đến vô pháp hữu pháp không, 4 niệm xứ … dẫn đến 8 thánh đạo,10 Phật lực … dẫn đến 18 bất cộng pháp, đại từ đại bi, 3 giải thoát môn … dẫn đến nhất thiết chủng trí, thành tựu vi diệu trí huệ, mà chẳng có bao giờ chấp trước có hành các pháp ấy trong 3 cõi … dẫn đến chẳng bao giờ chấp trước có 3 cõi.

Trong lúc Bồ Tát học các pháp trợ đạo, hành các pháp trợ đạo, nếu có ai hỏi Bồ Tát rằng, ” Bồ Tát muốn được Vô Thượng Bồ Đề, mà học pháp không; nhưng vì sao mà lại chẳng tác chứng thật tế?”, thì Bồ Tát đáp rằng, ” Nếu tác chứng thật tế, thì ta sẽ lạc ngay về Thanh Văn và Bích Chi Phật địa, mà chẳng có thể thật hành được thâm Bát Nhã Ba La Mật”.

Lại nữa, nếu có ai hỏi về hạnh tu của Bồ Tát, thì Bồ Tát đáp rằng, “Hạnh tu của Bồ Tát là quán các pháp đều là không, là vô thường, là vô tác, là vô sanh, là vô khởi, là vô diệt, là vô sở hữu”. Nếu Bồ Tát chẳng đáp được như vậy, mà nói lên học các pháp trợ đạo, nên thủ chứng các pháp trợ đạo đó, thì phải biết đó là hạng Bồ Tát chưa được Phật thọ ký. Vì sao? Vì hạng Bồ Tát đó chưa biết rõ chỗ hành pháp của chư Bồ Tát bất thối chuyển, nên chẳng sao có thể giải đáp được. Trái lại, nếu Bồ Tát liễu giải được chỗ hành pháp của bậc Bồ Tát bất thối chuyển, thì phải biết đó là hạng Bồ Tát đã hành đầy đủ Bồ Tát đạo, đã vào được Bất Thối Chuyển địa vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Có Bồ Tát nào chưa được bất thối chuyển, mà có thể giải đáp được chăng ?

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Có trường hợp như vậy. Có Bồ Tát đã tu tập thuần thục 6 pháp Ba La Mật rồi, nên dù có nghe hoặc dù chưa nghe nói đến các pháp sự đó, cũng có thể giả đáp được, y như hàng Bồ Tát bất thối chuyển vậy.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Có rất nhiều Bồ Tát cầu Phật đạo, mà rất ít vị giải đáp được như vậy. Vì sao ? Vì ngoài số ít vị đã được Vô Học, các vị khác vẫn còn trong Hữu Học đạo.

Phật dạy : Đúng như vậy, đúng như vậy ! Này Tu Bồ Đề ! Có rất ít Bồ Tát giải đáp được như vậy. Vì sao ? Vì suốt quá trình tu tập, từ Càn Huệ địa … dẫn đến Bất Thối Chuyển địa, chỉ có những Bồ Tát nào được thọ ký mới giải đáp được như vậy. Phải biết đó là những vị Bồ Tát đã thành tựu đầy đủ thiện căn, chẳng ai có thể phá hoại được. Các vị Bồ Tát ấy xứng đáng được các hàng Trời, Người cung kính, cúng dường.

LUẬN:

Hỏi:  Học pháp ” không ” và nhập vào pháp “không” có gì khác nhau chăng?

Đáp: Lúc ban đầu phải học pháp “không”, rồi sau đó mới vào được pháp “không”. Học “không” là phương tiện để nhập vào “không”. Khi đã nhập vào “không” rồi, thì Bồ Tát dụng “vô tướng” và “vô tác” để học và hành 37 phẩm trợ đạo cùng 3 giải thoát môn.

Tuy rằng 37 phẩm trợ đạo là pháp của Thanh Văn, nhưng đó là đường dẫn vào Niết Bàn, nên Phật dạy Bồ Tát cũng phải học và hành các pháp đó.

Ngài Tu Bồ Đề dấy niệm rằng: “37 phẩm trợ đạo là pháp dẫn đến Niết Bàn. Như vậy, vì sao Bồ Tát hành pháp ấy, mà chẳng tác chứng Niết Bàn ?”.

Phật dạy : Bồ Tát quán hết thảy các sắc pháp đều là không. Nhờ vậy mà thâm nhập được vào thâm thiền định, khiến tâm chẳng loạn động, được trí huệ vô ngại, để hành các thiện pháp làm lợi lạc cho chúng sanh. Thế nhưng, Bồ Tát chẳng chấp pháp không, chẳng tác chứng đạo Nhị Thừa, chẳng ái trước vô ngã, thẳng vào Niết Bàn, mà chẳng thấy có pháp Niết Bàn để tác chứng.

Bồ Tát biết rõ, nếu chia chẻ sắc pháp, thì sẽ dẫn đến cực vi trần. Thế nhưng, Bồ Tát chẳng chấp cực vi trần, vì biết rõ sắc pháp dẫn đến cực vi trần đều là tự tướng không. Cho nên ở nơi pháp vô sắc cũng chẳng lưu niệm, thẳng vào “không”, mà chẳng tác chứng “không”. Phật dạy như vậy, nhưng ngài Tu Bồ Đề chưa thấu triệt ý của Phật, nên hỏi : Bồ Tát chẳng nên trú nơi pháp không, mà tác chứng. Như vậy, vì sao nói Bồ Tát trú nơi pháp không, mà chẳng tác chứng ?

Phật dạy : Vì Bồ Tát đã thâm nhập vào pháp tánh, nên chẳng tác chứng vậy.

Ví như người cắt cỏ tranh, nếu nắm quá chặt thì cạnh lá tranh có thể cắt đứt tay; trái lại, nếu khéo léo nắm nhẹ nhàng, nhanh nhẹn thì chẳng bị đứt tay. Cũng như vậy, người học pháp không mà chưa vào được pháp tánh, thì còn chấp pháp không, và còn thấy có tác chứng; trái lại, Bồ Tát đã thâm nhập vào  pháp tánh, nên biết rõ “pháp không” cũng là “không”, Niết Bàn cũng là “không”, là chẳng có chỗ chứng (vô sở chứng).

Khi chưa vào pháp không, Bồ Tát đã tự niệm rằng: Ta nên quán các pháp đều là tự tướng không, mà chẳng nên thủ chứng. Khi vào thiền định, ta chớ nên chuyên tâm nhiếp niệm nơi pháp không, là ta đã buộc tâm vào “không”, chẳng thể nào thoát ly ra khỏi “không” được. Nếu chấp “không” như vậy, thì chẳng sao có thể nhiếp độ chúng sanh được.

Hỏi : Trước đây nói rằng, “Vào thiền định khiến tâm chẳng bị tán loạn”. Nay vì sao lại nói “chẳng nên chuyên nhiếp tâm?”.

Đáp : Hành giả lúc ban đầu vào thiền định phải thâm nhập vào pháp không; rồi lại phải quán biết “không” đó cũng là “không”. Có như vậy thì tâm mới chẳng còn chuyên nhiếp nơi “không”, chẳng còn bị trói buộc nơi thiền định. Do vậy mà được tâm chẳng tán loạn.

Lại nữa, Bồ Tát phải tự niệm : Ta phải tu 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp; tu đầy đủ 10 Phật lực, 4 vô sở uý, 4 vô ngại trí … cùng tất cả các Phật pháp. Do vậy mà chẳng trú Niết Bàn.

Lại nữa, Bồ Tát phải tự niệm : Ta phải thành tựu các lực phương tiện, học đầy đủ các pháp môn, để giáo hoá chúng sanh, dẫn dắt họ vào Phật đạo.

Tự niệm như vậy, nên Bồ Tát phát nguyện rằng, “Nay là lúc ta học, chẳng phải là lúc ta chứng. Bao giờ ta được đầy đủ hết thảy Phật sự rồi, thì lúc bấy giờ ta mới chứng”. Do phát nguyện như vậy, nên Bồ Tát vào 3 giải thoát môn, mà chẳng thủ chứng các pháp ấy.

Trong kinh có nêu thí dụ về người tráng sĩ dõng mãnh. Người tráng sĩ dụ cho Bồ Tát; những người được tráng sĩ giúp đỡ, hay được tráng sĩ cứu thoát khỏi cảnh nguy khốn … dụ cho chúng sanh được Bồ Tát giáo hoá, cứu độ; những chốn nguy hiểm, giặc giã, trộm cướp dụ cho 3 cõi; những phường xấu ác, cướp bóc, khủng bố v.v… dụ cho “sanh tử”; những khí cụ như gươm, đao v.v… mà kẻ ác dùng để khủng bố, cướp bóc người, dụ cho phiền não; tráng sĩ nắm vững tay gươm, đứng yên bất động giữa trận mạc dụ cho Bồ Tát dùng gươm trí huệ, an lạc chúng sanh đang chìm đắm trong sanh tử, mà tâm vẫn bất động. Vì sao ? Vì Bồ Tát trú nơi rốt ráo không, dùng 4 vô lượng tâm ” từ, bi, hỉ, xả” độ chúng sanh, đưa chúng sanh về nơi an lạc Niết Bàn.

–o0o–

Ngài Tu Bồ Đề lại khởi nghi rằng, “Ở nơi không, nơi vô sở hữu, thì làm sao Bồ Tát có thể tu hành được”.

Nhân đây, Phật nêu thí dụ về con chim bay giữa hư không. Ở giữa hư không, tuy chẳng có chỗ dựa, nhưng con chim vẫn ung dung bay lượn, chẳng bị rơi xuống đất. Nếu chưa đến chỗ đậu, thì con chim chẳng dừng bay.

Cũng như vậy, Bồ Tát tu học pháp không, nhằm đoạn phiền não cho chính mình và cho chúng sanh. Bồ Tát học không, mà chẳng tác chứng, nên chẳng lạc về Thanh Văn và Bích Chi Phật địa.

–o0o–

Lại nữa, Phật muốn Bồ Tát thông đạt hết thảy pháp, nên nêu lên thí dụ về người xạ thủ tài giỏi.

Nơi thí dụ này : Người xạ thủ tài giỏi dụ cho Bồ Tát; cái cung dụ cho thiền định; mũi tên dụ cho trí huệ; hư không dụ cho 3 giải thoát môn; mặt đất dụ cho Niết Bàn. Bồ Tát dùng cung “thiền định” bắn mũi tên “trí huệ” lên hư không “giải thoát môn”, rồi lại dùng lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật khiến cho mũi tên sau đẩy mũi tên trước, nối liền nhau mãi, chẳng để rơi xuống mặt đất “Niết Bàn”.

Cũng như vậy, khi chưa đầy đủ 10 Phật lực, 4 vô sở uý, 4 vô ngại trí, cùng hết thảy Phật pháp, thì Bồ Tát chẳng thủ chứng Niết Bàn. 

  –o0o–

Ngài Tu Bồ Đề, sau khi nghe Phật dạy, sanh tâm hoan hỉ, và bạch với Phật rằng :  Thật là hy hữu ! Chỗ hành pháp của Bồ Tát thật là thâm thậm, vi diệu, rất khó hành. Bồ Tát hành “không” mà chẳng thủ chứng “không”.

Phật dạy : Bồ Tát phát bổn nguyện độ thoát hết thảy chúng sanh, khiến họ dứt trừ được ưu bi, khổ não. Do bổn nguyện đại từ bi như vậy, nên Bồ Tát hành “không” mà chẳng chấp “không”. Bồ Tát biết chúng sanh chìm đắm trong đêm dài vô minh, chấp ngã, chấp pháp, nên dùng 3 giải thoát môn “không, vô tướng và vô tác” độ thoát họ ra khỏi các tà kiến chấp.

Nhờ lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật hộ trì, nên Bồ Tát thường hành 3 giải thoát môn, mà vẫn chẳng xả ly chúng sanh. Bồ Tát biết rõ chúng sanh, từ vô thỉ đến nay, bị vô minh che tâm, nên chấp ngã, chấp pháp, mà chẳng biết rằng ngã và pháp đều là tự tướng không, đều là bất khả đắc; do vậy mà khởi sanh phiền não, tà kiến, lạc về tà đạo.

Bồ Tát lại biết rõ người tu hành, dù đã biết được ngã không và pháp không, nhưng thường còn chấp không; do vậy mà lạc về Thanh Văn và Bích Chi Phật địa.

Biết rõ như vậy, nên Bồ Tát phát nguyện : Ta vì chúng sanh phải tu tập thành Phật đạo, để đoạn trừ các chấp điên đảo nơi chúng sanh; do vậy mà ta phải hành 3 giải thoát môn, mà chẳng tác chứng thật tế. Tuy chẳng tác chứng thật tế, nhưng Bồ Tát chẳng mất các công đức thiền định. Do thường ở trong định, thường thâm nhập pháp không, nên Bồ Tát được căn trí thông lợi, thù thắng hơn hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật. Bồ Tát hành đầy đủ các pháp môn tu, thành tựu được vi diệu trí huệ như vậy, mà chẳng bao giờ chấp có hành các pháp ấy trong 3 cõi … dẫn đến chẳng chấp 3 cõi, vì biết rõ 3 cõi là hư vọng. Bồ Tát biết rõ các pháp đều bình đẳng, nhất như, nên thường quán “không”, mà chẳng chấp “không”, chẳng tác chứng thật tế.

Hỏi : Làm thế nào để có thể nhận biết những vị Bồ Tát chưa được đạo, mà đã có thể hành thậm thâm pháp không?

Đáp : Theo như đoạn kinh trên đây, nếu muốn biết như vậy, thì nên hỏi Bồ Tát rằng, ” Vì sao Bồ Tát học ‘không’ mà chẳng tác chứng ‘không’ ?”.

– Nếu Bồ Tát đáp lại rằng, “Ta chỉ chuyên nhiếp niệm nơi pháp ‘không’, để tu tập các hạnh Thanh Văn và Bích Chi Phật; ta chỉ quán không, vô tướng, vô tác, vô khởi … dẫn đến quán vô sở hữu, để biết mà thôi”. Phải biết đây là hạng Bồ Tát chưa được thọ ký.

Hạng Bồ Tát này chưa có được các lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật, nên chỉ quán “không” mà chẳng vào được “không”.

– Nếu Bồ Tát liễu giải được chỗ hành pháp của Bồ Tát bất thối chuyển, thì phải biết đó là hạng Bồ Tát đã vào được Bạc Địa, gần được thọ ký bất thối chuyển.

Cũng nên biết, Bồ Tát phải tu tập pháp “không” cho đến khi phiền não đã mỏng, rồi mới vào được Bạc Địa, để tiến tu lên Bất Thối Chuyển địa.

 –o0o–

Ngài Tu Bồ Đề nghe Phật nói về tướng, và về phi tướng (chẳng phải tướng) của Bồ Tát bất thối chuyển, nên liền bạch Phật : Có Bồ Tát nào chưa được bất thối chuyển, mà có thể giải đáp được y như bậc Bồ Tát bất thối chăng?

Phật dạy : Có Bồ Tát, tuy chưa đầy đủ Bồ Tát địa, nhưng đã nghe và hiểu được lời Phật dạy, nên có thể giải đáp được.

Lại có Bồ Tát dù chưa được nghe Phật dạy, nhưng đã có chánh tư duy, chánh ức niệm, nên dù chưa được vô sanh pháp dẫn, mà đã nhất tâm cầu thật tướng pháp. Hạng Bồ Tát này cũng có thể giải đáp được.

Ngài Tu Bồ Đề lại bạch Phật : Có rất nhiều Bồ Tát cầu Phật đạo, mà rất ít vị giải đáp được như vậy. Vì sao ? Vì ngoại trừ các Bồ Tát đã được vô sanh pháp nhẫn, đã vào vô học đạo, còn đa số các Bồ Tát khác vẫn chưa được vô sanh pháp nhẫn, vẫn còn ở trong Hữu Học đạo.

Phật dạy : Đúng như vậy ! Số Bồ Tát giải đáp được rất ít. Vì sao ? Vì chỉ có các Bồ Tát đã được thọ ký rồi mới giải đáp được. Chỉ có Phật mới biết rõ Bồ Tát nào đã vào được nơi thật tướng pháp, đã giải đáp đúng như pháp, để cho họ dự vào chúng được thọ ký. Bồ Tát giải đáp được đúng như pháp là Bồ Tát đã thành tựu được đầy đủ thiện căn, công đức, đã thâm nhập pháp không, nên có đầy đủ các lực phương tiện để làm các việc lợi ích cho chúng sanh.

****

 Phẩm thứ sáu mươi mốt
Mộng Trung Bất Chứng

(Trong Mộng, Chẳng Chứng)

KINH:

Lúc bấy giờ, Phật bảo ngài Tu Bồ Đề : Này Tu Bồ Đề ! Dẫn đến có Bồ Tát, ngay ở trong mộng, cũng chẳng tham đắm Thanh Văn và Bích Chi Phật pháp, chẳng tham đắm 3 cõi; cũng quán các pháp là như mộng, như huyễn, chẳng nên tác chứng.

Phải biết đó là tướng mạo của bậc Bồ Tát bất thối chuyển.

Này Tu Bồ Đề ! Có Bồ Tát, ngay ở trong mộng, thấy Phật, và thấy vô số Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di cùng hàng Thiên Long Bát Bộ đến nghe Phật thuyết pháp. Bồ Tát ấy được nghe Phật thuyết pháp, liền hiểu rõ nghĩa lý, rồi như pháp hành trì. Phải biết đó là tướng mạo của Bồ Tát bất thối chuyển.

Này Tu Bồ Đề ! Có Bồ Tát, ngay ở trong mộng, thấy Phật có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, phóng đại quang minh, hiện giữa hư không thuyết pháp cho chúng Tỳ Kheo nghe; dùng thần lực hoá hiện các “hoá nhân” từ cõi Phật khác đến nghe pháp và làm Phật sự.

Phải biết đó là tướng mạo của bậc Bồ Tát bất thối chuyển.

Này Tu Bồ Đề ! Có Bồ Tát, ngay ở trong mộng, thấy cảnh đao binh giặc giã, đánh phá xóm làng; hoặc thấy cảnh lửa cháy ngập trời hoặc thấy ác thú, sư tử, cọp, sói; hoặc thấy cảnh cha mẹ, anh chị em, bạn bè chết v.v… Bồ Tát này thấy các cảnh rùng rợn như vậy mà bình thản, chẳng kinh sợ, chẳng buồn lo. Sau khi tỉnh giấc Bồ Tát này liền dấy niệm rằng, “3 cõi đều là hư vọng, là như mộng, như huyễn”, rồi phát nguyện : Khi ta được Vô Thượng Bồ Đề, ta sẽ vì chúng sanh thuyết giảng cho họ biết 3 cõi là hư vọng, là như mộng, như huyễn.

Phải biết đó là tướng mạo của bậc Bồ Tát bất thối chuyển.

 Này Tu Bồ Đề ! Có Bồ Tát, ngay ở trong mộng, thấy 3 đường ác, thường dấy niệm rằng, ” Ta phải siêng năng, tinh tấn tu tập để được Vô Thượng Bồ Đề, khiến cho ở cõi nước của ta chẳng có 3 đường ác”. Vì sao ? Vì Bồ Tát ấy biết rõ cảnh mộng cùng các pháp là chẳng phải hai, chẳng phải khác.

Phải biết đó là tướng mạo của bậc Bồ Tát bất thối chuyển.

Này Tu Bồ Đề ! Có Bồ Tát, ngay ở trong mộng, thấy lửa địa ngục thiêu đốt chúng sanh, liền phát nguyện : Nếu ta thật là bậc bất thối chuyển, thì ngọn lửa kia hãy tự diệt.

Nếu nguyện xong mà lửa liền diệt, thì phải biết đó là tướng mạo của bậc Bồ Tát bất thối chuyển.

Lại nữa, khi thức, nếu Bồ Tát ấy thấy cảnh lửa thiêu đốt xóm làng, và cũng nguyện cho lửa tự diệt như lửa thấy trong mộng, mà lửa diệt, thì phải biết đó là tướng mạo của bậc Bồ Tát bất thối chuyển.

Nếu trước khi tự diệt, lửa còn đốt thêm một số nhà nữa, thì phải biết chủ nhân các nhà đó, ở đời trước, nặng tội phá pháp nên nay mới phải chịu quả báo như vậy.

Này Tu Bồ Đề ! Nay ta lại vì ông nói thêm về hạnh loại và tướng mạo của bậc Bồ Tát bất thối chuyển.

Này Tu Bồ Đề ! Có Bồ Tát thấy có Thiện Nam, Thiện Nữ bị ma nhập liền tự nguyện rằng, “Nếu ta đã được chư Phật quá khứ thọ ký, ta đã được tâm thanh tịnh cầu Vô Thượng Bồ Đề, ta đã xả ly pháp Nhị Thừa, thì chắc chắn ta sẽ được Vô Thượng Bồ Đề; chư Phật hiện tại ở khắp 10 phương biết rõ tâm chí thành của ta rồi, nên nay ta nguyện các loài phi nhân phải mau mau rời bỏ ác tâm não hại Thiện Nam, Thiện Nữ này”.

– Nếu nguyện như vậy rồi, mà loài phi nhân chẳng y theo, thì phải biết vị Bồ Tát ấy chưa được chư Phật quá khứ thọ ký.

– Nếu nguyện như vậy rồi, mà loài phi nhân liền rời bỏ đi nơi khác, thì phải biết vị Bồ Tát ấy đã được chư Phật quá khứ thọ ký.

Phải biết đó là tướng mạo của bậc Bồ Tát bất thối chuyển.

Này Tu Bồ Đề ! Có Bồ Tát xa lìa 6 pháp Ba La Mật, xa lìa các lực phương tiện, mà tu 4 niệm xứ … dẫn đến 3 giải pháp môn, chưa vào được Bồ Tát vị. Bồ Tát ấy thấy ác ma đến quấy nhiễu cũng liền tự niệm rằng, “Nếu ta đã được thọ ký, thì các quỷ thần phải lánh xa ngay”. Lúc bấy giờ, ác ma biết được tâm niệm của Bồ Tát ấy liền bảo quỷ thần lánh xa. Vì ác ma có oai lực hơn quỷ thần.

Bồ Tát ấy thấy quỷ thần lánh xa, tưởng rằng đó là do oai lực của mình, chẳng phải là do oai lực của ác ma, nên khởi tâm kiêu mạn, tưởng rằng mình đã được chứng đắc, khinh miệt các Bồ Tát khác, cho rằng mình đã được thọ ký, các Bồ Tát khác chẳng được như mình. Do khởi tâm tăng thượng mạn như vậy, mà Bồ Tát ấy xa lìa nhất thiết chủng trí, xa lìa Vô Thượng Bồ Đề.

Phải biết Bồ Tát ấy đã lạc về Nhị Thừa địa.

Bồ Tát ấy ít được thân cận chư thiện tri thức, chẳng học hỏi về hành tướng của Bồ Tát bất thối chuyển, chẳng có được lực phương tiện Bát Nhã Ba La Mật, nên mới bị ma trói buộc kiên cố như vậy.

Phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.

Này Tu Bồ Đề ! Có ác ma hiện đủ các thân, đến nói với Bồ Tát rằng, “Ở trong quá khứ, ông đã được chư Phật thọ ký. Ta biết rõ, vào lúc bấy giờ, tên ông là gì, tên cha mẹ ông là gì, tên anh chị em ông là gì; ta  biết rõ ông sanh ở đâu, ở tụ lạc nào, thành nào, nước nào …, ta cũng biết đời trước ông đã hạnh nguyện như thế nào, đã có công đức như thế nào. Ông thật đã được chư Phật quá khứ thọ ký”.

Hoặc có ác ma hiện thân Tỳ Kheo, hoặc thân cư sĩ, hoặc thân cha mẹ, đến nói với Bồ Tát ấy rằng, “Ông đã được chư Phật quá khứ thọ ký. Vì sao ? Vì ông đã đầy đủ các hạnh loại và tướng mạo của bậc Bồ Tát bất thối chuyển”.

Này Tu Bồ Đề ! Bồ Tát ấy chẳng có được hạnh loại và tướng mạo chân thật của bậc Bồ Tát bất thối chuyển, nên mới bị ác ma đến nhiễu loạn. Vì sao ? Vì do nghe khen ngợi, ca tụng, mà khởi tâm kiêu mạn, khinh miệt người khác.

Phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.

Này Tu Bồ Đề ! Có Bồ Tát mới hành 6 pháp Ba La Mật chưa được bao lâu, nên chẳng biết danh tự tướng, chẳng biết sắc tướng … dẫn đến thức tướng v.v…đều là như mộng, như huyễn, khiến ác ma có cơ hội tốt để nhiễu loạn. Ác ma đến nói với Bồ Tát ấy rằng, “Đời sau, lúc ông được Vô Thượng Bồ Đề, ông sẽ có danh hiệu như vậy này”. Đó là ác ma y theo chỗ niệm tưởng của Bồ Tát ấy mà đặt ra danh hiệu, nhưng vì vô trí. Vì chẳng có được lực phương tiện, nên Bồ Tát ấy tin theo lời ác ma, mà tự xa rời Bát Nhã Ba La Mật, tự xa rời Vô Thượng Bồ Đề.

Bồ Tát ấy xa lìa chư thiện tri thức, nên mới bị ác tri thức dẫn dắt, mà phải lạc về Nhị Thừa địa, qua lại trong sanh tử.

Thế nhưng, sau này, nếu gặp được thiện tri thức, nếu y chỉ nơi Bat Nhã Ba La Mật, thì cũng có thể được Vô Thượng Bồ Đề. Trái lại, nếu chẳng chịu sám hối, thì Bồ Tát ấy chắc chắn phải bị lạc về Nhị Thừa địa.

Này Tu Bồ Đề ! Trong luật Tỳ kheo có 4 giới trọng1 4 giới trọng còn được gọi là 4 trọng cấm,hay 4 giới cấm, hay 4 trọng tội, hay 4 Ba La Di.
4 giới trọng gồm: Dâm dục – Trộm cắp – Giết người hày xúi giục người khác giết người – đại vọng ngữ (nói những lời làm suy hại giáo pháp, nói mình là bậc Thánh để gạt người khác).[/note], nếu phạm 1 trong 4 giới đó, thì chẳng phải là sa môn, chẳng phải là Thích tử, và ở hiện
đời cũng chẳng thành tựu được 4 quả sa môn. 

Này Tu Bồ Đề ! Bồ Tát ấy ham thích hư danh, mà khởi tâm kiêu mạn khinh miệt người khác; tội như vậy còn nặng hơn tội phạm 4 giới trọng của Tỳ kheo. Chẳng những tội như vậy nặng hơn tội phạm 4 giới trọng, mà còn nặng hơn cả 5 tội phản nghịch (ngũ nghịch) nữa. Vì sao ? Vì ham hư danh mà khinh miệt người khác là ma sự. Bồ Tát phải cảnh giác về các loại ma sự này.

Này Tu Bồ Đề ! Lại có Bồ Tát thích ở nơi hoang vắng, giữa núi rừng, nơi đồng trống. Ác ma tìm đến Bồ Tát ấy và tán thán rằng, “Ông tu hạnh viễn ly mà Phật thường tán thán”.

Này Tu Bồ Đề ! Phật chẳng tán thán hạnh viễn ly như vậy. Chẳng phải chỉ có ở nơi hoang vắng như vậy mà gọi là hạnh viễn ly được.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Ở nơi hoang vắng như vậy mà chẳng phải là tu hạnh viễn ly, thì phải như thế nào thì mới gọi là tu hạnh viễn ly ?

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Viễn ly có nghĩa là xả ly tâm Nhị Thừa, chẳng phải là xa lìa chúng sanh. Bồ Tát ở nơi chỗ hoang vắng, tu tập pháp không, xả ly tâm Nhị Thừa, mà chẳng xả ly chúng sanh. Phật tán thán hạnh viễn ly như vậy. Bồ Tát phải tu tập ngày đêm hạnh viễn ly như vậy.

Này Tu Bồ Đề ! Ác ma chỉ nói viễn ly theo nghĩa ở chỗ nơi hoang vắng. Nếu Bồ Tát trú nơi hoang vắng đó mà tâm động, chẳng có xả ly tâm Nhị Thừa, chẳng tu Bát Nhã Ba La Mật, chẳng tu nhất thiết chủng trí, thì phải biết Bồ Tát ấy rất dễ bị ma cám dỗ.

Bồ Tát hành pháp viễn ly như vậy, chẳng giữ được tâm thanh tịnh, nên thường khinh khi các Bồ Tát khác đang sống ở các thành ấp, tụ lạc. Bồ Tát ấy chẳng biết rằng có rất nhiều Bồ Tát sống giữa chốn ồn ào, náo động mà vẫn giữ được tâm thanh tịnh, chẳng có loạn động, chẳng có tâm Nhị Thừa, chẳng có tâm tạp ác, mà trái lại có đầy đủ thiền định, trí huệ, giải thoát, và đầy đủ các thần thông.

Bồ Tát ấy xa lìa Bát Nhã Ba La Mật, chẳng có được các lực phương tiện, nên dù ở chỗ hoang vắng trong thời gian lâu dài, suốt cả năm … dẫn đến suốt cả trăm ngàn năm, cũng vẫn chẳng sao biết được thâm nghĩa của hạnh viễn ly của Bồ Tát. Vì sao ? Vì tu hạnh viễn ly của Bồ Tát là phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, chẳng có hành các tạp hạnh. Phật chẳng bao giờ dạy Bồ Tát tìm nơi hoang vắng, chỉ vì muốn xa lìa chúng sanh, xa lìa nơi náo nhiệt, ồn ào.

Này Tu Bồ Đề ! Phật dạy pháp viễn ly chân thật. Bồ Tát ấy chẳng vào được pháp viễn ly đó, chẳng biết được tướng của pháp viễn ly đó.

Ác ma lại hiện giữa hư không, nói với Bồ Tát ấy rằng, “Lành thay, lành thay ! Ông hành pháp viễn ly như vậy, sẽ mau đến Vô Thượng Bồ Đề”. Bồ Tát ấy tin theo lời khen ngợi của ác ma, liền khởi niệm chấp hạnh viễn ly của mình, và khinh miệt các Bồ Tát đang cầu Phật đạo ở chỗ thành ấp, tụ lạc ồn ào, náo nhiệt.

Bồ Tát ấy chẳng biết rằng người ở chốn huyên náo mà tâm chẳng loạn động, đáng kính trọng hơn người ở chỗ tĩnh lặng mà tâm vẫn thường loạn động. Do chẳng biết như vậy, nên Bồ Tát ấy tự nghĩ rằng, “Hành viễn ly như ta mới là chân thật, đáng được ca ngợi; còn người trú ở chốn huyên náo chẳng đáng được ca ngợi vậy”. Do suy nghĩ như vậy mà Bồ Tát ấy khởi tâm kiêu mạn.

Này Tu Bồ Đề ! Bồ Tát ấy làm ô nhiễm chúng Bồ Tát. Bồ Tát ấy tuy có hình tướng của Bồ Tát, nhưng thật sự là kẻ giặc trong hàng Trời, Người, kẻ giặc trong hàng Sa Môn. Người cầu Phật đạo chẳng nên gần gũi, chẳng nên cúng dường hàng Bồ Tát tăng thượng mạn như vậy.

Bởi nhân duyên vậy, nên Bồ Tát nào muốn được Vô Thượng Bồ Đề, nhất tâm muốn cầu Vô Thượng Bồ Đề, nhất tâm muốn làm lợi ích cho chúng sanh, thì chẳng nên gần gũi, cúng dường hạng người cầu tự lợi như vậy; phải thường hành Bồ Tát đạo, xả ly tâm thế gian, xả ly 3 cõi; phải khởi tâm từ bi hỷ xả; phải thường tự nhắc nhủ mình hành Bồ Tát đạo, chẳng khởi sanh các lỗi lầm như trên; nếu có phạm lỗi lầm như vậy, thì phải mau mau sám hối để kịp dứt trừ.

Này Tu Bồ Đề ! Bồ Tát phải khéo tự cảnh giác về các ma sự như vậy. Nếu chẳng may bị rơi vào trong ma sự đó, thì phải mau mau vượt ra khỏi.

Này Tu Bồ Đề ! Nếu Bồ Tát thâm tâm muốn được Vô Thượng Bồ Đề, thì phải gần gũi, cúng dường chư thiện tri thức.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật : Bạch Thế Tôn ! Những ai là thiện tri thức của Bồ Tát ?

Phật dạy : Này Tu Bồ Đề ! Chư Phật, chư đại Bồ Tát, chư A La Hán là những vị thiện tri thức của Bồ Tát.

Này Tu Bồ Đề ! 6 pháp Ba La Mật là thiện tri thức của Bồ Tát; 4 niệm xứ … dẫn đến 18 bất cộng pháp là thiện tri thức của Bồ Tát; pháp như, pháp tánh, thật thế, bất khả tư nghì tánh là thiện tri thức của Bồ Tát.

Này Tu Bồ Đề ! 6 pháp Ba La Mật là Thế Tôn, là đạo, là đại minh, là đại trí, là đại huệ; cũng là pháp cứu cánh, là chỗ quy y, là cồn đảo, là cha, là mẹ của Bồ Tát. 37 phẩm trợ đạo … dẫn đến 18 bất cộng pháp cũng đều là như vậy.

Vì sao ? Vì 6 pháp Ba La Mật, 37 Phẩm Trợ Đạo … dẫn đến 18 bất cộng pháp đều là cha mẹ của chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai. Vì từ nơi 6 pháp Ba La Mật, 37 Phẩm Trợ Đạo … dẫn đến 18 bất cộng pháp mà xuất sanh ra chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai.

Này Tu Bồ Đề ! Bởi nhân duyên vậy, nên Bồ Tát muốn được Vô Thượng Bồ Đề, muốn thành tựu chúng sanh, muốn thanh tịnh Phật độ, thì phải học 6 pháp Ba La Mật, học 37 Phẩm Trợ Đạo … dẫn đến học 18 bất cộng pháp. Bồ Tát lại còn phải học 4 nhiếp pháp gồm có bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự, để nhiếp thủ chúng sanh.

Này Tu Bồ Đề ! Vì các lợi ích như vậy, nên ta nói 6 pháp Ba La Mật, 37 Phẩm Trợ Đạo … dẫn đến 18 bất cộng pháp đều là Thế Tôn, là đạo, là đại minh, là đại trí, là đại huệ; cũng đều là pháp cứu cánh, là chỗ quy y, là cồn đảo, là cha, là mẹ của Bồ Tát cả.

Này Tu Bồ Đề ! Bởi nhân duyên vậy, nên Bồ Tát muốn trú tâm, chẳng nghe theo lời người khác, muốn đoạn nghi cho người khác, muốn thành tựu chúng sanh, muốn thanh tịnh Phật độ, thì phải học Bát Nhã Ba La Mật. Vì sao ? Vì Bát Nhã Ba La Mật rộng nói hết thảy các pháp, mà chư Bồ Tát phải học.

LUẬN     

Hỏi: Ở phẩm “Bất thối chuyển”, Phật đã rộng giải về hạnh loại và tướng mạo của Bồ Tát bất thối chuyển rồi. Sao nay Phật còn nói thêm nữa ?

Đáp: Ở phẩm này nói ” nghĩa của Bát Nhã Ba La Mật cũng là tướng bất thối chuyển”. Còn ở phẩm trước, thì nói nhiều về tướng ấy.

Lại nữa, ở trong chúng hội, có người đến trước, có người đến sau, có người căn trí thông lợi, có người căn trí chậm lụt, nên phải nói nhiều lần để mọi người đều được rõ nghĩa.

Nơi đây cũng nên biết, có 2 hạng Bồ Tát bất thối chuyển. Đó là :

– Hạng Bồ Tát bất thối chuyển, đã được thọ ký.

– Hạng Bồ Tát bất thối chuyển chưa được thọ ký, nhưng đã liễu nghĩa pháp Đại Thừa.

Bồ Tát được thọ ký cũng có 2 hạng. Đó là :

– Hạng Bồ Tát hiện tiền được thọ ký.

– Hạng Bồ Tát được thọ ký, nhưng chẳng ở hiện tiền.

Bồ Tát hiện tiền được thọ ký cũng có 2 hạng. Đó là:

– Hạng Bồ Tát đã đầy đủ duyên để được thọ ký.

– Hạng Bồ Tát chưa đủ duyên, mà được thọ ký.

Người đầy đủ duyên để được thọ ký là người đã biết rõ thật tướng pháp, đã đầy đủ 6 pháp Ba La Mật.

Người chưa đầy đủ duyên mà được thọ ký là người, tuy chưa đầy đủ 6 pháp Ba La Mật, chưa khắp biết rõ thật tướng của hết thảy các pháp, chỉ mới vào được 1 phần trong Bát Nhã Ba La Mật, nhưng đã thâm nhập vào các tướng của bậc Bồ Tát bất thối chuyển.

Ví như ở phẩm kinh trước đã có nêu vài trường hợp như : Bồ Tát ở trong mộng thấy mình hành 6 pháp Ba La Mật, mà chẳng khởi tâm tác chứng; do chẳng khởi tâm tác chứng, nên chẳng lạc về Nhị Thừa địa. Bồ Tát này, dù chưa được đầy đủ bất thối chuyển, nhưng cũng đã được xem như vị Bồ Tát bất thối chuyển rồi vậy.

Nay cần nói rõ hơn nữa, Ví như nói Bồ Tát thường tu tập quán không, nên khi nằm mộng, thấy cảnh mộng thù thắng vẫn chẳng sanh tâm chấp đắm cảnh mộng … dẫn đến chẳng chấp đắm 3 cõi.

Bồ Tát hành như vậy là phát khởi tâm đại bi, thâm nhập vào Phật pháp, nên chẳng bị lạc về Nhị Thừa địa. Khi tỉnh thức cũng như trong mộng, Bồ Tát luôn nhận rõ hết thảy pháp đều là như mộng, như huyễn. Do vậy mà, dù ở hiện tiền chưa được đầy đủ Bồ Tát hạnh, mà đã được xem như bậc Bồ Tát bất thối chuyển. Vì sao?

Vì Bồ Tát ấy chẳng còn rơi về 2 chấp. Đó là :

– Chấp thế gian lạc.
– Chấp pháp Nhị Thừa.

Do Bồ Tát kiên tâm thâm nhập pháp không, nên được đầy đủ tâm từ bi, khiến ở trong mộng cũng chẳng còn tham chấp 3 cõi, chẳng còn tham chấp Nhị Thừa, huống nữa là khi tỉnh thức.

–o0o–

Bồ Tát, ở trong mộng, thấy chư Phật thuyết pháp, dạy về thật tướng nghĩa. Nghe nghĩa ấy xong, liền thâm nhập.

Bồ Tát ở trong mộng, thấy Phật thân vô lượng, thấy thân Phật như núi Tu Di, thấy thân Phật sắc vàng như vàng ròng, thấy chư Phật phóng vô lượng quang minh; từ nơi mỗi lỗ chân lông đều có quang minh; ở nơi mỗi quang minh đó đều có một vị Hoá Phật đang thuyết pháp và hành các Phật sự để độ thoát chúng sanh.

Nếu ở trong mộng, Bồ Tát thấy các cảnh như vậy, mà vẫn giữ tâm thanh tịnh, bất động, lại thấu rõ được thất tướng của các pháp, thì phải biết Bồ Tát ấy đã hiển thị tướng mạo của bậc Bồ Tát bất thối chuyển.

Bồ Tát thường hành rốt ráo không, nên chẳng còn chấp ngã và ngã sở, chẳng còn tiếc thân mạng, chẳng còn khởi sanh phiền não. Bởi vậy nên khi nằm mộng,  thấy chính mình hoặc thấy cha mẹ, anh chị em mình bị giết, hoặc thấy làng xóm, thôn ấp mình bị lửa thiêu rụi, Bồ Tát vẫn giữ tâm tỉnh giác, bất động. Khi tỉnh thức, Bồ Tát tự niệm cảnh mộng cùng hết thảy pháp trong 3 cõi đều là chẳng phải hai, chẳng phải khác; tất cả đều là mộng. Rồi Bồ Tát tự niệm, “Ta phải vì chúng sanh thuyết pháp ‘không’, dạy cho họ biết rõ hết thảy pháp thế gian đều là như mộng, như huyễn, chớ nên chấp ngã, chấp pháp, mà phải bị trầm luân mãi trong bể khổ sanh tử”.

Bồ Tát, ở trong mông, thấy chúng sanh bị đoạ lạc vào trong 3 đường ác, nên tự niêm, “Khi ta được Vô Thượng Bồ Đề, ta sẽ khiến cho cõi nước của ta chẳng còn 3 đường ác”.

Bồ Tát, ở trong mộng, thấy lửa địa ngục thiêu đốt chúng sanh, liền tự nguyện làm cho lửa địa ngục tự tiêu diệt, để cứu thoát chúng sanh. Khi tỉnh thức, thấy lửa thiêu đốt thành ấp, xóm làng cũng tự nguyện như vậy, khiến lửa tự tiêu diệt. Vì sao? Vì Bồ Tát trải qua vô lượng kiếp đã tu tập phước đức, đã thâm nhập vào thật tướng pháp, nên hàng Thiên Long Bát Bộ thường theo bên hộ trì, khiến ý nguyện của Bồ Tát được thành tựu, khiến lửa tự diệt.

Nếu ở nơi nào có nạn lửa, mà có nhà bị lửa thiêu cháy rụi, có nhà chẳng bị thiệt hại gì cả, thì phải biết chủ nhân của những nhà bị lửa thiêu rụi, ở đời trước đã phạm tội phá pháp, nên đời nay mới phải chịu quả báo như vậy; còn chủ nhân của những nhà được an ổn, ở đời trước đã gieo trồng phước đức, nên đời này mới được hưởng phước báo như vậy. Lại nữa, tuy Bồ Tát đã phát nguyện và đã được Thiên Long Bát Bộ hộ trì, nhưng vẫn chẳng sao cứu được những trường hợp của những người đã phạm tội nặng ở đời trước, mà đời này đã đến thời kỳ phải trả nghiệp quả báo.

–o0o–

Có Bồ Tát chưa được vô sanh pháp nhẫn, bị quỷ thần đến quấy nhiễu, đã phát nguyện khiến các quỷ thần tản đi nơi khác, mà vẫn được như nguyện. Đây là ác ma dùng uy lực khiến các quỷ thần phải tản đi nơi khác, chẳng phải là do oai lực của Bồ Tát ấy vậy. Thế nhưng, vị Bồ Tát ấy khởi niệm, “Ta có oai lực, khiến quỷ thần phải sợ hãi lánh đi nơi khác”. Tự niệm như vậy rồi, Bồ Tát ấy dấy niệm khinh khi các Bồ Tát khác, khiến phải bị ác ma sai sứ, dẫn dắt vào Nhị Thừa địa.

–o0o–

Lại có Bồ Tát chưa được chánh định, nhưng đã nghe ác ma tán thán rằng mình đã được thọ ký, nên dấy tâm kiêu mạn, khinh khi các Bồ Tát khác, khiến phải xa rời Vô Thượng Bồ Đề.

–o0o–

Lại có Bồ Tát chưa vào được nơi thật tướng pháp, chẳng biết rõ hết thảy các pháp đều là như mộng, như huyễn, nhưng khi nghe ác ma tán thán mình đã được thọ ký, mình sẽ thành Phật có hiệu đó, ở quốc độ đó v.v … liền tưởng là mình đã được thọ ký Vô Thượng Bồ Đề.

Do lầm tưởng như vậy, nên Bồ Tát ấy dấy niệm khinh khi các Bồ Tát khác, xa rời Vô Thượng Bồ Đề, lạc về Nhị Thừa địa.

Thế nhưng, nếu Bồ Tát ấy biết thành tâm sám hối, biết trở lại y chỉ nơi Bát Nhã Ba La Mật, thì nghiệp tội sẽ được tiêu trừ, và Bồ Tát ấy cũng có thể được Vô Thượng Bồ Đề.

Trái lại , nếu Bồ Tát ấy khởi tâm chấp danh vị do ác ma thọ ký cho , thì sẽ bị phạm trọng tội .Vì sao ? Vì tội chấp danh vị ,cho mình là Phật như vậy , còn nặng hơn 4 trọng tội của giới Tỳ kheo , nặng hơn cả 5 tội phản nghịch nữa .

–o0o–

Lại có Bồ Tát tìm chỗ hoang vắng , xa lìa bà con thân thuộc ,xa lìa hết thẩy các người khác, và cho rằng như vậy là mình hành hạnh viễn ly. Ác ma thường đến với Bồ Tát ấy, tán thán rằng hạnh viễn  ly đó là chân thật, được chư Phật ngợi khen. Bồ Tát ấy nghe nói như vậy, liền dấy tâm kiêu mạn, khinh khi các Bồ Tát khác tu tập ở chốn thành ấp, ồn ào, náo nhiệt. Do dấy niệm như vậy, nên xa lìa Vô Thượng Bồ Đề, lạc về Nhị Thừa địa.

Phật dạy, “Hành viễn ly chân thật là viễn ly tâm Nhị Thừa, viễn ly 3 cõi, chẳng phải là trốn tránh chúng sanh, xả bỏ chúng sanh như vậy. Người ở chốn huyên náo mà tâm chẳng loạn động đáng kính trọng hơn là người ở chốn tĩnh lặng mà tâm vẫn thường loạn động.

–o0o–

Cả 4 trường hợp vừa nêu trên đây đều là vi tế ma sự. Vì sao ? Vì nơi đây ác ma chẳng có làm trái ý các Bồ Tát ấy, chỉ nương theo tưởng niệm của họ, mà chuyển tâm họ thành tâm ma.

Kinh dạy, “Những Bồ Tát như vậy là kẻ giặc trong hàng sa môn, chớ nên thân cận”.

–o0o–

Phật dạy, “Bồ Tát muốn cầu Vô Thượng Bồ Đề phải nhất tâm thâm ái Phật pháp, xa lìa các lạc thú thế gian, và phải thân cận thiện tri thức”.

Bồ Tát muốn được Vô Thượng Bồ Đề phải tác hành 2 việc. Đó là :

– Phải trú tâm trong chánh niệm.

– Phải gần gũi thiện tri thức.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi, “Những ai là thiện tri thức của Bồ Tát ?”.

Phật dạy, “Chư Phật, chư Bồ Tát, chư A La Hán là thiện tri thức của Bồ Tát, 6 pháp Ba La Mật … dẫn đến nhất thiết chủng trí đều là thiện tri thức của Bồ Tát. Vì sao ? Vì nếu Bồ Tát thuận hành theo chư thiện tri thức đó, thì sẽ được Phật thọ ký bất thối chuyển.

Hỏi : Bồ Tát hành Bồ Tát đạo nên nhận 6 pháp Ba La Mật là thiện tri thức của mình. Còn chư vị A La Hán là Thanh Văn, vì sao nói chư vị ấy cũng là thiện tri thức của Bồ Tát được ?

Đáp : Có người, tuy nay là A La Hán, nhưng từ trước đã có tâm cầu đạo Vô Thượng, đã trải rộng đại từ bi thương xót các loài chúng sanh. Chư vị ấy ắt sẽ được Phật thọ ký, khiến hạt giống Phật chẳng đoạn dứt ở thế gian này.

Ví như các ngài Xá Lợi Phất, Tu Bồ Đề … vẫn thường vì hàng Bồ Tát nói về Bát Nhã Ba La Mật.

Ví như ngài Tu Bồ Đề thường hành vô tránh tam muội, thường hành từ bi tâm, nên vẫn thường thuyết pháp ‘không’ để giáo hoá hàng Bồ Tát.

Ví như ngài Ma Ha Ca Diếp đã dùng thần thông, giữ cho thân của ngài chẳng hoại ở trong núi Kỳ Xà Quật, cho đến thời Phật Di Lặc ngài mới ra khỏi núi, để cùng với Phật Di Lặc, vì đại chúng, tác hành các Phật sự.

Hỏi : Trong kinh có nói rằng 6 pháp Ba La Mật nhiếp trọn hết thảy các pháp. Như vậy vì sao lại phải nói đến 37 Phẩm Trợ Đạo … dẫn đến như pháp tánh thật tế đều là thiện tri thức của Bồ Tát làm gì nữa ?

Đáp : Khi thuyết về 6 pháp Ba La Mật, Phật rộng thuyết tất cả các hạnh Ba La Mật,  nhưng đặc biệt đã thuyết nhiều về Thiền Ba La Mật và Bát Nhã Ba La Mật, vì 2 Ba La Mật này là tối diệu, tối trọng.

Khi thuyết 6 pháp Ba La Mật, Phật cũng có nhắc đến 37 Phẩm Trợ Đạo … dẫn đến nhất thiết chủng trí. Ở nơi 37 Phẩm Trợ Đạo, Phật đặc biệt thuyết về 4 niệm xứ. Vì sao ? Vì hành 4 niệm xứ, giúp Bồ Tát vượt ra khỏi các pháp hư vọng.

Bởi vậy nên nói ngoài 6 pháp Ba La Mật ra, thì 37 Phẩm Trợ Đạo … dẫn đến nhất thiết chủng trí đều là thiện tri thức của Bồ Tát cả.

–o0o–

Lại nữa, 6 pháp Ba La Mật là thật pháp, chẳng thể phá hoại. Bởi vậy nên nói 6 pháp Ba La Mật là Thế Tôn. Người tu hành 6 pháp Ba La Mật sẽ được vô lượng Phật pháp. Y theo 6 pháp Ba La Mật mà tư duy … dẫn đến chánh ức niêm, tu tập, thì sẽ có được đại trí huệ, sẽ phá được lớp vỏ vô minh, nên nói Bát Nhã Ba La Mật là đại minh, đại trí, đại huệ; cũng là pháp cứu cánh, là chỗ quy y, là cồn đảo, là cha, là mẹ của Bồ Tát.

Trước đây đã nói Bát Nhã Ba La Mật là mẹ của chư Phật và chư Bồ Tát; nay nói thêm 5 Ba La Mật kia là cha. Bát Nhã Ba La Mật hoà hợp với 5 Ba La Mật kia là cha mẹ của 10 phương 3 đời chư Phật.

Trong quá trình hành Bồ Tát đạo, Bồ Tát phải học 37 Phẩm Trợ Đạo … dẫn đến học nhất thiết chủng trí, nên Phật dạy rằng, “6 pháp Ba La Mật, 37 Phẩm Trợ Đạo … dẫn đến nhất thiết chủng trí đều là Thế Tôn, là đạo, là đại minh, là đại trí, là đại huệ; cũng đều là pháp cứu cánh, là chỗ quy y, là cồn đảo, là cha, là mẹ của Bồ Tát.

Lại nữa, muốn tự độ và độ tha, muốn thành tựu chúng sanh, và thanh tịnh Phật độ, thì Bồ Tát còn phải học và hành đầy đủ 4 nhiếp pháp, gồm có bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự.

–o0o–

Muốn chẳng bị lầm pháp, thì Bồ Tát phải tự mình thâm nhập vào nơi thật tướng pháp, phải học đầy đủ các pháp môn như vậy, nên chẳng tin theo lời ác ma khuyến dụ.

Tu học như vậy, Bồ Tát sẽ dần dần được đầy đủ các Phật pháp, đầy đủ thành tựu chúng sanh, thanh tịnh Phật độ.

Khi đã được Phật đạo rồi, Bồ Tát sẽ dùng các lực phương tiện, nhằm đoạn nghi cho chúng sanh, giáo hoá họ, và dẫn họ vào đạo.

Bồ Tát học tất cả các pháp, hành tất cả các pháp. Trong lúc học và hành như vậy, Bồ Tát trọn chẳng ly Bát Nhã Ba La Mật. Vì sao ? Vì Bát Nhã Ba La Mật thu nhiếp hết thảy pháp, từ thế gian đến xuất thế gian, từ Tiểu Thừa đến Đại Thừa; chẳng có pháp nào mà chẳng được giải rõ trong Bát Nhã Ba La Mật cả.

(Hết quyển 76)